Một tuần nữa trôi qua, giờ cả nhóm lại có mặt tại nhà tôi. Tất cả chúng tôi đông đủ cả, vào đúng vị trí của mình, ngồi im lặng. Một bầu không khí ấm áp bao trùm – cả nhóm dường như cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau, vui mừng khi được gặp lại nhau. Tôi tự hỏi không biết tuần vừa qua mọi người đã luyện thiền ra sao. Họ có thực hiện hàng ngày hay không, và nó tiến triển thế nào rồi.
Tôi biết Nikki rất thích thú với hành thiền, bởi vì cô ấy đã kể cho tôi nghe khi chuyện trò chớp nhoáng trong hành lang lúc cô ấy vừa mới tới. Tôi đã nghĩ đúng. Cô ấy tập yoga nhưng không hề gia nhập nhầm nhóm như sự ái ngại của tôi lúc ban đầu; cô ấy nói cô ấy muốn tìm hiểu về hành thiền Chánh niệm một thời gian.
Nhà sư nói đúng, chánh niệm là vấn đề liên quan đến luyện tập. Rõ ràng là càng luyện tập, tôi càng thấy nó dễ hơn.
Tôi nghĩ tôi may mắn hơn nhiều thành viên khác trong nhóm, bởi vì tôi làm việc tại nhà – hoặc là tôi ở trong bếp, thử nghiệm các món ăn cho quyển sách hay những bài báo dạy nấu ăn của mình, hoặc là ngồi vào bàn viết; không thì tôi làm công việc mình ít thích nhất – đi chợ mua nguyên liệu về cho các công thức chế biến món ăn.
Không phải là tôi không thích đi mua nguyên liệu nấu ăn. Tôi thích ngắm nhìn các loại rau củ quả, những thứ gia vị lạ mắt mang hương vị lạ lùng. Trong lúc ngắm nghía thế này tôi thường nghĩ ra nhiều công thức món ăn mới. Áp lực bị vây quanh giữa dòng người đông đúc khiến tôi không thích, và tệ hơn nữa là tình trạng phải xếp hàng.
Nghĩ tới đây, tôi chợt nhận ra mình hay phán xét mọi thứ. Ý nghĩ “Xếp hàng là nhiệm vụ ít thích nhất của tôi” chính là một kiểu dán nhãn cho sự việc, gán cho nó những đặc tính mà nó không hề có. Xếp hàng chỉ đơn thuần là xếp hàng thôi.
Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười, hỏi:
- Các anh chị ổn cả chứ? Tôi hy vọng anh chị bắt đầu tự trải nghiệm sự yên bình và sức mạnh mà chánh niệm và hành thiền mang lại. Tôi cũng hy vọng anh chị đã luyện tập và cảm nhận được những lợi ích này.
Có tiếng xác nhận trong nhóm.
Tôi thấy nó thật sự hữu ích. Tôi ước gì mình biết về nó cách đây nhiều năm. Quả thật là nó rất lạ, bởi tôi lớn lên trong cái nôi tôn giáo, một dòng phái do bà tôi sáng lập, và hành thiền là một trong những hoạt động chủ đạo của chúng tôi tại đó. Nhưng chánh niệm không bao giờ được đề cập tới. Phương pháp thiền mà chúng tôi thực hiện lúc đó là kiểu thiền hình dung, mường tượng. Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng nghe một khúc nhạc nâng cao tinh thần, người dẫn dắt nhóm sẽ mô tả một bức tranh – thường là bông sen trên mặt hồ tĩnh lặng. Sau đó chúng tôi phải tập trung vào đó và bất kỳ hình ảnh nào phát sinh từ đó.
Thật yên bình và dễ chịu, nhưng sau khi thực hành như thế nhiều năm, tôi cảm thấy “bế tắc” và có lúc tôi nghĩ: “Nếu phải hình dung ra một đóa sen trên mặt hồ lần nữa, tôi sẽ vứt tõm thứ gì đó xuống hồ đấy”. Mặc dù thời điểm đó tôi vẫn còn ở trong giáo phái, nhưng tôi đã không còn lắng nghe hiệu lệnh của người dẫn thiền nữa, và cũng ngưng hình dung bất kỳ cái gì trong khi hành thiền luôn, mà chỉ ngồi im một mình. Tôi nghĩ lúc đó bản năng đã dẫn dắt tôi hướng đến chánh niệm cho dù tôi không biết tí gì về nó.
Nếu lúc đó tôi nhận ra đây là chánh niệm, tôi nghĩ cuộc đời tôi chắc hẳn đã khác đi, chứ hồi ấy tôi cảm thấy mình đã thất bại – quá lạc điệu với nhiều thứ người ta làm ở trung tâm truyền đạt tâm linh ấy. Tôi không dám chia sẻ với gia đình những nghi ngờ và bắt bẻ của mình, cũng không dám đặt dấu hỏi hay sàng lọc gì, bởi vì họ, ngoại trừ Robert, đều tin vào tính đơn giản trong giáo lý của họ. Nếu không có được sự ủng hộ và tình yêu của Robert, lúc đó cũng làm việc tại trung tâm cùng với tôi và cùng có mối nghi ngại giống tôi, thì tôi không biết mình đã làm gì.
Cuối cùng, chúng tôi ra đi, rời khỏi trung tâm – một trong những hành động đầy thử thách, cam go nhất tôi từng làm. Chúng tôi gặp khó khăn mọi bề: cả về vật chất – không tiền bạc (chúng tôi đã góp mọi thứ mình có cho trung tâm), lẫn tinh thần và đời sống tâm linh (chúng tôi rơi vào trạng thái chấn động, hoang mang vì mình đang làm một việc tày đình là quay lưng lại với dòng phái, lo sợ liệu mình có bị nguyền rủa vĩnh viễn hay không). Tôi thật sự lo lắng về điều đó, còn về mặt cảm xúc thì toàn thể gia đình tôi vẫn còn sinh sống và làm việc ở đó, vẫn tôn thờ giáo pháp đơn giản ấy. Mặc dù tôi cũng có bạn bè ở trung tâm, nhưng có rất ít người tôi có thể chia sẻ nỗi đau trong tâm mình, bởi vì hầu hết họ, cũng như gia đình tôi, không đời nào muốn nghe bất kỳ lời nào chống lại dòng phái.
Vào thời đó, tôi không biết mình tin vào cái gì – hay còn gì để mà tin không nữa. Tôi đóng sập tâm trí của mình lại ngay lập tức. Tôi nghĩ chắc sau này mình sẽ không trải qua thời điểm nào tệ hại hơn, u uất hơn nữa đâu. Tôi cảm tưởng như mình đang ngồi dưới đáy biển, rồi đột nhiên “ngộ” ra rằng ít ra mình đã ngồi dưới đáy trần gian rồi, sẽ không thể chìm thêm được nữa.
Từ khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu làm lại cuộc đời. Một người bạn giới thiệu cho tôi những hội thảo dễ hiểu về tâm lý học, qua đó tôi có thể hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Dần dần tôi gầy dựng lại mọi thứ. Có những sự kiện kỳ lạ xảy ra giúp tôi và Robert có thể mua được nhà, và có lẽ phép thần kỳ hơn hết xảy đến là khi tôi bất ngờ mang thai con gái thứ ba, cội nguồn mang đến những niềm vui và chữa lành khôn tả đối với tôi, giúp tôi mở ra một trang đời mới.
Đồng thời tôi kết thêm nhiều bạn mới và sự nghiệp viết sách nấu ăn của tôi cất cánh. Tôi có nhiều cơ hội bước ngoặt và có thể vận dụng chúng vào đời sống gia đình tôi. Dần dần tôi hồi phục đời sống tâm linh thông qua công việc đời thường, và thông qua việc đọc nhiều sách bổ ích, nhất là những quyển sách của Wayne Dyer và Louise Hay, sau này là cuốn Journey to Freedom của Leslie Kenton và tuyển tập của Doreen Virtue.
Giọng truyền giảng của nhà sư làm tôi giật bắn mình, đưa tôi trở về thực tại. Trời đất ơi, tâm của tôi đã đi lan man nãy giờ! Tôi phải chộp ngay lấy một mấu bám mới được. Tôi lắng nghe cẩn thận những gì thầy đang giảng.
