Sự mộc mạc, ấm áp của Luận Ngữ là ở chỗ nó không chỉ hàm chứa đạo lớn của thiên hạ, mà quan trọng hơn, nó chưa bao giờ đánh mất khởi điểm mộc mạc của mình.
Đạo hiếu kính chính là khởi điểm của sự mộc mạc này. Chúng ta ngày nay đã thực sự xa rời xã hội tông pháp, bối cảnh nảy sinh đạo hiếu. Trong xã hội hiện đại, giữa cha và con đã không còn tồn tại mối quan hệ kiểu vua tôi đối ứng. Thế thì phải chăng chữ "hiếu" hiện đã quá lỗi thời?
Phải chăng trong xã hội ngày nay, xã hội mà ai cũng được quyền bình đẳng, được hưởng sự công bằng trước pháp luật, "hiếu" không còn là nguyên tắc cơ bản của việc làm người?
Luận Ngữ không chỉ nói cho chúng ta biết cách tu dưỡng nhân tâm, mà còn đem đến một con đường, để mỗi người có thể đi đến lý tưởng của mình.
Khổng Tử và các học trò có rất nhiều những lời hỏi đáp hàng ngày. Ví dụ, một ngày nọ, Nhan Hồi và Tử Lộ nói chuyện cùng thầy. Khổng Tử nói: "Các con mỗi người đều nói về chí hướng của mình đi!".
Tử Lộ nói: "Mong muốn của con là đem những đồ vật tốt của chính mình như quần áo, ngựa xe cho bạn bè cùng dùng, dùng đến hỏng cũng chẳng sao".
Nhan Hồi nói: "Nguyện ước của con là làm sao để mỗi người không còn thường xuyên khoe khoang về chính mình, không phóng đại công lao của bản thân, bất cứ lúc nào cũng giữ được hai chữ ‘khiêm tốn’, thế là được".
Đúng lúc này, các học trò mới phát hiện là thầy mình vẫn chưa nói gì. Tử Lộ bèn nói: "Chúng con rất muốn được nghe chí hướng của thầy!".
Khổng Tử đã điềm đạm nói về lý tưởng của mình bằng ba câu hết sức đơn giản: "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi" (Luận Ngữ, Công dã tràng).
Chí hướng của Khổng Tử chính là làm sao để người già được yên lòng, bạn bè được tin tưởng lẫn nhau, còn con trẻ thì luôn được yêu mến.
Các bạn nghĩ xem, mỗi người trên thế giới này có ai không bị ràng buộc bởi ba mối quan hệ, đó là: quan hệ với các bậc bề trên, cụ thể là cha mẹ - những người đã sinh thành và nuôi nấng chúng ta nên người; với những người cùng thế hệ, tức bạn bè - những người luôn gắn bó cùng chúng ta hầu như suốt cả cuộc đời; và với những người thuộc thế hệ sau, tức là con cái của chính chúng ta?
Nói về chí hướng, Khổng Tử hoàn toàn không đề cập đến việc phải xây dựng quốc gia, xã tắc ra sao, cần làm thế nào để có thể kiến lập công danh, mà ông chỉ bày tỏ ước nguyện làm sao cho người già có thể yên lòng, bạn bè có thể tin tưởng, cùng giữ chữ tín với mình, và làm sao để mình trong mắt con trẻ luôn được yêu mến, ngưỡng mộ, nhớ nhung. Nếu như sự tồn tại của chúng ta có thể khiến trong lòng ba đối tượng ấy có những trạng thái tình cảm như vậy là đã đủ.
Trong tình huống này, xếp ở vị trí thứ nhất chính là "lão giả an chi".
Hiếu kính là một đức tính tốt đẹp, nhưng thế nào mới thực sự là "hiếu", chúng ta đã thực sự hiểu rõ chưa?
Chỉ một chữ "an" (yên), phải chăng rất dễ thực hiện? Để cho người già bên ngoài có thể an thân, bên trong có thể an lòng là mong muốn của bất cứ người con nào, và mỗi người con có một cách làm khác nhau, nhưng để làm tốt công việc này thì thật không dễ dàng.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: "Bách thiện hiếu vi tiên", tức là tất cả mọi điều thiện đều bắt đầu từ chữ hiếu, bởi vì đây là thứ tình cảm sâu sắc nhất của nhân sinh, không ai có thể tránh né.
Nói về lòng hiếu thuận, dân gian Trung Quốc còn có câu: "Luận tâm bất luận tích". Chúng ta đều biết, không phải tất cả những người con có hiếu đều có đủ tiền tài và địa vị, không phải ai cũng có thể thể hiện tình yêu của mình dành cho cha mẹ kèm theo những giá trị vật chất. Đôi khi một tâm nguyện hết sức sâu sắc, cao cả chỉ được thể hiện qua những việc làm vô cùng nhỏ bé, bình thường.
Việc làm cho người già yên lòng có thể xuất phát từ rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, ví dụ như mua căn hộ rộng bao nhiêu, mua xe hơi hiệu gì, dẫn người già đi du lịch ở đâu, để người già mặc quần áo như thế nào, cho họ ăn gì…, thế nhưng những thứ đó có thực sự làm cho người già có thể yên lòng?
Rất nhiều học trò từng hỏi Khổng Tử về chữ "hiếu". Trong Luận Ngữ có chép việc Tử Du đến hỏi Khổng Tử thế nào là hiếu. Khổng Tử trả lời rằng: "Cái gọi là hiếu ngày nay chỉ cần nuôi dưỡng người già là đủ". Thế rồi Khổng Tử tiếp tục hỏi ngược lại Tử Du: "Ngươi xem những loài súc vật như chó, ngựa đều được con người nuôi dưỡng, nếu hằng ngày ngươi chỉ cung cấp cho cha mẹ thức ăn mà không có sự tôn kính phát ra từ trong lòng, thế thì có khác chi việc nuôi loài ngựa, loài chó?".
Trong Luận Ngữ, thiên Vi chánh, khi Tử Hạ đến hỏi về chữ hiếu, Khổng Tử lại đề cập đến một hiện tượng khác. Ông nói: "Người làm con cần phải giữ cho trọn đạo hiếu, điều khó nhất của việc này chính là làm sao đối với cha mẹ lúc nào cũng giữ được sắc mặt ôn hòa vui vẻ. Cái gọi là hiếu ngày nay chính là khi có một số việc cần phải làm thì những người làm con đều tranh nhau làm; trong điều kiện sinh hoạt vật chất không thực sự lý tưởng, con cái luôn tìm mọi cách để cha mẹ có đủ cái ăn cái mặc".
Khi được Tử Du, Tử Hạ hỏi về chữ hiếu, Khổng Tử đã nêu ra những sự việc, hành vi mà hầu hết người đời đều cho đó là tiêu chuẩn của lòng hiếu thảo, ví dụ cố gắng làm việc để nuôi dưỡng cha mẹ, khi có thức ngon vật lạ đều mời cha mẹ dùng trước, và chủ động gánh vác thay cho cha mẹ mỗi khi có việc khó khăn, nặng nhọc. Thế nhưng, ở mỗi trường hợp, Khổng Tử đều hỏi ngược lại một câu, và chính những câu hỏi do Khổng Tử đặt ra đã khiến mỗi chúng ta không thể không trăn trở. Người Trung Quốc thường dùng chữ "hiếu" chung với chữ "kính", trong đó "hiếu" là hành động, còn "kính" là bản tâm. Quan trọng hơn cả việc nuôi dưỡng cha mẹ chính là chúng ta có thực lòng kính trọng sâu sắc đối với cha mẹ hay không?
Nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, làm cho con người luôn ở trong trạng thái hết sức bận rộn.
Phận làm con ngày nay thường xuyên phải chất vấn chính mình: phải làm sao để cha mẹ có thể an lòng, phải làm thế nào để đạt đến chữ hiếu thực sự?
Trên thế giới này, tình yêu giữa các sinh vật đều có chung một quy luật rất đẹp nhưng có phần tàn khốc là tất cả tình yêu đều được thực hiện từ trên xuống, tức là chỉ có cha mẹ mới yêu con cái. Cha mẹ xem con cái là máu thịt của chính mình, nên dù cha mẹ đối với con cái có tận tâm tận lực đến thế nào cũng không bị xem là quá mức.
Chúng ta có thể chứng kiến rất nhiều câu chuyện về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, ví dụ khi con bị bệnh, người làm cha mẹ chờ đợi bên ngoài phòng mổ không ngừng thổn thức ý nguyện muốn đem tim gan mình san sẻ cho con. Thiết nghĩ, một khi kỹ thuật cấy tim hoàn thiện, trong số mười bà mẹ chắc chắn có đến chín người sẵn sàng đem trái tim mình để trao tặng cho con.
