Xã hội của chúng ta có hai cách hiểu cực đoan về các vấn đề sức khoẻ tâm lý. Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng các vấn đề tâm lý chỉ là do mỗi người tự tưởng tượng ra - nó không phải là “vấn đề” và không đáng để quan tâm. Điều này dẫn đến sự nghi ngờ vào bản thân ở nhiều người, và hành trình tìm kiếm chính mình càng trở nên khó khăn hơn. Thứ hai, một số ý kiến cho rằng các vấn đề tâm lý xảy ra do não bộ có vấn đề - nó là một sự điên rồ, không kiểm soát được của não bộ. Kiểu suy nghĩ định kiến này khiến cho họ cảm thấy xấu hổ về bản thân, luôn kiên quyết phủ nhận tình trạng khó khăn về tâm lý của mình và từ chối sự giúp đỡ từ người khác.
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ gặp phải một số vấn đề về mặt cảm xúc, tinh thần. Có ai chưa từng trải qua một chút lo lắng, trầm cảm hay trì hoãn bản thân? Có ai không nhận thấy mình từng có biểu hiện của chứng “rối loạn lo âu xã hội”, “rối loạn ám ảnh cưỡng chế” và những hội chứng kì lạ khác? Điều chúng ta nên làm là đối mặt, chấp nhận và sống hòa hợp với nó thay vì phủ nhận, bôi xấu, thậm chí kì thị, phân biệt, xa lánh những người mắc phải nó.
Trong nội dung của chương này, bạn có thể khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là những người “khác biệt” và chúng ta đều có những điều “khác biệt”. Một khi bạn tìm ra đó là gì, chúng sẽ không còn ám ảnh bạn nữa.
Kiểm soát sự lo lắng và tìm ra
hướng đi đúng đắn trong cuộc sống
“Tại sao tôi lại thường lo lắng và không có năng lượng để học tập và làm việc?”
Nhiều người sống cực kỳ vô kỷ luật, luôn lãng phí thời gian một cách vô ích. Hằng ngày, họ không làm gì cả, thức khuya xem phim, sáng không dậy nổi, sống không mục đích, muốn làm việc nào đó có ý nghĩa nhưng lại không có động lực, trì hoãn, cảm thấy suy sụp, và dẫn đến thất bại trong cuộc sống.
Đôi khi, bạn muốn dành thời gian để đọc một cuốn sách, tập một bài thể dục, nhưng bạn không thể tập trung được lâu, cuối cùng bạn lại chơi với cái điện thoại. Bạn sẽ không tự chủ được bản thân, trốn tránh hay trì hoãn các trách nhiệm đặt ra bằng cách lướt tin tức mạng xã hội, chơi game... Bạn chơi đi, chơi lại mãi cũng sẽ thấy nhàm chán, không thể giải tỏa được sự lo lắng của mình; tuy nhiên, bạn vẫn không muốn hành động để thay đổi điều đó.
Bạn cứ bị mắc kẹt trong những cảm xúc muộn phiền hết lần này đến lần khác, và rồi đến một ngày bạn sẽ hối hận vì bản thân thiếu kỷ luật tự giác. Khi những cảm xúc tiêu cực tích tụ đến một mức độ nhất định, bạn có cảm giác muốn từ bỏ chính mình.
Những vấn đề được nói đến ở trên rất điển hình vì nó xảy ra với rất nhiều người. Trong phần nội dung này, tôi phân tích và giải đáp các yếu tố tâm lý ẩn sâu bên trong những gì chúng ta đang gặp phải, mong có thể giúp đỡ những người ở trong tình trạng này có thêm chút sức sống.
Một vòng lo lắng luẩn quẩn, không tìm ra giải pháp để hành động
Chúng ta biết rằng, sự lo lắng và căng thẳng một cách tích cực có thể biến thành động lực và thúc đẩy sự gia tăng của norepinephrine, từ đó giúp duy trì trạng thái hưng phấn cao. Ví dụ, một số người càng gần đến thời hạn nộp bài tập thì suy nghĩ và cảm hứng của họ càng trở nên mạnh mẽ. Họ sẵn sàng bỏ ra công sức gấp đôi và có thể nhận được những kết quả khả quan.
Ngược lại, nếu chúng ta phải chịu đựng sự lo lắng và căng thẳng quá mức trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến sự tích tụ một lượng lớn norepinephrine, từ đó làm tổn thương hệ thần kinh và khiến con người mất đi động lực cũng như năng lượng. Nếu tất cả các nguồn lực nhận thức của bạn đều dồn vào việc giải quyết sự lo lắng, làm sao bạn có thể còn năng lượng để suy nghĩ và học hỏi? Làm sao bạn còn đủ hứng thú để làm những việc cần nhiều năng lượng hơn?
Đây là lý do tại sao một số người càng biết mình có nhiều việc phải làm thì họ càng tìm đủ mọi lý do để trì hoãn. Họ sẽ mãi như vậy - họ muốn làm việc nhưng lại chỉ nằm trên giường và vẩn vơ lo lắng.
Trong trạng thái tiêu cực đó, bạn sẽ cảm thấy hối hận vì đã lãng phí thời gian, và hối hận vì đã chẳng làm được gì cả. Nghĩ về nó theo cách này, áp lực của bạn càng tồi tệ hơn nữa. Sự lo lắng tột độ dẫn bạn đến tình trạng bị trầm cảm nặng nề, càng trầm cảm bạn lại càng đẩy suy nghĩ lo lắng của mình trở nên trầm trọng hơn. Đó thực sự là một vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc.
Càng không có việc gì làm, càng dễ lười biếng hơn
Khi việc bạn đang làm hoặc trạng thái bạn đang trải qua (như không làm gì cả, không đạt được gì) khiến bạn mất khả năng kiểm soát, cảm giác kiểm soát bị giảm sút sẽ càng làm cho sự lo lắng của bạn gia tăng. Lúc đó, bạn thấy mình có nhu cầu thức khuya xem các chương trình trên ti vi, sử dụng điện thoại, chơi game hoặc ăn nhiều hơn. Tất cả là để bạn thoát khỏi sự thất vọng và căng thẳng hiện có.
Bộ não của chúng ta thường có hai cách để xử lý các vấn đề khó khăn, một là giải pháp hướng đến cảm xúc, hai là giải pháp hướng đến vấn đề. Cách đầu tiên tập trung vào việc giảm bớt sự lo lắng. Ví dụ, nếu điểm kiểm tra không đạt kết quả cao, bạn sẽ tìm cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng việc mua sắm, ăn đồ ngọt, xem phim hài, nói chuyện với bạn bè... Cách thứ hai chú trọng vào việc tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Ví dụ, khi bị điểm kém, bạn sẽ tự tìm hiểu và phân tích xem mình làm chưa tốt hay học chưa chắc ở nội dung nào, cần rèn luyện thêm ở phần nào, lần sau nên làm gì để tránh những lỗi sai…
Các hành vi như xem phim, chơi game, sử dụng điện thoại di động và ăn quá nhiều đều là những giải pháp hướng đến cảm xúc. Đây là những phương pháp tương đối dễ dàng, đơn giản và có thể kiểm soát được; nó cũng mang lại cho con người cảm giác hài lòng, vui vẻ trong thời gian ngắn. Làm việc chăm chỉ để đạt được thành công mới khó, chứ xem ti vi và ăn vặt lại rất dễ dàng!
Tất nhiên, các giải pháp hướng đến cảm xúc cũng có những ưu điểm, chẳng hạn như chúng sẽ làm cho cảm xúc tiêu cực biến mất một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, giải pháp hướng đến cảm xúc chỉ xử lý triệu chứng chứ không tiêu diệt được nguyên nhân sâu xa. Sau một thời gian ngắn hồi phục, lo âu lại có thể gia tăng. Bởi vì, khi cảm xúc chưa được giải quyết triệt để, chúng ta sẽ cảm thấy mình đã tốn quá nhiều tiền cho việc mua sắm hay trở nên béo phì chỉ bởi đã ăn quá nhiều. Một cảm giác trống rỗng xâm chiếm chúng ta một lần nữa.
Đối với giải pháp hướng đến vấn đề, ưu điểm của nó là có thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của mọi lo lắng.
Tìm ra nguồn gốc của vấn đề và thoát khỏi sự lo âu
Đầu tiên, chúng ta cần tìm ra nguồn gốc của vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là gì. Khi chúng ta nhận ra mình mất kiểm soát trong cuộc sống do lo lắng, và ngược lại, lo lắng làm chúng ta mất kiểm soát ở một mức độ nào đó, thì chúng ta phải tìm ra nguồn gốc của cảm giác mất kiểm soát ban đầu.
Ví dụ, sự mất kiểm soát ban đầu là do không tìm được công việc như mong muốn. Không có công việc đúng mơ ước sẽ dẫn đến nhiều bất an về tiền bạc, điều kiện sống, các mối quan hệ..., từ đó càng dẫn đến việc không tự chủ, không quản lý được cuộc sống lâu dài của bản thân.
Khi tìm ra nguyên nhân gốc rễ, chúng ta sẽ hiểu tại sao mình lại để bản thân rơi vào khủng hoảng như vậy. Có phải chúng ta đã đặt mục tiêu quá cao trong công việc? Hay bởi vì chúng ta có quá nhiều việc phải làm? Tôi thường nói về một vấn đề rất quan trọng và có ý nghĩa then chốt, đó là: Không nên đặt mục tiêu quá cao! Rất nên có ý thức về mục đích cuộc sống, nhưng cùng một lúc đặt nhiều mục tiêu quá cao thì sẽ không có đủ động lực để duy trì và thực hiện.
Khi mục tiêu đặt ra quá cao, bạn đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không thể đạt được thì sự thất vọng của bạn sẽ tăng lên - bạn dễ dàng rơi vào cái bẫy của lo lắng và suy sụp.
Để khắc phục tình trạng trên, trước tiên bạn có thể đặt ra một mục tiêu nhỏ dễ đạt được hơn, sau đó chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn, thành các giai đoạn và mức độ tăng dần từ dễ đến khó. Hãy bắt đầu với những mục tiêu đơn giản để có được cảm giác giành chiến thắng. Khi bạn đã tích lũy được những thành tựu cũng như hoàn thành tốt đẹp mục tiêu đề ra, bạn sẽ thấy tự tin hơn, từ đó sự lo lắng trong bạn cũng giảm bớt đi rất nhiều. Cảm xúc của bạn sẽ dần bước vào chu kì tích cực, lành mạnh; cuộc sống trở lại đúng hướng và ý nghĩa hơn.
Tôi đưa ra một số đề xuất về những hoạt động, phương pháp thực hành cụ thể sau đây. Bạn có thể áp dụng và điều chỉnh tùy theo tình huống, vấn đề của mình.
Tự sắp xếp việc nhà
Rửa bát, quét nhà, giặt quần áo... là những việc mà hầu hết người lớn có khả năng tự chăm sóc bản thân đều có thể làm được. Những công việc này không khó, nhưng chúng có thể làm mới không gian sống hằng ngày của bạn, giúp bạn có cảm giác dễ dàng hoàn thành hơn.
Nếu bạn muốn tiến bộ, phát triển hơn nữa, bạn có thể nâng cao kỹ năng nấu ăn của mình. Quá trình sáng tạo và thưởng thức món ăn cũng có thể làm tăng cảm xúc thích thú, đồng thời đây cũng là hoạt động mà bạn nhận được kết quả, đánh giá, phản hồi từ người khác ngay lập tức.
Tập thể dục trong khả năng của bạn
Tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần, chẳng hạn như tăng lượng dopamine (một loại hormone tạo cảm giác hưng phấn và hạnh phúc) và góp phần cải thiện thể lực. Bạn có thể đăng ký tập tại một trung tâm thể dục thể thao với những thiết bị chuyên môn và các bài tập chuyên nghiệp để thử thách cũng như theo đuổi được mục tiêu tập luyện lâu dài hơn.
Nếu bạn có một nền tảng sức khỏe và thói quen tập thể dục thường xuyên, việc tập tại trung tâm thể thao không thành vấn đề. Nhưng khi bạn chưa có đủ hai yếu tố trên mà muốn luyện tập chuyên nghiệp thì rất dễ rơi vào vòng xoáy “mục tiêu quá cao → thất bại → bỏ cuộc → suy sụp”. Vì vậy, bạn có thể thực hiện một số bài tập đơn giản hơn, như yoga hoặc đạp xe, chạy bộ. Có nhiều video hướng dẫn trên Internet và bạn dễ dàng hoàn thành những bài tập này.
Đặt mục tiêu và sắp xếp thời gian học tập hợp lý
Nếu bạn không muốn học, có thể là do kiến thức đó quá khó với bạn, hoặc do nội dung không tạo hứng thú cho bạn. Bạn có thể giảm độ khó của kiến thức xuống, rút ngắn thời gian học lại hay tìm một vấn đề mà bạn giỏi, thích thú và phù hợp với khả năng của mình để học trước.
Ví dụ về việc rút ngắn thời gian học tập: dù chỉ học 30 phút mỗi ngày vẫn tốt hơn học 5 giờ mỗi ngày rồi không học trong 3 tháng tiếp theo.
Khi đặt mục tiêu, bạn phải tránh rơi vào cái bẫy “đặt mục tiêu rồi thất bại hết lần này đến lần khác”. Một số bạn thích đến thư viện để tự học. Họ cảm thấy không khí học tập sôi nổi trong thư viện sẽ giúp họ tập trung, có động lực hơn. Tất nhiên, điều này đúng và đáng khen ngợi. Tuy nhiên, nếu bạn kéo dài thời gian chuẩn bị (như giặt quần áo, mua sắm một vài vật dụng, ăn cơm, xếp hàng mua cốc trà sữa, chơi điện thoại di động một lát...) thì động lực cũng như thời gian dành cho việc học tập của bạn đã vơi bớt đi rất nhiều. Nếu bạn thực sự muốn học, bạn có thể học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, miễn là bạn có tài liệu, công cụ học tập trong tay.
Tìm “cộng sự” học tập
Các “cộng sự” có thể là bạn bè, người thân, họ không chỉ cùng bạn thảo luận các vấn đề học tập mà còn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức với bạn. Ví dụ, bạn không biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, người kia có thể sẽ hiểu điều đó và đưa cho bạn một lịch trình học tập, nghỉ ngơi của họ để bạn tham khảo.
Quan trọng hơn, việc tìm được một người bạn học có động lực và kỷ luật, cùng nhau hoàn thành mục tiêu đặt ra, giám sát, động viên bạn sẽ giúp bạn đạt được những kết quả tốt đẹp như mong muốn.
Khi một người chịu ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa (tất nhiên là những người bạn tốt), tiềm năng của họ có thể được kích thích. Đây là vai trò “thúc đẩy xã hội” hay còn gọi là “tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội”. Mỗi người đều có động lực, mục tiêu riêng để thể hiện bản thân. Vì vậy, khi một người đang cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, nếu có người khác tích cực ở bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích thì hiệu quả đạt được càng lớn hơn.
Lưu ý rằng, bạn phải trở thành bạn với một người có tính kỷ luật, tự giác hơn bạn. Thay vì chọn một “cộng sự” cũng lười biếng, trì hoãn như bạn thì chơi với một người giàu năng lượng và nghiêm túc trong mọi việc sẽ là lựa chọn tốt hơn.
Học cách đánh bại sự trì hoãn theo
“giáo lý Phật giáo”
Những lợi ích cụ thể của việc nghiên cứu tâm lý học là gì? Ví dụ, tôi có một bài luận cần nộp, nhưng tôi lại trì hoãn và chưa muốn viết. Tôi đã từng lo lắng và trì hoãn, nhưng bây giờ tôi trì hoãn với sự yên tâm. Đó là bởi tôi hiểu quá rõ về bản thân mình và tính trì hoãn này là bản chất khắc sâu trong gen của tôi đồng thời nó thể hiện mạnh mẽ hơn tôi tưởng.
Các nhà tâm lý học đã lo ngại về vấn đề trì hoãn từ những năm 1970. Nghiên cứu cho thấy, 80% đến 90% sinh viên đại học trì hoãn ở các mức độ khác nhau (Ellis & Knaus, 1977). Điều này đúng với tất cả mọi người trên thế giới này, bạn và tôi cũng không phải là ngoại lệ đặc biệt.
Làm hòa với sự trì hoãn là điều tuyệt vời
Tôi đã có ý định làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu về ngành tâm lý từ lâu, nhưng lại trì hoãn hai năm vì không biết phải làm như thế nào, không biết độc giả muốn đọc gì... Tôi cứ nghĩ mãi về nó, rồi từ bỏ nó.
Đến một ngày, khi ý tưởng này lại trở về, tôi đã mở một ứng dụng (app) hỏi - đáp và bí mật quan sát các vấn đề tâm lý hoặc chủ đề mà độc giả quan tâm, rồi ngẫu hứng mở một chuyên mục. Trong một thử nghiệm, tôi đã viết hai bài báo có nội dung giống hệt nhau bằng hai phong cách khác nhau, sau đó so sánh số lượt đọc, lượt thích và lượt tương tác, bình luận.
Nỗ lực này đã mở ra cánh cửa đến một thế giới mới cho tôi và chuyên mục đó trở thành nơi trú ngụ yên ổn để tôi giải tỏa những áp lực của mình. Tôi đọc kĩ những gợi ý của độc giả, lắng nghe câu hỏi từ phía họ, nghiên cứu thật nhiều tài liệu chuyên môn, học hỏi kiến thức từ vợ. Tất cả vì muốn để chuyên mục của mình trở nên hay và sâu sắc hơn.
Tôi không thường xuyên cập nhật các bài viết của mình, nhưng sau hai năm làm việc này, cuối cùng khi tìm ra cách tự truyền thông, tôi ngạc nhiên khi thấy chuyên mục đã có hàng trăm nghìn người đọc. Hiện nay, chuyên mục đã được tôi mở rộng thêm rất nhiều kiến thức ở các lĩnh vực mới.
Không biết độc giả có nhận ra rằng, trong lúc trì hoãn làm việc nghiên cứu tâm lý, tôi đã hoàn thành được nhiều việc khác. Vì vậy, làm hòa với sự trì hoãn không phải là điều hoàn toàn xấu.
Thay vì ngoan cố chống đối, đi ngược lại, tốt hơn là hãy hòa giải êm xuôi. Đây có lẽ là một phương pháp trì hoãn tích cực mà tôi gọi là “phương pháp trì hoãn theo giáo lý Phật giáo”.
Theo lý thuyết của Chu&Choi2, sự trì hoãn được chia thành hai loại: trì hoãn tích cực và trì hoãn tiêu cực. Phương pháp tôi gọi là “phương pháp trì hoãn theo giáo lý Phật giáo” nên được xếp vào loại trì hoãn tích cực, tức là không né tránh vấn đề và không giải quyết vấn đề một cách trực tiếp mà theo đường vòng.
