Từ hơn 2000 năm trước, Khổng Tử đã rất quán triệt đạo trung thứ trong từng hành vi của mình.
Đạo trung thứ, nói một cách đơn giản, chính là làm sao để mỗi người trung thành với chính mình và đối đãi tử tế với người khác.
Giữ được tâm thế như vậy thì bất kể xã hội có hỗn loạn và dễ mê đắm đến mức nào, chúng ta vẫn luôn có thể tự do tự tại trong cuộc sống của chính mình.
Ngày nay, con người đang phải đối mặt với một vấn đề là xã hội thay đổi quá nhanh và có quá nhiều điều mê hoặc, điều khiển chúng ta.
Vậy trong sự biến hóa khôn cùng của xã hội, chúng ta có gì để lấy "bất biến ứng vạn biến"? Điều mà thế giới tinh thần của chúng ta thường dựa vào là gì? Ngày nay, chúng ta thường nói rằng hành vi của con người là do chính thế giới tâm linh, hoặc do lòng người dẫn dắt. Vậy lòng người rốt cục nằm ở đâu? Đây là thứ con người không ngừng tìm kiếm, nhưng cũng không dễ dàng tìm thấy.
Thời đại của Khổng Tử có rất nhiều khái niệm gắn liền với thế giới tâm linh của con người. Có lần trên lớp học, Khổng Tử nói với Tăng Sâm như sau: "Tăng Sâm à, anh biết không? Ta làm người hay làm việc đều tuân theo một quan niệm nhất quán từ đầu đến cuối". Tăng Sâm vốn nhanh trí, hiểu ngay lời thầy, nói: "Con hiểu". Sau khi Khổng Tử đi khỏi, những học trò còn lại hỏi Tăng Sâm: "Ý thầy muốn nói điều gì, ‘nhất quán từ đầu đến cuối’ rốt cục là cái gì?". Tăng Sâm bèn giải thích cho mọi người: "Thầy ta suốt một đời cho dù ở việc làm người hay làm bất cứ việc gì cũng đều xuất phát từ một quan điểm căn bản nhất, đó chính là hai chữ ‘trung’ và ‘thứ’" (Luận Ngữ, Lý nhân).
Từ đây chúng ta dễ dàng liên tưởng tới việc Tử Cống từng hỏi Khổng Tử rằng: "Thầy có thể cho chúng con một chữ để chúng con cả đời làm theo chữ ấy hay không?". Khổng Tử trả lời rằng, nếu trong đời có chữ như thế, thì có lẽ chữ ấy chính là chữ "thứ" rồi!
Vậy thế nào là "trung", là "thứ"? Học giả Chu Hy đời Tống có cách giải thích tuy đơn giản nhưng rất chính xác về hai chữ này. Ông nói: "Tận kỷ chi vị trung, thôi kỷ chi vị thứ". Nghĩa là, hết lòng là "trung", còn dùng lòng mình để mà suy xét, cân nhắc cho trường hợp của người khác là "thứ". Thế nhưng lại có người giải thích rằng: "Chữ ‘trung’ được kết hợp bởi hai chữ ‘trung’ và ‘tâm’, nghĩa là trung với lòng mình và chân thành với chính bản thân mình; còn chữ ‘thứ’ là do hai chữ ‘như’ và ‘tâm’ tạo thành, nghĩa là từ lòng ta suy ra lòng người là ‘thứ’". Chu Hy cũng từng dẫn ra quan điểm này khi giải thích về lòng trung thứ, và cho rằng nó hoàn toàn không mâu thuẫn với cách giải thích của ông. Các bạn nghĩ xem, hai chữ này phải chăng có cấu tạo hết sức thú vị?
Các bạn hãy thử nghĩ về những tiêu chuẩn của thế giới nội tâm của chúng ta. Lương tri ở đâu, sự đúng sai ở đâu, những phán đoán mà chúng ta đưa ra đã được cất giữ ở đâu trong thế giới nội tâm của mình? Nếu chúng ta không ngừng nêu ra những câu hỏi như thế này với chính mình, đồng thời không ngừng cố gắng làm tốt những việc mà mình phải làm, đây chính là "trung".
Còn "thứ" chính là đem lòng người khác xem như chính lòng mình, đem bản thân mình để nghĩ cho trường hợp của người khác, như thế bản thân mình sẽ trở nên khoan dung hơn. Đây cũng chính là ý của câu "Trung tâm vi trung, như tâm vi thứ".
Tuy nhiên, cả hai chữ "trung", "thứ" đều cần có một tiền đề - bạn phải hiểu rõ là lòng mình (tâm) ở đâu.
Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, thế giới bên ngoài thường xuyên đem đến cho chúng ta quá nhiều sự lựa chọn và quá nhiều hệ tham chiếu. Chỉ khi nào những tiêu chuẩn xét từ góc độ tâm linh được xác lập thì đạo trung thứ mới có thể thi hành, chúng ta mới có thể tìm thấy đạo trung thứ và quán triệt nó trong mỗi hành vi của mình.
Xuất phát từ thế giới tâm linh của chính mình để chạm tới thế giới tâm linh của người khác chính là con đường dẫn đến sự gặp gỡ giữa mình và người khác.
Sau khi xác định rõ những tiêu chuẩn trong thế giới tâm linh của mình, chúng ta cần tiếp tục xuất phát từ thế giới tâm linh của chính mình để chạm tới thế giới tâm linh của người khác. Có thể nói đó chính là con đường dẫn đến sự gặp gỡ giữa mình và người khác.
Chúng ta phải làm thế nào mới có thể hết lòng và "thứ" đối với người khác? Khổng Tử nói rằng những việc mà bản thân muốn làm thì nên giúp để người khác cũng có thể làm được như mình, giống như câu "kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân" (Luận Ngữ, Ung dã). Còn những việc bản thân mình không muốn làm thì cũng đừng làm cho người khác, đây cũng chính là ý nghĩa của câu "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Luận Ngữ, Nhan Uyên). Các bạn có thấy rằng tất cả những điều này đều phải dựa vào những phán đoán xuất phát từ sự cân nhắc của thế giới nội tâm trong lòng chúng ta.
Tăng Sâm từng nói: "Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?" (Luận Ngữ, Học nhi). Ý của Tăng Sâm là mỗi ngày ông đều xét lại (phản tỉnh) lòng mình rất nhiều lần. Vậy ông ta xét lại những điều gì?
Điều đầu tiên cần xét chính là "vị nhân mưu nhi bất trung hồ". Mỗi người đều có một vai trò trong xã hội, một nghề nghiệp và thân phận riêng, vậy bạn có trung thành với tất cả những việc mà bạn làm chưa?
Thời đại chúng ta đã cách quá xa cái thời mà mọi người dân đều phải trung với vua, vậy ngày nay chúng ta có cần thiết phải nêu ra chữ "trung" nữa không? Hơn nữa, trong số những người mang danh trung thần trong lịch sử có rất nhiều người thuộc loại ngu trung, vậy chúng ta cần những trung thần như thế nào?
Khái niệm "‘trung’ là trung với lòng mình, chân thành với chính bản thân mình" sẽ vĩnh viễn không bao giờ lỗi thời. Bởi vì sự trung thành thực sự không phải là trung thành với những tiêu chuẩn bên ngoài, cũng không phải là trung thành với bất cứ một người nào, một chế độ nào, mà là trung thành với những phán đoán xét từ khía cạnh đạo đức của thế giới nội tâm, của lương tri con người.
