Buổi chiều hôm nay tiết trời ấm áp, bầu trời thì trong xanh, mọi cửa sổ phòng “chánh điện” đều mở hướng ra ngoài vườn được trang hoàng bằng bông hoa hồng và bầu không khí ngập tràn hương hoa. Nhà sư đã có mặt và những người tham dự khóa tu đang dần dần vào chỗ. Tôi đã ngồi sẵn sàng trên chiếu của mình và cảm thấy buồn ngủ vương vất.
Cơn gà gật của tôi là có lý do, không chỉ vì trạng thái ngầy ngật do vừa ăn trưa xong. Phải nói, tôi vừa trải qua một tuần lễ bận rộn hết sức, với ba ngày ở London để chụp hình minh họa cho quyển sách dạy nấu ăn tôi đang xúc tiến.
Tôi vốn rất thích những buổi chụp hình – đó là thời gian quyển sách chuẩn bị lên bệ phóng. Sau thời gian tự chế các công thức nấu ăn, lên kế hoạch thực hiện, và tự thiết kế cho quyển sách, tôi vô cùng phấn khởi hòa mình vào đội ngũ xây dựng hình ảnh. Thậm chí đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm tôi vẫn giữ nguyên sự phấn khích khi xem những bức hình đẹp lung linh ra đời. Ngày nay ta có thể xem hình ngay lập tức nhờ vào công nghệ nhiếp ảnh kỹ thuật số, chứ không phải chờ người đưa thư tới giao phim và đợi công đoạn xử lý ảnh.
Nhiếp ảnh ẩm thực thời nay rất khác với thời tôi khởi nghiệp. Vào thập niên 1980, mọi khâu chuẩn bị đều rất cồng kềnh với nào là phụ kiện, nào là khăn ăn v.v… và món ăn phải được tô điểm cho hoàn hảo. Do chụp dưới ánh sáng studio nên có rất nhiều câu chuyện về khoai tây nghiền được dùng thay cho kem vani… mặc dù tôi chưa bao giờ phải làm những việc giả mạo kiểu như thế.
Bao năm trôi qua, gu “thời trang” trong cách chụp hình món ăn đã thay đổi. Bây giờ, mọi thứ đã nhẹ nhàng hơn nhiều, đồ ăn trông đúng như “nhà làm” rất bắt mắt và được chụp dưới ánh sáng tự nhiên cho nên cũng không đòi hỏi suốt ngày phải ở trong studio. Tuy nhiên, tôi thấy việc chụp hình khiến tôi rất mệt mà không biết tại sao. Có lẽ là do công việc tất bật thường nhật của studio, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ đến khuya lắc khuya lơ, có khi phải ngồi chờ vật vạ trong khi stylist ẩm thực chuẩn bị món ăn cho nhiếp ảnh gia chụp. Những stylist ẩm thực làm việc chung với tôi thật tuyệt vời. Tôi rất yêu thích giây phút ngắm họ trang hoàng cho những công thức nấu ăn của tôi.
Tôi đang suy nghĩ miên man thì bỗng nghe thấy tiếng của nhà sư… giọng nói lôi tôi trở về với khoảnh khắc thực tại.
- Hân hoan vui mừng gặp lại các anh chị trong ngày hôm nay. – Thầy vừa nói vừa mỉm cười nhìn quanh nhóm.
- Hôm nay chúng ta đã đi được nửa đường của khóa tu. Bây giờ hãy cùng nhau ôn lại xem chúng ta đã học được những gì rồi. Chúng ta đã học chánh niệm và hành thiền; chúng ta đã thường xuyên thực hành những bài hành thiền; chúng ta đã nghiên cứu ba Chân lý Cao thượng đầu tiên trong Tứ Diệu Đế của Đức Phật.
Quả thật là anh chị đã đạt được thành tựu lớn lao. Bây giờ anh chị đã có trong tay một số kỹ năng và công cụ rồi. Anh chị đã lĩnh hội kiến thức, vì vậy những gì anh chị cần làm bây giờ là luyện tập cho nó trở nên dễ dàng và tự nhiên. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. – Thầy cười. – Tiếp sau đây là phần hai của khóa tu: tập trung đưa những giáo huấn ứng dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày, và rồi trải nghiệm tất cả những lợi ích mà điều này mang lại.
Nhưng trước khi chúng ta tiếp tục giai đoạn kế tiếp, mọi người có câu hỏi hay có bình luận, nhận xét gì về những điều chúng ta đã thực hành vừa qua hay không? Mọi thứ đều rõ ràng với các anh chị chứ? Việc chánh niệm và hành thiền của mọi người tiến triển thế nào rồi?
Tim giơ tay lên.
- Tôi cứ suy nghĩ miết về chuyện này, một chuyện tôi mong thầy giải thích cho sáng tỏ giùm. Đó là về chánh niệm.
Tim ngừng lời, nhà sư mỉm cười.
- Đó là gì vậy?
Tim nói tiếp, nghe có vẻ đầy suy tư và nghiêm trọng.
- Theo như tôi hiểu thì thầy nói rằng chánh niệm có nghĩa là tập trung hoàn toàn vào những gì đang diễn ra ở khoảnh khắc hiện tại, hoặc vào một hành động cụ thể nào đó, như đánh răng chẳng hạn, mà không để bị xao nhãng bởi những suy nghĩ, nhận xét, phán xử, chỉ trích, so sánh,… Vậy có đúng không?
- Đúng vậy. Đúng là như vậy. – Nhà sư xác nhận.
- Trong trường hợp đó, – Tim nói, – tôi cứ tự hỏi làm sao cùng lúc vừa có thể chánh niệm ở khoảnh khắc hiện tại vừa quan sát hơi thở cho được? Tôi thấy mỗi lần chỉ thực hiện được một việc thôi.
Nhà sư dừng lại một hồi rồi nói:
- Đó là điểm mấu chốt… cảm ơn anh đã nêu ra, Tim. Để tôi giải thích thế này.
Chánh niệm, như các anh chị biết đấy, có nghĩa là hướng sự chú ý và mở rộng nhận thức tới những gì đang diễn ra ở khoảnh khắc hiện tại và chấp nhận nó, mà không bình luận, phán xét, chỉ trích, so sánh hay kiểm soát. Chúng ta chỉ việc nhận biết hoặc chú ý đơn thuần mà thôi, như cách những nhà tu hành chúng tôi hay nói. Đó là chánh niệm.
Bây giờ, chúng ta có thể chọn cách mở lòng ra với tất cả mọi thứ, để có cái nhìn tổng thể về những gì đang xảy ra tại bất kỳ khoảnh khắc nào, hoặc chúng ta giới hạn tầm nhìn và chỉ chánh niệm trong phạm vi nhỏ hẹp. Chẳng hạn, vào khoảnh khắc này, chúng ta có thể chánh niệm về toàn thể căn phòng, hoặc chúng ta hướng chánh niệm đến… thân thể mình, hay đến điều chúng ta đang làm lúc này là hít thở. Giống như lia ống kính máy chụp hình tới cái gì đó, sau đó hoặc là phóng to lên hoặc là thu hẹp phạm vi ống kính rọi vào.
Một khi đã hiểu về chánh niệm, chúng ta có thể tập trung “ống kính chánh niệm” vào bất cứ thứ gì chúng ta chọn. Đức Phật dạy rằng có bốn “trụ cột” làm nền tảng cho chánh niệm, dẫn đường tới đối tượng cho chúng ta rọi “ống kính chánh niệm” vào. Ngài dạy như thế này:
1. Chánh niệm thân, bao gồm cả hơi thở.
2. Chánh niệm cảm xúc và cảm giác, như chúng ta đã học ở Chân lý Cao thượng thứ nhất và thứ hai, khi ta nhận biết “có tồn tại bể khổ”, và đi tìm nguyên nhân của bể khổ.
3. Chánh niệm tâm, tức là khi chúng ta cố gắng tìm ra khoảng không rõ ràng giữa những suy nghĩ của chúng ta trong khi hành thiền.
4. Chánh niệm với đối tượng mà Đức Phật gọi là “vô ngã”, chúng ta đã đề cập đến khi tìm hiểu Chân lý Cao thượng thứ ba và tự hỏi: “Tôi là ai?”.
