Tâm thức con người giống như một hạt giống. Hạt giống có thể sinh ra một cái cây, sinh ra cành lá, hoa quả, sinh ra sự phát triển. Nó cần loại đất thích hợp, điều kiện thích hợp, ánh sáng mặt trời và nước để nảy mầm và nở hoa trong khả năng của mình. Tâm thức và tâm trí con người cũng vậy.
Hạt giống đó có thể ngủ yên trong nhiều năm, nó lưu trữ trong mình khả năng nảy mầm và phát triển, hoặc nó sẽ đâm chồi mọc lên ngay. Sự nảy mầm của hạt giống tâm thức con người được gọi là viveka – khả năng suy xét và sự khôn ngoan. Tự do đi kèm với viveka, hay khả năng suy xét. Mọi loài khác trong vũ trụ này đều bị thiên nhiên chi phối hoàn toàn. Chúng không cần đến khả năng suy xét hay quyền tự do. Vì vậy, chúng không bao giờ phá vỡ quy luật tự nhiên. Tâm thức và tâm trí con người được ban cho quyền tự do này. Do đó, nó cũng được ban cho khả năng suy xét, phân tích. Thông qua viveka, sự khôn ngoan và xét đoán, tâm thức và tâm trí con người có thể bị chi phối để tiến lên hoặc ở lại nơi nó đang tồn tại. Nhìn chung, bạn sẽ không thấy bất cứ động vật nào ăn quá nhiều khi chúng bị bệnh. Nó chỉ làm điều đó khi bị điên. Thông thường, chúng ăn đúng lúc, nghỉ ngơi đúng lúc và giao phối đúng lúc. Chúng không có sự lựa chọn. Nhưng con người có quyền tự do để làm bất cứ điều gì mình muốn. Quyền tự do này được trao cùng với kết quả của hành động và hiểu biết về kết quả đó. Điều này cho phép con người lựa chọn và sống một cuộc sống khôn ngoan.
Đặc trưng phân biệt con người với loài vật khác là con người chịu sự chi phối của viveka – sự khôn ngoan và óc phân tích, suy xét. Và làm thế nào để nó được nâng lên tầm cao hơn? Làm thế nào để hạt giống có thể nảy mầm và phát triển thành cây non? Nó cần phải được tưới nước nhiều lần cho đến khi nó phát triển. Một hạt giống có khả năng phát triển nhưng nếu không được tưới nước, khả năng đó vẫn chỉ là khả năng, nó không thể được biểu hiện ra.
Đề cập đến vấn đề này, Patanjali đã nói:
Yogaangaanushtaana – hạt giống tâm thức có thể nảy mầm và lớn lên nhờ thực tập và quan sát tám nhánh của Yoga. Thông qua Yoga, ashuddhikshaye, những thứ không thuần khiết sẽ được loại bỏ, và rồi aa viveka khyaatehe – trí tuệ sẽ tỏa sáng. Cái lớp vỏ bên ngoài biến mất và mầm sẽ mọc lên.
Vậy thì các nhánh Yoga là gì?
Patanjali nói rằng Yoga có tám nhánh. Đó là: Yama, niyama, aasana, pranayama, pratyahara, dharana, dhyana và samaadhi.
Ông đã đi vào chi tiết của từng nhánh và kết quả nó có thể đem lại. Yoga có tám nhánh cũng giống như cái ghế có bốn chân. Mỗi chân được đóng vào toàn bộ cái ghế. Chỉ cần kéo một chân thì cả cái ghế sẽ chuyển động. Toàn bộ cơ thể chúng ta phát triển đồng thời. Các cơ quan phát triển đồng thời. Không phải cái mũi phát triển trước rồi đến hai cái tai. Do đó, Patanjali gọi chúng là các nhánh hay các chi của Yoga. Đáng tiếc là người ta nghĩ rằng chúng là các giai đoạn của Yoga và cái này đến sau cái kia. Họ nghĩ rằng chúng ta phải hoàn thành từng bước một. Điều này không đúng. Đó là một sự ngộ nhận.
Yama là nhánh thứ nhất. Yama là gì? Ahimsa satya asteya brahmacharya aparigraha. Có năm yama.
Ahimsa – không bạo lực – không làm tổn hại đến người khác bằng tư tưởng, lời nói hay hành động. Satya – trung thực – sự chân thật trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Asteya – không trộm cắp, không ganh tị hay chiếm hữu tài sản vật chất hoặc tinh thần của người khác. Brahmacharya – nhìn sự vật một cách toàn diện. Aparigraha – không tham lam, không chạy theo lối sống xa hoa lãng phí.
Jaatidesha kaala samaya nvachchinnaaha saarvabhoumaa mahaavratam.
Đây là những giới luật, những cam kết phổ quát nhất bởi vì nó được áp dụng mọi lúc, mọi nơi cho tất cả mọi người. Có một số quy luật nhất định chỉ áp dụng cho một số người, một số nơi hay một khoảng thời gian nhất định. Một con vật hung dữ vì một số lý do nào đó. Động vật hoang dã chỉ săn mồi khi chúng đói. Chúng không săn bắt cho vui nhưng con người thì lại làm điều đó. Họ săn bắt vô cớ. Một con trăn ăn một con chuột sẽ đủ no cho một tháng và nó ngủ suốt những ngày còn lại trong tháng. Chỉ một con chuột là đủ thức ăn trong tháng cho một con trăn mặc dù nó rất đáng sợ và nguy hiểm. Nếu nó nuốt một con dê hay ăn cái gì đó lớn hơn thì nó sẽ không gây hại hay giết bất cứ con vật nào trong vài tháng. Nhưng con người nhân danh Thượng Đế, nhân danh tình yêu lại giết hại lẫn nhau. Trên thế giới này, rất phổ biến những hành động bạo lực thiếu suy nghĩ nhân danh đất nước, tôn giáo. Điều này hoàn toàn không có viveka, trí tuệ. Một người hung ác không nghe bất cứ ai. Đôi tai họ bị bịt kín.
