Khổng Tử nói: "Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì". Như vậy, đạo thành tín đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.
Thế nhưng, có những người không xem trọng chữ tín vẫn sống rất thoải mái.
Chẳng lẽ, đạo thành tín không còn phù hợp với thực tế cuộc sống? Con người ngày nay có còn cần đến đạo thành tín nữa không?
Đạo thành tín là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của hệ thống tư tưởng Nho gia. Trong Luận Ngữ, chúng ta gặp rất nhiều đoạn ghi chép có liên quan đến chữ tín.
Luận Ngữ đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản liên quan đến chữ tín và xem đây là tiền đề của việc làm người, là cơ sở của đời sống. Khổng Tử từng nói: "Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì. Giống như cỗ xe lớn không có chốt hãm, cỗ xe nhỏ cũng không có chốt hãm thì làm sao chạy được?".
Chữ tín chính là điều cơ bản nhất để con người có thể bước vào đời.
Chữ tín chính là điều cơ bản nhất để con người có thể bước vào đời.
Nghĩa là, chỉ khi nào dựa vào lòng thành tín bạn mới điều khiển được cỗ xe cuộc đời mình. Chỉ có lòng thành tín mới có thể giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, phong ba bão táp trên đường đời, và gượng dậy bước tiếp mỗi khi vấp ngã. Biết giữ chữ tín thì bạn mới có thể trở thành một người toàn diện, có thể xây dựng sự nghiệp và đứng vững trong xã hội. Ngược lại, nếu không biết giữ chữ tín, bạn sẽ thiếu hẳn điều kiện căn bản trong việc an cư, lập nghiệp.
Khổng Tử giải thích về chữ tín khá đơn giản, nhưng đó lại là một trong những quan điểm chủ chốt trong tư tưởng giáo dục của ông. Trong thiên Thuật nhi sách Luận Ngữ có đoạn chép: "Tử dĩ tứ giáo: văn, hành, trung, tín". Nghĩa là, Khổng Tử dạy học trò chủ yếu xoáy vào bốn nội dung chính: văn hiến lịch sử, thực tiễn hoạt động xã hội, lòng trung thành trong giao tiếp với người khác và việc giữ chữ tín trong giao tiếp xã hội. Trong bốn nội dung nêu trên, "trung" và "tín" chiếm tỷ trọng khá lớn.
Khổng Tử từng có câu thế này: "nhân chi sinh dã trực, võng chi sinh dã hạnh nhi miễn" (Luận Ngữ, Ung dã). Nghĩa là, nếu một người muốn trải qua một đời bình yên thì họ cần phải dựa vào sự chính trực của chính mình. Người chính trực có thể sống an bình, tự do tự tại, và thường có những bước tiến rất xa trên đường đời. Thế nhưng, chẳng phải có những kẻ không chính trực, không giữ chữ tín vẫn sống nhan nhản ở đời đó sao? Khổng Tử nói, đó chỉ là "hạnh nhi miễn", tức là họ nhờ vào may mắn mà thoát khỏi những sự trừng phạt đáng lẽ đã xảy ra, và sớm muộn gì họ cũng có ngày bị vấp ngã.
Con người cần phải dựa vào sự chính trực để sống. Nếu ai đó chỉ dựa vào cơ hội, bất chấp thủ đoạn và không giữ chữ tín thì dù họ có sống cũng chỉ là may mắn thoát khỏi tai họa mà thôi.
Trong xã hội Trung Quốc trước đây, Nho gia từng rất chú trọng đạo thành tín. Nếu đem tư tưởng ấy đặt vào thời đại ngày nay, liệu nó còn phát huy giá trị hay không?
Trong xã hội ngày nay, việc giữ chữ tín tạo nên tấm thẻ thông hành vô hình cần thiết cho mỗi người. Chữ tín không được ghi trong sơ yếu lý lịch của bạn, nhưng nó thể hiện sự đánh giá của mọi người đối với bạn. Bạn làm việc ra sao, phẩm hạnh thế nào, tất cả đều hiện rõ ở chữ tín. Vậy nên, trong lòng mỗi người đều có thể tự ước lượng khả năng giữ chữ tín của chính mình.
Trong xã hội ngày nay, việc giữ chữ tín tạo nên tấm thẻ thông hành vô hình cần thiết cho mỗi người.
Thành phố Đức Hưng thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc có một thôn nhỏ là Tôn Nho, trong thôn có một người nông dân bình thường tên là Vương Vân Lâm. Vào tháng 4 năm 2007, trong thôn xảy ra một trận hỏa hoạn, Vân Lâm đã hy sinh trong quá trình giúp đỡ những người khác cứu hỏa. Anh ra đi, để lại trên đời một món nợ không rõ ràng. Biết xử lý món nợ này ra sao? Vợ anh, góa phụ Trần Mỹ Lệ, năm ấy vừa tròn 31 tuổi, cũng chỉ là một nông dân bình thường. Sau khi chồng mất, Trần Mỹ Lệ phải chăm sóc cho mẹ chồng tuổi đã già cùng hai con thơ, một đứa 7 tuổi và một đứa mới sinh được vài tháng. Trong bối cảnh thương tâm ấy, Trần Mỹ Lệ đã gượng dậy làm một việc khiến mọi người vô cùng cảm phục. Cô đi khắp thôn dán cáo thị thay chồng trả nợ.
Cô viết: "Vân Lâm khi còn sống được mọi người trong thôn đánh giá rất tốt, chắc chắn anh ấy sẽ không yên lòng nếu mượn tiền người khác mà chưa trả. Tôi không muốn anh ấy phải day dứt dưới suối vàng nên quyết định trả nợ thay anh ấy. Thế nhưng, anh ấy đã mượn tiền ai thì tôi hoàn toàn không biết. Vậy nên, nếu chồng tôi thực sự đã mượn tiền bạn, xin hãy đến tìm tôi".
Sau khi cáo thị được dán, rất nhiều người trong thôn đã tìm tới Trần Mỹ Lệ để đòi tiền. Tổng cộng trước sau cô đã phải trả hơn 5 vạn tệ tiền nợ, trong đó có tới hơn 4 vạn tệ được trả đi nhưng không có chứng cứ vay mượn.
