Một ngày cuối tháng Bảy, cũng là buổi học cuối cùng của chúng tôi, nhà sư đã đến và mọi người cũng đang dần hiện diện, cười nói, hỏi thăm nhau ríu rít rồi lần lượt ngồi vào chỗ của mình. Một cảm giác mong đợi, bằng hữu và ấm áp. Tôi không thể không đối chiếu với bầu không khí e dè, ngập ngừng trong buổi học đầu tiên.
Mới đó đã tám tuần trôi qua, về phương diện nào đó thì bây giờ đây cứ như là một cuộc đời khác của tôi vậy. Tuy nhiên, nếu ai hỏi tôi đã thay đổi như thế nào, rất khó cho tôi chỉ ra điểm gì cụ thể. Tôi cảm thấy mình điềm tĩnh hơn; tôi cảm thấy thanh thản hơn, hạnh phúc hơn, và chịu chấp nhận hơn với mọi sự đang diễn ra.
Tôi cảm thấy việc thực hành chánh niệm rất hữu dụng, và nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tôi chắc chắn nó đã góp phần khai sáng tâm của tôi. Tôi cũng thấy mình càng ngày càng trở nên ý thức về những cảm xúc của mình, như là nôn nóng, bức bối, lo âu phập phồng, muốn cái này và không muốn cái kia. Tôi nhận biết được cảm xúc tôi đang trải qua và lần theo dấu vết của nó để tìm ra sợi dây tham ái nằm đằng sau – thèm muốn, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu.
Thế rồi tôi chấp nhận cảm giác đó. Tôi cảm thấy thư giãn khi làm như vậy. Còn sự căng thẳng cũng đi mất luôn. Thật diệu kỳ. Quả thật là có tác dụng. Chấp nhận cảm xúc sẽ vuốt êm chính cảm xúc đó – giống như lòng bàn tay thầy thuốc thần kỳ áp lên vết thương vậy.
Tôi đang nghiền ngẫm tới đây thì nghe tiếng của nhà sư.
- Vui mừng và hân hoan đón chào các anh chị. Thật vui là chúng ta lại gặp nhau nơi đây. – Thầy dừng lời, rồi nói tiếp, mắt sáng ngời. – Hỡi những lữ khách trên đạo lộ Bát Chánh Đạo.
Thầy bật cười và chúng tôi cũng cười theo.
Trong một khoảnh khắc, đôi mắt thần trong tâm tôi hình dung ra bức tranh con đường lát gạch màu vàng trong cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi The Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz), nghe được cả lời hát văng vẳng trong đầu “Đi trên con đường lát gạch vàng. Đi trên con đường lát gạch vàng. Thể nào cũng gặp thầy phù thủy, thầy phù thủy kiệt xuất xứ Oz…”.
Trời ơi! Tôi bị sao vậy! Mơ mộng giữa ban ngày. Giọng nhà sư cắt đứt cơn mơ màng của tôi.
- Có anh chị nào hỏi gì không? Có nhận xét gì không? Có điều gì anh chị muốn tôi giải thích hay làm sáng tỏ không? Hay anh chị muốn thảo luận, chia sẻ trong nhóm trước khi chúng ta bắt đầu?
Pam giơ tay lên và nói:
- Thầy đã bảo rằng nếu có thời gian thì thầy sẽ nói thêm về sự đầu thai. Tôi muốn biết thêm một chút về điều này.
Nhà sư đáp:
- Được rồi, để xem nào… Khi tiệm cận chốn ý thức bên trong ta, nơi ta có thể nếm trải ý thức thuần khiết của mình, ta sẽ thấy mình vượt khỏi thời gian, đến nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma mô tả là vô biên xứ, không có điểm bắt đầu và không có điểm cuối.
Nếu anh chị chấp nhận điều này, thì việc tái sinh phải diễn ra, nhằm cho phép sự duy trì ý thức. Lúc này chúng ta đang ở đây, vì vậy chắc chắn chúng ta phải sinh ra từ ý thức và phải trở lại với nó – có thể được tái sinh… lần nữa… rồi lần nữa… có lẽ là thời gian vô tận. Hoặc có lẽ chúng ta không bao giờ rời khỏi ý thức đó.
Tôi đã chứng kiến những ví dụ về điều này khi tôi còn sống trong tu viện ở Thái Lan, nơi mà ý niệm về sự đầu thai được chấp nhận trên diện rộng. Tôi đã thấy một đứa trẻ chết yểu được tái sinh nhanh chóng, nó sớm nhận ra những của cải vật chất, nơi ăn chốn ở và họ hàng từ cuộc đời trước của nó.
- Mời Robert. – Nhà sư nói khi nhìn thấy Robert giơ tay lên. – Tôi biết sự đầu thai là đề tài anh đang nghiên cứu, và nó cuốn hút anh rất nhiều.
Robert nói:
- Tôi đã đọc trong một quyển sách kể về một ca đầu thai rất chua xót. Quyển sách cũ rồi, có tựa đề The Case for Reincarnation. Tác giả Leslie Weatherhead ghi lại diễn biến câu chuyện của một cặp vợ chồng người Ý kể lại cho mình.
Nhà sư hỏi:
- Anh có muốn kể câu chuyện cho chúng tôi nghe không?
- Có. Rõ rành rành là cặp vợ chồng này có một bé gái tên là Blanche, và họ thuê một cô bảo mẫu người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp chăm sóc bé. Cô bảo mẫu hay hát ru bằng tiếng Pháp, Blanche rất thích và cứ đòi được nghe đi nghe lại bài hát ru.
Đáng buồn là sau đó bé Blanche qua đời, cô bảo mẫu bỏ đi và bài hát bên nôi ấy bị lãng quên, không bao giờ còn được nghe lại trong ngôi nhà đó nữa.
Thế rồi ba năm sau, mẹ của Blanche cấn bầu một lần nữa. Đến tháng thứ tư của thai kỳ, bà mẹ bỗng mơ một giấc mơ kỳ lạ, khiến bà giật mình tỉnh dậy, trong mơ Blanche hiện ra và cất tiếng nói với mẹ bằng giọng nói quen thuộc của bé: “Mẹ ơi, con trở về rồi nè”. Sau đó hình ảnh mờ đi.
Bé gái mới ra đời. Bố mẹ bé cũng đặt tên con là Blanche, và bé được bảo là rất giống với cô chị đã mất. Khi bé được sáu tuổi, một điều hết sức kỳ lạ đã xảy ra. Bà mẹ đang ngồi trong phòng của mình, kề sát bên phòng của Branche, thì bà chợt nghe thấy văng vẳng bài hát ru mà từ lâu bà đã quên.
Bà vội chạy qua phòng của Blanche và hỏi ai dạy con bài hát đó. “Không ai dạy con cả”, cô bé trả lời. “Con tự nhiên biết thôi”.
Xong, cô bé hồn nhiên hát tiếp. Đó là câu chuyện có thật, có lưu trữ trong tài liệu được bảo chứng hẳn hoi.
Mặc dù tôi đã nghe Robert kể câu chuyện này rồi – đó là một trong những câu chuyện ưa thích nhất của anh – nhưng tôi vẫn cảm thấy lạnh sống lưng khi nghe lại, mà lần nào nghe tôi cũng rợn người. Mọi người trong nhóm chìm vào im lặng.
Sau đó, nhà sư bảo:
- Cảm ơn Robert, một câu chuyện thật hay và lay động lòng người.
Tất cả chúng tôi im lặng thêm một lúc nữa thì Pam nói:
- Có lần một bà đồng nói với tôi rằng tôi đã từng là hoàng hậu của một vì vua Ai Cập. – Cô nhăn mặt nói thêm. – Tên là Nefertiti.
Suzi bật cười và nói:
- Ô! Vậy là có tới mấy Nefertiti loanh quanh đây rồi.
Nhà sư im lặng mỉm cười, sau đó mới nói:
- Chẳng phải bản ngã của chúng ta rất thích nghĩ rằng chúng ta là một ai đó rất hùng cường hay sao, ai đó ở phương xa, rất nổi tiếng, quyền lực trong quá khứ!
Tất cả chúng tôi cùng cười to.
