Nếu bạn quan sát tất cả niềm vui mà bạn được thụ hưởng trong cuộc sống, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả đều đi kèm với một thứ “thuế” và thứ thuế này chính là nỗi buồn.
Ở câu kinh tiếp theo, Patanjali nói:
Parinaama taapa sanskaara dukhaihi guna vrittivirodhaascha dukhameva sarvam vivekinah.
Mọi sự việc đều gây ra một nỗi đớn đau nào đó. Sự việc này có thể rất vui vẻ, thoải mái nhưng lại đi kèm với một chút đau đớn về mặt tinh thần. Chúng ta thấy khổ vì việc xảy ra có vui đến mấy thì cũng có lúc kết thúc. Khi niềm vui kết thúc, chúng ta cảm thấy nuối tiếc, buồn khổ. Niềm vui càng nhiều thì nỗi buồn càng lớn.
Parinaama dukkha – đây được gọi là parinaama, ảnh hưởng hay kết quả.
Taapa dukkha – khao khát có niềm vui, hạnh phúc. Việc trông chờ niềm vui đến cũng tạo ra đau khổ.
Samskaara dukkha – những ấn tượng, kỷ niệm về một sự việc. Kỷ niệm về niềm vui cũng mang lại đau khổ. Trước khi bạn sở hữu điều gì, sự háo hức để có được nó làm cho bạn khó chịu. Rồi khi bạn sở hữu nó rồi, nỗi sợ sẽ đánh mất nó cũng làm cho bạn phiền muộn. Và khi mọi thứ qua đi, kỷ niệm về niềm vui khiến bạn thấy nuối tiếc, đau lòng. Vì vậy, tất cả chẳng qua chỉ là sự đau khổ kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Một viveki hay một người uyên thâm với sự sáng suốt, thức tỉnh của mình nhận ra mọi sự chỉ là đau khổ. Không có gì là không khổ. Sarvam eva dukkha mayam– mọi sự đều đau khổ. Bạn nói rằng tình yêu thật đẹp nhưng tình yêu cũng là niềm đau. Bạn có thể gần gũi như thế nào với người bạn yêu? Thể xác có thể được gần gũi nhưng vẫn không được thỏa mãn. Ai nấy đều muốn chiếm hữu cơ thể đối phương. Làm cách nào để chiếm hữu? Và chiếm hữu bao nhiêu? Rồi bạn sẽ trở nên thất vọng. Thông thường thì ở kiếp sau, người đàn ông sẽ tiếp nhận thân xác phụ nữ và người phụ nữ sẽ tiếp nhận thân xác đàn ông. Đó là vì sự khao khát trong tâm trí họ từ kiếp trước. Người đàn ông thèm khát người phụ nữ và người phụ nữ thèm khát người đàn ông. Đó cũng là lý do tại sao trong mỗi người đàn ông đều sẽ có phẩm chất của một người phụ nữ và ngược lại. Nguyên nhân là bởi những dấu ấn của kiếp trước.
Tâm hồn không thỏa mãn với thể xác được gần gũi bởi nó mong muốn nhiều hơn nữa. Nó muốn được hòa vào nhau, rồi dần dần tan biến. Đó được gọi là tình yêu. Khi yêu con người sẽ có hai biểu hiện, một là muốn hòa tan với người kia, và hai là muốn ngấu nghiến người kia. Đây là hai biểu hiện mà những người yêu nhau hay nói với nhau. Họ không biết tại sao họ lại nói như vậy. Họ đâu phải là kẻ ăn thịt người! Vậy tình yêu biến bạn thành một kẻ ăn thịt người sao! Thật ra, nếu có thể nói theo nghĩa đen thì mỗi người sẽ nuốt chửng người yêu của họ. Sau đó, họ sẽ không còn lo lắng gì nữa. Họ sẽ không còn băn khoăn, thấp thỏm người kia đang nhìn ai hay đang đi đâu. Nếu không thì tâm trí sẽ liên tục muốn kiểm soát. Sau một thời gian, những người yêu nhau lại trở thành những con chó canh cửa. Thường thì khi họ đến một khóa thiền, họ đâu có thực hành thiền. Tâm trí họ chỉ nghĩ về người yêu của mình. Và người ta phải nhắc nhở họ không nên lo lắng cho người yêu khi đang hành thiền, rằng người yêu của họ sẽ được chăm sóc cẩn thận.