Vậy nên, sự trung thành thực sự chỉ tồn tại trong lòng của mỗi người. Khi một người dùng lòng mình để hoàn thành công việc thì họ mới có thể thực sự đạt tới sự trung thành đối với vai trò và vị trí của mình.
Ngày nay, mỗi người chúng ta hầu như đều đạt đến trình độ chuyên môn trong công việc của mình, và đó như là một yêu cầu tối thiểu. Nhưng nếu chúng ta đặt thêm vào đó tâm hồn mình thì chúng ta có thể phát huy được tài năng và khả năng sáng tạo của bản thân, khiến công việc có thể vượt qua mức độ chuyên nghiệp và đạt tới cảnh giới của sự hoàn thiện.
Bản thân tôi đã từng tận mắt chứng kiến một câu chuyện hết sức thú vị liên quan đến việc bán hoa. Người chủ của một tiệm hoa nhỏ hết sức bình thường cần tuyển một nhân viên chuyên bán hoa. Một ngày nọ, có ba cô gái tới xin được tuyển vào làm. Cô gái thứ nhất tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật vườn cảnh, thế nên cô ta hiểu rất nhiều kiến thức chuyên nghiệp. Cô gái thứ hai từng có một thời gian khá dài làm việc ở một tiệm bán hoa khác nên kinh nghiệm thực tế của cô rất phong phú. Cô gái thứ ba hầu như không hiểu chút gì về công việc bán hoa, cũng chưa từng tiếp xúc với những tri thức liên quan đến hoa, cô đang trong thời gian đợi việc. Người chủ tiệm quyết định giữ lại cả ba cô để xem khả năng của họ trong việc bán hoa ra sao, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Cô gái thứ nhất do tốt nghiệp trường chuyên ngành nên việc bán hoa của cô hết sức chuyên nghiệp. Chỉ cần có khách tới tiệm, cô ta liền hỏi ngay, quý khách muốn tặng hoa cho ai, cho cha mẹ, cho cấp trên, cho bạn bè hay là cho người yêu? Quý khách chọn hoa cho ngày kỷ niệm gì? Kế đó cô giải thích cho khách hàng về tên gọi, ý nghĩa tượng trưng của mỗi loài hoa, mỗi loài hoa tượng trưng cho điều gì, số lượng bông hoa nói lên điều gì,… Nói chung, cô làm việc hoàn toàn dựa vào vốn tri thức về hoa đã được trang bị từ thuở ngồi trên ghế nhà trường nên việc bán hoa của cô khá thành công và có nhiều khách hàng yêu thích cô.
Cô gái thứ hai vì từng có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc bán hoa nên cô chú ý khá nhiều đến lợi nhuận cũng như thu nhập hàng ngày của tiệm. Có thể nói, cô là một người khá chu đáo trong mọi việc. Chúng ta đều biết, hoa tươi bị hư hỏng khá nhiều trong quá trình vận chuyển. Trong quá trình cắm hoa, cô thường xuyên dùng tăm để khôi phục những bông hoa bị gãy, nhờ đó hoa của cô có giá thành khá thấp. Hơn nữa những bình hoa, rổ hoa do cô cắm không chỉ đẹp mà còn giữ được độ tươi khá lâu, bởi vậy khách hàng rất vừa lòng.
Riêng cô gái thứ ba, bản thân đã không hiểu ngôn ngữ các loài hoa, lại không có kinh nghiệm bán hoa, có thể nói việc bán hoa đối với cô vẫn chưa đạt đến trình độ chuyên môn. Thế nhưng, cô gái này vốn lương thiện và thuần khiết nên cô không nỡ vứt đi những đóa hoa tàn, hoa gãy, dù cô cũng không biết lấy tăm để khôi phục lại chúng. Vào hai buổi sáng và chiều tối, cô luôn đứng bên cửa tiệm tặng những bông hoa cho các bạn học sinh, các cụ già hoặc những người qua lại. Khi tặng hoa cho họ, cô nói: "Tặng hoa tươi cho người khác, trong tay mình còn lưu lại mùi hương. Nếu bạn không thích, có thể tặng lại cho người khác".
Một tuần sau, người chủ tiệm quyết định chỉ giữ lại cô gái thứ ba.
Đối với công việc mà hàng ngày chúng ta làm, đôi khi những kỹ năng chuyên môn, những tính toán liên quan đến lợi nhuận có thể không phải là những thứ quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất chính là bạn có thực sự đem tâm hồn mình đặt vào công việc hay không? Bạn có thực sự tận tâm trong công việc hay không? Chỉ có sự tận tâm mới có thể nâng cao chất lượng công việc và nâng tầm công việc hướng đến sự hoàn mỹ.
Thực ra, việc bán hoa cần đi liền với những tâm tình của người gắn liền với hoa. Vậy nên xét về khả năng chuyên môn cô gái thứ ba kém xa hai cô gái đầu, nhưng cô ấy biết đặt lòng mình vào công việc, đây cũng là ý của câu "trung tâm vi trung" (chân thành với lòng mình, chân thành với chính bản thân mình là "trung").
Sau khi đã có được "trung", tôi nghĩ, mỗi người cần xuất phát từ sự dẫn dắt của thế giới nội tâm để xử lý tốt mối quan hệ giữa bản thân và người khác. Tuy nhiên, mọi thứ trong thế giới đều biến đổi rất nhanh nên chúng ta cần phải đặt ra một yêu cầu, đó là vĩnh viễn không được thay đổi những tiêu chuẩn đã định hình trong nội tâm của chúng ta. Bạn cũng cần giữ vững sự đánh giá, nhìn nhận của mình, vì chỉ có như thế thì mức độ trung thành và tận tâm của bạn mới không bị giảm sút. Đây cũng chính là ý nghĩa của câu "quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân" (quân tử cầu ở chính mình, còn tiểu nhân cầu ở người khác).
Trong xã hội ngày nay, không ít những kẻ suốt ngày chỉ cầu mong được người khác cho mình một cơ hội, một chức vụ, một sự giúp đỡ. Tôi không nói những người như thế là không tốt, vì tất nhiên chúng ta không thể không nắm bắt cơ hội của mình, thế nhưng điều căn bản ở đây là bạn cần phải tự biết bạn là ai.
Chắc chắn ai cũng sẽ có lúc bị người khác hiểu lầm, và bản thân họ đôi khi cảm thấy mình có tài nhưng không được trọng dụng, không có cơ hội phát triển. Trong lịch sử Trung Quốc từng có biết bao nhiêu văn nhân cảm khái rằng mình sinh không đúng thời, không có cơ hội gặp được vua tốt. Trong trường hợp này, rõ ràng là thế giới nội tâm của con người đã bị dao động. Những lúc như vậy, trước hết bạn cần phải nhìn rõ lòng mình và chất vấn lại bản thân. Ví dụ, bạn cảm thấy người khác có hiểu sự tận tâm, lòng trung thành của bạn hay không? Sự tận tâm, lòng trung thành ấy đã được bạn đưa vào quá trình làm việc hàng ngày hay chưa? Đến lúc này, bạn sẽ cảm thấy còn nhiều thứ rất hồ nghi. Vậy nên mới nói, muốn làm một người quân tử luôn biết cầu ở chính mình thật không dễ dàng.
