Đầu giờ chiều một ngày Chủ nhật đẹp trời, một nhà sư Phật giáo đứng trước cửa nhà tôi. Thầy cao tầm trung bình, cơ bắp cuồn cuộn, mặc chiếc áo cà sa nâu sồng. Tấm áo quấn quanh vai và hông kiểu như áo choàng, thả xuống tới nửa ống quyển.
Tóc thầy cạo sạch, cả râu cũng vậy. Thầy đi đôi xăng đan bằng da. Một cái bình bát lớn bằng kim loại đựng trong tay nải quàng qua vai. Tôi biết đó là món đồ sở hữu duy nhất của thầy, dùng để khất thực cho hai bữa sáng và trưa mỗi ngày, phải ăn trước giờ ngọ.
Tôi ngần ngừ, cố cưỡng lại bản năng thúc giục mình phải bắt tay thầy; nhưng vì tôi biết nhà sư xuất gia quy y như thầy không được phép có những đụng chạm thể xác, nhất là với phụ nữ, cho nên tôi mỉm cười; và trong tích tắc cảm hứng, tôi chắp hai bàn tay lại và nói: “Xin mời thầy vào nhà”.
Không phải ngày nào tôi cũng đón một vị khách như vậy. Nhà sư đến để truyền giảng cho nhóm người chúng tôi về “Chánh niệm, hành thiền và làm sao để tìm thấy hạnh phúc, tự do, yên bình”.
Những buổi thuyết giảng như thế này xuất phát từ ý tưởng của chồng tôi, Robert. Vài năm trước, khi cảm thấy cuộc đời cam go quá, anh bèn đến viếng một thiền viện Phật giáo cách nhà mấy dặm để học cách hành thiền. Thế rồi anh nhận ra việc học này rất hữu ích. Nó thật sự thay đổi cuộc sống của anh. Mọi người đều nhận thấy anh trở nên thư thái và hạnh phúc hơn. Chính vì vậy mà Robert mới nảy ra ý tưởng mời một nhà sư đến giảng đạo cho một nhóm người ngay tại nhà tôi.
Robert liên lạc với các nhóm Phật tử địa phương, cùng các bạn bè thân hữu – bất cứ ai có ý định học về chánh niệm và hành thiền. Thông điệp được lan truyền, Robert còn phát tờ bướm mời bất kỳ ai mà anh nghĩ là có quan tâm. Trước đó tôi không thể ngờ lại có nhiều người tham gia đến vậy.
Thế rồi tất cả chúng tôi có mặt tại nơi đây. Cứ như ai cũng ham tìm hiểu về hành thiền Chánh niệm vậy. Người nào đó biết cách hành thiền, thì chắc chắn người ấy phải là một nhà sư Phật giáo – ngày nào họ cũng bỏ ra ba, bốn tiếng hành thiền đấy thôi. Hành thiền đã có tác dụng tốt đẹp đối với Robert, chúng tôi hy vọng nó cũng sẽ giúp cho nhiều người khác. Đương nhiên, tôi háo hức muốn tìm hiểu sâu hơn về nó, nên tôi mới ủng hộ ý tưởng này chứ kỳ thực trong lòng tôi có chút hoang mang.
Hoang mang? Đúng thế. Tôi thừa nhận là mình có hoang mang. Tôi vốn có kinh nghiệm nhất định liên quan đến việc quy tụ những nhóm người. Quý vị biết đấy, tôi vốn lớn lên và được học đạo trong một trung tâm dòng phái do chính ông bà, cha mẹ tôi điều hành. Tôi cũng làm việc ở đó nhiều năm trước khi rời đi. Thực tế, tôi viết được hai quyển sách dạy nấu ăn chuyên sâu là nhờ những công thức chế biến món ăn tôi tự nghĩ ra trong khi làm việc tại bếp ăn ở nơi ấy. Cuối cùng, vì nhiều lý do, tôi đã cất bước ra đi – rời xa trung tâm gắn kết tâm linh, rời xa luôn bất kỳ tư tưởng nào có dính dáng đến “tôn giáo”; cũng từ đó, rất tự nhiên, trong tôi hình thành bản tính thận trọng về việc gia nhập bất kỳ nhóm hội nào.
Thế tại sao hôm nay tôi lại có mặt ở đây? Tại sao tôi lại giúp sức tổ chức nhóm hành thiền này? Tôi sẽ làm gì với một nhà sư hiện diện ngay trong nhà mình? Quả là những câu hỏi thú vị! Kỳ thật, tôi làm vì tình yêu tôi dành cho Robert, bởi vì tôi biết việc này có ý nghĩa rất lớn đối với anh. Dù sao tôi vốn có thiên hướng theo đạo chứ không hề “mộ đạo”. Tôi tin là hành thiền có thể bồi bổ cho ta cả về thể xác lẫn tinh thần, vì vậy mà tôi sẵn sàng thử một phen.
