10 bước mọi cha mẹ nên biết: Những điều cơ bản cần biết để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc
1. Tốt hơn hết, bạn nên nghĩ rằng trẻ chập chững giống như một… người thượng cổ. Trẻ chập chững lúc nào cũng gầm gừ và thích vồ chộp mọi thứ, bởi vậy chúng luôn cư xử thật “nguyên thủy”. Trên thực tế, dù điều này nghe có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng xét về quá trình phát triển, trẻ chập chững có rất nhiều điểm tương đồng với những người Nê-ăng-đéc-tan bé nhỏ! Trong suốt khoảng thời gian từ lúc trẻ 1 tuổi đến khi trẻ 4 tuổi, trẻ đã đạt được cả năm thành tựu mà những người thượng cổ (cả nam và nữ) mất 5 triệu năm để đạt được: đi, nói, dùng tay sử dụng đồ vật, giải thích sự việc và gây dựng tình bạn.
2. Hãy là một “vị đại sứ” đối với đứa trẻ “tiền sử” của bạn. Khi bạn đã nhận ra rằng trẻ chập chững có rất nhiều điểm chung với một người ở Thời kỳ Đồ đá (nhất là khi trẻ giận dữ), bạn sẽ thấy rõ ràng rằng nhiệm vụ của mình không đơn giản chỉ là cha, là mẹ. Bạn là một vị đại sứ đến từ thế kỷ XXI và tìm cách tiếp cận với người tiền sử! Và khi là một vị đại sứ giỏi, bạn cần hướng dẫn trẻ với tình yêu và sự tôn trọng, không hối thúc cũng không vội vàng.
3. Tuân thủ Nguyên tắc Đồ ăn nhanh. Nguyên tắc này rất đơn giản: Khi trẻ buồn bực, bạn nên học cách phản hồi của những người nhận yêu cầu tại các quầy bán bánh burger mang về – luôn luôn nhắc lại những “yêu cầu” (trẻ muốn gì) trước khi thông báo “giá” (bạn muốn gì). Khi đang giữa cơn thịnh nộ, trẻ sẽ không thể nghe được điều chúng ta muốn nói (những lý do bạn đưa ra, sự an ủi, những nỗ lực để làm trẻ sao nhãng hoặc những lời cảnh báo) cho đến khi trẻ chắc chắn rằng chúng ta hiểu và tôn trọng thông điệp của trẻ. Vì thế, mỗi khi trẻ buồn bực, trước khi bạn nói lên những điều bạn nghĩ, hãy dành một phút để thực lòng mô tả những gì trẻ làm và để trẻ biết bạn hiểu trẻ đến đâu.
4. Dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Trẻ chập chững nhìn chung còn non nớt và mỗi khi buồn bực, chúng lập tức trở nên “hoang dã”. Vì thế, khi bạn nói chuyện với cô con gái “thượng cổ tí hon” đang cáu bẳn của mình, hãy luôn dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững (ngôn ngữ cơ bản, gần như nguyên thủy của trẻ). Bạn có thể dịch bất cứ điều gì sang Ngôn ngữ của trẻ chập chững chỉ đơn giản bằng cách dùng:
▪ Những câu ngắn
▪ Lặp đi lặp lại nhiều lần
▪ Giọng nói biểu cảm
▪ Thật nhiều biểu cảm trên khuôn mặt hoặc qua cử chỉ (cười thật tươi, thở dài, chỉ trỏ nhiệt tình)
5. Hiểu tính khí của trẻ. Mặc dù tất cả trẻ chập chững đều trải qua những giai đoạn phát triển giống nhau nhưng mỗi trẻ lại có một cách riêng để tiếp cận thế giới. Con bạn có dễ tính không? Có cẩn trọng không? Có tính khí mạnh không? Bạn cần biết bạn đang đối phó với kiểu tính khí nào bởi chỉ như vậy bạn mới có thể tìm ra những phương pháp nuôi dạy phù hợp nhất với trẻ.
6. Giữ bình tĩnh. Chỉ vì “người bạn tiền sử bé nhỏ” của bạn trở nên cáu bẳn không có nghĩa là bạn cũng nên như vậy. Bạn cần bình tĩnh ngay cả khi bạn đang đối mặt với một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình nuôi dạy trẻ:
▪ Bực bội, khó chịu: Tất cả trẻ ở độ tuổi chập chững đều thỉnh thoảng khiến bố mẹ chúng “phát điên”.
▪ Cảm giác thất bại: Tất cả các bậc cha mẹ đều có khi cảm thấy bất lực (hoặc một lúc nào đó thấy choáng ngợp) trước những rắc rối gặp phải hằng ngày.
▪ Lời thì thầm từ quá khứ: Những hành vi của trẻ có thể gợi bạn nhớ lại những cảm giác bị quên lãng hoặc khó chịu khi bạn còn nhỏ.
▪ Tính khí của trẻ và của bạn không đồng điệu với nhau: Giống như kẻ sọc và chấm bi, tính cách của bạn có thể hoàn toàn đối ngược với tính cách của con.
▪ Sự hỗ trợ của gia đình nhỏ hoặc của cộng đồng: Rất nhiều cặp vợ chồng sống tách biệt và không có gia đình hoặc bạn bè bên cạnh.
