Trong Luận Ngữ, chất trí tuệ đầy ắp từ đầu đến cuối cuốn sách.
Trí tuệ được chứa đựng trong từng câu từng chữ của Luận Ngữ, không dừng lại ở vài ba câu được chúng ta dẫn ra dưới đây mà nó đã thực sự trở thành một phương thức tư duy.
Ở những trí tuệ thực thụ luôn tồn tại một tiêu chuẩn hết sức quan trọng là phải đối diện với bản tâm con người. Khi đó, bạn sẽ có những phán đoán ra sao?
Con người ngày nay phải làm thế nào để có được "đại trí" chứ không phải là "tiểu trí"?
Khi Phàn Trì hỏi thầy thế nào là "trí", Khổng Tử chỉ dùng hai chữ để đáp lại: "tri nhân", nghĩa là hiểu rõ người khác (Luận Ngữ, Nhan Uyên). Điều này cũng có nghĩa, nếu bạn hiểu về thiên thể vật lý, hiểu về sinh vật, hóa học, có thể bạn vẫn không sở hữu trí tuệ lớn mà chỉ là sở hữu tri thức; còn trí tuệ thực sự luôn đòi hỏi phải đối diện với bản tâm con người.
Trong một thế giới nhiễu nhương, con người thường dễ đi vào mê đắm. Chỉ những người có trí tuệ thực sự mới có thể trầm tĩnh đối diện với từng người và với cả lịch sử, có thể thông qua những ngã rẽ bí mật của tâm linh để bước vào khám phá những niềm vui, nỗi buồn, những ước mong vốn được chôn chặt trong tận sâu thẳm của thế giới nội tâm.
Phàn Trì lại hỏi Khổng Tử, sau khi hiểu người rồi thì phải làm gì? Ở đây xem ra học trò vẫn chưa hiểu ý thầy.
Khổng Tử lại nói: "Cử trực thố chư uổng. Năng sử uổng giả trực" (Luận Ngữ, Nhan Uyên). "Cử trực" là cất nhắc những người chính trực, lương thiện, có tài năng phù hợp với tiêu chuẩn giá trị của xã hội, tạo cho họ một không gian tốt để cống hiến. "Thố" là sắp xếp cho họ một vị trí, một công việc nhất định. Vậy nên sắp xếp họ vào vị trí nào? Đó là vị trí bên trên "uổng giả", tức là những người không chính trực, không thực sự cao thượng.
Như vậy câu này có nghĩa là nên sắp xếp những người hiền tài, lương thiện, phù hợp với tiêu chuẩn giá trị của xã hội vào vị trí bên trên những kẻ tham lam, ích kỷ. Đây chính là một nguyên tắc.
Nguyên tắc này thể hiện tính chiết trung và lòng bao dung của Khổng Tử về vấn đề nhân tính. Chúng ta đều biết, trong nhân tính hoàn toàn không tồn tại khái niệm thiện hoặc ác tuyệt đối, không có ai là người tốt tuyệt đối, cũng không có người nào là hoàn toàn ác nghiệt. Khi ở trong những điều kiện khác nhau về thổ nhưỡng, khí hậu và hoàn cảnh xã hội thì tính thiện ác của nhân tính cũng thể hiện khác nhau.
Một người có thể không thực sự cao thượng, chính trực, cách làm của anh ta có thể có chút quá đáng, thậm chí có phần tiểu nhân, nhưng khi bạn làm việc cùng anh ta, hiểu anh ta, vậy bạn có đủ sức mạnh để khiến anh ta trở nên cao thượng hơn, ít nhất là ở giai đoạn cùng hợp tác làm việc với bạn hay không? Nếu bạn có thể làm được điều này thì đó chính là "năng sử uổng giả trực".
Có một câu ngạn ngữ rất hay: "Thành công thực sự không phải là dựa vào may mắn để có được những con bài tốt, mà ở chỗ tuy bạn chỉ được những con bài xấu, nhưng bạn cố gắng chơi tốt trong suốt ván bài". Không phải trong suốt cuộc đời bạn gặp toàn những bậc chính nhân quân tử là thành công. Thành công thực sự là bạn từng gặp một số người không tốt, nhưng trong quá trình tiếp xúc với bạn, họ có thể nhìn thấy sự ấm áp, thiện lương của tình người, nhận ra sự thấu hiểu, lòng bao dung của bạn đối với họ, khiến những điều tốt đẹp trong họ có cơ hội được bộc lộ. Theo Khổng Tử, chúng ta phải "tri nhân" chính là để thực hiện những điều như thế.
Vậy làm thế nào để có thể "tri nhân"? Khổng Tử nói, khi bạn nhìn vào một người, cần thiết phải: "Nhìn kỹ cách người đó làm, xét xem người đó làm vì cái gì, xem kỹ người đó làm có vui vẻ không, như thế người đó có gì mà giấu được?" (Luận Ngữ, Vi chánh).
Đôi khi có những việc dù đã hoàn thành nhưng người ta vẫn thấy day dứt, vẫn muốn làm tiếp; lại có những việc tuy chưa làm xong nhưng có người nói rằng, tôi lúc hứng đến thì làm, hứng hết thì dừng, ví như việc tôi đến trước cửa nhà bạn và hoàn toàn có thể không gõ cửa mà bỏ đi, ấy là bởi lòng tôi đã yên rồi.
Vậy nên khi quan sát một người làm việc, không nên chỉ quan sát quá trình phát triển của sự việc, mà còn phải quan sát sự yên ổn trong tâm lý của người thực hiện.
Khổng Tử không chỉ nói về tầm quan trọng của việc "tri nhân", mà còn chỉ cho chúng ta cách thức để "tri nhân" hiệu quả. Đừng bao giờ quan sát lời nói và hành vi của một người trong trạng thái tĩnh tại, cũng không nên dùng kiểu "tầm chương trích cú" để nói về một ai đó. Khi phán đoán về một người, chúng ta không chỉ nghe họ nói, mà phải quan sát cả hành động của họ, hơn nữa cần phải tìm hiểu động cơ của hành động chứ không nên chỉ dừng lại ở kết quả.
Trên thế giới này, những việc chúng ta làm nhìn chung đều giống nhiều mà khác ít, mặt trời mọc ra đồng, mặt trời lặn về nghỉ, một ngày ăn ba bữa, lập gia đình rồi sinh con, đại khái mọi người đều không khác gì nhau.
Thế nhưng, nếu phân tích kỹ cuộc đời của mỗi người, chúng ta sẽ phát hiện có vô vàn điều khác biệt.
Đều là ăn cơm, nhưng có người ăn chỉ để cho no bụng, có người ăn vì mục đích thưởng thức món ăn ngon; đều là việc ngủ, nhưng có người vì mục đích nghỉ ngơi, có người chỉ vì muốn nằm mộng.
Động cơ của mỗi người nhìn chung đều không giống nhau.
