Đã sinh ra làm người thì ai ai cũng đều có phiền não. Trong Phật giáo, chúng ta thường dùng câu: “Cắt bỏ ba nghìn sợi phiền não” để hình dung. Do đó mới biết, phiền não nhiều đến ba nghìn loại, là một đối thủ đáng gờm khó mà đối phó được.
Trong những loại phiền não, thứ gắn bó như hình với bóng, không bao giờ tách rời cuộc sống của chúng ta không gì ngoài “dục vọng”, hay còn gọi là “tham”. Hằng ngày, mọi người thường nghe các câu quen thuộc như: “Anh ta là một người tham ăn”, “Con người anh ta rất tham”, “Hắn là một kẻ rất tham lam”. Dường như mỗi lần nhắc đến “tham”, hoặc khi nói về “dục vọng”, mọi người không khỏi gắn thêm cho nó một cái mác tiêu cực.
Vậy thì, chúng ta hãy tìm hiểu tỉ mỉ hơn, rốt cuộc đối với chúng ta dục vọng có phải là thứ tiêu cực, xấu xa hay không? Dục vọng và nhu cầu có gì khác biệt? “Muốn” và “cần” có phải là điều xấu? Phải chăng khi đã học Phật thì chúng ta phải xem nhẹ tất cả, buông hết vạn duyên, không cần cầu bất cứ thứ gì, thậm chí tới nơi thâm sơn cùng cốc bế quan biệt lập một mình?
Trước khi giải đáp những vấn đề này, chúng ta hãy bàn về những mong muốn cơ bản nhất của con người. Dù là con người hay động vật, thì mong muốn được “sống” là việc quan trọng thiết thực nhất. Dù cho trời có sập xuống, nhu cầu này cũng không thay đổi. Sống, có thể nói là một dạng bản năng của mỗi cá thể. Quan niệm muốn được sống này nói chính xác hơn là một kiểu khát vọng muốn được tiếp tục tồn tại. Khát vọng này chính là nguồn động lực cơ bản nhất, cũng là nhu cầu căn bản nhất của con người. Bởi vì nếu như không có ham muốn được sống, thì chúng ta sẽ không thể nào tiếp tục tồn tại được.
Nếu phân tích chi tiết hơn thì khát vọng được tồn tại này có rất nhiều cấp độ khác nhau. Xét theo mức độ căn bản nhất, mỗi người đều cần có đồ ăn, thức uống, chỗ trú mưa tránh gió, cho đến áo quần giữ ấm, v.v. nếu không có những thứ này, chúng ta rất khó có thể tồn tại.
Sau khi được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản này, chúng ta lại bắt đầu muốn có những thứ khác. Ví dụ như, chúng ta bắt đầu muốn chạy theo danh tiếng, tiền bạc, hoặc muốn nhận được sự nể trọng của người khác. Tâm trí của chúng ta sẽ bắt đầu tìm cách để đạt được tất cả những thứ đó. Mà thật ra những ham muốn danh vọng và tiền bạc này cũng chỉ là những ý niệm được phát sinh thêm ngoài các nhu cầu cơ bản. Nếu như chúng ta bị “nghiện” bởi những ham muốn bên ngoài ấy, thì mọi thứ sẽ dần trở nên phức tạp hơn.
Chẳng hạn, vì thích uống rượu dẫn đến kết quả là chúng ta bị nghiện rượu. Trong bữa tiệc, chúng ta có thể uống rượu cùng bạn bè, đồng nghiệp đến mức say bí tỉ, tuy nhiên dạng nghiện này chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, qua ngày hôm sau chúng ta đã có thể tỉnh táo. Nhưng nếu bất cẩn mà chúng ta dùng chất gây nghiện, vậy thì toàn bộ cuộc sống sẽ trở nên vô cùng hỗn loạn. Bởi vì các chất gây nghiện sẽ tác động và làm cho thần trí con người không được tỉnh táo. Khi mắc loại nghiện này, con người rất khó để hồi phục sức khỏe như ban đầu.
Còn có một loại cực kỳ nghiêm trọng hơn, chính là say mê tiền bạc. Nếu say mê tiền bạc, nghiện tiền bạc, thì cả cuộc đời của chúng ta đều bị nó ảnh hưởng, trói buộc. Chúng ta trở thành nô lệ, thậm chí không bao giờ thoát khỏi số mệnh bị tiền bạc khống chế và điều khiển. Cho nên, con người thường rất dễ nghiện những thứ như tiền bạc hay danh tiếng. Một khi lòng tham đối với chúng được khơi dậy, có thể chúng ta sẽ phải mất cả cuộc đời để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, chúng sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn, vất vả hơn.
Còn có một loại say mê cực kỳ nghiêm trọng hơn, chính là say mê tiền bạc. Nếu say mê tiền bạc, nghiện tiền bạc, thì cả cuộc đời của chúng ta đều bị nó ảnh hưởng, trói buộc. Chúng ta trở thành nô lệ, thậm chí không bao giờ thoát khỏi số mệnh bị tiền bạc khống chế và điều khiển.