Chúng tôi ngồi im lặng, chờ nhà sư giảng bài và tôi ngẫm nghĩ đến sự việc xảy ra trong tuần qua.
Cả tuần nay tôi đều siêng năng luyện hành thiền Chánh niệm và quan sát phản xạ của mình đối với những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống – nhận biết “có tồn tại bể khổ” khi tôi bực mình, lần theo nguồn gốc của “sự tham ái” xem đó là bám víu, khát khao hay căm ghét. Và tôi cố để mọi sự “đúng là nó” mà không phê phán chính mình để rồi cảm nhận nó tan đi.
Tôi đã vui mừng với cách nó tiến triển, cũng như với cảm giác yên bình và sức mạnh nội tại mới mẻ mà tôi trải nghiệm được. Tôi nghĩ về một buổi tối trong tuần tôi ngồi trong xe Robert chở trên đường đi họp, tôi sực nhớ ra mình quên mang theo sữa. Chúng tôi còn rất ít thời gian nhưng anh vẫn dừng lại ở siêu thị và chờ tại bãi đậu xe trong khi tôi chạy ù vào mua sữa.
Tôi chưa từng đến siêu thị đó bao giờ. Tôi cảm thấy lo âu vì chúng tôi đang rất vội mà tôi lại chưa tìm ra quầy sữa. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy, vội vã chộp lấy một chai rồi cầm trong tay luôn, không kịp thời gian lấy giỏ đựng, và vội chạy ra quầy tính tiền.
Tới nơi, tôi tá hỏa và kinh hãi khi nhìn thấy chỉ có một quầy đang mở và không có quầy tính tiền tự phục vụ nào cả. Có tới 20 người đằng trước tôi. Tôi nhìn quanh mà không tin nổi. Đã 7 giờ tối mà sao lại chỉ có một quầy hoạt động? Tôi quyết định không tốn thời gian chờ nữa. Tôi gào to với thế giới trong khi bước vội trở lại quầy sữa và bực bội đặt nó trở lại chỗ cũ. Tôi tức tối bước ra chỗ để xe, suýt nữa thì trượt chân ngã.
Tôi vào xe và nhận thấy vẻ kinh ngạc hiện lên trên gương mặt Robert, dường như muốn hỏi người phụ nữ điềm đạm “mới mẻ” mà anh sống chung kể từ khi chúng tôi bắt đầu khóa tu Phật pháp biến đâu rồi… nhưng đã quá trễ, thế là tôi liền nhớ đến chánh niệm. Tôi thật sự điên tiết với chính mình, và cảm thấy thất vọng. Sau đó, tôi nhận ra rằng với cảm giác thất vọng, tức giận, thất bại, tôi đã bồi thêm một lớp cảm xúc nữa cho tình huống này.
Tôi mất kiểm soát đến độ không thể nhận biết được hơi thở của mình. Nhưng ít nhất tôi cũng nhận thức được điều gì đã xảy ra… nghĩa là tôi cũng có chút tiến bộ. Dĩ nhiên, các Phật tử không nghĩ đó là “tiến bộ” – ta tiến bộ khi ta thật sự ở trong khoảnh khắc hiện tại. Tất cả là “ngay lúc này”.
Ngoài vụ việc lăn tăn bên quầy sữa kia thì tôi vẫn chăm chỉ rèn luyện chánh niệm, cố ở trong hiện tại bất cứ khi nào tôi nhớ. Chánh niệm đang dần trở nên quen thuộc đối với tôi, mặc dù có nhiều lần tôi quên mất và tôi vẫn thấy khó mà hành thiền được mỗi lần 15 phút.
Hầu hết thời gian hành thiền và chánh niệm là trải nghiệm từng-khoảnh-khắc-một – tôi đang thực hiện thì sa vào dòng suy nghĩ nào đó, rồi đột nhiên sực nhớ tới chánh niệm. Khi đó, tôi sẽ đưa tâm trở về đúng khoảnh khắc hiện tại và nhận biết những suy nghĩ của mình, cảm nhận mình đang cảm thấy thế nào và cẩn thận không phán xét hay chỉ trích, dĩ nhiên… chỉ quan sát, cứ để nó là nó và buông cho nó đi.
Tôi đang suy ngẫm tới đây thì giọng nói của nhà sư cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi.
- Nhóm các anh chị thật là tuyệt vời. – Nhà sư mỉm cười. – Tôi rất vui mừng gặp lại các anh chị. Tôi rất hạnh phúc với thời gian cùng các anh chị khám phá Tứ Diệu Đế.
Thầy nhìn quanh mọi người và mỉm cười.
- Như vậy là chúng ta đã xem xét hai Chân lý Cao thượng đầu tiên, hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến Chân lý Cao thượng thứ ba. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại xem các chân lý ấy có thể lắp ráp với nhau như thế nào.
Với Chân lý Cao thượng thứ nhất, chúng ta học về sự hiện hữu của bể khổ và cách để thản nhiên nhìn nó, không xem nó thuộc về bản chất của ta mà xem nó như là một hiện tượng ghé ngang qua ta mà thôi. Chúng ta đã học cách trở thành người quan sát, nhìn bể khổ xung quanh và để nó là nó, theo đó ta cho phép nó tự thân tan đi.
Sang đến Chân lý Cao thượng thứ hai, chúng ta nghĩ về nguồn gốc của bể khổ, đó là sự tham ái (tham, sân, si) – thèm khát, căm ghét, hoặc ảo tưởng, để từ đó mỗi khi ta đau khổ, ta có thể hiểu điều gì đang diễn ra. Chúng ta không chỉ nhận thức được nỗi đau của mình mà còn biết được loại tham ái và thèm khát nào gây ra nỗi đau đó. Một lần nữa, ta học cách nhìn chúng, mặc kệ chúng và buông cho chúng đi.
Khi thật sự luyện tập điều này, ta có thể nhận ra khi nào thì một sự ám ảnh, một ảo tưởng hay một nỗi thèm khát đang nhú lên, để kịp thời buông bỏ nó trước khi nó đủ mạnh để phá bĩnh sự yên bình của ta, nhấn ta chìm vào bể khổ.
Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu Chân lý Cao thượng thứ ba, là như vầy:
“Có sự chấm dứt bể khổ
Phải nhận ra sự chấm dứt bể khổ
Đã nhận ra sự chấm dứt bể khổ.”
Tôi cảm thấy hơi rối rắm. Nhà sư nhìn tôi, nhận thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu và hỏi:
- Chị có hỏi gì về điều này không?
- Có, tôi ngạc nhiên bởi vì tôi nghĩ buông bỏ tham ái có nghĩa là kết thúc bể khổ, như chúng ta học ở phần Chân lý Cao thượng thứ hai. Nhưng bây giờ lại nghe thầy giảng về Chân lý Cao thượng thứ ba, về “sự chấm dứt bể khổ”. Vậy Chân lý Cao thượng thứ hai khác với Chân lý Cao thượng thứ ba như thế nào?
Nhà sư đáp:
- À, mặc dù Tứ Diệu Đế được đánh theo số thứ tự, nhưng thật ra đấy là những phạm trù của cùng một chân lý – có tồn tại bể khổ và chúng ta luôn sở hữu bên trong mình sức mạnh nội tại, có khả năng chấm dứt bể khổ. Trên thực tế, những phạm trù đó có trùng lắp nhau, kết hợp với nhau, bổ khuyết cho nhau. Anh chị thấy đấy, chúng ta cần bốn bánh xe trên chiếc xe hơi để đưa ta đến đích mà.
Thầy mỉm cười.
- Khi anh chị chí thú tu luyện hai chân lý đầu tiên trong cuộc sống của mình – nhận thức, quan sát, chánh niệm, để nó là nó, buông bỏ – anh chị nhận thấy mình trở nên chấp nhận toàn bộ cuộc sống hơn. Tất cả là ở trong khoảnh khắc hiện tại, kể cả “người tốt, kẻ xấu và tên vô lại”(5). Anh chị nhận ra mọi ngóc ngách của cuộc sống, mọi khoảnh khắc của “lúc này”.
(5) Lấy theo tựa phim The Good, the Bad and the Ugly của Clint Eastwood.