Bạn cần xuất phát từ phía sau hành vi của người khác để tìm ra nguyên nhân thực sự. Vậy chúng ta cần quan sát một người như thế nào?
Khổng Tử nói rằng chúng ta cần thiết phải quan sát lỗi lầm của một người, bởi lỗi lầm của mỗi người có thể cho thấy họ thuộc hạng người nào.
Ngài nói: "Chỉ cần chịu quan sát lỗi lầm của một người, bạn có thể biết được người ấy có phải là người nhân nghĩa hay không" (Luận Ngữ, Lý nhân). Ở đây, về mặt phương pháp, Khổng Tử đã cung cấp thêm cho chúng ta một thao tác mới trong quá trình "tri nhân", là không chỉ xem xét quá trình của sự việc, mà còn phải xem đối tượng được quan sát phạm sai lầm ở đâu.
Chỉ cần đi vào xem xét lỗi lầm của mọi người, chúng ta sẽ thấy đó là cả một thế giới cực kỳ phong phú, thiên hình vạn trạng. Có thể nói, chính ở khía cạnh này, sự đa dạng của lòng người được thể hiện rõ nhất.
Có lẽ ai cũng đều biết câu nói nổi tiếng của đại văn hào L. Tolstoy: "Các gia đình hạnh phúc chẳng khác nhau là mấy, nhưng các gia đình bất hạnh thì mỗi nhà mỗi cảnh". Xét từ một góc độ nhất định, phải chăng có rất nhiều việc tốt mà chúng ta thực hiện trên thế giới này đều giống nhau? Ví dụ, việc đỡ già nâng trẻ, việc thực hiện một số điều trung nghĩa, giữ gìn chữ tín…, thực ra thang giá trị của nhiều xã hội về những điều này đều giống nhau. Thế nhưng chỉ cần chúng ta xem xét lỗi lầm của mọi người, chúng ta sẽ thấy đó là cả một thế giới cực kỳ phong phú, thiên hình vạn trạng. Có thể nói, chính ở khía cạnh này, sự đa dạng của lòng người được thể hiện rõ nhất.
Trong cuộc đời con người, đường đời diệu vợi, có ai không phạm lỗi? Người quân tử thực sự không phải là người không phạm chút lỗi lầm nào, mà là người có thể từ những lỗi lầm để rút ra sự nhìn nhận về lòng người. Có người vì quá yếu mềm mà phạm lỗi, có người vì quá dễ tin người mà phạm lỗi, và có không ít người lại mắc phải lỗi lầm từ chính sự lương thiện của họ.
Có một học trò hỏi Khổng Tử: "Dùng ân đức để báo oán thù, thầy thấy thế nào?". Khổng Tử trả lời rằng nên "dùng chính trực để báo oán thù, dùng ân đức để báo ân đức" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Như vậy, việc "dùng ân đức để báo oán thù" chẳng phải là sai lầm sao?
Có nhiều người vì quá nhân từ mà thường xuyên bị kẻ khác làm hại. Đây cũng là một kiểu sai lầm. Từ kiểu sai lầm này, chúng ta dễ dàng nhìn rõ sự lương thiện sâu sắc tồn tại trong lòng người.
Thế nên Khổng Tử mới nói rằng, thông qua quan sát chúng ta có thể biết được đối tượng có phải là người nhân nghĩa hay không. Cách nhìn nhận con người này hết sức thú vị, nó có thể vượt qua giới hạn của thời gian để thích ứng với bất kỳ thời đại nào.
Khi đối diện với lỗi lầm, chúng ta phải quan sát chúng ra sao? Có hai điều hết sức quan trọng chúng ta cần chú ý. Thứ nhất là thái độ của đối tượng sau khi phạm lỗi. Theo quan điểm của Tử Cống, một học trò của Khổng Tử, không phải bậc quân tử là không phạm lỗi, việc phạm lỗi của người quân tử không khác mấy với việc bị ăn dần của mặt trời hay mặt trăng. Mặt trời dù có chói chang đến mấy vẫn bị nhật thực, mặt trăng dù thanh sạch đến chừng nào vẫn xuất hiện nguyệt thực. Đã làm người thì ai chẳng có lỗi lầm, chỉ có điều "biết sửa chữa thì sau khi sửa sai, không những tốt vẫn hoàn tốt mà còn được người khác ngưỡng vọng" (Luận Ngữ, Tử Trương).
Vậy nên, người quân tử "quá tắc vật đạn cải" (Luận Ngữ, Thuật nhi), sai thì cũng đã sai, chớ sợ việc sửa lỗi; "quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công), có lỗi mà không sửa, ấy mới thực sự là lỗi. Điều này hết sức quan trọng, bởi đã phạm lỗi rồi thì điều quan trọng là lập tức phải sửa.
Thứ hai, người quân tử thực thụ còn có một đặc điểm là "bất nhị quá" (Luận Ngữ, Ung dã), nghĩa là không được phép phạm một lỗi hai lần. Trong cuộc đời, một người hoàn toàn có thể phạm lỗi, thế nhưng lỗi lầm cũng cần phải "khác biệt" một chút, không thể cứ phạm đi phạm lại một lỗi.
So với việc quan sát thành tích, quan sát lỗi lầm của một người chẳng phải là sâu sắc và dễ nhận thấy về người đó hơn sao?
Những việc không giống nhau trong những tình huống khác nhau có thể dẫn đến sai lầm, thế nhưng bạn cần thiết phải rút ra bài học kinh nghiệm, dứt khoát không để bị trượt ngã hai lần ở cùng một vị trí.
Tuy nhiên, thông qua những cách "tri nhân" nêu trên, kết quả cuối cùng mà chúng ta thấy được có thể hoàn toàn không giống với kết quả của thực tế. Vậy phải nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Chẳng hạn ở khu vui chơi, có một nhóm người tham dự trò đua xe, trong đó có một tay đua mới lái xe đạt tốc độ cực nhanh, bỏ lại các tay đua khác rất xa. Bạn hỏi anh ta tại sao lại chạy xe nhanh như thế, có thể anh ta sẽ nói: "Tôi luôn chạy theo tốc độ, bản thân tôi cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ nhanh". Thực tế, anh ta đã đạt vị trí dẫn đầu.
Nhìn thấy một người khác lái xe rất chậm ở phía sau, bạn hỏi anh ta tại sao lại lái chậm như vậy. Anh ta có thể sẽ trả lời bạn rằng: "Thế mà tôi đã tưởng như gió thổi điện giật rồi, đây chính là tốc độ cao nhất của tôi, từ trước tới nay tôi chưa từng có trải nghiệm nào nhanh như thế". Thực tế, anh ta đã lái xe ở vị trí sau cùng.