Bạo lực là kết quả của sự phản kháng. Tâm trí bị thất vọng. Sự thất vọng tích tụ lại. Một dấu hỏi lớn có thể xuất hiện. Và chính câu hỏi đó sẽ biến thành bạo lực. Và bạo lực lan tỏa vào môi trường chung quanh. Một đám đông có thể trở nên hung bạo. Cá nhân một người không có khả năng gây ra bạo lực. Tuy nhiên, trong một đám đông, anh ta sẽ tiếp tay với mọi người và trở nên hung bạo.
Viveka có thể xuất hiện khi một người thực hiện cam kết không bạo lực – anh ta sẽ không có chủ ý giết hay làm tổn hại bất cứ sự sống nào trên hành tinh này. Có thể trong lúc đi lại, bạn vô tình làm hại nhiều loài sinh vật. Có thể bạn đang giẫm lên và giết chết nhiều sinh vật bé nhỏ như loài kiến. Nhưng bạn chỉ vô tình giết chết chúng mà thôi. Thế nhưng ý định hủy diệt một cái gì đó hay hành động có tính bạo lực có thể chặt đi cội rễ của chính bạn. Bỏ đi ý định có tính bạo lực này là ahimsa.
Satya – có mặt với hiện tại, có mặt với cái thường hằng, là biết rằng có một điều gì đó sâu thẳm trong bạn, có gì đó bất biến trong bạn. Satya không có nghĩa là chỉ nói sự thật. Satya là toàn bộ những cam kết với sự thật. Nó không chỉ là bằng lời nói. Thật đáng tiếc, người ta nhầm lẫn satya chỉ là nói sự thật.
Vậy hiệu quả của ahimsa là gì?
Ahimsa pratishtaayaam tat sannidhau vairatyaagah.
Nếu bạn đã giữ được giới luật phi bạo lực thì các sinh vật khác sẽ không hung dữ với bạn. Có thể có ai đó muốn tấn công bạn. Nhưng ngay khi đến gần bạn, họ cảm nhận được làn sóng rung động phi bạo lực của bạn. Họ sẽ ngừng hành hung bạn.
Mahaveera là người cùng thời với Đức Phật và ông đã đẩy mạnh sự phát triển của Kỳ Na giáo. Ông là hiện thân tiêu biểu của ahimsa. Người ta kể rằng những người ở cách ông trong khoảng bán kính 20 km thì sẽ không còn bạo lực. Ngay cả những cây gai cũng sẽ không đâm vào ai. Chúng sẽ không còn nhọn và trở nên mềm mại để tránh đâm phải bất cứ ai.
Satya pratishthaayaam kriyaphalaashrayatvam.
Hành động nào của bạn cũng mang lại kết quả tốt nếu bạn giữ được giới luật trung thực. Nhiều người hành động không hiệu quả bởi vì họ không có ý chân thật. Khi không có sự chân thật trong ý thức, hậu quả sẽ kéo đến ngay sau một hành động.
Kriyaphalaashrayatvam là có thành công trong hành động. Và trung thực không chỉ nằm ở lời nói. Nó còn là chất lượng của tri thức, của sự thẳng thắn. Ngay cả khi bạn nói dối và bạn đủ can đảm nói rằng mình đang nói dối thì đó là bạn đang nói lên sự thật.
Khi bạn nói dối, tâm thức của bạn không vững vàng, không ngay thẳng. Sẽ không có sức mạnh trong đó.
Satya pratishtaayaam kriyaphalaashrayatvam. Thành công dễ dàng đến với một người luôn trung thực, người luôn cam kết trung thực với cái đang hiện hữu. Điều này không có nghĩa là người ấy không gặp phải thất bại. Anh ta có thể thất bại nhưng anh ta sẽ thắng. Satyameva jayate là một khẩu hiệu ở Ấn Độ giống như khẩu hiệu “Chúng tôi tin vào Thượng Đế” trên tờ tiền giấy của Mỹ. Khẩu hiệu này có nghĩa là “Chỉ có sự thật mới chiến thắng”. Sự thật chắc chắn sẽ thắng, mặc dù có lúc nó có vẻ như không phải là chiến thắng.
Chuyện kể rằng trước kia Ấn Độ là tập hợp của nhiều vương quốc nhỏ dưới sự cai trị của một hoàng đế. Akbar, vị hoàng đế Mughal đã ban bố các bộ luật và quy tắc kỳ quặc. Có lần ông ra lệnh là bất cứ ai bị phát hiện nói dối sẽ bị treo cổ. Vào thời đó, các hoàng đế và vua có thể đặt ra luật riêng của mình, bất cứ luật nào họ thích. Không có quốc hội hay đại biểu quốc hội để tranh luận và thông qua luật. Bộ luật mới của ông đã gây ra một sự hỗn loạn. Các thầy kiện cảm thấy rằng bộ luật đó sẽ làm hỏng công việc làm ăn của họ và nghề thầy kiện sẽ bị xóa sổ. Họ liền họp bàn để tìm ra phương án hành động.