Đó là lý do tại sao ngay khoảnh khắc này, tôi đang đứng cách một nhà sư Phật giáo có vài bước chân, lóng ngóng không biết phải nói gì với thầy và phải hành xử ra sao.
Do đã tự tin giao tiếp với các nhà sư, Robert liền lãnh ấn tiên phong. Mặt trời dần lên rực rỡ, nhóm học viên sẽ đến ngay thôi, anh mời sư thầy đi dạo trong vườn trước khi buổi giảng bắt đầu.
Chúng tôi băng qua hành lang, rảo bước ra ngoài trời ấm áp. Tôi phải thú nhận rằng chính sự giản dị và phóng khoáng của thầy đã tạo ấn tượng mạnh cho tôi. Thầy đã tự nguyện dành thời gian của mình đến nhà chúng tôi, không nhận thù lao, để truyền dạy đạo pháp cho nhóm người không biết tí gì. Tôi rất biết ơn thầy.
Trong khi dạo trong vườn, thầy trở nên hoạt bát dần. Thầy quan sát cây cỏ xung quanh. Thầy nói chuyện tự nhiên và trôi chảy khiến tôi cũng thoải mái dần lên khi nói chuyện với thầy.
“Ồ, A Di Đà Phật”, thầy bật thốt lên câu niệm khi phát hiện ra một cái cây xanh tốt leo khắp bức tường bên hông ngôi nhà. “Thế này cần nhiều công để tỉa chúng lắm nhỉ?”.
Thầy giải thích rằng thầy đã từng là thợ làm vườn trong nhiều năm trước khi đi vào con đường tu hành; còn cha của thầy, 90 tuổi, đang sống ở một nơi cách xa tu viện của thầy, và thầy thường xuyên đón xe buýt về thăm cha. Tôi không ngờ một nhà sư đạo Phật lại bình dị, đời thường đến vậy.
Tôi nhìn đôi mắt tinh anh, gương mặt rám nắng của thầy và nghĩ không thể ngờ ở độ tuổi này thầy lại đi xe buýt bằng vé tháng. Mái đầu xuống tóc nói lên rất nhiều điều. Phải chăng cuộc sống tu viện bắt buộc phải cạo đầu như vậy?
Chúng tôi quay trở vào trong nhà, qua lối đi lúc nãy và vào phòng khách. “Ô, căn phòng đẹp quá!”, nhà sư khen khi bước vào phòng.
Tôi mừng vì thầy hài lòng. Cả buổi tối hôm qua chúng tôi đã dọn dẹp để biến căn phòng thành nơi hành thiền, hay “chánh điện” như lời nhà sư gọi nó. Chúng tôi mang hết bàn ghế ra ngoài, thay bằng hoa và nến, lại có cả một bát nhang.
Chúng tôi đem ghế từ phòng ăn vào xếp thành hình ovan ở bên ngoài phòng khách, để chừa chỗ rộng rãi cho những ai thích ngồi zafu(1) dưới sàn.
(1) Zafu là đệm ngồi thiền, hình tròn, nhồi chắc bông, giống như chiếc ghế nệm nhỏ, thường đặt lên trên nệm hoặc chiếu dùng để ngồi hành thiền.
Ở cuối phòng, chúng tôi trùm một tấm màn đỏ lên trên lò sưởi, làm chỗ đặt hai bình bông lớn cắm cây sơn hoa mai màu trắng hái từ vườn nhà. Bức màn rủ hẳn xuống mặt trước lò sưởi bỏ trống; một chiếc bàn vuông lớn màu đồng thau có mặt kính kê tựa vào tấm màn, tạo phông nền cho bức tượng Phật cao bằng gỗ chúng tôi thỉnh về từ Sri Lanka – niềm tự hào của Robert.
Tôi dẫn nhà sư tới chỗ thầy ngồi thuyết giảng ở cuối phòng, bên phải “chánh điện”, đối diện với cửa ra vào. Thầy ngồi lên nệm zafu trên chiếu thiền mà tôi đã chuẩn bị sẵn cho thầy, bắt chéo chân lại. Tôi hỏi thầy muốn uống trà hay cà phê. “Cho tôi tách trà”, thầy đáp, “trà đậm nhưng đừng cho sữa bò. Cô có sữa đậu nành không?”.
Có chứ. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ, bởi vì tôi được dặn trước về giới luật của nhà sư Phật giáo Nguyên thủy, thầy không được phép ăn sau giờ ngọ và thường không dùng sữa bò. Còn sữa đậu nành thì được xem như là “vị thuốc” nên được phép dùng. Tôi biết thế nên không hỏi gì thêm.
Tôi bất giác mỉm cười một mình, bởi vì tôi biết một số người dù không đi tu nhưng cũng xem sữa đậu nành như là thuốc do cái vị ngai ngái của nó. Tuy nhiên, không có tôi trong đó. Tôi không uống sữa, bất kỳ sữa gì, với trà hay cà phê, tôi dùng sữa đậu nành thay vì sữa bò để nấu ăn.