Tất cả đang diễn ra bây giờ, vào khoảnh khắc hiện tại, và nếu ta muốn hiện tại “thật sự” và muốn là một phần của dòng đời trôi thì ta cần phải chấp nhận tất cả mọi thứ như đúng là nó. Đúng thật là nó, không có cửa cho sự chống cự. Khi ta chống cự, ta chặn dòng đời đang chảy – giống như dòng đời đang trôi thì va trúng vào đá, bị kẹt vào đám lau sậy, cố chống cự nó hay thậm chí bơi ngược dòng với nó.
Khi ta học cách chấp nhận khoảnh khắc hiện tại chính xác là nó, ta thấy sự thèm khát phải chống cự, phải phán xét, chỉ trích, phải tuyên án, so sánh… sẽ từ từ giảm đi, ta cảm thấy tự do hơn, an bình hơn. Ta chảy êm xuôi theo dòng đời.
Và khi ta quan sát những gì đang diễn ra bên trong mình… hoặc xung quanh mình… ta học cách “để kệ nó” và “buông nó đi”, thì điều vĩ đại xảy ra. Ta nhận thấy bể khổ bắt đầu dễ chịu hơn, bớt khắc nghiệt đi. Ta ngưng va vào đá trên sông. Mây trên trời biến mất, mặt trời ló dạng và ta thấy ánh nắng. Ta bắt đầu trải nghiệm Chân lý Cao thượng thứ ba – “Có sự chấm dứt bể khổ”.
Quy trình này cần có thời gian. Ban đầu chỉ là một giây buông bỏ ở chỗ này rồi một giây buông bỏ ở kia, sau đó đến một phút, rồi hai phút. Hết giờ này đến giờ khác, ngày này qua ngày kia. Cứ bồi đắp dần dần, bất thình lình một ngày nọ ta nhận ra mình không còn đau đáu nghĩ về một nỗi sầu khổ cụ thể nào nữa. Bể khổ đã dừng lại.
Thông điệp này rất có ý nghĩa đối với tôi. Tâm của tôi quay trở về lúc cha tôi qua đời, rất đột ngột. Cách đây vài năm. Tôi đã đau khổ vật vã. Dường như tôi chìm trong u uẩn suốt ngày, hàng ngày. Và mỗi đêm tôi đều gặp những giấc mơ buồn thảm về sự việc thể nào cha cũng sẽ chết, và cha đã chết rồi. Đêm hay ngày tôi không sao dứt ra khỏi nỗi tang thương đó.
Tôi nhớ trạng thái này kéo dài trong một tháng, sau đó từ từ những giấc mơ thưa dần và tôi chỉ mơ cách ngày, rồi hai lần một tuần. Đến một hôm tôi ngạc nhiên thấy mình không nghĩ về cha và không than khóc suốt ngày nữa! Từ đó nỗi đau mỗi ngày mỗi dịu đi.
Tiếng giảng pháp của nhà sư đưa tôi trở lại khoảnh khắc hiện tại.
Thầy đang giảng giải:
- … theo đó, thay vì chống cự, tức giận hay đè nén nỗi đau, ta cho phép mình cảm nhận nó, chấp nhận nó… hoặc thậm chí chào đón nó và ghì lấy nó… nói cách khác, cứ để nó là nó.
Nhà sư dừng lời. Maggie nhìn mắt thầy.
- Chị muốn nói điều gì? – Nhà sư hỏi.
Maggie bày tỏ:
- Không chống cự nỗi đau khổ, giống lần trước thầy nói rằng đừng sợ bị trấn áp bởi nỗi đau thương mất mát người cha mà hãy cho phép mình thật sự cảm nhận nỗi đau đó, điều mà thầy chia sẻ quả thật rất hữu ích cho tôi.
- Tôi rất mừng là điều đó xảy ra. – Nhà sư đáp. – Khi chúng ta chấp nhận nỗi sầu đau, và kiềm chế không bình luận về nó hay chỉ trích chính mình đang đau khổ, cũng không tự nhủ mình phải vượt qua nó ngay bây giờ, đó là điểm mốc bắt đầu quy trình chữa lành. Từ từ chúng ta sẽ trải nghiệm sự chấm dứt bể khổ. Tự chúng ta bắt đầu hiểu về ý nghĩa của Chân lý Cao thượng thứ ba.
Có sự chấm dứt bể khổ
- Tất cả nội dung thuyết giảng trong Tứ Diệu Đế nói riêng, và trong toàn bộ hệ thống giáo lý đạo Phật nói chung, đều là chứng nghiệm thực tế, như tôi đã nói từ những lần trước.
Đức Phật đã tìm ra đạo lộ và truyền dạy rõ ràng cho chúng ta biết phải làm gì: làm thế nào tự giải phóng mình khỏi bể khổ; làm thế nào để tìm được hạnh phúc; làm thế nào để chu toàn vai trò của mình, góp phần tạo nên một thế giới tươi đẹp, yên bình và ngập tràn tình yêu. Nhưng việc thực hiện là hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Đó là giáo huấn thâm sâu, dành cho người trưởng thành; Đức Phật dạy chúng ta theo kiểu dạy người lớn chứ không phải dạy trẻ nhỏ.
Đức Phật không hề lên giọng trịch thượng, quyền uy trong cách dạy ta phải làm gì, Ngài cũng không dạy dỗ, chỉ trích chúng ta nếu ta không đạt được điều gì, không xét xử ta nếu ta trượt ngã. Trên hết, – nhà sư mỉm cười, – ta đâu cần ai khác làm điều đó khi mà tiếng nói trong đầu ta có khả năng xét nét thay cho ta rồi?
Cả nhóm đều cười.
- Bây giờ, – thầy nhìn quanh phòng, – có một điều sẽ giúp anh chị hiểu Chân lý Cao thượng thứ ba, và thật ra hiểu cả Tứ Diệu Đế. Đó là sự thông tuệ mà Đức Phật đã truyền lại cho các đệ tử: “Vạn vật có sinh ắt có diệt”.
Sự tĩnh lặng bao trùm vì chúng tôi đang căng óc tìm hiểu ý nghĩa những lời thầy nói.
Nhà sư lặp lại:
- “Vạn vật có sinh ắt có diệt”. Đấy là sự thật của vũ trụ. Mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này xuất hiện, bắt đầu rồi cũng sẽ dừng lại hay chấm dứt, không thể khác.
Tôi mỉm cười vì nhà sư bất giác nhắc tôi nhớ tới hình tượng con vẹt chết trong show truyền hình của nhóm hài kịch Monty Python chiếu suốt những năm 1970: “Nó không còn đậu ở đó nữa. Nó chết rồi. Con vẹt còn đâu. Nó tiêu rồi. Nó ngủm rồi và giờ đã đi gặp Đấng tạo ra nó. Nó chết ngắc rồi. Đời là phải chết chóc, nó đã yên nghỉ. Nếu ta không phải đưa nó về nơi an nghỉ thì hẳn nó sẽ ủi cây bông cúc. Nó sẽ giũ tấm rèm và hòa giọng cùng dàn đồng ca, mà không ai thấy. Giờ nó là con vẹt thiên cổ rồi!”.
Tôi giật mình trấn tĩnh và nghe tiếng thầy:
- … Trái đất, hành tinh của chúng ta, thậm chí cả vũ trụ này, rồi cuối cùng sẽ kết thúc.
Hãy nghĩ đến điều đó. Chẳng phải cuộc đời là chuỗi bắt đầu và kết thúc đó sao? Chúng ta sinh ra, chết đi, thân thể chuyển hóa từng khoảnh khắc, tóc mọc ra, làn da và từng tế bào trong cơ thể ta tự tái tạo.
- Có phải người ta cho rằng mỗi tế bào trong cơ thể sẽ bị thay thế bằng tế bào khác theo chu kỳ bảy năm, đúng không thầy? – Gwyn hỏi.
- Đúng, tôi có nghe điều đó. – Nhà sư đáp. – Hãy nghĩ về cuộc sống. Chúng ta lớn lên, đi học, ra trường, vào đại học, đi làm. Ta kết bạn, mất bạn. Ta tìm thấy tình yêu, rồi mất người yêu. Ta trở thành cha thành mẹ, sinh con cái và thấy những giai đoạn cuộc đời lặp đi lặp lại trong một thế hệ mới. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn là sự thay đổi, hay còn gọi là “vô thường”.