Nhà sư nói tiếp:
- Như tôi đã nói lần trước. Tôi không nghĩ việc cứ bám trụ vào quá khứ là đáng khuyến khích. Việc đó chẳng ích lợi gì, bởi vì nó có thể sinh tham ái với khái niệm đầu thai, tham ái về quá khứ. Khi anh chị chạm tới thức vô biên xứ trong hành thiền, thì những chi tiết về kiếp đời cá nhân trong quá khứ sẽ mất đi tính quan trọng.
Tôi nhìn vào mắt nhà sư.
Thầy hỏi:
- Cô muốn nói gì vậy, Rose?
Tôi ngại ngần, nhưng tôi muốn biết về một điều. Rồi tôi đánh bạo hỏi:
- Vâng, – tôi ngập ngừng, – có một điều tôi cứ tự hỏi kể từ khi tôi quan tâm tới những giáo lý của Đức Phật. Tôi vốn lớn lên trong môi trường tràn ngập đức tin về thiên thần, và tôi muốn biết quan điểm của Đức Phật về điều này.
Nhà sư ngừng, chờ thêm vài khoảnh khắc. “Chết rồi, mình đã nói gì sai chăng”, tôi nghĩ. Sau đó, thầy nói:
- Nghe có vẻ như đức tin ấy là rất quan trọng đối với cô.
- Đúng vậy, – tôi xác nhận, – nhưng còn hơn cả đức tin nữa. Mẹ tôi luôn nói rằng bà nợ thiên thần hộ mệnh mạng sống của bà.
Có tiếng lao xao trong nhóm, mọi người trông chờ tôi nói tiếp. Tôi bắt đầu ước gì mình đừng đưa vấn đề này ra, nhưng lại cảm thấy bị thôi thúc phải giải thích cặn kẽ.
Tôi mở lời:
- Đó là khi mẹ tôi khoảng chừng 10 tuổi, khoảng thời gian đó mẹ tôi sống trong một quán rượu ở Úc. Mỗi sáng bà đều thực hiện bổn phận rót đầy dầu hỏa vào bếp dầu. Tôi nghĩ đó là một công việc cực kỳ lạ lùng dành cho một bé gái 10 tuổi, nhưng đó là nhiệm vụ của bà. Một sáng nọ, bà đang rót dầu vào bếp như thường lệ, thì bà nghe thấy có tiếng nói trong đầu bảo rằng: “Hãy dừng lại, ngửi nó trước đã”.
Bà không biết tại sao mình lại nghe được tiếng nói đó, nhưng quyền năng đằng sau lời nói đó mạnh đến nỗi bà không thể làm ngơ. Bà ghé mũi vào can dầu, và nhận ra nó không có mùi như thường lệ, vì vậy bà đặt cái can xuống và đi hỏi cha về vụ việc.
Hóa ra hôm trước cha của bà, tức ông ngoại của tôi, đã mua xăng và cho vào can mà thường ngày đựng dầu hỏa để đun bếp. Ông tôi khen ngợi mẹ tôi hết lời vì sự tỉnh táo này, và bảo với con rằng nhờ vậy đã cứu được mạng của con.
Mẹ tôi bảo rằng một thiên thần nào đó đã cứu sống bà, và kể từ ngày đó bà luôn ý thức về thiên thần. Bà còn có nhiều trải nghiệm khác trong suốt Thế chiến thứ hai. Bà cảm thấy họ bảo vệ bà thoát khỏi nguy hiểm chết người đến mấy lần.
Bà truyền đức tin đó cho tôi và cho chị tôi, niềm tin tuyệt đối vào thiên thần hộ mệnh. Tôi chỉ là một cô bé nhỏ xíu, bất an, và tôi thấy mình an tâm khi biết rằng mình được các thiên thần bảo vệ.
Tôi vẫn còn hướng tâm mình đến thiên thần, bởi vì họ là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. – Tôi cảm thấy hơi ngượng vì trút bầu tâm sự những thông tin riêng tư. – Còn bây giờ tôi tự hỏi phương tiện tiếp cận các thiên thần của những người theo đạo Phật là gì?
Nhà sư trầm ngâm đáp:
- Cảm ơn về những chia sẻ rất lắng đọng của cô. Giáo huấn đạo Phật hoàn toàn đề cao các thiên thần. Chúng tôi gọi họ là deva, họ được nhắc tới rất nhiều trong những điển kinh của Đức Phật. Thật ra, Đức Phật được mô tả là “Đức Thế Tôn của cả deva và loài người”.
Như chúng ta đã nói lần trước, những giáo huấn của Đức Phật là kinh nghiệm thực tiễn. Ngài chỉ yêu cầu chúng sinh thực hành những gì mà chúng sinh cảm thấy đúng đắn đối với mình. Chỉ hấp thu những gì hữu ích. Nếu thấy vô ích thì cứ để đó. Không hề có áp lực gì cả.
Có thể một số người trong các anh chị ở đây không chấp nhận sự hiện diện hay sự can thiệp của thiên thần. Vậy cũng được. Rose, cô thì ngược lại, đã trải nghiệm nhiều việc khiến cô tin vào sự tồn tại và hiện hữu của thiên thần trong cuộc đời cô, và họ đã phù trợ cho cô. Điều đó cũng tốt luôn.
Tim hỏi:
- Thế nhưng, còn ảo tưởng thì sao? Trong Chân lý Cao thượng thứ hai, chúng ta đã được Đức Phật cảnh báo về tham ái với ảo tưởng. Đối với tôi, thiên thần được xếp vào loại này.
- Hãy làm theo những gì hợp lẽ với anh, Tim à. Hãy nhớ những lời truyền của Đức Phật mà tôi đã nhắc lần trước, đó là chỉ chấp nhận những gì “khớp với lý lẽ và sự hiểu biết của các đệ”.
Tim hỏi:
- Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể áp dụng phương pháp “xem xét và chọn lọc” đối với đạo Phật, chỉ tin vào những điều chúng ta thấy đáng tin, đúng không?
Nhà sư dừng một chút trước khi trả lời.
- Như tôi đã nói ngay từ đầu khóa tu này, tất cả những gì anh chị cần để đi theo con đường của Đức Phật và sống hạnh phúc, tự do, yên bình đã gói trọn trong Tứ Diệu Đế – trong đó bao gồm chánh kiến (nhận biết những gì đang diễn ra trong thân thể, trong tâm và trong cảm xúc của anh chị); chánh niệm; tâm từ và tìm ra chốn yên bình, ý thức và trí tuệ bên trong con người anh chị. Bát Chánh Đạo cũng thuộc về Tứ Diệu Đế.
Nhiều người đã khởi sự thực hành ba Chân lý Cao thượng đầu tiên – hoặc từng phần trong đó. Chẳng hạn, “chánh niệm” và “ở trong hiện tại” đã trở thành những khẩu hiệu sống hiện đại và hình thành một số liệu pháp trị bệnh. Nhưng người ta vẫn bỏ qua hoặc bỏ sót những nội dung còn lại, nhất là Tứ Diệu Đế, được xem như là một chuẩn mực đạo đức.
Một số người không thích ý kiến cho rằng nó là một chuẩn mực đạo đức, tuy nhiên tuân thủ Tứ Diệu Đế là điều tối cần thiết để anh chị sống hạnh phúc, yên bình và tự do thoát khỏi bể khổ đúng như trong ba Chân lý Cao thượng đầu tiên đề cập tới.
Không có chuẩn mực đạo đức thì anh chị cũng chỉ đi tới đâu đó giới hạn, bởi vì những giới luật này – không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh, không dùng rượu và những chất gây nghiện – được soạn ra nhằm để giúp anh chị sống hạnh phúc, tự do và yên bình.
Tin vào thiên thần hay không là tùy chọn của mỗi người. Chúng ta cần giữ cho bản thân trong sạch và tinh khiết, để cảm thấy hòa hợp suốt kiếp đời của mình.
Khi anh chị thực hành ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, có thể anh chị sẽ thấy mình tự động được đặt vào đạo lộ Bát Chánh Đạo, bao gồm cả Ngũ Giới. Sự việc xảy ra rất tự nhiên và tất cả đều tương hỗ với nhau. Nhưng nếu anh chị thực hiện một cách chủ ý, anh chị sẽ thúc đẩy sự tiến triển trong việc rèn giũa sức mạnh nội tại của mình.
Nhà sư nghĩ ngợi một lát rồi mỉm cười.
