Thời tiết quả là thất thường. Sau đợt nóng đến chảy mỡ, đêm qua chúng tôi lại gặp cơn bão lớn và bây giờ thì mưa như trút nước. Mọi người tới buổi học đều vấy bùn, ướt sũng. Sam bị ướt nhiều nhất, mắt kính nhòe hơi nước, mái tóc màu cát nhỏ nước ròng ròng. Cậu ấy cất áo mưa vào phòng để đồ, tôi đưa cho cậu một chiếc khăn để lau mặt.
Tôi quyết định bật lò sưởi trung tâm lên. Tôi biết thế là điên rồ với tiết trời tháng 7, nhưng đây là nước Anh! Sam ngồi dựa lưng vào một trong những lò sưởi để hơ ấm.
Nhưng cho dù đã bật lò sưởi, tôi vẫn cảm thấy lạnh buốt. Tôi hỏi nhà sư xem chúng tôi có thể bắt đầu bằng tách trà hay không. Tôi không rõ nghiêm luật ở tu viện về điều này, nhưng dường như thầy thích ý kiến của tôi.
Thầy nói:
- Cô có thể đặt ấm nước lên chờ cho nó sôi trong khi chúng ta thực hiện nghi lễ bắt đầu; sau đó chúng ta vừa ôn lại nội dung bài học trước, vừa uống trà.
Vậy nên, chúng tôi cứ thế mà làm. Tôi lẹ làng ra khỏi phòng và đi vào bếp, có Maggie tự nguyện đi theo phụ giúp. Chúng tôi đun hai ấm điện đầy ắp, đổ nước khoảng một nửa cái chảo lớn nhất của nhà tôi, đi lùng tìm mấy gói trà và lấy hai cái khay lớn. Sau đó, chúng tôi trở vào phòng, lúc này cả nhóm đang ngồi yên lặng chờ chúng tôi.
Chúng tôi chắp tay đảnh lễ, cúi đầu chào nhà sư. Tôi đang học cách lạy nhưng vẫn chưa cảm thấy tự nhiên. Tôi biết rằng nghi lễ vái lạy là để tỏ lòng biết ơn giáo pháp và những bổn sư đã thực hành, lưu giữ và truyền lại cho hậu thế suốt bao nhiêu thế kỷ qua, chứ không phải là cúi lạy một Thượng đế nào đó. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy ngường ngượng.
Nhà sư chờ một hai phút cho chúng tôi im lặng, xong thầy thực hiện nghi lễ thông lệ – thắp nến, thắp nhang và chúng tôi mở đầu bằng một bài Kinh tụng. Dạo này tôi thích tụng Kinh lắm. Chúng tôi tụng bằng tiếng Pali, có bản dịch ghi song song trên tờ giấy, vì vậy chúng tôi cũng biết được nội dung mình đang tụng.
Tôi rất thích âm thanh của những con chữ được tụng lên, có cảm giác đồng nhất trong nhóm khi chúng tôi hòa giọng. Tôi cũng nhận ra việc tụng Kinh cũng rất hữu ích cho chánh niệm – hoàn toàn hòa làm một với âm thanh chúng tôi đang tụng hơn là với hơi thở. Tôi nghĩ mình muốn học tụng Kinh thêm nữa. Tôi nhớ mình đã đọc ở đâu đó cách đây nhiều năm danh ca Tina Turner nói rằng Đạo Phật, nhất là tụng Kinh, đã cứu vớt và chuyển hóa cuộc đời cô ấy. Bây giờ tôi bắt đầu hiểu lý do tại sao.
Khi bài Kinh tụng kết thúc, Maggie và tôi lặng lẽ trở vào bếp. Chúng tôi đặt ấm nước sôi và mấy gói trà đủ loại vào khay, cùng với ly dùng một lần rồi bỏ, có thêm cả sữa đậu nành và sữa bò.
Khi chúng tôi đi qua hành lang về phía “chánh điện”, tôi nghe tiếng chuyện trò ríu rít, và cả một tràng cười – giống như một bữa tiệc hơn là một lớp học hành thiền. Tôi tự hỏi họ đang nói về cái gì.
Tôi chủ ý đến mời nhà sư một tách trà vì biết rằng thầy không được phép tự lấy bất kỳ thứ gì trừ những thứ thầy được trao cho. Nhóm còn lại tự chọn thức uống họ thích, cùng với sự trợ giúp của Maggie.
Nhà sư mỉm cười nhìn quanh nhóm và nói:
- Chúng ta đang xem xét Bát Chánh Đạo, con đường để sống một đời hạnh phúc… hoặc cũng có thể được xem là “toa thuốc”. – Thầy cười lớn và nhìn bác sĩ Tim, làm vị bác sĩ cũng cười theo.
Thầy nói tiếp:
- Đúng vậy. Đó là toa thuốc giải phóng chúng ta khỏi đau đớn và bể khổ. Giống như quy trình khám bệnh của bác sĩ, bao gồm lời khuyên về chế độ ăn uống và cách sinh hoạt ngoài những biện pháp điều trị bệnh, thì những giáo huấn của Đức Phật thông qua Bát Chánh Đạo cũng vậy.
Như chúng ta đã khám phá, điều này bao trùm những lĩnh vực trong đời sống – tinh thần, thể xác và cảm xúc. Chúng ta cần tất cả những giáo lý này – chánh niệm và những chỉ giáo về cách sống như được mô tả trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, nhằm mang lại lợi ích trọn vẹn nhất.
Chúng ta cũng đã phân tích năm nguyên lý đầu tiên trong Bát Chánh Đạo – bao gồm những phẩm chất liên quan đến trí tuệ – chánh kiến và chánh tư duy; cùng những phẩm chất nối kết với đời sống – chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Hôm nay, chúng ta sẽ xét đến nhóm cuối cùng, những chi phần tương ứng với trái tim, những phẩm chất góp phần bình ổn cảm xúc của chúng ta, đó là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Tôi phải nhắc anh chị rằng mặc dù được đánh số thứ tự là thứ sáu, thứ bảy, thứ tám nhưng không có nghĩa là những phẩm chất này đóng vai trò ít quan trọng hơn những phẩm chất trước đó.
Như tôi nói lần trước, ở đây chúng ta không nghĩ theo đường thẳng. Tất cả phẩm chất đều hỗ trợ nhau. Thực hành nhóm cuối cùng này sẽ giúp chúng ta phát triển và ổn định tinh thần lẫn cảm xúc, giúp chúng ta chứng đắc Tuệ thật sự thông qua trải nghiệm của chính mình.
Nào, hôm nay chúng ta sẽ lần lượt xem xét chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Chánh tinh tấn
- Chánh tinh tấn nghĩa là gì? À, nó có nghĩa là hãy làm hết sức mình.
Nhà sư cười và nói:
- Chúng ta bắt đầu từ đâu nhỉ? Đức Phật truyền cho chúng ta những chỉ dẫn về điều này. Ngài thuyết pháp về bốn phạm trù của chánh tinh tấn, đó là:
- Phòng ngừa không cho những trạng thái tâm tiêu cực (như thèm muốn, căm ghét và ảo tưởng) nổi lên.
- Xả những tâm trạng đó khi chúng nổi lên.
- Tập trung vào những phẩm chất mà Đức Phật nhấn mạnh, như lòng nhân từ, sự rộng lượng và trí tuệ.
- Củng cố những phẩm chất mà chúng ta đã có.
Bây giờ, chúng ta xét phạm trù đầu tiên – “phòng ngừa không cho những trạng thái tâm tiêu cực nổi lên”; cùng với việc xả những tâm trạng mà chúng ta đang có, chúng ta trở về với những điều chúng ta đã học trong Chân lý Cao thượng thứ nhất và thứ hai. Nhận biết khi nào những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện… Rồi sao nữa? Chúng ta sẽ làm gì?
Nhà sư ngừng lời và nhìn khắp nhóm. Thầy chờ một chút, tất cả chúng tôi đều im lặng, sau đó thầy nói:
- Chúng ta trải nghiệm những ý nghĩ và cảm xúc bên trong mình; ta không cố thay đổi chúng. Ta để chúng đó… mà nhờ ta để chúng ở đó mà ta buông cho chúng đi. Nên nhớ: hãy quan sát chúng, để chúng đó và buông cho chúng đi.
Hãy để cho những ý nghĩ tiêu cực ra đi; hãy buông cho những tổn thương ra đi; hãy buông cho cơn tức giận ra đi. Anh chị có còn nhớ tích truyện về Đức Phật và người đàn ông tức giận không? Tương tự với sự lăng mạ, chúng không thuộc sở hữu của anh chị trừ phi anh chị nhận chúng, chúng vẫn thuộc về người trao chúng cho anh chị.
