Chúng ta đang luận bàn về tapas? Thế tapas là làm việc gì? Tại sao chúng ta phải trải qua tapas?
Mục đích của tapas là thanh lọc và gia tăng sức mạnh của chúng ta. Nhưng thật không may, tapas có thể mang lại cái tôi rất lớn trong mỗi con người. Người ta cho rằng nhờ thực hiện tapas, họ sẽ trở nên rất tuyệt vời. Nếu quá đề cao tapas thì bản ngã sẽ phát sinh.
Đó là lý do tại sao sau tapas chúng ta cần thực hiện ngay swaadhyaaya – tự kiểm. Tại sao bạn lại nhịn ăn? Có phải là để khoa trương? Hay là bạn đang thi thố với ai đó?
Có một câu chuyện như thế này. Có hai người hàng xóm cùng thực hành thiền và luyện tập tapas. Ngày nọ, Thượng Đế đến nhà người đàn ông thứ nhất và hỏi anh ta muốn gì. Anh ta nói mình muốn bất kỳ thứ gì mà Thượng Đế sẽ trao cho người đàn ông thứ hai. Rồi anh ta thắc mắc không biết Thượng Đế có đến nhà người hàng xóm kia không. Thượng Đế trả lời bởi vì cả hai người đều bắt đầu tapas trong cùng một ngày nên chắc chắn Ngài cũng sẽ đến thăm người hàng xóm kia. Thượng Đế cũng giải thích do người đàn ông thứ nhất đã thực hiện tapas sớm hơn một giờ nên Ngài đã đến nhà anh ta trước. Ngài lại hỏi người đàn ông muốn gì. Anh ta đáp là muốn Thượng Đế đừng đến nhà người kia được không. Thượng Đế từ chối, nói rằng sẽ là bất công nếu Ngài làm vậy. Rồi Thượng Đế lại tiếp tục hỏi anh ta còn muốn gì nữa. Anh ta trả lời rằng mình muốn có gấp đôi bất cứ thứ gì mà Thượng Đế sẽ cho người đàn ông kia.
Sau đó, Thượng Đế đã đến nhà của người đàn ông thứ hai và hỏi anh ta muốn gì. Người đàn ông này hỏi có phải Thượng Đế đã gặp người hàng xóm trước khi đến anh ta không. Thượng Đế gật đầu. Anh ta lại gặng hỏi Thượng Đế đã cho người hàng xóm kia những gì. Thoạt đầu, Thượng Đế im lặng. Người đàn ông cứ thế khẩn nài đến khi Thượng Đế thuật lại ước muốn của người đàn ông thứ nhất. Để dạy người đàn ông thứ nhất một bài học, người đàn ông thứ hai liền nói Thượng Đế hãy lấy đi một con mắt và một cái tai của mình.
Đây là ví dụ cho thấy tapas dẫn đến bản ngã vì thiếu đi sự tự kiểm. Vì vậy, trong cùng một bản kinh, Patanjali, ngay lập tức, đã nhắc đến swaadhyaaya – tự quan sát để hiểu mình.
Hãy nhìn vào động cơ của mình sau mỗi hành động. Thường thì bạn không cố gắng có được những thứ mà bạn thật sự muốn, bạn muốn giành lấy chúng chỉ vì người khác muốn. Thậm chí mong muốn của bạn sinh ra từ những suy nghĩ, lời nói và hành động của người khác. Và cũng nhiều lần bạn không rõ là bạn muốn gì bởi vì bạn thật sự không bao giờ nhìn lại bản thân. Bạn cứ bị cuốn theo những suy nghĩ, cảm xúc và khát vọng thoáng qua. Khát vọng của bạn có thể không phải là của bạn, có thể nó chính là những yếu tố bên ngoài như thức ăn, sự kiện, tình huống hoặc một người bạn đồng hành. Từ đó, nó hình thành và nuôi dưỡng một cơn bão trong bạn và bạn bắt đầu tin rằng cơn bão này chính là bản thể của mình. Đó là lý do tại sao bạn không hạnh phúc ngay cả khi đã đạt được “mong muốn”. Bạn nên học cách tự quan sát bản thân. Bạn nên tự hỏi rằng mình là ai và mình là cái gì. Bạn đã thanh lọc cơ thể nhưng có phải bạn chính là cơ thể đó không? Bạn đã làm tâm trí trở nên nhẹ nhàng nhưng có phải bạn là tâm trí đó không? Có phải bạn chính là những suy nghĩ hay cảm xúc của bạn không? Vậy thì bạn là ai? Việc tự quan sát này sẽ đưa bạn đến một thế giới mà chúng ta chưa biết. Ngoài ra, nó sẽ giúp bạn tiến xa hơn, đồng thời loại bỏ phiền muộn và tổn thương.