Tương tự, tất cả các thương gia cũng họp nhau lại để thảo luận về luật mới được ban hành. Họ không biết làm thế nào để bán được các sản phẩm của mình. Điều này thật tai hại. Họ vẫn thường rêu rao rằng sản phẩm của mình là tốt nhất mặc dù biết rõ không phải là như vậy. Họ nói dối các khách hàng tiềm năng và sử dụng nhiều mánh lới kinh doanh khác nhau. Và với bộ luật mới, chắc chắn công việc kinh doanh của họ sẽ bị phá sản. Họ thấy rằng bộ luật đó là thái quá, không thích hợp với họ và rằng họ sẽ không thể thực hiện được. Các nhà chiêm tinh, thầy tu, thầy thuốc cũng tổ chức những cuộc họp tương tự.
Họ đã đến gặp Birbal, vị tể tướng thông thái trong triều đình. Họ thỉnh cầu ông can thiệp. Ông nhận lời. Ngày hôm sau, Birbal vào phòng ngủ của đức vua. Lính canh bên ngoài đã chặn ông lại. Ông bảo họ rằng ông vào đây để bị treo cổ. Đó là lời nói dối vì phòng ngủ của đức vua không phải là nơi hành hình. Do đó, lính canh đưa ông đến gặp đức vua. Nếu ông bị treo cổ thì điều ông nói ra là sự thật và nhà vua đã xử phạt một người vô tội. Và đó là một tội ác lớn mà đức vua sẽ phạm phải. Nếu đức vua không treo cổ ông thì bộ luật đó sẽ không còn hiệu lực nữa vì rõ ràng là ông đã nói dối.
Để giải quyết vấn đề này, đức vua cho mời tất cả các quan trong triều đến họp và đã có một cuộc tranh luận lớn xảy ra. Nếu Birbal bị treo cổ thì ông bị giết oan và nếu ông không bị treo cổ thì cũng trái với luật. Đức vua bị lâm vào tình thế khó xử và mọi người còn bối rối hơn. Cuối cùng, họ yêu cầu Birbal gợi ý xem cần phải làm gì.
Birbal nói rằng sự thật không phải là những gì được nói ra. Bất cứ điều gì được nói ra đều trở thành lời nói dối. Vào khoảnh khắc bạn nói ra điều gì đó là bạn đang bóp méo “cái đang là” và “cái đang là” này chính là sự thật.
Tuân theo satya chính là có mặt với “cái đang là”. Thành thật trong cuộc sống, trong tâm trí, trong trái tim – thành thật không phải trong lời nói mà là trong chủ đích của bạn. Chủ đích của bạn có thẳng thắn, rõ ràng không? Hay là bạn đang che giấu một điều gì đó đằng sau? Bạn có đang vướng mắc điều gì khác nữa không? Chúng ta đang nói đến sự chân thật. Nguyên tắc hay yama thứ hai là sự rõ ràng trong chủ ý và sự cởi mở trong cách tiếp cận của bạn. Nói cách khác là sự chân thật.
Yama thứ ba là asteya – không trộm cắp. Có thể bạn ngưỡng mộ giọng nói của ai đó và mong muốn có giọng nói hay. Bạn đã đánh cắp giọng nói đó. Bạn có thể ngưỡng mộ ngoại hình của ai đó và mong ước mình trông giống cô ấy và bằng cách đó bạn đã đánh cắp ngoại hình của người đó. Đây là lòng ganh tị và ham muốn có được điều mà mình ngưỡng mộ. Chính vì ganh tị và ham muốn mà người ta trộm cắp. Asteya là loại bỏ sự ganh tị và khuynh hướng trộm cắp. Người ta trộm cắp nhiều thứ. Một số người trộm cắp kế hoạch của người khác, số khác trộm cắp các kỹ thuật. Rồi có người lại trộm cắp đồ vật. Những thứ này không mang lại kết quả như mong muốn. Những người trộm cắp vẫn nghèo mãi.
Nếu bạn giữ bản chất chân thật và không trộm cắp thì sarva ratnopalabdihi – mọi sự giàu có sẽ đến với bạn dễ dàng. Đây là hiệu quả của việc không trộm cắp. Chỉ cần một ý định trộm cắp vặt thôi cũng có thể làm cho bạn nghèo khó. Hầu hết sự nghèo khó là do bản thân tự gây ra. Một người có ý đồ lén lút và tìm cách vơ vét nhiều nhất có thể thì mọi may phước của anh ta sẽ đổ sông đổ biển. Do đó, không trộm cắp sẽ mang đến mọi sự giàu có.
Bramhacharya pratishtaayaam veeryalaabhah.
Brahmacharya, thông thường có nghĩa là không quan hệ tình dục. Sự tiết dục mang đến cho bạn nhiều sức mạnh. Nhưng brahmacharya còn có nghĩa rộng và sâu hơn thế. Brahma nghĩa là vô hạn, charya là chuyển động trong cái vô hạn. Bạn chuyển động như một nguồn sáng khi bạn biết bản chất rộng lớn của cơ thể mình và thấy bản thân không phải chỉ là cơ thể. Đây là lúc sự thanh tẩy diễn ra một cách tự nhiên. Khi ngồi trong trạng thái thiền sâu, bạn không cảm thấy mình là một cơ thể và không cảm nhận trọng lượng của một cơ thể nặng 60, 65, 70 cân. Bạn cảm thấy nhẹ bẫng. Bạn cảm thấy mình như chiếc lông chim. Khi bước đi, bạn thấy lâng lâng. Bạn cảm thấy rộng mở hơn. Càng vui, bạn càng ít cảm nhận cơ thể. Càng ở trong ý thức vô hạn, bạn càng ít thấy sức căng và sức nặng của cơ thể, hay sự hiện hữu của bạn. Đó là brahmacharya. Ý thức được mở rộng đến vô hạn và chuyển động trong cái vô hạn đó là bản chất thật của chúng ta.
