Đó là một buổi chiều rực nắng, tất cả chúng tôi trở lại “chánh điện”, vốn là phòng khách nhà tôi. Nhà sư đang ngồi ở đầu phòng. Lưng thẳng, đầu thẳng trên chiếu thiền, chân xếp lại đằng trước bên dưới lớp áo cà sa. Tay thầy hơi khum lại đặt nhẹ lên đùi. Tôi hầu như không tin nổi một tuần đã trôi qua kể từ buổi tu tập vừa qua.
Tôi nhìn quanh phòng. Tất cả mọi người đều đã có mặt, dường như ai nấy đều háo hức muốn được học hỏi thêm. Chúng tôi là một nhóm những người lẻ tẻ, thuộc đủ mọi lứa tuổi cùng tề tựu về đây, từ Sam mới đang tuổi vị thành niên hoặc cùng lắm là 20, tới Rodney tóc bạc trắng và Joan, vợ của ông, rồi Robert, đã ở tuổi thất thập. Thật đáng ngạc nhiên, số lượng phụ nữ và nam giới hầu như bằng nhau, một cách ngẫu nhiên, điều mà tôi chưa hề gặp trong những nhóm hành thiền, yoga hay tự lực dưỡng sinh mà tôi từng tham gia trước kia.
Tất cả mọi người đều có vẻ yên tâm và bình thản – một nửa số người ngồi trên ghế thiền, số còn lại ngồi lên gối thiền zafu đủ loại, trong khi Nikki đã ngồi vào thế bán hoa sen gọn ghẽ. Rõ ràng tôi đã đúng, cô ấy từng tập yoga. Tôi ước gì mình có thể hành thiền ở tư thế đó. Tôi cố ngồi thế bán hoa sen, nhưng không thể ngồi lâu hơn vài phút mà không bị tê chân. Có lẽ tôi cần luyện tập nhiều hơn nữa.
Vừa nghĩ tới đó, tôi bỗng nhiên khựng lại. Kể từ tuần vừa qua, khi nhà sư đề nghị chúng tôi để ý đến những lời tự thoại, tôi đã cố gắng nhận thức những suy nghĩ của mình và cố chấp nhận mình nhiều hơn, cố động viên và tử tế với bản thân hơn. Phải công nhận rằng kể từ khi làm như vậy, tôi kinh ngạc nhận ra mình hay phê bình, chỉ trích biết chừng nào… Tôi nghĩ mình còn quãng đường dài phải đi… Ừm, lại phê bình nữa rồi… Nhưng ít nhất tôi cũng đã ý thức được điều này. Khi tôi thay đổi cách suy nghĩ để nghĩ tử tế hơn về bản thân, tôi cảm thấy bình thản hơn và an lạc hơn.
Tôi thật sự thích thực hành chánh niệm trong suốt tuần qua. Tôi thích cảm giác hít thở trong chánh niệm và tự giác thực hiện nhiều lần trong ngày. Với tôi, nó giống như là uống chén nước suối nguồn thanh xuân vậy.
Đừng bao giờ làm cái gì nửa vời. Tôi thậm chí đã tạo ra được hệ thống nhắc nhở chính mình bằng cách đặt đồng hồ báo thức reng báo hiệu sau mỗi tiếng đồng hồ. Điều này có nghĩa là tôi thực hành hít thở trong chánh niệm ít nhất là mỗi tiếng một lần, có lúc trông tôi rất kỳ quặc trong mắt người khác nếu họ ở gần chỗ tôi đủ để nghe thấy tiếng đồng hồ kêu bíp bíp.
Đúng vậy, tôi biết nó hơi chút ám ảnh – trời ạ, lại chỉ trích phê bình nữa rồi – nhưng hệ thống báo động của tôi làm việc rất nghiêm ngặt và tôi cũng thấy mình đang bắt đầu nghĩ tới “hít thở trong chánh niệm” mỗi khi lo âu, bực bội, căng thẳng hoặc mất kiên nhẫn.
Tôi phải vui mừng mà nói rằng đề xuất của nhà sư về hành thiền chừng 10 phút thay vì 20 phút đã khiến tôi khác đi rất nhiều. Tôi bớt phải chật vật đấu tranh hơn. Tôi phấn đấu hành thiền mỗi ngày, kể cả tuần vừa rồi là một tuần vô cùng bận rộn – tôi phải kiểm tra đi kiểm tra lại công thức chế biến các món ăn cho quyển sách tôi đang biên soạn, mà hạn chót đã cận kề.
Kiểm tra công thức chế biến món ăn luôn luôn là công việc khó khăn; người ta không nhận ra việc viết sách ẩm thực mất nhiều công sức đến thế nào. Đôi khi tôi tự sáng tạo các món ăn và tự kiểm chứng luôn mấy tiếng đồng hồ liền, trong khi tôi thường cảm thấy thoải mái khi làm việc năm tiếng mỗi ngày thôi.
Nhìn chung, tôi tự định liệu nhịp độ sao cho Robert và tôi có thể thưởng thức món ăn tôi vừa làm thử trong những bữa ăn gia đình, nhưng có khi không được như ý muốn. Có bận, tôi đã mất mấy tiếng đồng hồ làm thử và kiểm chứng một món ăn suốt cả ngày, tôi dọn thành quả của mình cho bữa tối và chờ anh bình luận.
Anh ăn xong thì im lặng thật lâu, thế nên tôi phải gặng hỏi anh nghĩ sao về món ăn. Anh vẫn chỉ im lặng rồi mãi sau anh mới nói: “Cũng được, nhưng anh không ngờ là mấy thứ này lại hòa quyện với nhau đến thế”. Tôi đã quên nhắc chừng anh trước là nó sẽ bất ngờ đấy. Bữa ăn có tới sáu món khác nhau, toàn món tôi đang kiểm tra – một menu “nếm thử” nếu thích gọi thế, ngoại trừ tôi không lên kế hoạch cho chúng được dọn ăn cùng lúc.
Tôi đang bị xao lãng kìa, như tôi nói đấy, tôi đã cần cù luyện tập thiền và chánh niệm, và có vẻ mọi việc đang tiến triển tốt. Ngạc nhiên thay, cho dù bao năm qua tôi đã cố thử nhiều phương pháp hành thiền với nhiều thầy dạy khác nhau, nhưng không ai nhấn mạnh cho tôi tầm quan trọng của hơi thở trong hành thiền – tôi đã không để ý đến hơi thở – đây quả là một khám phá mới mẻ đối với tôi.
Mỗi buổi sáng tôi thức dậy sớm hơn thường lệ, may mắn là điều này không quá khó khăn, vì bình thường tôi vốn là người dậy sớm. Tôi ngồi thẳng dưới sàn, quấn chăn cho ấm, đặt đồng hồ 10 phút như nhà sư đề nghị, và hành thiền. Khi hít vào, tôi cảm nhận không khí đi qua lỗ mũi, xuống bụng, nó cho tôi cảm giác như thể tôi đang nối kết với sức mạnh nội tại của mình cùng với chiếc hồ yên bình trong ấy. Tôi thấy như mình neo thân vào bên trong, đồng thời tôi cảm thấy mình trở nên phóng khoáng, sảng khoái và rộng mở hơn, thật khó tìm từ ngữ để mô tả. Cho dù thế nào, nó đều giúp tôi bình tâm hơn, ít nhất là thêm vài giây nữa cho mỗi lần.
Tôi chăm đếm hơi thở và thấy như thế sẽ dễ hơn. Tôi đã thử nhiều phương pháp: đếm từ một trở lên khi tôi hít vào; đếm khi tôi thở ra; đếm đến mười rồi bắt đầu lại, cứ thế – có ai ngờ là có rất nhiều cách đếm hơi thở như vậy? Nhưng cách hữu hiệu đối với tôi là đếm “một - hít” khi hít vào và “một - thở” khi thở ra. Đếm tiếp “hai - hít” và “hai - thở” v.v… Khi dừng lại ở nhịp “mười - hít” và “mười - thở”, tôi vẫn tiếp tục giữ nhịp.
Tôi nhận thấy số nhịp thở trong một phút thay đổi. Đôi khi hơi thở của tôi rất là chậm, tôi để ý mình hít thở khoảng hai đến ba hơi trong một phút. Cảm giác này thật sảng khoái, dễ chịu, mặc dù tôi không cố ý giữ hơi thở nhưng tôi thật sự thích thú khoảng dừng giữa những hơi thở. Tôi nghĩ có vẻ như vào lúc ấy tôi không thở! Tôi cảm tưởng như mình căng tràn, trải rộng vào không trung, vào ánh sáng; tôi cảm thấy tự do và an bình. Một cảm giác dễ chịu biết chừng nào.