Hai trường hợp trên đây nói lên điều gì? Thời khắc hiện tại của một người mang theo giá trị và những dấu ấn trong cuộc sống quá khứ của anh ta. Những điều mà anh ta cảm nhận được ở hiện tại có quan hệ mật thiết với hệ tham chiếu xét từ góc độ tâm lý của chính mình. Người cảm thấy mình lái xe quá nhanh có thể trên thực tế là rất chậm, còn người từ góc độ tâm lý cảm thấy mình vẫn chậm thì trên thực tế lại đạt đến tốc độ nhanh nhất.
Vậy nên khi quan sát một người, tùy theo chúng ta chú ý đến những hiện tượng bên ngoài hay bên trong nội tâm của họ mà sẽ thu được kết quả có sự khác biệt lớn. Khổng Tử nói, khi quan sát một người, cần "nhìn kỹ cách người đó làm, xét xem người đó làm vì cái gì, xem kỹ người đó làm có vui vẻ không" thực ra chính là chỉ cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt đến đại trí.
Nếu đã đạt tới đại trí rồi, chúng ta sẽ dùng nó vào việc gì? Dĩ nhiên không đơn thuần chỉ để chúng ta có đủ tư cách phẩm bình người này hay người kia, mà quan trọng hơn là để chúng ta biết cách dùng người như thế nào.
Tử Lộ là một nhân vật dũng cảm hơn người nhưng có phần khiếm khuyết về mưu trí. Có lần ông hỏi thầy rằng: "Thầy ơi, nếu bây giờ thầy cầm quân ra trận, thầy sẽ chọn ai để cùng đi với thầy?" (Luận Ngữ, Học nhi). Có lẽ khi ấy Tử Lộ nghĩ, thầy ta là một nho sinh chân yếu tay mềm, khi dẫn quân đánh trận chắc chắn phải chọn một người dũng mãnh.
Khổng Tử trả lời: "Bạo hổ phùng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi). "Bạo hổ" chỉ việc tay không đánh hổ. "Bằng hà" chỉ một dòng sông rộng, nước chảy xiết, trên sông không có cầu, cũng chẳng có thuyền, thế mà có người dám bơi qua sông. Không chỉ dám làm hai việc như trên, anh ta còn vỗ ngực thề rằng chết không hối tiếc. Nếu một người đứng trước ba quân mà thể hiện như thế, Khổng Tử sẽ nói: "Ta chắc chắn không chọn hắn đi cùng, ta cũng không dùng đến những người như thế".
Khổng Tử dùng người như thế nào? Ông chỉ rõ tiêu chuẩn dùng người của mình: "Tất dã lâm sự nhi cụ, hảo mưu nhi thành giả dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Ở đây, "lâm sự nhi cụ" nghĩa là trong lòng biết sợ trước khi sự việc xảy ra.
Chúng ta thử hình dung, mỗi khi giao nhiệm vụ, người lãnh đạo có thể phải đối mặt với hai loại người: loại người thứ nhất vừa nghe sơ qua đã lập tức vỗ ngực nói: "Xin lãnh đạo yên tâm, tôi sẽ trong 24 giờ đồng hồ làm xong công việc của 42 giờ đồng hồ, bảo đảm sẽ hoàn thành công việc, nếu không tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, xin cứ tin tưởng ở tôi". Loại người thứ hai sẽ đứng yên lặng nghe kỹ yêu cầu của lãnh đạo, cuối cùng nói: "Công việc của lãnh đạo giao quá lớn, xin cho tôi thời gian về sưu tập tư liệu, sau đó sẽ lựa chọn phương án khả thi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ". Đứng trước hai loại người này, bạn sẽ chọn ai?
Loại người thứ nhất thuộc loại "bạo hổ phùng hà", còn loại người thứ hai chính là "lâm sự nhi cụ".
Kiểu người tỏ ra hoàn toàn không sợ bất cứ thứ gì thường khiến người ta sợ hãi nhất. Thế nhưng, lo lắng cũng cần có mức độ nhất định, bạn có nên sợ đến mức đánh trống rút quân không? Bạn quyết định không làm việc này nữa? Rõ ràng nếu không có giới hạn, sợ đến mức từ bỏ ý định thực hiện, thì ắt là không nên.
Vậy nên vẫn còn bốn chữ mà Khổng Tử muốn nhấn mạnh: "hảo mưu nhi thành". Nghĩa là một khi bạn thực sự xem trọng một việc và quyết định nhận thực hiện nó thì bạn phải dùng trí tuệ để tính toán từng bước một cho đến khi công việc hoàn thành. Đó chính là loại người được Khổng Tử sử dụng.
Trong xã hội ngày nay, nhiều khi chúng ta nhìn thấy những người bày tỏ quyết tâm bằng cách vỗ ngực xưng tên, ăn to nói lớn, thử hỏi chúng ta có thể tin tưởng rằng họ thực sự coi trọng công việc hay không? Chúng ta có thể tin vào tính khả thi của công việc khi giao cho họ hay không?
Nước Pháp từng nêu ra một câu hỏi trắc nghiệm có thưởng như thế này: "Nếu như cung điện Louvre không may bị cháy và bạn chỉ có thể cứu một bức danh họa duy nhất, vậy bạn sẽ chọn tác phẩm nào?".
Câu hỏi nêu ra, mọi người tranh nhau trả lời, hầu hết đều tập trung vào bức Mona Lisa, họ khẳng định sẽ cứu bức tranh ấy. Thế nhưng, giải thưởng lớn này cuối cùng được trao cho nhà văn Pháp nổi tiếng đương thời là Jules Verne. Câu trả lời của Jules Verne là gì? Ông nói, mình sẽ cứu bức tranh gần cửa thoát hiểm nhất.
Mona Lisa ở đâu? Những người từng tham quan điện Louvre đều biết, bức tranh ấy được trưng bày ở một đại sảnh thuộc tầng hai, và là một bức tranh có kích thước không lớn. Chúng ta thử nghĩ xem, một khi hỏa hoạn xảy ra, trong tình trạng khói đen cuồn cuộn, tất cả mọi người đều đổ xô ra ngoài mong có thể thoát thân, một mình bạn chạy ngược dòng người, sau đó chạy thẳng lên lầu hai, e rằng bạn chưa kịp sờ đến bức tranh Mona Lisa đó thì bạn đã bị thiêu cháy từ lâu.
Trong tình huống này, bạn phải làm sao?
Hết sức đơn giản, bước thứ nhất bạn phải tìm cho ra cửa thoát hiểm, để giúp chính mình thoát khỏi biển lửa; bước thứ hai bạn tiện tay giật được bức tranh nào thì cứu lấy bức tranh ấy. Đây mới chính là cách xử trí của người có trí tuệ lớn.
Người có trí tuệ lớn không vỗ ngực đảm bảo một điều gì đó, họ cũng không nghĩ rằng âm thanh to vang ra có thể thay cho phẩm chất của mình.
Làm sao có thể thực hiện thành công việc "tri nhân"?
Chúng ta nên đặt niềm tin vào "đại trí" hay "tiểu trí"? Thực ra, sự khác biệt giữa "đại trí" và "tiểu trí" đôi khi chỉ thể hiện duy nhất ở thái độ ứng xử.