- Anh chị có câu hỏi nào về việc hành thiền của mình và Chân lý Cao thượng thứ nhất không?
Joan, vợ của Rodney, ngần ngừ rồi nói:
- Tâm của tôi vẫn luôn “hiếu động”. Tôi thấy rất khó hành thiền cho đủ 20 phút, – bà ngừng một chút rồi nói tiếp, – không chỉ suy nghĩ lan man thôi, mà có lúc tôi thấy thiền thật là chán.
Tôi biết chính xác bà nói về điều gì.
Nhà sư cười lớn và đồng ý.
- Đúng thế thật. Nhưng nếu bà đang thật sự chánh niệm thì toàn bộ khoảnh khắc này sẽ lấp đầy tâm của bà và sẽ không còn chỗ cho chán nản.
Nhà sư lại trầm tư.
- Nhưng nếu bà gặp rắc rối do chán nản… thì tôi thành thật nói rằng đó là điều tất cả chúng ta sẽ gặp phải vào lúc nào đó trong khi đang hành thiền. Nếu thế, bà có thể chuyển sang chánh niệm với sự chán nản. Hãy quan sát nó, mổ xẻ nó. Nó mang lại cảm giác gì? Nội dung, bản chất của cơn chán nản đó là gì? Nó có hình dáng gì không? Tiếp tục hít thở, tiếp tục chánh niệm với sự chán nản ấy, rồi bà sẽ thấy nó qua đi. Như tôi đã nói trước đây, khi chúng ta thật sự chánh niệm thì chúng ta không bao giờ bị sự buồn chán xâm nhập.
Hoặc khi bà nhận ra mình đang chán thật sự, bà chỉ việc hướng tâm tới hơi thở, tập trung vào luồng hơi hít vào và luồng hơi thở ra. Hơi thở luôn luôn ở cùng với bà; hơi thở giống như người bạn nối khố của bà vậy.
Nhà sư lại dừng lời. Sau đó Maggie nói:
- Xin cho tôi hỏi, thầy nghĩ sao về cái cảm giác tê rần rật như kiến bò? Được một chút là tâm của tôi trống trơn, kêu rì rì khiến tôi cảm thấy cứ như mình lạc vào lớp học may vậy. Đôi khi chân cẳng tôi tê cứng, đến nỗi khiến tôi hốt hoảng vì lo sợ sẽ không bao giờ còn lấy lại được cảm giác ở bộ phận đó nữa. Thế là tôi đành phải nhúc nhích đổi thế.
À, vụ này thì tôi đồng cảm với cô ấy. Tôi hiểu, tôi cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Nhà sư mỉm cười trả lời:
- Rất nhiều cảm giác kỳ cục xảy ra với thân thể khi ta hành thiền. Tốt nhất là đừng quan trọng hóa vấn đề đó. Hãy dành cho chúng sự quan tâm vừa đủ vào ngay lúc anh chị đối phó với những suy nghĩ gây lo lắng hoặc bất kỳ cảm giác nào nổi lên khiến anh chị xao nhãng. Cảm giác rần rần như kiến bò sẽ biến mất theo lộ trình của nó. Cảm giác tê liệt cũng vậy. Sau khi hành thiền một thời gian, anh chị sẽ không còn những cảm giác ấy nữa. Cơ thể sẽ điều chỉnh dần dần. Nhưng hãy cứ tử tế với nó; ngồi thoải mái hết sức và rải một ít tâm từ đến bất kỳ chỗ đau hay chỗ nhức nào.
- Giống như tôi đang làm với nỗi buồn đau mà tôi cảm nhận về cha tôi phải không? – Maggie hỏi.
- Đúng vậy. – Nhà sư đáp. – Cô có thấy nó hữu ích không?
- Có. Chỉ một ít thôi, nhưng tôi hoàn toàn có thể nhận ra. – Maggie xác nhận.
- Cứ từng chút một, rồi sẽ cải thiện; hoặc như Đức Phật răn dạy: “Từng giọt nước sẽ làm đầy bình”. – Nhà sư đáp.
Tim nhìn thầy. Anh có điều cần hỏi.
- Lúc nãy thầy đề xuất là nên rải tâm từ tới cái chân đau hay nỗi buồn, giờ thầy có thể giải thích thêm một chút về điều đó được không?
- Được chứ. – Nhà sư trả lời. – Giả sử cẳng chân anh đau nhức trong khi hành thiền, hay bất cứ lúc nào, không thành vấn đề. Đầu tiên, hãy tập trung vào cảm giác đau đó. Rồi chánh niệm về nó. Trải nghiệm nó mà không phán xét hay bình luận gì. Cứ giữ nó trong tâm. Sau đó mang vào tâm của anh cảm giác yêu thương đối với cái chân đau.
Nghe vậy khiến mọi người cười ồ lên, kể cả nhà sư. Thầy giải thích:
- Tôi biết rằng nói như thế nghe có vẻ buồn cười, nhưng nó rất hữu dụng. Do vậy, hãy tự nghĩ xem anh chị cảm kích đôi chân của mình đến mức nào, và cảm nhận tình yêu ấm nóng lớn đến thế nào trong tim khi nghĩ về chúng. Đó chính là rải tâm từ đấy. Anh chị có thể làm tương tự với bất kỳ bộ phận nào trên thân thể, với bất kỳ cái gì và với bất kỳ ai. Cứ thế mà làm thôi.
Nhà sư mỉm cười.
- Rất đơn giản nhưng lại hữu hiệu, “tâm từ nhiệm màu”, đôi khi tôi gọi nó như vậy. Đó là một khía cạnh khác trong hệ thống giáo lý của Đức Phật mà anh chị hoàn toàn có thể tự kiểm chứng cho mình.
Nào, bây giờ chúng ta tiếp tục nghiên cứu những Chân lý Cao thượng.
Nhà sư ngừng lời và nhìn quanh nhóm.
- Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại thật nhanh xem cho đến nay anh chị đã học được những gì rồi.
Chúng ta đã xem xét Chân lý Cao thượng thứ nhất, rằng “có tồn tại bể khổ; phải hiểu thấu bể khổ; và đã hiểu thấu bể khổ”. Chúng ta đã khám phá ra rằng con đường tìm đến tự do, thoát khỏi bể khổ trước tiên cần là người quan sát bể khổ, sau đó quan sát nỗi đau chúng ta đang cảm nhận mà không bình luận về nó hoặc phán xét nó – hãy buông bỏ nó, mặc kệ nó. Chúng ta biết rằng bể khổ sẽ ra đi, chúng ta sẽ cảm nhận cú kẹp của nó lỏng ra, rồi ta để nó trườn đi khỏi. Cuộc sống cho ta vô số cơ hội để kiểm chứng điều này.
Tôi đồng ý với thầy về điểm này. Tôi luôn cố gắng rèn luyện điều này. Thật buồn cười. Về bản chất, tôi là người lạc quan, tôi thường có khuynh hướng nghĩ “Ly của tôi đầy một nửa” hơn là “Ly tôi bị mất một nửa”; ấy thế mà tôi vẫn hay lo lắng về những điều vụn vặt, kiểu như liệu tôi có lỡ xe lửa hay không, liệu tôi có kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống, hoặc các con gái của tôi có yên ổn hay không, toàn những điều thường nhật.
Mỗi khi nhận biết mình đang lo lắng điều gì đó, tôi tự nói với mình rằng “có tồn tại bể khổ” và tập trung “đứng bên dưới nó” – không cố ý xóa nó ra khỏi tâm mình bằng một thỏi sô-cô-la hay bằng kế nghi binh nào đó. Thật ngạc nhiên khi nhận ra tôi đã làm được nhiều đến thế.
Nhưng cũng ngạc nhiên không kém, nếu ta thật sự quan sát một ý nghĩ hay cảm giác mà không bình luận hay đổ thừa chính mình là nguồn cơn gây ra điều đó, hay cố xua đuổi nó đi, thì tự khắc nó sẽ biến mất. Đấy là một khám phá tuyệt vời khác.
