Kể từ mùa hè sau vụ mẹ muốn thiêu tôi trên bếp lò, trường học đã trở thành niềm hy vọng duy nhất có thể giúp tôi trốn thoát những trò quái ác của mẹ. Trừ thời gian vui vẻ ngắn ngủi trong một lần đi câu cá, còn lại thì tôi luôn phải ở trong những hoàn cảnh nguy hiểm. Dường như mối liên hệ duy nhất giữa tôi và mẹ chỉ là những cú vồ và những cái tránh né - mẹ xồng xộc lao vào tôi, còn tôi thì tháo chạy về phía nhà xe vắng vẻ và nín thở ở yên đó. Tháng Chín là thời điểm tôi được trở lại trường học và tận hưởng những niềm vui thích ở đó. Ngày khai giảng, tôi được mẹ phát cho một bộ quần áo mới và một cái hộp đựng cơm sáng bóng, mới toanh. Mẹ bắt tôi quanh năm suốt tháng chỉ được mặc một bộ quần áo đó, thế nên chỉ đến khoảng tháng Mười là chúng đã trở nên bạc phếch, rách rưới và bốc mùi nồng nặc. Ngoài ra, bà thậm chí còn chẳng mảy may lo đến việc làm thế nào để che bớt những vết thâm tím trên mặt mũi, tay chân tôi. Bởi bà thừa biết nếu có ai hỏi đến, thì tôi đã có những lời giải thích được bà lập trình sẵn trong đầu của mình rồi.
Rồi thì mẹ thường xuyên “quên” cho tôi ăn tối. Bữa ăn sáng cũng chẳng khá gì hơn. Ngày nào thật đẹp trời, tôi mới được mẹ cho ăn phần ngũ cốc thừa của Ron và Stan, nhưng chỉ khi tôi đã hoàn thành tất cả việc nhà trước khi đến trường.
Hôm nào cũng vậy, cứ đêm đến là bụng tôi lại đói cồn cào và sôi sùng sục như tiếng gầm gừ của một con gấu đang trong cơn giận dữ. Cứ đêm đến là tôi lại trằn trọc, thao thức bởi đầu óc chỉ nghĩ đến thức ăn. “Ngày mai mình sẽ được cho ăn đàng hoàng thôi mà.” - Tôi thường tự trấn an mình như vậy. Vài giờ sau đó, tôi mệt lả rồi thiếp đi. Những giấc mơ chập chờn bắt đầu ập đến. Tôi toàn mơ về những cái ham-bơ-gơ khổng lồ ăn kèm với các loại rau quả. Trong mơ, tôi đã chộp ngay lấy phần ăn ngon lành ấy của mình, đưa lên miệng liếm láp. Tôi mường tượng ra đến từng milimet của cái bánh khổng lồ . Miếng thịt của cái bánh rỉ ra chất mỡ béo ngậy, và mấy miếng phô-mát dày cộm xếp phía trên cùng bị hai nửa cái bánh ép cho tràn cả ra ngoài. Nước xốt gia vị thì ứa cả ra lá rau diếp màu xanh và mấy lát cà chua màu đỏ. Nhưng khi tôi định kề sát cái ham-bơ-gơ ấy vào miệng và há thật to để ngấu nghiến nó, thì tôi lại không tài nào làm được. Tôi thử lại, rồi thử lại lần nữa, nhưng dù cho cố gắng đến mấy, tôi vẫn không thể nào chạm được lưỡi vào bất cứ chỗ nào trên cái bánh quá ngon lành ấy. Ngay lúc ấy thì tôi tỉnh giấc, bụng lại càng cồn cào hơn. Tôi đã không thể thỏa mãn cơn đói của mình, ngay cả trong mơ.
Chẳng bao lâu sau khi tôi thường có những giấc mơ về những bữa ăn ngon tuyệt, thì tôi cũng bắt đầu lấy trộm thức ăn ở trường. Dạ dày của tôi cứ thắt lên quằn quại vì cả nỗi sợ hãi lẫn cơn thèm muốn. Thèm muốn bởi vì tôi biết rằng chỉ trong tích tắc thôi là tôi có thể có cái gì đó cho vào bụng. Sợ hãi bởi vì tôi biết rằng bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bị bắt quả tang đang ăn cắp. Tôi luôn đánh cắp thức ăn trước giờ học, khi các bạn cùng lớp của tôi còn đang chơi ngoài sân. Tôi sẽ núp đằng sau bức tường ngay ngoài lớp học của mình, đặt hộp cơm của tôi bên cạnh hộp cơm của người khác và ngồi thụp xuống đất để không ai trông thấy tôi đang trộm thức ăn của mọi người. Một vài lần trộm đầu tiên diễn ra trót lọt, nhưng chỉ ít ngày sau đó, vài người bạn của tôi bắt đầu phát hiện ra bánh twinkie[3] và nhiều món bánh ngọt khác trong bữa trưa của họ không cánh mà bay. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các bạn cùng lớp bắt đầu ghét tôi. Sau đó, thầy chủ nhiệm của tôi báo sự việc lên thầy hiệu trưởng, người có trách nhiệm thông báo lại cho mẹ tôi mọi việc. Cuộc chiến vì cái ăn của tôi bởi thế rơi vào một cái vòng luẩn quẩn. Thầy hiệu trưởng báo mọi việc cho mẹ tôi biết để rồi tôi bị đánh nhiều hơn và phần ăn ở nhà của tôi đã ít lại càng ít hơn.
[3] Một loại bánh nướng xốp ngọt được làm từ bột mì, có nhân kem, màu vàng tươi, là món ăn phổ biến ở các nước Bắc Mỹ .
Vào những ngày cuối tuần, để trừng trị tội ăn cắp của tôi, mẹ lại không cho tôi ăn. Đến một tối Chủ nhật nọ, nước bọt trong miệng tôi cứ ứa ra khi tôi bắt đầu hình dung nên những chiếu mới và cũng hết sức ngu ngốc để tiếp tục đánh cắp thức ăn mà không bị ai phát hiện. Một trong những âm mưu mới đó là ăn cắp thức ăn của các học sinh lớp một ở các lớp khác, nơi không ai biết rõ về tôi. Ngay buổi sáng thứ Hai đầu tuần, khi mẹ vừa đưa tôi đến trường, tôi đã phóng ào ra khỏi xe và chạy thật nhanh vào một lớp khối một khác để lấy cắp thức ăn trưa. Tôi chỉ làm được như vậy trong một thời gian ngắn, bởi vì chẳng bao lâu sau, thầy hiệu trưởng lại phát hiện ra thủ phạm của những vụ trộm cắp đó chính là tôi.
Ở nhà, tôi lại tiếp tục bị đánh đập tàn nhẫn và bị bỏ đói. Đến thời điểm này, trên thực tế, tôi đã không còn là thành viên của gia đình mình nữa. Tôi chỉ tồn tại trong nhà chứ không được mọi người thừa nhận hoặc chỉ được thừa nhận chút ít mà thôi. Mẹ thậm chí chẳng buồn gọi đến tên tôi nữa, thay vào đó bà gọi tôi là “thằng đó”. Tôi không được dùng bữa cùng gia đình, không được chơi với Ron và Stan, cũng không được xem tivi. Tôi như con cá mắc cạn trong chính ngôi nhà của mình. Tôi không được phép nhìn hoặc nói chuyện với bất cứ ai. Đi học về là tôi lại bắt tay vào làm ngay tất cả các công việc mà mẹ giao. Xong việc, tôi lủi thủi xuống nhà xe, cứ đứng ở đó cho dến khi nào được gọi lên để lau dọn bàn ăn và rửa chén dĩa của bữa tối. Trong lúc tôi đứng trong nhà xe, nếu mẹ phát hiện tôi ngồi hoặc nằm thì chắc chắn hậu quả mà tôi phải gánh chịu là vô cùng khủng khiếp. Tôi chính thức trở thành nô lệ của mẹ.
Cha là chỗ dựa duy nhất của tôi. Ông đã phải cố gắng lắm mới lén mẹ để mang cho tôi một vài mẩu thức ăn vụn. Vì nghĩ rằng men rượu sẽ giúp cho tâm trạng của mẹ khá hơn nên ông thường cố chuốc cho mẹ say. Cha đã cố hết sức để thay đổi cách suy nghĩ của mẹ về việc ăn uống của tôi. Cha còn ra sứct hỏa hiệp, hứa đủ thứ chuyện trên đời với mẹ để tôi được cho ăn uống bình thường. Nhưng tất cả đều vô ích. Mẹ vẫn lạnh lùng như sỏi đá. Khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, cơn say của bà lại khiến mọi thứ trở nên tệ hại hơn trước. Mẹ thật sự còn tàn bạo hơn cả một con quái vật.
