Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày tôi mở cánh cửa đón nhà sư vào nhà mình, bắt đầu khóa tu, mà không nghi ngờ, đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi tham gia mà không kỳ vọng gì cho bản thân. Đúng thật là tôi chỉ phụ giúp chuẩn bị phòng ốc rồi tham gia vì chồng tôi, Robert.
Thực sự khóa tu đã có tác động nhiệm màu đến tôi và cuộc đời tôi. Thầy là một tấm gương sáng trong việc truyền đạt giáo huấn: thông tuệ, hài hước, hiền hòa, thực tế, đầy nhiệt huyết và hạnh phúc. Những nhà truyền giáo và thủ lĩnh tinh thần thường hay giảng những gì họ thích, nhưng chính cách thức họ giảng và cách họ hành động – nhất là cách họ lan tỏa tâm từ – mới thể hiện chất lượng bài giảng.
Tiếp đến, có hai điều nhà sư đã nói ngay từ đầu, khiến tôi chú ý và khiến tôi ngồi thẳng lên chăm chú lắng nghe.
Điều thứ nhất là giáo lý đạo Phật mang lại cho ta tất cả mọi thứ ta cần để sống một cuộc đời hạnh phúc, tự do và yên bình. Những điều đó đơn giản đến nỗi ta có thể viết gọn vào một tấm bưu ảnh. Tôi rất thích ý tưởng đó và tôi vẫn luôn viết lên bưu ảnh… cảm nhận đúng thật là như vậy.
Điều thứ hai là trong một buổi hành thiền, nhà sư bảo chúng tôi hãy buông bỏ “sự trở thành”, buông bỏ việc cố gắng theo đuổi mục tiêu trong đời, cứ để sự việc như thế và xem điều gì xảy ra. Thầy bảo chúng tôi hướng sự chú ý đến hiện tại, nhận biết cảm giác “căng thẳng, stress, muốn, không muốn, cố làm điều gì khác với bản chất vốn có”; cho phép mọi thứ cứ theo cách của nó.
Sau đó, thầy hỏi chúng tôi điều gì xảy ra nếu chúng tôi làm như thế, thầy thách thức chúng tôi tự mình thử nghiệm, rồi kiểm tra kết quả.
Điều này thật sự kích thích tôi. Nhà sư bảo đảm chắc chắn. Tôi nghĩ lúc đó ý thầy là bằng cách buông bỏ, bằng cách thôi cố gắng làm cho mọi việc xảy ra và thực tập hành thiền Chánh niệm, tôi có thể thay đổi cuộc đời mình và có thể tạo ra tất cả những gì tôi muốn. Tôi vẫn còn giữ những bảng danh sách và những bức phác thảo đường hướng (vẽ ra tất cả những thứ tôi muốn tạo ra trong cuộc đời mình) để chứng minh cho điều đó.
Khi tôi đưa những giáo huấn của Đức Phật vào thực tiễn, tôi thấy mình trở nên điềm đạm hơn, thư thái hơn, an ổn hơn và hòa hợp với nội tại của mình nói riêng và với cuộc sống nói chung. Tôi lưu ý đến dòng suy nghĩ của mình hơn, hít thở trong chánh niệm thường xuyên hơn – tôi thật sự thích những “phút chánh niệm” cũng như phương pháp hành thiền “nhiều lần, mỗi lần một ít” mà nhà sư đã dạy chúng tôi.
Một điều khác nữa đã tạo nên sự khác biệt to lớn với tôi đó là ngưng phán xét, so sánh, chỉ trích và kết tội. Chúng ta đã quen làm điều này – hể hả trước thiệt hại của người khác, làm cho mình cảm thấy cao vượt hơn bằng cách phê bình ai đó hoặc so sánh mình với người khác; rồi lại cảm thấy yếm thế, vì ai đó đẹp hơn, thông minh hơn, thành công hơn, giàu có hơn v.v… Ngưng so sánh và chỉ trích đi, cho dù lúc ban đầu có thể không tự nhiên.
