Tôi đang ngồi trong phòng “chánh điện” cùng với hầu hết những người trong nhóm, chờ một hay hai người cuối cùng đến.
Nhà sư cũng đã có mặt, dáng ngồi thẳng, phong thái thanh thản, yên bình.
Mọi người im lặng ngồi vào chỗ của mình, ai nấy rạng ngời, thư thái. Bầu không khí thân tình, ấm áp.
Tôi cảm thấy vui mừng khi gặp lại mọi người, trở lại với không gian hành thiền lặng lẽ này. Tôi không thể không đối chiếu cảm xúc của mình lúc này với những gì tôi cảm nhận cách đây vài tuần, khi nhóm mới gặp nhau. Lúc ấy tôi cảm thấy căng thẳng, phập phồng lo lắng, và co cụm tự vệ đến mức suýt nghiến răng lại.
Thật lạ kỳ, ban đầu tôi chấp nhận tham gia là vì yêu Robert, nhưng giờ tôi lại thấy nó thật sự hữu ích cho tôi. Bây giờ tôi điềm tĩnh hơn, tự do hơn, thoải mái trong lòng hơn, và dễ chịu với bản thân hơn – ừm, hạnh phúc hơn. Xin lỗi, tôi không thể không dùng từ “hạnh phúc”.
Tôi mỉm cười một mình trước ý nghĩ rằng đây có lẽ là một ví dụ về nghiệp (karma) tốt như người ta nói tới: Ta làm điều tử tế thì ta sẽ nhận lại điều tử tế. Tôi nhớ đã đọc trong sách của phong trào Kỷ nguyên mới rằng nghiệp tốt trở lại nhân lên gấp mười lần. Nhưng ai biết? Với lại ai mà đếm cơ chứ? Nếu ta làm điều tử tế chỉ để nhằm nhận được nghiệp tốt thì có được tính không?
Tôi tổ chức khóa tu này ngay tại nhà mình không phải để tạo nghiệp tốt – ý nghĩ đó chưa bao giờ có trong đầu tôi. Bất kể cái gì kích thích cho ý nghĩ ấy hiện ra, có lẽ đó là từ lời giảng của nhà sư rằng ta không thể có sẵn quá nhiều tâm từ, quá nhiều lòng nhân từ trong cuộc đời. Có nhiều khi ta phải viện đến những động lực xốc vác ta tạo thói quen làm điều tử tế, và luyện cho “cơ bắp yêu thương” hoạt động.
Tôi đang cảm thấy vui sướng một cách ngô nghê thì nhà sư thắp nến, sau đó thắp nhang. Nhìn làn khói cuộn lên theo hình xoáy trôn ốc, tôi cảm thấy thoải mái hơn với nghi lễ đơn giản này. Tôi vốn yêu hương và khói nhang, còn giờ thì tôi thích những lời Kinh ngắn hơn dù tôi không hiểu, bởi vì bài Kinh tụng bằng tiếng Pali.
Phải chăng người ta ướp cái gì đó vào cây nhang, kiểu như ma túy gây hạnh phúc. – Tôi mỉm cười một mình. – Ồ, ta phải bình tâm tĩnh trí lại nào, đó là điều quan trọng đối với ta. May thay, tiếng nói của nhà sư đưa tôi trở về thực tại, ý thức về các giác quan của mình.
Nhà sư nói:
- Hân hoan chào đón mọi người. Anh chị thế nào rồi? Anh chị bước những bước đầu tiên của cuộc hành trình trên đạo lộ Bát Chánh Đạo ra sao? Anh chị có muốn hỏi gì không?
Im lặng. Tôi tự hỏi hay là những người còn lại trong nhóm cũng đang trải qua buổi chiều Chủ nhật ngái ngủ như tôi?
Nhà sư nói sau một chút chờ đợi.
- Nào, chúng ta hãy ngồi thẳng lên. Anh chị có thể hỏi tôi bất kỳ lúc nào có câu hỏi bật ra.
Chúng ta ôn lại nhé. Lần trước chúng ta nói đến Chân lý Cao thượng thứ tư của Đức Phật, gọi là Bát Chánh Đạo, con đường Ngài đã đi qua trở thành tấm bản đồ chỉ dẫn chúng ta suốt cuộc đời. Đây là chỉ giáo của Ngài về phương cách sống trên trần thế nhằm hỗ trợ việc tu tập sức mạnh nội tại – chánh niệm, tâm từ và hành thiền – rồi những hoạt động đó lại bổ trợ và củng cố sức mạnh cho chúng ta trong cuộc sống thường nhật.
Điểm tổng thể trong những giáo huấn của Đức Phật là nhằm hướng chúng ta đến con đường thoát khỏi bể khổ, để ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay bây giờ. Anh chị còn nhớ điều gì thôi thúc Đức Phật bắt đầu sứ mệnh này không?
Nhà sư dừng một chút, nhìn khắp phòng. Rồi không đợi chúng tôi kịp có thời gian bình tâm và nghĩ đến câu trả lời thì thầy nói tiếp:
- Đó là sự choáng váng khi Ngài nhìn thấy cảnh khổ, đúng không? Dẫu được bảo bọc trong cuộc sống vương giả, Ngài vẫn trốn khỏi cung điện để vào thị trấn và chứng kiến nhiều cảnh sống của người dân bình thường: đau đớn, tuổi già, bệnh tật và cái chết.
“Như Lai giảng về bể khổ và con đường diệt khổ, đó là tất cả những gì Như Lai dạy”, Ngài nói như vậy, anh chị còn nhớ không? Và giáo huấn đó rất đơn giản nhưng bao trùm tất cả, bao gồm cách rèn luyện sức mạnh nội tại (chánh niệm, tâm từ, hành thiền), cũng như sức mạnh ngoại hiện (lối sống của ta trên thế giới này). Có thể gọi đó như là một công thức trọn gói; một công thức chế biến món ăn, – thầy nhìn tôi, – hay như anh có thể gọi đó là toa thuốc, – thầy vừa nói vừa nhìn bác sĩ Tim.
Cả nhóm cùng cười. Tôi hơi đỏ mặt. Mặc dù tôi vô cùng hạnh phúc khi đứng trước hơn 300 người để trình diễn nấu ăn, hoặc dạy nấu ăn trước máy quay phim, nhưng tôi thật sự mắc cỡ… và thật sự không thích lắm khi được thầy nêu tên hẳn hoi thế này.
“Đây là điều mình phải rèn luyện”, tôi nghĩ. “Tại sao mình lại không thích… bị nêu tên riêng ra vậy?”. Tôi nghĩ một phút và khám phá ra nỗi sợ hãi nằm đằng sau sự việc – sợ làm người khác thất vọng. Thế là tôi nhận ra chính xác nguồn gốc của nỗi sợ đó xuất phát từ đâu.
Như tôi đã nói, bà nội tôi là một nhà ngoại cảm – một bà đồng chính trực rất được trọng vọng vào thời của bà – mang sứ mạng truyền đạt thông điệp có chứng cứ rõ ràng đến những người bị mất người thân trong hai cuộc thế chiến. Cha tôi không bị mất người thân trong chiến tranh, nhưng tôi không bao giờ quên những gì cha tôi nói với tôi, cũng là những gì bà nội nói với cha tôi sau khi ông nội, một nông dân vùng Yorkshire Dales, mất.
Bà nội nói với cha tôi rằng: “Hồi mẹ lấy cha của con, ông có một con chó chăn cừu luôn theo bên mình. Ông cho mẹ xem một chiếc đồng hồ và nói ông rất mãn nguyện khi trao lại chiếc đồng hồ này cho con”.
Cha tôi thừa nhận, đúng là cha đã thừa kế chiếc đồng hồ yêu quý từ ông nội, và nó có ý nghĩa rất lớn đối với cha. Bà nội dừng một lát rồi nói tiếp: “Nhưng ông ấy cũng nói ông ấy có ‘một chiếc đồng hồ khác’ luôn ở bên ông, và bảo rồi con sẽ hiểu ý ông ấy là gì khi nói vậy. Ông ấy còn bảo khi ông ấy về với cõi linh hồn, đồng hồ kia đang ở đó, chờ ông. Mẹ xin lỗi, mẹ không hiểu ý ông ấy là gì”.