Tôi từng đọc một câu chuyện hết sức thú vị kể rằng có một góa phụ giàu có, tài sản của bà ta có đến ức vạn. Bà rất quý trọng sinh mạng của mình nên muốn tuyển một tài xế có khả năng lái xe thật tốt. Người quản gia của bà qua rất nhiều lần lựa chọn, cuối cùng chọn ra ba người trong cả nước. Kỹ thuật cầm lái của ba người này đều tương đương nhau, đều đáng xếp vào hạng nhất.
Đứng trước ba ứng viên này, người quản gia không thể quyết định được, bèn dẫn cả ba đến trước mặt bà chủ để bà tự quyết định. Bà lão hỏi cả ba người: "Nếu trước mắt chúng ta là một vực sâu, với khả năng của anh, anh có thể dừng xe cách vực thẳm bao xa?".
Vừa nghe xong câu hỏi, người tài xế thứ nhất lập tức trả lời: "Kỹ thuật của tôi cực tốt, tôi có thể đậu xe ở vị trí cách bờ vực một mét".
Người tài xế thứ hai trả lời: "Kỹ thuật của tôi còn tốt hơn cả anh ta, tôi có thể khống chế cho xe dừng cách vực thẳm 30 cm".
Người tài xế thứ ba nghĩ một lát rồi nói: "Khi còn cách bờ vực rất xa, chỉ cần nhìn thấy bờ vực là tôi lập tức ngừng xe, tôi chắc chắn sẽ không lái tới gần đó".
Kết quả, bà lão quyết định chọn người tài xế thứ ba. Tại sao lại như thế? Đáp án nằm ở thái độ của ba người. Hai người tài xế đầu ỷ mình lái giỏi, muốn khoe tài, như thế rất khó để không xảy ra chuyện. Riêng người tài xế thứ ba hiểu điều gì là quan trọng nhất trong hoàn cảnh đó, chính là sự an toàn, vậy nên anh ta quyết không đem khả năng của mình ra khoe khoang.
Có thể nói, đây chính là sự khác biệt giữa đại trí và tiểu trí.
Thế gian rất hiếm người đại trí, vậy chúng ta có nên dùng những kẻ tiểu trí không? Kẻ tiểu trí có thể làm được những gì?
"Tri nhân" thể hiện ở chỗ chúng ta biết đem những người khác nhau sắp đặt vào những vị trí khác nhau, để mỗi người đều tìm thấy vị trí thích hợp của mình. Khổng Tử cũng từng đề cập đến vấn đề này, ông nói: "Người quân tử không có tiểu trí, nhưng có thể đảm trách việc lớn; tiểu nhân không thể đảm trách việc lớn, nhưng lại có tiểu trí" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Ý nghĩa câu này muốn nói chính là mỗi người đều có một vị trí thích hợp của mình.
Thế nào là người quân tử thực sự? Theo tiêu chuẩn mà Khổng Tử thường xuyên đề cập, người quân tử chính là người có "lời nói thô vụng mà làm việc hiệu quả" (Luận Ngữ, Lý Nhân), hay "làm việc hiệu quả và thận trọng trong lời nói" (Luận Ngữ, Học nhi).
Khổng Tử cho rằng bậc quân tử thường đều là những người không nhiều lời, không thích cuồng ngôn, vậy nên họ: "Cương cường, kiên nghị, mộc mạc, ít lời, gần với đạo nhân" (Luận Ngữ, Tử Lộ). Người này có thể không giỏi đường ăn nói, nhưng lại là người hết sức cương nghị, quả cảm và mộc mạc. Đây là dạng người mà bạn có thể giao nhiệm vụ lớn, và chắc chắn họ sẽ dùng toàn bộ tinh lực của mình để hoàn thành công việc.
Thế nhưng phải chăng loại người này hoàn toàn không có chút khuyết điểm nào? Tất nhiên họ vẫn có khuyết điểm, nhưng bạn không thể dùng tiểu trí để đánh giá về con người họ. Trong xã hội ngày nay có rất nhiều việc dành cho những người thuộc loại tiểu trí. Ví dụ trong kinh doanh, việc đón tiếp và chiêu đãi khách hàng thường cần người mồm miệng nhanh nhảu, khéo léo, biết nói những câu làm đẹp lòng khách. Những việc này người quân tử thường không thạo, nhúng tay vào có khi lại hỏng việc.
Khổng Tử nói, "tiểu nhân khả tiểu tri nhi bất khả đại thụ", có nghĩa là một số người tuy thuộc hạng tiểu nhân không thể làm việc lớn nhưng vẫn có chỗ dùng. Tiểu nhân cũng có sở trường của mình, ở đây là khả năng ăn nói, giỏi chiều lòng người. Họ có thể hoàn thành rất tốt những việc nêu trên, thế nhưng đừng nghĩ rằng vì họ làm tốt những việc này mà giao việc lớn cho họ, bởi người thực sự có thể làm được việc lớn không thể quá giảo hoạt, thiếu trung thực.
"Tri nhân" chính là để sử dụng con người và xếp mỗi người vào đúng vị trí của họ.
Có một câu ngạn ngữ rất hay: "Trên thế gian này không có vật vô dụng. Cái bị gọi là vật vô dụng chẳng qua chỉ là một mớ tài sản có giá trị bị đặt sai vị trí". Con người cũng vậy, liệu bạn có dám chắc rằng một người nào đó nhất định sẽ thành công ở một cương vị nào đó? Điều quan trọng ở đây chính là bạn phải hiểu khả năng của người đó và bố trí anh ta vào một vị trí phù hợp.
Do dùng vào những chỗ không giống nhau mà đôi khi một thước trở nên quá ngắn, trong khi có những lúc một tấc lại trở nên quá dài. Vậy phải chăng khi đem thước và tấc ứng dụng vào những vị trí thích hợp, chúng ta có thể tránh được điểm yếu và phát huy được điểm mạnh của chúng?
Ngay cả những người được đánh giá là cao thượng và có trí tuệ nhất cũng không thể thích hợp với mọi vị trí và làm được mọi việc. Bởi vì, con người không phải là vạn năng.
Có một thí nghiệm hết sức thú vị như sau: dùng hai bình thủy tinh miệng rộng, một bình đựng năm con ong mật, một bình đựng năm con nhặng. Cả hai bình đều đặt đáy bình quay về phía ánh sáng, còn miệng bình quay theo chiều ngược lại. Sau đó tiến hành quan sát sự lựa chọn của nhặng và ong trong bình.
So với nhặng, hoàn cảnh sống của ong mật khá tốt. Chúng hợp tác cùng nhau làm mật, và là loài có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Dường như chúng có sự nhận thức logic, thế nên chúng kiên trì tin rằng cửa ra là ở phía có ánh sáng. Kết quả là năm chú ong mật đều bị chết, bởi chúng liên tục lao vào đáy bình. Dù không thể thoát thân nhưng chúng vẫn kiên quyết không thay đổi hướng bay.