Bản chất được rộng mở sẽ mang đến cho bạn nhiều sức sống, sự dũng cảm và sức mạnh. Người có tâm trí hạn hẹp thì luôn nhìn quanh tìm kiếm những người có vẻ đẹp bề ngoài hoặc đối tượng làm tình tiềm năng. Những người như thế sẽ có nguồn năng lượng thấp, trông họ rất trì trệ và ít ai muốn đến gần họ. Một người luôn nghĩ đến tình dục thì không có gì hấp dẫn cả. Họ toát ra vẻ nặng nề và trì trệ đến nỗi chúng ta không thấy được một chút sức mạnh hay sinh lực nào trong họ. Họ thực sự trông như những khúc gỗ. Họ không có chút sức mạnh nào cả.
Có một câu chuyện về Mullah Naseruddin. Một hôm Mullah Naseruddin đang xem một điệu nhảy trên màn hình. Người nữ diễn viên đang nhảy và ông xem điệu nhảy với vẻ nôn nóng. Bất thình lình, ông ngồi bệt xuống sàn. Người vợ thấy vậy liền hỏi ông đang nhìn gì vậy. Ông trả lời rằng ông muốn xem điệu nhảy của cô ấy gần hơn và ông đang chờ cô ấy ngồi xuống.
Tâm trí trở nên điên rồ đến nỗi không có sức mạnh nào trong nó. Nó bị giới hạn và rồi sự ganh tị, giận dữ, nóng nảy, thiếu kiên nhẫn và thất vọng nảy sinh trong đầu. Và khi những cơn bão tiêu cực này trỗi lên trong tâm trí, chúng làm cho tâm trí trở nên yếu đuối và nghèo nàn. Mọi sự thật về sự hiện hữu đều biến mất. Khi tâm trí bạn bị một lượng tiêu cực lớn như vậy làm cho ám ảnh, bạn không thể quan sát được bản chất tốt đẹp đang hiện hữu trong bạn.
Brahmacharya pratishtaayaam veeryalaabhaha – Sức mạnh tuyệt vời sẽ đến khi bạn giữ được giới luật rahmacharya. Đó là khi bạn coi bản thân không phải chỉ là một cơ thể. Bạn thấy mình là một tâm thức, là brahma.
Aparigrahasthaiye janmakathayanta sambodhaha.
Khi không tham cầu thì bạn sẽ am hiểu được về các đời kiếp trước và am hiểu về các loài khác nhau. Kênh giao tiếp của bạn trở nên tinh tế hơn. Khi một người ham muốn nhiều, anh ta chỉ nghĩ đến bản thân và luôn bị nỗi sợ hãi ám ảnh. Anh ta không biết được giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Cuộc sống đã có mặt từ rất nhiều đời kiếp trước và sẽ tiếp tục đến nhiều đời kiếp sau. Không tham cầu có nghĩa là tự tin trong sự tồn tại và khả năng của mình, đồng thời có được tri thức về bản thể của con người. Nếu bạn biết cách làm bánh mì, bạn sẽ không làm bánh trong một tuần liên tục rồi trữ chúng trong phòng suốt một năm. Chúng sẽ bị khô cứng và không ăn được.
Ở Trung Quốc, có một châm ngôn: “Khi bạn cho đi, bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Bạn gieo rắc thứ gì, bạn sẽ nhận lại tất cả những thứ đó. Càng cố giữ bạn càng mất mát.” Khi bạn cho đi, tất cả sẽ quay về với bạn. Mọi thứ là của bạn và bạn là tất cả. Một người quá lo ngại cho bản thân và không biết gì về sức mạnh bên trong mình thì rất ích kỷ. Một người ích kỷ và bủn xỉn thì luôn tích lũy riêng cho mình. Anh ta là một người tham lam.
Có một người đàn ông giàu có đang nằm trên giường chờ chết. Thế mà ông ta vẫn kiểm tra giá cổ phiếu trên điện thoại. Ông ta có thể chết vào bất cứ lúc nào nhưng ông ta vẫn quan tâm đến giá cổ phiếu – ông ta đang kiếm được bao nhiêu và đang mất bao nhiêu. Nhưng ông ta sẽ phải để lại tất cả mọi thứ sau khi chết. Nếu tiền có thể chuyển sang thế giới bên kia, thì người ta có thể chuyển tất cả tài sản của họ trước khi chết. Luật sư không phải viết di chúc. Dù may hay không may, điều này là không thể. Người ta tích lũy và tích lũy rồi chết. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên dành dụm tiền. Nhưng Patanjali đã hỏi rằng việc đó có tác dụng gì?
Janmakathayanta sambodhaha. Khi bạn cho đi, bạn sẽ được nhận lại một thứ gì đó. Có một số rung động dễ chịu, thoải mái diễn ra trong bạn làm bạn thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nếu có một ngày bạn thấy buồn bã, bạn cho đi một cái gì đó hay tặng quà cho ai đó. Bạn sẽ thấy tâm trạng mình thay đổi. Và đôi khi bạn nhận quà từ ai đó, bạn sẽ cảm thấy không vui. Vào thời xưa, người ta đã biết rất rõ điều này. Họ mời các nhà thông thái đến nhà, tặng thức ăn và quà cáp. Khi các nhà thông thái đã nhận, họ sẽ trao thêm một tặng phẩm nữa để bày tỏ lòng biết ơn các vị khách đã nhận các món quà của họ.
Do đó, nếu có người nhận một món quà, thì người tặng nên biết ơn. Điều này được gọi là dakshina. Người tặng tỏ lòng biết ơn vì người nhận không chỉ nhận quà mà còn lấy đi những tâm ấn hay nghiệp lực nào đó trong tâm trí của người cho.