Nhà sư giảng tiếp:
- Nhưng nếu chúng ta có thể tìm được nguyên nhân sinh ra bể khổ thì sao? Vậy có ích lợi gì không? Bao nhiêu lần anh chị tự chất vấn mình câu này: “Tại sao chúng sinh lại đau khổ đến vậy?”, “Nguyên nhân gì gây ra bể khổ cho chúng sinh?”. Không lúc này thì lúc khác chúng ta cứ ong ong với câu hỏi: “Tại sao, tại sao, tại sao?”, nhưng liệu chúng ta có đi tìm kiếm căn nguyên thật sự gây nên nỗi sầu đau cho mình?
Có thể ta nghĩ đấy là do ông chồng khó tính hay bà vợ trái nết, do nhạc nhà hàng xóm vặn to, hay do tiếng chó sủa đinh tai nhức óc. Rồi do tình hình kinh tế xấu tệ, môi trường làm việc căng thẳng, bệnh thấp khớp hoành hành v.v… bất kể là lý do gì. Nhưng có thật là những thứ đó gây ra nỗi đau khổ cho chúng ta?
Chiếu theo triết lý của Đức Phật thì không hề. – Thầy nói và cười lớn. – Ngài truyền dạy cho chúng ta cách làm thế nào để tập trung vào nỗi sầu khổ và giảm thiểu nó bằng cách chấp nhận nó, để cho nó đi. Sau đó, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng Chân lý Cao thượng thứ hai nhằm giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân sinh ra bể khổ.
Giống như Chân lý Cao thượng thứ nhất, chân lý này cũng bao gồm ba phạm trù:
“Có tồn tại nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái
Phải buông bỏ dây tham ái
Đã buông bỏ dây tham ái.”
Có tồn tại nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái
- Chúng ta được dạy rằng “Có tồn tại nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái”; và Đức Phật xác định có ba loại tham ái (tam độc):
- Thèm muốn nhục dục
- Thèm muốn trở thành cái gì đó
- Thèm muốn tống khứ cái gì đó
Đôi khi chúng ta đúc kết ba loại tham ái này thành tham (tham lam), sân (oán hận, chán ghét, bất mãn), si (ngu mờ, mê muội, hoang tưởng). Có thể gọi theo thứ tự khác, nhưng cho dù ta xếp thứ tự như thế nào hoặc gọi chúng là gì, thì tất cả đều là khát khao, thèm muốn. Có thể là thèm muốn, ao ước có cái gì đó, hoặc không muốn, ghét, ghê tởm cái gì đó đến nỗi ta muốn giũ bỏ nó đi. Có thể muốn trở thành cái gì đó hoặc “ảo tưởng” – tức là muốn mọi thứ trở nên khác đi so với bản chất của chúng và không hài lòng với “hiện thực”. Hoặc nói cách khác, tất cả đều gắn với tham ái – khát khao có cái gì đó; khát khao thay đổi cái gì đó; khát khao đừng có cái gì đó, muốn tống khứ nó đi. Cùng một lúc, chúng ta có thể trải qua nhiều hơn một khát khao, chẳng hạn như khát khao tống khứ cái gì đó đi để ta trở thành một cái gì đó khác.
“Thầy đang mô tả chính tôi”, tôi nghĩ thế. Tôi luôn sống cuộc đời mình trong tương lai. Cứ muốn cái gì đó, hoặc muốn vứt bỏ cái gì đó để trở nên khác hơn, tốt hơn. Chẳng hạn như, tôi muốn tống tiễn vài ký mỡ thừa ở vòng eo để tôi trông thon thả hơn, và rồi rất tự nhiên, sẽ hạnh phúc hơn. Đúng vậy, tôi khát khao vứt bỏ, cũng như khát khao trở thành và khát khao mọi thứ khác đi.
Và nhà sư vẫn đang giảng:
- Cho dù chúng ta đặt tên chúng thế nào hoặc theo thứ tự nào trong danh sách, tôi chắc chắn tất cả anh chị đều nhận ra những tham ái này; chúng là bản chất của loài người. Tôi nhớ khi tôi là nhà sư tập sự ở tu viện, trong giờ ăn tôi phải đứng xếp hàng cuối cùng. Tôi đã hụt hẫng biết dường nào khi tôi muốn lấy miếng khoai tây vàng rộm cuối cùng mà nhà sư đứng ngay trước tôi đã lấy mất rồi, và tôi ghét nhà sư đó vì chuyện này!
Chúng tôi cười, phần lớn chắc chắn đang xác định sự thèm muốn của mình đối với món gì đó: thanh sô-cô-la láng mướt, khoai tây chiên vàng rộm, bánh sừng bò nóng hổi thơm phưng phức, một tách trà hay cà phê, một ly rượu. Lẽ nào Chân lý Cao thượng này không thể áp dụng cho những niềm vui đơn giản đó sao?
- Nhưng có thiệt hại hay tổn hại chỗ nào trong việc khoái chí món cà ri mê ly, hoặc bánh mì nướng giòn mới lấy trong lò ra? – Pam, người phụ nữ tóc vàng búi cao, hỏi.
- Thế những ý nghĩ như vậy có làm chị đau khổ không? – Nhà sư hỏi lại. – Đơn giản nghĩ về sự vật theo cách vui vẻ hạnh phúc thì không gây ra đau khổ. Nó có thể chỉ mang lại cảm giác buồn man mác, hoặc bất mãn, lo lắng, căng thẳng, chứ không đến nỗi gây sầu muộn héo hon.
Pam nói tiếp:
- Nếu tôi thích một món đồ uống và khi tôi tới tiệm thì tiệm đóng cửa hoặc người ta xếp hàng quá dài, tôi liền nổi giận và càng thèm muốn nó hơn.
- Chị không có được món uống, thế là chị càng kiên quyết muốn có nó phải không? – Nhà sư bật cười. Pam gật đầu.
- Như thế thì “thích” đã biến thành “bắt buộc phải có”, nó là thứ chị muốn và chị ghét cái tiệm đó hoặc món hàng của người đó, vì đã không cho chị có được món chị thích. Giống như tôi trước miếng khoai tây cuối cùng vậy…
Pam mỉm cười và cả nhóm lại cười lần nữa.
Nhà sư giải thích:
- Không ai phán xét anh chị cái chuyện anh chị muốn, ghét, hay ảo tưởng. Nhưng chính anh chị là người biết khi nào mình đau khổ. Anh chị biết rằng muốn cái gì đó rất khác với khát khao cháy bỏng cái gì đó nhưng không đạt được, xét về khía cạnh đau khổ. Tới đây, chúng ta đã chạm đến bề mặt của vấn đề. Chính mức độ muốn hoặc không muốn mới tạo nên sự khác biệt. Chính khối lượng cảm xúc, hay nói theo cách của Chân lý Cao thượng thứ hai – “gắn với tham ái” – thì khối lượng của sự muốn, sức mạnh của ý muốn, Đức Phật gọi là “mê muội và bám víu”, mới gây nên bể khổ.
Khi ta yêu cái gì đó hoặc cái gì đó làm ta hạnh phúc, ta muốn nó cứ tiếp tục và muốn có nó nhiều hơn nữa. Sau đó, nếu chúng ta không thể có được nó hoặc nó bị lấy đi khỏi chúng ta, thế là ta đau khổ.
Vậy ta có thể làm gì? Đôi khi ta có thể thay đổi những thứ xung quanh mình. Ta có thể thay thế cái gì đó khi nó bị đổ vỡ – như mua xe mới, tìm việc mới, thậm chí tìm bạn đời mới – nhưng nếu ta xem những thứ này là nguồn cung cấp hạnh phúc và yên bình trong tâm, thì ta không thể tin tưởng vào chúng, bởi vì chúng sẽ không ở nguyên trạng là chúng.
Sự thật là không gì giữ nguyên mãi mãi. Cuộc sống không ngừng thay đổi và ta không bao giờ biết điều gì sẽ diễn ra. Đức Phật ám chỉ sự thay đổi chất lượng cuộc sống là “vô thường”. Ngài nhận thấy bất kể thứ gì được sinh ra hoặc được tạo ra thì đến một lúc nào đó sẽ dừng lại, và nếu ta tham ái thì ta sẽ đau khổ.