Những lần khác tôi thấy hơi thở của mình nhanh hơn – khoảng bảy hơi trong một phút. Còn trung bình thì khoảng mười nhịp thở trong ba phút. Khi khám phá ra điều này, tôi rất hưng phấn và nghĩ mình sẽ canh thời gian thiền bằng cách đếm số lần hít thở – 30 nhịp thở trong 10 phút hành thiền! Có buổi sáng nọ tôi nghĩ mình đã hành thiền với 100 nhịp hít thở, tôi nghĩ là 30 phút, nhưng hóa ra tôi đã tính lố. Tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy thất vọng vì mình chỉ hành thiền được có 15 phút thôi.
Xem ra tôi bị ám ảnh bởi cái chuyện đếm, nhưng nó hiệu quả với tôi vào lúc đó, tôi mong nó sẽ thay đổi. Dĩ nhiên, tâm của tôi vẫn lang thang đi nơi khác, nhưng tôi thích hành thiền mỗi ngày. Với lại, theo lời bảo chứng người thật việc thật của nhà sư thì ngay cả thiền sư giỏi nhất thế giới vẫn bị những suy nghĩ chen vào tâm trong khi họ luyện tập, điều đó đã an ủi tôi rất nhiều. Ta xem dòng suy nghĩ như là những đám mây trôi ngang qua, thay vì cố ngăn chúng lại và nổi cơn bực mình với bản thân do không thiền được.
Nhìn chung, tôi cảm thấy yên bình hơn, hưng phấn vui sướng vì đã phát triển được kỹ năng chánh niệm mới này, tôi cảm thấy hạnh phúc lạ lùng khi trở lại “chánh điện” và mong ngóng buổi luyện hôm nay. Tôi tự hỏi những người khác đón nhận với tâm thế gì.
Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười.
- Hân hoan chào đón các anh chị trở lại. Tuần vừa rồi trôi qua thế nào? Mọi người khỏe chứ? Có ai có câu hỏi nào không?
- Tôi muốn hỏi một câu về hành thiền. – Nikki nói.
- Vâng, câu hỏi gì vậy? – Nhà sư hỏi lại.
- Tôi cứ thắc mắc thầy nghĩ gì về chuyện thiền với âm nhạc. Đó có phải là ý tưởng hay? Trong Ipod của tôi có một số bản nhạc thiền nên tôi tự hỏi, liệu có giúp ích hơn khi ta nghe nhạc trong khi hành thiền?
Nhà sư lắc đầu.
- Đó là điều tôi không khuyên áp dụng.
Hai hay ba người khác trong nhóm, cùng với Nikki, tròn mắt ngạc nhiên.
- Tại sao vậy? Trong đây ghi rõ là “nhạc thiền” mà?
- Tiếng nhạc làm xao nhãng tâm, – nhà sư đáp, – mục đích chúng ta nhắm tới trong hành thiền Chánh niệm là tập trung hướng tâm vào khoảnh khắc hiện tại, chứ không khuyến khích nó đi lang thang vào sự mơ màng, điều này rất dễ xảy ra khi chúng ta nghe nhạc.
Với tất cả công dụng của âm nhạc, hãy cứ nghe để thưởng thức và thanh thản, thư giãn với nó, nhưng đừng nghe nhạc trong khi hành thiền. Khi hành thiền thì chỉ có hành thiền mà thôi; khi nghe nhạc thì đó là nghe nhạc, thế mới là chánh niệm. Có ai hỏi gì nữa không? – Nhà sư mỉm cười nhìn quanh.
Maggie, trông hơi xanh xao, giơ tay lên.
- Cả tuần qua tôi không thấy tiến triển cho lắm.
Nhà sư hiền hòa nhìn chị, vẻ động viên.
- Chị đặc biệt cảm nhận khó khăn ở đâu?
- Cha tôi mất cách đây một năm. Tôi cứ nghĩ mình đã vượt qua được sự việc này. Nhưng tuần qua, khi tôi hành thiền tại nhà, tôi cảm thấy sầu đau kinh khủng. Tôi đã hy vọng tìm được yên bình cơ mà.
Nhà sư tư lự.
- Chị sẽ tìm được yên bình, nhưng trước tiên chị cần chuẩn bị sẵn sàng cái đã. Chúng ta ai cũng như vậy cả. Hành thiền sẽ giúp dọn rửa cho chúng ta, đó là một trong những lý do tại sao nó lại ích lợi đến vậy. Do vậy, đừng chống lại cảm xúc đó, hãy đối xử với nó giống hệt như bất kỳ suy nghĩ nào len vào. Hãy ý thức về nó, nhận ra nó, nhưng mặc kệ nó. Hãy là người quan sát cảm xúc, như cách ta quan sát dòng suy nghĩ của mình vậy.
- Nhưng tôi sợ cảm xúc sẽ nhấn chìm tôi mất.
- Ồ, không đâu. Tôi hứa chắc đó. Nếu chị nhận ra nó và buông bỏ nó đi, chị sẽ thấy điều ngược lại. Hãy cho phép nó đúng là nó, cho nó trôi đúng như nó muốn. Cứ để nước mắt tuôn xuống nếu chúng cần rơi thì cảm xúc sẽ nhẹ đi. Và đừng quên hít thở. Khi chị nhận thấy cảm xúc đó, hãy hít vào hơi thở đẹp và chữa lành. Hãy cảm nhận không khí đi vào qua lỗ mũi và chảy tràn xuống bụng, cứ như thể chị đang uống một cốc thuốc nước chữa bệnh; và khi thở ra, hãy để nỗi đau tuôn hẳn ra cùng với hơi thở.
- Tôi sẽ thử. Cảm ơn thầy. – Maggie nói, rồi chị ngừng lại và nói thêm. – Nó còn làm cho tôi chán nản nữa, bởi vì tôi nảy ra quá nhiều ý nghĩ tiêu cực, buồn bã.
- Trong chánh niệm, – nhà sư nói, – một ý nghĩ là một ý nghĩ. Hãy giữ vai trò là người quan sát và để ý đến nó “À, thì ra là một ý nghĩ”, xong rồi mặc kệ nó. Đừng dán nhãn nó là “tốt” hay “xấu”; nó chỉ là một ý nghĩ thôi mà, rồi nó sẽ qua đi. Hãy để nó nổi lên, rồi trôi đi như đám mây trên bầu trời. Hít thở một nhịp khác và đưa tâm đi theo hơi thở; cảm nhận sự yên bình từ việc chú ý này.
Chị cũng nên rải cho chính mình một ít tâm từ. Hãy thật dịu dàng, tử tế với chính mình. Cố hít tâm từ vào khi hít vào, sau đó cảm nhận mình tắm đẫm trong tâm từ khi thở ra.
Nhà sư ngừng nói và mỉm cười với hết thảy mọi người trong nhóm.
- Chỉ cần luyện tập, tất cả chỉ là thế thôi. Không ai có thể vẩy chiếc đũa thần vào anh chị và làm cho điều thần kỳ xảy ra. Nhưng anh chị có sức mạnh nội tại, tất cả chúng ta đều có sức mạnh ấy, để làm được, luyện được và tìm thấy tự do, hạnh phúc cho chính bản thân. Đó là nơi phép màu xảy đến.
Như tôi đã nói lần trước, hãy tử tế với bản thân. Tôi không đùa khi nói đây là nền tảng, là viên đá nền cho hệ thống giáo lý của Đức Phật. Tất cả chúng ta mong chờ và kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, phải không? Và chúng ta cũng hay chỉ trích, phê bình, nhất là với chính mình.
Ngừng một hồi, Ed hắng giọng.
- Tôi đã cố luyện hành thiền từ tuần trước tới giờ, và thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy yên bình, tôi nghĩ… Nhưng do tôi sống trong trung tâm thành phố nên rất khó tìm được thời gian yên tĩnh để hành thiền. Lúc nào cũng có tiếng xe cộ, tiếng còi hụ, tiếng người nói chuyện dưới phố. Thế giới chúng ta đang sống ồn ào phải biết. Đôi khi tôi phát điên lên, dĩ nhiên như thế là đi ngược lại với mục đích của việc luyện thiền.
Bà tôi đã từng hay hành thiền khi tôi còn nhỏ, lời nhận xét của Ed gợi cho tôi nhớ lại cảnh tôi và chị hay phải rón rén bò ngang qua nhà, hầu như không dám thở kẻo sẽ quấy rầy bà.
Nhưng nhà sư chẳng thương xót cho Ed mà rất thẳng thắn và thực tế. Thầy bình luận:
- Cuộc sống hiện đại ư? Ồn ào quá trời!
- Đúng vậy. – Ed khẽ cười. – Tôi nghĩ trừ phi ta sống trong tu viện thì mới không ồn ào!