Đó là bốn phương pháp chánh niệm (Tứ Niệm Xứ), anh chị có thể chọn đối tượng để tập trung vào, cho dù anh chị phóng to “ống kính chánh niệm” vào toàn bộ quang cảnh, hay thu nhỏ ống kính vào chỉ một cọng cỏ, một bông hoa hay một cánh bướm.
Bây giờ mọi người đã rõ chưa? Trong thực tế, anh chị không cần phải nghĩ xem mình đang chánh niệm cảm xúc, chánh niệm suy nghĩ, chánh niệm thân thể hay bất kỳ cái gì, mà cứ thế làm thôi… nhưng tôi hy vọng những giải thích của tôi sẽ giúp cho anh chị hiểu rõ quy trình hơn.
Tôi rất vui mừng với lời giải thích của nhà sư. Rõ ràng nó giúp tôi hiểu nhiều hơn về chánh niệm.
Tim có vẻ đồng ý với thầy, nhưng anh đang nêu một câu hỏi khác.
- Đúng là tôi có hiểu, nhưng tôi vẫn tự hỏi về việc luyện tập tâm từ mà thầy đã nhắc tới… Làm thế nào để tập trung vào tâm từ trong khi đang chánh niệm? Đối với tôi, việc nghĩ về tâm từ thể hiện suy nghĩ ở tầng cao của chánh niệm.
Tim dường như đang làm phức tạp hóa vấn đề, nhưng nhà sư có vẻ bám theo ý của anh. Nhà sư đáp:
- Tâm từ là một thái độ hơn là một suy nghĩ, giống như lòng biết ơn, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Tâm từ là cảm giác yêu thương, nhân từ và thái độ cảm thông đối với mọi chúng sinh, có cùng nỗi đau đớn và sầu khổ của chúng ta, đều mong mỏi được yêu thương, an toàn, tự do và yên bình; cùng chia sẻ niềm vui, lòng nhân từ và quan tâm đến nhau. Khi ta luyện tập rải tâm từ, ta tập trung vào ai đó – vào chính mình, vào người khác hay vào một hiện tượng cụ thể, như cơn đau lưng, vấn đề nào đó trong tâm, tình hình thế giới v.v… rồi chúng ta rải thái độ từ tâm hay yêu thương vào những đối tượng ấy.
Nhà sư ngừng một chút rồi cười lên thành tiếng.
- Anh chị có thể nghĩ về tâm từ như là đặt một tấm chắn màu hồng lên “ống kính chánh niệm”. Lúc anh chị rải tâm từ là khi anh chị chánh niệm thông qua ống kính màu hồng đầy tình yêu thương.
- Tôi giải thích như vậy đã rõ hơn chưa? – Nhà sư hỏi.
Tim gật đầu.
- Ý thầy là chúng ta nhìn thế giới qua ống kính nhuộm gam màu hồng phải không? – Maurice hỏi và bật cười.
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp – Anh chị có thể nói là ống kính nhuộm tâm từ.
- Ôi, tôi ước gì mình có thể mua được cặp kính như thế. – Suzi thở hắt ra và nói khiến mọi người cười rần rần.
- Có thể sau này anh chị sẽ đeo cặp kính như thế một cách tự nhiên khi anh chị cứ thường xuyên luyện rải tâm từ. – Nhà sư mỉm cười đáp.
Thầy dừng lại. Sau đó, Debbie trông rất thanh thản, điềm tĩnh giơ tay lên.
- Tôi muốn cảm ơn thầy vì đã đề xuất những bài hành thiền ngắn. Tôi thấy mình có thể xoay xở được vài phút chánh niệm hơi thở giữa những lần gặp khách hàng và bất kỳ lúc nào trong ngày. Tôi rất thích và thấy nó có lợi ích rõ rệt. Khi dẫn chó đi dạo, tôi cố đi bộ hành thiền… tùy theo chú chó cho phép tôi bao nhiêu lâu tôi làm bấy nhiêu. – Cô cười hể hả, xem ra cô hạnh phúc và ít căng thẳng hơn nhiều so với lúc trước.
Nhà sư cười, ánh mắt rạng rỡ nhìn Debbie.
- Tôi rất mừng. Thường xuyên thực hành chánh niệm giúp ta điềm tĩnh và hun đúc sức mạnh nội tại, giúp ta xoa dịu cuộc sống, vì vậy một khi chánh niệm trở thành nề nếp hàng ngày thì hoàn cảnh thay đổi. “Niềm vui hấp dẫn niềm vui”, như người ta nói, và sự điềm tĩnh nội tại sẽ cuốn hút sự điềm tĩnh bên ngoài.
Khi anh chị trải nghiệm điều này, rồi anh chị sẽ nhận thấy cuộc sống cho phép anh chị có cơ hội hành thiền lâu hơn. Anh chị sẽ có thể tăng thời gian từ từ, bắt đầu từ 5 hay 10 phút, rồi túc tắc tăng lên đến 20 phút.
Nghiên cứu chỉ ra rằng 10 phút hành thiền đem lại cho ta lợi ích đáng kể, và 20 phút còn có tác động sâu sắc hơn đến thân và tâm.
Nhà sư ngừng lời, rồi bật cười lớn.
- Những lợi ích thiết thực và thâm sâu nhất của hành thiền, cả về thể chất lẫn tinh thần, được thể hiện ở những thầy tu hành thiền tới 5 tiếng một ngày hoặc hơn… nhưng tôi không yêu cầu anh chị làm điều đó!
Tất cả chúng tôi cùng cười. Tôi không tưởng tượng nổi ai lại có thể ngồi thiền được trong thời gian lâu đến thế… như tôi đã nói, 20 phút dường như là cả thế kỷ đối với tôi. Nhưng Robert đã tham gia một hay hai khóa tu Phật pháp, mỗi đợt anh ở trong tu viện 10 ngày và hành thiền suốt ngày, từ sáng sớm đến tận khuya, luân phiên tọa thiền với đi bộ hành thiền, và chẳng bao lâu anh thấy đã thích nghi với nó. Những tác động của hành thiền đối với anh rất rõ ràng.
- Ta phải ở hẳn trong tu viện mới làm được như thế! – Ed bình luận.
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp. – Khối lượng hành thiền như thế không phải dành cho bất kỳ ai.
Một khoảng dừng. Sau đó Ed nói.
- Tôi có thể hiểu điểm này của hành thiền và tôi phải khẳng định là tôi đang dần thấy nó rất hữu ích. Nhưng thầy có bao giờ nghĩ việc xuất gia vào tu viện là trốn tránh cuộc đời, là nuông chiều bản thân và thoát ly thực tế không?
Tôi thực sự cảm thấy bực mình với Ed. Tôi nghĩ cái cách anh nêu vấn đề có vẻ thách thức nhà sư và có phần thô lỗ. Tôi phân vân có nên nói gì đó hay không. Nhưng trước khi lời nói bật khỏi miệng tôi thì nhà sư đã cười sang sảng.
- Thoát ly thực tế ư? – Thầy lại cười lớn. – Ồ, không đâu, Ed. Tôi không nghĩ anh có thể nói thế! Chúng tôi rút lui khỏi thế tục, nhưng không như tiến hành một kỳ nghỉ đâu… mà là theo tiếng gọi trong lòng, theo sự nhận thức nội tại. Chúng tôi cần rút lui khỏi những xao nhãng và cám dỗ của thế giới để chuyên chú hành thiền và chiêm nghiệm. Trở thành nhà sư và sống trong tu viện giống như tham gia vào quãng đời rèn luyện mà chúng tôi học hành, nghiên cứu để truyền lại đôi chút giáo pháp của Đức Phật cho trần thế.
Ngoài ra, nhờ sống trong tu viện mà chúng tôi góp phần xây dựng được một nơi yên tĩnh, thanh tịnh cho mọi người đến tu dưỡng nội tâm và hành thiền, giúp họ tìm được yên bình rồi sau đó đưa sự yên bình ấy vào cuộc sống của họ. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến thăm viếng chùa chiền.