Ngược lại, nếu đi tìm những câu chuyện cảm động về tình yêu của con cái đối với cha mẹ, tất nhiên là không thiếu, nhưng số lượng hạn chế hơn rất nhiều lần.
Vậy nên hiểu về chữ hiếu như thế nào cho đúng? Hãy bắt đầu từ hai câu hỏi Khổng Tử đã nêu. Ta có thể nuôi sống cha mẹ, đó là hiếu chăng? Việc gì ta cũng gắng làm để cha mẹ có cái ăn cái mặc, đó là hiếu chăng? Để hiểu được điều này, trước hết chúng ta cần lý giải xem cha mẹ đóng vai trò gì trong suốt cuộc đời của người làm con.
Có một câu chuyện như thế này: có một đứa bé trai, từ nhỏ đã hay chơi đùa bên cạnh một cây táo lớn. Đứa bé rất thích cây táo, bởi cây táo không chỉ cao, đẹp mà còn cho nhiều quả ngon.
Hàng ngày, đứa bé ở bên cạnh cây táo, lúc trèo lên cây vặt quả ăn, lúc nằm ngủ dưới gốc, lúc nhặt lá, lại có lúc dùng dao hoặc vật sắc nhọn cứa liên tục lên thân cây. Cây táo rất yêu thằng bé, nên chưa bao giờ trách móc, ngày ngày cùng chơi với thằng bé.
Thời gian trôi qua, thằng bé chẳng mấy chốc đã lớn. Nó không còn đến bên cây táo nữa. Cây táo rất nhớ thằng bé. Trải qua một khoảng thời gian khá dài, khi thằng bé quay trở lại thì nó đã là một cậu thiếu niên. Cây táo hỏi cậu bé:"Tại sao cậu không đến chơi với tôi nữa?". Cậu bé cáu kỉnh trả lời: "Tôi đã lớn rồi, không còn hứng thú gì khi chơi với ông cả. Bây giờ thứ tôi muốn chính là vô số những đồ chơi hiện đại, rồi tôi còn phải đi học, phải nộp cả tiền học phí nữa".
Cây táo nói:"Cậu xem đấy, bản thân tôi ắt không thể biến thành đồ chơi. Nhưng thế này nhé, cậu có thể hái hết quả của tôi đem đi bán. Chỉ cần có tiền, cậu có thể có đồ chơi, có tiền đóng học phí". Cậu bé nghe xong cảm thấy rất vui, trèo lên hái hết quả, sau đó vui sướng ra về.
Cứ như thế mỗi năm đến mùa hái quả, cậu bé vội vã tới hái, rồi lại vội vã ra đi, còn bình thường thì không hề đến chơi cùng cây táo. Rồi có một khoảng thời gian rất dài cậu ta không đến, vì bận đi học. Mấy năm sau, cậu thiếu niên xưa kia nay đã lớn bổng thành một chàng trai, khi chàng trở lại gốc táo năm xưa thì cây táo đã già.
Cây táo nói: "Trời ơi, tại sao lâu quá rồi không thấy anh đến, anh không muốn chơi cùng tôi hay sao?". Chàng trai trả lời: "Tôi bây giờ phải lo cưới vợ, lo xây dựng sự nghiệp, tôi còn tâm trí đâu mà vui đùa cùng ông? Bây giờ ngay cả cái nhà để ở tôi còn chưa có, mà tôi cũng chẳng có tiền để làm nhà nữa".
Cây táo khuyên chàng trai đừng buồn, và nói: "Anh hãy chặt tất cả những cành trên thân tôi, chắc chắn sẽ đủ để anh làm nhà". Chàng trai vui sướng nghe theo lời cây táo, chặt hết cành trên cây, dựng thành ngôi nhà.
Trải qua rất nhiều năm, chàng trai lại đến bên thân táo, lúc này tuổi chàng đã bước sang độ trung niên, cây táo cũng không còn cành, quả. Thế nhưng cậu bé ngày xưa vẫn không vui, chàng đứng bên thân táo mà trong lòng tràn đầy tâm sự.
Chàng nói với táo: "Nay tôi đã trưởng thành, đã học xong, cũng đã thành gia thất, thế nhưng tôi còn phải làm một việc lớn trong đời. Ông thấy đấy, đại dương trên thế giới này mới bao la rộng lớn làm sao, tôi muốn đi đến một nơi thật xa, nhưng trong tay tôi ngay cả một con thuyền cũng không có, thế này thì tôi có thể đi đâu được chứ!".
Cây táo nói: "Này cậu, cậu đừng quá lo buồn, cậu hãy chặt thân tôi xuống mà làm thuyền". Cậu bé ngày xưa nghe xong rất vui, bèn chặt thân cây, làm thành một con thuyền lớn, giong buồm ra biển.
Lại trải qua rất nhiều năm, cây táo bây giờ chỉ còn trơ lại một gốc cây sắp khô đến chết. Cậu bé ngày xưa trở lại, lúc này tuổi tác của cậu ta cũng đã lớn. Khi cậu ta trở lại bên gốc táo, gốc táo nói: "Này cậu, xin lỗi cậu, cậu thấy đấy, tôi bây giờ chẳng còn quả cho cậu ăn, chẳng còn thân cho cậu leo trèo, tôi nghĩ chắc chắn cậu không còn muốn chơi cùng tôi nữa rồi".
Cậu bé ngày xưa nói với gốc táo: "Thực ra bây giờ tôi cũng già rồi, quả thì tôi không cắn nổi, thân cây thì tôi không trèo nổi, tôi từ nơi xa xôi trở lại đây chính là muốn tìm một gốc cây để ngồi xuống nghỉ ngơi, tôi cảm thấy mệt rồi. Lần này tôi trở về chính là để vui chơi cùng ông".
Gốc táo cảm thấy vui biết bao, phải đến lúc này nó mới thực sự gặp lại dáng vẻ của đứa bé ngày xưa.
Ý nghĩa câu chuyện này muốn gợi ra chính là sự hy sinh của cha mẹ và sự trưởng thành của chúng ta. Cây táo chính là hình ảnh của cha mẹ, còn chúng ta là đứa bé hồi nhỏ quẩn quanh chơi đùa bên thân táo. Mỗi chúng ta đều trải qua một quá trình trưởng thành như thế, vui vẻ lớn lên bên cha mẹ, sau đó bước ra xã hội. Thế nhưng tại sao thường phải đến cuối đời con người mới quay trở về bên cha mẹ? Câu trả lời nằm ở điều chúng ta vẫn thường nói mỗi ngày: "Không nuôi con không biết công ơn trời biển của cha mẹ". Phải đến khi chính mình được làm cha mẹ, ta mới thấy làm cha mẹ quả thật không dễ dàng.
Tại sao thường phải đến cuối đời con người mới quay trở về bên cha mẹ?
Chờ tới khi chúng ta quay trở về bên gốc cây ngày xưa, thì khi ấy trong lòng chúng ta đã có quá nhiều điều tiếc nuối, có rất nhiều việc vốn chúng ta có thể làm được nhưng đã bỏ lỡ. Dù vậy, trong bất kỳ tình huống nào, người làm cha mẹ cũng rất ít khi bắt lỗi con cái.
Câu chuyện này dường như hết sức tàn khốc, nhưng hãy thử nhìn lại một đời con cái, chẳng phải họ đã nhận từ cha mẹ không biết bao nhiêu thứ đó sao? Cha mẹ đã cho con cái trọn vẹn tình yêu, điều quý giá nhất trong cuộc đời họ.
Tại sao hiếu kính được xem là một đức tính đẹp, được xã hội đề cao, chứ hoàn toàn không phải là một thứ bản năng thuộc về cá nhân? Đều là mối quan hệ huyết thống, tại sao tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lại tự giác, nồng đượm đến thế, còn tình yêu của con cái đối với cha mẹ lại có phần khiên cưỡng?
Đều là mối quan hệ huyết thống, tại sao tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lại tự giác, nồng đượm đến thế, còn tình yêu của con cái đối với cha mẹ lại có phần khiên cưỡng?
Tôi thực sự rất thích câu hỏi ngược lại của Khổng Tử. Làm được như thế phải chăng đã thực sự là hiếu? Câu hỏi này đã làm cho chúng ta tỉnh ngộ.
Khổng Tử là người khoan dung, ông không bắt buộc tất cả mọi người đều phải tuân thủ nghi lễ, bao gồm cả những nghi lễ mà ông xem trọng nhất. Một lần kia, học trò Tể Ngã nói với thầy mình rằng: "Để tang cha mẹ liên tục ba năm, e là quá dài. Quân tử ba năm không thực hiện việc lễ nghi, lễ nghi ắt sẽ bại hoại; âm nhạc ba năm không tấu, âm nhạc ắt sẽ hoang phế. Lúa cũ ắt hết, lúa mới ắt phải thay, việc này vừa đúng một năm; việc chà xát gỗ lấy lửa bốn mùa đều cần dùng vật liệu khác nhau, nhưng cũng vừa đúng một năm trải qua một vòng. Thế thì cớ làm sao mà chúng ta phải để tang cha mẹ đến ba năm mà không phải là một năm?".