Chú thích:
2 Chu&Choi: Angela Hsin Chun Chu và Jin Nam Choi, đồng tác giả bài báo “Suy nghĩ lại về sự trì hoãn: Tác động tích cực của hành vi trì hoãn chủ động đối với thái độ và hiệu suất”.
Nhà tâm lý học Pierce Steele từ Đại học Calgary cùng những cộng sự khác đã đề xuất một khung lý thuyết tương đối toàn diện - TMT (temporal motivational theory - lý thuyết động lực thời gian) để giải thích cho sự trì hoãn. Một công thức quan trọng trong khung lý thuyết này là kết quả của nhiệm vụ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như kỳ vọng cá nhân, giá trị bản thân, thời điểm đạt được nó và độ nhạy cảm của cá nhân đối với sự chậm trễ. Kỳ vọng càng cao, giá trị của bản thân càng lớn, lại nhạy cảm với sự chậm trễ thì người ta càng ít có khả năng trì hoãn.
Nhiệm vụ lớn cuối cùng có vẻ cực kì áp lực về mặt thời gian, nhưng nó có thể khiến những nhiệm vụ nhỏ khác trở nên không còn quá quan trọng.
Ví dụ, khi đối mặt với thời hạn phải hoàn thành bài luận, tôi không còn muốn trả lời email, không còn muốn rửa bát đĩa, không còn muốn nướng bánh, không còn muốn trả hóa đơn điện nước... Đây là những điều tôi không còn muốn làm khi phải gấp rút thực hiện cho xong mục tiêu lớn là bài luận.
Nếu tôi còn đang trì hoãn chưa muốn viết bài luận thì tôi có thể trả lời email, rửa bát đĩa, thanh toán hóa đơn điện nước, nấu một bữa ăn, thậm chí còn đọc một bài báo nào đó trên mạng Internet.
Bạn có thể sẽ hỏi: Tôi nên làm gì với bài luận bị trì hoãn của mình? Câu trả lời của tôi là, hãy làm bất cứ điều gì bạn phải làm. Nếu bạn trì hoãn nó cho đến khi không thể trì hoãn được nữa thì cuối cùng bạn sẽ hoàn thành nó.
Đây là điều thú vị của việc làm hòa với sự trì hoãn. Một mặt, nó khiến cuộc sống trở nên trọn vẹn và thư giãn hơn, và thời gian trì hoãn A có thể được sử dụng để hoàn thành B (hoặc thậm chí C, D, E, F, G) đã bị trì hoãn từ đầu. Mặt khác, nếu bạn trì hoãn A đến giới hạn, cuối cùng bạn sẽ tràn ngập ý tưởng dưới áp lực của thời gian, và A cũng vẫn được hoàn thành đúng tiến độ.
Như vậy, vào những lần tiếp theo, con người trì hoãn và con người siêng năng trong bạn rất có thể sẽ đấu tranh với nhau. Lúc đó, hãy để con người trì hoãn nói với con người siêng năng rằng: Tôi không trì hoãn, tôi hoàn thành nhiệm vụ theo đường vòng.
Nhưng điều cần lưu ý ở đây là bạn nên tận dụng thời gian trì hoãn A để hoàn thành những nhiệm vụ bị trì hoãn trước đó, chứ không lãng phí thời gian để xem phim, chơi game hay làm những trò tiêu khiển ít mang lại giá trị. Bạn cũng không nên lo lắng, trì hoãn đến mức không biết làm gì cả. Như vậy, nó sẽ trở thành “sự trì hoãn tiêu cực”.
Đưa ra thời hạn, mục tiêu sẽ được hoàn thành
Trên thực tế, tôi là một người tương đối kỷ luật, và tôi có một số phương pháp để chống lại sự trì hoãn. Trước tiên hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ, dễ hoàn thành hơn; tránh xa cám dỗ của những trò giải trí, tiêu khiển; chia nhiệm vụ thành nhiều phần theo từng giai đoạn... Tuy nhiên, những phương pháp này có hiệu quả đối với những nhiệm vụ có thời hạn, nhưng lại không mang tới hiệu quả cao đối với những nhiệm vụ không có thời hạn.
Để giải quyết số lượng lớn đăng ký hằng năm, Quỹ Khoa học Quốc gia đã triển khai một quy định mới: không giới hạn thời gian nhận hồ sơ dự thầu. Việc không có giới hạn về thời gian nộp đơn dẫn đến số lượng đơn đăng ký trong một năm giảm 50% - vì mọi người có thể nộp đơn bất cứ lúc nào.
Các nhiệm vụ không có thời hạn bị trì hoãn chủ yếu do thiếu động lực và ngược lại, nếu có thời hạn đặt ra, chắc chắn bạn sẽ phải hoàn thành nó bằng mọi cách. Có một câu chuyện minh họa rõ nguyên tắc này. Một chàng trai trẻ mượn một cuốn sách từ người bạn của mình. Bạn của cậu muốn cậu trả sách vào thời gian đã đặt ra. Chính vì thế, chàng trai đã phải đọc, nghiên cứu xong cuốn sách trước thời hạn mà người bạn yêu cầu phải trả.
Việc này chứng minh cho một điều, nếu “không mượn sách thì không đọc sách”. Trên thực tế, việc “mượn sách để đọc” là để chống lại sự trì hoãn bằng cách tăng “sự nhạy cảm của cá nhân đối với sự trì hoãn” đã nói ở trên. Nếu bạn không đọc những cuốn sách bạn mua hôm nay, bạn sẽ đọc chúng vào ngày mai. Nhưng, sách mượn lại khác! Chúng phải được đọc trong thời gian bạn được phép mượn. Đây là thời hạn bắt buộc nhằm làm tăng độ nhạy cảm với sự chậm trễ, trì hoãn.
Điều này không chỉ đúng với việc đọc mà còn đúng với việc thiết lập thời gian. Nếu không đặt ra thời hạn hoặc nếu không thấy thời hạn, mục tiêu sẽ bị gác lại. Cuối cùng, khi bạn nhận ra rằng thời gian không thuộc về bạn mà thuộc về sếp, bạn gái, vợ, con cái hay khách hàng của bạn, bạn sẽ thấy mọi khoảnh khắc bạn rảnh rỗi đều là “đi mượn”. Đứa trẻ dùng nửa ngày “trộm được” để làm một số việc của nó như đọc sách, học tiếng Anh... Thời gian eo hẹp, đứa trẻ không có chỗ cho sự phân tâm, vì sau đó nó còn phải hoàn thành những việc khác nữa.
Vì vậy, bạn phải giữ cho mình bận rộn. Khi đó, bạn sẽ biết chính xác mình muốn gì, từ đó mục tiêu và động lực của bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Cái bẫy của “hiệu ứng ảo tưởng hoàn thành”
Khi sống hòa hợp với sự trì hoãn, có một điều cần cảnh giác, đó là cái bẫy đặc biệt đẹp đẽ mang tên “hiệu ứng ảo tưởng hoàn thành”. Chúng ta tưởng chừng như mình sẵn sàng bắt tay cho việc thực hiện mục tiêu, nhưng thực chất “kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch”.
Bạn muốn giảm cân? Đầu tiên bạn nghĩ ngay đến việc mua một số tranh ảnh của siêu mẫu và để chúng trên đầu giường của bạn. Bạn muốn tập thể dục? Trước tiên, bạn đã nghĩ rằng mình cần tìm một vài trung tâm tập luyện để lựa chọn và đăng ký tham gia. Bạn muốn học piano? Bạn sẽ nghĩ mình có thể mở điện thoại và xem một số video biểu diễn của những bậc thầy chơi piano để thưởng thức...
Tại sao chỉ nghĩ về việc hoàn thành mục tiêu hoặc nghe về việc một người nào đó hoàn thành mục tiêu là con người ta có cảm giác y như là mình đã hoàn thành xong mục tiêu? Và rồi có thể thoải mái nghỉ ngơi? Nhà tâm lý học Peter Gollwitzer của Đại học New York đã nghiên cứu, chứng minh mối tương quan này là đúng. Theo đó, khi bạn nói về kế hoạch của mình với người khác, não bộ bản thân đã coi nhiệm vụ này là “hoàn thành” vì sự đánh giá và khen ngợi của người khác về mục tiêu sẽ khiến người đặt mục tiêu dễ dàng chìm đắm trong ảo tưởng về sự công nhận.
Những tưởng tượng đẹp đẽ cũng giống như cảm giác đặt ra mục tiêu, chúng khiến con người vui vẻ và thoải mái, như thể họ đạt đến trạng thái lý tưởng. Điều này dẫn đến việc trì hoãn hành động, còn thời gian lười biếng lại kéo dài hơn.
Vì vậy, để đánh bại sự trì hoãn, chúng ta phải thoát ra khỏi cái bẫy của việc lừa dối bản thân, “ảo tưởng hoàn thành”. Hãy bắt tay vào hành động một cách nghiêm túc!
“Rối loạn lo âu xã hội”
và “rối loạn nhân cách kịch tính”
Giới trẻ ngày nay dường như hay sợ hãi và lo lắng khi phải đối mặt với một số tình huống xã hội hoặc hoạt động nhất định. Đối với những người mắc chứng “rối loạn lo âu xã hội”, họ thường né tránh hoặc chịu đựng với lo âu quá mức các tình huống xã hội.
So với những người ngại giao tiếp xã hội, không muốn bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai, không muốn thu hút sự chú ý từ người khác thì những người giỏi giao tiếp lại vui vẻ, cởi mở hơn. Họ có thể nhanh chóng làm quen với người lạ, sẵn sàng thể hiện bản thân, dám phát biểu trước đám đông, thực hiện một số hành vi thu hút sự chú ý của người khác.
Ví dụ, bạn được đồng nghiệp cùng công ty mời dự bữa tiệc sinh nhật của họ, ở đó cũng sẽ có rất nhiều người đến tham gia. Việc này tuy hết sức bình thường, nhưng lại là một “cơn ác mộng” đối với những người sợ giao tiếp, “rối loạn lo âu xã hội” như bạn. Những người giỏi hòa đồng thì ngược lại, họ sẽ tích cực tham gia vào bữa tiệc, giao lưu nhiệt tình với người xung quanh.
Ban đầu, tôi không có nhiều hiểu biết thực tế về chứng “rối loạn nhân cách kịch tính”. Cho đến một ngày, khi đang mua sắm cùng gia đình của mình, tôi tình cờ nhìn thấy một chàng trai đang đi về phía chúng tôi. Cậu ta đi thẳng, rồi lại đi theo vòng tròn, sử dụng những cử động cơ thể và lời nói cường điệu để giao tiếp với những người xung quanh. Cậu tương tác một cách đầy khiêu khích, không hề e dè ánh mắt từ người khác. Ban đầu, tôi tưởng chàng trai ấy đang biểu diễn một tiết mục nào đó trước ống kính, nhưng tôi quan sát khắp nơi - không hề có chiếc máy quay phim nào cả!
Tôi sẽ nói với bạn về hai trạng thái tâm lý của hội chứng “rối loạn lo âu xã hội” và “rối loạn nhân cách kịch tính” từ góc độ tâm lý học.
Nguyên nhân sâu xa của hai trạng thái tâm lý này đều là vì chúng ta thiếu tự tin vào bản thân mình. “Rối loạn lo âu xã hội” và “rối loạn nhân cách kịch tính” tưởng như là những vấn đề hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng tôi nghĩ, chúng là hai mặt của cùng một vấn đề. Tất cả xuất phát từ sự thiếu tự tin của một người vào chính bản thân, dẫn đến hai trạng thái khác nhau này.
Sự thiếu tự tin của người mắc chứng “rối loạn lo âu xã hội” xuất phát từ việc họ sợ người khác phát hiện ra mình làm chưa tốt hoặc làm sai, hoặc để lại “điểm yếu” nào đó cho người khác nắm bắt. Họ hi vọng người khác sẽ không chú ý đến mình. Sự thiếu tự tin của người mắc chứng “rối loạn nhân cách kịch tính” xuất phát từ việc sợ người khác không nhận ra mình nên làm đủ mọi việc để thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Hai kiểu người này có thể biến đổi, thay thế cho nhau trong những điều kiện nhất định. Ví dụ, có một số người ban đầu có thể ngại giao tiếp xã hội, họ “bảo vệ” bản thân rất tốt. Tuy nhiên, sau khi khả năng tài chính và địa vị xã hội của họ tăng lên, họ dần bớt lo lắng và bắt đầu bộc lộ, thể hiện bản thân nhiều hơn. Ngược lại, một số người rất muốn sử dụng ngoại hình, hành động của mình để giữ được sự chú ý của người khác. Họ cũng liên tục nói về bản thân một cách thái quá, gây khó chịu cho người khác, bị người khác xa lánh. Khi bị xa lánh, họ sẽ tổn thương, vì thế họ thu mình lại, không còn muốn giao tiếp xã hội nữa.
Con người chưa vượt qua được giai đoạn “lấy bản thân làm trung tâm”
Ngoài việc thiếu tự tin và mong muốn được chú ý, tôi nghĩ còn một nguyên nhân khác dẫn đến hai tình trạng tâm lý trên, đó là: Con người chưa vượt qua tốt giai đoạn “lấy bản thân làm trung tâm”. Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, Jean Piaget nói rằng trẻ em ở độ tuổi mầm non (4 - 6 tuổi) sẽ trải qua giai đoạn “tự coi mình là trung tâm” và tin thế giới nên vận hành theo nhu cầu của bản thân; trong khi trẻ em ở tuổi vị thành niên (13 - 17 tuổi) sẽ trải qua một giai đoạn “tôn thờ cá nhân”, tức là mọi hành động của mình đều sẽ được người khác quan tâm, chú ý. Điểm chung của cả hai thời kì này là các cá nhân tin rằng họ là tâm điểm và là trung tâm của thế giới.
Nếu một người không vượt qua tốt giai đoạn “lấy bản thân làm trung tâm” ở tuổi mầm non hoặc không vượt qua được giai đoạn “thần thánh hóa cá nhân” ở tuổi vị thành niên thì người đó sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển cần có ở mỗi giai đoạn. Khi nhận ra mình không phải là tâm điểm, trung tâm của thế giới, người ta sẽ rơi vào trạng thái tâm lý “Tôi muốn trở thành trung tâm và tôi mong mọi người chú ý đến tôi”. Dù ở phương diện nào, tôi cũng muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Từ đó, người ta sẽ thực hiện nhiều hành vi quá khích để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.
Lúc còn nhỏ, nhiều trẻ em giống như những “chuyên gia”, chúng có thể đọc thơ, hát, diễn kịch trước mặt rất nhiều người mà không hề lo lắng, sợ hãi, e ngại. Tuy nhiên, sau khi trưởng thành, hầu hết chúng không còn làm được điều như vậy nữa (trừ khi công việc yêu cầu phải làm).
Ngoài ra, còn có một hiện tượng rất thú vị, đó là ở giai đoạn tuổi trẻ, nhiều người muốn mạnh dạn, cởi mở giao tiếp với xã hội, nhưng vẫn ngại ngùng. Họ phải nghĩ ra một lý do chính đáng để thu hút được sự chú ý từ người khác.
Làm thế nào để điều trị chứng “rối loạn lo âu xã hội” và “rối loạn nhân cách kịch tính”?
Điều gì được coi là tốt hơn hay tệ hơn giữa “rối loạn lo âu xã hội” và “rối loạn nhân cách kịch tính” đều phải được nghiên cứu, thảo luận dựa trên việc thực nghiệm các tình huống. Trước hết, nếu đó là một hành vi xã hội bình thường, không ảnh hưởng đến bản thân hoặc người khác thì nó vẫn được thừa nhận, thậm chí còn được khuyến khích phát triển. Ví dụ, những ngành nghề như diễn viên, bán hàng đòi hỏi sự thể hiện bản thân rất cao. Trong những công việc mang tính tương tác xã hội lớn như thế này, giao tiếp tốt là một kỹ năng mang lại nhiều lợi ích. Một ví dụ khác, những ngành nghề như nghiên cứu, kĩ thuật lại không đòi hỏi việc tương tác với người khác quá cao. Người làm ngành này có lúc phải chịu đựng được sự cô độc, bởi một tính cách ít giao tiếp xã hội thực sự có thể giúp họ trở nên thực tế và tập trung hơn vào công việc của mình.
Một ví dụ khác, trong một nhóm bạn đi chơi cùng nhau, có người đóng vai trò là “hoạt náo viên” thì buổi đi chơi đó sẽ vui vẻ, đáng nhớ hơn. Vì vậy, trong nhiều tình huống cuộc sống, chúng ta cần những người giỏi giao tiếp xã hội.
Ngược lại, nếu con người biểu hiện một đặc điểm của chứng bệnh nào đó thì họ sẽ bị xã hội xa lánh, bài trừ. Một số người bị suy giảm chức năng thần kinh sẽ có những triệu chứng của bệnh tâm thần, cần được điều trị. Ví dụ, một số bệnh nhân bị trầm cảm, lo lắng quá mức, có thể mắc chứng “rối loạn lo âu xã hội”. Họ thậm chí còn nhốt mình trong nhà cả ngày vì sợ gặp người khác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống bình thường và giao tiếp cá nhân của họ.
Có những người, trong một vài tình huống nào đó, thích làm những hành vi cường điệu với cảm xúc cao độ và thể hiện bản thân quá lố. Lời nói, hành động của họ quá kích thích, buông thả, không quan tâm đến người khác, bởi họ tự cho mình là trung tâm. Một ví dụ khác là những bệnh nhân mắc chứng “rối loạn lưỡng cực”. Khi lên cơn hưng cảm, phấn khích, họ có thể có tâm trạng phấn chấn, tràn đầy năng lượng, tăng ham muốn thể hiện bản thân, suy nghĩ không kiềm chế.
Nếu mắc các chứng “rối loạn lo âu xã hội” hay “rối loạn nhân cách kịch tính”, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý học, bác sĩ thần kinh càng sớm càng tốt, kết hợp với điều trị bằng thuốc, tư vấn tâm lý và các biện pháp cần thiết khác.
Trên thực tế, ngay từ đầu, thế giới này đã không hoàn hảo. Có bao nhiêu người có thể trải qua những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và trưởng thành theo đúng tiêu chuẩn của sách giáo khoa? Như đã nói ở trên, miễn là những thể hiện của bạn không gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, người khác và xã hội thì nó hoàn toàn không có vấn đề gì.
Cho dù bạn là ai, tôi hi vọng bạn có thể chấp nhận tính cách của chính mình và sống cuộc đời mà bạn mong muốn.
Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
Trong bữa tiệc, có người bạn hỏi tôi một câu hỏi mang tính học thuật: “Vì sao lại có hai kiểu nhận thức khác nhau, là nhận thức bằng ngôn ngữ nói và nhận thức bằng ngôn ngữ viết (văn bản)?” Tức là có người hiểu nội dung thông tin bằng việc trao đổi, lắng nghe qua lời nói; có người cần sử dụng chữ viết, từ ngữ trên văn bản để hiểu rõ về nội dung đó. Người bạn ấy còn chia sẻ thêm: “Tôi cảm thấy mình khó có thể hiểu người khác đang muốn nói gì. Tôi ngồi họp rất lâu mà vẫn không biết đối phương muốn bày tỏ điều gì. Tôi thường phải chờ đợi cho đến khi đọc được biên bản cuộc họp, lúc ấy tôi mới hiểu rõ vấn đề. Tôi cũng gặp khó khăn trong cách diễn đạt. Tại sao chúng ta không thể gửi email để trao đổi công việc với nhau?”
Bạch Lộc cũng gật đầu đồng ý: “Tôi cũng thích gửi email hoặc WeChat về chuyện công việc. Tôi liệt kê một, hai, ba điểm, logic rõ ràng, dễ hiểu. Tôi sợ nhất là sau khi mình gửi tin nhắn cho khách hàng, họ lại phản hồi rằng gửi tin nhắn sẽ bị chậm, không rõ ràng, gọi điện nói chuyện sẽ nhanh hơn.”
Hai người đều cho biết, họ thường cúp máy mà không hiểu đối phương muốn nói gì. Họ cảm thấy bực bội vì không có thông tin bằng văn bản khi nói chuyện qua điện thoại. Bạch Lộc chia sẻ cách xử lý của mình: “Bây giờ, nếu có ai gọi cho tôi, tôi sẽ không nghe máy, sau đó sẽ nhắn tin là ban nãy bận, có chuyện gì thì hãy nhắn tin lại.”
Một người bạn khác lại bày tỏ cảm giác ngược lại: “Tôi khác với bạn. Tôi sợ viết email và thích gọi điện thoại hơn. Tôi nghĩ rằng tôi có thể giải thích mọi chuyện rõ ràng bằng từ ngữ qua điện thoại. Nó khác hẳn với việc viết email hay tin nhắn. Bạn phải xem xét cẩn thận cách diễn đạt, tổ chức ngôn ngữ, kiểm tra lỗi chính tả, câu sai... Một số điều có thể được giải thích rõ ràng chỉ trong 1 phút trên điện thoại, nhưng phải cần 10 phút để viết một email chính xác, khoa học. Tôi phải mất cả buổi chiều để chuẩn bị một thông báo dài 500 chữ, nhưng nếu là thông báo bằng lời nói thì chẳng phải chỉ cần có hai câu nói thôi sao?”
Những cuộc thảo luận như trên rất thú vị, chúng cũng khiến tôi nhớ đến hai yêu cầu hoàn toàn khác nhau thường được độc giả đưa ra. Một là, nội dung văn bản của bạn có thể chuyển thành video, có âm thanh, lời nói được không? Hai là, video hình ảnh, âm thanh của bạn có phiên bản hoàn toàn bằng văn bản không?
Một số người thích tiếp nhận thông tin bằng văn bản, còn một số người lại thích tiếp nhận và thể hiện thông tin bằng ngôn ngữ lời nói hơn.
Biểu đạt ngôn ngữ bằng nhiều cách khác nhau
Từ góc độ khoa học về não bộ, tôi có thể giải thích rằng: “Mặc dù cả hai đều là biểu hiện của ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói được điều hành bởi các vùng não khác nhau.”
Vùng Broca của vỏ não người là trung tâm vận động lời nói và có liên quan đến chức năng của ngôn ngữ nói. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người bị tổn thương nghiêm trọng ở vùng Broca có thể gặp hiện tượng “mất vận động ngôn ngữ”. Họ không thể diễn đạt ngôn ngữ bằng lời nói, nhưng vẫn giữ được khả năng hiểu lời nói, viết và đọc của người khác.
Vùng Wernicke của vỏ não hỗ trợ não hiểu ngôn ngữ viết và nói, trái ngược với vùng Broca chỉ tập trung suy nghĩ để phát ra tiếng nói. Nếu vùng Wernicke bị tổn thương, thính giác không bị tổn thương nhưng không thể hiểu được ý nghĩa của từ ngữ. Đồng thời, bệnh nhân vẫn có thể nói được nhưng là những lời nói khó hiểu, ngắt quãng. Hiện tượng này được gọi là “mất cảm giác ngôn ngữ”.
Người mắc chứng khó đọc không gặp vấn đề gì với khả năng diễn đạt, tiếp nhận và hiểu ngôn ngữ, nhưng họ gặp khó khăn trong việc đọc và đánh vần. Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng, BA39 bao gồm hồi góc, nằm gần điểm giao nhau của thùy thái dương, thùy chẩm và thùy đỉnh, được coi là vùng não liên quan đến việc viết.
Những nghiên cứu này cho thấy khả năng nhận thức của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói có thể là riêng biệt, nghĩa là chúng thuộc về các hệ thống khác nhau. Vì thế, những người thích diễn đạt bằng lời nói có thể có vùng Broca và vùng Wernicke phát triển hơn, trong khi những người thích diễn đạt bằng cách viết có thể có hồi góc phát triển tốt hơn. Một người bạn của tôi nói rằng cô ấy gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác ở các cuộc họp, nhưng không gặp vấn đề gì khi đọc email và sách. Có khả năng vùng Wernicke của cô ấy không phát triển bằng nếp gấp góc cạnh của thùy đỉnh.
Vì vậy, nếu có độc giả thắc mắc rằng: “Tại sao tôi viết email không giỏi?”, hay “Sao tôi không giỏi diễn đạt bằng lời nói?” thì cũng đừng quá lo lắng. Mỗi người vốn có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Chỉ cần công việc và cuộc sống không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bạn cứ phát huy điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của mình là được.
Nỗi ám ảnh khi giao tiếp qua điện thoại thực chất là một dạng rối loạn lo âu xã hội
Sau khi nghe về chức năng của các vùng não khác nhau, Bạch Lộc đưa ra câu hỏi: “Khả năng diễn đạt của tôi không tệ, không sợ nói chuyện trực tiếp, tôi chỉ sợ trả lời điện thoại. Đây có phải là vấn đề của sự phân chia chức năng ở các vùng trong bộ não?”
Bạch Lộc hoàn toàn đúng. Kỹ năng diễn đạt bằng lời nói và văn bản của Bạch Lộc rất tốt. Vùng Broca, vùng Wernicke của cô ấy phát triển, cô ấy chỉ gặp khó khăn khi trả lời điện thoại. Trước mỗi cuộc điện thoại, cô đều phải viết nháp bằng giấy bút và luyện tập nói nhiều lần. Cô rất lo lắng khi trả lời điện thoại hoặc ghi chép qua điện thoại. Cô phàn nàn rằng: Đôi khi nhận được một cuộc gọi quan trọng, đầu óc cô trống rỗng và không biết phải nói gì.
Tình trạng này ít liên quan đến sự phân chia chức năng ở các vùng trong bộ não. Đây là một sự “ám ảnh giao tiếp điện thoại” điển hình. Chứng “ám ảnh giao tiếp điện thoại” có nghĩa là dù không gặp vấn đề gì trong giao tiếp bình thường, nhưng ngay khi nhấc máy lên, bạn lại không biết phải nói gì, thậm chí rất sợ phải trả lời điện thoại. Có một cuộc khảo sát ở Anh hỏi 500 người về tình trạng sợ hãi này, có đến 62% số người được hỏi cảm thấy sợ hãi các cuộc gọi điện thoại, trong đó những người sinh vào những năm từ 1980 - 1990 là nhóm cao nhất sợ hãi điều này. Tỉ lệ người từng trải qua nỗi sợ điện thoại ở nhóm này cao hơn nhiều so với những người sinh ra ở độ tuổi 60.
Những lý do gây ra chứng “ám ảnh giao tiếp điện thoại” bao gồm: sợ không thể đương đầu với những trường hợp khẩn cấp, sợ bị bỏ lại một mình, sợ nhận xét tiêu cực từ người khác... Một số người cũng lo ngại lời nói hay thông tin có thể bị hiểu nhầm do không nhìn thấy nét mặt và ngôn ngữ cơ thể khi liên lạc qua điện thoại. Vì vậy, những người sợ điện thoại thà đợi một hoặc hai giờ để có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người hơn là phải nói bằng điện thoại.
Tôi thì khác. Tôi thích giao tiếp qua điện thoại hơn là nói chuyện trực tiếp với mọi người. Trên thực tế, đây cũng là trạng thái lo lắng, ám ảnh khi phải nói. Cho dù là sợ trả lời điện thoại hay sợ giao tiếp trực tiếp thì đó thực sự là một dạng rối loạn lo âu xã hội.
Cách vượt qua nỗi ám ảnh khi giao tiếp qua điện thoại
Vậy bạn nên làm gì khi mắc chứng “ám ảnh giao tiếp điện thoại” hoặc gặp khó khăn khi nói chuyện trực tiếp? Ví dụ, bạn muốn nhắn tin cho sếp hoặc khách hàng để nói về điều gì đó, nhưng cả sếp và khách hàng đều đã quen với việc giao tiếp qua điện thoại và cảm thấy rằng giao tiếp bằng tin nhắn kém hiệu quả hơn. Lúc này, bạn có thể thử các phương pháp sau:
Viết nháp để thực hành nói và phản hồi bằng email sau đó
Khi làm trong ngành truyền thông, cô Lữ phải gọi điện rất nhiều. Phương pháp của cô là viết nháp nội dung cần truyền đạt, luyện tập nói với bản nháp đó và gọi điện sau khi đã tự tin. Khi liên lạc qua điện thoại, cô thường ghi lại những thông tin quan trọng đã trao đổi giữa hai bên và ngay lập tức gửi email phản hồi cho bên kia sau khi cúp máy, ví dụ: “Như chúng ta vừa liên lạc qua điện thoại, kế hoạch của chúng ta được triển khai như sau...” Điều này không chỉ sắp xếp lại nội dung cuộc điện thoại mà còn để tránh quên, hoặc là bằng chứng để sau này đối phương không có cơ sở chối cãi.
Tìm một không gian riêng tư để gọi điện thoại
Công ty nơi cô Lữ làm việc trước đây có thiết kế một căn phòng rất yên tĩnh và riêng tư. Khi cần gọi điện thoại hay viết bản thảo nào đó, cô lại mang máy tính vào căn phòng nhỏ này để tĩnh tâm, tập trung. Căn phòng ấy được coi là “thiên đường” dành cho những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.
Hãy làm theo cách riêng của bạn
Người bạn được nhắc đến ở phần đầu nội dung này là một người khó tính. Cậu ta thường nói: “Tôi không thích nghe điện thoại. Nếu có chuyện gì xin vui lòng gửi email hoặc để lại tin nhắn. Đương nhiên, bạn cũng có thể trao đổi với trợ lý của tôi bằng điện thoại.”
Có những rủi ro nhất định khi chúng ta là người khó tính. Bởi vậy, bạn phải có đủ năng lực để sếp của bạn có thể bỏ qua những vấn đề được coi là “nguyên tắc riêng” của bạn. Bạn cũng phải có can đảm, chính kiến riêng để không quan tâm đến ý kiến của sếp hay những người xung quanh. Nếu bạn không làm được như thế, phương pháp này sẽ không mang lại hiệu quả.
Điều chỉnh sự nhận thức của bạn
Nhiều người mắc chứng “ám ảnh giao tiếp điện thoại”, ám ảnh nói chuyện hoặc ám ảnh xã hội, sợ xã hội hay quá quan tâm đến ý kiến của người khác. Ví dụ, một số người có thể giao tiếp trôi chảy khi trở về nhà. Tuy nhiên, họ không thể nói tự tin khi gọi điện trong văn phòng tại nơi làm việc. Thực ra, đó là vì họ sợ mình sẽ nói sai, bị giễu cợt ở nơi công cộng; chỉ trong không gian riêng tư họ mới cảm thấy không hề lo lắng điều này.
Lời khuyên của tôi là: Đừng phóng đại vấn đề của bạn và đừng quan tâm quá nhiều đến ý kiến của người khác, bởi vì mối quan tâm của những người khác là công việc của chính họ chứ không phải công việc của bạn.
Vấn đề trầm cảm
Quan niệm “trầm cảm là do ma quỷ, thần thánh mê hoặc”
Vở kịch “Trương Sảng Tây bắt ma quỷ” thời Trung Hoa Dân Quốc kể một câu chuyện như sau:
Có một cô gái bị một con ma ở dưới sông bắt cóc, rồi bị mê hoặc. Khi trở về nhà, cô ấy kêu gàosuốt ngày, còn đòi nhảy xuống sông tự tử.
Tại sao tôi lại nhắc tới câu chuyện này? Bởi vì tôi muốn dùng những kiến thức tích cực, giá trị của khoa học để phá bỏ những mê tín tồn tại trước đó.
Theo dân gian, những người không may bị chết và những người tự tử đều không đạt giới hạn tuổi thọ và không thể vượt qua cầu Nại Hà để đầu thai. Để giải quyết vấn đề “không muốn bị đày xuống âm phủ”, một số hồn ma chết bất thường đã không ngần ngại dấn thân vào con đường “tội ác” - đó là tìm cách lừa người đang sống, ám vào họ, khiến họ muốn tự tử, thay thế mình xuống âm phủ.
Những quan niệm dân gian này phản ánh trình độ hiểu biết thấp về văn hóa và khoa học của nhân dân thời điểm đó. Vì vậy, chúng ta hãy phân tích hoàn cảnh, trạng thái của cô gái trong vở kịch “Trương Sảng Tây bắt ma quỷ”:
(1) Cô gái nói rằng cô ấy “không thể vui được”, cô buồn và khóc rất lâu mà không rõ lý do. Đây là dấu hiệu của chứng trầm cảm và mất hứng thú với cuộc sống (thuật ngữ chuyên môn gọi là “anhedonia”). Trầm cảm được coi là bệnh lý nếu trạng thái này kéo dài hơn hai tuần.
(2) Cô gái liên tục nói “Tôi đang làm gì vậy?” và “Tôi chỉ muốn chết thật nhanh”. Cô ấy cũng đã tự tử bằng cách gieo mình xuống sông.
(3) Cô gái làm đổ bát canh, cô muốn chết để xin lỗi. Đây là biểu hiện của sự tự trách mình. Mặc cảm ấy không tương xứng với độ nghiêm trọng của sự thật.
(4) Cô ấy nghĩ mình vô giá trị. Đây là dấu hiệu của sự tự ti.
(5) Cô ấy cảm thấy có một bàn tay đẩy mình. Cô ấy đang bị ảo giác.
(6) Cô ấy “không còn nói được một câu hoàn chỉnh” và đôi mắt vô cùng mệt mỏi.
Nhiều bằng chứng khác nhau cho thấy cô gái ấy đã mắc chứng trầm cảm.
Mối liên hệ giữa trầm cảm và một sức mạnh kì lạ nào đó không chỉ xuất hiện trong truyện dân gian mà còn xuất hiện trong các sách y học do các trí thức thời xa xưa viết ra. Những ghi chép về trầm cảm sau sinh trong “Bài thuốc toàn diện cho phụ nữ” của nhà Tống bao gồm các vấn đề “cơn mê sảng sau sinh của phụ nữ có liên quan đến thần thánh”, “buồn chán sau sinh”, “giận dữ và cáu kỉnh sau sinh”...
Đây không phải là hiện tượng chỉ có ở Trung Quốc. Có một cuộc “săn phù thủy” kéo dài vào thời Trung Cổ ở châu Âu và vô số phù thủy đã bị thiêu chết. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã điều tra các phù thủy thời Trung Cổ và phát hiện ra rằng: Một số phù thủy, pháp sư bị “ma quỷ điều khiển” thực ra chỉ là những bệnh nhân vô tội mắc chứng rối loạn tâm thần hoặc rối loạn tâm lý.
Trầm cảm xảy ra không phải do sự tưởng tượng hay yếu đuối
Một bệnh nhân trầm cảm từng nói với tôi: “Tôi cảm thấy như có một tảng đá khổng lồ đè lên tim mình và tôi không thể thở được. Không có điều gì đặc biệt tồi tệ xảy ra trong cuộc đời tôi, nhưng tôi luôn bị choáng ngợp bởi sự đau buồn và tiếc nuối. Toàn thân tôi cảm thấy như vậy, giống như tôi đang ở địa ngục, giống như bị nướng trong lửa, không thể trốn thoát.” Cho đến ngày nay, sau khi nghe những lời này, một số người vẫn nói rằng đây chỉ là những chuyện hoang tưởng, giả tạo, nói quá lên.
Ngày nay, cách hiểu của nhiều người về bệnh trầm cảm đã thay đổi, từ suy nghĩ “bị ma ám” sang suy nghĩ “chỉ là tưởng tượng”, “quá nhạt nhẽo”, “rảnh rỗi sinh nông nổi”.
Trầm cảm không phải là sự tưởng tượng, ích kỉ, yếu đuối hay giả tạo, làm quá lên. Nguyên nhân của nó là do rối loạn một số chức năng của não (chẳng hạn như sự tiết và tiếp nhận các chất dẫn truyền thần kinh). Chúng ta có thể hình dung như sau: Trong bộ não có hai nút, một nút chịu trách nhiệm tạo ra “niềm vui” và nút kia tạo ra “nỗi đau”. Tuy nhiên, hai nút này đang hoạt động sai chức năng của nó - nút “niềm vui” thì luôn tắt, còn nút “nỗi đau” thì luôn bật.
Vì vậy, việc điều trị trầm cảm chỉ bằng cách thuyết phục bạn hãy “suy nghĩ vui vẻ hơn” sẽ không hiệu quả.
Cách điều trị trầm cảm
Trên con đường điều trị bệnh trầm cảm, sau khi con người trải qua việc khoan hộp sọ, trừ tà phù thủy, lấy máu, phẫu thuật thùy não và các phương pháp điều trị sai lầm khác, cuối cùng họ đã tìm ra một số phương pháp điều trị đáng tin cậy hơn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, có thể lựa chọn tư vấn tâm lý, dùng thuốc chống trầm cảm hay liệu pháp sốc điện.
Hai liệu pháp, gồm tư vấn tâm lý và dùng thuốc chống trầm cảm đều dựa trên lý thuyết. Ví dụ, liệu pháp nhận thức hành vi thiết kế kế hoạch dựa trên đặc điểm tâm lý của bệnh nhân trầm cảm; thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc 5-hydroxytryptamine3 (SSRI) trong điều trị bằng thuốc được phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu về chất dẫn truyền thần kinh trong trầm cảm.
Chú thích:
3 Serotonin hoặc 5-hydroxytryptamine (5-HT) là một chất dẫn truyền thần kinh monoamin.
Liệu pháp sốc điện dựa trên bằng chứng y học. Bằng chứng y học là gì? Tức là “Tôi không chỉ dựa trên kinh nghiệm chẩn đoán và kết quả lâm sàng, thực tế đã chứng minh rằng nó có tác dụng”.