Tình yêu tạo ra nỗi đau, một nỗi đau to lớn, tương tự như sự chia ly. Mong ước cũng gây ra nhiều nỗi đau và gây áp lực lên tâm trí. Nỗ lực làm hài lòng ai đó tạo ra nỗi đau, và khao khát muốn biết người ta có hài lòng hay không cũng tạo ra nỗi đau. Bạn muốn biết cả tâm trí của người kia. Làm sao có thể được? Thậm chí bạn còn không biết tâm trí mình thì làm sao hiểu được tâm trí người khác. Nếu chỉ thông qua lời nói của họ thì điều này là không thể. Người ta hay nói cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo với ngụ ý về việc lời nói ra cửa miệng không có giá trị gì, không có thủy chung hay bền vững gì. Ngày hôm nay, cái lưỡi nói điều này nhưng ngày mai nó lại nói điều hoàn toàn trái ngược. Bạn thấy vui sướng khi làm điều mà người khác mong muốn. Nhưng làm những việc mang đến niềm vui cho bản thân thì bạn cảm thấy khổ sở. Cần có nhiều nỗ lực để thực hành tâm linh và điều này thật là gian khổ. Nhưng nếu bạn không làm thì lại càng khổ hơn nữa. Một ngày nào đó, có thể bạn không cảm thấy khỏe và bạn đổ lỗi cho việc mình đã bỏ tập thiền ngày hôm đó. Hoặc sau khi thực hành thiền, bạn cảm thấy mình ngồi chưa đủ lâu nên không nhận được kết quả khả quan. Bạn luôn đi tìm thứ gì đó để phàn nàn.
Sarvam evam dukham mayam. Nếu bạn thật sự nhìn bằng đôi mắt thông thái, bạn sẽ nhận ra rằng trong cõi đời này không ai có thể tránh được khổ đau. Nỗi đau là cái đuôi của mọi sự trên thế gian. Nếu bạn làm điều gì đó, bạn sẽ nhận được một phiếu đau thương miễn phí đi kèm.
Câu kinh tiếp theo là về việc bạn sẽ làm gì sau đó. Khi nhận ra mọi thứ đều là đau khổ thì bạn sẽ đối xử với đau khổ ra sao? Bạn sẽ làm gì để chấm dứt nỗi đau này?
Heyam dukham anaagatam.
Bạn cần loại bỏ căn nguyên của đau khổ. Cần chặn đứng nỗi đau thương, buồn khổ khi chúng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Chúng ta sẽ làm như thế nào?
Drashta drishyayoh sanyogo heyahetuh.
Nguyên nhân chính gây ra đau khổ là quên rằng bản thể của mình độc lập với hoàn cảnh. Quên rằng bản thể, người quan sát trong bạn và đối tượng được quan sát là những thực thể độc lập, tức là bạn thiếu nhận thức về bản thể và tất cả những đối tượng bao quanh bản thể. Khi đó, các vấn đề bắt đầu xảy ra. Thường thì chúng ta đặt cuộc sống của mình ở nơi nào khác mà không phải trong chính chúng ta.
Ngày xưa có một câu chuyện kể về một nhà vua mà mạng sống của ngài nằm trong một con vẹt. Vì vậy, nếu như con vẹt bị giết thì nhà vua sẽ chết theo. Mạng sống của nhà vua không ở trong bản thân ngài. Và ngài giống như một siêu nhân. Dù có bị ai ám hại, ngài cũng không chết. Nếu muốn giết ngài, tên sát thủ phải lên đường đến một hòn đảo xa xôi, nơi có một pháo đài kiên cố, rất khó xâm nhập. Sau khi bước chân lên hòn đảo, hắn phải đột nhập tòa lâu đài bên trong pháo đài. Bao quanh tòa lâu đài này, có rất nhiều rắn hổ mang và hắn phải vượt qua chúng. Sau đó, hắn phải đi xuống đường hầm dẫn đến một cánh cửa. Phía sau cánh cửa này là một cái lồng vẹt. Tuy nhiên, hắn không thể chạm vào cái lồng. Nếu chạm vào lồng, hắn sẽ bị thiêu chết. Con vẹt phải bị giết mà không được chạm vào lồng. Chỉ như thế thì nhà vua mới chết.