Trong bất kể trường hợp nào, anh chị đang làm tổn thương ai khi anh chị giận dữ, bực tức? Chắc chắn anh chị không gây tổn thương cho người khác hay làm thay đổi hoàn cảnh, mà anh chị đang làm đau chính mình. Đức Phật cũng luận về cơn giận dữ. Anh chị có biết lời trích dẫn ấy không?
Nhà sư dừng lại, không ai nói gì nên thầy tự trả lời:
- Đức Phật nói: “Níu giữ cơn tức giận giống như đang nắm cục than đỏ trên tay với ý định quăng vào người khác; chính ta là người bị bỏng”. Cảm giác bị lăng mạ về điều gì đó cũng giống như vậy. Chính anh chị mới là người bị đau.
Sự trả thù chẳng đưa anh chị đi tới đâu, mà chỉ khơi gợi thêm cơn nóng giận hay lời sỉ nhục.
Nhà sư dừng lời rồi lại nói:
- Những gì ta cần làm là dừng ngay vòng lẩn quẩn gây đau đớn đó lại. Có một con đường. Anh chị biết đó là gì không?
Không ai nói gì.
Thầy giải thích:
- Đó là tha thứ. Tha thứ là cảm xúc cứu rỗi đẹp nhất mà anh chị có thể cảm nhận. Khi anh chị bị tổn thương, hãy để vết thương đó trôi đi; hãy để cho trái tim anh chị trút sạch nỗi đau và sự thương tổn, để trống chỗ cho nó còn chứa sự tinh khiết và trong sáng của sự tha thứ.
Người biết tha thứ là người mạnh mẽ. Khi anh chị có thể tha thứ và cảm thấy trái tim mình chất đầy hương thơm của sự yên bình và niềm vui, vốn luôn theo sau sự tha thứ, thì anh chị là người mạnh mẽ vô ngần, là người cảm thấy an lành. Phải chi mà mọi người đều nhận ra điều này. Nếu tất cả mọi người đều biết tha thứ, thế giới sẽ được hàn gắn nhanh chóng.
Ed bình luận:
- Ồ, ước gì được như vậy! Quả là một quan điểm đơn giản.
Ôi, lạy trời. Lại là Ed, dường như anh luôn luôn thách thức nhà sư.
Nhà sư mỉm cười đáp:
- Toa thuốc… liều thuốc để có hòa bình, an vui, hạnh phúc cho cả cá nhân và thế giới rất đơn giản. Nhưng uống liều thuốc đó mới là vấn đề.
Thầy cười, suy nghĩ một thoáng, xong lại mỉm cười và nói:
- Có một tích truyện vui về điều này. Anh chị muốn nghe chứ?
Câu chuyện thế này. Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua già đi thăm một ẩn sĩ uyên bác. Ông này sống trong một cái hốc ở trên cây, như những người sống ẩn dật thời đó. Nhà vua nêu một câu hỏi: “Phần nào là quan trọng nhất trong những giáo huấn của Đức Phật?”.
Vị ẩn sĩ ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: “Không làm việc ác. Chỉ làm điều thiện. Thanh lọc trái tim”. Nhà vua, với địa vị đế vương của mình đã phải lặn lội một quãng đường khó nhọc mới tới được nơi khỉ ho cò gáy này, đinh ninh là sẽ được thọ giáo một bài pháp dài và thông tuệ. Ai ngờ… Không tin vào tai mình, nhà vua đỏ mặt tía tai gầm lên: “Đến một đứa trẻ ranh cũng hiểu điều đó!”.
Dừng một lát, vị ẩn sĩ mới đáp: “Đúng thế, nhưng thậm chí một ông già 80 tuổi cũng không thể làm được”.
Tất cả chúng tôi bật cười lớn, kể cả nhà sư. Thầy nói thêm:
- Có một điểm rất nghiêm túc ở đây. Về nhiều phương diện, giáo huấn của Đức Phật rất đơn giản. Nó rất đời thường, được soạn dành cho người bình thường – những người Đức Phật gặp hàng ngày – người nghèo, người ốm bệnh, người đau buồn, người chịu tang thương, người thất học, người không tiền bạc, người vô vọng. Chính vì vậy mà Ngài truyền giảng rất rõ ràng, dễ hiểu.
Nếu anh chị làm theo những giáo huấn của Đức Phật, ắt sẽ mang lại kết quả. Thật ra, nó đơn giản một cách dễ lầm lẫn, bởi vì càng luyện tập thì anh chị sẽ càng nhận ra nó thâm sâu biết bao.
Nhà sư dừng lời, vẻ đăm chiêu. Sau đó thầy nói:
- Điểm tôi đang làm sáng tỏ thì đơn giản, đơn giản đến mức đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể thực hành, nhưng chính anh chị là người cần làm. Hãy làm đi. Thực hành tạo nên điều khác biệt.
Hãy thực hành điều chúng ta vừa mới nhắc đến – chánh tinh tấn – bằng cách nỗ lực thật sự. Anh chị còn chờ đợi điều gì? Cuộc đời rất ngắn, mà nhu cầu thì lại lớn. Cứ làm thôi. Hãy thay đổi cuộc sống của anh chị. Mỗi một cuộc đời thay đổi tốt hơn thì cả thế giới sẽ thay đổi. Đó là hiển nhiên.
Cả phòng im lặng. Tôi nghĩ đây là lời nói đầy tính thuyết phục nhất mà tôi từng nghe từ nhà sư. Rõ ràng nó khiến tôi kiên quyết cố gắng hơn nữa. Rất dễ cho ta hoãn việc tu tập, để mọi thứ trượt đi vì “quá bận rộn”. Tôi sẽ quyết tâm nỗ lực hơn.
- Có nhiều điều cần nhớ quá. – Suzi bình luận.
Nhà sư hiền hòa nói:
- Đúng vậy. Tôi biết thế. Như chúng ta đã nói lần trước, nếu anh chị có ý định thật sự nghiêm túc, thì hành động sẽ theo sau.
- Tôi cũng thấy khó nhớ cho bằng hết. – Debbie nói.
Nhà sư đáp:
- Anh chị có nhớ lần trước tôi đã nói gì không? Một trong những điều cuốn hút tôi nhất ở Phật giáo Nguyên thủy là gì?
Không ai trả lời. Thầy đã nói nhiều điều nên tôi không thể nhớ chính xác thầy đang ngụ ý điều gì.
- Bưu ảnh? – Dan hỏi.
Nhà sư cười tươi, vui sướng công nhận:
- Đúng! Ngoài việc tôi thật sự thích nội dung của triết lý sống này, cái triết lý sống mà không ai có thể nhồi vào tôi, cái triết lý sống mà tự tôi kiểm chứng và khám phá hiệu lực của nó, thì một trong những điều hấp dẫn tôi về Phật giáo ngay từ ban đầu, và đến bây giờ vẫn vậy, đó là cốt tinh của toàn bộ giáo huấn đơn giản và súc tích đến nỗi ta có thể viết gọn trong một tấm bưu ảnh.
Suzi nói:
- Tôi nghĩ mình sẽ làm như thế. Có lẽ bản tính của một giáo viên trong tôi mách bảo phải làm vậy. Thể nào tôi cũng sẽ viết vào bưu ảnh rồi cất trong giỏ xách. Tôi sẽ làm hẳn một tấm poster Bát Chánh Đạo đem dán trong nhà bếp.
- Ý hay quá chừng! – Tôi thốt lên đầy phấn khích và hình dung trong đầu một tấm áp phích nhiều màu sắc bắt mắt.
Sam đề xuất:
- Hoặc ta có thể ghi vào máy tính, đồ điện tử gì đó. Đặt làm chế độ screensaver trên màn hình, hay cài đặt trong điện thoại.
Nhà sư cười hiền lành và tán thưởng:
- Những ý kiến xuất sắc! Anh chị cứ thế mà thực hiện. Đưa giáo huấn vào thực tiễn trong từng khoảnh khắc. Anh chị càng thực hiện sẽ càng dễ thấy và rồi nó sẽ trở thành thói quen của anh chị.
Suzi nói:
- Người ta nói nếu mình luyện tập cái gì đó liên tục trong ba tuần thì nó sẽ trở thành thói quen, sau đó cứ thế mà tiếp tục.
Nhà sư đáp:
- Tôi không chắc về quãng thời gian ba tuần, với lại tôi sẽ không ấn định thời gian. Cứ thực hiện thôi, từng chút một. Lập chủ đích hẳn hoi. Hãy bước đi bước đầu tiên, sau đó chỉ việc bước tiếp.
