Cuối cùng, tất cả mọi người đã an vị. Một khoảng lặng, rồi Robert giới thiệu nhà sư và bày tỏ niềm hạnh phúc khi thầy đến giảng cho mọi người. Nhà sư đáp lời:
- Tôi cũng rất vui khi ở đây cùng anh chị. Hy vọng chúng ta sẽ có được một khoảng thời gian an bình, an nhiên trong lòng và xem đây là ốc đảo, tránh xa những áp lực của cuộc sống thường ngày.
Thầy đứng trước bàn lễ, trước tiên là đốt những cây nến màu trắng, sau là đốt cây nhang lớn tỏa mùi hương, thầy cầm cây nhang bằng hai tay chắp vào nhau, đưa lên cao quá đầu và lẩm nhẩm niệm. Xong thầy cắm cây nhang vào hũ cát trên bàn, rồi quay trở về chiếu thiền của mình.
Để khởi đầu, chúng tôi tụng bài Kinh chép trong những tờ giấy nhỏ mà Robert nhận được từ thiền viện. Chữ trên giấy ghi bằng tiếng Pali, một ngôn ngữ cổ xuất xứ từ Ấn Độ – những Tạng Kinh của Đức Phật được ghi chép lại bằng chính ngôn ngữ này. Đó là bài Kinh bày tỏ lòng biết ơn Đức Phật, vì những giáo huấn của Ngài; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến các đệ tử của Ngài, vì đã thực hành những giáo huấn đó và truyền lại cho hậu thế qua nhiều thế kỷ.
Âm thanh êm đềm, dìu dịu vang lên khi tất cả chúng tôi tập trung hết sức để tụng. Lời tụng hòa quyện vào nhau, hình như đang gắn kết mọi người trong nhóm lại với nhau, mặc dù tôi phải thú thật là tôi không cảm thấy thoải mái với không khí này – nó nhuốm màu “tôn giáo” quá – và tôi tự hỏi liệu những người khác trong nhóm có cảm thấy như thế hay không. Nhưng dù gì tôi cũng đã quyết định theo đến cùng sự kiện này, tôi cũng phải công nhận là giọng tụng Kinh của nhà sư nghe rất vui sướng, trầm bổng và tôi cứ để mặc cho tiếng tụng niệm dìu mình đi.
Chúng tôi làm theo nhà sư, cúi lạy ở từng thời điểm khác nhau. Xong xuôi, chúng tôi ngồi thoải mái trên ghế hoặc trên nệm. Tôi tự hỏi bao nhiêu người trong nhóm là Phật tử thật sự, bao nhiêu người đã từng tập thiền và họ kỳ vọng điều gì khi tham gia nhóm này.
Nhà sư dừng lại một thoáng, sau đó cất lời, mỉm cười khắp lượt.
- Nào, có lẽ chúng ta nên tự giới thiệu với nhau, cho biết lý do tại sao có mặt ở đây và chúng ta hy vọng điều gì ở khóa tu này?
Bình thường, câu tường thuật không khuyến khích được ai nhúc nhích. Nhà sư chờ một chút, rồi bật cười, hơi cao giọng hơn:
- Vậy thì tôi làm quả bóng lăn nhé? Anh chị sẽ theo tôi nếu muốn.
Thầy tự giới thiệu thầy là Thượng tọa Bhante, mọi người cứ gọi thầy là Bhante nếu muốn, mặc dù tôi luôn nghĩ về thầy với cương vị là “nhà sư”. Thầy đã quy y nhà Phật trên 30 năm – ban đầu thầy theo phái Zen 15 năm, rồi chuyển qua trường phái Phật giáo Nguyên thủy. Thầy giải thích còn một nhánh nữa là Phật giáo Tây Tạng do Đức Đạt Lai Lạt Ma làm trưởng tông.
Thầy nói Phật giáo Nguyên thủy là lâu đời nhất, do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử liên tục truyền giảng bằng những vần thơ láy. Mọi người học pháp bằng cách lắng nghe và lặp đi lặp lại, truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác cho đến khi được viết thành văn tự vào khoảng 300 năm sau khi Đức Phật viên tịch. Phái Tây Tạng và Zen phát triển sau này, nhưng có cùng một nguồn gốc. Thầy say sưa:
- Tôi tôn kính sự trường tồn liên tục ấy, vì thấu đạt rằng những lời thông tuệ của Đức Phật được lặp lại qua nhiều thời đại, cứu vớt biết bao nhiêu chúng sinh. Để đến bây giờ, giáo pháp ấy đã lan truyền khắp thế giới, giúp cho đạo Phật trở thành một trong bốn tôn giáo lớn nhất hành tinh, sau đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Hindu, và là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại một số nước phương Tây.
Thầy dừng lời và bật cười:
- Vậy đó, nếu anh chị gọi đạo Phật là một tôn giáo thì…
Vẻ ngạc nhiên không giấu được trong nhóm người khi nghe thầy nói vậy. Rodney, người lớn tuổi nhất, nhướng cả lông mày lên.
- Thật à? Tôi luôn luôn ghi “đạo Phật” khi buộc phải nêu ra tôn giáo của mình. Có thật là đa số mọi người xem đây là một tôn giáo?
Nhà sư cười lớn và đáp:
- Đạo Phật có mang “đầy đủ phẩm chất” của một tôn giáo hay không luôn là một đề tài tranh cãi không bao giờ dứt. Ông theo đạo bao lâu rồi?
- Thầy hỏi vậy là sao? – Rodney hỏi.
- Đạo Phật không có nhiều linh vật vốn cấu thành một tôn giáo. Không có Thượng Đế để thờ phụng. Đức Phật luôn luôn tâm niệm mình chỉ là một người thầy được mọi người lắng nghe và đi theo nếu những lời pháp của Ngài chí lý đối với họ. Người ta không thờ cúng Ngài. Đức Phật rất rạch ròi về điều này. Ngài muốn mọi người kiểm chứng giáo pháp của Ngài, từ đó nỗ lực tự thân thực hành. Ngài dạy chúng sinh đừng tin bất kể điều gì họ được thuyết pháp, cũng đừng “viết ra thành Kinh Thánh hoặc lời Sấm Truyền, hay đem truyền đạt từ thế hệ trước tới thế hệ sau, mà chỉ tin vào những giáo huấn đúng đắn có thể mang lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người xung quanh”.
Khi nghe những lời của thầy, tôi bỗng thấy sự căng thẳng trong tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy cơ thể mình thư giãn hẳn. Thật tình không thể chê trách lối tiếp cận của thầy.
Tôi lớn lên trong một ngôi nhà nặng trĩu những tư tưởng tôn giáo – kể cả tư tưởng của những đạo giáo không chính thống – chẳng mấy chốc tôi đã học cách im lặng, không hỏi han hay chất vấn những gì mình được dạy. Tôi bị ức chế suốt một thời gian dài cho đến khi tôi hơn 20 tuổi – tất cả mọi nghi ngờ, không chắc chắn của mình trồi lên bề mặt, đến nỗi cuối cùng tôi rời khỏi gia đình để tự đi tìm xem đức tin thực sự của mình đặt vào đâu.
Quả là sự giải thoát khỏi ức chế và nghi ngờ khi được tự do đón nhận đức tin – khi được một người thầy tâm linh khuyên rằng hãy chỉ tiếp nhận lời giảng nếu cảm thấy những lời đó có ý nghĩa với bản thân. Giờ thì tôi cảm thấy vui rồi, và háo hức muốn nghe thêm. Tôi lắng nghe chăm chú khi nhà sư tiếp tục:
- Trải qua nhiều thế kỷ, mặc dù giáo pháp đã phát triển, phân hóa thành nhiều nhánh và lan rộng khắp thế giới, nhưng những giáo huấn tinh túy của Đức Phật vẫn còn duy trì – làm thế nào để hạnh phúc, tự do và an bình thông qua chánh niệm và hành thiền. Giáo pháp vẫn còn giữ nguyên giá trị và luôn có sẵn dành cho tất cả mọi người. Là giáo pháp mà mọi đàn ông, đàn bà, trẻ em đều tự mình rèn luyện, nếu muốn. Tu luyện chánh niệm và hành thiền, rồi trải nghiệm những lợi ích nó mang lại. Chính vì thế chúng ta mới có mặt tại đây ngày hôm nay.
Có tiếng lầm rầm xác nhận, không khí căng thẳng loãng đi. Sau đó, Ed, trông như đang ở sân bóng bầu dục hơn là ở “chánh điện”, cho biết bác sĩ của anh nói hành thiền có thể giúp xoa dịu bệnh huyết áp của anh.
Nhà sư đồng ý:
- Đó là một trong những lợi ích đã được kiểm chứng rõ ràng của việc hành thiền thường xuyên.