Khổng Tử bèn hỏi Tể Ngã: "Nếu ngươi để tang mới vừa một năm mà đã ăn đồ ngon, đã mặc quần áo đẹp, thì trong lòng ngươi có cảm thấy yên không?".
Tể Ngã đáp: "Con cảm thấy yên chứ, có gì mà không yên".
Khổng Tử bảo Tể Ngã: "Nếu như lòng ngươi cảm thấy yên thì ngươi cứ làm, không việc gì phải câu thúc cả!" (Luận Ngữ, Dương Hóa).
Tể Ngã đi rồi, Khổng Tử tỏ ra hết sức cảm khái. Ông nói: "Tể Ngã vẫn chưa thể thực hiện được điều nhân! Một đứa trẻ sau khi sinh ra, phải đến ba năm mới có thể rời xa vòng tay ôm ấp của cha mẹ, thế nên việc để tang cho cha mẹ ba năm đã trở thành thông lệ trong trời đất. Chẳng lẽ Tể Ngã chưa từng được hưởng sự ôm ấp, nâng niu của cha mẹ trong thời gian ba năm hay sao?".
Một đứa bé sau khi ra đời, cha mẹ đều dùng tay ẵm bồng, ôm ấp trong lòng. Đến khi bé ba tuổi, nhiều bậc cha mẹ còn tỏ ra hết sức buồn rầu vì từ nay về sau sẽ không còn được ẵm bồng con nữa. Hiếm có bậc cha mẹ nào ẵm con vừa tròn năm mà đã cảm thấy chán ngán, than vãn rằng tao phải ẵm mày đến bao giờ, phải ẵm bồng mày những hai năm nữa thì mệt chết. Thế nhưng sau khi con trẻ lớn khôn, đến lúc cha mẹ trăm tuổi, mới để tang cha mẹ có một năm đã cảm thấy mệt mỏi, không thể kiên nhẫn.
Đối với lời nói và hành động của Tể Ngã, Khổng Tử không hề can thiệp, ông chỉ đoán rằng tuổi thơ của Tể Ngã có lẽ không êm đẹp, có lẽ có điều bất hạnh gì đó. Từ góc nhìn của Khổng Tử, ba năm chịu tang cha mẹ và ba năm được cha mẹ ẵm bồng chăm sóc có quan hệ mật thiết với nhau. Thế nên, đối với con cái, cha mẹ phải chăm sóc nâng niu; còn đối với cha mẹ, con cái cần giữ tròn đạo hiếu kính.
Việc chờ đến sau khi cha mẹ trăm tuổi chúng ta mới làm trọn chữ hiếu bằng cách để tang một năm hoặc ba năm, chẳng bao giờ có ý nghĩa bằng khi cha mẹ còn sống, chúng ta hãy dành cho cha mẹ tất cả những gì mình có thể làm.
Thế giới này thực ra không có hiện tượng nào tồn tại độc lập, cũng không có tiêu chuẩn nào tồn tại đơn lẻ. Mỗi chúng ta đều đang dùng trái tim của mình để tìm hiểu về người khác. Là một người con, nếu như có thể thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ thì việc chờ đến sau khi cha mẹ trăm tuổi chúng ta mới làm trọn chữ hiếu bằng cách để tang một năm hoặc ba năm, chẳng bao giờ có ý nghĩa bằng khi cha mẹ còn sống, chúng ta hãy dành cho cha mẹ tất cả những gì mình có thể làm.
Chỉ cần còn sống ở đời, cha mẹ không lúc nào không nhớ về con trẻ. Thế nhưng, kẻ làm con lại thường nói cùng cha mẹ những lời thế này: "Mẹ, gần đây con không thể về thăm mẹ được là bởi vì con thực sự bận quá".
Đôi khi có thể do quá bận mà quên, nhưng cũng có khi sự bận rộn có thể được giải quyết bằng cách lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Vậy điều gì là quan trọng? Người ta thường cho rằng sự nghiệp là quan trọng hàng đầu, niềm vui đến từ việc giao tiếp với bạn bè cũng quan trọng, thế rồi việc hiếu kính với mẹ cha thường bị xem nhẹ.
Người ta thường cho rằng sự nghiệp là quan trọng hàng đầu, niềm vui đến từ việc giao tiếp với bạn bè cũng quan trọng, thế rồi việc hiếu kính với mẹ cha thường bị xem nhẹ.
Cha mẹ thường nói với con cái rằng: "Con cứ lo việc của con đi, nếu như bận quá thì không cần phải về nhà đâu, chỉ cần gọi điện thoại báo cho cha mẹ biết con đang khỏe mạnh là được rồi". Thật buồn khi người con nào xem những lời này là thật, họ tưởng rằng cha mẹ chỉ cần biết mình đang sống tốt ở nơi xa gia đình, thế là đủ.
Trong suốt quá trình trưởng thành của con cái, đặc biệt là sau khi con cái đã lớn, giữa cha mẹ và con cái có thể nảy sinh xung đột. Đôi khi ngay từ nhỏ trong lòng con trẻ đã nảy sinh tâm lý chống đối, giữa cha mẹ và con cái thường có vách ngăn giữa hai thế hệ.
Thêm vào đó, không phải tất cả các bậc cha mẹ đều đúng đắn khi xử lý mọi việc. Giả sử cha mẹ phạm sai lầm, giữa cha mẹ và con cái nảy sinh xung đột, trong trường hợp ấy phải làm sao?
Với tình huống đó, Khổng Tử giải quyết như sau: "Sự phụ kỷ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán" (Luận Ngữ, Lý nhân). Nghĩa là phụng dưỡng cha mẹ cần phải can ngăn khuyên giải, nếu can không được thì vẫn phải tôn kính chứ không được làm trái, cho dù trong lòng vẫn còn âu lo cũng nhất quyết không được oán hận. Theo Khổng Tử, với tư cách là con cái, trong sự hiếu kính với cha mẹ, nếu như có ý kiến không giống với ý kiến của cha mẹ, thậm chí cảm thấy cha mẹ có chỗ mê lầm, thì hoàn toàn có thể dùng lời uyển chuyển để khuyên can cha mẹ. Phận làm con phải biết khắc chế tình cảm của chính mình và hết sức mềm mỏng, nhẹ nhàng trong việc khuyên can cha mẹ.
Khi trình bày về một vấn đề, thực ra bản thân vấn đề không quan trọng, mà chính cách thức biểu đạt mới đóng vai trò quyết định.
Chúng ta thường được học một số nguyên tắc trong giao tiếp, rằng phải nói chuyện với đồng nghiệp thế nào, cư xử với bạn bè ra sao, thế nhưng dường như trong xã hội lại không hề có một cuốn sách nào dạy người ta về cách thức nói chuyện với cha mẹ, bởi vì mọi người đều nghĩ, cha mẹ là người thân, nói chuyện với cha mẹ thì đâu cần phải chú ý đến cách thức.
Con cái thường nói rằng, tôi ở bên ngoài chịu muôn vàn bức bách của người khác, trở về nhà kể chuyện với mẹ có gì không được? Lẽ nào tôi lại không được nhõng nhẽo, không được chia sẻ cùng mẹ những bực dọc trong lòng? Cứ thế, những người thân bên mình lại vô tình trở thành cái "thùng rác tình cảm" của chính mình, thậm chí đôi khi còn bị những điều đó gây tổn thương.
Khổng Tử đưa ra cho chúng ta một lẽ rất đơn giản, đó chính là, càng là những người thân bên cạnh mình càng không thể làm họ bị tổn thương.
Khi con trẻ nói, có bậc cha mẹ chú ý lắng nghe, nhưng cũng có người vẫn khư khư giữ lấy quan điểm và cách làm của mình. Đó chính là cái gọi "kiến chí bất tòng" đã nêu trên đây. Trong trường hợp đó bạn phải làm sao? Khổng Tử cho rằng nên "hựu kính bất vi", tức phận làm con vẫn phải giữ nguyên sự tôn kính trong lòng, không nên phản bác lại cha mẹ, cũng không được oán hận.
Dân gian Trung Quốc thường dùng hai chữ "hiếu thuận", thuận cũng chính là hiếu. Rất nhiều khi chữ hiếu được hiểu đồng nhất với sự thuận theo, không cố ý làm trái hoặc phản bác lại cha mẹ. Tất nhiên, vẫn có trường hợp con cái phản bác, quyết phân tỏ đúng sai cùng cha mẹ, nhưng nếu thống kê thì chắc chắn những trường hợp này rất ít.