Nhưng cha tôi thì hiểu. Nước mắt lăn xuống gương mặt cha. “‘Watch’ là tên con chó của con, đã chết khi con còn nhỏ… con chó mà con yêu quý vô cùng”, cha tôi bật cười rồi bật khóc cùng lúc. “Đó là con chó chăn cừu mà mẹ hay thấy ở bên cha con đấy”.
Cổ họng tôi bỗng nghẹn cứng khi nghĩ về câu chuyện này.
Nhưng tôi đã đi quá xa. Như tôi nói từ trước, chính món quà tinh thần từ ông nội đã dẫn dắt bà nội tôi trở thành người trung gian nối kết với thế giới tâm linh – bà thành lập dòng phái và xây dựng nên trung tâm thờ phụng, nơi tôi lớn lên, cũng là nơi cho mọi người lui tới để học về những vấn đề tâm linh và thiền. Tất cả chúng tôi chung sống tại trung tâm truyền giáo. Rất nhiều người giàu có và những người có địa vị thời ấy hay lui tới viếng thăm trung tâm, kể cả những nhà quý tộc, nhà văn và những sĩ quan cấp cao trong quân đội.
Bà tôi hoạch định và điều hành trung tâm hoạt động đến hết đời bà, sau đó truyền lại cho gia đình. Mặc dù bà là một phụ nữ bình dân về nhiều phương diện, nhưng bà được khách khứa tôn kính, họ đến từ khắp nơi trên thế giới. “Gia đình”, như chúng tôi gọi, cũng được đối xử tương tự và mỗi người đều thừa hành bổn phận của mình.
Chúng tôi phải chuẩn bị cho “công việc tương lai” của mình, đó là những bài học diễn thuyết trước công chúng mỗi sáng thứ Bảy, để chúng tôi rèn khả năng nói chuyện mạch lạc trước mọi người (trong khi tôi thích học cưỡi ngựa hơn), và chúng tôi được mong chờ phải luôn luôn ngoan ngoãn, cư xử tốt. Một trong những lời dặn dò ưa thích nhất của mẹ tôi là “người được cho nhiều thì được kỳ vọng nhiều”. Chúng tôi không có nhiều tiền, nhưng chúng tôi rất được yêu mến. Tôi cố gắng hòa mình vào môi trường chan hòa và bầu không khí tâm linh ấy.
Tôi lớn lên như thế. Từ lúc nhỏ xíu… kể từ khi tôi biết nhớ… Chị tôi và tôi phải mặc áo choàng lễ đẹp nhất để ra “gặp và chào” tất cả mọi người, từng người của mỗi khóa tu. Những tấm hình đen trắng còn lưu lại hình ảnh chúng tôi hồi nhỏ xíu, lúc 5 tuổi, 6 tuổi, rồi 7 hay 8 tuổi, đứng tạo dáng chung với những thành viên của các nhóm tu – những tấm hình hồi thập niên 1950.
Như mọi người có thể tưởng tượng, chúng tôi không thích thú những cuộc viếng thăm này cho lắm – được người ta nhìn ngắm, được nựng nịu, được nói chuyện với họ, và có khi được ôm ấp bởi những người mà tôi không quen biết, những người tôn sùng bà nội tôi là bậc thánh. Đột nhiên, tôi bất thình lình nhận ra, đó chính là lý do tại sao ngày hôm nay tôi lại cảm thấy sợ hãi. Bởi vì tôi sợ người ta sẽ thất vọng về tôi khi họ gặp tôi. Trong tim tôi, bé gái nhỏ xíu, tôi biết mình không thể sống trọn vẹn kỳ vọng của người lớn. Julia Roberts đã đúc kết cảm xúc của tôi một cách đẹp đẽ trong bộ phim tôi ưa thích nhất, Notting Hill, trong đó cô đóng vai một người nổi tiếng chuyên thốt ra những lời nặng ký: “Tôi chỉ là một cô gái bình thường… mong ước được yêu thương…”. Ôi, với tiếng đàn violin phụ họa.
Buồn cười là mặc dù tôi đã bỏ lại cuộc đời đó đằng sau khi tôi rời khỏi trung tâm truyền giáo, sống cuộc đời do tôi tự tạo dựng cho mình, sau đó trở thành người viết sách dạy nấu ăn, một cách vô thức, tôi đã thể hiện mình trong diện mạo tương tự như người của công chúng – ký tặng sách, hướng dẫn nấu ăn.
Bất cứ khi nào xuất hiện trước đám đông, tôi đều lo sợ làm mọi người thất vọng, và trong nhiều năm, hồi còn trẻ hơn bây giờ, tôi đã từng lo lắng mọi người sẽ thất vọng khi họ nếm thức ăn của tôi, bởi vì tôi được mệnh danh là “nữ hoàng đồ chay”, và mọi người đặt kỳ vọng vào tôi rất nhiều.
Nó luôn khiến tôi nghĩ tới câu nói của Marilyn Monroe: “Đàn ông kỳ vọng vào tôi kinh khủng, và tôi không đáp ứng được kỳ vọng đó. Họ đinh ninh rằng chuông sẽ rung và còi sẽ huýt, nhưng giải phẫu học cơ thể của tôi cũng giống như mọi phụ nữ khác. Tôi không thể đáp ứng được họ”. Tôi có cảm giác giống Marilyn ở điểm người ta quá kỳ vọng vào khả năng nấu nướng của tôi.
Bất thình lình, giọng nhà sư cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi. Thầy đang giảng:
- Vậy nên, “công thức cuộc sống” và “toa thuốc hạnh phúc” của Đức Phật gồm ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, giúp chúng ta hiểu bể khổ và cách thoát khỏi nó, cộng thêm Chân lý Cao thượng thứ tư, trong đó chúng ta được hỗ trợ bằng lối sống tu luyện chánh niệm và sức mạnh nội tại – con đường dẫn tới hạnh phúc, nếu anh chị muốn gọi như thế.
Con đường này có tám nguyên lý, phân thành ba nhóm, tương ứng với tâm, thân và cảm xúc. Lần trước, chúng ta đã xem xét những nguyên lý về tinh thần: chánh kiến và chánh tư duy. Hôm nay chúng ta sẽ sang đến nhóm thứ hai, những nguyên lý “hành động” tương ứng với thân.
Trong nhóm này, chúng ta có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Đôi khi được mô tả như là “giới luật” hoặc “tư cách đạo đức” – sila trong tiếng Pali. Khi trở nên chánh niệm hơn, ta bắt đầu nhận ra rằng cách ta hành xử với người khác sẽ quyết định cách họ đối xử với ta như thế nào.
Nhà sư ngừng lời và Nikki giơ tay lên. Nhà sư mỉm cười công nhận và mời cô nói.
- Thầy đang nhắc đến nghiệp phải không? – Cô hỏi và đưa tay vén mái tóc dài màu nâu óng ả. – Chúng ta sẽ tạo nghiệp tốt nếu chúng ta tử tế, và tạo nghiệp xấu nếu không sống tử tế? Người ta thường hay nói thế về nghiệp.
Nhà sư mỉm cười và đáp:
- Tôi biết. Từ “nghiệp” đã bị hiểu nhầm và bị dùng sai. Thật ra chẳng có gì là kỳ quái hay rối rắm về từ này.
Nghiệp (karma) đơn giản là “hành động”, và nếu anh chị có hành động cụ thể nào đó thì anh chị sẽ nhận kết quả tương ứng: thò tay vào lửa, tất yếu sẽ bị bỏng; va đầu vào cái gì đó thì sẽ bị bầm. Làm việc tử tế anh chị sẽ hạnh phúc và yên bình, anh chị nhận lại hành vi tử tế. Nhưng đừng làm điều tốt chỉ vì lý do đó. – Thầy nói và lại cười.
Thầy giải thích tiếp:
- Thỉnh thoảng nghiệp được diễn đạt là “bánh xe quay vòng”, quay đi rồi quay về, mặc dù tôi không thích cách mô tả đó, bởi vì nó khuyến khích trò suy luận: người ta phán xét về những gì xảy ra trong cuộc đời mình hoặc cuộc đời của những người khác là do nghiệp, hoặc là kết quả của những điều xấu đã làm hay đã nghĩ đến trong quá khứ. Kiểu suy luận như thế chiết thẳng ra từ chân lý Đức Phật dạy phải không?
