Lão Ưng chỉ tay vào bóng cây dương đổ dài trên thảm cỏ. – Mặt trời sắp lặn rồi. – Ông nhìn bâng quơ. – Hôm nay là một ngày đẹp trời. Ông ước sao nó đừng kết thúc, nhưng ngày mai lại là một ngày khác rồi.
Jeremy nhìn cái bóng to lớn. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho biết ngày hôm nay sắp trôi qua. Vô số hình ảnh gợi lên từ những lời nhắn nhủ và những câu chuyện ông kể cứ không ngừng khuấy động tâm trí anh, chúng như những chiếc lá xoay tròn trong gió lốc.
- Rồi ông cháu mình sẽ lại có dịp trò chuyện với nhau. - Lão Ưng hứa. - Từ giờ cho đến lúc đó cháu hãy ghi nhớ ngày hôm nay và ông cháu mình có thể nói chuyện với nhau bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu trong cuộc hành trình đang chờ đợi cháu. Thế nhưng cháu phải cho phép ông già này nói thêm vài điều nữa trước khi kết thúc ngày hôm nay nhé.
Jeremy mỉm cười chờ đợi.
"Hãy tiến lên!"
- Một con sông âm thầm bắt đầu cuộc hành trình của nó bằng một lạch suối nhỏ, thường ở một chốn tối tăm nào đó. Dẫu vậy nó không ngừng tìm kiếm con đường cho riêng mình. Nó không biết đến chuyện đầu hàng chướng ngại vật, những thứ vốn chỉ có thể cản trở nó chứ không ngăn được dòng chảy của nó. Đến một thời điểm thích hợp, dòng sông sẽ lớn mạnh hơn và gia tăng lưu lượng nước nhờ phần tuyết tan trên núi. Những cơn mưa mùa xuân và mùa hạ cũng góp phần giúp cho con sông trở nên mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, vào mùa khô hạn, mưa và tuyết không nhiều có thể biến con sông thành một dòng nước cạn.
Dẫu vậy, con sông vẫn đi theo con đường mà nó đã chọn hoặc thậm chí tự khai thông một dòng chảy mới nếu cần thiết. Không có gì ngăn trở được nó.
Một con sông có thể rộng hoặc hẹp, nông hoặc sâu, chảy xiết hoặc lững lờ, thế nhưng hãy luôn nhớ rằng nó có dòng chảy của riêng mình và chảy không ngừng nghỉ. Chừng nào vẫn còn tuyết trên những ngọn núi vào mùa đông, vẫn còn những cơn mưa mát lành vào mùa xuân, và trọng lực vẫn tồn tại thì những con sông vẫn chảy và mãi mãi như thế.
Người ông ngừng một chút rồi lại tiếp tục:
- Những dòng sông không phải là ví dụ duy nhất cho sự kiên định của thế giới quanh ta mà còn có rất nhiều thứ khác nữa, chẳng hạn như các mùa trong năm.
Nhiều nền văn hóa của loài người tin rằng vòng tuần hoàn hằng năm sẽ bắt đầu với mùa xuân, mùa của sự tái sinh. Vạn vật sẽ thay áo mới và cuộc sống sẽ tiếp diễn. Các mùa khác cũng thế. Hết xuân rồi hạ, sang thu và lập đông.
Dù ta là ai chăng nữa, ta phải mặc nhiên hiểu về sự tuần hoàn này. Chúng ta tôn vinh bốn mùa tái sinh bằng nhiều lễ nghi và nghi thức cầu nguyện. Thế nhưng dường như chúng ta lại ít để ý rằng bốn mùa không bao giờ kết thúc. Chúng cứ đến và đi vô hạn định. Sự tuần hoàn của bốn mùa không chỉ là một sự thật hiển nhiên mà bên cạnh đó nó còn là minh chứng cho sự kiên trì.
Bò rừng bizon là một giống loài rất coi trọng vòng tuần hoàn này. Đã từng một thời, trước chúng ta vài thế hệ, đất đai ở vùng này thường rung chuyển bởi móng guốc của chúng. Không ai biết chính xác có bao nhiêu con nhưng có thể nói bầy đàn của chúng đông đến ngút tầm mắt. Chúng chính là nguồn lương thực chủ yếu cho những người dân bản địa của vùng đất đai rộng lớn này.
***
Cách đây 200 năm, trên vùng đồng bằng rộng lớn nọ, một nhóm thợ săn đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống nơi hợp lưu của hai con sông đổ về từ phía bắc, White Earth và Smoking Earth. Họ đứng đó gần như suốt cả ngày, chăm chú quan sát hai đàn bò bizon đông đúc di chuyển về hai hướng ngược nhau. Một đàn đi về phía tây nam còn đàn kia về phía đông nam. Hai đàn bò kéo thành hai vệt đen, dài và to, hoàn toàn tương phản với nền cỏ úa mùa thu.
