Mùa hè năm 1971 là một cột mốc quan trọng trong khoảng thời gian còn lại tôi sống bên cạnh mẹ.
Tuy chưa bước sang tuổi mười một, nhưng tôi đã phải nếm hầu hết các loại hình phạt do mẹ nghĩ ra và còn thuộc luôn từng loại hình phạt dành cho mỗi tội. Nếu tôi làm bất cứ công việc nào đó quá thời gian mà mẹ quy định, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ bị bỏ đói. Nếu tôi nhìn bà ấy hoặc nhìn một trong hai anh em trai của tôi khi bà ấy chưa cho phép thì tôi sẽ lãnh trọng một cái tát vào mặt. Nếu bị bắt quả tang đang ăn cắp thức ăn thì tôi sẽ bị trừng trị bằng một hình phạt cũ nào đó, hoặc bà sẽ nghĩ ra một trò mới tàn nhẫn hơn dành cho tôi. Dường như mẹ luôn ý thức rõ những gì bà đang làm đối với tôi, còn tôi cũng có thể đoán được bà sẽ làm gì. Tuy vậy, tôi vẫn phải thật dè chừng và luôn gồng cứng người mỗi khi biết bà ấy đang tiến lại gần mình.
Vào khoảng đầu tháng Bảy, tinh thần tôi thật sự suy sụp. Đối với tôi, thức ăn giờ đây chỉ còn là một giấc mơ xa vời. Thậm chí những mảnh vụn dư thừa của bữa sáng tôi cũng hiếm khi nhận được, và tôi không bao giờ được cho ăn trưa cho dù tôi có cố gắng làm việc chăm chỉ thế nào đi nữa. Còn đối với bữa tối, cứ trung bình ba ngày thì tôi được cho ăn một bữa.
Một ngày tháng Bảy nọ, hôm ấy cũng bắt đầu như bất kỳ một ngày bình thường nào khác trong kiếp sống như nô lệ của tôi. Đã ba ngày liền tôi chẳng có gì vào bụng. Vì đang nghỉ hè nên tôi không thể thó được miếng thức ăn nào ở trường cả. Cũng như mọi bữa tối khác, tôi ngồi dưới chân cầu thang, hai bàn tay lót dưới mông làm đệm, lóng tai nghe âm thanh của chén đĩa lanh canh vọng xuống trong lúc “gia đình” mình ăn tối. Mẹ bắt tôi phải ngồi trên hai bàn tay, đầu ngửa hẳn ra sau trong tư thế của một “tù binh chiến tranh”. Tôi cứ để mặc cho đầu của mình gục về phía trước, mơ màng tưởng tượng mình là một trong số họ - một thành viên trong “gia đình”. Hẳn là tôi đã ngủ gật vì sau đó bất thình lình tôi bị mẹ đánh thức bằng một giọng gầm gừ:
- Dậy đi. Nhấc cái mông của mày lên đi thằng nhãi ranh!
Vừa nghe thấy tiếng mẹ, tôi đã đứng phắt dậy như một cái máy và chạy hết tốc lực lên nhà trên. Tôi thầm cầu xin sao cho tối nay mình sẽ kiếm được cái gì đó, bất cứ thứ gì, để làm dịu bớt cơn đói.
Trong khi tôi đang lui cui dọn dẹp chén dĩa trên bàn ăn thì mẹ gọi tôi vào bếp. Tôi cúi đầu ngoan ngoãn trong lúc bà lầm bầm ra thời hạn cho tôi làm việc.
- Mày có hai mươi phút. Quá một phút, một giây thôi là mày sẽ bị bỏ đói nữa đấy! Hiểu chưa?
- Vâng, thưa mẹ.
- Nhìn tao khi tao nói chuyện với mày! – Mẹ gầm lên.
