Hôm qua Vimal Lahori đã không gặp cha cậu.
Sau bữa tối với mẹ và em trai, Vimal đi chơi cả buổi tối với Adeela. Cậu quay lại muộn và đến lúc về nhà thì thấy xe của cha cậu có trên lối đi nhưng ông đã đi ngủ.
Lúc thức dậy sáng nay, cậu nghe nói Papa đã lại ra ngoài.
Dù ông có công chuyện gì, ông cũng không chia sẻ với vợ, chứ đừng nói là cậu con trai thứ hai. Nhưng thật ra Papa không bao giờ chia sẻ bất kỳ điều gì, trừ khi nó là một tuyên bố được truyền từ trên xuống.
Vimal biết chắc chắn, dù rất sợ hãi, rằng nhiệm vụ của ông chính là: tìm cho Vimal một chỗ học việc mới. Nhưng việc ấy sẽ không dễ dàng, bất chấp kĩ năng của Vimal. Danh tiếng của chàng trai trẻ đã bị vấy bẩn. Giờ cậu có dính dáng với điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong giới kim cương – một vụ cướp và một vụ án mạng. Ồ, cậu không làm gì nên tội cả, và hóa ra tội ác ấy lại là một việc rất khác, nhưng các nghệ nhân kim cương sẽ không căn cứ vào các kết luận đó. Họ sẽ mãi liên hệ Vimal với cái chết của thiên tài Jatin Patel, một trong số họ.
Vimal Lahori đã trở thành một nhân chứng sống của phần đen tối và nguy hiểm của những viên đá quý kì diệu ấy, của kim cương máu từ Châu Phi, cho đến lao động nô lệ ở Siberia, và cả cướp vũ trang ở Bỉ.
Nhưng cha cậu sẽ cầu xin và năn nỉ cho đến khi ai đó chịu nhận Vimal.
Lúc này cậu đang ở trong xưởng, nhìn vào mẩu đá lam thạch nặng một cân. Vimal yêu khoáng vật màu xanh lam đậm này. Nó thường được dùng làm đồ trang sức nhưng người ta cũng có thể kiếm được những viên đủ to để điêu khắc, với một cái giá phải chăng. Loại đá biến chất này đã có một lịch sử lâu đời trong cả ngành trang sức lẫn nghệ thuật. Mặt nạ quan tài của Tutankhamun có khảm nó, các nghệ sĩ Trung Hoa cũng khảm những mô hình làng mạc núi non vào các tấm hoành phi, như họ làm với ngọc bích. Lam thạch được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Badakhshan, Afghanistan và giờ được tìm thấy ở đó, cũng như các địa điểm khác như Siberia, Angola, Myanmar, Pakistan và – quê hương của chính viên đá này – Pleasant Gulch, Colorado.
Cậu vẫn đang xoay vần viên đá trong tay, chờ nó nói với mình và giải thích hình hài mà nó muốn trở thành thông qua bàn tay hào hứng của Vimal. Nhưng hiện tại thì nó vẫn im lặng.
Có tiếng bước chân trên cầu thang.
Vimal biết nhịp chân này. Cậu đặt viên đá xanh rực rỡ với những vệt pi-rít79 vàng xuống, ngồi thẳng trên ghế làm việc.
79 Khoáng chất
“Con trai.”
Vimal gật đầu với người đàn ông có cặp mắt mệt mỏi. Cậu nghĩ: cố dắt khách cho một con điếm không ai cần chắc là rất khó khăn.
Papa đang cầm hai chiếc phong bì, một lớn và một nhỏ. Vimal liếc chúng, đoán đó là hợp đồng cắt kim cương. Mắt cậu quay lại với cha.
Ông nói, “Tối qua bố lỡ mất dịp gặp con. Bố mệt quá. Bố đã đi ngủ. Nhưng mẹ con bảo là con khỏe. Không bị thương sau vụ việc với kẻ đó. Tên giết người.”
Vụ việc…
“Vâng.”
“Bố rất biết ơn vì điều đó,” Papa nói, rồi có vẻ nhận ra những lời ấy thật ngốc nghếch.
Ông nhìn xuống viên lam thạch. “Con cái và gia đình ông Patel đã đến thành phố. Họ cùng chị gái ông ấy đã tổ chức lễ tang và hỏa táng riêng tư.” Theo tôn giáo Hindu, hỏa táng là cách đối xử với thân xác duy nhất được chấp nhận. Ở Ấn Độ, tang lễ và hỏa thiêu được diễn ra ở cùng một chỗ - tất nhiên, theo truyền thống, xác người được đốt trên một giàn thiêu ngoài trời. Ở đây, các nghi thức chôn cất của người Hindu, lễ Antyesti, đã được điều chỉnh để tuân theo thông lệ và luật pháp phương Tây.
Cha cậu nói thêm, “Nhưng chúng ta sẽ cử hành lễ tưởng niệm ở nhà chị gái ông ấy tối nay. Đó là lí do bố đi vắng. Bố giúp họ tổ chức việc đó. Con đến chứ?”
“Vâng, chắc chắn rồi. Tất nhiên.”
“Con có thể nói gì đó nếu con muốn. Nhưng không bắt buộc phải nói.”
“Con sẽ nói.”
“Tốt lắm. Con đã làm rất tốt.” Im lặng.