Nếu ta may mắn có tất cả mọi thứ ta muốn – một ngôi nhà như mơ, một công việc tươm tất, những mối quan hệ thiết thực, thu nhập khủng… – thì ta cũng không thể đóng khung những thứ này cho chúng ở nguyên hiện trạng mãi được. Hoàn cảnh sẽ thay đổi, nếu ta gắn dây tham ái với chúng và chúng thay đổi theo cách ta không mong muốn, thế là ta sẽ đau khổ. Cuộc sống là vậy; chính vì thế mà đời ngập trong bể khổ.
Nhà sư dừng lời.
- Nhưng không nhất thiết cứ phải theo cách đó! Ta không thể thay đổi cuộc sống, nhưng ta có thể thay đổi chính bản thân ta và cách ta nhìn nhận sự vật hiện tượng. Ta có thể giải phóng mình khỏi bể khổ; ta có sức mạnh bên trong. Cần phải luyện tập và quyết tâm, nhưng ta có thể thực hiện.
Nhà sư lại ngừng lời.
- Tôi đã trải nghiệm pháp này trong đời mình. Tôi đã từng rất hay nổi giận, hay bất an, và trải qua những giai đoạn đen tối với tâm trạng u uẩn. Cần phải cương quyết mới tự giải phóng mình. Và tôi đã làm được. Đã hai ngàn năm trăm năm trôi qua, nhưng giáo huấn của Đức Phật vẫn còn hiệu nghiệm.
Tôi nhìn nhà sư ngồi đó, đĩnh đạc và mỉm cười. Từ thầy tỏa ánh lên niềm hạnh phúc, trong khi thầy không có gì ngoài tấm áo cà sa, đôi giày và cái bình bát khất thực để thầy ăn hai bữa một ngày. Tôi tự hỏi phải mất bao lâu mới hun đúc được tư thế thanh thản, trầm lắng dường ấy.
Ed nhận xét:
- Tất cả điều đó có vẻ thích hợp và dễ thực hiện đối với nhà sư, vì họ sống trong môi trường được bảo vệ, xa lánh mọi áp lực trần tục. Tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn cho những người như chúng tôi, phải đi làm quần quật để trang trải tiền trả góp, đối phó với sếp khó chịu và đồng nghiệp dở hơi, phải đấu tranh cho mọi việc ăn khớp với nhau v.v…
Điều này nghe có vẻ thô lỗ, nhưng nhà sư hoàn toàn không suy suyển.
- Đúng vậy. Cuộc đời quả là khắc nghiệt. Có lẽ giáo huấn này còn có giá trị hơn đối với người bươn chải ngoài đời. Nhưng tôi chắc chắn với anh rằng người quy y vào tu viện không tránh được những vấn đề đâu. Chúng tôi không phải trả tiền thế chấp. Là người theo giới luật khất thực, chúng tôi sống dựa hoàn toàn vào của bố thí. Những thứ đó có thể bốc hơi bất kỳ lúc nào.
Quy y cửa Phật không có nghĩa là chúng tôi trốn khỏi chính mình. Những giờ hành thiền dài làm nảy sinh biết bao nhiêu trạng thái đau khổ của tâm và cảm xúc mà chúng tôi phải đối phó. Đừng nghĩ chúng tôi thoát khỏi những ông chủ hách dịch hay đồng nghiệp khó ưa nhé. – Thầy nói và cười.
Thầy nói nhanh:
- Nhưng tôi không có ý đó. Chúng ta hãy tin rằng bản chất con người là bản chất con người – chúng tôi không thể thoát khỏi bản chất con người do chúng tôi sống trong tu viện. Rất tự nhiên, sẽ thấy những nhà sư dễ tính, dễ gần gũi hơn những nhà sư khác. Thật ra tất cả chúng tôi cùng sống trong một cộng đồng nhỏ, nếu không hòa thuận với ai đó, chúng tôi không thể bỏ ra đi, cho nên chúng tôi buộc phải giải quyết vấn đề bên trong chính mình.
Giọng nói xoáy óc trong đầu chúng ta không hề bị trói trong đời sống tu viện. Tôi chắc chắn không ai trên thế giới này lại không bị giọng nói đó hành hạ, bởi vì đó là bản tính của loài người. Cho dù ta có quy y cửa Phật hay sống ngoài đời phàm tục, thì cuộc sống luôn mang đến những áp lực và thách thức. Sự thay đổi diễn ra; khát khao, thèm muốn, mê muội, ám ảnh, hy vọng, mong ước nổi lên. Ta có rất nhiều cơ hội để ứng dụng những giáo huấn của Đức Phật vào thực tế.
Bể khổ xuất phát từ tham ái của chúng ta đối với những ý tưởng và lý tưởng, cũng như những vật chất cụ thể. Là nhà sư, chúng tôi rất dễ rơi vào trạng thái mình cần phải như thế nào, rồi suy nghĩ “Ta phải hành thiền nhiều hơn. Ta phải nhân từ hơn, phải yêu thương hơn, phải làm việc siêng năng hơn, phải đúng giờ hơn” v.v… Những tiếng nói nội tại đeo đẳng cứ xoáy mãi xoáy mãi trong đầu.
Rồi ta lại muốn hàn gắn thế giới – “Nó không nên như thế này”; hoặc ta cố chỉnh sửa người khác – “Chú phải ngăn nắp hơn mới được”. Có khi là sự thèm muốn trở thành hoặc đạt được trạng thái nào đó hòa lẫn với khát khao tống khứ – “Ta phải tử tế hơn và bao dung hơn, do vậy ta phải từ bỏ cái tính nôn nóng, không kiên nhẫn của mình đi”.
Chúng ta hay rơi vào dòng suy nghĩ toàn những “phải”, “buộc phải”. “Phải, phải, phải, buộc phải, buộc phải, buộc phải”. Hãy lắng nghe kỹ những “phải” với “buộc phải” ấy. Chắc chắn chúng là dấu hiệu của hình thức tham ái nào đó – tham ái một lý tưởng hay một ý tưởng.
Lời nhà sư nói gợi nhắc tôi về quyển sách tôi đã đọc cách đây nhiều năm, nhan đề You can heal your life(4)của tác giả Louise Hay. Trong đó, bà ghi nhận những từ “phải” và “buộc phải” là những từ mang tính hủy hoại, và bà đề nghị hãy “vứt chúng vào thùng rác”, tức là hãy ngưng sử dụng chúng. Ý kiến này thật sự hợp lý đối với tôi, và tôi đã ngưng sử dụng chúng, đến nỗi khi tôi nghe nhà sư dùng chữ “phải” trong Tứ Diệu Đế – “phải hiểu bể khổ” – tôi thấy rất dị ứng.
(4) Tác phẩm đã được First News – Trí Việt xuất bản với nhan đề Chữa lành nỗi đau.
Tôi đang ngẫm nghĩ về điều này – khi ngưng sử dụng những từ “phải” với “buộc phải”, tôi cảm thấy mình được giải phóng hẳn. Bao năm nay tôi cứ luôn đấu tranh với biên tập viên hay thêm vào bản thảo của tôi, và cả sách đã qua biên tập của tôi – “Món này phải ăn nóng”, “Lò phải được làm nóng trước” v.v…
Tôi giật mình đánh thót… tiếng giảng pháp của nhà sư kéo tôi trở về với thực tại.
- Tôi muốn nó phải được làm theo cách này, tôi không muốn nó làm theo cách kia. Sự thèm khát khiến chúng ta rất khó hài lòng… mà cứ phán xét, so sánh, chỉ trích, chỉ chọn điều tốt nhất và đáng thèm khát nhất trong những điều thay thế. Nhưng khi ta kéo mình trở lại khoảnh khắc hiện tại, và hiểu rõ lúc này mình đang cảm thấy như thế nào, ta nhẹ nhàng hít vào và thả trôi nó đi, thì ta có thể tự nói với mình rằng: “Trong khoảnh khắc hiện tại, tất cả mọi thứ đều tốt”.
Nhà sư ngừng giây lát, nhắm mắt lại và hít vào một hơi dài, chậm rãi. Tôi làm theo thầy và cảm thấy sự căng thẳng trong thân thể mình giãn ra, hơi thở khiến tôi bình tâm.
Nhà sư mỉm cười thành tiếng.
- Anh chị biết không, nhân chúng ta đang nói về chuyện “kén cá chọn canh”, nó liền nhắc tôi nhớ đến một tích truyện về Đức Phật có nhan đề “Kiếp nạn thứ 84” – chắc có lẽ một số anh chị đã nghe tích truyện này rồi?