Đức Phật đã dạy về điều này thật hay. Ngài nói kaayaanupaschana – hãy quan sát cơ thể.
Đó là tapas.
Vedanaanupaschana – Bạn nên quan sát những rung động của cơ thể.
Chittaanuspaschana – Bạn nên quan sát tâm trí mình – những dấu ấn, suy nghĩ và cảm xúc.
Dhammaanupaschana – Bạn nên quan sát bản chất tự nhiên của mình, quan sátdharma. Đức Phật dạy rằng có bốn bước để thực hiện.
Patanjali cũng giảng những lời tương tự. Tapaha swaadhyaaya ishwara pranidhaana.
Swaadhyaaya có thể loại bỏ những độc tố, đắn đo, sợ hãi và lo lắng liên quan đến thể chất và tinh thần; ishwara pranidhaana – nghĩa là tình yêu thương của Thượng Đế và sự hiến dâng tình yêu cho Đấng tối cao – sẽ giúp hoàn thiện quá trình loại bỏ này. Nếu không có tình yêu và sự hiến dâng, việc quan sát chính mình sẽ trở thành một việc buồn tẻ chán ngắt khác. Nó không có gì hấp dẫn, lôi cuốn bạn cả. Thiếu đi tình yêu và tín ngưỡng, con đường tâm linh sẽ trở nên vô vị như những bọt xốp; cũng giống như một ổ bánh bông lan không đường hoặc bánh mì thiếu muối.
Ishwara pranidhaana. Làm thế nào để tình yêu dành cho Đấng tối cao có thể nở hoa trong ta?
Bước đầu tiên là hãy thấy Đấng tối cao khác với bạn. Phải có hai đối tượng thì mới có sự hiến dâng. Hiến dâng là khi bạn cảm thấy có Đấng tối cao với đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp và bạn không là ai cả. Khi thấy mình không là ai cả thì bạn mới hợp nhất được với Đấng tối cao. Khi đó, tâm trí bạn nhận ra tất cả đều là Đấng tối cao và rồi nhận ra tất cả đều là ta. Vũ trụ này thuộc về Đấng tối cao, thân thể bạn chính là của Ngài, tâm trí bạn dù xấu dù đẹp gì cũng đều là của Ngài. Bản thân việc hiến dâng này là một cách giúp bạn quay trở lại chính mình.
Ishwara pranidhaana sẽ dẫn đến samadhi hay trạng thái nhập thiền. Việc dâng hương hoa, thắp nến, chưa hẳn là điều thể hiện sự trân trọng. Bạn nên dâng trọn cơ thể mình, dành trọn từng khoảnh khắc của cuộc sống, từng hơi thở, từng dòng suy nghĩ, cho dù nó có tốt, xấu, tươi vui hay buồn đau. Hãy trao đi tất cả vasana này, hoặc những thứ mà bạn cho là tiêu cực. Hãy dâng tặng tất cả những điều tiêu cực lẫn tích cực. Làm thế, bạn sẽ được giải thoát. Khi trao đi những giá trị tốt đẹp mà bạn đang sở hữu, bạn cũng sẽ được tự do, thoải mái bởi vì chính những thứ này đã làm bạn trở nên ngạo mạn. Chúng làm bạn cư xử như thể bạn là một người rất đặc biệt. Và những hạn chế đó đã kéo bạn xuống và khiến bạn cảm thấy bản thân thật tồi tệ. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu về bản thân và thiếu kết nối với vũ trụ, thì sẽ không gì có thể khiến bạn cảm thấy kết nối được. Kết nối với vũ trụ được hay không, điều đó phụ thuộc vào bạn. Có cảm giác gần gũi với người khác được hay không thì cũng phụ thuộc vào bạn. Bạn nên kết nối với mọi người cho dù họ không cảm thấy gần gũi với bạn. Nếu họ không cảm thấy điều đó thì cũng không sao.