Thầy ngừng lời, nhìn khắp nhóm và hỏi lại:
- Vậy tại sao sự diễn giải về nghiệp như thế (liên tưởng nghiệp với quá khứ) không theo sát những giáo huấn của Đức Phật?
Không ai trả lời.
Nhà sư nói:
- Để tôi trả lời các anh chị thế này. Thông điệp kiên định của Đức Phật là gì? Là hãy ở vào hiện tại. Hãy đưa tâm về với những gì anh chị đang trải nghiệm ngay lúc này. Khi tâm bắt đầu đi lang thang và thêu dệt nên tình huống – “Lẽ ra tôi không nên làm điều này, đó là lỗi của anh ta, chắc chắn là do nghiệp xấu của tôi, bởi vì tôi đã cà chớn với anh ta vào thời La Mã cổ đại” – thì đơn giản hãy cứ đưa nó về hiện tại!
Cả nhóm cười phá lên nhưng nhà sư vẫn tiếp tục:
- Lời nói cẩu thả và kém hiểu biết về nghiệp thường gây ra đau đớn và hoang mang. Vui lòng ghi nhớ điều đó. Tôi nhắc lại, lời nói cẩu thả và kém hiểu biết về nghiệp thường gây ra đau đớn và hoang mang.
Nó nảy sinh từ loại tham ái gọi là “ảo tưởng”, một trong những nguyên nhân gây nên bể khổ, anh chị nhớ không? Và nó chỉ dẫn ta đến ngõ cụt. Đừng làm thế. Nếu anh chị muốn tìm thấy sự an ổn nội tại, nếu anh chị muốn tìm thấy niềm vui sướng và hạnh phúc trong lòng, đừng trở lại với những hình ảnh anh chị tưởng tượng lẽ ra mình đã làm hoặc không làm thời La Mã cổ đại hay ở bất cứ nơi nào khác!
Nhà sư dừng lại một chút rồi tiếp:
- Có lần tôi nói chuyện với một ông hay nổi cáu vì vấn đề này vấn đề kia và cố đi tìm bình an. Ông ta bảo rằng ông không thể kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, bởi vì ông từng là samurai trong một kiếp đời xa xưa.
Cả nhóm cùng cười.
Nhà sư giải thích:
- Nhiều người đấu tranh để dằn nén cơn tức giận, nhưng đó là lời bào chữa mà trước giờ tôi chưa từng nghe nói tới.
Nikki hỏi:
- Thế còn sự quay ngược về kiếp sống trong quá khứ và nghiệp thì sao? Tôi đọc sách thấy nói rằng việc này có thể chữa lành nỗi đau cho con người.
Nhà sư đáp:
- Điều đó có thể là thật. Nhưng theo trải nghiệm của cá nhân, tôi nhận thấy anh chị không cần phải đào bới quá khứ để thấy những vấn đề hiện tại của anh chị có liên hệ đến quá khứ như thế nào. Liệu như vậy có ích lợi gì không? Nó chỉ moi móc thêm nỗi đau. Đừng nhé. Đừng như thế. Quá khứ đã chấm dứt rồi.
Hãy đưa tâm trở về hiện tại, quan sát hơi thở. Làm theo giáo huấn đơn giản của Đức Phật về chánh niệm; công nhận nỗi đau mình đang chịu – “Có tồn tại bể khổ”. Nếu anh chị đang đi tìm nguyên nhân của nỗi đau, hãy dò theo dấu vết của nó, xem đau khổ lúc này là do dạng tham ái nào gây ra – thèm muốn, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu, hay là hòa trộn tất cả những thứ đó. Trên tất cả, hãy chấp nhận, thậm chí chào đón và ôm lấy nó, để nỗi đau được là chính nó. Hãy ý thức về sự yên bình nội tại, khoảng không gian khoáng đạt và sâu thẳm bên trong anh chị, ngay lúc này.
Giọng nhà sư đanh sắc lại, nghiêm nghị hơn. Tôi tự hỏi tại sao lại vậy. Thầy nói:
- Anh chị biết đấy, suốt thời gian tôi làm nhà sư đi thuyết pháp, tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai được cứu giúp và được chữa lành vì công nhận rằng họ đã làm điều gì đó trong quá khứ của họ. Nhưng tôi đã gặp những người hoang mang và nổi giận vì bị ai đó nói rằng hoàn cảnh hiện tại của họ là hệ lụy của những việc xấu mà họ đã làm trong một kiếp đời quá khứ.
Nhà sư ngừng một chút rồi tiếp.
- Một số người nghĩ rằng ai đó đã làm điều gì đó với họ trong kiếp đời quá khứ, cho nên họ có quyền “trả đũa” trong kiếp sống hiện tại này. Ảo tưởng xây trên ảo tưởng.
Anh chị có hiểu tại sao lúc nãy tôi bảo: “Lời nói cẩu thả và kém hiểu biết về nghiệp thường gây ra đau đớn và hoang mang” không? Hãy bám vào những giáo huấn nền tảng của Đức Phật. Làm cho nó thuần khiết và đơn giản. Đó là con đường tiến về phía trước.
Hãy trở lại với câu hỏi ban đầu của anh chị về Bát Chánh Đạo, trong mối liên hệ với nghiệp. Tám nguyên tắc này mô tả cách suy nghĩ và hành động, cũng như cách đảm bảo những hành động của ta không dẫn đến hậu quả xấu, khiến ta và những người có liên quan không phải chịu khổ đau. Hãy nhớ, anh chị không cần nhìn vượt quá khỏi kiếp sống này để diễn giải những hậu quả.
Khi anh chị làm theo những nguyên tắc trong Bát Chánh Đạo, anh chị cảm nhận được sự hòa hợp bên trong mình. Anh chị sẽ mở rộng trái tim, sẽ cảm thấy trắc ẩn. Chính điều này sẽ thu hút lòng trắc ẩn vào cuộc đời anh chị, bởi vì đó là điều sẽ xảy ra. Hành vi tử tế có khuynh hướng dẫn đến kết quả tử tế.
Đức Phật đã mở phạm vi này ra xa hơn. Ngài dạy rằng bằng cách đi theo đạo lộ Bát Chánh Đạo, chúng ta không tạo ra nghiệp xấu cho tương lai, do vậy chúng ta tránh được rắc rối khiến cho bể khổ kéo dài mãi. Ngài dạy: “Gieo hạt giống nào thì sẽ thu hoạch trái ấy. Người làm việc thiện sẽ gặt hái những kết quả tốt. Kẻ làm điều xấu xa sẽ hứng chịu kết quả xấu xa. Nếu anh chị gieo hạt giống lành, anh chị sẽ hưởng quả ngọt”.
Nhưng ở đây chúng ta đang nói về nghiệp có thể diễn ra trong tương lai, chứ chúng ta không mất công lòng vòng đi tìm những lý do từ nghiệp quá khứ dính líu đến bể khổ ta gánh chịu ngày nay. Tôi cũng không tin bất kỳ dự đoán nào về sự tạo nghiệp cho “kiếp đời tương lai” nào đấy.
Nhà sư dừng lời rồi lại nói:
- Nếu nghiên cứu về cuộc sống, anh chị sẽ thấy chúng ta thường không cần phải nhìn đâu xa vào tương lai để thấy kết quả cho những hành động của chúng ta. Như đã nói, Đức Phật giáo huấn rõ ràng rằng hãy giữ gìn cho nghiệp của chúng ta được trong sạch và tươi sáng, để chúng ta không bị xích vào cuộc đời trần tục bằng tiếng dội của những hành động từ kiếp đời trong quá khứ mà cần phải lọc ra. Vì vậy, theo như lời Đức Phật răn dạy, chúng ta không “bám vào vòng luân hồi sinh tử” để dọn rửa nghiệp mà chúng ta đã gây ra.
Nghiệp là vấn đề của riêng mỗi người; nó không dành để phán xét. Suy nghĩ phán xét có thể kéo ta vào mông muội và ảo tưởng. Vì vậy, lời khuyên của tôi là hãy cứ luôn ở hiện tại, thực hành Tứ Diệu Đế, bao gồm Bát Chánh Đạo, rồi trải nghiệm niềm hạnh phúc và yên bình mà nó đem lại cho cuộc đời ta ngay tại đây, ngay bây giờ. Chắc chắn là thế. Tôi hứa với mọi người đấy.