Tôi biết những cố gắng của cha khi muốn bênh vực và giúp đỡ tôi đã làm cho mối quan hệ giữa mẹ và ông trở nên căng thẳng. Chẳng bao lâu sau, những trận cãi vã lúc nửa đêm bắt đầu nổ ra. Những khi xung đột lên đến đỉnh điểm, nằm trên giường tôi vẫn có thể nghe thấy những tiếng cãi vã phát ra với cường độ âm thanh xé tai. Sau đó cả hai lại uống rượu đến say mèm và tôi nghe mẹ gào lên những từ ngữ thô tục nhất mà bà có thể nghĩ ra. Không cần biết nguyên nhân chính dẫn đến cuộc cãi vã là gì, nhưng cuối cùng thì tôi cũng lại trở thành đề tài của cuộc khẩu chiến. Dẫu biết cha đang cố gắng giúp tôi, nhưng những lúc đó tôi vẫn cứ run rẩy vì sợ hãi. Bởi tôi biết cha sẽ thua cuộc, và điều đó sẽ làm cho mọi thứ còn tồi tệ hơn nữa vào ngày hôm sau. Tôi còn nhớ lần đầu tiên hai người cãi vã, mẹ đã phóng xe ra khỏi nhà, để lại sau lứng tiếng bánh xe rít lên đến rợn người. Nhưng thường thì chưa đầy một giờ đồng hồ sau đó bà lại quay trở về. Ngày hôm sa, họ lại cư xử với nhau như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi cảm thấy an ủi phần nào khi cha cố tìm ra một cái cớ nào đó để đi xuống nhà xe và dấm dúi cho tôi một mẫu nhỏ bánh mì. Cha luôn hứa với tôi rằng ông vẫn đang cố gắng để giúp tôi.
Khi những cuộc cãi vã giữa cha và mẹ trở nên thường xuyên hơn, cha tôi bắt đầu thay đổi. Thường thì sau mỗi lần gây gổ với mẹ, cha thường quảy túi lên vai đi đến sở làm ngay lúc nửa đêm. Khi cha đã đi khỏi, mẹ lôi tôi ra khỏi giường và kéo xệch tôi xuống nhà bếp. Trong khi tôi vẫn còn đang ngái ngủ và đứng run rẩy trong bộ pijama, bà bắt đầu thẳng tay nện cho tôi ngã xiêu vẹo và lê lết từ góc bếp bên này sang góc bếp bên kia. Một trong những chiêu để tránh đòn của tôi là nằm dài lả người trên sàn nhà và làm ra vẻ như không còn chút sức lực nào để đứng lên nữa. Nhưng chiêu này chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn mà thôi. Sau đó, khi đã biết rõ tẩy của tôi, mỗi lần tôi vừa khụy xuống là mẹ lại nắm tai tôi xách lên và quát vào mặt tôi với hơi thở nồng nặc mùi rượu. Vào những đêm như vậy, mẹ luôn lặp đi lặp lại một điệp khúc rằng tôi chính là nguyên nhân gây ra những mối bất hòa giữa cha mẹ. Những lúc ấy, tai tôi lại ong lên, người mỏi nhừ còn tay chân thì run lẩy bẩy. Tôi biết cách duy nhất thoát khỏi mẹ là cứ đứng yên đó, mắt dán xuống sàn nhà, hy vọng rằng mẹ sẽ sớm kiệt sức, không thể nói được nữa và buông tha cho tôi.
Năm tôi lên lớp hai, mẹ tôi có thai đứa con thứ tư. Cô giáo Moss bắt đầu quan tâm đặc biệt đến sức tập trung của tôi trong giờ học. Tôi đã nói dối rằng do tôi thức khuya xem tivi. Những lời nói dối của tôi xem ra chẳng thuyết phục được cô. Thế là cô tiếp tục dò hỏi nguyên nhân tại sao tôi hay ngủ gật trong lớp, về bộ quần áo tôi mặc và cả những vết thâm tím trên người của tôi. Do mẹ đã vẽ sẵn những gì tôi cần phải nói với người khác về bề ngoài của mình, vì vậy tôi dễ dàng lặp lại những lời bịa đặt ấy với cô giáo.
Nhiều tháng trôi qua, cô Moss lại càng trở nên kiên trì hơn nữa với trường hợp của tôi. Cuối cùng, vào một ngày nọ, cô đã bày tỏ nỗi lo lắng của mình với thầy hiệu trưởng. Thầy vốn đã biết quá rõ tôi là một thằng ăn cắp thức ăn, thế nên ông lại gọi cho mẹ. Ngày hôm đó khi về đến nhà, tôi có cảm giác như ai đó vừa thả vào nhà tôi một quả bom nguyên tử. Mẹ tôi trở nên dữ tợn hơn bao giờ hết. Bà điên tiết lên vì cho rằng có vài giáo viên “lập dị” nào đó đã khép bà vào tội ngược đãi trẻ em. Mẹ nói rằng ngày hôm sau bà ấy sẽ đến trường của tôi để bào chữa, thanh minh về những lời buộc tội sai sự thật. Kết thúc buổi nói chuyện ấy, tôi bị chảy máu mũi hay lần và bị gãy một cái răng.
Chiều hôm sau, khi tôi đi học về, mẹ nhìn tôi cười đắc ý như thể vừa thắng được một triệu đô-la tiền cá cược vậy. Bà nói cho tôi biết bà đã che đậy sự thật như thế nào khi đến gặp thầy hiệu trưởng cùng với đứa em Russell của tôi trên tay. Mẹ đã nói với thầy hiệu trưởng rằng David bị chứng hoang tưởng. Mẹ kể với thầy hiệu trưởng là David thường tự đánh đập và cào cấu mình để thu hút sự chú ý và quan tâm của người khác kể từ khi em trai của nó là Russell ra đời. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh mẹ vừa đứng uốn éo như một con rắn vừa nựng nịu Russell trước mặt thầy hiệu trưởng để đạt được mục đích của mình. Bà còn nói rằng kết thúc cuộc nói chuyện với thầy hiệu trưởng, bà vui mừng không sao tả xiết khi từ nay sẽ được hợp tác chặt chẽ với nhà trường. Bất kì khi nào David có vân đề gì thì các thầy cô ở trường sẽ gọi ngay cho bà. Bà cũng đã dặn các thầy cô ở trường là không cần phải để ý gì đến những câu chuyện điên rồ do tôi dựng nên về việc bị đánh đập hay bị bỏ đói. Hôm ấy, tôi chỉ biết đứng im trong nhà bếp lắng nghe câu chuyện khoác lác của bà, long thấy trống rỗng đến vô cùng. Nghe mẹ thao thao bất tuyệt về cuộc gặp gỡ với thầy hiệu trưởng, tôi cảm nhận được vẻ tự đắc của bà. Chính thái độ đó của bà làm tôi thấy lo sợ cho cuộc đời của mình. Tôi ước gì mình có thể tan chảy ra và biến mất mãi mãi. Tôi ước gì mình sẽ chẳng bao giờ phải đối diện với bất kỳ ai nữa cả.
Mùa hè năm đó, gia đình tôi đi nghỉ ở Sông Nga. Mặc dù mối quan hệ giữa tôi và mẹ có vẻ bớt căng thẳng, nhưng cảm giác hân hoan và hạnh phúc của ngày xưa đã không còn nữa. Những chuyến xe cỏ[4] , những buổi xem nhạc rock Weenie Roast[5] và những câu chuyện kể hấp dẫn giờ chỉ còn là quá khứ. Phần lớn thời gian chúng tôi chỉ ở trong lều mà thôi. Những chuyến dạo chơi vào ban ngày đến bãi biển Johnson nổi tiếng cũng trở nên hiếm hoi.
[4] Cưỡi xe cỏ (hayride): Là trò chơi trên một chiếc xe tải nhỏ, xe bò, xe ngựa hoặc xe trượt tuyết và trên đó được trang trí cỏ khô cùng những vật dụng làm nông. Ngày nay, hayride được tổ chức vào những dịp hội họp và mang tính thương mại hóa ở Mỹ.
[5] Là một chương trình hòa nhạc với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ rock alternative được tổ chức hàng năm tại Los Angeles, California, Mỹ.
Cha cố gắng làm cho không khí của kỳ nghỉ thêm phần vui vẻ và thoải mái bằng cách đưa chúng toi đi chơi trên chiếc ván trượt ông mới mua. Lúc bấy giờ Russell chỉ mới chập chững biết đi nên phải ở lại lều với mẹ. Hôm đó, khi Ron, Stan và tôi đang chơi gần nhà nghỉ của hàng xóm thì mẹ ra đứng ngay cổng nhà nghỉ của mình và gào réo bắt chúng tôi pahri về ngay lập tức. Vừa bước vào nhà, tôi bị mẹ mắng cho một trận vì tội quá ồn ào. Hình phạt dành cho tôi là tôi khong được phép đi chơi lướt ván với cha và hai người anh em của mình. Tôi ngồi run rẩy trên một cái ghế trong góc phòng, lòng chỉ mong sao có điều gì đó xảy ra để họ không bỏ một mình tôi ở lại với mẹ. Tôi biết rằng mẹ đang toan tính chuyện gì đó. Ngay khi họ vừa đi khỏi, mẹ liền lôi ra mấy cái tã bẩn của Russell. Bà dí dí rồi chà cái tã lên mặt tôi. Tôi cố gắng ngồi thật vững. Tôi biết là nếu tôi nhúc nhích hay cố tình né tránh, thì mọi thứ sẽ còn tệ hơn nữa. Tôi không nhìn lên. Tôi không nhìn thấy mẹ đang đứng trước mặt tôi, nhưng tôi có thể nghe thấy hơi thở dồn dập của bà.