- Đôi khi người ta nghĩ rằng đường lối nhà Phật rất uy nghiêm, có phần long trọng, nhưng không hẳn là vậy. Đức Phật rất khôi hài và hóm hỉnh. Hẳn anh chị còn nhớ Ngài nói: “Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc là con đường”.
Đó là con đường của niềm vui và hạnh phúc! Hãy hạnh phúc. Hãy yên bình. Hãy tràn ngập niềm vui. Đó là con đường của Đức Phật – hạnh phúc, yên bình và niềm vui cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng sinh. Tất cả chúng ta là một. Hãy nhớ, nó bắt đầu từ anh chị.
Gwyn giơ tay lên.
- Xin mời cô. – Nhà sư nói.
Gwyn ngập ngừng:
- Nó cũng bao gồm cả muông thú à? Chúng cũng thuộc về một “Cội”?
Nhà sư đáp:
- Khi Đức Phật không khuyến khích những câu hỏi về một linh hồn vĩnh cửu nào đó, Ngài cũng không khuyến khích sự suy luận từ đó mà ra.
Một khoảng ngừng. Sau đó, nhà sư trầm ngâm nói, có vẻ như là một lời giải thích thêm:
- Trong giáo lý của Thiền Tông có một thông điệp thế này: “Tất cả chúng sinh là một và tất cả chúng sinh đều khác biệt”. Có một công án, một câu đố rằng: “Sự khác biệt giữa người giác ngộ và người chưa giác ngộ là gì?”.
Trong anh chị, ai có thể trả lời câu đố này? – Nhà sư mỉm cười hỏi.
- Thầy đang nói đùa phải không? – Rodney đáp.
Nhưng nhà sư rất nghiêm trang. Thầy nói tiếp:
- Câu trả lời là người chưa giác ngộ nhìn thấy sự khác biệt, nhưng người đã giác ngộ thì không. Nhưng điều này dẫn chúng ta đi đâu?
- Tới hoang mang. – Pam đáp, rồi bật cười.
Nhà sư nói:
- Đúng vậy. Anh chị đã thấy tại sao Đức Phật không khuyến khích chúng ta sa vào những bàn luận kiểu như thế chứ?
- Ồ, tôi xin lỗi. – Gwyn đáp, vẻ đăm chiêu của cô phá vỡ bầu không khí trong phòng một thoáng.
Nhà sư nói:
- Không sao. Thế là tốt mà. Tôi không có ý nói rằng chúng ta cần tránh câu hỏi quá sâu và thú vị như vậy. Anh chị cứ hỏi tiếp đi.
Gwyn mỉm cười, bẽn lẽn, và nói:
- Chỉ là khi ở trong vườn, hoặc khi hành thiền, tôi cảm thấy tràn ngập yêu thương và yên bình trong lòng, tôi cảm thấy như thể mình gắn kết với mọi sinh vật sống. Dường như có sợi chỉ vàng, sáng rực rỡ buộc mọi vật với nhau – chim chóc, ong, thú, côn trùng,… thậm chí cả cây cối và cỏ hoa. Quả thật đó là cảm giác yên bình và vui sướng, tôi không thể diễn tả bằng lời. Chính vì thế nên tôi mới hỏi.
Nhà sư hiền hòa nhìn cô và mỉm cười:
- Tôi nghĩ cô có thể tin tưởng vào trải nghiệm của mình. Và chắc chắn cô có Mahatma Gandhi đứng về phía mình. Luân thường đạo lý mà tôi tuân thủ đòi hỏi tôi phải có quan hệ họ hàng không chỉ với loài linh trưởng, mà còn với ngựa, cừu, sư tử, báo, cũng như với rắn và bọ cạp.
- Gandhi theo đạo Phật sao? – Rodney hỏi.
Nhà sư đáp:
- Ông ấy thừa nhận như vậy. Ông ấy nói đạo Phật bén rễ từ giáo pháp của đạo Hindu, và thể hiện dưới dạng cốt lõi tinh túy nhất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta lại đi lạc đề rồi.
Maurice nhìn vào mắt nhà sư.
- Thầy nói nhiều về “đã được giác ngộ”, nhưng tôi vẫn chưa rõ nó có nghĩa là gì.
- Nó tạo nên hai người chúng ta, – nhà sư pha trò và phá lên cười, – nhưng anh chị sẽ biết khi anh chị thực hiện nó.
Nói cho nghiêm túc, giác ngộ thường được định nghĩa là tự do thoát khỏi cái mà Đức Phật gọi là dukka, tức là bể khổ. Đó là sự nhận thức đầy đủ chân lý trong những giáo huấn của Đức Phật.
Giác ngộ không liên quan gì đến trí thông minh, những trạng thái siêu nhiên, hay những quan niệm tâm linh. Giác ngộ trong tinh thần Phật giáo không đề cập đến kiến thức, cũng không ám chỉ trí thông minh.
Giác ngộ là ở đây, – thầy vừa nói vừa đưa tay lên ngực, – … chứ không phải ở đây. – Thầy chỉ tay lên đầu.
- Đó là trạng thái bừng tỉnh về nhận thức, sự thông suốt và sự lóe sáng mà chúng ta đã học trong Chân lý Cao thượng thứ ba. Đó là trạng thái tinh khiết khi chúng ta mới được sinh ra, trước khi chúng ta xây dựng tòa nhà bản ngã; và chúng ta có thể tìm lại được nó ngay trong kiếp đời này. Thầy Ajahn Sumedho, sư phụ của tôi, rất rạch ròi về điểm này. Giác ngộ không nằm quá tầm với của bất kỳ ai trong kiếp đời này. Ai cũng có thể tìm thấy nó nếu đi theo và thực hành Tứ Diệu Đế.
Nhà sư ngừng lời.
- … điều này lại đưa chúng ta trở về đúng nơi chúng ta bắt đầu trong ngày đầu tiên của khóa tu.
Nhà sư nhìn khắp nhóm và nói:
- Tôi sẽ kể cho anh chị nghe một câu chuyện có thật. Đó là về tâm từ – tình yêu thương.
Chúng tôi nhấp nhỏm chuyển thế ngồi cho yên vị hơn và chờ nhà sư kể chuyện.
- Một ngày nọ, vào thời của Đức Phật, có một nhóm nhà sư vào rừng để hành thiền. Họ hân hoan lên đường, nhưng khi họ đi sâu vào những tàng cây tối tăm, họ bắt đầu cảnh giác trước những tiếng động lạ, mà họ nghĩ nó xuất phát từ những linh hồn quỷ sứ. Sau đó, họ hoảng sợ đến nỗi chạy ngược trở về, thẳng tới chỗ Đức Phật.
Ngài đáp lại bằng cách đưa họ đi xuyên qua quy trình tâm từ, trong đó họ rải tình yêu thương tới những linh hồn quỷ sứ. Xong, Ngài phái bọn họ trở lại khu rừng để tiếp tục hành thiền. Chắc chắn tâm từ đã có tác dụng, bởi vì sau đấy họ ở lại trong rừng một thời gian rất lâu. Diễn biến của tích truyện này là như vậy đấy.
Chắc hẳn anh chị đã thấy trong suốt khóa tu này, chúng ta không cần ở trong rừng rồi bị tiếng ồn ào “quỷ ám” quấy rối mới nhận ra lợi ích của tâm từ. Tôi đã giải thích từ trước rằng việc rải tâm từ cho chính mình và cho người khác là một kỹ thuật rất đơn giản mà hữu hiệu, đến nỗi chúng ta có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào và bất kỳ lúc nào; nếu anh chị thực hiện thường xuyên, nó có thể thay đổi cuộc đời anh chị. Thật ra, đó là một trong những phương pháp nhanh nhất tạo nên sự thay đổi.
Đến lúc này, tôi có thể nói nếu anh chị chỉ mang theo bên mình một điều anh chị học được từ khóa tu này, thì hãy chọn lấy tâm từ – liều thuốc thần kỳ nhất chữa bách bệnh từ “thầy thuốc Đức Phật”! Nếu anh chị muốn thấy một ví dụ sống động về quyền năng của tâm từ, anh chị không cần nhìn đâu xa hơn Đức Đạt Lai Lạt Ma – Ngài nói: “Tôn giáo của tôi là tình yêu thương”.
