Nói đến tư tưởng của Khổng Tử, chúng ta không thể không bàn đến quan niệm trị thế của ông. Hậu thế bao đời vẫn lưu truyền câu "Bán bộ Luận Ngữ trị thiên hạ" (Hiểu nửa bộ Luận Ngữ là trị được thiên hạ). Vậy thực ra quan niệm trị thế trong Luận Ngữ là gì?
Sau hơn hai nghìn năm, liệu những tư tưởng trị thế trong Luận Ngữ có còn giá trị trong xã hội ngày nay không?
Chúng ta có thể dùng một lời để bao quát lý tưởng chính trị của Nho gia, đó là "đức chính", nghĩa là dùng đức để trị nước. Ở thời Xuân Thu mà Khổng Tử sống, hoàn cảnh xã hội Trung Quốc hết sức đặc biệt. Khi ấy xã hội chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh như ngày nay, tất cả trật tự xã hội được duy trì chủ yếu bởi chế độ lễ nhạc. Tương ứng với kiểu xã hội này, Khổng Tử đã chủ trương một kiểu trị thế rất lý tưởng là dùng đạo đức, luân lý để duy trì xã hội.
Ngày nay chúng ta thường nhìn nhận, đánh giá về toàn bộ cuộc đời của Khổng Tử thông qua hai việc: sự nghiệp giáo dục và lý tưởng trị thế. Khổng Tử đã thực hiện rất thành công việc thứ nhất. Trong giáo dục, Khổng Tử chủ trương dạy học theo khả năng của mỗi người. Học trò của Khổng Tử có đến hơn ba nghìn người, và người đời sau tôn ông là "Vạn thế sư biểu". Còn lý tưởng trị thế là việc Khổng Tử làm không thành công. Đương thời, ông từng bôn ba qua rất nhiều quốc gia, từng du thuyết rất nhiều vua chúa, thế nhưng không ai đồng ý thực hiện lý tưởng chính trị của ông.
Ngày nay, nếu chúng ta vận dụng tư tưởng trị thế của Khổng Tử thì giá trị hiện thực của nó là bao nhiêu?
Nếu chỉ dựa vào chính lệnh và hình phạt thì chắc chắn không thể xác lập được quan niệm về sự vinh nhục trong thâm tâm của mỗi người dân.
Trước hết, chúng ta nên xem Khổng Tử quan niệm thế nào về lý tưởng dùng đức trị nước. Khổng Tử từng phát biểu: "Đạo chi dĩ chánh, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách" (Luận Ngữ, Vi chánh). Câu này có nghĩa, nếu chỉ dựa trên chính lệnh để dẫn dắt và dùng hình pháp để ước thúc thì việc trị nước chỉ có thể đạt tới một kết quả nhất định. Đó là người dân chỉ tạm thời sống theo những quy định của pháp luật, nhằm tránh những hình phạt từ hệ thống hình pháp này. Cách trị nước như thế hẳn sẽ để lại hậu quả xấu, và nó cũng không đủ mạnh để hình thành cách sống trong sạch trong mỗi người dân. Nói cách khác, nếu chỉ dựa vào chính lệnh và hình phạt thì chắc chắn không thể xác lập được quan niệm về sự vinh nhục trong thâm tâm của mỗi người dân.
Câu thứ hai trong đoạn đã thể hiện rõ lý tưởng dùng đạo đức để trị nước của Khổng Tử. Ông nói cần dùng đạo đức để dẫn dắt người dân và dùng lễ để thống nhất lời nói và hành vi của họ. Khi đó người dân không chỉ biết tự trọng mà còn trước sau tuân thủ đạo chính, thật lòng quy phục. Nói cách khác, người dân sẽ thực sự phục tùng theo chính sách của nhà nước chứ không phải do bị o ép nên họ đành phải tạm thời phục tùng.
Xã hội ngày nay dùng pháp luật để trị nước. Pháp luật chính là vạch mốc của xã hội, nó không chỉ bảo đảm quyền lợi mà còn bảo đảm cả sự an toàn cho người dân. Đạo đức dựa trên cơ sở của pháp luật để giúp người dân có thể tự khống chế bản thân, đưa hành vi của mình vào khuôn phép. Hơn nữa, đạo đức còn có thể giúp nâng cao những giá trị cơ bản của xã hội.
Ở thời đại lễ nhạc băng hoại của Khổng Tử, nếu chỉ đơn thuần chủ trương dùng đạo đức để trị nước thì hẳn sẽ thất bại. Còn trong xã hội ngày nay, chủ trương dùng đạo đức trị nước luôn được gắn liền với kiểu nhà nước pháp trị, vậy nên chủ trương này mang ý nghĩa tích cực hơn rất nhiều so với thời đại của Khổng Tử.
Đương thời, người có quyền lực nhất nước Lỗ là Quý Khang Tử đã từng hỏi Khổng Tử nhiều lần về đạo trị nước. Thiên Nhan Uyên sách Luận Ngữ chép: Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về đạo trị nước: "Tôi giết những kẻ vô đạo đức và gần gũi với những người có đạo đức. Tôi trừng trị cái ác và khuyến khích điều thiện. Ông thấy thế nào, tôi làm không tồi đấy chứ?". Khổng Tử tỏ vẻ không đồng tình, ông hỏi ngược lại Quý Khang Tử: "Ông quản lý đất nước này, tại sao nhất định phải dùng đến việc giết chóc cơ chứ? Nếu lòng ông hướng thiện, ông nên đề xướng những điều lương thiện rồi dẫn dắt người dân làm theo. Như thế chẳng phải ai nấy cũng đều sẽ hướng thiện sao?".
Giết chóc là một hình thức cai trị hết sức cực đoan. Việc trị nước tất nhiên không thể loại trừ phương thức này. Thế nhưng Khổng Tử nói rằng, nếu lúc nào cũng chỉ dựa vào giết chóc thì chắc chắn không thể xây dựng được một trật tự xã hội lý tưởng.
Đây là một vấn đề đáng để mỗi chúng ta quan tâm, suy nghĩ.
Như vậy, ngoài hình phạt ra, chúng ta còn phải dựa vào điều gì để trị nước?
Khổng Tử đưa ra một ví dụ hết sức thú vị. Ông nói: "Đạo đức của người quân tử tựa như cơn gió, còn đạo đức của kẻ tiểu nhân chẳng khác nào cây cỏ. Một khi cỏ gặp phải gió thì cỏ ắt sẽ nằm rạp xuống". Điều này có nghĩa, người có chức quyền thì có thể lãnh đạo người dân trong xã hội. Do đó, đạo đức của người quản lý đất nước có thể ảnh hưởng đến đạo đức của toàn xã hội.
Ở đây, ý của Khổng Tử là nhà cầm quyền chỉ cần giỏi việc chính sự và có đạo đức tốt thì tất cả người dân trong xã hội cũng sẽ học theo, và chắc chắn họ sẽ không trở thành người xấu. Nếu nhà cầm quyền có thể làm được hai điều nêu trên thì họ đâu nhất thiết phải dùng đến việc giết người nữa? Những lời này thực sự lý tưởng, nhưng lại không thực tế.