Cả nhóm cười lớn và nhà sư cũng cười. Thầy đáp:
- Tôi thì thấy đừng hy vọng vào chuyện đó! Anh chị làm sao biết khi nào mình sẽ bị quấy rầy bởi cái gì: tiếng máy xén cỏ, tiếng ai đó ngáy, tiếng máy hút bụi, và thậm chí cả tiếng máy bay, bất kỳ lúc nào cũng có thể bay ngang qua tu viện, thế đấy!
Thầy cười và nói tiếp:
- Chuyện này lại nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện dễ thương về thầy Ajahn Chah, vị trưởng bối, sư phụ của tôi. Một ngày nọ, khi những sư trò của thầy đang luyện thiền thì bỗng có tiếng trực thăng bay xà quần trên đầu, phá vỡ không gian yên tĩnh của tu viện, các sư trò càng lúc càng bất an, ngọ nguậy. Thầy Ajahn Chah, lúc ấy vẫn điềm nhiên như không, vẫn ngồi thinh lặng như bức tượng, nhắc nhở học trò hãy tiếp tục chánh niệm. Thầy bảo: “Đừng có quấy rầy chiếc trực thăng đó”.
Im lặng. Nhà sư giải thích:
- Hãy ngẫm nghĩ câu: “Đừng có quấy rầy chiếc trực thăng đó”. Nói cách khác, tức là hãy tiếp tục gắn tâm vào hơi thở ngay khoảnh khắc này, và mặc kệ chiếc trực thăng kia… hay bất kể thứ gì khác đang diễn ra trong khoảnh khắc này… cứ mặc kệ đi. Nó cũng thuộc về “bây giờ”… trong khoảnh khắc này như mọi thứ khác. Tôi thường nghĩ về lời thầy dạy mỗi khi tôi hành thiền ở nơi ồn ào.
Lẽ nào tôi cứ phải nhấn mạnh rằng việc hành thiền của chúng ta cũng thuộc về khoảnh khắc hiện tại, như tất cả mọi thứ khác đang diễn ra. Vì vậy, ta không bao giờ có đợt hành thiền “tốt” hay đợt hành thiền “xấu”, bởi vì việc hành thiền của ta (hay bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống) đều là đang ở khoảnh khắc hiện tại. Chỉ là như thế và thế thôi.
Cứ để mọi thứ đơn thuần như nó là thế. Đừng chiến đấu chống lại bất cứ thứ gì. Ôm trọn mọi thứ của khoảnh khắc này, bất kể nó mang đến điều gì. Đó là phương thức để yên bình.
Anh chị biết đấy, một trong những cách chúng ta làm cho cuộc đời trở nên đầy sầu khổ và gây đau đớn cho chính mình đó là phán xét và tô vẽ sự vật, hiện tượng, con người, sự kiện bằng những ý nghĩa mà chúng không thật sự sở hữu, bởi vì thực chất chúng LÀ như vậy… thậm chí phán xét luôn cả sự hành thiền của mình… Nào là “Ôi, buổi hành thiền hôm nay của tôi tệ quá”, hoặc “Buổi hành thiền của tôi hôm nay không tốt bằng buổi hành thiền hôm qua”. Nhưng khi chánh niệm, chúng ta phải buông bỏ mọi phán xét, so sánh và chỉ trích. Hành thiền là hành thiền – thế thôi.
Anh chị có cảm thấy an bình không khi nói: “Nó đúng như nó là”? Cứ nói như vậy đi… rồi sẽ có yên bình. “Tôi là tôi. Bạn là bạn. Anh ấy là anh ấy. Thế giới là thế giới”. Anh chị để ý xem khi chuyển đổi sự việc từ “chấp nhận” sang “chật vật, đấu tranh, đánh vật” thì sẽ thế nào? Tất nhiên nó sẽ thành hung bạo, cố xác và đau đớn.
Nhà sư nhắm mắt lại, hít một hơi sâu và giảng tiếp:
- Nó là nó, và ở trong khoảnh khắc này, hết thảy đều tốt.
Đạo pháp của Đức Phật có khả năng giúp chúng ta tìm thấy sự yên bình và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày, cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra xung quanh chăng nữa. Ta không cần phải trốn tránh khỏi xe cộ ồn ào, khỏi máy bay trực thăng, khỏi thế giới trần tục và khỏi bất kỳ thứ gì trong thế giới.
Ta có khả năng tìm yên bình và hạnh phúc từ bên trong ta, bất kể điều gì đang diễn ra bên ngoài. Chúng ta đã bắt đầu trải nghiệm điều này bằng hít thở trong chánh niệm và hành thiền rồi. Bây giờ anh chị có thể xây dựng nền móng và căng thêm dây cho cây cung của mình, trang bị thêm dụng cụ cho hành trang của mình. Anh chị đã sẵn sàng chưa?
Cả nhóm im lặng. Trong đầu mỗi người đang quay cuồng nhiều thứ. Cá nhân tôi đã nhận thấy hít thở trong chánh niệm và hành thiền có sức mạnh đến nỗi tôi không thể nghĩ là nhà sư còn có thể bổ sung và giảng giải thêm nhiều pháp nữa.
Những tia sáng lóng lánh trong mắt thầy, thành ra trông thầy sống động và tràn trề nhiệt huyết. Thầy vẫn giảng:
- Mọi người biết đấy, là một nhà sư được tấn phong thì một trong những bổn phận của tôi là truyền giảng giáo huấn của Đức Phật, như tôi đang làm hôm nay. Một trong những quy tắc nhà sư phải tuân thủ là không bao giờ chuẩn bị bài giảng hoặc ghi chép trước. Chúng tôi phải ứng biến, đó là một phần của khoảnh khắc hiện tại.
Ngạc nhiên bật lên trong nhóm, nhưng nhà sư vẫn tiếp tục.
- Điều đó dễ lắm, – thầy cười lớn, – bởi vì hệ thống giáo lý nền tảng của Đức Phật vốn rất đơn giản và chính xác, có thể được biên lên tấm bưu ảnh, nên tôi luôn luôn có thể lưu giữ trong đầu. Tôi không cần giấy ghi chép, các anh chị cũng không cần luôn.
Cả nhóm lao xao dỏng tai đón nhận lời này. Tôi phải thừa nhận là mình tò mò, ngạc nhiên pha lẫn thích thú. Trước kia tôi luôn nghĩ đạo Phật rất phức tạp và khó hiểu, do vậy lời giảng chân phương này lay động đến tôi. Lẽ nào thông điệp dễ nhớ, súc tích đến mức có thể ghi lên tấm bưu ảnh mà lại nắm giữ chìa khóa mở ra yên bình và an lạc?
- Giáo huấn đó được gọi là Bốn Chân lý Cao thượng, hay Tứ Diệu Đế. – Nhà sư giải thích.
“Luôn tồn tại bể khổ
Luôn có Nhân gây ra bể khổ
Luôn có sự chấm dứt bể khổ
Luôn có con đường thoát khỏi bể khổ.”
Nhà sư ngừng lời. Sự im lặng bao trùm căn phòng.
Hả, gì thế này? Mặc dù tôi rất yêu sự đơn giản, mộc mạc, tinh tế nhưng tôi lại nhuốm chút thất vọng. Trước đây tôi cũng đã từng nghe nói đến Tứ Diệu Đế. Mà nó luôn nhấn tôi vào trạng thái ảm đạm và u sầu. Thật sự tôi hay bị tác động bởi những suy nghĩ tích cực hơn, những tầm nhìn sáng tạo và những tuyên bố hữu ích khiến tôi cảm thấy vui tươi, chứ không phải những lời phát biểu khiến tôi trầm cảm, u uất.
Nhà sư dường như nghe thấu những suy nghĩ của tôi nên thầy mới giảng tiếp:
- Một số người nghĩ rằng Tứ Diệu Đế là bi quan bởi vì nó nhắc đến bể khổ, nhưng thực ra không phải vậy. Thực tế thì ngược lại.
Đúng thật là Đức Phật đã thuyết giảng rất nhiều về bể khổ, nhưng điều mà mọi người quên mất, hoặc không nhận ra, đó là Đức Phật thuyết pháp về bể khổ nhằm học cách tự giải phóng mình khỏi bể khổ, để an lạc và hạnh phúc! Ngài dạy rằng: “Ta thuyết về bể khổ và con đường thoát khỏi bể khổ”.
Các anh chị có biết Ngài còn dạy gì nữa không? – Nhà sư lại ngừng và nhìn quanh nhóm. – “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc: hạnh phúc là con đường”. Hạnh phúc đến khi ta thật sự nắm lấy nó bằng chánh niệm. Ngay khoảnh khắc này, mọi sự đều tốt đẹp, hết thảy đều hạnh phúc, và tôi tự do…
Thầy đăm chiêu, tư lự.
- Vì vậy, nền tảng cho những giáo huấn của Đức Phật là hướng đến hạnh phúc, tự do và yên bình, như tôi hy vọng anh chị sẽ tự khám phá. Giáo huấn này rất đơn giản mà thâm sâu, dạy ta con đường đi đến hạnh phúc.
