Quyển tự truyện của cha tôi được xuất bản lần đầu vào năm 1997 và vẫn luôn là tài liệu quý giá nhất về cuộc đời của ông. Tôi rất vui mừng khi được viết lời tựa cho bản dịch tiếng Việt được xuất bản lần này.
Cha tôi là một trong những người góp phần gây dựng nên đất nước Hàn Quốc. Ông đã xây dựng các công trình chủ chốt như đập sông Soyang và đường cao tốc Gyeongbu, con đường huyết mạch nối liền Seoul với Busan mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. Cha tôi đã tạo dựng, phát triển Công ty Hyundai và đạt được những thành tựu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Không những vậy, ông còn xây nhiều trường học, bệnh viện và quỹ phúc lợi xã hội lớn nhất Hàn Quốc. Ông có công lớn trong sự kiện Hàn Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội Seoul 1988. Bằng những kế hoạch táo bạo, ông cũng góp phần hâm nóng mối quan hệ liên Triều vốn đã nguội lạnh từ xưa.
Riêng đối với tôi, cha là người đã dành hết tình yêu thương và dạy dỗ tôi thành con người của ngày hôm nay. Tôi muốn miêu tả cha bằng chính những lời ông đã dùng để nói về ông nội tôi: “Cha đã cho tôi thân thể và linh hồn này, đã tặng tôi một cơ thể khỏe mạnh, dạy tôi đạo đức làm việc, tính cần kiệm, kiên nhẫn, lòng quyết tâm và tinh thần cống hiến. Cha chính là người đã dạy tôi những đạo lý giúp định hình tôi của ngày hôm nay. Ông là người cha và người thầy vĩ đại nhất của tôi”.
Khi đọc quyển tự truyện này, tôi cảm nhận được sự hiện diện của cha như thể ông đang ở bên cạnh. Khi biết tất cả những thăng trầm mà cha phải trải qua để có thể mang lại cho tôi những cơ hội quý giá nhất, tôi đã nhìn lại đời mình với lòng biết ơn vô hạn và tự hỏi mình đã đáp ứng được phần nào những kỳ vọng của cha hay chưa.
Quyển sách này còn nhắc nhớ rất nhiều kỷ niệm vô giá về cha tôi.
Khi tôi nhớ về cha, những ký ức sâu đậm nhất mà tôi có không phải là những thành tựu của ông, mà là những chuỗi ngày vất vả ông đã trải qua để xây dựng sự nghiệp.
Tại sao người ta khởi nghiệp? Câu trả lời thường thấy là để nuôi sống gia đình và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Chuyện này nói thì dễ và chúng ta thường quên rằng tạo dựng doanh nghiệp và kinh doanh là những việc vất vả đến dường nào. Như cha tôi từng nói: “Trong quá trình xây dựng và điều hành công ty, tôi biết rõ người chủ doanh nghiệp phải lao tâm khổ tứ, nếm trải những nhọc nhằn và đắng cay mà chẳng ai biết như thế nào”.
Từ lúc bắt đầu lập nghiệp với nghề sửa chữa ô-tô trong một ga-ra tạm bợ, đến khi tạo dựng được nền tảng cho một cơ ngơi mà sau này trở thành nhà máy đóng tàu quy mô lớn nhất thế giới, mỗi ngày cha tôi đều phải chống chọi bên bờ vực phá sản, nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh trong khi có quá nhiều sự cố cũng như sai lầm có thể - và đã - phát sinh. Vào một buổi sáng sớm mưa gió mịt mù của năm 1973, khi cha tôi tự lái xe đến công trường nhà máy đóng tàu Ulsan thì chiếc xe jeep của ông lao khỏi đê chắn sóng và rơi thẳng xuống biển. Khi nước bắt đầu tràn vào và ông đang dùng hết sức bình sinh đạp bung cửa xe để tìm đường thoát thân, ông nhớ mình đã nghĩ: “Nếu mình không thoát được, người ta sẽ kháo nhau rằng mình vì không thể trả nổi món nợ khổng lồ nên mới quyên sinh”.