Câu chuyện này gây tiếng vang cực lớn trong xã hội Trung Quốc. Lúc ấy, tôi là giám khảo của chương trình Cảm động Trung Quốc, khi viết lời bình về Trần Mỹ Lệ, tôi đã viết câu này: "Tiền nợ có bằng (chứng), lương tri vô giá". Tôi không biết trong số những người đến lấy tiền từ chỗ cô có bao nhiêu người là chủ nợ thực sự. Cáo thị mà Trần Mỹ Lệ dán khắp thôn khác nào những tấm gương soi thấu thế giới nội tâm con người, cho thấy thế giới nội tâm của chúng ta thuộc kiểu nào: cao thượng, thấp hèn, tham lam, dục vọng, hay vô dục.
Mới đọc câu chuyện này tôi đã thực sự xúc động. Một người phụ nữ nông thôn không ngừng chạy đuổi theo người ta để trả nợ giống như những người khác hăm hở săn đón con nợ, trong khi cảnh ngộ của cô ấy thật đáng thương. Tôi thực sự không hiểu sức mạnh nào khiến cô có thể làm được như thế? Theo lẽ thường, chồng của cô hy sinh vì nghĩa, thế thì cho dù anh có mắc nợ ai, cái chết của anh cũng xứng đáng để xóa đi tất cả. Thế nhưng, cô nhất quyết trả nợ cho chồng vì không muốn lương tri của mình bị bất an. Cô làm như thế thực ra cũng chỉ vì muốn giữ trọn một chữ tín. Chữ tín này không chỉ đối với mọi người, mà đồng thời cũng là đối với thế giới nội tâm của chính mình.
Tôi nghĩ, chế độ xã hội và hoàn cảnh sống luôn thay đổi, con người cần phải có một số giá trị cơ bản bất biến để ứng phó với sự thay đổi không ngừng ấy. Nó như là ngọn lửa chân chính cháy mãi trong lòng chúng ta. Đạo thành tín không chỉ là nguyên tắc cơ bản trong truyền thống kinh điển của Nho gia, mà nó cũng là một quan điểm đạo đức phổ biến trong dân gian.
Có lẽ chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện Quan Vũ quy Hán. Vào năm Kiến An thứ 5, tức năm 200 sau công nguyên, Tào Tháo công phá Từ Châu khiến Lưu Bị, Trương Phi thua trận chạy tán loạn, còn Quan Vũ bị Tào Tháo bắt làm tù binh. Tào Tháo rất coi trọng tài của Quan Vũ, muốn người trung dũng như ông ở lại phò trợ cho mình. Thế nhưng, Tháo cũng biết Quan Vũ nhất định sẽ không ở lâu, nên một mặt ra sức lấy thành ý tiếp đãi, mặt khác phái Trương Liêu tới dò la chí hướng của Quan Vũ.
Quan Vũ nói với Trương Liêu rằng: "Tôi biết Tào công đối với tôi ơn trọng như núi, nhưng tôi đã cùng Lưu Bị kết nghĩa anh em quyết sinh tử có nhau, nên lòng trung của tôi đối với Lưu Bị không thể thay đổi. Tôi sẽ không ở lại đây, nhưng tôi nhất định phải báo đáp ơn của Tào công rồi mới đi". Mấy tháng sau, cuối cùng cơ hội cũng đến, Quan Vũ đã chém đầu đại tướng Nhan Lương trong quân của Viên Thiệu. Đến đây, Tháo biết Quan Vũ đã báo ơn mình và sắp sửa ra đi. Trước tình cảnh ấy, Tháo đã gia ân ban thưởng cho Quan Vũ rất nhiều vàng bạc châu báu. Quan Vũ đem tất cả những thứ ấy niêm phong lại, quyết không đem đi, sau đó để lại thư rồi lên đường đi tìm Lưu Bị. Khi Quan Vũ ra đi, bộ tướng của Tháo muốn đuổi theo, nhưng Tháo đều ngăn lại, nói: "Mọi người đều vì chủ của mình, không cần thiết phải đuổi theo".
Tại sao hình ảnh Quan công luôn là hình ảnh trung dũng với sắc mặt đỏ rực? Đó là bởi vì con người ông luôn giữ trọn đạo thành tín. Có thể nói, từ chính sử cho đến tiểu thuyết, đâu đâu cũng lưu truyền câu chuyện về Quan Vũ trung dũng không lúc nào quên chủ. Ngày nay, khi xem những câu chuyện thời Tam Quốc trên sân khấu hay phim ảnh, mọi người đều cảm thấy chúng vô cùng náo nhiệt. Thế nhưng, bỏ qua những tranh chấp chính trị, tranh bá đồ vương thì cái được lưu truyền lâu nhất, cái dễ đi sâu vào lòng người nhất chính là những giá trị đạo đức.
Mỗi người bình thường đều có thể đạt được chữ tín thực sự.
Thành tín là tiêu chuẩn đầu tiên trong nhân cách của mỗi người. Nó chính là ngọn lửa thử vàng, là chứng nghiệm nhân cách cao thấp của mỗi người. Người bình thường nào cũng đều có thể đạt được chữ tín thực sự. Chỉ cần có thành tín thì một người hoàn toàn có thể đứng vững, có thể lập thân trong xã hội.
Đương thời, Khổng Tử chính mắt nhìn thấy cảnh lễ nhạc băng hoại nên mới cảm thán rằng: "Bậc thánh nhân thì ta chưa được gặp, nhưng chỉ cần gặp được người quân tử là được rồi". Khổng Tử lại nói: Bậc thiện nhân ta cũng chưa được gặp, chỉ cần gặp được bậc hằng giả là tốt lắm rồi" (Luận Ngữ, Thuật nhi).
Vậy như thế nào mới được xem là người "quân tử"? Khổng Tử từng giới hạn về ý nghĩa của thuật ngữ này rằng: "tiên hành kỳ ngôn nhi hậu tùng chi". Nghĩa là bạn muốn làm bất cứ việc gì cũng phải để tâm vào thực hiện trước, sau đó mới có thể nói về nó, không được nói trước làm sau. Nếu làm được như vậy, bạn đã là người quân tử. Thế nên, Khổng Tử nói là ông chỉ cần gặp được bậc hằng giả, tức là ngừơi biết giữ tấm lòng son sắt, không thay đổi, là đã tốt lắm rồi.