Hơn nữa, làm sao bạn biết họ không cảm thấy thân thiết với bạn? Bạn không thể biết chỉ qua cách hành xử của họ. Đó không phải là cách phán xét đúng đắn. Bởi vì không gì khác có thể thuyết phục bạn trở nên kết nối với vũ trụ bằng tâm trí và bản thân bạn. Bạn nên dừng so sánh. Điều này cũng áp dụng với các vị thầy. Bạn có thể cảm thấy ai đó gần gũi với thầy chỉ bởi vì thầy thường cười, nói với họ, còn với bạn thì lại không. Đây chính là ảo giác của bạn. Việc thầy không nói chuyện với bạn chẳng nói lên được điều gì. Bạn nên bắt đầu cảm nhận rằng bạn là người duy nhất và gần gũi nhất với thầy. Rồi bạn sẽ thấy những thứ bạn muốn sẽ diễn ra. Bạn gieo bất cứ hạt giống gì thì nó cũng sẽ phát triển. Nếu bạn gieo hạt giống xấu và vô vọng thì không hạt giống tốt nào nảy mầm. Thường thì cỏ dại và những thứ cây không có ích khác vẫn cứ mọc ra mà không cần được chăm sóc. Bạn không cần phải chăm dưỡng cỏ dại. Bởi thế nên người ta mới gọi chúng là cỏ dại. Chúng tự sinh tồn. Nhưng một cái cây hữu dụng thì lại cần sự quan tâm và chăm sóc. Trong khu vườn tâm linh của bạn, cỏ dại cứ mọc lên mỗi ngày – chúng là những nghi ngờ, suy nghĩ không mong muốn, không cần thiết. Bạn không cần phải nuôi dưỡng chúng. Chúng tự mọc lên. Bằng swaadhyaaya, bạn có thể loại bỏ chúng và giữ lại những thứ cần thiết trong cuộc sống của bạn.
Samadhi bhaavanaarthaha klesha tanukarana arthaa ca.
Đây là Yoga của hành động. Nhưng ngay cả khi đang làm một việc gì đó, bạn nên nghĩ rằng bạn đang không làm nó. Bạn nên là một người quan sát thầm lặng. Ở sâu thẳm trong bạn có một góc tĩnh lặng không thay đổi. Mọi hoạt động đều đang diễn ra trong không gian tĩnh lặng này. Mọi nguyên tử đều đang xoay quanh hạt nhân và mọi hành tinh đều tự xoay quanh chính nó. Tuy nhiên, vẫn có khoảng lặng trong đó.
Mục đích của việc này là klesha tanukarana – làm giảm đi những tổn thương, buồn khổ và samadhi bhaavanaarthaha – đạt đến samadhi, sự hòa hợp và bình thản trong cuộc sống.
Nguyên nhân sâu xa của những đau khổ trong cuộc sống là gì? Patanjali nói rằng có năm nguồn gốc khổ đau:
Avidya, asmita, raga, dwesha, abhinivesha, panchakleshaaha.
Avidya là vô minh. Nó là nguyên nhân căn bản gây ra mọi tổn thương. Vô minh là cho rằng những điều đang thay đổi là bất biến; cảm thấy vui sướng với những thứ không phải là niềm vui. Nó khiến bạn nghĩ rằng cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc của bạn chính là bạn, trong khi thực tế không phải vậy. Bạn cho rằng cơ thể bạn sẽ không thay đổi nhưng thật ra nó thay đổi không ngừng. Bác sĩ nói máu luôn thay đổi trong 24 giờ, niêm mạc dạ dày thay đổi trong năm ngày, da sẽ thay đổi trong vòng một tháng và mọi tế bào trong cơ thể sẽ thay đổi trong vòng một năm. Trong một năm này, toàn bộ tế bào cũ sẽ chết đi và tế bào mới được sinh ra thay thế vào đó. Cơ thể và tâm trí bạn sẽ lại trở nên tươi mới. Tuy nhiên, bạn không bao giờ nhận ra rằng cơ thể bạn như một dòng sông luôn luôn có những thay đổi diễn ra bên trong.
