Ngày nay, thông tin vô cùng đa dạng và phức tạp; những tin tức bổ ích lẫn vô ích không ngừng tăng sức ép lên nhận thức của con người. Mỗi người cần phải tĩnh tâm suy nghĩ về việc thu nhận kiến thức của chính mình. Phải chăng tất cả mọi thông tin đều cần thiết đối với chúng ta?
Chỉ có thông qua học tập, con người mới có thể biết được giá trị thực sự của một sự vật, hiện tượng nào đó. Thế nhưng nhiều khi dù đã học nhưng chưa chắc những điều học được đã có tác dụng đối với chúng ta. Không hẳn tất cả tri thức đều được ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Chúng ta cần phải tự hỏi rằng mình cần học cái gì? Phải học như thế nào? Phải làm thế nào để có thể dung hợp những điều đã học được vào cuộc sống thường ngày của mình?
Chúng ta từng nói rằng trong Luận Ngữ có rất nhiều trí tuệ, vậy làm thế nào để con người có thể tu dưỡng thành công về mặt trí tuệ?
Một cách tu dưỡng trí tuệ quan trọng là dựa vào học tập. Hầu như ai cũng có nhu cầu được học, nhưng chất lượng học tập của mỗi người là không giống nhau. Vậy người như thế nào thì có thể học thành tài? Đây thực sự là vấn đề có nhiều khía cạnh đáng nói.
Khổng Tử không phải là người thuộc chủ nghĩa không tưởng. Ông từng nói: "Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư, vô ích, bất như học dã" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Câu này có nghĩa, nếu như một người ngày không ăn, đêm không ngủ, lúc nào cũng chỉ để tâm suy nghĩ là làm sao có thể hiểu rõ về thế giới này, thì cho dù có nghĩ vỡ trán cũng chẳng có tác dụng gì, chẳng bằng anh ta chăm chú vào việc học.
Để thực hiện lý tưởng, biến ước mơ thành hiện thực, mỗi người cần phải không ngừng học tập.
Trong quá trình học tập, học vấn cần phải thấm sâu vào nội tâm và trở thành một phần không thể thiếu của nội tâm. Còn nếu chúng ta chỉ ngày ngày mon men bên ngoài ranh giới thực sự của học vấn thì việc học sẽ chẳng có tác dụng gì. Vậy nên, Khổng Tử từng nói: "Quần cư chung nhật, ngôn bất cập nghĩa, hiếu hành tiểu huệ, nan hĩ tai!" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Nhiều khi một nhóm người quây quần bên nhau cả ngày xem ra hết sức náo nhiệt và có vẻ họ đang học một thứ gì đó, thế nhưng họ chỉ bàn về những chuyện chẳng đâu vào đâu. Có khi họ chỉ dùng đến rất ít kiến thức mà thích khoe khoang tài vặt hơn. Khổng Tử nói, dạy dỗ được những người này để giúp họ nâng cao tầm nhìn trong cuộc sống thực sự là một việc khó.
Hàng ngày chúng ta thường hay dùng đến từ "giới hạn". Ví dụ nói phương pháp làm việc của anh có giới hạn, phương thức tư duy của anh có giới hạn. Vậy "giới hạn" là gì? Đó chính là do quy cách thực hiện quá nhỏ nên dẫn đến bị hạn chế.
Trên thế giới này, cuộc đời của mỗi người là không giống nhau, thậm chí là khác biệt rất lớn.
Nếu bạn muốn đạt tới một cảnh giới rộng mở của cuộc sống, thì đầu tiên bạn cần tự hỏi chính mình rằng giới hạn cho cuộc sống của bạn rốt cuộc là bao nhiêu?
Những người từng học môn cờ vây thường có chung một cảm giác như sau: ban đầu có một quân cờ của thầy sẽ dính mãi ở một vị trí, còn quân cờ của bạn thì không ngừng thêm vào, cuối cùng bạn chỉ còn lại một góc cực nhỏ và nhận lấy điểm không. Những người thầy giỏi không bao giờ dạy học trò cách tính toán cho từng bước cờ ở bài học đầu tiên, mà phải dạy họ cách bố cục trên toàn bộ bàn cờ. Một khi bố cục bàn cờ được khai triển rộng ra, nếu giả sử một quân không may mất đi thì các vị trí khác vẫn có thể cứu vãn tình thế.
Cuộc đời của con người thực ra cũng vậy, quan trọng là bạn có được bao nhiêu không gian để triển khai.
Cuộc đời của con người thực ra không khác với việc đánh cờ, quan trọng là bạn có được bao nhiêu không gian để triển khai.
Việc một người thành thục một kỹ năng nào đó là không khó, thế nhưng cái mà họ đạt được trong suốt cuộc đời có thể chỉ là một vài cây chứ không phải là cả một khu rừng, hoặc chỉ là một góc trên bàn cờ chứ không phải là toàn cục.
Phải chăng cứ có nhiều người cùng nhau bàn bạc thì nhất định sẽ sinh ra đại trí? Đôi khi, nếu một người không biết tự phản tỉnh mà cứ mãi bàn bạc, nghị luận, thì chính những điều được bàn bạc, nghị luận đó có thể chỉ hoàn toàn vô dụng, uổng phí công sức mà thôi.
Chúng ta đều biết, Socrates là một nhà hùng biện, cũng là một triết gia. Có người từng đi tìm ông để học kỹ năng diễn thuyết. Người này cho rằng kiến thức nền tảng của mình rất tốt. Thế là từ lúc bước vào cửa, anh ta bắt đầu nói không ngớt. Anh ta nói: "Ông xem, sở dĩ tôi có đủ dũng khí để đến chỗ ông đây là do tôi sinh ra đã có tài ngôn ngữ, khả năng tư duy của tôi mẫn tiệp, tôi biết rõ đối với việc nào thì khả năng của tôi đạt đến đâu".
Socrates nhìn anh ta rồi nói: "Thế thì anh phải nộp hai phần học phí". Anh ta ngạc nhiên: "Tại sao lại như thế?". Socrates nói: "Vì trước khi dạy anh làm thế nào để dùng lưỡi nói chuyện, tôi còn phải dạy anh làm thế nào để khống chế cái lưỡi của mình".
Bạn có nghĩ rằng một người luôn miệng nói không ngớt là có thể chứng tỏ mình có trí tuệ? Khổng Tử nói: "Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã" (Luận Ngữ, Dương Hóa). Một người nghe được những lời đồn đại trên đường, sau đó lập tức đem những lời ấy kể cho người khác, việc này khiến cho có biết bao thông tin ngụy tạo được truyền đi khắp nơi. Thế nên theo Khổng Tử, hành động này chính là sự vứt bỏ đạo đức.
Có một câu chuyện rất hay kể rằng: có một triết gia vốn trầm tính. Ngày kia, một người bạn của ông chạy hộc tốc tới, vui vẻ nói: "Tôi muốn nói cho ông biết một tin hết sức quan trọng".
Triết gia ngăn anh ta lại, nói: "Bất kỳ tin tức nào của ông trước khi nói ra khỏi miệng cũng đều phải sàng qua ba lần. Thứ nhất, ông có xác nhận đây là tin tức có thật?". Người bạn đó chết sững vì bất ngờ, lát sau mới trả lời rằng: "Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó, tin này không nhất định là thật".
Triết gia cười nói: "Sàng thứ hai, ông có xác định tin này thực sự mang ý tốt hay không?". Người bạn nghĩ một lát, nhưng vẫn không dám khẳng định.
