Tám giờ sáng. Lincoln Rhyme đẩy xe tới gần một trong những màn hình độ phân giải cao trong phòng khách nhà mình. “Chiếu đi.”
Mel Cooper gõ và một đoạn phim xuất hiện.
Đoạn phim ghi lại từ một camera chĩa vào cổng bốc dỡ hàng hoá chìm nằm đằng sau toà nhà có văn phòng của Patel. Đoạn dốc xuống cầu bốc hàng dẫn lên phố 46.
Lúc 12 giờ 37 phút chiều hôm đó, theo giờ ghi trên băng, cánh cửa ấy bật mở và một người đàn ông có mái tóc đen dày, đầu cúi gằm và mặc áo khoác đen đã vội vã đi xuống cầu thang và trèo lên con dốc ra phố. Khuôn mặt anh ta không thấy rõ nhưng có vẻ như đó là người Ấn Độ - điều này khá hợp lý nếu thực sự anh ta là một cộng sự của Patel. Anh ta gầy gò, chiều cao khiêm tốn nếu căn cứ vào thùng rác mà anh vừa chạy qua. Không thể xác định tuổi tác chính xác nhưng ấn tượng để lại thì anh ta còn trẻ, có khi mới ngoài hai mươi.
“Anh ta bị thương,” Sachs nói.
Anh ta đang ôm chặt bụng. Khung hình dừng lại cho thấy một góc thứ gì đó màu sáng giữa hai ngón tay, có lẽ là chiếc túi giấy đã bị bắn. Cooper bật nút Play, chàng trai trẻ lại chạy tiếp, ra khỏi màn hình.
Kỹ thuật viên nói, “Còn đây là đoạn thứ hai.”
Đoạn phim trên phố 47, một chiếc camera gắn trên cửa sổ tiệm trang sức bên cạnh toà nhà của Patel. Lúc 12 giờ 51, một người đàn ông mặc áo khoác ngắn màu xanh hải quân hoặc màu đen và quần thụng đen, đội mũ len đi ngang cửa hàng. Không thể trông thấy mặt hắn, hắn đang quay đi hướng khác. Bàn tay trái của hắn cầm một chiếc cặp táp; tay phải nhét túi quần.
“Cầm vũ khí chăng?”
“Có thể,” Sachs trả lời Rhyme.
“Và một cái nữa,” Cooper nói. “Cách hai nhà theo hướng tây trên phố 47. Một phút sau đó.”
Lại người đàn ông ấy bị camera của một cửa tiệm kim hoàn khác tóm được. Đầu hắn đang cúi và lại quay đi, hắn đang nghe điện thoại.
Sellitto lẩm bẩm, “Thằng khốn đó biết hắn đang bị Camera chìm soi. Nhìn đi chỗ khác.”
Sachs nói, “Chiếu lại lần nữa đi. Phóng to chỗ cái điện thoại.” Cooper làm theo nhưng chẳng ích gì. Họ không thể nhìn thấy chi tiết gì cả. “Định vị số từ các trạm thu phát sóng được không?”
“Ở quận Nhà hát và Quảng trường Thời đại trong một buổi chiếu cuối tuần ư?” Sellitto bắn cho anh ta cái nhìn cau có. “Dồn khoảng năm mươi cảnh sát kiểm tra hồ sơ trong một tuần thì xong, này, tôi ủng hộ đấy.”
“Chỉ là một ý thôi mà.”
“Chúng ta biết rằng nhân chứng còn trẻ, là nam giới, tóc đen.
Da sậm màu, có thể gốc Ấn. Áo khoác đen hoặc xanh đen. Quần thụng đen.”
Cô nói tiếp, “Và cậu ta đi lại được. Dù các mẩu đá vụn đã làm cậu bị thương ra sao thì có vẻ như nó không quá nghiêm trọng.”
“VL bí ẩn của chúng ta ư?” Sellitto hỏi. “Có thể,” cô trả lời.
Có thể. Có lẽ. Không nhất thiết.