Sau một khoảng thời gian kéo dài như cả giờ đồng hồ trôi qua, mẹ quỳ xuống bên cạnh tôi, nói vào tai tôi bằng một giọng rất khẽ: “Ăn đi”.
Tôi bàng hoàng không thể tin vào tai mình và thảng thốt ngước nhìn lên, cốc tránh ánh mắt của mẹ. Không thể nào! Tôi tự nhủ. Cũng như bao lần trước đó, tôi biết chống đối lại mẹ là một việc không nên làm vì sẽ chẳng ích gì. Mẹ bắt đầu tát lia lịa vào mặt tôi. Tôi bám chặt tay vào thành ghế để khỏi ngã xuống đất, nếu không chắc mẹ sẽ nhảy bổ lên người tôi mất thôi. “Tao nói ‘ăn đi’!” - Mẹ rít lên.
Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi chiến lược để đối phó với mẹ, thế là tôi bắt đầu khóc lóc van xin. Phải cầm chân bà ấy lại. Tôi nhủ thầm. Tôi cố gắng đếm nhẩm và tập trung cao độ. Thời gian là đồng minh duy nhất của tôi lúc này. Mẹ đáp lại những tiếng khóc lóc của tôi bằng mấy cú đấm thẳng vào mặt tôi như trời giáng. Chỉ đến khi nghe tiếng Russell khóc, bà mới chịu dừng tay.
Dù cho mặt mũi tôi lúc đó bê bết phân là phân, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn lâng lâng một cảm giác thỏa nguyện. Tôi nghĩ rằng mình đã có thể thắng. Tôi cố lau sạch phân dính trên mặt mình, phân còn vung vẩy cả trên sàn nhà gỗ. Tôi nghe thấy tiếng mẹ khe khẽ hát ru Russell ngủ, và tôi có thê tưởng tượng thằng bé được ôm ấp thế nào trong vòng tay của mẹ. Nhưng chỉ ít phút sau, bùa hộ mệnh của tôi cũng đã say giấc.
Miệng vẫn mỉm cười, mẹ quay trở lại trò vui của mình. Bà tóm lấy cổ tôi và lôi tôi vào nhà bếp. Trên bàn ăn là một cái tã khác đầy phân. Cái mùi của nó làm tôi muốn nôn mửa.
- Bây giờ thì mày hãy ăn cho hết đi! – Mẹ ra lệnh.
Đôi mắt của mẹ lúc này ánh lên những tia nhìn hằn học và hả hê hệt như lúc bà bắt tôi leo lên cái bếp lò đang phừng phực lửa ngày trước. Không dám xoay đầu, tôi chỉ đảo mắt tìm chiếc đồng hồ màu vàng hoa cúc mà tôi biết chắc rằng nó nằm đâu đó trên tường. Sau vài giây, tôi nhận ra chiếc đồng hồ nằm trên bức tường ở phía sau lưng. Nếu không có nó, tôi sẽ cảm thấy bất lực. Tôi biết là mình cần phải tập trung tinh thần vào một vật gì đó, để có thể nắm được quyền kiểm soát cho tình thế hiện tại. Nhưng trước khi tôi kịp nhìn thấy chiếc đồng hồ, thì mẹ đã chộp lấy cổ tôi. Bà nghiến răng lặp lại những từ một:
- Ăn đi!
Tôi nín thở. Cái mùi của nó thật quá sức tưởng tượng. Tôi cố tập trung vào phần đầu là phần sạch nhất của cái tã. Thời gian như kéo dài hàng thế kỷ. Mẹ ắt hẳn đã biết được kế hoạch của tôi. Mẹ ụp mặt tôi vào cái tã và chà qua chà lại khuôn mặt tôi trên cái vật bẩn thỉu ấy.
Tôi đoán trước được hành động của mẹ. Khi mẹ vừa dúi đầu tôi chúi xuống dưới, tôi liền nhắm chặt mắt và mím chặt miệng lại. Mũi của tôi bị đập mạnh xuống bàn. Một chất gì đó âm ấm rĩ ra từ mũi tôi. Theo quán tính, tôi hít vào để máu mũi khỏi chảy ra. Thế là tôi hít phải một ít phân cùng với máu ngược trở lại mũi. Hai tay tôi đập xuống bàn, tôi cố vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay kìm kẹp của mẹ. Tôi cố giãy giụa với tất cả sức lực để thoát khỏi tấm thân hộ pháp của mẹ, nhưng mẹ quá mạnh. Bỗng nhiên mẹ buông tôi ra.
- Họ về rồi. Họ về rồi. – Mẹ vừa nói vừa thở hổn hển. Mẹ quơ lấy cái khăn vắt trên bồn rửa mặt ném cho tôi rồi quát: - Lau hết phân trên cái mặt gớm ghiếc cảu mày đi. – Bà gầm lên trong lúc lau chùi mấy bệt phân nâu lem luốc trên mặt bàn.
Tôi dung khăn lau mặt thật kỹ, không quên khịt thật mạnh để lấy hết chỗ phân trong mũi ra. Lát sau, mẹ tọng một miếng khăn giấy vào lỗ mũi đang chảy máu cảu tôi và lệnh cho tôi ngồi vào góc phòng. Tôi ngồi đó suốt buổi chiều, mũi vẫn còn ngửi thấy thứ mùi kinh khủng của cái tã.
Từ đó, gia đình tôi chẳng bao giờ quay trở lại Sông Nga nữa.
Tháng Chín, tôi trở lại trường học với bộ quần áo cũ mặc từ nhiều năm trước và cái hộp cơm màu xanh lá đã rỉ sét. Tôi trở thành một nỗi ô nhục biết đi trong gia đình của mình. Ngày nào cũng vậy, mẹ gói cho tôi phần ăn trưa gồm hai lát sandwich phết bơ đậu phộng và vài mẫu cà rốt bé tẹo. Vì không còn là thành viên trong gia đình nữa, nên tôi không được phép ngồi cùng xe với mọi người để mẹ chở đi học. Mẹ bắt tôi phải chạy bộ đến trường. Bà biết rằng làm thế tôi sẽ không đến trường kịp giờ để lấy trộm thức ăn của các bạn học.
Ở trường, tôi là một đứa trẻ bị loại bỏ hoàng toàn khỏi những cuộc chơi. Chẳng đứa bạn nào chịu nói chuyện hay chơi đùa với tôi cả. Suốt giờ ăn trưa, tôi ngồi một mình và cố nuốt trôi từng lát sandwich xuống cổ họng đắng nghét, cảm thấy tủi thân vô cùng khi nghe mấy đứa bạn cất lời trêu chọc. Bọn bạn vẫn thường xì xào bàn tán hoặc ném vào tôi những cậu đại loại như: “David, thằng ăn cắp thức ăn” và “Thằng hôi rình”. Không một ai muốn lại gần tôi, không một ai muốn dính dáng gì đến tôi. Tôi thấy mìnha so cô độc quá.
Ở nhà, mỗi khi bị mẹ bắt đứng hàng giờ trong nhà xe, tôi giết thời gian bằng cách nghĩ ra những cách mới để tìm lấy cái ăn cho mình. Thỉnh thoảng cha vẫn tìm cách lén mẹ lấy cho tôi vài mẫu thức ăn, nhưng rất ít khi ông qua được mắt mẹ. Càng ngày tôi càng tin rằng, nếu muốn sống sót, tôi sẽ phải dựa vào chính mình. Tôi không thể trông mong vào bất kỳ cơ hội nào để lấy cắp thức ăn ở trường nữa. Tất cả học sinh lúc bấy giờ đều giấu hộp thức ăn vào tủ riêng và khóa lại. Còn các thầy cô bộ môn và thầy hiệu trưởng thì đã biết rất rõ về tôi và luôn giám sát tôi cẩn thận. Hầu như tôi không thể manh nha ý định đánh cắp thức ăn ở trường được nữa.
Sau cùng, tôi cũng đã nghĩ ra được một kế hoạch có vẻ khả thi. Theo quy định của nhà trường thì vào giờ giải lao buổi trưa, học sinh không được phép rời khỏi sân chơi, vì vậy sẽ không ai nghĩ đến việc tôi không có mặt ở đó. Kế hoạch mới của tôi là tôi sẽ lẻn ra khỏi sân chơi, chạy đến quầy bách hóa trong trường để đánh cắp bánh quy, bánh mì, bánh khoai tậy hoặc bất cứ thứ gì có thể. Tôi tính toán thật kỹ từng chi tiết cho kế hoạch đó. Sáng hôm sau, khi chạy bộ đến trường, tôi đếm từng bước chân để có thể tính toán chính xác thời gian để áp dụng cho kế hoạch nhắm vào quầy bách hóa. Vài tuần sau đó, tôi đã có được mọi thông tin cần thiết. Điều cuối cùng là phải có đủ dũng khí để thực hiện kế hoạch ấy. VÌ quầy bách hóa nằm trên một ngọn đồi nên từ trường học đến đó mất khoảng mười lăm phút, còn lúc về thì chỉ mất mười phút. Thế nghĩa là tôi chỉ có mười phút tại quầy bách hóa mà thôi.
