Run rẩy trong cái lạnh giữa tháng Ba, hai cánh tay vòng quanh ôm khuôn ngực gầy gò, Vimal Lahori ngồi trong Công viên Quảng trường Washington, một ốc đảo xanh tươi yên bình giữa đô thị ở Làng Greenwich. Nơi đây, vào những ngày trời đẹp hơn hôm nay, bạn sẽ trông thấy một tập hợp thú vị: những nhạc sĩ và vú em để tóc mái bằng, những tên bán ma tuý tầm thường, những sinh viên chăm chỉ, các nhà thơ chúi mũi ghi chép, các học giả trầm tư và những doanh nhân có thể đi bộ từ quỹ bảo hiểm hay văn phòng luật của mình ở phố Wall về nhà, nhưng hầu hết vẫn thích ngồi trên limo hơn.
Lúc này, mới chập tối, Vimal ngồi ở phần khuất bóng và vắng vẻ hơn của công viên, cách xa cổng vòm lừng lững sáng quắc, lấy cảm hứng từ chính Khải Hoàn Môn ở Paris. Cậu liếc sang các phòng học và khu phòng ở của trường Đại học New York và các dinh thự từ thời Hamilton, cửa sổ sáng ánh đèn vàng. Những người ở bên trong hẳn đang chuẩn bị để vào trung tâm, tắm rửa, tỉa tót, xúng xính áo quần. Hoặc đang vừa cắt rau củ vừa hớp những ngụm rượu cho bữa tiệc sắp bắt đầu. Hình ảnh những thú vui nhỏ bé nhưng không thể với tới được ấy làm Vimal Lahori muốn khóc. Cậu lơ đãng vân vê vòng tay bằng vải nâu mà Adeela đã làm cho mình. Cha cậu đã thắc mắc liệu nó có ảnh hưởng tới công đoạn chốt đá của cậu không, nên cậu đã không đeo nó vào mãi tới khi ra khỏi nhà.
Trong cuốc đi bộ dài và lạnh lẽo tới đây, cậu đã thực sự phải nhìn qua vai rất nhiều lần. Cậu đã chọn con đường ngoằn nghoèo từ bến Cảng Vụ cách đây cả ba mươi, ba mươi lăm dãy nhà. Lúc đầu cậu định chọn đi tàu nhưng cú sốc từ việc người đàn ông ở trạm xe buýt trả lại điện thoại đã làm cậu sợ tới mức quyết định đi bộ.
Có rất ít khả năng tên sát nhân vẫn đang lảng vảng trong ga tàu điện ngầm, lên hết chuyến này đến chuyến khác hòng tìm ra cậu. Tất nhiên, hắn đã trông thấy Vimal, biết chính xác cậu trông như thế nào. Nhưng thợ học việc của người thợ cắt kim cương chỉ trông thấy mỗi cái mặt nạ, găng tay và bộ quần áo đen.
Mặc dù vậy, sự hoang tưởng của cậu không phải là hoàn toàn vô lí; cậu đã dừng ở một quầy rượu để tu ừng ực hai chai Coca và xem tin tức, biết rằng gã đàn ông kia vẫn còn tự do và người ta tin hắn đang ở thành phố, có súng và rất nguy hiểm. Bất kì ai có tin tức về vụ án nên báo cáo ngay lập tức. Nghe có vẻ như phát ngôn viên của cảnh sát đang nói thêm: vì sự an toàn của chính bạn. Có lẽ họ đã có thông tin rằng tên sát nhân đang thực sự lùng kiếm cậu bởi những gì cậu đã trông thấy. Cậu giả thuyết sự việc là như vậy.
Lại nghĩ đến cửa hàng đẫm máu lần nữa. Giờ cú sốc đã qua, thay vào đó là nỗi sợ hãi và buồn rầu. Ông Patel đã chết. Ông là người chuyên sai việc, cứng rắn lại hiếm khi hài lòng. Nhưng rất biết điều. Tử tế theo cách riêng của ông. Và dù Vimal có nghĩ gì về cái ngành công nghiệp mà ông Patel đã cống hiến cả cuộc đời đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng ông ta là một thiên tài. Vimal biết phải khó khăn đến thế nào để đôi bàn tay bạn tạo ra được thứ mà trái tim mình trông thấy.