Nhà sư ngừng một chút rồi tiếp, rất lặng lẽ, dường như là nói với chính mình:
- Đôi lúc tôi tự hỏi cuộc sống sẽ ra sao nếu tất cả mọi người trên thế giới đều theo đạo yêu thương.
Tất cả chúng tôi im lặng. Qua những khung cửa kiểu Pháp, tôi nhận ra bóng râm trong khu vườn bắt đầu dài ra. Một bầu không khí an lành, yêu thương lan tỏa khắp nhóm. Trong thoáng chốc, tâm của tôi đi lan man, xong tôi lại trở về với giọng giảng bài của nhà sư.
- Tâm từ là thuốc giải thần kỳ cho sự sợ hãi, tức giận, thù ghét, ghen tị, sầu não, bất an, lo lắng,… Và anh chị không sợ dùng quá liều. Càng thực hành yêu thương trong cuộc sống, anh chị càng cảm nhận kết quả tốt hơn.
Đức Phật răn dạy các đệ tử của Ngài rằng rải tâm từ mang lại rất nhiều lợi ích, như: ngủ ngon, tỉnh dậy minh mẫn, không gặp ác mộng; yêu thương con người, yêu thương loài vật; được những vị thần deva phù hộ; được bảo vệ khỏi lửa, thuốc độc và vũ khí; khả năng tập trung tốt; sở hữu làn da sáng; chết an nhiên và hướng tới thế giới Brahma (thiên đường); nhận được kiếp tái sinh tốt.
Chúng ta cần nhớ rằng khi Đức Phật thuyết pháp, nhiều đệ tử của Ngài là người theo đạo Hindu, vốn có niềm tin sâu đậm vào sự đầu thai, vì vậy họ đặc biệt lưu tâm đến giáo lý giúp cho có sự đầu thai mỹ mãn trong kiếp đời sau.
Tuy nhiên, Đức Phật nói thêm rằng cho dù họ luyện tập tâm từ là nhằm bảo đảm “tái sinh tốt đẹp”, thì họ vẫn chưa đạt tới một phần mười sáu tầng tuệ giác.
Sự im lặng theo sau. Sam nhìn nhà sư, bắt gặp ánh mắt thầy thì lại nhìn xuống.
- Anh có điều gì muốn hỏi vậy Sam? – Nhà sư hỏi nhẹ nhàng.
Sam ngần ngại đáp:
- Ờm… Tất cả những điều đó nghe có vẻ rất hay và tôi đang cố hết sức thực hành tâm từ trong suốt khóa tu này, nhưng vấn đề khó khăn ở chỗ… tôi không biết cách rải như thế nào… – Anh lưỡng lự rồi nói tiếp, đầy cân nhắc. – Nhưng tôi thấy khó mà cảm nhận được tình yêu hay bất kỳ điều gì trong trái tim tôi. Ý tôi là tôi đang thực hành tâm từ, và tôi cố thể hiện mình là một người chỉn chu, nhưng cứ hễ liên quan tới cảm xúc là tôi cảm thấy… bị đơ.
Nhà sư nhẹ nhàng nói:
- Điều đó chẳng có gì là bất thường cả. Tôi cần nhắc lại với anh rằng điều đó không có nghĩa là anh không có trái tim yêu thương. Tất cả chúng ta đều có mà. Đó là một phần của sự sống. Tất cả chúng ta đều xuất phát từ cốt lõi yêu thương và bao dung, nhưng khi lớn lên và chịu nhiều tổn thương, thất vọng trong cuộc sống, chúng ta tự vệ bằng cách đặt rào chắn quanh cái nội tâm nhạy cảm của mình, bằng cách xây dựng nên ngôi nhà bản ngã quanh bản thân.
Khi ta cố gắng liên hệ với tình yêu thương bên trong con người mình, ta có thể cảm nhận các cảm xúc bị đóng kín. Trái tim ta cảm thấy tê liệt. Ta biết mình cần yêu thương người khác và muốn cảm nhận tình yêu thương ấy, nhưng lại không thể.
Chiếc vỏ ốc tự vệ này, ngôi nhà bản ngã quanh trái tim sẽ đổ vỡ khi chúng ta trải lòng yêu thương, khi chúng ta chạm tới cốt lõi yêu thương và bao dung của mình – cảm giác mở lòng, cùng đồng nhất với người khác.
Lại có sự im lặng bao trùm toàn nhóm. Có lẽ những người khác, cũng giống như tôi, đang nhớ lại cảm giác sung sướng mãnh liệt khi yêu: tâm hồn lâng lâng, phơi phới, chếnh choáng, khi các giác quan được tăng lực, và dường như tất cả mọi thứ trở nên nhiệm mầu hơn, màu sắc hơn bao giờ hết.
Tôi đang chìm trong mơ mộng thì nhà sư giảng tiếp:
- Nhưng dĩ nhiên, điều này không kéo dài. – Thầy ngừng một lát rồi tiếp. – Tuy nhiên, tin tốt là thông qua việc rải tâm từ, chúng ta có thể nối kết lại với cốt lõi yêu thương ấy, trải nghiệm niềm vui và lại đắm mình trong cảm giác yêu thương lần nữa.
Nhà sư dừng lại, rồi nói tiếp:
- Khi anh chị nắm được sợi dây tâm từ, anh chị sẽ có cảm giác yêu thương toàn thế giới, luôn luôn có cảm giác sung sướng mê ly.
Anh chị có biết Đức Phật nói rằng cảm giác sung sướng mê ly là cánh cổng đi vào Niết bàn không?
Tôi không nghĩ có ai trong chúng tôi biết được điều đó. Còn tôi chắc chắn là không biết rồi. Thực tế, trước khi bắt đầu khóa tu này, tôi thật tình nghĩ Phật giáo hoàn toàn là về bể khổ, chối từ bản thân, giam mình trong câu nệ và những quy tắc, không thì cũng mặt lạnh như tiền, môi mím chặt và không chấp nhận bất kỳ hình thức thừa mứa hay tán dương nào.
Bây giờ, nhà sư đang nói với chúng tôi – từ chính góc nhìn của Đức Phật – rằng vui tươi, hạnh phúc chính là cánh cổng vào Niết bàn. Không những thế, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách yêu thương chính mình. Tôi choáng thật sự.
Nhà sư đang nói tiếp:
- Nhưng hãy trở lại câu hỏi. Chúng ta có thể nắm bắt lại cảm giác hạnh phúc vô ngần, và trở lại được với cảm giác yêu thương.
Trong giây lát, tôi không thể cưỡng lại việc nghe thấy bài hát của Righteous Brothers vang lên trong đầu You’ve lost that lovin’ feeling. Tôi nghĩ: “Bình tĩnh nào, hễ cứ nhắc đến tình yêu thì cô thật là nông nổi”. Tôi cố tập trung vào lời giảng của nhà sư.
- Chúng ta có thể lại chạm đến tình yêu và sự cởi mở, thậm chí vui sướng với bài thực hành rải tâm từ hàng ngày. Có thể vào lúc đầu chúng ta trải qua quy trình này mà chẳng cảm thấy gì, nhưng nếu thực hiện thường xuyên, những tảng đá, những rào chắn của ngôi nhà bản ngã sẽ bắt đầu tan biến.
Trái tim chúng ta giống như nụ hồng mới nhú, từ từ hé nở khi “mặt trời tâm từ” chiếu vào đó. Việc thực hành tâm từ thật sự biến đổi chúng ta. Chúng ta rọi ánh nắng ấm áp của tâm từ vào trái tim tê dại đóng chặt của mình, rồi nó sẽ mở ra.
Nhà sư dừng lại để tập hợp những dòng tư tưởng. Thầy nhìn thẳng vào Sam rồi nhìn khắp nhóm.
- Hãy tin tôi, hãy tin vào tuệ giác của Đức Phật. Hãy tin vào trải nghiệm của hàng triệu Phật tử suốt hơn hai thiên niên kỷ qua. Nó sẽ có tác dụng, thật sự có tác dụng.
Lúc mới ban đầu có thể cảm thấy không tự nhiên lắm, như bất kỳ kỹ năng mới nào cũng vậy, bởi vì chúng ta đang tập thể dục cho “cơ bắp trái tim” đã không được sử dụng bấy lâu. Nhưng dần dần anh chị sẽ làm cho nó vận hành trở lại, nối kết với nó và nó sẽ biến chuyển cuộc đời anh chị, cũng như cuộc đời của những người xung quanh. Hãy cứ thực hiện mà thôi.