Nhớ thực hành rải tâm từ. Tử tế với chính mình. Hãy tìm ra những cách hỗ trợ bản thân luyện tập. Tổ chức lối sống cho anh chị dễ tuân thủ Bát Chánh Đạo. Hãy thực tế. Tránh xa những thứ khiến anh chị khó tuân thủ giới luật. Đó là những gì chúng tôi tu tập trong tu viện.
Ed hỏi:
- Vậy chẳng phải là gian lận sao? Liệu có dễ thực hiện hơn khi không có những cám dỗ hiện diện?
Nhà sư cười lớn:
- Không, Ed à. Không dễ chút nào, nhất là lúc ban đầu. Nhưng tất cả tùy thuộc vào việc anh chị muốn dùng năng lượng của mình như thế nào. Nếu anh chị muốn dùng nó để chiến đấu chống lại những cám dỗ quanh mình, thì nó sẽ là thế. Nhưng nếu anh chị muốn dùng năng lượng của mình vào việc khác (để kiếm sống, để hành thiền, để yên vui), thế thì hãy hỗ trợ bản thân bằng cách gìn giữ cho môi trường xung quanh mình trong sạch, tránh xa những thứ có thể khơi gợi năm kẻ thù (thèm muốn, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu).
Nhưng hãy trở lại với nội dung chúng ta đang bàn, thói quen hình thành mỗi ngày. Hãy xem cách người ta bỏ thuốc lá. Đó là sự kết hợp giữa chủ ý và điều mà chúng ta đang luận tới: nỗ lực – chánh tinh tấn. Nếu không có thuốc lá ở trước mặt thì sẽ dễ dàng không hút thuốc. Đó là thực tế.
Chúng ta đã nói đủ về nỗ lực rồi. Giờ chúng ta hãy qua một phẩm chất nữa nào, một chi phần áp chót: chánh niệm.
Chánh niệm
- Bây giờ chúng ta lại trở về với chánh niệm, phẩm chất đầu tiên được nhắc tới khi chúng ta bắt đầu khóa tu này. Nó cũng chính là một trong hai trụ cột của hệ thống giáo lý Phật giáo - chánh niệm và tâm từ.
Chúng ta cũng sẽ trở lại với tâm từ, nhưng giờ thì hãy xem xét chánh niệm. Từ lúc bắt đầu khóa tu, chúng ta đã học về chánh niệm, và tôi biết nhiều người trong số anh chị đang thực hành chánh niệm, cả trong hành thiền lẫn trong nếp sống hàng ngày. Bây giờ, chúng ta nhắc lại phẩm chất này dưới góc độ của Bát Chánh Đạo.
Một quãng dừng, sau đó Maurice hỏi:
- Có phải Bát Chánh Đạo nhắc lại ba Chân lý Cao thượng đầu tiên không?
Nhà sư đáp:
- Về phương diện nào đó tôi cho là đúng. Như tôi đã nói, Bát Chánh Đạo bao gồm tất cả, do đó nó cũng bao gồm luôn ba Chân lý Cao thượng đầu tiên. Nó cũng tập trung xoáy mạnh vào việc chúng ta có thể đưa ba Chân lý Cao thượng đầu tiên vào cuộc sống hàng ngày của mình, khi chúng ta bước ra khỏi chiếu hành thiền để hòa mình vào cuộc sống thế tục.
Nhà sư nghĩ một hồi rồi nói:
- Anh chị thấy nó tương tác và gắn kết tất cả với nhau như thế nào – tất cả khớp với nhau một cách hoàn hảo. Trong thực tế, anh chị chỉ cần một nửa tấm bưu ảnh là đã đủ để ghi lại, một khi trong đầu anh chị cứ suy ngẫm về nó… Đúng thế, chỉ cần một mặt tấm bưu ảnh thôi. – Thầy cười lớn. – Chúng ta hãy tự nhắc lại xem chánh niệm là gì nào.
Nhà sư hỏi:
- Có anh chị nào muốn nói về trải nghiệm chánh niệm của mình không?
Thầy nhìn quanh nhóm, tôi tự hỏi liệu có ai đủ dũng cảm để chia sẻ không thì Suzi cất tiếng, hơi ngập ngừng:
- Chánh niệm có nghĩa là hướng sự chú ý của ta vào khoảnh khắc hiện tại, đúng không?
Nhà sư xác nhận:
- Đúng rồi. Vào ngay lúc này. Chánh niệm là nhận thức những gì chúng ta đang trải nghiệm tại khoảnh khắc này, tại giây phút này về những gì đang xảy ra xung quanh, về thân thể và về hơi thở của ta.
Nikki hỏi:
- Chánh niệm là tập trung vào những gì đang diễn ra ngay lúc này, phải không?
Nhà sư đáp:
- Đúng vậy. Chỉ việc nhận biết, chấp nhận, để nó đó mà không bình luận, phán xét, ao ước, hay so sánh với bất kỳ thứ gì. Đó là sự nhận biết khi nào ta bị kẹt vào mạng lưới chằng chịt những ý nghĩ, để rồi cứ đơn giản đưa chính mình trở về hơi thở, về với tất cả những gì đang ở khoảnh khắc hiện tại.
Sam nói:
- Việc đó rất thường hay xảy ra với tôi. Ý tôi là việc bị kẹt trong mạng lưới những ý nghĩ. Tôi nghĩ mình còn phải đi một con đường rất dài.
Tiếng lầm rầm đồng ý lan tỏa khắp các thành viên trong nhóm.
Nhà sư nói:
- Đúng là cần tốn công luyện tập. Như bất kỳ kỹ năng mới nào khác mà anh chị đang rèn, anh chị cần có chủ đích thực hiện nó và cần quyết tâm. Nếu quyết tâm, anh chị sẽ thấy nó dần trở nên tự nhiên hơn. Hãy luôn nhận biết những gì đang diễn ra và đưa tâm trở về khoảnh khắc hiện tại.
Lại một khoảng dừng. Gwyn nhận xét:
- Điều tôi thấy rất hữu ích về chánh niệm là ta có thể thực hiện lúc nào cũng được. Bất kể khi nào ta nhớ về nó, chẳng hạn như khi ta rửa chén, làm việc trước máy tính, đi bộ trên vỉa hè, chờ xe buýt hoặc đứng xếp hàng.
Nhà sư tán thành:
- Đúng vậy. Nó có thể trở thành góc hoạt động thường nhật trong cuộc sống của chúng ta, góp phần tạo nên ta là ai. Càng chánh niệm, chúng ta càng trải nghiệm hạnh phúc, tự do và yên bình nội tại. Đây là điều mà ai cũng sớm trải nghiệm được khi thực hành chánh niệm. Nó khích lệ chúng ta kiên trì thực hiện.
Nhà sư nhìn quanh nhóm. Tất cả chúng tôi im lặng, có lẽ đang tự hỏi cần thực tập chánh niệm trong bao lâu thì nó mới trở thành thói quen, và đang quyết tâm nỗ lực hơn nữa.
Nhà sư hỏi lại:
- Có ai hỏi gì về chánh niệm nữa không?
Khi không ai đáp, thầy nói:
- Thế thì chúng ta hãy cùng nhau chuyển qua chi phần cuối cùng – chánh định.
Chánh định
- Chánh định nghĩa là gì? Đó là sự tập trung. Chánh định động viên, khuyến khích ta hãy tiếp tục chánh niệm và hành thiền. Chánh định củng cố sự quyết tâm thực hành tất cả những phẩm chất trong Bát Chánh Đạo. Chánh định có nghĩa là giữ cho tâm và trí tuệ của chúng ta tập trung vào những gì chúng ta đang làm.
Nhà sư ngừng lời. Chúng tôi im lặng. Cố đưa tâm vào những điểm mốc quan trọng trong lời giảng của thầy, sau đó Debbie trầm ngâm nói:
- Đôi lúc rất khó tập trung, đúng không nào? Tôi thấy việc tập trung thật là cam go. Nhiều thứ làm ta xao lãng quá.
Joan đồng ý:
- Đúng thế, nhất là khi có Internet, rồi Twitter, mấy thứ “kết nối” gì gì đó. Có quá nhiều thứ làm ta xao lãng đến nỗi thật khó tập trung, nhất là đối với những người trẻ.
Nhà sư đồng tình:
- Đúng vậy. Chánh định còn có ý nghĩa sâu xa hơn thế. Có chút giống như chủ đích một điều gì đó. Chúng ta cần đặt mình vào nếp tư duy chín chắn, nhất là cần lắng tâm, đừng để nó bị ngắt quãng hay bị quấy rầy bởi những hoàn cảnh hay dòng suy nghĩ. Như vậy ta sẽ làm được.