Các bạn thử nghĩ xem, nếu chỉ dùng đạo đức để dẫn dắt dân chúng mà không có sự bảo đảm của pháp luật thì việc mong đợi về một trật tự xã hội đâu ra đó là hoàn toàn không thể. Khi đó ước muốn không dùng hai chữ giết chóc vào việc trị nước lại càng là điều không tưởng. Thế nhưng, Khổng Tử đề xướng đạo đức của người dân cần phải được củng cố trên cơ sở đạo đức của nhà cầm quyền, nên quan điểm này vẫn mang giá trị gợi ý không nhỏ đối với xã hội ngày nay của chúng ta.
Xây dựng nền chính trị dựa trên đạo đức là một tư tưởng quan trọng của Khổng Tử. Vậy nên thực hiện tư tưởng này như thế nào? Phải làm từ đâu? Về điểm này, Khổng Tử cũng có hàng loạt ý tưởng. Quý Khang Tử từng hỏi Khổng Tử về việc trị nước. Khổng Tử đã trả lời một cách hết sức đơn giản: "‘Chánh’ chính là ‘chính’, ông hãy dẫn đầu làm trước những người khác. Bất kỳ việc gì ông cũng làm đâu ra đó, như thế lẽ nào người dưới lại dám không chấn chỉnh hành vi của bản thân?". Các bạn thử nghĩ xem, với những lời này thì việc trị vì đất nước hóa ra chẳng phải hết sức đơn giản sao?
Đối với đạo trị nước, Khổng Tử còn có không ít tư tưởng khá nổi bật. Ví dụ trong thiên Tử Lộ, ông từng nói: "Một người lãnh đạo đất nước, nếu hành vi của anh ta đoan chính thì phẩm hạnh của anh ta rất tốt. Khi đó cho dù anh ta không ra lệnh thì người dân vẫn tự giác làm việc và hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng. Thế nhưng, nếu bản thân anh ta không ngay thẳng, không thanh liêm, ác nghiệt, thì cho dù anh ta có ban vô số điều luật này, pháp lệnh kia cũng sẽ chẳng có ai phục tùng anh ta".
Khổng Tử lại nói: "Cẩu chính kỳ thân hĩ, ư tùng chính hồ hà hữu? Bất năng chính kỳ thân, như chính nhân hà?" (Luận Ngữ, Tử Lộ). Nghĩa là: nếu người cầm quyền có thể khiến hành vi của mình đoan chính thì việc quản lý quốc gia sẽ không còn khó khăn gì. Ngược lại, nếu họ không thể làm cho hành vi của bản thân đoan chính, thế thì làm sao có thế khiến người khác đoan chính?
Người lãnh đạo trước hết cần phải giữ sự thanh liêm, phải lấy mình làm gương cho người khác. Đây là tư tưởng được nhất quán từ đầu đến cuối của Khổng Tử, cũng là khởi điểm của việc dùng đạo đức để trị nước.
Khổng Tử từng dạy rất nhiều học trò, trong đó có người từng giữ chức Huyện Tể (chức quan đời xưa tương đương với Huyện lệnh).
Có một câu chuyện kể rằng, Tử Lộ từng giữ chức Huyện Tể ở huyện Bồ được ba năm, một hôm Khổng Tử nhân tiện đường nên ghé thăm. Vừa tới địa phận của huyện Bồ, Khổng Tử nhìn quanh tứ phía nói rằng: "Tử Lộ thật không tồi, chỉ cần nhìn là biết ngay anh ta là người khiêm nhường, biết giữ lễ, lại luôn thành thực, không bao giờ lừa dối người khác".
Sau khi trải qua một đoạn đường khá dài, bước vào khu trung tâm của huyện, Khổng Tử lại ngoái nhìn bốn phía và nói: "Việc quản lý của Tử Lộ ở huyện này thực sự không tồi. Chỉ cần nhìn là biết anh ta là người thành thực, biết giữ chữ tín, hơn nữa còn biết đối đãi với mọi người bằng lòng khoan dung". Tiếp đó, khi bước vào nha huyện, nơi làm việc của Tử Lộ, Khổng Tử lại nhìn quanh một hồi rồi nói: "Xem ra Tử Lộ là người biết xem xét từng khía cạnh của sự việc, và làm việc hết sức quả quyết".
Sau khi nghe Khổng Tử ba lần không ngớt ngợi khen Tử Lộ, học trò cùng đi với Khổng Tử là Tử Cống cảm thấy hết sức kỳ lạ: "Thưa thầy, nói cho cùng thì cho đến thời điểm này thầy vẫn chưa gặp mặt Tử Lộ. Vậy mà trên đường đi thầy đã khen anh ta tất cả ba lần rồi, nguyên do là vì sao?".
Khổng Tử nói: "Anh xem nhé, khi chúng ta vừa bước vào địa giới hành chính của huyện, trước mắt chúng ta là hai bên đường ruộng được canh tác rất tốt, hệ thống kênh mương thủy lợi được nạo vét thường xuyên, đường sá thông thoáng. Sở dĩ có được điều này là bởi Tử Lộ là người khiêm nhường, biết giữ lễ, biết cách điều động dân chúng, thế nên tất cả người dân đều tận tâm tận lực theo anh ta.
Khi chúng ta bước vào khu trung tâm của huyện, như anh thấy đấy, tất cả nhà cửa đều gọn gàng ngăn nắp, không có bất cứ cái nào hư hỏng, đổ nát, đường sá sạch sẽ, cây cối tốt tươi. Như thế chứng tỏ Tử Lộ là người thành thực, biết giữ chữ tín, biết lấy bản thân ra làm gương, thế nên phong tục của người dân vùng này mới thuần phác đến thế.
Tiếp đó, khi chúng ta bước vào nha huyện, ở đây hết sức thanh nhàn, không hề thấy người dân nào tới kiện tụng. Điều này chứng tỏ Tử Lộ thường ngày nhất định quan sát rất kỹ, làm việc quyết đoán nên mọi án kiện đều được xử lý đâu ra đó, vậy nên không có chuyện người dân cả ngày đến kêu kiện. Bởi vậy ta mới ba lần khen anh ta, điều này không đến nỗi quá đấy chứ?".
Câu chuyện này không có trong Luận Ngữ mà được chép ở một tài liệu khác. Nhưng nhìn từ một góc độ nhất định, nó phản ánh rõ nét tư tưởng trị nước của Khổng Tử. Từng có câu: "Đào lý bất ngôn, hạ tự thành hề". Câu này nghĩa là, thành tích chính trị không nhất thiết phải nói ra miệng rằng mình đã làm những việc gì, mà quan trọng là phải có hiệu quả cụ thể. Thế nên, bạn chỉ cần xem hiệu quả của công việc là đủ để đánh giá thành tích của một người. Đối với Khổng Tử, mọi thứ đều phải căn cứ vào kết quả thực tế. Một tư tưởng trị thế tốt cần phải được phản ánh bằng kết quả là quốc thái dân an, và là sự thỏa mãn về lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Thật khó để khảo cứu được rằng học trò của Khổng Tử đã tạo ra bao nhiêu công tích chính trị. Nhưng theo những sách sử còn lưu truyền, có rất nhiều công tích của các vị quan được ghi chép, và họ có kế thừa tư tưởng dùng đạo đức trị nước của Khổng Tử trong đạo trị nước của mình.
Có lẽ các bạn đều biết một nhân vật lịch sử nổi tiếng tên là Án Anh? Khi ông làm quan đại phu nước Tề từng nổi tiếng là chính trực liêm khiết, thường xuyên dùng xe ngựa cũ vào triều chứ nhất định không dùng xe ngựa mới.
