Khoa học càng phát triển sẽ càng chứng minh được Phật giáo là một tôn giáo của khoa học và thực tiễn. Căn cứ vào nghiên cứu khoa học cho thấy, ngoài hệ mặt trời còn có các hành tinh khác; ngoài dải ngân hà này, còn có các dải ngân hà khác. Không gian vũ trụ là vô hạn, sự vô hạn ấy vốn vượt ra ngoài sức tưởng tượng tầm thường, hạn hẹp của chúng ta. Nói đúng hơn, ngoài trái đất mà chúng ta đang sinh sống, vẫn còn rất nhiều thế giới khác cùng tồn tại, đây cũng chính là ý nghĩa của không gian ba chiều, bốn chiều mà ngày nay thường được mọi người nhắc đến.
Vì sao ngày nay con người đều mong muốn có một đời sống an lạc, bình yên? Hay nói cách khác, ai cũng khát khao được trải qua những tháng ngày yên ổn và bình lặng. Phải chăng, cuộc sống của chúng ta đang bị khủng hoảng từ vật chất đến tinh thần? Nguyên nhân là bởi các mối đe dọa từ những thông tin độc hại tràn lan trên mạng Internet, những mặt trái của công nghệ hiện đại. Môi trường sinh thái dần bị hủy hoại, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, nạn bạo lực khủng bố gia tăng, cho đến tư tưởng và nhân cách con người bị thiếu hụt, bào mòn, v.v. Tất cả những điều đó đều khiến cho không gian sống của chúng ta mất đi sự thanh bình, yên tịnh và trong sáng vốn có. Hoàn cảnh sống thay đổi tiêu cực như vậy khiến thế giới này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Con người đang dần mất đi phương hướng, mất đi sự bình an nên dần dần tìm đến các giải pháp siêu hình, nương nhờ vào niềm tin tôn giáo, an trú trong tín ngưỡng, mong có thể phần nào xoa dịu tâm hồn và cầu giải thoát thân tâm, để kiếp người được an lạc. Nói rõ hơn, đó chính là niềm mong cầu tìm về miền đất Tịnh độ, nơi chỉ tồn tại những con người và hoàn cảnh tốt đẹp, những niềm vui, tự tại, yên bình và hạnh phúc.
Vậy thì, Tịnh độ, đất Phật thật sự ở đâu? Về quan điểm này, có lẽ mỗi người đều có một cách nhìn không giống nhau. Tịnh độ ở các cõi Phật, Tịnh độ tại nhân gian, nhưng cũng có thể nói Tịnh độ ở ngay trong tâm chúng ta.
Khi nghe đến hai chữ “Tịnh độ”, phần lớn mọi người đều liên tưởng ngay tới cõi Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, nhưng thật ra thì còn có rất nhiều cõi Tịnh độ khác. Vì hạnh nguyện từ bi cứu độ của chư Phật khác nhau, nên mỗi vị Phật lại có một cõi Tịnh độ riêng. Sở dĩ gọi các cõi ấy là Tịnh độ bởi “tịnh” là trong sạch, “độ” là cõi nước, quốc độ. Các cõi này hoàn toàn thanh tịnh, thuần khiết, yên tịnh, trang nghiêm và vô cùng an lạc. Từ Đức Phật, chúng sinh, cõi nước cho đến muôn vật, đều không có chút ô nhiễm; ngay cả những tư tưởng, lời nói, việc làm đều tuyệt đối thanh tịnh.
Có rất nhiều cõi Tĩnh độ, như: cõi Tịnh độ nơi cung trời Đâu suất của Đức Phật Di Lặc, cõi Tịnh độ Hoa nghiêm của Đức Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na, hay quen thuộc nhất là cõi Tịnh độ Tây phương của Đức Phật A Di Đà. Vậy còn cõi Tịnh độ Lưu ly tại Đông phương của Đức Phật Dược Sư thì sao?