Chuông cửa reo và Rhyme nhìn vào hộp thoại nội bộ.
Anh và Sachs liếc về phía nhau. Cô hỏi, “Người của bên bảo hiểm à?”
Cô đã gọi cho đại diện ở New York của công ty bảo hiểm chỗ đá quý. Anh chàng Llewellyn Croft lạnh lùng đã báo trước tổn thất với công ty và điều tra viên phụ trách khiếu nại đề nghị qua gặp họ ngay tối nay, dù giờ đã muộn.
Rhyme cho là một tổn thất trị giá năm triệu đô đáng làm động lực lắm chứ.
“Cho anh ta vào,” anh bảo Thom.
Một lát sau, viên trợ tá dẫn một người đàn ông vào phòng khách. Anh ta gật đầu chào họ và chớp mắt hai lần khi quan sát các dụng cụ khám nghiệm. “Ái chà,” anh ta khẽ thốt lên.
Tên anh ta là Edward Achroyd, chuyên viên điều tra cấp cao của hãng Milbank Assurance, trên phố Broad, hạ Manhattan.
Mọi thứ ở anh ta đều trung bình. Chiều cao, cân nặng trung bình, mái tóc được cắt tỉa gọn gàng màu kẹo bơ cũng không dày không mỏng. Ngay cả cặp mắt anh ta cũng có màu nâu hạt dẻ, một tông màu vừa không khác thường lại càng không nổi bật. Tương tự, tuổi anh ta cũng ở vào quãng giữa của trung niên.
“Thật là một thảm kịch khốn khổ,” người đàn ông nói bằng trọng âm hẳn phải tuôn ra từ lưỡi của một phát thanh viên của đài BBC10, Rhyme tưởng tượng. “Jatin Patel… bị sát hại. Và cả đôi vợ chồng kia nữa. Toàn bộ tương lai đang ở phía trước họ. Bị huỷ hoại.”
10 BBC là viết tắt của British Broadcasting Corporation - Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland
Ít nhất phản ứng đầu tiên của Ackroyd là về sự mất mát sinh mạng, chứ không phải những viên đá.
Thom nhìn áo choàng màu be của Ackroyd. Người đàn ông đang mặc một bộ complê màu xám, kèm cả áo gilê, một điều hiếm thấy tại nước Mỹ ngày nay. Áo sơ mi anh ta được hồ cứng, có vẻ như cả cà vạt cũng vậy, mặc dù đó hẳn là do tưởng tượng của Rhyme thôi. Nếu nhìn vào bộ quần áo trang trọng và xem giờ, có thể người ta sẽ đoán anh ta vừa bị cắt ngang ở một bữa tiệc tối xa hoa nào đó hoặc một đêm tại nhà hát. Anh ta có đeo nhẫn cưới.
Màn chào hỏi diễn ra. Anh ta chỉ thoáng phản ứng với tình trạng của Rhyme – mà ngạc nhiên hơn với máy sắc ký khí/khối phổ cỡ lớn ở góc phòng – và khi Rhyme đưa bàn tay còn cử động được ra, tay bên phải, Ackroyd đã nắm lấy nó thật chặt, dù rất cẩn thận.
“Mời anh ngồi nhé?” Sachs hỏi.
“À thôi, cảm ơn cô, Thanh tra. Tôi không ở lại lâu được. Chỉ muốn tự giới thiệu thôi.” Anh ta nhìn quanh. “Tôi lại tưởng… tôi cho là một đồn cảnh sát cơ.”
Sellitto nói, “Chúng tôi tiến hành vài cuộc điều tra từ đây. Lincoln từng là trưởng phòng Khám nghiệm hiện trường, giờ anh ấy là cố vấn.”
“Đúng hơn là Sherlock Holmes của riêng chúng tôi.”
Rhyme nở nụ cười nửa miệng mệt mỏi. Anh đã nghe thấy câu ví von này dễ có đến năm trăm lần.