Tuy nhiên, trong Luận Ngữ từ đầu đến cuối luôn chủ trương rằng: "Quân tử bệnh vô năng yên, bất bệnh nhân chi bất kỷ tri dã" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Nghĩa là, điều mà người quân tử thực sự luôn nghĩ trong lòng là họ lo mình không có tài, chứ hoàn toàn không lo người khác không hiểu mình.
Câu này còn có một cách diễn đạt khác: "Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập; bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã" (Luận Ngữ, Lý nhân). Nghĩa là, đừng buồn vì trong xã hội không có vị trí để bạn tận trung, mà điều đáng buồn là bạn có khả năng thích ứng với xã hội hay không? Nếu bạn có khả năng thì sớm muộn gì cũng sẽ có vị trí dành riêng cho bạn. Bạn cũng không nên buồn vì hiện tại không có người hiểu bạn, mà điều đáng buồn là bạn có tài năng gì để người khác cần phải hiểu bạn? Thế nên bạn cần phải không ngừng phấn đấu để có những tài năng đáng để cho mọi người phải quan tâm.
Bạn hãy tự hỏi mình là thế giới nội tâm của bạn đã đủ mạnh hay chưa? Đối với những phán đoán của bản thân, con người thường xuyên di động giữa hai cực là quá tự cao tự đại hoặc quá tự ti.
Chúng ta thường phàn nàn rằng người khác không hiểu mình. Nhưng trên thực tế có mấy người thực sự hiểu được giá trị của bản thân? Và thực ra thì một người có những giá trị gì?
Từng có đồ đệ trẻ đến hỏi một vị thiền sư rằng: "Xin thầy hãy chỉ cho con một đường đời sáng sủa, và xin hãy nói cho con biết, bản thân con có những giá trị gì?".
Vị thiền sư nọ lại trả lời bằng một câu hỏi: "Anh nói một cân gạo có bao nhiêu giá trị?".
Đồ đệ nọ nghe xong sững người, vị thiền sư nói: "Nếu nhìn từ góc độ của một phụ nữ nông dân, một cân gạo chẳng qua chỉ là mấy bát cơm mà thôi. Nếu nhìn từ góc độ một người bán gạo, nó cũng chỉ đáng một đồng tiền. Nếu nhìn từ góc độ của một người chuyên làm bánh gạo, một cân gạo chỉ cần gia công thêm đôi chút là đã có thể kiếm được ba đồng. Nếu cân gạo này rơi vào tay người thợ làm bánh ngọt, giá trị của nó có thể lên đến năm đồng… Còn nếu rơi vào tay người nấu rượu, chỉ cần bỏ ra công sức, anh ta đã có thể kiếm cho mình đến 40 đồng. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là điểm dừng cuối cùng, giá trị của một cân gạo vẫn không ngừng được thể hiện từ nhiều góc độ khác nhau. Dù vậy, gạo thì trước sau vẫn là một cân gạo, anh có hiểu không?".
Điều mà thiền sư muốn nói ở đây là việc mỗi người nhìn nhận giá trị của bản thân như thế nào. Quyền lựa chọn không nằm ở người khác mà nó nằm trong tay của chính mỗi người. Thế thì, chúng ta còn cần phải lo lắng việc người khác không hiểu mình không? Trong trường hợp này thực ra chỉ có bạn không hiểu chính bạn mà thôi. Cho nên, việc an định thế giới nội tâm của bản thân thực chất chính là quá trình tìm hiểu, mở mang thế giới nội tâm và xác định rõ giá trị của chính mình.
Khổng Tử cho rằng người quân tử thực sự chẳng qua chỉ là người không lo không sợ. Sở dĩ một người không mang trên mình quá nhiều điều lo lắng và sợ hãi chính là do họ đã an định thế giới nội tâm của chính mình và biết rõ giá trị thực sự của bản thân.
Tôi biết một câu chuyện rất hay. Chuyện kể, có một thanh niên hỏi một ông lão rằng: "Sa mạc bao la này có không biết bao nhiêu là cát, còn tôi chẳng khác nào một hạt cát giữa biển lớn bao la. Vậy tôi phải làm thế nào mới có thể thể hiện ra những giá trị của bản thân?".
Ông lão cúi xuống nhặt lên một hạt cát, nói: "Anh nghĩ đây chính là anh phải không? Tôi chỉ cần thả tay, anh lập tức sẽ rơi trở lại sa mạc, vậy anh còn có thể tìm ra mình không?". Người thanh niên trả lời rằng đương nhiên là không thể tìm lại được, bởi khắp nơi đều là cát.
Ông lão lấy một hạt trân châu từ trong túi ra, ông cố ý để hạt trân châu rơi trên cát, nói: "Bây giờ anh có thể nhặt lại giùm tôi viên trân châu đó không?". Chàng thanh niên trả lời, đương nhiên là được, bởi nó khác xa hạt cát, nói rồi anh nhặt viên trân châu lên đưa cho ông lão.
Ông lão nói: "Bây giờ chắc anh đã hiểu rồi chứ, tại sao trước tiên anh không biến mình thành một hạt trân châu? Nếu làm được như thế, anh còn lo người khác không nhìn ra được anh hay sao?".
Câu chuyện này muốn nói với chúng ta một điều, đó cũng chính là điều từng được nói trong thiên Học nhi của Luận Ngữ: "nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?". Nghĩa là, khi người khác không hiểu mình thì ta có cần bực tức không? Ta có cần hấp tấp biện hộ hoặc chứng minh về bản thân không? Thực tế cho thấy, dù người khác không hiểu bạn, bạn cũng không cần thiết phải phẫn nộ, đó mới là tâm lý thường thấy ở người quân tử.
Vậy bản thân Khổng Tử xử trí như thế nào trong trường hợp này? Khổng Tử nói: "Bất oán thiên, bất vưu nhân. Hạ học nhi thượng đạt. Tri ngã giả kỳ thiên hồ!" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Nghĩa là, chúng ta không nên oán trời, không nên trách người mà nên thông qua việc học tập những điều cụ thể để hiểu được những đạo lý cao sâu. Người hiểu chúng ta có lẽ chỉ có trời mà thôi. Tất cả mọi việc chúng ta đều phải tìm căn cứ từ cuộc đời của chính mình chứ không thể hơi một tí là oán thán, rằng trời không cho mình cơ hội, hoặc do kẻ khác chắn đường mình.
Làm được "bất oán thiên, bất vưu nhân" là điều không dễ dàng. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta không nên đi tìm nguyên do ở hoàn cảnh khách quan, mà cần phải xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá ở trong lòng mình.
Ngày nay, chúng ta gặp cơ hội càng nhiều thì càng chứng tỏ sự rộng lớn của thế giới, và sự trung thành, tận tâm của chúng ta càng kiên định thì thế giới sẽ càng trở nên giản dị, mộc mạc. Điều này yêu cầu mỗi người nên bắt đầu từ sự trung thành với cuộc đời của chính mình rồi mới vươn đến sự trung thành với xã hội, với nghề nghiệp và với người khác. Nếu bạn thiếu sự trung thành với chính cuộc đời mình thì biết phải xác lập điều căn bản của "trung tâm vi trung" (chân thành với lòng mình, chân thành với chính bản thân mình là ‘trung’) ở đâu?