Khi còn bé, chúng tôi thường được nghe rằng, nếu muốn kiếp sau khôi ngô tuấn tú thì hãy lễ Phật Dược Sư mỗi ngày; muốn thân thể khỏe mạnh không bệnh tật hãy trì Chú Dược Sư; còn nguyện được bình an, tai qua nạn khỏi hãy tụng Kinh Dược Sư, v.v. Nghe thì nhiều nhưng chung quy lại mọi người vẫn rất mơ hồ về cõi Tịnh độ Lưu ly ở Đông phương. Ở cõi ấy, Đức Phật Dược Sư đã phát những hạnh nguyện gì, ta cần phải áp dụng lời dạy của Ngài trong đời sống thực tế như thế nào? Tại các tự viện ở Việt Nam, người tu trì pháp môn Dược Sư rất nhiều, nhưng người giảng Kinh Dược Sư lại ít, người thật sự am hiểu về Đức Phật Dược Sư và pháp môn Dược Sư thì không được bao nhiêu. Do đó, chúng tôi đã phát nguyện tìm hiểu, nghiên cứu, dịch nghĩa, giảng giải những tác phẩm và tư tưởng có liên quan đến pháp môn Dược Sư này. Nay, cuốn sách Kinh Dược Sư và Giảng giải Kinh Dược Sư được ra đời với những lý do chính yếu sau:
Thứ nhất: Hai năm qua, thế giới đang phải hứng chịu sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó, chúng tôi mong muốn đem công đức giảng giải và tu trì pháp môn Dược Sư để hồi hướng cho pháp giới chúng sinh, cầu nguyện cho thế giới, đất nước và người dân nhanh chóng thoát khỏi dịch bệnh này; nguyện cho nhà nhà được an bình, hạnh phúc, người người được an lạc, khỏe mạnh.
Thứ hai: Đa phần tín đồ và giới học giả ngày nay đều cho rằng, Phật giáo là tôn giáo của sự cầu nguyện, chỉ thích hợp cho người sắp mất muốn được về cõi an lành, hoặc cho những ai muốn cầu xin khi gặp hoạn nạn, tai ương. Đây là tư tưởng hoàn toàn sai lệch về Phật giáo chính thống. Do đó, chúng tôi hy vọng rằng, sau khi đọc xong tác phẩm này, giới học giả và quần chúng sẽ thay đổi suy nghĩ của mình. Mọi người sẽ hiểu vì sao có cõi Tịnh độ Tây phương của Đức Phật A Di Đà, lại còn có cõi Tịnh độ Đông phương của Đức Phật Dược Sư; sẽ thấu hiểu tường tận được rằng, Phật giáo không chỉ quan tâm đến con người sau khi mất, mà còn hướng tới việc chăm sóc tinh thần và giúp đỡ chúng sinh ngay đời sống thực tại. Phật giáo có mặt ở khắp mọi nơi, cần thiết trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện tại.
Thứ ba: Hy vọng con người trong thời đại ngày nay không còn than oán cuộc đời này là đau khổ, không còn mơ mộng ảo tưởng về một kiếp sống tốt đẹp ở đời sau, cũng không còn chờ đợi hay cầu nguyện một đấng siêu nhiên nào ban phúc cho mình, mà hãy tự mình thiết lập cõi Tịnh độ giữa nhân gian này, xây dựng một cõi Tịnh độ ngay trong tâm mình, tự làm chủ nhân của cuộc đời mình. Đây cũng chính là lý do quan trọng nhất.
Cuốn sách gồm hai phần: 1) Nghi thức tụng Kinh Dược Sư, 2) Giảng giải về Kinh Dược Sư. Cuốn sách có thể giúp mọi người đọc tụng, tu trì, đồng thời tìm hiểu nghiên cứu, áp dụng thực tế giáo lý của pháp môn Dược Sư vào đời sống hằng ngày. Đây mới thật sự là mục đích giáo dục của Đức Thế Tôn. Pháp Phật là để áp dụng và tu tập, nghiền ngẫm và thực hành chứ không phải để trưng bày trên Tàng Kinh Các, như thế sẽ mất hết ý nghĩa chân chính của Phật pháp. Tác phẩm này được dịch từ bài giảng giải Kinh Dược Sư của Đại sư Ấn Thuận. Ngoài việc giảng giải nội dung bài kinh, tác giả còn đặc biệt trình bày về nhân duyên giảng giải kinh này và trình bày về các bản dịch khác nhau qua các thời đại. Tiếp đến, tác giả giải thích danh hiệu “Phật Dược Sư”, giải thích tên kinh, giảng rộng về mười hai lời nguyện của Phật Dược Sư, cũng như hướng dẫn chúng ta nên học tập hạnh nguyện cứu độ của Phật Dược Sư như thế nào, song song với việc tu trì và thực hành pháp môn Dược Sư trong đời sống thực tế ra sao? Quan trọng hơn hết, sau khi đọc và nghiền ngẫm tác phẩm này, mỗi chúng ta hãy thiết lập cho mình một cõi Tịnh độ nhân gian - một xã hội an lạc, hòa bình ngay giữa cuộc đời này.