“Tôi từng là Cảnh sát Thành phố - Scotland Yard - trước khi ra làm tư.” Một lần nữa để mắt tới thiết bị kia. “Đồ ổn đấy nhỉ. Lại còn trong một tư dinh.” Anh ta bước tới chỗ máy sắc ký khí và nhìn vào nó đầy ngưỡng mộ.
Rhyme nói, “Cũng mất vài năm mới mang được hết về. Chúng tôi có thể làm các thử nghiệm cơ bản ở đây. Nếu có gì phức tạp thì chúng tôi sẽ chuyển đi.”
“Đôi khi các anh cũng chỉ cần những điều cơ bản thôi,” Ackroyd nói. “Nhiều dữ kiện thì lại quá nhiều đầu mối. Kiểu sa lầy vào tiểu tiết, phải không nào?”
Rhyme gật đầu. Anh cảm thấy có chút đồng điệu với nhân viên hãng bảo hiểm này. Cựu cảnh sát, rồi trở thành người gần giống như anh, một thám tử tư.
Không, một cố vấn thanh tra.
Như Sherlock Holmes đã tự mô tả mình.
Sellitto hỏi, “Anh có biết ông ta không? Patel ấy? Hay ai đó làm việc cho ông ta?”
“Không, nhưng tất nhiên là tôi có nghe về ông ta. Tất cả mọi người liên quan đến giới kim cương theo bất kì cách nào cũng đều biết. Jatin Patel là một thợ cắt kim cương – anh có biết thuật ngữ này không?”
“Không.”
“Nó chỉ bất kì ai trong những người tham gia vào quá trình sản xuất hay cắt kim cương. Trong trường hợp của ông ấy nó mang nghĩa là một thợ cắt kim cương bậc thầy. Ngày nay hầu hết kim cương đều được chế tác tại Ấn Độ, một phần nhỏ ở Antwerp, phần nữa ở Israel. New York từng là một trong những trung tâm như vậy. Giờ nó đã thu hẹp lại nhiều nhưng các nghệ nhân còn lại ở đây vẫn là những người đỉnh của đỉnh. Và Patel nổi hơn cả.”
Sachs hỏi, “Điều gì làm ông ta giỏi đến thế?”
“Để giải thích tôi phải kể cho cô nghe đôi điều về ngành này.” “Sao lại không nhỉ?” Sellitto nói.
“Để biến một viên kim cương thô thành sản phẩm hoàn chỉnh, có năm bước tất cả. Định hình - kiểm tra viên đá thô để tìm ra cách tối đa hoá kích cỡ, chất lượng và lợi nhuận. Kĩ năng thứ hai là tách - đập viên kim cương theo thớ của nó bằng một cái búa sắc. Đôi khi các thợ cắt phải nghiên cứu viên kim cương cả tháng trước khi đập nó. Chỉ một lần sơ sẩy là bạn có thể mất hàng triệu đô trong một phần mười giây.”
“Nhưng,” Sellitto chen vào, “tôi tưởng kim cương không thể đập vỡ được.”
Ackroyd lắc đầu. “Thực ra đó là một sự hiểu lầm, Thanh tra ạ. Kim cương là vật chất cứng nhất trong tự nhiên trên Trái Đất, đúng, nhưng “cứng” ở đây tức là không thể bị xước thôi. Trên thực tế, chúng cực kì dễ vỡ. Anh có thể đập vỡ một viên kim cương bằng cây búa dù nó chẳng có tí tác dụng nào với một mảnh thạch anh cả. Vậy nên, như tôi đang nói: Bước một, định hình. Bước hai, tách lấy. Bước thứ ba là xẻ - tức dùng dao laze hoặc dao cắt kim cương để cắt viên đá ngược với thớ của nó thành hình dạng mong muốn. Bước bốn là bóc – đặt viên đá trên giá và xoay cho nó cọ vào một viên kim cương khác hoặc đôi khi dùng dao laze để tạo hình tròn. Đó là cách tạo ra hình dạng phổ biến nhất: những viên kim cương tròn. Kĩ thuật cuối cùng là mài các mặt hình học cho viên đá. Nó được gọi là tạo mặt hay đánh bóng.”