Còn cặp tình nhân, những khách hàng kia, chàng trai trẻ và cô gái! Thật buồn khi họ lại vướng vào vụ cướp này. William và Anna. Đám cưới của họ đáng lẽ sẽ được tổ chức trong sáu tháng nữa, cậu nhớ lại như vậy.
Cậu đã không nhìn được gì nhiều từ chỗ các thi thể trong cửa hàng, cuộc chạm trán quá kinh hoàng và quá nhanh. Và một khi hình ảnh đôi chân bất động ngửa lên trời của thầy cậu đã cắm sâu vào trí nhớ, cậu gần như chẳng thấy gì nữa. Vimal Lahori tin rằng hình ảnh ấy sẽ còn ở lại với cậu đến hết cuộc đời.
Cậu xem điện thoại – nguồn xem giờ duy nhất – và trông thấy bảy cuộc gọi nhỡ của cha, mười hai tin nhắn. Trong lúc cậu đang nhìn chằm chằm thì chiếc điện thoại bị tắt chuông lại sáng lên với một cuộc gọi khác từ ông già.
Cậu bấm nút Từ chối và cất nó đi.
Một nụ cười nhăn nhó. Giá mà cậu cũng từ chối được cảm giác tội lỗi trong lòng như thế.
Ông Patel, cặp đôi… Một thảm kịch không lời nào tả xiết. Ấy vậy mà…
Vimal không thể phủ nhận một cảm giác nhẹ nhõm ấm lòng, dù có phần tội lỗi, một gánh nặng đã được cất đi. Đã từ lâu cậu phải chịu một áp lực chầm chậm nhưng không gì cản nổi, giống hệt như áp lực bên dưới lớp vỏ Trái Đất hàng trăm kilômét đang không ngừng ép lại, ép lại để tạo ra những viên kim cương. Giờ đây tự do nằm trong tầm tay. Không đời nào cậu dám tự mình giành lấy điều này. Không có sự kiện thảm khốc như vụ cướp của giết người kia, hẳn cậu sẽ làm việc cậu vẫn luôn làm: mặc lòng chấp nhận cuộc đời mà cha cậu đã chọn cho cậu. Chấp thuận. Im lặng. Và căm ghét mình từng phút một.
Dù tình huống này có ghê gớm cỡ nào, Vimal đã được ban cho một cơ hội. Cậu sẽ nắm lấy. Cuộc đời cậu sẽ rẽ sang một hướng mới.
Có bóng dáng ai đó phía bên kia công viên. Cậu đã thấy cô ta rồi.
Việc cần làm trước phải làm trước…
Cô gái trẻ với mái tóc dài màu đen tuyệt đẹp tự tin bước vào trung tâm công viên, nhìn từ phải sang trái. Bất chấp sự việc kinh hoàng vừa xảy ra, bất chấp cơn đau ở mạn sườn, cậu vẫn cảm nhận những tiếng thịch quen thuộc trong tim.
Mỗi lần cậu trông thấy cô – ngay cả sau từng ấy tháng họ hẹn hò – điều đó vẫn xảy ra.
Ồ, nó không phải là một mối quan hệ suôn sẻ, êm đềm nhất. Cặp tình nhân không được gặp nhau thường xuyên như họ mong muốn. Cô là một sinh viên y khoa bận rộn ở trường NYU còn cậu thì làm việc nhiều tiếng liền vào khung giờ bất định cho ông Patel cùng những thợ cắt kim cương khác mà cha cậu “cho thuê người”. Và Vimal cũng cần dành nhiều thời gian rảnh rỗi của mình ở dưới tầng hầm nhà cậu.
Tất nhiên đây là kiểu quan hệ điển hình của rất nhiều cặp đôi sống trong thành phố ở thời đại này. Chúng là những rắc rối có thể giải quyết được. Nhưng trường hợp của họ có một vấn đề khó khăn hơn. Cha mẹ Vimal không biết gì về Adeela Badour và cha mẹ cô cũng không biết gì về cậu.
Cô không cao lắm nhưng dáng người thon thả tạo ra cảm giác cao ráo. Tối nay, tóc cô thuần một màu đen (thi thoảng trong những lần chống đối bà mẹ bảo thủ, cô sẽ nhuộm vài lọn xanh dương hoặc xanh ngọc – dù sự chống đối của cô chỉ là cuộc phản kháng có chừng mực; những lọn màu này không bao giờ xuất hiện trong các buổi tụ họp gia đình).