Cha tôi cũng là người đã dành cả đời để biến những điều có vẻ không tưởng trở nên khả thi. Từ việc tự vực dậy bản thân sau khi xưởng sửa chữa ô-tô đầu tiên bị thiêu rụi, đến hoàn thành công trình xây dựng Đập Soyang, đường cao tốc Gyeongbu, rồi thành lập Công ty Ô-tô Hyundai và Công ty Công nghiệp nặng Hyundai, triển khai dự án khai hoang Seosan, giành quyền đăng cai Thế vận hội 1988, cho đến vận chuyển một đàn bò qua Khu phi quân sự giữa Nam và Bắc Triều Tiên, cha tôi đã làm được những việc mà người khác cho là bất khả thi. Mỗi khi ai đó nói rằng một dự án nào đó là “không thể làm được”, cha tôi luôn đáp lại bằng câu nói nổi tiếng của ông: “Anh đã làm thử chưa?”.
Cha tôi trưởng thành trong giai đoạn đất nước chúng tôi còn là thuộc địa của Đế quốc Nhật. Hàn Quốc giành độc lập vào ngày 15 tháng Tám năm 1945, năm đó cha tôi ba mươi tuổi. Ngay cả sau giải phóng, Hàn Quốc vẫn là một quốc gia nhỏ hứng chịu hậu quả chiến tranh nặng nề, là nơi có địa chính trị phản ánh sự kém phát triển của nền kinh tế lẫn chính trị quốc gia. Hàn Quốc vào thời điểm đó gần như không có triển vọng. Nhưng cha tôi vẫn luôn tin tưởng bản thân và người dân Hàn Quốc, những người mà ông cho là “trung thực, có đạo đức và tinh thần cao thượng”. Quyển tự truyện này ghi lại quá trình đấu tranh của cha tôi khi ông phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách tại tuyến đầu của nền kinh tế mong manh mới bắt đầu phát triển của Đại Hàn Dân Quốc.
Ngày nay, Hàn Quốc đứng thứ bảy trong số các quốc gia có dân số trên năm mươi triệu người trên thế giới đạt mức thu nhập bình quân đầu người vượt quá 30 ngàn đô-la. Nếu đánh giá theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity)(1), thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc tương đương với Nhật Bản. Bằng cách nào đó, cha tôi và những người cùng thời với ông đã có thể vận dụng các nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường tự do để dẫn dắt Hàn Quốc vươn lên vị thế như ngày nay. Đó là bằng chứng thép cho phẩm chất tuyệt vời và những thành tựu vĩ đại của họ.
(1) Một kiểu tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước. Các nhà kinh tế học tính xem cùng một lượng hàng của cùng một thứ hàng hóa khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra ra sao, rồi từ đó so sánh sức mua của hai đơn vị tiền tệ.
Phần lớn kiến thức mà cha tôi có được là nhờ tự học. Toàn bộ quá trình học tập chính quy của ông chỉ gói gọn trong ba năm học chương trình Nho giáo ở trường làng do cụ cố tôi mở, cùng với ba năm học tiểu học theo chương trình hiện đại. Tuy nhiên, cha tôi đã bù đắp mọi sự thiếu hụt bằng cách đọc rất nhiều sách. Ông chia sẻ: “Mặc dù chỉ mới học hết tiểu học nhưng tôi luôn thích đọc những quyển sách hay. Nếu người thầy đầu tiên trong đời tôi là cha mẹ tôi thì người thầy thứ hai chính là những quyển sách. Nhờ đọc sách, tôi hiểu được cuộc đời là một chuỗi ngày. Tìm kiếm ý nghĩa của cả đời người là một việc quan trọng, nhưng có lẽ tìm được ý nghĩa của từng ngày trong cuộc đời này lại càng quan trọng hơn”.