Rhyme đoán công việc của nhân viên bảo hiểm nhìn chung không thể toả ra từng này nhiệt huyết. Nhưng anh đã bắt đầu nghĩ về ngành kim cương hơi khác so với những ngành khác, nhiều đam mê và ám ảnh hơn.
“Giờ, về Jatin Patel. Gần như tất cả những nghệ nhân cắt kim cương trên thế giới ngày nay đều dùng máy tính cho chín mươi phần trăm công việc của họ. Chắc chắn những viên đá được sản xuất hàng loạt cho thị trường tiêu dùng cấp thấp đều được định hình, cắt và đánh bóng tự động. Điều đó cũng đúng với rất nhiều, nếu không muốn nói là gần hết, các viên kim cương hàng đầu. Nhưng còn ông Patel? Ông ta tự mình làm tất cả, bằng tay. Những viên kim cương của ông là những viên tốt nhất anh chị có thể tìm được. Cái chết của ông ta là một tổn thất to lớn. Về phương diện nghệ thuật, đây giống như Picasso hay Renoir vừa bị giết vậy. Nào, thưa anh…”
“Lincoln là được rồi. Thật đấy.”
“Được, Lincoln. Tất nhiên rồi, hiện nay ông Croft đã chính thức thông báo với công ty tôi về tổn thất của những viên thô Grace- Cabot. Theo chính sách công ty, nếu những viên đá này không được thu hồi lại trong vòng ba mươi ngày, chúng tôi sẽ phải chi trả giá trị bảo hiểm, gần năm triệu đô la. Công ty tôi rõ ràng sẽ mong tìm lại được chỗ đá quý trong thời hạn ba mươi ngày đó. Và tôi hi vọng là chúng ta làm được. Nhưng nếu không thể và số tiền bồi thường đã được trả, chúng tôi sẽ trở thành người được gán nợ. Các anh biết khái niệm đó chứ?”
Mel Cooper kể, “Hồi mười lăm tuổi, tôi bị một cái xe đẩy chở hàng siêu thị mất phanh va phải. Bị khâu mấy mũi và vỡ mắt cá chân.” Mắt anh ta vẫn dán vào màn hình. “Công ty bảo hiểm trả tiền cho tôi rồi họ kiện cửa hàng nọ. Họ thế vào chỗ của tôi.”
Câu chuyện lạc quẻ này rất khó chịu và Rhyme lừ mắt. Dường như không ai chú ý tới.
“Chính xác. Và tôi rất tiếc vì rắc rối của anh.” Ackroyd có vẻ cảm thông chân thành.
“Chuyện lâu lắm rồi.”
“Trong trường hợp gán nợ, sau khi chúng tôi đã trả tiền, Milbank, công ty của tôi, sẽ tiếp tục cố gắng thu hồi lại tài sản bị mất cắp, và bán chúng. Tự hoàn tiền cho chính mình trong quy trình đó. Vì vậy, rõ ràng là các anh và công ty có chung mối quan tâm trong việc tìm lại những viên kim cương. Và, cá nhân tôi thì…” Giờ ông ta đang nói với giọng đôi chút giận dữ. “… Tôi mong được chứng kiến tên trộm vào khám mãi mãi. Các vụ trộm kim cương cũng có mặt đàng hoàng của chúng. Bạo lực theo mọi cách đều rất hiếm xảy ra. Như vậy là chơi không đẹp. Lại còn giết người? Không thể tưởng tượng nổi. Vậy nên tôi sẽ giúp các vị bằng mọi cách có thể. Tôi hân hạnh được phục vụ. Và để đến đích đó, tôi đã tìm được một điều có thể hữu ích.”