Cô đã trông thấy Vimal và khuôn mặt thon dài của cô sáng lên. Lúc đầu thì như vậy.
Nhưng mỗi lúc cô lại càng nghiêm nghị hơn, sau thành cảnh giác, có lẽ vì trông cậu xanh xao và kiệt sức.
Vimal ghi nhận đã thấy cô bằng cách khẽ ngẩng đầu lên. Cậu không muốn vẫy tay. Cậu vẫn còn nghĩ về người đàn ông mang mặt nạ. Một cái nhìn quanh xác nhận chỉ có khoảng hơn chục người quanh đó, tất cả đều không chú ý đến cậu và đang vội vã đi tới nơi nào đó ít ẩm ướt và ít lạnh hơn.
Cô thả người xuống ghế băng và quàng hai tay quanh cổ cậu. “Vim… ôi…”
Cậu nhăn nhó làm cô thả cậu ra ngay lập tức, rồi lùi lại sau và nhìn cậu khắp lượt. Cậu ngước lên khuôn mặt xinh đẹp của cô. Cô trang điểm cho làn da khoẻ mạnh một cách nhẹ nhàng nhưng rất kĩ lưỡng, tỉ mỉ đến nỗi cậu không thực sự nói được nét nào của cô đã được tô đậm lên.
Vimal nắm tay và hôn cô thật sâu. Giờ cậu chú ý thấy rằng cô đang nhìn mình bằng cặp mắt bác sĩ.
“Em xem tin tức rồi. Em rất tiếc. Ông Patel. Và cả các khách hàng kia nữa. Mọi chuyện lên tivi hết cả. Nhưng họ không nói gì khác về người nào khác ở đó nữa.”
Cậu giải thích với cô chuyện mình bước vào và làm tên cướp ngạc nhiên.
“Anh bỏ chạy. Anh nghĩ hắn đuổi theo anh nhưng anh đã chọn cầu thang đằng sau.”
“Anh đã nhắn tin: Anh bị thương đúng không?”
Cậu giải thích rằng gã kia đã bắn mình nhưng bị trượt, viên đạn lại trúng vào cái túi cậu đang cầm. Vài mẩu đá hoặc một phần viên đạn đã cắt vào thịt cậu. “Anh cần khám chỗ đó.”
Cô nói, “Đi viện đi.”
“Anh không thể. Các bác sĩ sẽ biết anh đã bị bắn. Họ sẽ phải thông báo chuyện đó cho cảnh sát.”
“Thế thì…” Adeela nhướng cặp lông mày vẽ hoàn hảo của mình lên. Có nghĩa, Thế càng tốt mà.
Vimal chỉ nói đơn giản: “Anh không thể.” Không đời nào anh chịu giải thích lí do – không, phải là các lí do – anh không thể tới gặp cảnh sát. “Em có mang thứ anh nhờ không?”
Cô không nói gì. “Làm ơn mà.”
“Thế em phải khám ở đâu?” “Ở đây, anh đoán thế.”
“Đây á?” Cô phá ra cười. Một cuộc thăm khám ở ngay Công viên Quảng trường Washington, giữa một đêm tháng Ba lạnh lẽo u ám thế này ư?
Nhưng cô nhận ra rằng họ chẳng có nhiều lựa chọn, vì cả hai đều đang sống cùng cha mẹ.
Cô liếc quanh, thấy rằng gần đó không có ai và hất cằm về phía áo khoác của cậu. Cậu kéo khoá áo và lôi vạt áo thun cùng áo may ô lên. “Chà,” cô nói khẽ. “Chỉ giống như một anh thợ điêu khắc bị đá văng trúng thôi. May mà anh không chơi dao cạo với dao găm đấy nhỉ.”
Lúc này Adeela đánh rơi nụ cười chế nhạo và tiến đến một vùng tâm lý khác, nơi mà ngày nào đó sẽ biến cô thành một bác sĩ giỏi. Cậu không còn là Vimal Lahori, không còn là bờ môi cô vừa hôn và lồng ngực cô vẫn cù mỗi khi họ mơ màng sau cơn thoả mãn dục tình nữa. Cậu là một bệnh nhân. Còn cô là bác sĩ của cậu. Đó là một mối quan hệ rất khác. Cô nheo mắt, quan sát cậu kĩ hơn rồi thò tay vào trong túi. Cô lôi ra một cặp găng tay cao su màu xanh.