Quy trình mở trái tim bắt đầu như thế này. Hãy tập trung vào cảm giác của anh chị khi anh chị nghĩ về ai đó hoặc cái gì đó mà mình yêu. Nuôi dưỡng cảm xúc ấm áp đó, và nó sẽ lớn lên, sẽ lan ra. Theo dõi lời độc thoại của anh chị – giọng nói chỉ trích, căm giận bên trong. Nói lời dịu dàng với chính mình như thể anh chị là đứa trẻ được yêu thương. Nâng niu đứa trẻ nội tại này.
Anh chị cần làm cho đứa trẻ nội tại cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc, mạnh khỏe và sung sướng trước đã, rồi anh chị mới yêu thương người khác. Tôi thích lời thông báo của tiếp viên hàng không trên máy bay, chỉ dẫn thao tác bảo đảm mặt nạ oxy của anh chị nằm ở vị trí đúng, rồi mới giúp người khác chỉnh sửa mặt nạ oxy của họ.
Pam nói:
- Dường như tự nuông chiều mình là rất ích kỷ. Tôi thấy điều đó rất là khó.
Nhà sư đồng ý:
- Đúng vậy. Rất nhiều người thấy như thế.
Nhưng anh chị không thể trao tình yêu thương cho người khác đến chừng nào anh chị kết nối được với cái giếng yêu thương ở bên trong bản thân. Một khi anh chị trở nên thoải mái với việc tử tế với bản thân, anh chị sẽ thấy nó dễ hơn nhiều – thật ra là rất tự nhiên – để bắt đầu trải rộng nó vào cuộc sống. Anh chị có thể rải tâm từ cho vợ, chồng, con cái, gia đình và bạn bè, thú cưng, những người giúp đỡ anh chị trong cuộc sống, hàng xóm, thậm chí cả những người mà mình không hề có cảm tình. Và rồi… rải tâm từ đến những người khó chịu, hay thách thức anh chị, những người mà anh chị không thích, thậm chí là căm ghét, muốn tẩy chay.
Nhà sư dừng lời. Cả nhóm động đậy, có tiếng ngạc nhiên thốt lên.
Suzi nói, đầy ngờ vực:
- Cả những người chúng ta căm ghét ư? Chẳng hạn như kẻ giết người hàng loạt sao?
- Đúng. – Nhà sư khẳng định.
Rodney thốt lên:
- Thật sao? Vậy là quá đáng. Tôi không nghĩ tôi có thể làm được. Ví dụ, tôi không thể tha thứ cho Hitler, chứ đừng nói là yêu thương hay động lòng trắc ẩn với hắn. Công lý ở đâu trong việc đó?
Nhà sư hỏi lại:
- Công lý gì? Loại trừ người chúng ta ghét và xem thường việc thực hành tâm từ sẽ mang lại “công lý” chắc?
Có một khoảng dừng, rồi nhà sư trầm tư nói:
- Anh chị có nghĩ đem những nhân vật như Hitler ra “công lý” để đền bù cho những gì họ đã phạm phải trong quá khứ thì có giúp được ai không?
Rodney nói:
- Có chứ. Nó đặt tấm gương răn đe cho những kẻ khác.
Nhà sư hỏi:
- Vậy chứ ông có nghĩ việc “lấy người khác làm tấm gương tốt” có là lý do hợp lý cho việc trừng phạt ai đó không?
Tim bình luận:
- Nghe như biến họ thành con dê tế(11).
(11) Con dê tế để trút mọi tội lỗi của cộng đồng lên, rồi đuổi ra ngoài hoang mạc.
Nhà sư đáp:
- Đúng. Chúng ta không trừng phạt kẻ phạm tội để báo thù, hoặc đi tìm sự trả thù. Nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta làm hỗn loạn nghiệp.
Suzi hỏi:
- Nhưng nghiệp không trừng phạt làm điều sai trái sao?
Nhà sư nghĩ ngợi rồi nói:
- Theo Đức Phật, hành động xấu chắc chắn sẽ tạo nghiệp. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể tin Luật nghiệp sẽ tự vận hành hoàn hảo mà không cần đến sự trợ giúp của chúng ta.
Rodney hỏi:
- Vậy chẳng lẽ chúng ta cần từ bi với tội phạm sao? Dù là Phật tử nhưng chúng ta cũng cần phải thực tế.
Tất cả im lặng. Vẻ mặt của Rodney rất đanh thép.
Nhà sư hỏi:
- Ông có thể cho tôi biết không Rodney, trái tim ông cảm thấy thế nào vào khoảnh khắc này khi ông đang nghĩ tới Hitler và nhu cầu có “công lý”?
Tôi cảm thấy ái ngại cho Rodney khi bị đặt vào tình huống như thế này, nhưng nhà sư nhìn ông rất hiền lành, lan tỏa sự ấm áp và tình yêu thương.
Im lặng kéo dài. Sau đó Rodney nói, hơi nhỏ:
- Tôi không cảm nhận được gì hết.
Thêm một quãng dừng nữa, ông nói thêm:
- Tôi cảm thấy mình bị tách rời khỏi trái tim của mình vào khoảnh khắc này. Cảm thấy cứng như đá. Tôi không cảm nhận được chút tình yêu thương nào. Tôi chỉ nghĩ đến hàng triệu người chết tức tưởi vì những tội ác của Hitler.
Nhà sư nói:
- Vậy là những tảng đá cứng chắc của đau thương, tức giận và ham muốn trả thù đang ngự trị trong trái tim ông, chặn mất dòng chảy của tình yêu thương vốn là trạng thái tự nhiên của ông. Những tảng đá ấy có đem lại điều gì tốt không? Có tốt cho người đã chết không? Có tốt cho ông không? Có tốt cho thế giới không? Rõ ràng không phải ông đang trừng phạt Hitler, mà là ông đang trừng phạt chính mình.
Trở nên “thực tế” có nghĩa là chấp nhận hoàn cảnh ở ngay đây vào lúc này, chính xác như nó là vậy; cảm nhận bể khổ bên trong ông – mọi ý muốn trả thù và trừng phạt Hitler vì hàng triệu người đã khổ đau. Hãy cảm nhận những cảm xúc của ông về sự việc này, những cảm xúc của ông về Hitler. Chỉ cảm nhận thôi mà không bình luận gì hết, và để chúng ở đó. Nếu ông cứ tiếp tục làm như thế thì điều gì sẽ xảy ra?
Nhà sư ngừng lời. Tất cả chúng tôi đều im lặng.
- Thì ông sẽ thấy chúng biến đi. Những tổn thương và dằn vặt sẽ teo tóp. Những tảng đá đang chặn trái tim ông và khiến cho ông đau đớn sẽ tan đi như nước đá dưới ánh nắng mặt trời. “Để nó đó” rồi sẽ trở thành “buông nó đi”, và ông sẽ tự do.
Trong quy trình này, ông sẽ chạm đến sự sáng tỏ và nhận thức nằm ngay trong cốt lõi bản thân ông và thấy không còn ai ở đó nữa – không có “tôi”, không có “Hitler”, cũng không có ai khác. Không cần phán xét, không cần trả thù; chỉ có sự yên bình tuyệt đối, tình yêu thương và lòng bao dung.
Lời nói của nhà sư mang lại cảm nhận yêu thương, yên bình và an lạc trong phòng. Tôi hít nó vào. Tôi cảm thấy hạnh phúc. Và tôi nghe giọng nói của thầy tiếp tục.
- Bây giờ việc thực hành Tứ Diệu Đế trong cuộc sống có thể giúp anh chị tới được nơi đó. Những gì chúng ta cần để có một cuộc đời hạnh phúc và để đắc quả vị Niết bàn đều được viết gọn trong một tấm bưu ảnh, anh chị còn nhớ không? Khi nghi ngờ, hãy luôn trở lại với Tứ Diệu Đế. Những chân lý đó sẽ không bao giờ làm anh chị thất vọng.
Nhưng bên cạnh đó anh chị cần luyện tâm từ. Như thế cũng đưa anh chị tới nơi ấy luôn, nếu anh chị thật sự cần cù. Điều đó sẽ hỗ trợ và động viên anh chị thực hành Tứ Diệu Đế, lên đời chiếc xe của anh chị, tăng tốc trên cuộc hành trình, đúng như nó phải vậy.
