Toàn bộ sách Luận Ngữ có chưa tới 16.000 chữ, nhưng chữ "nhân" được nhắc đi nhắc lại đến 109 lần.
Có thể nói, tư tưởng nhân ái là viên đá nền quan trọng nhất trong những viên đá nền, là trọng điểm của trọng điểm trong hệ thống triết học của Nho gia.
Vậy nhân ái là gì? Nhân ái có sức mạnh như thế nào? Chúng ta làm sao để đạt đến nhân ái?
Khi học trò hỏi Khổng Tử: "Thế nào là nhân?". Khổng Tử chỉ trả lời bằng hai chữ: "Ái nhân" (yêu người).
Yêu người, nghĩa là dùng ý tốt xuất phát từ nội tâm của mình để đối đãi với người khác.
Chữ "nhân" này có bốn nét, gồm một chữ nhân đứng kết hợp với một chữ nhị, thế nên mới có người nói "nhị nhân thành nhân" (chữ nhân kết hợp từ hai chữ "nhị" và "nhân"). Nghĩa là nhân ái chưa bao giờ là trạng thái của một người, hay trạng thái của bản thân. Trong hoàn cảnh chỉ một người duy nhất, cá nhân và khép kín, thì không thể nói đến nhân ái. Vì nhân ái là bên cạnh bản thân nhất định phải có thêm người khác, và cũng chỉ trong mối quan hệ giữa người với người chúng ta mới có thể xét xem ở ai đó có tồn tại lòng nhân ái hay không.
Với một người có lòng nhân ái, cho dù bên cạnh anh ta chỉ có một người qua đường xa lạ thì sắc mặt anh ta vẫn ôn hòa và toát ra sự ấm áp. Còn nếu trong lòng anh ta không có lòng nhân ái thực sự, thế thì trước mặt anh ta cho dù là cha hoặc con anh ta thì giữa họ vẫn dễ dàng nảy sinh xung đột, thậm chí có thể dẫn đến kết cục cãi nhau, đánh nhau.
"Nhị nhân thành nhân", một khi ai đó có lòng nhân ái thì hẳn nó sẽ được biểu lộ ra ở thái độ của họ đối với người khác.
Tôi nghĩ, nhân ái trước hết là một kiểu nhân cách. Nó không chỉ biểu hiện ở sự cao thượng, kiên trinh, mà còn thể hiện ở ý chí to lớn trong lòng con người.
Nhân ái mà chúng ta đề cập ở đây là lòng bác ái, một thứ tình cảm hết sức sâu sắc và to lớn.
Tăng Tử từng nói: "Sĩ bất khả dĩ bất hoàng nghị, trọng nhậm nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhâm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?" (Luận Ngữ, Thái Bá). Nghĩa là, với tư cách là một phần tử trí thức, anh ta không thể không kiên cường và có nghị lực, vì trách nhiệm anh gánh trên vai quá nặng, con đường phải đi lại quá xa.
Trách nhiệm nặng nề đó chính là "nhân dĩ vi kỷ nhậm". Lấy việc khai triển đạo nhân ái vào thực tế cuộc sống làm trách nhiệm của mình, đây chẳng phải là nhiệm vụ nặng nề sao? Vậy phải làm việc này trong thời gian bao lâu? "Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ" tức là chỉ cần còn một hơi thở bạn vẫn phải không ngừng làm, và phải làm đến chết mới được xem là kết thúc, con đường này chẳng phải là quá dài hay sao?
Lấy đạo nhân ái làm sứ mệnh của mình thì một người có thể hoàn thành việc gánh vác đạo nhân ái của thiên hạ.
Khổng Tử nói: "Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân" (Luận Ngữ, Vệ Linh Công). Ý của câu này là: ch́í sĩ là người nhân đức, không mong śống bằng mọi giá để đến nỗi làm tổn hại đến đạo nhân, thậm chí anh ta còn sẵn sàng hy sinh thân m̀inh để thi hành đạo nhân. Điều này cũng có nghĩa, sứ mệnh nhân ái truyền từ đời này sang đời khác, một khi nó được đặt trên vai của một cá nhân nào đó thì tính mạng của cá nhân anh ta sẽ không còn quan trọng nữa. Khi đó, đạo nhân ái chính là sứ mệnh quan trọng nhất của anh ta, và anh ta có thể sẵn sàng hy sinh thân mình trong những tình huống bức bách để thực hiện đạo nhân.
Ngày nay, khi đọc thơ từ cổ điển chúng ta thường xuyên bắt gặp những câu như: "Quyên khu phó quốc nạn, thị tử hốt như quy" (Tào Thực, Bạch mã thiên). Nghĩa là: Sẵn sàng hy sinh thân mình vì nước, xem cái chết như sự trở về. Cũng có nghĩa, khi cần ta ra giúp đời, giúp nước thì ta sẵn sàng hy sinh thân mình, ta khẳng khái đón nhận cái chết, bởi vì đó là sự hy sinh cao cả, hy sinh vì mọi người, vì quốc gia.
Thông thường, khi một người được lịch sử lựa chọn, họ đều có khí khái như trên. Văn nhân mỗi khi viết về chủ đề chiến tranh như chiến trường, sa trường, quan ải,… thì hầu hết họ đều thể hiện tinh thần kiên cường bất khuất, không chút sợ sệt và thậm chí sẵn sàng lựa chọn cái chết để thực hiện đạo nhân. Một người có thể vì nước mà dũng cảm hy sinh giữa trận địa đao kiếm giao tranh, nhưng cũng chính vào thời điểm ấy, cuộc đời của anh ta sẽ phát ra ánh sáng chính nghĩa ngời ngời. Đây chính là thái độ điển hình mà Nho gia chủ trương. Như vậy, đối với Nho gia, lòng nhân ái và sứ mệnh duy trì đạo nhân luôn cao hơn tất cả.
Nhân ái không chỉ là một thứ tình cảm mà nó còn là một kiểu đạo đức nhân cách mà Nho gia theo đuổi cả đời. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu to lớn này, chỉ cần trong lòng mỗi người sẵn có nhân ái, thế thì họ không chỉ là một người quân tử thông thường mà còn có thể là người quân tử ra tay cứu nguy phò trợ khi được lịch sử lựa chọn.
Tăng Tử nói, có một người mà chỉ cần có thể tiếp nhận sự khảo nghiệm ở ba phương diện thì anh ta đã thực sự là người quân tử. Thứ nhất, khi đất nước gặp khó khăn, có thể phó thác ấu chúa cho anh ta. Anh ta không chỉ phải bảo đảm an toàn tính mạng cho ấu chúa mà còn phải bồi dưỡng tài năng phẩm hạnh cho ấu chúa, giúp ấu chúa có thể vững vàng trong sự nghiệp ở tương lai. Thứ hai, ở thời Xuân Thu một quốc gia có diện tích trăm dặm đã được xem là lớn, và tất cả mọi việc của một quốc gia như thế đều có thể ủy thác cho anh ta. Thứ ba, dù đối diện với vấn đề sống chết, anh ta sẽ không bao giờ dao động ý chí, không khi nào bị khuất phục. Một người mà tất cả những việc trên đây đều có thể phó thác cho anh ta, vậy anh ta đã được xem là quân tử chưa? Tăng Tử nói dứt khoát rằng, đây chính là người quân tử.
Chúng ta thường nói, người anh hùng là những người ở vào những thời khắc quan trọng có thể lấy thân mình gánh vác trách nhiệm chung, thế nhưng dĩ nhiên bình thường anh ta đã có sự chuẩn bị trước. Hành vi anh hùng đôi khi chỉ thể hiện ở một khoảnh khắc, thế nhưng điều mà nó cho thấy lại chính là nhân cách thường ngày của anh ta. Và trong hoạt động tu dưỡng hàng ngày của người anh hùng, nhân ái chính là một trong những nội dung chủ yếu, nó khiến họ có thể anh dũng đứng lên gánh vác trách nhiệm của quốc gia ở thời điểm khó khăn nhất.
Mỗi người trong cuộc đời đều từng trải qua những thử thách đến một cách hết sức đột ngột. Một người làm thế nào để có thể đạt tới trạng thái không cảm thấy rối khi việc lớn tới gần để rồi cuối cùng có thể chiến thắng mọi khó khăn. Điều này chắc chắn có mối quan hệ mật thiết với những tu dưỡng, luyện tập thường ngày của anh ta.
