Khi bồn chồn lo lắng, người ta rất ý thức về sự chảy trôi của thời gian, họ để ý đến từng phút từng giây. Tuy nhiên, họ lại tập trung toàn bộ vào một sự kiện hay một điều nào đó đang xảy ra chứ không phải là tổng thể thời gian. Họ có thể đang chờ một chuyến xe lửa, một chuyến xe buýt hay một chuyến tàu và họ cứ nghĩ mãi về chuyến tàu, chuyến xe đó, không biết là nó đã đến đâu rồi. Sự tập trung thường nhắm vào đối tượng liên quan hơn là vào thời gian.
Nhưng, bạn có thể điều chỉnh bản thân một chút. Tức là, khi chờ ai hay một việc gì đến, hãy chỉ chờ trong giây phút hiện tại. Đây chính là việc hợp nhất với thời gian. Đây chính là yoga. Khi bạn thực hành yoga, tâm trí bạn ở trong giây phút hiện tại và không chờ đợi gì cả mặc dù là bạn vẫn đang chờ. Làm được thế, ý thức của bạn được bồi dưỡng một phẩm chất khác. Trí tuệ bạn sắc bén hơn và trái tim bạn đôn hậu, hòa nhã hơn. Đây gọi là yoga trong hành động.
Đây là câu kinh tiếp theo trong chương hai của Patanjali, Sadhana Pada.
Sadhana Pada có nghĩa là con đường thực hành.
Tapah swaadhyaaya ishwara pranidhaanani kriya yogah.
Kriya yogah là yoga của hành động. Hành động là một phần trong thế giới này. Hoạt động luôn diễn ra trong vũ trụ này – từ một nguyên tử đến mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Không có gì trong vũ trụ này ổn định hay đứng yên.
Brahman, sự vô tận được lấp đầy bởi hoạt động vô hạn. Không có sự tịch tĩnh nào là tuyệt đối. Có thể bạn nghĩ khi mình ngủ thì sẽ không có điều gì xảy ra. Nhưng thực ra có rất nhiều hoạt động diễn ra trong lúc bạn ngủ. Cơ thể bạn phát triển trong khi ngủ nhiều hơn là trong khi bạn thức. Đó là lý do đứa trẻ đang lớn ngủ rất nhiều. Toàn bộ cơ quan đang hình thành và phát triển trong cơ thể của một đứa trẻ. Từng tế bào đang được nhân lên và trong giấc ngủ, các tế bào đó sẽ được nhân rộng hơn. Một thanh niên ngủ nhiều hơn một người lớn tuổi bởi vì có nhiều hoạt động trao đổi chất trong cơ thể của người trẻ. Nếu bạn không cho ai đó ngủ thì sự phát triển của họ sẽ bị chậm lại.
Ngay cả trong yên lặng cũng có các hoạt động diễn ra. Và trong từng hoạt động cũng có một góc khuất nào đó rất yên tĩnh.
Krishna đã hỏi Arjuna rằng ông có biết ai là người thật sự thông minh không. Arjuna nói ông không biết. Lúc đó, Krishna mới nói rằng người mà nhìn thấy được tĩnh trong động và động trong tĩnh mới chính thật là người thông minh. Làm thế nào bạn làm được điều đó? Nó đòi hỏi bạn phải có nhận thức rõ ràng, sự tỉnh thức và nhạy bén. Đó là khi bạn đạt được kỹ năng trong hoạt động của mình. Và Yoga chính là kỹ năng đó.
Kriya Yoga, yoga trong hành động có ba phần. Phần đầu tiên được gọi là tapaha. Tapas là chịu đựng và chấp nhận. Bạn đang ngồi trong một chuyến bay dài. Hai chân bạn bắt đầu tê cứng. Bạn cảm thấy rất mệt và nặng nề nhưng bạn vẫn phải ngồi trên đó. Bạn không thể nói rằng bạn sẽ không ngồi trong máy bay nữa và phải rời khỏi đó. Nếu máy bay bị trễ hay bị kẹt trên không, bạn vẫn phải ở trên đó. Bạn không có cách lựa chọn nào khác. Nếu bạn có một sự lựa chọn, bạn sẽ không chọn ngồi ở một nơi suốt tám tiếng như thế. Nhưng ở trong máy bay bạn phải chấp nhận cái điều không thể tránh khỏi đó và ngồi – một cách tự nguyện mà không than phiền. Đó là tapaha. Tapaha là tình nguyện trải nghiệm chuyện khó chịu mà không càu nhàu. Có thể bạn đang lái xe vào ban đêm. Bạn đang cảm thấy buồn ngủ vì đó là giờ bạn thường ngủ. Nhưng bạn không dừng lại để ngủ. Tất nhiên, bạn có thể làm điều đó nếu bạn thấy quá buồn ngủ và có cơ hội chợp mắt một chút trong xe. Nhưng thường là bạn vẫn đi tiếp.