Tựa như nút bấc vừa bật khỏi miệng chai rượu, những người còn lại liền rôm rả tự giới thiệu. Tôi cố gắng ghi nhớ những cái tên và giọng nói trôi qua trước mắt mình: “Đúng vậy”, “Ráng tập thiền nhưng khó quá”, “Cần thư giãn hơn”, “Nikki”, “Lo nhiều lắm”, “Có thể giúp tôi thư giãn”, “Tìm thấy mục đích sống trong đời”, “Hạnh phúc hơn”, “Cảm thấy cái gì đó thiêu thiếu trong cuộc đời mình”…
Nhà sư nói:
- Cảm ơn sự chia sẻ của các anh chị. Tôi hy vọng mỗi anh chị sẽ tìm thấy điều mình đang tìm kiếm. Chiều nay chúng ta sẽ chiêm nghiệm công cụ đầu tiên mà Đức Phật truyền cho đệ tử của Ngài – chúng tôi gọi là chánh niệm – và làm thế nào để ứng dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày và trong hành thiền. Có thể nói, chánh niệm ngày nay đang trở nên rất phổ biến.
Trong những tuần tiếp sau, chúng ta sẽ xây nền móng vững chắc bằng những quy trình đơn giản từ hành trang giáo huấn của Đức Phật, rồi chiêm nghiệm những lợi ích có được. Nhưng anh chị không cần phải ghi khắc lời tôi nói… mà hãy tự thực hiện tất cả mọi thứ.
Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười:
- Cho tôi hỏi bao nhiêu người ở đây đã tập thiền rồi?
Chừng hơn nửa số cánh tay giơ lên.
- Bao nhiêu người tập luyện hàng ngày hoặc hầu hết các ngày?
Nhiều cánh tay đưa xuống kèm theo những tràng cười.
- Vậy là hầu hết đều mới và tương đối mới với hành thiền.
Tiếng công nhận rì rầm trong nhóm, rồi Maggie, người phụ nữ xanh xao, tóc đen, mắt xanh biếc ở cuối phòng giơ tay lên.
- Mời cô. – Nhà sư mỉm cười.
- Tôi hơi thắc mắc. Người ta hay nói “hành thiền”, “chánh niệm”, rồi “hành thiền Chánh niệm”. Tôi lúng túng, chưa hiểu những khái niệm đó có nghĩa là gì, và hành thiền thật sự là gì? Hành thiền Chánh niệm khác thế nào so với hành thiền đơn thuần?
Nhà sư đáp:
- Thật là một câu hỏi hay. Để tôi giải thích. Cụm từ “hành thiền” mang rất nhiều nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Hành thiền đơn giản là suy tư hoặc chiêm nghiệm, nó cũng hàm ý nhiều kỹ thuật sâu rộng hơn như hỷ xả, hình dung có chủ đích, niệm chú – tức là khi ta lặp đi lặp lại một từ hay một cụm từ khả dĩ giúp ta đạt tới trạng thái an bình, yên ổn. Có hình thức thiền mà trong đó ta tập trung hết sức vào một đối tượng cụ thể. Và còn nhiều kiểu thiền khác nữa. Nhưng phương pháp hành thiền mà Đức Phật chỉ dạy được gọi riêng là “hành thiền Chánh niệm”. Đây là phương pháp chúng ta sẽ học và rèn luyện trong khóa tu này.
Maggie cười:
- Hồi trước tôi đã cố tập thiền rồi và tôi biết là nó rất tốt cho tôi, với lại tôi phải hành thiền thường xuyên hơn, nhưng rắc rối ở chỗ tôi thấy khó gò mình vào guồng quá.
Nhà sư đáp:
- Cô không phải là người duy nhất đâu. Rất nhiều người cảm thấy thế và tôi hiểu lắm. Chúng ta không phải lúc nào cũng làm được “điều tốt cho mình”, đúng không nào?
Cả nhóm phá lên cười. Nhà sư nói tiếp:
- Thế thì liệu có khái niệm về bổn phận trong hành thiền, về sự bắt buộc phải hành thiền không? Chúng ta cứ luôn tự nhủ, kiểu như: “Tôi phải thiền, nó sẽ giúp tôi trở thành người siêng năng hơn. Nếu thành người siêng năng hơn, tôi sẽ hành thiền nhiều hơn nữa, sẽ tìm thấy yên ổn, thậm chí sẽ trải nghiệm được nhiều trạng thái tinh thần tuyệt vời”. Chỉ cần thế thôi là đủ để biến bất kỳ ai thành kẻ hay càu nhàu, phải không nào?
Mọi người bật cười lần nữa.
- Tôi có mặt ở đây ngày hôm nay nhằm giải thích thật sáng tỏ hành thiền là gì với các anh chị. Mọi người có thiên hướng hay phức tạp hóa nó. Chúng ta không bị bắt buộc phải ngồi thiền trong phòng tối, trong im lặng tuyệt đối, có thắp nến hay đốt nhang, mặc dù có nhang, nến thì rất dễ chịu.
Thầy hướng mắt về phía chiếc bàn.
- Thật ra, hành thiền không phải mất nhiều năm luyện tập. Bất kỳ ai cũng có thể luyện. Cho nên chúng ta cứ làm từng bước một, rồi cuối khóa tu này anh chị sẽ hành thiền giống như những thiền sư.
Nhà sư cười, rồi hít một hơi thật chậm. Thầy nhìn quanh và tuyên bố:
- Tất cả hãy bắt đầu bằng chánh niệm.
Chánh niệm
- Vậy chính xác chánh niệm có nghĩa là gì?
Thầy nêu câu hỏi, rồi trả lời luôn:
- Chánh niệm vừa là danh từ vừa là động từ. Chánh niệm đơn giản có nghĩa là nhận thức hoàn toàn khoảnh khắc hiện tại – nhận thức đầy đủ ta đang cảm thấy thế nào, ta đang nhìn vào cái gì, ta đang nhìn thấy gì, nghe thấy gì và chấp nhận hoàn toàn nó là như thế, không phán xét, không so sánh, chỉ trích hay ước mong nó khác đi. Đơn giản chỉ tập trung vào sự vật hiện tượng đang xoay vần ngay trong khoảnh khắc hiện tại, ngay bây giờ, không cố thay đổi nó theo bất kỳ kiểu gì. Chánh niệm tức là ở ngay lúc này.
Nhà sư ngưng lại, rồi tiếp:
- Nghe thì chẳng có gì ghê gớm, nhưng học chánh niệm và thực hành chánh niệm là một trong những phương thức hữu ích nhất và hiệu quả nhất mà anh chị từng thực hiện – bất kỳ ai cũng có thể thực hiện. Trong những năm gần đây, y học đã nhận ra giá trị của chánh niệm và áp dụng vào rất nhiều ca trị liệu. Nhưng ta không cần phải đợi đến lúc bị bệnh mới hưởng được ích lợi của chánh niệm; thực hiện chánh niệm có thể mang lại lợi ích cho mọi người, cho bất kỳ ai.
Thầy nhìn quanh nhóm:
- Do vậy, bao nhiêu lần chúng ta đang làm việc này nhưng lại nghĩ đến việc khác, hoặc ước mong chúng ta đang ở nơi nào khác, hoặc cảm thấy lo lắng, sợ sệt không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình tiếp theo?
Thầy dừng lời và lại nhìn khắp chúng tôi. Tôi bảo đảm mọi người hiểu thầy đang nói về cái gì. Cả tôi cũng hiểu luôn.
- Khi chúng ta để mặc cho ý nghĩ của mình đi lang thang, tức là chúng ta không hiện diện ở khoảnh khắc này, chúng ta không chánh niệm. Không chừng ý nghĩ của chúng ta đang ở cách xa hàng ngàn dặm; có khi chúng ta đang phiêu bạt trong quá khứ nhiều năm trước, hoặc bơi tít tắp vào tương lai – suy tư về những việc đã xảy ra hoặc những việc có lẽ sẽ xảy ra.
Ý nghĩ của chúng ta lang bạt muôn nơi, có thể gây rắc rối và phiền toái, bất an cho ta, có thể làm cho cơ thể ta cảm thấy căng cứng. Chúng có thể khiến ta vụt lỡ mất việc thưởng thức khoảnh khắc hiện tại, bởi vì ta đang bận buồn phiền chuyện mình đã bỏ lỡ nhiều thứ và chả biết nó đã trôi qua khi nào.
Khi nhà sư giảng đến đó, tôi bỗng hồi tưởng rõ mồn một thời điểm mình đang ở Hy Lạp, đang bơi dưới làn nước biển xanh trong vắt giữa một ngày nắng đẹp, nhưng lòng buồn trĩu nặng vì kỳ nghỉ sắp hết và tôi sợ lại phải trở về. Vậy là niềm vui trong khoảnh khắc hiện tại đã bị ố nhòe bởi nỗi buồn. Những ngày nghỉ còn lại của tôi cũng đượm màu tiếc nuối.
Nhà sư giảng tiếp:
- Nhưng với chánh niệm, ta không cần phải như vậy. Khi học cách chánh niệm, ta tập trung vào những gì ta đang thật sự làm lúc này, vào ngay tích tắc này, ta trải nghiệm tính đặc trưng của khoảnh khắc hiện tại: cơn gió nhẹ mơn man phả vào mặt ta, hương hoa hồng thoang thoảng, tiếng chim hót, vị thức ăn trong miệng,… và ta thật sự đang cảm nhận tất cả.