Tề Cảnh Công thấy thế cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi ông: "Phải chăng bổng lộc ông được ban cấp quá ít hay sao mà ông chuyên phải dùng xe cũ ngựa xấu để vào triều?".
Án Anh trả lời: "Nhờ hồng ân của Hoàng thượng, cả nhà thần đều yên ổn, bạn bè thần đều có chỗ nương tựa, cuộc sống của mọi người đều rất tốt. Riêng thần, chỉ cần có cỗ xe cũ ngựa xấu này đón đưa ngày ngày là thần đã cảm thấy đủ lắm rồi!".
Tề Cảnh Công nghe xong, trong lòng nghĩ phải chăng lời nói của Án Anh là khiêm tốn. Ông bèn chọn tìm một cỗ xe ngựa cực đẹp kèm theo ngựa tốt, rồi bảo một người tên Lương Khâu Cứ đem tới tặng cho Án Anh. Nhưng Lương Khâu Cứ cứ đem ngựa xe đến phủ của Án Anh thì Án Anh lại đem trả. Sự việc cứ diễn ra như thế rất nhiều lần.
Đến lúc này Tề Cảnh Công không thể kiên nhẫn nữa, bèn cho gọi Án Anh tới và hỏi: "Ông làm như thế là có ý gì? Ông kiên quyết không ngồi xe đẹp ngựa tốt chẳng phải là muốn bức quả nhân cũng không thể ngồi xe đẹp ngựa tốt sao?".
Án Anh trả lời một cách thành khẩn: "Nước ta ngày nay là một nước yên bình, dân chúng giàu có, mọi người đều cơm no áo ấm, thế nhưng sau khi đã no đủ, điều đáng lo nhất là người dân mất đi liêm sỉ. Nếu chỉ có bề ngoài xa hoa thì không thể giúp cho đất nước mãi mãi thái bình. Những xe đẹp ngựa quý kia, Bệ hạ có thể ngồi, các quan lớn khác cũng có thể ngồi, thế nhưng bản thân thần thì thực sự không muốn ngồi. Bởi vì Bệ hạ đã ủy thác trách nhiệm lớn lao cho thần, dưới thần có cả trăm quan, thần phải lấy bản thân làm gương, nếu không sao có thể yêu cầu người khác thanh liêm? Nay thần dùng xe cũ ngựa xấu thay việc đi bộ cũng đã là đủ, thần nhất định không thể vì sự xa hoa của thần mà để trăm quan và người dân mất đi lòng liêm sỉ".
Tề Cảnh Công nghe xong, trong lòng hết sức cảm động.
Trong lịch sử Trung Quốc, Án Anh được người đời sau đánh giá rất cao, cho nên những câu chuyện liên quan đến ông cũng được lưu truyền rất rộng. Thực ra, Án Anh đã dùng hành vi của mình để làm minh chứng cho quan điểm của Khổng Tử. Đó là, nếu bản thân kẻ cầm quyền chính trực thì lệnh do anh ta ban ra sẽ được người dân thực hiện lập tức, không trở ngại gì.
Các văn nhân Trung Quốc luôn quan niệm phải "học nhi ưu tắc sĩ". Nghĩa là sau khi học được tri thức thì không lấy điều đó để khoe mà phải ra sức cống hiến cho nước cho dân. Trung Quốc có rất nhiều văn nhân vốn là những nhà chính trị bất đắc chí; và ngược lại, có rất nhiều nhà chính trị chẳng qua chỉ là những văn nhân đắc chí. Trong lịch sử Trung Quốc, mối quan hệ giữa văn nhân và chính trị chưa bao giờ được phân định rõ ràng.
Tôi kể ra đây tên của một số nhân vật lịch sử, có lẽ mọi người đều cho rằng họ là văn nhân, nhưng thực tế họ đều đã từng làm quan và từng quản lý một vùng đất nào đó. Ví như Bạch Cư Dị, ông từng làm quan ở Hàng Châu, từng đắp đê, vận động dân chúng cùng làm thủy lợi, khiến kinh tế toàn vùng phát triển, đời sống nhân dân ấm no, sung túc. Sau đó ông bị điều đi nơi khác. Vậy khi ra đi Bạch Cư Dị đem theo những gì? Ông chỉ mang theo hai phiến đá mỏng lấy từ núi Thiên Trúc, đồng thời viết thêm một bài thơ rằng: "Tam niên vi thứ sử, ẩm băng phục thực bách. Duy hướng Thiên Trúc sơn, thủ đắc lưỡng phiến thạch. Thử để hữu thiên kim, vô nãi thương thanh bạch".
Bài thơ này ý nói, ta làm thứ sử ở đây nhiều năm, suốt ngày lo việc chính sự, hôm nay sắp phải rời xa, ta cũng nên giữ lại cho mình chút kỷ niệm. Vậy nên ta mang theo hai phiến đá được lấy từ núi Thiên Trúc, thực ra chúng đáng giá ngàn vàng đối với ta. Ta chẳng làm gì gây tổn hại đến danh tiếng nhiều năm làm quan thanh liêm của mình.
Sau đó ông lại làm thứ sử Tô Châu, và vẫn theo thói quen cũ khi sắp rời xa, ông lại tới bên hồ Động Đình tìm hai hòn đá. Hai hòn đá này khá lớn, phải nhờ người khiêng vào phủ. Bạch Cư Dị rửa sạch chúng rồi dùng một hòn làm giá để đàn, hòn còn lại có bề mặt vũng xuống nên dùng để đựng rượu. Các bạn thấy đấy, cầm kỳ thi họa, thi tửu luyến lưu không rời, chẳng phải đó chính là cốt cách của văn nhân sao?
Bạch Cư Dị có được hai hòn đá này trong lòng rất vui, ông viết thơ rằng: "Vạn cổ di thủy tân, nhất triêu nhập ngô thủ… Hồi đầu vấn song thạch, năng bạn lão phu phủ? Thạch tuy bất năng ngôn, hứa ngã vi tam hữu". Nghĩa là, hai hòn đá này đã bị vứt bên hồ Động Đình biết bao tháng năm, thế mà nay lại có duyên vào tay ta. Chúng tuy không biết nói, nhưng thường bầu bạn cùng ta, ba người chúng ta chẳng khác nào bạn thân. Bạch Cư Dị đã lưu giữ kỷ vật của tự nhiên và đem tâm tư ký thác vào kỷ vật như thế.
Khi làm quan, họ mong muốn điều gì? Đó là gió mát trăng thanh, là tấm lòng tĩnh tại, là sự thư thái sau khi làm xong những việc có ích cho dân, chứ hoàn toàn không phải vì của cải bạc tiền. Từ đây có thể thấy rõ là quan niệm dùng đạo đức để trị nước của Nho gia đã ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp trí thức Trung Hoa.
Trong Luận Ngữ, những lời hỏi đáp về chính trị còn rất nhiều. Ví dụ có một lần học trò Tử Trương đã hỏi Khổng Tử rằng: "Phải trị vì đất nước như thế nào?". Câu trả lời của Khổng Tử chỉ có tám chữ: "Cư tri vô quyện, hành chi dĩ trung" (Luận Ngữ, Nhan Uyên). "Cư tri vô quyện" là khi một người làm quan thì không nên có bất kỳ sự mệt mỏi nào trong lòng, phải luôn đặt mình trong trạng thái nhiệt tình cố gắng làm việc. "Hành chi dĩ trung" tức là khi anh thi hành những mệnh lệnh từ trên đưa xuống thì nhất định phải hết lòng hết sức. Chỉ cần làm được như thế thì việc chính trị sẽ không còn khó khăn nữa.