Lí do mà bố đi vắng…
Giờ là lúc biết lí do kia. Ai sẽ là ông thầy mới của cậu?
Vimal Lahori đã quyết. Không ai nữa. Đến đây là hết. Cậu sẽ nói không với ông già.
Cuối cùng, cậu cũng nói không.
Cậu hít một hơi sâu để làm vậy nhưng cha cậu đã đưa cậu phong bì nhỏ hơn trong hai cái. Bàn tay run rẩy hôm nay không run lắm. “Đây.”
Vimal kiềm lại bài diễn văn đã chuẩn bị và cầm phong bì. Cậu nhìn vào mắt cha.
Ông nhún vai nói, Mở đi.
Vimal làm theo. Cậu nhìn vào bên trong và hơi thở nghẹn lại trong một giây. Cậu lại nhìn lên cha và quay lại với nội dung phong bì.
“Đây là…” Cậu thực sự đã bị nghẹn.
“Ừ, một tờ séc từ công ty của Dev Nouri.” Được chi trả cho Vimal Lahori. Chỉ mình cậu. “Papa, chỗ này gần một trăm ngàn đô la.”
“Con sẽ phải trả thuế nữa. Nhưng con sẽ vẫn giữ lại khoảng hai phần ba.”
“Nhưng…”
“Viên thô mà con đã cắt cho ông ấy. Hình bình hành ấy.” Từ ấy phát ra một cách lúng túng từ miệng ông. “Dev đã bán nó trong một cuộc đấu giá riêng được ba trăm ngàn đô. Ông ấy định cho con mười phần trăm.”
Một thợ cắt kim cương lành nghề ở New York có thể trông đợi kiếm được khoảng năm mươi ngàn đô một năm. Chỗ ba mươi ngàn mà ông Nouri định trả cho một ngày công làm việc đã là rất rộng lượng so với bất kỳ một tiêu chuẩn nào trên thế giới.
“Nhưng bố bảo không. Ông ấy và bố đã bàn bạc một chút. Ông ấy đồng ý, như con thấy, với khoản ba mươi ba phần trăm. Chỗ đó ít hơn một trăm ngàn, bởi vì ông ấy khăng khăng đòi trừ khoản tiền ông đã trả cho con. Bố nghĩ chúng ta không thể phản đối điều đó.”
Vimal không thể không cười.
“Mở một tài khoản, gửi chỗ tiền đó đi. Đó là tiền của con. Con có thể làm gì con muốn với nó. Giờ, bố sẽ nói một việc khác. Con sẽ nhận được nhiều cuộc gọi. Toàn khu vực New York này không có một nghệ nhân kim cương nào không muốn có con làm việc cho họ. Bố đã nghe từ một số người muốn nhận con vào học việc. Họ đều đã nghe nói về hình bình hành. Vài người còn gọi nó là Giác cắt Vimal.”
Tin tức này rất thú vị – cậu không phải là kẻ bị ruồng bỏ – nhưng điều này cũng làm cậu nản lòng. Áp lực từ cha cậu đã trở lại. Tinh vi hơn, nhưng vẫn là áp lực.
Papa lẩm bẩm nói, “Con có thể kiếm được việc làm ở bất cứ chỗ nào và họ sẽ trả con hậu hĩnh. Nhưng trước khi làm việc đó, hãy nghĩ về cái này.” Ông đưa ra phong bì lớn hơn.
Vimal lấy từ trong đó ra một tập giới thiệu về trường đại học, cho một chương trình bốn năm đã được kiểm định chất lượng ở Long Island. Một tờ giấy nhớ màu vàng gắn ở giữa. Vimal mở trang đó ra, trong đó mô tả MFA, chương trình thạc sĩ nghệ thuật. Trong đó là một học trình điêu khắc, bao gồm một kỳ học ở nước ngoài, Florence và Rome.
Cảm thấy tim mình đang đập loạn nhịp, cậu nhìn lên cha.
Ông nói, “Vậy đó. Bố đã là người đưa tin. Phần còn lại tùy con. Tất nhiên con có thể muốn một trường khác. Mặc dù mẹ con và bố hi vọng nếu con làm vậy, bố mẹ hi vọng con sẽ trở thành Michelangelo của Jackson Heights hơn là của Los Angeles. Nhưng, như bố đã nói, tùy con, con trai ạ.”
Vimal không định quàng tay ôm cha mình, nhưng cậu không ngăn được.
Sự lúng túng tiêu tan nhanh chóng, và cái ôm kéo dài lâu hơn khá nhiều so với cậu và cả cha cậu đã trông đợi. Rồi họ bước tránh nhau.
“Chúng ta sẽ đến nhà chị gái ông Patel lúc năm giờ.” Ông quay lại và định bước lên cầu thang. “À, sao con không mời Adeela nhỉ?”
Vimal nhìn chằm chằm. “Làm sao…?”
Cái nhìn trên mặt cha cậu rất bí ẩn nhưng thông điệp rất có thể là: Đừng bao giờ đánh giá thấp tin tình báo – theo cả hai nghĩa của từ này80 - của các bậc phụ huynh.
80 Trong tiếng anh intelligence vừa mang nghĩa là “thông tin tình báo” vừa là “trí tuệ”
Cha cậu rời xưởng và trèo lên. Vimal cầm viên lam thạch lên và bắt đầu xoay vòng nó trong tay một lần nữa, chờ đợi viên đá cất tiếng.