“Trông nó thế nào?” cậu hỏi.
“Suỵt. Tiếp tục để ý xung quanh đi.”
Cậu làm theo. Nhưng những người gần họ không ai để ý gì. Hai bàn tay cô nhanh nhẹn vào việc, cùng với băng gạc và một chất lỏng lạnh toát màu cam sậm, một loại thuốc sát khuẩn nào đó.
Cậu thấy rát nhưng không nặng lắm.
“Mấy vết xước nhẹ. Bầm tím.”
“Ở cạnh sườn. Chỗ anh lo là ở đó đấy.” “Em thấy rồi.”
Một cơn đau nhói bùng lên khi cô chọc vào chỗ xương sườn cuối cùng ở thấp hơn.
“Ở đây có một mẩu này. Dưới da.” Cô hít vào, nỗi lo lắng hiện rõ trong âm thanh ấy. “Vim, đi bác sĩ. Anh phải đi.”
Cậu mường tượng ra viễn cảnh ấy. “Không.”
“Em không có tí thuốc gây mê nào.” Cậu cho là các sinh viên y khoa bắt buộc phải dùng thuốc không kê đơn.
“Cứ thử đi.”
“Vim, em học về chức năng sinh lý và hoá học hữu cơ. Từ sách vở, máy tính. Thậm chí cả năm rồi chúng em còn không đụng đến tử thi.”
“Anh tự làm cũng được nhưng anh không với tới. Xin em đấy.” Cô nói tiếp, “Lại còn phải khâu.”
Cậu siết chặt tay cô. “Không đi đến viện đâu. Chỉ cần lấy nó ra. Và làm những gì em có thể. Băng lại.”
Trong một giây, cảm xúc lướt qua khuôn mặt xinh đẹp của cô và cô nhăn nhó. “Em sẽ dán băng bướm cho anh. Nhưng nếu máu không ngừng chảy…”
Cô thò vào trong túi và lôi ra một cái nhíp. “Đây, cầm cho em.” Cậu đón lấy nó.
“Đưa nó cho em khi em bảo. Và cầm cái này.” Cô đưa cho cậu chiếc iPhone và bật chế độ đèn pin lên. “Chĩa xuống sườn anh nhé.”
“Em muốn dùng nhíp chưa?”
“Chưa.” Cậu cảm nhận hai tay cô đang chạm vào chỗ gần vết đau. “Một phút nữa. Nhưng em cần có nó thật nhanh khi em bảo.”
Giọng cô có vẻ lo lắng. Phải chăng có nhiều vấn đề hơn là chỉ…
“Ái,” cậu kêu lên và giật ra sau khi một cơn đau buốt chạy từ
mạn sườn lên tận cằm rồi biến thành một cơn đau âm ỉ.
“Lấy ra được rồi,” cô nói và trưng ra một mảnh kimberlite dính máu trên một tấm gạc. Những ngón tay khoẻ mạnh của cô đã nặn vết thương để ép mẩu đá ra ngoài.
“Em lừa anh,” cậu thì thầm trong lúc thở dốc.
Cô lấy lại cái nhíp. “Nó gọi là thuốc mê tinh thần. Làm phân tâm rồi hành động thật nhanh.”
“Em học cái đó ở trường sao?”
“Kênh Khám phá, em nghĩ vậy. Các cuộc phẫu thuật hồi Nội chiến.”
Adeela đặt cái gạc sang một bên, cầm lọ thuốc sát khuẩn lên – tên nó là Betadine, cậu đọc thấy vậy – và bóp một ít chất lỏng lạnh toát vào vết thương. Cô ấn thêm gạc lên chỗ ấy và giữ nguyên trong một phút. Vimal cảm thấy một thôi thúc ngớ ngẩn đang thúc đẩy cậu hỏi thăm gia đình cô thế nào và bài kiểm tra chức năng sinh lý của cô ra sao?
“Lại bật đèn đi,” cô nói và chỉnh lại bàn tay cậu.