Cha tôi là người có tư duy tích cực và nguyên tắc làm việc rõ ràng. Ông có thể thấy được hy vọng ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Điều này được thể hiện rõ qua cách ông miêu tả những ngày phụ giúp ông nội tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên mảnh ruộng khiêm tốn của gia đình: “Thật may mắn khi tôi là người lạc quan bẩm sinh. Tôi có khả năng tập trung vào mặt tích cực thay vì tiêu cực. Từ khi mười tuổi, tôi đã cùng cha làm việc không ngơi tay dưới cái nắng gay gắt. Tôi làm quần quật cả ngày, chẳng lúc nào ngơi tay. Nhưng suốt quãng thời gian đó, tôi chưa từng than thở hay chểnh mảng. Những lúc được phép nghỉ ngơi dưới tán cây chính là những khoảnh khắc quý giá mà tôi có thể cảm nhận làn gió mát lành với niềm hạnh phúc vô bờ. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi trở về nhà, ngủ một giấc thật say đến sáng và lại sẵn sàng cho một ngày lao động cật lực khác. Thời đó, mỗi bát cơm đều có vị ngọt ngào như mật”.
Cha tôi là một người yêu nước chân chính. Ngay cả khi phải liên tục căng mình đấu tranh để duy trì công việc kinh doanh của mình, ông không bao giờ quên bức tranh lớn về lợi ích quốc gia: “Hyundai không phải là một tập hợp của những kẻ đi buôn đơn thuần vì lợi nhuận, mà là một nhóm những cá nhân kiệt xuất đồng lòng đáp lại tiếng gọi của Tổ quốc để tiên phong trong công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc gia và trở thành điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế đó phát triển phồn vinh”.
Khi Chính phủ Hàn Quốc đề nghị cha tôi đảm nhận việc giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 1988, một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi, ông đã đón nhận thử thách mà không chút do dự. Đối thủ cạnh tranh của Hàn Quốc lúc đó là Nhật Bản. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc được đánh giá không phải là nơi thích hợp để đăng cai Thế vận hội. Tổng thống Park Chung-hee, người chủ trương xúc tiến việc này, đã bị ám sát. Nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng. Trong giai đoạn đầu của quá trình bình chọn, người ta còn nói đùa rằng có lẽ Hàn Quốc chỉ nhận được tối đa là hai phiếu bầu, trong đó một phiếu của chính đại diện Hàn Quốc và phiếu còn lại đến từ một thành viên kém tỉnh táo nào đó trong Ủy ban Olympic Quốc tế. Với tình hình không hề khả quan như vậy, cha tôi vẫn có thể xoay xở để giành quyền đăng cai về cho Hàn Quốc.
Khi đang vận động quyền đăng cai Thế vận hội ở Baden-Baden (Đức), nơi tổ chức phiên họp của Ủy ban Olympic Quốc tế, cha tôi thường được hỏi tại sao Hàn Quốc nên là quốc gia đăng cai Thế vận hội, và đây là câu trả lời của ông: “Nhật Bản đã đăng cai Thế vận hội Tokyo vào năm 1964 rồi. Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á”. Chính quyết tâm sắt đá, sự sáng tạo và nhân phẩm cao đẹp của cha tôi đã làm lay động các thành viên Ủy ban và nhờ đó, họ đã bỏ phiếu cho Seoul. Tôi đã ở bên cạnh cha và chứng kiến tất cả những chuyện đó.
Thế vận hội Seoul 1988 là cơ hội để Hàn Quốc tự khẳng định và chứng tỏ vị thế của mình trên trường quốc tế. Đây là Thế vận hội đầu tiên có sự tham dự của các quốc gia thuộc khối phía Đông lẫn khối phía Tây, sau sự kiện Thế vận hội năm 1980 tại Mát-xcơ-va bị các nước khối phía Tây tẩy chay và Thế vận hội Los Angeles năm 1984 không được lòng các nước thuộc khối phía Đông. Trước khi Thế vận hội Seoul 1988 diễn ra, các nước thuộc khối phía Đông vẫn tuyên truyền rằng Hàn Quốc vẫn đang loay hoay trong đống đổ nát sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và đường phố nơi đây thì đầy người ăn xin.
Cha tôi nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc sau khi vận động thành công quyền đăng cai Thế vận hội 1988. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội tham gia giới thể thao trong nước và quốc tế, sau đó giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc và giành được quyền đồng đăng cai World Cup Hàn - Nhật năm 2002. Cha tôi đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội cũng như nhiều điều tốt đẹp khác mà tôi có được trong đời, và tôi vô cùng biết ơn ông.