Tuân theo mệnh lệnh của bà, tôi từ từ ngẩng đầu lên. Tôi thấy nhóc Russell em tôi đang lúc lắc người dưới chân của mẹ. Giọng điệu chói tai của mẹ dường như chẳng làm nó bận tâm. Nó chỉ liếc nhìn tôi bằng một ánh mắt lạnh lùng. Cho dù lúc ấy Russell chỉ mới bốn hay năm tuổi gì đó, nhưng nó đã trở thành “đảng viên đảng quốc xã bé nhỏ” của mẹ, nó trông chừng nhất của nhất động của tôi để đảm bảo rằng tôi không thể lấy cắp được chút thức ăn nào. Có khi nó còn dựng chuyện với mẹ để được nhìn thấy mẹ phạt tôi nữa. Tôi biết chính mẹ là người đã tẩy não cho nó, nhưng tôi cũng bắt đầu lạnh nhạt với nó và ghét nó như nó ghét tôi vậy.
- Mày có nghe tao nói không đấy? – Mẹ thét lên. – Nhìn tao khi tao đang nói chuyện với mày đây này!
Khi tôi nhìn bà, bà liền chộp lấy con dao cắt thịt để trên bàn ăn và rít lên:
- Nếu mày không làm xong việc đúng thời hạn, tao sẽ giết chết mày!
Những lời lẽ ấy của mẹ chẳng mảy may tác động gì đến tôi cả. Mẹ đã lặp đi lặp lại điệp khúc ấy cả tuần lễ nay rồi. Ngay cả Russell cũng chẳng để ý gì đến lời đe dọa đó của mẹ. Nó vẫn cứ đong đưa người quanh chân mẹ như thể chẳng có gì xảy ra. Có vẻ như mẹ không mấy hài lòng với kế hoạch vừa được làm mới lại của mình, bởi tôi thấy bà cứ đi lòng vòng và liên tục quấy rầy tôi trong khi kim đồng hồ vẫn cứ quay đều. Tôi ước gì bà ấy hãy im miệng lại và để yên cho tôi làm việc. Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi nghĩ đến việc phải hoàn thành mớ công việc này trong khoảng thời gian đang hẹp lại dần. Tôi chỉ mong có được cái gì đó để ăn. Cứ nghĩ đến chuyện buổi tối không được đi ngủ là tôi lại thấy sợ.
Có điều gì đó không ổn. Rất không ổn! Tôi cố tập trung nhìn vào mắt mẹ. Tay phải bà đã cầm con dao lên. Tôi lại tự nhủ chẳng có gì phải sợ cả. Trước đây bà ấy cũng đã từng làm như vậy rồi mà. “Đôi mắt”, tôi nhủ thầm. “Phải nhìn vào đôi mắt bà ấy”. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt bà, chẳng có gì khác thường cả - vẫn nửa tỉnh nửa đờ đẫn như mọi khi đấy thôi. Nhưng bản năng trong tôi mách bảo rằng có điều gì đó không ổn. Tôi không nghĩ rằng bà ấy sắp đánh tôi, nhưng cả người tôi vẫn cứ căng lên chờ đợi. Khi sự căng thẳng trong tôi đã lên đến tột cùng, tôi mới nhận ra được điều gì là không ổn. Một phần vì Russell vẫn đang lúc lắc dưới chân, một phần vì cử động của cánh tay lẫn bàn tay của mẹ khi huơ huơ con dao, nên cả người bầ ấy cứ ngúc ngắc từ trước ra sau. Ngay lập tức, tôi nghĩ bà ấy sấp ngã.
Mẹ cố gắng lấy lại thăng bằng. Bà vừa quát Russell để thằng bé thả chân bà ra vừa không ngừng mắng chửi tôi. Lúc đó, phần thân trên của bà giống như một cái ghế bập bênh không còn khả năng điều khiển. Không để ý đến những lời đe dọa của mẹ, tôi chỉ tượng tượng đến cảnh người đàn bà say khướt trước mặt mình sẽ ngã đập mặt xuống sàn nhà. Thế là tôi tập trung mọi sự chú ý của mình lên khuôn mặt của mẹ. Rồi chỉ trong một cái nháy mắt, tôi nhìn thấy một vật gì đó lờ mờ bay vụt ra từ tay mẹ. Rồi chỉ trong một cái nháy mắt, tôi nhìn thấy một vật gì đó lờ mờ bay vụt ra từ tay mẹ. Một cảm giác đau đớn xé toạc bụng tôi. Tôi cố gắng đứng vững, nhưng hai chân tôi đã khuỵu xuống, và trời đất quanh tôi bỗng tối đen.