Khổng Tử nói: "Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã" (Luận Ngữ, Tử Hãn). Nghĩa là, chúng ta hãy chú ý quan sát lá cây ở thời điểm giữa mùa đông, thường những cây có lá to là những cây rụng lá đầu tiên, kế đến là những cây có lá nhỏ hơn, và sau cùng mới là những cây lá kim.
Có hiện tượng này là vì trong các loài cây, những cây có lá to chắc chắn phải hấp thu từ thiên nhiên rất nhiều thứ. Mỗi ngày chúng phải hấp thu một lượng nước và chất dinh dưỡng rất lớn để nuôi sống từng chiếc lá to lớn. Vậy nên hằng năm cứ khoảng cuối xuân đầu hạ, khi lượng nước và chất dinh dưỡng đầy đủ, ngút ngàn tầm mắt đều là màu xanh, những cây có lá to là những cây đẹp nhất. Nhưng chúng cũng là những cây rụng lá đầu tiên, bởi vì nhu cầu dinh dưỡng của lá cây quá lớn, cây không còn đủ sức để cung cấp khi mùa thu đến. Những lá cây nhỏ hơn chúng một chút, không lâu sau đó cũng rụng theo. Riêng những cây có nhu cầu dinh dưỡng càng ít thì khả năng chống chọi với mùa đông càng cao, đó là trường hợp những loài cây lá kim như cây tùng, cây bách. Do chúng không cần quá nhiều nước và dưỡng chất, cho nên có thể trải qua sự thử thách của mùa đông.
Chỉ khi trải qua sự tu dưỡng hàng ngày, con người mới có thể có cốt khí vượt qua những khảo nghiệm khắc nghiệt nhất. Nhân ái trước hết là một dạng tình cảm lớn lao thuộc thế giới nội tâm của con người, nó cũng chính là một phẩm cách cao thượng, kiên trinh được hàm dưỡng trong lòng người.
Thứ hai, nhân ái đồng thời cũng là một cách thức hành động rất cụ thể. Khi một người có lòng nhân ái, họ chỉ cần giơ tay nhấc chân là cũng đã thể hiện được chủ kiến của mình. Tất nhiên kết quả ấy có thể đến từ nhiều phương diện khác nhau, thế nhưng chúng đều có thể quy về một điểm xuất phát căn bản là đạo nhân ái.
Khổng Tử nói: "Hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức. Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả bất tất hữu nhân" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Câu thứ nhất nghĩa là, một người có đạo đức thực sự thì trong lòng anh ta sẽ không bao giờ mềm yếu mà luôn phong phú, mạnh mẽ và uyên bác. Như vậy, hẳn anh ta sẽ có một lượng ngôn từ tương ứng để biểu đạt ra bên ngoài. Tuy nhiên, một người có khả năng ngôn ngữ tốt nhưng chỉ biết dùng kỹ xảo vào việc khoa môi múa mép, đánh bóng ngôn từ thì bản thân anh ta chưa hẳn là người có đạo đức.
"Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả bất tất hữu nhân" nghĩa là, nếu một người thực sự có lòng nhân ái, anh ta sẽ biết phải thực hiện những giá trị của bản thân như thế nào và đương nhiên anh ta cũng có cái dũng của người quân tử. Dũng khí của anh ta được thể hiện rõ nhất ở tinh thần không sợ sệt hay nao núng trước thực tế lâm nguy. Tuy nhiên, với những người hơi tí là rút gươm thể hiện "nghĩa khí" của mình, có thể xem họ là những người có lòng dũng, nhưng chưa chắc là đã có lòng nhân.
Từ những lời trên đây có thể thấy rõ, "nhân" chính là điều cơ bản trong nhân cách con người, nhưng đồng thời cũng là những hành động cụ thể mà hằng ngày chúng ta có thể nhìn thấy.
Kinh điển của Nho gia được khởi phát từ khả năng nhìn nhận và suy xét những vấn đề thực tế của con người. Nó vừa đem đến cho chúng ta một thế giới quan rộng lớn, đồng thời cũng vạch ra con đường để chúng ta đạt đến thế giới ấy. Có thể nói không có bất cứ điều gì trong hệ thống lý luận Nho gia mà không phải là những điều bé nhỏ góp nhặt từ thực tế cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta vẫn khen Luận Ngữ hay và giàu ý nghĩa. Cái hay và giàu ý nghĩa của sách chính ở chỗ nó là một quyển bút ký giảng đường, trong đó có rất nhiều những đoạn hỏi đáp. Thông qua những đoạn văn tự này, tất cả những nghi hoặc cùng những tìm tòi, suy tư của người học đều hiển hiện trên mặt giấy.
Học trò Nguyên Hiến từng hỏi Khổng Tử thế này: "Khắc, phạt, oán, dục bất hành yên, khả dĩ vi nhân hĩ?" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Nghĩa là gì? "Khắc" là biểu hiện tâm lý của một người hiếu thắng lúc nào cũng muốn vượt qua người khác. "Phạt" là người nói quá nhiều, nói không ngớt, không tiếc lời khoe khoang về chính mình. "Oán" chỉ sự oán thán, khi trong lòng có điều bất bình thì biểu hiện ra ngoài bằng thái độ bất mãn, oán thán, người trong tâm trạng ấy luôn cảm thấy người khác không tốt và dường như không có sự công bằng trên đời. "Dục" chỉ sự tham lam trong lòng chúng ta. Nguyên Hiến nói rằng, tất cả bốn điều này đều không tốt, nhưng nếu một người có thể lánh xa bốn điều hiếu thắng, khoe khoang, oán hận và tham lam thì anh ta có được xem là đã đạt đến lòng nhân chưa?
Trên thực tế, thực hiện được những điều trên đây rất khó, những tiêu chuẩn mà Nguyên Hiến nêu ra đã rất cao, thế nhưng Khổng Tử lại trả lời một cách lạnh lùng rằng: "Khả dĩ vi nan hĩ, nhân tắc ngô bất tri dã" (Luận Ngữ, Hiến vấn). Nghĩa là, nếu làm được những điều này mà cảm thấy khó, thì ta chưa dám nói là đạt đạo nhân hay chưa.
Từ câu trả lời của Khổng Tử, chúng ta thấy dường như đạo nhân rất khó với tới. Bởi với người đã đạt được những điều mà người bình thường cho rằng không dễ đạt tới, mà Khổng Tử vẫn cho như thế chưa hẳn là đã đạt đến chuẩn mực của đạo nhân.
Nếu bạn biết khắc chế những điểm không tốt của chính mình, lòng bạn sẽ trở nên bình thản. Và một khi lòng bạn đạt đến sự bình thản thì chắc chắn đạo nhân ái sẽ hiển hiện.
"Nhân" thực ra là cách đối xử của bản thân chúng ta với những người còn lại trên thế giới. Nó được biểu hiện ra ngoài thông qua hành vi của chúng ta. Vì vậy, nếu bạn biết khắc chế những điểm không tốt của chính mình, lòng bạn sẽ trở nên bình thản. Và một khi lòng bạn đạt đến sự bình thản thì chắc chắn đạo nhân ái sẽ hiển hiện.
Khi một người luôn xem bản thân mình là trung tâm, hiếu thắng, khoe khoang, có lòng tham vô đáy và chỉ biết oán trách người khác, thế thì anh ta có thể yêu quý người khác không? Để sửa những tật xấu này, trước hết người ấy cần biết hạ thấp chính mình, sau đó mới có thể đối xử hài hòa với những người khác.
Hạ thấp chính mình là thái độ căn bản nhất trong việc đạt đến chuẩn mực của lòng nhân, bởi vậy nên câu trả lời của Khổng Tử mới thận trọng như thế.
Có câu chuyện kể rằng, trong thôn nọ có một người mù, mỗi khi anh ta ra ngoài vào buổi tối thì đi đến đâu người khác đều biết, bởi vì anh ta có thói quen xách theo một chiếc đèn lồng. Người trong thôn đều quen đi trong đêm tối, nên chỉ cần nhìn thấy đèn lồng thì biết ngay đó là anh mù.