Tuyên ngôn “Vạn vật có sinh ắt có diệt” cũng có thể đem ứng dụng cho niềm an lạc của chúng ta trong cuộc đời, cũng như cho những suy nghĩ và những cảm xúc, tất cả mọi thứ thuộc về thể xác – tất cả mọi thứ. Vì vậy, nếu ta tham ái bất kỳ cái gì trong thế giới vật chất này, nếu ta bám víu bất kỳ thứ gì, ta biết rằng cuối cùng ta sẽ đau khổ, bởi vì nó sẽ thay đổi hoặc sẽ dừng lại.
Nhưng ta không cần phải chịu đựng và không cần đợi đến khi chết thì bể khổ mới chấm dứt. Nếu ta hiểu và tu tập Tứ Diệu Đế, ta có thể tự do và hạnh phúc ngay bây giờ. Đó là món quà vĩ đại mà Đức Phật trao cho ta: tự do thoát khỏi bể khổ.
Tôi đang suy tư về tất cả những điều này thì Pam nói to:
- Tất cả những điều đó rất là hay. Tôi có thể hiểu rằng nếu ta không tham ái vật chất thì ta không bị tổn thương. Điều đó nhắc tôi nhớ đến một trong những anh bồ cũ của tôi, tên là Quentin, một người sợ dính líu đến cảm xúc đến nỗi không cho phép mình cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào. Nếu chúng ta sống mà cứ sợ gắn chặt với bất kỳ cái gì vì sợ sầu khổ khi chúng biến mất, vậy thì niềm vui và tình yêu nằm ở đâu trong điều đó?
- Phải rồi. – Suzi phụ họa. – Tất cả chúng ta đều có một Quentin trong cuộc đời mình.
- Quá đúng luôn. – Joan đúc kết và tất cả phụ nữ trong phòng cùng cười ồ, nhưng nhà sư vẫn giữ phong thái nghiêm trang.
Thầy ngừng một chút rồi mới nói:
- Tôi hiểu anh chị đang nói gì. Nhiều người đấu tranh để đạt tới sự cân bằng giữa cái đầu và con tim, nhất là khi trước đó họ đã từng bị tổn thương. Cơ cấu tự vệ này là “thà đóng cảm xúc lại còn hơn là liều, bị đau tiếp nếu mở lòng ra với tình yêu”.
Làm sao để đạt được sự cân bằng tinh tế – “giữ cho trái tim rộng mở và yêu thương nhưng đừng tham ái”. Khi anh chị yêu ai đó, anh chị phơi mình trước nguy cơ bị tổn thương. Chính vì vậy mà người ta hay nói rằng “đau đớn là cái giá phải trả cho tình yêu”, đúng không? Có ít nhiều sự thật trong đó.
Giáo huấn anh chị đang học là hãy nâng niu điều gì đó thật trọn vẹn… thậm chí hãy hứng thú với nó, tận hưởng nó ngay trong lúc này… nhưng đừng bám víu vào nó… kiểu như tận hưởng vẻ mong manh của hoa hồng mà không thèm muốn hái nó; như nghe chim sơn ca hót mà không thèm muốn nhốt nó vào lồng; như chiêm ngưỡng hình ảnh con bướm bay chấp chới trên đôi cánh cầu vồng mà không thèm muốn bắt nó; như yêu một con người mà không thèm muốn sở hữu họ v.v…
Chúng ta không thể mang theo những đồ vật của cải của mình khi chúng ta chết. Và chắc chắn ta cũng không thể sở hữu được bất kỳ ai. Nhà thơ Kahlil Gibran đã mô tả điều này thật đẹp trong chùm thơ The Prophet như sau:
“Hãy cứ yêu, nhưng đừng ràng buộc trái tim yêu;
Hãy cứ để nó dịch chuyển giữa biển rộng và các bến bờ linh hồn ta.
Đổ đầy ly cho nhau nhưng đừng uống từ một cốc.”
- Ôi, tôi thích những vần thơ ấy lắm. – Tôi không thể không thốt lên. – Tôi đã từng phát hiện ra tuyển tập thơ The Prophet khi tôi phải trải qua thời gian khó cố trụ vững trong tình yêu thương vô bờ bến nhưng đầy sở hữu của cha mẹ. Thời ấy những vần thơ của Kahlil Gibran viết về cha mẹ và con cái đã thật sự giúp tôi và tôi vẫn còn thuộc nằm lòng kể từ đó. Bài thơ như thế này:
“Con cái ta không phải là của ta.
Những đứa con trai, con gái từ chính cuộc đời khao khát sinh ra.
Chúng hiện hữu thông qua ta chứ không phải từ ta.
Dẫu chúng sống bên ta nhưng không thuộc về ta.
Tình yêu ta có thể trao cho chúng chứ suy nghĩ thì không.
Vì tự chúng có suy nghĩ của riêng mình.
Mái nhà đây, ta có thể giữ thân xác chúng chứ không thể giữ linh hồn chúng,
Vì linh hồn chúng ngự trị trong mái nhà ngày mai,
Nơi ta không thể đến thăm, ngay cả trong giấc mơ của mình.
Ta có thể cố cho giống chúng,
Nhưng chớ tìm cách khiến cho chúng giống ta.
Bởi cuộc đời đâu vướng bận quá khứ hay lưu luyến ngày hôm qua.”
Tôi ngừng đọc, sững sờ và ngạc nhiên sao mình có thể đọc trơn tru đến vậy. Robert nhìn tôi mỉm cười, anh biết những vần thơ đó có ý nghĩa với tôi biết dường nào. Cả nhóm vỗ tay tán thưởng khiến mặt tôi đỏ lựng, nhưng nhà sư mỉm cười rộng lượng.
- Đúng thế, rất đúng. – Thầy cười. – Thật là thâm thúy. Khi ta bám víu vào cái gì đó, hoặc quyến luyến cái gì đó trong thế giới vật chất này, cho dù là người yêu, con cái, điện thoại di động đời mới nhất, thú cưng, cha mẹ, thu nhập, lối sống, kỳ nghỉ, món bánh mì ưa thích nhất, nhà hàng ta thích tới, xe hơi ta mơ ước… ta biết tất cả những thứ đó đều phải trải qua sự thay đổi và cuối cùng sẽ chấm dứt – “Vạn vật có sinh ắt có diệt” là vậy.
Tất cả chúng tôi im lặng, ngẫm nghĩ những lời của nhà sư. Rồi thầy giảng tiếp:
- Cuộc sống thay đổi, niềm vui của ta rồi sẽ biến mất. Từ những giáo huấn của Đức Phật, ta nhận biết rằng tham ái là nguồn gốc gây ra bể khổ. Hãy đặt những thèm khát qua một bên thay vì cố nắm lấy chúng, rồi bể khổ sẽ ngưng. Luôn luôn là thế. Phạm trù thứ hai của Chân lý Cao thượng thứ ba cho chúng ta biết như vậy.
Phải nhận ra sự chấm dứt bể khổ
- Anh chị cần thực hiện điều đó! Đức Phật đã truyền dạy cho chúng ta cách thực hiện, từng bước một, nhưng chính anh chị cần tự thực hành… và anh chị có thể làm được!
Nhà sư dừng lời, trầm ngâm. Rồi thầy mỉm cười.
- Đức Phật cũng chỉ dạy: “Chúng sinh chỉ mắc hai sai lầm trên con đường đi đến chân lý: một là không đi hết con đường, và hai là không chịu bắt đầu”. Đừng phạm phải những sai lạc này mà bỏ lỡ sự yên bình và niềm an lạc vốn là sở hữu của chúng ta.
Vậy chúng ta hãy đưa Tứ Diệu Đế vào thực tế cuộc sống hàng ngày của mình, rồi nhận thấy sự tham ái sẽ bớt dần và bắt đầu ngưng lại. Điều này vốn luôn xảy ra, tất cả chúng ta đều tự mình trải nghiệm. Chỉ cần mỗi đợt một quãng ngắn thôi, mới đầu chừng một hay hai giây cũng được. Chúng ta biết nó đang xảy ra và khi nào thì sự đau khổ chấm dứt.