Khi tỉnh dậy, tôi cảm giác có cái gì đó nóng ấm đang di chuyển trên ngực mình. Phải mất vài giây định thần tôi mới nhận ra mình đang ở đâu. Tôi đang ngồi dựa vào thành toa lét. Tôi quay về phía Russell, thằng bé réo lên:
- David sắp chết rồi. Thằng oắt con sắp chết rồi.
Tôi đưa mắt nhìn xuống bụng. Tôi thấy mẹ đang quỳ gối, vội vội vàng vàng chặm một miếng gạc dày cộm lên vùng bụng của tôi, nơi có dòng máu đỏ bầm đang chảy ra. Tôi cố gắng nói gì đó. Tôi biết đó chỉ là một tai nạn. Tôi muốn mẹ hiểu rằng tôi đã tha thứ cho bà, nhưng người tôi yếu đến nổi chẳng thể thốt nên lời. Trong khi tôi cố gắng giữ đầu thẳng để tỉnh táo thì nó cứ luôn gục gặc về phía trước. Tôi không còn khái niệm về thời gian nữa khi lại chìm vào cơn mê.
Khi tôi tỉnh dậy, mẹ vẫn còn quỳ ở đó. Bà đang băng bó vết thương dưới ngực của tôi bằng một tấm vải. Bà làm việc ấy một cách thành thạo. Từ khi chúng tôi còn bé, đã nhiều lần mẹ nói với Ron, Stan và tôi rằng trước khi gặp cha, bà ấy từng mong muốn được trở thành một y tá. Bất kỳ lúc nào có tai nạn nào đó xảy ra trong gia đình, bà ấy luôn là người làm chủ tình hình. Tôi chưa bao giờ mảy may nghi ngờ khả năng này của mẹ. Chỉ là tôi đang đợi mẹ cho tôi lên xe và đưa tôi đến bệnh viện. Tôi tin chắc bà ấy sẽ làm như vậy. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Tôi có một niềm tin đến kỳ lạ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc. Toàn bộ trò chơi mà trong đó tôi đã phải sống như một tên nô lệ sẽ chấm dứt. Tôi có cảm tưởng rằng chính tai nạn kia đã trả tự do lại cho tôi.
Phải mất gần nửa giờ đồng hồ mẹ mới băng bó xong vết thương cho tôi. Chẳng có chút đau xót thương hại nào trong ánh mắt của bà ấy. Tôi cứ nghĩ rằng, ít ra bà ấy cũng dỗ dành tôi bằng một giọng nói dịu dàng chứ. Sau khi đưa mắt nhìn tôi vô cảm, mẹ đứng dậy, rửa tay và nói với tôi rằng giờ thì tôi có ba mươi phút để rửa cho xong đống chén đĩa. Tôi trố mắt ngỡ ngàng, cố hiểu xem bà ấy vừa nói gì. Nhưng chỉ vài giây sau đó, tôi hiểu ngay thông điệp của mẹ. Tương tự như vụ tai nạn tôi bị gãy tay vài năm trước, mẹ chẳng màng quan tâm đến những gì đã xảy ra.
Tôi không có thời gian để tự xót thương mình hay than vãn. Đồng hồ vẫn gõ từng nhịp, từng nhịp. Tôi đứng lên, lảo đảo một lúc, rồi cứ nhắm hướng nhà bếp mà đi. Cứ mỗi bước chân, vết thương của tôi lại nhói đau đến tận xương cốt. Máu chảy thấm ướt cả cái áo tách tươm tôi đang mặc. Ngay khi lết được bên bồn rửa chén, tôi tựa cả người vào đó và thở hổn hển như một con chó già tội nghiệp.