Sau đó, có một người ngoài thôn nhìn thấy sự việc này, cảm khái nói: "Đức hạnh của anh mù tốt quá đi mất. Bản thân anh ta không phân biệt được sáng tối, thế nhưng đêm khuya ra khỏi nhà, anh ta luôn để tâm lo lắng việc người khác có nhìn thấy hay không, và luôn thắp cho người khác một ngọn đèn lồng. Người này mới cao thượng làm sao".
Anh mù nghe xong đã trả lời: "Vì tôi mù nên tôi không muốn người khác đụng vào tôi, tôi thắp đèn cũng chỉ vì bản thân mình mà thôi".
Các bạn thử nghĩ xem, đây chẳng phải đạo lý trong việc hành xử ở đời hay sao? Thắp một ngọn đèn xét từ góc độ khách quan chính là soi sáng đường cho người khác, nhưng nhìn từ góc độ chủ quan cũng là tránh cho mình rất nhiều hiểm nguy rình rập.
Trên thế giới này, một thế giới chứa đầy những sự vật hiện tượng khác nhau, chúng ta ai dám nói mình là người luôn có cặp mắt tinh tường? Mắt chúng ta luôn quan sát mọi sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh, chẳng phải là để mong tránh cho mình tất cả mọi nguy hiểm rình rập đó? Có khi để thuận tiện cho người khác, chúng ta đốt đèn để họ thấy đường, để có thể tránh va vào nhau, như thế chẳng phải chúng ta đã tránh được tình huống nguy hiểm rồi sao?
Có khi nhân ái là những hành vi cụ thể không chỉ giúp người khác được lợi mà chính bản thân mình cũng được lợi.
Khổng Tử cũng từng trực tiếp nói cho mọi người biết phải làm như thế nào mới có thể đạt đến chuẩn của nhân ái. Trong Luận Ngữ, thiên Dương Hóa có chép chuyện học trò Tử Trương hỏi Khổng Tử rằng: "Xin thầy hãy nói cho con biết phải làm thế nào mới có thể đạt tới điều nhân?". Khổng Tử trả lời: "Nếu anh có thể bất kỳ lúc nào, nơi nào cũng đều làm theo năm điều thuộc phạm trù đạo đức, thế thì anh có thể đạt tới đạo nhân". Tử Trương liền hỏi: "Xin thầy hãy nói rõ năm điều ấy là những điều gì?". Khổng Tử đáp: "Đó là cung, khoan, tín, mẫn, huệ". Năm điều này có nghĩa là gì ?
Điều thứ nhất là "cung", tại sao chúng ta cần phải "cung"? Khổng Tử nói: "cung tắc bất vũ". Ý nghĩa của câu này rất sâu sắc. Theo cách nói ngày nay nghĩa là, một người luôn giữ thái độ cung kính với thế giới và với người khác thì anh ta sẽ không phải chịu sự khinh thường. Đó chẳng phải là một đạo lý hay sao?
"Cung" luôn luôn đi liền với "kính", cả hai luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Nghĩa là, khi một người có thể cung với người khác, bản thân anh ta sẽ hết sức mềm mại uyển chuyển. Lấy ví dụ, khi đến tiệm chuyên bán cung tên để mua cung, các bạn sẽ thấy có một cây cung đẹp nhất được bày trong tủ kính. Cây cung đó luôn trong trạng thái kéo sẵn, căng và cố định, nhìn rất đẹp. Riêng những cây cung còn lại, tất cả đều treo trên tường, chưa được kéo sẵn, nên nhìn không được đẹp lắm. Có người khách nói rằng, tôi nhất định phải mua cây cung tốt nhất bày trong tủ kính kia, vì nó quá đẹp lại luôn trong trạng thái kéo sẵn, trạng thái lý tưởng nhất; còn đám cung treo trên tường quá tầm thường, tôi thực sự không thích.
Trong trường hợp này, nếu là một người chủ có trách nhiệm, ông ta sẽ nhẹ nhàng nói với người khách rằng anh đừng lấy cái hàng mẫu đó, nó ngày nào cũng trong trạng thái kéo căng như thế, khi anh mua về rồi nó chỉ có thể bắn xa lắm là 40 mét mà thôi. Còn những cây cung trên tường luôn trong trạng thái thả lỏng, tức là luôn trong trạng thái dưỡng, trạng thái chuẩn bị, thì vẫn với sức ấy anh có thể bắn xa đến hơn 90 mét.
Trong đời cũng vậy, có những người sinh ra đã luôn mong muốn được người khác tôn trọng, họ luôn cố gắng thể hiện mình trong một trạng thái hoàn mỹ, nhưng đôi khi những điều mà họ thể hiện lại thiếu tính thuyết phục. Những người như thế thường rất dễ bị công kích, thậm chí có thể chuốc lấy sự ô nhục bởi vì họ luôn không thỏa mãn với thực tế và luôn quá căng thẳng.
Khi bước ra khỏi nhà, tham gia làm việc trong một tập thể, hay trong quan hệ với khách hàng, bạn đều không thể quá căng thẳng. Và cho dù ở trong chính nhà bạn, bạn cũng không thể căng thẳng mãi. Ví dụ, sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối vừa bước chân vào cửa, mẹ hoặc vợ bạn từ trong bếp thấy bạn trở về bèn bưng ra một đĩa thức ăn và bảo bạn nếm thử. Có thể bạn là một người hay chê bai, vừa thử một miếng đã không vui, nói rằng sao mặn thế, tính ăn vã muối sao? Nghe những lời này, trong lòng mẹ hoặc vợ bạn lẽ nào lại không khựng lại? Có thể họ nhẫn nhịn bưng thêm một đĩa thức ăn khác cho bạn nếm thử. Bạn cũng thử một miếng, và lại nói là món này chín quá, sau này chờ bạn về hẵng xào, đừng hầm mãi trong nồi như thế. Lúc này đĩa thức ăn thứ ba được bưng lên, bạn chỉ nhìn loáng qua đã nói, hai thứ này sao lại xào chung với nhau?
Cả ba đĩa thức ăn bạn đều không vừa lòng, với tính thích chê bai của bạn, cho dù là người thân cũng phải bực bội bỏ đi, bữa tối của bạn coi như thất bại. Liệu một người luôn căng thẳng như thế có thể nhận được sự tôn trọng của mọi người hay không?
Vậy "cung tắc bất vũ" nghĩa là sao? Đối với bất kỳ người nào việc nào, dù không có công lao ắt cũng có sự khó nhọc, chỉ cần biết trân trọng sự cực khổ của người khác là bạn sẽ có được cách ứng xử phù hợp. Cũng như trường hợp bữa cơm không thoải mái vừa nêu, nếu bạn vừa bước vào nhà đã vui vẻ chào người này, nói chuyện với người kia, và khi ngửi thấy mùi thơm của thức ăn thì cùng mọi người mau chóng ngồi vào bàn ăn cơm với gia đình, như thế bữa cơm chắc chắn sẽ rất vui.
Nụ cười của người khác mãi mãi sẽ là tấm gương để bạn hoàn thiện kỹ năng đối nhân xử thế của chính mình. Trước vẻ hớn hở mừng vui của bạn, người khác chắc chắn cũng sẽ nói cười hân hoan; còn trước thái độ trừng mắt giận dữ của bạn, người khác chắc chắn cũng chất đầy bực tức trong lòng.
Thái độ của chúng ta đối với thế giới cũng sẽ là thái độ của thế giới đối với chúng ta. Nụ cười của người khác mãi mãi sẽ là tấm gương để bạn hoàn thiện kỹ năng đối nhân xử thế của chính mình. Trước vẻ hớn hở mừng vui của bạn, người khác chắc chắn cũng sẽ nói cười hân hoan; còn trước thái độ trừng mắt giận dữ của bạn, người khác chắc chắn cũng chất đầy bực tức trong lòng. Cho nên, nếu muốn mình được người khác đối xử tốt thì bạn phải cung kính với họ trước. Đây chính là "cung tắc bất vũ", cũng là điều thứ nhất mà Khổng Tử đề cập.