Vào một ngày năm 1938, hai bác sĩ tâm thần người Ý là Ugo Cerletti và Luccio Bini nảy ra một ý tưởng. Họ muốn gây co giật cho bệnh nhân bởi một dòng điện, nhằm mục đích cải thiện sự trầm cảm.
Cả hai đã thành công ngay lập tức. Đầu tiên, họ sử dụng các thí nghiệm trên động vật để tìm ra cường độ điện giật an toàn và hiệu quả, sau đó áp dụng trên con người. Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng điện giật có tác dụng rất lớn trong việc điều trị chứng trầm cảm.
Người ta nói rằng, họ thậm chí còn được đề cử giải Nobel. Dù đây chỉ là tin đồn và họ không giành được giải thưởng nào, nhưng liệu pháp sốc điện vẫn là một phát minh đáng kinh ngạc.
Một số người đã đọc các bài viết trước của tôi và nghĩ rằng tôi phản đối liệu pháp sốc điện, nhưng thực tế không phải vậy. Tôi phản đối việc sử dụng những dòng điện gây đau đớn để tra tấn người khoẻ mạnh, nhưng tôi đồng ý sử dụng dòng điện an toàn và ít gây đau đớn hơn để điều trị cho bệnh nhân. Thật không may, nhiều người có định kiến và hiểu lầm sâu sắc về liệu pháp sốc điện và từ chối nó, điều đó làm trì hoãn cơ hội điều trị tốt nhất.
Trên thực tế, liệu pháp sốc điện là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả nhất trên thế giới và y học hiện đại đã bổ sung thêm phương pháp gây mê vào liệu pháp này, giúp nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của nó và làm giảm bớt cơn đau của bệnh nhân.
Nếu bị trầm cảm nghiêm trọng (ví dụ, tư vấn tâm lý không đạt kết quả), hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc và sử dụng phương pháp điều trị sốc điện khi cần thiết. Đừng làm chậm trễ tình trạng của bạn.
Nếu bạn hỏi rằng: “Tôi đã bỏ dở nhiều việc còn chưa làm xong. Tôi không còn hứng thú khi chơi game và chẳng còn an giấc. Đây có phải là triệu chứng của bệnh trầm cảm, mất hứng thú với cuộc sống?” Trong trường hợp này, tôi thường nghĩ rằng người hỏi đang suy nghĩ quá nhiều và tôi khuyên bạn nên làm những gì bạn muốn. Sẽ tốt hơn nếu công việc của bạn được hoàn thành đúng hạn.
Hiểu đúng về trầm cảm
Bạn có hiểu về trầm cảm không? Có thể bạn đã từng thấy trên tin tức về một người nổi tiếng tự tử vì trầm cảm; có thể bạn đã nghe nói rằng một ai đó bỏ học vì trầm cảm...
Có người sẽ nói đùa rằng: “Ngày nay, giới trẻ khi ra đường thường ngại chào hỏi mọi người vì trầm cảm.” Những người khác lại nói: “Có trở ngại gì mà họ không vượt qua được? Họ không muốn sống nữa à?” Tất cả là do sự thiếu hiểu biết về bệnh trầm cảm.
Trong sách mô tả về bệnh trầm cảm như sau: Trầm cảm là tình trạng chán nản và mất hứng thú với các hoạt động hằng ngày một cách liên tục và lâu dài.
Đây được xem như là những đặc điểm lâm sàng chính của bệnh trầm cảm.
Trầm cảm liên tục và kéo dài
Những cảm xúc đau đớn như: buồn bã, tuyệt vọng, mệt mỏi với cuộc sống cứ tiếp tục hành hạ bệnh nhân.
Đồng thời, người bệnh cũng có thể tự hạ thấp bản thân mình, dẫn đến triệu chứng “ba hư vô”: cảm giác vô dụng (nghĩ rằng mình vô dụng), cảm giác tuyệt vọng (nghĩ rằng tương lai của mình mờ mịt), cảm giác bất lực (nghĩ rằng họ cô đơn và không thể làm được gì hơn). Họ thường có thái độ tự trách móc, mặc cảm, phủ nhận bản thân, nghiêm trọng hóa thực tế, nghĩ đến tự tử, thậm chí có xu hướng tự làm đau thể xác... Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xảy ra ảo tưởng về tội lỗi, ảo giác về thính giác hay thị giác và các triệu chứng khác của bệnh tâm thần phân liệt.
Tâm lý tự trách mình quá mức với sự thật là gì? Nó có nghĩa là, chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà họ nghĩ rằng mình hoàn toàn vô vọng, bế tắc. Một số điều tưởng chừng bình thường với người thường, nhưng lại có thể bị coi là tội lỗi nghiêm trọng và đáng bị trừng phạt, thậm chí phải tử hình trong tâm lý người bệnh. Tôi từng chứng kiến một bệnh nhân vô tình làm rơi sách trong khi đang xếp sách. Anh ấy cảm thấy mình thật vô dụng, mạng sống của mình thật vô giá trị, nên sau đó đã tự sát.
Loại trầm cảm này được gây ra bởi những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống, nhưng nó có thể không có lý do cụ thể (ví dụ liên quan đến tính cách bi quan của cá nhân, yếu tố di truyền hoặc chứng nghiện rượu, ma túy). Hơn nữa, loại trầm cảm này tồn tại rất lâu nếu không được can thiệp và điều trị.
Anhedonia
Đây là thuật ngữ chuyên môn, có nghĩa là “mất đi hứng thú với mọi thứ” như: Món ăn tôi từng thích ăn không còn ngon nữa; những trò chơi tôi từng thích chơi không còn vui vẻ nữa; những người tôi thích, tôi không còn muốn nhìn thấy nữa. Nói chung, bệnh nhân đã mất khả năng cảm nhận hạnh phúc và chỉ có thể cảm thấy đau đớn.
Mỗi ngày, bệnh nhân trầm cảm chỉ muốn nằm trên giường, không muốn ăn, không muốn làm, không muốn ngủ cũng không muốn dậy. Một số độc giả hỏi: “Tôi chỉ muốn nằm trên giường, không muốn làm gì cả. Đây có phải là trầm cảm không?” Nếu bạn vẫn sẵn sàng ăn đồ ăn nhẹ, xem chương trình ti vi và sử dụng điện thoại di động khi nằm trên giường thì bạn vẫn có thể vui vẻ. Đó không phải là trầm cảm, vì người bệnh trầm cảm sẽ mất hết ham muốn - không thèm ăn, không ham muốn tình dục, thậm chí không còn thiết tha sống.
Suy giảm các hoạt động ý thức
Theo cách hiểu thông thường, các hoạt động ý thức khi suy giảm sẽ có các biểu hiện như: trông bơ phờ, lười biếng; phản ứng trở nên chậm hơn; khó tập trung vào suy nghĩ vấn đề; trí nhớ giảm; né tránh giao tiếp xã hội; xa lánh người thân, bạn bè, thờ ơ với bản thân và mọi thứ xung quanh. Những trường hợp bị nặng thậm chí có thể rơi vào trạng thái không ăn, không nói, không cử động, không biểu hiện và không phản ứng lại với các kích thích bên ngoài.
Trong thời gian thực tập tại bệnh viện, tôi từng gặp một bệnh nhân mắc chứng trầm cảm. Dù tôi có nói gì với anh ta, hướng dẫn anh ta thế nào, dù tôi có cố gắng thuyết phục đến đâu, anh ta vẫn bất động. Nét mặt anh ta không có chút phản ứng nào với hành động của tôi, như thể anh ta đã rơi vào trạng thái “đóng băng”.
Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm cũng có thể gặp một số triệu chứng cụ thể, bao gồm:
Rối loạn giấc ngủ: khó đi vào giấc, mất ngủ, mơ nhiều, thức dậy sớm.
Rối loạn ăn uống: chủ yếu là chán ăn và sụt cân, nhưng một số bệnh nhân cũng có thể bị tăng cân do thèm ăn.
Rối loạn chức năng tiêu hóa: bị táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, ợ chua.
Rối loạn chức năng tình dục: ham muốn tình dục giảm sút, thậm chí mất hẳn, không còn hoạt động quan hệ tình dục. Đàn ông có thể bị bất lực, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như mất kinh nguyệt.
Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự trị: đánh trống ngực, tức ngực, khó thở và đổ mồ hôi.
Một giai đoạn trầm cảm thường kéo dài ít nhất hai tuần, thậm chí một số trường hợp kéo dài vài năm và hầu hết các trường hợp đều có xu hướng tái phát. Nếu nghi ngờ rằng mình có các triệu chứng trên, bạn có thể tiến hành tự đánh giá thông qua các thang đo tự đánh giá như: bản kiểm kê trầm cảm Beck (BDI), thang đánh giá trầm cảm SDS và thang sàng lọc trầm cảm PHQ-9. Nếu kết quả tự đánh giá bị nghi ngờ là trầm cảm, bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý hoặc đến bệnh viện thăm khám.
Trên thực tế, trầm cảm là một căn bệnh có tỷ lệ khỏi bệnh qua lâm sàng khá cao. Tuy nhiên, do nhận thức kém, thậm chí còn có thành kiến, kì thị của cộng đồng nên người bệnh xấu hổ, dẫn đến điều trị không hiệu quả và tỉ lệ tái phát cao.
Trầm cảm thực chất là do các vấn đề về chức năng bài tiết và tiếp nhận của một số chất dẫn truyền thần kinh trong não. Đây không phải là sự mô tả về “tâm trạng”, mà là một căn bệnh thực sự.
Nếu có thể phát hiện sớm, sàng lọc và can thiệp kịp thời thì có thể điều trị bằng tâm lý và vật lý trị liệu.
Với vật lý trị liệu và điều trị bằng thuốc, hầu hết các triệu chứng của bệnh nhân đều có thể thuyên giảm và họ có thể trở lại cuộc sống bình thường. Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ cơ hội điều trị vì chưa hiểu biết đầy đủ.
Vì vậy, đây cũng chính là mục tiêu mà nội dung này mong muốn đạt được: có thể giúp nhiều người nhận biết và phân biệt được các triệu chứng trầm cảm, đồng thời tìm cách chung tay giúp đỡ người bệnh trong khả năng của chúng ta.
Rối loạn cảm xúc theo mùa
Tôi không biết bạn có cảm giác này không, nhưng mọi người thường có xu hướng cảm thấy tồi tệ khi mùa đông đến. Vào thời gian đó, khi làm việc, bạn chỉ nhìn chằm chằm vào máy tính giống như “một thây ma biết đi” - rõ ràng có rất nhiều việc phải làm nhưng không có động lực để hoàn thành; bạn mong đến kì nghỉ nhưng ở nhà cả ngày lại chán nản; bạn thà ở một mình và cô đơn còn hơn ra ngoài giao lưu; bạn sử dụng điện thoại vào ban đêm một cách nhàm chán nhưng không muốn đi ngủ sớm; bạn cũng không đủ can đảm để rời khỏi chiếc giường ấm áp vào mỗi buổi sáng... Dù có làm gì, trông bạn cũng bơ phờ, nhìn thấy ai cũng thấy khó chịu. Bạn luôn cảm thấy suy sụp - không vì lý do gì, chỉ cảm thấy cuộc sống của mình tràn ngập sự thất vọng khó tả.
Đây có phải là trầm cảm không? Thực tế không phải vậy. Tình trạng trên rất có thể là chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.
Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì?
Rối loạn cảm xúc theo mùa là một rối loạn tâm trạng cụ thể. Nói một cách đơn giản, tâm trạng của con người dường như trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông nên một số người gọi đó là “trầm cảm mùa đông”. Biểu hiện chính là trong hầu hết cả năm, hoạt động cảm xúc của con người rất ổn định nhưng vào mùa đông, tâm trạng của họ sẽ chán nản giống như trầm cảm; họ lười biếng, mất ngủ hoặc thờ ơ, chán ăn hoặc thèm ăn và thiếu hứng thú với mọi thứ.
Các nhà nghiên cứu Anh từng thu thập hơn 8 triệu dữ liệu Twitter từ năm 2010 đến 2014 để phân tích sự thay đổi cảm xúc của người dân Anh theo sự thay đổi theo mùa.
Phân tích cho thấy, khi mùa đông đến gần (thực tế là bắt đầu từ tháng 9), con người sẽ trải qua sự bùng nổ của những cảm xúc tiêu cực. Sau mùa xuân, cảm xúc của con người sẽ dần lắng dịu cho đến khi tâm trạng tốt đạt đến đỉnh điểm vào mùa hè (tháng 6 và tâm lý tiêu cực thấp nhất vào tháng 7).
Tại sao bạn dễ cảm thấy tiêu cực khi mùa đông đến? Một yếu tố chính là thời gian ra nắng bị rút ngắn lại; thời gian nắng sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Một số nghiên cứu cho rằng vào mùa đông, việc thiếu 5-hydroxytryptamine và cơ thể con người tiết ra quá nhiều melatonin có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc.
Phương pháp tự điều chỉnh rối loạn cảm xúc theo mùa
Trong cuộc sống, nếu chúng ta cảm thấy chán nản nhưng chưa nghiêm trọng đến mức cần điều trị y tế thì chúng ta có thể tự mình điều chỉnh cảm xúc. Cách hiệu quả nhất là tăng tiết dopamine.
Vitamin D, ánh nắng mặt trời và sô-cô-la
Một người bạn hồi đại học với tôi đã đến Hà Lan (như chúng ta đều biết, Hà Lan quanh năm không có đủ ánh nắng mặt trời) để học nghiên cứu sau tiến sĩ. Anh ấy nói với tôi rằng chính phủ Hà Lan sẽ phân phát vitamin D vào mùa đông để chống lại những vấn đề về tinh thần do không đủ nắng ở Tây Âu vào mùa đông.
Vitamin D giúp cải thiện tâm trạng và ánh sáng mặt trời là con đường giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Ở những vùng thiếu nắng trầm trọng, uống vitamin D là biện pháp bổ sung cho tình trạng thiếu ánh nắng.
Có một liệu pháp phổ biến ở Bắc Âu được gọi là liệu pháp trị liệu bằng ánh nắng mặt trời. Ví dụ, đất nước Thụy Điển có mùa đông dài và thời gian ban ngày rất ngắn. Để giảm bớt các vấn đề về cảm xúc, người Thụy Điển sử dụng phương pháp “tạo ra ánh sáng” để chống lại chứng rối loạn cảm xúc. Người dân địa phương có thể đến “phòng tắm nắng nhân tạo” để tắm nắng nhằm cải thiện tâm trạng.
Trên thực tế, hầu hết các vùng trên đất nước chúng ta đều có đủ nắng. Khi thời tiết đẹp, tốt nhất bạn nên ra ngoài trời và tận hưởng nhiều ánh nắng hơn. Nếu muốn bổ sung vitamin D, bạn có thể mua ở các hiệu thuốc hoặc bệnh viện.
Ngoài ra, sô-cô-la còn có thể kích thích sự tiết ra dopamine. Nếu bạn đang cảm thấy chán nản ở một giai đoạn nào đó, hãy thử làm một cốc sô-cô-la nóng mỗi ngày.
Trước đây, một người họ hàng nói rằng anh ấy bị trầm cảm vào mùa đông nên tôi khuyên anh ấy nên uống một cốc sô-cô-la nóng mỗi ngày, uống một viên vitamin D và phơi nắng nhiều hơn vào buổi sáng.
Đây là những điều đơn giản mà bạn có thể tự làm được để điều chỉnh tâm trạng của mình.
Thực phẩm kích thích tiết dopamine
Đương nhiên, ngoài sô-cô-la, bất kì món ăn nào có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ (đặc biệt là đồ ngọt) đều có tác dụng rất tốt trong việc kích thích tiết dopamine, chẳng hạn như trà sữa, cà phê, bánh ngọt... Tuy nhiên, bạn phải ăn uống điều độ, nếu không bạn có thể càng trầm cảm hơn sau khi tăng cân.
Thưởng thức cảnh đẹp cũng là liều thuốc tốt chữa mọi bệnh rối loạn cảm xúc
Phong cảnh đẹp và thưởng thức cảnh đẹp sẽ không làm bạn béo hơn!
Thực ra, trước đây tôi không thích mùa đông lắm. Trong ký ức của tôi, mùa đông lúc tôi còn nhỏ luôn tối tăm và lạnh lẽo. Khi trời mưa hoặc có tuyết, khắp nơi đều đóng băng. Vì vậy, vào mùa đông, tôi chẳng muốn đi đâu ngoài việc trốn trên giường, bật chăn điện, cầm chai nước nóng và đọc sách.
Nhưng sau khi đến miền Bắc, không biết do môi trường thay đổi, thời thế thay đổi hay khả năng điều tiết cảm xúc của bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, tôi thấy mùa đông đã chuyển thành một mùa đem lại cảm giác mạnh mẽ, hạnh phúc.
Tôi phải nói rằng, mùa đông ở Bắc Kinh quả thực rất đẹp, đặc biệt là sau khi tuyết rơi. Những cảnh đẹp thường khiến con người vui vẻ, thư giãn và giúp chữa lành chứng trầm cảm trong chốc lát.
Khi tôi thức dậy vào sáng sớm và mở rèm sau khi trải qua một đêm tuyết rơi dày đặc ở Bắc Kinh, lần đầu tiên tôi thực sự hiểu thế nào là hình ảnh tuyết phủ trắng xóa vạn vật. Bạch Lộc cắm vài bông hoa vào bình, ngân nga hát: “Trời trong tuyết, mùi hoa mùa đông thơm ngát khắp nơi, ta cưỡi ngựa qua cầu, tiếng chuông leng keng…” Tôi chợt nhận ra: Trước khi học ở lớp âm nhạc, tôi chưa bao giờ nghĩ bài hát này có gì đặc biệt, nhưng bây giờ tôi đã hiểu rằng nó thực sự nói về một cảnh đẹp như vậy!
Sau nhiều ngày tuyết rơi, bạn có thể nhìn thấy khung cảnh mặt hồ đóng băng. Hồ ở phía Nam chỉ có một lớp băng mỏng nên bạn không thể đi bộ trên đó; trong khi hồ ở phía Bắc có lớp băng dày sâu vài mét nên bạn có thể trượt băng. Mỗi năm, khi hồ Weiming4 mở sân trượt băng, chúng tôi được nhìn thấy bầu trời, mặt băng trắng cùng những khuôn mặt tròn trịa của bọn trẻ - chúng đung đưa cánh tay trên mặt băng.
Chú thích:
4 Ở Trung Quốc, “Weiming” có nghĩa là “không có tên”. Hồ này ko được đặt tên nên một học giả Trung Quốc đã đặt tên cho nó là Weiming - Chú thích của dịch giả.
Tập thể dục ngoài trời là cách hiệu quả hơn
Một số người nói rằng họ có trí nhớ kém và không muốn uống vitamin D mỗi ngày. Họ muốn giữ dáng và không muốn ăn uống quá nhiều. Cũng không có ai hát cho họ nghe trong những ngày tuyết trắng xóa. Có cách lành mạnh nào khác để điều chỉnh cảm xúc không?