Parigraha là luôn luôn nhận và tự hỏi sẽ nhận được những gì. Nếu bạn không nhận bất cứ điều gì từ ai, bạn sẽ cảm thấy khác biệt với mọi người. Có nhiều người thực hành điều này một cách khắt khe. Bạn không cần đi đến chỗ cực đoan nhưng nhận thức được sự thật này là một điều hữu ích.
Trên đây là năm mahavratas – năm quy tắc lớn, năm giới luật. Bạn giữ được năm giới luật này được chừng nào thì bạn sẽ gặt hái được chừng ấy.
Vipakshabhadane pratipaksha bhavaanam.
Giả sử tâm trí bạn cho rằng bạn không cần quan tâm về các quy tắc đó và rằng bạn muốn làm điều gì tùy thích. Nếu bạn muốn bạo lực thì bạn sẽ là người bạo lực.
Để chống lại điều này, Patanjali đã nói Vipakshabhadane pratipaksha bhavaanam – hãy làm ngược lại.
Trước khi đề cập đến điều này, ông ấy cũng đã nói đến niyamas. Niyama là gì?
Có năm yama và năm niyama.
Các niyama đó là:
Shaucha santosha tapaha swaadhyaaya eswara pranidhaanaani niyamaah.
Shaucha là vệ sinh cơ thể, giữ bản thân luôn sạch sẽ. Người ta có thể không tắm vài ngày và bôi nước hoa lên người. Đó không phải là sạch sẽ. Nước nên được chảy vào cơ thể cả bên trong lẫn bên ngoài. Bạn phải uống đủ nước và để nó chảy qua các cơ quan nội tạng. Nước là máy lọc tốt nhất cho cơ thể vật lý của bạn. Nếu đã quen trong môi trường ô uế thì bạn sẽ không cảm thấy gì. Bạn có thể thấy tình trạng này trong các khu ổ chuột. Người dân ở đó không ngại sống trong điều kiện rất bẩn thỉu, đầy rác rưởi chung quanh. Họ đã quen với nó. Cũng giống như vậy, bạn quen với việc ở bẩn và không giữ cho phòng của mình sạch sẽ. Bắt đầu với việc bạn trì hoãn tắm rửa một ngày hoặc mặc lại bộ quần áo đã mặc ngày hôm trước. Và rồi việc nọ nối tiếp việc kia, bạn bận rộn trong vài ngày liền và không có thời gian để tắm. Bạn không nhận ra mùi hôi phát ra từ bạn nhưng người khác sẽ cảm thấy khó chịu. Và sẽ tệ hại hơn nếu bạn dùng nước hoa. Bạn sẽ không nhận biết được mùi của mình trong một thời gian dài. Tắm rửa đều đặn và giữ vệ sinh cá nhân là điều rất cần thiết. Tâm trí cũng cần được giữ sạch sẽ – antaha shaucha – bahya bheetara shaucha. Nó cần sự sạch sẽ cả bên ngoài lẫn bên trong và cần được giải phóng khỏi những căng thẳng.
Santosha – hài lòng và hạnh phúc. Hạnh phúc là một thái độ. Nếu bạn thường hay buồn phiền, bạn sẽ càm ràm và buồn bã ngay cả trong những tình huống thuận lợi nhất. Không có gì làm cho bạn vui trên cõi đời này. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn vui, khi bạn cười? Sự thư giãn sẽ thể hiện trên gương mặt, trong các cơ mặt và trong đầu bạn. Sự tự do, niềm vui, niềm thanh thản hiện hữu trong bạn. Nếu bạn đã tập cho các cơ và hệ thống thần kinh của bạn không vui, thì gương mặt bạn sẽ có nhiều nếp nhăn và nét căng thẳng. Đầu óc và cơ thể bạn sẽ thiếu linh hoạt và bạn lúc nào cũng buồn phiền bất luận hoàn cảnh có ra sao.
Santosha là một sự thực hành. Vui vẻ là một thực hành. Hạnh phúc không điều kiện là một thực hành. Bạn cần quyết định rằng bạn sẽ mỉm cười, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Bạn cần phải thấy rằng dù thế nào đi nữa thì mọi người và mọi vật cũng sẽ chết và biến mất. Bạn đánh mất một số tiền lớn? Bạn đau khổ vì chuyện đó? Mất tiền thì sao? Dù gì thì bạn cũng sẽ mất cái thân xác này, cái thân xác sẽ hưởng thụ hàng triệu đô la. Đó là điều tất yếu. Rất nhiều người có hàng triệu đô la và họ cũng chết. Bạn đau khổ vì chuyện gì nữa? Có phải là một người bạn đang rời xa bạn? Thân xác của bạn sẽ bỏ bạn mà đi. Tại sao bạn lại quá lo lắng về chuyện một người bạn rời bỏ bạn. Đôi khi người ta bị mất hết thứ này đến thứ khác và đôi khi họ mất mọi thứ. Chỉ có một khả năng duy nhất. Hoặc là bạn mất tất cả cùng một lúc, hoặc là bạn mất từng thứ hết lần này đến lần khác. Do đó, khi mất một người bạn, bạn nên nghĩ rằng trước sau gì bạn cũng mất họ vì cái cơ thể đó cũng sẽ bị mất vào một lúc nào đó sau này. Vì vậy không có gì quan trọng cả.