Một cuốn sổ xuất hiện từ túi trong của áo khoác và những ngón tay được cắt sát thịt của ông ta lật giở nó. “Ngay khi ông Croft gọi cho sếp tôi và tôi được chỉ định cho vụ này, tôi đã bắt đầu lân la dò hỏi. Một tay buôn từng giúp tôi trong quá khứ, anh chàng sống ở Amsterdam, nói rằng anh ta đã nhận được một cuộc gọi từ một người ở New York vài giờ trước đó, đề nghị bán mấy viên thô. Hắn nói tổng cộng chỗ đó khoảng mười lăm cara, tương đương chỗ kim cương Grace-Cabot. Tay bán lẻ ngần ngại – anh ta chưa đủ tầm tiêu chừng đó tiền – nhưng vẫn lấy số, phòng hờ cho tương lai. Số đó đây.”
“Mel?” Rhyme hỏi.
Kỹ thuật viên ghi lại từ cuốn sổ Ackroyd đang trưng ra và gọi điện ngay. Anh nói chuyện với chuyên gia của họ ở Phòng tội phạm máy tính. Rồi Cooper chờ máy trong chốc lát. Sau cuộc nói chuyện thứ hai, anh tắt máy. “Kẻ đã gọi cho bạn anh ở Amsterdam dùng một số điện thoại ẩn danh cắm SIM đổi vùng ở New York mà giờ không còn hoạt động nữa. Có thể đã bị huỷ hoặc hết pin. Họ sẽ giữ số đó trong danh sách báo động, nếu nó lại lên sóng.”
Không có lí do chính đáng để xin lệnh bắt, Rhyme suy nghĩ. Nhưng nếu nó đúng là điện thoại của Nghi phạm 47 và dần dà hắn phải bật nó lên, họ sẽ có thể định vị và tới thăm hắn.
“Tốt lắm. Chúng tôi đánh giá cao thông tin đó,” Sellitto nói. “Chúng tôi cũng đang thắc mắc tên trộm có thể rao bán đống kim cương ấy ở đâu. Tôi đang nói chuyện với vài thanh tra và đặc vụ FBI chuyên trách các vụ trộm cắp đồ trang sức – nhưng hầu hết đều là các loại giá trị thấp và đã thành phẩm. Họ không biết ai có thể chuyển đống kim cương chưa chế tác có trị giá tới năm triệu đô la.” Ackroyd nói, “Không đâu, đó là một thị trường khá đặc biệt.
Tôi không biết liệu ông Croft có nhắc đến chuyện tên trộm đã chọn đá thô vì chúng sẽ khó lần dấu vết hơn chưa. Không có số seri như trên các viên thành phẩm.”
“Có,” Rhyme nói. “Ông ấy đã kể cho chúng tôi.”
“Tất nhiên tin tức về tên trộm đã lan đi. Tất cả mọi người trong giới đều biết. Tôi đã gọi cho các đầu mối của mình ở đây và ở nước ngoài để họ báo tôi biết nếu có bất kì ai muốn bán đá thô… hoặc đang tìm một thợ cắt chui.”
Rhyme nói, “Croft nói rằng đó là điều ông ta sợ nhất.” Ackroyd nở nụ cười kín đáo. “Ông Croft… ông ta là khách hàng của chúng tôi, tất nhiên là vậy, nhưng tôi nghĩ ngay cả ông ta cũng sẽ thừa nhận rằng ông hơi quá gắn bó với những sản phẩm của mình. Anh thấy đấy, ông ta là một thành viên của nhóm sản xuất kim cương kiểu xưa. Hiện có một xu hướng mới gọi là kim cương “thương hiệu”, chúng thường có thêm giác cắt và có kích cỡ lẫn chiều sâu khác với truyền thống. Những nhà sản xuất làm như vậy để tính giá kim cương cho người mua cao hơn giá trị thực của nó, tuyên bố rằng người tiêu dùng đang có một thứ độc nhất - một dòng sản phẩm đặc biệt. Nhưng điều này chỉ là giả dối. Vấn đề là rất nhiều công ty trong số đó không cân nhắc những phẩm chất làm cho kim cương trở nên vĩ đại. Grace-Cabot không bao giờ làm vậy. Những viên thô họ gửi tới chỗ Patel để cắt, chúng sẽ trở thành những viên đá quý kiệt tác khi được hoàn thiện. Và nếu bị cắt chui thì rốt cuộc chúng sẽ chỉ xuất hiện trong các trung tâm thương mại hoặc cửa tiệm kim hoàn trên phố mà thôi.”