Chúng ta hãy sáng tạo ra một thế giới, một cuộc đời tươi đẹp ý nghĩa. Nếu mỗi người nguyện từ bỏ những lời nói không hay, những hành động không tốt, những tâm tư không lành mạnh thì cuộc sống của người đó sẽ trở nên tươi đẹp hơn! Nếu mỗi người đều có một trái tim trong sáng thanh tịnh, thật sự trở thành “người đẹp, người tốt, người hiền, bậc Thánh”, thì xã hội ấy là cõi Tịnh độ rồi. Ví dụ thực tế hiện nay, nhìn từ bên ngoài các khu cách ly, các bệnh viện, các khu phong tỏa, v.v. những nơi đang gánh chịu nạn dịch bệnh hoành hành, đang gồng mình chống dịch, chúng ta đều than trách cho rằng đó là những nơi đang chịu đau khổ, đang trả nghiệp lực xấu, chẳng khác nào địa ngục trần gian. Nhưng khi nhìn kỹ lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, trong lúc dịch bệnh căng thẳng, các y bác sĩ đang quên ăn bỏ ngủ chăm sóc bệnh nhân, từ Chính phủ đến người dân, ai ai cũng dốc lòng góp sức cùng chung tay chống dịch. Người có sức thì góp sức xông pha nơi tuyến đầu, người có của thì góp tiền tài từ thiện lo phần cơm cháo.
Các chùa chiền Tăng sĩ, góp tiền mua máy thở cho bệnh nhân, mua quan tài cho người không may mắn, nấu cơm cho các khu bệnh viện, gửi sách và quà bánh ủng hộ tinh thần cho những người trong khu cách ly, hộ niệm cho người sắp mất, tổ chức các đàn tràng tụng kinh cầu nguyện và trì chú, mong cho đất nước sớm vượt qua khó khăn, nguyện cho muôn dân được tai qua nạn khỏi. Cho đến những tổ chức, cá nhân nhận tro cốt miễn phí, nấu các bữa cơm 0 đồng, góp từng chiếc bánh chưng, từng manh áo rét, thậm chí là chai nước, cái kẹo cảm ơn các chiến sĩ bộ đội ngày đêm phòng thủ chốt dịch; còn chưa kể bao thanh niên tình nguyện không màng sống chết, cống hiến vì mục đích to lớn, ai ai cũng mong muốn góp chút tinh thần cùng nhau giành lại bình an cho đất nước, trả lại đời sống ấm no cho nhân dân. Đây chẳng phải là những vị Phật sống, Bồ tát sống đang xây dựng một Tịnh độ nhân gian giữa đời thường sao? Họ lấy mục đích giúp người làm niềm vui, lấy việc phụng sự làm lý tưởng, để xây dựng thế giới tình thương, một xã hội an bình và hạnh phúc.
Nói chính xác hơn, nếu tâm chúng ta biết bao dung, yêu thương, từ bi và hỷ xả thì trong lòng mỗi người đều tồn tại một cõi Tịnh độ; nhiều cõi Tịnh độ đương nhiên sẽ tạo nên một gia đình Tịnh độ, một xã hội Tịnh độ, một quốc gia Tịnh độ, một thế giới Tịnh độ, thậm chí là cả một nhân gian Tịnh độ. Được như vậy thì quả thật chẳng còn gì tuyệt vời hơn! Khi gieo hạt giống vào lòng đất, ai cũng mong cây sẽ đơm hoa kết trái. Cũng như vậy, chỉ cần một ý niệm chân thành, một câu nói ấm lòng cũng sẽ mang lại niềm vui cho những người xung quanh chúng ta, tô điểm cho bức tranh nhân gian thêm gam màu thiện lành, hoàn mỹ.