Maggie hỏi giữa quãng dừng:
- Ý thầy là giống như cảm giác đau đớn mà tôi cảm nhận về cái chết của cha tôi?
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp. – Nó ứng nghiệm cho mọi hình thức của bể khổ. Khi ta thực hành chánh niệm và truy nguồn gốc gây ra bể khổ (dục vọng, tham lam, căm ghét hay ảo tưởng, hoặc ham muốn, ngây thơ và ác cảm, bất kể ta đặt tên những cụm từ đó là gì), hãy buông bỏ những thứ này, những gì còn lại là tự do và an lạc thật sự. Chúng ta có thể tự mình khám phá tất cả.
Đức Phật ví những thứ gây ra bể khổ (tham, sân, si) giống như ngọn lửa thiêu đốt chúng ta, và Ngài dạy rằng quy trình buông bỏ bể khổ giống như việc thổi tắt ngọn lửa. Từ “thổi tắt” trong tiếng Pali có nghĩa là nibbana hoặc nirvana, trạng thái an bình thuần khiết, tự do, an lạc còn lại sau khi “ngọn lửa” đã bị dập tắt.
Nhà sư ngừng lời một lát, suy nghĩ rồi tiếp tục.
- Vì vậy, bằng cách trải nghiệm vạn vật có sinh ắt có diệt – khát vọng, của cải vật chất, học thuyết, thiên nhiên, hoa cỏ, muông thú, nhân loại, những người ta yêu thương v.v… hết thảy đều xuất hiện rồi cuối cùng sẽ chấm dứt – bằng cách buông bỏ tham ái những thứ ấy thông qua việc thực hành chánh niệm và hai Chân lý Cao thượng đầu tiên, chúng ta bắt đầu trải nghiệm Chân lý Cao thượng thứ ba, “chấm dứt bể khổ”. Ở nơi từng là bể khổ, chúng ta có thể tìm thấy sự yên bình – cảm giác tự do và khoáng đạt bên trong bản thân.
Nhà sư lại dừng lời. Tất cả chúng tôi lặng im. Thầy giảng tiếp:
- Khi ta tập trung vào sự yên bình trong việc thực hành chánh niệm, ta bắt đầu chạm đến phần bản ngã bất biến của mình, đó là sức mạnh và sự yên bình “vốn luôn tồn tại ở đó”. Nó không bắt đầu nên nó cũng không chấm dứt, nó luôn luôn ở đó. Chính vì thế mà trong Phật giáo, chúng ta gọi đó là “bất diệt”.
Thầy lại dừng. Tiếp đó, Gwyn hỏi:
- Vậy đó là cái gì? Chúng ta sẽ chạm đến cái gì?
- Chúng ta hãy nhận dạng nó thêm chút nữa đi nào. – Nhà sư đáp. Sau một lúc, thầy nói tiếp. – Khi chúng ta suy nghĩ thật rốt ráo về chính mình, ta là ai hay ta là cái gì? Ta không phải là thân xác của ta, bởi vì nó sẽ chết đi. Ta không còn là đứa trẻ nít nữa, không còn là nam sinh hay nữ sinh nữa. Những ngày tháng đó đã trôi qua rồi.
Chúng ta cũng không phải là người mà ta đang hành nghề: giáo viên, thợ cắt tóc, nhà sư, bác sĩ, cha mẹ, bảo mẫu, người viết sách nấu ăn, – thầy nói và nhìn tôi, – chúng ta trở thành tất cả những người làm nghề đó trong cuộc đời. Chúng ta trải qua những nghề đó mà duy trì sự sống.
Tất cả mọi người im lặng và tư lự. Có lẽ, giống như tôi, họ đang suy ngẫm đôi chút về quá khứ của mình.
Nhà sư tiếp tục.
- Chúng ta cũng không phải là những suy nghĩ hay cảm xúc của chúng ta, bởi vì những thứ ấy nổi lên rồi biến đi. Chúng ta cũng không phải là quốc tịch, đức tin, quan điểm, định kiến, tôn giáo của mình bởi vì tất cả đều là cái nhãn ta tự dán cho mình hoặc do người khác dán lên.
Nhà sư lại ngừng lời.
- Vậy thì chúng ta thật sự là ai? – Rodney hỏi.
Nhà sư đáp.
- Những điều tôi vừa nhắc tới là những gì chúng ta đạt được trong điều kiện giáo dục và nuôi dưỡng đã qua, cũng như hiện hành, và những thứ đó có thể thay đổi.
- Ý thầy đó là thứ đôi khi ta gọi là bản ngã? – Pam hỏi.
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp. – Đó là những thứ tạo nên cái mà ta gọi là “bản ngã”, hoặc “nhãn quan cá nhân”. Để tìm hiểu ta thật sự là ai, ta phải đi xa hơn thế, vượt xa khỏi những danh xưng vô nghĩa như “đàn ông”, “đàn bà”, “Phật tử”, “người Anh”, “người Ấn Độ”, “người Mỹ” hay bất kỳ quốc tịch nào, bất kỳ sự mô tả nào về diện mạo, kiểu như “đẹp”, “thông minh”, “thành công”, hay “ngu ngốc”, “vô vọng”, “vô dụng”. Những cụm từ đó cầm tù ta, nhất là khi ta trải nghiệm chúng bằng sự phê phán, chỉ trích bên trong ta.
- Chúng ta tự dán nhãn mình và dán nhãn người khác phải không? – Pam hỏi.
- Đúng thế. – Nhà sư trả lời. – Và chúng gây ra nỗi sợ hãi, niềm kiêu hãnh hoặc tách xa khỏi những người mà ta cảm thấy có nhu cầu chỉ trích, hạ thấp, thậm chí là chiến đấu để chứng minh là mình đúng, để khẳng định quan điểm của mình, hoặc để tỏ vẻ như mình an toàn và thành công.
Đức Phật mô tả bản ngã là một loại cấu trúc mà chúng ta xây xung quanh mình, giống như là một ngôi nhà từ khi ta còn rất, rất, rất trẻ nhằm bảo vệ bản thân khỏi bị đau thương và tổn hại.
Đó là quan điểm của chúng ta về chính mình. Chẳng hạn như, tôi là một người đàn ông, một nhà sư Phật giáo Nguyên thủy, tu luyện trong tu viện để trở thành một ajahn, tức “sư thầy”. Như vậy, tôi đã đạt được sự thành công nào đó, có chỗ đứng nào đó trong nhóm người nào đó, điều này khiến tôi cảm thấy hài lòng, cảm thấy mình là bề trên. Tất cả đều là bản ngã, là ngôi nhà chúng ta xây xung quanh mình để khiến cho mình cảm thấy thoải mái và an toàn.
Cả nhóm khẽ cười, nhà sư tiếp tục.
- Tất cả chúng ta đều làm thế cả. Tất cả chúng ta đều dựng nên nơi trú ẩn này, chỗ an toàn này để ngăn mình khỏi bị tổn thương. Nhưng nó cũng gài bẫy chúng ta. Nếu ta nhốt mình bên trong chốn ẩn nấp được bảo vệ, thì ta sẽ không thể ra khỏi nơi ấy. Ta mất tự do, ta cắt đứt và tách biệt khỏi mọi người – tách biệt khỏi chính con người của mình – con người thật sự ở sâu thẳm bên trong ta, ẩn sau lớp vỏ “đàn ông”, “phụ nữ”, “nhà sư” v.v…
Nhà sư nhìn quanh nhóm. Tất cả mọi người đều im lặng, lắng nghe chăm chú. Cuối cùng nhà sư nói:
- Rốt cuộc, ta nhìn vào cái mà không phải là ta. Nhưng bây giờ trở lại câu hỏi của ông, Rodney à, rằng chúng ta thật sự là ai hoặc là cái gì. Nào, anh chị hãy dành ra chút thời gian để tìm hiểu, phân tích xem mình có tự khám phá ra bản thân mình hay không. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện vài khoảnh khắc chánh niệm nào.
Nhà sư hít thở sâu. Cả nhóm động đậy để tìm tư thế thoải mái, rồi mọi người ngồi thẳng lên.