Sự sống này không thuộc về ai. Sự sống nằm ở một nơi khác, giống như là một tài khoản ngân hàng vậy. Bạn không chỉ gửi tiền trong ngân hàng mà bạn còn gửi cả mạng sống của mình nữa. Bạn sẽ chết nếu ngân hàng đóng cửa hoặc có sự cố xảy ra với nó. Khi bạn cho đi thứ gì đó quan trọng hơn cả sự sống thì nó sẽ trở thành nguyên nhân gây ra đau khổ cho bạn. Thông qua thiền định, bạn có thể cảm nhận được mình không phải là thể xác này. Bạn có thể thấy được sự khác biệt giữa cảnh vật xung quanh với người quan sát trong bạn, nhờ đó mà đau khổ sẽ dần được loại bỏ.
Nhưng Patanjali cũng đã nói rất rõ ràng rằng:
Prakaasha kriya sthitisheelam bhootendriyaatmakam bhoga apavargaartha drishyam.
Điều này không có nghĩa là bạn phải trốn chạy khỏi thế giới này. Thế giới này ở đây là để cho bạn tận hưởng. Phong cảnh tươi đẹp là để bạn chiêm ngưỡng. Món ăn ngon là để bạn thưởng thức. Cả thế giới này là dành cho bạn tận hưởng nhưng trong lúc tận hưởng thì bạn cũng đừng quên bản thể của mình. Bạn là một cá thể độc lập với chúng. Đây chính là viveka.
Prakaasha kriya sthitisheelam bhootendriyaatmakam bhoga apavargaartha drishyam.
Thế giới bạn quan sát đang được sáng tỏ. Mọi sự vật, sự việc đều gửi cho bạn một thông điệp là tiềm thức của bạn tuyệt vời biết bao nhiêu. Mọi góc nhìn của thế giới là một biểu hiện của tiềm thức và mọi thứ đều đang vận động.
Prakaasha nghĩa là sự biểu lộ. Mọi thứ đã hiển lộ ra khỏi tâm thức. Kriya – mọi thứ trong vũ trụ đều đang vận hành. Chúng không đứng yên. Những bông hoa nở. Những ngọn núi có vẻ như ở yên một chỗ nhưng thật ra không phải vậy. Mọi nguyên tử trong vũ trụ đều chuyển động.
Shitti nghĩa là mọi thứ đều trải qua một giai đoạn nhất định trong quá trình tiến hóa. Mọi thứ đều có một giai đoạn. Mọi thứ đều vận hành theo những nguyên lý và đặc tính nhất định.
Bhootendriyaatmakam. Mọi tạo vật trong vũ trụ được tạo thành từ năm yếu tố (đất, nước, gió, lửa và không khí) và năm giác quan. Có năm cơ quan tri giác và năm cơ quan vận động. Tất cả là mười cơ quan. Mọi tạo vật đều được ban tặng cho một tâm trí và mười cơ quan này.
Bhoga apavargaartham. Mọi tạo vật ở đó là để trao cho bạn niềm vui và sự giải tỏa. Bất cứ thứ gì cho bạn niềm vui thì cũng nên cho bạn thêm sự giải tỏa như một liều thuốc giải đau. Nếu không, niềm vui sẽ biến thành nỗi đau. Bạn có thể thích món bánh gulab jamun (món bánh ngọt rất nổi tiếng tại Ấn Độ, Pakistan). Bạn có thể ăn một, hai, ba hoặc bốn cái, nhưng rồi đến cái thứ năm thì lại thành ra hơi nhiều. Và bạn càng ăn nhiều, bạn càng cảm thấy khó chịu. Do đó, thứ mang cho bạn niềm vui thì cũng sẽ làm cho bạn khốn khổ.