Đứng trong nhà bếp, tôi nghe thấy tiếng cha đang lật sột soạt mấy tờ báo trong phòng khách. Nhịp thở của tôi trở nên gấp gáp và khó nhọc vì đau đớn. Tôi chỉ hy vọng mình có thể đến được chổ cha đang ngồi. Nhưng tôi thấy mình bắt đầu khó thở, và chừng như đã quá đuối sức, tôi ngã luôn ra sần. Sau đó tôi hiểu mình chỉ nên hít vào và thở ra những hơi thật ngắn mà thôi. Tôi lại cố hết sức lết vào phòng khách. Vị anh hùng của tôi đang ngồi trên chiếc ghế trường kỷ. Tôi biết cha sẽ để mắt đến mẹ và đưa tôi đến bệnh viện. Tôi đứng xiêu vẹo trước mặt cha, chờ ông ấy lật sang trang báo mới và nhìn thấy tôi. Khi ông ấy vừa ngẩng lên nhìn tôi, tôi lắp bắp:
- Cha ơi!... Mẹ… Mẹ… Mẹ đâm con…
Tôi hơi sững sờ vì ông ấy thậm chí còn không có cả một cái nhíu mày.
- Sao vậy? – Ông lên tiếng.
- Mẹ nói rằng nếu con không rửa chén xong đúng giờ, me… mẹ sẽ giết con.
Thời gian như ngừng trôi. Tôi có thể nghe thấy tiếng cha thở dài nặng nhọc. Ông đằng hắng lấy giọng rồi nói:
- À… con… ừ… con nên trở lại đó và rửa cho xong chén đĩa đi.
Đầu tôi đổ về phía trước như thể để hứng lấy từng lời cha nói. Tôi không thể tin vào tai mình những gì cha vừa nói. Ắt hẳn là cha cũng cảm nhận được nỗi hoảng sợ trong tôi. Ông gập tờ báo lại và lên giọng:
- Lạy chúa! Mẹ có biết con đang ở đây nói chuyện với cha không? Tốt hơn con nên quay trở lại đó và rửa cho xong chén đĩa đi. Khốn kiếp thật! Chúng ta không nên gây thêm bất cứ chuyện gì khiến mẹ con phiền lòng nữa! Cha không muốn chịu đựng điều đó đêm nay đâu…
Cha im lặng một lúc, thở một hơi thật sâu rồi lại xuống giọng:
- Có nghe cha nói gì không? Con quay trở vô bếp và rửa cho xong chén đĩa đi. Cha sẽ không nói với mẹ còn là con đã nói gì đâu, được chứ? Đây sẽ là một bí mật nho nhỏ giữa cha con ta. Giờ thì quay về nhà bếp, rửa chén đĩa ngay đi. Đi ngay bây giờ đi, trước khi bà ấy bắt gặp cả hai chúng ta. Đi!
Tôi đứng trước mặt cha, sững sờ chẳng thốt thêm được điêu gì. Cha thậm chí còn không nhìn tôi. Chỉ cần cha dịch mép báo sang một bên và nhìn vào mắt tôi, ông ấy sẽ biết; ông ấy sẽ cảm nhận được nỗi đau đớn trong tôi và rằng tôi cần sự giúp đỡ của ấy biết nhường nào. Nhưng, vẫn như mọi khi, tôi biết rằng mẹ đã kiểm soát ông ấy như bà đã kiểm soát mọi thứ trong căn nhà này. Tôi nghĩ cả cha và tôi đều thấu hiểu luật lệ của “gia đình” – nếu chúng tôi không biết gì về một vấn đề nào đó, có nghĩa là nó không tồn tại. Chẳng biết phải làm gì tiếp theo, tôi đứng đấy, cúi đầu nhìn những giọt máu nhuộm đỏ cả một khoảng thảm lót sàn. Từ sâu thẳm trong lòng mình, tôi đã nghĩ rằng cha sẽ nhấc bổng tôi lên trong vòng tay của ông và đưa tôi đi thật xa. Thậm chí tôi còn tưởng tượng ra rằng cha sẽ xé toạc cái áo sơ mi ông đang mặc trên người, để lộ chân tướng mình là một Siêu nhân rồi bế tôi bay vút lên không trung.