Một lần khác, Tử Lộ hỏi: "Thưa thầy, việc trị vì đất nước nên tiến hành như thế nào?". Khổng Tử nói: "Anh muốn quản lý tốt người dân một vùng thì hoàn toàn không khó. Người dân chắc chắn phải làm một việc gì đó trong cuộc sống, đúng không? Những việc này không ngoài những việc xây dựng cơ bản như sửa đường, làm nhà, phải chăng mọi người đều hết sức cực khổ với những việc ấy? Không sao, anh hãy lấy mình làm gương, xông xáo lên trước mọi người. Nếu anh làm được như thế, anh có thể khiến người dân lao động rất cần cù".
Đối với câu trả lời của thầy, Tử Lộ cảm thấy quá đơn giản. Thế là anh lại hỏi thêm: "Thầy có thể nói cho con biết nhiều hơn không?". Thế nhưng khi trả lời, Khổng Tử chỉ dùng hai chữ: "Vô quyện". Tức là chúng ta nên kiên trì làm như thế, đừng bao giờ có ý lơ là. Đừng vì đạt được chút thành tích mà tỏ ra tự mãn hay lơ là, chúng ta phải luôn giữ trạng thái tinh thần phấn chấn và không ngừng tiến về phía trước.
Từ thành tích quản lý của Tử Lộ ở huyện Bồ, chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Khổng Tử đối với Tử Lộ.
Việc chính trị nhất định phải cần mẫn thanh liêm và phải lấy bản thân làm gương cho người khác. Đây chính là biểu hiện cụ thể của tư tưởng dùng đạo đức trị nước của Khổng Tử trong thực tế. Chúng ta có thể thấy kiểu thể hiện này rất nhiều khi các văn nhân Trung Quốc gánh vác nhiệm vụ chính trị.
Trên đây đã đề cập về Bạch Cư Dị, bây giờ chúng ta hãy nói đến Tô Đông Pha. Tô Đông Pha bị chuyển từ Mật Châu đến Từ Châu nhậm chức Thái thú đúng vào lúc Từ Châu gặp lụt. Khi ấy, thôn Tào ở bên ngoài thành Từ Châu bị vỡ đê, nước lụt tiến sát thành Từ Châu. Tình thế lúc ấy vô cùng nguy cấp, các nhà giàu trong thành đều tranh nhau chạy để thoát thân. Tô Đông Pha đã tự mình trấn giữ cổng thành, đồng thời trấn an dân chúng: "Có ta ở đây, nước lụt quyết không thể làm sập thành Từ Châu, xin mọi người cứ yên tâm mà trở về đi!".
Tiếp đó, Tô Đông Pha lập tức đến doanh trại của Cấm quân đang đóng tại Từ Châu và nói với các binh sĩ rằng: "Xin các vị hãy ra tay giúp đỡ nhân dân, nhanh chóng đắp đê để bảo vệ tòa thành này". Ở đời Tống, Cấm quân là do Hoàng đế trực tiếp chỉ huy, còn quan chức bình thường thì không thể điều động được. Tuy nhiên, khi binh sĩ nhìn thấy hình ảnh Tô Đông Pha, một ông quan không nề gian khổ đã một mình xông lên tuyến đầu trong công tác chống lụt thì họ đã rất cảm động. Nhờ đó, họ hết lòng giúp ông đắp đê và bảo vệ được thành trì Từ Châu.
Ngày nay nhắc đến Tô Đông Pha chúng ta đều nghĩ ngay đến một nghệ thuật gia vĩ đại, một đại văn hào. Thế nhưng trên thực tế ông cũng giống như rất nhiều văn nhân nổi tiếng khác, đều thấm nhuần tư tưởng dùng đạo đức trị nước của Nho gia, và từng có rất nhiều cống hiến trên con đường chính trị của mình.
Ở đây tôi còn muốn đề cập đến một nhân vật khác, đó là Đào Khản, người đời Đông Tấn. Đào Khản xuất thân bần hàn và lớn lên trong một xã hội quá coi trọng dòng dõi nên việc ông có thể đứng vững và vươn lên là không dễ dàng. Thế nhưng nhờ đạo đức và công tích to lớn trong sự nghiệp chính trị của mình, ông vẫn làm quan và đảm nhiệm một chức quan không nhỏ.
Khi Đào Khản giữ chức thứ sử Quảng Châu, do Quảng Châu thời ấy vẫn là một nơi khá xa xôi, hẻo lánh nên việc chính sự nơi đây khá nhàn. Thế nhưng, có một việc khá lạ mà khi ấy mọi người đều nhìn thấy là mỗi sáng mỗi tối Đào Khản đều bưng 100 viên gạch từ ngoài sân vào trong nhà, sau đó lại bưng từ trong nhà trở ra sân. Mọi người không hiểu, hỏi ông tại sao phải làm khổ mình như thế thì ông trả lời rằng: "Bản thân tôi đang cố gắng thu phục Trung Nguyên, nếu bây giờ nhàn rỗi quá, e đến khi có việc lại không làm nổi vì không đủ sức".
Kể từ khi nhậm chức ở địa phương, Đào Khản chưa bao giờ dám có chút lơ là với công việc. Phong cách của ông đã thể hiện sự cần mẫn khi tham dự việc chính sự của Nho gia. Nhờ bản thân cần mẫn nên ông có thể nghiêm khắc yêu cầu người dưới, và người dưới cũng không thể không phục cách làm của ông. Có lần cấp dưới của ông vì uống rượu mà làm lỡ công việc, ông đã vứt hết vò rượu vào nước. Lại có người quên việc vì mê bài bạc, ông cũng đem tất cả các thứ dùng để đánh bài vứt hết vào nước. Các bạn thử nghĩ xem, nếu một người lãnh đạo chỉ cho phép các quan phóng hỏa mà không cho phép người dân thắp đèn, thế thì liệu mọi người có vui lòng tuân theo khi ông ta bàn đến chuyện chấp hành kỷ luật nghiêm túc không? Chính vì bản thân Đào Khản cần mẫn nên người dân nơi ông quản lý mới chăm chỉ việc nhà nông, và nhà nhà mới được ấm no, sung túc.
Vậy tại sao Đào Khản có thể khiến người dưới tâm phục đến thế? Đó là bởi lúc an ông biết nghĩ tới lúc nguy, không cho phép bản thân lơ là. Ông đã làm được điều "cư chi vô quyện, hành chi dĩ trung" mà Khổng Tử nói, vậy nên việc chính sự do ông làm mới thuận lòng người.
Đối với việc thi hành cách trị nước bằng đạo đức, trong Luận Ngữ còn rất nhiều cách làm cụ thể khác. Ví dụ, có một lần, học trò của Khổng Tử là Tử Trương đã đối thoại rất lâu với Khổng Tử, trong đó bàn đến rất nhiều biện pháp cụ thể liên quan đến nội dung trị nước.
Tử Trương hỏi thầy: "Phải làm thế nào mới có thể trị vì đất nước?". Khổng Tử trả lời rằng: "Chỉ cần anh tôn trọng năm đức tốt, tránh xa bốn điều ác là anh có thể tham dự vào việc trị nước".