- Thẳng lưng lên. – Nhà sư nhắc. – Nhắm mắt lại. Nhận biết hơi thở, hít vào thở ra vài hơi.
Im lặng trong một hay hai phút.
- Nào, hít vào và tự hỏi: “Tôi là ai?”. Lắng nghe tiếng nói nội tại. Chú ý khoảng dừng ngay sau câu hỏi đó. Giữ tập trung vào khoảng dừng, khoảng rỗng không đó xem anh chị giữ được bao lâu mà không có ý nghĩ nào len vào. Khi anh chị nhận thấy tâm trở lại, thì lại hỏi tiếp: “Tôi là ai?”. Và lại chú ý, thậm chí “lắng nghe” khoảng dừng tiếp theo.
Khi anh chị tập trung vào điểm đó thì ý thức về “tôi” hướng vào đâu? Anh chị biết rằng “tôi - đàn ông” hay “tôi - phụ nữ”, “tôi - bác sĩ”, “tôi - người viết sách nấu ăn” không ở đó. Chỉ có khoảng thinh không, trống rỗng. Một bậc tôn sư đạo Phật gọi nó “chỉ là khoảng trống mông lung”. Không có “tôi”, không có “của tôi” ở đó. Chỉ có không gian, sự thuần khiết, sự tỉnh giác, sự chú ý.
Trong khoảng rỗng không đó, anh chị chỉ là cái mà anh chị là. Tại khoảnh khắc này, khi anh chị trải nghiệm sự trống không này, ý thức này, tất cả mọi thứ đều là nó. Tất cả mọi thứ đều là cái mà nó mặc định phải thế. Anh chị trút bỏ gánh nặng trên vai, bởi vì anh chị thấy rằng “nó là nó” và không có con người ở đó liên quan, dính líu hay làm bất kể điều gì.
Trong thoáng chốc, anh chị đã mở hé cánh cửa ngôi nhà bản ngã. Anh chị trải nghiệm cảm giác thinh không và sáng tỏ, anh chị đã chạm sâu đến cảm giác an tâm và viên mãn vượt xa khỏi bất kỳ sự an toàn nào mà ngôi nhà bản ngã mang đến cho anh chị.
Trong khoảng thinh không đó, sự vật là chính nó. Khi anh chị ở trong không gian ấy, không có nghĩa là anh chị không quan tâm về sự vật, hiện tượng – về những gì anh chị thương yêu, về sự nghiệp, về của cải – mà nó có nghĩa là anh chị không gắn liền với chúng. Anh chị có thể cảm kích, trân quý chúng và để chúng tự nhiên là chúng.
Khi ta ở trong không gian này, ta biết cần phải làm cái gì và làm như thế nào. Ta hành xử một cách đúng đắn, bởi vì đó là điều đúng đắn để làm tại thời gian này và ngay tại nơi này, chứ không phải vì ta bị bắt buộc, không hề “phải” hay “buộc phải”. Ta hòa hợp, hòa nhịp với “hiện tại”. Ta biết bất kể việc gì mình làm, bất kể điều gì mình nói sẽ là đúng.
Nhà sư dừng lời. Dan nhìn vào mắt thầy.
- Nào, anh có hỏi gì không?
- Tôi là huấn luyện viên thể thao. – Dan nói. – Trong những điều thầy nói, tôi thấy có điểm rất thú vị là “không gian nội tâm” vượt lên khỏi bản ngã, bởi vì nó rất giống với cái mà các vận động viên gọi là “chạm ngưỡng” hoặc “theo dòng”. Đó là trạng thái chỉ xảy ra khi họ hứng khởi tuyệt đối, và đôi khi đạt được thành tích thần kỳ.
Dan dừng một chút rồi nói tiếp.
- Tôi đã cảm nhận nó một lần khi tôi đang trượt tuyết. Mặt trời chiếu sáng, tuyết hoàn hảo, tôi đua tốc độ. Hoàn toàn khoan khoái, tựa như hòa nhập vào đất trời. – Giọng anh nhỏ đi. – Tôi không mô tả được, nhưng tôi đã đọc sách về “chạm ngưỡng” và tôi thấy nó được mô tả như là một trải nghiệm huyền ảo. Thật sự đấy là cảm giác lúc đó.
- Tôi nghĩ anh vừa mới mô tả nó rồi đấy. – Nhà sư nói. – Cảm ơn anh, Dan, tôi đồng ý, nó là thứ mà tất cả chúng ta có thể trải nghiệm trong khi hành thiền, cho dù anh chị không phải là vận động viên chuyên nghiệp! Nó là những gì chúng ta chạm tới khi chúng ta chánh niệm. Nó là hiện tại, luôn luôn ở đó, bên dưới tiếng lao xao của tâm, bên dưới tiếng nói nội tại phê bình của chúng ta. Nó không nổi lên hay xuất hiện, mà nó luôn ở đó. Bởi vì nó không xuất hiện cho nên nó không dừng lại. Nó vĩnh viễn ở đó, phóng khoáng, tự do.
Khi chúng ta trút bỏ tâm khỏi tất cả mọi thứ, và chạm tới điểm ý thức nội tại, cảm giác ta là một cá nhân sẽ biến mất. Như những tia sáng trong ánh mặt trời hay những gợn sóng nhấp nhô nơi đại dương, chúng ta xuất hiện. Chúng ta cảm thấy mình là một với tất cả mọi người, không còn cá nhân nào nữa, đơn giản như thầy Ajahn Sumedho nói: “Sáng tỏ, nhận thức, an bình và thuần khiết”.
Đã nhận ra sự chấm dứt bể khổ
Sự im lặng bao trùm khắp căn phòng. Chúng tôi là nhóm người không quen biết nhau: có cả nam giới và phụ nữ, thuộc đủ mọi lứa tuổi – từ người mới chớm 20 đến người gần 80 tuổi, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Nhưng xem ra có vẻ như chúng tôi là một.
Sự im lặng tiếp tục kéo dài thêm mấy giây nữa, hay mấy phút không chừng. Tôi không chắc, tôi đã mất khái niệm về thời gian.
Rồi nhà sư nói tiếp:
- Khi anh chị chạm đến nơi thâm sâu bên trong mình, khi anh chị trải nghiệm sự an lạc sâu thẳm, niềm vui và năng lượng nối kết với bất kỳ sinh vật sống nào, với toàn bộ cuộc sống; khi anh chị chạm đến cảm nhận về thực tại hiện tiền và sự vĩnh cửu, anh chị sẽ không bao giờ sợ cái chết nữa.
Anh chị sẽ giống như bậc tôn sư Phật giáo thông thái đứng trước võ sĩ samurai với lưỡi gươm vung lên, mắng nhiếc: “Ngươi có biết ta là ai không? Ngươi có biết ngươi đang hiện diện trước một người có thể chém đứt ngươi trong chớp mắt không?”, còn bậc tôn sư thì chỉ bình thản đáp: “Còn anh có biết anh đang đứng trước một người để cho anh chém đứt người mà không thèm chớp mắt không?”.
Anh chị thấy đấy, khi ta trải nghiệm sự chấm dứt – ta có thể làm điều đó trong kiếp đời này nếu ta luyện tập – ta đã giải phóng mình khỏi nỗi sợ chết. Không có cái chết bởi vì chúng ta đã là vĩnh cửu, ở thiên đường, nhưng hầu hết chúng ta đều không nhận ra điều đó.
Nhưng một khi chúng ta nhận ra, và chạm tới thiên đường bên trong chúng ta, tất cả mọi thứ thay đổi. Linh hồn/tinh thần hóa thành hiện thực, những kiếp đời đến rồi đi, nhưng linh hồn/tinh thần là bất diệt. Chúng ta… con người thực của chúng ta, những gợn sóng li ti của đại dương linh hồn được bao bọc trong thân xác trần thế khi chúng ta được sinh ra… vẫn mãi thuộc về đại dương đó. Gợn sóng đã nhận một thân xác cho một kiếp đời – so với sự vĩnh cửu thì chỉ là vài giây – cho đến khi nó đoàn tụ với phần còn lại của đại dương linh hồn – bản thể đích thực. Nó luôn luôn ở thiên đường, nhưng chưa nhận ra, trừ khi nó được chúc phúc đủ để tìm thấy hành thiền Chánh niệm và giáo huấn của một sự nhân hóa khác của đại dương, được biết đến là Đức Phật.