Dĩ nhiên, rất khó mà duy trì được sự tập trung hoàn toàn như thế. Khi ta luyện chánh niệm, chẳng bao lâu sau ta nhận ra rằng biết bao nhiêu lần ý nghĩ của ta chẳng ăn nhập gì với khoảnh khắc hiện tại, biết bao lần ta bị xao lãng vì những ý nghĩ sợ hãi, lo lắng, phán xét v.v…
Nhưng chỉ cần nhận ra được như thế đã là một bước tiến tích cực, và càng tu luyện chánh niệm, ta càng kiên nhẫn đưa tâm trí mình trở về đúng khoảnh khắc hiện tại, và ta lại càng thực hiện chánh niệm một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Vui thay, không giống với hầu hết những bài luyện tập khác, chánh niệm không đòi hỏi phải có trang thiết bị, phải di chuyển hay tốn kém gì, chỉ cần ý định muốn làm mà thôi.
Nhà sư dừng lại thoáng chốc rồi giảng tiếp:
- Một trong những cách tốt nhất để đi vào chánh niệm là nhận biết cơ thể ta đang cảm thấy thế nào vào đúng khoảnh khắc hiện tại này. Vậy, chúng ta hãy thực hiện điều đó ngay bây giờ. Hãy ghi nhận cảm giác về cái gối hay chiếc chiếu thiền, hay mặt ghế gỗ bên dưới anh chị; nhiệt độ cơ thể của anh chị; có bất kỳ sự căng thẳng, đau đớn, hay nhức mỏi nào không. Chỉ cảm nhận thôi, không bình luận gì trong tâm về chúng cả.
Một khoảng dừng, thế rồi Maurice lên tiếng – tôi nghĩ anh chàng trông tự nhiên cứ như đang ở trong quán bar vậy:
- Ý thầy nói “không bình luận” nghĩa là thế nào?
Nhà sư đáp:
- Đây chính là điều tôi muốn đề cập tới. Đúng thế, anh chị đang tập trung xem cơ thể mình cảm thấy thế nào, và khi làm như thế, anh chị cảm thấy đau ở sống lưng chẳng hạn. Anh chị liền nghĩ ngay: “Ôi trời ơi, cái lưng của tôi lại giở chứng nữa rồi. Tôi mong nó đừng tệ hơn trong chiều hôm nay cơ mà. Tôi thắc mắc tại sao nó lại tái phát? Chắc tại tôi đã cố khi khiêng cái va li. Lẽ ra tôi phải cẩn thận hơn. Nếu nó đau nhức hơn nữa thì tôi phải xin cái hẹn với bác sĩ nắn xương quá. Lại tốn tiền nữa rồi, trời đất ơi! Mà tôi còn chưa trả hết thẻ tín dụng nữa kìa. Chả biết tiền của tôi cứ đi đằng nào ấy. Sao cái đất nước này tệ quá v.v…”.
Cả nhóm cười phá lên, nhưng nhà sư vẫn giảng tiếp:
- “Bình luận” là như thế đó.
Xong rồi thầy cũng cười lớn.
- Chúng ta cảm nhận ngay trong ví dụ tôi vừa nêu trên rằng bắt nguồn từ cảm giác đau lưng dây dắt tới sự trách cứ, chỉ trích bản thân – “Lẽ ra tôi phải cẩn thận hơn” – rồi tới nỗi sợ hãi điều tệ hơn sẽ xảy ra, lan qua đến mối lo về tiền bạc, sau đó lại quàng tới phàn nàn đất nước. Anh chị có thấy lời bình luận nội tại đã biến cơn đau lưng bình thường thành nhiều thứ như thế nào chưa? Tất cả chúng ta cứ luôn nghĩ ngợi miên man như thế, chả trách biết bao nỗi đau đều khởi phát từ những lời bình luận trong đầu.
- Làm sao để chúng ta không như thế nữa? – Maurice hỏi. Tôi tự hỏi anh đang kiếm sống bằng nghề gì, và tại sao lại ở đây.
Nhà sư trả lời:
- Ta tập trung vào cảm giác của mình ngay lúc này, và nếu có cơn đau, ta cảm nhận được liền, tuy nhiên đừng nghĩ về nó. Cứ để cơ thể cảm nhận cơn đau. Đừng chống lại nó. Đừng bình luận về nó. Đừng phán xét nó, cứ cho phép nó là thế, cứ ở cùng với nó.
Chánh niệm có nghĩa là mang tâm trở lại khoảnh khắc hiện tại, và việc nhận ra cơ thể mình đang cảm thấy như thế nào sẽ mang chúng ta trở về khoảnh khắc hiện tại ngay lập tức. Tập trung – tập trung thật sự – vào việc ta đang làm ngay khoảnh khắc hiện tại cũng mang đến kết quả tương tự. Nhưng đừng tập trung tới mức gồng cứng người. Chánh niệm là nhận thức, giữ mình tỉnh táo, quan tâm, cởi mở và quan sát. Chẳng hạn như, cảm nhận cây bút ở giữa hai ngón tay khi ta đang viết; cảm nhận thức ăn ở trong miệng, và nhai khi ta đang ăn; cảm nhận nước vã lên da khi ta đang tắm; cảm nhận vô lăng trong lòng bàn tay khi ta đang lái xe. Chúng ta chỉ tập trung vào cái gì đang là thật, cái gì đang diễn ra ngay lúc này, không để tâm dẫn ta đi tới nơi nào hết.
Nhà sư dừng lời một chút, nhìn quanh rồi giảng tiếp:
- Mỗi người chúng ta có một công cụ hoàn hảo để giúp mình làm điều này, để giúp mình chánh niệm. Anh chị có biết đó là gì không?
Thầy lại ngừng. Cả nhóm im lặng.
- Đó là hơi thở. Mỗi hơi thở cho chúng ta một cơ hội chánh niệm để nối kết với khoảnh khắc hiện tại.
Nhà sư ngừng lại, hít thở sâu rồi nói tiếp:
- Chúng ta chú ý cảm nhận hơi thở đi vào lỗ mũi; chúng ta cảm nhận luồng hơi mát đi sâu xuống phổi; chúng ta lại cảm nhận nó quay lên, tuôn qua lỗ mũi đi ra ngoài. Chúng ta không cố kiểm soát nó dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta mặc kệ nó – một hơi thở đẹp, êm, có tác dụng phục hồi và chữa lành.
Trong khi chúng ta tập trung vào đó, rất tự nhiên chúng ta đang chánh niệm, bởi vì hành động thở đang chiếm lĩnh chúng ta. Trong quy trình thở đó, chúng ta làm sạch tâm mình. Chúng ta cảm thấy yên ổn và cảm thấy mạnh mẽ vào khoảnh khắc này. Chúng ta đang hoàn toàn hiện diện ở đây, vào đúng lúc này.
Chúng ta cùng thực hiện nào. Hãy thực hành chánh niệm bằng việc quan sát hơi thở.
Nhà sư đợi một lúc. Chúng tôi cục cựa một chút để chuẩn bị. Nhà sư hô lớn:
- Hít vào. Cảm nhận không khí đi vào qua lỗ mũi và thâm nhập vào phổi; sau đó để ý nó trở ra ngoài.
Tôi làm theo. Chúng tôi dành ra một, hai phút hít thở. Tôi lập tức cảm thấy yên bình hơn, cảm thấy mình nối kết hơn với thực tại, và cảm thấy chạm đến sức mạnh của mình hơn. Tôi kinh ngạc trước tác động của kỹ thuật đơn giản này.
- Tại sao mình không làm thế này thường xuyên? – Tôi tự hỏi.
Mẹ tôi đã từng dạy tôi hít thở sâu trước khi tôi phải thực hiện bất kỳ thử thách cam go nào. Nhưng nó không giống với kiểu hít thở này – tâm của tôi không gắn vào hơi thở; đấy là kiểu thở gấp, lồng vào hơi thở là nỗi sợ hãi và e dè. Nhưng hít thở sâu theo cách của nhà sư mang lại cảm giác rất khác. Nó thực sự làm tôi bình tâm, và theo một cách lạ lẫm nào đó, giúp tôi liên hệ được với chính mình.
- Nếu tâm của anh chị đi lan man, cứ nhẹ nhàng đưa nó trở về hơi thở của mình. – Nhà sư nói.
Tôi nhận ra mình vừa mới ngưng tập trung vào hơi thở, bèn lại kéo tâm trở về. Khi cảm nhận không khí đi qua mũi, tôi lập tức cảm thấy yên bình trở lại, giống như được neo chặt lại.
- Anh chị cảm thấy thế nào? – Nhà sư hỏi sau vài quãng thở nữa, trong giọng thầy có pha lẫn tiếng cười.
- Tốt, tốt lắm. – Gwyn đáp.
- Tôi không thể cảm nhận được khi nào nó đi qua lỗ mũi mình. – Ed bình luận.