Tuyệt đại đa số xung đột giữa cha mẹ và con cái chỉ xoay quanh những vấn đề vụn vặt, nhưng chính những xung đột không đáng này lại làm cho cha mẹ cảm thấy không vui, còn con cái có cảm giác hết sức oan ức. Thực ra, cả hai phía cha mẹ và con cái đều xuất phát từ một động cơ tốt, là quan tâm và lo lắng cho nhau, nhưng chính cách nhìn vấn đề không giống nhau đã khiến mâu thuẫn nảy sinh.
Phận làm con thường nảy sinh xung đột với cha mẹ ở thói quen sinh hoạt. Mong muốn cha mẹ được sống tốt hơn, chúng ta thường xuyên nói, mẹ xem những chai hộp mà mẹ tích góp, những cơm thừa, canh cặn mẹ không nỡ bỏ, những thức ăn và trái cây mà mẹ mua về đều là hàng thanh lý, nhà chúng ta đâu đến nỗi như thế! Bây giờ cuộc sống đã khá lên rồi, sao mẹ vẫn giữ thói quen cũ, sao mẹ không thể sống thoải mái hơn? Mẹ không thể bỏ được những thói quen cũ hay sao? Những lời như thế hầu hết chúng ta đều nói.
Đôi khi chúng ta còn nói với mẹ mình rằng, bây giờ con dẫn mẹ đi ăn cơm Tây, đi ăn ở nhà hàng thì mẹ lại xót không nỡ ăn, luôn miệng nói ăn không no, rồi lại muốn về nhà ngồi chồm hổm húp lấy húp để tô mì sợi ở xó bếp, đây đều là những thói quen hồi mẹ còn sống ở nông thôn, mẹ không thể sửa đi để thích ứng với cuộc sống hiện đại hay sao?
Nghe những lời trách cứ này thốt ra từ miệng của một kẻ làm con, có thể nói là người con đó không bất hiếu không? Đúng là những lời này đều xuất phát từ đáy lòng của một người con muốn đem những điều tốt nhất đến cho cha mẹ của mình. Thế nhưng, Khổng Tử đã nói "hựu kính bất vi", chẳng lẽ chúng ta không thể thuận theo cha mẹ một chút hay sao?
Thử nghĩ xem, mỗi chúng ta đi được đến ngày hôm nay đều mang theo không ít dấu ấn của quá khứ, mỗi người thực ra đều hình thành trên cơ sở những thói quen của chính mình. Nếu không có những năm tháng mẹ chúng ta lo tích góp chai hộp, thì có lẽ cũng không thể có những tiện nghi sinh hoạt của con cái hôm nay; nếu không có hành động tiết kiệm ngồi chồm hổm húp tô mì sợi bên xó bếp, thì chắc gì ngày nay chúng ta được sống trong cảnh nhà cao cửa rộng.
Nếu thực sự yêu cha mẹ mình thì cũng cần phải chấp nhận và tôn trọng những thói quen của cha mẹ.
Nếu thực sự yêu cha mẹ mình, chúng ta cũng cần phải chấp nhận và tôn trọng những thói quen của cha mẹ mới thực sự là "kính". Sự kính trọng xét từ khía cạnh tâm lý một khi được xác lập ắt sẽ trực tiếp dẫn tới cái gọi là "bất vi" mà Khổng Tử nói ở phương diện hành động.
Ở đây, chúng tôi hoàn toàn không chủ trương rằng trong bất kỳ tình huống nào phận làm con đều phải thuận theo cha mẹ. Thế nhưng, với những tình huống không cần thiết phải phân định đúng sai, phận làm con nên tôn trọng và hiểu cha mẹ nhiều hơn, để cho cha mẹ được sống những ngày vui vẻ theo cách của họ, có lẽ đây mới là sự biểu hiện tốt nhất của cái gọi là hiếu kính.
Những người còn trẻ thường có thói quen dìu người già lên xuống lầu, hành vi này đôi khi có thể gây phản cảm từ phía người già. Họ có thể hất tay chúng ta ra, và nói thêm, anh tưởng tôi không còn đi nổi nữa hay sao? Tình cảnh ấy có thể khiến cho con cái cảm thấy rất oan ức.
Thực ra ngày nay, khi đời sống vật chất không ngừng được cải thiện, chỉ cần chúng ta chú ý tìm hiểu tâm tư của cha mẹ, thực hiện công việc theo nguyện vọng của cha mẹ. Tất nhiên bạn cần khéo léo hơn trong hành động, tạo cho cha mẹ cảm giác tự tin hơn, để họ có cơ hội khẳng định bản thân nhiều hơn. Theo tôi, đây có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất và khôn khéo nhất.
Mỗi người trên đường đời của mình đều lưu lại rất nhiều dấu ấn của thời gian. Đến khi tuổi già, trong lòng họ ắt có rất nhiều thứ không dễ lộ ra, và có nhiều chuyện muốn giấu kín. Vậy nên, đối với người già, chưa chắc chuyện gì họ cũng đều muốn kể rõ cho con trẻ. Họ đã nhẫn nại một đời, thế nên trách nhiệm của người làm con lúc này là cần phải suy nghĩ thấu đáo để hiểu tại sao cha mẹ mình lại làm như thế.
Tôi từng đọc một câu chuyện trên một cuốn tạp chí rằng: Mỗi khi thiên thần mang một đứa trẻ xuống trần gian thì đều chúc phúc cho nó, nói với nó rằng: "Ngươi hãy đi đi, hãy đến thế giới đó mà sáng tạo đi! Ở đó các ngươi có thể hưởng thụ được quá trình trưởng thành không ngừng của số phận, và có thể tạo nên vô số kỳ tích trong suốt cuộc đời mình. Nhân gian mới tốt đẹp làm sao, các ngươi hãy đi đi".
Những sinh linh bé nhỏ này hết sức lo lắng, chúng nói: "Thiên thần nói với chúng tôi nhân gian tốt đẹp như thế, nhưng chúng tôi nghe nói nhân gian có rất nhiều chuyện xấu xa, rất nhiều tranh chấp. Một khi chúng tôi xuống nhân gian, gặp những chuyện ấy, không có thiên thần bảo hộ, chúng tôi biết phải làm sao?".
Thiên thần trả lời: "Các ngươi cứ yên tâm, từ lâu ta đã phái thiên sứ xuống nhân gian, mỗi người trong số các người đều có một vị thiên sứ đang chờ đợi. Vị thiên sứ này sẽ dùng toàn bộ cuộc đời mình để chăm sóc cho các ngươi. Trong tăm tối, thiên sứ sẽ đem đến cho các ngươi ánh sáng; trong lạnh lẽo, thiên sứ sẽ đem đến sự ấm áp; một khi nguy hiểm kéo đến, thiên sứ sẽ dùng sinh mệnh của chính mình để bảo vệ các ngươi".
Bọn trẻ nghe xong trong lòng cảm thấy rất an tâm, chúng hỏi tiếp: "Vậy chúng tôi phải làm thế nào mới có thể tìm thấy vị thiên sứ ấy của mình?".
Thiên thần nói: "Dễ lắm, các ngươi chỉ cần gọi một tiếng
Mẹ là bà ta sẽ xuất hiện ngay lập tức".
Chúng ta đều thấy rõ, cha mẹ đối với con cái trước sau đều không hề oán than hối hận, suốt đời chăm sóc cho con. Thế còn con trẻ đối với cha mẹ thì sao? Có khi lòng hiếu kính thực sự tồn tại trong tâm khảm của chúng ta, nhưng chúng ta lại thường viện cớ khiến cho lòng hiếu kính đối với cha mẹ thể hiện ra khi đậm khi nhạt, tất nhiên lúc chúng ta nhàn nhã sẽ luôn đậm hơn khi chúng ta bận rộn.
Kỳ thực, chữ hiếu được miêu tả trong Luận Ngữ không phải tất cả đều phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội chúng ta ngày nay, vì thời đại sản sinh của nó cách thời đại chúng ta đang sống quá xa, hoàn cảnh sống cũng không giống nhau, đặc biệt là sự khác xa về cơ cấu xã hội. Chẳng hạn như thời ấy thịnh hành chế độ tông pháp, còn xã hội ngày nay chế độ tông pháp hầu như đã vắng bóng.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng đề xướng một loại hành vi là "phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn" (Luận Ngữ, Tử Lộ), nghĩa là một khi trong gia đình xảy ra việc phạm pháp, chẳng hạn người cha ăn trộm một con dê, thậm chí cả những việc nghiêm trọng hơn thế, thì con trai ông ta cũng phải giấu nhẹm chuyện đó, không được báo cho nhà chức trách biết. Trường hợp người con trai làm chuyện phạm pháp thì người cha cũng phải bao che cho con. Khổng Tử cho rằng việc cha con bao che cho nhau là một hành vi hết sức chính trực.