Nhà sư suy tư một lúc rồi nói tiếp:
- Đức Phật đã chỉ đích xác và mô tả rõ ràng những thái độ của tâm gây trở ngại cho việc tập trung và chánh niệm. Ngài lập danh sách và gọi chúng là Năm Triền Cái.
Trước khi thầy giảng tiếp thì Suzi xen ngang vào bình luận:
- Đức Phật rất ngưỡng mộ những con số! Nào là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Giới, còn giờ thì đến Năm Triền Cái.
Nhà sư bật cười:
- Ố, chúng ta thậm chí vẫn chưa bắt đầu đâu. Còn nhiều, nhiều con số lắm: Tam Bảo, Ngũ Uẩn, Thập Hạnh Ba-la-mật(9), Mười Kiết Sử(10), Thập Nhị Nhân Duyên v.v… Rồi còn nhiều con số để phân loại chánh pháp nữa.
(9) Thập Hạnh Ba-la-mật của Ðức Phật: xuất gia, tinh tấn, từ tâm, chí nguyện, trí tuệ, trì giới, kiên nhẫn, xả tâm, chân thật, bố thí.
(10) Mười Kiết Sử là: thân kiến (sakkàya-ditthi), hoài nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (silabata-paràmàsa), tham đắm vào cõi dục (kàma-ràga), sân hận (vyàpàda), tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga), tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga), mạn (màna), trạo cử vi tế (uddhacca), si vi tế (avijjà).
Anh chị cần nhớ rằng Đức Phật đã thuyết Pháp cách đây hơn 2.500 năm trong một khu rừng ở phía Bắc Ấn Độ, không có gì để ghi chép lại. Vì vậy, Ngài truyền dạy theo cách dễ nhớ: những con số, phân nhóm, điệp âm và vô số sự lặp lại. Đó là cách những giáo huấn của Ngài được truyền lưu suốt hai hay ba thế kỷ, cho đến khi được biên ra.
Đó cũng là cách chúng ta hấp thụ trực tiếp những giáo lý tinh túy từ Đức Phật, cứ như thể Ngài đang giảng Pháp ngay trước mặt chúng ta ngày nay.
Nhà sư nói tiếp:
- Nhưng chúng ta không cần phức tạp hóa. Như tôi đã nói ngay từ đầu khóa tu này, Tứ Diệu Đế bao gồm tất cả những chỉ giáo chúng ta cần trong cuộc sống. Tuy nhiên, còn nhiều khái niệm kinh điển khác rất hữu ích cho chúng ta chiêm nghiệm ở một mức độ nào đó, để khai sáng sự phát triển của mình hoặc của đời sống nói chung. Năm Triền Cái mà tôi vừa nhắc qua là một điển hình. Chúng hợp lại thành một nhóm đối tượng gây cản trở hoặc ách tắc sự phát triển của chúng ta.
Tôi nhắc tên Năm Triền Cái ra đây nhằm đáp ứng mối quan tâm của anh chị, rồi anh chị có thể tự tìm hiểu sâu hơn. Năm Triền Cái đó là:
- Tham dục – thèm muốn tìm khoái lạc cho năm giác quan
- Sân hận – giận dữ và tất cả những cảm xúc tà ý, thù ghét
- Hôn trầm – trạng thái chán nản và thờ ơ với những gì ta đang làm, Đức Phật nhắc tới trạng thái này là “uể oải”.
- Trạo cử – bất an và lo lắng không yên
- Hoài nghi – thiếu tin tưởng hoặc thiếu lòng tin cậy
Để thực hành chánh định, chúng ta cần thủ tiêu năm chướng ngại vật này bất kỳ khi nào chúng nổi lên.
Tim hỏi:
- Chúng ta làm điều đó bằng cách nào?
Nhà sư đáp:
- Như tôi đã nói, tất cả bắt đầu bằng tư duy – chủ đích. Hãy sử dụng ý chí để chủ đích rằng anh chị có khả năng tập trung. Tư duy là sức mạnh, như chúng ta đã bàn rồi. Nhưng việc biết rõ Năm Triền Cái có thể khiến chúng ta điêu đứng như thế nào sẽ giúp anh chị sắp xếp cuộc đời mình sao cho thoát khỏi chúng càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn như, khi anh chị muốn hành thiền và tập trung, hãy tránh để những thứ kích thích tham ái xung quanh mình, hoặc tương tự, làm dấy lên sự thù ghét trong anh chị.
Suzi nói:
- Ồ phải rồi. Điều đó đối với tôi có nghĩa là không bật ti vi hay radio nghe tin tức… hoặc thậm chí đừng có đọc báo nhiều bởi vì nó luôn khiến ta chán ghét những chính trị gia – như vậy chẳng tốt cho sự tập trung của tôi chút nào.
Tất cả mọi người cùng cười lớn.
Nhà sư nói:
- Cũng đúng, cũng đúng. Tôi thì bảo đảm không khuyên anh chị đừng nghe tin tức trước khi hành thiền hay trước khi đi ngủ.
Hãy ý thức tính nhạy cảm của tâm và những cảm xúc đối với thế giới bên ngoài. Hãy tạo cho mình một môi trường điềm tĩnh, đầy yêu thương và hòa hợp nhất có thể. Điều này giúp anh chị tìm thấy an bình nội tại.
Và hãy luôn nhớ đưa tâm trở về với khoảnh khắc hiện tại. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu anh chị phát triển được khả năng đó – hãy tin tôi đi, anh chị có thể làm được, tất cả mọi người đều làm được – thì anh chị có thể yên bình ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, bất kỳ chốn nào, anh chị không cần phụ thuộc vào những hoàn cảnh ngoại hiện.
Cho dù việc gì đang diễn ra bên ngoài, anh chị luôn kiểm soát được “thời tiết nội tại”, như chúng ta đã cùng nhau bàn luận suốt khóa tu này. Nhưng thật tốt khi anh chị vừa có an bình nội tại vừa có an nhiên ngoại hiện. Như mọi thứ, yên bình bên ngoài giúp anh chị dễ dàng tìm thấy an lạc bên trong, cũng như chánh định thật sự.
Ed giơ tay lên.
- Nào, Ed? – Nhà sư hỏi, nở nụ cười hiền lành với anh.
Ed hơi đỏ mặt. Thật khác xa với Ed hay bỡn cợt và có phần xấc xược thích đối mặt với nhà sư. Vẻ mặt anh lúc này hơi tái và có phần lưu tâm.
Anh nói hơi ngắc ngứ:
- Vấn đề của tôi là hay nổi giận. Tôi thấy mình rất dễ nổi trận lôi đình. Tôi nhận ra như thế là đi ngược lại với những giáo huấn của Đức Phật, và kể từ khi tham gia khóa tu này tôi đã trở nên ý thức hơn về nó và tôi rất muốn biết làm cách nào để trừ khử nó.
Nhà sư mỉm cười.
- Tôi hiểu về cơn giận dữ. Đó cũng là thứ tôi thường phải đấu tranh. Cuộc sống trong tu viện không hề tách bạch chúng tôi khỏi những cảm xúc giận dữ hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác, như là chán ghét, ghen tị, sợ hãi v.v… như anh biết đấy.
Tất cả chúng ta đều nếm trải những cảm xúc đó là vì chúng thuộc về bản chất con người. Nhưng câu hỏi của anh rất thú vị. Hãy để ý lời anh nói rằng anh rất dễ nổi trận lôi đình. Vấn đề của anh là hay nổi giận. Làm cách nào để trừ khử nó. Đó cũng là điều tất cả chúng ta đều muốn – trừ khử những cảm xúc xấu. Vậy, anh chị làm gì?
Việc đầu tiên cần làm là loại bỏ “cái tôi” ra khỏi hoàn cảnh. Thay vì nói: “Tôi tức giận”, và nghĩ về nó như là “Vấn đề của tôi”, hãy nói: “Có tồn tại sự tức giận”. Hãy trở thành người quan sát cơn tức giận đó… anh chị còn nhớ không? Điều đó khiến anh chị cảm thấy thế nào? Hãy ý thức đặt một khoảng trống giữa anh chị và cơn tức giận. Anh chị không hề sở hữu nó – nó không là vật sở hữu của anh chị; nó đơn giản là cơn giận dữ.
Bản chất của con người là trải nghiệm cơn giận dữ; nó thuộc về phần trạng thái của con người. Nhưng bằng cách nhận biết cơn giận dữ, bằng cách nói với chính mình: “Có tồn tại cơn giận dữ”, chúng ta đang đồng thời làm hai việc: thứ nhất, chúng ta đang thừa nhận là có cơn giận dữ ở đó, chúng ta không vừa nghiến răng nghiến lợi vừa nói: “Giận dữ hả? Ý mi nói giận dữ là sao? Tôi đâu có giận dữ”. Chúng ta công nhận cơn giận dữ; và thứ hai, chúng ta hóa giải việc cá nhân hóa cơn giận dữ. Chúng ta đặt ra khoảng cách giữa mình và nó; chúng ta nhìn nó và trở nên tách xa khỏi nó.