Nhà sư suy nghĩ một thoáng rồi cười và nói thêm:
- Đôi khi tôi nghĩ nếu Đức Phật còn sống vào thời nay và có một đội ngũ PR thì chắc hẳn họ đã chỉnh lại thông điệp của Ngài mà dùng từ “hạnh phúc” thay cho “bể khổ”. Có thể sẽ như thế này:
“Luôn tồn tại hạnh phúc
Luôn có Nhân tạo ra hạnh phúc
Luôn có sự nhận biết hạnh phúc
Luôn có con đường dẫn đến hạnh phúc.”
Tất cả chúng tôi cười phá lên, và nhà sư tiếp tục giảng:
- Nào, hãy nói những lời này với chính mình: “Luôn tồn tại hạnh phúc. Luôn có Nhân tạo ra hạnh phúc. Luôn có sự nhận biết hạnh phúc. Luôn có con đường dẫn đến hạnh phúc”.
Thầy lại ngừng lời, sau đó giảng tiếp:
- Anh chị biết đấy, khi ta diễn giải Tứ Diệu Đế theo cách này thì ngôn từ đâu còn chuyên chở sức mạnh nữa. Anh chị có đồng ý không? Nghe chẳng chạm đến mọi người gì cả, đúng không?
Tựa như khi ta đang buồn bã thì ai đó nói: “Thôi, thôi, rồi sẽ ổn mà”, trong khi ta thừa biết là sẽ không ổn đâu. Ta đang thật sự bị tổn thương trong lòng và cần tuôn xả, cần nói về nỗi đau đó. Ta cần nhìn nhận thẳng thắn, công nhận nó; và ta cần những người khác cũng công nhận nó hơn là bảo với ta rằng không có gì phải lo lắng cả, hãy che đậy nó đi.
Đức Phật không hề che đậy hay bưng bít bất cứ điều gì, cũng không giả vờ là bể khổ không tồn tại. Ngài nhìn đời sống và Ngài nhìn thấy bể khổ rồi nên Ngài tìm ra một con đường diễn đạt bể khổ – tìm ra nguồn cơn, Nhân của bể khổ rồi tìm ra tự do, thoát khỏi nó. Ngài nói thẳng nói thật, vì chính sự thật mới là quan trọng. Ngài là người rất thực tế, vâng Đức Phật vô cùng thực tế.
Nhà sư nói về Đức Thế Tôn như thể đang nói về một người bạn cũ.
- Nhưng anh chị không cần phải chú trọng lời nói của tôi về nó. Anh chị cũng không cần phải chú trọng lời của bất kỳ ai về nó. Chúng ta có thể tự thực hành, rèn luyện cho chính bản thân mình, giống như Đức Phật khuyến khích các đệ tử của Ngài hãy thực hành. Chúng ta học về Tứ Diệu Đế; chúng ta suy ngẫm về Tứ Diệu Đế, cùng kiểu như với hít thở trong chánh niệm, chúng ta ứng dụng Tứ Diệu Đế vào mọi việc và mọi tình huống trong cuộc sống. Chúng ta học về Tứ Diệu Đế thông qua việc trải nghiệm xem Tứ Diệu Đế tác động thế nào lên cuộc sống của chúng ta.
Tứ Diệu Đế và chánh niệm kết hợp với nhau, có mối dây liên lạc vô cùng mật thiết với nhau. Giáo huấn này rất thực tế và đơn giản nhưng cũng giàu tính suy tư, đó là nơi chánh niệm nhắm tới. Để phát huy tối đa chánh niệm, những gì chúng ta cần là tâm phóng khoáng, sẵn sàng lĩnh hội và sẵn sàng suy ngẫm về Tứ Diệu Đế.
Nhà sư cười và nói thêm:
- Anh chị biết không, tôi thường nghĩ chánh niệm giống như ta gắn thiết bị bảo vệ vào cỗ xe của mình – chiếc xe ta ngồi bên trong, gắn bộ giảm xóc, và Tứ Diệu Đế giống như những bánh xe đưa ta đi êm ru qua những nơi gồ ghề, vượt ổ gà tới đích.
- Đích đến của chúng ta là gì? – Dan ngồi ở góc xa hỏi đến, lộ vẻ hài hước.
- A, dĩ nhiên đó là Niết bàn(2)! – Nhà sư đáp cùng với tiếng cười. – Nào, bây giờ chúng ta hãy lên chiếc xe của mình. Chúng ta hãy nhìn vào những bánh xe xem, phải đảm bảo chúng hoạt động và đang chạy, rồi anh chị sẽ đến đích hồi nào không hay. Ta không phải chết mới tới Niết bàn đâu, anh chị biết đấy.
(2) Nirvāna: Niết bàn.
Nhà sư mỉm cười cởi mở và cả nhóm cười thoải mái. Tôi không nghĩ trong nhóm chúng tôi có người đã từng nghe nói đến Tứ Diệu Đế – Bốn Chân lý Cao thượng – và hành thiền Chánh niệm được ví như là một chiếc xe cùng ta đi suốt hành trình cuộc đời, nhưng tôi thích ý tưởng này hơn và cảm thấy sẵn sàng tìm hiểu sâu thêm. Nhà sư nói tiếp, dường như thầy đã ở trên cỗ xe lăn bánh rồi:
- Và hôm nay, chúng ta sẽ học về Chân lý Cao thượng đầu tiên – “Luôn tồn tại bể khổ”. Nào, chúng ta sẽ không chờ lâu nữa.
Chân lý Cao thượng thứ nhất
- Chân lý Cao thượng thứ nhất, cũng giống như những Chân lý Cao thượng khác, có ba phạm trù. Đức Phật gọi đó là “những tuyên ngôn” hoặc “sự giác ngộ”. Trước tiên là tuyên ngôn mở đầu, theo sau là cần làm gì, và cuối cùng là kết quả.
Anh chị có thể gọi đó là ba chiếc nan hoa của mỗi bánh xe trong bốn bánh xe.
Trong Chân lý Cao thượng thứ nhất, tuyên ngôn thứ nhất là “Có tồn tại bể khổ”. Tuyên ngôn thứ hai, hay hành động cần thực hiện, là “Phải hiểu thấu đáo về bể khổ”. Và tuyên ngôn thứ ba, hay kết quả, là “Bể khổ đã được hiểu thấu đáo”.
Đầu tôi quay mòng mòng. Dường như những tuyên ngôn đó đang bảo chúng ta hãy suy nghĩ về những chân lý này, đến chừng nào chúng ta thấu hiểu chúng. Xem ra như vậy cũng chẳng có gì ghê gớm, tất cả chúng ta đều biết bể khổ là gì. Nhà sư vẫn đang thuyết pháp:
- Chân lý Cao thượng có nghĩa là sự thật để mà suy ngẫm, không phải là chân lý rạch ròi, kiểu như văn luật khắc trên đá. Chúng ta cần phải chiêm nghiệm những Chân lý Cao thượng và chúng ta chiêm nghiệm bằng cách trải nghiệm những tác dụng của chúng.
Chúng ta áp dụng bốn Chân lý Cao thượng vào cuộc sống và hoàn cảnh đời thường. Chúng ta trải nghiệm chúng, và tự tìm hiểu xem chúng hiệu nghiệm hay là không, chúng có ích cho chúng ta hay không. Điều này hoàn toàn dựa vào trải nghiệm thực tế.
Hãy nhớ rằng Đức Phật chứng ngộ Tứ Diệu Đế thông qua sự chiêm nghiệm đời sống của Ngài trong khi đi tìm câu trả lời cho tất cả những đau khổ Ngài trông thấy. Chúng ta lần lượt học về Tứ Diệu Đế bằng cách nhìn nhận xem bốn chân lý này tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào, chúng ta khám phá cách làm sao tận dụng bốn chân lý ấy để buông bỏ những sầu đau và tìm hạnh phúc, tự do, yên bình.
Cả phòng im lặng như tờ. Nhà sư hỏi:
- Các anh chị đã từng được nghe kể tích truyện về cuộc đời của Đức Phật và con đường chứng ngộ Tứ Diệu Đế của Ngài chưa?
Không ai đáp cả nên thầy giảng tiếp:
- Ngài sinh ra là một thái tử, tên là Gautama (Cồ Đàm).
Nhà sư ngừng lại, nhìn Nikki đang nhăn mặt, vẻ phân vân.
- Tôi tưởng Ngài được gọi là Siddhartha (Sĩ Đạt Ta). – Giọng cô có hơi chút phẫn nộ. - Có lần tôi đã đọc một quyển sách về Ngài. Quyển sách đó tựa là Siddhartha.
