Chàng trai trẻ hãy còn một câu hỏi nữa.
- Liệu có bao giờ cháu hiểu thấu được sự sống và cái chết như ông không hở ông?
- Sẽ được, nếu cháu sống đủ lâu. - Người ông đáp lời. - Có những điều trên đời mà nhiều lúc, bản thân ông cũng ước sao ông hiểu được rõ hơn. Cuộc hành trình của ông đã kết thúc đâu. Vậy chắc còn nhiều điều nữa để ông học hỏi. Nhưng ông biết rằng nếu cháu hiểu được sự sống thì cháu sẽ hiểu được cái chết.
- Cái chết thì có gì để hiểu ạ? - Chàng trai trẻ hỏi lại. - Như cháu thấy thì cha cháu đã chết yểu. Tại sao cái chết lại không thể đợi hở ông?
- Cái chết không phải là nguyên do cháu à. - Người ông phân tích. - Cái cướp đi cha của cháu là bệnh tật. Cái chết thường là hệ quả của những quyết định mà chúng ta đã đưa ra trong đời. Có người lái xe qua một khúc quanh quen thuộc hàng trăm lần, nhưng một ngày kia vì quyết định lái xe trong lúc say xỉn mà trượt tay lái. Cái chết đã đợi chúng ta ngay từ cái ngày ta được sinh ra. Sự thật đó khiến phần đông người đời hoảng sợ, bởi mọi người đều nghĩ cái chết là sự kết thúc đau thương.
Cha của ông - tức là ông cố của cháu - là một thầy lang theo kiểu cổ truyền của tộc ta. Trước khi chết ông cố đã bảo bà cố rằng ông chỉ muốn được an táng trong một quan tài bằng gỗ. Ông muốn cơ thể mình về với đất - nơi nguồn cội - mà không vướng phải trở ngại gì. Nhiều người quan niệm chết là hết. Ông cố thì xem cái chết như là cái kết của một chuyến du hành và là khởi đầu của cuộc hành trình kế tiếp. Ông cố tin rằng áo quan bằng kim loại là sự phủ nhận cái chết, bởi nó cản trở thân xác trở về với cát bụi. Nếu cháu đến thăm bất cứ nghĩa trang nào trên đất nước này, cháu sẽ thấy xã hội luôn phủ nhận cái chết. Người ta chôn cất thân nhân trong những hầm mộ bằng cẩm thạch, đá hoa cương hoặc bằng thép, nghĩ rằng đó là hành động cuối cùng để thể hiện tình yêu thương của họ dành cho người đã khuất. Cũng bởi những điều cha ông răn dạy mà ông xem hành động đó chính là việc cản không cho cuộc hành trình trên cõi trần này kết thúc. Và rồi nó sẽ ảnh hưởng đến thời khắc linh hồn ta khởi đầu chuyến đi đến thế giới bên kia.
Cha ông không sợ chết, mà ông nghĩ đôi lúc ông ấy sợ sống như tất cả chúng ta. Ông cố sợ thất bại, sợ bệnh tật, sợ cuộc sống thiếu vắng vợ. Ông cố thường sợ rằng mình đã không cố gắng hết sức trong chuyện này hoặc chuyện khác. Nhưng ông chưa bao giờ sợ chết.
Ta có thể chết đi do tai nạn, do bệnh tật, chiến tranh, tuổi già, do ai đó, hoặc bởi chính mình. Người đời thường đưa ra phán xét cuối cùng về ta dựa trên cách ta chết, nhưng ông nghĩ nếu đã đánh giá con người ta thì nên đánh giá cách sống.
Cha cháu là một người tốt và cha cháu đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Cháu không nên lãng phí tâm sức khi cứ mãi oán hờn về cái cách cha cháu chết; mà thay vào đó hãy tôn vinh cái cách mà cha đã sống. Đó mới chính là di sản lớn nhất của đời cha cháu chứ không phải là cái chết của nó.
Đoạn, hai ông cháu cùng ngồi trong im lặng dưới bóng râm của cây dương già và lắng nghe làn gió nhẹ khẽ lay động những chiếc lá. Chàng trai trẻ rất kính nể sức mạnh tinh thần to lớn của ông mình và thầm biết ơn những lời lẽ động viên an ủi đã mang đến chút bình yên cho anh trong lúc anh đang đau khổ và hoang mang nhất.
- Cháu không biết cảm ơn ông thế nào cho đủ, ông ạ. - Anh thú nhận. - Một ngày nào đó cháu hy
vọng cháu có thể thông thái được một nửa của ông. Cảm ơn ông vì tất cả những điều ông đã dạy bảo.
- Ông của ông cũng đã từng nói với ông những lời như thế rất nhiều lần trong suốt cuộc hành trình của ông. Ông ấy thường nhắc nhở ông cũng như ông nhắc nhở cháu bây giờ. Chính trải nghiệm cuộc đời là nguồn cơn của những hiểu biết ít ỏi mà ông có được.
Những trải nghiệm ấy luôn hiện diện quanh ta. Chúng có trong cơn bão thách thức cháu, và cả trong nguồn sức mạnh thúc đẩy cháu đối mặt cơn bão đó. Chúng là lời nguyện cầu qua cơn tuyệt vọng, là ánh mặt trời soi sáng gương mặt cháu mỗi ngày. Chúng ở bên cháu khi chiến thắng và ôm lấy cháu đầy sẻ chia khi cháu gặp thất bại. Chúng đã ở đây khi cháu đến với thế giới này và bắt đầu cuộc hành trình, rồi chúng cũng ở cạnh bên khi cháu rời thế giới này để bước vào một hành trình khác.