Chúng ta đều biết, phạm vi truyền bá của tin xấu, tin thất thiệt thường rộng hơn rất nhiều so với phạm vi truyền bá của tin tốt. Thêm vào đó, tốc độ truyền bá của chúng cũng thường nhanh hơn rất nhiều lần so với tốc độ truyền bá của tin tốt.
Tiếp đó, triết gia lại hỏi câu hỏi thứ ba: "Ông hãy dùng cái sàng thứ ba để sàng qua xem thử tin tức mà ông muốn nói với tôi có thực sự quan trọng hay không?". Người bạn nghĩ một lát rồi nói: "Dường như cũng không mấy quan trọng".
Triết gia nói: "Cả ba cái sàng đều đã sàng qua, theo tôi thấy, tin này của ông cho dù không nói ra cũng chẳng có hại gì với chính ông".
Chúng ta thử nghĩ xem, những việc được đồn đại nơi đầu đường xó chợ nhất thời có thể khiến bạn hưng phấn, thế nhưng nếu đã sàng qua ba lần như vậy thì bạn có còn thấy nhất định phải nói việc đó ra nữa hay không? Những thông tin, tri thức trong xã hội ngày nay thường hết sức phức tạp nên việc tiếp thu cái nào, học cái nào đều cần phải thông qua sự sàng lọc, lựa chọn kỹ càng.
Khổng Tử nói: "Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỷ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Nghĩa là, nếu một người không chú ý tu dưỡng đạo đức, lại không chịu theo đuổi học vấn, thì anh ta sẽ không có bất kỳ một hệ tham chiếu nào trên đời này. Cho dù anh ta có nghe được những việc chính nghĩa thì cũng không biết tự mình đi làm, nhìn thấy những điểm không tốt của mình cũng không biết tự sửa chữa. Khổng Tử nói, đó đều là những việc mà ông luôn cảm thấy lo lắng.
Giả sử học vấn của một người rất rộng, nhưng những tri thức mà anh ta học được lại hoàn toàn không có tác dụng gì với cuộc sống của anh ta, không giúp anh ta tiến bộ, thế thì những tri thức này có được xem là học vấn không?
Nhắc đến Khổng Tử, chúng ta đều biết trong lịch sử ông từng được tôn xưng là "chí thánh tôn sư", "vạn thế sư biểu". Rất nhiều người đã hỏi chúng tôi một câu như thế này: "Khổng Tử sống cách chúng ta một khoảng thời gian xa như thế, đương thời đời sống vật chất hết sức lạc hậu, vậy Khổng Tử làm cách nào để xây dựng hệ thống tư tưởng của mình? Ông học được kiến thức từ đâu?".
Về vấn đề này đương thời mọi người không tiện hỏi trực tiếp Khổng Tử nên đã đi hỏi những học trò của ông.
Sách Luận Ngữ, thiên Tử Trương chép: đại phu nước Vệ là Công Tôn Triều hỏi Tử Cống rằng: "Thầy của thầy học được nhiều thứ đó từ đâu?". Tử Cống trả lời: "Văn Vũ chi đạo, vị trụy ư địa, tại nhân. Hiền giả thức kỳ đại giả, bất hiền giả thức kỳ tiểu giả, mạc bất hữu Văn Vũ chi đạo yên. Phu tử yên bất học? Nhi diệc hà thường sư chi hữu?" (Đạo của vua Văn Vương, vua Vũ Vương bị chôn vùi dưới đất vẫn còn lưu lại trong dân gian. Người hiền tài học th̀ì biết việc lớn, người thường học thì được việc nhỏ. Đạo của hai vua chỗ nào cũng có. Thầy tôi không chỗ nào không học, cần gì phải có một thầy nào?).
Ý của Tử Cống ở đây là, đạo lý của các bậc thánh hiền xưa từ đạo trị quốc, kinh bang tế thế đến những học vấn liên quan đến việc "tu thân, tề gia",… đều không phải là không còn truyền đến ngày nay, không phải đều đã mất mát hết. Vậy phải học những điều đó ở đâu? Chính là học từ con người, học trong dân gian.
Điều này cũng có nghĩa, học vấn cổ kim không chỉ được hình thành trên cơ sở văn tự như khắc trên thẻ tre, viết trên giấy thì mới được xem là tri thức, mà nó bao gồm tất cả những hành vi, giá trị, lễ nghi, phong tục tập quán của con người. Những tri thức này đều thể hiện trong đời sống con người, chỉ có điều là mỗi người thể hiện mỗi khác mà thôi.
Như vậy, hệ thống tư tưởng của Khổng Tử là được học từ dân gian, học từ những người khác. Ông học chúng có dễ dàng không? Khổng Tử thông qua hai bước tổng hợp và cảm ngộ để hình thành hệ thống tư tưởng của mình. Như vậy, thực ra không có khuôn mẫu nào là luôn đúng, nên chúng ta không nhất thiết chỉ học từ một thầy duy nhất.
Chúng ta cần phải học tập từ tất cả mọi người. Khổng Tử từng nói: "Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Tức là, trong ba người đi trên đường ắt sẽ có người có thể làm thầy ta. Vậy nên học điều gì ở họ? Chúng ta thấy họ có điều gì tốt thì học theo, còn điều nào không tốt ở họ thì chúng ta ghi nhớ trong lòng để tránh mắc phải những lỗi giống y như họ.
Học kiến thức trong sách vở không bằng học kiến thức trực tiếp từ người đời.
Học kiến thức trong sách vở không bằng học kiến thức trực tiếp từ người đời. Nếu có được sự giác ngộ như thế, việc học sẽ có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi. Tử Cống từng hỏi Khổng Tử rằng: "Tại sao Khổng Ngữ lại có được tên thụy là ‘Văn’?". Khổng Tử trả lời: "Mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn, thị dĩ vị chi Văn dã" (Luận Ngữ, Công dã tràng). Nghĩa là, người này thông minh, chăm chỉ lại ham học hỏi, không cảm thấy thẹn khi hỏi người dưới mình, vậy nên tên thụy của ông ta được đặt là "Văn".
Một người trong lòng sẵn có trí tuệ, mẫn cảm lại ham học hỏi, thậm chí không thẹn khi đi thỉnh giáo những người dưới mình. Đây thực sự là thái độ không dễ có trong đời.
Thái độ này còn được học trò của Khổng Tử là Tằng Tử phát triển thêm một bước. Trong thiên Thái Bá của Luận Ngữ, Tằng Tử nói: "Dĩ năng vấn ư bất năng, dĩ đa vấn ư quả; hữu nhược vô, thực nhược hư, phạm nhi bất giảo. Tích giả ngô hữu thường tùng sự ư tư hĩ".
Câu của Tằng Tử nghĩa là, một người dù bản thân rất có năng lực nhưng vẫn không ngại học hỏi từ những người không chút tài năng; dù bản thân rất hiểu biết nhưng vẫn khiêm tốn thỉnh giáo những người ít học vấn hơn mình; người đó bên trong tràn đầy tri thức nhưng bên ngoài thì đơn giản như không; và cho dù bị xúc phạm thì người đó cũng không so đo tính toán. Bạn của ta ngày xưa chính là một người như vậy.