Bồ tát Quán Thế Âm ban lòng đại từ đại bi mà cứu khổ cứu nạn cho thế gian; Bồ tát Địa Tạng phát tâm nguyện độ tận chúng sinh mà dấn thân nơi địa ngục; Đức Thế Tôn du hành mọi miền Ấn Độ để truyền bá Phật pháp đến muôn dân. Hãy nên lưu lại lời hay, việc tốt, đức hạnh thanh cao và công lao cống hiến để đời cho hậu thế. Đó là những thứ có giá trị tuyệt vời hơn bất kỳ báu vật nào trên thế gian. Tịnh độ không ở đâu xa, Tịnh độ ở ngay nhân gian, Tịnh độ vẫn luôn tồn tại giữa cuộc đời này, Tịnh độ ngự trị không hình không tướng trong trái tim của mỗi chúng ta. Vậy nên, mỗi người hãy cùng nhau chung tay xây dựng một cõi Tịnh độ thanh lương, an hòa và yên tịnh ngay giữa đời thường.
Hãy quét dọn tâm mình trở thành tâm Tịnh độ.
Hãy nhìn cuộc đời, nhìn con người bằng ánh mắt Tịnh độ.
Hãy nói lời từ ái, hòa nhã như âm thanh Tịnh độ.
Hãy mỉm cười và kết duyên lành như nụ cười Tịnh độ.
Hãy cư xử như đang tu pháp môn Tịnh độ.
Hãy bước đi như đang đi trên cõi nước Tịnh độ.
Hãy luôn khiến mình trang nghiêm như đang mặc chiếc áo của Tịnh độ.
Hãy mở rộng vòng tay, ôm lấy cuộc đời, ôm lấy tình người như thể bạn đang ôm thế giới vào lòng, đây chính là vòng tay Tịnh độ.
Nếu hiểu biết đúng đắn về giá trị sinh mạng, chúng ta sẽ hiểu được rằng, đời người vốn dĩ rất nhiều nỗi khổ, chỉ khi chúng ta biết làm chủ chính mình, không để bản thân bị chi phối bởi những đổi thay của thế thái nhân tình, thì lúc đó mới có thể vượt lên trên tất cả những thống khổ, bi ai của kiếp người.
Thành kính gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến Hòa thượng Bổn sư thượng Nguyên hạ Hạnh Trụ trì chùa Tảo Sách, chư Tôn đức Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Vĩnh Nghiêm Tùng Thư: Thượng tọa Chủ tịch hội đồng khoa học Thích Đức Thiện, Thượng tọa Thích Thanh Phong, chư vị Đại đức Phó Giám đốc, cùng chư vị thiện tri thức quý Phật tử đã trợ duyên cho chúng tôi hoàn thành việc phiên dịch và xuất bản tác phẩm này trong niềm hỷ lạc vô biên!
Xin niệm ân đến quý vị độc giả đã nhiệt thành đón nhận dịch phẩm này. Trọn lòng mong quý vị có thể lĩnh hội tường tận và sâu sắc ý nghĩa trong từng câu chữ, quan trọng hơn là có thể cùng nhau sách tấn tu tập, thực hành theo hạnh nguyện và lời dạy của Phật Dược Sư. Nguyện cho pháp môn Dược Sư được lan truyền rộng rãi trong nhân gian, mỗi kiếp nhân sinh đều có thể tạo ra một cuộc đời tươi đẹp, mỗi tâm hồn là một cõi Tịnh độ. Mong sao dịch bệnh tiêu trừ, thế giới sớm trở lại yên bình, nhân dân được ấm no và hạnh phúc!
Với mong muốn giản dị đem Phật pháp vào đời sống hiện tại để làm đẹp cuộc đời, chúng tôi hy vọng rằng tác phẩm này sẽ góp một đóa hoa nhỏ bé vào vườn hoa Phật giáo. Vì sở học có hạn nên trong quá trình chuyển tải ngôn ngữ, khó có thể tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi cũng nhận thấy khả năng mình còn thiển bạc, kính mong nhận được sự chỉ giáo của quý chư Tôn đức, cùng sự đóng góp ý kiến của quý vị độc giả, để lần tái bản tới được hoàn thiện hơn!
Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế
Long Hưng, ngày 01 tháng 12 năm 2021
ĐĐ. Thích Quảng Lâm
Cẩn bút