Tôi quay phắt đi. Tất cả lòng kính trọng của tôi dành cho cha giờ đây đã không còn nữa. Vị cứu tinh trong trí tưởng tượng của tôi bấy lâu nay thật ra chỉ là một kẻ giả tạo. Tôi cảm thấy oán giận ông ấy còn hơn cả với mẹ. Tôi ước gì có cách nào đó để tôi có thể bay đi thật xa, nhưng cơn đau nhói nơi bụng đã đưa tôi trở về với thực tại.
Tôi dùng hết sức lực còn xót lại của mình để rửa đống chén đĩa. Tôi nhanh chóng nhạn ra rằng nếu cứ cử động cẳng tay thì vết thương dưới bụng tôi càng thêm đau nhói. Mỗi lần tôi bước qua bước lại từ bồn rửa chén sang bồng tráng chén thì một cơn đau khác lại kéo đến. Tôi hoàng toàn kiệt sức. Khi khoảng thời gian 30 phút trôi qua, cũng là lúc cơ hội có được cái ăn của tôi biến mất.
Tôi chỉ muốn ngã lăn ra đó và từ bỏ tất cả, nhưng lời hứa của tôi với chính mình từ bao năm qua đã giúp tôi đứng vững. Tôi muốn cho con mụ độc ác ấy biết rằng mụ không bao giờ có thể đánh bại được tôi trừ khi tôi chết đi, và rằng tôi đã quyết không bao giờ nhượng bộ, ngay cả khi đứng trước cái chết. Trong khi đứng rửa chén, tôi đã nghiệm ra rằng bằng cách đứng trên những đầu ngón chân của mình và dựa hẳn phần người phía trên vào cạnh bàn thì cơn đau ở phần dưới ngực sẽ dịu lại phần nào. Và thay vì cứ đi qua đi lại giữa hai cái bồn, tôi rửa một lúc mấy cái rồi chuyển chúng sang bồn bên kia để tráng một lần. Sau khi lau khô hết chén đĩa, tôi lại rùng mình khi nghĩ đến việc phải úp chúng lên. Tủ để chén đĩa ở ngay bên trên đầu tôi, và tôi biết rõ rằng nếu với lên tới đó, tôi sẽ phải chịu đựng một cơn đau còn khủng khiếp hơn nữa. Thế là tôi úp từng cái một. Tôi cố hết sức nhón chân lên và ra sức giơ cao cánh tay qua khỏi đầu để đưa từng cái chén đĩa lên cao. Khi làm gần xong, vết thương của tôi lại nhói lên dữ dội. Tôi ngã lăn ra sàn.
Lúc bấy giờ, áo tôi đã ướt đẫm máu. Khi đang cố gắng đứng dậy, tôi cảm nhận đôi tay rắn chắc của cha đang đỡ lấy tôi. Tôi gạt ông ấy ra.
- Để đống chén đĩa ấy cho cha – Ông nói. – Cha sẽ giúp con úp lên. Con nên xuông dưới thay cái áo khác đi.
Tôi quay lưng bước đi mà không nói một lời nào. Tôi nhìn lên đồng hồ. Mất hơn một tiếng rưỡi để tôi hoàn tất phần việc của mình. Tay phải của tôi miết chặt vào thành cầu thang trong lúc tôi chậm chạp lần đường đi xuống. Cứ mỗi bước đi của tôi, máu lại càng thấm ra nhiều hơn.
Mẹ bắt gặp tôi ở dưới chân cầu thang. Khi mẹ cởi phăng chiếc áo đẫm mãu ra khỏi người tôi, tôi thấy mẹ làm nhẹ nhàng như không vậy. Tuy thế, tôi chẳng cảm nhận được một chút thoải mái nào cả. Chẳng qua đó chỉ là một việc bình thường đối với bà ấy. Trước đây, tôi đã thấy bà ấy chăm sóc đám vật nuôi trong nhà bằng sự thương yêu ân cần còn hơn cả những gì bà ấy đối với tôi bây giờ.