Các thợ săn đoán rằng hai đàn bò sẽ gặp nhau gần bờ sông. Ở đó, theo họ, chắc sẽ diễn ra một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy. Và họ kiên nhẫn chờ xem.
Rồi hai đàn bò cũng từ từ đi đến, một từ phía tây và một từ phía đông. Và đúng như những người thợ săn đã phỏng đoán, cả hai đàn bò hội ngộ ở phía bắc con sông. Tuy nhiên, các thợ săn thực sự sửng sốt bởi hai đàn bò lớn chỉ đi ngang qua nhau. Chúng cắt ngang đường nhau nhưng vẫn theo hàng lối. Từ phía trên nhìn xuống, các thợ săn thấy rõ mỗi đàn bò đều cố giữ đúng đường đi của chúng. Hoàn toàn không có bất kỳ sự xáo trộn nào. Đến bên bờ sông, những con bò to lớn dừng chân uống nước rồi tiếp tục đi.
Các thợ săn hết sức ngạc nhiên. Trước khi hoàng hôn kịp buông xuống, cả hai đàn bò lại đi về hai hướng khác nhau.
Có lẽ bí mật của cuộc sống chính là sự kiên định.
Giống như dòng sông, bốn mùa nối nhau qua đi và mãi luân chuyển không ngừng, hai đàn bò bizon kia cũng vậy.
- Cuộc sống vẫn tiếp diễn. – Lão Ưng nói. – Song cuộc sống luôn có hai mặt. Nó đưa ta vào cuộc hành trình và cho ta vô số lý do để thực hiện cuộc hành trình đó - thành công, quyền lực, danh tiếng, tầm ảnh hưởng, sự giàu có, sự thỏa mãn, tính chủ tâm - rồi cũng chính cuộc sống ném những chướng ngại và thử thách vào con đường ta đi để khiến ta phải đối đầu với thất bại.
Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình mà không biết mình sẽ thành công hay thất bại bao nhiêu lần, cũng không biết khi nào mới đến đích nhưng đa số chúng ta nghĩ hoặc cứ tưởng rằng sau một số thành công hoặc thất bại nhất định thì cuộc hành trình cuối cùng sẽ kết thúc.
Ta thường nghĩ rằng cuộc sống đánh giá chúng ta qua việc thành công hay thất bại. - Lão Ưng tiếp tục.
- Nhưng có lẽ cuộc sống này chẳng đánh giá điều gì cả, ít nhất là không theo cái cách ta tự đánh giá chính mình. Có thể cuộc sống chẳng quan tâm ta thành công hay thất bại mà chỉ muốn chúng ta đi hết cuộc hành trình. Nói cách khác, khi ta đi hết cuộc đời mình ta sẽ trở thành một ví dụ điển hình cho những người đi sau. Trong số đó sẽ có vài người bất hạnh làm tiêu biểu cho những kẻ không biết sống. Những người khác lại là biểu tượng của những người biết sống.
Lão Ưng với lấy cái túi đựng đầy thuốc lá làm từ vỏ cây liễu đỏ và giấy vấn thuốc để vấn thêm một điếu nữa. Sau hơi đầu tiên, đôi mắt ông lại lim dim và nhìn lơ đãng. Nhưng chàng trai trẻ biết ông mình đang hướng về một nơi mà anh chưa được thấy. Lão Ưng quay sang Jeremy:
- Chúng ta sẽ kết thúc ngày hôm nay bằng một câu chuyện cuối cùng.
***
Có một ngôi làng nhỏ nằm trong một thung lũng rộng lớn và xinh đẹp giữa hai rặng núi hùng vĩ. Dân cư ở đây mỗi người một nghề: nông dân, thợ săn, học giả, nhà thầu xây dựng, triết gia, giáo viên, thầy thuốc, dược sĩ và thợ thủ công lành nghề. Ngôi làng nổi tiếng khắp gần xa bởi nền kiến trúc độc đáo của nó. Nhà cửa và các công trình công cộng của làng là một trong những công trình đẹp vào loại bậc nhất so với nhiều nơi khác.
Dọc theo trục lộ chính dẫn vào làng có một tấm bảng lớn chào đón du khách, trên đó có hình một cái vồ và một cái đục của thợ xây đá. Biết về giai thoại của cái vồ và cái đục ta sẽ hiểu được giá trị của lòng kiên trì.