Quan điểm này chắc chắn không được chấp nhận trong xã hội ngày nay. Vậy tại sao ở thời Khổng Tử, ông lại đề xướng nó? Trước hết chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn về bối cảnh thời đại ấy. Ở thời Xuân Thu, từ thiên tử nhà Chu cho đến các vua chư hầu đều tuân theo chế độ con trai trưởng kế thừa cơ nghiệp. Một trong những hình thức biểu hiện ra ngoài của chế độ này chính là một hệ thống lễ nghi được thiết lập trên cơ sở "quân quân thần thần, phụ phụ tử tử", tức là vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con. Quan hệ giữa quân, thần, phụ, tử chính là mối quan hệ nhất thể hóa, nghĩa là sự hiếu kính của con cái và sự trung thành của bề tôi gắn liền với nhau. Việc đề xướng đạo hiếu có quan hệ trực tiếp với việc dùng lễ trị nước, vậy nên Khổng Tử mới đem hành vi "phụ tử tương ẩn" (cha con bao che lẫn nhau) thuộc phạm trù luân lý "phụ từ tử hiếu" (cha hiền con hiếu) liệt vào trật tự của lễ, đồng thời cho rằng hành vi này rất đáng được đề xướng.
Một khi đã hiểu sự khác nhau về cơ sở xã hội giữa hai thời đại, chúng ta sẽ không đem rất nhiều hành vi được chủ trương ở thời đại ấy mà sử dụng cho ngày nay. Thế nhưng, nếu chúng ta xuất phát từ tình hình đương thời để tìm hiểu lý lẽ ẩn chứa đằng sau những hành vi này, chắc chắn những lý lẽ ấy vẫn có tác dụng nhất định với chúng ta ngày nay.
Ví dụ, Khổng Tử nói: "Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương" (Luận Ngữ, Lý nhân), nghĩa là khi cha mẹ còn sống thì chớ nên du lịch quá xa, nếu đi thì cần phải có phương hướng nhất định. Thanh niên ngày nay không ít người tuổi trẻ chí lớn, vượt đại dương ra nước ngoài du học, họ còn cho rằng, khi cha mẹ còn sống tại sao không nhân cơ hội viễn du?
Câu cuối cùng, "du tất hữu phương", ý là nếu như bạn vẫn quyết định phải đi xa, thế thì phải có phương hướng nhất định để cha mẹ có thể biết con mình đang ở đâu mà bớt phần lo lắng. Nói cách khác, nếu bạn thực sự có chí lớn và quyết tâm thực hiện thì có thể đi, nhưng trước khi đi bạn cần có lời nhắn nhủ cùng cha mẹ.
Tư Mã Thiên là người đã dùng khá nhiều thời gian trong suốt cuộc đời mình cho việc chu du thiên hạ, ông cũng từng nhận lệnh của triều đình đi sứ vùng Tây Nam. Nhưng đến khi cha ông là Tư Mã Đàm bệnh nặng, Tư Mã Thiên đã trở về bên cha sau nhiều năm phiêu bạt giang hồ, và tiếp thu một sứ mệnh vĩ đại.
Lúc này Tư Mã Đàm biết mình sắp không qua khỏi, nhưng tâm sự trong lòng vẫn chưa thổ lộ hết. Ông nói với Tư Mã Thiên rằng: "Tổ tiên ta là quan Thái sử nhà Chu, trước đây thanh danh hiển hách, thế nhưng đời sau gia đình ta ngày một lụn bại. Nay cha giữ chức Thái sử, sống trong giai đoạn đất nước thống nhất, thiên tài không ngừng xuất hiện, thế nhưng cha lại không ghi chép nhiều về thời đại này, vậy nên trong lòng hết sức sợ hãi! Sau khi cha chết, con nhất định phải thay cha giữ chức Thái sử, kế thừa chức nghiệp của tổ tiên. Con nhất định không được quên bộ sách mà cha từng ấp ủ muốn soạn!".
Tư Mã Đàm lại nói: "Cái gọi là hiếu bắt đầu ở việc thờ cha, tiếp theo là việc thờ vua, cuối cùng ắt phải hướng tới việc làm sao cho tên tuổi của chính mình có thể lưu danh hậu thế để làm rạng danh cha mẹ. Đây chính là điều lớn nhất trong đạo hiếu. Con nên nhớ kỹ lời cha!".
Tư Mã Thiên khóc mà thưa rằng: "Con đây ngu muội nhưng nhất định sẽ chỉnh lý những tư liệu cha đã thu thập, quyết không dám lơ là".
Chính vì Tư Mã Thiên đã nhận những lời ủy thác của cha trong hoàn cảnh như thế, cuối cùng đã soạn thành bộ Thái sử công, tức Sử ký - bộ thông sử nổi tiếng còn truyền đến ngày nay.
Như vậy, sở dĩ Tư Mã Thiên hoàn thành được bộ thông sử vĩ đại này một mặt là do kế thừa chí hướng của cha, mặt khác là nhờ những ngày tháng chu du thiên hạ đã giúp ông mở rộng tầm nhìn, đây chính là cơ sở cho việc định hình bộ sách.
"Du tất hữu phương" hoàn toàn không phải là việc du ngoạn không có mục đích. Chỉ có hình thức du lịch tương tự như Tư Mã Thiên mới có thể làm cho con người trưởng thành, gia tăng vốn hiểu biết phong phú về cuộc sống. Vậy nên Tư Mã Đàm mới yên tâm để Tư Mã Thiên chu du thiên hạ, đồng thời trước khi lâm chung ông còn dặn dò Tư Mã Thiên phải kế thừa chí nguyện của mình. Sự ra đời của bộ Sử ký vĩ đại không chỉ tạo cho Tư Mã Thiên một vị trí cực cao trong giới sử học Trung Quốc, mà còn thể hiện rõ sự ảnh hưởng to lớn của Tư Mã Đàm đối với con.
Bổn phận của con cái không chỉ đơn giản là cung cấp cái ăn, cái mặc, nuôi sống cha mẹ, mà còn phải thờ phụng cha mẹ, và quan trọng hơn hết chính là phải làm vẻ vang chí hướng của cha mẹ, có thể đảm đương một vị trí trong xã hội, và làm được một số việc có ích cho đời.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử cũng đã đề cập đến điều này.
Sách Luận Ngữ, thiên Học nhi chép rằng: "Phụ tại, quan kỳ chí; phụ một, quan kỳ hành; tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ" (Khi cha còn śống, có thể quan sát chỉ hướng của người con; khi cha ch́ết có thể xem hành vi của người con; ńếu ba năm sau khi cha mất, ngừời con không thay đ̉ổi l̀ời ḍạy c̉ủa cha thì g̣ọi là có hiếu). Tại sao nói khi cha còn sống phải xem chí của người con chứ không thể xem hành động của anh ta? Điều này có mối quan hệ trực tiếp với chế độ xã hội đương thời. Ở thời bấy giờ, khi người cha còn sống thì người con không được phép tự mình hành động, tất cả mọi việc anh ta đều phải nghe theo cha, vậy nên, khi ấy không có cách nào quan sát hành động của anh ta. Tuy nhiên, anh ta có thể có quan điểm cũng như chí hướng riêng của mình, nên có thể thông qua việc quan sát chí hướng để hiểu về con người của anh ta.
Một khi cha anh mất đi, người con đã có thể tự mình hành động. Lúc này, muốn biết anh ta có phải là người hiếu thuận, tôn kính cha mình hay không thì có thể đánh giá qua hành động của anh ta. Nếu anh ta biết kế thừa những yếu tố tích cực trong quan điểm của cha, và không ngừng phấn đấu theo mục tiêu đó trong một thời gian dài thì có thể xem anh ta là người tận hiếu.
Người hiếu kính thực sự là người đem chí hướng của các bậc tiền bối tạo ra sức ảnh hưởng đối với xã hội.
Cái gọi là hiếu kính thực sự chính là việc một người đem chí hướng của các bậc tiền bối tạo ra sức ảnh hưởng đối với xã hội. Mạnh Tử trong sách Mạnh Tử, thiên Lương Huệ Vương thượng nói rằng: "Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu" (Từ hiếu kính cha mẹ mình đến hiếu kính cha mẹ người, từ yêu thương con cái mình đến yêu thương con cái người). Đây không chỉ là biểu hiện của chữ hiếu, mà còn là sự thể hiện của lòng nhân ái. Mỗi người đều muốn mình có một vị trí nhất định trong xã hội, để có thể làm và cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Nếu như mọi người đều có cùng tâm nguyện như thế, xã hội này sẽ hết sức tốt đẹp và văn minh.
Thời Khổng Tử, mỗi người phải bắt đầu từ những bước cơ bản nhất, sau đó mới gia nhập vào xã hội. Khổng Tử từng liệt kê những việc mà một người thời bấy giờ phải làm trong suốt quá trình hoàn thiện nhân cách. Trong thiên Học nhi, ông nói: "Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn" (Làm người học trò, trong nhà phải hiếu thuận cha mẹ, ra ngoài phải tôn kính huynh trưởng, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, giữ chữ tín, yêu quý mọi người và gần gũi với bậc nhân đức. Làm được như vậy mà còn dư sức thì có thể học thêm tri thức văn tịch).