Cô lôi ra vài chiếc băng dán cánh bướm và dán chúng lên vết thương. “Đau không? Theo thang từ một đến mười ấy?” cô hỏi.
“Ba và bảy phần mười sáu. Lúc nào anh cũng muốn như thế.” “Đây.” Cô mím chặt môi lúc đưa cậu một chai Tylenol cùng
chai nước Dannon. Cậu lấy hai viên thuốc và uống nửa chỗ nước.
“Đó là cái duy nhất lẩn được vào dưới da. Phần còn lại chỉ gây ra vết bầm tím và vài vết xước thôi.” Rồi cô chọc xương sườn cậu. Chỗ đó cũng đau nhưng không tệ lắm. “Không có gì bị gãy.”
Cố lờ đi cơn đau nhói, Vimal cầm mẩu đá lên và quan sát nó. Mảnh đá không lớn - chỉ dài khoảng hơn một phân và rất mỏng. Cậu nhét nó vào túi.
“Lưu niệm à?”
Cậu thả hai cái áo xuống mà không nói gì.
“Đây,” Adeela nói và đưa cậu lọ Betadine màu nâu. “Nó sẽ làm ố áo nhưng em không nghĩ đó là mối lo lớn nhất của anh. Ồ. Còn áo nỉ nữa.” Cô lôi từ trong túi của mình ra một cái áo chui đầu NYU màu tím. Rất to. Không phải của cô. Có lẽ cô mua nó cho cha mình. Vimal đã nhờ cô mang cả quần áo để thay. Chiếc áo Keep Weird màu xám nhạt của cậu đã lấm chấm máu khô. Cậu có thể mua một cái nhưng cần tiết kiệm tiền.
Sự im lặng ngự trị giữa hai người trong lúc họ nhìn một phụ nữ dẫn ba con chó bull đi dạo bằng ba sợi xích. Chúng nhảy nhót háo hức đồng điệu và người chủ phải liên tục đảo đầu dây từ tay này sang tay kia cho khỏi rối.
Vào một lúc khác chắc họ đã cười. Còn giờ thì Vimal và Adeela chỉ nhìn chằm chằm vô hồn.
Cô nắm tay cậu và dựa đầu mình vào đầu cậu. “Anh sẽ không về nhà đúng không?” cô hỏi. “Không.”
“Rồi sao nữa?”
“Lẩn đi một thời gian.”
Cô cười nhạt. “Em sẽ nói, cứ như nhân chứng trong một phim mafia ấy. Nhưng không phải là cứ như nữa. Mà chính là thế rồi. Mà ở đâu cơ Vim?”
“Anh chưa chắc lắm.”
Tất nhiên cậu đã rất chắc chắn rồi nhưng còn chưa muốn nói tới chuyện đó. Sẽ đến lúc. Giờ cậu chỉ muốn vào bên trong một nơi nào đó. Nhiệt độ đang giảm hơn nữa và cậu đã kiệt sức.
Cậu thả tay cô ra. Họ đứng lên. Cậu vòng cánh tay qua cô, kéo cô sát lại và lờ đi cơn đau bên sườn. “Anh sẽ gọi cho em sớm thôi. Nghe này, dù chuyện gì xảy ra đi nữa cũng không ảnh hưởng gì đến chúng ta.” Cậu mỉm cười. “Quỷ thật, em còn phải thi. Đằng nào em cũng không có chút thời gian nào dành cho anh.”
Cô không buồn cười, cậu có thể thấy vậy, và cậu hối hận vì câu đùa vô duyên. Tuy nhiên cô vẫn hôn cậu say đắm. Họ còn chưa quen với từ “yêu”, nhưng cậu biết rằng giờ chính là thời điểm để thốt ra. Cô cúi sát, đặt môi bên tai cậu. Cô thì thầm, “Tới gặp cảnh sát đi. Họ sẽ bảo vệ anh khỏi hắn.”
Cô quăng cái túi qua vai và quay đi, bước đi theo cái cách chậm rãi và gợi cảm của riêng mình về phía ga tàu điện ngầm phố số 4 Tây, bỏ lại Vimal suy nghĩ về chuyện cảnh sát có thể sẽ bảo vệ cậu khỏi tên sát nhân.
Nhưng việc ấy còn lâu mới đủ.