Nhà sư ngừng lời, lộ vẻ tư lự một hồi rồi tiếp:
- Có những học viện Phật giáo và những tu viện khác nhau, mỗi nơi có nội quy riêng. Nhưng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, mặc dù chúng tôi sống trong chùa và tuân thủ giới luật nghiêm ngặt, nhưng chúng tôi noi gương Đức Phật khi ra ngoài thế giới, nhận của bố thí để sống và truyền bá giáo huấn của Đức Phật bằng cách thị phạm – thông qua việc trực tiếp thực hành cùng với mọi người.
Chúng tôi sống trong tu viện để tuân thủ vinaya, giới luật nguyên thủy rất nghiêm ngặt của Đức Phật dành cho nhà sư (Tạng Luật). Đức Thế Tôn đã trao cho chúng tôi những nghiêm luật để phát triển tâm linh, khỏi bị xao nhãng bởi cuộc sống trần tục, vốn kích thích tham ái, ảo tưởng, bám víu, do vậy giúp chúng tôi có thể chí thú tập trung vào hành thiền và tu tập.
- Rút lui khỏi những cám dỗ… đó chẳng phải là lừa dối sao? – Ed nói và cười lớn.
Nhà sư đáp:
- Không phải. Trong trường hợp phải tập trung và lựa chọn, chúng tôi quyết định sử dụng năng lượng của mình như thế nào. Chúng tôi chọn cách từ bỏ một số thứ để tập trung vào những thứ có giá trị hơn, quý giá hơn đối với chúng tôi – tự do và khai sáng tâm linh.
Chúng tôi dẹp bỏ nhiều thứ để dồn năng lượng của mình vào việc phát triển tâm linh, hơn là liên tục phải chiến đấu với dục vọng, cám dỗ luôn khuấy động các giác quan của chúng tôi.
Thật sự điều đó rất phổ biến, nhưng tách mình khỏi những thứ kích thích giác quan không có nghĩa là chúng tôi không có cơ hội nuông chiều những dục vọng, khát khao. Tôi đảm bảo điều đó. Bản chất con người là bản chất con người. Luôn luôn tức giận, bị cuốn hút hay mong mỏi cái gì đó.
Nhưng nếu chúng tôi muốn trải nghiệm sự yên bình và hòa hợp với nội tại của mình, để tự giải phóng bản thân khỏi bể khổ do tham ái (thèm muốn, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu) gây ra, thì sẽ hữu ích cho chúng tôi nếu chúng tôi không bao quanh mình bằng những thứ có thể khuấy động dục vọng… và dĩ nhiên cũng không bị “gắn chặt” vào những điều kiện êm ái đó. Nếu tình cờ có yếu tố gây xao nhãng xuất hiện, như tiếng trực thăng xà quần trên đầu chẳng hạn, – thầy cười, gợi nhắc câu chuyện thầy đã kể cho chúng tôi nghe kỳ trước, – thì chúng tôi sẽ xử lý nó.
Anh chị biết đấy, trong cuộc sống, những thứ bên ngoài phản chiếu đời sống nội tại và ngược lại. Có được môi trường xung quanh thuận lợi sẽ giúp ta hòa hợp và yên bình bên trong; mà hòa hợp bên trong sẽ tạo ra yên bình bên ngoài.
Nhà sư dừng lời. Gwyn hỏi:
- Vậy những nhà sư như thầy mang sự chữa lành, kiến thức và sự an lành cho thế giới thông qua tấm gương là chính mình, cùng với lời giáo huấn phải không?
- Đó là cách đặt vấn đề thú vị. – Nhà sư đáp, mỉm cười. – Chúng tôi luôn cố gắng hết sức, luôn làm hết sức.
Dừng một chút, nhà sư lại tư lự nói thêm:
- Nếu không trở thành nhà sư thì tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay để truyền pháp cho anh chị.
Chắc chắn không phải bất kỳ ai cũng có thể làm nhà sư. Trong số tất cả những người đến tu viện học tập để quy y cửa Phật thì chỉ có một phần nhỏ trụ được đến khóa tu cuối cùng. Rất nhiều người nhận ra cuộc sống như thế này không phải dành cho họ, và thế là họ ra đi.
Hãy nghĩ như thế này, trở thành nhà sư chỉ là một cách sống khác và là một cách khác để đóng góp cho đời, cũng giống như anh chị làm giáo viên, bác sĩ, hay bất kỳ nghề nghiệp nào khác. Để làm bác sĩ, giáo viên, anh chị đều phải học để hành nghề, thì nhà sư cũng vậy. Quy trình học tập bao gồm việc tuân thủ giới luật khắt khe – nó trao cho chúng tôi nội quy và kỷ luật cần thiết để thực hiện được khối lượng hành thiền lớn theo quy định.
Nhà sư dừng lời rồi lại nói tiếp:
- Anh chị biết không, chúng tôi không được phép giảng Phật pháp cho đến khi chúng tôi được tấn phong nhà sư được mười năm, hay còn gọi là mười “mùa mưa tu luyện”.
Nhưng tôi nghĩ chúng ta đi lạc đề rồi, – thầy mỉm cười, – mặc dù những gì chúng ta vừa bàn luận có liên quan đến Chân lý Cao thượng thứ tư mà chúng ta sẽ học hôm nay.
Chân lý Cao thượng thứ tư luận về con đường đưa những giáo huấn của Đức Phật vào thực tế cuộc sống hàng ngày, nâng đỡ hoạt động chánh niệm nội tại bằng một lối sống dẫn tới tự do. Đây là một trải nghiệm thú vị… sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới; bước theo dấu chân của Đức Phật; sống một cuộc sống tuân thủ những nguyên tắc đơn giản nhưng thâm sâu, để cảm nhận sự an lạc và niềm vui mà không lời nào có thể diễn tả.
Lời nói hăng say và niềm hạnh phúc của nhà sư truyền đến mọi người. Cả căn phòng tràn ngập cảm giác mong chờ và phấn chấn.
Chân lý Cao thượng thứ tư
- Chân lý Cao thượng thứ tư chứa đựng pháp mà Đức Phật gọi là Bát Chánh Đạo, tám nguyên lý, vừa vặn một cách đáng ngạc nhiên, – nhà sư cười tươi, – dẫn dắt chúng ta ra khỏi bể khổ.
Nghe thầy nói vậy, cả nhóm lao xao. Ed nêu một câu hỏi khác:
- Nhưng tôi tưởng chúng ta đã thực hiện rồi chứ, chẳng phải chúng ta đã tìm ra đường thoát khỏi bể khổ với ba Chân lý Cao thượng đầu tiên đó sao? Kỳ trước thầy đã nói với chúng tôi như thế mà.
Nhà sư đáp:
- Đúng, chính xác. Chúng ta đã học cách nhận ra rằng có tồn tại bể khổ, cái gì gây ra bể khổ – thèm muốn, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu. Chúng ta cũng đã khám phá cách tự giải thoát mình khỏi bể khổ – một sự chẩn đoán, liệu pháp, phương thuốc chữa trị cho bể khổ.
Nhưng, như bất kỳ bác sĩ giỏi nào cũng đều biết, để vĩnh viễn chữa dứt căn bệnh, ta không thể gửi bệnh nhân trở về thế giới và sống y hệt như cuộc đời cũ của họ, kẻo không thì trong nháy mắt họ sẽ lại trải qua ca phẫu thuật với đúng những vấn đề cũ. Phải thế không bác sĩ Tim? – Thầy cười.
Tim hơi đỏ mặt, rồi cũng cười và đáp lời:
- Quá đúng. Rất đúng.
Nhà sư giải thích:
- Vậy nên Đức Phật truyền dạy Chân lý Cao thượng thứ tư để chỉ cho chúng ta cách sống sao cho hỗ trợ hoạt động nội tại mà chúng ta đã thực hiện với ba Chân lý Cao thượng đầu tiên và đưa chúng ta đến với tự do và giác ngộ. Tuy nhiên, – thầy trầm ngâm, – Đức Phật không bao giờ phát biểu đao to búa lớn về bất kỳ điều gì. Ngài chỉ đơn giản nói: “Như Lai dạy về bể khổ – nguồn gốc, sự chấm dứt bể khổ và đạo lộ. Đó là những gì Như Lai truyền giảng”.