Nhà sư chưa dứt lời thì chuông cửa reo lên – những người đầu tiên đã tới. Đứng trước cửa, một ông cao tên là Tim, tóc đen cắt ngắn, điểm bạc hai bên thái dương, quấn hờ dải khăn lụa quanh cổ; một phụ nữ nhanh nhẹn, tóc ngắn nhuộm đỏ, vuốt keo chĩa dựng, tự giới thiệu tên là Suzi. Cả hai ôm theo gối nệm, thảm và chiếu hành thiền.
Tôi chỉ cho họ chỗ cất túi xách, chỗ đi vệ sinh, chỗ nhận bảng tên phù hiệu do tự tay tôi làm tối qua, và lối đi vào phòng hành thiền. Vừa lúc đó, một thanh niên trông bẽn lẽn, nước da xanh tái đeo kính cận bước vào, tự giới thiệu là Sam. Tôi chỉ anh chàng chỗ dựng xe đạp. Sau đó, tôi đi pha trà cho nhà sư.
Chuông cửa lại reo lên lần nữa. Thêm nhiều người tới và lần này Robert đón họ. Lúc mang trà cho nhà sư ngang qua hành lang, tôi gặp họ đi vào. Có Dan, một thanh niên khá điển trai, tóc sậm màu, mặc quần jeans; một phụ nữ tóc dài để thẳng, màu nâu bóng, lát sau tôi biết cô tên là Nikki. Cô mặc quần legging màu kem, áo hai dây xệ hẳn một bên vai, trông như vừa tan lớp yoga dành cho các “bà mẹ bỉm sữa” về – tôi hy vọng cô ấy đến đây là đúng chỗ.
Quay trở lại hành lang, tôi gặp thêm nhiều người nữa – một anh gầy, cao lêu nghêu, chìa tay ra tự giới thiệu là Maurice, mái tóc quăn màu nâu đồng cùng đôi mắt kính đa sắc, trông như thành viên ban nhạc rock. Tôi thắc mắc không biết anh này có cất đàn guitar trong xe hơi hay không.
Tôi nhận ra trong lượt người mới tới có Pam, một phụ nữ cao, tóc vàng rực bới cao gọn ghẽ, để mái dài cắt ngang trán; cặp vợ chồng Rodney và Joan; còn đâu hầu hết những người khác tôi không biết. Lại thêm đợt người nữa tới; tôi không kịp dõi theo hết, không còn nhận biết thời gian, cũng không còn nắm bắt nổi diện mạo, cử chỉ của ai. Tôi bỗng dưng hoảng hốt “Liệu căn phòng chúng tôi chuẩn bị có đủ chỗ cho tất cả hay không?”.
Tôi cố nhớ tên và ghi nhớ gương mặt của họ. Nào là Ed, cơ bắp, làn da hồng hào, trông như dân thể thao. Một phụ nữ nhợt nhạt, tóc đen tên là Maggie, đôi mắt xanh biêng biếc, trông khoảng độ tuổi 30; rồi tới Gwyn, phong thái điềm tĩnh và thư thả, mặc áo lụa màu hồng đậm, mái tóc bạch kim không tì vết, đeo bông tai hình trái lê.
Trong chớp mắt, khoảng mười lăm đôi giày với xăng đan xếp ngay ngắn ngoài cửa phòng khách của chúng tôi, ai nấy ngoại trừ tôi đều đã ngồi trên ghế hay dưới sàn, lót đủ mọi kiểu gối, nệm, thảm và zafu, thậm chí có cặp còn ngồi loại ghế xếp bằng gỗ, thấp, gọi là tọa cụ hoặc ghế thiền, chuyên dụng cho hành thiền. Rõ ràng họ rất nghiêm túc và biết việc mình đang làm.
Tôi nhìn bảng tên còn sót lại trên tay đề “Debbie”. Tôi không biết cô này. Lòng tự hỏi cô ấy có đi hay không. Tôi vừa ra quyết định bắt đầu cho dù có cô ấy hay không, dù gì chúng tôi đã trễ 5 phút rồi, thì chuông cửa thánh thót vang lên, Debbie hiện ra nơi ngưỡng cửa, hơi ngượng ngùng, mái tóc xoăn thưa thớt màu vàng sậm rối tung.
- Xin lỗi tôi đi trễ. Tôi phải đưa bọn trẻ đến nhà mẹ tôi trên đường tới đây, sau đó tôi lại quẹo nhầm ngã rẽ trên đường cao tốc.
- Không sao đâu, – tôi đáp, – chúng ta vẫn chưa bắt đầu. Đừng lo, tôi mừng là cô tới.
Tôi chỉ chỗ đi vệ sinh, trao phù hiệu cho cô. Xong xuôi, chúng tôi cùng bước qua cửa để vào “chánh điện”. Tựa hồ đó là nơi ẩn náu an bình, tất cả mọi người đang ngồi yên lặng như đã nhập thiền. Debbie tới chỗ chiếc ghế cuối cùng, tôi ngồi xuống chiếu thiền của mình, cố không giẫm trúng chân ai trong khi đi.