“Các đầu mối của ông?” Sachs hỏi. “Họ là những ai?”
“Ồ, các nghệ nhân chế tác, môi giới, quản lý mỏ, người bán lẻ trang sức, người buôn kim loại và đá quý hiếm, các công ty vận chuyển và an ninh, cả các công ty đầu tư nữa – kim cương, cũng như vàng, là tài sản đảm bảo. Tuy nhiên tôi không muốn tạo ấn tượng rằng tất cả bọn họ đều có đầy thông tin. Bất kì ai trong ngành này cũng thường không tin cậy người ngoài giới. Nhiều năm qua, tôi đã tiến được đôi chút, nhưng ngay cả với tôi, việc thuyết phục những người này hợp tác vẫn là cuộc chiến vất vả.”
Rhyme nhớ lại Ron Pulaski đã kể cho anh nghe về những khó khăn trong việc tìm kiếm nhà buôn trợ giúp việc truy lùng tay VL lẩn lút kia. “Chúng tôi gặp rất nhiều sự chống đối khi các cảnh sát đi thẩm vấn.”
Ackroyd nói thêm, “Và để làm nổi bật hơn bản chất kín miệng này, vụ án còn liên quan tới bạo lực. Tôi nghĩ người ta đơn giản là đang sợ.”
Những con dao rọc giấy sẽ gây ra điều đó.
“Chà, thật tiếc vì manh mối ở Amsterdam chỉ đưa đến ngõ cụt. Nhưng biết đâu tên nghi phạm lại bật điện thoại lên lần nữa. Chúng ta có thể hi vọng. Giờ tôi sẽ tiếp tục dò hỏi và sẽ báo cho các anh biết mình tìm được gì.”
“Chắc chắn rồi, nếu anh sẵn lòng” Sellitto nói. “Cảm ơn nhiều nhé.”
Ackroyd lấy áo khoác khỏi giá chỗ Thom đã treo nó lên và mặc vào. “Nếu còn điều gì tôi làm được xin báo cho tôi biết. Tôi phải nói rằng tại Milbank tôi có lịch sử tìm được món hàng cho thân chủ kha khá lần.” Một tràng cười nhẹ khác của ông ta vang lên. “Tôi chợt nhớ ra. Từ “món hàng” bắt nguồn từ một từ Hindu, lut. Ý nói là “những món bị cướp”. Và Jatin Patel tội nghiệp – ông ấy là dân Ấn Độ. Hơi châm biếm nhỉ, các anh nghĩ sao? Thế thôi nhé, tôi sẽ giữ liên lạc. Chúc buổi tối tốt lành.”
***
“Và?” Rhyme hỏi.
“Có thể giúp ích,” Ron Pulaski nói. “Ông này là người tốt thực sự đấy.”
Rhyme thở dài với cách nói này. “Nói cụ thể hơn thì tốt.”
Đã một tiếng trôi qua từ lúc Edward Ackroyd rời đi. Ron Pulaski đã từ chuyến thẩm vấn vô ích ở quận Kim Cương trở về. Anh ta đi tìm những đầu mối dẫn tới các nhân chứng S và VL, và tất nhiên là chính Nghi phạm 47 nữa. Các cảnh sát khác vẫn đang tiếp tục truy lùng.