Vào một mùa hè cách đây rất nhiều năm, khi ấy ngôi làng vẫn còn khá nhỏ, một chàng trai đã leo lên đỉnh ngọn núi cao nhất nhìn xuống ngôi làng và thung lũng. Sau khi leo xuống anh đã tả lại cảnh tượng ngoạn mục anh nhìn thấy. Theo lời anh kể thì quả thật rất hùng vĩ khi nhìn ngắm làng mạc từ góc nhìn của một con đại bàng. Thế nên dân làng ai cũng muốn có dịp leo lên đỉnh và trải nghiệm điều đó.
Nhưng đó là một việc làm nguy hiểm. Nhiều người đã trượt chân ngã, thậm chí tử vong. Cuối cùng không ai dám thử leo lên đỉnh núi ấy nữa. Thấy vậy, để thỏa mãn sự tò mò của mọi người, chàng trai đã từng lên đến đỉnh đã phác họa một bức tranh về những gì mình đã nhìn thấy. Nhưng anh không phải là họa sĩ thế nên tranh anh vẽ chỉ khiến người xem bực mình chứ chẳng nhìn ra được thứ gì.
Ngày nọ, một người thợ tạc đá nảy ra sáng kiến: anh đề nghị đẽo lớp đá hoa cương của ngọn núi đó thành những bậc thang dẫn lên tới đỉnh. Phần đông dân làng chế giễu người thợ đá, họ còn cho rằng một công trình như thế có làm hết đời cũng không xong. Dẫu vậy, người thợ tạc vẫn không nản lòng và bắt tay vào đẽo bậc thang đầu tiên.
Mỗi bậc thang như vậy cao phải bằng nửa chiều cao của một người đàn ông, lại còn rộng và sâu. Phải mất gần một năm trời anh mới hoàn thành. Với búa và đục trong tay, anh dành hết thời gian rảnh để đẽo thêm những bậc khác. Thế nhưng anh chỉ có thể làm việc vào mùa hè và mùa thu, những khi thời tiết tốt. Vì vậy tiến độ hoàn thành mỗi bậc thang rất chậm và trong suốt mười năm anh chỉ hoàn thành được ba bậc.
Khi người thợ đá ấy bắt tay làm bậc đầu tiên, ông đã ở tuổi trung niên, và trước khi kịp xong bậc thang thứ tư thì ông đã già. Nhiều người trong làng nghĩ rằng ý tưởng điên rồ đó sẽ chấm dứt khi người thợ đá ấy chết đi thế nhưng họ hết sức kinh ngạc khi có một chàng trai trẻ khác đến đảm nhận nhiệm vụ đó. Thế là công trình các bậc thang vẫn tiếp diễn nhưng những lời nhạo báng vẫn không hề giảm đi. Chẳng ai thèm giúp chàng trai ấy.
Đến lúc người thợ đá trẻ tuổi ấy hoàn thành thêm nhiều bậc thang nữa thì anh cũng đã qua tuổi trung niên và một lần nữa dân làng lại hết sức kinh ngạc khi có thêm người thợ đá thứ ba đứng ra tiếp tục công trình. Cũng như hai người thợ đá trước đây, người thợ đá mới chỉ làm việc một mình.
Đa số dân làng chẳng ai quan tâm đến người thợ đá và những bậc thang. Vì không ai trong làng thèm nói chuyện với anh nên ngoài việc đẽo đá, anh không có việc nào khác làm để kiếm cơm. Anh buộc phải đi sang làng khác kiếm sống nhưng vẫn không từ bỏ việc đẽo những bậc thang.
Rồi thì các loại máy móc mới như xe có động cơ bắt đầu xuất hiện trong thung lũng. Ngựa, xe ngựa, xe bò và nông cụ thủ công dần dần trở nên lỗi thời. Sau đó cả làng cũng thay luôn lồng đèn trên những cột đèn dọc đường bằng đèn điện mới, sáng sủa hơn. Năm tháng trôi qua, tất cả các loại kỹ thuật tiên tiến đều đã du nhập vào thung lũng.
Dẫu thế việc làm các bậc thang dẫn lên núi vẫn được duy trì, không bị cản trở mà cũng không được trợ giúp. Điều khiến cho dân làng khó hiểu nhất chính là cách giới thợ đá nối tiếp nhau làm việc. Thợ già giải nghệ thì y như rằng sẽ có người trẻ nối bước. Công việc làm các bậc thang vẫn tiếp tục mà không nhận được sự hỗ trợ hay sự can thiệp nào từ phía dân làng.