Khổng Tử cho rằng điều đáng sợ nhất là có một số người thường xuyên sống trong giả tưởng, và có thể rơi vào tình trạng mê đắm. Khổng Tử nói: "Vong nhi vi hữu, hư nhi vi doanh, ước nhi vi thái, nan hồ hữu hằng hĩ" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Nghĩa là, có người vốn bản thân chẳng có thứ gì nhưng anh ta lại giả vờ như có tất cả. Chẳng hạn như anh ta vốn nghèo khó, trống rỗng nhưng lại làm ra vẻ giàu có, xa hoa. Người như thế thường rất khó giữ được lòng kiên trì, nên chắc chắn cũng sẽ không có phẩm hạnh tốt.
Con người cần phải biết chấp nhận hiện trạng thực tế của bản thân, biết chân thành đối diện với chính mình.
Đó cũng chính là khởi điểm của đạo thành tín.
Để kiên trì, con người cần phải có dũng khí của lòng chân thành, tức là cần biết chấp nhận hiện trạng thực tế của bản thân, cần chân thành đối diện với chính mình. Đó cũng chính là khởi điểm của đạo thành tín. Nếu một người không chân thành với cuộc đời của chính mình, không có thành ý thực sự thì làm sao có thể đủ kiên trì để giữ chữ tín với người khác?
Ở đây Khổng Tử đã nêu ra một tiêu chuẩn đơn giản hơn nhiều so với thành tín, đó là chỉ cần kiên trì và luôn giữ được trạng thái bình thường, thăng bằng của nội tâm. Nếu một người luôn sống trong mộng huyễn, luôn ảo tưởng rằng mình có thể hoàn thành những lý tưởng không thực tế thì anh ta sẽ không bao giờ có thể bước chân vào những vấn đề của thực tế. Anh ta sẽ rất khó tiến bộ.
Nếu một người có được đức tính kiên trì thì người đó sẽ không dễ dàng thay đổi ý định, đây cũng là thành ý với chính mình. Một khi làm được điều này, con người mới có thể bảo đảm chữ tín với người khác. Nếu ngay cả điểm này cũng không làm được thì bạn sẽ thường xuyên chìm trong mê đắm, thiếu khả năng tự nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách chân thực.
Có một câu chuyện ngụ ngôn khá thú vị thế này: Có một chú sơn dương, buổi sáng sau khi ngủ dậy chú muốn ra ngoài kiếm cái gì đó để cho vào bụng. Chú định tới vườn rau để gặm chút cải thảo. Lúc này trời vừa sáng, mặt trời mới mọc chiếu vào thân hình làm bóng chú đổ dài. Sơn dương thấy bóng mình cao lớn, ngạc nhiên thốt lên: "Trời, không ngờ ta cũng cao lớn thật. Nếu đã cao lớn thế này thì ta cần gì phải ăn cải thảo? Tốt nhất là ta lên núi ăn lá cây".
Thế là sơn dương quay đầu chạy lên núi. Khi nó trèo đến đỉnh núi, bên cạnh gốc cây to, khi ấy mặt trời đã đứng bóng, mặt trời chiếu trên đỉnh đầu khiến bóng sơn dương còn nhỏ xíu. Sơn dương nhìn thấy bóng mình, bèn cất tiếng than: "Thì ra mình lại bé nhỏ đến mức thảm hại như thế này sao? Thế thì ta trở về ăn cải thảo thôi".
Đến khi sơn dương quay về đến vườn cải, trời đã nhá nhem tối. Lúc này mặt trời sắp lặn, bóng sơn dương lại được kéo dài ra. Sơn dương thấy thế lại nói: "Hình như mình thực sự có thể đi ăn lá cây". Nói rồi nó lại quay đầu chạy lên gốc cây to trên đỉnh núi.
Cả một ngày trời, sơn dương cứ bị mê đắm vì độ dài ngắn của bóng mình. Nó liên tục chạy đi chạy lại trong khi bụng vẫn đói meo.
Đây chẳng phải cũng là cuộc đời của nhiều người đó sao? Đôi khi do hoàn cảnh bên ngoài tác động làm chúng ta có cảm giác mình cao lớn vĩ đại hơn con người thật của chúng ta rất nhiều; nhưng cũng có khi ngược lại, ta cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt hơn hẳn con người thật của mình.
Vậy làm thế nào để con người có thể kiên định duy trì một cách nghĩ? Điều này yêu cầu chúng ta vừa phải kiềm chế được tính tự cao tự đại lại vừa khắc phục được tính tự ti, có thể giữ lòng mình ở trạng thái luôn bình thản.
Có một lần nọ, học trò của Khổng Tử là Tử Trương đã hỏi thầy mình rằng làm thế nào để có thể nâng cao trình độ tu dưỡng đạo đức và khả năng phân biệt đúng sai, mê lầm. Câu trả lời của Khổng Tử như thế này: "Anh muốn tu dưỡng, nâng cao đạo đức của mình sao? Để ta chỉ cho anh hai nguyên tắc chính. Thứ nhất là "chủ trung tín", tức là anh cần lấy sự trung thành, thành tín làm căn cứ cho nội tâm, làm được điều này là đã không tồi rồi. Thứ hai là "tỷ nghĩa", tức là anh có thể có những thay đổi nhất định, nhưng những thay đổi ấy phải hợp với đạo nghĩa" (Luận Ngữ, Nhan Uyên). Trong lòng đã có trung tín làm cốt lõi, sau đó lại tùy theo đạo nghĩa mà thay đổi, làm được như vậy chẳng phải là có thể nâng cao trình độ đạo đức hay sao? Đạo đức, nhân cách của một người sau khi được nâng cao thì có thể phân biệt đúng sai, mê lầm, không đến nỗi như trường hợp chú sơn dương kia chỉ biết chạy theo sự biến hóa của thế giới bên ngoài mà không có bất kỳ căn cứ nào.