Maurice hỏi:
- Nhưng làm theo những gì thầy nói có nghĩa là chúng ta cần phải tin vào sự đầu thai để hiểu được cốt lõi của đạo Phật?
Nhà sư đáp:
- Anh chị không cần tin vào bất kỳ điều gì cả. Đức Phật đã dạy rõ về điều này: “Đừng tin vào cái gì, cho dù các đệ đọc ở đâu chăng nữa, cho dù nghe ai nói chăng nữa, và cho dù nghe Như Lai nói chăng nữa, trừ khi nó phù hợp với lý lẽ và với đức tin của mình”.
Pam hăng hái thốt lên:
- Ồ, tôi yêu Đức Ngài quá. Tư tưởng mới tự do làm sao. Đức Phật mới siêu phàm làm sao! Tôi nghĩ tôi phải lòng Ngài mất rồi.
- Tôi cũng vậy. – Suzi đồng ý.
Tôi mỉm cười một mình. Tôi không thể không đồng ý.
Maggie nói:
- Tôi thấy tư tưởng đó mới tự do làm sao. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình mộ đạo đến cuồng tín. Tôi đã từng nằm mơ thấy những cảnh bị thiêu dưới địa ngục.
Nhà sư bật cười lớn:
- Xem ra Đức Phật có một fan club khá hùng hậu rồi. “Team Đức Phật” nhé? Nhưng anh chị biết đấy, những giáo huấn của Đức Phật là trải nghiệm thực tế. Tất cả đều nhằm tìm ra cho mình con đường dẫn đến tự do và yên bình nội tại. Như chính Ngài đã nói, Ngài chỉ làm nhiệm vụ chỉ ra con đường mà thôi.
- Thầy nghĩ gì về sự đầu thai? – Pam cương quyết hỏi đến cùng.
Nhà sư đáp:
- Tôi nghĩ chúng ta đi lạc đề ở đây rồi. Nếu cứ tiến triển như thế này thì chúng ta sẽ còn ở đây đến tận nửa đêm. Anh chị thấy việc bàn về nghiệp và sự đầu thai có thể đưa chúng ta đi xa khỏi khoảnh khắc hiện tại không?
Nhà sư mỉm cười thành tiếng rồi nói thêm:
- Chúng ta sẽ nói thêm về vấn đề này trong một buổi học khác nếu có thời gian. Còn bây giờ, chúng ta hãy trở về với hiện tại. Chúng ta hãy xem xét chánh ngữ nào.
Chánh ngữ
- Lời nói có sức mạnh, đúng không? Tôi nghĩ chúng ta càng ngày càng nhận thức rõ điều này trong thời đại thông tin liên lạc dễ dàng, nhanh đến chóng mặt và rộng khắp toàn cầu ngày nay. Đón nhận sự chỉ giáo từ nguyên lý này và nỗ lực đưa nó vào thực tế có tác dụng vô cùng lớn trong cuộc sống của chúng ta và cho toàn thể thế giới.
Tất cả mọi người đều bảo rằng họ muốn thấy thế giới hòa bình hơn và xem lời nói của mình là công cụ diệu kỳ. Chẳng phải đó là một suy nghĩ tạo nên sức mạnh hay sao?
Vậy chánh ngữ chính xác là gì? Đức Phật đã thuyết pháp rõ ràng về điều này. Ngài dạy rằng chúng ta không chánh ngữ khi chúng ta nói dối hoặc phóng đại (làm cho sự việc có vẻ kịch tính, ồn ào hơn bản chất thật sự của nó); khi chúng ta nói bằng “cái lưỡi bị uốn cong” (trước mặt thì ta nói điều này, nhưng sau lưng họ ta lại làm điều khác); hoặc khi ta dùng ngôn ngữ tục tĩu, nhục mạ, phỉ báng người khác.
Hãy hiểu điều này theo cách tích cực. Chúng ta sử dụng chánh ngữ khi “Nó được nói vào đúng thời điểm; nói đúng sự thật; nói với lòng cảm thông; nói với mục đích tốt; hoặc nói bằng tâm thiện ý”.
Điều này đưa tâm của tôi trở về với những lời mẹ tôi hay dặn tôi cách đây nhiều năm, khi tôi còn nhỏ. Bất chợt tôi nghe thấy giọng nói của mẹ vang lên trong đầu.
Nhà sư nhìn tôi rồi hỏi:
- Cô có điều gì muốn nói vậy, Rose?
Tôi cảm thấy hơi ngượng, lẽ nào người đàn ông này có khả năng thần giao cách cảm? Tôi đáp:
- Không có gì đâu. Chỉ là những lời thầy nói gợi nhắc tôi về những điều mẹ tôi từng nói khi tôi còn nhỏ xíu. Thế thôi!
- Cô có muốn chia sẻ những điều đó không? – Thầy hỏi.
Không cần đâu, nhưng cả nhóm đang theo dõi, lắng nghe. Tôi đỏ mặt. Mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía tôi và tôi cảm thấy mình cần phải nói ra.
- Chỉ là mẹ tôi bảo tôi rằng trước khi nói, con cần tự hỏi chính mình: “Điều đó có khôn ngoan? Có đúng sự thật? Có giúp ích? Có tử tế không?”, và chỉ nói ra những gì tôi định nói nếu nó khớp với tất cả những tiêu chí trên.
Nhà sư phản hồi:
- Mẹ của cô thật là người phụ nữ uyên bác. Dạy trẻ em theo cách như vậy là rất thiết thực… và làm gương cho chúng. Mỗi người chúng ta đều có thể trở thành tấm gương minh họa những giáo huấn của Đức Phật. Chúng ta không cần nói nhiều… Thật ra chúng ta không cần nói bất cứ điều gì. Sự thật là hành động có sức mạnh hơn lời nói, nhưng khi sử dụng lời nói, hãy nhớ đến sức mạnh của nó. Đức Phật dạy: “Cái lưỡi sắc nhọn như dao, nó có thể giết người mà không làm chảy máu”.
Nhà sư dừng lời, rồi lại tiếp:
- Hãy ngẫm nghĩ điều đó “Cái lưỡi sắc nhọn như dao, nó có thể giết người mà không làm chảy máu”. Đó là điều đáng để ghi nhớ trước khi nói, gửi tin nhắn hay gửi e-mail.
Im lặng khắp phòng. Tim nhận xét:
- Tôi thấy điều này khó quá. Tôi là người hay phản biện một cách tự nhiên. Tôi thường đưa ra những nhận xét sắc bén.
Suzi đồng tình:
- Cả tôi cũng thế. Tôi thấy khó mà không tán dóc với chị em bạn gái.
Nhà sư tán thành:
- Đúng. Chánh ngữ là nguyên tắc đơn giản để đưa vào thực tế; tuy nhiên, khi nhắc tới nó, nhiều người thấy đó là thách thức thật sự.
Pam hỏi:
- Vậy chúng tôi có thể làm gì? Người khác hiểu lời nói của ta như thế nào là trách nhiệm của họ. Họ không nhất thiết phải phản ứng, họ không nhất thiết phải cảm thấy bị lăng mạ hay tổn thương. Đó là điều chúng ta đã học từ ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, đúng không?
Nhà sư xác nhận:
- Hoàn toàn đúng. Mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, điều đó bao gồm cả những điều ta nói ra, cũng như cách ta phản ứng lại lời nói của người khác.
Chúng ta có thể chặn chuỗi tiêu cực bằng cách không trả đũa khi người ta nói, hoặc làm gì đó, gây tổn thương. Chúng ta đơn giản cứ buông nó đi. Nhưng dĩ nhiên, tốt hơn là đừng nên nói ra ngay từ đầu.
Nhà sư suy nghĩ rồi tiếp:
- Anh chị còn nhớ tích truyện tôi kể lần trước về cách Đức Phật phản ứng trước một thanh niên giận dữ mắng chửi Ngài trong một buổi thuyết pháp trước đám đông không? Đức Phật hoàn toàn điềm tĩnh và nói với anh ta rằng cơn giận của anh ta giống như món quà anh ta trao đi, nó vẫn còn là của anh ta nếu người được trao từ chối nhận.