- Đúng rồi. Ngài được biết đến bằng cả hai tên gọi như thế: Siddhartha và Gautama. Có thể anh chị đã biết rằng Ngài còn được gọi là Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni), phát xuất từ họ của gia đình Ngài – Shakya (Thích Ca). Shakyamuni đúng ra có nghĩa là “nhà hiền triết của dòng tộc Shakya”. Nhưng chúng ta hãy gọi Ngài là Gautama. Nghe chân phương hơn.
Vào lúc thái tử Gautama chào đời, có một nhà tiên tri báo với vua cha của Ngài rằng Ngài sẽ trở thành một vị vua hùng cường, hoặc là một người thầy tâm linh lỗi lạc. Vua cha kinh hãi trước ý nghĩ con trai mình sẽ trở thành một bậc thầy tâm linh, vì vậy vua tìm mọi cách ngăn con mình khỏi trông thấy hay phải chịu đựng cảnh khổ, hay bất kỳ điều gì có thể ám ảnh tâm của con, kẻo sẽ biến lời tiên tri thành sự thật.
Vua cha ban cho thái tử một cuộc sống nhung lụa, xa hoa và giữ con ở trong cung điện nguy nga. Nhưng, nhân duyên không thể tránh, Gautama trốn đi đến thị trấn lân cận, chứng kiến tuổi già, bệnh tật và cái chết. Ngài đau lòng khôn tả, đến nỗi Ngài tự ban sứ mệnh của mình là đi tìm câu trả lời cho những cảnh khổ đó.
Ngài rời bỏ cung điện ra đi, bỏ lại toàn bộ ngôi báu và của cải để sống nhờ vào sự bố thí của người đời. Ngài đã từng tu theo phái khổ hạnh, nhưng khi suýt chết vì kiệt sức và đói, Ngài mới nhận ra rằng đi theo con đường cực đoan như vậy là không khôn ngoan, và đó cũng chẳng phải là phép tu dẫn đến giác ngộ. Sau đó, Ngài tìm ra “con đường Trung đạo”.
Cuối cùng, vào một ngày trăng tròn tháng năm, thái tử Gautama ngồi dưới gốc cây sung – sau này gọi tên lại là cây bồ đề (bodhi), cây “thức tỉnh” để vinh danh tên của Ngài (Buddha) – và không động đậy cho đến khi Ngài chứng ngộ câu trả lời cho bể khổ.
Ngài thiền suốt đêm ngày. Khi mặt trăng trôi về phía Tây và mặt trời lên ở phía Đông, Ngài mở mắt ra và chứng ngộ Tứ Diệu Đế.
Nhà sư ngừng lời. Bài thuyết của thầy về Đức Phật lúc trẻ và cuộc đời Ngài phủ một bầu không khí dễ chịu lên căn phòng, một sự hiện hữu xác thực.
Thầy nhỏ nhẹ nói tiếp:
- Lối sống của chúng ta ngày nay đã thay đổi hoàn toàn so với thời Đức Phật, nhưng bản chất của loài người thì vẫn không thay đổi. Vì thế, những giáo huấn của Đức Phật vẫn còn đậm nét trong thời đại ngày nay, hệt như cách đây nhiều thế kỷ.
Chúng ta vẫn phải chịu bể khổ giống hệt như những gì khiến cho thái tử trẻ tuổi Gautama sững sờ: tuổi già, bệnh tật và cái chết. Do đạo pháp của Ngài – Tứ Diệu Đế – dựa trên nền tảng những kiếp nạn này nên vẫn còn liên quan và có ý nghĩa trong thời nay. Chính vì vậy mà nó có tác dụng, và cũng chính vì thế tôi mới truyền đạt lại cho các anh chị trong ngày hôm nay, như vốn đã được truyền từ người này tới người kia qua nhiều thời đại suốt hai mươi lăm thế kỷ qua.
Vậy, chúng ta bắt đầu nhé. – Thầy ôn tồn nói.
Có tồn tại bể khổ
- Chân lý Cao thượng thứ nhất tuyên bố rằng “Có tồn tại bể khổ”. Không ai chống lại được bể khổ. Chúng ta luôn luôn thấy bể khổ xung quanh mình. Tất cả mọi người đều đau khổ theo cách này hay cách khác. Thế gian đầy ắp những sầu muộn.
Nhưng anh chị có để ý cách những tuyên ngôn này được diễn đạt không? Mấu chốt là ở đó đấy. Không phải là “Tôi đau khổ”, “Anh chị đau khổ”, “Muông thú đau khổ” hay “Con người đau khổ”, mà là “Có tồn tại bể khổ”. Một tuyên bố thật đơn giản. Anh chị có nhận ra sự khác nhau giữa “Tôi đau khổ” với “Có tồn tại bể khổ” không?
Nhà sư ngừng lời và nhìn quanh phòng. Tất cả chúng tôi đang ngồi im lặng, chú ý lắng nghe.
- Hãy nói thật chậm với chính mình hai câu này xem: “Tôi đau khổ” và “Có tồn tại bể khổ”. Anh chị có nhận ra sự khác nhau không? – Nhà sư lặp lại.
Tôi nhận ra sự khác nhau chứ. Khi ta nói: “Có tồn tại bể khổ”, tức là ta đang thừa nhận bể khổ – rõ ràng ta không chối bỏ hay phủ nhận nó – nhưng có vẻ giống như ta đang đặt khoảng cách, một không gian sống động giữa ta và bể khổ. Với tuyên ngôn: “Có tồn tại bể khổ”, trông như thể ta đặt mình vào vị trí người quan sát, nhìn bể khổ, hơn là đóng vai trò nạn nhân phải chịu đựng bể khổ. Khi tôi nói: “Có tồn tại bể khổ”, tôi cảm thấy như mình nắm quyền kiểm soát nhiều hơn. Tôi thích cảm giác này. Nhà sư giảng tiếp:
- “Có tồn tại bể khổ” là một tuyên bố rành mạch rằng ngay vào khoảnh khắc này, chúng sinh nào đó đang cảm thấy bất hạnh. Biên độ bể khổ trải rộng từ đau đớn tột cùng đến sự chán nản vô cớ. Nó có thể là nỗi sợ hãi, tức giận, ghen tị, hiềm khích, hoặc bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào anh chị đang cảm nhận, cũng như bất kỳ nỗi đau thể xác nào. Bể khổ bao hàm tất cả.
Chúng ta không phán xét mức độ đau khổ hay bất cứ những gì liên quan đến đau khổ. Những gì chúng ta làm là công nhận sự tồn tại của bể khổ. Ta có thể gọi tên nó là thế này – “Có tồn tại sầu bi”, “Có tồn tại lo lắng”, “Có tồn tại đau đớn”; nhưng ta không cần phải rạch ròi thế. Ta không cố đồng hóa mình với nó, phán xét nó, trấn áp nó, hay sửa chữa nó. Đơn giản là ta nhận ra nó, chấp nhận nó hiện hữu ở đó. Chẳng hạn như, hãy tưởng tượng anh chị đang chạy vắt giò lên cổ để bắt cho kịp một chuyến xe lửa. Đường sá kẹt xe, xe cộ nhích chậm chạp, sau đó anh chị lại còn không tìm được chỗ đậu xe. Khi anh chị vừa đến sân ga thì thấy đoàn tàu đang rời bến. Anh chị cảm thấy như thế nào? Hãy quan sát những cảm xúc này – “Vào lúc này có tồn tại bể khổ”, hoặc “Vào lúc này có tồn sự giận dữ/sợ hãi/bực tức (hay bất kỳ cảm xúc nào anh chị đang cảm thấy)”.
Hãy để ý đến những cảm xúc này, nhưng cứ để chúng ở đó. Đừng chạy đuổi theo chúng, đừng phán xét, tự vấn chính mình hoặc tình huống bằng những suy nghĩ kiểu như “Đáng lẽ ra mình phải rời nhà sớm hơn”, “Mình là kẻ thiếu kiên nhẫn”, “Mình phải nghỉ xả hơi nhiều hơn nữa”, “Thế này chẳng tốt cho huyết áp của mình chút nào”, “Mình sợ mình sẽ trễ hoặc lỡ mất buổi họp”, “Chính quyền phải làm gì đó để xử lý tình trạng giao thông đi chứ”, “Chính phủ thật là kém cỏi” v.v…
Thật dễ dàng và vô cùng tự nhiên khi sa vào một chuỗi những suy nghĩ mà chỉ làm lộn xộn, trầm trọng thêm vấn đề chứ không hề giúp ta có được yên bình. Vậy nên hãy kéo những suy nghĩ của anh chị về lại cốt lõi của tình huống – “Có tồn tại bể khổ”.
Còn đối với hành thiền, anh chị có thể thực hiện ngay hít thở trong chánh niệm. Cảm nhận không khí đi vào qua lỗ mũi và lại trở ra. Hãy cảm nhận xem việc này giúp anh chị tịnh tâm và bình tĩnh lại như thế nào, nó nối kết anh chị với khoảnh khắc hiện tại và với sức mạnh nội tại ra sao.