Chàng trai trẻ lại ngồi im và mải suy nghĩ về những lời của ông mình. Rồi anh thì thầm:
- Cháu cảm ơn ông.
Và anh sẽ luôn nhớ về cái cách mà cơn gió nhẹ trở nên mạnh mẽ hơn và khiến cho tàn lá dương xao xác, dù chỉ là trong khoảnh khắc. Giữa tiếng lá cây xào xạc, anh nghe văng vẳng một giọng nói khỏe nhưng dịu dàng và rất có vần điệu. Nhưng nó lại không rõ lắm.
- Ông ơi, ông có nghe tiếng nói vang lên trong lá không ông? - Anh hỏi.
Lão Ưng mỉm cười.
- Dĩ nhiên là có. - Ông nhẹ nhàng đáp.
- Nó nói gì thế ạ?
- Đó là tiếng của cuộc sống này. Nó bảo ta rằng
Hãy Tiến Lên.
***
Một chàng thanh niên đã hỏi người ông của mình tại sao có những lúc cuộc sống lại khó khăn đến vậy, và người ông đã nói rằng:
"Cuộc sống có niềm vui và nỗi buồn, có thắng lợi và mất mát, có vấp ngã và đứng lên, có đói khổ lẫn sung túc, có cái tốt và cả cái xấu… Ông nói thế không phải để làm cháu tuyệt vọng mà để cháu biết rằng cuộc sống là cả một cuộc hành trình, có lúc ta bước đi trong ánh sáng nhưng cũng có khi ta phải lầm lũi trong bóng đêm.
Cháu không quyết định được việc mình có góp mặt trên cõi đời này hay không, nhưng rõ ràng là cháu đang tồn tại trên thế gian này. Cháu có khuyết điểm lẫn ưu điểm, và sở dĩ cháu có cả hai thứ ấy vì mọi vấn đề trong cuộc sống này đều có hai mặt. Bên trong cháu là khát khao chiến thắng nhưng cũng có tâm lý sẵn sàng thua cuộc. Bên trong cháu là trái tim luôn đầy lòng trắc ẩn và cả sự hẹp hòi ngạo mạn. Bên trong cháu là sự sẵn sàng đối mặt cuộc sống nhưng cũng có những nỗi sợ hãi khiến cháu phải chùn lòng.
Cuộc sống có thể khiến cháu trở nên mạnh mẽ. Sức mạnh đến từ việc cháu dám đối mặt với những giông tố cuộc đời, nếm trải mất mát, cảm nhận nỗi buồn và khổ đau hay rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Cháu phải vượt qua những giai đoạn sóng gió ấy. Cháu phải đối mặt với gió rét, với cái lạnh cắt da và với bóng tối rình rập. Bão tố càng mạnh cháu càng phải vững tay chèo bởi nó không phải đang cố quật ngã cháu mà thực sự nó đang tôi luyện cho cháu sự mạnh mẽ, kiên cường.
Trở nên mạnh mẽ nghĩa là cố lên đến đỉnh đồi dù cháu đã hoàn toàn kiệt sức. Nghĩa là để cho nước mắt xóa nhòa nỗi đau. Nghĩa là tiếp tục tìm kiếm câu trả lời dù bóng tối tuyệt vọng đang bủa vây quanh cháu. Trở nên mạnh mẽ nghĩa là vẫn nuôi hy vọng rằng con tim sẽ đập thêm một nhịp, rằng lại thấy bình minh. Mỗi bước đi, dù khó khăn đến đâu, vẫn là một bước tiến. Chừng nào trái tim còn đập thì ta còn giữ cho niềm hy vọng sống mãi, điều đó sẽ đưa ta đến với ánh bình minh và hứa hẹn về một ngày mới.
Bước chân yếu ớt nhất về phía đỉnh đồi, về phía ánh mặt trời, về phía hy vọng, còn mạnh mẽ hơn cả cơn bão dữ dội nhất."
Và người ông đã nói rằng: "Hãy tiến lên!"
Lời nguyện cầu
Tiếp bước
Hỡi Trời cao Cha của muôn loài,
Là Con nguyện xin Người,
Xin Người hãy xót thương.
Hỡi Đất Mẹ,
Là Con nguyện xin Người,
Xin Người hãy xót thương.
Hỡi tất cả người thân yêu của tôi ở bốn phương
Tây, Bắc, Đông, Nam,
Là Con nguyện xin Người,
Xin Người hãy xót thương.
Hỡi Đức Chúa lòng lành,
Là Con nguyện xin Người,
Xin Người hãy xót thương.
Cảm ơn Người đã ban cho con phước ơn và những khó khăn con từng nếm trải,
Bởi tất cả là suối nguồn của sức mạnh và sự thông thái. Người biết rõ cuộc hành trình đang chờ đợi con, Người giúp con đối mặt với con đường phía trước, Giúp con tìm được sức mạnh để tiếp tục dấn bước Bất kể khó khăn hay mỏi mệt.
Người giúp con đối mặt mỗi ngày,
Giúp con đối mặt với từng thử thách, từng cơn bão, Từng bước một.
Hỡi Đức Chúa lòng lành,
Con nguyện cầu với tất cả tấm lòng
Cho tất cả người thân yêu của con.