Thỉnh thoảng, các bậc thang và thợ đẽo đá trở thành chủ đề cho dân làng thảo luận rôm rả ở nơi hàng quán. Dù bụng dạ mỗi người suy nghĩ khác nhau về việc làm các bậc thang đá, nhưng dân làng ai cũng cùng suy nghĩ về những người thợ: họ là những người quyết tâm nhất mà dân làng từng biết.
Tiến độ đẽo thang chậm hơn rất nhiều so với những tiến bộ kỹ thuật nhanh đến chóng mặt thời bấy giờ. Máy bay, thoạt đầu trông lạ lẫm, chẳng mấy chốc đã trở nên tầm thường. Không lâu sau một vài người mạnh dạn và táo bạo trong làng đã học lái máy bay. Nếu khi trước việc ngắm ngôi làng từ trên cao là điều xa vời, thì giờ đây mọi người có thể dễ dàng nhìn ngắm làng của họ từ trên không, ở một góc nhìn còn choáng ngợp hơn so với từ đỉnh núi. Thế nhưng những người thợ đá vẫn không hề bỏ cuộc.
Những người trong làng giờ đây đều là cháu chắt của thế hệ cùng thời với người thợ đục bậc thang đầu tiên. Giờ thì lối thang đã lan lên cao cặp theo sườn dốc, cao đến nỗi những bậc cao nhất bị che phủ hoàn toàn mỗi khi mây sà xuống núi.
Năm tháng trôi qua, gần năm mươi người thợ tạc đá đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, và đôi lúc đổ cả máu cho những bậc thang. Chỉ trừ những lúc tuyết rơi, gió lớn, mưa to hoặc giá rét khiến công việc buộc phải ngừng lại, còn lại thì người thợ làm việc không ngơi tay. Giờ đây các bậc thang đã lên cao đến mức người thợ đá cuối cùng phải dựng lều ngay trên con dốc trong để làm việc.
Một ngày kia, người thợ cuối cùng đi đến văn phòng thị trưởng của làng, bộ dạng nhếch nhác và kiệt sức. Gương mặt ông nâu sạm vì cháy nắng còn đôi tay thì chai sạn vì công việc nặng nhọc. Ông đưa cho ngài thị trưởng một cái vồ cũ kĩ và một cái đục bằng thép đã mòn.
- Việc đã hoàn thành. - Người thợ đá thông báo.
- Những công cụ này thuộc về người thợ đá đầu tiên, được truyền lại mỗi lần một thợ đá khác đảm nhận công việc. Giờ việc đã xong, chúng là món quà mà chúng tôi muốn dành tặng cho làng.
Sau đó, người thợ đá rời khỏi làng và không ai còn nhìn thấy ông nữa.
Dân làng rất đỗi kinh ngạc. Chưa một ai nghĩ được rằng một ngày nào đó sẽ có một chiếc cầu thang đá tạc dẫn lên đến đỉnh núi cao nhất. Nhiều người thậm chí còn không tin là công trình đã hoàn thành và luôn nghĩ người thợ đá cuối cùng chỉ là bỏ cuộc đó thôi.
Hiển nhiên, họ quyết định tìm hiểu sự thật.
Ngài thị trưởng đã cử hai chàng trai lên núi theo các bậc thang và quay phim chuyến khám phá. Cuộc hành trình bắt đầu. Chuyến đi không dễ dàng chút nào. Người ta phải chế tạo một chiếc thang để hai chàng trai đem theo mà leo từng bậc, vì mỗi bậc thang cao đến nửa người, vừa rộng vừa sâu.
Sau hai ngày các chàng trai đã lên được đến đỉnh núi và chụp hình toàn cảnh ngôi làng. Cũng vào chính khoảnh khắc đó giấc mơ của người thợ đá đầu tiên đã trở thành hiện thực. Hai ngày sau các chàng trai bắt đầu đi xuống và theo lời kể của họ thì các bậc thang thực sự đã dẫn đến đỉnh núi cao nhất.
Khi ảnh chụp từng bậc thang trong số cả trăm bậc được mang ra trưng bày, dân làng đổ xô nhau mà xem. Bức ảnh đặc biệt nhất là bức chụp các bậc thang xếp thành một hàng dài nhấp nhô trên sườn núi rồi mất hút trong mây. Về sau, pô ảnh đó trở thành dấu ấn đặc sắc của ngôi làng. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý về mỗi bậc thang mà mọi người đều nhận thấy. Chi tiết ấy giải thích tại sao hết thợ tạc này đến thợ tạc khác lại sẵn sàng kế thừa nhiệm vụ.
Dưới chân mỗi bậc thang đều có ba từ được chạm khắc vào đá: HÃY TIẾN LÊN.