Tất cả im lặng. Nhà sư dừng lời rồi tiếp:
- Vì vậy, bây giờ chúng ta đi trên con đường mà Đức Phật gọi là Bát Chánh Đạo, như mô tả trong Chân lý Cao thượng thứ tư. Và, giống như ba Chân lý Cao thượng kia, chân lý này cũng có ba “phạm trù”.
“Có Bát Chánh Đạo, con đường thoát khỏi bể khổ
Phải tu tập Bát Chánh Đạo
Đã tu tập Bát Chánh Đạo.”
- Trong phạm trù giác ngộ đầu tiên, chúng ta bắt đầu biết rằng Bát Chánh Đạo là con đường thoát khỏi bể khổ; phạm trù thứ hai khuyên chúng ta cần đi theo con đường ấy; và phạm trù thứ ba cho biết chúng ta đã đi vào con đường ấy.
Nhà sư cười.
- Giống như ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là sự tu tập và rèn luyện cả một kiếp đời… thậm chí nhiều kiếp đời, như anh chị có thể nói.
Nhà sư mỉm cười rồi dừng lại, sau đó giảng tiếp:
- Trong thực tế, Chân lý Cao thượng cuối cùng này, Bát Chánh Đạo, như viên nhộng bao trọn cả ba Chân lý Cao thượng kia. Vì vậy, một khi anh chị đã hiểu ba chân lý đầu tiên, thì Chân lý Cao thượng thứ tư này là tất cả những gì anh chị cần. Bao trùm tất cả, đây là công thức hạnh phúc mà anh chị có thể cất giữ trong túi áo và luôn mang theo bên mình.
Như vậy, Bát Chánh Đạo gồm tám nguyên lý, hay tám phẩm chất, được xếp thành ba nhóm tương ứng với tuệ, giới luật và cân bằng cảm xúc. Bát Chánh Đạo được xếp như vậy nhằm giúp chúng ta dễ nhớ, nhưng quan trọng là phải biết rằng nó không gồm danh sách “những việc cần làm” cho chúng ta đánh dấu từng cái một. Đó là những phẩm chất liên hệ mật thiết với nhau để chúng ta trau dồi tu tập cùng nhau. Được xếp theo nhóm, giống như ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, Bát Chánh Đạo trình bày con đường thoát khỏi bể khổ và dẫn tới tự do, hạnh phúc và yên bình.
Tôi nói:
- Xem ra càng lúc càng phức tạp, cái này liên quan tới cái kia. Sao giống bộ sưu tập búp bê Nga quá, con này chứa bên trong con kia.
Nhà sư cười, đồng ý.
- Đúng vậy. Đức Phật vô cùng thông tuệ. Giáo huấn của Ngài nghe có vẻ phức tạp nhưng thật ra không phải vậy. Và vì chúng liên quan với nhau nên rất dễ nhớ một khi anh chị chú tâm suy ngẫm về nó.
Một lợi ích nữa là hiệu ứng gộp, tất cả đều có chỗ cố định và mỗi chi đều tương tác hỗ trợ lẫn nhau, nhằm mang lại cho chúng ta sự phát triển và sự viên mãn.
Nhà sư ngừng lời, sau đó mỉm cười nói thêm:
- Giống như tất cả các bộ phận của chiếc xe cùng hoạt động để chiếc xe chạy tới đích.
- Không thì tất cả ngã nhào theo hiệu ứng domino khi ta bỏ cái đầu tiên đi. – Ed nhận xét.
Cả nhóm cùng cười lớn.
Nhà sư cũng cười, rồi đáp:
- Ừm, tôi không chắc là mình thích sự suy luận về tất cả mọi thứ cùng ngã nhào, nhưng tôi hiểu ý của anh. Cái này hích đẩy cái kia và đó chính xác là điều xảy ra… Và tại sao luyện tập Tứ Diệu Đế là quan trọng, bởi vì Tứ Diệu Đế giúp kích hoạt hiệu ứng domino theo cách của mình.
Chúng ta cùng đi vào nội dung nào. Tôi cần thú thật là cách đặt tên những chi phần này gây khó hiểu. Những chi đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Rất nhiều “chánh” phải không? Không chỉ là điệp âm, mà ý nghĩa chính xác rất dễ bị mờ đi khi dịch sang các ngôn ngữ khác nhau. “Chánh” trong bản gốc tiếng Pali là lối sống “trong sạch”, “lý tưởng” và “khéo léo”, dẫn đến hạnh phúc, an lạc và hòa hợp, chứ không hẳn mang ý nghĩa là “đúng đắn”.
Tuy nhiên, chúng ta hãy để mặc phạm trù ngữ nghĩa và định kiến ở đó đi.
Chúng ta sẽ bám vào cụm từ được dịch phổ biến là “chánh”, nghĩa này đủ hay để cho phép tám nguyên lý tự cất lên tiếng nói của mình. Khi chúng ta cố nhớ tám nguyên lý này, sẽ hữu ích nếu anh chị biểu tượng hóa chúng với những bộ phận thân thể con người.
Hai chi phần đầu tiên – chánh kiến, chánh tư duy – giúp ta phát triển tuệ, tương ứng với cái đầu. Ba chi phần tiếp theo là về con đường dẫn dắt cuộc sống của ta và mô tả hành vi của ta với thế giới – chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Những chi phần này giống như thân mình. Ba chi phần cuối – chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định – nói về động cơ của chúng ta, hay anh chị có thể nói là trái tim và cảm xúc của chúng ta. Đó là cách cho dễ nhớ về Bát Chánh Đạo.
Tôi ngẫm nghĩ trong khoảnh khắc và tự hỏi làm cách nào mình có thể nhớ hết tên những chi phần đó.
Nhà sư vẫn đang giảng giải trong khi tâm của tôi đi lang thang.
- Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu từng nhóm một. Bắt đầu với “nhóm cái đầu” trong ngày hôm nay. Sau đó, chúng ta sẽ chia nhỏ ra để nghiên cứu từng nguyên lý. Hai nhóm kia chúng ta sẽ xem xét trong hai tuần tới.
Xem ra chúng tôi sẽ bận rộn lắm đây.
Chánh kiến
- Nguyên lý thứ nhất của Bát Chánh Đạo là chánh kiến, hoàn thiện tất cả những chân lý trong ba Chân lý Cao thượng đầu tiên mà chúng ta đã đề cập tới. Đó là cách nhìn nhận sự vật hiện tượng và cuộc sống của anh chị theo hướng dẫn tới an bình và tự do thoát khỏi bể khổ.
Do vậy, chánh kiến liên quan đến việc ở vào khoảnh khắc hiện tại, chấp nhận tất cả mọi thứ chứa đựng trong khoảnh khắc này – “nó đúng là nó”. Nếu khoảnh khắc này chứa đựng đau đớn thì ta học cách đứng qua một bên, trở thành người quan sát, để ta có thể nói rằng “có tồn tại bể khổ”. Anh chị nên nhớ là “có” chứ không phải “tôi có”).
Chúng ta đã thấy rằng khi chúng ta thực hành, khi chúng ta để bể khổ đúng là nó, thậm chí chào đón nó nếu có thể, thì bể khổ sẽ loãng đi và cuối cùng dừng hẳn. Pháp này rất hữu hiệu. Bất cứ ai cũng có thể tự mình chứng minh điều này.
Nhà sư ngừng lời rồi giảng tiếp:
- Chúng ta cũng đã biết bể khổ sinh ra do tham ái – thèm khát, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu. Bằng cách nhận ra loại tham ái nào và buông bỏ nó đi, chúng ta có thể tự giải phóng mình khỏi bể khổ và tìm thấy yên bình nội tại.
Trong quy trình này, chúng ta đã khám phá ra sự thật rằng “vạn vật có sinh ắt có diệt”. Nói cách khác, vạn vật đều có bắt đầu và có kết thúc. Và thông qua chánh niệm, nhận thức đầy đủ khoảnh khắc hiện tại, chúng ta biết mình có thể chạm tới cõi yên bình tuyệt đối, sự thuần khiết, trong sáng và niềm vui bên trong chính bản thân.