Hàng ngày, khi chạy từ nhà tới trường rồi từ trường về nhà, tôi cố gắng chạy nhanh hớn, dậm chân thật mạnh xuống đường như thể mình là một vẫn động viên ma-ra-tông vậy. Từng ngày trôi qua, kế hoạch của tôi trở nên chặt chẽ hơn. Trong thời gian đó, thính thoảng cơn đói của tôi lại được thay thế bằng những cơn mộng tưởng. Cứ mỗi lần ở nhà làm việc là tôi lại mơ màng viễ vông. Trong lúc bò lê cọ rửa sàn nhà tắm, tôi cứ tưởng tượng mình chính là hoàng tử trong câu chuyện “Hoàng tử và Người hành khất”[6]. Khi đã là hoàng tử, tôi có thể chấm dứt trò chơi mà mình phải đóng vai là một tên đầy tớ. Mỗi khi bị bắt đứng ở dưới tầng hầm, tôi lại đứng yên bất động với hai mắt nhắm nghiền, mơ mộng ra cảnh mình là nhân vật anh hùng trong một câu chuyện nào đó. Nhưng rồi cơn mộng tưởng sớm bị gián đoạn vì những cơn đói đến cồn cào ruột gan, thế là suy nghĩ của tôi lại nhanh chóng trở về với kế hoạch ăn cắp thức ăn.
[6] Hoàng tử và Người hành khất (The Prince and the Pauper) là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mark Twain, đây chính là tác phẩm đầu tay trong sự nghiệp của ông. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của hai cậu bé có bề ngoài giống hệt nhau: một người là kẻ hành khất tên Tom Canty và một người là Hoàng tử Edward - con trai của vua Henry VIII ở Anh Quốc.
Nhưng do tôi biết chắc kế hoạch của mình là hoàn toàn ngu ngốc, nên tôi vẫn chưa có đủ can đảm để thực hiện. Suốt giờ nghỉ trưa, tôi cứ lòng vòng quanh sân trường, tự trách mình sao không có đủ quyết tâm để chạy thẳng đến quầy bách hóa kia. Rồi tôi tự nhủ hay là mình đừng nghĩ đến chuyện điên rồ đó nữa, bởi sự tính toán về thời gian có thể không chính xác và mình sẽ bị bắt gặp. Trong lúc tôi đang phải đấu tranh tư tưởng với chính mình thì bụng của tôi lại sôi lên cồn cào như thể nó đang giễu tôi là “đồ gà con”. Cuối cùng, sau nhiều ngày không đưuọc ăn tối mà chỉ được ném cho mấy mẩu bánh vụn cho bữa sáng, tôi đánh liều tiến hành kế hoạch của mình. Hôm ấy, sau khi chuông báo hiệu giờ giải lao buổi trưa vang lên được vài phút, tôi vội lao xuống đường chạy thật nhanh về phía quầy bách hóa. Tim tôi đập thình thịch còn miệng thì thở hồng hộc. Tôi đến được quầy bách hóa với khoảng thời gian chỉ bằng một nửa so với những gì tôi đã ước tính. Thấp thỏm đi lên đi xuống giữa các lối đi trong quầy để tiện quan sát, tôi có cảm tưởng như mọi ánh mắt đều đang đổ dồn về phía mình. Tôi có cảm giác như tất cả những ai đang có mặt tại cửa tiệm lúc đó đều xì xầm bàn tán về tôi - một thằng bé hôi hám và rách rưới. Rồi tôi nhận ra kế hoạch của mình có thể sẽ phá sản mất thôi bởi tôi đã không lường trước được bộ dạng của mình sẽ gây sự chú ý thế nào đến mọi người xung quanh. Tôi càng lo lắng về vẻ ngoài của mình thì dạ dày của tôi lại càng quặn thắt bởi nỗi sợ hãi. Tôi cứ thế đứng chết trân ngay lối đi trong quầy, không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi vừa nghe rõ nhịp tim đập thình thịch của mình vừa đếm từng thời khắc trôi qua. Đầu tôi đặc nghẹt những suy nghĩ. Nghĩ đến những lúc mình bị bỏ đói, dường như một sự quyết tâm cao độ xâm chiếm lấy tôi. Không còn nao núng trước những gì đang diễn ra xung quanh, tôi bạo gan thộp lấy cái gói đầu tiên tôi nhìn thấy trên kệ hàng và chạy nhanh ra khỏi cửa tiệm rồi lao trở về trường học. Người tôi run lên bần bật vì sợ. Nhưng tôi cũng sung sướng đến bật khóc khi đã nắm chặt trong tay “chiến lợi phẩm” của mình - một gói bánh quy Graham[7].
[7] Là một loại bánh quy do Mục sư Reverend Sylvester Graham làm lần đầu tiân vào năm 1822 ở New Jersey.
Về gần tới trường, tôi giấu gói bánh trong áo sơ mi, bên phần áo không bị thủng, rồi thản nhiên đi ngang qua sân trường. Sau đó tôi đi thẳng vào nhà vệ sinh nam và giấu gói bánh trong thùng rác. Quá trưa hôm đó, sau khi xin phép thầy giáo, tôi trở lại nhà vệ sinh để thưởng thức chiến lợi phẩm của mình. Chỉ cần nghĩ đến việc được liếm láp món bánh ngon lành thì nước bọt trong miệng tôi đã ứa ra. Nhưng rồi tim tôi thắt lại khi trước mắt tôi là một cái thùng rác trống rỗng. Vậy là kế hoạch tỉ mỉ cùng những công sức khó nhọc của tôi giờ đã trở thành công cốc. Người lao công đã dọn sạch thùng rác trước khi tôi kịp quay trở lại nhà vệ sinh.
Ngày hôm ấy, kế hoạch của tôi đã thất bại, nhưng vào những lần sau đó, tôi đã may mắn hơn. Có lần tôi giấy chiến lợi phẩm trong ngăn bàn ở phòng điểm danh, để đến sáng hôm sau tôi lấy nó ra như thể tôi đã mang theo từ nhà đến trường. Lúc đó tôi cảm giác như mình đã được cấp phép để ăn cắp. Mọi chuyện diễn ra tương đối suôn sẻ. Tôi không những có thể thỉnh thoảng tiếp tục đánh cắp thức ăn của các bạn cùng lớp, mà còn có thể chạy hết tốc lực đến quầy bách hóa mỗi tuần một lần để thó vài món mang về. Mỗi khi đến quầy bách hóa, nếu tôi linh cảm thấy có gì đó không ổn, tôi sẽ không lấy bất cứ thứ gì cả. Cũng như những lần ăn cắp trước, cuối cùng tôi lại bị tóm. Ông chủ cửa hàng đã gọi điện báo cho mẹ tôi biết. Khi về nhà, tôi lại nhận những trận đòn tàn nhẫn của mẹ. Mẹ thừa hiểu tại sao tôi phải ăn cắp thức ăn, cha tôi cũng vậy, nhưng bà ấy vẫn nhất quyết không cho tôi ăn. Tôi càng khao khát được ăn thì đầu óc tôi lại càng cố sức nghĩ ra một kế hoạch mới nào đó hoàn hảo hơn để đạt được điều đó.
Sau bữa ăn tối, mẹ có thói quen gom tất cả phần thức ăn thừa trên dĩa cho vào một cái thùng rác nhỏ, rồi bà mới cho gọi tôi lên - lúc đó đang dưới tầng hầm chờ cả nhà dùng xong bữa. Nhiệm vụ của tôi là rửa hết đống chén đĩa bẩn. Trong lúc đứng ở bồn rửa chén, tôi có thể ngửi thấy mùi thức ăn thừa mà mẹ đã ném vào thùng rác. Ngay lúc ấy, một ý nghĩ lóe lên trong đầu khiến tôi muốn nôn ọe, nhưng càng nghĩ và càng tự thuyết phục mình thì tôi cũng cảm thấy đỡ hơn. Đó chính là hy vọng duy nhất để cái bụng của tôi được no. Tôi cố rửa xong đống chén bát càng nhanh càng tốt rồi mang cái thùng rác xuống nhà xe để lục lọi. Vừa nhìn thấy thức ăn, miệng tôi ứa nước bọt và hai bên quai hàm nhức buốt đến tận mang tai. Tôi vừa gạt giấy và đầu lọc thuốc lá sang một bên vừa cẩn thận nhặt từng mẫu thức ăn còn nguyên ra khỏi đám bầy nhầy. Rồi tôi ngấu nghiến hết chỗ thức ăn ấy nhanh đến độ không kịp thở.