Nhà sư giải thích:
- Hãy cứ chú ý đến nó ở bất kỳ điểm nào cũng được. Chánh niệm là những gì bản thân ta cảm nhận, không phải những gì ta được bảo phải cảm nhận. Khi luyện tập, anh chị thấy rõ rằng sự nhận thức về hơi thở của mình thay đổi.
Cùng lặp lại nào. Chánh niệm là hoàn toàn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và cảm nhận những gì đang diễn ra ngay lúc này, không để dòng suy nghĩ bứt ta ra khỏi đó và khiến ta bị xao nhãng. Đó là “cảm nhận” mà không “bình luận”, không phán xét dưới bất kỳ phương diện nào. Cứ là hiện tại thôi.
Chúng ta có thể thực hiện bằng cách nhận biết cơ thể mình đang cảm thấy thế nào, hoặc bằng cách tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm vào lúc này. Đưa tâm trở lại khi những ý nghĩ khác xâm lấn, và trên hết, hãy đi theo hơi thở của mình.
Nhà sư hỏi:
- Chúng ta hít thở bao nhiêu lần trong một ngày? Vậy chúng ta có bao nhiêu cơ hội chánh niệm trong một ngày? Chánh niệm hơi thở là một công cụ tuyệt vời. Càng vận dụng thì nó càng trở nên sắc bén và chúng ta càng yêu quý, cũng như đề cao giá trị của nó.
Chánh niệm hơi thở dễ dàng và đơn giản đến mức một khi đã quen, anh chị có thể thực hiện bất cứ lúc nào nhớ đến nó và ở bất cứ nơi đâu. Hầu như anh chị không nhận ra mình đang thực hiện nó, mà chỉ cảm thấy mình càng lúc càng yên bình, hạnh phúc hơn, cảm thấy hài lòng về mình và về cuộc sống hơn. Chính vì thế mà nó rất đáng để ta thực tập phải không?
Nhà sư ngừng lời và mỉm cười:
- Rốt cuộc lúc nào ta cũng phải thở, thế thì tại sao ta không biến mỗi hơi thở thành một hơi thở chánh niệm. Khi làm điều đó, ta sẽ biết được cảm giác yên bình thực sự.
Ta còn có thể cảm nhận niềm vui từ nó nữa. – Thầy cười chân phương. – Ta có thể thiết lập một “hệ thống nhắc nhở” cho chính mình. Hãy biến tất cả những âm thanh ồn ào ta nghe thấy thành “lời nhắc nhở” ta thực hiện hít thở chánh niệm, hít thở đẹp, êm đềm và hồi phục sinh lực. Chẳng hạn như, khi nghe tiếng chó sủa, hãy hít vào, thở ra. Hãy đi theo hơi thở của anh chị, nhận thức về nó thực sự. Hay khi nghe thấy tiếng chuông cửa, liền hít vào, thở ra; nghe thấy tiếng còi báo động, hít vào, thở ra; tiếng của máy bay đang bay ngang qua đầu, hít vào, thở ra… cứ thế…
Phải công nhận là cuộc sống hiện đại sẽ cung cấp cho ta vô số cơ hội để luyện tập hơi thở chánh niệm! – Thầy bật cười lớn.
- Ta cũng có thể làm như vậy đối với những ý nghĩ lo lắng. Mỗi lần lo lắng nổi lên trong tâm, hãy chuyển nó thành lời nhắc nhở mình thực hiện vài hơi thở chánh niệm. Hít vào, thở ra, mặc kệ nó, mặc kệ nó; hít vào, thở ra, mặc kệ nó, mặc kệ nó. Càng thực hiện nhiều, nó càng trở nên tự nhiên và càng vun đắp thêm nhiều lợi ích cho ta.
Thiền như thế nào?
- Bây giờ, sau khi các anh chị đã chánh niệm trong từng phút giây, chúng ta có thể chuyển qua phần hành thiền Chánh niệm.
Anh chị biết đấy, hành thiền thật sự đi đôi với chánh niệm. Chúng ta dành cho mình một chút thời gian để ngồi xuống và tập trung vào hơi thở. Chúng ta làm điều này giống như kỹ thuật vừa thực hiện, nhưng với quãng thời gian dài hơn.
Bằng cách thực hiện mỗi ngày, hoặc nhiều hơn – nhiều lần trong ngày, như chúng tôi thực hiện trong tu viện, tuy nhiên tôi không khuyên điều này cho người mới học – chúng ta đang tu rèn kỹ thuật chánh niệm trong cuộc sống thường nhật. Như thế sẽ dễ dàng hơn, và ta cũng xây dựng được cái mà tôi thích nghĩ đến như là “hồ Chánh niệm”, tức là bể chứa sự yên bình và sức mạnh trong chúng ta, để chúng ta có thể đắm mình vào đó và ngâm mình trong đó bất cứ khi nào gặp phải stress hoặc khó khăn, thách thức.
Như tôi hứa với anh chị, nó rất đơn giản. Nếu ta có thể thở thì ta có thể chánh niệm; nếu có thể chánh niệm thì ta có thể hành thiền. Khi thực hiện thường xuyên, lợi ích – cả về thể xác lẫn tinh thần – sẽ luôn lũy tiến.
- Vậy thì, – Rodney hỏi, ông già này trông cứ như có hẳn một tờ báo Sunday Telegraph cuộn trong giỏ, – mục tiêu của hành thiền là gì? Là tìm yên bình phải không? Hay để hạ huyết áp?
Ông ngừng lại, sau đó biểu cảm sâu sắc trên gương mặt.
- Hay để hàn gắn thế giới?
Ông tỏ vẻ đanh thép và quan trọng, tựa như đang rà soát danh sách chung cuộc rồi xướng tên từng món lên vậy. Nhà sư cười lớn, đáp:
- Tất cả những thứ đó. Có thể lắm chứ. Nhưng mục tiêu thật sự, ông Rodney à… nếu có thứ gọi là mục tiêu trong hành thiền… thì mục tiêu đó là đạt đến trạng thái mà ta không còn cần đến mục tiêu nào nữa.
Nhà sư ngừng lại một lát. Tất cả chúng tôi im lặng. Có lẽ những người khác, cũng giống như tôi, đang cố hiểu nghĩa của cụm từ “không còn mục tiêu nữa”.
Thầy giảng tiếp:
- Ý tôi muốn nói rằng một trong những tác động của hành thiền là chúng ta trở nên nhận thức về khoảnh khắc này, thông qua việc tập trung vào hơi thở và nếm trải sự yên bình nó mang đến. Thế là ta không còn tập trung vào những mục tiêu nữa.
Có nghiên cứu ủng hộ cho khái niệm này. Các nhà khoa học khám phá ra rằng sau khi ta hành thiền khoảng chừng 20 phút, ta bắt đầu kích hoạt “não phải” hơn là “não trái”, tức là sử dụng ngôn ngữ hiền hòa hơn, ta ngưng bị kích động, không bị hướng tới mục tiêu mà trở nên an tịnh hơn, trở về với thực tại hơn, thông tuệ hơn, ít suy nghĩ lan man hơn, đồng thời trực giác, cảm xúc và sức sáng tạo của ta sắc bén hơn, an vui tự nhiên hơn. Ta càng chạm tới phần nội tại trong con người mình hơn.
- Vậy, – Rodney chất vấn đến cùng, – xin thầy cho biết phải mất bao lâu ta mới bắt đầu cảm nhận được lợi ích của hành thiền… nếu ta thực hiện hàng ngày hoặc hầu hết các ngày?
Nhà sư đáp:
- Có khá nhiều nghiên cứu về tác động của hành thiền Chánh niệm. Trong một nghiên cứu, những thay đổi rõ rệt trong não xảy ra ở những người thực hành thiền 20 phút mỗi ngày trong tám tuần. Những người này nhìn chung cũng chứng tỏ mức độ stress giảm đi, đồng thời họ vượt qua bài kiểm tra – gồm nhiều nhiệm vụ gây stress – tốt hơn so với nhóm người không hành thiền trong nghiên cứu. Hành thiền thường xuyên, mỗi ngày, cũng thể hiện tác động tốt đối với trí nhớ, biên độ chịu đựng trầm cảm và sự tập trung chú ý đều tốt hơn.
Do vậy, – nhà sư mỉm cười, – rất đáng cho ta luyện thiền. Khi bắt đầu cảm nhận được những lợi ích của nó, anh chị sẽ càng có thêm động lực thực hiện. Người ta thường hay bắt đầu hành thiền là vì họ nghe nói về những lợi ích của nó; rồi họ tiếp tục hành thiền là vì họ trải nghiệm những lợi ích ấy, sau đó họ bắt đầu nghiện hành thiền… vậy là tất cả cùng thắng.
Một khoảng dừng. Nhà sư nhìn quanh nhóm và Nikki đón lấy ánh mắt thầy. Ngay từ đầu tôi đã thầm đặt tên cho chị là “quý bà yoga” bởi vì tôi có cảm giác chị có tập yoga.