Chúng ta thử nghĩ xem, phải chăng một người càng tỏ ra cao ngạo, ỷ thế hơn người thì càng dễ bị xúc phạm? Chỉ có những người tĩnh lặng mới có thể làm được "phạm nhi bất giảo", tức là dù bị xúc phạm cũng không tính toán so đo. Người vừa hiếu học lại vừa khiêm tốn, có vốn học vấn sâu rộng nhưng vẫn giữ trạng thái tĩnh lặng, đó chính là cảnh giới mà Tằng Tử ngưỡng mộ. Các nhà chú thích Luận Ngữ trước nay đều cho rằng, người bạn mà Tằng Tử nhắc tới ở đây là Nhan Uyên.
Trong hai đoạn trích được đề cập trên đây đều nêu ra khái niệm "bất sỉ hạ vấn". Nên hiểu thế nào là "hạ"? Ở đây chúng ta tạm thời không đề cập đến các khía cạnh tri thức, địa vị, giai cấp, mà đơn giản chỉ xét từ góc độ tuổi tác. Phải chăng là người lớn luôn có tư cách, có quyền giáo huấn con trẻ? Tầm nhìn của con trẻ chẳng lẽ lại không thể cho chúng ta một hệ tham chiếu khác hay sao? Trong xã hội ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi một kiểu logic nhìn nhận vấn đề nào đó. Tất nhiên không nhất thiết phải gọi là "cao thấp", thế nhưng đó phải là một góc nhìn mới, một phương thức tư duy mới.
Vào năm 1975, hơn 70 nhân vật từng đoạt giải Nobel cùng tụ họp về Paris tham dự một cuộc gặp mặt hết sức long trọng. Tham dự buổi gặp mặt hôm ấy còn có rất nhiều đại biểu đến từ các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới. Trong số câu hỏi dành cho các tác giả từng đoạt giải, có một câu hỏi như sau: "Các vị là những nhân vật kiệt xuất của thế giới, vậy xin hỏi, rốt cuộc các vị đã học được điều quan trọng nhất của cuộc sống từ trường đại học hoặc viện nghiên cứu nào?". Kết quả, đáp án được mọi người cho là giá trị nhất chính là trường mẫu giáo.
Có một nhà khoa học nói ông đã học được rất nhiều từ trường mẫu giáo, ví dụ, biết chia sẻ cùng mọi người, biết tuân thủ các nội quy, quy tắc, trước khi ăn cơm biết rửa tay, đối với người khác biết khiêm tốn nhường nhịn, nếu lỡ làm chuyện gì sai thì biết xin lỗi…
Giả sử để chúng ta quay trở về với trường mẫu giáo, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng ở đó có rất nhiều đạo lý. Trong đó, mỗi đạo lý là một phương thức tư duy cực kỳ đơn giản.
Ý nghĩ của con trẻ, đôi khi trực tiếp và đơn giản, nhưng lại rất gần gũi với chân lý.
Từng có một thí nghiệm hết sức thú vị. Trên một quả khinh khí cầu có ba người, khi đang bay trên không trung đột nhiên xuất hiện tình trạng hỏng hóc, bắt buộc phải bỏ bớt một người mới có thể giữ được tính mạng của hai người còn lại. Thế nhưng cả ba người này đều là những nhà khoa học hàng đầu của thế giới. Người thứ nhất là một nhà môi trường học, ông ta có thể bảo đảm sự cân bằng sinh thái của thế giới. Người thứ hai là một chuyên gia hạt nhân, ông ta có thể ngăn ngừa những cuộc chiến tranh hạt nhân. Người thứ ba là một nhà nông học, ông ta có thể đảm bảo cung cấp lương thực cho loài người. Vậy trong ba người này, nên bỏ ai?
Theo logic suy luận của người lớn, họ sẽ không ngừng so sánh giữa môi trường, hòa bình và lương thực, lĩnh vực nào quan trọng hơn? Đúng lúc này có một em bé kêu lên rằng: "Hãy đem người mập nhất vứt xuống!". Đáp án này có thể nói là đơn giản nhất, đồng thời cũng là đáp án hợp lý nhất.
Trẻ em đôi khi có thể đem đến cho chúng ta những cách tư duy, cách nhìn nhận vấn đề mới mẻ. Một đứa bé chạy về nhà, nó sung sướng nói với ba rằng: "Ba biết không? Trong quả táo có chứa nhiều ông sao, ba muốn bao nhiêu ông sao thì sẽ có bấy nhiêu ông sao". Người cha nghĩ, đây chắc chắn là chuyện của thế giới cổ tích, bèn gật đầu cho xong chuyện. Nhưng đứa bé nói: "Không, con muốn ba nhất định phải xem". Nói rồi nó thuận tay cầm lên một quả táo, dùng dao cắt ngang thân quả.
Giữa mặt cắt ngang của quả táo có hình một ngôi sao. Đứa bé lại cắt thêm một miếng, lại một ngôi sao khác xuất hiện. Đứa bé vẫn không ngừng cắt ngang quả táo, hàng loạt ngôi sao liên tục xuất hiện trước ánh mắt ngỡ ngàng của người cha. Phát hiện của đứa bé trong trường hợp này là hoàn toàn đúng.
Còn người lớn chúng ta thì sao? Trước nay chúng ta chỉ luôn bổ táo theo chiều dọc. Chúng ta không thích cắt ngang quả táo, thế nên ta không hề biết rằng trong quả táo lại có chứa rất nhiều ngôi sao.
Trong một số trường hợp, trẻ em có thể làm thầy của người lớn. "Bất sỉ hạ vấn" không nhất thiết chỉ hạn chế ở việc thỉnh giáo những người có kiến thức và địa vị thấp hơn mình. Nhiều khi, cũng như con trẻ nhìn thế giới, chúng ta cần chuyển đổi phương thức tư duy, khi đó chúng ta sẽ học được nhiều hơn từ việc này.
Vậy chúng ta phải học tập ra sao? Việc học tập cần thiết phải có sự liên tưởng, nói một nhưng phải hiểu ba. Phương pháp giáo dục của Khổng Tử chính là như vậy. Khổng Tử không phải là kiểu thầy giáo nhồi nhét kiến thức cho học trò bằng mọi giá, nguyên tắc của ông luôn là: "Bất phẫn bất khải, bất hỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi).
Thế nào gọi là "phẫn"? Đó là một người chú trọng đến việc dụng tâm, dụng gần đến điểm tận cùng, đặc biệt uất ức muốn tìm hiểu để biết được kết quả. Khổng Tử nói, học trò mà chưa đạt đến trình độ đó, ta quyết không khai thông cho hắn. Vậy thế nào là "phỉ"? Đó là một người trong lòng có điều suy tư nhưng miệng không biểu đạt ra được, nên trong lòng cảm thấy hết sức bực dọc. Khổng Tử nói, học trò mà chưa đến tình trạng này, ta quyết không gợi ý cho hắn.
Thế nhưng, bạn muốn học thì trước hết còn phải xem bạn có phải là người có thể nghe một mà biết ba hay không. Nếu "cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản", "tắc bất phục dã", nghĩa là nếu nói cho bạn một góc tường mà bạn không thể nhìn thấy ba góc nhà còn lại, thì quyết sẽ không dạy bạn nữa. Phương pháp giáo dục chú trọng việc thiết lập mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng với nhau trong quá trình tư duy như "cử nhất phản tam" là không dễ đạt tới. Tuy vậy, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện và thích ứng.
Một thầy giáo giỏi không nhất định phải "miệng cứng lòng mềm" (khổ khẩu bà tâm), không phải cứ liên tục la hét là có hiệu quả giáo dục tốt. Người thầy tốt đôi khi chỉ cần vẽ rồng thêm mắt, để cho học sinh tự mình đi khám phá và hoàn thành quá trình tư duy và giác ngộ.