Điều thứ hai là "khoan". Khổng Tử nói: "khoan tắc đắc chúng". Lòng cung kính tất sẽ đem đến cho con người một thái độ khoan hòa. Thực ra đạt tới "khoan" không dễ dàng. Trong thơ thiền có một câu khá hay là: "Nhãn nội hữu trần tam giới trách, tâm đầu vô sự nhất sàng khoan". Nghĩa là, nếu mắt bạn bị bụi che lấp, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình chẳng khác gì địa ngục trần gian, nhưng nếu trong lòng bạn không có bất kỳ điều gì vướng bận thì dù chỉ ngồi trên một chiếc giường bạn cũng sẽ cảm thấy vô cùng rộng rãi và thoải mái. Vấn đề rộng hay hẹp không liên quan nhiều đến thực tế bạn sống trong ngôi nhà 60 m2 hay 120 m2, mà có quan hệ mật thiết với thái độ nhìn nhận cuộc sống của chính bạn.
Cùng một cuộc sống nhưng những người có cách giải thích khác nhau thì thế giới của họ cũng sẽ khác nhau.
Vậy bạn phải nhìn nhận thế giới này như thế nào? Cùng một cuộc sống nhưng những người có cách giải thích khác nhau thì thế giới của họ cũng sẽ khác nhau.
Có một câu chuyện rất hay: Ở thôn nọ có một nhà thông thái sống ở đầu thôn, một hôm có hai người khách lạ đi tới, kẻ trước người sau cùng hỏi ông một câu là làm sao để tìm nơi cư trú lý tưởng nhất trên thế giới này.
Người khách thứ nhất hỏi: "Xin hỏi thôn của các vị có thích hợp cho tôi đến ở hay không. Cái thôn mà tôi ở trước đây rất tệ, mọi người đều hẹp hòi, chỉ biết kiếm lợi cho bản thân, nói chung ai ai cũng có khuyết điểm, không có lấy một người hoàn mỹ. Ở đó tôi từng va chạm rất nhiều, ai cũng có thù oán với tôi. Tôi thực sự không thể tiếp tục cuộc sống ở đó nên quyết định đi tìm một nơi lý tưởng, nơi mà mọi người ai ai cũng đều là quân tử".
Nhà thông thái nghe xong, nói: "Xin lỗi, những người sống trong thôn của chúng tôi cũng không khác gì những người sống trong thôn của bạn trước đây, nên bạn cứ tiếp tục đi tìm đi". Người khách cảm thấy hết sức thất vọng, bèn tiếp tục cất bước trên con đường đi tìm vùng đất lý tưởng cho chính mình.
Người khách thứ hai nói: "Tôi đang đi tìm một cái thôn lý tưởng nhất. Thôn trước đây tôi ở rất tốt, tôi bất đắc dĩ phải dọn đi. Tôi luôn nhớ về nơi ấy, mọi người ở đó đều lương thiện nho nhã, sống mộc mạc và luôn qua lại giúp đỡ nhau. Khi sống ở đó, quan hệ của tôi với mọi người rất tốt, nay phải rời xa, tôi thực sự rất nhớ về nó. Bây giờ tôi đang muốn tìm cho mình một nơi như thế".
Nghe xong nhà thông thái nói: "Thế thì anh đã tìm thấy rồi. Những người sống trong thôn của chúng tôi đều tốt như những người dân sống ở nơi anh đã từng sống, vậy anh hãy ở lại đây đi".
Cùng là một thôn, nhưng câu trả lời của nhà thông thái hoàn toàn khác nhau, điều này nói lên điều gì? Nếu bạn là người lương thiện, trong mắt bạn ai ai cũng sẽ là người tốt. Ngược lại, nếu lòng bạn hẹp hòi, trong mắt bạn ai ai cũng đều là kẻ xấu.
Một người có lòng khoan dung, thế giới mà họ nhìn thấy cũng sẽ hết sức rộng rãi; còn với một người có lòng dạ hẹp hòi, họ cũng nhìn thấy một thế giới chật hẹp.
Ví như nói việc mọi người cùng nhau ra ngoài chơi, cùng đến một khu du lịch, trong số những người đi hẳn sẽ có người cảm thấy nơi đây quá lý tưởng, nhưng cũng có người cảm thấy nơi đây quá tệ. Rõ ràng là cùng một nơi nhưng đánh giá của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, đây chính là vấn đề "khoan" hay không "khoan".
Tôi từng đọc được một bài viết rất hay trên tạp chí phụ nữ có tên là Tiệm làm đẹp của Thượng đế. Nội dung bài viết nói rằng, tất cả phụ nữ đều sợ già, đều muốn mình trẻ và đẹp mãi. Chúng tôi nói cho bạn biết, đẹp hay không đẹp chủ yếu do bạn đã từng ghé "Tiệm làm đẹp của Thượng đế" hay chưa.
Vậy "Tiệm làm đẹp của Thượng đế" chuyên về lĩnh vực nào? Nó hoàn toàn không cần biết quần áo mà người phụ nữ này mặc có đắt tiền hay không, nhưng nó khiến cô ta phải mặc sao cho phù hợp. Nó hoàn toàn không cần biết người phụ nữ này có xinh đẹp hay không, nhưng nó khiến cô luôn nở nụ cười bên khóe môi, và ôn hòa, nhã nhặn, khiêm tốn trong đối xử với mọi người. Tiệm làm đẹp này không chỉ dạy cho người ta kỹ năng làm đẹp, mà còn dạy cả lễ nghi cho họ.
Ở phần cuối của bài viết, tác giả nói nếu bạn năng tới lui "Tiệm làm đẹp của Thượng đế" thì chỉ một thời gian, bạn sẽ trở thành người phụ nữ trẻ mãi không già. Cách nói này cũng chứng minh một điều là bạn cần phải luôn khoan hòa với người khác, như thế bạn cũng sẽ nhận lại được sự báo đáp từ phía người khác. Những báo đáp đó là gì? Bạn sẽ có mặt ở khắp nơi, mọi người đều mến bạn, đây cũng chính là nghĩa của câu "khoan nhi đắc chúng".
"Cung" và "khoan" chủ yếu xoáy vào khía cạnh tự tu dưỡng của con người ở đời, vậy nếu chỉ có sự tu dưỡng, con người có thể đứng vững trong đời hay không? Thực tế ở đời mỗi người đều phải có công ăn việc làm, cho nên Khổng Tử đã nói đến điều thứ ba, đó là chữ "tín".
Khổng Tử nói: "tín tắc nhân nhậm yên". Nghĩa là, một người càng biết giữ chữ tín, anh ta càng nhận được nhiều sự tin tưởng của người khác. Theo cách nói của người thời nay, câu này tức là anh càng biết giữ chữ tín trong công việc thì cơ hội mà người khác đem đến cho anh sẽ càng nhiều.
Tôi dạy đại học đến nay đã mười mấy năm nên có cảm nhận rất sâu sắc về điều này. Học trò từ các khóa đã tốt nghiệp thường xuyên quay về thăm trường, họ tâm sự với giáo viên, nói về công việc hiện tại của mình. Từ câu chuyện của họ, chúng tôi mới kinh ngạc phát hiện ra rằng, những học trò hiện có công việc tốt nhất, có sức bật lớn nhất thường không phải là những học trò xếp vị trí hàng đầu trong lớp thuở đi học.
Những người thường xuyên giành giải thưởng, hoặc xếp vị trí nhất nhì ở bậc đại học, thậm chí là ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ, đến khi đi làm thường cảm thấy khó hòa nhập với mọi người. Đó là do tâm lý nghĩ mình tài giỏi mà coi thường người khác. Họ cho rằng, bản thân tôi từng được tuyển thẳng lên nghiên cứu sinh, anh dựa vào đâu để bắt tôi làm việc như một người chỉ mới tốt nghiệp đại học? Nếu không được trọng dụng, tôi sẽ tìm việc khác. Cứ như thế, họ liên tục đổi việc và không có đủ thời gian để hoàn thành trọn vẹn một công việc từ đầu đến cuối.
Ngược lại, có những người dù tư chất bình thường nhưng nhờ chân thành và biết giữ chữ tín nên họ đều làm tốt mọi việc được giao. Do đó, họ thường xuyên được lãnh đạo tạo cơ hội tốt để phát triển. Cứ như thế, một vài năm vẫn chưa thấy gì nhiều, nhưng khoảng năm mười năm sau, những người này càng ngày càng thành công và có uy tín trong công việc. Nhân phẩm và sự thành tín của một người được coi trọng hơn kiến thức chuyên môn của họ. Đây cũng là ý nghĩa của câu "tín tắc nhân nhậm yên".