Lúc đầu, khi tôi cố gắng ngưng phán xét, so sánh, chỉ trích, kết tội, tôi không biết cách phản hồi thế nào khi ai đó chỉ trích hoặc kết tội người khác hoặc cái gì đó, nhưng bây giờ tất cả những điều đó đã đi vào trật tự và tôi nhận ra được nhiều chiến lược đàm thoại mới. Một trong những cách thức đó là câu tôi mượn từ bậc tôn sư thông thái và minh tuệ, thầy Ajahn Chah – thầy thường phản ứng lại những phán xét, so sánh, chỉ trích, kết tội bằng cụm từ “Thế à!”.
Tôi cũng nhận thấy mình thường hay nói câu: “Ồ, nó là vậy đấy” và “Vậy là tốt rồi” – một câu nói khác của thầy Ajahn Chah mà tôi thấy rất hữu ích.
Tôi đã trở nên hạnh phúc hơn, thoải mái hơn từ trong nội tâm. Tôi không thể diễn tả cảm giác khi tôi bật ti vi lên hay giở tờ báo ra đọc mà không tự động buột miệng chỉ trích mọi thứ và mọi người – chẳng hạn, đưa ra những lời bình luận kiểu như: “Cô ta tưởng cô ta là ai chứ?”, “Trời đất, đồ khùng!”, “Đồ rỗi hơi!” hay “Thấy gớm!” v.v…
Bây giờ, từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra rằng những ý nghĩ đó và lời bình luận kiểu như thế khiến cho tôi cảm thấy bất an và phá vỡ sự yên bình nội tại. Sẽ thoải mái hơn khi nhìn cuộc sống như nó vốn thế, không bình luận gì.
Chấp nhận mọi việc trong khoảnh khắc hiện tại và để nó đúng là nó. Trước đây tôi đã nghe nói về điều này nhưng chưa từng thực hành bằng cả trái tim. Còn giờ thì đã rõ, chấp nhận mọi thứ sẽ mang lại yên bình vô cùng.
Còn một việc nữa tôi cũng thấy hữu ích, đó là quyết định không cảm thấy bị sỉ nhục, bị xúc phạm. Cảm giác bị sỉ nhục hoàn toàn không tốt tí nào, nó chỉ kéo dài thêm nỗi đau… thường là do dựa vào giả định và hiểu lầm. Khi tôi bắt đầu chú ý đến điều này, tôi đã kịp thời ngăn mình lại.
Một trong những điều tôi nhận ra là khi ta cảm thấy bị sỉ nhục hoặc ôm giữ nỗi tổn thương và oán giận, khi ta kết tội và chỉ trích người khác, ta chỉ đang làm đau mình.
Giờ đây, việc chấp nhận đã trở nên tự nhiên đến mức mỗi khi tôi nghĩ hay nói điều gì đó mang tính phê phán, châm biếm thì tôi liền cảm thấy đau quặn trong tim. Tôi đã thay thú vui nói chuyện phiếm bằng cảm giác yên bình và niềm vui nội tại. Quả là một sự trao đổi không tồi.
Về phương diện nào đó, thật khó mà phán xét sự thay đổi của một người, bởi vì nhiều sự thay đổi xảy ra từ từ và tự nhiên. Có khi phải do người khác phát hiện ra những thay đổi đó, nhất là khi ta không gặp họ một thời gian.
Điều này khiến tôi nhớ lại cái lần sau khóa tu, tôi đi thăm con gái, con rể và cháu ngoại mà tôi không gặp nhiều tháng. Chỉ là việc nhỏ thôi nhưng rất đáng kể ra.
Cả buổi sáng nắng vàng rực rỡ, chúng tôi cùng bên nhau trên bờ biển gần nơi các con cháu tôi sinh sống. Chúng tôi vui đến độ thời gian trôi vụt qua, trễ cả giờ chúng tôi dự định đi uống cà phê ở tiệm cà phê nổi tiếng và quen thuộc cuối bãi biển.
Con gái tôi hỏi:
- Vậy chúng ta có đi uống cà phê hay không? Đi giờ này đông lắm nên chắc chắn phải xếp hàng đó.