Như một lẽ thường tình, kế hoạch mới của tôi lại đột ngột bị khựng lại vì bị mẹ bắt gặp. Thế là trong suốt nhiều tuần liền, tôi buộc phải từ bỏ thói quen ăn đồ ăn trong thùng rác. Nhưng rồi sau cùng tôi cũng đành đánh bạo lén lút trở về với thói quen cũ để chống lại những cơn đói đến mờ mắt. Tôi nhớ một lần nọ, tôi đã lục thùng rác để ăn vài miếng thịt heo thừa. Chỉ vài giờ sau đó, cả người tôi quằn quại vì những cơn đau dữ dội. Tôi bị tiêu chảy suốt cả tuần. Khi tôi bị bệnh, mẹ mới nói cho tôi biết là bà đã cố tình để phần thịt heo ấy hai tuần trong tủ lạnh, cho nó bị thối rữa rồi mới ném vào thùng rác. Bà thừa biết tôi sẽ lén moi phần thịt ôi thiu ấy từ thùng rác ra mà ăn. Thời gian sau đó, cứ sau bữa cơm chiều, mẹ lại bắt tôi khuân cái thùng rác đến chỗ bà nằm cho bà kiểm tra. Bà không bao giờ biết rằng đối đối phó với chuyện này, tôi đã gói thức ăn vào mấy miếng khăn giấy và giấu nó dưới đáy thùng. Tôi biết là mẹ sẽ không muốn bới cái thùng rác lên để cho những ngón tay của mình bị vấy bẩn, vì vậy âm mưu của tôi cũng hữu dụng được một thời gian.
Dường như mẹ cảm nhận được rằng tôi vẫn có thể lấy được thức ăn bằng cách nào đó, thế nên bà bắt đầu tưới dung dịch amoniac vào thùng rác. Từ đó, tôi đành từ bỏ thói quen moi thức ăn từ thùng rác ở nhà và chỉ tập trung tìm cách để đánh cắp thức ăn ở trường mà thôi. Từ sau khi tôi bị bắt quả tang đánh cắp thức ăn trưa của các bạn học, ý định tiếp theo của tôi là sẽ đánh cắp thức ăn đông lạnh trong căng-tin trường học.
Tôi tính toán thời gian để xin phép thầy giáo đi vệ sinh ngay sau khi chiếc xe tải giao hàng mang đến căng-tin những hộp thức ăn đông lạnh dành cho bữa trưa. Sau đó tôi lẻn vào căng-tin và vơ lấy vài hộp thức ăn lạnh rồi chạy thục mạng vào nhà vệ sinh. Ở trong ấy, tôi ngấu nghiến mấy cây xúc xích đông lạnh và món bánh tater tots[8] với những vốc thật lớn. Tôi ăn nhanh đến độ gần như bị mắc nghẹn. Sau khi đã nhét đầy thức ăn vào bụng, tôi trở lại lớp học, trong lòng thấy vô cùng tự hào vì tôi đã tự kiếm được cái ăn cho mình.
[8] Là món bánh chiên giòn được làm từ bột khoai tây. Miếng bánh nhỏ, dài, là món ăn phổ biến trong các căng-tin ở trường học, được bày bán rộng rãi tại các quầy thực phẩm đông lạnh trong siêu thị, các nhà hàng thức ăn nhanh tại Mỹ.
Buổi chiều hôm ấy, khi đi học về, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến việc ăn cắp thức ăn ở căng tin trường học vào ngày hôm sau mà thôi. Nhưng chỉ vài phút sau đó, mẹ đã làm cho mọi dự định của tôi tan tan biến. Bà lôi tôi xềnh xệch vào nhà tắm, ra sức thụi túi bụi vào bụng tôi khiến tôi oằn người quằn quại vì đau đớn. Rồi bà tiếp tục lôi tôi vào nhà vệ sinh và bắt tôi phải thọc ngón tay vào trong cổ họng. Tôi không chịu làm theo. Tôi cố áp dụng chiêu thức cũ là đếm nhẩm, mắt tôi liếc nhìn vào bồn cầu bằng men sứ, “Một… hai… “ nhưng tôi chẳng bao giờ đếm được đến ba. Mẹ tôi tức mình thọc luôn ngón tay của bà ấy vào cổ họng tôi. Tôi oằn người vẫy vùng chỉ mong thoát khỏi tấm thân hộ pháp của bà ấy. Cuối cùng thì bà cũng buông tha cho tôi, nhưng chỉ là khi tôi chấp nhận sẽ ói ra hết cho bà ấy xem.
Tôi biết chuyện gì sắp sửa xảy ra. Tôi nhắm nghiền mắt lại mặc cho những thớ thịt heo đỏ hỏn trôi tuột vào trong bồn cầu. Mẹ đứng sau lưng tôi, tay chống nạnh và nói:
- Tao nghĩ vậy đấy. Cha mày sắp biết hết chuyện này rồi.
Tôi gồng người chờ đợi những cú đấm cú đá mà mẹ sắp dành cho tôi, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Vài giây sau, tôi quay người lại và biết mẹ đã ra khỏi nhà tắm. Nhưng tôi biết mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Vài phút sau mẹ trở lại với một cái tô nhỏ trên tay, bà bắt tôi múc những mảng thức ăn chưa được tiêu hóa hết trong bồn cầu vào cái tô ấy. Bởi lúc đó cha tôi ra ngoài mua sắm nên mẹ làm thế là để giữ lại chứng cứ cho ông xem.
Đêm hôm đó, sau khi tôi hoàn tất mọi công việc nhà, mẹ bắt tôi đứng cạnh bàn ăn trong nhà bếp trong lúc bà nói chuyện với cha tôi trong phòng ngủ. Trước mặt tôi lúc đó là cái tô đựng đầy thứ thịt mà tôi đã ói ra lúc chiều. Tôi không thể nhìn vào đó, tôi chỉ biết nhắm mắt lại và hình dung đến cảnh một ngày nào đó mình sẽ trốn khỏi nhà để đến một nơi thật xa. Một lát sau, mẹ kéo cha lao vào nhà bếp.
- Nhìn đây này, Steve! Anh có còn nghĩ rằng thằng nhãi đó không ăn cắp thức ăn nữa hay không? - Mẹ gào lên, tay chỉ thẳng về phía cái tô.
Ngước nhìn khuôn mặt của cha lúc ấy, tôi có thể thấy rằng ông đã ngày càng trở nên mệt mỏi với cụm từ “Điều thằng đó đã làm” mà mẹ luôn miệng chì chiết. Liếc nhìn tôi, cha lắc đầu tỏ vẻ không tán thành với mẹ, rồi ông lắp bắp:
- Mà Roerva này, nếu có thể thì em cho thằng bé ăn chút gì đi.
Cha vừa dứt lời, một trận cãi vã nảy lửa đã diễn ra ngay trước mặt tôi và như mọi khi, mẹ là người chiến thắng.
- ĂN? Anh muốn cho thằng nhãi đó ăn à, Stephen? Được rồi, nó sẽ được ĂN. Bảo nó ăn cái này đi!
Mẹ trợn mắt hét lên the thé, hất cái tô về phía tôi rồi hậm hực bỏ về phòng.
Không khí trong gian bếp trở nên yên lặng như tờ khiến cho tôi có thể nghe thấy cả hơi thở nặng nề đầy lo âu của cha. Sau một hồi đắn đo, cha nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi và nói:
- Cứ chờ ở đây, Cọp con. Để xem cha có thể làm được gì không nhé.
Nói rồi ông bỏ đi. Tôi biết ông đi gặp mẹ để cố thuyết phục bà đừng bắt tôi làm như thế. Chỉ vài phút sau, cha quay trở lại. Nhìn vẻ mặt buồn bã của cha, tôi hiểu ngay chuyện gì sẽ xảy ra.
Tôi ngồn trên một cái ghế và dùng tay với lấy đống tịt nhểu nhảo kia ra khỏi tô. Cảm giác muốn nôn ọe đã tràn đến cổ họng. Vừa đưa mấy miếng thịt đã bốc mùi lên miệng tôi vừa nhắm mắt để cố nuốt cho trôi. Nuốt xong miếng đầu tiên, tôi bật khóc. Tôi quay sang nhìn cha. Ông đứng đó với ly rượu trong tay, chỉ biết nhìn khi tôi phải nuốt cái thứ gớm ghiếc ấy vào bụng. Đã thế ông còn nhìn tôi gật đầu như ra hiệu tôi hãy tiếp tục. Tôi không thể tin là cha chỉ có thể đứng đó nhìn trong lúc tôi đang phải nuốt lấy mớ thức ăn ghê tởm trong cái tôi kia. Chính trong giây phút đó, tôi biết cha con tôi đang dần rời xa nhau…
Tôi nín thở nuốt trọng để không phải ngửi thấy cái mùi tanh tưởi ấy, cho đến khi có một bàn tay kẹp chặt lấy cổ tôi từ phía sau:
- Nhai đi. – Mẹ gầm gừ. – Ăn đi! Ăn hết đi!