Chủ trương nên tôn sùng điều tốt, vứt bỏ cái xấu sẽ giúp cho phong khí chính trị tốt hơn. Nhưng Tử Trương còn muốn biết năm đức tốt và bốn điều ác ấy là gì.
Tử Trương hỏi: "Vậy năm điều tốt ấy là gì?". Khổng Tử trả lời rằng: "Quân tử huệ nhi bất phí, lao nhi bất oán, dục nhi bất tham, thái nhi bất kiêu, uy nhi bất mãnh".
Năm điều này nghĩa là gì, Tử Trương vẫn chưa hiểu. Ví dụ điều thứ nhất yêu cầu gia ân cho người khác, đem lợi ích đến cho người khác, nhưng phải không hao phí gì của mình. Vậy làm thế nào mới có thể thực hiện được điều này?
Thế là Khổng Tử đã giải thích một cách hết sức cặn kẽ về năm điều tốt này. Điều thứ nhất, "huệ nhi bất phí" nghĩa là một người lãnh đạo cần phải đem ân huệ đến cho người dân, thế nhưng cần chú ý không nên quá tốn kém. Chúng ta đều biết, người nắm quyền đồng thời là người nắm trong tay tài sản, tiền bạc của quốc gia, thế nhưng anh ta không thể luôn làm từ thiện, không thể lúc nào cũng đem tiền của để phân phát cho dân chúng. Nếu làm như thế, không chỉ lãng phí tiền bạc, làm cạn kiệt nguồn tài chính của quốc gia mà nguy hiểm hơn là còn tạo tâm lý chây lười trong lòng người dân.
Vậy phải làm thế nào mới có thể đạt đến "huệ nhi bất phí"? Khổng Tử nói, chỉ cần người cầm quyền biết dẫn dắt người dân những khi người dân có cơ hội thu được điều lợi, giúp họ làm đúng những việc có lợi cho bản thân. Chẳng phải như thế thì sẽ không cần rút tiền của nhà nước nữa hay sao? Điều này cũng có nghĩa, việc đem tiền cho người dân chẳng bằng tìm cách đem đến cho họ những chính sách tốt để hỗ trợ và khơi dậy trong họ tính tích cực, khiến họ hoàn toàn linh hoạt trong công việc của mình. Nhờ đó người dân có thể chủ động tạo ra nguồn tài sản cho chính mình. Làm được như thế chẳng phải nhà cầm quyền không cần phải tốn kém nữa sao?
Điều thứ hai là "lao nhi bất oán". Trong một đất nước, bất cứ người dân nào cũng cần phải lao động, vậy người cầm quyền cần phải làm gì để những người dân dù làm việc cực nhọc cũng không oán than? Cũng có nghĩa là làm sao để kích thích mọi người làm việc với tinh thần hăng say và đạt hiệu quả cao? Điều này có dễ dàng không, và phải làm thế nào mới có thể đạt được mục tiêu đó?
Khổng Tử giải thích điều này như sau: nhà cầm quyền trước hết cần phải chọn đúng việc và đúng thời cơ. Ví dụ, hai vụ đông xuân và hè thu là hai vụ người dân bắt buộc phải làm, phải chăm lo sản xuất, nếu không sẽ không duy trì được cuộc sống, thế nên đây là những việc chắc chắn người dân không có gì oán thán. Lại giả dụ, khi mọi người dân đều cơm no áo ấm, không còn phải lo trước lo sau, nếu lúc này yêu cầu họ đi đắp đê hoặc làm đường thì họ sẽ sẵn sàng chấp nhận. Thế nhưng, nếu họ đang trong tình trạng cơm chưa no, áo chưa ấm, thế mà nhà cầm quyền lại bắt họ phải đi phục dịch, hoặc phải ra trận đánh nhau, thế thì chắc chắn người dân sẽ oán thán. Khổng Tử nhấn mạnh, muốn người dân làm việc gì vào thời gian nào thì nhà cầm quyền cần phải cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp. Có như thế mới có thể khơi dậy tính tích cực trong lòng người dân, khiến họ vui vẻ làm việc, tự nguyện cống hiến, và sẽ không ai còn có thể oán thán.
Con người có thể có dục vọng, nhưng không nên quá tham lam.
Điều thứ ba là "dục nhi bất tham". Trước đây chúng ta thường hay hiểu lầm rằng Nho gia dạy con người nên lòng thanh ít dục, thậm chí là chủ trương con người không nên có bất kỳ dục vọng nào. Vậy nên, có người quy kết Nho gia bằng câu: chỉ khi nào một người không còn bất kỳ dục vọng nào với thế giới này thì anh ta mới có thể là một người quân tử thực thụ. Thực ra điều Khổng Tử muốn nói ở đây là con người có thể có dục vọng, nhưng không nên quá tham lam. Đây thực ra chính là sự phản ánh khách quan phù hợp với tâm lý của con người. Trên thực tế, nếu một người không có dục vọng thì họ sẽ cảm thấy không hứng thú đối với bất kỳ lĩnh vực nào. Thế nhưng, chúng ta có thể có dục vọng nhưng không được quá tham lam, vì con người không bao giờ có thể thỏa mãn mọi dục vọng của mình, mà thậm chí có thể vì nó mà tự chuốc lấy tai họa cho bản thân.
Vậy làm thế nào mới có thể đạt tới chuẩn "dục mà không tham"? Khổng Tử nói, ai cũng có dục vọng, nhưng quan trọng là dục vọng trong lòng bạn sẽ dẫn bạn đi về hướng nào. Nếu nó có thể dẫn bạn về phía con đường lớn của sự nhân ái, khi đó bản thân bạn đã tốt, bạn lại giúp đỡ người khác cùng tốt, thì bạn đâu cần tham cầu làm gì nữa? Khổng Tử từng nói: "Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân" (Luận Ngữ, Ung dã). Tức là một khi mình đã sống tốt thì nên giúp đỡ người khác để họ cũng có thể sống tốt.
Ví dụ như đi máy bay, trước khi máy bay cất cánh hẳn chúng ta đều nghe thông báo, nào là phía trên đầu chúng ta có mặt nạ dưỡng khí, nào là khi gặp tình huống cấp bách thì mặt nạ dưỡng khí sẽ tự rơi xuống. Trước tình huống cấp bách các cô tiếp viên hàng không sẽ nhắc nhở, yêu cầu mọi người tự đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước, sau đó nếu có thể thì giúp đỡ những người xung quanh. Thực ra, đây chỉ là những phép tắc đơn giản trong giao tiếp hàng ngày của con người. Mỗi khi gặp phải tình huống khó khăn, trước hết chúng ta cần phải tự chăm sóc chính mình, sau đó mới có thể giúp đỡ và chăm sóc người khác.
Tư tưởng Nho gia ở giai đoạn đầu hoàn toàn không đề xướng con người chỉ cần chú ý đến quyền lợi của người khác và không chú ý đến quyền lợi của chính mình; mà chủ trương chúng ta cần phải chú ý đến quyền lợi của người khác, giúp đỡ người khác bên cạnh quyền lợi của chính mình. Con người vốn ai cũng có dục vọng, bạn chỉ cần dẫn dắt dục vọng của người khác phát triển theo hướng tích cực là được, chứ hoàn toàn không thể áp chế, đè nén dục vọng của người khác.