Xã hội liên tục thay đổi, kiến thức chuyên ngành cũng không ngừng phát triển, chỉ cần rời khỏi ghế nhà trường không lâu là một phần kiến thức mà chúng ta học được trở nên lỗi thời. Thế nên mỗi người đều phải luôn luôn cập nhật và trau dồi kiến thức của bản thân. Riêng chỉ có phẩm hạnh và sự thành tín là còn mãi, đó cũng chính là những yếu tố quan trọng tạo nên nhân cách của con người.
Nhưng biết giữ chữ tín, chân thành, xem trọng công việc và cố gắng hết mình cho công việc vẫn chưa đủ, con người còn cần có trí tuệ. Đó là "mẫn tắc hữu công" - điều thứ tư mà Khổng Tử đề cập, nghĩa là những ai thông minh, mẫn tiệp thì có thể xây dựng sự nghiệp của mình.
Ở Mỹ có một họa sĩ nghèo, có những lúc ông thiếu thốn đến nỗi ngay cả tiền mua sơn dầu, vải vẽ, sáp màu cũng không có, và ông phải kiếm sống bằng công việc vẽ thuê các bảng hiệu quảng cáo trên đường. Sau đó ông lưu lạc đến bang Kansas và chuyên phục chế tranh vẽ trên tường cho các nhà thờ. Lúc này ông đã nghèo thảm đến mức buổi tối phải qua đêm trong một nhà chứa xe tồi tàn.
Trong nhà xe ấy có một con chuột, thường kêu chít chít chạy quanh ông. Ông cảm thấy hết sức cô độc nên xem con chuột như một người bạn tốt của mình.
Đúng lúc này thì có một cơ hội cực tốt mở ra cho ông: Hollywood muốn thực hiện một bộ phim hoạt hình, họ cần tìm họa sĩ thiết kế chính và họ đã mời ông.
Thế là họa sĩ nọ vẽ không ngừng, nhưng các bản vẽ ông gửi đi đều liên tục bị trả về. Một buổi tối, khi ông đang ngồi trong nhà xe, miệng cắn bút, mắt nhìn đăm đăm vào đống giấy, trong lòng hết sức rầu rĩ thì chú chuột nọ bỗng chạy đến khuôn vẽ. Nó ngồi xổm ở đó, hai mắt mở to nhìn ông sáng rỡ. Chính lúc ấy, trong đầu ông đã nảy ra một ý tưởng tạo hình mới, đó chính là nhân vật chuột Mickey mà chúng ta đều biết.
Người họa sĩ đó sau này chính là nhân vật nổi tiếng Walt Disney.
Có thể nói, chú chuột trong nhà xe không chỉ tạo cảm hứng cho sự ra đời của một bộ phim hoạt hình nổi tiếng mà còn góp phần xây dựng tên tuổi cho một bậc thầy trong làng giải trí thế giới. "Mẫn" chính là biết nắm chắc cơ hội.
"Mẫn" là biết nắm chắc cơ hội.
"Mẫn" không chỉ biểu hiện ở sự thông minh, mẫn tiệp mà còn thể hiện ở khả năng tự ý thức về mình, khả năng quan sát hoàn cảnh thực tế và suy luận để có thể đề phòng tai họa ngay từ trong trứng nước.
Một số người đôi khi có thể dự đoán được những biến cố cùng những nguy hiểm sẽ xảy ra, nhưng cũng có những người hoàn toàn không có chút cảm giác nào về những ngày sắp tới của họ.
Đại học Cornell của Mỹ từng làm một thí nghiệm hết sức nổi tiếng: dùng ếch, một loài vật cực kỳ mẫn cảm, vứt vào chảo dầu đang sôi, và trước khi vứt vào phải đập tay lên nó một cái. Các bạn nghĩ xem, con ếch có thể mẫn cảm đến mức nào? Phập một cái, trong nháy mắt, con ếch đã thoát thân khỏi chảo dầu đang sôi.
Thế nhưng, nếu bạn bỏ con ếch vào nồi nước lạnh, sau đó đun nóng từ từ, nó sẽ không có phản ứng gì và cuối cùng sẽ chết trong nồi nước sôi.
Thí nghiệm này gợi cho chúng ta một điều, "mẫn" của con người không thể chỉ thể hiện trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà nó phải thường xuyên và phải biểu hiện cả ở việc phòng ngừa mầm mống của tai họa.
Được như vậy, con người không chỉ có khả năng ngăn ngừa tai họa từ trong trứng nước mà họ còn có thể tránh xa những điều không may xảy đến trong đời mình.
Điều thứ năm mà Khổng Tử nói đến chính là "huệ". Khổng Tử nói: "huệ tắc túc dĩ sử nhân". Câu này có nghĩa là đối với người dưới chúng ta cần có lòng khoan dung và quan tâm đến quyền lợi của họ, vì như thế chúng ta mới có thể giao việc và khơi dậy tinh thần làm việc hăng say, cống hiến hết mình ở họ.
Vào thời Xuân Thu, khi Sở Trang Vương trị vì, tình hình nước Sở vô cùng cường thịnh. Một lần nọ, khi cả hoàng cung nước Sở đang ngập trong rượu chè hoan ca thì một trận gió bất ngờ thổi tới làm tắt tất cả các ngọn nến. Trong lúc tối đen, vua Sở nghe tiếng một cô gái kêu thất thanh.
Vua hỏi cô gái tại sao lại kêu thất thanh như thế, cô ta nói: "Trong đám đại thần có người dám giở trò bỉ ổi với thiếp, nhưng không sao, thiếp đã lấy được dải mũ của người đó đây rồi. Bệ hạ chỉ cần cho thắp nến, thấy dải mũ của ai bị đứt thì chính là người đó". Vua Sở không vội cho thắp nến, ngài lệnh cho tất cả mọi người trong bữa tiệc đều vặt đứt dải mũ trên đầu mình, sau đó mới cho thắp nến. Vậy nên, cuối cùng trong số đại thần không có ai bị trừng phạt.
Không lâu sau đó, hai nước Tấn - Sở đánh nhau. Trong lúc vận mệnh nước Sở lâm nguy, có một người không hề quản ngại thân mình đã lao vào đánh nhau quyết liệt với quân Tấn. Hành động anh hùng của người này đã cứu vãn tình thế, giúp quân Sở chuyển bại thành thắng và cứu nước Sở khỏi tình huống nguy nan.
Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn hỏi: "Ta trước nay chẳng ban cho anh ân điển gì đặc biệt, tại sao anh lại tận tâm tận lực vì ta như thế?". Anh ta trả lời: "Thần chính là người đã bị mỹ nhân vặt đứt dải mũ. Ngày ấy thần do say rượu mà thất lễ, tội đáng chết nhưng may mắn được Bệ hạ rộng lượng khoan thứ. Vậy nên thần nguyện với lòng là quyết phải báo đáp Bệ hạ".
"Khoan" đi cùng "huệ" tức là khi bạn xuất phát từ việc lớn mà không chấp nhặt lỗi nhỏ của cấp dưới thì bạn sẽ càng được lòng cấp dưới và họ sẽ hết lòng ủng hộ bạn. "Huệ tắc túc dĩ sử nhân", khi hiểu được giá trị của hai chữ "ân huệ" bạn có đủ khả năng để dẫn đầu một tập thể.
Khổng Tử nói, nếu bạn có thể thực hiện được năm điều cung, khoan, tính, mẫn, huệ trên đây, thì về cơ bản bạn đã đạt đến đức "nhân".