Nhà sư ngừng giảng. Mọi người im lặng. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy an ổn, thăng hoa theo lời giảng của thầy. Cảm giác ấm áp dâng tràn, đầy sức mạnh. Lời giảng của thầy như mang “hiện tại” vào căn phòng một lần nữa. Tôi tự hỏi những người còn lại có cảm thấy như thế hay không. Tôi thả mình vào hiện tại, và tâm của tôi như ngừng lại một nhịp… một vài tích tắc hoặc hơn… tôi không biết, bởi vì tôi đã mất khái niệm thời gian. Tôi hít thở vài hơi trong chánh niệm. Thật là an nhiên!
Tôi trở về với tiếng nhà sư giảng giải:
- Nếu anh chị thấy lạ lẫm với điều này, thì anh chị cứ từ từ, nhưng tôi phải nhắc lại và nhấn mạnh rằng nó không phải là quy trình khó khăn phức tạp, không dành sẵn cho người bình thường. Đừng nghe ai nói thế. Bất kỳ ai cũng làm được. Kết quả rất xứng đáng với công sức bỏ ra. Do vậy, hãy cứ làm theo những bước đơn giản mà chúng ta đã làm. Cứ luyện tập thôi.
Nhà sư nghĩ một chút thì Rodney nhìn thầy.
- Thầy làm cho mọi sự nghe có vẻ đơn giản. Tôi đã cố tập thiền và theo con đường của Đức Phật nhiều năm nay rồi, nhưng tôi không biết mình có tiến bộ gì không. – Giọng ông nhỏ dần, hình như đượm chút buồn.
- Nó bình thường, nhưng không phải luôn dễ dàng. – Nhà sư đáp. – Không ai có thể làm giúp điều ấy cho ông. Không ai vẫy cây đũa thần lên ông và hóa phép cho mọi chuyện xảy ra. Nhưng ông có sức mạnh nội tại ở bên trong mình, tất cả chúng ta ai cũng đều có sức mạnh nội tại để thực hiện và tìm thấy hạnh phúc, tự do và yên bình cho chính mình. Đó là lúc phép màu xuất hiện.
Cho nên, điều tôi đang muốn nói là, Rodney à… cũng như tất cả các anh chị… hãy tin tưởng vào con đường của mình. Hãy tin tưởng giáo huấn mà Đức Phật truyền lại từ nhiều thế kỷ. Anh chị cứ thực hiện thôi. Giáo huấn sẽ có hiệu lực… nếu anh chị thực hiện.
Trong Chân lý Cao thượng thứ tư, chúng ta có bản hướng dẫn chi tiết về phương cách sống sao cho hỗ trợ nỗ lực nội tại của mình và giúp anh chị chứng ngộ trên đạo lộ, không chỉ với ý nghĩa là “tiến bộ” hay “đạt kết quả” thông thường. – Thầy cười.
Chúng ta cần tất cả: sự rèn giũa sức mạnh nội tại (hành thiền, chánh niệm, tâm từ, thực hành ba Chân lý Cao thượng đầu tiên) cùng với sự vun đắp sức mạnh ngoại hiện (lối sống hàng ngày hoặc Chân lý Cao thượng thứ tư – lối sống “chánh đạo”).
Nhà sư ngừng lời để suy nghĩ, rồi nói thêm:
- Anh chị biết đấy, đó là điều mà người ta đôi khi quên mất.
Tôi tự hỏi thầy đang nói về cái gì, và tôi nghĩ tôi không là người duy nhất thắc mắc như vậy, bởi vì mọi người đều im lặng. Và rồi Tim nói:
- Thầy vui lòng giải thích thêm được không? Tôi chưa hiểu rõ ý thầy.
Nhà sư đáp:
- Dĩ nhiên rồi. Trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật truyền cho chúng ta một công thức sống cân bằng và hoàn hảo. Nhưng để công thức ấy có hiệu lực, để đạt kết quả tốt nhất, anh chị cần phải thực hiện trọn gói – cần uống hết cả toa thuốc. – Thầy cười lớn.
Sẽ không hiệu quả nếu anh chị chỉ uống một phần toa thuốc. Chẳng hạn như, anh chị chỉ chánh niệm và hành thiền, nhưng quên rải tâm từ với Tứ Diệu Đế, rồi cứ sống theo lối cũ, anh chị chỉ có thể gặt hái được một số thành quả, bởi vì bản thân chánh niệm và hành thiền đã là những công cụ hùng mạnh rồi. Nhưng khi anh chị luyện tập tất cả – chánh niệm, hành thiền, tâm từ và Tứ Diệu Đế – mỗi công cụ hỗ trợ, tương tác lẫn nhau, thì kết quả là anh chị sẽ hun đúc được cho mình sức mạnh và sự cân bằng vi diệu.
Thế nhưng chúng ta đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan khi cố phán xét xem mình đang tiến triển như thế nào. Tại sao lại như vậy? – Nhà sư bất thình lình hỏi.
Im lặng khắp phòng. Sau đó, Rodney trả lời:
- Bởi vì nếu ta thật sự chánh niệm, ta tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, không nghĩ ngợi ta đã đi được bao xa rồi.
Nhà sư nói:
- Khá đúng, Rodney. Khá là đúng. Và chúng ta cũng không phán xét, so sánh hay chỉ trích. Chúng ta đang “hòa chung vào” sự vật, hiện tượng đúng với bản chất của chúng – chấp nhận chúng. Anh chị có nhớ nguyên tắc “nó đúng là nó” không? Đôi lúc tôi nói thế này: “cứ để nó đúng là nó rồi thì tất cả đều ổn”.
Nghe thì đơn giản, nhưng hãy tin tôi, nó rất thâm diệu. Nếu anh chị tìm kiếm kết quả, – thầy cười, nhìn Rodney, – rồi cũng sẽ có. Hãy luyện tập, rồi sẽ thấy.
Giờ anh chị đã hiểu Chân lý Cao thượng thứ tư nhiều hơn rồi, nên chúng ta sẽ đưa chân lý này vào thực tế cuộc sống, để sống cùng với giáo huấn của Đức Phật một cách thiết thực, nhằm hỗ trợ sức mạnh nội tại, rồi thì tất cả mọi thứ sẽ đến cùng lúc. Anh chị sẽ thấy.
Chúng ta hãy tiếp tục nào. Anh chị vừa xem xét chi phần đầu tiên của Bát Chánh Đạo – chánh kiến. Bây giờ chúng ta chuyển qua chi phần thứ hai – chánh tư duy.
Chánh tư duy
- Chánh tư duy chỉ về “tuệ” hoặc “cái đầu”, hàm ý chỉ sự suy nghĩ “sáng suốt”, nhưng trong ngôn ngữ gốc tiếng Pali, nó được Đức Phật dùng để chỉ một phẩm chất quyền năng hơn là suy nghĩ đúng. Nó thiên về cảm giác hy vọng và lạc quan trong chúng ta, chủ ý thực thi, đưa trí tuệ của Tứ Diệu Đế vào đời sống, để sống cùng với chúng, chứ không chỉ là suy nghĩ về chúng.
Với chánh kiến, chúng ta có kiến thức; và với chánh tư duy, chúng ta có nghị lực và ý chí sử dụng kiến thức đó – quả là một sự kết hợp hoành tráng.
Chúng ta thực hành chánh niệm, không ngừng đưa bản thân về khoảnh khắc hiện tại. Điều này có nghĩa là ta chấp nhận cuộc đời như nó vốn vậy, nó khiến chúng ta tin vào trực giác trong tâm của mình, dẹp bỏ phần phán xét, chỉ trích và so sánh, cho tan biến đi, để chúng ta yêu thương, cảm thông với chính mình và người khác. Chúng ta buông bỏ những quan điểm và phản xạ có điều kiện. Ta trôi đi theo sự vật. Ta tìm thấy yên bình. Ta sử dụng ý chí, chính kiến của mình để thực hành những giáo huấn của Đức Phật.
Khi anh chị nhìn vào cách cuộc sống vận hành, chẳng phải tất tật mọi thứ đều bắt đầu bằng một ý nghĩ, một ý tưởng hay sao? Anh chị nghĩ đến chuyến đi nghỉ mát hay lập kế hoạch cho một dự án, thậm chí viết một quyển sách. – Thầy nói và nhìn tôi. – Tất cả đều khởi nguồn từ một suy nghĩ, phải không? Rose, cô khám phá ra công thức nấu ăn bằng cách nào? Có phải tất cả đều bằng một suy nghĩ, một ý tưởng, đúng không?