Câu này có đến ba tầng ý nghĩa. Thứ nhất là "nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ", hiếu là đối với cha mẹ, đễ là đối với anh em - những tình thân thuộc phạm vi luân lý. Theo Khổng Tử, một cá nhân trước tiên cần giải quyết tốt mối quan hệ với cha mẹ, anh em, đây cũng chính là nội dung chủ yếu của tầng thứ nhất.
Thứ hai là "cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân", nếu một người cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, biết giữ chữ tín, biết dùng tình yêu đối với người thân để yêu quý mọi người, lại biết kết bạn với những người nhân đức, thì họ sẽ vượt ra ngoài thứ tình cảm, tình yêu mang tính cá nhân để hướng tới những tình cảm, tình yêu vĩ đại trong thiên hạ. Nhờ đó, anh ta có thể làm được nhiều việc cho xã hội và tiến xa trên con đường sự nghiệp của mình.
Nếu như tất cả những công việc trên đây đều đã làm được, mới nên tiếp tục thực hiện đến tầng thứ ba là học tập những tri thức về văn tịch - "hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn". Ở đây, có thể thấy Khổng Tử hết sức chú trọng thực tiễn, chỉ khi nào thực tiễn đã được thực hiện thành thục mới có thể tiếp tục nghiên cứu tri thức trong sách vở. Về mối quan hệ giữa học và hành, theo Khổng Tử, chỉ học mà không hành là điều không thích đáng, không thể chấp nhận.
Trong thời đại ngày nay, nhìn lại ba tầng ý nghĩa mà Khổng Tử nêu ra chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng dường như đôi khi chúng ta đã đem quy luật ấy đảo ngược. Chẳng hạn, trẻ em ngày nay vừa có chút trí óc đã phải vào trường học tập, trước khi vào mẫu giáo chúng phải qua lớp học làm quen, sau đó lần lượt là mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học. Mỗi đứa trẻ đều biết rằng mình cần thiết phải đến trường, bởi chỉ đến trường mới có thể giúp chúng gia nhập xã hội, có một địa vị trong xã hội và được mọi người tôn trọng.
Xã hội ngày nay có một số giá trị mà tất cả mọi người đều phải xem trọng, như lòng tin, danh dự và sự trung nghĩa, thế nhưng sau khi đã hoàn thành các bước này, chúng ta vẫn cảm thấy dường như mình còn bỏ sót một điều gì đó. Những điều đơn giản nhất lại thường cũng là những thứ dễ quên nhất. Và chúng ta hay bỏ quên "nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ" - nghĩa vụ của mỗi cá nhân với chính những người thân yêu của mình.
Những điều đơn giản nhất lại thường cũng là thứ dễ quên nhất. Và chúng ta hay bỏ quên "nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ" - nghĩa vụ của mỗi cá nhân với chính những người thân yêu của mình.
Chúng ta có thể bước đi bao xa là tùy khả năng của mỗi người, nhưng chủ trương bước vào xã hội từ điểm xuất phát là thứ tình cảm gắn liền với bản năng của con người, sau đó mới nâng tầm từ góc nhìn lý tính, quả là một cách triển khai vấn đề hết sức thận trọng và nhân bản. Nhưng ngày nay vấn đề giáo dục bản tâm rất ít được đề cập. Ngay từ ban đầu chúng ta đã chú trọng vào việc học văn hóa, mọi người đều cố gắng tìm hiểu và thích ứng với những tiêu chuẩn của xã hội. Ngày nay, học sinh tiểu học đã am hiểu về địa lý thế giới, học sinh trung học thì nắm rõ lịch sử các nước Bắc Âu, nhưng thử hỏi trong lòng chúng được mấy đứa nhớ câu "nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ"?
Rất nhiều lời dạy của thánh hiền có thể khiến con người trở về nơi giản dị mộc mạc nhưng ấm áp tình người. Chúng ta đừng bao giờ bỏ quên những lời này.
Những lời dạy của thánh hiền tại sao quan trọng? Ví dụ, tại sao chữ hiếu lại quan trọng với chúng ta như thế?
Hữu Nhược, một học trò của Khổng Tử từng giải thích tầm quan trọng của hai chữ "hiếu đễ" như sau: "Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả, tiển hĩ; bất hiếu phạm thượng, nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã. Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dư!".
Ý của Hữu Nhược là, một người biết hiếu kính cha mẹ, tôn kính huynh trưởng mà thích phạm thượng là rất hiếm có; người không thích phạm thượng mà lại thích làm loạn cũng chưa từng có. Người quân tử cần phải chuyên tâm tu dưỡng từ gốc, một khi nền tảng được tạo dựng thì đạo ắt sẽ có. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính huynh trưởng chính là điều căn bản của đạo làm người!
Hữu Nhược nói: "Quân tử vụ bản". Chữ "bản" (本 ) được hình thành trên cơ sở chữ "mộc" và một nét ngang, nét ngang ở đây chính là biểu đạt vị trí của gốc cây.
Cuộc đời của mỗi người có thể phát triển thành một cây lớn với nhiều cành lá sum xuê hay không, tất cả đều khởi nguồn từ cội rễ. Nếu gốc vững chãi, cây sẽ phát triển tốt, vậy nên trong cuộc sống có rất nhiều điều cần thiết phải "vụ bản". Chữ "hiếu" trong Luận Ngữ được xem là một hình thức tồn tại căn bản của đạo đức.
Ngày nay chúng ta đã cách xa xã hội tông pháp - bối cảnh ra đời của đạo hiếu, mối quan hệ đối ứng giữa cha con và vua tôi cũng không còn tồn tại.
Phải chăng trong xã hội ngày nay, khi mọi người đều bình đẳng và đều hưởng chế độ đãi ngộ công bằng trước pháp luật, "hiếu" không còn là lẽ căn bản của đạo làm người?
Kỳ thực, nếu như chúng ta để tâm suy nghĩ, cân nhắc xem điều gì là quan trọng trong đạo đức, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, nếu một người thực sự giải quyết tốt mối quan hệ với người thân, thì từ bản thân họ luôn phát ra một luồng sức mạnh rất dễ chinh phục lòng người.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc có một chương trình tên là Cảm động Trung Quốc. Vào năm 2006, Cảm động Trung Quốc có một khách mời tên là Lâm Tú Trinh, một phụ nữ nông thôn bình thường thuộc thành phố Hàng Thủy, tỉnh Hà Bắc. Lý do chị được chọn làm khách mời của chương trình hết sức đơn giản.
Chị hoàn toàn không phải là mẫu người anh hùng như chúng ta tưởng tượng, cũng không có thành tích gì ghê gớm, chẳng qua kể từ khi được gả về làng này, chị bắt đầu nuôi nấng, giúp đỡ tất cả người già neo đơn trong làng. Chị đến từng nhà, thấy ông bà Lưu bị liệt nằm trên giường, chị nói với hai ông bà rằng: "Từ nay về sau con sẽ ngày ngày đến nấu cơm cho hai cụ, nhà con có cơm thì hai cụ ăn cơm, nhà con có cháo thì mời hai cụ ăn cháo, nhưng con quyết không để hai cụ phải nhịn đói".
Nghe những lời này từ miệng một cô dâu mới được gả về thôn, ông bà Lưu đều không nghĩ là thật. Thế nhưng, kể từ hôm đó, ngày qua ngày, chị đã giúp đỡ ông bà Lưu trong suốt 8 năm. Đúng vào năm thứ 8, bà Lưu rút ra một bao giấy rách từ bên dưới đống chiếu nát mà nói: "Này con gái, trong bao này đều là thuốc ngủ, đây là thuốc do già này cùng ông nhà đã chuẩn bị sẵn, chờ đến một ngày cả hai vợ chồng đều không cử động nổi nữa sẽ lấy ra uống, nó cũng là con đường quy tiên của vợ chồng già. Nghe con nói sẽ chăm sóc hai già, và con thực sự đã làm như thế, hồi một hai năm đầu trong lòng hai già hết sức lo lắng, đến năm thứ ba thứ tư cũng vẫn vậy, nhưng bây giờ đã tròn 8 năm, hai già nghĩ đã thực sự không cần phải dùng đến thứ này. Đã 8 năm rồi, nhưng hai già thấy lòng con vẫn kiên định, không chút thay đổi, bây giờ bao thuốc này ta đã có thể yên tâm mà giao ra".