Điều kinh điển của Nho gia chính là dạy con người biết phản tỉnh và hiểu về chính mình, đồng thời tìm thấy giá trị đích thực của bản thân.
Có nhiều người biết bản thân mình không tốt và thấy rõ những sai lầm của mình, thế nhưng họ vẫn cố tìm mọi cách để che đậy, cho nên Khổng Tử mới cảm khái rằng: "Dĩ hĩ hồ! Ngô vị kiến năng kiến kỳ quá nhi nội tự tụng giả dã" (Luận Ngữ, Công Dã Tràng). Nghĩa là, ta chưa từng tận mắt nhìn thấy người nào phạm lỗi mà biết tự phản tỉnh, biết tự khiển trách về những lỗi lầm của mình.
Điều này cũng có nghĩa, trước một sự việc mà mình làm sai hoặc không đủ khả năng thực hiện, chúng ta thường thấy hối hận, rồi tìm cách che đậy để lòng mình được dễ chịu hơn. Vậy nên chúng ta hay nói rằng, ôi, đây chỉ là sự cố ngẫu nhiên mà thôi, nếu không phải là ai đó ngẫu nhiên bước vào, hoặc ai đó cố ý phá mình thì chắc chắn sẽ không có lỗi này. Chúng ta thường đem những sai lầm của mình mà đổ lỗi cho người khác, vì hầu hết chúng ta đều thiếu khả năng tự khiển trách đối với chính mình. Trong khi đó, thế giới nội tâm của chúng ta cần phải luôn giữ sự phản tỉnh sâu sắc, lý tính và không chấp nhận sự đùn đẩy trách nhiệm.
Tôi từng đọc một số sách liên quan đến ngành học quản lý, trong đó có đoạn giới thiệu rằng, ngày nay một số công ty lớn trên thế giới đã chọn ra một ngày trong số năm ngày làm việc trong tuần và đặt tên là "ngày không viện cớ". Nếu yêu cầu cả năm ngày bạn đều không viện cớ thì rất khó, thế nhưng cũng cần phải có một ngày mà cho dù có xảy ra bất kỳ việc gì thì bạn cũng không được viện lý do. Thông qua ngày này, các công ty muốn xây dựng cho nhân viên một thói quen tốt trong quá trình làm việc.
Khi những thói quen này trở thành tự nhiên cũng có nghĩa là bạn đã đạt tới phẩm chất mà Khổng Tử từng đề cập: "Cung tự hậu nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn oán hĩ" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Nghĩa là, nếu một người trách mình nhiều mà ít khi trách người thì những oán hận trong lòng ắt cũng sẽ không đến. Biết luôn tự trách mình và luôn giữ được đầu óc trong trạng thái tỉnh táo thì không những ta không có điều gì phải trách người khác, mà bản thân ta cũng lánh xa được những oán hận từ người khác nhắm vào mình.
Có một câu ngạn ngữ rất hay rằng: "Trên thế giới này làm gì có người nào không bàn luận về người khác và làm gì có người nào lại không bị người khác bàn luận". Tất cả mọi người đều đứng từ góc độ quan điểm cá nhân để bàn luận đúng sai, tốt xấu. Trong các học trò của Khổng Tử cũng có hiện tượng này. Ví dụ, chúng ta thường nói Tử Cống là: "Tử Cống phương nhân" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Ở đây "phương nhân" chính là người chuyên bàn luận những chuyện đúng sai, tốt xấu của người khác.
Khổng Tử từng nhắm vào thói quen này của Tử Cống mà buông lời rằng: "Tứ dã hiền hồ tai? Phù ngã tắc bất hạ" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Ý Khổng Tử nói rằng, này anh Tứ, chẳng lẽ anh đã là người hoàn thiện rồi sao? Bản thân anh đã hoàn thiện đến mức có thể cho mình cái quyền đi bình luận sự đúng sai, tốt xấu của người khác rồi sao? Riêng thầy anh thì không rảnh để đi bàn luận việc của người khác.
Câu này của Khổng Tử rõ ràng mang ý trách cứ, đây cũng là câu mà mỗi chúng ta ngày nay cần phải thường xuyên nhắc nhở chính mình. Có khi chúng ta bàn luận về sự bất hạnh của người khác nhưng không kèm theo sự đau đớn và cảm thông, thậm chí chính trong quá trình bàn luận này chúng ta lại có sự thỏa mãn về tâm lý. Những động cơ như thế có được xem là lương thiện hay không? Chúng ta thường xuyên nói về chuyện một ai đó hôm nay lại thua rồi, hay một người nào đó tệ đến mức nào. Nói ra những lời này, trong lòng chúng ta thực sự muốn nói rằng: "Bạn thấy đấy, tôi hơn anh ta nhiều". Nếu như thế rõ ràng chúng ta đã cách khá xa đạo "thứ" của Khổng Tử.
Từ "trung" phát triển đến "thứ" cũng chính là quá trình xuất phát từ lòng chúng ta để suy đến lòng người khác, thực chất đó chính là quá trình dùng tư tưởng của chúng ta mà nghĩ thay cho người khác. Bạn có mong người khác bàn luận chuyện tốt xấu về mình ngay sau lưng mình không? Vậy nên, "trung" thực sự là một thái độ xuất phát từ thế giới nội tâm của chính mình, và một khi điều ấy được biểu hiện ra ngoài, rồi tiến tới suy nghĩ cho quyền lợi của một cá nhân nào đó thì chúng ta sẽ có "thứ".
Phàn Trì từng hỏi Khổng Tử, thế nào là "nhân"? Khổng Tử trả lời anh ta rằng: "Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung. Tuy chi Di Địch, bất khả khí dã" (Luận Ngữ, Tử Lộ). Ở đây, Khổng Tử đưa ra ba tiêu chuẩn.
Thứ nhất là "cư xử cung", tức là trong cuộc sống bình thường trong gia đình, dù bản thân chúng ta sống nhàn hạ thì cũng phải luôn giữ vẻ cung kính trong bất kỳ trường hợp nào.
Thứ hai là "chấp sự kính", tức là một khi bắt tay vào làm việc, bất kể là việc nhỏ hay việc lớn, trong lòng chúng ta phải luôn giữ thái độ cung kính, và không ngừng cố gắng để hoàn thành công việc tốt nhất.
Thứ ba là "dữ nhân trung", nghĩa là khi hợp tác làm việc với người khác chúng ta cần lấy đạo trung tín làm căn bản, phải thành tâm thành ý.
Theo Khổng Tử, cho dù ở những vùng xa xôi hẻo lánh nào và cho dù đối tượng giao tiếp là ai đi nữa thì chúng ta cũng không thể bỏ qua ba tiêu chuẩn này. Làm được như vậy là chúng ta đã đạt đến chuẩn mực của lòng nhân ái.