Nếu bạn bị ép ăn hết 20 ổ bánh táo, bạn sẽ ôm lấy đầu và cầu nguyện được thoát khỏi tình cảnh này. Tương tự với âm nhạc, bạn có thể thưởng thức âm nhạc trong bao lâu? Nếu có người ép bạn nghe nhạc một giờ, hai giờ hoặc ba giờ, bạn thấy thế nào? Nếu bạn phải nghe nhạc trong 24 tiếng một ngày và bảy ngày trong tuần, bạn sẽ khẩn cầu để được giảm bớt đi. Thứ âm nhạc tuyệt vời đã mang cho bạn nhiều niềm vui nay lại gây ra sự khó chịu nếu phải nghe quá nhiều.
Cả vũ trụ này trao cho bạn niềm vui và sự tự do. Bạn phải tự giải phóng bản thân khỏi những niềm vui quá độ ở một thời điểm nào đó. Nếu không, chúng sẽ biến thành đau khổ.
Patanjali tiếp tục diễn giải về các mức độ sattvic, rajasic và tamasic. Những thứ mang tính tamasic đem lại sự buồn tẻ, sự đau đớn âm ỉ. Những thứ rajasic mang lại hành động tuyệt vời hơn, còn những thứ sattvic mang thêm sự hiểu biết và tự do. Nếu bạn ăn thức ăn lành mạnh, nó sẽ tốt cho sức khỏe và mang lại cho bạn niềm vui. Nhưng nếu bạn sử dụng ma túy, nó sẽ đánh lừa bạn. Bạn tưởng nó đem cho bạn sự khoái lạc nhưng cái nó cho bạn thực ra chỉ là những cơn đau và sự chịu đựng. Và rất khó thoát khỏi nó. Vì vậy, ma túy chính là tamasic.
Sattvic, tamasic, rajasic là ba guna, ba phẩm chất tạo nên thế giới này. Một số món ăn khiến bạn thấy buồn chán hơn và số khác khiến bạn bị kích động, lo lắng bồn chồn hơn. Mọi việc đều phát sinh từ ba guna này. Mỗi guna có những tính chất riêng biệt. Tạo hóa được hình thành bởi rất nhiều khía cạnh nhỏ có tính chất riêng biệt.
Drishtaa drishi maatrah shuddho api pratyaya anupashayah.
Bản thể, mặc dù thuần khiết và không vẩn đục thì cũng chỉ là một người quan sát. Tuy nhiên, khi nó trở thành một với buddhi – trí tuệ, nó sẽ bị nhuộm màu – không còn trong sáng nữa. Cũng giống như ai đó bị mắc kẹt trong sự hiểu biết của mình, cứ tiếp tục xem suy nghĩ và quan niệm của họ như thể chúng là của chính mình. Hậu quả là họ bị nó làm tổn thương rất nhiều.
Câu kinh tiếp theo nói:
Tadartha eva drishyasyaatma.
Một số người đã thức tỉnh và giác ngộ. Nhưng với họ, thế giới này không tồn tại như cách nó tồn tại cho Đấng giác ngộ mà vẫn tiếp tục tồn tại với những mâu thuẫn, đối lập của nó. Mặc dù với những ai đã nhận ra chân lý, họ không còn khổ đau. Vũ trụ dường như hoàn toàn khác, vạn vật đong đầy niềm vui. Tuy nhiên, với một số người khác, nó tồn tại như những gì mà họ thấy. Vì vậy, bạn có thể không xem thế giới này tách rời với bản thể của mình, nhưng là một phần của bạn. Nó không tồn tại vì bạn nhưng nó lại tồn tại vì những người khác. Cũng giống như việc bạn rời máy bay hay xe buýt sau một hành trình. Với bạn thì chuyến đi đã kết thúc nhưng máy bay hoặc xe buýt vẫn phải tiếp tục di chuyển. Chúng phải đưa những hành khách khác đi tiếp. Xe buýt không dừng lại chỉ vì chuyến đi của bạn đã kết thúc.
Kritaartham prati nashtam anashtam tandanya saadhaaranatvaat.