Hãy hành thiền như vậy vì lợi ích của chính mình và xem điều gì xảy ra. Hít vào, cảm nhận nỗi đau đó; thở ra, buông cho nó đi. Tôi nghĩ anh chị sẽ thấy mình bình tâm hơn. Anh chị sẽ nhìn nhận, xem xét tình huống sáng suốt hơn là chạy đuổi theo nó và phán xét nó bằng quan điểm chủ quan.
Lúc đó anh chị sẽ hiểu được tập đế đầu tiên của Chân lý Cao thượng thứ nhất – “Có tồn tại bể khổ”.
Nhà sư cười mỉm rồi cười to một lúc, sau đó nghiêm túc trở lại và giảng tiếp.
Phải hiểu thấu bể khổ
- Chúng ta đã xem xét phạm trù đầu tiên của Chân lý Cao thượng thứ nhất. Chúng ta cũng đã học về giá trị liên quan đến đau đớn, khổ sở, khó chịu một cách không thiên vị – “Có tồn tại bể khổ” chứ không phải “Tôi chìm trong bể khổ”. Bây giờ chúng ta xem xét tới phạm trù thứ hai – “Phải hiểu thấu về bể khổ”.
Ôi trời, chúng tôi sẽ bị chết gí ở đây hàng nhiều giờ để nghe điều này mất thôi – tôi nghĩ vậy và bắt đầu cảm thấy đói. Bụng tôi kêu rột roạt khi nghĩ đến đồ ăn. Tôi tự hỏi không biết có ai nghe thấy tiếng bụng tôi sôi lên hay không. Tôi cảm thấy bối rối, rồi bỗng kịp thời kìm lại và nghĩ: “Có tồn tại nỗi lo lắng; có tồn tại sự bất an; có tồn tại cái bụng kêu; có tồn tại nỗi sợ người khác nghĩ gì; có tồn tại bể khổ”.
Tôi mỉm cười một mình trước dòng suy nghĩ như thế. Tôi cảm thấy thân thể mình giãn ra. Tôi đang thực hiện này! Đúng là tôi đang chánh niệm. Tôi thích cảm giác này. Bất thình lình tôi nhớ lại cảm giác phấn khích khi tôi đi được xe đạp: tự tin, sung sướng, kiểm soát. Giờ tôi cũng cảm thấy tương tự như vậy.
Nhưng hãy trở lại với nhà sư đang giảng bài nào.
- Khi nói: “Phải hiểu thấu về bể khổ”, ta cần nhớ rằng trong tiếng Pali, ngôn ngữ cổ của đạo Phật, từ “hiểu” mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với đơn thuần là hiểu. Nó có nghĩa là “đứng dưới”, hoàn toàn chấp nhận, trụ lại, ôm chặt, ghì chắc – chính xác là “đứng dưới bể khổ”.
Rất dễ đổ lỗi cho ai đó hay cái gì đó về nỗi đau đớn và nỗi khổ chúng ta đang phải chịu. Bao nhiêu lần anh chị nghe người ta nói: “Mi làm cho ta tức giận/ghen tị/bất hạnh/tội lỗi”? Bao nhiêu lần anh chị nghe người ta đổ lỗi sự bất hạnh của họ là do người nuôi dưỡng hay cha mẹ họ gây ra? Dĩ nhiên, những điều này có tác động cực lớn. Nhưng khi ta bắt đầu hiểu và chấp nhận “có tồn tại bể khổ” – “đứng dưới bể khổ”, “chịu đựng bể khổ” – ta bắt đầu hiểu rằng nỗi khổ của ta không phụ thuộc vào những gì đang xảy ra bên ngoài hay những gì đang xảy đến.
Giả sử ai đó đang bực dọc với anh chị hoặc khinh thường anh chị. Không phải người đó đang làm cho anh chị đau khổ. Anh chị có cho phép mình đau đớn hoặc bị lăng nhục không, điều đó hoàn toàn là sự lưa chọn của anh chị. Do vậy, hãy trở thành người quan sát, hãy nhận ra “có tồn tại bể khổ”, “có tồn tại sự phỉ báng”, hoặc bất kể nỗi khổ mang tên gì, rồi dừng lại ở đó. Hãy đứng phía dưới nó, chấp nhận nó, chịu đựng nó. Đừng nhảy vào mớ suy nghĩ rối rắm – đổ lỗi, lý lẽ, biện hộ, bào chữa, tức giận, khao khát trả thù,… Những thứ này chỉ càng khuấy động và gia tăng nỗi đau. Chúng khuấy đảo, làm dâng tràn nỗi đau.
Nghe có vẻ khôi hài, nhưng nếu anh chị muốn tìm sự yên bình nội tại và tự do thoát khỏi bể khổ, anh chị cần ở cùng với cảm giác đau khổ – “đứng bên dưới nó”, ôm lấy nó. Sau đó buông bỏ nó đi, rồi anh chị sẽ thấy.
Sư phụ của tôi, thầy Ajahn Sumedho, thậm chí còn nói: “Xin chào” với nỗi đau khổ. Một số nhà sư Phật giáo khác thì gửi đi những ý nghĩ từ tâm với bể khổ. Nói vậy xem ra là đi khá xa ở giai đoạn này, nhưng khi anh chị bắt đầu cho phép nỗi đau được là chính nó, chấp nhận nó và “chào” nó, thì việc rải tâm từ cho nó chỉ là bước tiếp theo hầu có được sự yên bình nội tại. Đấy là sự giải thoát, bởi vì ta vứt bỏ sự chống cự đối với những gì đang xảy ra.
Tôi thấy suy nghĩ kiểu như vậy truyền cho ta sức mạnh cực kỳ lớn. Tôi có thể thấy rằng khi ta đặt mình vào vị trí “người quan sát” nỗi thống khổ hay bể khổ của chính mình, khi ta đưa tâm trở về nội tại hơn là đổ lỗi cho hoàn cảnh hay con người “khiến cho” ta đau khổ, thì ta đang chịu trách nhiệm cho trạng thái tâm của mình, ta được giải phóng và trở nên mạnh mẽ.
Nhà sư ngừng lại, rồi giảng tiếp:
- Anh chị sẽ không còn phụ thuộc vào người khác nữa; anh chị không phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, của cải vật chất, hay bất kỳ thứ gì để làm cho mình hạnh phúc. Anh chị sẽ biết cách tự giải phóng bản thân khỏi bể khổ và tìm được hạnh phúc cho chính mình. Đó quả là một sự khai sáng!
Đạo pháp của Đức Phật là độc nhất vô nhị bởi vì Ngài thấy rằng con đường ra khỏi bể khổ nằm trong tay chúng ta, hoặc nằm trong tâm chúng ta. Giáo huấn này dạy ta cách “trưởng thành”. Niềm hạnh phúc của ta không nằm ở bất kỳ điều gì bên ngoài. Tất cả chung quy nằm hết ở đây. – Thầy vừa chỉ lên đầu, rồi chỉ vào tim. – Chúng ta có chìa khóa mở cánh cửa ấy. Giờ chúng ta chỉ còn học cách làm thế nào để sử dụng chiếc chìa khóa đó thôi.
Đã hiểu thấu bể khổ
- Nhắc lại… nếu ai đó không tử tế với anh chị hoặc nói điều gì làm anh chị tổn thương, và anh chị nghĩ họ khiến cho anh chị đau khổ, thế thì anh chị chưa hiểu Chân lý Cao thượng thứ nhất. Thậm chí họ tra tấn anh chị và anh chị quy kết rằng họ làm anh chị đau đớn, vậy anh chị cũng vẫn chưa hiểu Chân lý Cao thượng thứ nhất. Chừng nào anh chị còn nghĩ nguồn cơn cho nỗi đau đớn và bể khổ của mình bắt nguồn từ bên ngoài, từ “ngoài kia” hơn là ở “trong này”, – nhà sư nói, chỉ lên đầu của mình, – chừng đó anh chị vẫn chưa hiểu Chân lý Cao thượng thứ nhất. Anh chị đã vứt bỏ sức mạnh của mình.
Nghe thế có vẻ rất khắc nghiệt, nhưng con đường ra khỏi bể khổ không phải là bằng cách đổ lỗi, căm ghét, hay tức giận, trả thù,… mà là từ bên trong bản thân. Những suy nghĩ kiểu như thế chỉ tổ gây đau đớn cho anh chị, và ngăn chặn niềm hạnh phúc, tự do và yên bình của anh chị. Con đường thoát khỏi bể khổ, con đường đi tới hạnh phúc, tự do và yên bình trong cuộc đời là thông qua nhận thức “có tồn tại bể khổ”, sau đó “đứng dưới bể khổ” rồi chấp nhận và cho phép nó được là chính nó.