Anh chị biết đấy, khi ta thật sự yêu thương bản thân thông qua thực hành tâm từ, ta bắt đầu chạm đến nhân tính của ta – đau khổ, buồn phiền, hy vọng hão huyền, sợ hãi. Bước vào lãnh địa này, ta bắt đầu nhìn thấy những điều ấy ở người khác.
Ta nhận ra rằng những người khác cũng giống như ta. Họ cũng muốn hạnh phúc, họ cũng muốn an toàn, họ cũng muốn an ninh; họ cũng muốn được tôn trọng, được đề cao, được yêu thương. Tại sao họ lại không muốn những điều đó nào? Hãy nói cho tôi biết, – nhà sư nhắc lại thật chậm rãi, – tại sao họ lại không muốn những điều đó nào?
Khi ta nghĩ như vậy, ta đạt tới ngưỡng mà ta cảm thấy mở lòng, yêu thương và chấp nhận những người khác. Ta thấy được nhu cầu, niềm hy vọng, sự kỳ vọng và sự tổn thương ở người khác. Ta cảm thấy như thể những thứ đó ở bên trong ta.
Ta bắt đầu cảm nhận điều này với tất cả những người mà ta gặp, tất cả những người mà ta nghe nhắc tới trên bản tin. Chỉ là ta trở nên mở lòng với họ, đồng nhất với họ. Đó là cốt lõi của tâm từ.
Mọi chúng sinh, bao gồm cả muông thú, đều cần tình yêu thương và sự thấu hiểu. Chúng muốn sự tử tế, chúng muốn hạnh phúc hệt như loài người chúng ta. Tất cả chúng ta. Chúng ta không thể làm bất kỳ điều gì có hại cho chúng, bởi vì làm hại chúng có cảm giác giống như làm hại chính ta.
Đó cũng giống như ngũ giới trong Bát Chánh Đạo (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất gây nghiện), anh chị đạt tới ngưỡng mà anh chị không thể làm gì gây tổn thương và không tử tế với người khác, bởi vì nó giống như anh chị đang gây hại cho chính mình, làm tổn thương chính mình. Dĩ nhiên, anh chị sẽ như vậy, xét trên quan điểm về nghiệp.
Thầy nói tiếp:
- Một quy tắc vàng nữa là hãy đối xử với người khác như anh chị muốn bản thân mình được đối xử. Hãy ghi nhớ tích truyện tôi đã kể cho anh chị nghe về Đức Phật với những đệ tử của Ngài, và bài hành thiền Tâm từ của họ. Hãy thực hành đầy đủ bài rải tâm từ mà Đức Phật truyền dạy, vốn vẫn còn được sử dụng trong những tu viện ngày nay trên khắp thế giới.
Đó là quy trình truyền tâm từ – tình yêu thương – cho năm người khác nhau. Bắt đầu với chính mình. Sau đó, chúng ta rải đến bốn người khác, hình dung từng người trong đầu và nghĩ – hoặc nếu có thể thì cảm nhận – tâm từ trao tỏa đến họ.
Trước tiên là với người tử tế giúp đỡ ta – người mà Đức Phật mô tả là bổn mạng hay giám hộ của ta. Đó có thể là cha, mẹ, một người thầy, thủ trưởng hoặc một người hàng xóm. Người kế tiếp ta mường tượng là người ta thích hoặc yêu thương, có lẽ là vợ, chồng hay con cái. Rồi ta hình dung người mà ta cảm thấy trung lập về họ, chẳng hạn như người phục vụ trong một tiệm địa phương; và cuối cùng ta hình dung ra người mà ta thấy khó gần, người mà ta không ưa, thậm chí là căm ghét.
Nhà sư nói và nhìn Rodney:
- Ông có thể luyện tập tâm từ với Hitler. Cho dù ông ấy đã chết rồi, ông vẫn có thể rải tâm từ cho Hitler trong tim ông. Hẳn là ông còn nhớ tích truyện tôi đã kể về một nhà sư cõng cô gái đẹp qua sông? Chú tiểu đồng hành với nhà sư cảm thấy bực mình và cứ cõng người phụ nữ trong tâm suốt dọc đường. Ông có còn đè nén Hitler trong tim không?
Hãy rải tâm từ tới phần đó trong ông. Trong khi làm như vậy, ông sẽ biết mình thật sự thông hiểu việc thực hành tâm từ, và ông sẽ trải nghiệm sự nhẹ nhàng, thanh thản đến kinh ngạc. Bằng cách làm tiêu tan nỗi cay đắng, cơn giận dữ – một phiên bản Hitler bên trong ông, ông tạo ra một khoảng không trong tim mình và đong đầy không gian đó tình yêu thương, sự tử tế và niềm hạnh phúc.
Khi chúng ta thực hiện hành thiền Tâm từ, chúng ta cố hết sức gửi tâm từ lần lượt đến bốn người – năm, nếu tính cả anh chị. Cho dù anh chị chưa cảm nhận được gì, anh chị vẫn có thể tự nói những lời từ tâm với chính mình.
Thậm chí anh chị có thể tiếp tục thực hành tâm từ “nâng cao”, lần lượt rải tâm từ cho từng nhóm người, bắt đầu từ chính anh chị trong vài ngày, hoặc cả một tuần lễ, hoặc hơn.
Đó là điều chúng tôi thỉnh thoảng thực hiện trong tu viện. Sau khi những nhà sư thực hành rải tâm từ suốt cả ngày trong nhiều tuần thì…
- Ối, suốt cả ngày trong nhiều tuần á? – Suzi kinh ngạc cắt ngang lời thầy.
Nhà sư mỉm cười gật đầu:
- Đúng vậy. Sau khi chúng tôi hành thiền Tâm từ suốt cả ngày trong nhiều tuần, thì một trong những câu hỏi mọi người nêu ra là câu này.
Hãy tưởng tượng anh chị ở trong rừng cùng với một người tử tế hay giúp đỡ anh chị, một người mà anh chị thương yêu, một người bình thường và một người mà anh chị ghét – kẻ thù (có thể đó là Hitler, đối với ông, Rodney à). Bỗng anh chị gặp một băng thảo khấu yêu cầu anh chị chọn một người trong nhóm để đem tế cho chúng. Anh chị sẽ chọn ai?
Nhà sư dừng lại.
- Hãy suy nghĩ kỹ. Anh chị sẽ chọn ai trong nhóm?
Một sự im lặng kéo dài. Không ai trả lời.
- Có lẽ tôi cần chờ đến khi anh chị siêng năng luyện tập tâm từ trong một thời gian, sau đó sẽ hỏi lại anh chị. Tôi nghĩ nếu tôi hỏi vậy thì câu trả lời anh chị đưa ra sẽ khác nhau.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy cùng luyện bài hành thiền Tâm từ. Hôm nay chúng ta sẽ kết hợp rải tâm từ cho tất cả theo lời dạy của Đức Phật với các đệ tử. Hãy nhớ, đây là quy trình chuyên biệt nhằm hướng tình yêu thương tới năm người khác nhau, như tôi đã mô tả lần trước.
Nếu anh chị đã sẵn sàng, chúng ta hãy bắt đầu bài hành thiền Tâm từ.
Bài luyện hành thiền Tâm từ
Ngồi thoải mái, giữ thẳng cột sống, giữ cho lưng hơi cách khỏi thành ghế.
Ý thức đến hơi thở. Nhận biết hơi thở đi vào, đi ra… đi vào qua mũi, xuống phổi, rồi đi ra trở lại qua mũi.
Bây giờ hướng sự tập trung đến lồng ngực, chú ý đến trái tim.
Để tập cho “cơ bắp tâm từ” vận động, hãy nghĩ đến cái gì đó hoặc ai đó khiến ta cảm thấy yêu thương. Có thể là một người yêu, ở hiện tại hoặc ở quá khứ. Có thể là một đứa trẻ, cha, mẹ hoặc một con thú cưng hồi xưa. Ai hay cái gì không quan trọng, miễn là “họ” khơi gợi tình yêu thương trong ta.
Cảm nhận tình yêu thương và lòng bao dung… cảm nhận hơi ấm bừng tỏa trong tim. Thực hành nhiều sẽ giúp cho việc này dễ dàng hơn.