Mắt bà long lên, tay dúi đầu tôi vào cái tô. Tôi ngồi lọt thỏm trong cái ghế, nước mắt dầm dề chảy xuống gò má. Sau khi nhai xong đống hỗn độn trong cái tô, tôi ngửa đầu ra sau để cố ép cho những gì còn lại trong miệng tôi trôi xuống cổ họng. Tôi nhắm nghiền mắt lại và gào thét với chính mình rằng bằng mọi cách đừng để cho cái thứ ấy trào ngược trở lên miệng. Mãi cho đến khi tôi chắc chắn mọi thứ đã ổn thì tôi mới dám mở mắt ra. Tôi nhìn chằm chặp vào cha, ông đang vội quay đi để tránh nhìn thấy nỗi đau đớn của tôi. Ngay chính lúc đó, tôi cảm thấy căm ghét mẹ đến tận cùng, nhưng tôi còn ghét cha nhiều hơn thế gấp trăm vạn lần. Người đàn ông ấy đã từng nhiều lần tìm cách giúp đỡ tôi, bênh vực cho tôi, nhưng giờ thì ông chỉ đứng im như một pho tượng khi chứng kiến con trai phải cho vào miệng một thứ mà ngay cả con chó còn chê.
Sau khi tôi ăn xong phần xúc xích do chính mình ói mửa ra, mẹ quay trở lại trong chiếc áo choàng và ném vào người tôi một đống báo. Bà bảo ràng tôi sẽ lấy đống báo đó làm mền đắp, và sàn nhà phía dưới cái bàn ăn sẽ là giường ngủ của tôi. Tôi lại nhìn về phía cha, nhưng ông ấy đã làm như thể chẳng hề có tôi ở đó. Tôi cố nén nước mắt, không muốn mình phải khóc lóc trước mặt hai con người đó. Mặt tôi đột nhiên trở nên biến sắc. Tôi hoàn toàn vô cảm. Tôi lồm cồm chui xuống gầm bàn, lấy mấy tờ báo phủ lên người rồi nằm co ro ở đấy. Trông tôi lúc ấy hệt như một con chuột nhắt bị nhốt vào lồng vậy.
Suốt nhiều tháng liền, tôi ngủ dưới gầm bàn nơi cả nhà tôi vẫn ngồi ăn sáng, kế bên là một chiếc hộp lớn làm ổ cho lũ mèo con nhà tôi. Chẳng lâu sau đó, tôi cũng tìm được cách để tận dụng mớ báo kia. Tôi dùng những tờ báo quấn quanh mình để giữ ấm cho cơ thể. Sau cùng, mẹ nói với tôi rằng tôi không được phép ngủ ở nhà trên nữa, và thế là tôi bị hất khỏi đó để trở lại nhà để xe. Chỗ ngủ của tôi bây giờ là một chiếc giường cũi cũ kỹ. Để giữ ấm, tôi cố gắng áp sát đầu mình vào lò sưởi. Nhưng sau vài đêm chịu đựng giá lạnh, tôi nhận ra cách tốt nhất để giữ ấm cho mình là nằm kẹp hai tay vào nách và co quắp hai chân đến tận mông. Thỉnh thoảng khi giật mình tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, tôi cố gắng hình dung mình là một con người thật sự, được nằm ngủ trong một chiếc chăn điện ấm áp, được an toàn và được ai đó yêu thương. Đầu óc tôi đắm chìm trong mộng mị được một lúc, rồi thì đem dài giá lạnh lại mang tôi trở về với thực tại phũ phàng. Tôi biết chẳng ai có thể giúp được tôi cả. Không phải thầy cô giáo của tôi, không phải những người mà tôi gọi là anh em, càng không phải là cha của tôi. Tôi chỉ có thể đứng trên đôi chân của chính mình, và hàng đêm tôi luôn cầu xin Chúa hãy ban cho tôi sức mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất. Trong bóng đêm tĩnh mịch ở nhà để xe, tôi nằm trên chiếc giường gỗ run rẫy gì lạnh cho đến khi chìm vào giấc ngủ chập chờn.
Một lần nọ, trong cơn mộng mị lúc nửa đêm, tôi chợt nảy ra ý định đi xin thức ăn trên đường đến trường. Dẫu biết rằng mẹ vẫn liên tục tiến hành những cuộc “sát hạch nôn mửa” mỗi ngày ngay khi tôi vừa đi học về nhưng tôi nghĩ rằng những thứ tôi ăn vào lúc sáng sẽ được tiêu hóa vào buổi trưa thôi. Thế là mỗi sáng khi bắt đầu chạy bộ đến trường, tôi phải cố gắng chạy hết tốc lực để có thêm nhiều thời gian cho cuộc tìm kiếm thức ăn của mình. Sau đó tôi còn quyết định thay đổi kế hoạch, tôi không xin mà sẽ ghé vô bất kỳ ngôi nhà nào trên đường và gõ cửa. Khi có người ra mở cửa, tôi sẽ vờ hỏi xem họ có tình cờ thấy một cái hộp đựng cơm trưa nào gần đấy hay không. Những lần như vậy, kế hoạch của tôi tỏ ra rất hữu dụng. Nhìn vẻ mặt của họ, tôi thấy rõ sự cảm thông sâu sắc mà họ dành cho tôi. Tôi còn lo xa bằng cách dùng một cái tên giả để không ai biết tôi thật sự là ai. Nhiều tuần lễ trôi qua, kế hoạch của tôi diễn ra trơn tru, cho đến một ngày kia, tôi gõ cửa một ngôi nhà mà người phụ nữ ở đó lại là người quen của mẹ tôi. Câu chuyện “Con làm mất bữa trưa của mình. Cô có thể làm giúp con một phần ăn khác hay không?” do tôi dựng nên đã đổ vỡ tan tành. Thậm chí trước khi rời khỏi căn nhà ấy, tôi còn biết thế nào cô ấy cũng gọi cho mẹ tôi.
Ngày hôm ấy ở trường học, tôi chỉ biết cầu nguyện sao cho hôm đó là ngày tận thế mà thôi. Trong lúc tôi cứ bồn chồn đứng ngồi không yên ở lớp học, thì tôi biết khi ấy ở nhà, mẹ đang nằm dài trên trường kỷ xem tivi và uống rượu triền miên đồng thời sẽ nghĩ ra trò gì đó thật kinh tởm để làm với tôi khi tổi trở về ngôi nhà của bà ấy sau khi tan học. Buổi chiều hôm ấy, khi chạy từ trường về nhà sau giờ học, tôi có cảm giác chân mình nặng nề như bị dính chặt vào những tảng xi-măng vậy. Cứ sau mỗi bước đi, tôi lại cầu xin cho người phụ nữ ấy đừng gọi điện cho mẹ tôi, hoặc mong sao cô ấy nhầm tôi với một đứa trẻ khác. Trên đầu tôi, bầu trời vẫn trong xanh, và sau lưng tôi mặt trời vẫn chiếu những tia nắng ấm áp. Về đến nhà, tôi nhìn về phía mặt trời và tự hỏi không biết tôi còn có thể nhìn thấy ánh dương ấy lần nào nữa hay không. Tôi khẽ mở hé cánh cửa lớn rồi lách vào trong nhà, nhón gót đi rón rén xuống nhà để xe. Tôi hình dung mẹ sẽ bay ngay xuống cầu thang và đánh tôi ngã nhào trên nền xi-măng vào bất cứ lúc nào. Thế nhưng tôi chẳng thấy bà ấy đâu. Sau khi mặc bộ đồ làm việc nhà vào, tôi lại rón rén đi lên nhà trên, vào bếp và bắt đầu rửa đống chén đĩa mà mẹ đa bày ra vào buổi trưa. Vì không thể biết được mẹ đang ở đâu nên tai tôi bỗng trở thành cái ăng-ten ra-đa để dò tìm vị trí của bà. Trong lúc rửa chén, tôi cứ có cảm giác hồi hộp, phập phồng lo sợ từ phía sau lưng. Hai tay tôi run rẩy, và tôi không thể tập trung vào công việc của mình. Cuối cùng, tôi cũng nghe thấy tiếng mẹ bước ra khỏi phòng ngủ, đi qua phòng lớn để xuống nhà bếp. Ngay trong khoảnh khắc đó, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi có thể nghe thấy tiếng cười đùa, la hét cửa bọn trẻ đang nô đùa ngoài ấy. Cũng trong khoảnh khắc ấy, tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng mình là một trong số những đứa trẻ ấy. Tôi thấy lòng mình ấm lại. Tôi mỉm cười.
Tim tôi đập thình thịch khi cảm nhận rõ hơi thở của mẹ ngay phía sau lưng mình. Giật mình, tôi đánh rơi một cái đĩa, nhưng trước khi nó rơi xuống nền nhà, tôi đã kịp chụp lấy nó.