Khi chúng ta đang đồng thời làm hai việc – thừa nhận cơn giận dữ và không cá nhân hóa nó – chúng ta ngay lập tức cảm thấy yên bình hơn. Thay vì bị bắt giữ hoàn toàn trong một cảm xúc mà chúng ta không kiểm soát được, chúng ta thấy mình ở vị trí là người quan sát cơn giận dữ đó.
Sau đó, chúng ta cần giữ cho sự quan sát được trong sạch. Nhìn cơn giận dữ mà không tô trét thêm lớp ngoài nào lên bề mặt của cơn giận, kiểu như đổ thừa do người khác gây nên cơn giận dữ cho mình, hay đổ lỗi cho chính mình và cảm thấy tội lỗi vì mình đã nổi giận.
Cứ tập trung vào việc “có tồn tại cơn giận dữ” – hoặc “có tồn tại bể khổ”, nếu anh chị thích nói như thế hơn. Hãy cảm nhận nó bên trong anh chị, nhưng hãy để nó đó. Anh chị thậm chí có thể áp dụng mẹo của thầy Ajahn Sumedho và nói: “Chào mi, cơn giận dữ à”. Nếu anh chị bền chí với phương pháp này, anh chị sẽ đạt tới trạng thái có thể nói lời chào với cơn giận, rồi cảm nhận nó tan đi. Cảm giác có sức mạnh và kiểm soát được cơn giận thì thật là sung sướng, dễ chịu!
Ed âu sầu nói:
- Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra cách làm đó.
Nhà sư hăng hái đáp:
- Đúng là nó sẽ thành hiện thực nếu anh đưa nó vào thực hành. Hãy bắt đầu thực hiện với cơn bực bội nho nhỏ, để tạo cho mình thói quen đón chào cơn tức giận lớn hơn, cũng như những cảm xúc khó chịu khác. Phương pháp này hữu hiệu với tất cả những cảm xúc tiêu cực, rồi anh chị sẽ thấy. Yên bình sẽ tới.
Mọi cảm xúc đều là phù du. Chúng đến rồi đi. Cơn giận nổi lên như ánh đèn flash, rồi nó cũng trôi đi nhanh chóng. Cơn giận giống như một đám mây đen bão tố, hoặc như một ánh chớp, thời tiết bão bùng ập vào khung cảnh nội tại của anh chị, như bất kỳ loại thời tiết nào khác, nó lại đi qua. Tất cả những cơn bão và mây đen tăm tối rồi sẽ tan. Trạng thái tự nhiên bên trong chúng ta là nắng rực rỡ. Luôn nhớ, kiểu gì mặt trời cũng lại hiện ra.
Khi chúng ta cảm thấy giận dữ, hoặc bất kỳ cảm xúc nào khác nổi lên, hãy cố dừng lại đủ lâu để cho phép mình quan sát nó. Đừng để nó đẩy anh chị vào lời nói và hành động tức thời. Hít thở ít nhất một hơi thật sâu… và nếu anh chị có thể thực hành thiền chánh niệm thì càng tốt.
- Hoặc anh chị có thể đếm đến mười, giống như con bé Nan nhà tôi nó bảo với tôi như vậy. – Debbie đề xuất.
Pam giơ tay lên, nhà sư mời cô phát biểu. Cô nói:
- Đập gối hay bỏ ra ngoài rồi hét lên thật to cũng rất hữu ích, phải không?
Nhà sư đáp:
- Ta chỉ cảm thấy dịu đi vào lúc ấy mà thôi. Thà đập gối còn hơn là nện ai đó hoặc đá con chó, nhưng thật ra anh chị đang khuyến khích cơn giận khi làm như thế.
Để có được yên bình và tự do nội tại, anh chị cần trải nghiệm hết các giai đoạn mà tôi vừa mô tả: tự mình thừa nhận cơn giận, quan sát cơn giận mà không nảy sinh ý nghĩ đổ lỗi hay cảm thấy tội lỗi, sau đó anh chị thấy mình có thể chấp nhận nó, để nó đó và buông cho nó đi luôn.
Đừng cố gắng tống khứ nó đi. Nếu anh chị làm như tôi mô tả, nó sẽ tự tan biến đúng quy trình của nó. Mỗi lần những cái nút này được ấn là mỗi lần cơn giận sẽ buông anh chị ra nhiều hơn.
Nikki trông có vẻ hoài nghi. Cô nói:
- Tôi thật sự căm ghét mình vì hay nổi giận.
Nhà sư từ tốn đáp:
- Làm như thế lại trét thêm một lớp đau đớn khác lên bề mặt cơn giận. Nó đang tra tấn anh chị. Hãy cứ tập trung vào cơn giận bên trong anh chị. Công nhận nó; đón chào nó nếu có thể và để nó đó. Dừng ngay tất cả những ý nghĩ đổ lỗi và mặc cảm tội lỗi. Hãy bao dung, chấp nhận chính mình và cơn giận của mình. Rải cho chính mình – và cho cả cơn giận – một ít tâm từ.
Nhà sư dừng lời, sau đó lại tiếp:
- Điều đó gợi nhắc tôi về một tích truyện cổ xưa trong Phật pháp về con quỷ ăn cơn giận dữ. Anh chị có muốn nghe không?
Cả nhóm đồng thanh xác nhận.
Nhà sư kể:
- Con quỷ này sống là nhờ ăn cơn giận dữ; khi nó sống giữa loài người, nó luôn luôn được cung cấp thức ăn phủ phê.
Cả nhóm cùng cười to.
Nhà sư kể tiếp:
- Cứ mỗi lần nó thiếu thức ăn là nó châm chích con người, khiến họ làm những điều mà khuấy động cơn tức ở người khác và gây ra chiến tranh. Một ngày kia, nó kiêu ngạo đến mức nó nghĩ mình có thể thay đổi khẩu vị ăn uống, thế là nó dùng phép thuật đưa mình đến vương quốc của những vị thần, xông vào cung điện của Sakka, chúa tể của các vị thần.
Tình cờ lúc đó Sakka không có mặt tại cung điện, vì vậy con quỷ ngang nhiên đi thẳng vào và ngồi chễm chệ trên ngai vàng của chúa tể.
Khi các vị thần bước vào đại điện, và phát hiện con quỷ đang ngồi đó, họ không thể tin vào mắt mình. Họ la hét mắng nhiếc con quỷ, họ nguyền rủa và chửi bới con quỷ, la thét đuổi nó ra khỏi ngai vàng và cút khỏi cung điện. Nhưng con quỷ đang tống tọng vào mình tất cả những cơn tức giận đó, nó càng lúc càng phình to ra. Các vị thần không biết phải làm gì.
Thế rồi, đột nhiên, chúa tể Sakka trở về. Ngài rất thông thái, anh minh và vô cùng điềm tĩnh – rõ ràng là Ngài đã nhận định được tình hình và biết ngay quy trình đối phó với cơn giận dữ mà chúng ta đang bàn đến trong ngày hôm nay.
“Chào mi, bạn hiền!”, Ngài nói với con quỷ, trong khi những thuộc hạ của Ngài trố mắt ra nhìn, sững sờ và thất kinh. “Hy vọng là mi cảm thấy thoải mái. Mi có cần gì thêm ở đây không? Ta rót rượu cho mi uống nhé? Mi thích gì?”.
Chúa tể Sakka tiếp tục nói chuyện với con quỷ theo cách tử tế và hân hoan đón chào nó. Trong khi Ngài làm thế thì con quỷ cứ teo dần, teo dần đi. Nó cứ nhỏ dần, nhỏ dần và nhỏ đến mức vị chúa tể có thể bốc nó lên và đem vứt nó ra khỏi cung điện.
Nhà sư cười và bình luận:
- Tôi thường nghĩ đến tích truyện đó mỗi khi tôi nổi giận. Nó chứng minh rõ ràng rằng cơn giận tự cung cấp thức ăn cho nó. Cơn giận sinh ra cơn giận. Nhưng khi chúng ta tự đem cho mình một ít tình yêu thương và lòng tử tế, thì cơn giận bắt đầu teo đi.
Thế đấy! Chúng ta mất cả hành trình dài dòng, quanh co để nói lời tử tế và yêu thương với bản thân. Vì vậy, hãy chấp nhận cơn tức giận; bày tỏ tình yêu với chính mình, vì tình yêu sẽ chữa lành nỗi đau – vốn sinh ra cơn tức giận. Rồi anh chị sẽ thấy cơn tức giận teo nhỏ lại và biến mất.