- Xin thầy cho tôi hỏi một câu? Thời gian nào trong ngày là tốt nhất để hành thiền?
- À! Bất kỳ thời gian nào phù hợp với anh chị và thuận tiện cho cuộc sống của anh chị. Dĩ nhiên, tốt nhất là lúc anh chị không bị người khác quấy rầy. Hãy thật thực tế về thời gian, vào lúc hầu như các anh chị sẽ không bị cắt ngang.
Tắt điện thoại đi, báo cho những người xung quanh hãy để cho anh chị yên bình trong 10, 15 hoặc 20 phút, hoặc bất kể quãng thời gian nào anh chị cần. Rồi trong khi đang hành thiền, nếu có tiếng ồn ào như tiếng máy bay, tiếng xe hơi, còi hụ hay tiếng nhạc thình lình nổi lên, cứ mặc kệ chúng, đừng để chúng khiến anh chị bực bội, đừng đấu tranh chống lại chúng. Trong khi hành thiền, chúng ta mở toang chính mình cho khoảnh khắc này, tức là cho tất cả mọi thứ mà khoảnh khắc hiện tại này bao trùm, bất kể là cái gì.
Dừng một chút rồi Debbie, dường như đã quên bẵng chuyện mình đi trễ, giơ tay lên hỏi:
- Tôi phải thiền bao nhiêu lần? Có bắt buộc phải luyện mỗi ngày không? Và tôi phải thiền trong bao lâu?
- Ôi, có nhiều chữ “phải” quá nhỉ? – Nhà sư trêu và cười.
Cả nhóm cũng cười lớn, Debbie đỏ mặt.
- Tôi làm nghề uốn tóc, có hai con nhỏ và nuôi một con chó, cho nên rất khó tìm thời gian. Nhưng tôi cảm thấy nếu mình có thể hành thiền hàng ngày thì tôi sẽ trầm tĩnh hơn và có thể quán xuyến công việc tốt hơn.
Nhà sư trả lời:
- Hành thiền thường xuyên tất nhiên sẽ rất hữu ích. Còn xét về khi nào và trong bao lâu thì tốt nhất hãy tùy thuộc vào thực tế và vào sự sắp xếp của chị, sao cho phù hợp với nhịp sống của chị, nhưng nên chủ ý thực hiện nó. Đấy là điều quan trọng nhất.
Nhiều người thấy từ 20 đến 25 phút là khoảng thời gian thích hợp; và theo nghiên cứu, hành thiền trong quãng thời gian đó mang lại hiệu quả nhất, đó được xem là thời lượng chung chung. Tuy nhiên, không cứng nhắc phải như thế. Có người thích thiền lâu hơn, có người lại thích thiền trong thời gian ngắn hơn.
Tôi nghĩ tới Robert. Anh thích hành thiền ít nhất 40 phút bởi vì anh thường mất khá nhiều thời gian mới đạt tới trạng thái thư giãn hoàn toàn, trong khi tôi hòa nhập khá nhanh, và thấy khó mà kéo dài hơn 15 phút.
Nhà sư vẫn tiếp tục giảng:
- Nếu anh chị là người mới, hay tương đối mới với thiền, tôi đề xuất anh chị nên bắt đầu với 10 phút để xem mình tiến triển thế nào. Nếu thấy như thế là quá lâu, thì rút xuống 5 phút, như thế vẫn có lợi. Đừng cảm thấy áp lực, đừng cảm thấy “buộc phải” thiền. Hãy cứ chú tâm vào mấy phút anh chị hoàn toàn đồng hành với chính mình, nhận biết tình trạng cơ thể mình, cảm xúc của mình, môi trường xung quanh mình v.v…
Tôi biết ban đầu sẽ có cảm giác bị gò bó vào kỷ luật và cảm thấy hơi thiếu tự nhiên. Giống như bất kỳ hình thức tập thể dục nào, luôn cần phải thực hành, luyện cho giãn “cơ bắp hành thiền”, sau đó nó sẽ dễ dàng hơn. Khi anh chị hành thiền thường xuyên, tôi nghĩ thể nào cũng đến lúc anh chị yêu thích nó. Anh chị sẽ gắn liền với nó càng lúc càng chặt hơn, và khiến nó trở thành chỗ nương náu thường xuyên của anh chị.
Sư phụ của tôi, đại tôn sư Ajahn Chah, nhà sư đã truyền Phật giáo Nguyên thủy vào phương Tây vào thập niên 1970, mô tả hành thiền như là “kỳ nghỉ cho trái tim”.
Nhà sư dừng lời, vẻ mặt ánh bừng lên niềm hạnh phúc.
- Tôi thích nghĩ về hành thiền như thế.
Sau khi dừng lời một thoáng, thầy lại tiếp.
- Hãy nghĩ hành thiền như là quãng thời gian dành riêng cho anh chị; một thứ ta dành riêng cho bản thân hàng ngày hoặc nhiều lần trong ngày. Hãy nhớ không đi nơi nào khác, không làm gì khác, hoàn toàn không có chữ “phải”.
Cả nhóm im lặng. Lời giảng của nhà sư mang lại cho tôi quan điểm mới hoàn toàn về hành thiền. Giống như Debbie, tôi phải thú thật là tôi đã nghĩ thiền như là một việc phải làm trong ngày… một dạng công việc nhà – buộc phải làm. Thiền rõ ràng rất tốt cho tôi, nhưng rất khó sắp xếp thời gian trong một ngày bộn bề công việc. Rất dễ tìm ra lý do để biện minh cho việc không thực hành nó.
Nhưng ý nghĩ về “hơi thở đẹp, có tác dụng chữa lành” thì luôn luôn hiện hữu trong tôi, cả ý nghĩ hành thiền giống như là “kỳ nghỉ cho trái tim” cũng khiến tôi cảm thấy muốn hành thiền lần nữa, ngay lúc này.
Nhà sư đang quay lại nhìn Debbie.
- Trở lại câu hỏi về hành thiền của cô, tôi đề xuất cô hãy quên đi việc phải ngồi một lúc lâu trong khoảnh khắc hiện tại. Hãy cố gắng hành thiền ٤ hay ٥ phút ở thời điểm nào đó trong ngày nếu cô có thể.
Debbie lộ vẻ bối rối.
- Nếu thậm chí như thế cũng không được với cô, thì tại sao cô không áp dụng phương pháp “khoảng ngắn và nhiều lần”? Có nghĩa là hãy chánh niệm rải rác trong ngày, hành thiền từng chút một, có khi chừng 30 giây đến 1 phút, hoặc bất cứ lúc nào cô rảnh, bất cứ lúc nào có cơ hội. Quan trọng là thật sự lưu tâm đến việc hành thiền và theo dõi xem nó ra sao. Cô sẽ ngạc nhiên khi thấy những phút hành thiền dần tăng lên trong cả ngày và cô sẽ thấy nó ích lợi cho mình biết dường nào, chỉ cần thực hành thôi.
- Ý thầy là chỉ cố hành thiền một phút thôi là cũng tốt, bất kể khi nào trong ngày ta nghĩ tới hành thiền cũng được, chứ không nhất thiết phải ngồi xuống thiền trong một khoảng thời gian nhất định, phải không thưa thầy? – Debbie hỏi.
- Đúng thế. Thật lý tưởng nếu cô có thể thực hiện theo cả hai cách kể trên, nhưng nếu cuộc sống của cô quá bận rộn đến nỗi không cho phép mình hành thiền dù chỉ năm phút, thì cô vẫn có thể mang hành thiền vào cuộc sống theo nguyên tắc “nhiều lần, mỗi lần một ít” hoặc “một phút hành thiền” như tôi nói.
- Vậy phương pháp hành thiền từng thời gian ngắn như thầy mô tả có phải là chánh niệm hay không? – Rodney hỏi.
Nhà sư đáp:
- Phải. Có thể nói là thế. Nhưng bản thân hành thiền cũng là chánh niệm. Vấn đề chỉ là thời lượng mà thôi. Tôi thật tâm khuyến khích anh chị đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày càng nhiều càng tốt. Anh chị sẽ nhận thấy lợi ích của nó.
- Xin phép cho tôi hỏi thêm một câu? – Nikki hỏi. – Một số người dọn hẳn một nơi đặc biệt trong nhà để hành thiền, với nến, nhang thắp lên và nhiều thứ nữa. Vậy những sự chuẩn bị ấy có giúp ích gì không?
Nhà sư đáp:
- Ta hoàn toàn có thể kết hợp thêm những thứ đó nếu muốn. Không gian đẹp sẽ giúp thăng hoa tinh thần và có tác dụng lắng tâm. Nhưng tôi không muốn đặt tầm quan trọng quá nhiều vào đó, kẻo anh chị sẽ bị phụ thuộc vào chúng.
Một trong những niềm vui của hành thiền Chánh niệm là bất kỳ ai cũng có thể thực hiện, ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Anh chị nghĩ xem Đức Phật, Người đã chứng đắc và phát triển giáo pháp để truyền lại cho chúng ta ngày nay, có đốt nến, thắp hương trầm hay chưng bông hoa gì không? Ngài dạy trong rừng, Ngài dạy ở ngoài đường, Ngài dạy trong những am thất nghèo nhất.