Một người có lòng nhân ái thì có thể đứng vững trong đời, thế nên Khổng Tử nói: "Bất nhân giả bất khả dĩ cửu xứ ước, bất khả dĩ trường xứ lạc. Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân" (Luận Ngữ, Lý nhân). Ở đây, "ước" chỉ trạng thái cùng khốn, bần tiện. Nếu một kẻ không có lòng nhân thì không thể ở yên trong trạng thái bần cùng. Hắn sẽ cảm thấy bức bối trong lòng, coi khinh chính mình, dễ bị dao động và mất phương hướng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, phải chăng chỉ cần có những ngày thoải mái an lạc thì con người sẽ luôn cảm thấy rất tốt? Khổng Tử nói, người không có lòng nhân cũng không thể ở lâu trong an lạc. Nếu bạn có đem đến cho họ những ngày thoải mái an lạc thì qua một thời gian thế nào cũng xảy ra chuyện. Ví dụ, trong xã hội ngày nay có không ít cán bộ cao cấp bị tha hóa, biến chất. Từ một góc độ nào đó, họ chính là những kẻ ở lâu trong an lạc. Đối với những kẻ không có lòng nhân, dù được sống trong một môi trường tốt thì sự tha hóa, trụy lạc vẫn khó tránh khỏi.
Khổng Tử còn nói: "Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân". Nghĩa là, người có lòng nhân ái và coi trọng đạo nhân ái thì khi nhìn thấy điều nhân ái được thể hiện trong xã hội thì trong lòng sẽ yên, ngược lại thì họ sẽ luôn cảm thấy không yên. Còn người có trí tuệ bao giờ cũng biết rõ là điều nhân ái có thể mang lại cho họ những lợi ích to lớn và lâu dài.
Mạnh Tử cũng từng nói: "Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu dã" (Mạnh Tử, Đằng Văn Công). Nghĩa là, người có thể ở lâu trong gian khó cũng có thể ở lâu trong an lạc, trong lòng luôn tự do tự tại, có đạo nhân ái làm căn bản và có thể đi lại khắp nơi trong thiên hạ, đó chính là bậc đại trượng phu thực sự.
Như vậy, từ Khổng Tử đến Mạnh Tử đều nói với chúng ta rằng, nhân nghĩa có thể giúp con người đứng vững trong thiên hạ.
Một khi trong lòng có đạo nhân ái, chúng ta mới biết phải đối xử với người khác như thế nào. Khổng Tử nói: "Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân" (Luận Ngữ, Lý nhân). Nghĩa là, một người có lòng nhân ái không phải là kẻ không rõ đúng sai, bạ đâu gật đấy, mà họ có thể phân biệt rõ người tốt với kẻ xấu. Và có lẽ cũng chỉ có họ mới xứng đáng để nói thích người này hay không thích người kia.
Khổng Tử còn nói: "Hương nguyện, đức chi tặc dã" (Luận Ngữ, Dương Hóa). Hai chữ "hương nguyện" chỉ những người không có quan niệm đúng sai rõ ràng, họ không bao giờ đắc tội với ai. Loại người này mới là "đức chi tặc", những kẻ làm bại hoại đạo đức. Chính vì trong xã hội có những kẻ như thế nên những việc xấu mới được nảy sinh, dung túng.
Lòng nhân ái cần phải có nguyên tắc và phân biệt đúng sai, ân oán rõ ràng. Chính vì vậy, chỉ có những người ghét điều ác như kẻ thù thì mới thực sự đạt đến đạo nhân.
Nếu trong lòng có điều nhân ái, chúng ta sẽ không bao giờ bị vẻ bề ngoài che mắt mà sẽ luôn yêu ghét phân minh.
Có một lần, Khổng Tử bàn luận với học trò về vấn đề ai mới được xem là người cương nghị. Ông nói: "Ta chưa từng được thấy người cương nghị bất khuất". Trong đám học trò có người đáp rằng: "Thân Trang là người như thế". Khổng Tử bèn hỏi ngược lại rằng: "Thân Trang có quá nhiều dục vọng, anh ta làm sao có thể đạt tới chuẩn cương nghị bất khuất?".
Nếu một người tham lam, muốn lấy nhiều thứ từ người khác thì liệu anh ta có phải là người cương nghị hay không? Từng có câu "vô dục tắc cang", tức là khi trong lòng bạn không có quá nhiều dục vọng và bạn không mất công sức cho việc tìm cách thỏa mãn mọi dục vọng thì cuộc đời của bạn mới thực sự vĩ đại. Còn khi bạn mong muốn mình cần có cái gì ở chỗ này, có cái gì ở chỗ kia và thường xuyên quay cuồng trong các mối quan hệ xã hội, thậm chí phải cúi mình xu nịnh người khác, thì bản thân bạn đâu thể nói đến hai chữ "cương nghị"?
Nhân ái là căn cứ quan trọng để biết một người có thể trở nên vĩ đại hay không. Vậy chúng ta có thể đạt tới chuẩn mực của nhân ái bằng cách nào?
Theo Luận Ngữ, chúng ta có thể đạt tới điều ấy bằng cách không ngừng cố gắng học tập.
Khổng Tử và các học trò của ông có thể bàn tới những đạo lý của đời sống ở bất kỳ lúc nào và nơi nào. Có lần, Phàn Trì cùng Khổng Tử du ngoạn dưới chân đài Vũ Vu và cùng bàn về vấn đề làm sao có thể nâng cao chất lượng tu dưỡng của mỗi người. Phàn Trì hỏi đến ba việc, việc thứ nhất là vấn đề "sùng đức", tức là làm sao để có thể nâng cao mức độ tu dưỡng đạo đức của chính mình. Việc thứ hai là "tu thắc", tức là làm thế nào để hạn chế sự tà ác trong lòng mình. Việc thứ ba là "biện hoặc", tức là làm sao để một người có được cặp mắt tinh tường để có thể phân biệt đúng sai, tốt xấu và cứu mình khỏi sự lầm lạc.
Cả ba việc này đều rất khó làm, Khổng Tử tỏ ra thích thú và cho rằng câu hỏi này rất hay. Tiếp đó, ông dùng ba câu hỏi ngược để khơi gợi cho đệ tử.
Đầu tiên, Khổng Tử nói, "tiên sự hậu đắc, phi sùng đức dư?". Nghĩa là, một người gặp bất cứ việc gì cũng đều cố gắng làm việc, xử lý công việc đến độ hoàn mỹ, sau đó mới nghĩ đến danh tiếng và tiền công, đây chính là làm trước hưởng sau. Đối với việc gì bạn cũng tận tâm tận lực thực hiện, sau đó mới nghĩ tới việc mình sẽ hưởng được gì từ công việc ấy, làm như thế chẳng phải là bạn có thể nâng cao giá trị đạo đức của chính mình rồi sao?
Cách làm này không khó, nhưng không phải là ai cũng có thể thực hiện.
Khổng Tử trả lời đến câu hỏi thứ hai, để đạt tới "tu thắc" thì cần phải "công kỳ ác, vô công nhân chi ác, phi tu thắc dư?". Lời này thực ra hết sức giản dị và mộc mạc.
"Công kỳ ác" là cần có thái độ cầu thị, dũng cảm trong việc sửa đổi những khuyết điểm, những sở đoản của bản thân. Đồng thời, trong quá trình sửa đổi bạn phải không ngừng phản tỉnh về những khuyết điểm của mình. Bạn cũng không nên chỉ chú ý công kích lỗi lầm của người khác, hay "vô công nhân chi ác", tức là thích lên giọng thuyết giáo kiểu như anh sai chỗ này, anh sai chỗ kia, thế này thì anh kém tôi xa,… Khi bị lãnh đạo phê bình, bạn lầm bầm rằng ông dựa vào đâu để kỷ luật tôi, còn có biết bao người không bằng tôi nữa kia. Những điều đó đều không tốt. Khổng Tử nói, bạn chớ để tâm vào khuyết điểm của người khác mà trước tiên hãy tự sửa mình cho tốt đã. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu "kiến nhàn tư tề yên, kiến bất nhàn nhi nội tự tỉnh dã" (Luận Ngữ, Lý nhân), chúng ta nhìn thấy người hiền thì hãy lấy họ làm gương chứ đừng nên so tài với những kẻ ngu. Làm được như vậy thì chẳng phải chúng ta đã sửa đổi được những khuyết điểm của mình rồi sao?