- Nghe sao mà khó hiểu quá, thưa thầy. – Pam nói. – Nhưng nếu linh hồn chúng ta chỉ là một… chúng ta đều là những gợn sóng li ti trong đại dương mênh mông của linh hồn mà chúng ta bị hút vào khi chúng ta chết… vậy thì có thể hiểu thế nào về hiện tượng đồng cốt? Có những ông đồng bà cốt có thể liên lạc với người chết. Tôi đã nhận được thông điệp rất kỳ lạ từ ông tôi sau khi ông qua đời.
Nhà sư đáp:
- Trong giáo lý nhà Phật, có nhiều cảnh giới tồn tại. Tôi nghĩ nó giống kiểu như vầy: gợn sóng nhỏ là bản thể của chúng ta – bản thể cốt lõi, phần thuộc về chúng ta không bao giờ chết, nó cũng là một phần của đại dương vĩ đại dung chứa mọi dạng thức sống… được quấn bọc thành nhiều lớp giống như củ hành.
Tia sáng mang sự sống hiện hữu ở tầng lõi, luôn ở trong trạng thái “thiên đường”; khi lớp ngoài cùng chết đi, sẽ có lớp khác mỏng hơn. Vì vậy khi chết, ta có thể xuất hiện dưới dạng cơ thể ánh sáng, tựa hồ phiên bản trẻ trung và hạnh phúc của chính ta được tạo ra từ những chất liệu tinh túy hơn, trong sáng hơn. Bất cứ ai làm đồng cốt đều thấy điều này.
Rodney hỏi:
- Vậy đại dương mà Đức Phật ám chỉ tới đó là anatta hoặc “vô ngã” phải không? Thầy có thể giải thích cho chúng tôi ý nghĩa của nó được không?
Nhà sư trả lời:
- Được chứ. Để xem nào. Đây là một trong những câu hỏi lớn nhất trong Phật pháp: Liệu có phần linh hồn cá thể nào của chúng ta là vĩnh cửu vẫn còn sống sau khi ta chết. Giáo huấn của Đức Phật bao gồm sự phản ánh những kiếp sống trong quá khứ, ngụ ý là những mảnh cá thể không chết của chúng ta, nhưng đây là câu hỏi mà Ngài chưa bao giờ trả lời một cách trực diện.
Kinh điển Phật pháp sớm nhất bằng tiếng Pali còn lưu giữ đến ngày nay ghi rằng khi Đức Phật được hỏi có linh hồn, bản thể tâm linh hay không, Ngài từ chối trả lời câu hỏi này.
Tôi cần phải giải thích ở đây rằng Đức Phật luôn dạy là có bốn loại câu hỏi:
• Loại câu hỏi có thể trả lời thẳng là “Đúng” hay “Sai”;
• Loại câu hỏi cần phân tích câu trả lời;
• Loại câu hỏi có thể được trả lời bằng một câu hỏi khác;
• Loại câu hỏi đáng đặt qua một bên.
Nhóm câu hỏi cuối cùng – loại câu hỏi đáng đặt qua một bên – là nhóm những câu hỏi mà câu trả lời không dẫn tới sự tận diệt bể khổ hay stress. Theo Đức Phật, bậc tôn sư cần quyết định loại câu hỏi mà họ đang xử lý và tùy theo đó mà có câu trả lời.
Vậy là Đức Phật không trả lời “Có” hay “Không” cho câu hỏi cần đặt qua một bên, và nếu anh chị là người nhận được câu trả lời này thì anh chị cần quyết định xem câu trả lời cần được diễn giải tới mức nào. Đức Phật dạy rằng có hai loại người hiểu sai Ngài: những người suy luận từ những câu tuyên bố mà lẽ ra không nên được suy luận; và những người không suy luận từ những lời tuyên bố đáng cần suy luận.
Suzi nhăn mặt, bật cười rồi thốt lên: “Ô trời ơi!”. Tôi chờ cô ấy nói thêm gì đó nhưng cô ấy không nói thêm gì nữa.
Phải thú thật là tôi cũng bối rối không hiểu gì. Giống như lời phát biểu nổi tiếng của Donald Rumsfeld(6) về những thứ ta biết mình biết (known knowns), những thứ ta biết mình không biết (known unknowns) và những thứ ta không biết mình không biết (unknown unknowns). Xoắn cả não!
(6) Donald Rumsfeld (09/07/1932) là chính trị gia và doanh nhân Hoa Kỳ. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Gerald Ford (1975 đến 1977) và tiếp tục giữ chức này từ năm 2001 đến 2006 dưới nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush. Ông là người trẻ nhất và cũng là người cao tuổi nhất từng giữ chức vụ này.
Nhưng nhà sư vẫn tiếp tục giảng:
- Vậy sự thật là Đức Phật không từ chối hay khẳng định sự tồn tại của bản thể độc lập hay linh hồn bất tử. Anh chị nghĩ xem tại sao Đức Phật không trả lời thẳng câu hỏi này?
Nhà sư dừng lời và nhìn quanh.
- Nếu anh chị xem xét nó trong ngữ cảnh những gì ta đã học về Tứ Diệu Đế, thì ngay từ đầu lý do Đức Phật từ chối trả lời câu hỏi đó rõ ràng là vì nó thuộc loại câu hỏi mà câu trả lời không dẫn tới sự chấm dứt bể khổ. Anh chị có hiểu tại sao lại như thế không?
Nhà sư chờ, lần lượt nhìn từng người trong nhóm nhưng không ai nói gì.
Thầy giải thích.
- Hãy tự hỏi cái gì nằm đằng sau câu hỏi đó? Tôi có một linh hồn, hay một bản thể, độc lập vĩnh cửu hay không?
Câu hỏi này hàm chứa tham ái, thắc mắc rằng có hay không có linh hồn bất tử. Anh chị biết rằng tham ái là nguyên nhân gây nên bể khổ. Cho dù câu trả lời cho câu hỏi này là “Có” hoặc “Không”, nó đều khuyến khích sự tham ái, chính là điều mà chúng ta đang nỗ lực trút bỏ để tìm niềm an lạc, tự do và yên bình bên trong.
Vì vậy, dĩ nhiên Đức Phật không thể, và không muốn trả lời nó. Vì sự bám víu vào câu trả lời, chúng ta không thể ý thức được sự chấm dứt. Chúng ta thấy mình đi quẩn quanh vào ngõ cụt.
Nhà sư lại ngừng nói. Tôi cảm thấy đôi chút thất vọng, đôi chút u uẩn. Tôi muốn tin vào linh hồn bất tử.
Dĩ nhiên, tôi nhận ra tôi đang gắn kết với ý tưởng đó! Gắn kết mang đến nỗi đau khổ và không cho ta đạt tới sự nhận thức nội tại.
Nhà sư nói tiếp.
- Vậy chúng ta làm gì? Chúng ta làm điều mà Đức Phật răn dạy chúng ta làm. Chúng ta nhìn vào cảm giác mà câu hỏi này khơi dậy bên trong chúng ta – khát khao, căm ghét, ám ảnh, ảo tưởng, bất kể cái gì. Thế rồi chúng ta làm gì tiếp theo? Câu trả lời là những gì chúng ta đang và sẽ làm trong suốt khóa tu này. Anh chị cần biết tường tận ngay bây giờ. Anh chị có thể nói ra với tôi. Chúng ta đón chào cảm giác đó. Chúng ta cứ để nó là nó. Chúng ta buông bỏ nó. Khi anh chị buông bỏ thật sự thì anh chị thấy điều gì? Yên bình, bay bổng, vui sướng, tự do vô bờ và cảm giác an hòa với mọi thứ trong cuộc sống. Thật là hồng phúc.
Nhà sư ngừng nói. Khoảnh khắc “hiện hữu” bao trùm. Thiên đường chắc cũng giống như thế này – tôi nghĩ thế.
Chúng tôi giữ cảm nhận này một hồi. Rồi nhà sư nói khẽ.