Điều đó không chỉ được ứng dụng khi ai đó giận dữ với ta, mà cả khi họ hằn học chửi rủa hoặc hạ nhục ta. Nếu ta không nhận những lời nhục mạ và “đặt nó xuống”, nếu ta không để nó ngấm vào mình, thì nó vẫn thuộc quyền sở hữu của người “trao nó”.
Một lời khuyên hữu ích nữa là hãy tạo thói quen ngừng một hay hai khoảnh khắc trước khi nói. Dừng lại và chú ý đến hơi thở. Nó sẽ đưa anh chị trở về trọng tâm – càng luyện tập chánh niệm, anh chị sẽ càng thấy nó dễ dàng và tự nhiên hơn.
Hãy tập thói quen tự hỏi: “Điều gì ẩn sau lời nhận xét mình đưa ra? Nó có xuất phát từ điều đã làm cho ta tổn thương? Hay có gì đó khuấy động ký ức buồn phiền của ta? Hay là do ta muốn trả đũa ai đó? Hay ta nghĩ rằng những gì ta định nói sẽ làm cho ta có vẻ thông minh hơn, thành công và quan trọng hơn?… Và nếu thế thì tại sao ta cần cảm thấy như thế này? Có cần phải chồng thêm một viên gạch nữa vào ‘pháo đài - bản ngã’ bên trong ta không? Tại sao lại như vậy?”.
Tất cả chúng tôi cùng im lặng. Tôi tự hỏi mọi người có đang nghĩ giống tôi không, về nhiều lý do mà ta không thể đưa chánh ngữ vào thực tế.
Một lúc sau, nhà sư ôn tồn nói:
- Xin hãy chú ý, nhận thức về sức mạnh của lời nói và chủ đích làm theo chánh ngữ là một bước tiến vững chắc đầu tiên. Cứ thực hiện đi. Cứ thực hiện thôi. Như với mọi thứ khác, bao gồm tất cả những giáo lý chúng ta đã thảo luận tính cho đến hôm nay, khi anh chị thực hiện thì nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hãy nuôi ý định và quyết tâm hành động.
Sau một thời gian ngắn, nó sẽ trở thành thói quen. Khi đó anh chị sẽ cảm thấy bị thôi thúc làm theo chánh ngữ. Nó trở nên mạnh đến nỗi anh chị không thể nghĩ hoặc nói ra điều gì mang tính chỉ trích, không đàng hoàng, bởi vì như thế anh chị sẽ không cảm thấy thoải mái… Khi đó, anh chị biết mình đang nắm lấy chánh ngữ.
Suzi nói:
- Còn không thì ta có thể tự nhéo mình, hoặc đeo sợi thun quanh cổ tay để búng một cái khi ta nghĩ hay nói điều gì đó xằng bậy.
Nhà sư mỉm cười đáp:
- Có nhiều cách lắm. Tôi biết có người đút một viên sỏi vào túi quần, để bóp lấy nó mỗi khi có ý nghĩ tiêu cực khởi lên. Nhưng không cần phải quá hà khắc với bản thân như vậy. Cứ chủ đích thực hiện là đã hoàn thành được chín mươi chín phần trăm nhiệm vụ rồi, và cương quyết chính là một phần trăm còn lại. Hãy nhớ câu ngạn ngữ của người Trung Hoa: “Chặng đường một ngàn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”. Và Đức Phật cũng nói điều tương tự: “Từng giọt nước sẽ đổ đầy bình”. Cứ từng bước một, từng giọt một. Cứ chủ đích, lưu ý, nhận thức; và chẳng bao lâu sau, khi nhìn lại, anh chị sẽ thấy nước trong bình đã dâng cao.
Chúng tôi im lặng, trầm ngâm suy nghĩ. Bên ngoài cửa sổ, khu vườn tắm đẫm ánh mặt trời – một buổi chiều hè rực rỡ.
Nhà sư nhìn khắp nhóm và mỉm cười. Sau đó thầy hỏi:
- Sau chánh ngữ thì đến chi phần nào tiếp theo? Chánh nghiệp. – Thầy tự trả lời luôn câu hỏi của mình.
Chánh nghiệp
- Chánh nghiệp là gì? Nói ngắn gọn, đó là cách hành xử sao cho không gây hại đến bản thân hoặc đến người khác. Như Đức Phật dạy: “kiềm chế đừng sát sinh; kiềm chế đừng trộm cắp; kiềm chế đừng dâm dục. Này hỡi các tỳ kheo, đấy là chánh nghiệp”.
Đức Phật dạy kỹ lưỡng về nguyên lý này nhằm mục đích đặt ra nghiêm luật cho các đệ tử của Ngài tuân giữ – gọi là Ngũ Giới. Dưới đây là danh sách các giới luật do chính Đức Phật đề ra:
- Không sát sinh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không dùng rượu hay các chất say khác
Tất cả chúng tôi đều im lặng, sau đó Tim nói:
- Tất cả những điều đó nghe có vẻ rõ ràng và hợp lý. Nhưng chúng ta thực hiện những điều đó được tới đâu? Tôi có thể hiểu việc không sát sinh… nhưng liệu điều đó có sai trong từng trường hợp? Tôi đang nghĩ về những vấn đề lớn như là trợ tử và phá thai. Chẳng lẽ là không nhân từ nếu tôi giúp con chó của tôi có một cái chết nhẹ nhàng khi nó bị bệnh vật vã, đau đớn lúc cuối đời? Luật “không sát sinh” có nghĩa là tất cả các Phật tử đều ăn chay? Có chắc là chúng ta không nhận phải thứ “không trộm cắp” không? Ngộ nhỡ ta tìm thấy thứ mà người khác đã vứt hẳn đi… ta nhặt về dùng thì có được không?
Nhà sư đáp:
- Thật là nhiều câu hỏi! Những nguyên tắc chánh nghiệp này được Đức Phật đưa ra như là kim chỉ nam.
Ngài đưa lời chỉ dẫn cho ta thực hiện chánh nghiệp để sống một cuộc đời thoát khỏi bể khổ, cho dù là bể khổ của chính ta hay của người khác, ngay bây giờ và trong tương lai.
Đức Phật nêu ra nguyên lý cơ sở rất hữu ích nếu chúng ta khắc cốt ghi tâm.
Ngài không bỏ qua việc sát sinh (giết hại bất kỳ dạng thức sống nào, tước đi mạng sống của bất kỳ sinh vật nào), và Ngài cũng ủng hộ lòng nhân từ, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, cũng như không phán xét, tôn trọng nhân quyền của mỗi con người, tôn trọng quyền tự quyết của chính họ.
Khi suy ngẫm về cách thực hiện Ngũ Giới, năm hành vi tốt, chúng ta cũng cần nhớ Chân lý Cao thượng thứ hai. – Nhà sư nói đến đây thì dừng lời.
Tất cả chúng tôi im lặng. Một số người trong nhóm đang cố hồi tưởng lại Chân lý Cao thượng thứ hai đề cập tới điều gì.
Nhà sư giảng tiếp:
- Bởi vì ta rất dễ “tham ái” vào những quy tắc và luật lệ, mà “tham ái” sẽ dẫn tới đâu? Tới bể khổ. – Nhà sư tự trả lời câu hỏi của mình.
- Anh chị biết đấy, trạng thái “cực đoan” – xảy ra khi ta quá bám víu vào giáo điều – thường thất bại, khiến ta không xem xét một cách thấu đáo bản chất con người. Những tín điều, kể cả Phật pháp, mặc nhiên được sử dụng bởi con người. Hãy ý thức rằng mỗi tín điều đều có đời sống của riêng nó và nó sử dụng chúng ta. Hãy nhớ tích truyện về chú tiểu và sư phụ cõng người phụ nữ xinh đẹp qua sông mà tôi đã kể cho anh chị nghe lần trước.
Lòng trắc ẩn chân chính bao gồm cả Tuệ lẫn tình yêu thương – những phẩm chất mà chúng ta đã, đang và sẽ thực tập trong suốt khóa tu này.
Lòng trắc ẩn có nghĩa là truyền cảm hứng để những người khác thoát khỏi bể khổ. Chúng ta cần hiểu bản chất của bể khổ và cần hiểu sâu sắc về tình thân, sự đồng cảm với vạn vật chúng sinh. Và điều này diễn ra tự nhiên khi chúng ta làm theo các giáo pháp.