Cuối cùng là điểm thứ ba: "biện hoặc". Tại sao con người lại lâm vào tình trạng mê lầm? Điều này có quan hệ mật thiết với việc một người vì nóng giận nhất thời mà mất hết lý tính. Cho nên Khổng Tử nói: "nhất triêu chi phẫn, vong kỳ thân, dĩ cập kỳ thân, phi hoặc dư?". Ở đây, Khổng Tử không nói cho chúng ta cách "biện hoặc" mà chỉ giải thích thế nào là "hoặc". Theo ông, trong nhất thời khi cơn giận đột nhiên bốc lên cao ngất, chúng ta sẽ không còn tỉnh táo nữa, ngay cả bản thân là ai cũng không nhớ và thậm chí cả tính mạng của mình cũng không cần; cho nên chúng ta có thể bỏ mặc tất cả chỉ để truy cứu một lỗi lầm nhỏ nhặt nào đó. Theo cách nói của dân gian, đó là khi "giận quá mất khôn" làm cho người ta quên mất là mình trên còn có mẹ già, dưới còn có con thơ. Vì giận mà bất chấp tất cả như thế chẳng phải là mê lầm hay sao?
Nếu một người luôn biết dùng lý trí để phân biệt đúng sai thì chắc chắn anh ta sẽ không bao giờ rơi vào trường hợp nêu trên. Vậy nên, bốn môn học mà Khổng Tử dạy cho học trò đều hết sức đặc biệt: "Tử dĩ tứ giáo: văn, hành, trung, tín" (Luận Ngữ, Thuật nhi), tức là văn hiến lịch sử, thực tế xã hội, lòng trung thành trong đối nhân xử thế và chữ tín trong giao tiếp. Khổng Tử chủ yếu dựa vào thực tế đời sống để trả lời một cách cặn kẽ từng li từng tí, từ nông đến sâu và thông qua đó học trò có thể thấy được cách thức tu dưỡng đạo đức của người quân tử. Thế nên, đạo nhân được hình thành trên cơ sở chúng ta học tập từ những điều cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Học trò của Khổng Tử là Tử Hạ nói: "Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hĩ" (Luận Ngữ, Tử Trương). Tử Hạ được xem là đệ tử kế thừa được chân truyền của Khổng Tử. Ở đây, ông đã hiểu rõ ý của Khổng Tử khi cho rằng chúng ta cần mở rộng nội dung học tập, giữ vững chí hướng và chịu khó đặt câu hỏi, nhưng không nên hỏi những vấn đề quá cao siêu, viển vông mà nên xoáy vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến thực tế cuộc sống, vì nhân đức được bao hàm trong những vấn đề thực tế đó.
Điều này cũng có nghĩa, phạm vi học tập của một người càng rộng càng tốt, nhưng những suy tư và hành động của anh ta nhất định phải gắn liền với hiện thực. Nếu biết kết hợp kiến thức đã học với chí hướng của mình cùng những vấn đề cụ thể của thực tế thì xem như anh ta đã thực hiện được "nhân". Đây cũng chính là sự kết hợp giữa chí hướng cao rộng và những hành động cụ thể trong thực tế đời sống.
Nhân ái là sức mạnh được phát ra từ nội tâm của một người. Nó vừa có thể tác động đến người khác lại vừa có thể ảnh hưởng đến chính mình.
Vậy nhân ái có thể đem đến cho chúng ta những gì?
Đạo nhân ái có thể đem đến cho chúng ta trạng thái ôn hòa, ung dung. Mỗi người có thể trải qua rất nhiều việc cụ thể trong suốt cuộc đời mình, và rồi cuối cùng họ sẽ đạt đến trạng thái này.
Lấy trường hợp của Khổng Tử làm ví dụ. Nhiều người lấy con đường công danh không thỏa chí của ông để cho rằng ông là một người long đong trong thiên hạ, hết sức cực khổ. Thế nhưng, trạng thái thực sự của ông ra sao? "Tử chi yên cư, thân thân như dã, yêu yêu như dã" (Luận Ngữ, Thuật nhi). "Yên cư" chỉ trạng thái thường ngày trong gia đình, con người sống trong trạng thái nhàn nhã. "Thân thân như dã" chỉ dung mạo một người luôn gọn gàng sạch sẽ. "Yêu yêu như dã" chỉ hành động luôn ung dung thoải mái. Như vậy trong đời sống hàng ngày, Khổng Tử luôn ở trong trạng thái dung mạo tề chỉnh và hành động ung dung. Toàn bộ con người ông đều toát ra vẻ tự do tự tại chứ không phải lúc nào ông cũng bận rộn, bức bách như chúng ta tưởng tượng. Do là một người luôn cung kính và khoan hòa nên Khổng Tử mới có phong thái ung dung như thế.
Khổng Tử thường xuyên dẫn học trò ra ngoài, vừa ngắm phong cảnh vừa nói chuyện phiếm, và chính trong bối cảnh ấy thường xuyên xuất hiện những tình tiết hết sức thú vị.
Một buổi sáng mùa xuân, Khổng Tử cùng Tử Lộ và một vài học trò khác đang bước trên con đường dẫn vào núi, đột nhiên trước mặt họ xuất hiện mấy con gà rừng. Nhìn thấy đàn gà, thần sắc của Khổng Tử hơi thay đổi, đàn gà rừng cũng tỏ ra hết sức đề phòng. Chúng vỗ cánh phành phạch bay lên không trung, sau đó dường như nhận thấy mọi người đều không có ác ý nên chúng lại đáp xuống.
Khổng Tử chỉ vào lũ gà rừng nói: "Sơn lương thư trĩ, thời tai, thời tai!" (Luận Ngữ, Hương đảng). Nghĩa là, các anh xem đám gà rừng kia, chúng đều theo thời thế, tự do bay lên, tự do hạ xuống một cách vui vẻ, cuộc sống của chúng đã dung hòa với trời đất mùa xuân này.
Người có lòng nhân không phải là những người luôn tất bật từ nhà đến nơi làm việc, cũng không phải là những người luôn giữ vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm chỉnh khoác lên mình những bộ đồng phục công sở.
Trong lòng những người nhân ái luôn có chỗ dành cho người thân và bạn bè. Họ yêu sông núi cỏ cây, yêu thiên nhiên bốn mùa, yêu những giây phút vui vẻ bên bè bạn, người thân. Những tình cảm ấy không bao giờ hạn chế mà luôn chan hòa ở mọi lúc mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả những người xung quanh.
Tình cảm đó cũng được biểu hiện ở dáng vẻ bên ngoài của con người. Dung mạo của Khổng Tử luôn luôn ở trạng thái ôn tồn lương thiện. Khi nghiêm khắc, nhìn ông uy mà không nộ, tức là ở ông toát ra vẻ uy nghiêm nhưng hoàn toàn không công kích đến người khác. Khổng Tử thường hết sức cung kính với mọi người, sự cung kính ấy đến từ sự yên định của thế giới nội tâm bên trong.
Mỗi người cần phải luôn cẩn trọng, tôn trọng và không ngừng hoàn thiện cuộc đời của chính mình.
Không phải ai trong chúng ta cũng có cơ hội được ở trong những tình huống quan trọng của lịch sử. Thế nhưng mỗi con người đều phải đối diện với tình trạng không ngừng mất đi của sự sống, nên trước sự trôi qua của thời gian, chúng ta khó tránh khỏi cảm giác xót xa. Từ đây có thể thấy rõ, mỗi chúng ta đều bị thế giới làm cho thay đổi. Vậy nên, sống trên thế gian này, chúng ta cần phải luôn cẩn trọng, tôn trọng và không ngừng hoàn thiện cuộc đời của chính mình.
Nhân ái có phải là thứ phẩm hạnh mà một khi đã hình thành thì sẽ bất biến trong cuộc sống con người? Phải chăng khi một người có được lòng nhân ái, anh ta sẽ may mắn cả đời?
Hoàn toàn không phải vậy. Nhân ái là sự tích lũy từng ngày, nó luôn cần đến sự tu dưỡng không ngừng của mỗi cá nhân.
Con người tồn tại trong dòng chảy không ngừng của thời gian và cuộc đời, việc chú ý tu dưỡng đạo nhân ái như thế nào sẽ quyết định đến mối quan hệ giữa chúng ta và thế giới.
Bản thân Khổng Tử đôi khi cũng tỏ ra hết sức đau lòng: "Tử tại xuyên thượng, viết: ‘Thệ giả như tư phù? Bất xả trú dạ’" (Luận Ngữ, Tử Hãn). Nghĩa là, con người chúng ta, nào ai có thể tránh được quy luật của thời gian.