- Ồ, chúng ta cùng đi nào. Nếu phải xếp hàng thì ta cứ xếp hàng thôi. – Tôi hồ hởi tán thành.
Một sự im lặng sững sờ. Con gái tôi nhìn tôi mà không tin vào mắt mình. Tôi không biết sao nó lại như thế. Nó nói:
- Ôi mẹ, chẳng giống mẹ tí nào hết!
Người phụ nữ mà hồi sống với con gái ở Goa hay phải thức dậy từ 5 giờ sáng để bảo đảm xí được chiếc ghế tựa ở chỗ không có ai nằm đằng trước choán mất tầm nhìn của bà ấy ngó ra biển đâu rồi? Bà ấy đã thay đổi rồi.
Tôi không nghĩ mình muốn chia sẻ phân đoạn chiếc ghế tựa với bất kỳ ai, và tôi cũng không chắc mình sẽ không sa ngã lần nữa nếu tình huống thế này lại xảy ra, nhưng không nghi ngờ gì, tôi đang thật sự cảm thấy bình tĩnh hơn, yên bình hơn, ổn định hơn và yêu thương, hạnh phúc hơn bao giờ hết so với tôi trước kia. Đó là điều mà tôi thật sự và mãi mãi cảm kích.
Thế rồi, tôi cần phải thông báo với quý vị nhiều biến động xảy ra gần đây. Không lâu sau khóa tu, một tối nọ Robert lái xe đi công việc. Tôi đinh ninh anh sẽ trở về nhà lúc 8 giờ tối là trễ nhất, vậy mà đến hơn 9 giờ rồi vẫn không thấy bóng dáng anh, cũng không có tin nhắn, thật khó mà không phập phồng lo lắng. Tôi gọi cho cảnh sát và được biết là không có báo cáo về tai nạn giao thông trên đường. Vậy là tôi đành phải chờ. Tôi không hiểu tại sao anh lại không gọi điện cho tôi.
Cuối cùng, đến hơn 10 giờ thì một chiếc xe cứu hộ giao thông xuất hiện ở cổng nhà tôi, với Robert ở đằng trước và xe hơi của anh ở đằng sau. Anh đã đổ đầy bình xăng thay vì dầu diesel, vì vậy xe bị chết máy đột ngột sau khi đi được vài dặm. Cú dừng đột ngột đến nỗi anh bị mất trí nhớ hoàn toàn… chính vì vậy mà anh đã không gọi điện cho tôi.
Anh đã được đưa về nhà nhờ sự trợ giúp của những người hoàn toàn xa lạ, nhưng anh thì vô phương cứu chữa. Anh không thể nhớ mình sống ở đâu, không nhận ra ngôi nhà và cả tôi – anh đã trở thành một con người khác.
Vài tuần sau, trí nhớ của anh dần dần phục hồi lại một chút. Chụp phim và xét nghiệm thì phát hiện anh bị chứng Lewy Body Dementia. Lúc tôi đang viết quyển sách này, vài tháng sau tai nạn, tình trạng của anh còn rất tệ và cuộc sống của chúng tôi thay đổi hoàn toàn. Người chồng vui tính, đầy nhiệt huyết, dí dỏm, ấm áp, thông minh và thông thái của tôi đã trở nên oặt ẹo, nói không thành lời, lơ ngơ và sống trong một thế giới khác. Anh không còn nắm được giáo lý nhà Phật hay bất cứ điều gì tương tự… và ngày lại ngày tôi đang dần dần mất anh. Anh đang tuột khỏi tôi, còn tôi thì càng ngày càng ít thân tình và ít nối kết được với anh. Tôi thường động viên anh thực hành hít thở chánh niệm và hãy “ở trong hiện tại”, điều này cũng xoa dịu và trợ giúp anh. Ban đêm khi chúng tôi đi ngủ, tôi thường hướng dẫn anh theo dõi hơi thở của mình để hít vào ánh sáng và tâm từ.