Im lặng bao trùm khi cả nhóm suy ngẫm điều này, sau đó Debbie hỏi:
- Điều xảy ra với sự trầm cảm cũng vậy phải không? Tôi nghe nói rằng hành thiền Chánh niệm có thể giúp giảm nhẹ trầm cảm.
Nhà sư đáp:
- Đúng vậy. Hành thiền Chánh niệm đã chứng tỏ là rất hữu hiệu. Ngồi nhắm mắt lại, tập trung vào hơi thở đi vào và đi ra… hít vào, thở ra. Nhận biết thân thể của anh chị; trở lại với hơi thở đẹp, chữa lành; và khi những suy nghĩ nổi lên, hãy để chúng đi… tất cả đều mang lại lợi ích.
Thực hiện như vậy khoảng 20 phút một ngày trong vòng 8 tuần được chứng minh là sẽ làm giảm những triệu chứng trầm cảm. Một trong những thách thức về trầm cảm là chúng ta có khuynh hướng ủ ê, cứ tua đi tua lại mấy ý nghĩ trong đầu. Vậy, tu rèn cho bản thân trở về với hơi thở sẽ tạo ra những khoảng trống trong đầu chúng ta. Nó sẽ giúp chúng ta trở thành người quan sát, hơn là bị rơi vào mớ bòng bong những suy nghĩ tiêu cực.
Ta bắt đầu thấy rằng ta không phải là những suy nghĩ đó; ta bắt đầu tìm thấy không gian bên trong mình. Càng quan sát hơi thở thì những khoảng không đó càng rộng hơn, càng chứa nhiều tự do và yên bình bên trong. Rồi mặt trời bắt đầu xuyên qua những đám mây.
Nhà sư ngừng lời, nhìn khắp nhóm, rồi giảng tiếp:
- Anh chị biết đấy, con quỷ có thể ăn nỗi trầm cảm theo cách giống hệt như nó ăn cơn giận dữ. Ở đây tôi đang dùng hình ảnh ẩn dụ, dĩ nhiên trầm cảm – thật ra là bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào – cũng có khuynh hướng tự cung cấp “thức ăn” và sẽ tăng kích thước.
Và cũng giống như của chúa tể Sakka, giải pháp ở đây là tình yêu thương. Anh chị không thể có quá nhiều tình yêu thương, cho nên hãy tử tế và dịu dàng với chính mình. Hãy đối xử với bản thân giống như chúa tể Sakka đối xử với con quỷ giận dữ; quan sát thấy cơn giận dữ, nỗi trầm cảm hay bất kỳ nỗi đau khổ nào đang teo quắt lại cho tới khi anh chị cầm được nó lên. Sau đó để cho gió thổi bay nó đi, giống như làn khói thuốc.
Nhà sư nhìn khắp nhóm. Mọi người đều thư giãn và mỉm cười. Bầu không khí thân thiện và ấm áp hiện hữu giữa chúng tôi. Thầy cười thoải mái và nói:
- Chúng ta đã xem xét hết Tứ Diệu Đế, bao gồm từng phẩm chất trong Bát Chánh Đạo – giấy thông hành lên thiên đường, lên cõi Niết bàn.
Rodney đáp lại:
- Ôi không, tôi nghĩ nó còn hơn cả tấm bản đồ chỉ đường nữa.
Robert tiếp lời:
- Hoặc cẩm nang hướng dẫn cách sống. Phải chi tất cả chúng ta khi sinh ra đều có một bản.
Nhà sư đáp:
- Thực tế là chúng ta có đấy chứ, nhưng rủi thay chúng ta không nhận ra. Và cho đến lúc chúng ta đủ lớn để hiểu nó thì chúng ta đã đánh mất phần nhiều thông điệp trong đó rồi.
- Ý thầy là sao? – Pam hỏi, trông rất thắc mắc.
- Nó nằm ở đây. – Thầy vừa nói vừa áp tay vào tim. – Khi chúng ta còn nhỏ, những khối tòa bản ngã của chúng ta chưa định hình, vì vậy chúng ta rất dễ tiếp cận trạng thái thuần khiết, vui tươi, kết nối thân mật với tất cả những sinh vật sống. Đó là trạng thái tự nhiên của chúng ta. Chúng ta dễ dàng mở lòng và tin cậy, cũng như chúng ta rất tự phát trong cách hành động và phản ứng. Chúng ta làm theo tiếng nói nội tại, tiếng nói ấy thúc giục chúng ta yêu thương và tử tế.
Nếu được những bậc cha mẹ thông thái và tinh nhạy khuyến khích, chúng ta có thể giữ cho kênh này mở rộng lâu hơn, nhưng hầu hết chúng ta đều sớm đánh mất hướng tiếp cận trái tim rộng mở này khi chúng ta học cách bảo vệ mình khỏi bị đau đớn bằng cách xây dựng nên bản ngã.
Debbie nói:
- Nghe hay quá. Thầy có thể nói kỹ hơn cho chúng tôi biết về cách nuôi dạy con cái như thế nào không?
- Đây là một câu hỏi lớn! – Nhà sư cười và đáp. – Bằng cách tìm thấy cốt lõi yên bình của anh chị và sống theo Tứ Diệu Đế, anh chị đã trang bị cho con cái một khởi đầu tuyệt vời trong cuộc sống.
Trẻ con hấp thụ môi trường và hoàn cảnh xung quanh chúng hệt như miếng bọt biển vậy, và không gì tốt cho đứa trẻ hơn là được nuôi dạy dưới một mái nhà có hiện hữu sự yên bình, tình yêu và có một bộ quy tắc đạo đức chỉ cho chúng cách sống không gây đau khổ cho chính mình và cho người khác.
Do vậy, hãy dành thời gian lắng nghe con trẻ. Hãy ở bên cạnh chúng – lắng nghe nỗi sợ hãi, niềm hy vọng, những vấn đề của chúng… mà không phán xét. Như vậy sẽ khai phóng biết dường nào? Con trẻ sẽ sẵn sàng trút cả trái tim mà không sợ bị chỉ trích hoặc bị buộc phải làm gì. Chúng cảm thấy an toàn trong tình yêu thương của ta.
Nhà sư ngừng lại.
- Lắng nghe… và tình yêu thương. Hãy suy nghĩ điều này. Đó là câu thần chú cho mọi mối quan hệ, đúng không?
Anh chị biết đấy, – thầy tư lự, – tin vào con trẻ… nhìn thấu nỗi đau khổ của con cái, thấy được tiềm năng trong chúng, nhìn ra bản thể cao quý của chúng, và khuyến khích chúng nhìn thấy điều đó, để giúp chúng tin tưởng vào bản thân… như thế sẽ hữu ích hơn nhiều so với việc thể hiện sự thương cảm và trắc ẩn. Nói những câu đại loại như: “Ôi, tội nghiệp con quá. Mẹ lấy làm tiếc”… chỉ càng khơi gợi quan điểm tiêu cực, đúng không?
Hãy giúp con cái tin tưởng vào bản thân, làm hết sức của mình. Ta làm điều đó bằng cách nhìn vào bên trong chúng, nhận ra xem chúng muốn gì và muốn đạt điều gì, đối xử với chúng như thể chúng đã đạt được điều ấy rồi. Niềm tin vào ai đó luôn có sức mạnh vô biên.
Nhà sư ngừng lời một chút rồi nói tiếp:
- Chúng ta có thể làm điều này với tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ với con cái mình. Suy nghĩ có sức mạnh vô cùng. Chúng ta hãy sử dụng nó một cách tích cực.
- Dạy hành thiền cho con trẻ thì có tốt hay không? – Nikki hỏi.
- Chánh niệm là một món quà vi diệu để dạy cho trẻ nhỏ. – Nhà sư đáp.
- Trẻ nhỏ cũng có thể chánh niệm trong khi làm những việc đơn giản hàng ngày như đánh răng. Nhưng đừng tạo ra bầu không khí nặng nề. Đừng xem đó là bổn phận. Một lần nữa, con trẻ sẽ lấy chúng ta làm gương. Nếu anh chị thực hành chánh niệm thường xuyên, bọn trẻ sẽ bắt chước làm theo.
Hãy dạy cho trẻ nhận biết hơi thở của chúng – thậm chí là đếm nhịp khi chúng hít vào, thở ra.
Ôm con trẻ sát vào người anh chị, để chúng hòa cùng nhịp thở với anh chị trong khi nghĩ tới sự yên bình và chữa lành. Đó có thể là một cách tuyệt vời để giới thiệu cho con biết về hành thiền và về thế giới nội tại.