Nhưng, hãy trở lại câu hỏi của anh về sự phá thai, Tim. – Thầy hướng ánh mắt về phía vị bác sĩ cao lớn đang lộ vẻ nghiêm nghị trên nét mặt.
- Khi anh áp dụng lòng trắc ẩn chân chính – bằng trí tuệ và tình thương yêu – vào vấn đề phá thai, anh phải nghĩ đến nỗi đau khổ của người phụ nữ trong cuộc. Nhiều người trong cơn tuyệt vọng đã tìm đến những nơi phá thai bất hợp pháp, buộc phải chịu tất cả những biện pháp phá thai lạc hậu, đau đớn, không an toàn để xóa bỏ một thai nhi. Thậm chí có đôi khi nỗi đau tinh thần quá lớn đến nỗi họ phải tự tử.
Và anh cũng phải nghĩ đến nỗi đau có thể có của hài nhi, khi bị tạo nên hình vóc trên trần thế một cách không mong muốn, khi nó mang đến cuộc đấu tranh thống khổ cho người mẹ, và là một gánh nặng cho gia đình.
Nhà sư ngừng lời, rồi khẽ khàng nói tiếp:
- Khi anh chị trải nghiệm thực tế Chân lý Cao thượng thứ ba – về sự diệt khổ, cùng thực tế về tính đồng nhất và độc nhất của tất cả mọi thứ… rằng từ một đại dương mênh mông, chúng ta xuất hiện như là những gợn sóng li ti; chúng ta đến đây từ đại dương linh hồn ấy, và đó cũng là nơi chúng ta trở về khi chúng ta lìa khỏi hình hài xác thịt của mình – anh chị đã bắt đầu nhìn nhận mọi thứ theo một cách khác.
Chúng ta chẳng muốn giết hại bất kỳ sinh vật nào, nhưng đôi khi đó là lựa chọn thấm đẫm tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn và tình yêu thương luôn luôn đi trước giáo điều.
Hãy luôn luôn trở về với chánh niệm. Hãy luôn nhận thức. Hãy tìm ra chỗ của vô ngã. Ở đó có tất cả – sự yên bình, minh bạch, yêu thương và niềm vui. Đó là ngôi nhà thật sự của anh chị. Đó là nơi anh chị thật sự là ai. Đó là nơi anh chị khởi phát và cũng là nơi anh chị sẽ quay về… như bất kỳ sinh vật nào khác.
Thực tế là chúng ta chưa bao giờ rời khỏi nơi ấy. Chỉ là chúng ta đã quên bản thể đích thực của mình. Nó bị chìm khuất, bị che giấu bởi cái cấu trúc bản ngã mà chúng ta đã xây dựng nên để bảo vệ mình. Khi anh chị xem xét mọi thứ từ nhãn quan “vượt trên cấu trúc bản ngã”, anh chị sẽ nắm bắt cuộc sống và những vấn đề của nó theo một cách khác.
Càng đi vào nhận thức này, mọi sự vật hiện tượng càng trở nên rõ ràng. Hãy đi tới đó – ở lại nơi đó – thường xuyên, anh chị sẽ thấy những mâu thuẫn hiển nhiên sẽ nhòa tan vào cái mênh mông của sự sống.
Nhà sư dừng lời, nhìn Tim và hỏi:
- Như thế có trả lời cho câu hỏi của anh chưa?
- Trả lời rồi. Cảm ơn thầy. – Tim lặng lẽ đáp.
Nhà sư nói:
- Không người nào có quyền đưa ra những phán xét đạo đức hay chỉ trích, phê phán người khác.
Im lặng một lúc, rồi Pam nói:
- Tôi dạy môn văn học Anh. Những lời thầy giảng khiến tôi liên tưởng tới một câu trích dẫn nổi tiếng từ giáo trình tôi đang dạy. Trong quyển To Kill a Mocking Bird (tạm dịch Giết con chim nhại), Atticus có nói: “Ta không bao giờ biết rõ một người cho đến khi ta xỏ chân vào giày của anh ta và bước đi trong đôi giày ấy”. Chúng ta không thể phán xét người khác, đúng không?
- Đúng rồi. Đúng rồi. – Nhà sư nói. Thầy ngừng lại rồi trầm ngâm. – Chúng ta sống trong thế giới vật chất, đôi khi không hề có hành vi rạch ròi và hoàn hảo. Khi anh chị nhìn ra “ngoài kia” thấy có nhiều thứ không hoàn hảo; nhưng khi anh chị nhìn vào “trong này”, – thầy áp tay vào ngực mình, – khi anh chị nhìn vạn vật từ quan điểm tâm linh, chúng trở nên rõ ràng hơn. Có lẽ anh chị hãy nhìn vào bên trong mình trước. Hãy rèn cho suy nghĩ của mình trở nên chính trực.
Hãy hành động xuất phát từ cốt lõi yên bình của anh chị; bằng tình yêu thương và chánh niệm, đối xử với người khác theo cách mà mình cũng muốn được đối xử như vậy. Hãy thuần khiết trong suy nghĩ và trung thực trong thái độ ứng xử, rồi những gì còn lại sẽ theo sau. Luôn nhớ rằng hành động theo sau tư duy.
Và cũng đừng tham ái sự hoàn hảo. – Thầy cười lớn.
Lại có khoảng dừng. Sau đó Suzi hỏi:
- Chúng ta có thể nói về tình dục được không?
Bầu không khí im lặng đến sững sờ bao trùm khắp phòng. Sau đó tất cả chúng tôi cùng phá ra cười, kể cả nhà sư.
- Ý tôi là nói về thái độ của Đức Phật đối với tình dục. – Suzi nói thêm thật nhanh, hơi đỏ mặt.
Nhà sư nói:
- Tôi hiểu ý cô muốn nói gì. Cô đang tự hỏi chúng ta sẽ diễn giải như thế nào về lời răn “không dâm dục” của Đức Phật phải không?
- Đúng vậy. – Suzi xác nhận.
Nhà sư nói:
- Ừm, hãy nghĩ về nó từ quan điểm của nghiệp. Lý do Đức Phật đưa ra chỉ giáo này trong Bát Chánh Đạo là nhằm hướng chúng ta sống theo cách mà không đưa đẩy chúng ta vào mớ nghiệp không cần thiết.
Vậy nghiệp được tạo ra như thế nào? Nghiệp có nghĩa là hành động, và bất kỳ hành động nào chúng ta thực hiện đều nảy trở lại với ta. Vì vậy, hành vi tình dục mà phá hại hay gây ra đau đớn cho người khác có thể xếp vào loại này.
Thực tế, Đức Phật đã chỉ giáo chi tiết hơn về điều này. Ngài dạy rằng: “Dâm dục có nghĩa là có hành vi tình dục với người đang chịu sự quản thúc của cha mẹ, anh chị, họ hàng, dòng tộc; hoặc của cộng đồng tôn giáo; hoặc với người đã được hứa hẹn gả cho người khác, người đã hứa hôn”.
Nhà sư ngừng lời và quay sang Suzi hỏi:
- Như vậy đã trả lời câu hỏi của cô chưa?
- Rồi. Cảm ơn thầy. – Cô đáp.
Sau đó, Dan nêu vấn đề:
- Vậy là Đức Phật không lên án tình dục đồng tính?
Nhà sư đáp:
- Không. Theo Ngài, tình dục là tình dục. Ngài khá rạch ròi một cách có cơ sở về điều này. Ngài chấp nhận rằng tình dục, cũng giống như cơn giận dữ, tham lam và bạo lực, là bản chất tự nhiên, thuộc về bản chất của con người. Như vậy, Ngài không phán xét bất kỳ khía cạnh nào của loài người trên phương diện đạo đức, nhưng Ngài cũng nói rằng chúng ta hoàn toàn không cần làm nô lệ cho chúng.
Tại sao lại thế? – Nhà sư tự đặt câu hỏi, rồi tự trả lời. – Bởi vì chúng là những hình thức tham ái, mà tham ái thì gây ra bể khổ. Đức Phật chỉ dẫn chúng ta cách buông tham ái đi.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu anh chị làm theo giáo huấn của Đức Phật thì phải kiềm chế tình dục… mà là thứ tình dục không làm hại bất cứ ai. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó là anh chị nhận ra bất kỳ loại tham ái nào mình vướng vào, giống như anh chị nhận ra dây tham ái với đồ ăn, tiền tài, thành công, lý tưởng, sáng kiến v.v… Những tham ái này có thể không cho anh chị trải nghiệm sự yên bình và hạnh phúc nội tại, kiểm soát anh chị, khó lòng cho anh chị ngồi ở vị trí tài xế.