Dân gian thường nói "loài nhặng không đầu". Năm con nhặng bị nhốt trong bình chính là một ví dụ. Cả năm con đều thoát ra khỏi bình, bởi vì chúng không nhất thiết cứ phải bay về phía ánh sáng. Chúng bay khắp mọi hướng có thể, hướng nào thoát thân được thì sẽ bay theo hướng đó.
"Tri nhân" cần phải xuất phát từ việc hiểu mình đến việc hiểu người, để tất cả mọi người đều được xếp đúng vị trí của mình.
Thí nghiệm này cho thấy chúng ta không thể dùng phán đoán riêng để quy kết rằng tất cả mọi việc tốt đều chỉ có thể hoàn thành bởi những người cao thượng, có tài năng. "Tri nhân" cần phải xuất phát từ việc hiểu mình đến việc hiểu người, để tất cả mọi người đều được xếp đúng vị trí của mình. Đó mới là trí tuệ thực sự.
Con người nên dùng trí tuệ vào việc gì trên thế giới này? Điều đó tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Khổng Tử hoàn toàn không đưa ra hướng giải quyết đơn nhất rồi bắt mọi người phải tuân theo.
Khổng Tử nói: "Có những người trải qua kinh nghiệm một đời đã luyện thành đạo trung dung. Loại người này rất tốt, chúng ta nên qua lại với họ". Thế nhưng, nếu trong số bạn bè của bạn lại không có những người như vậy thì bạn phải làm sao? Khổng Tử cho rằng: "Tất dã cuồng quyến hồ! Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã" (Luận Ngữ, Tử Lộ). Ý của Khổng Tử là nếu không tìm thấy người hợp theo chuẩn của đạo trung dung thì có thể kết bạn với "cuồng giả" hoặc "quyến giả".
"Cuồng giả" là người luôn tìm cách cầu tiến. Còn "quyến giả" là người luôn thận trọng, biết cân nhắc trước khi hành động. Vậy tại sao Khổng Tử khuyên bạn nên kết bạn với hai loại người này? Ấy là bởi, "cuồng giả" giàu chí tiến thủ nên sẽ quyết tâm thực hiện mọi việc đến cùng, còn "quyến giả" luôn cẩn trọng nên dứt khoát không chịu làm việc xấu.
Bạn cần thấy rõ là mình cần được bạn bè bổ sung ở phương diện nào. Nếu bạn là người nhu nhược, có mấy người bạn thuộc loại "cuồng giả" bên cạnh, chắc chắn họ có thể khích lệ bạn. Còn nếu bạn là người hấp tấp, làm việc thiếu suy nghĩ, bạn cần có thêm vài người bạn thuộc loại "quyến giả" để họ nhắc bạn điều gì nên làm, điều gì không nên làm.
Tất nhiên không thể đem "cuồng giả" và "quyến giả" so sánh với người đắc đạo trung dung. Đạo trung dung có thể xem là trạng thái hoàn mỹ, thế nhưng trong cuộc sống làm gì có nhiều sự hoàn mỹ như thế? Làm gì có ai sinh ra đã được cuộc đời chuẩn bị sẵn cho mình thật nhiều bạn tốt cùng một công việc tốt? Đâu có người nào suốt đời chỉ bước trên con đường rải đầy hoa tươi êm đẹp và vinh quang?
Trí tuệ thực sự là khi gặp bất kỳ người nào bạn cũng đều có thể nhận ra những ưu điểm ở họ, và dùng chúng để bổ sung cho những khiếm khuyết của mình. Đồng thời, những sở trường mà bạn sở hữu có thể phát huy tác dụng "năng sử uổng giả trực" khiến cho những người vốn không thật tốt, không thật lương thiện cũng dần thay đổi.
Vậy "đại trí" từ đâu mà có? Khổng Tử nói, trí tuệ của con người có thể thông qua học tập mà có. Thực tế cho thấy, có rất nhiều người vì không được học nên đã liên tục rơi từ mê lầm này đến mê lầm khác.
Khổng Tử nói: "Cái hữu bất tri nhi tác chi giả, ngã vô thị dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Ở đây, ý ông là có một loại người tuy bản thân họ có không mấy kiến thức, cũng không phải bậc đại trí nhưng lại thích võ đoán. Khổng Tử sẽ không làm những việc như thế.
Khổng Tử nói tiếp: "Đa văn, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi; đa kiến nhi thức chi; tri chi thứ dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Câu này có nghĩa là, chẳng qua tôi nghe nhiều, mỗi khi nghe được những điều hay tôi sẽ học theo; tôi chú ý quan sát, mỗi khi nhìn thấy những việc tốt, tôi sẽ ghi chép lại; nhờ đó, tôi không ngừng tiến bộ, dù đây chỉ là loại trí tuệ thứ cấp.
Tại sao Khổng Tử lại cho đây là loại trí tuệ thứ cấp? Vì theo Khổng Tử, trí tuệ mà con người có được bao gồm bốn cấp. Thứ nhất là "sinh nhi tri chi giả", tức loại trí tuệ sinh ra đã có. Thứ hai là "học nhi tri chi giả", tức loại tri thức phải thông qua học tập mới biết được. Thứ ba, là "khốn nhi học chi", tức loại tri thức có được khi con người cần phải lập tức tìm hiểu về một mảng tri thức nào đó khi họ gặp điều khó hiểu trong cuộc sống. Loại cuối cùng là "khốn nhi bất học", tức là dù ở bất kỳ tình trạng mê lầm nào cũng không chịu học, đó cũng là khi bạn chịu thua số phận. Khổng Tử thông qua nghe nhiều, nhìn nhiều để học nên rõ ràng ông thuộc loại thứ hai.
Bốn cấp bậc nêu trên mới nhìn có vẻ rất dễ phân định, nhưng dễ gây thắc mắc cho mọi người nhất chính là tầng bậc thứ nhất: ai vừa mới sinh ra mà đã có đầy đủ trí tuệ?
Người được xem "sinh nhi tri chi giả" là người có ngộ tính cực cao. Nếu "học nhi tri chi giả" thấy một chỉ biết một, thì "sinh nhi tri chi giả" là người thông qua ngộ tính có thể học một biết ba, họ có thể tự thông suốt nhiều vấn đề mà không cần đến thầy. Chính vì có khả năng thâu tóm nhiều vấn đề trong hoạt động tư duy nên họ được xếp vào bậc cao nhất. Thế nhưng, loại người này rất khó gặp trong đời.
Khổng Tử là người học rộng, nhưng ông cũng không dám thừa nhận mình là "sinh nhi tri chi giả", mà chỉ tự nhận mình là "học nhi tri chi giả".