Trời ơi. Ngạc nhiên làm sao. Người ta luôn luôn hỏi tôi rằng tôi viết công thức nấu ăn của mình bằng cách nào, nhưng tôi không ngờ câu hỏi này lại từ một nhà sư trong nhóm luyện hành thiền! Thầy nói đúng. Công thức nấu ăn của tôi luôn luôn bắt đầu từ một ý tưởng… hoặc hình dung bức tranh món ăn hay vị của nó trong đầu, đôi lúc nó nảy sinh khi bắt gặp một loại nguyên liệu trong siêu thị. Thường thì sự hình dung về món ăn sẽ kích hoạt những ý tưởng trong tôi.
Tôi thường nghĩ mình bén duyên với nghề viết sách dạy nấu ăn bởi vì tôi đã rất muốn được học trường mỹ thuật, nhưng cả cha mẹ lẫn cô hiệu trưởng đều đồng lòng ngăn cản ý định này: cha mẹ tôi phản đối là vì họ nghĩ học mỹ thuật sẽ gây gián đoạn cho công cuộc truyền bá tâm linh mà họ đã lên kế hoạch cho tôi; còn cô hiệu trưởng thì càng muốn nhiều sinh viên vào đại học tổng hợp càng tốt.
Cuối cùng, tôi chẳng học mỹ thuật mà cũng chẳng học đại học tổng hợp. Thật ra, rất tình cờ, trước khi quyết định học ở đâu thì tôi gặp Robert, anh lớn tuổi hơn tôi nhiều, thế là tôi cương quyết thôi học. Khi đầu bếp của dòng phái bất thình lình nghỉ việc, tôi liền nắm lấy cơ hội và thuyết phục cha mẹ cho tôi phụ trách bếp ăn.
Sự việc này là thước đo nỗi tuyệt vọng của họ. Thời đó đầu bếp nấu món chay rất ít và hiếm, nên họ đành phải đồng ý. Nhưng đó là khoảnh khắc bước ngoặt trong cuộc đời tôi, bởi vì món ăn tôi nấu cho khách tới dòng phái được đón nhận nồng nhiệt, đưa đẩy tôi đến với việc viết quyển sách dạy nấu ăn đầu tiên, rồi từ đó trở thành cái nghiệp của tôi luôn.
Tôi đang suy nghĩ miên man về sức mạnh của ý định thì Nikki giơ tay lên. Nhà sư cười và mời cô nêu ý kiến.
- Vậy chánh kiến có phải là suy nghĩ tích cực không? Tôi đang suy nghĩ về những khái niệm như khẳng định, hình dung điều mình muốn xảy ra, rồi để tự nó xoay chuyển… Tôi thích những điều như thế.
Nhà sư đáp:
- Đó là một câu hỏi thú vị. Đức Phật dạy rằng: “Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta nghĩ; mọi thứ có nền tảng từ ý nghĩ của chúng ta, được tạo lập từ suy nghĩ của chúng ta”. Do vậy mà suy nghĩ tích cực thật ra là một cách diễn giải khác của chánh tư duy. Nhưng có điều anh chị cần cẩn trọng ở đây.
Nhà sư ngừng lời, nhìn Nikki và nhìn quanh nhóm.
- Anh chị có nhận ra mình nên cẩn trọng về điều gì không?
Gwyn ngước nhìn lên. Cô lúc nào cũng phục sức chỉn chu và lịch duyệt. Hôm nay cô mặc áo lụa màu kem. Nhà sư mỉm cười với cô và hỏi:
- Cô biết câu trả lời rồi chứ?
Gwyn đáp:
- Tôi nghĩ chúng ta cần ghi nhớ Chân lý Cao thượng thứ hai. Rất dễ bị vướng vào tham ái, gắn chặt vào những điều ta muốn có hoặc muốn nhận – muốn, không muốn, và tất cả những kiểu tham ái còn lại.
- Chính xác. – Nhà sư nói. – Chúng ta cần cảnh giác những bạn cũ của mình (thèm muốn, căm ghét, ảo tưởng, mê muội và bám víu). Chúng ta cần cẩn thận với những cảm hứng và ý định. Chúng ta không thỏa mãn với hiện tại, bị sa vào những thèm khát và bám víu kết quả… Ta tham ái với những gì ta muốn cho tương lai.
Nikki vớt vát:
- Vậy có nghĩa là ta cứ dùng suy nghĩ, những lời khẳng định và hình dung tích cực trong cuộc sống của mình để tạo điều kiện tốt hơn cho cuộc đời mình là được, phải không? Tôi thấy điều đó hữu ích, nhưng bây giờ tôi lại tự hỏi liệu như thế có chống lại những giáo huấn của Đức Phật không?
Nhà sư đáp:
- Không hề. Như tôi đã nói, tư duy hay ý định là phần rất quan trọng trong giáo huấn của Đức Phật. Hành động theo sau ý định. Trong thực tế, nếu anh chị xem xét những gì mà phong trào Kỷ nguyên mới(8) viết về những suy nghĩ, tuyên ngôn tích cực, về luật vạn vật hấp dẫn v.v… anh chị sẽ thấy nó chính xác là những gì Đức Phật đã dạy cách đây 2.500 năm.
(8) Đây là một phong trào tinh thần và xã hội (bao gồm một phạm vi được quan tâm rộng rãi về tôn giáo, triết học, huyền thuật, sức khỏe, tâm lý học, cận tâm lý học, sinh thái học). Kỷ nguyên mới, hay New Age, không có tổ chức và lãnh đạo chính mặc dù có mạng lưới gồm nhiều cá nhân đồng quan điểm và nhiều người khác nhau được thừa nhận là phát ngôn viên cho quan điểm Kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mới phần lớn diễn ra ở phương Tây thời công nghiệp hóa, đặc biệt là ở Mỹ.
Tôi nói:
- Tôi không biết sự việc đó. Vậy tại sao lúc đó họ không công nhận nguồn này?
Nhà sư đáp, với một cái nhún vai.
- Có lẽ họ đã không nhận ra. Hoặc có lẽ họ nghĩ đạo Phật là một tôn giáo và họ không thích cái ý tưởng vận dụng kỹ thuật và phương pháp. Nhưng như tôi đã đề cập ngay từ đầu khóa tu này, Đức Phật không bao giờ tuyên bố những giáo huấn của mình là tôn giáo.
- Có lẽ họ cũng không nhận ra điều đó luôn. – Tim nói và cười lớn.
Nhà sư ngừng lại để tập trung suy nghĩ rồi nói:
- Tất cả những gì Đức Phật làm, như chính Ngài nói, là truyền giảng những giáo huấn của mình miễn phí cho tất cả mọi người nhằm giảm nhẹ bể khổ. Đó là sứ mệnh trọn đời của Ngài. Rất đơn giản, Ngài truyền rằng: “Như Lai dạy về bể khổ và con đường diệt khổ, đó là tất cả những gì Như Lai truyền dạy”.
Nhà sư lại ngừng lời, sau đó tư lự nói:
- Nhưng những giáo huấn của Đức Phật còn thâm sâu hơn thế… như chúng ta sẽ khám phá sau đây. Tôi nghĩ Ngài hẳn rất sung sướng khi chứng kiến những giáo huấn của mình được ứng dụng rộng rãi đến tận ngày nay, và biết bao nhiêu triệu con người trên khắp thế giới đã được cứu vớt nhờ những giáo huấn ấy, cho dù nguồn không được công nhận chăng nữa. Dù gì Ngài cũng đã dốc lòng từ bỏ ngai vàng vốn là bản ngã của Ngài, cho nên tôi nghĩ Ngài đâu cần chúng ta xây dựng lại cho Ngài.
Tôi cảm thấy bất mãn nhân danh Đức Phật vì giáo huấn của Ngài được ứng dụng rộng rãi mà không được trích nguồn. Ngay sau đó, tôi nhận ra sự bực tức khiến cho mình mất vui, và tôi đang phá hỏng sự yên bình nội tại của mình. Tôi mỉm cười một mình, hít một hơi thật sâu rồi buông cho cơn tức giận qua đi.