7. Khuyến khích những hành vi tốt bằng “sự tôn trọng và phần thưởng”.
Những món quà này chắc chắn khiến trẻ cư xử thật chuẩn mực:
▪ Sự tôn trọng. Đây là điểm mấu chốt trong mối quan hệ của bạn với trẻ. Thể hiện sự tôn trọng và giúp con “giữ thể diện” rất quan trọng khi bạn rèn trẻ vào kỷ luật (để tránh vô tình gây ra những tổn thương về mặt cảm xúc như xấu hổ, ngượng ngùng và tủi thân).
▪ Những lời khen ngợi thực lòng. Nuôi dưỡng cảm nhận tích cực về bản thân trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý gồm những lời khen ngợi – những lời khen nhẹ nhàng và một chút kỷ niệm nho nhỏ cùng với thật nhiều sự quan tâm dịu dàng và những lời nhận xét yêu thương khi mô tả về các hành động của trẻ. Những lời khen ngợi tích cực nhất cần tập trung vào một hành vi cụ thể nào đó thay vì những nhận xét chung chung về tính cách của trẻ. Và một khi bạn đã khen, đừng bao giờ rút lại lời khen đó (lời khen có hại).
▪ Lời nhắn nhủ “cửa ngách”. Trẻ chập chững tin vào những điều mình vô tình nghe được hơn những gì bạn trực tiếp nói với trẻ. Bạn có thể dùng bí mật này theo một trong ba cách sau: 1) “Tán gẫu” (để trẻ nghe lỏm được bạn đang khen ngợi trẻ với người khác), 2) Kể chuyện cổ tích (những câu chuyện thú vị có những thông điệp quan trọng được ẩn giấu bên trong nội dung), 3) Áp dụng biện pháp “tâm lý đảo ngược” (khuyến khích những hành vi tốt ở trẻ bướng bỉnh bằng cách bảo trẻ làm những điều ngược lại!)
▪ Xây dựng sự tự tin. Giúp trẻ phát huy niềm kiêu hãnh bằng các yếu tố “tạo nên sức mạnh” (những cách đơn giản để thể hiện niềm tin của bạn dành cho trẻ) và bằng cách “giả làm kẻ ngốc” (dạy trẻ cư xử tự tin bằng cách chính bạn giả vờ làm những điều ngốc nghếch).
▪ Phần thưởng. Những phần thưởng nho nhỏ như đánh dấu tích vào tay, hình dán và các món ăn trẻ thích sẽ giúp “bôi trơn bánh xe hợp tác” giữa bạn và trẻ.
8. Thời gian chất lượng cho trẻ sẽ giúp ích rất nhiều. Thời gian chất lượng là một phần lý thú đến từ sự quan tâm chú ý và những trình tự sinh hoạt hằng ngày giúp trẻ cảm thấy mình được trân trọng. Một vài ý tưởng tuyệt vời nhất để dành Thời gian chất lượng với bé là: Mát-xa nhẹ nhàng.
▪ Cho trẻ có những vật trấn an là chăn hoặc những người bạn thú bông dễ thương.
▪ Thời điểm đặc biệt: Một cách tuyệt vời để gói gém hàng ngàn hàng vạn tình yêu thương và sự quan tâm vào trong năm phút ngắn ngủi.
▪ Những lời khẳng định yêu thương: Chia sẻ những lời nói tích cực và hy vọng với trẻ trước giờ đi ngủ.
▪ Nghi thức mở đầu và kết thúc: Bài tập hít thở sâu giúp trấn tĩnh và tốt cho sức khỏe
▪ Vui Chơi: Tất cả các trò chơi, nhưng đặc biệt là vui chơi ngoài trời, các trò chơi sáng tạo (như nghệ thuật và chơi giả vờ), và đọc sách.
9. Áp dụng kỷ luật hợp lý để định hướng đúng hành vi cho trẻ (“lối rẽ”). Việc của trẻ là phá vỡ các giới hạn; việc của bạn là phải củng cố các giới hạn đó.
▪ Bắt đầu bằng những kỳ vọng hợp lý cho hành vi của trẻ.
▪ Khi có thể, hãy khắc phục khó khăn bằng cách đánh lạc hướng trẻ và đưa ra thỏa hiệp.
▪ Chọn những giới hạn mà bạn chắc chắn mình có thể thực thi. Tuyên bố với trẻ một cách nghiêm túc và ngắn gọn về các giới hạn… và bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững (tránh so sánh, làm trầm trọng vấn đề và đặt biệt danh tiêu cực cho trẻ).
10. Đừng e ngại phạt trẻ trong trường hợp cần thiết (“chặn đường”). Khi “lối rẽ” không ngăn được trẻ thực hiện những hành vi xấu, có thể bạn cần dùng một hình phạt phù hợp với trẻ chập chững. Những hình phạt tốt nhất bao gồm:
▪ Phớt lờ (vờ như không quan tâm đến trẻ).
▪ Tước bỏ quyền lợi (không cho trẻ những thứ trẻ muốn
▪ Cách ly trẻ chập chững.