Hãy nghĩ về bản thân mình ở trong trường hợp thứ hai – mất từng thứ một. Bạn sẽ không cùng chết với bạn mình, hoặc là bạn sẽ không đưa họ lên thiên đàng. Mỗi người đều có chiếc vé riêng cho mình, thời gian và nơi đến đã được đặt trước rồi. Ở đó bạn không thể đòi hỏi bất cứ điều gì. Vậy thì tại sao lại không vui ngay bây giờ? Sức mạnh của hạnh phúc được đo lường bằng những tình huống không thuận lợi của bạn. Nếu mọi thứ đều suôn sẻ thì nụ cười tươi của bạn chẳng đáng giá gì cả. Bạn nên mỉm cười trong mọi tình huống khó khăn, bất lợi. Bạn phải chắc chắn rằng, ngay cả nếu thế giới này có biến mất, bạn cũng sẽ không bán đi nụ cười của mình và cũng sẽ không thấy đau khổ.
Bạn cần phải thấy rằng bạn sẽ vui, sẽ cười, ít nhất là vui và tận hưởng hơi thở của mình. Ít ra bạn cũng có thể thở một cách vui vẻ, thoải mái. Sẽ không có ai bịt mũi bạn. Nếu nghĩ được như vậy, bạn sẽ tự do, nhẹ nhõm. Và đó chính là sức mạnh của santosha.
Có một câu chuyện khác về Mullah Naseruddin.
Mullah Naseruddin lúc nào cũng càm ràm. Ông ta là một nông dân. Ông luôn than phiền rằng không có mưa và vì thế mùa màng thất bát. Mọi thứ đều rất khó khăn. Tuy nhiên, có một năm mưa rất nhiều, lượng mưa rất lớn và mùa màng rất tốt trong cánh đồng của ông. Mọi người nghĩ ông sẽ rất vui và không còn càm ràm nữa. Nhưng khi họ đến chúc mừng ông thì ông vẫn đeo bộ mặt buồn bã như thường lệ. Ông nói rằng vì vụ mùa tốt quá nên ông có quá nhiều việc phải làm. Những năm trước ông không phải làm gì cả vì không có thu hoạch. Nhưng với vụ mùa tốt như thế, ông phải thu hoạch rồi thồ nông sản ra chợ bán. Mọi người không thể hiểu nổi ông nữa.
Cuộc sống của bạn cũng giống như vậy. Bạn khổ vì những thứ bạn có và bạn cũng khổ vì những thứ bạn không có. Có người buồn vì không có xe hơi nhưng khi mua được một chiếc xe thì anh ta cũng thấy khổ vì phải bảo trì nó và đóng thuế. Mọi thứ đều trở nên căng thẳng. Anh ta thấy rằng, trước kia anh ta chỉ cần sử dụng các phương tiện công cộng để đi bất cứ nới nào anh muốn. Bây giờ thì phải bảo dưỡng xe thường xuyên. Rồi khi đi ra ngoài, anh còn phải đi lùng chỗ đậu xe nữa.
Santosha là phát triển thói quen hạnh phúc. Bạn phải tự phát triển thói quen đó. Không ai khác có thể làm điều đó cho bạn. Cũng không ai cho bạn thói quen đó. Nếu có người nào khác cho bạn được cái gì thì cái đó chỉ là tạm thời mà thôi. Bạn nên chấp nhận santosha như là một quy luật trong cuộc sống.
Tapaha, swadhyaaya, ishwara pranidhana – bạn cần phải có một số tapas – sức chịu đựng và sự kiên nhẫn, swadhyaaya – hiểu bản thân mình và ishwara pranidhana – tôn kính Chúa, Đấng tối cao.
Vipakshabhadane pratipaksha bhavaanam.
Khi bạn cảm thấy khó chịu với những quy tắc này, khi tâm trí bạn phản kháng lại chúng thì hẳn trong bạn sẽ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Và những cảm xúc đó là gì?
Patanjali nói tiếp:
Vitarka hinsaadayah krita karita anumoditaa lobha krodha moha purvakaa mridu madhya adhimatra duhkhagyanaan anantyaphalaa iti pratipaksha bhaavanam.
Đó chính là lobha – tham lam, krodha – giận dữ và moha – ảo tưởng. Khi bạn tham lam, bạn khiến người khác làm những điều mình muốn. Những nguyên tắc tiêu cực phát triển mạnh từ lòng tham lam, tính hung bạo hoặc thiếu trung thực. Khi một người có lòng tham, họ không nhìn thấy mọi thứ đúng như bản chất của nó. Điều này cũng đúng với một người đang giận dữ. Lý trí của anh ta bị che mờ. Anh ta mất đi khả năng nhận thức đúng đắn. Anh ta không biết mình đang làm gì.
Do đó, khi bạn làm một điều gì hoặc đồng tình với một hành động nào đó, bạn nên kiểm tra xem đó có phải cơn tức giận, tính cố chấp hay ảo tưởng đang kích động bạn hay không. Chúng có thể ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc thái quá.
Chúng mang đến dukha, buồn phiền, và ajnaana, vô minh. Khi nhận thức được điều này, bạn có thể tránh được chúng và tuân thủ theo các quy tắc.
Có hàng triệu người trên thế giới đang thực hiện các hành vi bạo lực. Bạn sẽ tự hỏi tại sao họ lại làm như vậy. Đó là vì họ không nhận thức được rằng những hành vi như thế sẽ mang đến cho họ nhiều đau đớn, khổ sở và vô minh. Đau khổ thì không dễ chịu chút nào. Không ai trên thế giới này thích đón nhận nó. Ngay cả một con gián hay một con kiến cũng không muốn khổ. Thế nhưng tại sao lại có quá nhiều người có hành vi phạm tội? Patanjali đã nói rằng chúng ta phải thức tỉnh và nhận ra điều này.
Shouchat snaanga jugupsa paraih sansargah.
Cơ thể càng sạch sẽ, bạn càng gắn bó với nó. Bạn ý thức hơn về bản thể bên trong của mình, về ánh sáng và cơ thể bên trong của bạn.