- Tôi đã nói với anh chị rằng giáo huấn của Đức Phật là trải nghiệm thực tiễn. Một số điểm vượt xa ngưỡng diễn đạt của ngôn từ. Như vậy có giúp trả lời cho câu hỏi của anh chị chưa?
Một bầu không khí yên lặng thấm đượm trong đó sự thừa nhận bao trùm khắp phòng. Rodney nhận xét:
- Nếu ta đặt câu hỏi sai, thì câu trả lời ngăn ta đến với câu trả lời đúng. Nó giống như câu đố vậy.
Nhà sư mỉm cười.
- Đúng thế. Anh thấy đấy, để tìm ra sự thật, ta cần phải buông bỏ tham ái, buông bỏ bất kỳ định kiến nào. Cố nhét chân lý vào ngôn từ sao cho tâm ta có thể hiểu thì giống như lùa mèo thành bầy vậy – không thể!
Chính vì thế, những đệ tử Thiền Tông đã đặt ra những công án(7) quy định việc hành thiền. Đó là những câu đố, kiểu giống như câu hỏi nổi tiếng: “Âm thanh của một bàn tay vỗ là gì?”. Nó giúp người ta vượt xa khỏi chốn tù túng của tâm và tìm thấy linh hồn/bản thể thuần khiết.
(7) Koan: công án, một câu đố hay đúng ra một đối tượng/vấn đề làm đề tài chiêm nghiệm để tu sĩ phái Thiền phải vượt qua khỏi mọi giới hạn bản ngã, dùng trực giác đạt đến sự thông tuệ.
Công án có thể là công cụ hữu ích, nhưng thật ra Đức Phật đã trao cho chúng ta đủ thông điệp trong Tứ Diệu Đế rồi. Nếu làm theo, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Đức Phật bảo đảm như thế.
Nhà sư dừng lại rồi nói:
- Buổi hôm nay chúng ta đã học khá nhiều rồi. Chúng ta hãy thư giãn nào. Hãy dành tặng mình “kỳ nghỉ cho trái tim” bằng cách hành thiền đứng thôi.
Tiếng ngạc nhiên ồ lên khắp phòng. Thiền đứng! Tôi chưa bao giờ biết đến việc đứng thiền… và căn cứ vào bầu không khí trong phòng thì tôi tin mình không phải là người duy nhất. Nhưng ngẫm nghĩ một chút, tôi cho rằng nếu ta chánh niệm thì ta có thể thực hiện ở bất kỳ tư thế nào.
- Thiền đứng là hành thiền trong khi đứng, thế thôi, ngạc nhiên phải không? – Nhà sư cười.
Cả nhóm cũng bật cười lớn. Tôi nghĩ nó có vẻ khó nhằn đây. Nhà sư tiếp tục nói:
- Thiền đứng là bài tập rất hữu dụng trong “giỏ” công cụ của chúng ta. Có thể ban đầu sẽ có cảm giác rất lạ, nhưng khi đã quen, anh chị sẽ thấy đó là cách tự phục hồi và bình tâm rất hữu hiệu. Nó có hai tác dụng – nó là “trà bạc hà” của buổi luyện hành thiền, vừa xoa dịu vừa kích thích tinh thần ta khi ta căng thẳng, đồng thời nó cũng giúp phục hồi khi ta mệt mỏi, tùy theo nhu cầu cơ thể cần gì vào từng thời điểm.
Hãy làm theo tôi chỉ dẫn nào. Nhớ là chỉ giữ tư thế trong khoảng thời gian anh chị cảm thấy thoải mái. Ban đầu anh chị chỉ có thể làm được 5 phút, có khi ít hơn. Hãy ngưng lại và tiếp tục hành thiền ở tư thế ngồi khi anh chị cảm thấy đủ rồi.
Sau một thời gian, nếu anh chị luyện tập thường xuyên… mỗi ngày nếu có thể… anh chị sẽ giữ tư thế được 30 phút, và nếu thực hiện như thế trong 100 ngày liên tục, chắc chắn anh chị sẽ gặt hái được rất nhiều lợi ích, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trời đất ơi, làm sao một người bình thường có thể kiếm ra thời gian mà thực hiện điều này? Ta cần phải ở trong tu viện mới làm được! Rồi tôi tự cười mình, bởi vì tôi nghĩ mình đang giống Ed quá. Tôi tự hỏi không biết kiểu hành thiền này sẽ tác động đến anh ấy như thế nào. Nhà sư vẫn đang nói:
- Nếu anh chị đã sẵn sàng, chúng ta sẽ bắt đầu.
Bài luyện hành thiền đứng
Đứng thẳng, hai bàn chân song song, dạng rộng bằng vai. Tấn chặt hai bàn chân xuống đất, chắc chắn và vững chãi, để cảm nhận như ta được neo lại mặt đất.
Hơi khuỵu gối, nhưng lưng vẫn giữ thẳng.
Hơi ưỡn ngực lên để thả lỏng xương bả vai.
Hơi gập cằm lại và cảm nhận đầu như đang bị kéo lên trần nhà.
Thả lỏng vai, hai cánh tay buông thõng hai bên thân người.
Thả lỏng các cơ trên khuôn mặt, thả lỏng quai hàm, thả lỏng lưỡi.
Thỉnh thoảng chúng ta có thể đi vào tư thế này với hai bàn chân được trồng chặt xuống đất, hơi khuỵu gối, cột sống thẳng và cánh tay thả lỏng, giống như con khỉ đột. Vậy nên chúng ta sẽ gọi đây là “tư thế khỉ đột”.
Tiếp theo, nhìn ra đằng trước vài mét, thả lỏng cho đôi mắt, giữ ánh nhìn thoải mái. Có thể mở mắt nếu muốn, hoặc cũng có thể nhắm hờ.
Hít thở nhẹ nhàng. Có thể tập trung vào vùng bụng, dưới rốn vài phân, và cảm nhận mình hít không khí vào cái hốc này, như vậy sẽ củng cố sức mạnh và tạo thế cân bằng.
Hít thở tự nhiên giống như trong hành thiền chánh niệm; bất kỳ khi nào nhận thấy dòng suy nghĩ đi lung tung, hãy trở lại nhận thức về hơi thở và thân thể của mình.
Khi đã cảm thấy đủ, hãy mở mắt ra nhẹ nhàng, ngồi xuống, tiếp tục hành thiền trong tư thế ngồi thông thường.
Tôi thích cái cảm giác mà tư thế này mang lại. Tôi cảm thấy vững chãi và an toàn với bàn chân tấn chặt dưới mặt sàn… cảm thấy mình hơi giống con khỉ đột, cánh tay khuỳnh khuỳnh thõng xuống hai bên thân người.
Tư thế này mang lại cảm giác vừa mạnh mẽ vừa là lạ. Tôi cảm thấy như được chính cơ thể mình nâng đỡ, chứ không cảm thấy bị giam hãm trong đó. Thật khó diễn tả! Tôi nhận thức chính mình tách rời khỏi thân thể, cảm thấy như nó là vật chứa đựng cái “tôi” đích thực.
Có lẽ vì tư thế này rất khó thực hiện cho nên nó buộc ta phải nhận thức về cơ thể nhiều hơn – nhận thức rằng thân thể ta tách bạch với tâm và linh hồn ta. Tôi không biết điều gì đang xảy ra, nhưng tôi hiểu tại sao hành thiền đứng có thể mang lại nhiều lợi ích ở nhiều cấp độ đến vậy.
Có thể nói rằng dường như trong chớp mắt tôi đã không làm nổi nữa và cần phải ngồi xuống. Tôi lướt nhìn quanh và nhận thấy mình không phải là người đầu tiên ngồi xuống, mặc dù vẫn còn nhiều người đang đứng.
Tôi tiếp tục hành thiền với tư thế ngồi thông thường. Tôi vẫn cảm thấy “tự do”, rộng mở trong lồng ngực và trong trái tim… cảm nhận rất rõ, như thể có ánh sáng xung quanh tôi và tôi đang nhìn vào không gian. Như có phép màu vậy, tôi không còn bị nhiều suy nghĩ len vào như mỗi khi hành thiền. Nhưng khi nghĩ tới đây, tôi nhận ra mình lại đang có thêm một suy nghĩ khác.