Tôi vừa mới trở lại hình ảnh ẩn dụ về chiếc xe. – Thầy cười lớn.
Dĩ nhiên, đối với giới tu hành chúng tôi thì phải nghiêm ngặt hơn. Vinaya, giới luật nguyên thủy, quy định rằng khi quy y, chúng tôi phải đoạn tuyệt với bất kỳ hành vi tình dục nào, chúng tôi phải hoàn toàn độc thân và không được quan hệ tình dục. Và Đức Phật đã rất kiên định về điều này. Ngài chứng đắc đó là điều cần thiết để đạt tới tầm giác ngộ.
- Tại sao? – Maurice hỏi.
- Bởi vì hành vi tình dục – của cải, tiền bạc hay bất kỳ ham muốn nào khác – đều kích thích tham ái; trong khi chúng tôi tu luyện để thoát khỏi sự cầm tù của tham ái (của thèm khát, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu). Như tôi đã nói lần trước, cứ khuấy động những thứ ấy lên thì chẳng thông tuệ và ích lợi gì. Nó không giúp chúng tôi tìm thấy sự yên bình nội tại.
Nhà sư ngừng lời và suy nghĩ một lát.
- Cũng tương tự đối với đời sống ngoài tu viện. Nếu anh chị cố gắng giảm cân, anh chị sẽ không tích trữ bánh quy, sô-cô-la trong nhà, đúng không? Tương tự, nếu anh chị thật sự nghiêm túc với việc thực hành Bát Chánh Đạo, anh chị sẽ không đặt cám dỗ không cần thiết lên con đường của mình… chẳng hạn như, anh chị tránh bị kích thích, khơi gợi dục vọng từ sách báo, phim ảnh.
Một khoảng dừng. Rồi Suzi hỏi:
- Vậy, lời thề không tình dục có khó giữ không?
Nhà sư đáp:
- Một số nhà sư phải đấu tranh gian khổ với nó thật sự. Với người khác thì ít thách thức hơn. Nhưng cũng giống như bất kỳ điều gì khác, khi ta chấp nhận nó và lưu ý đến nó, thì việc kiêng tình dục sẽ dễ dàng hơn.
Nhà sư nghĩ một lúc rồi nói thêm:
- Trước khi xuất gia, tôi đã có những khoảnh khắc riêng tư của mình, nhưng tôi đảm bảo với anh chị rằng không có thứ tình dục trên trần đời nào mà kề cận niềm an lạc như Niết bàn đâu.
Thầy dừng lời, sau đó mỉm cười và nói thêm:
- Hoặc là tôi được bảo như thế đấy.
Nghe thầy nói vậy, tôi bỗng nhớ đến điều tôi đã đọc “Nhà sư đã quy y không được phép khoác lác về những trạng thái tâm linh mà họ đã đắc ngộ”.
Nhà sư nhìn quanh và nói:
- Nếu anh chị đã thông suốt nguyên lý này thì chúng ta chuyển sang chánh mạng.
Chánh mạng
- Chánh mạng tức là phương thức kiếm sống theo cách không gây hại cho người khác, đây là tiền đề có thể giúp chúng ta thực hành Ngũ Giới. Đây là cách sống không dính dáng tới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hay lạm dụng chất men say. Như Đức Phật nói: “Phật tử tận hiến không nên tham gia vào năm kiểu buôn bán, đó là buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán chất gây nghiện và buôn bán chất độc”.
Ed hỏi:
- Điều đó có nghĩa là làm việc bán thời gian ở quầy bar hoặc bán hàng thịt là sai trái?
Pam hỏi nối theo:
- Và làm việc ở quầy thức ăn ở siêu thị cũng sai luôn? Tôi muốn biết phạm vi ứng dụng của giới luật này, nhất là thời nay khi nền kinh tế đang rất khó khăn. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy biết ơn và may phước khi có được công ăn việc làm.
Nhà sư đáp:
- Vâng. Biết ơn là một cảm xúc tốt đẹp. Biết ơn về những gì ta có sẽ làm giảm nỗi đau và nỗi buồn khổ. Anh chị hãy cứ mở rộng trái tim và đem những điều tốt đẹp vào đời sống của mình.
Vấn đề mấu chốt ở đây là ta làm những gì ta cần làm, bằng chánh niệm và tình yêu thương. Chúng ta hòa hợp với cuộc đời. Chúng ta hành động bằng tính chính trực; chúng ta giữ lời ăn tiếng nói của mình; chúng ta không bao giờ lấy thứ gì mà không được trao; chúng ta không nuông chiều để mình sa vào xì-căng-đan và ngồi lê đôi mách; chúng ta hành xử bằng lòng trắc ẩn và lòng nhân từ với mọi sinh vật sống.
Đó là một nền tảng vĩ đại, còn việc của chúng ta là thực hành, đúng không? Khi chúng ta hành xử như thế, thì anh chị biết gì không? Chúng ta có khuynh hướng thu hút những tình huống tốt đẹp về phía mình.
Vậy, anh chị hãy cố gắng hết sức để hành xử sao cho không ai có thể chê trách, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, rồi anh chị sẽ tìm thấy chính mình. Hãy biết ơn những gì anh chị đã có và mong chờ điều tốt đẹp hơn sẽ đến. – Thầy ngừng một chút. – Nhưng dĩ nhiên đừng quá bám víu vào chúng. – Thầy cười lớn.
- Anh chị biết đấy, người ta có thể tranh cãi về sự tiến thoái lưỡng nan của khía cạnh đạo đức. Chúng ta cần chấp nhận rằng đây là thế giới không hoàn hảo và vô thường, đừng quá chú ý đến nó. Hãy tập trung vào thế giới nội tại của anh chị – vào sự yên bình, niềm vui và tình yêu anh chị tìm thấy trong việc hành thiền Chánh niệm.
Hãy luôn hành động với sự chính trực. Hãy làm những gì ta cảm thấy đúng đắn. Như Đức Phật dạy, tất cả tùy thuộc vào ta, không ai có thể bảo ta phải làm gì. Lời của Đức Phật thế này: “Không ai cứu mạng ta ngoài chính ta. Không ai có thể. Tự thân ta phải đi trên con đường này. Hãy tự hành động để cứu rỗi cho bản thân. Đừng phụ thuộc vào người khác”.
Và cho phép tôi bổ sung thêm: “Hãy hạnh phúc! Hãy trôi theo dòng chảy cuộc sống. Chấp nhận sự vật hiện tượng như chúng vốn vậy, đừng đấu tranh chống lại chúng một cách không cần thiết”.
Tới đây, tôi bỗng nhớ lại chuyện đã xảy ra với sư phụ của tôi, bậc tôn sư Ajahn Sumedho. Khi sư phụ Ajahn Sumedho còn ở Thái Lan, thầy rất lo lắng về điều kiện của tu viện, về giới luật dành cho nhà tu hành và về những gì thầy cảm nhận là quy tắc chung của đất nước này.
Thầy kể rằng thầy không thể hiểu nổi tại sao trưởng lão, Thượng tọa Ajahn Chah, không làm gì để chấn chỉnh điều này – không kỷ luật nhà sư và ép mọi việc vào nề nếp. Cuối cùng, sau khi nghiền ngẫm về nó suốt một thời gian, đến nỗi đẩy mình vào trạng thái ấm ức không nguôi, thầy tới gặp Ajahn Chah và nêu ra những điều sai trái. Thầy Ajahn Chah im lặng lắng nghe một cách kiên nhẫn, rồi nói: “Ôi Sumedho, đệ chịu đau khổ nhiều quá. Nó sẽ thay đổi mà”. Và quả là nó đã thay đổi.