Vậy ba chữ "cung", "kính", "trung" này có mối quan hệ như thế nào? Con người cần giữ trạng thái trong kính ngoài cung, và cần phải giữ đạo trung tín trong giao tiếp với người khác. Ngày nay chúng ta chủ trương cần cung kính trong việc đối nhân xử thế, nếu bên trong không có kính, bên ngoài không có cung thì chắc chắn không thể đáp ứng yêu cầu đó. "Kính" thuộc về thái độ, "cung" thuộc về hành vi, vậy nên trong giao tiếp xã hội trước hết phải trong kính ngoài cung rồi mới có thể có sự trung thành và tận tâm được.
Chúng ta nói rằng "như tâm vi thứ" (từ lòng ta suy ra lòng người là "thứ"), vậy tại sao chỉ một chữ "thứ" mà con người có thể làm theo suốt cả cuộc đời? Khi chúng ta dùng lòng mình mà so sánh với lòng người và nghĩ thay cho lòng người, kết quả là gì?
Tử Cống từng hỏi Khổng Tử rằng: "Ngã bất dục nhân chi gia chư ngã dã, ngô diệc dục vô gia chư nhân" (Luận Ngữ, Công Dã Tràng). Nghĩa là, thầy ơi, con thực sự không muốn người khác dùng ý của họ để gán ghép cho con, cũng không muốn dùng ý kiến riêng của mình mà gán ghép cho người khác. Trong thế giới này, mọi người nên giữ sự tôn trọng lẫn nhau, đừng ai cưỡng ép hay gán ghép cho ai hết, như thế có được không?
Khổng Tử hiểu rõ thực tế nên ông than với Tử Cống rằng: "Tứ dã, phi nhĩ sở cập dã" (Luận Ngữ, Công Dã Tràng).
Khổng Tử than rằng, Tử Cống à, điều này hoàn toàn không phải anh muốn là có thể làm được. Anh không muốn cưỡng ép, gán ghép cho người khác, nhưng người khác vẫn có thể cưỡng ép và gán ghép cho anh. Hơn nữa, đôi khi anh không biết là mình đã cưỡng ép, gán ghép cho người khác, thế nên đây không phải là việc anh muốn thì có thể làm được.
Trong quan hệ với người thân, bạn bè, chẳng phải chúng ta vẫn thường đem những thứ mà bản thân mình coi là tốt ra để yêu cầu người khác đó sao? Chẳng hạn như muốn người khác nhất định phải ăn một món gì đó, mặc một loại quần áo gì đó, hay phải sống theo một cách thức nào đó…, những điều này cũng chính là cưỡng ép, gán ghép.
Chúng ta phải nêu cao chữ "thứ", vì nó tốt, thế nhưng để làm được điều đó cũng rất khó. Điểm xuất phát của chữ "thứ" chính là đem lòng mình mà nghĩ thay cho người, nhờ đó chúng ta sẽ dễ đạt tới sự khoan dung hơn.
Tôi hoàn toàn không có ý rằng tất cả mọi tiêu chuẩn đạo đức của hơn 2000 năm trước đều thích ứng với xã hội ngày nay. Chúng ta đều biết, "khoan thứ" cần phải có tiền đề, và chúng tôi cũng không chủ trương kiểu "khoan thứ" suông hay kiểu "khoan thứ" không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc nào.
Trong xã hội ngày nay, tiền đề của "khoan thứ" là gì?
Xã hội của chúng ta ngày nay có hai sợi dây vô hình: một sợi là hệ thống pháp luật, còn một sợi chính là hệ thống đạo đức luân lý gia đình. Một số vấn đề luật pháp có khả năng được giải quyết thông qua đạo đức hay có thể khiến thâm tâm chúng ta bị thuyết phục nhờ vào chữ "thứ". Tuy nhiên đạo "thứ" không phải là không có biên giới, và nó vĩnh viễn không thể đan xen hoặc thay thế để giải quyết những việc thuộc phạm vi pháp luật.
Lòng khoan dung bắt nguồn từ sự hiểu biết và cảm thông. Chúng ta đem cảnh ngộ của người khác và cuộc sống của mình so sánh với nhau, để rồi đi đến sự thấu hiểu và cảm thông.
Trong phạm vi có thể áp dụng, chúng ta phải thực hành "khoan thứ" như thế nào? Lòng khoan dung bắt nguồn từ sự hiểu biết và cảm thông, tức là chúng ta đem cảnh ngộ của người khác và cuộc sống của bản thân so sánh với nhau, để rồi đi đến sự thấu hiểu và cảm thông. Trong cuộc sống chắc chắn sẽ có lúc có rất nhiều việc không tốt không may xảy ra, và chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nỗi đau, khi đó chúng ta phải xử trí như thế nào? Khổng Tử từng nói, "dĩ trực báo oán" (Luận Ngữ, Hiến vấn), tức là cần dùng thái độ thẳng thắn, chính trực để xử lý, khiến vấn đề được giải quyết trong khoảng thời gian ngắn nhất, chứ không được để vấn đề liên tục tiếp diễn và lấy oán báo oán.
Trong thần thoại Hy Lạp có một lực sĩ tên là Hercules. Một lần nọ, Hercules nhìn thấy một cái bao nhỏ nằm chắn ngang con đường núi hẹp. Khi đi qua, chàng thuận chân đá vào cái bao một cái, ý muốn dọn nó đi cho sạch đường. Nào ngờ vừa đá vào, cái túi liền to ra, thế rồi nó nằm yên đó không nhúc nhích. Hercules giận quá lại đá liền vài cái, đá xong chàng phát hiện ra rằng, càng đá cái túi càng to.
Chàng tìm cho mình một cây gậy và quật liên tiếp vào thân túi, kết quả là cái túi to đến mức chắn hết cả con đường núi.
Đúng lúc này, có một nhà hiền triết đi tới, ông nói với lực sĩ rằng: "Này lực sĩ, anh đừng phí công đấu với nó nữa. Cái túi này có tên là ‘túi sầu hận’. Càng bị tác động vào thì nó càng phình to. Khi nó xuất hiện trên đường đi của anh, nếu anh cứ mặc kệ nó và không chạm vào thì nó sẽ giữ mãi độ lớn như thế, không gây trở ngại gì cho anh. Anh cũng sẽ không còn nhớ đến nó sau khi đi qua. Thế nhưng nếu anh giao đấu với nó, anh càng đá, càng đập vào nó thì nó sẽ càng phình to, cuối cùng nó sẽ làm tắc nghẽn cả đường đi của anh".
Câu chuyện thần thoại Hy Lạp này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Trong cuộc đời mình, mỗi người có rất nhiều con đường phải đi qua và rất nhiều mộng ước cần hoàn thành.
Túi sầu hận luôn thoắt ẩn thoắt hiện trên mỗi con đường mà chúng ta phải đi. Vậy chúng ta có nhất định phải giao đấu với nó hay không?
Chúng ta phải làm thế nào để đạt tới chuẩn mực của "thứ"? Tôi cho rằng, chỉ khi nào chúng ta thực sự có trải nghiệm về thế giới này thì mới đạt tới "thứ". Cuộc sống luôn có nhiều sự bất lực lẫn đớn đau, chúng ta cần có sự kiên định trong thế giới nội tâm của chính mình, và hiểu được những khó khăn của người khác cũng như những việc mà chúng ta có thể phải trải qua trong tương lai. Khi thấu hiểu tất cả những điều này, ta mới có thể xác định là nên bước đi thế nào trên con đường đời của mình. Cũng chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng tìm ra biện pháp ứng phó thỏa đáng đối với những túi sầu hận xuất hiện trong đời. Cái mà chúng ta gọi là biện pháp ở đây chính là đạo "thứ".