Không ai nói gì, nhà sư giảng tiếp:
- Chuyện như thế này. Ngày nọ, một nông dân đến gặp Đức Phật than thở rằng anh ta phải gồng gánh nhiều phiền muộn trong đời và anh ta cầu xin Đức Phật cứu giúp.
Đức Phật chăm chú lắng nghe người nông dân kể mùa màng thất bát thế này, bà vợ nấu ăn kém thế kia, con cái lười nhác thế nọ, chuột cắn phá hết cả trứng, thành phố đầy kẻ cắp v.v….
Nghe rồi Đức Phật đáp: “Ta xin lỗi, ta không thể giúp ông. Tất cả chúng sinh đều trải qua 83 kiếp nạn. Ông vừa vượt qua kiếp nạn này thì chắc chắn kiếp nạn khác lại ập đến. Một số kiếp nạn, như cái chết chẳng hạn, thì vô phương, không hề có giải pháp”.
Người nông dân ủ rũ và rầu rĩ. Đức Phật nói: “Nhưng ta có thể giúp ông bằng kiếp nạn thứ 84”. “Như vậy nghĩa là gì?”, người nông dân hỏi. “Là khát khao không gặp kiếp nạn”, Đức Phật đáp.
Nhà sư cười lớn với câu đùa của Đức Phật, nhưng tất cả chúng tôi đều im lặng.
- Anh chị có hiểu tích truyện đó hàm ý gì không? – Thầy hỏi và nhìn quanh cả nhóm. Không ai đáp, do vậy thầy giải thích. – Đó là về tham ái phải không? Người nông dân muốn không gặp kiếp nạn, anh ta thèm muốn, bám víu lấy khát khao một cuộc sống không-kiếp-nạn, và chính sự tham ái đó khiến anh ta đau khổ. Chống cự sinh ra đau đớn, trong khi chấp nhận và nương theo sẽ mang lại yên bình.
Nhà sư ngừng lại một chút rồi nói thêm:
- Tôi hay nghĩ về tích truyện này những khi cuộc đời đầy dông bão và tôi thấy mình “kén cá chọn canh” thay vì chấp nhận cuộc đời vốn như thế.
Nhưng chúng ta hãy trở lại với Chân lý Cao thượng thứ hai. Anh chị vừa xem xét khía cạnh thứ nhất – “Có nguồn gốc gây ra bể khổ, gắn với tham ái”; và chúng ta vừa xét ba độc tính tham, sân, si – muốn hoặc không muốn, hoặc muốn sự việc khác đi – mà Đức Phật chỉ dạy. Vậy nếu anh chị đã sáng tỏ phần này rồi thì chúng ta sẽ chuyển sang phạm trù thứ hai của Chân lý Cao thượng này.
Phải buông bỏ dây tham ái
Nhà sư dừng lại một chút rồi giảng tiếp:
- “Phải buông bỏ dây tham ái”… Đúng, anh chị thấy đấy, có một từ “phải” mà tôi hay khuyên không nên dùng! – Thầy cười. – Nhưng tôi nghĩ nó được phép dùng trong trường hợp này. Anh chị hãy tự suy xét trong khi nghe tôi nói.
Vậy là phải buông bỏ dây tham ái. Nếu tham ái khiến ta đau khổ, hãy giải phóng bản thân khỏi bể khổ, chúng ta phải buông bỏ tham ái. Vậy chúng ta làm điều đó bằng cách nào?
Bước thứ nhất, như anh chị đã thấy trong Chân lý Cao thượng thứ nhất, là nhận biết những gì đang diễn ra bên trong chúng ta. Trong Chân lý Cao thượng thứ nhất, chúng ta ở “trạng thái quan sát” và công nhận “có tồn tại bể khổ”; chúng ta tập trung vào nỗi đau khổ; chúng ta mặc kệ nó và buông cho nó biến đi. Bây giờ đến Chân lý Cao thượng thứ hai, chúng ta tìm hiểu kỹ hơn tại sao chúng ta phải chịu bể khổ? Khi ở trạng thái người quan sát và nhìn bể khổ, anh chị hãy chú ý tôi nói “bể khổ” thôi chứ không phải “bể khổ của chúng ta”. Anh chị có thể thấy là tôi nhấn mạnh đến nguồn gốc của bể khổ, chứ không nói vòng vo là tham muốn, căm ghét, hay ảo tưởng – mê muội và bám víu.
Khoảnh khắc anh chị có thể nhìn nhận bể khổ theo cách như thế, là anh chị đã nới lỏng lực kẹp của nó lên anh chị. Anh chị nhìn nó đúng là nó và như thế là anh chị có thể bắt đầu buông bỏ nó đi. Anh chị tiến đến phạm trù thứ hai của Chân lý Cao thượng thứ hai “phải buông bỏ dây tham ái”.
Vậy chúng ta làm thế nào để buông bỏ thứ này? Khi anh chị tự nhận thấy mình tham ái, điều đầu tiên anh chị cần làm chính xác là điều anh chị đã thực hiện với Chân lý Cao thượng thứ nhất – nhìn xem cái gì đang diễn ra. Anh chị nghĩ “Niềm khao khát chiếc xe hơi mới của tôi là tham ái”… Anh chị có thể thay thế bằng nhiều từ khác – chẳng hạn như, công việc tốt hơn, thân hình cân đối hơn, mảnh mai hơn, nhiều tiền hơn, quần áo mốt mới nhất…
Hoặc anh chị căm ghét chính phủ, chính sách thuế má, những kẻ lười biếng hay bất kỳ thứ gì gây bực mình cho anh chị. Thay vì trút sự hằn học vào những người đó hay tình huống đó, hãy nói với chính mình: “À, có tồn tại bể khổ”, “Đó là sân – loại tham ái căm ghét”, hoặc “Đó là sự pha trộn giữa căm ghét và ảo tưởng”, bởi vì tôi ghét hoàn cảnh này nên tôi muốn nó khác đi.
- Bất kể tình huống hay cảm giác gì khiến cho anh chị đau đớn, một khi đã nhận ra nó là loại tham ái nào – tham, sân hay si, hoặc pha trộn giữa ba loại ấy – thì anh chị sẽ có cảm giác nhẹ lòng. Lúc sự căng thẳng trôi đi, anh chị thở hắt ra nhẹ nhõm. Người ta gọi đó là khoảnh khắc “Aha!”.
Sau đó anh chị đừng tiếp tục đào sâu nó, mà hãy buông nó đi. Khi anh chị làm vậy, lực kẹp của nó lại càng lỏng ra thêm. Cuối cùng thì nó sẽ đi hẳn (hoặc nó sẽ biến đi ngay lập tức một khi anh chị thật sự có thói quen này). Nó sẽ tan phụt như tuyết dưới ánh mặt trời, trái tim anh chị sẽ rộng mở và anh chị sẽ tự do. Ôi, thật là một cảm giác dễ chịu, giải phóng và thoáng đãng khi sự mê muội và bám víu biến tan.
Nhà sư dừng một chút, mắt thầy nhắm lại, và nụ cười nở trên gương mặt thầy, như thể thầy đang cảm nhận nó. Sau đó thầy tư lự giảng tiếp:
- Khi anh chị buông bỏ tham ái, hãy nhớ là “buông cho nó đi” chứ không phải là “tống khứ nó đi” hay “vứt nó đi”. Hãy nghĩ kỹ điều này, sự thôi thúc phải tống khứ đi là một loại tham ái khác, do vậy buông bỏ thèm khát bằng cách tống khứ nó đi lại là một tầng khác của tham ái. Buông ra khác với tống khứ nó đi. Buông bỏ tức là đặt xuống, để qua một bên.
Thầy Jack Kornfield, một nhà sư Phật giáo, bây giờ là một thiền sư đáng kính ở Mỹ, có làm một bài thơ cô đọng, súc tích và dễ nhớ như thế này:
“Buông bỏ nào phải
Tống tiễn
Buông bỏ là
Buông bỏ thôi.”
Nhà sư dừng lời và nhìn quanh nhóm.
- Anh chị hiểu rồi chứ?