Hiện nay đang là thời đại bùng nổ của tri thức, tri thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống. Thế nhưng có một thứ còn quan trọng hơn cả tri thức - đó là trí tuệ, và một thứ khác còn quan trọng hơn cả trí tuệ - đó là kinh nghiệm. Mà trong kinh nghiệm, ngộ tính là điểm quan trọng nhất.
Điều này cũng có nghĩa là để nâng cao kinh nghiệm, vận dụng kinh nghiệm phù hợp với thời thế và hướng tới xây dựng cho mình loại trí tuệ mà người khác không thể thay thế được, chúng ta cần phải không ngừng nâng cao ngộ tính của chính mình. Vậy muốn đạt tới bậc cao nhất đó, chúng ta phải làm gì?
Hết sức đơn giản, chúng ta chỉ cần đem mọi thứ trên thế giới này liên kết lại với nhau trong quá trình tư duy của mình.
Vào tháng 12 năm 1979, nhà khí tượng học người Mỹ tên là Lorentz trong bài diễn thuyết tại Hội thảo xúc tiến nghiên cứu khoa học Mỹ tổ chức tại Washington đã nêu ra một quan điểm nổi tiếng như sau: chỉ cần một con bươm bướm vỗ cánh ở Braxin, thì ở bang Texas thuộc nước Mỹ có khả năng xảy ra một trận lốc xoáy. Đây chính là "hiệu ứng cánh bướm" mà mọi người hay đề cập.
Tại sao việc bươm bướm đập cánh lại có thể dẫn đến một cơn lốc xoáy ở mãi tận nơi xa? Ấy là bởi vạn vật trên thế giới này đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu bạn không nhìn thấy những mối quan hệ như thế, đó là do ngộ tính của bạn chưa đủ.
Khi ngộ tính của bạn đủ cao, kinh nghiệm có thể dẫn dắt bạn tìm ra cách thức đơn giản nhất để giải quyết dễ dàng những vấn đề hóc búa.
Tôi còn nhớ giai đoạn đầu trong lịch sử nhà nước mới ở Trung Quốc có một câu chuyện khá thú vị. Khi ấy, một Sở nghiên cứu nọ nhận được một cỗ máy do Liên Xô sản xuất có cấu tạo hết sức phức tạp. Mọi người muốn tìm hiểu cấu tạo của máy, bèn đem máy tháo rời. Sau khi tháo ra, tất cả các kỹ sư đều kinh ngạc vì bên trong thân máy có đến gần một trăm ống nhỏ, và trên hai vòng đĩa có rất nhiều ống nối nhưng không ai phân biệt được ống nào nối với ống nào.
Trong tình huống này, mọi người đều cảm thấy không thể tiếp tục tháo. Tất cả mọi kỹ sư đều đã dùng hết trí lực của mình nhưng vẫn không ai nắm được cấu tạo của máy.
Đúng lúc này, ông lão gác cổng của Sở xuất hiện, ông chỉ cần dùng hai món đồ đơn giản là đã có thể giải quyết rốt ráo vấn đề.
Ông lão dùng cái gì? Một cái là tẩu thuốc ông lão cầm trong tay, cái còn lại chính là mẩu phấn chuyên dùng để viết lên tấm bảng đen nhỏ trong phòng thông báo. Ông lão rít sâu một hơi thuốc rồi phì khói thuốc vào trong một ống nhỏ, chỉ một lát sau một ống nhỏ ở đầu bên kia có một làn khói bay ra, ông lão liền đánh số 1 vào cả hai đầu ống. Kế đó ông lại rít một hơi thuốc, lại đem khói thuốc phì vào một ống, một ống khác ở đầu bên kia lại có khói bay ra, ông lại tiếp tục đánh số 2 vào hai đầu ống. Cứ như thế ông lão tìm ra tất cả các ống nối thông với nhau.
Dựa vào đâu ông lão có thể giải quyết được vấn đề hóc búa này? Đương nhiên không phải là chỉ dựa vào những tri thức học được, mà phải từ sự kết hợp của kinh nghiệm với ngộ tính mới có thể sáng tạo ra một phương pháp hữu dụng đến thế. Ngộ tính trong câu chuyện nêu trên chính là đại trí.
Tri thức là nền tảng của trí tuệ, nhưng không hẳn cứ có tri thức là có trí tuệ.
Người thực sự có trí tuệ tuy có thể học được từ những nhân tố bên ngoài nhưng trước hết phải có sự tu dưỡng không ngừng của bản thân. Sự tu dưỡng không ngừng từ khía cạnh nội tâm của cá nhân là gì?
Trong cuộc đời mình, Khổng Tử đã khắc phục hoàn toàn bốn khuyết điểm lớn của bản thân: "Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã" (Luận Ngữ, Tử Hãn).
Thứ nhất, "vô ý" nghĩa là cắt đứt với thói quen chủ quan có tính võ đoán. Chẳng hạn như khi một việc bày ra trước mắt, không có chút manh mối nào, thế mà chúng ta chỉ vò đầu suy nghĩ trong chốc lát đã đưa ra đáp án ngay. Việc như thế, Khổng Tử dứt khoát không làm.
Thứ hai, "vô tất", là không trông đợi vào một quy luật tất yếu. Khổng Tử không bao giờ yêu cầu ai phải làm một việc theo một cách nhất định để có được một kết quả nào đó.
Thứ ba, "vô cố", tức là không bao giờ cố chấp, không giữ khư khư ý kiến của mình. Khổng Tử luôn tôn trọng quy luật biến hóa của sự việc, từ đó mới từng bước tìm ra hướng phát triển của sự việc.
Thứ tư, điều hóc búa nhất, là "vô ngã". Đó là khi Khổng Tử có thể khiến chính mình đạt tới cảnh giới "vong ngã" (quên mình), sau đó mới phán đoán về một sự vật, hiện tượng khách quan. Điều này là vô cùng khó khăn.
Con người muốn đạt đến đại trí cần phải quay về chất vấn chính bản tâm của mình, để xem bản thân đã đạt đến cảnh giới nào.
Cuộc sống ngày nay hết sức đa dạng và phức tạp, cơ hội mà nó đem tới cho con người cũng rất phong phú. Do vậy, sự cố chấp trong chúng ta cũng ngày càng ít đi, vì con người ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn trong thế giới đa dạng đó.
Thế nhưng, ngày nay có những đứa bé mới vừa bốn năm tuổi, cha mẹ đã mớm cho chúng nói những câu như: "mai sau lớn lên tôi sẽ học Đại học Bách Khoa", "tôi sẽ vào học Đại học Y Dược". Đến khi đứa bé sáu bảy tuổi, chúng lại nói "tôi nhất định sẽ thi vào khoa Điện tử, Đại học Bách Khoa", hoặc "tôi sẽ thi vào khoa Nha, Đại học Y Dược". Cha mẹ chúng ta luôn mong muốn con cái sớm lập chí, nhưng nhìn từ khía cạnh khác, cái gọi là "tất" và "cố" sẽ ngày một ăn sâu vào tâm lý con trẻ. Điều này cũng có nghĩa, nếu sau này không thi được vào khoa Điện tử của Đại học Bách Khoa, hay khoa Nha của Đại học Y Dược, đứa bé sẽ cho rằng mình đã thất bại.