Khi bạn thức tỉnh và nhận ra sự thật này, bạn sẽ không còn đồng nhất mình với những nỗi sợ, với những suy nghĩ cũ, với bạn của ngày xưa nữa. Sự vô minh khiến bạn cứ bám víu lấy chúng, bám chấp quá khứ. Bạn bám lấy ý tưởng mình là ai. Người đời đề cao chuyện phải biết mình là ai. Nhưng nếu bạn có ý tưởng về việc mình là ai, bạn sẽ bị mắc kẹt trong ý tưởng đó. Thái độ đúng đắn ở đây là bạn nên cảm thấy bạn không biết mình là ai. Đó là vì bạn đang thay đổi trong từng khoảnh khắc. Khi biết được như vậy, bạn sẽ không còn chắc chắn danh tính của chính mình nữa. Cái cố chấp về bản thân mình là ai sẽ hủy hoại bạn, nó làm cho bạn ngừng phát triển và hạn chế khả năng của bản thân.
Vô minh cho rằng những thứ đang thay đổi là không thay đổi. Chúng ta lúc nào cũng cố gắng điều khiển tâm trí của người khác, trong khi điều này là không thể. Ai đó có thể yêu bạn ngày hôm qua nhưng họ không nhất thiết phải yêu bạn hôm nay hay ngày mai. Bản thân họ cũng không biết điều này. Bạn thì cứ mong chờ mọi người xung quanh mình sẽ thay đổi hành vi của họ và khi mong đợi này không được đáp ứng thì bạn lại cảm thấy không vui. Đôi khi bạn cư xử một cách không khôn ngoan nhưng bạn lại mong đợi mọi người lúc nào cũng thấu hiểu và yêu thương bạn vô điều kiện. Để có người yêu thương bạn vô điều kiện thì hiếm lắm – một triệu người mới có được một người. Nhưng bạn lại mong đợi điều này từ mọi người xung quanh. Sự mong đợi này làm bạn không hạnh phúc. Đây chính là việc mà ai cũng mắc phải, một cách có ý thức hoặc vô thức. Đôi khi họ cũng không biết là họ đang mong đợi điều gì. Nhưng mong đợi của họ là một điều gì đó rất lớn. Họ kiếm tìm Thượng Đế ở mọi người. Họ đi tìm Thượng Đế mà không hiểu rằng Ngài có thể hành xử theo cách mà Ngài muốn. Ý tưởng đi tìm vị thánh trong mọi người làm cho bạn khốn khổ.
Asmitta là sự đồng nhất của trí tuệ và bản thể. Bạn có để ý thấy rằng có một số người cứ khư khư giữ lấy những ý kiến trái ngược với sự thật? Họ cứ thế mà tranh cãi một cách vô nghĩa. Tình huống này xảy ra bởi vì họ đang bị mắc kẹt trong chính mình, trong trí tuệ và suy nghĩ mà họ cho là của riêng họ. Asmita là không đủ khả năng nhìn thấy bản thân và buddhi, hay trí tuệ, và năng lực của các cơ quan nhận thức là các thực thể riêng biệt.
Raga là lòng ham muốn. Tham ái nổi lên trước những trải nghiệm vui thú và nó làm bạn đau khổ.
Avidyasnutaaraagdweshaabhinivesha kleshah.
Dwesha là sự thù ghét. Thù ghét hay ác cảm khiến bạn khó chịu. Ác cảm mang lại đau khổ tương tự như sự ham muốn. Ham muốn và ác cảm là hai trong năm căn nguyên của đau khổ.
Abhinivesha là nỗi sợ – nỗi sợ không tên. Mặc dù bạn có thể thông tuệ mọi thứ, bạn cũng sẽ có một ít abhinivesha. Ngay cả những học giả uyên bác cũng có nỗi sợ.
