Sư Khangser Rinpoche hiện đang là giảng sư giảng dạy triết lý Phật học cho hàng trăm Tỳ kheo và Sa di ở Viện Phật học Sera thuộc Phật giáo Tạng truyền tại Nam Ấn Độ. Ngài cũng giảng dạy trong các tu viện thuộc dòng Cổ Mật Nyingma và Kagyu ở Dharamsala, Ấn Độ và quốc gia Nepal. Ngoài ra, Ngài còn giảng dạy cho đủ tầng lớp và sắc dân tại các trường đại học, các trung tâm Phật giáo và các cơ sở công cộng ở Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Tây Tạng, Hoa Kỳ, v.v.
Vào năm 1980, Ngài được công nhận là Khangser Rinpoche đời thứ tám của dòng Gelug. Năm 2002, khi chỉ mới 27 tuổi, Ngài đã nhận bằng Tiến sĩ Geshe Lharam cao quý và là thủ khoa trong số năm nghìn Tăng chúng ở tu viện Sera. Cũng trong năm này, Ngài trước tác luận chú giải tác phẩm Câu xá luận dày hơn 300 trang. Sau đó, năm 2005, Ngài còn thi đậu bằng Tiến sĩ Phật giáo Mật tông ở tu viện Mật điển Gyuto, Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ với số điểm cao nhất.
Ngài Rinpoche được biết đến là vị thầy vĩ đại với tâm từ bi bao la, cùng nhiệt huyết gieo những hạt giống thương yêu vào dòng tâm thức của tất cả chúng sinh. Ngài còn là một bậc Đại hùng biện siêu việt của Phật giáo Tây Tạng, với lối giảng hài hước, giản dị nhưng chứa đựng đầy đủ những giáo lý nhà Phật và phương pháp sống bình an, hạnh phúc. Những lời truyền giảng của Ngài đã được tổng kết thành nhiều cuốn sách ý nghĩa, phù hợp với thời đại và có sức lôi cuốn người đọc, mang hy vọng sống và phương pháp sống đến cho bao người đang đau thương và lạc lối.
Là một vị Rinpoche chân chính của Phật giáo Tây Tạng, nhưng Ngài lại không khuyến khích mọi người hoàn toàn đặt niềm tin vào những điều kỳ dị và thần bí. Ngài dạy cho chúng ta phương pháp để đích thân thực hiện và đạt được những lợi ích mà mình mong muốn. Là một vị đệ tử Phật giáo song Ngài không cho rằng tất cả mọi người đều phải học giáo lý Phật giáo, thay vào đó Ngài muốn mọi người hãy học những phương pháp giúp ích cho đời sống thực tiễn của mình. Học giáo pháp rất tốt, nhưng nếu không hiểu được giáo pháp thì không thể ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, vậy thì Phật pháp lúc này chẳng mang lại lợi ích gì cho chúng ta cả.
Lấy kinh nghiệm tu hành thực tế từ cá nhân và sở học, sở tu, sở chứng của mình để chia sẻ với mọi người, ngài Rinpoche hy vọng rằng, mọi người đều được trải nghiệm, được tận hưởng cuộc sống với châm ngôn: “Hãy sống sao cho kiên cường và sống sao cho hạnh phúc”.
Vị Rinpoche này có ấn tượng đặc biệt tốt đối với người dân Việt Nam. Theo tôi biết thì vị đệ tử thân cận của Ngài là người có quốc tịch Việt Nam. Như trong một đoạn của cuốn sách này, Ngài chia sẻ về ba nhân vật mà mình tôn kính ngang bằng với Đức Phật, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông của chúng ta. Tôi cũng đã có cơ duyên từng gặp gỡ ngài Khangser Rinpoche. Mặc dù ngôn ngữ khác nhau, quốc tịch khác nhau, văn hóa khác nhau, cách tu tập hành trì cũng khác nhau, nhưng tôi nghĩ cả hai chúng tôi có chút gì đó đồng điệu về tư tưởng và tâm hồn. Nhất là mỗi lần nhắc đến những gì liên quan đến Việt Nam như: con người, văn hóa, tính cách, v.v. tôi nhận thấy đâu đó trong ánh mắt của ngài Rinpoche sự yêu mến đối với con người, đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ đây có lẽ là nhân duyên hy hữu và tốt đẹp giữa tôi và Ngài, giữa Ngài và đất nước chúng ta.