Svaanga jugupsa – việc thèm khát bộ phận cơ thể nào đó là bởi người ta không hiểu toàn bộ cơ thể này. Ở dưới lớp da này là tất cả xương, thịt, thần kinh, v.v.. Sự thiếu hiểu biết tổng thể về cơ thể mang đến nhiều nỗi ám ảnh và ham mê quá độ trong con người. Họ không thể thỏa mãn với bất cứ điều gì ngoài nỗi ám ảnh của họ. Và họ trở nên hung bạo. Đó là lý do tại sao có nhiều tội ác liên quan đến cơ thể. Người ta giết hại nhau chỉ để cho vui. Nhiều người đã phạm tội tình dục. Đây là sự thiếu hiểu biết về cơ thể của mình.
Shaucha, sạch sẽ dẫn đến sattva shuddhi – tâm trí trở nên sattvic; bộ não,buddhi và trí tuệ trở nên thuần khiết. Tâm trí trở nên vững chãi và hài hòa. Có ekaagrata – sự tập trung và indriya jayatva – làm chủ các giác quan. Rồi đến aatma darshana yogyavaani – khả năng nhận ra bản thể nhờ sự thuần khiết này. Khi bạn quá buồn hoặc chán nản, bạn tránh tiếp xúc với mọi người. Điều này là tự nhiên. Không tiếp xúc với bất cứ ai có thể khiến bạn thuần khiết ở một mức độ nhất định. Nó có thể đánh thức khả năng nhận ra chính mình. Nó có thể làm cho bộ não và tâm trí bạn tập trung hơn. Nó có thể mang lại tính trong sáng rõ ràng cho suy nghĩ của bạn. Đó là lý do tại sao hầu hết các kiệt tác trên thế giới đều được hình thành khi tác giả ở một mình. Một thi sĩ phải cô đơn để sáng tác một bài thơ hay. Một họa sĩ nổi danh muốn ở một mình khi ông ta định cầm cọ vẽ.
Tuy nhiên, đôi khi người ta thực hiện điều này một cách cực đoan. Họ cho rằng không tiếp xúc với ai có nghĩa là không được đụng chạm. Người ta lẩn tránh người khác vì nhút nhát. Họ lạm dụng điều này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng quả thật, nếu bạn không đụng chạm hoặc không tiếp xúc với ai trong một vài ngày, tâm trí bạn sẽ quay lại trạng thái bình thường của nó. Đây là những hiệu quả của shaucha.
Santoshaad anuttamah sukha laabhah.
Santoshaad là hạnh phúc và sự hài lòng, thứ mang lại niềm vui lớn. Anuttama là hạnh phúc lớn nhất có được bằng cách nuôi dưỡng thói quen và thái độ hạnh phúc. Nó sẽ lần lượt tiêu diệt những khổ đau của bạn. Nó không chỉ là việc sốc lại tâm trạng. Nó là một thái độ. Bạn phát triển thái độ này để được hạnh phúc. Và nó sẽ mang lại cho bạn niềm hạnh phúc lớn nhất – một niềm hạnh phúc vô song trong cuộc sống.
Kaayendriya siddhih ashuddhi kshyaat tapasah.
Cơ thể trở nên vững chãi và các giác quan trở nên nhạy bén với tapas. Nhịn ăn không phải để làm hài lòng Thượng Đế. Nhịn ăn không đảm bảo là bạn được khai sáng hay được về miền an lạc. Nhưng khi bạn nhịn ăn và kết hợp nhiều bài luyện tập khác nhau, cơ thể bạn sẽ trở nên mạnh mẽ. Nó có thể chịu được nhiệt độ rất nóng hoặc rất lạnh. Sức đề kháng của bạn tăng lên. Ashuddhi kshryaa – các tạp chất được loại bỏ.
Swadhyaaya dishta devata samprayogah.
Tự quan sát mình, swadhyaaya, devas hay cảm nhận và trải nghiệm sự hiện diện của Đấng tối cao. Bằng việc tìm hiểu bản thân, bằng quan sát và bằng cách trở nên trống và rỗng, bạn sẽ trở thành một kênh dẫn. Bạn trở thành một phần của sự thiêng liêng. Bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện của thần thánh. Lòng tốt và devas, các hình thái khác của tâm thức, bắt đầu nở hoa.
Samaadhi siddhih ishvara pranidhaanaat.
Samadhi đến nhờ tôn kính tuyệt đối với Đấng thiêng liêng.
Sthira sukham aasanam.
Patanjali đã đề cập đến tất cả các yama và niyama.
Thế còn asana là gì? Asana là tư thế vững vàng và thoải mái. Thường khi bạn thoải mái thì bạn sẽ không vững vàng. Bạn sẽ không ngồi thẳng. Khi bạn ngồi thẳng thì bạn thấy cứng đờ và không thoải mái. Nhưng khi bạn vào được asana, bạn sẽ ngồi hoặc đứng thẳng, vững vàng và đồng thời thấy thoải mái. Và hiệu quả của asana là gì?
Prayatna shaithilya ananta samapattibhyaam.
Prayatna shaithilya – không cần gắng sức nữa. Điều quan trọng là sự cảm nhận cơ thể, không cần nỗ lực mà cứ thế trải nghiệm cái vô hạn – hài hòa bản thân mình với cái vô hạn. Chúng ta cảm thấy điều này khi thực hiện các asana. Bạn có nhận thấy rằng sau khi thực hành các asana với toàn bộ nhận thức, bạn cảm thấy mình thật nhẹ nhàng, khoan khoái không? Prayatna shaithilya là không cần phải cố gắng hay nỗ lực và ngồi trong tư thế thoải mái – sukham asanam, rồi thấy vui thích. Bạn thấy rằng niềm vui chỉ là được có mặt, được ngồi. Đó là sukha. Sukha có nghĩa là niềm vui. Bạn đã bao giờ ngồi yên với cảm giác tuyệt vời khi được ngồi, chỉ để ngồi chưa? Nếu rồi, hẳn bạn đã biết cảm giác ấy như thế nào. Prayatna shaithilya là buông hết mọi nỗ lực và cảm nhận cái vô hạn.