Thiên nhiên đã áp đặt những nỗi sợ này lên mỗi người chúng ta. Nếu nỗi sợ nhỏ đi thì bạn sẽ phát triển nhưng nếu như nỗi sợ ấy vẫn dày đặc, sự phát triển của bạn sẽ bị kìm hãm.
Những nỗi sợ và đau khổ này thường sẽ có bốn sắc thái.
Sắc thái đầu tiên là prasupta, là khi chúng ngủ yên, không hoạt động. Sắc thái thứ hai là tanu – rất yếu ớt, hầu như không tồn tại.
Khi avidya hay vô minh xuất hiện, bạn thậm chí không nhận thức được hai thứ trong bạn – bạn và tâm trí của bạn, bạn và tri giác, trí tuệ của bạn. Bạn không nhận ra tâm trí đang nói với bạn điều gì. Bạn không cảm thấy khác biệt nào giữa bạn và tâm trí. Bạn hoàn toàn bị mắc kẹt trong tình huống đang diễn ra. Khi bạn tỉnh táo và nhận thức được thì bạn sẽ biết tâm trí đang muốn nói điều gì với mình. Bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa bạn và tâm trí. Khi nhận thức được rằng mình đang làm sai, bạn sẽ thắc mắc điều gì đã xảy ra với bạn, có phải bạn đang phát điên rồi hay không. Khi một người trở nên điên loạn, anh ta còn không biết mình đang trong tình trạng như vậy. Đó là vì anh ta và tâm trí anh ta đã trở thành một và như vậy thì không thể nhận ra sự khác biệt. Thỉnh thoảng bạn giận dữ nhưng bạn lại không thể hiện cơn giận của mình. Bạn biết là bạn đang giận và không hiểu tại sao bạn lại như vậy. Hoặc bạn có thể nhận biết là mình đang có những tham dục. Nhưng một người mất bình tĩnh thì sẽ không nhận ra mình đang tức giận. Anh ta đã biến thành cơn giận đó.
Vì vậy, sadhana sẽ làm cho năm klesha này – các căn nguyên của đau khổ – phai nhạt dần theo thời gian. Có thể sau khi đi trên con đường tâm linh, thỉnh thoảng bạn vẫn giận dữ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn về mức độ so với lúc trước. Sau khi bạn bước đi trên con đường tâm linh, cơn giận sẽ trở thành tanu – nghĩa là dịu lại. Bức màn sẽ ngày càng trở nên trong suốt hơn.
Prachchinna nghĩa là có một thứ chiếm ưu thế và mọi thứ khác sẽ lắng xuống. Khi có sự thèm muốn thì ác cảm lặng im. Những nỗi sợ và đau khổ khác cũng giống như vậy. Và udaara, nghĩa là hoạt động tích cực, hào phóng. Bạn sẽ tìm thấy tính chất đau khổ này ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tất cả những khổ đau đều có thể hiện diện ở mức độ này trong những người không thực hành thiền hay bất cứ sự thực hành nào khác. Thật thú vị khi Patanjali miêu tả khổ đau là hào phóng. Trên thế giới này không thiếu những người đau khổ và thất vọng, ở mọi lứa tuổi.
Mỗi người chúng ta cũng nên biết sợ hãi một chút để duy trì sự sinh tồn. Nhưng chỉ nên ít thôi, chỉ cần ít hơn một nhúm muối là đủ. Vì vậy mà nó được gọi làvidushoopi. Thật ra thì nỗi sợ vừa phải là sự cảnh giác, thận trọng hơn trước những hiểm nguy. Cảnh giác và sợ hãi có một sự tương đồng nhưng sự khác biệt ở đây là cảnh giác bao hàm ý cẩn thận. Vì vậy, Patanjali đã sử dụng từ abhinivesha mà không phải là bhaya – nghĩa là sợ hãi. Không có từ nào tương đương với abhinivesha trong tiếng Anh. Abhinivesha dịch thô là sợ hãi và dịch tinh tế hơn thì nó có nghĩa là quan tâm, lo ngại.