Đôi khi chúng ta cần phải thay đổi cách tư duy vấn đề. Ví dụ, cuộc đời con người cần có một phương hướng rõ ràng, nhưng chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh vào một mục tiêu duy nhất. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn thông thoáng hơn rất nhiều.
Mục tiêu của chúng ta là gì? Nói cho cùng, mục tiêu chỉ là một điểm cụ thể mà ở thời điểm hiện tại chúng ta cần vươn tới, và khi chúng ta có thể chạm vào điểm ấy thì xem như đã đạt mục tiêu.
Còn phương hướng như thế nào là xuất phát từ chúng ta. Giả sử mục tiêu đó nghiêng về bên trái khoảng 10 độ, nghiêng về bên phải khoảng 10 độ, chỉ cần chúng ta có thể chạm vào bất kỳ điểm nào trong khoảng 20 độ này thì chúng cũng sẽ thuộc phương hướng của chúng ta.
Trong cuộc đời, nếu biết dành cho mình một thái độ khoan dung, chúng ta sẽ dẹp bỏ được những sự cố chấp không đáng có.
Trong điều kiện buộc phải kiên trì với những suy nghĩ của mình, chúng ta cần định cho bản thân một phương hướng rõ ràng. Tiếp đó chúng ta cần có sự điều tiết với hoàn cảnh khách quan và không ngừng hướng tới thực hiện những lý tưởng của cá nhân. Theo tôi, đó mới là cuộc đời có ý nghĩa thực sự, và làm được điều này cũng đáng được xem là trí tuệ.
Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc rằng phải làm thế nào thì một người mới có thể đạt đến cảnh giới "vô ngã"?
Trong ngữ lục của nhà Thiền có nhiều đoạn vấn đáp thú vị, nghe những lời này chúng ta sẽ dễ dàng có sự cảm ngộ sâu sắc.
Có một đệ tử tới hỏi một vị cao tăng: "Con phải làm gì mới có thể đạt đến sự giải thoát?". Thực ra đây là vấn đề gây khúc mắc trong lòng rất nhiều người. Vị cao tăng chỉ hỏi lại anh ta một câu: "Là ai đã trói con?".
Đệ tử hỏi tiếp: "Nơi đâu mới là tịnh thổ thực sự?". Cao tăng đã hỏi lại anh ta: "Là ai đã ô nhiễm con?".
Đệ tử lại hỏi: "Thế nào mới được xem là niết bàn thực sự?". Cao tăng lại hỏi: "Vậy ai đã đem sự sống, cái chết cho con?".
Con người cần được học tập từ bên ngoài, và bên trong có sự giác ngộ triệt để của bản tâm. Một khi đã đạt tới sự hòa hợp của bên trong và bên ngoài thì chúng ta vẫn cần đến một số cách thức hữu hiệu để vận dụng vào cuộc sống của mình.
Về cách thức, Khổng Tử đã chỉ rõ cho chúng ta trong Luận Ngữ: "Ngô hữu trí hồ tai? Vô trí dã. Hữu bỉ phu vấn ư ngã, không không như dã, ngã khấu kỳ lưỡng đoan nhi kiệt yên" (Luận Ngữ, Tử Hãn). Nghĩa là: Bạn thấy tôi có đáng được xem là một người có trí tuệ không? Tôi thực chẳng có trí tuệ gì cả. Từng có một người bình thường, là một lão nông dân thô kệch, đã tới hỏi tôi một số vấn đề, khi ấy trong đầu tôi trống rỗng nên tôi không thể trả lời được câu hỏi của ông ấy.
Như vậy có thể thấy, con người chẳng có ai thập toàn thập mỹ cả. Thế nhưng Khổng Tử lại nói rằng, ông có một cách, chính là gặp bất cứ việc gì cũng đều "khấu kỳ lưỡng đoan nhi kiệt yên". Điều này có nghĩa là khi đứng trước một sự việc chúng ta cần phải thoát ra bên ngoài nó để nắm bắt cho được hai cực của vấn đề. Chúng ta không nên chìm đắm trong trình tự diễn biến của sự việc, để tâm quá nhiều vào những chi tiết vụn vặt. Chỉ như vậy chúng ta mới mong tìm được cách giải quyết, và nhìn thấy chân tướng của vấn đề.
Hầu như khi đứng trước mọi việc chúng ta đều tự hỏi bản thân rằng trong trường hợp tốt nhất thì sẽ như thế nào, xấu nhất có thể sẽ ra sao, rồi sau đó mới quyết định là nên thực hiện bằng cách gì. Đây chính là cái mà Khổng Tử gọi là "khấu kỳ lưỡng đoan", tức là nắm bắt hai cực của vấn đề trước rồi sau đó mới quan sát toàn cục.
Ở đây, tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ rất nổi tiếng. Trong một lớp học thuộc một trường tiểu học của nước Đức có một cậu bé hết sức nghịch ngợm. Trước nay cậu chưa từng biết chú ý nghe giảng là gì, ngay đến cả cô giáo cũng chán ngấy với sự hiện diện của cậu bé. Để lớp học có thể yên tĩnh trong giây lát, cô giáo đã ra riêng cho cậu một đề toán, yêu cầu cậu bé ngồi tại chỗ tính nhẩm xem 1 cộng 2, cộng 3, cộng 4, cộng 5, cộng 6, cứ thế cộng đến 100 được kết quả là bao nhiêu.
Nói rồi cô giáo quay qua tiếp tục giảng bài. Thế nhưng chẳng được mấy giây, cậu bé đứng dậy nói ra tổng số của phép toán là 5050. Cô giáo vô cùng kinh ngạc, bèn hỏi cậu làm sao mà tính ra. Cậu bé nói: "1 cộng với 100 là 101, 2 cộng với 99 là 101, 3 cộng với 98 vẫn là 101, cứ như vậy cộng dồn hai đầu với nhau, cộng đến khoảng giữa, tức 50 cộng với 51 kết quả vẫn là 101. Thế thì 50 lần của 101 chẳng phải 5050 sao?". Sau này, cậu bé ấy chính là nhà số học nổi tiếng Gauss.
Phương pháp mà cậu bé Gauss dùng ở đây chính là phương pháp "khấu kỳ lưỡng đoan" cực kỳ đơn giản.
Chúng ta có thể gặp phải nhiều vấn đề nan giải, điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra phương thức giải quyết vấn đề đơn giản nhất. Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ đi theo logic mà người khác đã định, vậy làm sao để chúng ta có thể thoát ra bên ngoài một sự việc? Chỉ cần biết tự hỏi đâu là kết quả tốt nhất và đâu là lý tưởng của vấn đề, chắc chắn chúng ta có thể làm được.