Việc này có ích như thế nào?
Tato dwandwa anabhighaatah.
Nó đánh vào những thứ có tính đối kháng hay xung đột trong bạn. Nó nhổ tận gốc những thứ đó.
Bạn nên thực hành asana bất cứ khi nào bạn thấy bối rối và có xung đột trong tâm trí. Hãy ngồi với một tư thế asana, bạn sẽ thấy sáng tỏ ngay. Tác dụng của một asana là xóa tan mọi xung đột và đối kháng trong bạn.
Tasmin sati shwaasa prashwaasa yogah gati vichchhedah pranayamah.
Asana cản trở hơi thở là điều tự nhiên.
Patanjali đã nói rằng việc thực hành asana làm cản trở hơi thở tự nhiên của bạn vì thực chất hơi thở của bạn không tự nhiên chút nào. Cuộc sống bộn bề đã làm cho hơi thở của bạn mất tự nhiên. Do đó, bất cứ điều gì bạn thấy tự nhiên, thực ra không phải là tự nhiên. Chúng ta phải quay trở về cách thở tự nhiên thực sự. Chúng ta thực hành điều này bằng gati vichchedaha – phá vỡ nhịp thở. Chúng ta phá vỡ nhịp thở bằng ý thức qua cách thở sâu, dài và tinh tế, với nhịp đếm và duy trì sự chú ý vào những phần khác nhau của cơ thể. Đó là nội dung của lời kinh tiếp theo:
Baahya abhyantara stambha vriti desha kaala sankhyabhih paridrishtau deergha sukshmaha.
Hít vào, giữ, thở ra, và giữ – với các nhịp đếm khác nhau, đồng thời chú ý vào các phần khác nhau của cơ thể. Tất cả chỉ là vậy. Patanjali nói rằng nên học pranayama với sự hướng dẫn đúng đắn. Không được tự tập một mình cũng như không phải tập ở chỗ nào cũng được. Ngoài ra còn có thêm một pranayama nữa xảy ra một cách tự động. Khi mọi suy nghĩ và ý tưởng được xóa khỏi tâm trí thì có một pranayama tự nhiên sinh ra. Nó xua hết những tạp niệm ra khỏi tâm trí. Đó là pranayama thứ tư.
Và tác dụng của tất cả pranayama này là gì?
Tatah kshiyate prakaasha aavaranam.
Chúng làm mỏng bức màn bao quanh ánh sáng. Bạn là ánh sáng mà bạn không biết bởi vì có một bức màn dày đặc bao quanh bạn; một bức màn sắt.Pranayama làm mỏng bức màn đó, và làm cho bạn trở nên trong suốt hơn để bạn thấy được rằng bạn là ánh sáng. Và có một lợi ích khác nữa: Dhaaranaasu cha yogyataa manasaha.
Tâm trí phát triển khả năng này, đó là có thể lưu lại bất kỳ điểm nào trên cơ thể. Trước đó bạn không hề có chủ đích nào cả. Bạn như một đám mây bay. Bây giờ với pranayama, có sự trong sáng, rõ ràng và bạn có thể có được mục tiêu và hướng đi của mình. Chính vì thế mà sau buổi tập pranayama chất lượng, tâm trí bạn trong sáng hơn, vững vàng hơn và bình an hơn. Bạn có thể cảm nhận được cơ thể mình. Bạn thậm chí có thể thiền được.
Swa vishayaa samprayoge chitaswaroopa anukaara iva indriyanaam pratyaaharaha.
Tâm trí đã quen với việc bám vào các đối tượng của giác quan. Thiền hướng dẫn cho nó một điều gì đó khác để bám vào. Cái này được gọi là pratyaahara – một thứ thức ăn thay thế cho tâm trí để dụ nó đi vào bên trong.
Có thể bạn đi khiêu vũ để thay thế cho một việc gì đó bạn thường làm. Và sau buổi khiêu vũ, bạn cảm thấy thật tuyệt vời. Điều đó được gọi là pratyaahara, đối tượng thay thế để tâm trí chú tâm vào.
Tatah parama vashyataa indriyaanaam.
Điều này hội tụ tất cả các giác quan, toàn bộ cơ thể của chúng ta và mọi thứ khác lại với nhau thành một tổng thể không thể tách rời được. Bạn cảm thấy mình là một thể thống nhất. Sau một buổi thiền chất lượng, bạn cảm thấy thật bình an, thật trọn vẹn.
Đó là lý do tại sao Chúa Jesus nói rằng Ngài đã đến để làm cho con người trở nên toàn vẹn, một con người hoàn chỉnh. Bạn sẽ cảm nhận được điều đó khi tập Kriya và khi hát satsang. Bạn sẽ thấy mình khoáng hoạt và tràn đầy năng lượng. Bạn trở thành một phần của vũ trụ.
Rồi thì tất cả các giác quan lắng nghe bạn. Bạn không phải lắng nghe chúng.
Parama vashyataa – bạn sẽ thấy viên mãn, tràn đầy niềm vui và bình an. Bạn sẽ thấy mình thật thăng hoa, thật trọn vẹn.
Đấy là hiệu quả của pratyaahara.