Ví dụ bạn đang đi bộ sát mép hồ. Bạn bước đi thật cẩn trọng để không bị té xuống nước. Nếu không có sự quan tâm đến cơ thể vào lúc đó thì thân xác bạn có thể sẽ không còn nữa. Đừng tưởng rằng khi không phải là cơ thể này thì bạn không cần phải để tâm chăm sóc nó. Để duy trì cơ thể này thì bạn phải quan tâm chăm sóc nó. Và khi bạn quan tâm nhiều hơn mức cần thiết thì nó sẽ dẫn đến nỗi bất an, cảm giác không an toàn. Nếu như cảm giác này cứ thế tăng dần lên thì nó sẽ hình thành nỗi sợ. Và khi nỗi sợ vượt tầm kiểm soát, nó sẽ trở thành hoang tưởng. Cũng giống như việc tăng lượng muối trong đồ ăn vậy. Vượt quá một lượng nhất định thì bạn sẽ không thể nào ăn được món đó nữa.
Nhưng một chút ở đây không thể áp dụng được cho mọi nguyên nhân khổ đau. Ví dụ một chút vô minh cũng có thể chấp nhận được. Không phải như vậy. Tanu karana – nghĩa là làm mỏng chúng đi và giảm thiểu chúng đến mức thấp nhất, chứ không phải chủ động duy trì chúng ở mức “một chút”.
Avidya, asmita, raga, dwesha, abhinivesha là năm klesha, năm nguồn đau khổ.
Te pratiprasavaheyaah sookshmaah.
Khi bạn làm cho các nguồn đau khổ và những nỗi sợ giảm xuống, chúng sẽ để bạn quay trở lại với bản thể của mình. Chúng sẽ để bạn mang tâm trí trở lại với cội nguồn của nó. Khi những đau khổ này dày đặc, chúng sẽ làm phiền bạn. Chúng bám lấy tâm trí bạn. Khi chúng mỏng dần, mỏng dần, chúng bắt đầu để tâm trí bạn tự do và quay trở lại với chính mình. Khi bạn đang khao khát một ai đó thì bạn không thể nào thư giãn và yên tĩnh được. Tuy nhiên, một khi khao khát ấy qua đi thì bạn có thể thư giãn và thực hành thiền. Cơn thèm khát mãnh liệt đó suy yếu đi và tâm trí có thể trở lại với cội nguồn bình an của nó.
Giờ thì có cách gì để loại bỏ những đau khổ này trong cuộc sống?
Câu kinh tiếp theo là Dhyaana heyas tadvrittayaha.
Năm vritti này có thể được loại bỏ bằng phương pháp thiền định. Khổ đau có thể vượt qua được bằng thiền định. Patanjali nhấn mạnh rằng khổ đau chỉ có thể vượt qua được bằng con đường thiền định. Nếu bạn không thực hiện thì điều gì sẽ xảy ra?
Klesha moolah karmaashayo drista adrishta janma vedaneeyah.
Nếu bạn không làm sạch ý thức khỏi năm thứ đau khổ này thì bạn sẽ phải chịu đựng chúng ở kiếp này và cả kiếp sau nữa.
Patanjali nói drishta adrishta janma vedaneeyaha – bạn sẽ phải chịu khổ cả kiếp này và kiếp sau nữa bởi vì đau khổ hình thành karmaashaya – ngân hàng tích trữ nghiệp. Chúng sung vào ngân hàng dự trữ trong bạn và tạo thành bể nghiệp. Nghiệp quả này có thể được gột rửa và loại bỏ ngay tức khắc thông qua thiền định. Bạn nên loại bỏ nhân quả và làm giảm đi các lớp vô minh bao phủ lấy bạn trước khi cơ thể bạn gục ngã. Nếu không thì không có cách nào để bạn thoát khỏi những khổ đau này.