Trong những lần đàm đạo cùng nhau, tôi phát hiện ra rằng vị Rinpoche này tuy còn khá trẻ, nhưng đã có vốn tri thức Phật học lẫn kinh nghiệm tu tập và đời sống rất phong phú, lý luận lại sắc bén, đặc biệt còn vô cùng hài hước. Tôi cũng đã hứa với Ngài rằng, tôi sẽ dành thời gian để biên dịch các cuốn sách của Ngài ra tiếng Việt để có thể chia sẻ những giá trị trí tuệ và nguồn năng lượng tích cực đến với nhiều người Việt Nam hơn. Ngài cũng đã nhận lời sẽ giúp tôi trong việc cấp bản quyền xuất bản và in ấn. Chính nhờ nhân duyên đó mà cuốn sách Không được như ý mới thật sự hạnh phúc này đã ra đời.
Nếu các bạn đang rối loạn cảm xúc, đang bị những tâm trạng tiêu cực bao vây tâm trí, đang chán nản, mất phương hướng không có mục đích sống tiếp, đang xảy ra các mối quan hệ bất hòa với người thân, đang áp lực bởi gánh nặng cuộc sống, v.v. thì hãy thử đọc cuốn sách này. Tôi gọi cuốn sách là Google Map. Nó chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành hướng dẫn bạn đi đúng hướng và an toàn nhất, cùng bạn vượt qua những khó khăn và thử thách của cuộc đời cho tới khi nào bạn đến điểm dừng chân.
Đối với tôi, dịch một tác phẩm hay như đang học về những tri thức mới lạ. Cũng như vậy, khi dịch cuốn sách Không được như ý mới thật sự hạnh phúc này, tôi cũng học được khá nhiều về cả tri thức, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu tập; học ngay từ những con người bình thường nhưng có tâm hồn phi thường và cao thượng. Ngài Rinpoche gọi họ là những nhân vật vĩ đại, vĩ đại hơn cả những nhân vật vĩ đại. Đó chính là ông Jamsetji Nusserwanji Tata trong câu chuyện của Tập đoàn TATA tại Ấn Độ mà cuốn sách có nhắc tới. Là người sáng lập ra Tập đoàn TATA, ông Jamsetji Nusserwanji Tata chủ trương trích ra 60% lợi nhuận của công ty góp vào Quỹ từ thiện làm việc công ích cho xã hội Ấn Độ. Ngay cả con cháu trong gia tộc TATA mỗi người cũng phải dành ra 60% đến 70% tài sản cá nhân để góp vào Quỹ. Họ cho rằng đó là một phần đóng góp cho xã hội, báo đáp cho tổ quốc. Họ thật sự là những con người rất vĩ đại. Tôi nghĩ họ cũng là những người thầy vĩ đại, dạy cho chúng ta về lòng yêu thương và sự sẻ chia.
Bạn có thể nghèo điều kiện vật chất, nghèo tri thức, nghèo kỹ năng, v.v. nhưng đừng thiếu tình thương. Bởi vì khi không đủ tình thương, thì bạn cũng không thương nổi chính bản thân. Hãy luôn trang bị cho tâm hồn mình một tình thương bao la, để dành cho chính mình, để chia sẻ cho người thân trong gia đình và những người chúng ta trân quý.
Cầu nguyện cho giá trị tâm linh và trí tuệ được lan tỏa tới khắp mọi tâm hồn chúng ta. Như ngài Rinpoche, chúng tôi cũng hy vọng không chỉ những bạn đọc và gia đình các bạn được sống hạnh phúc, mà cả xã hội, đất nước cũng trở nên hạnh phúc. Bởi vì mỗi chúng ta đều có quyền được sống hạnh phúc và sống có ý nghĩa. Chúng ta hãy lan tỏa những giá trị tâm linh như những ngọn lửa hồng sưởi ấm hàng triệu con tim trong ngày đông giá buốt, để mọi người cùng được sống nhẹ nhàng và an yên hơn giữa thời cuộc nhộn nhịp và vội vã này.
Như ngài Rinpoche đã nói, không riêng gì Bhutan là đất nước hạnh phúc, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng nên đất nước hạnh phúc thứ hai, thứ ba, v.v. Biết đâu một ngày nào đó toàn nhân loại đều được sống hạnh phúc, không còn dịch bệnh, không còn bóng dáng của chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, v.v.
Đức Phật cũng đã nói: “Vạn pháp đều do tâm”, tâm chúng ta là nguồn năng lượng tiềm tàng và vô hạn, vì thế chúng ta hãy học cách tận dụng nó để sáng tạo ra một nhân gian hạnh phúc và an lạc. Dù các bạn có phải là đệ tử Phật giáo thuần thành hay không, hay có đang tín ngưỡng bất cứ tôn giáo nào thì điều đó không mấy quan trọng, miễn là các bạn được sống vui vẻ và sống có ý nghĩa.
Hy vọng bạn, tôi và tất cả chúng ta đều được sống những ngày tháng vui vẻ và an yên!
Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế
Mạt học Thích Quảng Lâm
Cẩn bút