- Mày cũng nhanh nhỉ, cái đồ thối tha kia? – Bà ấy cười khinh bỉ. – Mày còn có thể chạy thật nhanh để có thời gian đi xin thức ăn kia mà. Được thôi… để xem mày nhanh như thế nào.
Vì nghĩ rằng mẹ sẽ nện cho một trận nên tôi gồng người chuẩn bị chịu trận, nhưng mẹ không đánh. Tôi lại nghĩ bà ấy sẽ quay trở lại phòng để tiếp tục xem tivi, nhưng bà cũng không đi. Mẹ vẫn đứng đấy sau lưng tôi, quan sát nhất của nhất động của tôi. Tôi có thể nhìn thấy hình ảnh của mẹ phản chiếu trên cửa sổ nhà bếp. Bà ấy cũng thấy và nhếch mép cười. Nhìn thấy nụ cười của bà, tôi gần như muốn tè vãi cả ra quần.
Rửa chén đĩa xong, tôi tiếp tục cọ rửa nhà tắm. Trong lúc tôi lau chùi bồn tắm thì mẹ ngồi trên bồn cầu. Khi tôi bò ra chà sàn nhà, bà vẫn lặng im ngồi đấy quan sát tôi từ phía sau. Tôi cứ nghĩ rằng bà sẽ đi vòng lên phía trước rồi đá vào mặt tôi, nhưng bà ấy đã không làm như thé. Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình, nỗi lo sợ trong tôi mỗi lúc một lớn dần lên. Tôi biết mẹ sắp đánh như thế nào, khi nào đánh và đánh ở đâu. Tôi có cảm giác như công việc chà rửa nhà tắm này dường như kéo dài vô tận. Tôi làm việc mà chân tay cứ ở trong tư thế đề phòng. Tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác ngoài mẹ. Sau khi lấy hết can đảm, tôi ngẩng lên nhìn bà, bà lại nhếch mép cười và nói:
- Nhanh nữa lên nào thằng nhóc. Mày sẽ còn phải làm nhanh hơn thế này nữa đấy.
Đến giờ ăn tối, tồi gần như kiệt sức vì sợ hãi. Tôi ngủ gà ngủ gật trong lúc đứng chờ mẹ gọi lên lau dọn bàn ăn và rửa đống bát đĩa bẩn. Một mình đúng dưới nhà để xe, tâm trí tôi hoang mang vô cùng. Càng bồn chồn, tôi càng cảm thấy mắc tiểu. Tôi rất muốn chạy lên nhà trên để vào nhà tắm, nhưng tôi biết rằng không có lệnh của mẹ thì tôi chỉ là một thằng tù nhân không kém không hơn. “Có lẽ đó là kế hoạch mà bà ấy dành cho mình.” – Tôi tự nhủ - “Có lẽ bà ấy muốn mình phải uống luôn nước tiểu”. Lúc đầu, ý nghĩ đó quả thật là quá tục tằn đối với tôi, nhưng tôi biết rằng mình phải chuẩn bị tinh thần cho bất cứ trò gì mà mẹ sắp bày ra. Càng tập trung nghĩ đến những trò quái ác mẹ sẽ dành cho tôi, sức lực trong tôi càng trở nên kiệt quệ. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: tôi đã biết tại sao mẹ lại theo dõi mỗi bước chân của tôi như thế. Bà muốn tôi bị đè bẹp bởi một thứ áp lực thường trực, bằng cách đẩy tôi vào cảm giác bất an khi không biết sẽ bị bà ấy hành hạ ở đâu và vào lúc nào. Trước khi tôi kịp nghĩ ra cách đối phó, thì mẹ đã réo gọi tôi lên nhà trên. Lúc ở trong nhà bếp, bà ấy đã nói rằng chỉ có cách làm việc với tốc độ của ánh sáng mới có thể cứu được tôi, vì vậy tốt hơn là tôi nên làm thế nào để rửa xong đống bát đĩa ấy trong một thời gian kỷ lục mới được.
- Tất nhiên tao chẳng cần phải nói với mày rằng tối nay mày phải nhịn đói, nhưng đừng lo, tao đã có cách để giải quyết cái đói của mày rồi. – Bà cười nham hiểm.
Sau khi tôi làm xong việc nhà, mẹ bắt tôi đứng chờ ở nhà dưới. Tôi đứng đó, lưng dựa vào tường, thấp thỏm nghĩ xem mẹ sắp giở trò gì với mình. Tôi không thể hình dung được điều gì sắp xảy ra. Mồ hôi lạnh bỗng nhiên toát khắp cả người tôi, như thể nó được tiết ra từ tận trong xương tủy tôi vậy. Tôi mệt lả người, hai mắt ríu lại vì buồn ngủ. Mỗi khi có cảm giác đầu mình gục về phía trước, tôi lại choàng tỉnh, đứng thẳng lại. Tôi có cố gắng chống chọi lại cơn buồn ngủ đến mấy, thì tôi cũng không thể giữ cho đầu mình khỏi gật lên gật xuống như một miếng bần trôi dập dềnh trong nước. Rơi vào trạng thái nữa tỉnh nửa mê ấy, tôi cảm giác như sự căng thẳng đã khiến cho hồn tôi lìa khỏi xác, như thể tôi cũng đang trôi lờ lững đâu đó. Tôi cảm thấy cơ thể mình nhẹ tựa một cọng lông vũ cho đến khi đầu tôi lại đổ gục về phía trước, lúc ấy tôi lại giật nẩy mình tỉnh dậy. Tôi muốn chợp mắt một lúc. Nhưng như thế mà bị mẹ bắt gặp thì chỉ có chết, thế nên tôi từ bỏ ý nghĩ ấy bằng cách nhìn chồng chọc qua khung cửa sổ của ga-ra, dỏng tai nghe tiếng xe cộ chạy ngoài đường và quan sát ánh đèn đỏ nhấp nháy chiếu xuống từ những chiếc máy bay bay ngang qua bầu trời phía trên. Từ tận đáy lòng, tôi ước sao mình có thể bay khỏi nơi đây.
Vài giờ sau đó, khi Ron và Stan đi ngủ, mẹ lệnh cho tôi quay lại nhà trên. Tôi kéo lê từng bước chân. Tôi biết đã đến lúc. Bà ấy làm tôi kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi không biết bà ấy đang tính toán thứ gì trong đầu. Tôi chỉ có một điều ước đơn giản rằng, mẹ cứ đánh tôi đi rồi hãy để cho mọi chuyện chấm dứt.
Khi mở cửa phòng, một sự tĩnh lặng vây lấy tôi. Căn phòng chìm trong bóng tối, chỉ có duy nhất tia sáng hắt ra từ ngọn đèn trong nhà bếp. Khi thấy mẹ đang ngồi cạnh cái bàn ăn sáng, tôi đứng chết trân. Bà mỉm cười, còn tôi khi nhìn thấy bộ dạng rũ rượi của bà thì hiểu ra rằng men rượu đã khiến bà trở nên như vậy. Trông bà lúc ấy như một cái xác chết trôi. Ngay lúc đó, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ rằng mẹ sẽ không đánh tôi như mọi khi. Đầu óc tôi trở nên mụ mẫm, nhưng tôi cũng kịp định thần trở lại khi mẹ đứng dậy và chệnh choạng bước đến bồn rửa chén. Bà quỳ xuống nền nhà, mở cái thùng bên dưới bồn rửa chén và lấy ra một cái chai đựng dung dịch amoniac. Tôi không hiểu gì hết. Rồi bà với tay lấy một cái muỗng và rót dung dịch ấy ra. Tôi hoảng sợ và hoang mang đến độ không thể nghĩ được gì cả. Càng muốn định thần suy nghĩ, đầu óc tôi lại càng trở nên tê cứng.
Với muỗng dung dịch amoniac trong tay, mẹ tiến về phía tôi. Khi vài giọt dung dịch sóng ra khỏi muỗng và rơi vãi xuống sàn nhà, tôi cứ lùi dần cho đến khi đầu tôi đụng vào thành bàn gần chỗ để cái bếp lò. Tôi cười thầm trong bụng. “Tất cả chỉ có vậy thôi sao? Vậy thôi sao? Tất cả những gì mẹ muốn làm với mình là bắt mình phải nuốt hết cái thứ này thôi sao?” – Tôi tự nhủ.
Tôi không hề cảm thấy sợ hãi. Tôi đã quá mệt mỏi. “Hãy đến đây, tiến lên nào. Làm cho xong rồi chấm dứt đi.” – Ngay lúc ấy tôi chỉ có thể nghĩ được như thế. Khi mẹ cúi xuống, bà lại nói với tôi rằng chỉ có tốc độ mới giúp được tôi thôi. Tôi cố hiểu sự đánh đố của mẹ, nhưng đầu óc tôi lúc đó đã hoàn toàn mụ mẫm.