Một số nghiệp sẽ cho bạn quả báo ngay trong kiếp này và một số sẽ cho quả báo ở kiếp sau. Vài người có thể căn vặn rằng nếu một hôm bạn cho ngón tay vào lửa thì liệu bạn sẽ bị bỏng vào ngày hôm đó, ngày hôm sau, năm sau hay kiếp sau. Họ chỉ ra rằng không có cái gọi là nghiệp. Họ sẽ nhất trí rằng mọi hành động đều có hậu quả của nó mà người ta sẽ nhận lấy ngay ở kiếp này, mà không phải chờ đến kiếp sau. Cũng có một số người tranh cãi về vấn đề này và cho rằng ý kiến này không đúng. Những hạt giống khác nhau sẽ nảy mầm ở những giai đoạn khác nhau. Cỏ linh lăng nảy mầm trong ba ngày, đậu phộng trong bốn đến năm ngày và dừa thì phải mất đến vài tháng. Nếu bạn trồng rau diếp thì hai hoặc ba tháng nữa bạn sẽ có món xa-lát. Nếu bạn trồng xoài thì trong mười năm nó sẽ cho ra quả, còn bơ thì từ bốn đến bảy năm. Nếu bạn trồng mít thì có thể thế hệ kế tiếp mới được hưởng quả. Trái cây và rau củ khác nhau sẽ có thời gian đơm hoa, kết trái khác nhau.
Tương tự như vậy, các nghiệp khác nhau sẽ tạo quả ở các thời điểm khác nhau. Nhiều người hỏi tại sao người tốt thường gặp những điều xấu. Thực ra điều tồi tệ không bao giờ xảy ra với người tốt. Có thể họ tốt ở kiếp này nhưng trong quá khứ hay kiếp trước họ đã gây nên nhiều điều không tốt nên bây giờ họ phải gánh chịu hậu quả đó. Cũng giống như việc họ đã gieo hạt neem (sầu đâu hay xoan Ấn Độ) từ rất lâu và bây giờ, họ gặt trái đắng của cây neem. Hiện tại thì họ có thể đang trồng cây xoài và họ có thể có trái ngọt trong tương lai. Bạn gieo nhân gì thì sẽ gặt quả nấy. Drishtaadrishta janma vedaniyaaha.
Sati mole tawipaako jaatyaayurbhoogaaha.
Patanjali giải thích thêm một chút về cội nguồn của sự sống, và chúng ta được sinh ra như thế nào. Chừng nào gốc cây còn đó thì cây sẽ còn cho ra quả nhiều lần.
Jaatyaayurbhoogaaha. Jaata nghĩa là cơ thể có sự sống trong đó. Sự sống có thể là con gà, con khỉ hay con người, là đàn ông hay đàn bà. Sự sống và độ dài cuộc đời của bạn đều được định sẵn. Những gì bạn đón nhận trong cuộc sống, niềm vui hay nỗi buồn đều được sắp đặt. Tại sao có người sinh ra ở Ethiopia và có người lại sinh ra ở Thụy Sỹ? Tại sao có người sinh ra ở nơi này, có người lại sinh ra ở nơi nọ? Tại sao có người buồn? Tại sao có người không làm gì cả lại bị khổ? Không có lý luận nào có thể cho bạn một lời giải thích rõ ràng.
Patanjali đã có cái nhìn sâu sắc về những sự việc này. Ông nói rằng sự ra đời của một người ở kiếp này là do nghiệp của kiếp trước – jaatyaayur bhoga. Nó đến với bạn bằng nhiều hình thức. Nếu một người qua đời với ký ức về một con gà và nếu dấu ấn mạnh nhất của người đó tại thời điểm chết là con gà, thì người đó sẽ được tái sinh thành một con gà. Dấu ấn mạnh nhất trong tâm trí vào lúc qua đời vẫn còn. Vào ban đêm, trước khi đi ngủ, bạn hãy nghĩ sâu sắc về điều gì đó. Và sáng hôm sau ngay khi bạn thức dậy, nó sẽ trở thành suy nghĩ đầu tiên của bạn. Và vào ban đêm, bạn cũng sẽ mơ thấy nó. Nếu bạn làm điều này trong một thời gian, những phẩm chất này sẽ thành hình trong bạn. Nếu bạn nghĩ là ngay khi thức dậy, bạn nên lắc đầu mình như một con chó thì trong vòng sáu tháng, bạn sẽ bắt đầu làm điều đó và nó sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn bởi vì nó đã ảnh hưởng bạn quá sâu; bởi vì cái nghiệp đó, cái dấu ấn đó đã trở nên quá mạnh mẽ. Nếu bạn cứ quan sát một con chó và hình ảnh đó lúc nào cũng ập đến tâm trí bạn, tâm trí và ý thức của bạn sẽ bị hút vào hình thể của nó đến khi bạn chết. Vì vậy, người ta nói rằng những ngày cuối đời quan trọng hơn nhiều so với toàn bộ cuộc sống.