Chúng tôi im lặng, cố quay cuồng trong đầu những khái niệm về buông bỏ. Thầy đưa ly nước lên thị phạm:
- Anh chị nhìn đây. Tôi đang cầm cái ly này, – thầy nắm chặt cái ly, – và tôi muốn bỏ nó đi. Tôi không cần vứt nó vào sọt rác mà đơn giản tôi chỉ hạ nó xuống để đặt cái ly vào khay.
Đó là những gì chúng ta làm với tất cả các loại tham ái. Tham ái không phải là vấn đề, mà níu giữ nó mới là vấn đề. Vậy chúng ta làm gì? Anh chị hãy nhận diện loại tham ái mà không phán xét. Có thể anh chị thèm tống khứ nó đi, bởi vì anh chị không muốn có thứ khát khao đó; nhưng điều anh chị làm là đặt nó qua một bên, như tôi đã làm với ly nước hồi nãy. Để làm điều này, anh chị cần nhìn bể khổ từ vị trí của “người quan sát”. Anh chị nhìn nó đúng là nó: tham muốn, căm ghét hay hoang tưởng, bám víu và mê muội… Anh chị nghĩ “À, thì ra là nó”, và nhận biết anh chị không còn gắn dây tham ái với nó nữa. Anh chị đã buông bỏ nó.
Anh chị thấy đấy, một khi anh chị nhìn và lắng nghe những tham ái của mình, anh chị không còn gắn với chúng nữa. Anh chị đang nhìn chúng và cho phép chúng đúng như là bản chất của chúng. Thế rồi anh chị nhận thấy mình có thể đặt chúng qua một bên và buông.
Ban đầu, sự buông bỏ chỉ có thể bằng ngần này. – Nhà sư giơ ngón tay cái và ngón trỏ cách nhau chút xíu. – Rồi cảm giác buông bỏ có thể chỉ rất nhẹ, có khi sự buông bỏ chỉ lóe lên một cái rồi sự tham muốn, căm ghét, hoang tưởng lại ùa về. Nhưng anh chị cứ làm tiếp như thế, lực buông bỏ lần thứ hai có thể bằng chừng này và lâu hơn chút chút. Nó sẽ tăng dần và chẳng bao lâu sau anh chị sẽ thấy mình buông bỏ kéo dài một phút, vài phút hoặc hơn. Giống như tập bơi, tập đi xe đạp hay học một kỹ thuật mới vậy. Ban đầu anh chị chỉ làm được một chút, nhưng cứ luyện tập, dần dần anh chị thấy mình có thể làm lâu hơn, cho đến khi nó trở thành tự nhiên, đến nỗi anh chị không thể tưởng tượng được mình có thể làm được, rồi nó trở thành lối sống của anh chị.
Đã buông bỏ dây tham ái
- Làm thế nào tôi biết được khi nào thì mình đã buông bỏ? – Nikki hỏi.
- Rồi chị sẽ biết. Nhưng đừng lo về nó. Hãy cứ buông bỏ những đau khổ hay thèm muốn. Hãy chấp nhận nó đúng là nó. Đừng phán xét. Và cũng đừng kết tội bản thân vì mình thèm muốn – như chúng ta đã nói ở phần Chân lý Cao thượng thứ nhất. Hãy chấp nhận nó đúng là nó. Buông nó đi. Cho phép nó là nó. Chào nó và rải tâm từ cho nó. Đơn giản là chấp nhận nó chính là nó “Ồ, khát khao thành công đây mà, nó là thế đấy. Cứ buông nó đi”.
Anh chị sẽ cảm thấy nó nới lỏng lực kẹp ra một thoáng và đó là lúc bắt đầu sự buông bỏ. Mỗi lần anh chị có cảm nhận về nó, hãy lặp lại quy trình này và buông nó đi. Dần dần, như tôi đã nói, anh chị sẽ buông bỏ nó trong quãng thời gian mỗi lúc một lâu hơn. Và rồi đến một ngày kia anh chị nhận ra gánh nặng cảm xúc đó đã mất hẳn – sự bám víu không còn nắm giữ anh chị nữa, anh chị để nó đi và anh chị tự do.
Sự buông bỏ cũng giống như bất cứ điều gì khác. Càng luyện tập, việc buông bỏ càng trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn, anh chị càng duy trì lâu hơn trạng thái không-tham-ái.
- Nhưng làm sao ta biết chắc mình đã buông bỏ? – Sam nhíu mày hỏi, trông rất nghiêm trang.
Nhà sư dừng lời. Thầy nhắm mắt lại, hít hơi thật sâu, sau đó trả lời:
- Anh chị sẽ biết mình đã buông bỏ khát khao khi anh chị không còn phải cố tống khứ nó đi nữa, mà nhận ra nó đúng như bản chất, cách thức của nó; khi anh chị không phán xét; khi anh chị bình tâm, tĩnh trí, chấp nhận con người và hoàn cảnh đúng chính xác như họ là thế, không bị thôi thúc phải xét xử, so sánh, chỉ trích bất kỳ ai hay bất kỳ cái gì, thậm chí cả chính bản thân. Sau đó, anh chị sẽ biết đến sự yên bình, tự do, an lạc, viên mãn thật sự, và tôi chắc chắn đó là cảm giác huy hoàng nhất.
Cứ biết sự vật, hiện tượng đúng như là chúng ở khoảnh khắc hiện tại, cho phép chúng đúng thật là chúng, không cần phải thay đổi chúng hay phán xét gì cả – đó là tự do và niềm vui đích thực. Và một khi anh chị tìm thấy niềm hạnh phúc đó, thì nó sẽ càng ngày càng gia tăng. Rồi anh chị sẽ thấy…
Nhà sư ngừng nói. Bầu không khí dễ chịu lan tỏa khắp phòng, cảm giác như thể căn phòng nở rộng ra và tràn ngập ánh sáng an nhiên. Trong thoáng chốc, tôi hiểu thấu trạng thái an lạc mà nhà sư đang mô tả.
Sau một hồi như thế, nhà sư cười khẽ và nói:
- Có một tích truyện hay trong Phật pháp về buông bỏ. Anh chị có muốn nghe kể không?
Tiếng xác nhận vang khắp phòng.
- Có người trong số anh chị có thể đã biết rồi, bởi vì đây là một tích truyện khá nổi tiếng, nhưng tôi nghĩ rất đáng nhắc lại, bởi vì nó mang thông điệp trí tuệ cho tất cả chúng ta.
Chuyện như thế này. Một chú tiểu đi cùng với sư thầy của mình. Họ đến bên dòng sông nước chảy xiết. Một phụ nữ trẻ đẹp đang bước tới lui trên bờ sông, trông cô rất buồn.
“Có chuyện gì thế?”, sư thầy hỏi.
“Tôi lo lắng quá. Cha tôi đang ốm nặng, tôi cần băng qua sông để đến thăm cha nhưng cây cầu gãy rồi. Thầy có biết cây cầu tiếp theo nằm ở đâu không?”, cô gái đáp.
“Ồ, cách đây cả dặm cơ, nhưng đừng lo. Tôi có thể đưa cô qua sông”, sư thầy trả lời.
Cô gái cảm kích, chấp nhận sự giúp đỡ, và sư thầy cõng cô đi qua bờ sông bên kia, đặt cô xuống rồi chào từ biệt.
Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt đường đi. Cuối cùng, không chịu nổi nữa chú đành nói toạc ra với sư thầy.
Khi sư thầy nghe xong lý do khiến chú tiểu bực bội thì bật cười lớn. Thầy nói: “Ta đã đặt người phụ nữ xuống khi sang đến bờ sông bên kia rồi, thế mà con vẫn còn cõng cô ấy à?”.
Tích truyện nhỏ này nhắc nhở chúng ta về sự buông bỏ tham ái – hãy đặt chúng xuống, không tiếp tục mang vác chúng nữa. Nó cũng dạy cho ta bài học trực quan sinh động rằng khi ta làm theo trái tim mình – không phải làm theo “khát khao” của mình – thì bản năng thâm hậu đích thực luôn chỉ dẫn ta về hướng cốt tinh của Phật pháp, tức là tâm từ… khiến cho đôi lúc chúng ta phải phá luật.