Nán lại với cảm giác yêu thương này một lúc. Hít vào và thở ra đều đặn. Tận hưởng cảm giác ấm áp và tình yêu thương, giống như mặt trời vàng rực rỡ, trong tim ta.
Ta cảm nhận tình yêu thương và lòng bao dung ấy. Tình yêu thương và lòng bao dung là trạng thái tự nhiên của ta.
Khi hít vào, ta hướng tình yêu thương và lòng bao dung về phía mình. Ta mường tượng ánh sáng trong tim lan tỏa khắp toàn thân, như thể toàn thân được ôm bọc trong ánh mặt trời ấm áp. Sau đó, ta nói những lời từ tâm này với chính mình: “Tôi an toàn. Tôi hạnh phúc. Tôi mạnh khỏe và tôi thanh thản”.
Bây giờ, ta nghĩ đến người đã giúp đỡ mình. Hình dung họ trong tâm, cảm nhận tình yêu thương từ trái tim ta hướng tới họ. Ta cảm nhận ánh sáng rực rỡ, ấm nồng như mặt trời, và thấy những tia sáng lóng lánh phát tỏa đi, tắm đẫm họ trong ánh vàng. Sau đó ta nói: “Anh an toàn. Anh hạnh phúc. Anh mạnh khỏe và anh thanh thản”.
Tiếp theo, ta nghĩ đến người mà ta yêu thương; hình dung ra họ, cảm nhận ánh vàng óng ả từ tim và tình yêu thương của ta tràn sang họ. Nhìn họ thấm đẫm trong ánh sáng vàng. Ta nói: “Con an toàn. Con hạnh phúc. Con mạnh khỏe và con thanh thản”.
Tiếp theo, ta nghĩ tới người mà ta có cảm giác trung lập, người mà ta không có cảm xúc mạnh về bất kỳ phương diện nào. Lặp lại quy trình san sẻ tình yêu thương và ánh sáng vàng rực rỡ. Ta nói: “Cô an toàn. Cô hạnh phúc. Cô mạnh khỏe và cô thanh thản”.
Tiếp nữa, ta nghĩ tới người mà ta thấy khó lòng giao tiếp với họ, hoặc người mà ta không thích, thậm chí căm ghét, và cũng tuần tự làm theo quy trình giống như trên. Hãy nghĩ về họ với tâm từ cho dù ta không thể cảm nhận được điều đó, nhưng nếu có thể gửi tình yêu thương đến họ, hãy cứ làm như vậy. Nếu có thể cảm nhận ánh sáng vàng óng ả từ tim ta, giống như ánh mặt trời chiếu rực và lan tỏa, hãy cứ làm. Ta nói: “Bác an toàn. Bác hạnh phúc. Bác mạnh khỏe và bác thanh thản”.
Ta cảm nhận tình yêu thương này trong tim mình. Ta cảm nhận nó chiếu rọi tất cả mọi người trong căn phòng này, tất cả mọi người trong ngôi làng này, trong đất nước này, trên thế giới này… lan ra nữa, lan ra mãi, vẫn không ngừng lan tỏa tiếp.
Nếu như ta thấy khó cảm nhận tình yêu thương và khó nhìn thấy ánh sáng vàng óng ả, cứ lướt qua cảm xúc này. Từng chút một trong tim ta sẽ được đánh thức; nụ hồng sẽ nở; tình yêu thương ta đang cho đi sẽ dội trở về ta, sẽ chạm vào trái tim ta và làm tan chảy những tảng băng trong khối băng bản ngã.
Khi ta thực hành càng nhiều, ta sẽ thấy những rào cản xung quanh tan chảy đi. Không còn ranh giới nữa, ta trở thành một phần của mọi người, mọi thứ: bầu trời, cây cối, núi non, sông hồ, biển cả, con người, chim chóc, động vật hữu nhũ, loài bò sát, côn trùng. Ta hòa làm một với toàn thể vũ trụ.
Ta mở rộng trái tim với lòng biết ơn cho trải nghiệm này, cho thời gian ta gặp nhau hôm nay và trong suốt khóa tu này. Hít vào, để cho trái tim nở rộng và đổ đầy tràn lòng biết ơn.
Bây giờ, ta nhẹ nhàng trở lại với môi trường xung quanh. Hít thở thật chậm rãi và từ từ mở mắt ra.
Tôi thích thú với bài hành thiền này. Gửi tâm từ cho người khác khiến tôi cảm thấy muốn làm những điều tích cực, và điều đó khiến tôi cảm thấy sảng khoái.
Mọi người bắt đầu chuyển động, cả căn phòng đong đầy cảm giác yên bình, an lạc. Một quy trình thật đơn giản nhưng mang lại hiệu quả to lớn.
Nhà sư hiền lành nhìn khắp cả nhóm và mỉm cười. Thầy hỏi:
- Anh chị cảm thấy thế nào? Anh chị có thể thực hành nó một cách nghiêm chỉnh như chúng ta vừa thực hiện, bằng không thì anh chị có thể thực hành vào bất cứ lúc nào trong ngày – nhất là khi anh chị bị stress, lo âu, tức giận hay lo lắng, bồn chồn. Anh chị có thể chọn mỗi ngày hoặc mỗi tuần, một người trong nhóm, và lấy họ làm đối tượng thực hành. Dĩ nhiên là luôn luôn bắt đầu mỗi lần thực hành từ chính anh chị.
Tôi nhận ra rằng khi tôi bất đồng ý kiến hoặc “tức giận” ai đó, tôi phải mất tới hai tuần thực hành rải tâm từ cho họ, để giải quyết và phóng thích những vấn đề đè nặng trong tim. Sau đó, cảm giác yên bình nó mang đến ngập tràn trái tim tôi!
Càng hành thiền Tâm từ thì anh chị càng thấy nó dễ dàng và tự nhiên hơn. Anh chị sẽ thấy khả năng yêu thương của mình ngày càng tăng dần, trái tim anh chị rộng mở, và cuối cùng anh chị cảm thấy mình là một với vạn vật chúng sinh.
Rodney nói:
- Tôi không thể tưởng tượng được cảm giác đó như thế nào.
Có một khoảng dừng. Nhà sư nhìn Rodney và nói:
- Chắc hẳn ông biết câu nói nổi tiếng của Henry Ford, nhưng tôi sẽ nhắc lại ra đây: “Có hai loại người trên đời – loại người nghĩ mình có thể làm được và loại người nghĩ mình không thể làm được”.
Nhà sư ngừng một chút rồi nói:
- Cả hai loại người đó đều đúng.
Sau một thoáng, tất cả chúng tôi cùng “ngộ” ra và cùng bật cười thật to.
Nhà sư tiếp tục:
- Đức Phật nói: “Suy nghĩ của chúng ta là người báo hiệu cho hành động của chúng ta”. Dĩ nhiên, ông có thể làm được. Hãy nghĩ là mình sẽ đạt được, nhưng đừng tham ái vào nó. – Thầy cười giòn và nói thêm.
Hãy tạo không gian trong trái tim và trong tâm của ông để cho phép nó xảy ra, rồi nó sẽ xảy ra thôi. Bài thực hành này rất hiệu quả, nếu ông cứ thực hiện. Mỗi lần từng bước một.
Một khoảng dừng. Sau đó, Gwyn lặng lẽ nói:
- Theo gu mẹ hiền rồi… hay tôi sẽ theo phong cách “bà ngoại” cũng nên…
Ồ, thật ngạc nhiên. Tôi nhìn dáng người mảnh khảnh và vẻ khả ái của chị, trông chị cứ như hay đi catwalk ở nhà chứ không phải ở nhà trẻ. Điều đó chứng tỏ thật sai lầm khi chỉ phán xét người khác qua vẻ bề ngoài.
Nhưng Gwyn vẫn đang nói:
- … tôi thấy thật hữu ích khi nghĩ những người khó chịu cũng giống như đứa trẻ bị tổn thương, bị ngược đãi, buồn khổ và sầu đau. Trong tâm mình, tôi nhìn thấy gương mặt họ và rất dễ muốn ôm họ vào lòng, vuốt ve họ, và “làm cho thế giới của họ tốt đẹp hơn” bằng cách thương yêu họ như yêu thương chính con mình đẻ ra.