Nếu xuất phát từ cách tư duy trên đây để giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những điều quá chi tiết, và không bị tổn hao quá nhiều sức lực cho công việc.
Tri thức là cơ sở, còn trí tuệ sẽ giúp chúng ta có thể nâng cao cảnh giới của mình. Mỗi người, theo sự mách bảo của trái tim, đều không ngừng tiến về phía trước. Nhờ đó ai cũng có thể tìm thấy ý nghĩa tồn tại của bản thân và làm cho cuộc đời mình trở nên phong phú hơn.
Khổng Tử có một câu nói rất hay là "nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). "Đạo" ở đây là chỉ đạo lớn của trời đất, gồm nhiều mảng tri thức khác nhau. "Nhân năng hoằng đạo" có nghĩa là con người có thể làm cho đạo nghĩa được khuếch trương, phát triển mạnh mẽ, vì đạo không phải là một thứ đạo lý chết, tri thức chết. Bằng cách đó, đạo có thể khiến cuộc đời mỗi người trở nên phong phú và vĩ đại hơn. Điều quan trọng của việc "hoằng đạo" là ở chỗ con người làm sao có thể đem đạo lý vận dụng vào cuộc sống của bản thân, đồng thời lấy chính cuộc đời của mình để vận dụng chúng.
Cuộc đời của mỗi người rốt cuộc dùng để làm gì? Tất nhiên sự sống của một người không chỉ là phương tiện để chuyển tải tư tưởng, tri thức, mà bản thân họ còn là một chủ thể có thể vận dụng "đạo". Tình cảm dào dạt trong lòng, rồi những gì mà chúng ta có thể đạt được từ việc tu dưỡng bản tâm, tất cả đều xứng đáng để chúng ta cố gắng.
Tình cảm dào dạt trong lòng, rồi những gì mà chúng ta có thể đạt được từ việc tu dưỡng bản tâm, tất cả đều xứng đáng để chúng ta cố gắng.
Khổng Tử nói: "Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả" (Luận Ngữ, Ung dã). Câu nói này của Khổng Tử có ba tầng ý nghĩa.
Trong xã hội ngày nay, "tri chi giả" không khó đạt tới. Chúng ta học một chuyên ngành, nhận một tấm văn bằng là chuyện hết sức đơn giản. Một khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp là đã có trong tay chiếc chìa khóa để bước vào ngành nghề mà bạn đã chọn, cũng đồng nghĩa với việc bạn đã hoàn thiện bước "tri chi giả". Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên, bước sơ đẳng nhất.
Bước cao hơn là bạn có được sự yêu thích đối với chuyên ngành mà mình đã chọn - "hiếu chi giả". Bạn làm việc nhiệt tình, liên tục tìm hiểu, tra cứu những vấn đề liên quan đến nó,… Chúng ta vẫn gọi đó là thái độ "tận tâm tận lực". Làm được như thế cuối cùng chắc chắn bạn có thể ứng dụng được nó. Tuy nhiên, rõ ràng đây vẫn chưa phải là cảnh giới lý tưởng.
Theo lời Khổng Tử, cảnh giới cao nhất là "lạc chi giả". Nghĩa là, chúng ta phải vui cùng công việc, có cảm giác được hưởng thụ trong công việc, lúc nào cũng cảm thấy thích thú với công việc. Không chỉ là lương, không chỉ là sự nghiệp, không chỉ là sự biểu dương, mà chính sự thích thú của bạn trong công việc mới là điều quan trọng nhất.
Không chỉ là lương, không chỉ là sự nghiệp, không chỉ là sự biểu dương, mà chính sự thích thú của bạn trong công việc mới là điều quan trọng nhất.
Trí tuệ trong thế giới này có những điều có thể quan sát được, nhưng cũng có những điều chỉ có thể nắm bắt thông qua sự cảm ngộ. Tìm hiểu triết lý mà các bậc thánh hiền nêu ra, cuối cùng chúng ta phát hiện ra rằng: cảnh giới cao nhất của trí tuệ là sự giác ngộ triệt để trong lòng chúng ta, và mục đích cao nhất là tìm được niềm vui trong cuộc sống của mỗi người.
Vậy nên, chỉ cần tâm trí của chúng ta còn, tri thức sẽ có khả năng chuyển hóa thành trí tuệ. Làm cho sự vật hòa hợp cùng với tâm trí của mình, đó là cách để bạn tu dưỡng tốt nhất.
Có một câu chuyện khá thú vị như sau: có một nhà khoa học nọ, mỗi ngày ông đều suy nghĩ về mối quan hệ giữa thế giới và con người. Một ngày kia, ông rơi vào trạng thái lo lắng khi sắp phải dùng vấn đề này làm chủ đề cho một buổi thuyết giảng. Ông không biết làm cách nào để giải thích nó từ góc độ lý luận. Trong quá trình ông chuẩn bị cho bài diễn thuyết, con trai ông không ngừng nghịch phá bên cạnh.
Không có cách nào để thằng bé yên lặng, ông cảm thấy bức bối, bèn thuận tay lật vài trang tạp chí. Lật đến trang cuối cùng, trên mặt bìa của cuốn tạp chí là tấm bản đồ thế giới được in với màu sắc rất đẹp. Ông thuận tay xé rời tờ giấy, lại xé nát nó thành nhiều mảnh vụn khác nhau, rồi vứt tất cả xuống nền nhà. Ông bảo với thằng bé rằng: "Con hãy đem bức tranh này xếp và dán lại, nếu làm tốt, cha sẽ thưởng cho con". Đưa cho cậu bé hộp hồ dán, ông thầm nghĩ, thằng bé mới có tí tuổi, tấm bản đồ này chắc chắn đủ để nó dán đến mấy tiếng đồng hồ, phen này mình được yên tĩnh rồi.
Thế nhưng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau, cậu bé đã làm xong công việc được giao. Người cha thoạt nhìn vào đã cảm thấy hết sức kinh ngạc: cậu bé đã sắp xếp và dán lại y nguyên tấm bản đồ, trong khi cậu hoàn toàn không có một chút khái niệm nào về địa lý. Ông liền hỏi cậu nhóc đã làm công việc này ra sao.
Cậu bé cười híp mí, nó lật lại tấm bản đồ cho ông xem rồi nói: "Ba, con phát hiện mặt bên này là ảnh một đầu người, con đã xếp lại theo hình đầu người đó. Con nghĩ, nếu người này là chính xác, thì bức tranh này cũng sẽ chính xác". Nhà khoa học đến lúc này mới vỡ lẽ ra vấn đề của chính mình, ông lập tức xác định chủ đề thuyết giảng của mình ở ngày hôm sau: khi một người là chính xác, thế giới của anh ta cũng sẽ chính xác.
Hiểu được thái độ này cũng chính là hiểu được cảnh giới cao nhất của trí tuệ. Trí tuệ xuất phát từ tâm linh của con người, và nơi nó dừng lại chính là ở cuộc sống của mỗi người.