Nhà sư vẫn đang giảng:
- Nhưng, hãy trở lại với câu hỏi ban đầu của cô nào, Nikki. Tất cả tùy thuộc vào việc anh chị sử dụng tư duy và tuyên ngôn tích cực của mình như thế nào. Tôi có thể nói rằng hình dung những điều kiện hay tương lai mà anh chị ao ước tạo lập cho mình là hoàn toàn chấp nhận được – những hoàn cảnh lý tưởng, sự yên bình và hạnh phúc; thậm chí cả những khái niệm vật chất mà anh chị muốn có trong cuộc đời mình. Nhưng anh chị cần làm điều đó mà không bám víu và quyến luyến, không bị lệ thuộc vào kết quả hoặc trở nên cuồng mê.
Nhà sư cười thành tiếng.
- Anh chị nghĩ mình có thể làm điều đó hay không? Hãy hình dung, cầu nguyện, rồi buông nó đi, được không?
Nghe nhà sư nói vậy, tôi nghĩ đến điều tôi đã đọc cách đây nhiều năm trong một quyển sách về sự mường tượng. Sách bảo hãy hình dung bức tranh về những gì ta muốn, sau đó “nhìn” nó ở bên trong một quả bong bóng màu hồng, thả cho bay lên không trung và tin tưởng điều hình dung đó sẽ xảy ra nếu nó thích hợp cho điều tốt đẹp nhất.
Nhà sư vẫn đang giảng giải:
- Anh chị có thể hình dung và tư duy những hoàn cảnh, rồi tưởng tượng mình cảm thấy như thế nào nếu anh chị có chúng. Anh chị có thể gieo hạt giống cho điều kiện đúng đắn nảy mầm, lớn lên bằng cách tìm thấy yên bình và thỏa mãn với khoảnh khắc hiện tại theo những cách thức mà chúng ta đã thảo luận ở ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, và thông qua lòng biết ơn với tất cả mọi thứ.
Nhà sư nhìn Nikki và nói.
- Cô có thể hình dung hay khẳng định cái gì đó mà không bám víu vào kết quả, trong khi vẫn tỏ lòng biết ơn đến tất cả những thứ cô đã có hay không?
Nikki nhăn mặt, rồi nhoẻn miệng cười và đáp:
- Tôi đang cố thực hành điều đó.
- Khi anh chị càng tìm hiểu sâu những giáo huấn của Đức Phật, anh chị sẽ thấy mình càng ít lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài để có hạnh phúc và yên bình trong tâm… Anh chị có thể đạt tới ngưỡng cảm thấy ngập tràn niềm vui và yên bình bên trong, đến nỗi anh chị hài lòng và hạnh phúc thật sự ở khoảnh khắc hiện tại, bất kể điều gì đang xảy ra xung quanh. Anh chị có thể gọi đó là “thiên đường trần thế”, hoặc Niết bàn ngay lúc này. – Thầy cười.
Im lặng. Sau đó nhà sư giảng tiếp:
- Có lẽ sẽ hữu ích khi biết rằng Đức Phật đã có lời khuyên giải thêm ý của Ngài về chánh tư duy. Ngài dạy rằng có ba loại chánh tư duy, hoặc ba cách suy nghĩ tích cực “đúng”. Loại thứ nhất là tư duy buông bỏ tham ái – tất cả những gì ta bám víu và phụ thuộc để có hạnh phúc, bởi vì như anh chị đã biết từ ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, bám víu chỉ dẫn đến bể khổ, và về lâu về dài nó không mang lại cho chúng ta yên bình và hạnh phúc.
Chúng ta đã đề cập tới loại tư duy “đúng đắn” thứ hai mà Đức Phật dạy rồi, đó là thiện ý hoặc tâm từ. Chúng ta có ý định đem tình yêu thương đến cho bản thân mình trước tiên, sau đó để tâm từ lan tỏa tới tất cả mọi người xung quanh, tất cả những người có mối liên hệ với chúng ta, và cuối cùng là toàn thể thế giới. Khi thật sự làm điều đó, chúng ta cảm nhận niềm vui thật sự và niềm hạnh phúc vô ngần, đến nỗi chúng ta bắt đầu buông bỏ mọi tham ái của mình hết sức tự nhiên.
Nhà sư dừng lại một chút, sau đó giảng tiếp:
- Từ đó dẫn tới loại tư duy “đúng đắn” thứ ba… đó là “không gây hại”, hoặc không làm điều gây tổn hại, không gây tổn thương, không bạo lực với bất kể cái gì, mà có lòng trắc ẩn đối với mọi dạng thức sống. Điều đó đúng thật là tiếp theo sau tâm từ, bởi vì khi cảm thấy yêu thương tận trái tim, anh chị sẽ không thể hoặc không nỡ làm hại bất kỳ sinh vật sống nào.
Tất cả chúng tôi cùng im lặng. Rồi Robert nói nhỏ nhẹ:
- Điều đó phát sinh nhiều câu hỏi.
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp. – Nhưng đó là con đường dẫn đến hạnh phúc, bởi vì rất nhiều người trước chúng ta đã chứng ngộ rồi, cả nhiều người sau chúng ta cũng thế.
Nhà sư suy nghĩ một chốc lát, rồi mỉm cười và nói:
- Anh chị biết đấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn tả cốt lõi những điều chúng ta đang nói tới một cách đơn giản và huyền diệu như thế này: “Tình yêu và lòng trắc ẩn là cần thiết, không hề xa hoa. Không có tình yêu và lòng trắc ẩn thì tính người sẽ không thể tồn tại”. Khi chúng ta trao tình yêu và lòng trắc ẩn tới người khác, chúng ta nhận lại lợi ích cho chính mình. Khi chúng ta yêu thương và tử tế với chính mình, chúng ta có thể tử tế hơn với người khác, bởi vì chúng ta đã và đang khám phá tâm từ trong chính mình.
Tất cả bổ trợ cho nhau, nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chỉ việc bắt đầu thôi. Bắt đầu từ những cách nhỏ nhặt nhất, như chúng ta đã thực hiện vài tuần trước với chánh niệm hơi thở, hành thiền hàng ngày, thực hành rải tâm từ, tử tế với bản thân – xây dựng hồ yên bình và nhân ái bên trong chúng ta. Rồi anh chị sẽ ngạc nhiên khi thấy tất cả những thứ đó hiệu quả biết chừng nào.
Tất cả chúng tôi im lặng khác thường. Mọi người đều trầm ngâm. Rồi nhà sư giảng tiếp:
- Những nội dung đó thuộc về nhóm nguyên lý đầu tiên trong Bát Chánh Đạo – chánh kiến và chánh tư duy. Lần tới, chúng ta sẽ cùng xem xét nhóm nguyên lý thứ hai.
Nhà sư dừng một chút rồi nói:
- Còn bây giờ chúng ta hãy vuốt ve chính mình bằng bài thiền quét thân thể để khép lại buổi học hôm nay. Có anh chị nào từng hành thiền quét thân thể chưa?
Có vài tiếng xác nhận trong nhóm, mặc dù hầu hết chúng tôi im lặng. Nhà sư giải thích:
- Hành thiền quét thân thể bắt nguồn từ Burma – Miến Điện, hoặc theo tên mới ngày nay là Myanmar. Nó được áp dụng phổ biến trong khắp các tu viện Phật giáo Nguyên thủy, và đây là bài tập hữu hiệu anh chị cần biết. Nó hơi giống với bài tập thư giãn mà trong số anh chị có thể có người đã thực hiện rồi. Có lẽ nó giống một bài tập yoga hơn. Nhưng đừng nhầm lẫn nó với bài thư giãn, bởi vì nó rất khác.
Nikki hỏi:
- Tại sao vậy? Chúng khác nhau như thế nào?
Nhà sư giải thích:
- Nó khác theo cách rất đơn giản. Trong bài thư giãn thì có mục tiêu là: thư giãn. Trong hành thiền quét thân thể lại không có mục tiêu gì hết, như bất kỳ kiểu hành thiền nào của đạo Phật. Anh chị đơn giản chỉ chánh niệm thân, mở lòng với chính thân thể mình ngay tại khoảnh khắc này, để nó chính xác là nó, cho dù là đau đớn hay bất kể cảm giác gì, chấp nhận, để nó đó và buông nó đi.