Tôi kiệt sức đến nỗi bất ngờ ngã vào người mẹ trong lúc bà ấy đang mặc cho tôi một cái áo thun quá cỡ đã cũ kỹ. Tôi nghĩ rằng mẹ sẽ thụi cho tôi một cái, nhưng không, bà đã để cho tôi được dựa vào người bà một lát. Rồi mẹ bỏ đi, để lại tôi ngồi dưới chân cầu thang. Một lát sau, mẹ trở lại và đưa cho tôi một ly nước. Tôi đón lấy cái ly và nốc cạn. Mẹ nói rằng bà không thể cho tôi ăn ngay lúc đó. Bà còn bảo sẽ cho tôi ăn sau khi tôi cảm thấy khỏe hơn. Giọng nói của bà vẫn đều đều – hoàn toàn không một chút cảm xúc.
Trộm nhìn ra bên ngoài, tôi trông thấy trời chiều California đang ngả dần vào màn đem u tịch. Mẹ nói rằng tôi có thể ra chỗ lối đi dẫn vào ga-ra mà chơi với các anh em của mình. Đầu óc tôi trở nên mụ mị. Phải mất vài giây sau tôi mới hiểu được mẹ vừa nói gì.
- Đi đi, David. Đi đi. – Mẹ giục.
Với sự giúp đỡ của mẹ, tôi khập khiễng bước ra ngoài. Mấy người anh em chỉ liếc nhìn sơ qua tôi rồi lại tiếp tục tập trung vào việc đốt những cây pháo hoa mừng ngày Quốc khánh 4 tháng 7.
Vài phút trôi qua, mẹ đối xử với tôi ân cần hơn trước. Bà đứng phía sau vịn vai tôi, chúng tôi cùng đứng xem các anh em của tôi lấy pháo hoa vẽ những vòng xoắn số tám vào không trung.
- Con có thích một cây như vậy không? – Mẹ hỏi.
Tôi gật đầu. Bà nắm lấy tay tôi rồi quỳ xuống giúp tôi đốt pháo. Trong thoáng chốc, tôi mường tượng lại mùi nước hoa mà mẹ đã dùng vào mấy năm trước. Cũng lâu lắm rồi mẹ không còn xức nước hoa hay trang điểm nữa.
Trong lúc chơi đùa với các anh em của mình, tôi không thể không nghĩ tới mẹ và sự thay đổi trong cách cứ xử của bà ấy đối với tôi. “Bà ấy đang giả vờ với mình chăng?” – Tôi tự hỏi. – “Những ngày tháng sống trong căn hầm ẩm tháp cuối cùng cũng qua ư? Mình được trở về với mọi người trong gia đình mình rồi sao?”. Bất giác tôi không thèm quan tâm tới những điều ấy nữa. Các anh em của tôi dường như cũng đón nhận sự có mặt của tôi. Tôi đã có một cảm giác thật thân thiện, ấm áp khi ở bên cạnh họ, một cảm giác mà tôi cứ ngỡ mình sẽ mãi mãi không thể có lại được nữa.
Được một lúc, cây pháo hoa của tôi cũng cháy hết. Tôi ngoái nhìn về phía vầng thái dương đang dần khuất vào nền trời đen cao vút. Cũng đã lâu lắm rồi tôi không được ngắm hoàng hôn như thế này. Tôi nhắm mắt lại, cố hít thật sâu hơi ấm tôi cảm nhận được từ xung quanh. Bỗng chốc, cơn đau, cái đói và cuộc sống khốn khổ của tôi chừng như tan biến. Tôi thấy ấm áp, và cảm thấy cuộc sống như được hồi sinh. Tôi lại mở mắt ra, mong sao mình có thể lưu giữ lại phút giây ấy mãi mãi.
Trước khi đi ngủ, mẹ còn cho tôi uống thêm nước và cho tôi ăn một chút thức ăn. Tôi thấy mình giống như một con vật què quặt đang được chăm sóc chờ ngày hồi phục. Nhưng rồi tôi cũng không để tâm đến điều đó lắm.