Khổng Tử lại nói: "Yêu một người thì mong cho họ sống, ghét người ấy lại muốn cho họ chết. Vừa mong người này sống, vừa muốn người này chết, ấy là sự mê hoặc" (Luận Ngữ, Nhan Uyên). Tình huống này phải chăng vẫn tồn tại không ít trong xã hội của chúng ta ngày nay? Bạn thích một người thì cảm thấy mọi mặt của người ấy đều tốt, thậm chí hy vọng người ấy có thể sống đời sống kiếp với mình. Thế nhưng, nếu bạn đột nhiên giận và ghét người đó, bạn sẽ mong họ mau chóng biến khỏi mắt mình, thậm chí mong họ chết yểu. Theo lời Khổng Tử, trường hợp bạn vừa mong người ta sống lại vừa mong người ta chết chẳng phải là mê lầm sao?
Ý của Khổng Tử là con người nên lấy "trung tín", "nhân nghĩa" để làm nguyên tắc cho mọi hành động của mình. Nếu làm được như thế bạn sẽ sống rất sáng suốt. Còn nếu lạm dụng tình cảm vào xử lý công việc thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào trạng thái mê lầm.
Nếu một người không thể kiên trì mà đánh mất nguyên tắc phán đoán của nội tâm thì hẳn sẽ xuất hiện rất nhiều mê lầm. Chúng ta thường than thở rằng việc đời phức tạp quá, ước gì có một vị thần linh nào đó ban cho chúng ta đôi mắt tinh anh để chúng ta có thể nhìn rõ mọi sự vật hiện tượng phức tạp trong thế giới này. Thế nhưng đôi mắt tinh anh thực sự ở đâu? Nó không chỉ liên quan đến trí tuệ mà còn liên quan cả đến khả năng phán đoán và khả năng kiên trì của mỗi người. Muốn giữ được chữ tín với mọi người, trước tiên cần xem bạn có thể trung thành và giữ chữ tín với chính bản thân hay không. Đây là tiền đề cho việc phân biệt mê lầm. Vậy nên Khổng Tử mới đem việc sùng đức cùng việc phân biệt mê lầm đặt gần nhau để phân tích. Xét từ góc độ của Khổng Tử, rõ ràng việc tu dưỡng, nâng cao đạo đức chính là một phương thức quan trọng để phân biệt mê lầm.
Khổng Tử bàn luận rất nhiều về hai chữ "trung tín". Ông nói: "Quân tử bất trọng, tắc bất thành, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả. Quá tắc vật đạn cải" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Nghĩa là, người quân tử thiếu thái độ trang trọng th̀ì không th̀ành công, nếu có học cũng không củng cố được kết qủả. Người quân tử lấy chữ tín và sự trung thành làm ch̉ủ, không kết bạn với người không giống mình và khi có sai lầm cũng không ngại sửa chữa.
Ở đây, Khổng Tử không nêu ra một tiêu chuẩn đơn độc về hai chữ "trung tín". Ông đã đem nhiều tiêu chuẩn đặt cạnh nhau: thái độ trang trọng, say mê học tập, trung thành giữ chữ tín, thận trọng trong giao tiếp với bạn bè, biết sửa chữa khi phạm lỗi,…
Khổng Tử nói rằng, đối với một người quân tử thực sự, nếu thế giới nội tâm không trang trọng, anh ta không thể có uy nghiêm với người khác. Chúng ta thường xuyên nghe người khác nói rằng, kẻ này xem ra chẳng có chút lập trường nào cả, hắn yếu ớt, bạc nhược, chưa thấy gió đã đổ, chỉ cần nghe chút phong thanh đã dễ dàng thay đổi chủ kiến. Thực ra đó là do thế giới nội tâm của bản thân anh ta không trang trọng.
Thế nhưng, sự trang trọng của nội tâm là từ đâu mà có? Đó không phải là cái người ta sinh ra đã có, mà là sản phẩm của cả một quá trình dài học tập. Nếu một người luôn chú ý tu dưỡng, học tập và suy nghĩ thì chắc chắn anh ta sẽ không nông cạn, không bảo thủ với những hạn chế, mê lầm của chính mình.
Để đạt tới chuẩn mực của người quân tử, theo Khổng Tử vẫn còn hai nguyên tắc khác hết sức quan trọng là "chủ trung tín" và "vô hữu bất như kỷ giả". "Chủ trung tín" là nội tâm cần lấy hai loại đạo đức là "trung" và "tín" làm căn bản. "Vô hữu bất như kỷ gỉả" có hai cách giải thích. Một là, bạn không nên kết giao với những người bạn không bằng mình. Nếu bạn qua lại với những người không bằng mình cả về đạo đức, năng lực thì bạn sẽ phải chịu áp lực. Bạn cần học từ những người tài đức hơn mình thì mới có cơ hội nâng cao tài đức của bản thân. Một cách giải thích nữa là, bạn không nên kết giao với những kẻ không đồng đạo, không cùng chí hướng với mình. Đạo không giống nhau thì không nên gặp gỡ, bàn tính công việc cùng nhau. Nếu chỉ qua lại với những người cùng chí hướng với mình thì có thể kiên trì phương hướng, mục tiêu của đời sống. Chúng ta có thể thấy, cả hai cách giải thích trên đều khuyên con người nên thận trọng trong việc kết giao với bạn bè.
Phải chăng nếu một người luôn căn cứ theo những nguyên tắc trên đây để hành xử thì anh ta sẽ không bao giờ phạm lỗi? Thực ra không phải như vậy, không ai có thể vĩnh viễn không phạm lỗi. Nhưng cho dù phạm lỗi cũng chẳng sao, điều quan trọng là khi phạm lỗi rồi thì chúng ta không nên cố chấp mà phải lập tức sửa lại cho đúng. Làm được như vậy thì bạn vẫn luôn luôn là một người quân tử.