Ở Ấn Độ, có rất nhiều câu chuyện nói về chủ đề này. Thường thì người già rất khăng khít với con cháu. Họ thường đặt tên chúng theo tên của các vị thần khác nhau. Vua Ajamila là một người vô thần cho đến lúc băng hà. Đến lúc lâm chung, ngài nghĩ về đứa con trai và gọi tên con mình. Con trai ngài tên là Narayana (tên của một vị thần). Vị thần Narayana nghĩ rằng mình được vua Ajamila gọi nên đã đến và giải thoát cho nhà vua Ajamila khỏi cái chết. Đó là một cách nói phóng đại để nhấn mạnh tầm quan trọng của những dấu ấn cuối đời.
Có một câu chuyện tương tự về một vị thánh đã giác ngộ. Một ngày nọ, trong lúc đang ngồi thiền ở bờ sông ngập nước, ông thấy một con nai con đang bị cuốn theo dòng nước. Ông đã nhảy xuống và cứu nó, rồi ông băng bó vết thương, chăm sóc cho nó. Sau đó, ông trở nên gắn bó với nó. Và chuyện kể rằng sau khi qua đời, ông đã đầu thai là một con hươu. Người ta cho rằng chuyện một con người đã được giải thoát quay trở lại kiếp thú là điều hầu như là không thể. Tuy nhiên, ví dụ này được đưa ra để cho thấy sự quan trọng của dấu ấn cuối đời người. Điều này cũng diễn ra khi bạn đi ngủ. Nếu trẻ con xem một bộ phim kinh dị trước khi ngủ thì chúng sẽ gặp ác mộng.
Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi nghiệp khổ đau?
Te haldaparitaapa phalaah punya apunya hetutwaat.
Những ấn tượng tốt sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui và hạnh phúc. Nếu là những ấn tượng xấu, chúng sẽ mang lại cho bạn nhiều đau khổ. Ấn tượng tốt hay xấu là tùy thuộc vào hành động đúng đắn hay sai trái của bạn. Nếu bạn làm điều tốt cho mọi người thì nghiệp tốt sẽ gia tăng và mang lại niềm vui cho bạn. Nếu ai đó hạnh phúc, đó là vì anh ta đã làm điều gì tốt trong quá khứ. Nếu ai đó buồn khổ, đó là bởi anh ta đã làm điều gì xấu trong quá khứ. Vì vậy, ở đây Patanjali kết nối mỗi hạnh phúc và đau khổ với từng hành động trong quá khứ – tất cả đều nằm trong bể nghiệp của bạn.
Và thiền định là cách giúp chúng ta gột rửa khổ đau. Bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng và đi vào trạng thái trống rỗng. Bằng thiền định, bức màn đau khổ che khuất bản thể sẽ mỏng dần đi. Điều này rất quý. Thỉnh thoảng bạn có thể cảm thấy buồn chán nhưng cũng không sao. Chỉ cần nhận thức là bạn đang đốt cháy những hạt giống cũ của sự buồn tẻ. Nếu bạn chống đối sự buồn tẻ thì nó sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Nếu bạn cảm thấy chán chường với bản thân mình thì hãy nghĩ bạn sẽ nhạt nhẽo đến mức độ nào đối với những người khác? Vì vậy, khi bạn buồn chán thì hãy mặc kệ nó. Nó sẽ khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn thôi. Hãy biết rằng bạn đang đốt cháy thứ gì đó – tapas. Bạn nên nghĩ đó chính là tapas, và bạn đang tự trừng phạt mình để ăn năn, hối lỗi. Bạn nên sẵn sàng tiến lên và kiên định thực hiện, cho dù nó có nhàm chán đến đâu. Bạn thường tiếp nhận thách thức từ bên ngoài. Tương tự, hãy tiếp nhận thử thách này. Để vượt qua sự nhạt nhẽo, hãy khơi gợi thách thức trong bạn.