Nhà sư ngẫm nghĩ, rồi giảng tiếp:
- Anh chị có thể chánh niệm một mình ở bất cứ nơi nào mình lui tới, nó không tốn tiền chút nào hết; nó cũng không phụ thuộc vào ai hay bất kỳ cái gì ở bên ngoài. Đôi khi tôi nói với các học trò rằng “Nó giống như vũ khí bí mật của các con vậy”. Thế là tự do biết dường nào!
Điểm mấu chốt là việc tự do lựa chọn. Việc luyện tập của ta không phụ thuộc vào điều kiện cụ thể nào. Khi điều kiện thuận tiện, ta có thể tận hưởng nó và hạnh phúc; nhưng với giáo huấn này, với chánh niệm và những công cụ khác mà tôi sẽ chia sẻ với chị trong những tuần tiếp theo, chúng ta vẫn có thể hạnh phúc, ngay cả khi cuộc sống khốn khó. Đó là bí mật của giáo lý mà Đức Phật truyền dạy.
Do vậy, để trả lời câu hỏi của chị, tôi đáp là “Không”. Ta không cần bất cứ thứ gì đặc biệt để luyện tập thiền. Trong thực tế, đôi khi chúng ta viện cớ điều kiện không hoàn hảo để biện hộ một cách vô thức cho việc không hành thiền – “Ôi, chán quá, tôi hết nhang rồi, cho nên sáng nay tôi không thiền được”...
Cả nhóm phá lên cười. Một số người trong chúng tôi nhận ra khóa tu này có chiều hướng thú vị đây.
Nhà sư mỉm cười, nhìn quanh nhóm và nói:
- Vậy, chúng ta sẽ tiến hành chứ nhỉ? Hãy thực hành ngay bây giờ. Hãy tự tìm tư thế ngồi cho thật thoải mái.
Mọi người chuẩn bị an vị tại chỗ của mình. Người thì ngồi trên ghế thiền; người ngồi chiếu trải dưới đất, bắt chéo chân giống như nhà sư. Một số ngồi dạng gối hai bên chiếc nệm zafu. Tôi thử ngồi trên nệm zafu. Cũng thoải mái nên tôi quyết định cứ giữ nguyên tư thế này, hy vọng sẽ không nhúc nhích đổi thế nữa.
Bài luyện hành thiền Chánh niệm
Ngồi thẳng trên ghế hoặc chiếu thiền, giữ cột sống thẳng, đầu thẳng, cằm hơi gập lại.
Hít vào… tập trung cảm nhận hơi thở đi vào qua lỗ mũi… rồi thở ra.
Hít thở đều, nhận biết không khí đi vào rồi đi ra qua lỗ mũi.
Đếm hơi thở nếu muốn – hít vào, đếm “một”, rồi thở ra… tiếp tục hít vào, đếm “hai”, rồi lại thở ra… cứ thế.
Hoặc có thể đếm “một - hít vào” khi hít vào, và “một - thở ra” khi thở ra. Tiếp tục đếm “hai - hít vào” khi hít vào, và “hai - thở ra” khi thở ra. Cứ thế đếm đến mười. Sau đó quay trở lại đếm từ đầu, hoặc cứ tiếp tục đếm.
Khi đếm, hãy hít thở bình thường – không nín thở, hoặc kìm giữ hơi thở dưới bất kỳ hình thức nào.
Vì đang chánh niệm nên ta có thể nhận thấy hơi thở thay đổi, trở nên chậm hơn và sâu hơn. Có thể có điểm dừng ở cuối mỗi nhịp hít thở trước khi bắt đầu nhịp hít thở khác… cứ để tự nhiên.
Tiếp tục đếm. Ta có thể đếm theo chu kỳ mười nhịp, và khi đếm đến mười thì bắt đầu lại, hoặc đếm tiếp… Có người thích đếm theo cách này, có người thích đếm theo cách khác, và thường xuyên thay đổi tùy theo mỗi lần hành thiền.
Hãy thực hiện theo cách nào mà mình cảm thấy tự nhiên và bình thường… hít thở đều…
Nhà sư ngừng giảng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hành thiền. Thời gian trôi qua. Tôi cố giữ sự tập trung vào hơi thở. Đó là một trải nghiệm thú vị. Tôi không chắc đó là do tôi đang thiền chung với một nhóm người, hay đó là vì phần lớn thời gian tôi không đấu tranh chống lại tâm của mình, mà cứ việc hướng tâm trở lại hơi thở mỗi khi tôi nhận thấy nó lảng đi; tôi không tức giận với bản thân – cứ mặc kệ mọi thứ. Điểm đáng chú ý là tôi dần dần thích nó và không hề cảm thấy thời gian trôi qua thật lâu cho đến khi nhà sư gõ chuông báo hiệu kết thúc quãng hành thiền.
Không ai cử động trong một hay hai phút. Tôi nhìn khắp nhóm. Tất cả mọi người đều đang rất thanh thản và yên bình. Tôi tự hỏi họ đã thực hiện như thế nào, tâm của họ có lay động như tâm của tôi không.
- Anh chị thấy thế nào? Có ai hỏi gì không? – Nhà sư hỏi.
Tâm của tôi trống không. Mặc dù nó đã hăm hở đi lan man trong suốt quá trình hành thiền, nhưng giờ tôi lại chẳng nghĩ ra được cái gì để hỏi.
Im lặng một thoáng. Sau đó Suzi bày tỏ:
- Tôi rất muốn hành thiền và tôi hiểu nó hữu ích như thế nào, nhưng vấn đề của tôi là tôi không tập trung được. Tâm của tôi cứ lảm nhảm suốt thời gian vừa rồi.
Tôi không thể chắc chắn bản thân tôi làm khá hơn cô ấy. Và tiếng lầm rầm đồng cảm của cả nhóm vang lên khắp lượt.
Nhà sư mỉm cười.
- À, đó là bản chất tự nhiên của tâm, đúng không nào? Tâm luôn luôn là như thế. Ta không bao giờ giữ tâm yên tuyệt đối được.
Tiếng òa ngạc nhiên thốt lên trước khám phá này từ một số người trong nhóm. Tôi phải thú thật rằng tôi là một người trong số đó.
- Thật ư? – Rodney bật kêu lên. – Tôi cứ tưởng mục tiêu của hành thiền Chánh niệm là rèn cho tâm yên tuyệt đối để ta có thể an bình chứ. Chắc chỉ có Đức Phật mới làm được như thế phải không? Hay Đức Đạt Lai Lạt Ma mới làm được thôi?
Nhà sư mỉm cười, lắc đầu.
- Tất nhiên tôi không thể nói thay cho Đức Phật hay Đức Đạt Lai Lạt Ma về điều đó. – Thầy bật cười lớn. – Làm sao mà được hả, Rodney. Những suy nghĩ luôn hiện hữu, vấn đề là ta không để cho những suy nghĩ làm ta xao lãng. Ta đừng bị cuốn theo chúng, cứ đơn thuần nhận ra chúng mà không bị lôi kéo về phía chúng. Như vậy ta mới có thể tìm thấy yên bình nội tại, vượt lên những suy nghĩ, vượt lên cả những tiếng líu lo của tâm.
Ôi trời, điều này khiến tôi kinh ngạc. Thì ra những suy nghĩ không bao giờ đi hẳn, nhưng ta có thể đạt đến trạng thái không bị chúng bắt giữ… Tôi không có ý nói là ta cứ gà gật rồi ngủ luôn. Quả là một khám phá mới mẻ đối với tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy như thể mình có thể đi tới đâu đó nhờ hành thiền. Tôi cảm thấy hăng hái hẳn.
Tất cả mọi người trong nhóm đều im lặng, cứ như thể chúng tôi đang tiêu hóa cái sự khám phá rằng ý nghĩ không bao giờ biến mất. Suzi bật hỏi:
- Thưa thầy, sự khác biệt giữa hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma và… của tôi là gì? Tôi hành thiền làm chi nữa nếu những ý nghĩ không bao giờ biến mất?
Cả nhóm bật cười. Sự so sánh khập khiễng giữa Suzi tóc đỏ đầy hình xăm trên bắp tay với diện mạo bình thản của Đức Đạt Lai Lạt Ma thật quá buồn cười. Nhà sư nói:
- Chuyện là, cô Suzi à, khi cô tích lũy nhiều trải nghiệm thiền hơn thì cô sẽ nhận biết được dòng suy nghĩ của mình mà không bị cuốn theo chúng. Cô cảm thấy như mình đang là người quan sát những suy nghĩ của mình – chỉ nhìn chúng thôi, chứ không bị chúng thao túng.
Suy nghĩ xuất hiện như những đám mây trôi bồng bềnh. Ta nhìn chúng trôi qua, rồi chúng biến mất, và ta thấy bầu trời quang quẻ trở lại. Khoảng trống giữa những luồng suy nghĩ sẽ dài hơn, sự yên bình và an lạc ta cảm nhận được giữa quãng trống đó sẽ càng lúc càng sâu đậm.