Tương tự đối với thú vật. Tôi nhìn vào gương mặt nhỏ nhắn của chúng, thấy những con thú đau đớn, những con thú bị hành hạ, khổ sở, và tôi chỉ muốn ôm chúng, làm cho chúng vui lên, trao cho chúng tình yêu thương và xóa bỏ nỗi đau cho chúng.
Nhà sư nói:
- Cảm ơn cô đã chia sẻ điều này. Đó là cách nhìn nhận mọi việc thật êm ái, Gwyn à. Tôi nghĩ cô đã tìm thấy tâm từ đúng nghĩa.
Nhà sư ngừng lời, suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Hãy trở lại với câu chuyện băng thảo khấu và năm người, gồm bản thân anh chị, người tử tế giúp đỡ anh chị, người mà anh chị yêu thương, người bình thường đối với anh chị, người mà anh chị căm ghét hoặc khó gần. Giờ cô hãy nói cho tôi biết nào, Gwyn, cô chọn ai trong năm người này để nộp cho bọn cướp?
Im lặng. Gwyn nhìn xuống. Tất cả chúng tôi cùng chờ câu trả lời của cô. Có lẽ ai trong chúng tôi cũng vui mừng là mình không phải là người bị hỏi.
- Tôi e là tôi không thể trả lời câu hỏi này, – cuối cùng Gwyn trả lời sau một lúc im lặng thật lâu, – bởi vì tôi không thể chọn được ai trong số họ.
Nhà sư hỏi:
- Vậy là cô cũng không thể chọn chính mình đúng không? Bởi vì yêu bản thân là rất quan trọng?
Lại một khoảng dừng nữa. Tôi cảm thấy thông cảm cho Gwyn khi bị đặt vào tình thế này, nhưng sau một hồi, cô đáp rất bình tĩnh:
- Không phải. Xin lỗi. Rất là lạ, nhưng hình như tôi không thể phân biệt được giữa tôi và những người khác. Tất cả chúng tôi dường như là một; tôi yêu tất cả như nhau. Vì vậy tôi xin lỗi, tôi không thể trả lời câu hỏi của thầy.
Trông Gwyn rất buồn. Lại một quãng dừng, sau đó nhà sư mỉm cười rộng lượng và nói:
- Cảm ơn, Gwyn. Cô đã chọn rồi. Đó chính là câu trả lời của cô.
Gwyn nở nụ cười tươi rồi bật cười thành tiếng, khiến tất cả chúng tôi cùng cười theo. Nhà sư nói tiếp:
- Anh chị biết đấy, một khi anh chị đã thấm tâm từ, anh chị sẽ nhận ra tất cả chúng ta là một.
Anh chị sẽ biết mình thấm tâm từ khi anh chị có thể để người khác được là họ, cho dù anh chị không chấp thuận họ – hoặc họ không chấp thuận anh chị – và yêu thương họ đồng đều; khi anh chị mở rộng trái tim và chấp nhận tất cả mọi người; khi anh chị nghe được tin tốt lành của họ và vui mừng cho sự thành công của họ như thể đó là sự thành công của mình. Đó là cảm giác sung sướng nhất có thể tưởng tượng ra.
Anh chị có thể đo lường “mức tâm từ” của mình bằng những bài kiểm tra đơn giản này mà không cần đi vào rừng và đối mặt với một băng thảo khấu!
Hôm nay, chúng ta đã đi đến đích… cho dù ở mức độ nào. Chúng ta hãy kết thúc bằng bài Kinh tụng để tỏ lòng tôn kính đến Đức Phật.
Nhà sư hít một hơi, rồi giọng tụng Kinh trầm đặc của thầy phủ đầy căn phòng. Cả nhóm hòa theo như thường lệ từ tờ giấy ghi bài Kinh tụng. Tiếng tụng Kinh âm vang, lan tỏa rồi nhỏ dần.
Nhà sư nhẹ nhàng cúi đầu, hai tay chắp lại thành tư thế vái lạy, đưa lên đầu rồi đưa về tim. Thầy dừng lại, đôi mắt nhắm lại.
Chúng tôi vái lạy trả lễ, rồi cũng đặt cả hai tay lên tim mình. Cảm giác yên bình và lòng biết ơn ngập tràn khi chúng tôi ngồi im lặng vài phút. Sau đó, nhà sư ngước lên và mỉm cười.
Cả nhóm chuyển động lặng lẽ, mọi người bắt đầu thu dọn đồ đạc của mình, nói chuyện với nhau nhỏ nhẹ. Họ tìm giày, lấy giỏ xách và rời khỏi phòng “chánh điện”.
Tôi mở cửa trước ra, làn không khí mát rượi thổi qua hành lang. Trời sập tối. Mọi người ôm nhau thật chặt, cảm ơn nhau. Tiếng cười hòa lẫn trong niềm vui – rất nhiều tâm từ. Mấy anh nam giới xung phong giúp Robert kê trường kỷ và bàn ghế trở lại vị trí cũ.
Khi tất cả mọi người đã ra về, chỉ còn lại Robert, tôi và nhà sư. Tôi nói:
- Xin cảm ơn thầy rất nhiều. Đây là một khóa tu làm thay đổi cả cuộc đời. Tôi không biết nói lời cảm ơn sao cho hết.
Nhà sư mỉm cười nói ngắn gọn:
- Tôi rất vui.
Xong thầy cầm tô khất thực và đi ra xe cùng với Robert. Anh sẽ lái xe chở thầy về lại tu viện.
Tôi đứng ở cửa. Chắp hai tay lại trong tư thế vái lạy và hơi khẽ cúi đầu. Chiếc xe lăn bánh trên lối đi và hướng ra đường.
Tôi chầm chậm bước trở vào nhà, đi vào phòng khách. Ghế trường kỷ và đồ đạc đã ở vào vị trí cũ nhưng bàn thờ vẫn còn nguyên, vẫn còn đủ cả hoa và tượng Phật. Không khí buổi học hôm nay, sự yên bình và niềm vui còn vương vấn trong phòng – rất dễ chịu. Tôi ngồi một hồi trước bàn thờ và hít vào.
Một khóa tu mỹ mãn.
Ôn tập
• Thực hành Tứ Diệu Đế, bao gồm tâm từ và chánh niệm, sẽ dẫn tới hạnh phúc, tự do và yên bình. Đó là con đường hoằng pháp của Đức Phật. Ngài truyền dạy: “Không có con đường dẫn tới hạnh phúc mà hạnh phúc là con đường”.
• “Giác ngộ” có nghĩa là tự do thoát khỏi bể khổ, nhận thức đầy đủ những giáo huấn của Đức Phật. Đó là trạng thái ý thức về niềm an lạc, thấu hiểu, thuần khiết, chiếu sáng và hợp nhất với vạn vật chúng sinh; là điều mà bất kỳ ai cũng có thể tự cảm nhận và chiêm nghiệm cho bản thân bằng cách tuân thủ Tứ Diệu Đế.
• Tâm từ là thuốc giải tuyệt vời cho sự sợ hãi, tức giận, chán ghét, ghen tị, buồn phiền, bất an, lo lắng. Không sợ uống quá liều. Càng luyện tập rải tình yêu thương, ta càng cảm nhận nhiều tâm từ.
• Những gì ta cần để sống một cuộc đời hạnh phúc và đắc quả vị Niết bàn đều có thể viết trọn lên một tấm bưu ảnh. Nếu còn nghi ngờ gì, hãy trở về với Tứ Diệu Đế và nó sẽ không bao giờ làm ta thất vọng.
Lời kết
• Hãy tiếp tục luyện chánh niệm. Thực hiện “phút chánh niệm” bất kỳ lúc nào có thể trong ngày. Đưa chánh niệm thành một lối sống.
• Hành thiền mỗi ngày khoảng 20 hay 30 phút.
• Thường xuyên rải tâm từ khi kết thúc hoặc khi bắt đầu hành thiền. Luôn luôn rải tâm từ khi ta gặp vấn đề rắc rối với người khác. Đó là lộ trình làm giảm đau và chữa lành nhanh nhất, cho dù là với nỗi đau thể xác, tinh thần hay cảm xúc.
• Đi bộ hành thiền và hành thiền quét thân thể.
• Tận hưởng và biết ơn niềm hạnh phúc, tự do và bình yên mà ta trải nghiệm.