Nông trường Seosan vừa kết thúc đợt gieo hạt cuối cùng vào ngày 20 tháng Năm. Mới ngày nào nơi đây hãy còn là một mảnh đất hoang vu mà nay đã được phủ một màu xanh mát rượi của cánh đồng lúa mới dập dờn.
Ai ghé thăm nông trường này cũng đều choáng ngợp bởi sự rộng lớn của nó. Thế nhưng ban đầu, tôi không mấy để tâm đến diện tích mênh mông mà phải mất hơn ba giờ đồng hồ đi xe ô-tô với vận tốc 40km/giờ mới đi hết một vòng của nơi này. Tôi chỉ đơn giản thấy rằng đây là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng nông trường.
Đối với tôi, ý nghĩa của nông trường Seosan không nằm ở những con số mang lại lợi ích kinh tế hay diện tích rộng hút mắt của nó. Nông trường Seosan là món quà muộn màng mà tôi dành tặng cha, người đã lam lũ cả đời để khai khẩn vùng đất hoang tàn sỏi đá đến mức không còn chiếc móng tay nào lành lặn. Mỗi khi nhìn lại nơi này, tôi đều nhớ đến người cha sớm hôm vất vả đã ra đi khi không kịp nhìn thấy nông trường này, và nỗi buồn thương vô hạn lại dâng lên trong tôi. Nhưng tôi tin rằng từ thiên đường, cha tôi luôn dõi theo và mãn nguyện với nông trường bạt ngàn được gây dựng bởi con trai ông - con trai của một người nông dân cả đời cần lao.
Cha tôi là một người nông dân chân chính. Ông sinh ra là nông dân, sống một đời gắn liền với đồng ruộng và đến tận ngày từ giã cõi đời, ông vẫn là một nông dân. Cha cho tôi cơ hội được có mặt trong cuộc đời này, cho tôi cuộc sống và một sức khỏe dẻo dai, món quà vô giá mà không phải ai cũng có được. Nhưng quan trọng hơn cả, cha đã dạy tôi lối sống cần cù, lòng kiên nhẫn và ý chí kiên cường; ông dạy tôi đạo đức và trách nhiệm làm người, nhờ đó tôi mới có được ngày hôm nay. Cha tôi chính là người thầy vĩ đại nhất trong đời tôi.
Trong mắt mọi người, cha tôi chỉ là một nông dân bình thường như bao nông dân ngoài kia, nhưng đối với tôi, cha là người mà tôi kính trọng và ngưỡng mộ hơn bất kỳ ai trên thế gian này. Mỗi lần đến nông trường, tôi đều quan sát mọi thứ, thăm các khu chuồng trại và thậm chí là đưa ra các chỉ thị như cha tôi từng làm trước kia, như thể ông luôn hiện diện ở nơi này và chưa từng rời đi.
Năm nay tôi tám mươi tuổi, sống lâu hơn hai mươi năm so với cha tôi, người đã ra đi không lâu sau khi bước qua tuổi sáu mươi mốt. Câu nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (hiếm ai có thể sống đến tuổi bảy mươi) không còn đúng nữa, vì tuổi thọ trung bình hiện nay của con người đã tăng lên. Thế nên tôi luôn cảm thấy sống đến tám mươi tuổi như tôi có thể được xem là đủ cho một đời người, nhưng cũng không phải là điều gì đáng để khoe khoang.
Năm nay, Công ty Xây dựng Hyundai kỷ niệm năm mươi năm thành lập. Năm mươi năm là nửa thế kỷ với bao thăng trầm. Trong năm mươi năm này, Hàn Quốc đã trải qua thời kỳ làm thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản, thực thi rất nhiều chính sách quân sự để cuối cùng có được ngày giải phóng 15 tháng Tám năm 1945, sau đó đến cuộc chiến tranh tương tàn từ ngày 25 tháng Sáu năm 1950, cuộc cách mạng ngày 19 tháng Tư năm 1960, cuộc đảo chính quân sự ngày 16 tháng Năm năm 1961, cuộc chính biến ngày 26 tháng Mười năm 1979, ba mươi năm chính phủ quân sự từ thời Chun Doo-hwan đến Roh Tae-woo và năm năm chính phủ dân sự của Kim Young-sam(3).