Nhà sư ngừng giảng. Cứ như thầy đang mơ màng trong khi nói. Đột nhiên thầy phá lên cười, nói nhanh:
- Vào một ngày đẹp trời, đúng vậy.
Tất cả cùng cười lớn.
Rồi mọi người im lặng. Có người trông có vẻ lo lắng – tôi nhìn bảng tên thì thấy đề là Sam.
- Có điều này khiến tôi bối rối một chút. Đó là, làm thế nào biết được tôi đang hành thiền thật sự, và khi nào thì không… chỉ có… ngồi đấy thôi?
Lại xáo động, rần rần trong nhóm. Câu hỏi của anh dường như đánh trúng điểm thắc mắc của nhiều người.
- Đôi lúc tôi cũng tự hỏi như thế. – Dan tiếp lời.
Nhà sư suy nghĩ một chút, rồi nói:
- Nếu anh chị ngồi xuống với chủ ý hành thiền và nỗ lực chánh niệm thân, hơi thở và môi trường xung quanh thì đó là anh chị đang hành thiền.
Lại một khoảng yên lặng trong lúc tất cả chúng tôi tiêu hóa thông tin này.
- Nhưng xem ra chẳng có gì đang xảy ra cả. – Sam nói.
- Chúng ta hãy cùng suy ngẫm điều này nào. – Nhà sư nói. – Anh có ngồi thẳng lưng ở một nơi yên tĩnh tránh xa chỗ bị quấy rầy không?
- Có.
- Rồi anh làm gì tiếp?
- Tôi nhắm mắt lại và làm như thầy hướng dẫn… hít thở đều, nhận biết không khí đi vào và đi ra, hoặc cố… – Giọng anh trượt nhỏ đi chốc lát, rồi anh nói tiếp. – Nhưng tôi cứ suy nghĩ mông lung hoài. Cuối cùng tôi tự hỏi mình có tập được gì không đây?
Nhà sư mỉm cười.
- Như tôi vừa mới giải thích. Tất cả chúng ta đều bị những suy nghĩ len vào trong khi hành thiền, bởi vì suy nghĩ luôn tồn tại. Mà tất cả chúng ta cứ hay hành thiền trong khi tâm đang rất động. Tôi gọi đó là “hành thiền cùng với danh sách mua hàng”.
Với rất nhiều người trong chúng ta, lần đầu hành thiền không hề dễ dàng – đơn giản thì có, nhưng dễ dàng thì không. Nhưng rất đáng cho ta luyện tập, bởi vì thể nào rồi nó cũng trở nên dễ dàng, tôi cam đoan với anh chị là vậy. Ta cần tiếp tục luyện. Chẳng mấy chốc anh chị sẽ hưởng được lợi ích của nó, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Anh chị biết đấy, có hai phạm trù trong hành thiền: những gì đang diễn ra với thân thể và những gì đang diễn ra trong tâm – có thể gọi đó là con người bên trong và con người bên ngoài của ta, trong hành thiền ta tập trung vào cả thân và tâm.
Ta đặt thân thể vào vị trí thoải mái nhất và có lợi nhất cho hành thiền – lưng thẳng, đầu thẳng nhưng thư giãn, cằm hơi gập lại và mắt nhắm nhẹ nhàng, ta ngồi im lặng một khoảng thời gian. Khi hành thiền, đó là những thứ đầu tiên ta cần phải kiểm tra. Thân thể đang nghỉ ngơi; khi ta thở, tất cả các tế bào đang tái tạo, đang phục hồi, đang thay đổi và đang chuyển hóa về nhiều phương diện.
Còn đối với tâm, cứ hình dung ta đang hướng ánh nhìn vào bên trong. Mặc dù nhắm mắt, nhưng chúng ta hướng sự chú ý vào bên trong chính mình. Thường thì, hầu hết người tập thiền thích nhắm mắt lại hơn, và tôi cũng khuyến khích người mới nên nhắm mắt lại trong khi tập thiền. Như thể chúng ta đang nhìn qua đôi mắt nhắm, một cách thư thái, bình thản, hoặc như thể ta đang nhìn xuyên qua trán mình. Cảm giác giống như khi ta đang ngủ, nhưng ở đây ta không gục đầu xuống. Ta vẫn có cảm giác dịu nhẹ, nhìn thấu vào bên trong. Trong trạng thái này, chúng ta tập trung vì chúng ta đi theo hơi thở.
Những suy nghĩ tự ùa đến rồi tự biến đi, nhưng chẳng bao lâu sau, ta nhận ra mình đang suy nghĩ, ta liền hướng sự tập trung trở lại hơi thở – cứ như thế và như thế mãi. Thực hiện được như vậy một thời gian, ta bắt đầu cảm thấy như mình là người quan sát những suy nghĩ ở trong đầu.
Ta nhận ra còn nhiều thứ trong ta hơn là chỉ có thân thể và bộ não; ta cảm thấy có một phần tinh tuệ hơn, yên bình hơn, sâu thẳm hơn, mạnh mẽ hơn ẩn bên dưới tâm và những suy nghĩ của ta. Và rồi, khi điều đó xảy ra, ta không còn nghi ngờ là mình đang hành thiền. Nhưng hiện thời, hãy cứ đặt niềm tin vào những gì mình đang làm và cứ tiếp tục làm.
Nhà sư ngừng giảng:
- Như vậy đã trả lời được câu hỏi của anh chưa, Sam?
- Rồi, cảm ơn thầy. – Sam đáp.
Nhà sư ân cần nói thêm:
- Tôi cảm nhận là anh chị đang làm tốt. Hãy tin vào bản thân. Hãy tin vào quy trình thực hiện của mình. – Nhà sư nghĩ một chút rồi nói tiếp. – Hãy tử tế hơn với bản thân.
Vẻ mặt Sam kinh ngạc, trong nhóm lại lao xao.
- Tử tế hơn với bản thân? – Sam hỏi.
Nhà sư nói:
- Đúng vậy. Tôi nói nghiêm túc. Anh chị biết rằng nhiều người rất khắt khe với bản thân – tôi phải làm cái này, tôi phải làm cái kia, tôi đã xáo tung mọi thứ, tôi đã quên cái này, tôi đã bỏ lỡ cái kia. Ta nói với mình: “Trời ơi, tôi ngu quá, tôi vô dụng quá. Tôi hậu đậu quá. Tôi vô tâm quá, tôi là đồ bất tài, nếu thông minh hơn thì tôi đã không làm điều đó…”. Lời độc thoại nội tâm toàn là những lời chỉ trích và chỉ trích không ngơi.
Tiếng cười lớn nổi lên khắp nhóm. Nhiều người nhận thức đầy đủ ý nghĩa trong lời nói của nhà sư. Thầy hỏi tiếp:
- Anh chị nghĩ xem lời độc thoại có ích lợi gì không? Anh chị cảm thấy như thế nào khi ta nói những điều như thế với chính mình?
Nhà sư nhìn khắp lượt.
- Căng thẳng. – Ai đó hô lên.
- Thất vọng về bản thân. – Người khác nói.
- Những lời như thế chẳng bao giờ dẫn dắt ta đến thành công. – Ai đó nữa thêm vào.
- Chính xác. – Nhà sư chỉ ra. – Tự chỉ trích bản thân chẳng hề khơi nguồn cảm hứng cho ta cố gắng chút nào, đúng không?
- Nhưng, – Rodney nói, – tôi nghĩ những giáo lý của Đức Phật đều khuyên dạy ta tự chủ, kỷ luật để trau dồi bản thân. Tự chủ không phải là điều tốt sao? Bọn thanh niên ngày nay không hề có kỷ luật gì cả.
Nhà sư ngưng chút rồi giảng tiếp.
- Ông rất đúng, Rodney à, khi nói tự chủ là phẩm chất quan trọng trong những lời răn dạy của Đức Phật. Chúng ta cần tự chủ để đạt thành tựu trong cuộc sống và đó là một trong những lý do Đức Phật ủng hộ việc hành thiền thường xuyên. Bởi vì hành thiền giúp ta có kỷ luật, không chỉ trong hành thiền mà trong cả cuộc sống.
Nhưng đôi khi người ta quên mất hoặc không nhận ra rằng đi kèm với sự tự chủ đó là Tâm từ, điều đó cũng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của ta.
Tôi sẽ giảng giải sâu hơn về tâm từ, cùng với chánh niệm, là một trong hai cột móng trong hệ thống giáo lý của Đức Phật.
Nhiều người học giáo huấn của Đức Phật thông qua chánh niệm, đến nỗi nó trở thành câu nói cửa miệng trong đời sống thường nhật, nhưng hầu như nó không còn ý nghĩa thâm sâu nguyên thủy nữa. Bị tách ra khỏi ngữ cảnh mà cụm từ này khởi sinh thì hầu như nó không còn sức mạnh.