Tôi khuyên bạn nên chơi thể thao ngoài trời. Trước hết, bản thân việc tập thể dục sẽ thúc đẩy sự tiết ra dopamine và endorphin, những chất có thể chống lại các vấn đề về cảm xúc tiêu cực. Thứ hai, tập thể dục có thể chuyển hướng sự chú ý, giúp con người thoát khỏi những cảm xúc khó chịu. Cuối cùng, tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe, giấc ngủ và làn da. Sức khỏe tốt, ngủ ngon, làn da đẹp, dáng người cân đối, tâm trạng cũng sẽ được cải thiện theo.
Một số người hỏi có thể đến phòng tập thể dục để tập thể dục không, nhưng tôi khuyên bạn nên tập thể dục ngoài trời. Vì các môn thể thao ngoài trời kết hợp giữa ánh nắng mặt trời và vận động nên sẽ có lợi cho sức khỏe tinh thần hơn.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc kết hợp liệu pháp ánh sáng mặt trời với tập thể dục có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm nhanh hơn. Đây là lý do tại sao nhiều người có thái độ tích cực với cuộc sống sau khi tập thể dục ngoài trời trong thời gian dài.
Trầm cảm sau sinh
Về trầm cảm sau sinh, nhiều người đã hỏi tôi: “Vấn đề này có phải do suy nghĩ nhiều quá mức hay không?”
Câu trả lời của tôi luôn là: “Không!”
Ngày nay, ngoại trừ nhóm bà mẹ hiểu rõ hơn về trầm cảm sau sinh, hầu hết mọi người vẫn chưa hiểu đầy đủ về trầm cảm sau sinh. Thậm chí một số ông chồng, người thân nhất bên cạnh phụ nữ sau sinh còn cho rằng trầm cảm sau sinh là “giả tạo” hoặc “mất bình tĩnh”. Thực chất, điều này do nội tiết tố sau sinh thay đổi nhanh chóng và những thay đổi to lớn trong cuộc sống ở thời gian ngắn chứ không liên quan nhiều đến “tính nóng nảy”, “mất bình tĩnh” của người mẹ.
Trên thực tế, trầm cảm sau sinh không đáng sợ như một số người tưởng tượng. Sự hiểu biết của hầu hết mọi người về trầm cảm sau sinh đều đến từ các bản tin. Tuy nhiên, điều có thể đưa lên tin tức chắc hẳn là các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề (chẳng hạn như làm trẻ sơ sinh bị thương, tự làm đau bản thân, tự tử…).
Trước hết, trầm cảm sau sinh không phổ biến như một số người nghĩ (cho rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra với bất kì người phụ nữ nào sau khi sinh con). Dữ liệu mới nhất cho thấy tỉ lệ mắc bệnh là khoảng 10%; trong số những người mắc bệnh, hơn 80% có các triệu chứng nhẹ, nếu được tư vấn tâm lý tích cực hoặc điều trị thì có thể khỏi. Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 1 đến 6 tháng và nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng phải tìm cách điều trị kịp thời để tránh bi kịch xảy ra.
Cá nhân tôi quan sát được thực trạng hiện nay như sau: Một mặt, hầu hết mọi người chưa có đủ hiểu biết về trầm cảm sau sinh, không biết cách đánh giá mức độ và không thể điều chỉnh nó; mặt khác, nhiều người coi thường và bỏ qua nó. Về vấn đề trầm cảm sau sinh, chúng ta nên coi thường nó về mặt chiến lược nhưng cần hết sức chú ý đến nó về mặt chiến thuật.
Triệu chứng điển hình của trầm cảm sau sinh
Trước hết, đặc điểm lâm sàng của trầm cảm sau sinh cũng giống như trầm cảm, đó là tâm trạng chán nản kéo dài, mất hứng thú, cáu kỉnh và buồn bã, giảm tương tác xã hội, đánh giá thấp giá trị bản thân, mất ngủ hoặc các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, chán ăn, không ham muốn tình dục và sụt cân. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh thậm chí có thể có xu hướng tấn công, tự làm đau bản thân hoặc tự tử. Nếu các triệu chứng trên xuất hiện kéo dài hơn một tháng thì có thể là trầm cảm sau sinh.
Tuy nhiên, khác với những chứng trầm cảm khác, trầm cảm sau sinh thường liên quan mật thiết đến việc “chăm sóc” và “nuôi dạy” con nên nó có một số đặc điểm riêng.
Trường hợp đầu tiên là người mẹ quá lo lắng về việc nuôi con và quá lo lắng về tình trạng sức khỏe, sự phát triển và trưởng thành của đứa bé. Cô ấy cho rằng mình không thể chăm sóc tốt cho đứa bé nên nảy sinh cảm giác tự trách móc bản thân mạnh mẽ, cảm thấy “mình không thể làm một người mẹ tốt”.
Một tình huống khác là người mẹ quá lo lắng về ảnh hưởng của đứa bé đến quỹ đạo cuộc sống ban đầu của mình. Cô ấy lo lắng rằng sự nghiệp, sức khỏe, giấc ngủ, tài chính, giải trí, giao tiếp, ngoại hình, mối quan hệ hôn nhân… sẽ bị ảnh hưởng. Một số bà mẹ không muốn cho con ăn, không muốn gặp con; một số người thậm chí còn bỏ cả việc chăm sóc con vì cảm thấy “cuộc đời mình đã bị con mình hủy hoại”.
Bài học kinh nghiệm: Hãy bật chế độ chăm sóc phụ nữ trầm cảm sau sinh
Là bố của hai đứa con, tôi không chỉ có kiến thức tâm lý về chủ đề này mà còn có kinh nghiệm của một người đã từng chăm sóc phụ nữ trầm cảm sau sinh.
Triệu chứng sau sinh của Bạch Lộc là điển hình của tình huống đầu tiên. Sau khi trải qua niềm vui ban đầu - được đón chào cuộc sống mới với con, khoảng một tuần sau khi sinh con, cô ấy đột nhiên khóc suốt ngày (tâm trạng chán nản), không nghĩ đến ăn uống (chán ăn), không ngủ được (mất ngủ).
Tôi hỏi Bạch Lộc có chuyện gì và nếu cô ấy gặp khó khăn, cô ấy có thể nói với tôi và chúng tôi có thể cùng nhau tìm ra giải pháp. Cô nói: “Nhìn con còn nhỏ như vậy, em sợ mình không thể chăm sóc tốt cho con. Thế giới quá nguy hiểm, con lại yếu đuối, tại sao em lại chủ động đưa con đến với thế giới?” Tâm lý này của cô ấy đã bộc lộ sau khi nhìn thấy con. Tin tức liên quan đến vụ trẻ em bị thương tích tác động nghiêm trọng đến suy nghĩ của Bạch Lộc - “Nếu con bị tổn thương dưới bất kì hình thức nào thì em là người có tội (tự nhận tội)”.
Các thành viên trong gia đình đều nghĩ rằng cô ấy suy nghĩ quá nhiều và sẵn sàng giúp cô ấy làm tất cả mọi việc, nhưng tôi biết cô ấy đã có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.
Ngoài các triệu chứng về thể chất, cô ấy còn có cảm giác tự trách móc và thấy tội lỗi; sự tự đánh giá thấp bản thân mình xuất phát từ việc lo lắng quá mức đối với việc nuôi con.
Công cụ được sử dụng phổ biến để chẩn đoán trầm cảm sau sinh là thang đo trầm cảm sau sinh Edinburgh (EPDS). Tiêu chuẩn phán đoán là: điểm ≥ 10 được xếp vào loại bệnh nhân trầm cảm sau sinh, trong đó điểm < 13 được xếp vào loại nhẹ và ≥ 13 được phân loại nặng. Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người xung quanh dễ bị trầm cảm sau sinh, bạn có thể làm bài kiểm tra dựa trên thang đo này.
Tôi đã lập hàng loạt kế hoạch vào thời điểm đó và bắt đầu chế độ “chống trầm cảm”, muốn chia sẻ với những độc giả đang trải qua (hoặc nghi ngờ mắc phải) chứng trầm cảm sau sinh. Một số bà mẹ bị trầm cảm nhẹ sau sinh cũng có thể thử các phương pháp sau để tự điều chỉnh.
Giúp bà mẹ loại bỏ tác động của các yếu tố tiêu cực
Trầm cảm của một bà mẹ thường xảy ra do gặp phải những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống sau sinh, cộng với ảnh hưởng của hormone, từ đó dẫn đến những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, nhiều mẹ sẽ nghĩ rằng họ không thể chăm sóc con cái tốt và sẽ phóng đại những phỏng đoán này một cách dữ dội. Thực tế, theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, những bậc cha mẹ hay hỏi “Liệu việc bố mẹ không làm tốt điều gì đó có để lại bóng ma tâm lý cho con không?” thường rất quan tâm đến cảm xúc của con mình. Những bậc cha mẹ như vậy ít có khả năng để lại cho con cái bóng tâm lý nào đó. Những bà mẹ lo lắng không thể chăm sóc tốt cho con thường rất quan tâm đến con và có thể chăm sóc con chu đáo. Trong tin tức về các sự việc trẻ em bị thương tích, một số là tai nạn, số còn lại là do bố mẹ bỏ bê việc chăm sóc đứa trẻ. Vì vậy, những người mới làm mẹ nên tự nhủ rằng: Chúng ta chỉ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm chăm sóc đứa con của mình, việc còn lại hãy để số phận lo liệu.
Cũng có trường hợp một số bà mẹ mới sinh cảm thấy cuộc sống của mình bị hủy hoại bởi sự ra đời của con. Họ cũng cần phải sửa lại những nhận thức tai hại của mình - hầu hết những người mới làm bố mẹ đều có thể tìm cách làm cho đứa trẻ hạnh phúc sau khi trải qua những bối rối ban đầu trong cuộc sống. Vì vậy, kiểu người mẹ này phải hình thành trong lòng mình sự hiểu biết rằng: “Tôi vẫn là người ưu tú ở nơi làm việc, vẫn mang trong mình một tâm hồn tự do, dám mạo hiểm và luôn là người vợ được chồng yêu thương.”
Đương nhiên, làm được tất cả những điều này không hề dễ dàng và cần có sự hỗ trợ của xã hội. Điều quan trọng nhất là những ông bố cần nhận thức được trách nhiệm của mình và tham gia vào quá trình nuôi dạy con. Có thể nói, ngoại trừ việc cho con bú, người bố có thể chịu trách nhiệm về mọi việc khác như tắm, thay tã, cho con đi ngủ, chuẩn bị sữa bột, cho con ăn… Một mặt, nó giúp người vợ giải phóng việc nuôi con và cho phép cô ấy có thời gian đi chơi với bạn bè, tập thể dục, gặp gỡ những khách hàng quan trọng; một mặt, nó còn làm giảm những mâu thuẫn trong các quan hệ khác (ví dụ giữa mẹ chồng, con dâu). Khi giao tiếp xã hội nhiều hơn và ít xung đột gia đình hơn, tâm trạng của người mẹ sẽ tự nhiên được cải thiện và người được hưởng lợi lớn nhất là chồng và các con.
Đừng nghĩ rằng việc nuôi dạy con cái là việc của riêng người mẹ. Nếu người mẹ đang loay hoay trong vòng xoáy của việc chăm sóc, nuôi dạy con cái thì làm sao họ có đủ thời gian và tâm trí để quay về con người ban đầu của mình?
Đừng nghĩ rằng với sự giúp đỡ của bà nội, bà ngoại, người giúp việc, người bố không cần tham gia vào quá trình chăm sóc con cái. Cách quan trọng nhất để các ông bố chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái là tăng cường mối quan hệ vợ chồng và xoa dịu cảm xúc của vợ. Không ai có thể thay thế được vai trò của người bố.
Điều trị kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và dành thời gian ở ngoài trời
Tôi đã đề cập đến phương pháp này khá nhiều lần. Khi đối mặt với những giai đoạn trầm cảm nhẹ, bạn có thể thử dùng vitamin B và vitamin D, uống một cốc sô cô la nóng, cũng như tập thể dục phù hợp (đổ mồ hôi một chút là đủ) đồng thời dành thời gian dưới ánh nắng mặt trời để cải thiện việc tiết dopamine. Bạch Lộc đang uống vitamin B và vitamin D mỗi ngày, uống một cốc sô cô la nóng, tập yoga và thiền (tập trong khả năng của mình và không tập các bài tập quá khó hoặc nặng nhọc sau khi sinh) để điều chỉnh cảm xúc.
Ngoài ra, trong thời gian ở cữ, người mẹ không ra ngoài, không tiếp xúc với ánh nắng nên rất dễ làm trầm trọng thêm triệu chứng trầm cảm. Bạch Lộc sinh con vào giữa hè, ngày nào trời cũng nắng. Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong gia đình đều tuân thủ nghiêm ngặt việc kiêng cữ sau sinh cho Bạch Lộc: không cho ra ngoài, không mở cửa sổ để đón gió. Thật buồn chán khi ngắm những bông hoa trắng muốt qua cửa sổ mà không được ra ngoài! Vì vậy, hai tuần sau khi cô ấy sinh con, tôi đã “bí mật” đưa cô ấy đi dạo mỗi ngày trong giờ nghỉ trưa để tắm nắng mặt trời (về việc này, mọi người nên tùy theo hoàn cảnh của mình để làm những gì có thể, đừng làm theo một cách mù quáng). Bạch Lộc đã có thể đi lại ngay sau khi sinh con, ba ngày sau cô ấy đã đi lại thoăn thoắt như một cơn gió. Hơn nữa, cơ thể cô ấy khá nóng, mùa hè cũng không dễ bị cảm lạnh như mùa thu hay mùa đông nên thực hiện điều này không thành vấn đề. Tuy nhiên, nếu người mẹ nào yếu, sợ lạnh, sợ gió thì nên ở nhà và đợi hồi phục sức khỏe. Ngay cả khi muốn tắm nắng, cũng chỉ nên tắm nắng trong nhà, cạnh cửa sổ hoặc ban công.
Chuyển hướng sự chú ý và lấy lại cảm giác có ý nghĩa
Đại đa số các bà mẹ sẽ nghỉ thai sản trong một thời gian dài; trong thời gian đó họ không phải làm việc, ít giải trí hay giao tiếp xã hội. Ngoài việc cho con bú, các bà mẹ còn chăm sóc con khiến họ dễ căng thẳng tinh thần do ít tương tác xã hội, mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái, mâu thuẫn trong gia đình. Họ cảm thấy cuộc sống thật vô vọng và vô nghĩa.
Nếu điều này xảy ra với người mẹ, hãy giúp họ có thể hoàn thành công việc một cách vui vẻ, tạo điều kiện để họ có thời gian dành cho bản thân và làm những điều họ muốn, từ đó chuyển sự chú ý của họ sang suy nghĩ tích cực hơn.
Tôi nhớ lúc Bạch Lộc mới sinh con, bố mẹ tôi có khuyến khích cô ấy đi thi lấy bằng lái xe. Trong thời gian ở cữ, Bạch Lộc bắt đầu ôn lại phần lý thuyết, sau khi con được một tháng tuổi, cô ấy đi thi. Cuối cùng, cô ấy đã lấy được bằng lái xe trước khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản và sử dụng bằng lái xe để lái chiếc xe mới. Sự việc này khiến Bạch Lộc rất vui mừng. Cô ấy cảm thấy thời gian nghỉ thai sản của mình không hề lãng phí. Cô ấy không chỉ học được những kỹ năng mới mà còn giải tỏa tâm lý cho bản thân. (Về việc này, vẫn cần phải tùy theo hoàn cảnh thực tế của người phụ nữ để thực hiện. Nếu bạn là người mẹ có thể chất yếu ớt sau khi sinh con thì không được bắt chước một cách mù quáng!).
Vì vậy, tôi nghĩ những người không quen ngồi yên một chỗ có thể tận dụng thời gian nghỉ thai sản để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ hoặc bằng lái xe, học một khóa học trực tuyến, hay tập một môn thể thao nhẹ nhàng… Những hoạt động này đều là những lựa chọn tốt cho thể chất cũng như tinh thần của bạn. Tất nhiên, nếu bạn muốn nghỉ ngơi hoàn toàn thì không cần phải ép buộc bản thân. Bạn có thể hoàn toàn thư giãn và tận hưởng khoảng thời gian này theo cách của riêng mình!
Liệu pháp “đánh thức bằng nhắc nhở”
Khi thấy Bạch Lộc có dấu hiệu trầm cảm, mẹ tôi đã động viên cô ấy một cách rất khéo léo và dí dỏm: “Việc sinh con khó thế Bạch Lộc còn làm tốt, giờ nhặt giúp mẹ bó rau chắc không vấn đề gì phải không nhỉ?” Thấy mẹ tôi nói thế, cô ấy cười ngượng ngùng và lập tức đi phụ việc nhà với bà.
Phương pháp “đánh thức bằng nhắc nhở” thực chất là một liệu pháp nhận thức hành vi; nguyên tắc và mục đích của nó là đảo ngược nhận thức. Điểm khác biệt là hầu hết mọi liệu pháp đều dựa trên sự thuyết phục nhẹ nhàng, hứa hẹn, trong khi phương pháp này lại dùng tác động mạnh - tức là có sự yêu cầu, đề nghị trong đó, giúp con người thoát khỏi vòng xoáy cảm xúc mơ hồ để trở về với thực tại.
Đặc biệt xin lưu ý rằng, người mẹ chồng nên thận trọng khi sử dụng phương pháp này và cũng không nên sử dụng thường xuyên bởi mẹ chồng và con dâu thường có mối quan hệ không quá thân thiết, dễ gây hiểu lầm. Phương pháp này phù hợp hơn với mẹ ruột và con gái ruột, hoặc giữa những người bạn thân với nhau.
Các phương pháp trên có tác dụng giảm bớt phần nào tình trạng trầm cảm (hoặc với một số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ). Nhìn chung, sau một thời gian tự điều chỉnh tâm trạng, các mẹ có thể trở lại bình thường.
Đối với trầm cảm sau sinh có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như làm tổn thương con, tự làm đau bản thân hoặc thậm chí nghĩ đến tự tử, hãy nhớ tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ tâm thần chuyên nghiệp tại những cơ sở chuyên môn cao để được uống thuốc hoặc thực hiện vật lý trị liệu theo chỉ định y tế. Người nhà của sản phụ cũng nên lưu ý hơn và học cách nhận biết khi gặp những tình huống xảy ra với họ; cần quan tâm, can thiệp sớm để tránh những dấu hiệu nhẹ chuyển thành bệnh nặng, gây ra nhiều bi kịch đáng tiếc.
Tôi mong ước những người phụ nữ lần đầu làm mẹ có thể tận hưởng khoảng thời gian quý giá, an toàn và bình yên với đứa con của mình.