Sau khi được tả lại tóm tắt về điều tra viên bên bảo hiểm, Pulaski được giao nhiệm vụ kiểm tra ông ta. Anh ta lên mạng và xác nhận được rằng công ty của Ackroyd, Bảo hiểm Milbank, trụ sở tại London, có văn phòng ở New York, San Francisco, Paris và Hong Kong. Anh ta cũng yêu cầu Fred Dellray, một đặc vụ FBI mà đôi khi họ làm việc cùng, kiểm tra lại với Scotland Yard. Quả thực Edward Ackroyd đã nổi tiếng với tư cách là thanh tra của phòng tội phạm trộm cắp trước khi nghỉ hưu và gia nhập Milbank. Pulaski không thể xác thực chuyện công ty này nhận bảo hiểm cho Grace-Cabot – các hợp đồng bảo hiểm nói chung đều không phải thông tin công khai – nhưng Milbank đã quảng cáo mình chuyên làm các hợp đồng bảo hiểm cho những doanh nghiệp kim loại và đá quý, bao gồm cả các hoạt động khai mỏ.
Vậy là Ackroyd đã qua bài kiểm tra… và đã cung cấp thông tin có thể hữu ích, kể cả trong tương lai – về tay lái buôn ở Amsterdam. Tuy nhiên ở đây có một chút nghi ngại. Nhiệm vụ của họ đích thực là trùng hợp nhưng chỉ tới một thời điểm mà thôi. Một khi những viên kim cương được tìm thấy, Milbank và Grace-Cabot sẽ lập tức làm các thủ tục để kéo những viên đá thô ra khỏi phòng bằng chứng. Rhyme và Sellitto muốn chúng ở nguyên tại NYPD cho đến khi phiên toà kết tội Nghi phạm 47 kết thúc, mà việc đó sẽ đòi hỏi thời gian. Và nếu những viên kim cương được tìm thấy nhưng nghi phạm thì không bị bắt, chúng sẽ bị gửi lại phòng vật chứng vô thời hạn. Cả công ty bảo hiểm lẫn công ty khai mỏ sẽ không thích điều này.
Nhưng anh vẫn cho phép mình nghĩ về một phần của câu nói cũ. Nước đến đâu…
Còn giờ việc chính vẫn là tìm ra tên sát nhân và nếu ông già người Anh cầu kỳ có thể giúp được, Rhyme sẽ gạt sang một bên sự miễn cưỡng trong việc tìm người cố vấn (một định kiến còn chưa biến mất dù thực tế giờ chính anh cũng là nhà cố vấn) và đưa Ackroyd về đội.
“Được rồi, câu hỏi là,” Sellitto nói. “Ông già người Anh đã được duyệt rồi. Chúng ta có kể cho ông ta về thằng nhóc ở bãi nhận hàng và gã đàn ông để râu trong hành lang, người xuất hiện ở văn phòng Patel lúc mười một giờ không?”
Họ tranh luận và rốt cuộc quyết định không kéo Ackroyd vào nhiệm vụ này. Ý của Rhyme là dù ông ta đáng tin cậy, các đầu mối của ông ta có thể vô tình, hay gần như là tình cờ để lộ những chi tiết có thể đến tai Nghi phạm 47.
“Nhưng hãy đưa ảnh thằng nhóc cho đội thẩm vấn,” Sachs nói. Rhyme và những người khác một lần nữa tụ lại quanh các đoạn phim từ CCTV11, và Cooper chụp màn hình tấm ảnh mặt chàng trai trẻ có thể là VL. Rhyme nói, “Đưa chúng lên mạng lưới toàn thành phố nhưng báo cảnh sát ở khu Midtown Bắc và Nam đi thẩm vấn chi tiết. Kể với họ các chữ cái đầu tên có thể là VL, và cậu ta còn trẻ. Người Ấn Độ.”
11 CCTV là viết tắt của Closed Circuit Television, tạm dịch là ‘Camera an ninh’
“Ừm. Tôi nghĩ ta nên nói là người Nam Á,” Cooper chỉnh lại. Rhyme lẩm bẩm, “Nói Nam Á gạch chéo người Ấn Độ. Và nếu có bất kì ai khiếu nại, họ có thể kiện anh què này tội không chính xác về mặt chính trị đấy.”