Có một số người hỏi tôi rằng, chúng ta cần ghi nhớ những câu nào trong sách Luận Ngữ thì đủ. Cũng có người lại hỏi rằng, đối với cuộc sống của chúng ta ngày nay, những câu nào trong Luận Ngữ trực tiếp mang giá trị dẫn dắt? Bản thân tôi nghĩ rằng, những thứ trong kinh điển cần được chúng ta hiểu theo hướng kết hợp linh hoạt, không thể chỉ dựa vào một câu hay một ý nào đó mà có thể giúp chúng ta an cư lập nghiệp, khẳng định địa vị trong xã hội. Tuy rằng Khổng Tử nói chữ "thứ" (khoan thứ) có thể làm theo cả đời, thế nhưng chúng ta thử nghĩ xem, phía sau nội dung khoan thứ này cần có bao nhiêu khái niệm nâng đỡ? Cần phải có bao nhiêu sự kết hợp linh hoạt mới đạt tới được? Tất cả những thứ mà Khổng Tử nêu ra đều "vi ngôn đại nghĩa" (lời ít ý nhiều), tưởng chừng như rất đơn giản nhưng bên trong lại bao hàm một nội dung văn hóa cực rộng.
Các học trò của Khổng Tử cũng thường đề cập đến chữ tín. Một người tên là Hữu Tử nói: "Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã; cung cận ư lễ, viễn sỉ nhục dã; nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã" (Luận Ngữ, Học nhi). Ba câu này ý nói gì?
Mỗi ngày chúng ta đều sống trong môi trường ngôn ngữ, hoạt động giao tiếp không thể rời xa việc phát ngôn. Điều này tất cả chúng ta đều thừa nhận, thế nhưng phải chăng lời nào bạn nói ra cũng đều phù hợp với thực tế? Những việc bạn hứa với người khác, phải chăng bạn đều có thể làm được? Điều này cần xem lời hứa của bạn cách đạo nghĩa bao xa. Nếu lời hứa của bạn phù hợp với đạo nghĩa thì khả năng phù hợp với thực tế sẽ rất cao, đây cũng chính là "Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã".
"Cung cận ư lễ, viễn sỉ nhục dã", tức là nếu một người có thể khiêm nhường, lễ phép, cư xử phù hợp lễ nghĩa với mọi người, thì anh ta sẽ cách xa được sự sỉ nhục. "Nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã", nghĩa là anh ta có khả năng phân biệt đúng sai, những người mà anh ta hợp tác đều đáng tin cậy, do đó chắc chắn anh ta cũng rất đáng tin cậy.
Các bạn thấy đấy, đây lại là một tổ hợp các mối quan hệ. Ở đây "tín" cũng không được nêu ra đơn độc, và việc giữ chữ tín nhất định phải phù hợp với đạo nghĩa. Trong xã hội, các áp lực không ngừng xuất hiện, nếu một người chỉ có duy nhất đạo đức ở trong lòng thì hẳn là chưa đủ, mà họ cần phải có cả một hệ thống đạo đức hoàn thiện từ trong ra ngoài.
Chúng ta đều biết, ở lĩnh vực lịch sử thường dùng thuật ngữ "tín sử" để chỉ những sách sử được chép một cách chân thực và đáng tin cậy. Thực ra hàm nghĩa của thuật ngữ này rất "nặng", bởi trong lịch sử từng có rất nhiều sử quan đã dùng chính sinh mạng của mình để duy trì tính chân thực của lịch sử, khiến chân tướng của lịch sử có thể lưu truyền mãi đến đời sau. Đây cũng là một truyền thống đáng quý của sử học.
Từng có một câu chuyện thế này, quan Tư đồ thời Bắc Ngụy là Thôi Hạo và Trung thư thị lang Cao Duẫn được lệnh cùng soạn quốc sử Bắc Ngụy có tên là Quốc thư. Sách soạn xong, được khắc trên bia đá ở ngã tư phía nam kinh đô Bình Thành. Thôi Hạo và Cao Duẫn soạn sử theo tinh thần thực lục, đối với lịch sử giai đoạn đầu triều Bắc Ngụy đều viết y như sự thật vốn có, nên người đời sau xem xong cảm thấy hết sức căm phẫn. Vì điều này, rất nhiều quý tộc Tiên Ty không hài lòng, họ bèn dâng tấu lên Thái Vũ Đế Thác Bạt Thao, chỉ trích tinh thần chép sử của sử quan không ổn. Họ cho rằng có biết bao việc đáng viết thì không viết, tại sao cứ phải viết những việc không mấy tốt đẹp đó ra?
Thác Bạt Thao trong cơn tức giận đã hạ lệnh bắt quan Tư đồ Thôi Hạo, tiếp đó còn có ý bắt cả Trung thư thị lang Cao Duẫn. Tình huống câu chuyện có phần đặc biệt khi Thái tử Thác Bạt Hoang, con trai Thác Bạt Thao, lại là học trò cưng của Cao Duẫn. Biết được sự việc, Thác Bạt Hoang muốn ra tay cứu thầy nên mời Cao Duẫn vào Đông cung ở tạm qua đêm, rồi sáng hôm sau cùng Cao Duẫn vào cung gặp vua.
Hai người vào đến cửa cung, Thái tử nói với Cao Duẫn rằng: "Thầy trò ta cùng vào gặp Hoàng thượng, khi vào con sẽ hướng dẫn thầy phải làm như thế nào. Nếu Hoàng thượng có hỏi, thầy cứ căn cứ theo lời con mà nói". Cao Duẫn hỏi: "Điện hạ, tại sao phải làm như thế?". Thái tử chỉ nói: "Chúng ta cứ vào rồi sẽ biết".
Thái tử vào trước, nói với cha rằng: "Cao Duẫn trước nay làm bất cứ việc gì đều hết sức thận trọng, hơn nữa địa vị của ông ấy cũng thấp hèn. Tất cả những gì chép trong Quốc thư đều do Thôi Hạo chấp bút, hoàn toàn không liên quan đến Cao Duẫn, xin phụ hoàng hãy xá tội cho ông ta". Thác Bạt Thao cho gọi Cao Duẫn, hỏi: "Quốc thư có thật do một mình Thôi Hạo chấp bút hay không?". Đến lúc này, Cao Duẫn mới biết đã xảy ra chuyện gì, thế nhưng ông lại trả lời Hoàng đế thế này: "Thái Tổ kỷ là do quan Trước tác lang đời trước là Đặng Uyên soạn, Tiên Đế kỷ và Kim kỷ là do thần và Thôi Hạo cùng viết. Thế nhưng, Thôi Hạo kiêm chức quá nhiều nên ông ấy chẳng qua lãnh hàm Tổng tài mà thôi, còn tất cả công việc cụ thể đều do thần làm. Vậy nên trong bộ sử này, phần thần viết nhiều hơn Thôi Hạo rất nhiều".