Điều thứ tư là "thái nhi bất kiêu". Phải làm sao mới có thể đạt tới điều này? Khổng Tử nói, người quân tử thực sự nhìn nhận, đối xử với người khác không ở chỗ đối phương nhiều người hay ít người, có thế lực nhỏ hay lớn; mà đối với bất kỳ người nào họ cũng hết lòng hết sức, không xem nhẹ hay lơ là với ai. Ví dụ, thầy giáo giảng bài trên giảng đường đại học, nhiều khi có những lớp lớn đông đến ba bốn trăm người, nhưng cũng có những lớp nhỏ chỉ mười mấy hai mươi người. Trong trường hợp đó bạn không thể vì lớp lớn nhiều người, mức độ tập trung cao mà hết lòng hết sức giảng bài, còn lớp nhỏ vì ít người nên xem nhẹ, giảng không hết lòng. Nếu bạn làm như thế nghĩa là bạn đã lơ là, thậm chí là ngạo mạn.
Thái độ làm việc đúng đắn nhất là bạn không nên có sự phân biệt, mà phải luôn luôn hết mình bất luận nhiều hay ít, lớn hay nhỏ. Lẽ nào khi một người bốn năm mươi tuổi hiểu hết việc đời tới hỏi chuyện bạn thì bạn mới xem trọng, còn một đứa bé độ khoảng mươi tuổi tới hỏi bạn thì bạn lại tỏ ra xem thường, trả lời qua quýt cho xong? Nếu một người có thể đạt tới "vô chúng quả, vô tiểu đại, vô cảm mạn" (không nhiều ít, không lớn nhỏ, không dám xem nhẹ), cũng có nghĩa là người ấy đã đạt tới "thái nhi bất kiêu". Một khi trong bạn đã đạt tới trạng thái ung dung thư thái, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thể hiện vẻ cao ngạo ra dáng vẻ bên ngoài của mình.
Thực ra, nhìn từ một góc độ khác, những người luôn tỏ vẻ xem thường người khác lại thường là những người thiếu tự tin trong lòng. Họ có thể coi khinh tất cả những gì họ cho là bình thường, không bằng họ; thế nhưng một khi họ gặp phải những người mà bản thân họ cho rằng những người đó cao hơn mình, họ sẽ thể hiện sự bé nhỏ, xu nịnh, bợ đỡ trong tính cách. Khi hai trạng thái quá tự ti và quá kiêu ngạo cùng xuất hiện ở một người, thì nguyên nhân chính là do người đó thiếu tự tin với chính mình. Một người tự tin thực sự là người luôn giữ được thái độ thư thái, khiêm tốn và tôn trọng ở bất kỳ lúc nào và với bất cứ ai, bởi họ biết rằng tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính mình.
Điều cuối cùng là "uy nhi bất mãnh". Người quân tử thực sự luôn uy nghiêm, hành động đâu ra đó, thế nhưng không hung hãn. Khổng Tử nói, với một người quân tử thực sự, khi nhìn anh ta làm việc bạn sẽ thấy mũ áo của anh ta lúc nào cũng đâu ra đó, mắt không liếc trước liếc sau, trầm tĩnh nghiêm trang đến mức khiến người khác phải nể sợ.
Khi hai trạng thái quá tự ti và quá kiêu ngạo cùng xuất hiện ở một người, thì nguyên nhân chính là do người đó thiếu tự tin với chính mình.
Ở đây, sự nể sợ thực ra là một sự tôn trọng cao độ chứ không phải là sự sợ hãi, thế nên Khổng Tử mới nói dùng "uy nhi bất mãnh". Còn sự uy nghiêm hoàn toàn không liên quan đến quyền thế, cũng không liên quan gì đến địa vị, sự giàu có của người đó mà tất cả đều đến từ đạo đức và sự tôn nghiêm của anh ta. Người quân tử như thế hoàn toàn không cần đến sự ngạo mạn bên ngoài, bản thân anh ta cũng rất ít khi công kích người khác mà chỉ chú ý khai triển những thứ thuộc về chính mình mà thôi.
Trên đây chính là năm điều tốt mà Khổng Tử đề cập. Phải chăng nếu bạn đạt cả năm điều này thì xã hội có thể sẽ trở nên tốt hơn? Tất cả chúng ta đều cố gắng làm việc, không ai có quá nhiều dục vọng; người nào cũng đều hướng tới những điều cao cả, và luôn giữ được sự tôn nghiêm trong lòng. Như vậy chẳng phải là điều tốt sao?
Tử Trương hỏi tiếp: "Vậy bốn điều ác mà thầy nói là gì?". Khổng Tử trả lời: "Bốn điều ác chính là ‘ngược’, ‘bạo’, ‘tặc’ và ‘keo kiệt’".
Thứ nhất, thế nào là "ngược"? Khổng Tử nói, nếu bạn không chịu giáo hóa cho mọi người trước mà cứ cố gắng xác lập một xã hội lý tưởng, trực tiếp chỉnh đốn trật tự xã hội và giết bỏ những người mà bạn cho là xấu, đó chính là "ngược". Bởi vì trước đó bạn không bỏ công vào việc giáo dục thì người dân làm sao biết phải làm như thế nào cho đúng? Sở dĩ họ phạm tội là do trước đó bạn chưa dạy cho họ biết là không được làm như thế. Thế nhưng, chỉ cần họ phạm tội là bạn giết họ, làm thế có ổn không? Hoàn toàn không ổn và cũng không công bằng. Có thể nói đó là một nền chính trị ác nghiệt.
Thứ hai, thế nào là "bạo"? Khổng Tử nói, bạn không nói trước cho người dân biết họ phải làm gì, thế mà lại yêu cầu họ nhất định phải làm việc thành công, phải tạo ra thành tích, đó là "bạo". Chỉ vì bạn muốn mau chóng có được thành tích nên đã không nói trước cho người dân biết họ phải làm gì và làm như thế nào, như vậy chẳng phải là bạn làm cho người dân phải chịu khổ sao?
Trong việc trị nước, bạn nhất định phải để người dân có thời gian chuẩn bị, đồng thời phải nói cho họ biết quy luật của vấn đề nằm ở đâu, họ phải làm gì và làm như thế nào. Nếu bạn chỉ biết đăm đăm vào thành tích của mình thì vô tình bạn đã đem đến điều bất lợi cho người dân, và đây cũng chính là một kiểu của sự bạo hành.
Thứ ba, thế nào là "tặc"? Khổng Tử nói, nếu trước đó bạn để mọi người lơ là mà không đốc thúc gì cả, mãi đến giai đoạn cuối cùng bạn mới đột ngột đưa ra thời điểm phải xong, rồi ép mọi người phải mau chóng hoàn thành, thì cách làm như thế là vô trách nhiệm. Cách làm này rất dễ dồn người khác vào chỗ bất nghĩa, và đây chính là "tặc" theo quan niệm của Khổng Tử.