Khổng Tử còn có một chiêu hết sức lợi hại là "nhân tài thi giáo", tức là tùy vào khả năng của mỗi học trò mà ông có cách giảng dạy khác nhau. Vậy nên, dù cùng một vấn đề nhưng với mỗi người, mỗi lúc, mỗi nơi, Khổng Tử luôn đưa ra những đáp án khác nhau.
Trong thiên Tiên tiến sách Luận Ngữ chép việc Tử Lộ đến hỏi thầy rằng: "Nghe thấy một việc, con lập tức phải hành động ngay phải không?". Khổng Tử nói: "Có mặt cha ngươi ở đó, ngươi dám tùy tiện hành động sao?".
Đúng lúc này Nhiễm Hữu lại đến, Nhiễm Hữu hỏi: "Nghe thấy một việc, lập tức có thể hành động phải không?". Vẫn là câu hỏi như của Tử Lộ, nhưng Khổng Tử lại nói một cách hết sức dứt khoát: "Nghe xong là có thể làm".
Người học trò thứ ba là Công Tây Hoa nghe xong, hỏi: "Câu hỏi của hai người đều giống y như nhau, tại sao một người thì thầy nói có mặt gia trưởng nên không thể hành động, còn người khác thầy lại nói có thể lập tức hành động. Con càng nghe càng thấy không hiểu, xin thầy hãy nói cho con biết tại sao?".
Khổng Tử đáp: "Nhiễm Hữu tính tình khiếp nhược, anh ta làm việc gì cũng thường do dự không thể quyết được. Thế nên ta thúc giục anh ta phải thực hiện ngay, cốt để khích lệ anh ta mau chóng hạ quyết tâm. Riêng Tử Lộ vốn trước nay dũng mãnh hơn người, việc gì cũng dám làm, thế nên cần phải để anh ta thận trọng hơn một chút, phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ rồi mới bắt tay vào làm".
Đây chính là phương pháp giáo dục của Khổng Tử. Trong cuộc sống, nếu hỏi cùng một câu hỏi giống nhau với những người khác nhau thì thường sẽ nhận được những đáp án hoàn toàn khác nhau. Sở dĩ có điều này là bởi chủ thể mà người trả lời nhắm tới là khác nhau.
Chúng ta thường gặp phải những câu hỏi nhằm truy tới những vấn đề cơ bản nhất của đời sống con người. Ví dụ, rốt cuộc giá trị đích thực của cuộc đời là gì? Con người sống là vì điều gì? Cuộc đời con người như thế nào thì được xem là thành công? Cuộc sống như thế nào thì được xem là hạnh phúc?... Xét từ một góc độ nhất định, nếu những câu hỏi này không gắn liền với cuộc sống và số phận của từng cá nhân thì chúng sẽ trở nên khiên cưỡng, giả dối, vì mỗi người luôn có niềm vui, nỗi buồn và số phận khác nhau.
Thế nào là "học" thực sự? Bí quyết là trước tiên bạn cần phải hiểu rõ chính mình, và chỉ học những gì mình thực sự cần. Một bác sĩ thực thụ sẽ không bao giờ kê cùng một loại thuốc kháng sinh cho mọi người bệnh, vì loại kháng sinh mà mỗi bệnh nhân cần là khác nhau. Bác sĩ phải có kế hoạch bổ sung kháng sinh hợp lý ở mỗi trường hợp cụ thể thì mới có thể trị dứt căn bệnh được. Cũng tương tự như vậy, thế giới tinh thần của mỗi người cần có sự cân bằng, tổng hợp của tất cả các yếu tố.
Có thể ngày nay chúng ta không có được những người thầy như Khổng Tử, thế nhưng trên thế giới này làm gì có người nào vừa sinh ra đã làm thầy? Chỉ cần chúng ta chú ý tiếp thu, siêng năng học tập thì sẽ không nơi nào là không có thầy. Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải hiểu rõ mình là ai, mình cần gì? Nếu bạn luôn cân nhắc điều này, bạn sẽ không khó để xác định rõ những điều mình cần học, và bạn sẽ dễ dàng đạt tới sự cân bằng trong cuộc sống.
Thái độ của mỗi người đối với cuộc sống sẽ quyết định mức độ quan hệ của họ với thế giới này. Có một câu chuyện rất hay: một gia đình nọ sinh được hai đứa trẻ hoàn toàn khác nhau, một đứa từ khi sinh ra đã luôn lạc quan yêu đời, còn một đứa lại luôn chìm đắm trong bi quan. Người cha rất buồn, ông quyết tâm dùng nhân tố môi trường để tác động vào các con. Ông đem đứa bé luôn lạc quan nhốt vào chuồng ngựa đầy phân hôi thối, và dẫn đứa bé luôn bi quan vào căn phòng đẹp nhất, đồng thời còn mua rất nhiều đồ chơi mới, hấp dẫn bày quanh nó.
Khi trời sắp tối, người cha đến xem thử đứa con luôn bi quan của mình có vui lên được chút nào không. Vừa bước vào phòng ông thấy con ông mặt đầy nước mắt ngồi thu lu giữa đống đồ chơi, trong khi không một món đồ chơi nào được mở ra. Người cha hỏi: "Tại sao con không chơi đồ chơi cha mua cho con?". Đứa bé trả lời: "Cả buổi chiều nay con càng nghĩ càng thấy đau lòng. Con nghĩ là với bất kỳ một đồ chơi nào, chỉ cần chúng ta mở ra chơi thì sẽ có lúc nó hỏng, thế nên con không thể quyết định được là phải chơi cái nào trước".
Kế đó, người cha lại tới chuồng ngựa. Trước mắt ông là đứa con luôn lạc quan với toàn thân dính đầy phân ngựa, nó còn sung sướng không ngừng đào bới đống phân trong chuồng. Người cha hỏi: "Con đang tìm gì vậy?". Đứa bé đáp: "Cha à, trước nay con luôn nghĩ là có một chú ngựa non được giấu trong đống phân này. Vậy nên cả buổi chiều nay con đã đào phân để tìm nó".
Bạn thử nghĩ xem, đây chính là hai thái độ sống hoàn toàn khác nhau. Những thứ bề ngoài không thể quyết định tính cách, cuộc đời của con người, mà hoạt động của thế giới nội tâm mới quyết định tất cả.
Những thứ bề ngoài không thể quyết định tính cách, cuộc đời của con người, mà hoạt động của thế giới nội tâm mới quyết định tất cả.
Đối với việc học, mỗi người đều cần phải chú ý phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của mình. Đó cũng là sự phối hợp nhịp nhàng trong việc xử trí giữa ưu điểm và nhược điểm của từng cá nhân.
Quá trình này sẽ đem lại cho chúng ta tri thức cùng sự cảm ngộ sâu sắc về cuộc sống. Thế nhưng, tại sao con người cần phải học?
Khổng Tử từng nói như thế này: "Học thông ba trăm bài Kinh Thi, khi được giao chính sự thì làm không nổi, đi sứ nước ngoài không ứng đối được. Học nhiều thế có ích gì?" (Luận Ngữ, Tử Lộ).
Ở Trung Quốc, Kinh Thi từng được dùng làm sách giáo khoa, bởi vì "Thơ dạy người ta biết biểu đạt tư tưởng tình cảm trong lòng, có thể quan sát sự vật hiện tượng, có thể đem con người đến gần nhau hơn. Thơ còn là nơi mà niềm ai oán được thổ lộ. Gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại có thể nhận biết, ghi nhớ tên của nhiều loài chim muông cây cỏ" (Luận Ngữ, Dương Hóa).