Thác Bạt Thao nghe xong, nổi giận đùng đùng, nói: "Thì ra ông còn viết nhiều hơn cả Thôi Hạo, thế thì tội của ông còn nặng hơn cả ông ta, làm sao ta có thể để ông sống!". Thái tử nghe thế sợ quá, lập tức nói cùng cha: "Bệ hạ nổi giận làm ông ấy sợ chết khiếp, ông ấy chỉ là một viên quan nhỏ, do sợ quá nên nói chuyện không còn biết đâu ra đâu nữa. Trước đây con đã hỏi ông ta về việc này, ông ta bảo tất cả đều do Thôi Hạo viết, thực sự không liên quan gì đến ông ấy".
Thác Bạt Thao lại hỏi Cao Duẫn: "Sự việc có thật như lời Thái tử nói hay không?". Cao Duẫn vẫn bình tĩnh, chậm rãi đáp: "Tội của thần thực sự rất lớn, đáng lãnh án tru di cả họ, nhưng thần không dám gạt Bệ hạ. Thái tử chẳng qua vì học với thần từ lâu nên thương thần, muốn cứu cái mạng già này mà thôi. Thực ra, Điện hạ chưa từng hỏi thần, thần cũng chưa từng nói với Điện hạ những lời này. Thần thực sự không dám nói dối".
Lúc ấy, Thác Bạt Thao quay lại nói với Thái tử: "Đây đúng là người chính trực, xét từ góc độ tình cảm thật ít người có thể làm được, duy chỉ có Cao Duẫn là làm được! Gần kề cái chết mà quyết không thay đổi lời của mình, đây thực sự là người thành thực. Với tư cách là bề tôi mà không dối gạt vua, đây chính là người có lòng trung. Ta không chỉ miễn tội cho ông ta, mà còn muốn biểu dương ông". Và thế là Hoàng đế ra lệnh xá tội cho Cao Duẫn.
Cao Duẫn gần kề cái chết mà vẫn nói lời ngay, đây chính là câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử triều Bắc Ngụy.
Vậy dũng khí của Cao Duẫn đến từ đâu? Đó chính là từ sự trung thành trong thế giới nội tâm của Cao Duẫn. Đạo thành tín đôi khi cũng cần đến sự dũng cảm. Nó cần sự kiên trì của nội tâm cá nhân đối với một loại giá trị. Một khi loại giá trị này được duy trì thì nó sẽ không còn là việc riêng của một cá nhân mà sẽ trở thành giá trị chung của toàn xã hội.
Thành tín là viên đá thử vàng, nó có thể chứng nghiệm sự cao thấp trong nhân phẩm con người.
Trong số những nhân vật thuộc chương trình Cảm động Trung Quốc năm 2007 có một người hết sức đặc biệt, đó là "bác sĩ lương tâm" Trần Hiểu Lan. Trần Hiểu Lan là bác sĩ khoa Vật lý trị liệu thuộc bệnh viện Quảng Trung, thành phố Thượng Hải. Cô thấy rằng, trong vòng 10 năm, trong số trang thiết bị mà bệnh viện nhập vào có một lượng lớn là hàng giả, gây tác hại không nhỏ cho người bệnh. Trần Hiểu Lan kiên quyết làm rõ những sự việc này. Trong vòng 10 năm, cô đã phanh phui hơn 20 vụ, trong đó có đến 8 vụ do chính phủ chính thức ra tay xử lý.
Thế nhưng, trong 10 năm ấy, vị bác sĩ này phải trả giá ra sao? Vì bị cho là đi ngược lại lợi ích của bệnh viện, cô bị ép rời bệnh viện để tới đơn vị khác làm việc, sau đó lại bị ép phải nghỉ hưu sớm. Sau khi mất việc, cô tìm cách xâm nhập vào khâu giao dịch y dược và dụng cụ y dược, nhờ đó cô càng có điều kiện phanh phui hàng loạt vụ khác nhau. Cũng vì vậy, cô bị rất nhiều người trong ngành chỉ trích, họ gọi cô là "phản đồ".
Đối với chúng ta mà nói, sự dũng cảm của Trần Hiểu Lan thực ra còn có ý nghĩa hơn nhiều so với sự dũng cảm của sử quan Cao Duẫn. Bởi đây không chỉ liên quan đến sự thành tín của cá nhân cô ấy, mà còn liên quan đến cả một hệ thống giá trị căn bản trong xã hội. Điều này cũng có nghĩa, lương tri của cô đã trở thành liều thuốc có tác dụng làm thanh sạch cho toàn xã hội. Dù bác sĩ Trần Hiểu Lan chỉ là một phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng cô đã thực sự trở thành tấm chắn bảo vệ cho rất nhiều bệnh nhân.
Trần Mỹ Lệ và Trần Hiểu Lan, cả hai đều chỉ là những phụ nữ bình thường, nhưng bạn có thể nói trong lòng họ không có sức mạnh không? Sức mạnh trong họ thực sự kiên cường và vĩ đại, tôi tin rằng nó cũng sẽ ảnh hưởng to lớn đến xã hội. Loại sức mạnh này một khi được nhân rộng ra toàn xã hội thì chắc chắn cũng sẽ có sức ảnh hưởng lớn đối với quốc gia. Và nói cho cùng, đó chính là sức mạnh đến từ đạo thành tín.
Vậy đối với một quốc gia, có cần đến đạo thành tín hay không? Về điều này, Luận Ngữ có rất nhiều đoạn đề cập. Khổng Tử từng nói: "Đạo thiên thặng chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời" (Luận Ngữ).