Thứ tư, thế nào là "keo kiệt"? Đó là không nên keo kiệt bủn xỉn khi phải đem tiền bạc đến cho người khác, vì ta nhất định phải hậu tạ những người thực sự có ơn đức với mình. Nếu ai đó hết lòng hết sức vì công việc của chúng ta, thế nhưng đến lúc trả công chúng ta lại bớt xén tiền công của họ và tìm mọi cách để trả cho họ càng ít càng tốt, đây chính là bệnh keo kiệt. Khổng Tử nói rằng kẻ nắm quyền thu chi mà keo kiệt thì khác nào bọn "hữu tư" nhỏ mọn. "Hữu tư" chỉ chức quan nhỏ bé, chuyên quản những việc vặt vãnh ngày xưa. Ở đây ý Khổng Tử là người làm việc lớn như việc chính trị, việc trị vì quốc gia nhất định không thể quá nhỏ mọn, và họ phải thực hiện đúng lời hứa của mình và đối đãi tốt với người dân.
Đoạn đối thoại giữa Khổng Tử và Tử Trương trên đây tuy khá dài, nhưng lại đề cập đến rất nhiều triết lý liên quan trực tiếp đến việc trị nước. Đối với lý tưởng của Khổng Tử có lẽ mọi người vẫn còn nghi ngờ vì nó quá lý tưởng, nhưng trong tư tưởng dùng đạo đức trị nước của Khổng Tử có rất nhiều điểm thực sự đáng để chúng ta học tập.
Chúng ta không thể mong có một xã hội lý tưởng trong thực tại, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thông qua việc tích góp những điều tốt đẹp của bản thân.
Vậy chúng ta phải xây dựng xã hội ấy bằng cách nào?
Một lần Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về việc trị nước: "Muốn làm cho người dân cung kính, lễ phép, trung thành, cần mẫn thì phải làm thế nào?". Khổng Tử trả lời: "Ông dùng thái độ trang trọng để đối đãi với người dân thì họ sẽ tôn kính ông. Nếu ông biết hiếu thuận cùng cha mẹ, yêu quý con cái thì người dân sẽ hết lòng trung thành với ông. Nếu ông biết cất nhắc người hiền tài, dạy dỗ kẻ kém cỏi, người dân sẽ học được đức tính cần mẫn, cố gắng". Ở đây, ý của Khổng Tử rất rõ ràng, nhà cầm quyền cần phải tìm cách để làm cho người dân tốt hơn, ví dụ họ có thể khiến người dân biết cung kính, trung thành và cần mẫn hơn. Đó là yêu cầu của Khổng Tử đối với nhà cầm quyền. Những nội dung mà Khổng Tử đề cập đều hết sức thực tế, đó là những việc nhà cầm quyền buộc phải làm nếu muốn đạt được mục tiêu dùng đạo đức để trị nước.
Liên quan đến đạo trị thế, Khổng Tử còn nêu ra một số quan điểm biện chứng khiến chúng ta ngày nay không khỏi ngạc nhiên, thú vị. Học trò của Khổng Tử là Tử Hạ từng làm quan ở huyện Cử Phụ, một lần anh ta đến tìm thầy và hỏi rằng: "Thưa thầy, con phải xử lý việc nước như thế nào?".
Trả lời Tử Hạ, Khổng Tử không nói đến nội dung cụ thể phải làm mà ông chỉ đề cập đến hai nguyên tắc, đó là "vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi. Dục tốc, tắc bất đạt; kiến tiểu lợi, tắc đại sự bất thành" (Luận Ngữ, Tử Lộ).
Khổng Tử muốn học trò của mình ghi nhớ hai điều: Thứ nhất, về mặt thời gian, chúng ta không thể vì mong muốn nhanh chóng lập thành tích mà chạy theo tốc độ; thứ hai, chúng ta không nên để cho cái lợi nhỏ che lấp mắt mình, để rồi làm mất đi cơ hội phát triển lâu dài.
Như vậy, câu "dục tốc tắc bất đạt" đã chuyển tải một tư tưởng biện chứng hết sức sâu sắc.
Chúng ta đều biết, vận động viên chạy cự ly ngắn chủ yếu dựa vào tốc độ, còn vận động viên chạy đường dài lại dựa vào sức bền là chính. Một người có tốc độ cực nhanh, chắc chắn sức bền của anh ta sẽ kém; một người tham dự cuộc thi marathon thì sẽ không bao giờ chạy ngay từ đầu với tốc độ của 100 mét nước rút khi chuẩn bị đến đích.
Công cuộc kiến thiết kinh tế, chính trị của một đất nước còn to lớn và quan trọng hơn cuộc thi marathon rất nhiều lần. Nếu ngay từ đầu chúng ta đã chạy nước rút, hôm nay xây dựng một công trình lớn ở chỗ này, ngày mai tổ chức một đại lễ kỷ niệm ở chỗ kia, thì đây thực sự không phải là cách làm lâu dài. Nếu chúng ta bị cái lợi nhỏ che mắt, việc lớn của chúng ta sẽ rất khó thành.
Đối với người sống trong xã hội hiện đại thì hai nguyên tắc trên vẫn còn giữ nguyên giá trị. Không chỉ có tác dụng trực tiếp đối với nhà cầm quyền, mà ngay cả đối với chúng ta chúng cũng có tác dụng không nhỏ.
Trên đây chúng ta đã nói tới sự ảnh hưởng to lớn của tố chất người lãnh đạo đến việc thực hiện chủ trương dùng đạo đức để trị nước. Tất cả mọi việc đều phải dựa vào con người để hoàn thành. Vậy nên, trong tư tưởng dùng đạo đức trị nước của Khổng Tử có một khía cạnh hết sức quan trọng là phải cất nhắc người hiền tài, phải sử dụng những người thực sự có khả năng thi hành lý tưởng dùng đạo đức để trị nước.
Luận Ngữ có đoạn chép cuộc nói chuyện giữa Khổng Tử và Lỗ Ai Công với nội dung chính đề cập đến vấn đề trên. Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng, phải làm thế nào mới có thể khiến người dân phục tùng chính sách của nhà nước? Khổng Tử đã trả lời một cách thẳng thắn: "Nếu ngài biết cất nhắc những người có đức hạnh, lương thiện chính trực, và đặt họ ở vị trí bên trên những kẻ tiểu nhân thì chắc chắn người dân sẽ phục tùng. Ngược lại, nếu người được ngài cất nhắc lên chỉ là những kẻ tiểu nhân, tối ngày chỉ chuyên việc nịnh hót và tìm cách hại người khác thì chúng sẽ lấn át những người lương thiện chính trực, và người dân ắt sẽ không theo. Thực ra vấn đề chỉ có thế mà thôi".
Nhìn từ một góc độ nhất định, vấn đề quyết định của việc làm chính trị chính là ở chỗ bạn dùng người như thế nào. Một người ra sao thì được xem là có khả năng trị nước, và các tiêu chuẩn có thống nhất không? Khổng Tử và Quý Khang Tử cũng đã từng bàn đến vấn đề này.
Một ngày nọ, Quý Khang Tử nói chuyện với Khổng Tử, nội dung chủ yếu xoay quanh việc bình phẩm tài năng chính trị của một số nhân vật. Trong câu chuyện, Quý Khang Tử đặc biệt chú ý đến ba người học trò của Khổng Tử. Ba người này là Tử Lộ (Trọng Do), Tử Cống (Đoan Mộc Tứ) và Nhiễm Cầu, họ đều là những học trò yêu của Khổng Tử. Quý Khang Tử hỏi đến từng người, và hỏi họ có thể tham gia việc chính sự hay không?