Hãy thực hiện điều đó rồi xem sao. Khi anh chị làm thế, anh chị sẽ nhận ra bể khổ bên trong anh chị sẽ không “giữ nguyên hiện trạng”, mà nó sẽ thay đổi. Yên bình nội tại sẽ đến, sức mạnh và trạng thái cân bằng nội tại sẽ đến. Anh chị sẽ đạt đến điểm mà bản thân không còn để ý đến sự khinh miệt hay nỗi đau nho nhỏ nữa.
Lẽ dĩ nhiên, hoàn cảnh khắc nghiệt, tai ương vẫn sẽ ảnh hưởng đến anh chị, anh chị sẽ cảm nhận chúng. Nhưng khi anh chị hứng chịu sầu đau mà không đổ lỗi, giận dữ hay chối bỏ, anh chị sẽ tìm thấy bình yên, cũng như sức mạnh bên trong.
Nhưng đừng chờ đến lúc tang thương xảy ra. Hãy bắt đầu luyện tập những điều nho nhỏ ngay từ bây giờ – giả sử như có người chen lấn xô đẩy anh chị trong khi đang xếp hàng, khi một tài xế cắt mặt anh chị trên đường, khi anh chị mất kiên nhẫn bởi vì lũ trẻ lại vứt quần áo dơ ra sàn, khi người bạn đời đối xử với anh chị theo cách đáng giận đến nỗi anh chị muốn hét toáng lên…
Vô số lần trong đời chúng ta bực mình, cảm thấy bị xúc phạm, tức tối. Hãy chú ý đến những cảm xúc này, nhưng nên nhớ anh chị không cần phải bực mình, tức giận hay cảm thấy nhục nhã. Không cần phải trả đũa người kia. Trả đũa chẳng giúp ích gì, nó chỉ kích thích những tiêu cực liên miên.
Hãy nhận ra những cảm xúc của mình và chịu trách nhiệm về chúng. Nó chặn đứng chuỗi suy diễn tiêu cực ngay tại đó. Nó giải phóng anh chị, giải phóng người khác, giải phóng thế gian khỏi việc chồng chất thêm những thứ sầu đau.
Chúng ta luôn nói chúng ta muốn hòa bình trên thế giới, nhưng nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, không thể làm gì để có hòa bình. Nhưng thật ra chúng ta làm được cái gì đó đấy chứ. Hãy tu tập Chân lý Cao thượng thứ nhất, chúng ta sẽ tạo thêm an bình cho thế gian: Yên bình bắt đầu từ chúng ta, mỗi người chúng ta. Hãy suy nghĩ về điều đó, và thực hiện ngay.
Nhà sư mỉm cười.
- Chẳng phải anh chị được tiếp thêm sức mạnh khi anh chị nhận ra rằng dù người khác nói gì, dù người khác làm gì, họ cũng không thể lay chuyển được anh chị sao?
Thế à?
Nhà sư im lặng, đăm chiêu suy nghĩ một lúc, rồi thầy giảng tiếp:
- Điều đó gợi nhắc tôi nhớ lại một tích truyện nổi tiếng về một nhà sư theo phái Thiền Tông. Có thể ai đó trong anh chị đã biết tích truyện này rồi, nhưng tôi nghĩ cũng nên nhắc lại.
Trong một ngôi làng tại Nhật, có một cô gái xinh đẹp bất ngờ mang thai. Cha mẹ cô tức giận, nổi trận lôi đình và tra hỏi cô xem cha của đứa bé là ai. Vì không muốn người tình của mình gặp rắc rối, thế nên cô đổ tội cho Hakuin, một nhà sư già được tôn sùng và được kính trọng nhất làng.
Khi cô hạ sinh, cha mẹ cô mang thằng nhỏ đến cho Hakuin và bắt thầy phải nuôi thằng bé vì thầy là cha của nó. “Thế à?”, là tất cả những gì Hakuin nói. Nhưng khi thầy chăm sóc thằng bé được vài tháng, thì cô gái mới thú thật với bố mẹ rằng cha thật sự của nó là một thanh niên trong làng.
Cha mẹ cô trở lại chỗ Hakuin, thông báo rằng thầy không phải là cha thằng bé, xin lỗi thầy qua loa rồi đòi đứa bé về. “Thế à?”, Hakuin đáp lại và trao trả thằng bé cho họ.
Nhà sư dừng lời một lát, suy tư, rồi giảng tiếp:
- Khi anh chị đã biết và thực hành Chân lý Cao thượng thứ nhất, anh chị tự giải phóng mình khỏi nhu cầu phản ứng lại để phòng vệ. Hầu như ai cũng muốn làm thế cả.
Có một câu chuyện có thật, nổi tiếng về cách ứng phó của Đức Phật. Trong một dịp Ngài đang thuyết giảng thì một người đàn ông hùng hổ cắt ngang lời Ngài và phỉ báng, xỉa xói Ngài: “Ông không có tư cách dạy người ta phải hành xử như thế nào. Ông chỉ là kẻ giả mạo đang lừa phỉnh mọi người”.
Đức Phật vẫn tiếp tục thuyết pháp, không để ý gì đến người đàn ông kia đang càng lúc càng tức giận, xấn tới đứng ngay trước mặt Ngài, buông những lời nhục mạ. Các đệ tử của Đức Phật cố gắng đuổi người đàn ông đó đi, nhưng Đức Phật ngăn họ lại. Ngài quay qua kẻ truy vấn, mỉm cười và nói: “Nếu anh mua tặng một món quà cho ai đó và họ không nhận món quà ấy thì món quà sẽ thuộc về ai?”.
Người đàn ông xịu lại, ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp: “Tôi nghĩ nó vẫn thuộc về tôi bởi vì tôi đã mua nó”.
Đức Phật mỉm cười nói tiếp: “Ồ thế à. Vậy nó cũng tương tự như cơn giận của anh. Ta không hề cảm thấy bị sỉ nhục bởi vì ta không nhận nó. Ta trao nó lại cho anh. Anh là một người bất hạnh, anh đang làm tổn thương chính mình”.
Người đàn ông kia hiểu ra và cảm thấy xấu hổ cho hành động của mình. Trên thực tế, phản ứng của Đức Phật đã tác động lớn đến anh đến nỗi sau này anh trở thành đệ tử của Ngài.
Anh chị không cần phải nhận lời buộc tội, phỉ báng hay tức giận từ người khác. Cứ đơn giản là không nhận chúng, không cho phép chúng chiếm lĩnh mình; như thế chúng vẫn lưu lại bên người cố quăng chúng cho anh chị.
Thế giới sẽ khác đi nếu tất cả mọi người đều làm theo bài luyện tập này! Những luật sư chuyên bào chữa cho tội phỉ báng sẽ thất nghiệp, và nhiều cuộc chiến sẽ không bùng nổ. Sự yên bình nội tại sẽ thực sự mang lại hòa bình cho thế giới.
Vậy hãy luyện tập cho chính mình. Hãy dùng nó để xử lý những xao lãng, bức bối nho nhỏ, những niềm đau của cuộc sống bình thường. Hãy để ý xem anh chị bị lũ con quấy rầy làm cho tức điên lên như thế nào; hoặc tức tối vì bạn đời, thời tiết, hàng xóm, chính phủ, con mèo, ti vi, chiếc xe hơi không nổ, hay bởi chính mình ra sao. Hãy nhận ra nó, chấp nhận nó, và buông bỏ nó. Đừng phản ứng với người khác nếu họ chọc tức anh chị. Nhớ rằng lời lăng mạ hay cơn giận dữ sẽ thuộc về ai nếu như anh chị không phản ứng lại.
Chấp nhận và “buông bỏ” ở chốn công sở
Tim, anh chàng cao kều, quấn chiếc khăn lụa quanh cổ giơ tay lên.
- Anh muốn hỏi gì phải không? – Nhà sư hỏi.
- Đúng vậy. Đó là tích truyện để suy ngẫm và truyền cảm hứng, nhưng để hành động thì tôi không thấy việc “buông bỏ tất cả mọi thứ” sẽ có tác động như thế nào trong cuộc sống thường nhật. Tôi là bác sĩ, nếu tôi cứ việc “buông bỏ tất cả mọi thứ” thì mạng lưới chăm sóc sức khỏe NHS(3) sẽ ngừng hoạt động mất.
(3) NHS (National Health Service): mạng lưới chăm sóc sức khỏe miễn phí do chính phủ Anh thành lập năm 1948.
- Tôi thì nghĩ NHS đằng nào cũng sẽ ngưng hoạt động thôi. – Suzi trêu. Tim nhăn mặt và mọi người cười phá lên.