Thỉnh thoảng anh chị chỉ cần buông sự việc đi một thời gian, biết rằng cuối cùng nó cũng sẽ thay đổi. Chúng ta cần học cách chấp nhận cuộc đời và đừng tỏ ra quá nghiêm trọng; đôi khi hoàn cảnh thật sự khó khăn và chúng ta đã làm hết những gì có thể, thì nhượng bộ là điều duy nhất chúng ta cần làm. Và thật kinh ngạc, chính hành động nhượng bộ đó lại bắt đầu đưa mọi việc vào đúng quỹ đạo.
Nhà sư dừng lại và mỉm cười.
- Câu chuyện nhỏ về thầy Ajahn Sumedho là minh chứng sống động về sức mạnh của chánh niệm và ba Chân lý Cao thượng đầu tiên: hòa nhập với hoàn cảnh ngay lúc này; ghi nhận nó nhưng đừng phán xét; chấp nhận và ôm nó trìu mến, rồi nó sẽ nguôi ngoai.
Hãy thử làm như vậy với những nỗi lo âu của anh chị, và chứng kiến phép màu của chánh niệm xuất hiện và biến đổi cuộc sống của anh chị.
Nhà sư ngừng lại, rồi nhận xét:
- Chúng ta đã học rất nhiều trong ngày hôm nay, nhưng trước khi ra về, hãy cùng nhau dành vài phút chánh niệm – tập trung vào thời điểm này để xem hành thiền quét thân thể có thể xoa dịu nỗi đau như thế nào.
Pháp này hiệu quả đến nỗi nó được dùng trong một số liệu pháp trị bệnh. Nhưng cho dù hiện tại anh chị không có đau đớn hay nhức mỏi gì, thì nó vẫn là bài luyện bổ ích, do vậy chúng ta sẽ cùng thực hành.
Trong thực tế, hãy thực hành chánh niệm cho những cơn đau nhức nhẹ, nó rất hữu hiệu. Cho đến khi cần đối phó với những cơn đau khủng khiếp hơn, anh chị có thể thực hiện tự nhiên và dễ dàng.
Anh chị có thể quét toàn thân hoặc tập trung vào vùng cơ thể đang bị đau. Đó là điều chúng ta sẽ thực hiện trong hôm nay.
Nếu anh chị không bị đau hay nhức mỏi gì, hãy chánh niệm toàn thân hoặc bất kỳ bộ phận nào đang căng thẳng.
Bài luyện chánh niệm xoa dịu cơn đau
Từ từ nhắm mắt lại.
Ý thức đến hơi thở – luồng không khí đi vào qua lỗ mũi, đi xuống phổi, rồi thoát ra qua lỗ mũi. Hít vài hơi thở đẹp, chữa lành.
Đưa ý thức tới bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, chỗ đang bị đau hoặc khó chịu. Mở lòng ra với cảm giác đau đớn. Vào khoảnh khắc này, hãy nhận thức về cơn đau – “Có tồn tại bể khổ”. Hít thở đều…
Chấp nhận cơn đau hoặc nỗi đau khổ chính xác như nó là vậy. Buông xả mọi hình thức kháng cự – sợ hãi, tức giận, mất kiên nhẫn, mặc cảm tội lỗi, hay bất kỳ ý nghĩ, cảm xúc nào. Cho phép chúng trượt biến đi.
Tại khoảnh khắc này, có tồn tại cơn đau, chỉ có cơn đau. Cho phép cơn đau ấy là chính nó. Nếu có thể, hãy ôm lấy cơn đau đó và nói: “Chào cơn đau. Ta đón mi vào tim ta. Ta chấp nhận mi”.
Có tồn tại cơn đau, nhưng ta không phải là cơn đau đó. Có tồn tại cơn đau, tâm ta đang nhận thức cơn đau đó nhưng không hề là cơn đau đó.
Hãy thư giãn. Nhận thức này cho ta cảm giác an toàn. Hãy cảm nhận sự yên bình, cảm nhận tình yêu.
Tự nói với chính mình: “Tôi tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi. Tôi khỏe mạnh. Tôi hạnh phúc. Tôi là tôi. Tôi an toàn và thanh thản”.
Hít thở và chìm vào cảm giác yên bình, chữa lành. Tất cả là chính nó và tất cả đều an lành.
Tôi cảm thấy hơi mệt mặc dù tôi không bị đau hay nhức mỏi gì cả. Nhưng khi tôi thật sự nghĩ về cơ thể mình, tôi nhận ra quai hàm mình căng cứng và vai hơi mỏi. Cổ tôi cũng tê tê. Tôi quyết định tập trung vào những bộ phận này.
Tôi an định trong chánh niệm. Tôi yêu cảm giác này. Tôi nhận thấy nó có thể giúp xoa dịu cơn đau như thế nào. Tôi tự hỏi liệu nó có giúp xoa dịu chứng đau nửa đầu thỉnh thoảng hành hạ tôi hay không. Lần tới tôi sẽ thử, mặc dù tôi chỉ vừa mới luyện thiền thôi nên có thể tôi sẽ không gặt hái được gì.
Giọng nhà sư vang lên:
- Đó là bài hành thiền xoa dịu cơn đau nhức. Một điều quan trọng anh chị cần nhớ là: ở “khoảnh khắc hiện tại”, không vướng bận, tham ái đến kết quả. Càng luyện tập với những cơn đau nhức nhẹ, anh chị sẽ trở nên quen thuộc, và dễ dàng ứng dụng bất kỳ lúc nào anh chị cần.
- Và càng nhận thêm nhiều liều thuốc của Đức Phật phải không? – Suzi cười lớn.
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp. – Kết hợp tâm từ với chánh niệm.
Thầy dừng lại một chút và nhìn khắp nhóm.
- Đã có khá nhiều điều được lĩnh hội trong ngày hôm nay rồi. Lần tới chúng ta sẽ tìm hiểu những nguyên lý trong nhóm cuối cùng của Bát Chánh Đạo.
Hãy đối xử dịu dàng với bản thân; hãy khoan dung và tử tế với bản thân. – Thầy dừng lại và cười. – Điều đó nhắc tới lời Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, điều luôn khiến tôi mỉm cười: “Hãy tử tế bất cứ khi nào có thể. Mà chúng ta thì luôn luôn có thể”.
Tất cả chúng tôi đều mỉm cười, rồi bật cười lớn. Sau đó, chúng tôi tụng bài Kinh tạm biệt. Chúng tôi thu dọn gối, nệm của mình rồi đi ra, hòa mình vào buổi chiều ngập nắng.
Ôn tập
Hành động cụ thể sẽ mang lại kết quả cụ thể – còn được biết đến là nghiệp (karma).
Trong chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, Đức Phật đưa ra những chỉ giáo chi tiết về lời nói và hành vi cư xử mà sẽ mang lại kết quả tích cực, hoặc tạo nghiệp tốt. Ngài đúc kết thành Ngũ Giới:
- Không sát sinh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không dùng rượu hay các chất say khác
Hãy hành động từ chánh niệm bằng sự liêm chính, cư xử bằng lòng trắc ẩn và yêu thương đối với vạn vật chúng sinh. Hãy đối xử với người khác theo cách như ta muốn mình được đối xử.
Hãy trong sạch trong suy nghĩ và trung thực trong cách hành xử. Giữ gìn lời ăn tiếng nói, đừng sa vào xì-căng-đan và chuyện phiếm; chỉ nhận những gì mình được trao.
Ứng dụng
Thực hành chánh ngữ và chánh nghiệp, nhận biết ta có thể biểu đạt những giáo lý đó trong cuộc sống của mình tới mức nào. Thực hành một nguyên lý trong chính cuộc đời mình theo giáo huấn của Đức Phật.
Tử tế với chính mình. Nhớ rằng: “từng giọt nước sẽ đổ đầy bình”.
Tạo thói quen ngừng lại và hít thở trong chánh niệm một hay hai tích tắc trước khi nói hoặc hành động.
Hành thiền mỗi ngày khoảng 20 phút.
Tiếp tục thực hành rải tâm từ vào cuối mỗi lần hành thiền, bắt đầu với chính mình như thường lệ, sau đó đến những người bổn mạng và những người đỡ đầu mình. Bổ sung thêm những người mà ta yêu thương, như là chồng, vợ hoặc con cái. Tự nói với chính mình: “Tôi an toàn. Tôi hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh và tôi thanh thản”. Cuối cùng, hãy mường tượng ra những người thân của mình và nói: “Tôi an toàn. Tôi hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh và tôi thanh thản”.