Khổng Tử nói, nếu có một người thuộc và hiểu Kinh Thi đến độ nhuần nhuyễn như cháo, thế nhưng khi giao việc anh ta lại không làm được; phái đi lo công việc ngoại giao, đàm phán, anh ta cũng làm không xong. Thế thì việc anh ta học Kinh Thi đến độ nhuần nhuyễn nào có tác dụng gì đâu.
Câu nói trên đã nêu rõ thái độ dứt khoát của Khổng Tử, đó là học cần phải đi đôi với hành, phải hướng đến khía cạnh "trí dụng". Điều này có nghĩa là, trong bối cảnh không ngừng biến đổi của thế giới, người trí thức cần phải gánh vác mọi trách nhiệm của thời cuộc.
Nhà Lý học Trương Tải đời Tống từng nói rất hay rằng: "Vị thiên địa lâm tâm, vị sinh dân lập mệnh, vị vãng thánh kế tuyệt học, vị vạn thế khai thái bình" (Tống Nguyên học án, Hà Cừ học án). Câu này có nghĩa, sinh ra trong trời đất, việc lập chí của bạn cần phải bao la, rộng lớn. Bạn phải gánh một số trách nhiệm thay cho trăm họ, kế thừa và phát huy việc học của thánh hiền, đồng thời bạn cần làm mọi việc để mở ra nền thái bình cho vạn đời sau. Đây cũng chính là quan điểm học đi đối với hành, với "trí dụng".
Có thể có người sẽ hỏi, phải chăng những thứ mình học được đều có thể dùng được? Những tri thức trong Kinh Thi mang dấu ấn của thời đại tác phẩm ra đời, vậy đem chúng đặt vào thời đại ngày nay liệu có còn thích hợp hay không?
Thực ra, nhiều tri thức thời cổ vẫn có khả năng được sử dụng ở một số tình huống nhất định trong xã hội hiện đại. Ngày nay, một người có thể có nhiều tri thức, lấy được nhiều văn bằng, nhưng nếu không có kinh nghiệm thực tế thì những tri thức mà họ đạt được lại khó có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp.
Trong phòng thí nghiệm của Edison từng có một thanh niên tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng, anh ta rất giỏi số học và là một trợ thủ đắc lực cho công việc nghiên cứu của Edison.
Edison làm thí nghiệm, bận tối mắt tối mũi, ông thuận tay cầm bình thủy tinh hình quả lê đưa cho chàng trai, nhờ anh ta mau tính toán dung tích của chiếc bình. Chàng thanh niên nhất thời sững người, không biết phải xử trí ra sao. Chàng ta nghĩ: "Vật hình quả lê này biết phải tính dung tích làm sao? Trong khi phần dưới của nó thì tròn, phần trên lại dài, tìm đâu ra công thức để tính dung tích cho nó đây?".
Edison đang bận làm thí nghiệm, rất lâu sau vẫn thấy người trợ tá đứng một chỗ tính tính nhẩm nhẩm, thậm chí còn lôi ra rất nhiều công cụ tính toán. Không thể nhẫn nại hơn nữa, Edison cầm lấy chiếc bình thủy tinh và đổ đầy nước vào bình, sau đó đổ hết nước vào cốc đo. Ông nói với chàng trai: "Đây chính là dung tích thực sự của nó".
Vậy thế nào là học đi đôi với hành, là "trí dụng"? Học vấn thực sự thường thể hiện ở những điều đơn giản nhất. Câu chuyện của Edison chính là một ví dụ cụ thể.
Trong xã hội ngày nay, cái gọi là "học đi đôi với hành" không chỉ cần khảo sát chỉ số IQ mà còn phải xem bạn xử lý vấn đề ra sao, bạn có khả năng ứng xử linh hoạt trong những tình huống khó khăn hay không.
Có một câu chuyện rất hay liên quan đến việc tuyển nhân sự. Vị giám đốc nọ muốn tuyển một trợ lý, một ngày kia có ba người cùng lúc xin dự tuyển. Một người có trình độ học vấn rất cao, đã lấy được học vị tiến sĩ. Một người khác có hơn 10 năm kinh nghiệm công tác. Người còn lại kém nhất trong số ba người vì trình độ học vấn của anh không cao mà kinh nghiệm công tác cũng thiếu, anh ta chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp.
Vị giám đốc ngồi trong phòng làm việc của mình, bảo cô thư ký gọi từng người vào. Cô thư ký hỏi: "Vậy ông tính để họ ngồi ở đâu khi trước bàn làm việc của ông không có một cái ghế nào?". Giám đốc trả lời: "Cứ như thế đi, cô sẽ hiểu dụng ý của tôi ngay thôi".
Người đầu tiên là người có bằng tiến sĩ bước vào, giám đốc cười nói với anh ta: "Mời anh ngồi!". Anh ta cảm thấy hết sức khó xử, nhìn bốn phía xung quanh không có cái ghế nào, bèn nói: "Thôi để tôi đứng được rồi". Giám đốc vẫn tiếp tục mời ngồi, anh ta nói: "Nhưng tôi có chỗ nào để ngồi đâu". Giám đốc nhìn anh ta cười cười, kế đó hỏi thêm vài câu, rồi bảo anh đi ra.
Người thứ hai bước vào, giám đốc vẫn mời anh ta ngồi, anh ta tỏ vẻ thuận theo, nói một cách khiêm tốn: "Không sao, tôi đứng thế này quen rồi, chúng ta cứ thế này nói chuyện đi". Giám đốc hỏi anh ta vài câu sau đó cũng cho anh ra.
Người thứ ba là anh sinh viên mới tốt nghiệp bước vào, giám đốc vẫn mời anh ta ngồi. Anh ta nhìn bốn phía không thấy cái ghế nào, bèn nói với giám đốc rằng: "Ông có thể cho phép tôi ra ngoài bưng một cái ghế vào không?". Giám đốc trả lời: "Đương nhiên là được". Chàng trai nọ bèn ra ngoài mang vào một cái ghế, sau đó ngồi xuống cùng nói chuyện với giám đốc.
Và kết quả cuối cùng của câu chuyện là chính chàng sinh viên mới tốt nghiệp đã giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh tay ba này.
Câu chuyện này có ý nghĩa gì? Người đầu tiên trong câu chuyện có thể có rất nhiều tri thức, nhưng anh ta lại không biết ứng xử. Người thứ hai có thể có rất nhiều kinh nghiệm, thế nhưng bản thân anh ta lại bị hạn chế bởi chính những kinh nghiệm của mình. Người thứ ba ở đúng vào vị trí cân bằng giữa tri thức và kinh nghiệm, anh ta biết trong thực tế phải làm thế nào cho phù hợp.
Học đi đôi với hành cũng có nghĩa là không có cách làm nào luôn luôn đúng mà quan trọng là chúng ta phải biết linh hoạt trong từng trường hợp. Nhìn từ góc độ của Khổng Tử, sự linh hoạt chính là bậc cao nhất của việc học. Vậy nên, ông nói: "Khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo; khả dữ thích đạo, vị khả dữ lập; khả dữ lập, vị khả dữ quyền" (Luận Ngữ, Tử Hãn). Câu này có nghĩa là những người c̀ùng học v́ới nhau chưa chắc sẽ cùng đạt đạo như nhau. Nếu ćó th̉ể cùng đ̣ạt đạo như nhau thì chưa chắc họ sẽ kiên định đ̣ạo ĺý như nhau. Nếu có th̉ể cùng kiên định như nhau thì chưa ch́ắc họ có thái độ ứng xử linh hoạt như nhau.