“Mảnh đất nơi mình sinh ra” là điều thiêng liêng nhất đối với cha tôi. Ông luôn thương nhớ cố hương ở thôn Asan dưới chân núi Geumgang, ngày nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên. Công trình cha tôi yêu thích nhất là khách sạn do ông xây dựng ở Gangneung, vì đó là địa phương gần với quê nhà phương Bắc nhất mà ông có thể đến được. Khi có cơ hội để giúp Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên hòa giải, cha tôi đã lập tức bắt tay vào xúc tiến mọi việc, với tầm nhìn và tất cả nhiệt huyết của mình. Trong chuyến đi thăm Bắc Hàn, cha tôi đã cùng phái đoàn vượt qua Khu phi quân sự cùng với 1.001 con bò được nuôi ở Seosan, nông trường do cha tôi xây dựng để tưởng nhớ ông nội tôi, một người nông dân.
Đối với cha tôi, đàn bò này là “quà hồi hương” của ông. Khi bỏ nhà đi lần thứ ba, cha tôi đã lấy theo toàn bộ số tiền mà ông nội tôi có được nhờ bán con bò duy nhất trong nhà. “1” trong “1.001” con bò tượng trưng cho việc cha tôi trả lại “nợ gốc” (1 con bò) cộng với số lãi gấp 1.000 lần (1.000 con bò) và 100 chiếc xe tải Hyundai mới toanh để vận chuyển đàn bò.
Cha tôi cũng hỗ trợ Bắc Triều Tiên bằng cách dành rất nhiều tâm huyết cho dự án xây dựng Khu Công nghiệp Kaesong và Khu du lịch Núi Geumgang. Đến tận ngày nay, đây vẫn là hai dự án hợp tác duy nhất thật sự có hiệu quả và mang lại lợi ích cho cả Nam lẫn Bắc Triều Tiên.
Hiện tại, mối quan hệ liên Triều đang trong giai đoạn khủng hoảng. Nền kinh tế và chính trị Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Một số người nói rằng “Kỳ tích sông Hán”(2) đang trở thành hy vọng hão huyền. Mỗi khi nghe những lời như thế, tôi tự hỏi cha tôi sẽ làm gì nếu ông ở đây vào lúc này.
(2) Cụm từ đề cập tới thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc tại Hàn Quốc, đặc biệt là tại thủ đô Seoul, nơi có sông Hán chảy qua. Quá trình này diễn ra từ giữa thế kỷ 20 và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 21.
Cha tôi có thể giữ bình tĩnh dù gặp khó khăn hay thử thách lớn đến mức độ nào đi nữa, và khả năng này đến từ sự bình yên nội tại của ông. Tôi có thể cảm nhận được sự bình yên này qua bài thơ yêu thích của cha tôi, bài Thanh sơn (tạm dịch: Núi xanh đang nhìn tôi) do một thi sĩ Hàn Quốc sáng tác vào thế kỷ 14.
Núi xanh nhìn tôi, sống đời lặng lẽ
Trời xanh nhìn tôi, sống không vướng bụi trần
Rũ bỏ yêu thương, cởi bỏ hận thù
Như dòng nước trôi, như làn gió cuốn, sống rồi ra đi.
Núi xanh nhìn tôi, sống đời lặng lẽ
Trời xanh nhìn tôi, sống không vướng bụi trần
Vứt bỏ cơn giận dữ, từ bỏ sự tham lam
Như dòng nước trôi, như làn gió cuốn, sống rồi ra đi.
Cha tôi đã sống một cuộc đời trọn vẹn. Vào những năm cuối đời, khi nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, cha tôi viết: “Tôi cảm thấy tự hào vô tận vì đã được sinh ra trên mảnh đất này và đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước với tư cách một doanh nhân và một người lao động”.
Tôi nhớ sự từng trải, lối suy nghĩ tích cực và ý chí vượt khó của ông. Là một người con nhận được nhiều tình yêu thương từ cha mình, tôi nhớ cha vô cùng.
Quyển sách này xin được dâng lên hương hồn cha.
Chung Mong-joon