Không một chút do dự, tôi há to miệng ra, mẹ thọc sâu cái muỗng lạnh buốt ấy vào cổ họng tôi. Tôi lại tự trấn an mình rằng điều này chẳng có gì là ghê gớm cả, nhưng chỉ liền sau đó, tôi không thể thở. Cổ họng tôi như bị tắt nghẹn. Tôi loạng choạng trước mặt mẹ, mặt tôi căng cứng và nóng bừng, cảm giác như thể hai mắt tôi sắp sửa vọt ra ngoài. Rồi tôi ngã quỵ xuống sàn. “Bọt xà phòng!” – Tâm trí tôi gào thét trong oán hận. Tôi dùng tất cả sức lực đấm mạnh xuống sàn nhà, cố gắng làm sao để nuốt trôi cái thứ ấy. Ngay lúc đó tôi cảm thấy hoảng sợ tột độ. Những giọt nước mắt sợ hãi ào ạt chảy xuống hai gò má của tôi. Ít giây sau đó, tôi cảm nhận được những cú đấm của tôi xuống sàn nhà đã yếu dần. Tôi bắt đầu dùng mấy đầu ngón tay cào xuống sàn nhà. Mắt tôi cũng dán xuống đó. Mọi màu sắc như nhòe nhoẹt trước mắt tôi. Tôi thấy mình giống như đang trôi dạt đi. Tôi biết mình sắp chết.
Rồi tôi nhận ra mẹ đang đập mạnh vào lưng tôi. Sức mạnh của những cú đập đó khiến tôi ợ lên, và thế là tôi có thể thở được trở lại. Trong lúc tôi cố gắng hít sâu thở mạnh để nhịp thở trở lại bình thường thì mẹ lại ung dung quay về với ly rượu của bà ấy. Bà nốc liền một hơi dài, nhìn chằm chằm xuống tôi và phun phèo phèo vào mặt tôi.
- Giờ thì mày thấy rồi đấy, đâu có quá khó phải không? – Mẹ vừa nói vừa uống cạn ly rượu và đuổi tôi xuống nhà dưới, để tôi trở về với cái giường nhỏ bé cũ kỹ của mình.
Buổi tối ngày hôm sau, màn kịch cũ lại tái diễn, nhưng lần này là trước sự chứng kiến của cha. Bà huênh hoang:
-Phải thế này thì thằng nhãi mới chừa cái tội ăn cắp thức ăn được!
Tôi thừa biết bà ấy hành hạ tôi như thế chỉ để thỏa mãn thú vui bệnh hoạn của mình mà thôi. Khi mẹ ép tôi uống dung dịch amoniac, cha tôi vẫn đứng đó bất động. Nhưng lần này tôi đã kháng cự lại. Mẹ đã phải cạy miệng tôi ra, còn tôi, trong lúc quẫy mạnh đầu và vung mạnh tay cũng đã khiến bà phải làm đổ một lượng lớn chất tẩy rửa ấy xuống sàn nhà. Nhưng như thế vẫn không thể thay đổi tình thế. Lần này tôi cũng phải nắm chặt tay mình lại, đấm mạnh xuống sàn nhà khi cái chất ấy lọt vào cổ họng. Tôi ngước nhìn về phía cha, ánh mắt van nài và cầu cứu ông ấy. Tôi muốn kêu ông cứu tôi, nhưng sao tôi lại chẳng thể nói đưuọc lời nào. Ông ấy chỉ đứng đó, vô cảm, cả khi tay tôi nện thình thịch xuống sàn nhà ngay dưới chân ông ấy. Mẹ quỳ xuống bên tôi như thể bà đang vỗ về mấy con chó con của bà, rồi bà lại vỗ mạnh vào lưng tôi vài lần nữa, trước khi tôi ngất lịm đi.
Sáng hôm sau, trong lúc lau chùi nhà tắm, tôi soi gương để xem cái luoix bị bỏng rát của mình thế nào. Nhiều thớ thịt bị tưa ra, phần lưỡi còn lại thì đỏ lên và tứa máu. Tôi đứng trân trân nhìn vào cái bồn rửa chén, thấy mình vẫn còn may mắn vì đã sống sót.
Mặc dù mẹ không còn bắt tôi nuốt dung dịch amoniac nữa, nhưng thỉnh thoãng bà lại bắt tôi uống vài muỗng đầy thuốc tẩy Clorox[9]. Nhưng dường như trò yêu thích của mẹ vẫn là xà phòng rửa chén. Bà ấy thường dốc thứ chất lỏng màu hồng rẻ tiền ấy vào cổ họng tôi rồi bắt tôi đứng yên trong ga-ra. Những lúc ấy, miệng lưỡi tôi trở nên khô khốc, thế là tôi phải lén mẹ đến bên cái vòi nước của ga-ra mà uống đầy một bụng nước. Nhưng rồi tôi sớm nhận ra sai lầm chết người của mình. Tôi bị tiêu chảy, nhưng vẫn phải cố nín nhịn. Tôi khóc la gọi mẹ, van nài bà ấy cho tôi lên nhà trên dùng toa-lét. Bà ta thẳng thừng từ chối. Tôi chỉ còn biết đứng bất động ở đó, khi một đám chất lỏng ồ ạt chảy qua quần lót rồi chảy xuống cả hai chân tôi, lênh láng khắp sàn nhà.
[9] Clorox là tên một loại thuốc tẩy, là thương hiệu nổi tiếng của công ty Clorox - công ty chuyên sản xuất các sản phẩm hóa chất ở Oakland, California.
Tôi cảm thấy nhục nhã vô cùng; tôi òa khóc như một đứa trẻ. Trong tôi giờ đây chẳng còn một chút nào gọi là lòng tự trọng. Tôi cần vào nhà tắm lần nữa, nhưng tôi sợ đến nỗi không dám cử động. Cuối cùng, khi bụng tôi đau quặn lên, thì tôi đàng phải ráng thu hết chút danh dự còn sót lại cảu mình rồi bước chệnh choạng về phía bồn rửa trong ga-ra. Tôi chộp lấy một cái can hai mươi lít và ngồi lên đấy như một cách tự giải cứu mình. Trong lúc tôi đang nhắm mắt cố nghĩ ra cách làm sạch người, làm sạch quần áo thì cánh cửa ga-ra phía sau lưng tôi bất ngờ bật mở. Tôi quay đầu nhìn về phía cha. Ông vẫn thản nhiên đứng nhìn tôi trong lúc tôi vừa thẫn thờ nhìn ông vừa để cho đám phân lỏng màu nâu sậm đang chảy ồ ạt vào cái can. Tôi cảm thấy mình còn thua một con chó.
Mẹ không phải lúc nào cũng thắng. Một lần nọ, trong suốt một tuần tôi không được đi học, ở nhà bà ấy đã liên tục đổ xà phòng vào miệng tôi rồi bắt tôi phải lau chùi nhà bếp. Bà ấy không biết rằng tôi đã không nuốt chỗ xà phòng đó. Tôi chỉ ngậm hỗn hợp vừa xà phòng vừa nước bọt trong miệng. Tôi không cho phép mình nuốt cái chất ấy xuống cổ họng nữa. Lau chùi nhà bếp xong, tôi chạy như bay xuống nhà dưới để nhổ bỏ cái thứ bẩn thỉu kia. Sau khi đóng chặt cánh cửa lại, tôi khạc nhổ hết ra ngoài cái đống xà phòng màu hồng ấy rồi ngoác miệng cười đắc chí. Tôi với tay giật lấy cái khăn cạnh mấy cái thùng rác gần cửa ga-ra rồi cho vào miệng lau thật kỹ đến từng giọt xà phòng cuối cùng. Tôi cảm thấy như mình vừa giành chiến thắng trong cuộc đua ma-ra-tông ở thế vận hội vậy. Tôi cảm thấy tự hào vì đã đánh bại mẹ trong trò chơi do chính bà ấy bày ra.
Mặc dù mẹ vẫn thường xuyên bắt quả tang tôi căn cắp thức ăn đẻ giải tỏa cơn đói, nhưng bà cũng không thể bắt được tôi trong tất cả những lần như thế. Sau nhiều tháng liền bị giam cầm trong ga-ra hàng nhiều giờ liền mỗi lần, sự can đảm trong tôi cũng gia tăng đáng kể và tôi đã dám ăn trộm vài mẩu thức ăn đông lạnh để trong tủ lạnh dưới ga-ra. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng tôi có thể trả giá cho tội lỗi của mình vào bất kỳ lúc nào, thế nên tôi đã ăn từng miếng, từng miếng thức ăn ấy như thể chúng là bữa ăn cuối cùng của tôi vậy.
Trong bóng tôi tràn ngập ga-ra, tôi nhắm mắt lại, hình dung cảnh mình là một ông hoàng mặc trên người bộ áo choàng lộng lẫy nhất, ăn thức ăn ngon nhất do thần dân của mình dâng lên. Mỗi khi tôi cầm được trên tay một mẩu bánh bí đông lạnh hay một miếng bánh sò chiên giòn, tôi là một ông hoàng. Và cũng như bất kỳ ông hoàng nào đang ngồi trên ngai vàng, tôi cũng liếc nhìn phần thức ăn bên dưới và mỉm cười.