(3) Chính khách, nhà hoạt động dân chủ Hàn Quốc và là tổng thống thứ bảy của Hàn Quốc từ năm 1993 đến 1998.
Chúng tôi đã trải qua nửa thế kỷ đầy biến động, không có lấy một ngày bình yên. Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi không khỏi tự hào khi Tập đoàn Hyundai vẫn bám trụ qua dông bão và tăng trưởng như ngày hôm nay.
Mọi người trong đại gia đình Hyundai đều muốn tôi viết một quyển hồi ký để kỷ niệm năm mươi năm đầy thách thức và đáng tự hào này.
Tôi biết trong suốt thời gian qua đã có một vài quyển sách viết về cuộc đời tôi, trong đó có quyển là tiểu thuyết và có quyển là tài liệu tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Mặc dù cũng có ít nhiều thông tin sai lệch, nhưng nhìn chung thì nội dung của những quyển sách đó vẫn giống nhau ở những điểm cốt lõi, vì thật ra chúng đều được viết dựa trên phát biểu của tôi. Tôi từng băn khoăn không biết có cần tự viết một quyển hồi ký của riêng mình hay không, nhưng rồi tôi nghĩ đúc kết lại những ngày tháng mình đã sống cùng với những chiêm nghiệm của bản thân một cách có hệ thống hơn cũng không phải là một ý tưởng tồi. Đó là lý do tôi đồng ý viết quyển sách này.
Như mọi người đã biết, trình độ học vấn chính quy của tôi chỉ giới hạn ở bậc tiểu học và bản thân tôi không phải là một nhà văn, nhà tư tưởng hay một người có nhân cách lỗi lạc để làm tấm gương cho người đời. Hơn nữa, vì mải bận rộn với công việc nên tôi cũng không có thời gian để nghĩ ra những triết lý to lớn. Tuy nhiên, bất chấp những khuyết điểm đó, tôi vẫn viết quyển hồi ký này với mong muốn gửi gắm một thông điệp đến thế hệ trẻ, những người gánh vác trên vai tương lai đất nước. Thông điệp của tôi rất đơn giản, đó là chỉ cần giữ vững niềm tin và kiên trì nỗ lực hết mình thì ai cũng có cơ hội thành công.
Có người từng nói “Thời gian là nguồn vốn được chia đều cho tất cả mọi người” và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nếu tôi được xem là một người thành công trong một lĩnh vực mà tôi chọn thì đó là nhờ tôi luôn nỗ lực hết mình dựa trên niềm tin sắt đá và biết tận dụng “nguồn vốn được chia đều” này.
Tuy dành phần lớn thời gian để đốt nương làm rẫy trồng trọt nhưng cha tôi cũng chú trọng chăn nuôi. Anh em tôi từ nhỏ đã được cha dạy cách bó rơm cho bò ăn. Phần tiền lời có được từ hoạt động chăn nuôi bò thường được cha tôi dùng để giúp đỡ các cô chú của tôi vào những dịp đặc biệt như dựng vợ gả chồng. Những năm không có sự kiện lớn nào phải lo, cha lại dùng tiền bán bò để mua thêm đất trồng trọt.
Nông trường Seosan ngày nay có 1.700 con bò và bình quân mỗi ngày có thêm bốn chú bê chào đời. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh hai chú bê được sinh ra chưa tới một giờ đồng hồ đang quấn quýt bên bò mẹ và chớp đôi mắt ngây thơ nhìn tôi.
Đối với tôi, nông trường Seosan không chỉ là một nông trường mà còn là thánh địa của riêng tôi, nơi linh hồn và trái tim tôi được hòa chung nhịp đập với cha.
Cuối năm 1997,
Viết tại thư viện phường Cheongun,
Chung Ju-yung