Cùng đi bộ hành thiền với con cũng là biện pháp hữu ích, nhất là khi con đang tức giận, lo lắng hay bực bội. Cầm tay con và bước đi cùng với con, giẫm chân thật chắc xuống mặt đất. Giữ cho con hít vào và thở ra đều đặn – như vậy sẽ giúp chúng bình tĩnh và vui lên.
Nhà sư ngừng nói, trầm ngâm một lát rồi nói thêm:
- Thật hữu ích cho con trẻ khi chúng biết rằng đôi khi chúng có thể cảm thấy buồn rầu và sợ hãi, cô đơn hay nổi giận, vì những điều đó là bình thường. Trẻ có thể học cách xử lý những cảm xúc này bằng cách nhận biết cảm xúc, cứ để cảm xúc là như thế và thậm chí đón chào cảm xúc.
Khi một đứa trẻ, hay bất kỳ ai, cảm thấy buồn phiền hoặc tức giận, ta rất dễ bị “cám dỗ” mà nói rằng: “Nào, nào, sẽ ổn thôi”, hoặc buông lời ngọt ngào với chúng để “mọi sự rồi sẽ tốt hơn”. Sẽ hiệu quả hơn nhiều khi ta khuyến khích trẻ hãy cảm nhận những cảm xúc đó, chấp nhận chúng và để chúng đó… y hệt như cách ta đang học làm. Sau đó, trẻ có thể để cho những cảm xúc ra đi, còn hơn là cố dán giấy lên vết nứt và xây bờ kè để đẩy việc xử lý nỗi đau cho tương lai.
Khi thực hành chánh niệm, có vài điều chúng ta cần cảnh giác. Một là, ta có xu hướng ra sức hành thiền và cố xóa sạch nỗi sầu khổ ra khỏi tâm của mình; tự gây xao lãng bằng cách ăn, uống, thậm chí “tẩy xóa” nó bằng cách nghĩ về “những suy nghĩ chữa lành” – làm bất cứ điều gì để tẩy trừ nó ra khỏi tâm. Đây cũng là hành động dán giấy vào vết nứt, hầu như chẳng có tác dụng gì.
Nếu trung thực, nhận biết và chấp nhận “có tồn tại bể khổ” thì sẽ tốt hơn nhiều. Hãy nhìn vào nó và hiểu nó là gì. Luôn luôn có tham ái dây dắt, cho nên cần xoáy vào nó trong tâm của anh chị cho đến khi anh chị nhận ra loại tham ái ẩn bên dưới làm nền cho nó. Sau đó anh chị sẽ cảm thấy áp lực bên trong được phóng thích, rồi quy trình buông bỏ sẽ tự đi vào guồng. Hãy chấp nhận rằng quá trình buông bỏ đang diễn ra.
Nhà sư ngừng một lúc để tập hợp những suy nghĩ của thầy lại, rồi nói thêm:
- Nhưng dĩ nhiên đừng bám víu vào kết quả. Đó là rào cản thứ hai – tham ái đối với kết quả. Chúng ta luôn muốn hàn gắn mọi sự, đúng không? Nhưng nếu chúng ta để chúng ở đó – dâng nộp chúng cho vũ trụ, cho dòng đời – thì tự động chúng sẽ được xử lý.
Hãy chấp nhận mọi thứ và mọi người như là chính họ. Không cố thay đổi hay chỉnh sửa bất kỳ cái gì. Khi buông bỏ và để mọi sự ở đó, ta cho phép vũ trụ chỉ cho ta cái gì được dành cho mình trong kiếp đời này.
Rodney nói:
- Tôi thấy điều đó thật là cam go và đầy thách thức.
- Đồ luôn luôn muốn kiểm soát – đúng thật là ông! – Tiếng người vợ vừa trêu chọc vừa cười to.
Rodney im bặt.
Nhà sư nói một cách hiền hòa:
- Tôi biết. Chỉ cần thực hành thôi. Đó là một sự thay đổi lớn lao – từ cách suy nghĩ về sự việc, từ cách chúng ta đặt điều kiện sống cho cuộc đời mình. Nhưng hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt: chấp nhận những điều nhỏ nhặt về bản thân. Chấp nhận rằng có nhiều thứ trên đời này ta không thay đổi được, như là tội phạm, tình trạng nợ công v.v… Anh chị biết đấy, những điều nhỏ nhặt thôi mà. – Nhà sư bông đùa.
- Rồi anh chị sẽ thấy sự chấp nhận nhanh chóng trở thành một trạng thái của tâm. Rodney, ông sẽ ngạc nhiên về tác động của điều này lên “thời tiết nội tại” của chính ông.
Không sầu não về tình hình thế giới sẽ mang lại sự yên bình nội tại. Điều này sẽ giúp ta chấp nhận những sự việc đang diễn ra trong cuộc đời mình. Từng chút một, yên bình sẽ tới.
Nhà sư dừng một chút rồi nói tiếp:
- Chúng ta hãy trở lại với chuyện con trẻ chút nào. Tôi nghĩ hình ảnh ẩn dụ “thời tiết nội tại” có thể hữu hiệu đối với trẻ. Chúng có thể nhận ra khi nào thì những đám mây – thậm chí cả cơn bão – xuất hiện, và hiểu rằng nếu kiên nhẫn chờ thì mặt trời sẽ lại chiếu sáng. Không bao giờ là quá sớm để học cách chịu trách nhiệm về “thời tiết nội tại”.
Chúng ta dạy trẻ bằng tình thương yêu và chấp nhận, chứ không phải bằng cách chỉ trích hay tạo áp lực cho trẻ phải khác với bản chất của chúng. Chúng ta đang nhìn trẻ như là một con người hoàn hảo, đáng yêu như chính chúng là.
Trong nhóm có tiếng thốt lên ngạc nhiên:
- Trời đất, thầy phải gặp bọn khủng bố nhà tôi đi rồi biết. – Ed nói.
Tất cả cùng bật cười, nhưng nhà sư vẫn nghiêm nghị.
- Không, tôi nói nghiêm túc đấy. Đó là nguyên tắc của các mối quan hệ. Chúng ta nhìn thông qua bản ngã, ngôi nhà được xây nên để bảo vệ chúng ta chống lại nỗi đau đớn và sầu khổ trên trần thế – “cung nỏ và mũi tên cho số mệnh may rủi”, như lời của Shakespeare. Chúng ta thấy tình yêu nằm ở cốt lõi và hy vọng về điều-có-thể-xảy-ra. Chúng ta giúp trẻ phát huy tiềm năng thật sự của chúng bằng cách yêu thương và tin tưởng chúng.
Chúng ta có thể làm tương tự với bất kỳ mối quan hệ nào, bất kỳ người nào. Khi ta càng liên hệ mật thiết với cốt lõi nội tại của mình, ta sẽ mở lòng với cốt lõi nội tại của người khác. Ta nhìn thấy bên dưới bản ngã, xuyên qua lớp óc-khôi-hài tự vệ, lớp sương-gió phong trần và lớp bí-ẩn ngầu đời, hay sự bất nhất, nỗi sợ hãi, sự thất vọng… những thứ dẫn tới việc tạo dựng nên cấu trúc bản ngã.
Và ta yêu những gì ta hiểu thấu tận tim về họ, bởi vì ta biết, trong sâu thẳm, họ là ta và ta là họ. Tất cả chúng ta đều là những bọt sóng li ti trong cùng một biển đời.
Im lặng tràn về. Nhà sư ngừng một chút rồi hỏi:
- Anh chị có hiểu không? Anh chị nắm được điều đó chứ?
Không ai nói gì, nên nhà sư giảng tiếp:
- Khi ta thật lòng tuân thủ Tứ Diệu Đế, khi ta nghĩ về bể khổ, ta nhận ra rằng cho dù ta là ai, cho dù ta ở nơi nào, tất cả chúng ta đều phải trải nghiệm như thế. Shakespeare đã đề cập đến điều này trong vở The Merchant of Venice (Người lái buôn thành Venice). Anh chị còn nhớ không? Tôi đã học lời thoại của Shylock ở trường phổ thông, và đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
“Ta là người Do Thái. Người Do Thái không có mắt sao? Người Do Thái không có bàn tay, không có tim gan, không có đường hướng, các giác quan, tình cảm, đam mê sao; ăn cùng thứ thực phẩm; cùng bị thương bởi gươm giáo; cùng chịu bệnh tật, cũng được chữa khỏi bằng cùng liệu pháp, cũng lạnh buốt vào mùa đông và ấm áp trong mùa hè, có hệt như người Cơ Đốc giáo không? Nếu các ngươi đâm bọn ta, bọn ta không chảy máu chắc? Nếu các ngươi cù bọn ta, há bọn ta không bật cười chắc? Nếu các ngươi chuốc thuốc độc bọn ta, há bọn ta không chết chắc? Còn nếu các ngươi sai trái với bọn ta, há bọn ta không trả thù? Nếu bọn ta giống các ngươi ở những thứ như thế, thì bọn ta cũng sẽ giống các ngươi ở những thứ còn lại.”