Lâm Tú Trinh không chỉ nuôi dưỡng hai vợ chồng già Lưu, mà bất kỳ người nào, nhà nào trong thôn khó khăn chị đều nhận nuôi hoặc tận tình giúp đỡ. Tính đến nay chị đã từng nhận nuôi dưỡng 6 người già neo đơn, trường hợp nào cũng phụng dưỡng cho đến khi họ trăm tuổi. Trong số đó người thì chỉ bảy tám năm, người thì đến mười mấy hai mươi năm, mỗi người đều được chị dưỡng nuôi với lòng kính trọng như đối với chính người thân yêu của mình.
Trong khoảng thời gian hơn 30 năm này, bốn đứa con của chị lần lượt ra đời, bọn trẻ cũng xem những người này như chính ông bà mình, chúng biết giúp mẹ chăm sóc ông bà, ví dụ giúp mẹ cắt móng tay móng chân cho ông bà, giúp mẹ nhặt củi… Mọi người cứ thế trải qua những ngày hết sức vui vẻ và hạnh phúc.
Trên đây là toàn bộ câu chuyện của Lâm Tú Trinh, theo bạn, câu chuyện của chị có đủ sức lay động lòng người hay không? Ban tiến cử khách mời của Cảm động Trung Quốc khi viết những lời tiến cử về nhân vật này có đoạn viết như sau: "Nếu người giàu làm việc này được gọi là từ thiện, thì người nghèo làm việc này nên gọi là thánh hiền, cô ấy chính là thánh hiền thời nay".
Khổng Tử từng nói: "Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ". (Luận Ngữ, Thuật nhi). Ý câu này là, điều nhân có thực sự ở rất xa chúng ta không? Khi trong lòng muốn thực hiện điều nhân, điều nhân sẽ lập tức đến bên cạnh chúng ta. Các bạn cứ nghĩ xem, làm từ thiện có dễ không? Muốn làm từ thiện tất yếu phải có điều kiện, trong tay không có tiền chắc chắn các bạn không thể làm. Thế nhưng làm thánh hiền đôi khi còn dễ hơn rất nhiều so với làm từ thiện, bởi bạn chỉ cần có tấm lòng là đủ.
Làm thánh hiền đôi khi còn dễ hơn rất nhiều so với làm từ thiện, bởi bạn chỉ cần có tấm lòng là đủ.
Lâm Tú Trinh cuối cùng đã được bầu chọn là một trong những nhân vật tiêu biểu của Cảm động Trung Quốc năm 2006. Tôi còn nhớ khi ấy trên sân khấu có bày rất nhiều tấm bia, mỗi khách mời đều được khắc lời tâm niệm lên tấm bia của mình. Tấm bia của Lâm Tú Trinh sau khi được mở ra chỉ có 4 chữ, đó là "ôn noãn thế đạo" (làm ấm áp đạo nghĩa ở đời). Lời bình được dùng khi trao giải cho chị là: "Ba mươi năm nay, đạo thiện lương không ngừng chảy qua thôn trang, và chính chị là người đã dùng trái tim của mình để sưởi ấm đạo đời".
Điều Lâm Tú Trinh đạt đến chính là lòng nhân ái cao đẹp, và khởi điểm ban đầu của chị là từ lòng hiếu kính của một phụ nữ nông thôn bình thường: xem cha mẹ của người khác như cha mẹ của chính mình.
Nhân loại đi đến ngày hôm nay, qua bao thể chế xã hội nhưng chẳng phải chữ hiếu vẫn luôn là gốc rễ của đạo làm người đó sao? Cũng có thể đạo lý này chưa từng biến đổi. Thế nên trong Luận Ngữ, Khổng Tử mới nói: "Quân tử vụ bản". Một người có thể giả "vụ bản" và trong một số tình huống chúng ta khó có thể nhận ra bản chất của họ, thế nhưng người ấy chắc chắn sẽ không thể nào tiến xa.
Khổng Tử từng nói: "Xuất tắc sự công khanh, nhập tắc sự phụ huynh, tang sự bất cảm bất miễn, bất vị tửu khốn" (Luận Ngữ, Tử Hãn). Ý là, một người ra ngoài đối diện với các bậc công khanh thì phải làm việc cho xã hội, về nhà đối diện với cha anh thì phải hết lòng hiếu kính, trong nhà một khi có việc tang ma không dám không hết lòng, trong cuộc sống lại biết tiết chế, có thể uống rượu nhưng không bị rượu điều khiển.
Trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử, "sự công khanh" và "sự phụ huynh" có mối quan hệ mật thiết với nhau. Xã hội ngày nay của chúng ta có như thế nữa không? Chúng ta có thể sáng tạo ra rất nhiều thành tích huy hoàng trên thế giới này, nhưng mãi mãi không bao giờ có thể quên khởi điểm đầu tiên của mình, đó chính là lòng hiếu kính với cha mẹ.
Chúng ta có thể sáng tạo ra rất nhiều thành tích huy hoàng trên thế giới này, nhưng mãi mãi không bao giờ có thể quên khởi điểm đầu tiên của mình, đó chính là lòng hiếu kính với cha mẹ.
Đối với con cái, cha mẹ luôn lo lắng nhiều thứ, lo con học hành không tốt, sợ con làm điều xấu, lo con không có tiền mua nhà, sợ xe của con không đẹp sẽ bị đồng nghiệp cười chê, lo con không có thời gian chăm sóc con cái... Có thể nói, lòng cha mẹ lo lắng cho con cái thật không có chỗ dừng. Thế nhưng, những người đang ở phận làm con hãy tự vấn chính mình rằng chúng ta có nên để cha mẹ lo lắng cho mình nhiều đến thế hay không?
Mạnh Vũ Bá cũng từng hỏi Khổng Tử về việc hiếu thuận, Khổng Tử chỉ đáp một câu: "Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu" (Luận Ngữ, Vi chính). Điều lo lắng của cha mẹ đối với con cái thực ra chỉ có một, chính là lo con mình bị bệnh, có thể nói chỉ việc này mới thực sự làm cha mẹ lo lắng. Con cái đều là do cha mẹ dứt ruột sinh ra, thế nên cho dù đứa con đau bệnh có đến bốn năm mươi tuổi, thì lòng cha mẹ vẫn đau như cắt, mong muốn mình có thể gánh thay cơn đau cho con. Con cái bị bệnh mà cha mẹ không lo lắng là chuyện trước nay chưa từng xảy ra.
Ở đây, Khổng Tử muốn nói, ngoài chuyện đau bệnh chúng ta khó có thể giấu được cha mẹ, còn lại những việc riêng tư khác như học hành, đối nhân xử thế, làm ăn, buôn bán,… thì tốt nhất không nên để cha mẹ phải lo lắng, như vậy mới là người con có hiếu.
Những đạo lý được nêu ra trong Luận Ngữ đều hết sức giản dị và mộc mạc. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của Luận Ngữ: thường xuyên dùng những câu đơn giản nhất để nói về những triết lý sâu sắc nhất.
Chúng ta đều biết, một đời cha mẹ phải vượt qua rất nhiều công việc lớn nhỏ, nhưng đáng trân trọng hơn cả lại chính là những việc vụn vặt cha mẹ âm thầm làm sau lưng con trẻ. Chưa bao giờ cha mẹ cho rằng con cái là thứ phiền phức, cũng chẳng khi nào kể công trước mặt con.
Có một giai thoại rất thú vị ở nước Mỹ như sau: có một cậu bé từ nhỏ đã mắc bệnh viêm tủy sống, nên chân bị thọt khiến đi lại vô cùng khó khăn, còn răng thì bị khểnh trông rất xấu xí. Ngay từ nhỏ cậu đã chịu sự xa lánh, lạnh nhạt của mọi người xung quanh. Bọn trẻ sống gần đấy thấy cậu bé vừa thọt vừa xấu nên cũng không muốn chơi đùa cùng.
Một ngày nọ, cha cậu mang về nhà một nắm cây non, ông nói với các con của mình rằng mỗi người hãy lấy một cây non đem trồng, nếu cây của ai mọc lên tươi tốt nhất, ông hứa sẽ mua quà cho người ấy.
Cậu bé cùng anh chị, mỗi người lấy một cây đem trồng. Về phần cậu bé, do từ nhỏ đã chịu sự lạnh nhạt, nên trong lòng nảy sinh ý nghĩ phó mặc. Sau khi tưới cho cây mầm của mình được vài ba lần, trong lòng cậu bắt đầu nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Cậu nghĩ, ta mặc kệ, cứ để cây đó sớm chết, ta dù gì cũng đã là một đứa bé không được đón nhận, dù ta có muốn được quà đến mấy thì cũng không thể nào có được. Thế là cậu quyết định không tưới nước cho cái cây đó nữa.
Thế nhưng, sau đó cậu phát hiện cây mà cậu trồng lại lớn và đẹp hơn tất cả các cây của các anh chị. Cây lớn nhanh như thổi, lá mọc ra cũng rất đẹp. Nó thực sự là một cây khỏe mạnh.