Tâm từ
- Vậy, tâm từ ở đây có nghĩa là gì? Và chúng ta luyện tâm từ như thế nào? Tâm từ có nghĩa là “ước mong điều tốt nhất cho…”, hoặc “có thiện chí với…”. Vậy, chúng ta luyện tâm từ như thế nào? Chúng ta biểu lộ tâm từ và thiện chí của mình trong cuộc sống ra sao?
Không ai nói gì, do vậy nhà sư tự trả lời câu hỏi của mình:
- Rất đơn giản. Chúng ta bắt đầu tử tế hơn và yêu thương bản thân mình hơn, tự nâng đỡ, ủng hộ bản thân bằng những suy nghĩ đầy thiện chí về chính mình và về những gì mình đang làm. Đó chính là những gì Đức Phật đã răn dạy và đã phát huy tác dụng hơn ٢.٥٠٠ năm qua, cho nên không có lý do gì mà ngày nay chúng ta lại ngưng làm theo lời răn dạy của Ngài.
Tôi cảm thấy kinh ngạc. Nhà sư đang nói về những giáo huấn cổ xưa của Đức Phật mà cứ như đang nói về một quyển sách bí kíp tự lực (self-help) hiện đại vậy. Nhà sư vẫn giảng:
- Anh chị biết không, mặc dù lòng tử tế, nhân từ đã được nhấn mạnh vào lúc Đức Phật còn sinh thời, nhưng những năm gần đây, người ta tập trung nghiên cứu những tác dụng của nó – nghiên cứu về tâm từ.
Ai đó cười ồ.
Nhà sư cũng cười lớn.
- Đúng vậy. Tôi không hề bịa đâu. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thấy rằng lượng serotonin (hợp chất tự nhiên trong não có tác dụng làm cho ta cảm thấy sảng khoái) tăng lên rõ rệt ở những người làm điều tử tế, cũng như ở người hưởng nhận lòng nhân từ. Không chỉ thế, họ cũng khám phá rằng lượng serotonin cũng tăng ở người chứng kiến hành động nhân từ. Đó chính là hiện tượng mà ngày nay chúng ta gọi là tình huống cả ba đều thắng.
Nhà sư mỉm cười, cả nhóm cũng mỉm cười – cứ như thể việc nghe nói về nghiên cứu đó đang thực sự làm tăng lượng serotonin trong não của chúng tôi vậy.
- Tôi khuyến khích anh chị nghiêm túc thực hành tâm từ. Nó không chỉ giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và thư giãn hơn, mà còn hỗ trợ chúng ta luyện tập hành thiền Chánh niệm – bởi vì tâm từ và chánh niệm hỗ trợ lẫn nhau, anh chị còn nhớ không?
Một cách luyện tập hữu hiệu là hãy rải tâm từ cho chính mình – cổ vũ, ủng hộ bản thân; khen ngợi bản thân; động viên bản thân… một cách chân thành… tại sao không? Ban đầu có thể anh chị cảm thấy không tự nhiên, nhưng cứ chủ ý thực hiện đi – hãy thực hành, chẳng bao lâu nó trở nên dễ dàng hơn và anh chị sẽ cảm nhận lợi ích của nó. Tôi hứa là như vậy.
Hãy bắt đầu luyện tâm từ bằng cách độc thoại, cho dù ban đầu thấy có vẻ kỳ kỳ. Hãy chú ý đến lời độc thoại của anh chị, bao nhiêu lần ta tức giận với chính mình, có lẽ ta còn tự rủa mình là “ngu như bò” hoặc buông bất kỳ lời lẽ xấu xa nào về bản thân. Hãy điềm tĩnh để ý xem, sau đó “tự huấn luyện lại” bản thân. Nhiều người đối xử với thú cưng của họ còn tử tế hơn đối xử với chính họ. – Nhà sư nói thêm, cười lớn.
Tôi tự hỏi những lời giải thích về tâm từ này đang gây xáo động như thế nào đến những người trong nhóm. Tôi nhìn lướt qua Ed – trông như vận động viên – ngồi gần như đối diện với tôi. Tôi tự hỏi anh ta đang nghĩ gì, anh ta cảm nhận nó thế nào. Anh đang lắng nghe và lộ vẻ tư lự. Thậm chí cả Rodney cũng đang trầm tư.
Chắc có lẽ nhà sư nghe được những ý nghĩ của tôi, nên thầy ngước lên và nói:
- Hãy tử tế, hãy yêu thương và cổ vũ bản thân. Hãy nhớ rằng thiện chí cũng là một cách diễn giải khác của tâm từ – thiện chí, hay ước muốn điều tốt đẹp, điều hạnh phúc, sức khỏe. Hãy ước muốn những điều đó cho bản thân. Hãy rải tâm từ cho chính mình bất cứ khi nào anh chị cảm thấy nhụt chí, trầm cảm hoặc sợ hãi, thực ra là bất cứ lúc nào.
Chúng ta sẽ học nhiều hơn nữa về tâm từ và chánh niệm trong buổi học tiếp theo, và anh chị sẽ trải nghiệm sức mạnh của chúng lên chính bản thân mình. Nhưng hôm nay, chúng ta khép buổi sinh hoạt này bằng vài phút cùng với tâm từ.
Chúng ta có thể thực hành tâm từ vào bất cứ lúc nào. Ta có thể bắt đầu hoặc kết thúc hành thiền Chánh niệm với chủ đề Tâm từ. Ta nghĩ hoặc nói những lời nhân từ, bao dung với chính mình bất kể khi nào ta chỉ trích, chê bai chính mình, sợ hãi, đau đớn hay lo lắng. Hãy cố luyện tâm từ cho bản thân, rồi xem chuyện gì xảy ra. Tôi nghĩ anh chị sẽ cảm nhận được lợi ích của nó.
Bài luyện hành thiền Tâm từ đơn giản
Ngồi xuống thật thanh thản và nhắm nhẹ mắt lại.
Hít thở một hay hai hơi trong chánh niệm. Cảm nhận không khí đi qua lỗ mũi… cảm nhận dòng khí đi vào người anh chị, sau đó lại đi ra…
Ngừng lại một cách tự nhiên trước khi hít vào một hơi khác. Cứ làm theo nhịp độ tự nhiên của hơi thở; để mặc hơi thở mà không kiểm soát nó.
Bây giờ, tự nói những lời này với chính mình: “Tôi sẽ mạnh khỏe. Tôi sẽ hạnh phúc. Tôi sẽ an toàn và thoát khỏi mọi tai ương”.
Sự yên bình và lòng nhân từ đang chữa lành những đau đớn cho ta, xoa dịu cho ta và truyền sức mạnh cho ta…
Khi sẵn sàng, hãy nhẹ nhàng đưa ý thức trở lại với hình hài này và môi trường xung quanh, từ từ mở mắt ra.
Chúng tôi hít thở đều; chúng tôi cất lên những lời từ tâm; chúng tôi cảm nhận sự yên bình.
Nhà sư nhìn quanh nhóm và mỉm cười:
- Chúng ta hãy cùng tụng bài Kinh ngắn để kết thúc buổi tập hôm nay.
Chúng tôi cầm tờ giấy, và trong một hay hai phút, tụng lên những cụm từ tiếng Pali trầm bổng lấp đầy bầu không khí phòng khách một lần nữa. Sau đó, chúng tôi lặng lẽ thu dọn đồ đạc và rời khỏi phòng.
Ôn tập
- Chánh niệm có nghĩa là tỉnh táo, ý thức những gì đang diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại.
- Để chánh niệm, hãy nhận biết thân thể đang cảm thấy thế nào: tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm, hoặc dõi theo hơi thở.
- Mỗi hơi thở đều cho ta cơ hội chánh niệm, để nối kết với khoảnh khắc hiện tại, để cảm thấy tự do, mạnh mẽ và yên bình.
- Hành thiền tức là “đi vào chánh niệm”, khoảng thời gian được dành hẳn ra để tĩnh lặng, để chú ý vào khoảnh khắc hiện tại và để hít thở với sự chú tâm.
Ứng dụng
Luyện tập chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày bằng cách:
- Đặt chuông báo thức hàng ngày để nhắc nhở bạn luyện tập.
- Chọn một hoạt động để thực hiện với chánh niệm. Ví dụ:
+ đánh răng
+ giặt đồ
+ chờ xe buýt
+ chờ tính tiền trong siêu thị
+ ăn trưa
- Hãy hành thiền Chánh niệm mỗi ngày – 5 hoặc 10 phút – nếu bạn mới bắt đầu; 15 hay 20 phút khi bạn đã quen. Bạn sẽ thấy việc ấn định thời gian là hữu ích, để không phải mất công canh chừng thời gian. Kết thúc hành thiền bằng câu nói đầy từ tâm: “Tôi sẽ mạnh khỏe. Tôi sẽ hạnh phúc. Tôi sẽ an toàn và thoát khỏi mọi tai ương”. Hãy cảm nhận bình an và sự thoải mái.
- Chú ý theo dõi lời độc thoại của bạn. Hãy bao dung, tử tế và động viên bản thân; đừng dìm bản thân xuống.