Khổng Tử hiểu rất rõ về từng học trò của mình, nên ông đáp, cả ba người này đều có thể tham dự việc chính sự. Ông lại nói: "Tử Lộ là người dũng cảm quyết đoán, bảo anh ta tham dự việc chính sự thì có khó khăn gì? Tử Cống là người có học vấn, tư tưởng linh hoạt, hiểu lẽ biến thông, bảo anh ta tham dự việc chính sự thì cũng không có gì trở ngại. Nhiễm Hữu cũng chẳng có vấn đề gì khi bảo anh ta tham dự việc chính sự, bởi người này vốn có rất nhiều tài năng".
Như các bạn thấy, cách trả lời của Khổng Tử không theo một khuôn mẫu nào. Ba người này hoàn toàn khác nhau về tính cách và tài năng, nhưng họ đều đủ khả năng tham dự việc chính sự. Khổng Tử hiểu học trò mình, ông đồng thời biết rõ những yêu cầu cụ thể khi tham dự việc chính sự, vậy nên mới trả lời với Quý Khang Tử một cách chắc chắn như thế.
Ba người này, nếu bạn muốn tìm ra những khuyết điểm của họ thực ra không phải không có. Ví dụ, Tử Lộ là người "hữu dũng vô mưu" (nông cạn), nhưng Khổng Tử nói anh ta hoàn toàn có thể làm được vì ưu điểm của người này chính là sự dũng cảm quyết đoán. Tử Cống là người giỏi việc kinh doanh, thế nhưng anh ta cũng có rất nhiều khuyết điểm. Ví dụ Tử Cống thích bàn luận về người khác, Khổng Tử cũng từng có lần phê bình anh ta. Thế nhưng Khổng Tử nói Tử Cống thông minh, biết linh hoạt trong công việc nên hoàn toàn đủ tư cách tham dự việc chính sự. Nhiễm Hữu vốn có rất nhiều tài năng, nhưng nếu nhìn từ góc độ phê bình thì người này không có chí lớn, chỉ biết trung thành với những khả năng của mình, thế nhưng Khổng Tử nói, vì Nhiễm Hữu có nhiều tài nên anh ta hoàn toàn có khả năng tham dự việc chính sự.
Việc trị thế cần người có tấm lòng rộng mở, và cần nhân tài ở rất nhiều phương diện khác nhau.
Từ cách trả lời của Khổng Tử có thể thấy việc trị thế cần người có tấm lòng rộng mở, và cần nhân tài ở rất nhiều phương diện khác nhau. Chỉ cần mỗi người từ trên cương vị của mình mà phát huy hết tất cả những sở trường của bản thân là đủ. Tư tưởng về cách dùng người của Khổng Tử vẫn mang giá trị gợi mở không ít trong xã hội ngày nay.
Người dân bình thường ngày nay có lẽ ít người hứng thú với việc chính trị. Như vậy, việc học tập và thảo luận về đạo trị thế trong Luận Ngữ liệu có còn giá trị thực tế gì không?
Khổng Tử cũng từng có câu trả lời cho vấn đề này.
Một ngày nọ, có người hỏi Khổng Tử rằng: "Tại sao ngài không tham dự việc chính sự?" Việc này xảy ra vào khoảng những năm đầu giai đoạn Lỗ Định Công trị vì, khi ấy Khổng Tử chưa ra làm quan. Khổng Tử trả lời rằng: "Sách Thượng thư có câu: ‘Về chữ hiếu, chỉ cần hiếu thuận với cha mẹ, yêu quý anh em, kế đó cần mở rộng sự ảnh hưởng của cách làm này đến toàn xã hội’. Chỉ cần như thế đã đủ xem là làm chính trị rồi, tôi đâu nhất thiết phải vào triều làm quan".
Khổng Tử muốn nhấn mạnh là, chỉ cần bạn lấy đạo hiếu thuận quán triệt đến từng lĩnh vực công việc và hành vi của mình thì đó chính là cách làm chính trị lớn và hữu hiệu nhất. Điều này cũng có nghĩa, chỉ khi nào chúng ta xử lý tốt mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ giữa bạn bè thì mới có thể nói đến sự hòa thuận đối với toàn xã hội. Nếu mỗi người trong xã hội đều có thể làm được như thế thì toàn xã hội sẽ hết sức hài hòa, vậy đây chẳng phải là một cách làm chính trị hay sao?
Sau đó, Khổng Tử chu du khắp nơi trong thiên hạ, tuy ông không có được cơ hội thực thi tư tưởng chính trị của mình, nhưng đến mỗi quốc gia ông đều để tâm tìm hiểu nền chính trị của nước ấy. Từng có một người tên Trần Cang, tự là Tử Cầm cảm thấy hết sức ngạc nhiên về cách làm của Khổng Tử, ông ta bèn hỏi Tử Cống rằng: "Ông ta đến bất kỳ một nước nào đều để tâm vào việc tìm hiểu nền chính sự của nước ấy, việc này là do bản thân ông ấy muốn đi tìm hiểu hay là do người ta tự động nói với ông ta?".
Tử Cống nói: "Phu tử ta bản tính lương thiện, tính tình dễ gần, cung kính với người, lại biết tiết chế hành vi của mình. Hơn nữa, toàn bộ con người ông toát lên vẻ khiêm tốn, ông đã dựa vào những đức tính ‘ôn’ (ôn hòa dễ gần), ‘lương’ (lương thiện), ‘cung’ (cung kính), ‘kiệm’ (tiết kiệm, biết tiết chế), ‘nhượng’ (biết nhường nhịn) để đạt tới việc là đi đến bất kỳ nơi đâu cũng đều có thể hiểu rõ những được mất của việc chính sự ở nơi ấy". Thực ra đây chính là sự mở rộng của nhân cách, và cũng là bài ca chiến thắng của đạo đức. Một khi có những phẩm chất này, Khổng Tử đâu cần phải tìm mọi người để hỏi, cũng đâu cần đến việc các vị vua của các nước tự nguyện đến nói? Tử Cống còn nói rằng cách tìm hiểu về nền chính sự của Khổng Tử có lẽ hoàn toàn không giống với cách làm của những người khác.
Điều này cũng có nghĩa, khi một người thể hiện ra ngoài bằng các trạng thái ôn hòa, lương thiện, cung kính, biết kiềm chế, biết nhường nhịn thì anh ta mới có thể hiểu được bản chất của đạo trị thế.
Từ hai đoạn trích trên đây chúng ta có thể thấy mối liên hệ giữa con người và thế giới cho dù ở bất kỳ thời gian và hoàn cảnh nào cũng luôn hết sức khăng khít. Để nhận thức về thế giới, ngay cả những thay đổi và xu hướng phát triển của nền văn minh thế giới, hoàn toàn không đòi hỏi bạn phải là một chuyên gia, hoặc bạn phải sở hữu một lượng kiến thức là bao nhiêu mới có thể hiểu được, mà mỗi người đều có thể tự cảm nhận, chỉ cần bạn xuất phát từ đạo đức.
Ngày nay, tuy chúng ta không nhất thiết phải làm theo những giáo huấn của người xưa, nhưng đôi khi những điều ấy lại có giá trị gợi ý không nhỏ đối với chúng ta. Không ai cho rằng Khổng Tử từng là một nhà chính trị thành công trong lịch sử, thế nhưng điều này không có nghĩa là tư tưởng dùng đạo đức trị nước của Khổng Tử sẽ không có sức ảnh hưởng to lớn đối với xã hội của chúng ta ngày nay.