Có một sức mạnh tự nhiên trong những câu kinh này và chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ càng. Thể xác được tạo thành bởi ba guna – sattva, rajas và tamas, và chúng ảnh hưởng đến các suy nghĩ, hành vi của bạn. Trên thế giới có vô vàn sự kiện đang diễn ra và những guna này, theo đó, thu hút những sự kiện, tình huống, hoàn cảnh xung quanh bạn. Khi yếu tố tamas chiếm ưu thế, nó khiến bạn trở nên đờ đẫn hơn, buồn ngủ hơn hoặc thờ ơ hơn. Khi bị yếu tố rajas chi phối, tâm trí bạn không thể thư giãn mà tràn đầy dục vọng. Và nếu yếu tố sattva trội hơn thì tâm trí sẽ trở nên hoạt bát, nhạy bén, vui tươi và nhiệt tình. Tất cả những phẩm chất này cùng có mặt. Khi ba yếu tố này ảnh hưởng đến bạn, tùy thuộc vào tính chất, thời gian, địa điểm, bạn sẽ nhận diện bản thân là người như thế nào. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng bạn là một người ngờ nghệch hay lãnh đạm; rằng bạn có nhiều phẩm chất tiêu cực. Vậy là bạn đã rơi vào sự vô minh. Bạn nên quan sát những xu hướng đang trỗi dậy trong bạn và quán triệt rằng bạn không phải là chúng; chỉ là bạn đang bị các guna ảnh hưởng mà thôi.
Có một câu chuyện khác kể rằng một vị đại sư cư ngụ tại dãy Himalaya. Ông có giấy thông hành miễn phí đến mọi vùng đất bởi vì mọi người rất yêu quý và chào đón ông. Ông được ăn trưa tại cung điện của nhà vua mỗi ngày. Tại đây, hoàng hậu mời ông ăn trưa bằng dĩa và tách làm bằng vàng. Ông cứ đến ăn rồi đi như thông lệ. Cho đến một ngày, sau bữa ăn, ông đã lấy đi một cái cốc bằng bạc và một cái muỗng bằng vàng nhưng lại không nói cho ai biết. Hoàng hậu và tùy tùng phát hiện ra điều này. Họ thắc mắc tại sao ông làm vậy mà không nói với ai. Ông cứ bỏ chúng vào túi và rời đi. Ba ngày sau, ông mang trả lại những vật này. Sự việc trở nên khó hiểu hơn. Trước đó thì mọi người nghĩ có lẽ là ông cần nó nên đã lấy đi, nhưng việc ông trả chúng lại thậm chí còn khó hiểu hơn.
Vì vậy mà nhà vua đã cho gọi tất cả các nhà thông thái của vương quốc đến để lý giải hành động của vị đại sư kia. Họ đề nghị nhà vua cho kiểm tra thức ăn đã cho vị đại sư ăn vài ngày trước đó. Mọi người phát hiện thức ăn kia đã được nấu bằng gạo và thực phẩm được tịch thu từ những tên trộm đã bị bắt vài ngày trước. Việc ăn thức ăn này đã đánh thức khuynh hướng trộm cắp trong người vị đại sư và khiến ông lấy trộm các đồ vật đó.
Vào thời cổ đại, người ta thường cẩn trọng mỗi khi luận tội ai đó. Nếu ai đó có hành động khác thường, họ sẽ truy cứu nguyên nhân. Vì vậy, thay vì buộc tội hành vi lấy cắp của vị đại sư, họ đã tìm ra nguyên nhân khiến ông hành động như vậy.
Tasya heturavidyaa.
Nếu bạn nghĩ những vritti này là của bạn, thì bạn đang rơi vào vô minh. Và làm cách nào để thoát khỏi vô minh? Bằng kiến thức và hiểu biết nhất định rằng cơ thể luôn có sự thay đổi; rằng thế giới cũng luôn biến đổi; rằng toàn bộ vũ trụ là một dòng chảy không ngừng – mọi thứ đều thay đổi và tiếp tục tự vận hành theo bản chất tự nhiên của nó.
Để thoát khỏi vòng tuần hoàn này, bạn cần nhận thức rằng bạn không phải là thể xác, rằng bạn chính là bản thể, bạn là không gian, rằng bạn không bị tiêu hủy, không bị đụng chạm hay không bị prakriti và thế giới xung quanh bạn chế ngự, cơ thể bạn hoàn toàn trống rỗng, từng mảnh nhỏ của cơ thể đang dần thay đổi, và rằng tâm trí đang dần thay đổi.