Nhà tâm lý học Albert Ellis của Mỹ đã từng nêu lên một lý luận gọi là lý thuyết về sự khốn quẫn của tình cảm. Nội dung của lý thuyết này là, nếu mặt trái của tình cảm trong một người nảy sinh, nó sẽ khiến họ bị rơi vào trạng thái cùng quẫn cực kỳ nguy hiểm. Nguyên nhân phát sinh của căn bệnh này thường không phải do bản thân sự việc, mà chủ yếu là do sụp đổ niềm tin.
Niềm tin bắt nguồn từ sự phán đoán của chúng ta đối với sự việc. Thế nhưng điều đáng tiếc ở đây là, nhiều khi sự phán đoán ấy là phiến diện và không ngừng phát triển khiến cho niềm tin trở thành lệch lạc. Điều đó làm nảy sinh những tình cảm tiêu cực, khiến con người bị rơi vào trạng thái khốn quẫn và mất khả năng phán đoán.
Trong lý luận của Albert Ellis, bản thân sự việc hoàn toàn không gây nên sự khốn quẫn. Chúng ta đều biết, với cùng một sự việc, nếu phán đoán khác nhau thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự đầu tư tình cảm vào sự việc cũng sẽ khác nhau.
Khổng Tử nói, đạo "trung thứ" cần hiện diện xuyên suốt trong mọi hoạt động của chúng ta, dù trong quan hệ với chính mình hay đối với người khác. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu một người không thể khoan dung với ngay chính bản thân mình thì anh ta làm sao có thể khoan dung với người khác? Tầm nhìn của những người này đối với thế giới chắc chắn sẽ rất hạn hẹp.
Chúng ta phải nhìn nhận cuộc sống của bản thân như thế nào, phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn giá trị cho thế giới nội tâm của mình ra sao? Đây chính là tiền đề cho sự khoan dung cũng như niềm hy vọng của bạn đối với thế giới.
Có một câu chuyện rất hay kể về một người chuẩn bị đón năm mới. Anh ta muốn mua cho mình một đôi giày mới, bèn tới rất nhiều tiệm giày để lựa chọn. Thế nhưng, vốn là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ nên nhìn đâu anh ta cũng thấy có vấn đề. Ví dụ anh ta cảm thấy kiểu dáng ở tiệm này không đẹp, giá cả ở tiệm kia quá đắt, còn đến khi tìm được giày thỏa mãn cả kiểu dáng lẫn giá cả thì lại không có số vừa với chân của anh ta. Vậy nên anh ta mất cả một ngày để chọn lựa nhưng vẫn không mua được đôi nào.
Đến khi trời nhá nhem, đang buồn bã, thất thểu trở về thì trước mặt anh xuất hiện một người đang ngồi xe lăn. Anh nhìn người này, trong lòng nghĩ người này ngay cả chân cũng không có, thế nên chẳng phải buồn bã về việc chọn giày, cũng không phải mất thời gian vào việc chọn giày.
Nghĩ đến đây, anh ta đột nhiên hiểu ra một lẽ: cuộc đời con người vẫn còn có cơ hội để chọn giày thật hạnh phúc biết bao! Mình hà tất phải chê ỏng chê eo như thế, chỉ cần tìm đôi giày thích hợp với mình là được. So với những người mà ngay cả cơ hội chọn giày cho bản thân cũng không có, mình thực sự vẫn là một người may mắn.
Vậy chúng ta cần phải có thái độ như thế nào khi nhìn nhận về thế giới này? Chúng ta thường hay phóng đại nỗi đau của bản thân một cách phiến diện, cũng giống như người chọn giày trong câu chuyện trên, luôn cho rằng việc mình không chọn được giày là một điều bất hạnh. Để thực hiện đạo "thứ" với người khác, tức là có lòng khoan dung đối với người khác và xã hội, thì trước hết bản thân chúng ta phải dẹp bỏ những tranh chấp vô vị, và mỗi người cần hiểu rõ về thế giới nội tâm của chính mình.
Con người hay xem trọng những thứ mà mình chưa từng sở hữu, và xem nhẹ tất cả những thứ mà mình đã có trong tay.
Có một chàng trai đến kể khổ với một nhà triết học tóc đã trắng như cước rằng: "Ông xem bây giờ tôi tuy rất trẻ nhưng không có kinh nghiệm, không có tài sản, và ngay cả đến một công việc đàng hoàng cũng không có. Có thể nói rằng, tôi chẳng có bất cứ thứ gì trên thế giới này. Ông thấy cuộc đời tôi có đáng thất vọng hay không?".
Ông lão trả lời: "Anh nói bây giờ anh không có bất kỳ thứ tài sản gì, vậy nếu bây giờ tôi chặt một ngón tay của anh, sau đó tôi cho anh 1.000 đồng, anh có chịu không?".
Chàng trai trả lời: "Chắc chắn là không". Ông lão nói: "Vậy tôi sẽ trả anh nhiều hơn, số tiền sẽ tăng lên 10.000 cho một ngón tay, anh có chịu không?". Chàng thanh niên trả lời: "Như thế tôi càng không chịu".
Ông lão lại nói: "Nếu bây giờ tôi cho anh 10.000.000 đồng, rồi sau đó bảo anh phải chết, vậy anh có làm không?". Nghe thế chàng thanh niên liền nổi giận nói: "Bản thân tôi đã chết thì còn cần tiền để làm gì nữa?".
Nếu một người nhìn nơi đâu cũng chỉ thấy bổn phận thì thật khó để gợi lên sự cảm kích trong lòng họ. Còn nếu họ có cơ hội thể hiện sự tình nguyện nhiều hơn đối với những việc mình làm thì chắc chắn họ sẽ hứng thú và trân trọng hơn.
Ông lão nói: "Tốt lắm, bây giờ tài sản của anh đã có 10.000.000 đồng rồi. Anh thử nghĩ xem, anh còn trẻ như thế, tuổi trẻ chính là nguồn tài sản của anh".
Bên trong đạo "thứ" còn hàm chứa một kiểu tâm lý hết sức sâu sắc, đó chính là lòng biết ơn. Cuộc sống ngày nay quá bận rộn khiến chúng ta cho rằng nhiều thứ ta buộc mình phải làm là vì bổn phận, ta không sẵn lòng thực hiện nó như một sự tự nguyện. Ta cũng thế mà người khác cũng thế, vậy nên ít khi ta nói đến hai chữ "biết ơn".
Lòng biết ơn thật ra đến từ sự trân trọng những cơ duyên trong hiện tại, trong thực tế cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. Tâm lý này giúp chúng ta có cái nhìn khoan dung hơn.
Một lần nọ, Khổng Tử đi đến làng Hộ: "Hộ hương nan dữ ngôn, đồng tử kiến, môn nhân hoặc" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Đặc điểm của nơi này là người dân rất khó bắt chuyện, ai tới cũng đành bỏ cuộc mà quay về. Chỉ riêng Khổng Tử sau khi tới đó, ông gặp được một đứa bé trong làng, cả hai cùng nói chuyện với nhau rất vui. Điều này khiến các học trò của Khổng Tử cảm thấy hết sức ngạc nhiên.