Khi thực hành bài này ở nhà, anh chị có thể nằm xuống. Nằm thẳng, co chân lên, bàn chân kéo gần sát mông. Hai bàn tay thả lỏng hai bên thân người.
Anh chị có thể thực hiện ngay hôm nay nếu thích… và nếu có đủ chỗ nằm cho mọi người. Tuy nhiên, hoàn toàn chấp nhận được nếu anh chị hành thiền quét thân thể ở vị trí ngồi thiền bình thường.
Chúng tôi lẳng lặng vào tư thế – đa số thì ngồi, chỉ vài người nằm xuống sàn, đầu gối hơi co lên như nhà sư mô tả. Thầy im lặng chờ cho đến khi tất cả chúng tôi không còn nhúc nhích nữa.
- Nếu anh chị đã sẵn sàng, chúng ta bắt đầu nào.
Bài hành thiền quét thân thể
Chúng ta thường bắt đầu hành thiền Chánh niệm bằng cách nhận thức thân thể, như đã thực hành lần trước, để đưa nhận thức trở về khoảnh khắc hiện tại. Trong hành thiền quét thân thể, cảm nhận thân thể là đối tượng tập trung chủ yếu.
Hãy ý thức sàn nhà vững chắc bên dưới đang nâng đỡ cho ta. Cho phép mình thư giãn, tan chảy vào sàn nhà.
Nhận thức về hơi thở. Hít thở trong chánh niệm, cảm nhận không khí đi vào lỗ mũi, tuôn chảy xuống phổi, rồi lại đi ra qua lỗ mũi.
Cảm nhận hơi thở trở nên chậm lại. Nếu ta nhận thấy có cơn đau, hay nhức mỏi, hãy hít chúng vào, đón nhận chúng. Cho phép chúng được là chúng.
Ta sẽ quét từng bộ phận khác nhau trên cơ thể, bắt đầu với bàn chân và lên dần. Tiếp tục nhận thức về hơi thở bằng cách… khi quét tới bộ phận nào, ta hít thở đưa không khí vào bộ phận đó.
Chú ý đến những ngón chân trái, chánh niệm về chúng; sau đó chuyển sự chú ý đến gan bàn chân trái, cảm nhận độ cứng chắc của sàn nhà bên dưới. Hít thở đều…
Tiếp theo, hướng sự chú ý đến cổ chân trái và chầm chậm lướt lên ống quyển, đầu gối, bắp đùi, lướt lên tới hông. Tiếp tục hít thở, đưa hơi thở vào những bộ phận mà ta đang lướt tới.
Bây giờ, chuyển sự chú ý đến các ngón chân phải, gan bàn chân phải, từ từ lướt lên cổ chân phải, ống quyển, đầu gối, bắp đùi, lên tới hông. Hít thở đều…
Tiếp tục hướng sự chú ý lên tới bụng, ngực, rồi tới vai. Hít thở đều…
Chuyển sự chú ý đến các ngón tay trái, bàn tay, cổ tay, cẳng tay, bắp tay và vai. Hít thở đều…
Tiếp theo, hướng sự chú ý đến các ngón tay phải, bàn tay, cổ tay, cẳng tay, bắp tay và vai. Tiếp tục hít thở đều…
Hướng nhận thức đến cổ, sau đó tới quai hàm… thư giãn, thả lỏng. Đến đôi mắt… giữ cho đôi mắt thả lỏng, thư giãn. Hướng sự chú ý tới trán, đằng sau đầu, đỉnh đầu. Hít thở đều…
Hòa toàn thân vào hơi thở. Hít vào, thở ra…. Thật tự nhiên…
Cảm nhận sự an bình. Để cho mọi sự là chính nó. Tất cả đều tốt.
Khi anh chị sẵn sàng, nhẹ nhàng mở mắt ra. Hít thở thêm vài hơi nữa rồi từ từ nhúc nhích thân người khi cảm thấy thoải mái.
Tôi yêu thích bài luyện thiền này. Khi tôi hướng dần lên cơ thể mình, tâm của tôi không suy nghĩ lung tung nữa. Tôi không biết chúng tôi đã hành thiền như thế trong bao lâu, nhưng dường như chỉ trong nháy mắt là đã nghe thấy tiếng chuông báo hiệu của nhà sư vang lên.
Chúng tôi nhúc nhích, rồi mở mắt ra. Tôi nhìn ra xung quanh. Một cảm giác dễ chịu xâm chiếm toàn bộ căn phòng.
Nhà sư mỉm cười.
- Có anh chị nào hỏi gì không?
Tôi cảm thấy thư thái và yên bình đến nỗi không thể nghĩ ra điều gì để nói. Thật ra, tôi không muốn sự yên bình bị gián đoạn, nhưng Tim có điều muốn hỏi.
- Kiểu hành thiền chúng ta vừa thực hiện có phải là kiểu hành thiền được sử dụng để làm dịu cơn đau hay không?
Nhà sư đáp:
- Đúng thế. Nó được dùng vì mục đích đó. Anh chị có thể hành thiền quét thân thể ngắn gọn bất cứ khi nào cảm thấy đau đớn hay căng thẳng trong cơ thể. Cứ hướng sự chú ý đến chỗ đau, cho phép nó là nó. Ở bên nó và rải tâm từ cho nó.
Lần tới chúng ta sẽ đi sâu hơn vào hành thiền quét thân thể và tác dụng làm giảm đau. Còn hôm nay nếu anh chị hoàn thành rồi thì chúng ta cùng tụng bài Kinh tạm biệt.
Chúng tôi tụng bài Kinh, vái lạy rồi lặng lẽ ra về.
Ôn tập
• Chân lý Cao thượng thứ tư trình bày Bát Chánh Đạo – tám chỉ dẫn phương cách sống hỗ trợ cho việc hun đúc sức mạnh nội tại, với mục đích nhắm tới hạnh phúc, tự do và yên bình.
• Hai nguyên lý đầu tiên – chánh kiến và chánh tư duy.
- Chánh kiến có nghĩa là chánh niệm, ở trong thời khắc hiện tại, chấp nhận tất cả những gì hiện hữu ở khoảnh khắc này. Nếu lúc này có đau đớn, hãy học cách quan sát nó – “Có tồn tại bể khổ” – và đón nhận nó, để cho nỗi sầu đau giảm tiêu đi và cuối cùng sẽ dừng lại.
- Chánh tư duy có nghĩa là kiên quyết duy trì việc thực hành chánh niệm, chấp nhận cuộc sống là chính nó và không phán xét, chỉ trích, so sánh.
• Đức Phật truyền dạy rằng có ba loại chánh tư duy:
- Buông bỏ dây tham ái – bất kỳ những gì ta bám víu và phụ thuộc vào để được hạnh phúc – bởi vì, như ta đã biết từ ba Chân lý Cao thượng đầu tiên, bám víu chỉ dẫn tới bể khổ; về lâu về dài nó không hề mang lại niềm hạnh phúc, tự do và an bình.
- Yêu thương và rải tâm từ cho bản thân mình trước rồi sau đó tới tất cả chúng sinh, để cảm thông và có lòng trắc ẩn với mọi sinh vật sống.
- Thực hành không gây tổn hại, đau đớn hay bạo lực cho bất kỳ ai, bất kỳ cái gì.
Ứng dụng
• Hãy nghĩ về những phương cách thực hành chánh kiến và chánh tư duy trong cuộc sống; làm thế nào để mở rộng hoặc củng cố thêm sức mạnh này.
• Tiếp tục thực hành chánh niệm.
• Hành thiền mỗi ngày khoảng 20 phút; cố gắng hành thiền quét thân thể.
• Duy trì việc rải tâm từ vào cuối mỗi lần hành thiền, bắt đầu yêu thương chính mình như thường lệ, sau đó nêu tên người đã tử tế và ủng hộ ta. Đức Phật mô tả những người này là “bổn mạng” (có thể là cha mẹ, người thầy, hoặc người sếp hay giúp đỡ ta). Hãy tự nói với chính mình: “Tôi an toàn. Tôi hạnh phúc. Tôi mạnh khỏe và tôi thanh thản”. Sau đó, mường tượng ra những người “bổn mạng” của mình và nói: “Mong bạn an toàn. Mong bạn hạnh phúc. Mong bạn mạnh khỏe và thanh thản”.