Nghĩa là, việc trị vì một nước chư hầu thuộc hàng trung bình, trong nước có một ngàn cỗ xe, phải tiến hành ra sao? Thực ra chẳng có gì nhiều nhặn, chỉ gồm mấy việc như sau: Trước hết cần "kính sự nhi tín", tức là người cầm quyền cần phải xử trí nghiêm túc công việc quốc gia, phải thành thực, không được lừa dối người dân. Đây chính là điểm xuất phát cần thiết. Tiếp đó cần "tiết dụng nhi ái nhân", tức là cần phải biết tiết kiệm trong chi tiêu tài chính, phải quan tâm thương yêu người dân. Còn khi lãnh đạo người dân làm việc thì cần phải "sử dân dĩ thời", tức là phải căn cứ theo bốn mùa mà tiết chế, mùa nào thì phải có kế hoạch riêng của mùa ấy. Người cầm quyền phải điều tiết tốt khoảng thời gian giữa bận rộn và nông nhàn, nhưng nhất định không được đi ngược quy luật của thiên thời, càng không thể bắt dân lao dịch quá nhiều khi việc nhà nông đang bận rộn.
Đạo trị nước mà Khổng Tử nêu ra chính là xuất phát từ đạo thành tín. Người lãnh đạo đất nước luôn cần phải giữ chữ tín. Nếu người lãnh đạo căn cứ theo đạo thành tín để hành sự mọi lúc mọi nơi thì không chỉ có lợi cho quốc gia mà còn giúp bảo đảm quyền lợi của bản thân họ.
Trong Luận Ngữ còn có đoạn viết như sau: "Tử Hạ viết:
‘Quân tử tín nhi hậu lao kỳ dân, vị tín tắc dĩ vi lệ kỷ dã; tín nhi hậu gián, vị tín tắc dĩ vi báng kỷ dã’" (Luận Ngữ, Tử Trương). Nghĩa là, học trò của Khổng Tử là Tử Hạ nói: người quân tử trước hết cần có đạo thành tín, đồng thời được người dân tín nhiệm thì sau đó mới có thể điều động người dân làm việc. Khi đó, bất kể anh ta yêu cầu người dân đi phục dịch binh dịch, lao dịch hay làm bất cứ việc gì thì đều phải để cho họ hoàn toàn tự nguyện. Nếu người dân không tín nhiệm người lãnh đạo, họ sẽ cảm thấy mình đang bị giai cấp thống trị ngược đãi. Tương tự, trường hợp một trung thần đi can gián thì trước hết người ấy cần phải có được sự tín nhiệm của Hoàng đế, đồng thời xác lập được danh dự của mình trước mặt Hoàng đế. Nếu không làm được như vậy, quân vương sẽ cảm thấy người ấy đang phỉ báng mình, và kết quả can gián chắc chắn sẽ không tốt.
Lời này của Tử Hạ khiến tôi nhớ đến một người, đó chính là vua Đường Thái tông Lý Thế Dân. Lý Thế Dân có một danh thần là Ngụy Trưng. Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi không lâu, trong một lần đi tuyển binh, đang buồn vì binh lực không đủ, thì nghe Phong Đức Di đưa ra một đề nghị. Theo đó, tất cả nam giới tuy chưa đủ 18 tuổi nhưng nếu cơ thể cao lớn, có sức mạnh đều có thể tòng quân. Vì quốc gia đang trong tình trạng thiếu binh lính, Lý Thế Dân lập tức chuẩn y lời đề nghị này.
Theo chế độ nhà Đường, nam giới từ 16 tuổi trở lên được gọi là trung nam, trên 21 tuổi gọi là đinh, những người tới tuổi đinh mới phải tham gia binh dịch. Thế nên việc trưng dụng nam giới dưới 18 tuổi cho tham gia vào quân đội là không hợp quy chế. Khi sắc văn của Hoàng đế đưa xuống đến chỗ Ngụy Trưng thì ông nhất định không theo, ông trả sắc văn về. Lý Thế Dân lại tiếp tục hạ sắc văn, Ngụy Trưng vẫn tiếp tục trả về, sự việc cứ như thế diễn ra đến mấy lần. Theo trình tự, khi sắc văn của Hoàng đế đưa xuống, nếu không được phê duyệt thì không thể nhân bản để phát đi khắp nơi trong thiên hạ.
Trong tình hình ấy, Lý Thế Dân rất giận, bèn lập tức cho triệu Ngụy Trưng. Lý Thế Dân nói: "Những người ở độ tuổi trung nam thân thể cường tráng, có thể là lũ điêu dân khai man tuổi tác cốt để trốn lính, bây giờ trưng nạp họ thì có làm sao? Tại sao khanh lại cố chấp như thế?". Ngụy Trưng trả lời: "Đạo cầm quân là ở chỗ người chỉ huy giỏi cầm quân, hoàn toàn không phải dựa vào số lượng binh lính. Nay Bệ hạ chỉ cần trưng dụng những tráng đinh thực thụ rồi ra sức huấn luyện thì có thể vô địch thiên hạ, cần gì phải trưng nạp số trung nam yếu ớt vào cho đủ quân số. Huống hồ, Bệ hạ từng nói mình lấy đạo thành tín để trị vì thiên hạ, nhưng nay Bệ hạ lên ngôi chưa lâu mà đã nhiều lần thất tín với người dân trong thiên hạ rồi!".
Nghe xong lời của Ngụy Trưng, Lý Thế Dân giật mình kinh ngạc, hỏi: "Trẫm đâu có làm điều gì thất tín với người dân trong thiên hạ?". Ngụy Trưng từ tốn kể ra rất nhiều việc làm thất tín của Đường Thái tông đối với trăm họ, chẳng hạn như hôm nay ra sắc lệnh miễn tất cả các loại thuế khóa cho dân, nhưng ngay ngày hôm sau ông lại ban sắc lệnh trưng thu thuế khóa như cũ.
Ngụy Trưng lại nói: "Bệ hạ từng hạ sắc văn viết: ‘Những người đã tham gia binh dịch, những người đã nộp thuế, năm nay sẽ không trưng (binh), không thu (thuế), bắt đầu từ sang năm mới trưng thu trở lại’. Thế nhưng liền sau đó Bệ hạ lại hạ lệnh thu thêm thuế, còn bây giờ lại ra lệnh trưng binh, thế thì làm gì có cái gọi là sang năm mới trưng thu trở lại? Huống hồ, các quan địa phương, những người cùng trị vì thiên hạ với Bệ hạ, thường xuyên duyệt sổ thuế khóa, nhân đinh, thì việc thu thuế, trưng binh đều lấy đó làm chuẩn. Khi thu thuế thì không có vấn đề gì, nhưng lần này trưng binh, Bệ hạ lại có ý nghi ngờ họ gian trá, chẳng lẽ đây chính là cái mà Bệ hạ gọi ‘lấy thành tín trị vì thiên hạ’ sao?".