Quá hiếu kỳ, các học trò đã đem chuyện hỏi Khổng Tử. Khổng Tử trả lời rằng: "Dữ kỳ tiến dã, bất dữ kỳ thoái dã, duy hà thậm! Nhân khiết kỷ dĩ tiến, dữ kỳ khiết dã, bất bảo kỳ vãng dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi).
Chữ "dữ" ở đây mang nghĩa khẳng định hoặc tán dương. Trên thế gian này không thể nào có người toàn diện. Tất nhiên mọi người đều có thể có khuyết điểm, nhưng không đến nỗi là từ đầu đến chân đều là khuyết điểm. Tương tự, sẽ không có một nơi mà tất cả những người ở đó đều khó bắt chuyện, không nơi nào mà những người ở đó đều ngu muội chưa được khai hóa, thế nên chắc chắn bạn có thể phát hiện được một số ưu điểm ở một người. Khổng Tử nói "dữ kỳ tiến dã", tức là bạn cần chịu khó khẳng định nhiều lần những ưu điểm đó. "Bất dữ kỳ thoái dã" nghĩa là tuy bản thân anh ta có rất nhiều khuyết điểm, nhưng chỉ cần bạn đừng khẳng định những điểm ấy là được. Nói cách khác, bạn nên bỏ qua những khuyết điểm mà chủ yếu chỉ xoáy vào khẳng định những ưu điểm của anh ta.
Ở đây, Khổng Tử còn nói thêm ba chữ: "Duy hà thậm!" (Tại sao phải quá đáng như thế!). Có cần phải chỉ trích họ như thế hay không? Tại sao nhất định phải dùng cái nhìn phê bình để khen chê?
Khổng Tử chưa từng khoe khoang tài năng của mình, nhưng sự bác ái khiến ông luôn thể hiện sự đồng tình và tôn trọng sâu sắc trong các mối quan hệ với mọi người. Khổng Tử nói, con người luôn có lòng hướng về điều tốt đẹp, thường sửa sai lầm của mình để tiến bộ hơn, vậy nên chúng ta cần khẳng định sự tiến bộ của họ chứ không nên để tâm quá nhiều vào quá khứ của họ. Bất cứ ai cũng muốn lòng mình trong sạch, vì chỉ khi lòng người thanh sạch mới dễ có sự tiến bộ. Khổng Tử lại nói, những việc trong quá khứ đã qua thì nên cho nó qua, tức là "bất bảo kỳ vãng".
Chỉ một chữ "thứ" mà có thể làm theo hết cả đời người, nói ra thì dễ, nhưng cụ thể phải thực hiện như thế nào?
Trong xã hội ngày nay, mọi người đều sống trong những không gian được bao bọc xi măng cốt thép, nhà nào cũng kín cổng cao tường. Thuở xưa, mọi người vui vẻ sống hài hòa cùng nhau, chỉ cần một nhà có việc thì cả xóm đều biết. Ngày nay, mỗi người đều tự đóng kín mình nên việc giao tiếp giữa người với người ngày càng trở nên khó khăn.
Thực ra, khó khăn thực sự không nằm ở phương diện vật lý mà chủ yếu là ở khía cạnh tâm lý. Vậy hàng rào tâm lý nằm ở đâu? Nó nằm ở chính sự hà khắc và tính thích chê bai của mỗi người, và nó nảy sinh là do sự thiếu vắng của đạo "thứ" trong lòng họ.
Tôi từng đọc được một câu chuyện thế này. Có một nhà văn đang vội vã đi trên đường thì gặp một ông lão ăn mày. Trong cơn gió rét thấu xương, ông lão ăn mày chìa tay về phía nhà văn xin được bố thí. Nhà văn lục khắp người để tìm tiền cho ông lão, nhưng trong túi lại không còn lấy một đồng.
Nhà văn nhìn cánh tay của ông lão ăn mày vẫn kiên trì đưa ra trong gió lạnh, trong lòng cảm thấy hết sức có lỗi, bèn nắm tay ông lão ăn mày nói: "Này người anh em, tôi thực sự xin lỗi ông, hôm nay tôi không mang tiền".
Ông lão ăn mày nghe câu nói của nhà văn thì tinh thần vô cùng phấn chấn. Ông nhìn người đàn ông ăn mặc đàng hoàng, nói: "Này ông anh, ông vừa gọi tôi là ‘người anh em’ sao? Chỉ cần điều này thôi tôi cũng thấy đã đủ lắm rồi, nó đáng giá hơn bất cứ thứ gì mà ông cho tôi".
Chúng ta cũng giống như người ăn xin kia, luôn hy vọng được người khác khẳng định, quan tâm và tôn trọng. Đây cũng là tâm lý chung của tất cả mọi người trên thế giới này. Có những khi đạo "thứ" được thể hiện bằng một câu chuyện hàng ngày hết sức bình thường nhưng chân thành. Chỉ cần bạn làm theo đạo "thứ", bạn sẽ luôn giữ được thái độ lạc quan đối với tất cả mọi việc và xa dần thái độ thù hận trước đó.
Nhiều khi cơ hội tốt trong đời có thể bị tình cảm tiêu cực của chính mình làm cho vuột mất. Khi gặp những điều không tốt, tốt nhất chúng ta nên giữ thái độ lạc quan. Chỉ cần làm được như thế là bạn hoàn toàn có khả năng chuyển bại thành thắng.
Có một câu chuyện thế này: có một kẻ hết sức tham lam và đố kị, một ngày nọ hắn gặp được Thượng đế. Thượng đế nói: "Ta cho ngươi một cơ hội, ngươi muốn gì ta sẽ lập tức cho ngươi cái đó, ngươi hãy mau nói đi. Thế nhưng ta cũng có một điều kiện, nếu ta cho ngươi một phần thì ta sẽ cho người hàng xóm của ngươi hai phần".
Vốn là người hết sức ích kỷ và tham lam, hơn nữa trước nay hắn luôn đố kị với người hàng xóm của mình. Hắn định nói mình muốn có đất đai, nhưng hắn lại nghĩ, cứ cho là ta có được 1.000 mẫu, thế chẳng phải hắn ta có được 2.000 mẫu hay sao? Không được, cách này không ổn.
Hắn muốn nói mình thích vàng bạc, thế nhưng hắn lại nghĩ, cứ cho là ta được một ngàn vạn, thế chẳng phải hắn ta được hai ngàn vạn hay sao? Cách này rõ ràng vẫn không ổn.
Hắn muốn nói mình thích gái đẹp, thế nhưng hắn lại nghĩ, cứ cho là ta được một cô, thế chẳng phải hắn ta được hai cô hay sao? Cách này rõ ràng cũng không ổn.
Hắn ta nghĩ đi nghĩ lại, đầu óc chìm đắm trong sự đố kị và thù hận.
Vậy cuối cùng hắn sử dụng cơ hội duy nhất của mình ra sao? Hắn đã xin Thượng đế hãy cho hắn mù một con mắt, bởi hắn nghĩ như thế tất người hàng xóm của hắn sẽ bị mù cả hai mắt.