Tối đó, tôi vẫn ngủ trên chiếc cũi cũ kỹ nhỏ bé của mình dưới nhà để xe. Tôi cố không nghĩ đến vết thương, nhưng tôi không tài nào lờ nó đi được bởi từng cơn đau cứ liên tục nhói lên và lan khắp cơ thể tôi. Sau cùng, tôi đã thiếp đi do quá kiệt sức. Suốt đêm đó, tôi đã mơ thấy toàn những cơn ác mộng. Rồi tôi giật mình tỉnh giấc, người lạnh ngắt và đẫm ướt mồ hôi. Tôi cảm thấy sợ hãi khi nghe có tiếng động lục đục phía sau lưng. Thì ra là mẹ. Mẹ cúi xuống chườm lên trán tôi một cái khăn lạnh. Mẹ nói rằng tôi đã bị sốt suốt đêm. Tôi mệt đến lã người nên không thể nói được lời nào. Đầu óc tôi chỉ miên man nghĩ đến cơn đau đang hành hạ từng thớ thịt của mình. Sau đó, mẹ trở về phòng của mấy người anh em trai của tôi, cũng gần nhà để xe. Tôi cảm thấy an tâm hơn khi biết mẹ vẫn đang ở gần đó trông chừng tôi.
Tôi lại lim người đi rồi chìm vào cơn mê. Cứ mỗi lần chập chờn như vậy tôi lại mơ thấy một giấc mơ kinh khủng với những màn mưa đỏ lè và nóng hổi. Trong giấc mơ, tôi thấy mình ướt sũng trong những cơn mưa đáng sợ ấy. Tôi càng cố lau sạch máu khỏi người thì máu lại càng lấm lem khắp người tôi. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, tôi nhìn xuống tay mình thì thấy máu đã đóng khô đầy trên đấy. Phía trước ngực áo tôi đang mặc cũng đỏ một màu máu. Máu khô còn dính cả trên mặt tôi. Rồi tôi nghe tiếng cửa mở phía sau lưng. Khi quay lại, tôi thấy mẹ đang tiến về phía tôi. Tôi trông chờ mẹ sẽ ban cho tôi đặc ân như bà đã đối với tôi tối qua, nhưng hy vọng của tôi chỉ là một con số không. Bà ấy chẳng ban cho tôi điều gì tốt lành như thế cả. Bằng giọng lạnh lùng, mẹ bảo tôi hãy tự lau rửa đi để còn làm việc nhà. Khi nghe tiếng chân mẹ hút dần về phía cầu thang, tôi biết rằng chẳng có bất kỳ một sự thay đổi nào cả. Tôi sẽ vẫn là một đứa khốn khổ trong gia đình của mình mà thôi.
Khoảng ba ngày sau khi “tai nạn” xảy ra, tôi tiếp tục bị nóng sốt. Nhưng tôi cũng không dám hỏi xin mẹ dù chỉ là một viên thuốc aspirin, đặc biệt là khi ấy cha cũng không có nhà. Tôi biết mẹ đã trở về với đúng bản chất thật của bà ấy. Tôi nghĩ mình bị nóng sốt là do vết thương. Miệng vết thương trên bụng của tôi đã hở ra gấp nhiều lần kể từ cái đêm hôm đó. Tôi rón rén bò lê đến bên bồn rửa trong ga-ra. Tôi chọn một miếng giẻ sạch sẽ nhất trong đống giẻ rách của mình rồi vặn nước ra để thấm ướt nó. Tôi ngồi xuống, vén lớp áo đã ướt đẫm máu của mình lên. Tôi dùng miếng giẻ chậm nhẹ vào vết thương, hết sức cẩn trọng vì hãy còn đau quá. Đoạn tôi thu hết can đảm, hít một hơi thật sâu rồi nhẹ nhàng ấn vào miệng vết thương. Tôi đau đớn đến nỗi các cơ co rút lại, cả người oằn xuống, đầu va mạnh vào nền xi-măng lạnh ngắt. Tôi gần như chết ngất đi. Khi cố gượng nhìn vào bụng mình lần nữa, tôi trông thấy một chất gì đó màu vàng vàng trắng trắng bắt đầu rỉ ra từ vết thương đang sùi lên đỏ au. Tôi không rành lắm về những thứ như vậy, nhưng tôi hiểu rằng vết thương của mình đã bị nhiễm trùng. Tôi lồm cồm ngồi dậy, định đi lên cầu thang để nhờ mẹ lau rửa vết thương cho mình. Nhưng ngay khi vừa nhổm dậy, tôi đã khựng lại. “Không!” – Tôi tự nhủ. – “Mình không cần sự giúp đỡ của con mụ ấy”. Tôi cũng có biết sơ qua một số thao tác cơ bản trong sơ cấp cứu, nên tôi cảm thấy đủ tự tin để tự rửa vết thương của mình. Tôi muốn tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Tôi không muốn phụ thuộc vào mẹ, càng không muốn để bà ấy nắm thêm quyền kiểm soát tôi.