Thực tế, con người luôn phải đối mặt với những việc không dễ thực hiện trong cuộc sống của mình. Khi đó, chúng ta cần phải "quyền nghi chi kế", tức là cần phải linh hoạt đổi sang một cách làm khác hoặc một cách nghĩ khác. Con người dễ dàng có sự kiên trì, nhưng lại rất khó để có được sự linh hoạt như thế. Tuy nhiên, kiên trì vẫn là điều kiện tiên quyết, vì nếu không kiên trì thì không thể đạt tới sự linh hoạt - cảnh giới cao nhất của việc học. Vậy phải làm thế nào mới có thể đạt tới cảnh giới lý tưởng này?
Có một câu chuyện kể rằng, có hai anh em nhà nọ chở một thuyền toàn chai lọ sứ đến một thị trường cao cấp để bán. Trên đường đi họ gặp rất nhiều khó khăn, đến khi sắp cập bến, thuyền của họ lại gặp bão. Trải qua một trận phong ba, hai anh em đã sức cùng lực kiệt, tuy còn giữ được mạng, nhưng tất cả đồ sứ trên thuyền đều vỡ hết.
Trước tình cảnh ấy, người anh đứng nơi mũi thuyền khóc lớn, anh ta nói: "Những chai lọ này đều là những thứ chúng ta dồn hết tâm huyết, sức lực mà làm ra. Những nét hoa văn, hình vẽ mới tinh xảo làm sao, bây giờ vỡ hết xem như công sức của anh em ta đã bỏ sông bỏ biển hết. Khi đến nơi, biết bán mớ đồ nát này cho ai? Dù anh em ta có ra sức chắp vá, chắc chắn cũng khó có thể bán đi được".
Trong lúc người anh buồn bã khóc than, người em lên bờ đi quan sát tình hình. Chàng tới một ngôi chợ gần bến tàu. Trong khi đi quan sát, chàng phát hiện ra rằng, thị hiếu thẩm mỹ của cư dân ở thành phố này rất cao. Trong thành phố, bất kỳ thứ gì từ quán cà phê, nhà thờ, chợ búa đến nhà cửa, đồ vật trong mỗi gia đình đều được trang trí hết sức tinh xảo. Thế là chàng ta bèn xách chiếc búa trở lại thuyền, đem tất cả chỗ đồ sứ sứt mẻ đập ra thành từng mảnh nhỏ. Người anh thấy thế càng giận dữ, hỏi: "Em làm cái gì vậy?". Người em cười đáp: "Chúng ta chuyển sang bán mảnh sứ dùng vào việc trang trí".
Cuối cùng hai anh em nhà nọ đem tất cả mảnh sứ bán cho cơ sở chuyên bán vật liệu trang trí. Bởi những chai lọ của họ vốn có hoa văn hết sức tinh tế, vậy nên sau khi vỡ thành từng mảnh, xúc cảm thẩm mỹ mà chúng đem đến cho mọi người không hề thua kém so với những chai lọ lành lặn, thậm chí còn có phần đặc biệt hơn. Khách hàng nhìn thấy những mảnh sứ có hoa văn không theo bất kỳ một quy luật nào, lại rất đẹp nên vô cùng thích thú.
Ý nghĩa của câu chuyện này chính là tầm quan trọng của sự quyền biến. Khi những chai lọ sứ xinh đẹp, lành lặn không còn tồn tại, việc đập vỡ những gì còn sót lại rồi đem bán để dùng vào việc trang trí cũng chính là một cách để tiêu thụ chúng. Đây chẳng phải là việc thay đổi hoàn toàn một cách tư duy hay sao?
Giỏi thay đổi cách suy nghĩ chính là một biểu hiện của đại trí.
Trong nhiều trường hợp, việc thay đổi cách nghĩ chính là sự thể hiện của trí tuệ. Khi học vấn đạt đến cảnh giới cao nhất thì sinh ra trí tuệ, đây cũng là một kiểu quyền biến. Trên thế giới này không có điều gì là hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, nên đối với mỗi sự việc chúng ta cần phải hiểu rõ thời cơ, xem xét chủ thể và cả tiền đề của nó.
Khổng Tử không phải lúc nào cũng là người hướng đạo mà có những lúc ông tỏ ra nghi hoặc. Một lần nọ, Khổng Tử không rõ Công Thúc Văn là người thế nào, bèn hỏi mọi người: "Nghe nói ông lão Công Thúc Văn này trước nay không nói, không cười, không lấy tiền bạc, có thật như vậy không?". Mọi người trả lời: "Những người nói với ông điều đó đều là nói sai cả. Ông lão ấy lúc cần nói mới nói, nên người khác không đến mức chán ngấy lời ông; lúc vui mới cười, nên mọi người không đến nỗi chán ghét với tiếng cười của ông; tiền bạc chỉ khi nào hợp với điều nghĩa ông mới lấy, bởi thế mọi người không bao giờ khinh thường hay chỉ trích hành vi lấy tiền của ông". Khổng Tử nói: "Thì ra là thế, nhưng thực sự có thể làm được như thế sao?".
Vậy trên thế giới này có sự chính xác tuyệt đối hay không? Những tri thức chúng ta học được thường gắn liền với các hoàn cảnh cụ thể. Có khi trong hoàn cảnh này bạn phải làm cách này, nhưng trong bối cảnh khác bạn lại phải làm theo một cách khác. Điều này cũng giống như Công Thúc Văn, phải căn cứ vào tình huống cụ thể để có thể nói, có thể cười, có thể lấy tiền một cách phù hợp.
Có một nhà triết học lên lớp giảng bài đã hỏi học trò một câu thế này: "Có một người cực bẩn và một người cực sạch, vậy xin hỏi trong hai người này ai sẽ đi tắm trước?".
Một học trò của ông trả lời: "Đương nhiên người bẩn sẽ đi tắm". Thầy giáo nói: "Không đúng, vì người bẩn trước nay đều rất bẩn, ông ta không cảm thấy mình bẩn. Còn người sạch sẽ thì đi đến đâu cũng muốn mình sạch sẽ".
Học sinh thứ hai bèn trả lời: "Thế thì đương nhiên người sạch sẽ sẽ đi tắm trước". Thầy giáo lại nói: "Không đúng, các trò thử nghĩ xem, người sạch sẽ đương nhiên không cần thiết phải tắm nữa, còn người bẩn thì nhất thiết phải tắm".
Nghe xong đáp án của thầy, học sinh trong lớp bắt đầu cảm thấy khó khăn, không hiểu rốt cuộc ai sẽ là người đi tắm trước?
Thầy giáo nói: "Mỗi người có thể xét từ một góc độ khác nhau để giải quyết vấn đề. Nếu nhìn từ góc độ khác nhau thì có thể kết quả sẽ khác nhau rất xa". Điều này đối với việc học tập của chúng ta có sức ảnh hưởng rất lớn.
Có một người chuyên tu thiền học đạo tới hỏi thầy của mình rằng: "Mỗi người cần phải làm thế nào trong mối quan hệ với người khác thì mới được xem là thích hợp?". Người thầy nói với anh ta rằng: "Ta sẽ nói ra đây bốn câu, xem anh có thể hiểu được hay không".