Nghe xong những lời can gián của Ngụy Trưng, Lý Thế Dân như người bừng tỉnh, ông vui vẻ nói: "Trước đây ta luôn cho ông là cố chấp, không hiểu chuyện chính sự, hôm nay nghe ông luận bàn việc quốc gia đại sự, thực sự rất thuyết phục. Nếu hiệu lệnh của quốc gia đưa ra mà không giữ được chữ tín, người dân sẽ không biết phải căn cứ vào đâu để hành động, như vậy thiên hạ này sao có thể yên ổn được! Sai lầm của Trẫm thực sự quá lớn!".
Kết cục, Lý Thế Dân không chỉ nghe theo đề nghị của Ngụy Trưng bãi bỏ việc trưng nạp trung nam dưới 18 tuổi tham gia vào quân đội, mà ông còn ban thưởng cho Ngụy Trưng một cái vò bằng vàng.
Những câu chuyện như thế này trong lịch sử rất nhiều. Từ việc của mỗi người cho đến việc trị vì quốc gia, bất kỳ lúc nào, nơi nào cũng đều phải lấy việc giữ chữ tín làm đầu.
Bàn đến chữ tín, chúng ta cần hiểu được sự khác biệt giữa "đại tín" và "tiểu tín".
Chẳng lẽ trong bản thân đạo thành tín vẫn có sự phân biệt này hay sao? Vậy chúng ta phân biệt chúng như thế nào?
Khổng Tử từng nói: "Quân tử trinh nhi bất lượng" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). "Trinh" là trong lòng luôn giữ chữ tín, luôn phù hợp với đạo nghĩa. Còn "lượng" là trong lòng không bảo thủ, cố chấp, có thể yêu cầu người khác giữ chữ tín với mình nhưng không khắt khe đến mức không còn hợp với đạo lớn. Nói cách khác, người quân tử cần phải kiên trì chính nghĩa và giữ chữ tín. Anh ta nên chú ý đại cuộc và tình hình chung để có cái nhìn thoáng, không nên chỉ chăm chăm vào những điều vụn vặt và nhìn nhận vấn đề quá khắt khe.
Tại sao Khổng Tử lại phân tách chữ tín thành "đại tín" và "tiểu tín"? Điều này có liên quan trực tiếp đến một hệ tư tưởng khác của ông. Trong Luận Ngữ, có rất nhiều chỗ Khổng Tử chủ trương tư tưởng biến thông, đòi hỏi người quân tử nhất định phải giỏi linh hoạt. Trước khi làm bất cứ việc gì, nếu bạn có thể linh hoạt ở phương diện sách lược hoặc kỹ xảo thì bạn có thể hoàn thành công việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Khổng Tử không chủ trương con người chỉ biết cố chấp, bảo thủ ý kiến riêng của mình. Vậy nên, khi Tử Cống hỏi Khổng Tử thế nào là "sĩ", Khổng Tử đã trả lời như sau: "Kẻ sĩ đáng xếp hàng thứ nhất trong xã hội. Họ là những người trong lòng luôn biết thẹn, không bao giờ làm cho vua của mình bị mất mặt. Họ là những người biết hiếu kính với cha mẹ, biết nghe lời huynh trưởng. Họ còn là những người buông lời biết giữ lời, làm bất cứ việc gì cũng đều kiên trì đến cùng. Còn những kẻ thống trị ngày nay thực ra chỉ là một lũ lòng dạ hẹp hòi, không thể gọi là kẻ sĩ".
Ngày nay chúng ta thường nói "ngôn tất tín, hành tất quả" để khẳng định, biểu dương, nhưng ở thời của Khổng Tử, điều này chỉ được xếp vào hạng tiểu tín. Khổng Tử nói: "Ngôn tất tín, hành tất quả, khanh khanh nhiên tiểu nhân tai!" (Luận Ngữ, Tử Lộ). Nghĩa là, nói được phải làm được, và làm bất cứ việc gì cũng phải kiên trì đến cùng. Trên thực tế có khi đây là người không hỏi đúng sai, cứ cố chấp làm theo ý kiến riêng của mình, vậy nên đó vẫn chỉ là hạng tiểu nhân mà thôi. Theo quan niệm của Khổng Tử, kẻ sĩ chính là những người biết sỉ nhục, hiểu đạo hiếu kính và biết giữ đại tín.
Bất kể là xét từ cuộc đời riêng của mỗi người hay từ toàn bộ quá trình phát triển của văn minh nhân loại, có một sự thật rõ ràng là chỉ khi nào chúng ta giữ trọn đạo thành tín thì chúng ta mới thực sự có tương lai. Tôi nghĩ rằng, về đạo thành tín, con người ở thời đại nào cũng đều có thể hiểu và lý giải theo cách riêng của mình.
Ngày nay, chúng ta nên giữ vững sự chân thành trong lòng mình, nên xuất phát từ cuộc sống thực tại để đón nhận hiện thực và bình thản trước mọi việc. Đồng thời, trước đạo thành tín chúng ta phải luôn có thái độ tích cực, lạc quan. Khi đó con đường hướng đến tương lai chắc chắn sẽ rộng mở và tươi đẹp hơn.
Khổng Tử từng nói: "Đức bất cô, tất hữu lân" (Luận Ngữ, Lý nhân). Một khi chúng ta xây dựng được một hệ thống đạo đức tốt đẹp cho bản thân, và hệ thống đạo đức đó được nhiều người trong xã hội đón nhận, thì khi đó không chỉ chúng ta cống hiến cho xã hội, mà còn có rất nhiều người "chí đồng đạo hợp" luôn ở bên cạnh và giúp đỡ chúng ta.
Người có đạo đức sẽ không bao giờ bị cô độc.
Người có đạo đức sẽ không bao giờ bị cô độc. Hãy bắt đầu từ sự chân thành trong trái tim mỗi người để cố gắng xây dựng và kiên trì với đạo thành tín. Nếu mỗi người đều làm được như vậy, tôi tin là chắc chắn chúng ta có thể xây dựng được một xã hội luôn lấy đạo thành tín làm đầu.