Tôi xả lại cái giẻ rồi chậm lên vết thương. Tôi hơi chần chừ khi lại chạm vào chỗ đau của mình. Hai tay tôi run lên vì sợ, còn nước mắt thì cứ rơi lã chã trên khuôn mặt. Tôi thấy mình sao giống một đứa bé quá, và tôi ghét cái cảm giác đó. Sau cùng, tôi tự nhủ: “Mày khóc, thì mày chết. Giờ thì hãy tự lo chăm sóc vết thương đi”. Tôi nhận ra rằng cái tổn thương về thể xác kia không đến nỗi đe dọa đến tính mạng của mình. Tôi đã thanh lọc tâm hồn để bằng mọi cách phải thoát khỏi nỗi đau đớn đó.
Nghĩ rồi tôi di chuyển thật nhanh để nhuệ khí kia không bị mất đi. Tôi giật lấy một mảnh giẻ rách khác, cuộn nó lại và nhét vào miệng. Tôi tập trung cao độ khi dùng ngón cái và ngón trỏ bên bàn tay trái ấn vào vùng da xung quanh vết thương. Rồi tôi dùng tay còn lại để lau sạch mủ trong vết thương. Tôi cứ lặp đi lặp lại những động tác đó cho đến khi có máu chảy ra, và tôi lại lau sạch máu. Chất màu trắng trong vết thương hầu như không còn nữa. Vết thương sau khi được lau chùi lại càng trở nên đau đớn quá sức chịu đựng của tôi. Tôi cắn thật chặt miếng giẻ nhét trong miệng, mọi tiếng kêu la của tôi đều đã bị bóp nghẹt trong đó. Tôi cảm tưởng như mình đang bị treo lơ lửng trên một vách đá. Sau khi tôi lau rửa vết thương xong, cổ áo của tôi cũng ướt đẫm vì không biết bao nhiêu là nước mắt của tôi đã rơi ra.
Vì sợ mẹ bắt gặp tôi không ngồi đúng nơi quy định, nên tôi bèn dọn dẹp hết đống bầy hầy của mình rồi vừa đi, vừa bò để đến dưới chân cầu thang. Trước khi kê tay xuống dưới mông làm đệm, tôi coi lại vết thương một lần nữa. Chỉ có vài giọt máu thấm qua lớp băng bằng giẻ rách mà thôi. Tôi buộc cho vết thương của mình phải lành. Chẳng hiểu sao tôi lại tin rằng chắc chắn nó sẽ lành. Tôi thấy tự hào về chính mình. Tôi ngồi đấy, tưởng tượng mình chính là nhân vật trong một câu chuyện cổ tích, người đã vượt qua những thử thách vô cùng kỳ quặc để sống sót. Bỗng đầu tôi lại đổ gục về phía trước, tôi cảm thấy buồn ngủ. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đã bay vút lên không trung giữa một quầng sáng rực rỡ. Tôi còn thấy mình mặc một cái áo choàng màu đỏ… Tôi là siêu nhân.