- Dĩ nhiên, anh phải cố gắng hết sức để làm việc trong khả năng của mình, Tim à. – Nhà sư đáp. – Nhưng đối với khoảnh khắc mà tôi nói “buông bỏ” và “chấp nhận”, trước hết là những gì đang xảy ra bên trong anh. Tôi đang nói về thái độ của anh – sự sợ hãi, căng thẳng, khao khát nổi lên bên trong anh. Con đường đi đến yên bình là nhận ra chúng, cảm nhận chúng mà không cố gắng thay đổi chúng. Nói cách khác, cứ để kệ chúng và chúng sẽ tan biến.
Điều đó không có nghĩa là anh không thể làm cái gì đó thực tế, mà có nghĩa là luôn nhìn vào bên trong mình hơn là đổ lỗi cho những thứ bên ngoài về việc anh đang cảm thấy thế nào và cái gì đang xảy đến với anh. Khi anh bình tâm trong lòng, chánh niệm với tất cả những gì đang diễn ra ở khoảnh khắc hiện tại và cho phép nó là chính nó, thì anh đang ở trạng thái tâm tốt nhất, có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan. Và khi anh bình tĩnh và tập trung, anh có khuynh hướng xoa dịu tình hình. Yên bình trong lòng dẫn đến bình yên bên ngoài là vậy.
Anh không cần phải nhìn xa trông rộng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Mẹ Theresa, Tổng thống Nelson Mandela,… những người có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của nhiều người trên thế giới. Nguồn cảm hứng họ mang đến cho nhiều người chính là nguồn cảm hứng họ trao cho chính họ trước.
- Ồ, tôi không nghĩ tôi là Mẹ Theresa đâu! – Tim thốt lên và cười lớn. – Nhưng tôi hiểu rõ thầy đang nói gì. Thầy nói về những điều diễn ra bên trong chúng ta, chứ thầy không nói về phương pháp đừng can thiệp vào công việc và trách nhiệm của người khác ở nơi công sở.
- Đúng thế. – Nhà sư nói. – Tôi cũng đang nói về việc đừng lo lắng về thế giới và những hành động của người khác, và đừng cố hàn gắn thế giới bằng những phán xét, so sánh, chỉ trích…
Như tôi đã nói, có những điều anh chị có thể làm nếu như thấy chúng hữu ích cho sự phát triển yên bình nội tại của mình, đó là đừng chỉ trích, phán xét nữa.
Thế giới vốn đã đầy ắp những quan điểm về điều này, và đầy những phán xét về điều kia. “Tôi nghĩ thế này” hoặc “Tôi nghĩ thế nọ”, “Lẽ ra người ta không nên làm thế này”, “Họ nhất thiết phải làm điều đó”, “Tôi thích biện pháp này hơn biện pháp kia”,… Hãy buông bỏ tất cả những thứ ấy đi, hãy nghĩ đến bậc tôn sư Hakuin với câu nói “Thế à?”. Ban đầu có thể rất khó thực hiện, bởi vì chúng ta vốn đã quá quen với việc bày tỏ quan điểm, lập trường và phê bình, chỉ trích. Nhưng một khi anh chị bắt đầu nhìn vào chính mình, anh chị sẽ nhận ra mình hay chỉ trích nhiều bao nhiêu, và anh chị sẽ ngạc nhiên, cảm thấy yên bình hơn biết chừng nào khi không phán xét nữa.
Giống như tất cả những điều tôi chia sẻ với anh chị, ý tưởng tốt đẹp này cũng cần phải được luyện tập. Càng luyện tập, anh chị sẽ càng buông bỏ những phê bình, xét nét, bày tỏ quan điểm, và nhất là lăng mạ, thì nó càng trở nên tự nhiên. Anh chị sẽ càng hạnh phúc, yên bình và tự do hơn nữa.
Nhà sư nhìn các thành viên trong nhóm và nói:
- Thôi bày tỏ quan điểm, chỉ trích, so sánh, phán xét là cái giá rất nhỏ để trả cho sự yên bình của anh chị… và cả sự yên bình mà anh chị mang đến cho thế giới. Tôi thật sự khuyến khích anh chị thực hiện việc nhỏ bé này. Cứ bắt đầu thôi, chẳng bao lâu sẽ thành thói quen, và một khi anh chị đã trải nghiệm sự yên bình do điều này mang lại, anh chị sẽ không bao giờ muốn trở về như trước nữa.
- Tâm ta bình yên, thế giới bình yên. – Pam lặp lại.
- Đúng vậy. Vâng, đúng như thế! – Nhà sư hòa lời.
Nhà sư nhìn quanh tất cả học viên trong phòng.
- Mọi người nắm cả rồi chứ? Thế thì chúng ta hãy khép buổi họp mặt này bằng bài hành thiền nhỏ. Lần này sẽ bắt đầu bằng chánh niệm – cả hít thở trong chánh niệm và chú ý đến thân thể của chúng ta.
Bài thực hành thiền
Hãy ngồi sao cho thật thoải mái. Lưng thẳng nhưng đừng quá bận tâm đến tư thế. Hãy tự nhiên.
Hai bàn tay thoải mái đặt nhẹ lên đùi, lòng bàn tay khum lại.
Mắt nhắm, hoặc mở, hoặc nhắm hờ đều được. Nhìn ra đằng trước một chút… không tập trung vào bất cứ điểm gì… nhìn đâu cũng được, miễn sao cho thoải mái.
Tập trung vào hơi thở: hơi thở đi vào qua lỗ mũi, đi xuống phổi, sau đó lại đi ra qua lỗ mũi…
Chú ý đến mặt đất bên dưới chỗ ta đang ngồi.
Chú ý đến thân thể; nếu cảm thấy căng thẳng, cứ lướt qua… nhận biết đầu… mắt… quai hàm… cổ… vai… ngực… cánh tay… bàn tay… ngón tay… bụng… hông… đùi… cẳng chân… bàn chân… ngón chân…
Hãy buông bỏ mọi lo lắng và mối bận tâm… buông bỏ những ý nghĩ và cảm xúc gắn với những suy nghĩ đó; hãy cứ buông bỏ và để cho những cảm xúc, những ham muốn được là chính nó…
Khi tâm của ta đi lang thang, hãy kéo nó trở về thực tại, cảm nhận mặt đất dưới chân ta, cảm nhận hơi thở của ta…
Đưa sự chú ý trở lại hiện tại… hãy nhận ra cảm giác căng thẳng, cảm giác ham muốn, cảm giác cố làm cho mọi thứ khác đi so với bản chất của chúng…
Khi ta hành thiền, khi ta buông bỏ những ham muốn và cảm xúc gắn liền với những ham muốn ấy, khi ta để mọi thứ được là chính chúng, điều gì sẽ xảy ra?
Hãy tự rèn luyện và xem…
Chúng tôi tiếp tục hành thiền như thế khoảng 20 phút. Sau đó nhà sư gõ chuông.
Chúng tôi từ từ đưa ý thức quay trở về “chánh điện” và mở mắt ra, nhưng không ai nhúc nhích. Tất cả chúng tôi bất động một lúc, như thể muốn trải nghiệm cảm giác êm đềm này lâu thêm nữa.
Nhà sư chắp tay lại, đưa lên ngang đầu rồi kéo về giữa ngực. Chúng tôi bắt đầu nhúc nhích, co duỗi chân cẳng, và lặng lẽ thu dọn đồ đạc của mình. Buổi tập kết thúc, chúng tôi rời khỏi phòng.
Ôn tập
- Cuộc đời đầy rẫy những đau đớn – “có tồn tại bể khổ” – nhưng không nhất thiết ta phải đau khổ.
- Khi ta cảm nhận có một suy nghĩ đau đớn xuất hiện, hãy hít thở trong chánh niệm và chỉ quan sát ý nghĩ đó, đừng phán xét hay khoét sâu nó.
- Tự nói với bản thân “Có tồn tại bể khổ”, chứ không phải “Tôi đang đau khổ”.
- Tiếp tục bài luyện này mỗi khi có ý nghĩ len vào tâm ta, hãy cảm nhận nỗi đau từ từ dịu đi và rời xa ta.
- Ta sẽ không còn quy kết đau khổ là do bất cứ điều gì bên ngoài gây ra nữa, rồi ta sẽ tự do.
Ứng dụng
- Thấm nhuần Chân lý Cao thượng thứ nhất; là người quan sát đối với những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
- Hãy để ý và chấp nhận sự vật, hiện tượng đúng như bản chất của chúng, ở ngay khoảnh khắc hiện tại – mà không chỉ trích, phán xét, so sánh hay cố thay đổi chúng.
- Hành thiền mỗi ngày, tăng dần thời lượng thêm 5 phút (dần tăng thành 20 phút) khi ta cảm thấy sẵn sàng.
- Liên tục thực hành “những phút chánh niệm” trong ngày, càng thường xuyên càng tốt.
- Hãy tử tế và yêu thương bản thân. Tiếp tục chú ý và kiểm soát lời độc thoại nội tâm của mình.