Câu thứ nhất là "Xem bản thân như người khác". Học trò suy nghĩ một lát rồi nói: "Con hiểu, một người khi có niềm vui lớn nên bình thản một chút, nên thấy rằng đó chẳng qua cũng chỉ là việc của người khác. Khi cá nhân có nỗi buồn nên bình thản một chút, nên thấy rằng việc này người khác cũng từng gặp phải. Nếu biết ‘xem bản thân như người khác’ thì nhiều niềm vui, nỗi buồn có thể qua đi rất nhanh".
Người thầy lại nói câu thứ hai: "Xem người khác như chính mình". Người học trò suy nghĩ một lát rồi nói: "Ý của câu này là cần đem lòng mình mà suy nghĩ cho người khác, có sự thống nhất trong suy nghĩ từ bản thân đến người khác, và cần thay đổi vị trí giữa mình và người khác trong quá trình tư duy".
Người thầy nghe xong nói: "Anh thực sự không tồi". Nói rồi, ông lại nói câu thứ ba: "Xem người khác chỉ là người khác". Người học trò nói: "Phải chăng câu này có ý nói mỗi người đều là một cá thể độc lập, và cần nhận được sự tôn trọng từ phía người khác. Thế nên, mọi việc đều phải xuất phát từ lập trường của người khác?". Người thầy nói: "Anh nói ra được những điều này chứng tỏ ngộ tính của anh rất cao, quả nhiên không tồi!".
Tiếp đó, người thầy lại nói đến câu thứ tư: "Phải xem chính mình là chính mình". Người học trò nói: "Câu này ý chỉ sâu quá, con phải có thời gian cảm ngộ mới có thể nói được".
Các bạn thử nghĩ xem, nếu chúng ta không thể cảm ngộ một cách thấu triệt mà dễ dãi cho rằng đây chẳng qua chỉ là trò chơi câu chữ, là sự đổi qua đổi lại giữa hai từ "chính mình" và "người khác" trong một cấu trúc câu, vậy còn có giá trị gì hay không?
Thực ra, sự thay đổi của khung giá trị được thể hiện mỗi khi bạn thay đổi góc độ để nhìn nhận vấn đề. Có người nói chai nước khoáng thì dài, điều này là hoàn toàn đúng nếu bạn nhìn nó theo chiều dọc. Thế nhưng người khác lại cho rằng chai nước khoáng là hình tròn, điều này cũng đúng khi bạn nhìn nó từ mặt đáy của chai.
Một khi bạn chuyển đổi góc nhìn, việc học tập sẽ thông đạt hơn và sự nhìn nhận về thế giới cũng sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
Ở đây, Khổng Tử đã đưa ra một quan điểm có giá trị lớn lao về việc học. Đó là một số phẩm chất tốt của con người cần phải thông qua học tập để nâng tầm, từ đó tiến tới đạt được sự thăng bằng giữa các yếu tố.
Nhân ái, trí tuệ, tín nghĩa, chính trực, dũng cảm, kiên cường... đều là những đức tính rất tốt. Vậy nếu một người đã có đủ sáu đức tính này thì người ấy có cần phải học nữa hay không?
Sách Luận Ngữ có đoạn chép: Khổng Tử hỏi Tử Lộ rằng: "Trọng Do, con có từng nghe rằng ngoài sáu đức tính tốt còn có sáu điều cực đoan đi liền hay chưa?". Tử Lộ trả lời: "Dạ chưa". Khổng Tử nói: "Vậy con hãy ngồi xuống đây, để thầy từ từ nói cho con nghe".
Khổng Tử nói, nếu một người có lòng nhân ái nhưng không chịu học tập, không chịu suy nghĩ thì sẽ có một điều cực đoan đi liền với anh ta, đó là ngu dốt. Điều này cũng có nghĩa là anh ta sẽ dễ bị kẻ khác lường gạt. Chúng ta không thể nói người này không nhân ái, mà anh ta chỉ không biết phân biệt rõ tình huống mà thôi.
Nếu một người thông minh nhưng không chịu học thì điều cực đoan sẽ đến là cuộc đời anh ta sẽ không bao giờ ổn định, không có căn cơ.
Người giữ được chữ tín là rất tốt, thế nhưng nếu trọng tín quá có thể dẫn đến ngu ngốc. Nếu người này không thích học tập thì cuối cùng ắt sẽ bị người khác lợi dụng, thậm chí là bị hại.
Chúng ta đều thích những người chính trực, thế nhưng lời nói của họ thường rất khó nghe. Lời họ nói ra như những lưỡi dao sắc nhọn đâm thẳng vào tim người nghe, khiến người nghe cảm thấy không thoải mái. Điều này giống như chuyện Lỗ Tấn viết về việc tổ chức đầy tháng cho một đứa bé. Trong buổi lễ, có người nói đứa bé sau này lớn lên sẽ làm quan, có người nói đứa bé lớn lên có thể kiếm được rất nhiều tiền, có người nói đứa bé này chắc chắn sẽ chết. Ở đây, người nói cuối cùng chính là người nói thật. Bạn không thể nói anh ta không chính trực, nhưng lời nói này đúng là không dễ tiếp nhận chút nào.
Khổng Tử nói, có loại người dũng cảm nhưng không thích học, vậy điều cực đoan sẽ là gì? Đó chính là, anh ta dễ bị người khác lợi dụng dẫn đến làm loạn. Kiểu người này thường không dùng đầu óc để làm việc, cứ gặp việc là lập tức bắt tay vào thực hiện chứ không cân nhắc trước. Do đó hầu hết mọi phiền phức đều khởi nguồn từ kẻ "hữu dũng vô mưu" này.
Cuối cùng, một người kiên cường là tốt, nhưng nếu anh ta không thích học thì ắt sẽ trở thành một kẻ cuồng vọng. Bởi anh ta quá cố chấp, lại quá tự tin vào khả năng của bản thân nên khó tránh khỏi thói cuồng vọng, kiêu căng.
Trên thế giới này, có biết bao việc không thể nào đạt tới mục tiêu lý tưởng được. Cuộc đời con người, không phải cứ có những viên đá lát nền tốt thì sau đó sẽ tốt vĩnh viễn.
Tại sao tất cả những đức tính tốt đẹp của con người lại có khả năng dẫn họ đến những điều cực đoan, thậm chí là những cực đoan hết sức tai hại? Là vì trong thực tế cuộc sống chúng ta luôn phải chịu sự kích thích, tác động phức tạp từ phía xã hội. Nếu bản thân chúng ta không có khả năng tự điều chỉnh, không linh hoạt thì sẽ dễ dàng nảy sinh nhược điểm, thậm chí là tạo thành những cực đoan.
Vậy nên, chúng ta cần phải không ngừng thông qua học tập để hiểu hơn về bản thân, đồng thời tạo dựng mối quan hệ vững chắc, hữu hiệu với xã hội. Cho dù con người có rất nhiều đức tính tốt, như nhân, trí, tín, trực, dũng, cương, nhưng những đức tính ấy đều cần phải thông qua học tập mới có thể định vị và tồn tại lâu dài.
Xã hội ngày nay đòi hỏi con người cần phải học tập suốt đời. Thế nhưng, chúng ta đã thực sự học được những thứ mình cần học hay chưa?
Nhiều khi, chúng ta không phát huy được tác dụng của những điều đã học vì những kiến thức ấy chưa thể thâm nhập vào đời sống của mỗi cá nhân.
Chúng ta phải làm thế nào để có thể xây dựng hệ thống giá trị cho chính mình?
Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại vấn đề đã nêu ra ngay từ đầu: cuộc đời của mỗi con người rốt cuộc là bao nhiêu? Có một người học trò hỏi thầy mình: "Con người không kém nhau là mấy về chiều cao, cũng không kém nhau bao nhiêu về tuổi thọ, vậy tại sao một số người có trái tim rất vĩ đại, còn một số người khác lại có trái tim rất nhỏ nhoi? Vậy trái tim chúng ta có thể lớn đến bao nhiêu, và có thể nhỏ đến mức nào?".
Người thầy trả lời: "Con hãy nhắm mắt lại, sau đó dùng tim mình để thiết kế một tòa thành".
Người học trò nhắm mắt, tập trung tư tưởng, nghĩ ra một thành trì cực lớn có tường cao hàng vạn thước, chung quanh thành có hào nước sâu hoắm, cây cối lá hoa, đình đài lầu các, bên trong thành mọi vật đều hết sức tươi đẹp. Thế rồi anh ta mở mắt nói với người thầy: "Con đã thiết kế một tòa thành cực lớn".
Người thầy lại yêu cầu anh ta: "Con hãy nhắm mắt rồi dùng tim mình để tạo ra một sợi lông".
Người học trò lại nhắm mắt, suy nghĩ một lát, anh ta hình dung ra một sợi lông vừa mảnh vừa nhỏ. Kế đó anh ta lại mở mắt, anh nói mình đã tạo ra một sợi lông.
Lúc này người thầy hỏi: "Hồi nãy con nói con đã xây dựng một tòa thành cực lớn, trong đó có rất nhiều đồ đạc, vậy tòa thành ấy là do con dùng tim mình để tạo ra phải không?". Người học trò trả lời: "Đúng vậy".
Người thầy lại hỏi: "Vừa nãy con nói con đã tạo ra một sợi lông rất nhỏ, con đã dùng toàn bộ trái tim của mình trong quá trình tạo ra sợi lông này phải không?". Người học trò đến lúc này mới bừng tỉnh ngộ, anh ta nói: "Đúng vậy, khi con chú tâm vào việc tạo ra sợi lông này, con không còn chú ý được bất kỳ chuyện gì khác".
Đó chính là lòng người. Tất cả chúng ta đều xuất phát từ chính cuộc đời của mình để hoàn thành những giới hạn của đời sống. Có người trong suốt cuộc đời đã tạo ra những thành trì cực lớn với vô số đình đài lầu các, cây cối, cỏ hoa. Bạn có thể có kế hoạch, hoài bão như vậy, để rồi dựa vào đó mà xếp đặt cuộc sống của mình, xây dựng sự nghiệp cũng như điều chỉnh các mối quan hệ với bạn bè, xã hội.
Có người để tâm tư vướng trên một sợi lông. Họ có thể chỉ vì một bậc lương, một vị trí công tác, một cuộc đấu khẩu giữa hai vợ chồng, hay một sự hiểu lầm giữa bạn bè với nhau mà bị vướng lại. Những việc ấy đều hết sức nhỏ bé, thế nhưng một khi đã vướng chặt thì khó có thể vượt qua được, bởi đó cũng chính là nơi mỗi ngày họ đặt trái tim mình vào.
Có lẽ chúng ta đều thấy rằng, với cùng một việc giống nhau nhưng cách xử lý của mỗi người là khác nhau. Nếu phương pháp tư duy khác nhau thì kết cục cũng hoàn toàn khác nhau.
Vào năm 1954, nước Mỹ có một nhân viên quảng cáo tên là Kroc, sản phẩm mà anh quảng cáo là máy xay sinh tố. Trong quá trình làm việc, anh ta phát hiện có một tiệm chuyên bán thức ăn nhanh đã đặt mua đến 8 máy xay sinh tố cùng một lúc. Thông thường anh ta phải bán từng cái rất khó khăn, gặp trường hợp này anh cho rằng người chủ tiệm nhất định phải là một khách hàng lớn nên quyết định tới tận nơi để khảo sát.
Khi đến tiệm thức ăn nhanh anh phát hiện cả sản phẩm kinh doanh lẫn phương thức quản lý ở đây đều rất đặc biệt. Anh còn biết được rằng, lợi nhuận hàng năm của quán này rất lớn, mỗi năm đều vượt qua mốc 250.000 đô la Mỹ. Thấy rõ cơ hội làm ăn, anh bèn thương lượng với người chủ tiệm. Anh hỏi ông ta có muốn khuếch trương thương hiệu bằng cách mở thêm một loạt tiệm như vậy hay không, nếu muốn anh sẵn sàng giúp đỡ để hoàn thành việc này.
Người chủ tiệm đồng ý cho Kroc trở thành đại lý duy nhất của tiệm trên toàn nước Mỹ. Đến lúc này, Kroc đã quên khuấy công việc quảng cáo máy xay sinh tố của mình. Vào năm 1955, Kroc chính thức mở tiệm kinh doanh thức ăn nhanh đầu tiên theo hình thức nhượng quyền kinh doanh. Từ đó về sau, với cơ chế nhượng quyền kinh doanh không ngừng hoàn thiện, hệ thống tiệm của ông liên tục gia tăng, tính đến năm 1960 số cửa tiệm trên toàn nước Mỹ đã đạt đến 228 tiệm.
Kroc tâm niệm, nếu ông không trở thành chủ nhân của hệ thống cửa tiệm này thì chắc chắn sự nghiệp ấy khó có thể phát triển lớn mạnh. Thế nên, vào năm 1961, ông quyết định mua đứt toàn bộ hệ thống tiệm. Bằng mọi cách, ông tập trung được 2.700.000 đô la Mỹ, và thành công trong việc thương lượng, mua đứt toàn bộ hệ thống tiệm.
Chính trong hoàn cảnh mới này Kroc đã đạt đến sự thành công vượt bậc bắt đầu từ nước Mỹ, sau đó là toàn thế giới. Bắt đầu từ năm 1955, với hình thức nhượng quyền thương hiệu, ông đã xây dựng cho mình cả một "Đế quốc ẩm thực". Về tên quán, Kroc vẫn dùng lại tên họ của chủ cũ là McDonald.
Tại sao McDonald có thể đạt đến quy mô và vị trí quan trọng trong lĩnh vực ẩm thực như ngày nay? Là bởi vì Kroc đã không đứng mãi ở góc độ kinh doanh từng chiếc máy xay sinh tố, mà đã chuyển đổi tư duy kinh doanh. Cách suy nghĩ của Kroc cũng chính là việc dùng trái tim vào việc thiết kế một thành trì vĩ đại vậy.
Học tập là việc không bao giờ chấp nhận sự cứng nhắc.
Học tập là việc không bao giờ chấp nhận sự cứng nhắc. Bạn cần xác định rõ tiêu chí phải học từ mọi người, và không nơi đâu là không học. Bạn phải vứt bỏ lối học khiên cưỡng, không ép mình phải thuộc lòng theo kiểu "tầm chương trích cú". Trước tiên, hãy suy xét thấu đáo về việc học, sau đó bạn mới có thể chính thức học thực sự.
Trong xã hội ngày nay, nếu chúng ta tìm hiểu, cảm ngộ một mảng tri thức nào đó bằng chính trái tim mình, và mỗi người đều đứng trên lập trường tư duy linh hoạt để học tập, thì tôi tin rằng tất cả tri thức cổ kim sẽ luôn sống trong hệ thống kinh nghiệm của chúng ta. Và khi đó, trí tuệ của các bậc thánh hiền sẽ trở thành những ngọn đuốc luôn thắp sáng trên đường đời của mỗi con người.