Sau một hồi, tôi nghe thấy tiếng chuông của nhà sư, lập tức tôi mở mắt ra. Những người khác đang ngồi yên lặng, không còn ai đứng nữa. Tôi tự hỏi phải luyện tập cỡ nào thì mới đứng được 30 phút. Trời ơi, ngay cả 5 phút cũng là một thành tựu xuất sắc rồi. Tôi bỗng nhận ra mình lại rơi vào tình trạng “ăn thua” và “phán xét”.
Tôi lại nhắm mắt và hít một hơi sâu. Tôi nhận ra rằng có một bầu không khí tuyệt đẹp đang bao trùm khắp căn phòng. Không ai nói gì, một lúc sau, nhà sư lên tiếng:
- Anh chị thấy thế nào? Anh chị có thích không?
Gwyn mỉm cười và nói:
- Thích chứ, thầy. Đây là một trải nghiệm rất khác. Nó đòi hỏi ta tập trung nhiều hơn so với tọa thiền. Thầy có thường xuyên đứng hành thiền trong tu viện không?
Nhà sư đáp:
- Tôi cũng có thực hành đứng thiền… nhất là khi buổi tu tập kéo dài khiến tôi thật buồn ngủ. Tôi thấy đây là cách hữu ích để giữ cho tôi được tỉnh táo. Mà cách này cũng thực dụng nữa, bởi vì anh chị có thể đứng hành thiền trong khi đang chờ đợi. Cứ việc im lặng đi vào tư thế thôi… cũng không nhất thiết phải áp dụng đúng “thế khỉ đột” khi anh chị đang ở nơi công cộng, – thầy cười lớn, – cứ hít thở trong chánh niệm là được. Giống như trở nên tươi tỉnh chỉ với một tách trà vậy.
Tim nói:
- Chúng ta đã thực hiện tọa thiền, đi thiền và giờ là đứng thiền. Vậy chứ, lợi ích của chúng có khác nhau không? Có còn tư thế hành thiền nào khác mà cũng đem lại lợi ích không?
Tôi mỉm cười một mình. Trông Tim đúng thật là bác sĩ đang cần cù ghi chú bệnh tình và kê toa thuốc cho bệnh nhân của mình.
Nhà sư đáp:
- Mỗi cách hành thiền đều có những tác dụng khác nhau lên cơ thể chúng ta, khi luyện tập nhiều hơn anh chị sẽ tự thấy. Tọa thiền là tư thế mang lại trạng thái tốt nhất. Nếu anh chị chỉ có thể thực hiện được một tư thế hành thiền thì tôi sẽ đề nghị tư thế tọa thiền.
Đối với nhiều người, đi thiền không đòi hỏi chuẩn bị tinh thần nhiều như ngồi thiền, nhưng nó cũng có nhiều lợi ích và có tính thực tiễn do dễ thực hiện. Nếu anh chị không thể thu xếp để ngồi thiền được thì anh chị có thể thực hiện đi thiền trong 20 hay 30 phút.
Như lần trước tôi đã nói, trong tu viện, chúng tôi luân phiên thực hiện ngồi thiền và đi thiền, đó là cách hòa hợp để hưởng lợi ích từ cả hai phương pháp hành thiền… nhưng anh chị đừng kỳ vọng mình có thể thực hiện được tới mức đó, – nhà sư cười rồi nói thêm, – trừ phi anh chị xuất gia quy y.
- Vậy làm thế nào để thuần thục việc đứng hành thiền? – Dan hỏi. Dường như anh là người rất rạch ròi và thực tế.
Nhà sư đáp:
- Đó là một thách thức đối với người mới. Cần phải luyện tập đáng kể thì mới có thể thực hiện được lâu. Tính cho đến lúc này thì đây là phương pháp hành thiền đòi hỏi nhiều công sức của anh chị nhất. Nhìn chung, chúng ta chỉ đứng hành thiền khi cần phải làm cho mình tỉnh ngủ… nhưng như tôi đã nói, nó cũng có tác dụng xoa dịu, rất tốt khi anh chị cảm thấy căng thẳng quá mức về tinh thần, cảm xúc và thể xác.
Hãy cố gắng luyện tập, rồi anh chị sẽ thấy nó hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày của mình, nhận ra nó tác động đến anh chị như thế nào. Nhưng anh chị vẫn cứ tiếp tục thực hiện ngồi thiền hàng ngày, và đi bộ hành thiền mỗi khi có thể… Nhớ hít thở trong chánh niệm khi chuyển từ thiền đứng sang thiền ngồi.
Nghe tôi nói vậy anh chị có thể cảm thấy bội thực, nhưng anh chị cứ tiếp tục thực hành trên nền tảng anh chị đã có rồi. Cứ làm đều đặn, nhẹ nhàng. Anh chị sẽ cảm nhận được lợi ích, nếu không ngay lập tức thì cũng rất nhanh. Nghiên cứu đã chứng minh điều này, với hàng triệu thiền giả trong suốt hơn hai thiên niên kỷ qua… và họ không thể sai được!
Thầy bật cười lớn.
- Tuy nhiên, chúng ta hãy nhanh chóng quay lại câu hỏi của anh nào, Dan. Thỉnh thoảng chúng tôi còn nằm thiền, nhất là khi cơ thể bị đau và không thể ngồi lâu được, hoặc khi chúng tôi muốn chuyên chú vào chánh niệm thân thể của mình.
Nhà sư nói:
- Buổi học hôm nay vậy là xong được rồi chứ? – Có tiếng đồng ý trong nhóm. – Thế thì chúng ta hãy tụng bài Kinh kết thúc nào.
Chúng tôi tụng Kinh, vái lạy, thu dọn chiếu, nệm và tản ra mỗi người đi về một ngả.
Ôn tập
• Khi ta chấp nhận bể khổ và cố gắng không bình luận, không đổ lỗi cho bản thân đã gây ra nó, cũng không phán xét nó, thì đó là sự khởi đầu của quy trình chữa lành; dần dần, từng chút một, ta trải nghiệm sự chấm dứt bể khổ.
• Ta nhận ra rằng trên trần thế này cái gì bắt đầu cũng đều có kết thúc. Nếu ta trở nên tham ái, bám víu bất kỳ cái gì hay bất kỳ ai, chắc chắn ta sẽ đau khổ khi những thứ đó hay người đó thay đổi, chấm dứt hoặc chết.
• Ta học cách nhìn nhận đầy đủ bất kỳ cái gì mà không bám víu vào nó – “quan tâm mà không quan tâm”.
• Khi ta thực hành chánh niệm và nhận biết bể khổ của mình, ta sẽ tìm ra loại tham ái là nguồn gốc gây ra nỗi khổ, sau đó để sự tham ái đó qua một bên thay vì nắm giữ nó. Bể khổ cuối cùng sẽ ngưng lại, để lại tự do, an bình và sự phóng khoáng trong ta.
• Khi ta tập trung chánh niệm vào không gian nội tâm, ta sẽ chạm đến phần bất biến của mình.
• Ta không nhất thiết phải chịu đựng bể khổ và không phải đợi đến khi chết thì bể khổ mới chấm dứt. Nếu ta thực hành Chân lý Cao thượng thứ ba, ta có thể tự do và an lạc ngay từ bây giờ.
Ứng dụng
• Tiếp tục chú ý đến lời nói của mình… hãy bỏ đi cụm từ “phải” hay “buộc phải”, và hãy tử tế, bao dung với chính mình.
• Thực hành chánh niệm mỗi ngày.
• Hành thiền mỗi ngày khoảng 20 phút – ưu tiên cho ngồi thiền. Anh chị cũng có thể đi bộ hành thiền nếu được. Hoặc anh chị cứ đi bộ hành thiền nếu không thể thu xếp tọa thiền. Kết thúc mỗi lần hành thiền bằng việc rải tâm từ cho chính mình và nói: “Tôi an toàn. Tôi hạnh phúc. Tôi mạnh khỏe. Tôi thanh thản”.
• Đứng hành thiền trong một hay hai phút mỗi ngày để tận hưởng cảm giác sảng khoái, hồi phục sinh lực.