Chu Hy trong Luận Ngữ tập chú nói thêm rằng: "Thiên địa chi hóa, vãng giả quá, lai giả tục, vô nhất tức chi đình, nãi đạo thể chi bản nhiên dã. Nhiên kỳ khả chỉ nhi dị kiến giả, mạc như xuyên lưu. Cố ư thử phát dĩ thị nhân, dục học giả thời thời tỉnh sát, nhi vô hào phát chi gian đoạn dã". Theo lời Chu Hy, Khổng Tử nói câu "Thệ giả như tư phù? Bất xả trú dạ" chính là dùng sự biến hóa khôn cùng của trời đất để so sánh với đời người, những kiếp người đã qua và những kiếp người đang tới cứ luân phiên nhau không một phút giây nào ngừng nghỉ, đó chính là diện mạo của đạo. Khổng Tử dùng dòng nước không ngừng chảy để so sánh với đời người rõ ràng là muốn nhắc nhở mọi người luôn phải chú ý, không một giây phút nào có thể lơ là để thời gian trôi qua vô nghĩa. Cũng giống như Lý Bạch từng viết: "Khí ngã giả tạc nhật chi nhật bất khả lưu, loạn ngã tâm giả kim nhật chi nhật đa phiền ưu" (Lý Bạch, Tuyên Châu Tạ Thiếu lầu tiễn biệt Hiệu thư Thúc Vân). Nghĩa là, ngày hôm qua bỏ ta đi đã không còn có thể lưu giữ nhưng khiến lòng ta rối bời lại chính là ngày hôm nay đầy phiền ưu. Cuộc đời luôn phải đón rồi lại tiễn đi như thế, ai cũng phải sống trong sự trôi qua của thời gian, vậy chúng ta phải đối diện với thực tại này ra sao?
Khổng Tử từng nói với Tử Lộ: "Người ta hỏi thầy của anh là ai, tại sao anh không nói cho họ biết rằng ta là người hứng chí quên ăn, vui đến quên buồn và hoàn toàn không biết tuổi già sẽ đến? Ta đối với việc mình nên làm chưa bao giờ không cố gắng; ta vì công việc ngay cả ăn cơm cũng có thể quên, nhưng cuộc đời ta luôn trong trạng thái vui đến quên buồn". Tại sao con người cứ phải vơ nỗi buồn vào lòng mình? Chúng ta không thể sống thong dong vui vẻ hơn sao? Nếu có thể dùng tâm thái ấy để đối diện với cuộc đời như nước chảy, chúng ta sẽ quên được tuổi già đang tới.
Ngày nay, hầu như chúng ta đều được quy định rõ về thời gian làm việc và mỗi người đều có công việc của riêng mình nên không thể du ngoạn khắp nơi trong thiên hạ như Khổng Tử ngày trước. Vậy chúng ta có thể đạt đến trạng thái "vui đến quên buồn" như Khổng Tử hay không?
Khổng Tử từng nói thế này: "Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả" (Luận Ngữ, Ung Dã). Nghĩa là, trong cuộc đời mỗi người đều phải làm ít nhất một việc gì đó, và có đến ba bậc khác nhau cho mỗi việc. Bạn có thể xem công việc mình làm ở vào tầng bậc nào.
Đầu tiên là "tri chi giả", tức là đối với công việc, ngành nghề của mình, bạn có sự hiểu biết khá rõ. Điều này không khó, vì trong xã hội ngày nay chỉ cần chúng ta học một chuyên ngành, lấy một văn bằng hoặc thi lấy một giấy chứng nhận là coi như chúng ta đã đạt đến chuẩn của "tri chi giả". Ở bậc thứ nhất này bạn có thể nắm bắt toàn bộ những thứ thuộc về kỹ năng.
Cao hơn một bậc là "hiếu chi giả", đó là khi bạn thực sự yêu công việc của mình, thường xuyên quên ăn quên ngủ và sẵn sàng đem tất cả thời gian rảnh rỗi để đầu tư vào đó. Được như thế, bạn có thể hoàn thành lý tưởng trong sự nghiệp của mình, nhưng có phần nặng nề. Bởi vì để thực hiện lý tưởng, có thể bạn phải quên hết những thú vui trong cuộc sống và hy sinh các cơ hội quây quần hạnh phúc bên gia đình, người thân. Vậy nên, cảnh giới này rõ ràng vẫn chưa thật cao.
Cảnh giới cao nhất là "lạc chi giả", tức là trong quá trình đầu tư vào công việc, sự nghiệp bạn cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui của cuộc đời mình đang không ngừng được nâng cao. Tâm hồn bạn luôn cảm thấy thư thái và bạn có cảm giác thỏa nguyện. Trong suốt quá trình làm việc, bạn không chỉ là người sáng tạo ra sự nghiệp mà còn sáng tạo ra chính mình.
Đạo nhân không cần chúng ta phải hy sinh thân mình để thực hiện. Đó thường chỉ là sự chọn lựa trong trường hợp bất đắc dĩ mà thôi. Nếu khó khăn không tới, chúng ta không cần phải gắng sức đi tìm, còn nếu khó khăn xuất hiện thì chúng ta cứ bình thản đón nhận và giải quyết.
Trong cuộc sống hàng ngày, lòng nhân ái đem đến cho chúng ta một kiểu quan hệ không đối kháng mà cũng không thỏa hiệp với thế giới. Đó chính là cơ hội tốt để mỗi người có thể hòa nhập cùng xã hội.
Điều này giống như ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn kể về việc cùng là một nồi nước đang sôi nhưng nếu bỏ vào đó ba thứ khác nhau thì sẽ cho ra ba kết quả khác nhau. Thứ nhất, nếu bỏ vào đó một quả trứng gà sống, ban đầu bên trong quả trứng là chất lỏng nhưng sau khi luộc thì chúng sẽ biến thành chất rắn. Đây là trạng thái thứ nhất, một trái tim mềm mại trải qua quá trình ma sát liên tục sẽ trở nên khô cứng, thậm chí cuối cùng có thể bị chai sạn, không còn cảm giác.
Thứ hai, bỏ vào nồi nước đang sôi một củ cà rốt cứng và nấu liên tục, khi vớt ra chúng ta sẽ có một củ cà rốt chín mềm. Đây chính là trạng thái thứ hai, lòng người vốn cứng cỏi, khắt khe nhưng cuối cùng sẽ chuyển thành thỏa hiệp, tức là sau quá trình bị nấu trong nước sôi, cá tính đã bị triệt tiêu.
Thứ ba, bỏ lá trà vào nồi nước đang sôi thì cuối cùng nước không còn là nước, lá trà cũng không còn là lá trà mà chúng ta sẽ được một hỗn hợp nước và trà. Cũng có nghĩa là sau quá trình tiếp xúc với thế giới, trong bạn sẽ hình thành một hệ thống giá trị hoàn toàn mới.
Đạo nhân ái có thể làm thay đổi cuộc sống của con người. Bằng việc mang sự tin tưởng cùng niềm vui trong lòng chúng ta vào việc đối nhân xử thế, giữa con người và xã hội sẽ có mối liên hệ mật thiết và hài hòa hơn.
Khi xã hội, đất nước cần chúng ta gánh vác trách nhiệm, chúng ta sẵn sàng đứng ra mà không nề hà khó khăn, thậm chí có thể hiến thân mình vì lợi ích chung; còn trong đời sống hàng ngày chúng ta luôn giữ trạng thái an lạc, thong dong. Trạng thái này ai cũng đều có thể đạt tới.
Khổng Tử từng nói: "Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ" (Luận Ngữ, Thuật nhi). Nghĩa là, nhân ái có cách xa chúng ta hay không, bất cứ khi nào chúng ta muốn đạt đến điều nhân ái thì nhân ái sẽ đến bên cạnh và sẽ tràn đầy trong lòng chúng ta.
Khổng Tử đã nói câu nói bất hủ này hơn 2.000 năm trước, nhưng đến ngày nay nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Tôi hy vọng, chính trong hôm nay, ở giờ phút này, mỗi chúng ta hãy nhắn nhủ với mình rằng: "Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ".
Khi bạn có niềm tin thì ngay lúc ấy, nhân ái đã đến giữa cuộc đời bạn. Và một khi trong lòng chúng ta chứa đầy sự nhân ái, bản thân chúng ta và cả cuộc đời này sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.