Các bệnh dạ dày không chỉ do vấn đề về tâm lý
Một người họ hàng hỏi tôi: Tại sao con của anh ấy luôn đau bụng mỗi khi lo lắng, nhất là khi kỳ thi đang đến gần?
Tôi là một học giả nghiên cứu tâm lý học, không phải bác sĩ tiêu hóa. Tại sao con anh có vấn đề về dạ dày lại cần đến tư vấn của tôi? Hóa ra anh ấy nghĩ rằng: Các vấn đề của con mình đều do ảnh hưởng từ tâm lý. Anh ấy chăm sóc con mình rất cẩn thận, chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của đứa trẻ rất đều đặn, chuẩn mực, đứa trẻ ấy còn chưa bao giờ ăn bất cứ thứ gì ở bên ngoài. Làm sao đứa trẻ có thể mắc bệnh dạ dày? Hơn nữa, đứa trẻ không hề bị các vấn đề về dạ dày khi không đi thi nhưng lại bị đau bụng ngay khi chuẩn bị thi cử. Đây không phải là ảnh hưởng tâm lý sao?
Người họ hàng này đã đúng ở một điều: Các vấn đề về cảm xúc thực sự có thể gây ra các vấn đề về dạ dày. Nhưng anh ấy đã sai ở một điều khác, đó là anh ấy tin rằng các vấn đề ở dạ dày lại không phải là vấn đề của dạ dày.
Là một người bị loét dạ dày, tôi đã quá quen với tình trạng này. Khi đang học năm cuối trung học, tôi bị đau bụng dữ dội mỗi ngày. Sau đó, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh dạ dày và hội chứng ruột kích thích (IBS), nguyên nhân là do áp lực học tập quá nhiều.
Lúc đầu, mỗi khi tôi đau bụng, bố mẹ tôi luôn nhẹ nhàng động viên tôi: “Con đừng sợ! Đó không phải là vấn đề về dạ dày, đó là ảnh hưởng của tâm lý!”, “Nào! Con có thể làm được!”, hay “Đừng lúc nào cũng nghĩ về nó. Càng nghĩ về nó, con càng không làm được; càng đau càng không nghĩ tới thì sẽ ổn thôi!”
Tuy nhiên, dường như dạ dày của tôi có suy nghĩ riêng, sự khích lệ và an ủi tích cực của bố mẹ đều không có tác dụng. Sau đó, khi gia đình thấy tôi không thể chịu đựng được nữa, cuối cùng họ đã đưa tôi đi nội soi dạ dày. Lúc nhận được chẩn đoán là “loét dạ dày”, tôi đã khóc lóc không dừng, cảm giác như mình bị oan ức điều gì đó: “Mẹ nhìn xem này, con đau quá! Không phải bác sĩ nói là do cảm xúc sao? Chẳng phải đó chỉ là do tâm lý như mẹ nói thôi sao?”
Bệnh dạ dày do tâm lý lo âu,
căng thẳng gây ra là có thật, không phải là ảo giác
Có nhiều người (đặc biệt là thế hệ lớn tuổi) thường hiểu lầm rằng các triệu chứng thực tế có thật, rõ ràng và nhìn thấy được do bệnh tâm lý, tình cảm gây ra đều là ảo giác và không cần điều trị.
Sự hiểu lầm này rất điển hình và phổ biến trong xã hội chúng ta: “bệnh tâm thần” nghĩa là “không ốm”, “có vấn đề về cảm xúc” nghĩa là “không có vấn đề gì”, “khó chịu do ảnh hưởng tâm lý” nghĩa là “không thực sự khó chịu”. Vì vậy, những người xung quanh luôn cố gắng dùng sự “an ủi”, “khuyến khích” để khiến chúng ta bỏ qua các triệu chứng và tìm cách vượt qua chúng.
Nhiều người sẽ nghĩ phiến diện rằng, bệnh dạ dày do chế độ ăn uống không đều đặn, không lành mạnh. Ví dụ, tôi thường nghe câu này: “Hôm nay tôi không ăn đồ gì bẩn, sao tôi lại đau bụng?”
Trên thực tế, hầu hết các cơn đau dạ dày là do niêm mạc dạ dày bị tổn thương ở mức độ khác nhau. Mặc dù quan điểm “các bệnh về dạ dày đều do ăn uống bừa bãi” là phiến diện nhưng tác nhân tấn công phổ biến lên niêm mạc dạ dày thực chất lại là những thực phẩm gây kích ứng (như đồ ăn cay, nóng, dầu mỡ). Tuy nhiên, bệnh dạ dày do cảm xúc lo âu, căng thẳng gây ra cũng là một bệnh dạ dày; nó cũng có thể có các triệu chứng rõ ràng, thậm chí gây ra các bệnh liên quan chẳng hạn như tổn thương niêm mạc dạ dày, loét dạ dày…
Căng thẳng có thể gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa
Nếu một người đang ở trong trạng thái áp lực tinh thần cao như căng thẳng, lo âu, tức giận, mệt mỏi… thì những cảm xúc tiêu cực này sẽ tác động lên hệ thần kinh tự chủ qua não, kích thích các dây thần kinh giao cảm của hệ thần kinh tự chủ và ức chế dây thần kinh phó giao cảm. Đi kèm với sự hưng phấn của dây thần kinh giao cảm là phản ứng chiến-hay-chạy, nên một lượng lớn máu sẽ tập trung ở các cơ (để đảm bảo đủ sức chiến đấu hoặc trốn thoát), trong khi lượng máu cung cấp cho hệ tiêu hóa (chủ yếu được điều hòa bởi các dây thần kinh phó giao cảm) sẽ bị ức chế, dẫn đến lượng máu cung cấp không đủ.
Nếu cứ tiếp diễn như vậy sẽ dễ gây rối loạn chức năng đường tiêu hóa, dẫn đến giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tiết quá nhiều axit dạ dày và pepsin. Axit dạ dày dư thừa có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Nói cách khác, tâm lý căng thẳng cũng có thể gây ra những tổn thương hữu cơ, chẳng hạn như tổn thương niêm mạc dạ dày, gây đau dạ dày và thậm chí phát triển thành loét dạ dày.
Đồng thời, khi phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy được kích hoạt, cơ thể sẽ chủ động giảm bớt gánh nặng để chuẩn bị cho cuộc chiến hoặc bỏ chạy. Cách đơn giản nhất là gây nôn. Nôn mửa kéo dài rất có hại cho hệ tiêu hóa và có thể dẫn đến trào ngược axit, loét dạ dày và các bệnh khác.
“Bệnh do các hiệu ứng tâm lý”
Trong tâm lý học, loại bệnh thể chất do cảm xúc xấu gây ra này được gọi là “bệnh do các hiệu ứng tâm lý”.
Sự xuất hiện và phát triển của các bệnh do các hiệu ứng tâm lý có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý, xã hội nhưng triệu chứng thực thể là biểu hiện chủ yếu. Nó có một số đặc điểm: Thứ nhất, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong quá trình gây bệnh; thứ hai, nó sẽ có các triệu chứng thực thể và cuối cùng là những thay đổi bệnh lý hữu cơ. Quan trọng hơn, mặc dù các triệu chứng thực thể này đều do yếu tố tâm lý gây ra nhưng nó không phải là một triệu chứng do cá nhân tưởng tượng ra và không hề đơn giản.
Bệnh dạ dày (như loét dạ dày, tá tràng…) là một bệnh rất điển hình do các hiệu ứng tâm lý gây ra. Những bệnh nhân mắc bệnh do các hiệu ứng tâm lý cần được điều trị tâm lý và thể chất cùng một lúc. Nếu bạn chỉ điều trị một trong hai bệnh và bỏ qua việc điều trị bệnh còn lại, bạn sẽ chỉ đạt được một nửa kết quả với một nửa công sức. Nếu bạn chỉ nhận được những lời động viên (ví dụ như: “Nào, con có thể làm được!”), bạn sẽ không thể thoát khỏi các triệu chứng. Vì vậy, chỉ dựa vào việc điều chỉnh tâm lý mà không điều trị bằng thuốc thì khó có thể khỏi bệnh.
Vì vậy, tôi đề nghị mọi người hãy đưa người thân của mình đến bệnh viện để điều trị và chữa trị phù hợp. Người bị mắc bệnh không nên giấu giếm, trốn tránh việc chữa trị, cũng không nên từ chối uống thuốc. Khi bị bệnh do các hiệu ứng tâm lý gây ra, đừng quan niệm sai lầm rằng “bệnh tim chỉ cần dùng thuốc tâm lý”. Tất nhiên, can thiệp tâm lý hoặc điều chỉnh tâm lý là một khía cạnh, nhưng việc điều trị triệu chứng và giảm bớt các triệu chứng thể chất cũng rất cần thiết. Nó không chỉ loại bỏ cơn đau mà còn giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng do các triệu chứng thể chất gây ra và lấy lại sự tự tin của mình.
Nỗi lo trước sự kiện lớn
Lo lắng trước một sự kiện lớn chưa hẳn là điều xấu
Như chúng ta đều biết, tâm lý của một người có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và thậm chí cả chất lượng của kết quả. Tuy nhiên, có một số người lúc bình thường có tâm lý ổn định và thể hiện tốt nhưng sẽ trở nên rất lo lắng và hồi hộp khi đối mặt với những sự kiện lớn. Ví dụ, hằng năm trước kỳ thi tuyển sinh đại học, sẽ có người hỏi tôi những câu hỏi như “Phải làm gì nếu cảm thấy lo lắng trước kỳ thi?” Tôi luôn nhấn mạnh rằng, những người không hề lo lắng khi gặp những sự kiện lớn chưa chắc làm việc tốt hơn những người lo lắng. Căng thẳng vừa phải đôi khi khiến mọi người làm việc tốt hơn.
Từ góc độ tiến hóa, những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng là những phản ứng bình thường giúp chúng ta thích nghi tốt hơn với môi trường. Căng thẳng và lo lắng vừa phải có thể kích thích các cơ quan trong cơ thể, cải thiện khả năng suy nghĩ, phản ứng và sự tỉnh táo, giúp chúng ta tìm kiếm lợi thế và tránh những bất lợi, đồng thời cải thiện hiệu suất làm việc.
Về mối quan hệ giữa sự lo lắng và hiệu suất, luật Yerkes-Dodson quy định rằng: Hiệu suất tăng lên khi có sự kích thích về mặt sinh lý hoặc tinh thần, nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. Nói cách khác, áp lực vừa phải giúp đạt hiệu suất tốt hơn, trong khi không có áp lực nào và áp lực quá lớn sẽ làm giảm hiệu suất. Quá nhiều áp lực sẽ trở thành gánh nặng, nhưng sẽ không có kết quả nào nếu không có áp lực.
Vì vậy, lo lắng trước một sự kiện lớn không hẳn là điều xấu. Hầu hết mọi người chỉ cần học cách “chấp nhận sự lo lắng của bản thân”.
Luôn tỉnh táo không có nghĩa là không lo lắng hay suy nghĩ
Nếu muốn duy trì một sự tỉnh táo, trước tiên bạn phải hiểu thế nào là “tỉnh táo”. Người tỉnh táo không có nghĩa là không suy nghĩ hay lo lắng về bất cứ điều gì. Giả sử có người không biết gì và không hề lo lắng - thực chất đó chỉ là sự thiếu hiểu biết. Phần lớn suy nghĩ của họ là: “Bạn lo lắng mình sẽ không làm tốt? Bạn có cần phải lo lắng về điều này không? Đừng lo lắng! Bạn chắc chắn sẽ không thể làm tốt!”
Quan điểm của tôi: Hãy nghĩ về vấn đề đó nhưng không căng thẳng.
Luôn “tỉnh táo” có nghĩa là giữ cho cơ thể ở trạng thái hưng phấn cao độ trong một khoảng thời gian. Trạng thái này giữ cho chất dẫn truyền thần kinh được tiết ra ở mức độ cao, nhưng trạng thái ấy được dùng để duy trì sự minh mẫn và bình tĩnh chứ không phải cho những suy nghĩ lung tung.
“Không căng thẳng” có nghĩa là không biến mình thành một con chim sợ hãi mà vẫn luôn duy trì nhịp sống bình thường, không có bất cứ thay đổi nào với việc ăn uống và ngủ nghỉ hằng ngày. Ví dụ, một số bạn trẻ không thể chịu đựng được bất kì âm thanh nào xung quanh họ vào những ngày ôn thi đại học. Một số phụ huynh thậm chí còn sang nhà hàng xóm yêu cầu không gây ra bất kì tiếng ồn nào để cho con cái họ tập trung ôn thi. Như vậy, con cái họ đã bị căng thẳng và không tập trung được khi có tiếng động.
Căng thẳng vừa phải có ích cho hiệu suất, căng thẳng quá mức có thể được điều chỉnh phù hợp
Chúng ta biết rằng, căng thẳng có thể gây hưng phấn trong hệ thần kinh giao cảm và làm tăng tiết adrenaline5, norepinephrine, 5-hydroxytryptamine... Vai trò ban đầu của những hormone và chất dẫn truyền thần kinh này không phải là gây hại cho cơ thể con người mà là cải thiện hiệu suất của chúng ta. Ví dụ, “trí thông minh được kích hoạt từ những trường hợp khẩn cấp” là do tăng sự tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh và hormone dưới sự kích thích của áp lực khẩn cấp, từ đó cải thiện mức hiệu suất của một người.
Chú thích:
5 Adrenaline là một loại hormone được giải phóng ra khỏi tuyến thượng thận và phóng thích trực tiếp vào máu.
Tuy nhiên, căng thẳng quá mức trong thời gian dài sẽ khiến trục HPA (trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận) bị kích hoạt quá mức, gây ra phản ứng độc hại ở vùng hải mã, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất.
Nếu bạn cảm thấy mình quá lo lắng trước một sự kiện lớn, không thể duy trì năng lượng và tỉnh táo, dễ trở nên suy sụp hơn, tôi khuyên bạn nên thử những phương pháp sau để điều chỉnh bản thân:
Tập trung vào hiện tại và không nghĩ về tương lai
Con người trở nên lo lắng từ khi nào? Nó bắt đầu khi chúng ta nhận thức được khái niệm “tương lai”. Như người ta thường nói: “Nếu bạn không có những lo lắng lâu dài, bạn sẽ luôn có những lo lắng trước mắt.”
Khi lập kế hoạch và giả định, sự lo lắng nảy sinh. Nếu chúng ta lo lắng quá nhiều về tương lai, chúng ta sẽ không tập trung ở hiện tại và khả năng những khát vọng không được thực hiện sẽ tăng lên.
Tôi chỉ muốn nói thế này: Đừng nghĩ về quá khứ và đừng nghĩ về tương lai. Những chuyện đã qua rồi sẽ qua, còn những chuyện chưa tới hãy cứ đợi nó đến.
Dù điều gì đến, hãy làm những gì bạn phải làm bây giờ và để phần còn lại cho may mắn. Điều này không phải dạy bạn không lập kế hoạch cho tương lai, mà để nói rằng: Một tương lai tốt đẹp hơn được hình thành bằng cách sống thực tế với hiện tại và đặt nền móng từng bước, thay vì nằm trên giường và suy nghĩ lung tung.
Ví dụ, nếu ngày mai bạn phải báo cáo với khách hàng, hãy luyện tập bài phát biểu của mình ngay bây giờ; nếu ngày mai bạn có bài kiểm tra, hãy ôn lại ngay bây giờ; thậm chí nghỉ giải lao, đọc sách hoặc tưới hoa, cây cối một chút cũng là một lựa chọn tốt. Hãy tập trung vào hiện tại và đừng nghĩ về việc “nếu ngày mai có chuyện gì xảy ra thì sao”. Dù là nghỉ ngơi hay chuẩn bị sẵn sàng, vẫn tốt hơn là lo lắng vô cớ.
Thực hành thiền định và rèn luyện chánh niệm
Từ “chánh niệm” có nguồn gốc từ Phật giáo. Sau khi được áp dụng vào khái niệm tâm lý học, ý nghĩa tôn giáo của nó đã bị loại bỏ, chỉ còn lại ý nghĩa là sự rèn luyện về tinh thần để đạt được cảm giác thư giãn.
Phương pháp rèn luyện chánh niệm cụ thể là: Chọn một đối tượng để chú ý, có thể là tiếng mưa ngoài cửa sổ, hoặc hơi thở của chính bạn, sau đó ngồi xuống thoải mái, nhắm mắt lại, thư giãn bằng cách thở bụng trong một phút, điều chỉnh theo nhịp thở tự nhiên và tập trung vào tiếng mưa hoặc tiếng thở. Trong quá trình rèn luyện chánh niệm, việc thay đổi sự chú ý và để suy nghĩ lang thang là điều bình thường. Đừng sợ hãi hay lo lắng, cũng đừng phán xét bản thân. Chỉ cần đưa suy nghĩ của bạn trở lại và tiếp tục quan sát. Thông thường, thời gian thư giãn như thế từ 10 đến 15 phút, điều này sẽ không làm trì hoãn bất cứ công việc nào của bạn.
Chánh niệm thực chất là một phương pháp rèn luyện cá nhân “chú ý đến hiện tại” và “không nghĩ về quá khứ hay tương lai”. Ngoài việc rèn luyện chánh niệm, các bài tập nhẹ nhàng như yoga và thiền cũng có thể có tác dụng thư giãn tương tự.
Chấp nhận hoàn toàn bản thân như vốn có
Tôi từng theo dõi một bác sĩ chuyên về thần kinh trên một nền tảng xã hội. Ông ấy chuyên điều trị chứng lo âu, căng thẳng tinh thần và các vấn đề khác. Chúng tôi khá ngưỡng mộ phong cách của bác sĩ này, nó thực sự rất khoa học, rõ ràng.
Dưới đây là một vài trích dẫn từ những gì ông đã nói:
Khi đối mặt với sự lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, hãy tự nhủ:
- Nếu bạn điên thì bạn đã điên, nếu bạn chết thì bạn đã chết.
- Làm sao loại bỏ được những lo âu? Đừng chống cự. Đó là một “cảm giác tồi tệ”, nhưng hãy để nó tự qua đi!
- Bạn bị mất ngủ, nhưng hãy nghĩ là “dù đã mất ngủ nhiều năm nhưng mình vẫn sống tốt”.
Lời nói của ông tưởng chừng rất “tiêu cực” chứ không “tích cực” nhưng bệnh nhân của ông đều nói rằng nó đã giúp họ “chữa lành”. Tại sao lại như vậy?
Bạn không cần chống cự lại sự lo lắng? Hay bạn không cần làm gì cả mà cứ để chứng mất ngủ qua đi? Nghĩa đen của những từ này không phải là ý định thực sự của ông ấy, ông ấy cũng không nói với công chúng mà nói với những người mắc chứng lo âu nghiêm trọng.