Nhưng đâu là điều đúng đắn cần làm: phá luật để thực hiện một hành động yêu thương với người lạ trong cơn nguy biến, hay tuân thủ luật định đúng sách vở và để mặc họ đau khổ? Làm theo tiếng nói nội tại – bản năng yêu thương – hay lắng nghe sự thúc giục “phải” và “buộc phải” bắt nguồn từ sự chỉ trích đáng sợ sâu thẳm bên trong ta?
Đây là điều chúng ta sẽ nghĩ sâu hơn khi nghiền ngẫm Tứ Diệu Đế, tất cả đều nhằm tu tập giáo huấn này trong cuộc sống hàng ngày, bứt nó ra khỏi chiếu hành thiền và đưa nó đến tận chốn chợ đông.
Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười.
- Vậy là chúng ta đã học khá nhiều điều trong buổi chiều hôm nay.
Thầy nhìn ra khu vườn xanh tươi mời gọi trong buổi trưa hè óng ả. Thầy đề nghị:
- Tại sao chúng ta không thực hiện một cữ đi bộ hành thiền ngoài trời cho tỉnh táo nhỉ? Đức Phật đã rất đề cao việc đi bộ hành thiền. Đó là cách chúng ta đưa chánh niệm vào cuộc sống thường nhật, một việc ta có thể làm hàng ngày.
Trong thực tế, một khi đã quen, ta có thể đi bộ hành thiền ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, giống như ta hít thở vậy. Tôi thích câu nói: “Nếu ta có thể hít thở thì ta có thể hành thiền”; còn giờ anh chị cũng có thể nói: “Nếu ta có thể đi thì ta có thể hành thiền”.
Tôi thích như vậy. Có gì đó cuốn hút tôi tìm hiểu thật nhiều về tính thực tế của Đức Phật, Ngài đã truyền dạy cho chúng ta một phương pháp hành thiền mà không bắt buộc ta phải ngồi trong điện thờ vàng son hay phải quy y ở ẩn, rút lui khỏi trần tục. Ta có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong lúc di chuyển. Nhà sư vẫn đang giảng giải:
- Nào, manh mối thật sự đúng là nằm ở cái tên. Đi bộ hành thiền tức là ta hành thiền trong lúc ta bước đi. Đó là công cụ hữu hiệu nhất mà chúng ta sở hữu, đó là một phương cách để bình tâm và phục hồi bản thân.
Bài luyện đi bộ hành thiền
Chọn một không gian mà bạn có thể tiến bước về phía trước theo đường thẳng rồi quay trở lại. Bạn có thể chọn số bước chân – ١٠ hay ٢٠, ٣٠ bước, miễn sao thấy thoải mái, và bạn cũng không cần phải đếm liên tục.
Đứng im một lúc trước khi bắt đầu, giữ đầu thẳng, không nhướn lên và cũng không cúi xuống, cằm hơi gập vào.
Buông thõng hai cánh tay, hoặc chắp tay trước ngực nếu muốn, chắp tay lỏng thôi bởi vì như vậy bạn sẽ tập trung hơn.
Nhìn về phía trước khoảng hai mét, ánh nhìn thoải mái.
Hít thở vài hơi trong chánh niệm, đếm theo nhịp thở thông thường. Sau đó bước đi đều đặn và tự nhiên, dừng lại một hai giây ở cuối đoạn đường trước khi quay đầu lại.
Giữ cho tâm hoàn toàn ở trong khoảnh khắc hiện tại. Bạn cảm thấy như thế nào? Cảm nhận mặt đất bên dưới chân, ánh mặt trời và làn gió nhẹ mơn man trên khuôn mặt. Tiếng chim hót, hương hoa thơm ngát hay bất kỳ cảm giác nào.
Khi tâm đi lang thang (thể nào nó cũng sẽ thế, bởi vì đấy là bản chất của nó), cứ việc nhận biết là thế, đứng im để đưa nó trở lại khoảnh khắc hiện tại, tới mặt đất dưới chân.
Sau đó, tiếp tục bước đi và nhận biết nhịp chân đều đặn.
Nếu có lo lắng hay bức bối len vào, hãy mặc kệ chúng và nhẹ nhàng trở lại với hơi thở của mình.
Tìm ra tâm trạng hay nhịp điệu tự nhiên. Ở trong khoảnh khắc hiện tại. Hãy chánh niệm. Nhận thức về thân thể và hơi thở của mình.
Chúng tôi đi ra vườn. Tiếng chim hót và bầu không khí ấm áp phả vào mặt tôi. Tôi sửa tư thế, hít một hơi thật sâu và bắt đầu bước đều chậm rãi, có chủ đích.
Chúng tôi tháo giày ra, đúng như tập quán nhà Phật, và tôi yêu cảm giác cỏ bên dưới bàn chân trần. Tôi thấy cảm giác này thật thư thái và dễ chịu, mặc dù bàn chân tôi cứ loạng choạng khi bước đi chậm như thế.
Mặc dù khu vườn nhà tôi tương đối rộng, nhưng mấy căn nhà xung quanh vẫn có thể nhìn thấy nó, tôi chợt tự hỏi những người hàng xóm sẽ nghĩ gì nếu họ thấy một nhóm người ăn mặc đủ kiểu cùng với một nhà sư bước tới bước lui theo đường thẳng như thế này. Bỗng nhiên tôi cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ – bảo đảm họ sẽ cười nhạo chúng tôi, với lại ai biết họ sẽ nói gì về chúng tôi.
Thế rồi tôi trấn tĩnh lại ngay. Tôi nhớ lời nhà sư về việc mang tâm nhẹ nhàng trở lại với hiện tại khi ta nhận ra nó đi lang thang. Tôi hít một hơi thật sâu và cảm nhận luồng không khí trôi vào thân thể mình – êm đềm và phục hồi sinh lực. Việc bước đi đều đều chậm rãi và cảm nhận mặt đất dưới chân làm cho tôi bình tâm. Tôi cảm thấy tự tin, mạnh mẽ và an lạc.
Tôi lại khởi phát ý nghĩ “Cứ bước tới bước lui trong vườn thế này trông thật lố bịch”, rồi tôi lại cảm thấy không thoải mái. Liệu có ai đang nhìn chúng tôi hay không? Họ có cười nhạo? Hàng xóm sẽ nghĩ gì?
Sẵn đà, dòng ý thức lại trở về cái cảm giác lúc ban đầu – bất an, bối rối, sợ mình “khác người”. Ký ức thời thơ ấu hiện về trong đầu. Tôi nhớ mình đã cảm nhận được nỗi sợ đến mức không thốt nên lời của mẹ rằng tôi khó kết bạn, bởi vì tôi rất khác với những đứa trẻ khác (dễ gì có đứa trẻ nào mà ở thập niên 1950 có mẹ là nhà chiêm tinh? Có bà nội là giáo chủ tinh thần của dân bản địa Bắc Mỹ và điều hành một trung tâm tu tập?).
Tôi luôn cảm thấy “áp lực phải kết bạn” để làm vui lòng mẹ, nhưng chẳng dễ dàng, bởi vì tôi cũng linh cảm ngay từ khi còn rất nhỏ rằng khôn ngoan thì nên ngậm chặt miệng lại và tuân theo gia đạo vốn đã ăn sâu bén rễ vào cuộc sống gia đình. Hệ quả là tôi không bao giờ mở lòng với bất kỳ người bạn nào, khi mà cuộc sống của họ rất khác với cuộc sống của tôi. Nơi chúng tôi sinh sống rất hẻo lánh, không có xe hơi, nhưng đầy ắp những hoạt động “lạ lùng” (giống hành thiền), lễ cầu hồn và những hội họp kín.
Phải thú thật rằng chỉ mỗi việc ăn chay thôi đã là quá kỳ lạ vào thời đó rồi, cho dù tôi đam mê các món đồ chay, bởi vì đó là lựa chọn của tôi ngay từ hồi nhỏ. Không hiểu sao tôi chẳng bao giờ thấy khó giải thích cả: chúng tôi không ăn cá hay thịt động vật, thế thôi. Dường như đó là lý do vô cùng hợp lý đối với tôi (đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy!).