Người cha không ngừng nói với cậu bé rằng: "Con trai, một ngày kia lớn lên nhất định con sẽ trở thành một nhà thực vật học. Con đúng là một thiên tài, cây con trồng tại sao lại có thể tốt như thế?".
Một khoảng thời gian sau đó, người cha đã nói với các con: "Các con thấy đấy, trong số cây mà các con trồng, chỉ có cây do em trai con trồng là tốt nhất, món quà của cha sẽ thuộc về em trai con". Liền sau đó, ông đã mua cho cậu bé rất nhiều món quà mà cậu thích.
Sau nhiều lần nhận được sự khích lệ từ cha, cậu bé nghĩ đây chắc chắn là ý trời. Một đêm nọ, tuy đã rất khuya nhưng cậu vẫn trằn trọc, cậu nhớ trong sách nói thực vật thường sinh trưởng mạnh vào ban đêm nên quyết định đi tưới thêm nước cho cây của mình.
Khi bước ra, cậu hết sức kinh ngạc khi thấy cha mình đang múc từng gáo nước tưới cho cái cây mà cậu đã trồng. Đến lúc này cậu mới hiểu, thì ra đêm nào cha cậu cũng lén tưới nước cho cái cây nhỏ bé đó. Cái cây nhỏ bé này chính là ý thức mà cha cậu đã cố gieo vào lòng cậu, giúp cho cậu lấy lại sự tự tin.
Sau khi nhìn thấy cảnh tượng này, thái độ đối với cuộc sống của cậu bé đã hoàn toàn đổi khác. Cuối cùng cậu không trở thành một nhà thực vật học, mà là trở thành tổng thống của nước Mỹ. Đó chính là Tổng thống Franklin Delano Roosevelt.
Dĩ nhiên đây chỉ là chuyện hư cấu, vì trong thực tế phải đến năm 39 tuổi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt mới bị tàn tật. Câu chuyện này hoàn toàn giống chuyện Washington và cây anh đào mà mọi người đều biết, bản thân câu chuyện không nhất thiết là thật nhưng lại hàm chứa triết lý sâu sắc khiến người đọc phải suy tư. Vậy thực ra câu chuyện Roosevelt và mầm cây muốn nói điều gì?
Thực chất đây chính là câu chuyện về tình yêu của cha mẹ đối với con cái, thứ tình yêu vĩnh viễn không cần thiết phải được soi rọi dưới ánh sáng mặt trời, cũng vĩnh viễn không cần biểu lộ cho con cái biết. Bạn có thể vô tình biết được bí mật đó, cũng có thể là cả đời chẳng bao giờ có cơ hội biết được. Thế mà, phận làm con có mấy người chịu chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ từng ly từng tý một cách lặng lẽ? Không ít kẻ làm con chỉ cần làm được một chút cho cha mẹ đã không ngớt tự tâng công, muốn cha mẹ phải biết là con rất có hiếu, con rất yêu cha mẹ.
Tôi từng chứng kiến một câu chuyện rất cảm động về lòng tận hiếu của con cái. Có nhóm bạn cùng ngồi tán gẫu, một đứa trong bọn nói: "Tao lưu lạc bên ngoài đã quá lâu rồi, tao phải gọi một cuộc điện thoại về nhà cho cha mẹ tao yên lòng". Nói rồi người ấy bắt đầu bấm điện thoại, nhưng liền sau đó đã tắt điện thoại, rồi lại gọi thêm một lần nữa, cầm điện thoại áp vào tai mà nói chuyện cùng cha mẹ.
Lũ bạn ngồi bên cạnh cảm thấy rất kỳ lạ, một đứa hỏi, gọi lần đầu nghẽn mạch à? Người ấy không đáp. Một đứa trong bọn lại hỏi, thế tại sao mày phải gọi đến hai lần? Người ấy bình thản trả lời: "Cha mẹ tao tuổi tác đã lớn, tay chân không còn nhanh nhẹn, họ chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại reo là nghĩ ngay điện thoại của tao, mỗi lần như thế cả hai ông bà đều hấp ta hấp tấp, chỉ muốn vồ ngay lấy chiếc điện thoại. Mẹ tao cũng vì chuyện này mà đã từng té ngã. Sau đó tao đã bàn cùng họ, nói là tao sẽ thường xuyên gọi điện thoại, nhưng kèm theo điều kiện là họ dứt khoát không được hấp tấp, tao gọi lần thứ nhất bao giờ cũng chỉ để chuông đổ vài ba tiếng sau đó lập tức tắt ngay, họ cứ từ từ đến bên máy đứng chờ, một lát sau nhất định tao sẽ gọi lại".
Nói thật, đây là một câu chuyện rất hiếm về việc con cái hiếu kính với cha mẹ. Bạn bè trong lúc tán gẫu có thể nói rất nhiều về tình yêu của cha mẹ đối với con cái, nhưng việc con cái lại có lòng nghĩ cho cha mẹ như nhân vật trong câu chuyện thì thật hiếm thấy. Tôi thực sự mong muốn những câu chuyện như thế này có thể xảy ra ở mọi gia đình, trong đó bao gồm cả gia đình tôi.
Mở sách Luận Ngữ, chúng ta có thể bắt gặp vô số những lời bàn về đạo hiếu, nhưng xét đến cùng, có một câu tôi rất muốn mọi người hãy ghi nhớ, đó là: "Phụ mẫu chi niên, bất khả bất tri dã. Nhất tắc dĩ hỷ, nhất tắc dĩ cụ" (Luận Ngữ, Lý nhân). Câu ấy nghĩa là: Tuổi tác của cha mẹ, con cái không thể không biết. Biết là để vui mừng, cũng là để lo lắng.
Đôi khi chúng ta có thể xuất phát từ tận đáy lòng để hỏi một câu rằng, ngày sinh nhật của cha mẹ ta là ngày nào, năm nay cha mẹ ta đã bao nhiêu tuổi? Về điều này, chưa chắc tất cả mọi người con đều có thể trả lời chính xác. Nhưng ngược lại, nếu hỏi bất kỳ một bậc cha mẹ nào về ngày sinh của con cái, rằng năm nay các con đã bao nhiêu tuổi, chắc chắn chẳng có mấy người trả lời sai.
Đôi khi chúng ta cảm thấy cha mẹ không thích tổ chức sinh nhật giống như con trẻ, vì con trẻ tổ chức sinh nhật là để đánh dấu sự trưởng thành nên khi ấy cha mẹ tỏ ra rất vui, còn sinh nhật của chính mình thì cha mẹ thường cố ý quên đi, bởi trong lòng họ nghĩ, già thêm một tuổi chẳng có gì đáng chúc mừng.
Là con cái, chúng ta không thể không biết tuổi của cha mẹ mình. Biết để vui vì cha mẹ được hưởng thọ, phận làm con vẫn còn cơ hội để hiếu kính cha mẹ. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy luôn luôn là sự lo lắng, vì mỗi năm cha mẹ lại thêm một tuổi, quỹ thời gian chúng ta có thể ở bên cha mẹ để báo hiếu ngày càng ít đi.
Có thể nói, tuổi tác ngày càng cao của cha mẹ đem đến cho chúng ta sự lo lắng hơn là vui mừng. Những điều chúng ta có thể làm cho cha mẹ quá ít, còn những thứ cha mẹ đã cho chúng ta lại quá nhiều. Vậy nên, cuộc đời này có một thực tế hết sức bi thương, đó chính là "con muốn báo đáp mà cha mẹ không thể chờ" (tử dục dưỡng nhi thân bất đãi). Nếu thực sự đến ngày đó, cho dù khi ấy chúng ta có đấm ngực dậm chân, nước mắt lưng tròng, đau khổ tự trách tại sao lúc cha mẹ còn sống không chịu đối xử tốt với cha mẹ thì cũng đã muộn. Tất cả đều đã trở thành quá khứ.
Chỉ cần cha mẹ chúng ta còn sống ở đời, đó chính là hạnh phúc của tất cả những người đang ở phận làm con.
Chỉ cần cha mẹ chúng ta còn sống ở đời, con cái nên nghĩ về tuổi tác ngày càng cao của cha mẹ, và nghĩ xem trong khoảng thời gian hữu hạn còn lại, chúng ta còn kịp làm những gì cho cha mẹ của mình. Chỉ cần có lòng như thế, tất cả mọi mong muốn của chúng ta đều sẽ có thể thực hiện được.
"Phụ mẫu chi niên, bất khả bất tri dã. Nhất tắc dĩ hỷ, nhất tắc dĩ cụ". Hỡi những kẻ giữ phận làm con trong thiên hạ, chúng ta hãy ghi nhớ thật kỹ câu này. Có lẽ bắt đầu từ hôm nay, cha mẹ chúng ta sẽ sống vui hơn, và chính cõi lòng chúng ta cũng sẽ tìm được sự an ủi lớn lao.