Bởi vì vấn đề lớn nhất đối với những người hay lo lắng một cách nghiêm trọng này là “không học cách chấp nhận” - họ không thể chấp nhận sự không hoàn hảo của mình. Họ sẽ khuếch đại 1% nỗi lo lắng của mình thành 100% nỗi sợ hãi, thậm chí hủy hoại 99% cuộc sống tươi đẹp của mình chỉ vì 1% sự không chắc chắn đó.
Vì vậy, thông điệp mà vị bác sĩ này muốn truyền tải là: Nếu 100% kết quả xấu có thể được chấp nhận hoàn toàn thì 1% sự không chắc chắn có gì đáng sợ?
Bạn đang lo lắng không biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp?
Nếu bạn vẫn còn nhiều lo lắng, chẳng hạn như: “Nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra và sự kiện tôi đã chuẩn bị suốt ba tháng bị hủy bỏ thì sao?”, “Tôi phải làm gì nếu đột nhiên bị sốt vào ngày thi?”, thì vẫn như những gì tôi đã nói ở trên - tập trung vào những sự kiện xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và có thể không xảy ra là một dạng lo lắng mù quáng. Bạn nên tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát, chẳng hạn như đọc sách để đầu óc tỉnh táo hoặc nghỉ ngơi để duy trì năng lượng.
Trường hợp khẩn cấp, trường hợp xấu nhất là mọi việc bạn đã chuẩn bị trở nên vô ích. Đây là vấn đề “từ trên trời rơi xuống”, bạn không quyết định được nó xảy ra hay không. Khi tôi gặp phải tình huống như vậy, tôi tự nhủ rằng: “Chúa sẽ không gây khó khăn với tôi. Nếu lần này tôi đã lãng phí công sức, lần sau nhất định tôi sẽ thành công.”
Về chứng “rối loạn hoảng sợ”
Cơn hoảng loạn là một loại lo âu. Nó không được biết đến nhiều như “trầm cảm” hay “rối loạn lo âu xã hội”. Để mọi người có những hiểu biết cụ thể hơn về nó, tôi xin chia sẻ một điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của tôi.
Đó là điều đã xảy ra khi vợ chồng tôi vừa mới kết hôn. Sau khi trải qua những khó khăn, mệt mỏi ở nơi làm việc, cũng như chứng kiến sự ra đi của người thân và gặp một vài vấn đề về sức khỏe, Bạch Lộc cảm thấy chán nản trong khoảng thời gian đó. Cô ấy lo lắng ngày đêm và bị sụt cân.
Một ngày nắng đẹp ở Bắc Kinh, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi báo rằng Bạch Lộc đang ở ngoại thành, đột nhiên ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Khi tôi đến, bác sĩ nói với tôi: “Không có gì nghiêm trọng cả. Cô ấy chỉ thở gấp thôi. Anh đã cãi nhau với cô ấy và khiến cô ấy thở hổn hển à? Lần sau, chỉ cần bịt một chiếc túi giấy màu nâu lên miệng và mũi cô ấy là được.”
Hội chứng tăng thông khí
Tăng thông khí được gọi một cách khoa học là “hội chứng tăng thông khí”, dùng để chỉ tình trạng rối loạn hô hấp do nồng độ carbon dioxide thấp. Khi bệnh nhân cảm thấy khó thở và nhịp thở bị tăng nhanh, lượng carbon dioxide trong cơ thể liên tục bị thải ra ngoài. Các triệu chứng bao gồm khó thở, tê chân tay, chóng mặt, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, ngất, co giật..., thường xảy ra trong trạng thái sợ hãi, lo lắng, tức giận... Mục đích của việc đeo túi giấy khi sơ cứu là để hít lại lượng carbon dioxide đã thở ra vào cơ thể.
Sau khi bày tỏ lòng biết ơn với bác sĩ, tôi hỏi Bạch Lộc khi cô ấy tỉnh lại: “Tại sao đột nhiên em lại thở gấp vậy?” Cô ấy trả lời: “Không, chắc chắn là em bị bệnh tim. Em hồi hộp và tức ngực, nhịp tim rất nhanh, tay và chân bị chuột rút, toàn thân tê dại, giống như có vô số con kiến đang bò trên người, từng đợt khí lạnh từ sống lưng dồn lên trán, em không thở được. Em cảm thấy như mình sắp chết vậy.”
Tôi đọc kết quả xét nghiệm máu, điện tâm đồ, chụp não, chụp X-quang... của cô ấy, tất cả đều bình thường. Ban đầu, chúng tôi nghĩ đây chỉ là một tai nạn, nhưng chúng tôi không ngờ rằng trong khoảng thời gian tiếp theo, cô ấy lại lên cơn nhiều lần mỗi ngày và mỗi lần như vậy, cô ấy lại đau đớn như sắp chết. Sau đó, chúng tôi đến hai bệnh viện khác để khám lần nữa, kết quả vẫn bình thường.
Và tôi đã nghĩ, dù trình độ của bác sĩ cao hay thấp thì các thiết bị máy móc y tế chắc chắn đã cho kết quả chính xác.
Vì kết quả xét nghiệm đều bình thường nên có nghĩa là Bạch Lộc không mắc bệnh. Lúc này, trong đầu tôi chợt hiện lên một loạt từ khóa.
- Các kết quả kiểm tra thể chất khác nhau đều bình thường - không có bệnh thực thể
- Không thể thở được - cảm giác như sắp chết
- Cảm giác toàn thân yếu ớt, ớn lạnh sống lưng
- Sợ hãi, cảm giác như có kiến bò trên người
- Rụng tóc
- Cảm giác tê và ngứa ran chân tay, nhịp tim nhanh
...
Đối mặt với những từ khóa này, trí nhớ của tôi bỗng nhớ lại bài học năm cuối cấp đại học. Vào thời điểm đó, môn tâm lý học có đề cập đến nội dung về những cơn hoảng loạn.
Cơn hoảng loạn
“Cơn hoảng loạn” đề cập đến một trạng thái tâm lý, đó là sự sợ hãi đột ngột, thường đi kèm với dấu hiệu tức ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, chóng mặt, khó thở, tê, ngứa ran chân tay, ngất xỉu và các triệu chứng sinh lý khác (xin lưu ý rằng, các triệu chứng trên cần được khám lâm sàng, tức là phải đến bệnh viện nhằm loại trừ). Bên cạnh đó, nó cũng có các triệu chứng tâm lý không thể giải thích được như cảm giác về cái chết sắp xảy ra, sự sợ hãi về thảm họa sắp xảy ra, và bệnh nhân thậm chí còn không biết nguồn gốc nỗi sợ hãi của mình.
Nhiều người chắc chắn sẽ trải qua một hoặc hai cơn hoảng loạn trong đời. Mặc dù các triệu chứng rất nghiêm trọng nhưng hầu hết các cơn hoảng loạn đều không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất.
Đối với các cơn hoảng loạn tái diễn, nếu bệnh nhân bị mắc kẹt trong vấn đề này và tìm mọi cách để che đậy các triệu chứng của mình, họ sẽ cư xử bất thường. Nếu mọi việc cứ tiếp tục như vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến việc tương tác xã hội, công việc, học tập và cuộc sống bình thường của họ. Loại áp lực tâm lý này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, làm trầm trọng thêm sự lo lắng, sợ hãi và tạo thành một vòng luẩn quẩn. Khi trạng thái này kéo dài hơn một tháng có thể gọi là chứng “rối loạn hoảng sợ”.
Các cơn hoảng loạn xuất hiện mà không có bất kì yếu tố kích hoạt nào. Chúng có thể liên quan đến các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống (chẳng hạn như gắng sức quá mức, chấn thương tinh thần…) hoặc chúng có thể liên quan đến các tình huống cụ thể (chẳng hạn như chứng sợ khoảng trống và ám ảnh đám đông).
Trong thời gian đó, Bạch Lộc đã trải qua những cú sốc trong cuộc sống như áp lực cao trong công việc và sự ra đi của một thành viên trong gia đình. Tôi có thể xác nhận đại khái rằng cô ấy mắc chứng rối loạn lo âu và có các cơn hoảng loạn. May mắn thay, các triệu chứng của cô ấy không kéo dài quá một tháng và cô ấy đã có thể xoay chuyển tình thế để trở lại bình thường.
Tôi đã tìm nhiều phương pháp để giúp đỡ cô ấy lấy lại sự bình tâm về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, như: ủng hộ cô ấy rời khỏi nơi làm việc cũ nhiều áp lực, trò chuyện và đi dạo cùng cô ấy, điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi, để cô ấy đi ngủ sớm và dậy sớm, đồng thời động viên cô ấy tích cực tập thể dục và giải trí nhiều hơn (xem phim, đi du lịch…).
Tôi thường xuyên nói với cô ấy rằng, “cơn hoảng loạn không gây tử vong” (một trong những triệu chứng khó chịu nhất của cơn hoảng loạn là cảm giác sắp chết), nên bình tĩnh chấp nhận các triệu chứng, chờ chúng biến mất (triệu chứng thường chỉ kéo dài 10 đến 15 phút), và an ủi tâm trạng của cô ấy.
Sau khoảng hai tuần, tần suất khó chịu của Bạch Lộc giảm dần, cuối cùng cô ấy hoàn toàn trở lại bình thường, khỏe mạnh, hoạt bát như trước và tìm được công việc yêu thích.
Vài năm sau, một ngày nọ, cô ấy kể với tôi: “Hôm nay, em nghe một người bạn của chúng ta phàn nàn rằng cô ấy bị đau tim và sắp chết. Khi cô ấy đi khám thì không có chuyện gì xảy ra cả.” Người bạn đó không biết mình bị bệnh gì, người nhà cũng nói cô ấy bị đau tim. Do không tìm đến sự can thiệp y tế kịp thời nên cô ấy không thể làm việc, chỉ ở trong nhà mỗi ngày với tâm trạng chán nản. Cuối cùng, cô ấy được chẩn đoán mắc chứng “rối loạn hoảng sợ”. Chỉ sau đó cô ấy mới nhận ra rằng, chính y học đã cứu mình.
Sở dĩ, tôi viết ra sự việc xảy đến với chúng tôi không phải để trách các bác sĩ thời đó không giỏi y khoa.
Bởi vì bác sĩ cũng như tôi, không hiểu rõ tình trạng của Bạch Lộc và lúc đó cô ấy cũng bị bệnh nặng nên không thể mô tả chính xác các triệu chứng với bác sĩ. Có nhiều triệu chứng bệnh rất giống nhau và chúng tôi không thể đưa ra bất kì kết luận nào dựa trên các triệu chứng.
Nếu trước khi bị bệnh, bệnh nhân là người có sinh hoạt lành mạnh, ổn định về cảm xúc, thời gian bệnh ngắn, thì sau khi điều chỉnh lối sống, chứng “rối loạn hoảng sợ” có thể được chữa khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu diễn biến bệnh kéo dài và nghiêm trọng, thậm chí kết hợp với các vấn đề như trầm cảm, lạm dụng ma túy, rối loạn nhân cách, thì việc điều trị những bệnh nhân như vậy sẽ khó khăn hơn.
Vì vậy, nếu độc giả nào đang nghi ngờ bản thân mắc chứng hoảng sợ hoặc thậm chí là “rối loạn hoảng sợ”, hãy nhớ tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời từ chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ bệnh viện và cần điều trị tâm lý, điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những người có triệu chứng không nghiêm trọng cũng có thể tự điều chỉnh theo các phương pháp nêu trên. Nếu triệu chứng không thuyên giảm thì nên đi khám chữa kịp thời, không nên giấu bệnh, tránh để bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Bạn biết gì về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế?
Có phải mọi thứ cần phải được sắp xếp gọn gàng theo màu sắc và kích thước, ngôi nhà phải luôn sạch sẽ? Mọi thứ trong cuộc sống đều cần phải ngăn nắp, trật tự, hoàn hảo về mọi chi tiết? Bạn có những nhu cầu cực kì khắt khe về việc phân loại, sạch sẽ, ngăn nắp vượt xa người thường?
Quả thực, những biểu hiện này rất phù hợp với hiểu biết nhất quán của công chúng về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Tuy nhiên, đây không phải là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế theo nghĩa chính xác, trọn vẹn nhất mà đó là một chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD). Thậm chí, có thể nói đó là sở thích của một số thanh niên đương thời.
Nhiều khi, chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế ở mức độ nhẹ không gây cho người đó bất kì đau đớn nào cũng như không gây ra nhiều rắc rối cho cuộc sống bình thường của bản thân hoặc người khác. Một số người thậm chí còn thích thú với nó. Trong những trường hợp như vậy, thực tế không cần phải tìm cách điều trị y tế và họ cũng không muốn tìm kiếm sự điều trị y tế. Ví dụ, khi đỗ xe, bạn phải đỗ xe theo chiều ngang và chiều dọc; khoảng cách từ phía trước, phía sau, bên trái và bên phải phải bằng nhau, bạn mới cảm thấy thoải mái. Bạn có cảm thấy đau đớn về điều này không? Không, ngược lại bạn thấy hạnh phúc vì bạn cảm nhận được niềm vui từ nó.
Chỉ những người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường và đi kèm với các triệu chứng như rối loạn lo âu, ám ảnh, hành vi rập khuôn, suy nghĩ ám ảnh cưỡng chế… mới cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, cố vấn tâm lý hoặc nhà thần kinh học.
OCD thực sự là gì?
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế không phải là rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vậy rối loạn ám ảnh cưỡng chế thực sự là gì? Ví dụ:
“Tôi phải vào cửa bằng chân phải, nếu không tôi phải xuống cầu thang và leo lên lần nữa”, “Tôi phải đếm từng cái cây bên đường, nếu không tôi sẽ chết mất”, “Tôi không thể chớp mắt hay thở trước đèn giao thông”, “Trước khi đến ngã tư tiếp theo, tôi phải đọc thuộc lòng một bài thơ. Nếu không, tôi phải quay lại và làm lại từ đầu”…
Một số người gọi những suy nghĩ này là “những tiếng nói luẩn quẩn trong tâm trí”. Họ biết rõ rằng một ý tưởng hoặc hành vi nào đó vô lý, nhưng không thể kiềm chế được ý chí và buộc bản thân phải làm những điều vô nghĩa. Ngay cả khi việc suy nghĩ hoặc hành động đó trái với ý muốn của bạn, chẳng hạn như:
- Bắt buộc nghi ngờ: Liên tục kiểm tra xem cửa ra vào và cửa sổ đã đóng hay chưa.
- Bắt buộc nhớ lại: Buộc bản thân phải nhớ lại điều gì đó, nếu nhớ lại điều gì đó sai thì buộc mình làm lại.
- Bắt buộc đếm: Khi nhìn thấy đèn đường hoặc cột bên đường, buộc mình phải đếm, nếu đếm sai thì phải đếm lại.
- Bắt buộc liên tưởng: Khi nhìn thấy một câu nào đó, không thể không nghĩ đến một câu khác.
- Xung động ám ảnh: Những xung động không kiểm soát được và không phù hợp, chẳng hạn như nhảy từ trên cao xuống, làm mặt xấu trước người lãnh đạo, phá hoại tài sản công...
- Hành vi mang tính lặp lại: Biết rằng điều đó vô nghĩa nhưng lại ép mình thực hiện một hành động hoặc hành vi nào đó nhiều lần và phải thực hiện lại nếu mắc lỗi.
Mặc dù nhìn một cách khách quan, những suy nghĩ và hành vi này có vẻ nằm trong tầm kiểm soát của họ, nhưng thực ra người bệnh không thể kiểm soát được bản thân. Họ cố gắng hết sức để chống cự nhưng vẫn không thể ngăn chặn được sự xâm nhập của những suy nghĩ và xung động này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, công việc, cuộc sống.
Trong ví dụ trên, “Tôi phải vào cửa bằng chân phải, nếu không tôi phải xuống cầu thang và leo lên lần nữa” là một hành động lặp lại mang tính cưỡng bức mà bệnh nhân thường ép buộc mình phải hoàn thành. Họ thực hiện một loạt các hành động phức tạp mang ý nghĩa mê tín để loại bỏ những suy nghĩ bên trong của mình. Một ví dụ khác là trước khi vào cửa, bạn phải giậm chân trái 5 lần, sau đó giậm chân phải 5 lần, nếu không hoàn thành tốt một trong số đó thì phải giậm chân lại, bằng không sẽ có chuyện không hay xảy ra.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có một đặc điểm: sự lặp lại. Điều này có thể khiến bệnh nhân tốn nhiều thời gian vào những hoạt động vô nghĩa. Nỗi đau đớn và thống khổ mà chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế mang lại cho người bệnh rất lớn.
Tất nhiên, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế và rối loạn ám ảnh cưỡng chế có một số điểm trùng lặp ở một số triệu chứng nhất định, chẳng hạn như không kiểm soát được bản thân, không thể ngăn chặn được sự xâm nhập của những suy nghĩ và xung động vô lý; rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế và rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có thể xảy ra đồng thời ở cùng một người. Vì vậy, đôi khi những người không có chuyên môn cũng khó có thể phân biệt rõ ràng hai triệu chứng này.
Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế đòi hỏi phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý và nhận được sự điều trị chuyên nghiệp, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp giữa các cá nhân. Những trường hợp nặng hơn cần điều trị bằng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ thần kinh (một người bạn tôi biết mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nặng đã cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc) và vật lý trị liệu (chẳng hạn như liệu pháp sốc điện).
Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng, bạn có thể cố gắng tự điều chỉnh bản thân, như:
Liệu pháp thư giãn
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường không thể tách rời khỏi sự lo lắng. Chẳng hạn, lo lắng quên khóa cửa, lo lắng không thực hiện được một hành vi nào đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng... Có nhiều cách để giảm bớt lo lắng. Bạn có thể áp dụng phương pháp rèn luyện chánh niệm, thiền định và thư giãn để chống lại những suy nghĩ xao lãng trong đầu. Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp xoa bóp, tập thể dục, giải trí và các phương pháp khác để làm dịu sự căng thẳng của thần kinh.
Lấy chánh niệm làm ví dụ. Chánh niệm nhấn mạnh “không đánh giá, chỉ cảm nhận”. Ngay cả khi bạn không kiểm soát được những suy nghĩ vô lý, bạn chỉ quan sát nó, ghi lại và không đánh giá nó. Ví dụ, bạn chợt nghĩ “hôm nay không khóa cửa sẽ ra sao?”, đánh giá của bạn là “mọi chuyện không hay sẽ xảy ra” và “vấn đề này phải được giải quyết”; ngược lại, sự cảm nhận sẽ là phản ứng “không cần lo đâu” và “không khóa thì không khóa”. Như vậy, mọi thứ đều ổn thỏa.
Nếu chúng ta so sánh những suy nghĩ, cảm xúc trong tâm trí mình với một con tàu, chúng ta chỉ cần lùi lại một bước, đứng sang một bên và nhìn con tàu đi qua, rồi đối mặt với mọi suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác bằng thái độ “không phản ứng lại”.