Tôi cảm thấy tim mình tràn trề tình yêu dành cho anh, đồng thời với nhiều cảm xúc lẫn lộn khác: bức bối, giận dỗi, sợ hãi, kiệt sức, tuyệt vọng, đau khổ và cô đơn. Tôi cảm thấy trái tim mình tan vỡ khi tôi nghĩ về quá khứ, về những thời khắc đẹp đẽ chúng tôi sống bên nhau và chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ mà sẽ không bao giờ lặp lại nữa; hoặc khi tôi nghĩ về tương lai, một tương lai không còn anh như con người anh trước đây.
Khi tôi nhận ra mình đang nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, tôi liền trở về khoảnh khắc hiện tại và nhận biết cảm xúc đau đớn ấy, rồi tôi cho phép mình khóc to lên, sau đó cơn đau đớn dịu nhẹ đi và có sự chữa lành rõ rệt.
Một điều khác nữa khiến tôi cảm thấy hữu ích khi tôi đang buồn quay quắt là tôi biến nỗi thèm khát quá khứ quay về thành lòng biết ơn những gì đã qua, biết ơn quãng thời gian chúng tôi sống bên nhau, những việc chúng tôi đã làm. Tôi cảm thấy an lạc khi nghĩ đến những dự án chúng tôi cùng làm với nhau, những kỳ nghỉ thú vị, ngày những đứa con tuyệt vời ra đời, những sự trợ giúp anh luôn dành cho tôi. Anh là người luôn ở bên tôi, luôn yêu thương tôi vô điều kiện. Tôi cũng vô cùng biết ơn cái cách anh giới thiệu tôi đến với Phật pháp và những buổi học chúng tôi tổ chức tại nhà. Còn rất nhiều thứ để biết ơn và tôi cảm thấy lòng biết ơn – giống như tâm từ – có tác dụng chữa lành.
Càng giữ cho mình ở vào khoảnh khắc hiện tại, chấp nhận mọi việc đúng là nó, cảm nhận sự yên bình và sức mạnh của khoảnh khắc này, tôi thấy mọi việc dường như trải rộng ra. Sự trợ giúp tôi tha thiết cần cứ đột nhiên đến với tôi mà hầu như tôi không làm gì cả. Cuộc sống dường như có dòng chảy của riêng nó và tôi biết ơn sâu sắc về điều này.
Điều này xảy ra với tôi rất thường xuyên mỗi khi tôi gặp vấn đề, tôi hành thiền đến nơi bình yên thuần khiết bên trong mình, và tôi biết rằng mình sẽ được chăm sóc, tất cả rồi sẽ tốt đẹp và bất cứ điều gì tôi cần sẽ đến với tôi.
Tôi vô cùng biết ơn việc khám phá ra hồ yên bình, sức mạnh, tình yêu thương… bên trong chính tôi. Trước kia tôi không tin khi ai đó nói với tôi điều này. Nhưng sức mạnh và sự bình yên hiển hiện quá rõ. Chúng giúp tôi kiên nhẫn, chấp nhận, được yêu thương, dịu dàng và hạnh phúc. Bằng cách hít thở và hành thiền Chánh niệm, tôi cảm thấy tôi đang ở trong cốt lõi con người mình.
Một ngày nọ, tôi tình cờ nhớ ra đoạn trích dẫn mô tả về điều này một cách hoàn hảo. Đó là câu nói của người thầy đầu tiên của bậc tôn sư Ajahn Chah trong quyển Still Forest Pool:
“Hãy chánh niệm, và để vạn vật xuôi theo lộ trình tự nhiên của nó. Tâm của ta sẽ trở nên tĩnh lặng cho dù môi trường xung quanh có thế nào chăng nữa, giống như hồ nước bình lặng giữa rừng. Muông thú đều tới uống nước tại cái hồ ấy, và ta sẽ thấy rõ bản chất của vạn vật soi xuống hồ. Ta sẽ thấy nhiều điều kỳ lạ và tuyệt vời đến rồi đi, nhưng ta vẫn tĩnh lặng. Đây là niềm hạnh phúc của Đức Phật.”
Tôi hy vọng quý vị sẽ thấy giáo huấn này bổ ích như tôi đã thấy, dù trong hoàn cảnh nào.
Với rất nhiều tâm từ.
- Rose Elliot