Đây tất nhiên chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng nếu nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy rằng có rất nhiều khi chúng ta đã làm như thế. Sự ganh ghét và đố kị có thể gây hại cho chính chúng ta một cách ghê gớm!
Vậy cuối cùng, thế nào là "thứ"? Đó chính là xét từ lòng ta mà lo lắng cho người khác, và mang tâm lý "biết ơn" để cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu thế, chúng ta sẽ giống như Khổng Tử, hoàn toàn không hà khắc hay chê bai đối với lỗi lầm của người khác. Khổng Tử từng nói: "Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Nghĩa là, có lỗi mà không sửa, đó mới thực sự là lỗi. Nếu sơ ý phạm sai lầm, chỉ cần chúng ta lập tức sửa thì như thế vẫn còn tốt; còn nếu sau khi phạm lỗi chúng ta không những không sửa mà còn tìm mọi cách để lấp liếm, che đậy thì sai càng thêm sai, với Khổng Tử đó mới thực sự là lỗi lầm.
Khổng Tử từng nói: "Quân tử sai thì cũng đã sai, điều quan trọng là đừng sợ việc sửa lỗi" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Tử Cống cũng nói: "Lỗi lầm của người quân tử chẳng khác gì việc mặt trời mặt trăng ăn lẫn nhau: việc anh phạm sai lầm, mọi người đều biết; chỉ cần anh sửa, mọi người đều sẽ ngưỡng mộ anh. Địa vị cùng thanh danh của anh cũng không vì lỗi lầm mà lung lay, chỉ cần anh biết sửa, mọi người sẽ vẫn kính trọng anh như cũ" (Luận Ngữ, Tử Trương).
Hãy đem đến cho người khác lòng quan tâm và đem đến cho chính mình điều thuận lợi. Hãy đem đến cho thế giới sự ấm áp và đem đến cho chính mình sự khoan dung.
Có một câu chuyện của người Ả Rập thế này: có hai người cùng nhau đi buôn bán, họ phải băng qua sa mạc rộng lớn cùng những bãi đá rất khó vượt qua. Một ngày kia hai người cãi nhau, một người trong lúc giận dữ đã đánh bạn một cái, người bị đánh cảm thấy rất buồn, đã viết lên cát hàng chữ: "Hôm nay bạn tôi đã đánh tôi".
Hai người lại tiếp tục đi. Đến lúc nửa đêm, bão cát nổi lên, người bạn kia tỉnh dậy trước, lay anh ta dậy và cùng nhau chạy trốn. Hai người chạy đến một nơi an toàn sau một tảng đá lớn. Anh rút ra con dao nhỏ, khắc lên đá:
"Hôm nay bạn tôi đã cứu tôi".
Người bạn của anh ta cảm thấy hết sức kỳ lạ, hỏi: "Tại sao khi tôi đánh anh thì anh viết lên cát, còn khi tôi chỉ gọi anh một tiếng thì anh lại khắc lên đá?".
Người bạn trả lời: "Trên thế gian này, chúng ta khó tránh được những lúc bị người khác làm cho đau lòng, trong trường hợp như thế chỉ cần giải tỏa lòng mình là đủ. Sở dĩ tôi viết lên cát là bởi vì chỉ cần một trận gió thổi qua là hàng chữ trên cát biến mất. Những đau lòng này tốt nhất nên quên đi. Thế nhưng, nếu người khác tốt với tôi, thế thì cần phải nhớ mãi trong lòng. Tôi khắc trên đá là để nó có thể trường tồn mãi mãi".
Trên thế gian này, ai cũng từng có nhiều lần bị người khác làm hại, nhưng chắc chắn cũng từng nhận được rất nhiều ân điển từ những người xung quanh. Ở mỗi trường hợp, chúng ta phải xử trí ra sao? Điều quan trọng ở đây là bạn chọn viết điều gì lên cát, và khắc điều gì lên đá.
Có những người dùng sức lực cả đời mình để khắc ghi thù hận, vậy nên bản thân họ rất khó tìm thấy hạnh phúc. Nhưng có những người dùng tâm huyết cả đời mình để khắc ghi hạnh phúc, vậy nên cuộc đời họ luôn tràn đầy sự biết ơn.
Hãy đem những điều không vui của bạn, cùng những đau đớn, tủi hờn mà người khác gây ra cho bạn viết lên trên cát, và xem đó như là một cách giải tỏa của lòng mình. Làm như vậy có khó hay không? Không khó chút nào, nếu trong lòng bạn có đạo trung thứ.
Thiền tông có một câu chuyện như thế này: Có vị tăng già đang ngồi thiền thì một võ sĩ bước vào. Võ sĩ đến từ nơi rất xa, anh ta muốn biết rốt cục thiên đường và địa ngục nằm ở đâu.
Anh ta vừa bước vào đã kêu ầm lên: "Hòa thượng già, mau nói cho ta biết, thiên đường và địa ngục rốt cục là ở đâu? Ông mau mở mắt ra, mau nói cho ta biết!".
Vị tăng già mở mắt nhìn anh ta một lát, nói: "Người như anh thế này, quần áo không chỉnh tề, lại ngạo mạn, thô lỗ như thế kia, anh có xứng để hỏi câu hỏi như vậy không?".
Võ sĩ nổi giận, rút vũ khí xông lên đánh hòa thượng, khi tay anh ta vừa giơ lên thì vị tăng già nói với anh ta: "Hiểu không? Đây chính là địa ngục".
Võ sĩ đột nhiên hiểu ra. Tay chàng ta dừng lại giữa khoảng không, mắt nhìn vị tăng già, trên mặt lộ ra vẻ thẹn thùng.
Lúc này, vị tăng già mới từ tốn nói với anh: "Đây chính là thiên đường".
Thiên đường và địa ngục thực ra chỉ cách nhau có một ý nghĩ mà thôi.
Thiên đường và địa ngục thực ra chỉ cách nhau có một ý nghĩ mà thôi.
Các bạn nghĩ xem, thiên đường và địa ngục thực ra luôn thấp thoáng trong cuộc sống của chúng ta. Điều quan trọng là bạn chọn con đường nào trong hai con đường đó. Nếu trong lòng bạn có đạo trung thứ thì cả cuộc đời bạn có lẽ chính là những ngày tháng sống trên thiên đường. Ngược lại, nếu trong lòng bạn chỉ có oán hận, hà khắc thì bạn rất khó có cơ hội tiếp cận với thế giới an lạc của thiên đường.
Đạo trung thứ, nói một cách đơn giản, chính là trung thành với chính mình và đối xử tốt với mọi người.
Đạo trung thứ mà chúng ta đề cập, thực ra Khổng Tử đã từng thể hiện trong mọi hành vi của mình từ hơn 2.000 năm trước. Nói một cách đơn giản, đạo trung thứ chính là trung thành với chính mình và đối xử tốt với mọi người. Một khi chúng ta dùng tâm thế này để sống trong xã hội thì cho dù xã hội có loạn lạc đến mức nào và dễ mê lầm đến mức nào, chúng ta vẫn luôn có thể sống tự tại.
Tôi tin rằng mọi người đều có thể sống một đời như thế, bởi vì trong mỗi chúng ta luôn có một trái tim.