Thay đổi nhận thức sai lầm thông qua liệu pháp tiếp xúc
Thay đổi quan niệm sai lầm thường đòi hỏi sự kết hợp giữa liệu pháp tiếp xúc hoặc liệu pháp giải mẫn cảm có hệ thống, chẳng hạn như đặt bệnh nhân vào những tình huống “đáng sợ” - không rửa tay sau khi chạm vào đồ bẩn, không thể dọn dẹp đồ đạc bừa bộn, không kiểm tra cửa sau khi về nhà, không dậm chân. Bệnh nhân đừng hành động gì trong những tình huống “đáng sợ” này để xem liệu có gây ra hậu quả khủng khiếp hay không, đồng thời để sự thật khách quan đảo ngược nhận thức sai lầm.
Chỉ khi những nhận thức sai lầm được đảo ngược thì mới có thể kiểm soát dần dần các triệu chứng.
Việc tiếp xúc nên được tiến hành từ nông đến sâu và các thành viên trong gia đình (hoặc thậm chí cả nhà trị liệu) phải đi cùng khi cần thiết để ứng phó kịp thời với các vấn đề cảm xúc đột ngột của bệnh nhân.
Chấp nhận triệu chứng
Nếu bạn thực sự không thể kiểm soát được các triệu chứng thì hãy thư giãn đầu óc và chấp nhận các triệu chứng đó. Tốt hơn hết là đừng tránh né, không loại bỏ, không đấu tranh - hãy sống hòa bình với chúng. Dù là dậm chân hay vỗ tay, hãy nghĩ: “Tôi chỉ là một người bình thường với một vài động tác nhỏ”, “Tôi không coi mình là ‘kẻ lập dị’”. Khi không cố tình tránh né các triệu chứng, bạn sẽ không quá chú ý đến chúng nhưng vẫn có thể làm giảm bớt các triệu chứng ở một mức độ nhất định.
Ảo tưởng “trợ lý nhỏ”
Phương pháp này không phải là phương pháp điều trị “chính thức” được mô tả trong sách mà là trải nghiệm của bệnh nhân. Trên thực tế, rất khó chữa trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nhưng “phương pháp điều trị tại nhà” này có thể làm giảm bớt sự đau đớn, khó chịu của bệnh nhân và giảm bớt tác động của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đối với cuộc sống của họ.
Cụ thể, bạn sẽ hình dung trong đầu mình một “trợ lý nhỏ” giúp bạn hoàn thành những suy nghĩ, xung động hoặc hành vi ám ảnh xâm nhập. “Trợ lý nhỏ” có thể không có hình ảnh cụ thể hoặc có thể có hình ảnh cụ thể, chẳng hạn như công chúa Bạch Tuyết trong truyện cổ tích hay một giáo viên nào đó bạn yêu quý.
Khi “suy nghĩ ám ảnh” lại xuất hiện trong đầu bạn, hãy nhờ “trợ lý nhỏ” giúp bạn “hoàn thành” hành động. Ví dụ, khi bạn ép mình dậm chân 100 lần, chỉ cần hỏi thầm “trợ lý nhỏ”: “Công chúa Bạch Tuyết, xin hãy giúp tôi giậm chân.” “Trợ lý nhỏ sẽ nói: “Bạn hãy đọc Đạo Đức Kinh 15 lần.”
Bằng cách này, bộ não không còn bị chiếm giữ và bị can thiệp bởi những thông tin phức tạp và vô nghĩa, đồng thời bệnh nhân không phải lo lắng mình trở thành kẻ lập dị, những người “suốt ngày vỗ tay và giậm chân” trong mắt người khác. Mặc dù chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được chữa khỏi nhưng nỗi đau mà nó gây ra cũng như tác động của nó đến cuộc sống có thể được giảm bớt.
Phương pháp này khá thú vị. Những người gặp vấn đề này có thể muốn thử. Tất nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng và không thể cải thiện sau khi tự điều chỉnh, đừng giấu bệnh và đừng né tránh điều trị y tế - tốt nhất hãy đến bệnh viện có chuyên môn để điều trị.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế về việc đến muộn
Tôi biết một người bạn thích đến muộn. Từ ngày đầu tiên học tiểu học cho đến khi đi làm, cô ấy vẫn luôn đi muộn như thế.
Chính vì điều này, từ nhỏ cô đã bị bố mẹ thường xuyên la mắng và thuyết giảng. Khi trưởng thành, ở nơi làm việc, cô thường nhận được những câu danh ngôn và những lời khuyên về cuộc sống do lãnh đạo truyền đạt, chẳng hạn như những yếu tố quyết định thành công hay thất bại, tương lai sẽ đi về đâu nếu không có kỷ luật bản thân…
Tuy nhiên, cho dù bố mẹ có mắng cô bao nhiêu lần hay cô bị trừ bao nhiêu tiền phạt ở chỗ làm thì cũng không thể ngăn cô muốn đến muộn. Ngay cả khi một ngày nào đó cô thức dậy sớm, cô sẽ vẫn đi làm muộn vì nhiều lý do như: không bắt được taxi, bận trang điểm, chân bị bong gân…
Lúc đầu, cũng như mọi người, tôi nghĩ cô ấy là người thiếu kỷ luật và vô trách nhiệm. Sau này, tôi phát hiện ra rằng, trong số những vấn đề cô ấy gặp phải, việc đi muộn thực sự không phải là vấn đề. Điều nghiêm trọng hơn là cô ấy lo lắng, trầm cảm, nhạy cảm và cáu kỉnh, mắc chứng ám ảnh đánh giá, hành vi ám ảnh cưỡng chế và cực kì hay cằn nhằn.
Nói cách khác, đi muộn chỉ là một triệu chứng, giống như những vết loét trên bề mặt cơ thể, nhìn rất sốc nhưng bản thân vết loét không phải là một căn bệnh mà là sự tự bảo vệ của cơ thể do các tế bào bạch cầu gây ra.
Vì vậy, tôi an ủi cô ấy: “Đến muộn không vấn đề gì đâu! Có phải là tội ác đáng lên án không?”
Tất nhiên, lời nói của tôi bị những người xung quanh chỉ trích. Tại sao đến muộn lại không nghiêm trọng? Đi trễ trong cuộc phỏng vấn có nghĩa là bạn sẽ không có cơ hội về việc làm, đến trễ trong cuộc họp với khách hàng có thể ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp của bạn... Đây đều là những nhận định đúng, bản thân tôi rất đúng giờ và tôi thực sự không thích người khác đến muộn. Nhưng tại sao tôi lại phải an ủi cô ấy rằng việc đến muộn không phải là điều quan trọng?
Vì khi tiếp xúc sâu hơn, tôi thấy cô ấy không bao giờ trễ hẹn trong những việc quan trọng như họp hành, gặp gỡ khách hàng, thực hiện các hoạt động, đón chuyến bay… Điều này có nghĩa là rõ ràng cô ấy không hề muốn đến muộn.
Sau này, tôi phát hiện ra rằng, không phải cô ấy không quan tâm đến việc đến muộn; ngược lại, cô ấy buồn phiền vì ngày nào cũng đến muộn, nên thường lo lắng đến mức không ngủ được cả đêm. Cô ấy đã tìm kiếm trên mạng những lời khuyên để tránh bị đến trễ.
Cô ấy cũng rất lo lắng về vấn đề mà sếp và đồng nghiệp chỉ ra, dù người khác có ý tốt nhưng trái tim của cô ấy có thể ngay lập tức tan vỡ thành từng mảnh.
Như vậy, nỗi lo lắng về việc đến muộn của cô ấy thậm chí còn vượt xa tác động của việc đến muộn đối với cô ấy. Không chỉ việc đến muộn mà tất cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống đều mang đến cho cô ấy những rắc rối tương tự.
Ngày ngày cô ấy sống trong sự tự trách móc, nghĩ rằng mình là kẻ thất bại, chẳng làm được gì, đồng thời cũng sống trong lo sợ về một tương lai ảm đạm.
Việc đi trễ của cô ấy gần như là một hành vi “ám ảnh cưỡng chế”. Ngay cả khi có nhiều thời gian, cô ấy cũng sẽ nán lại đến giây phút cuối cùng vì nhiều lý do khác nhau mà lẽ ra có thể tránh được. Giả sử cô ấy đi làm lúc 9 giờ, quãng đường từ nhà đến công ty thường mất một giờ, cộng thêm thời gian kẹt xe, cô ấy hoàn toàn có thể tránh được việc bị trễ nếu rời đi lúc 7 giờ 30 phút, nhưng cô ấy không làm như vậy. Cô ấy thà đợi đến 7 giờ 59 phút rồi đi chứ không bao giờ ra khỏi nhà sớm. Một khi gặp phải tắc đường hoặc tình huống bất ngờ khác, việc đến muộn là điều hiển nhiên.
Điều này tương tự như rối loạn ám ảnh cưỡng chế về việc đi ngủ muộn. Người ta nói rằng, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là do đi ngủ muộn và không đủ can đảm để kết thúc một ngày. Trên thực tế, nó xuất phát từ việc nội tâm từ chối một điều, và sự từ chối này có thể không được bản thân nhận ra. Đó là một loại cơ chế phòng vệ tâm lý “được hình thành ngược” trong tiềm thức - càng thích điều gì đó trong lòng thì khi nó xuất hiện, bạn càng chối bỏ và thoát khỏi nó.
Về sau, cô gái trẻ thích đi muộn đã mở lòng và nói rằng trải nghiệm trưởng thành của cô có rất nhiều điều tương tự:
- Nếu không bóc trứng được sẽ bị chê là “thiểu năng trí tuệ”, “không làm tốt việc nhỏ” và bị coi thường.
- Căn phòng bừa bộn có nghĩa là “không sạch sẽ”, “cẩu thả” và “sau này sẽ không ai muốn cưới”.
- Mặc áo yếm là “không đứng đắn” và bị chê là “béo như lợn”.
…
Cô không sửa chữa bất kì khuyết điểm nào mà bố mẹ đã nhắc nhở, chê bai. Cô chỉ có thể ở một nơi bố mẹ không nhìn thấy, tự cảm thấy lo lắng và tự trách mình, đồng thời “không chịu thay đổi dù đã nhiều lần được khuyên răn”. Vì thế, mỗi lần cô ấy phàn nàn, tôi lại nói với cô ấy rằng:
- Nếu bóc trứng không đẹp thì sao? Bạn có thể tranh cử tổng thống nếu bóc vỏ trứng tốt không?
- Không biết dọn dẹp nhà cửa nghĩa là có vấn đề à? Chỉ với vài chục nhân dân tệ, một người làm bán thời gian có thể giúp bạn làm việc đó một cách nhanh chóng và gọn gàng. Bạn có thể giải phóng bản thân thông qua sự phân công lao động xã hội, vậy tại sao bạn phải suy nghĩ để tự gây rắc rối cho mình?
- Mặc áo yếm có tội gì? Liệu có bị truy tố không?
...
Một số người có thể cho rằng, kỹ năng thực hành kém, thiếu gọn gàng và kỷ luật tự giác cũng như thiếu kiến thức về cách ăn mặc thực sự là những vấn đề tiêu cực, xấu xa.
Thực ra cô gái ấy không sao cả, nhưng cũng giống như việc đến muộn, những điều kể trên không quan trọng so với vấn đề tâm lý của cô ấy. Muốn trị bệnh tim, trước hết phải uống thuốc, sau mới nói chuyện khác. Cô nói: “Có lẽ điều duy nhất tôi thay đổi khi lớn lên là nuôi móng tay.” Khi cô còn nhỏ, bố mẹ không cho phép cô để móng tay dài. Khi móng tay cô dài, họ sẽ nghiến răng và mắng cô là “xấu xí”, “bẩn thỉu” và “không giống một cô gái đàng hoàng”, thậm chí họ còn đánh cô vì điều đó. Mặc dù vậy, cô vẫn để móng tay dài suốt 18 năm.
Bước ngoặt đến sau khi học đại học, cô có một cô bạn cùng lớp xinh đẹp, dịu dàng và điểm số rất xuất sắc. Cô ấy miêu tả cô bạn mình giống như “mặt trời chiếu sáng cuộc đời”. Mặc dù cô bạn cùng lớp không biết điều đó, nhưng cô ấy đã bắt đầu lấy cô bạn mình làm gương để noi theo.
Cô ấy bắt chước cách ăn mặc của cô bạn, học cách sắp xếp bàn làm việc và theo cô bạn đến thư viện để tự học. Một ngày nọ, cô bạn cùng lớp này vô tình nói: “À, móng tay của bạn hơi dài!” Từ đó trở đi, cô ấy không bao giờ để móng tay dài nữa.
Giống như việc cô ấy rõ ràng có thể không đến muộn, cũng không thể cẩu thả. Không phải cô ấy thích đi muộn, đi ngủ muộn hay luộm thuộm mà chỉ là cô ấy thích nổi loạn với bố mẹ quá mức mà thôi. Bạn có nhớ những đứa trẻ trong thời kì nổi loạn không? Dù cuối cùng những đứa trẻ phải chịu khuất phục trước áp lực của bố mẹ nhưng vẻ mặt giận dữ, cằn nhằn, lo lắng của bố mẹ vẫn giống như một sự kích thích đối với chúng.
Nói một cách thẳng thắn, đây là một trường hợp giáo dục thất bại do giao tiếp không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng giữa bố mẹ và con cái - con cái nhạy cảm và lo lắng, còn bố mẹ thiếu kiên nhẫn và thô lỗ.
Cái nhìn giận dữ của bố mẹ đã trở thành một suy nghĩ tự động/không thay đổi trong lòng cô gái kia. Cụ thể, khi ai đó giáo dục cô về tác hại của việc đi muộn và cẩu thả từ góc độ chuẩn mực xã hội, cô sẽ tự động khơi dậy những trải nghiệm đau thương trong lòng và cảm thấy tủi nhục tột độ.
Cô coi những người thuyết giảng là hình ảnh phản chiếu của bố mẹ và là hiện thân của quyền lực, đồng thời nảy sinh cảm giác từ chối và phản kháng theo bản năng, liên tục “không thay đổi dù đã nhiều lần được khuyên răn”. Cho đến khi những con người tích cực xuất hiện, họ mới khơi dậy mong muốn thay đổi bên trong cô. Một là áp lực bên ngoài, hai là động lực bên trong mới dẫn đến những hành vi khác nhau.
Phân tâm học của Freud đề cập đến tác động của những trải nghiệm thời thơ ấu đối với tính cách của người trưởng thành. Ông cũng đề cập đến các phương pháp kháng cự vô thức được các cá nhân sử dụng để giảm bớt lo lắng - chẳng hạn như các cơ chế phòng vệ nhằm bảo vệ bản thân theo một cách nào đó, làm sai lệch thực tế, giảm bớt hoặc loại bỏ sự lo lắng và nỗi đau. (Hãy nhớ rằng bản thân các cơ chế phòng vệ không phải là bệnh lý; trái lại, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tâm thần bình thường. Tuy nhiên, những thay đổi trong chức năng phòng vệ bình thường có thể gây ra tình trạng bệnh lý tâm thần).
Có một loại trong cơ chế phòng vệ được gọi là cơ chế tấn công. Đi muộn hoặc có những thói quen xấu khác là cách thể hiện sự bất mãn với bố mẹ - “Việc gì bố mẹ không cho phép thì con càng làm”. Nếu bố mẹ có quyền lực hơn, cảm giác phản kháng sẽ bị đè nén vào tiềm thức - “Con không muốn làm trái ý bố mẹ, nhưng con cũng sẽ chẳng làm tốt”.
Tất nhiên, địa vị của Freud trong tâm lý học hiện đại vẫn gây nhiều tranh cãi. Vấn đề chính mà ông bị chỉ trích là cho đến nay, “vô thức” và “ý thức” vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Vì vậy, các học giả hậu Freud bắt đầu tiến hành nghiên cứu nhân cách từ một góc độ khác. Trong số đó, Eric Erikson đã chịu ảnh hưởng từ Anna Freud (con gái của Freud), trong những ngày đầu nghiên cứu của ông và đề xuất lý thuyết tám giai đoạn về sự phát triển cá nhân. Lý thuyết này tin rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển tâm lý đều có một “nhiệm vụ” cần phải hoàn thành. Việc hoàn thành thành công nhiệm vụ có thể nâng cao sức mạnh bản thân và giúp cá nhân thích nghi tốt hơn với môi trường, vượt qua giai đoạn này một cách suôn sẻ và nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở các giai đoạn tiếp theo. Nhiệm vụ quan trọng của tuổi thanh thiếu niên (12 đến 18 tuổi) là hình thành bản sắc - xác định khả năng tự nhận thức và xây dựng vai trò của bản thân. Nếu không thể xác định tốt bản sắc sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa “hiểu mình” và “hiểu người khác nghĩ gì về mình”, dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ hoặc phục tùng mù quáng.
Theo lý thuyết của Erikson, nếu một người không vượt qua thành công một giai đoạn nhất định, họ sẽ không thể bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đời một cách suôn sẻ. Chẳng hạn, cô bạn ở trên của tôi tuy đã bước vào tuổi trưởng thành nhưng vẫn chìm đắm trong ảo giác nổi loạn của tuổi thiếu niên và chống lại bố mẹ.
Theo đề nghị của tôi, cô ấy và bố mẹ đã đến gặp bác sĩ tâm thần. Đó là lý do tại sao tôi đã nhiều lần nói với cô ấy (và khá nhiều người gặp vấn đề tương tự như cô ấy), rằng “việc đến muộn chỉ là chuyện nhỏ”.
Cuối cùng, khi cô và bố mẹ chấp nhận suy nghĩ rằng “những khuyết điểm như đi muộn không phải là quá tệ và không phải là không thể tha thứ”, cô đã không còn đi muộn nữa. Ngược lại, vấn đề đi muộn và những “thói quen xấu” khác của cô đã được cải thiện rất nhiều.
Tất nhiên, xin đừng hiểu lầm tôi. Sẽ là quá lý tưởng nếu cho rằng “đến muộn cũng không có gì to tát” lại có tác dụng kì diệu và mang lại cho cô ấy một cuộc sống mới ngay lập tức.
Việc “tự cứu mình” của cô ấy là một quá trình kéo dài nhiều năm. Sau nhiều lần tin rằng “so với vấn đề tình cảm, những khuyết điểm nhỏ này thực sự không quan trọng”, cùng với khả năng tự điều chỉnh, cuối cùng cô ấy đã sẵn sàng từ bỏ suy nghĩ nổi loạn, hòa giải với bố mẹ cũng như “làm hòa” với cô gái trẻ nổi loạn không chịu trưởng thành trong lòng mình.
Tháo gỡ nút thắt trong trái tim và loại bỏ những xấu xí bên trong bạn cũng khó như cắt bỏ khối u ung thư. Chỉ khi bạn thực sự chân thành muốn có một cuộc sống tốt đẹp, bạn mới thay đổi bản thân mình theo hướng tích cực.