Bản chất thật của chúng ta nằm bên dưới khối bản ngã về chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, diện mạo bên ngoài. Đó là sự thật về chúng ta, tinh thần/linh hồn an ngự bên trong, thuộc về đại dương vô bờ bến mà trong đó mỗi cá nhân là một gợn sóng lăn tăn hoặc giọt nước. Khi anh chị nhìn dưới góc độ như thế thì việc tử tế, yêu thương và chấp nhận người khác sẽ không khó. Và khi ta hành xử với người khác giống như ta muốn người khác đối xử với mình, họ cũng đối xử với ta như thế, bởi vì tất cả chúng ta là một.
Nhà sư ngừng lời, sau đó nhìn Suzi và trầm ngâm nói:
- Có lẽ những điều tôi vừa mô tả là một ví dụ tốt cho cô về cách vận hành của nghiệp.
Lời thầy lại đưa tôi trở về những ký ức xa xưa, từ thời thơ ấu – mẹ tôi đọc cho tôi nghe cuốn The Water Babies của Charles Kingsley. Tôi không chịu nổi câu chuyện đó, bởi vì nó khiến tôi cảm thấy buồn thảm, nhưng trong sách có một điều luôn luôn đọng lại trong tôi đó là ví dụ về “bà cô uốn nắn ta” với thông điệp là hãy đối xử với người khác như cách ta muốn được đối xử. Thành thật mà nói, tại sao chúng ta không làm như thế?
Cả nhóm vẫn im lặng. Có lẽ một số người, giống như tôi, đang ngẫm nghĩ về những góc thơ ấu của họ, ước gì mình có được xuất phát điểm trong đời giống như nhà sư mô tả.
Nhà sư mỉm cười với chúng tôi:
- Điều đó cần thời gian thẩm thấu. Anh chị có gì hỏi nữa không?
Tôi đang lấn cấn một điều, rồi tôi bỗng nghĩ đến danh ca Tina Turner – cô ấy bảo rằng tiếng tụng Kinh niệm Phật đã xoa dịu cô ấy. Tôi ngần ngừ. Nhà sư nhìn vào mắt tôi.
- Cô có điều muốn hỏi phải không Rose? – Thầy hỏi.
Tôi nói:
- Chỉ một điều nhỏ thôi. Đôi khi trong quá khứ tôi hay dùng câu niệm chú để hành thiền, nên tôi tự hỏi thầy nghĩ gì về điều này?
Nhà sư mỉm cười và đáp:
- Câu niệm chú – đó là một từ hay một cụm từ chúng ta lặp đi lặp lại trong khi hành thiền, niệm thầm hoặc nói to lên – có thể là một công cụ đắc lực trong hành thiền và có lúc chúng tôi cũng sử dụng trong Phật giáo Nguyên thủy.
Chúng tôi thường lặp lại từ “Buddho”, được sư phụ Ajahn Sumedho giới thiệu, nhất là khi tâm chúng tôi đang “hiếu động”. Thầy nhắc nhở rằng khi niệm “Buddho”, chúng tôi hướng tâm tới hình tượng “Đức Thế Tôn”, để tâm được thanh tịnh và khai sáng. Chúng tôi thỉnh gọi tinh thần đầy khích lệ của Đức Thế Tôn, chứ không thỉnh mời Ngài với tâm thế là một con người.
Chúng tôi kết hợp câu niệm “Buddho”, hoặc bất kỳ từ nào chúng tôi chọn, với hơi thở của mình. Khi hít vào, chúng tôi niệm “Bud”; và khi thở ra, chúng tôi niệm “dho”. Pháp này đặc biệt hữu ích khi đi bộ hành thiền để giữ nhịp thở hòa với nhịp chân chuyển động.
Chúng tôi vận năng lượng của câu niệm “Buddho” để giữ cho tâm trong sáng và giúp chúng tôi nối kết với cốt lõi nội tại thanh khiết của mình – tinh thần của Đức Thế Tôn trong chính con người mình. Giờ chúng ta cùng luyện bài thiền niệm này một cách đầy nhiệt huyết nào. “Bud”, “Dho”. – Nhà sư vận sức hô lên thật mạnh mẽ, giọng trầm bổng. – Bây giờ anh chị hãy thực hành thiền niệm để kết thúc buổi học hôm nay.
Chúng tôi cục cựa một chút, rồi an vị trở lại. Chúng tôi đã sẵn sàng.
Bài luyện thiền niệm “Buddho”
Nhẹ nhàng hít vào thở ra vài hơi chánh niệm, cảm nhận hơi thở đi vào qua lỗ mũi, sau đó lại đi ra thật êm.
Sau vài hơi thở, hãy đọc thầm “Bud” khi hít vào, và “Dho” khi thở ra.
Hãy để hơi thở, hít vào hoặc thở ra, hòa cùng âm thanh của từ niệm. Cảm nhận hơi thở sáng bừng lên khi âm thanh của từ niệm đi vào thân thể. Giữ hơi thở đều…
Khi đã sẵn sàng, hãy kết thúc bằng cách rải tâm từ cho chính mình. Nói to: “Tôi mạnh khỏe. Tôi hạnh phúc. Tôi an toàn và tôi thoát khỏi mọi tai ương”.
Sau đó, rải tâm từ đến mọi chúng sinh. “Tất cả chúng sinh mạnh khỏe. Tất cả chúng sinh hạnh phúc. Tất cả chúng sinh an toàn và tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi tai ương”.
Một bầu không khí an lành hiện hữu trong căn phòng. Chúng tôi ngồi yên lặng thêm vài phút nữa, sau đó chúng tôi cùng nhau tụng bài Kinh kết thúc như thường lệ. Chúng tôi bắt đầu đổi thế, nhẹ nhàng đứng lên, rồi lẳng lặng thu dọn đồ đạc của mình.
Ôn tập
• Nhóm phẩm chất cuối cùng trong Bát Chánh Đạo là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
• Đức Phật truyền dạy rằng có bốn phạm trù trong chánh tinh tấn. Đó là:
- Phòng ngừa những trạng thái tâm tiêu cực như thèm muốn, căm ghét và ảo tưởng nổi lên.
- Giải phóng những tâm trạng đó khi chúng nổi lên.
- Tập trung vào những phẩm chất “kỹ năng” như lòng nhân từ, sự rộng lượng và trí tuệ.
- Củng cố những phẩm chất “kỹ năng” mà ta có.
• Chánh niệm có nghĩa là tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Đó là nhận thức những gì ta đang trải nghiệm ngay lúc này về môi trường xung quanh, về thân thể và hơi thở của ta. Chỉ nhận biết, chấp nhận và để nó đó mà không bình luận, chỉ trích, phán xét, ước ao hay so sánh.
• Chánh định là kiên định thực hành những phẩm chất của Bát Chánh Đạo, giữ cho tâm và tư duy tập trung vào điều ta đang làm.
• Hãy tư duy có chủ đích, chánh niệm và sự tập trung là tất cả những gì cần thiết, cộng với nỗ lực nữa.
Ứng dụng
• Hãy nghĩ về những cách bổ trợ cho bản thân trong việc thực hành. Tổ chức, sắp xếp cuộc sống để tạo điều kiện cho bản thân tuân thủ Bát Chánh Đạo.
• Hãy thực tế. Tránh xa những thứ gây khó khăn cho việc thực hành những nghiêm luật. Hãy tử tế với bản thân.
• Tiếp tục thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như, ta có thể chánh niệm trong khi đang tắm, khi đang làm việc bên máy tính, hoặc khi đi bộ trên vỉa hè.
• Hành thiền mỗi ngày khoảng 20 phút.
- Thực hành rải tâm từ vào cuối mỗi lần hành thiền, bắt đầu với chính mình như thường lệ, sau đó đến những người bổn mạng của ta, rồi đến những người mà ta yêu thương, cuối cùng là đến những người trung lập đối với ta. Tự nói với chính mình: “Tôi an toàn. Tôi hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh và tôi thanh thản”. Hình dung ra những người bổn mạng của ta rồi nói: “Cô an toàn. Cô hạnh phúc. Cô khỏe mạnh và cô thanh thản”. Cứ thế, tiếp tục mường tượng ra những người trung lập với ta và nói “Ông an toàn. Ông hạnh phúc. Ông khỏe mạnh và ông thanh thản”.