Tôi dần dần trở nên thành thạo kỹ năng gợi cho người khác nói về họ chứ không hề bộc lộ bất kỳ điều gì về bản thân tôi. Vì vậy mà trong lòng tôi dậy sóng – sự xung đột nội tại: cảm thấy mình “buộc phải” kết bạn để được chấp nhận trong mắt mẹ tôi, tuy nhiên tôi không cảm thấy thoải mái với việc tiết lộ bất kỳ điều gì về mình, hay cho phép mình khắng khít với bất kỳ ai.
Bất thình lình, tôi đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ này thì tâm của tôi trở về khoảnh khắc hiện tại. Bừng tỉnh, tôi nhận ra những suy nghĩ của mình đã loang xa đến mức nào – mới đầu là nỗi phập phồng sợ bị hàng xóm phát hiện lan man tới tận thời thơ ấu “không hòa đồng với xã hội”. Bây giờ tôi hiểu ý nhà sư là gì khi thầy nói ta rất dễ dàng bị lôi từ cảm giác ban đầu đi khắp mạng lưới nhằng nhịt của những suy tư và vấn đề nan giải.
“Trời đất, mình đã vòng vèo thật lâu mới bước chân vào được con đường đi tới yên bình này”, tôi nghĩ. Tôi vẫn đang lấn cấn hồi tưởng lại tất cả những điều này thì nghe tiếng chuông nhắc mọi người trở về phòng hành thiền.
Chúng tôi vào nhà trở lại, mỉm cười, cảm thấy tâm hồn thơi thới. Nhà sư đã yên vị tại chỗ của thầy, ngồi thanh thản, tĩnh tại như bức tượng Phật. Thầy mỉm cười với cả nhóm khi chúng tôi ngồi vào chỗ của mình.
- Anh chị thấy thế nào? – Thầy hỏi.
Có tiếng cảm kích tươi vui đáp lại.
- Tôi thích lắm! – Robert nói. – Lần nào tôi cũng ngạc nhiên sao đi bộ hành thiền khiến tôi tỉnh táo đến thế.
- Tôi muốn hỏi câu này? – Dan lên tiếng.
Nhà sư gật đầu mỉm cười.
- Tôi đang đấu tranh với ý định sẽ đi bộ hành thiền trong sinh hoạt thường ngày của mình. Như vậy có nguy hiểm không? Ngộ nhỡ tôi gặp người quen và họ muốn nói chuyện? Có thể họ nghĩ tôi không thân thiện nếu tôi cứ bước tiếp, hoặc không chừng họ nghĩ tôi là kẻ chảnh chọe gì đó. Thực tế, xem ra một số người đã nghĩ thế rồi, khi tôi bắt đầu theo đuổi hành thiền. – Anh cười lớn.
Nhà sư đáp:
- Anh không cần phải làm thế nếu cảm thấy không thoải mái, nhưng nhiều người thấy hành thiền trong lúc đi bộ rất thiết thực và hữu ích. Dĩ nhiên, ta cần chọn nơi nào thích hợp, bảo đảm cho ta nhận thức cảnh vật xung quanh và duy trì bước đi… cái chính là luyện tập chánh niệm.
Nếu anh chị gặp ai đó thì vẫn có thể ngưng hành thiền, chào hỏi họ chân tình rồi tiếp tục hành thiền. Hoặc anh chị nói thật “Xin lỗi, lúc này tôi không thể nói chuyện, vì tôi đang đi bộ hành thiền”, rồi tiếp tục. Sau đó, anh chị sẽ giải thích kỹ hơn… ai mà biết được… có khi chính họ cũng bắt đầu luyện tập hành thiền luôn.
- Ngồi thiền với đi bộ hành thiền, cách nào tốt hơn? – Ed hỏi.
Nhà sư trả lời:
- Cả hai đều hữu ích. Một số người thấy đi bộ hành thiền dễ hơn tọa thiền, nhưng cả hai đều mang lại những lợi ích. Trong tu viện, chúng tôi luân phiên đi bộ hành thiền và ngồi thiền.
Tôi đề xuất anh chị đi bộ hành thiền mỗi ngày nếu có thể, thậm chí khi đi bộ ra trạm xe buýt hay ra bưu điện, dắt chó đi dạo, đi mua hàng, hay cả khi lên cầu thang. Cố gắng thực hiện một lần ngồi thiền và một lần đi bộ hành thiền mỗi ngày nếu được, nhưng nếu chỉ xoay xở được một lần thì hãy ngồi hành thiền.
- Cảm ơn thầy. – Dan nói.
Nhà sư diễn giải tiếp.
- Đi bộ hành thiền cũng cho ta cơ hội thực hành tâm từ. Trong khi đi, anh chị hãy nhẩm: “Tôi mạnh khỏe. Tôi hạnh phúc. Tôi an toàn. Tôi thanh thản”. Hãy cố làm điều đó cho chính mình.
Nhà sư nhìn quanh và mỉm cười.
- Nhân nói đến tâm từ, tại sao chúng ta không cùng nhau tụng bài Kinh kết thúc đi nào?
Chúng tôi cục cựa thân người và cầm tờ giấy lên. Thầy tụng và chúng tôi cùng hòa giọng cùng với thầy.
- Araham sammasambuddho bhagava, Buddham bhagavantam abhivademi.
Bài Kinh tụng có nghĩa là “Chúng con dâng lòng tôn kính lên Đức Phật”. Chúng tôi vái lạy.
- Svakkhato (giáo pháp) bhagavata dhammo, dhammam namassami (nghĩa là “Chúng con kính lạy giáo pháp”).
Chúng tôi vái lạy lần nữa.
Tiếp đến là “Supatipanno (những đồ đệ của Đức Phật)bhagavato savakasangho, Sangham namami” (nghĩa là “Chúng con kính lạy tất cả những bậc tôn sư đã luyện tập giáo pháp và truyền lại cho chúng con thời nay”).
Chúng tôi dừng một chút để tận hưởng và cảm nhận cảm giác yên bình, tràn đầy tình thương yêu mà bài Kinh tụng mang lại, sau đó chúng tôi thu dọn gối, chiếu thiền và ra về.
Ôn tập
• Nguồn gốc của bể khổ là tham ái: thèm muốn, muốn cái gì đó khác đi – “tham muốn, oán hận và hoang tưởng, mê muội và bám víu” – theo như lời Đức Phật dạy.
• Cuộc sống thay đổi không ngừng, vì vậy trở nên tham ái là đặt mình vào vòng bể khổ.
• Chúng ta có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống bằng cách không phụ thuộc vào bất cứ điều gì để khơi dậy niềm hạnh phúc cho mình, cũng không đổ lỗi cho bất kỳ cái gì tạo nên nỗi đau của mình.
• Để giải thoát bản thân khỏi bể khổ:
- Đặt mình vào tâm thế “người quan sát”.
- Nhìn xem những điều đang diễn ra.
- Nhận diện nó là cái gì – loại tham ái này hay loại tham ái kia, hoặc hòa trộn cả hai.
- Mặc kệ nó.
- Buông bỏ, để cho nó ra đi.
Ứng dụng
• Nhận biết nỗi đau khổ của bản thân. Cảm nhận nó; cho phép nó là chính nó. Truy lùng xem nó thuộc loại tham ái nào: muốn cái gì đó; không muốn cái gì đó; muốn cái gì đó khác đi. Buông bỏ “tham ái”, cảm nhận nỗi đau dần nguôi ngoai và bắt đầu tan biến đi.
• Lắng nghe dòng suy nghĩ và tiếng nói bên trong: “phải” và “buộc phải” là những dấu hiệu chắc chắn về loại tham ái nào đó – tham ái một lý tưởng hay một ý tưởng. Nhận biết chúng và buông bỏ chúng.
• Tiếp tục hành thiền 15 đến 20 phút mỗi ngày, cũng như thực hiện “phút chánh niệm” suốt thời gian trong ngày, càng thường xuyên càng tốt. Nếu được thì có thể đi bộ hành thiền.
• Dành một hay hai phút cuối mỗi lần hành thiền, dù là tọa thiền hay đi bộ hành thiền, để tự nói với mình những lời từ tâm như “Tôi mạnh khỏe. Tôi hạnh phúc. Tôi an toàn. Tôi thanh thản”. Cảm nhận sự căng thẳng giãn ra, cảm nhận sự an bình lan tỏa khắp toàn thân.