Cũng giống như vậy. Có một ngày bạn quyết định nhịn ăn để làm sạch cơ thể. Có thể bạn cảm thấy đói bụng nhưng bạn sẽ không ăn gì ngoài trái cây và uống nước. Đó là tapaha.
Có thể bạn biết được các lợi ích của một số hoạt động nhất định, và sẽ muốn thực hiện – như là tập thể dục. Mọi người đi đến phòng gym để tập. Các môn thể dục đó không làm cho họ thích thú. Họ không thích nâng những quả tạ nặng nhưng họ vẫn làm vì họ biết điều đó tốt cho cơ thể. Sự chịu đựng này được gọi là tapah – tapas.
Swadhyaaya là minh mẫn trong việc tìm hiểu bản thân mình – quan sát hơi thở và cảm xúc của mình. Tự hỏi những suy nghĩ và cảm xúc đó đến từ đâu và điều gì đang xảy ra bên trong bạn – Quan sát và tìm hiểu bản thân mình.
Eshwara pranidhaana là thành tâm yêu kính Đấng tối cao.
Ba điều này (tapas, swadhyaaya và eshwara pranidhaana) kết hợp lại tạo nên Kriya Yoga. Chúng có ích gì cho bạn?
Klesha tanu karanaarthascha – Chúng làm giảm đi những khổ đau, chịu đựng trong cuộc sống. Samadhi bhaavana arthaha – Điều này dẫn tới samadhi – sự tĩnh lặng.
Có một số người đi chân trần trong thời tiết rất nóng. Dường như họ tự tra tấn mình. Nhưng họ đã quen như vậy và hơn thế nữa, cơ thể họ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Họ có thể chịu được sức nóng. Nhưng nhiều người khác không thể chịu được.
Do đó, tapas giúp bạn mạnh mẽ trong một vài lĩnh vực. Nếu một người ở California đến Thụy Sỹ, anh ta có thể mặc hai áo ấm và một áo khoác. Nhưng với một người từ vùng Quebec đến, cái lạnh ấy chẳng là gì cả. Thậm chí, họ có thể không cần mặc áo ấm bởi vì cơ thể họ đã quen với những điều kiện khắc nghiệt hơn. Tapas là sẵn lòng làm một việc gì đó không dễ dàng. Điều này giúp bạn trở nên mạnh mẽ. Nhưng đôi khi người ta vượt quá giới hạn cho phép, để rồi trở thành những kẻ thích tự làm khổ mình.
BA LOẠI TAPAS
Chúng ta biết rằng lửa duy trì sự sống. Có năm loại lửa. Một là bhotaagni. Bhotaagni là ngọn lửa sưởi ấm ngôi nhà của bạn và giữ ấm cho cơ thể. Ngọn lửa vật lý này duy trì sự sống. Ở các nước nhiệt đới, người ta có thể bỏ qua khía cạnh này. Với họ, lửa không có giá trị lắm. Nhưng lửa rất quan trọng ở các nước có khí hậu lạnh. Không có ngọn lửa vật lý, cuộc sống sẽ không thể tồn tại. Và ngọn lửa vật lý này có mặt trong cơ thể ở một mức độ nhất định.
Và rồi có ngọn lửa thứ hai được gọi là kaamaagni. Đây là ngọn lửa của khao khát, ham muốn hay ngọn lửa đam mê. Ngọn lửa này bao quanh bạn. Nó làm cho cuộc sống tiếp diễn trên hành tinh này. Ngọn lửa đam mê hiện diện ở muôn loài trong vũ trụ. Bạn thậm chí còn không cho phép ngọn lửa đam mê xuất hiện trong bạn. Ngay khi khát khao khởi lên, bạn liền thỏa mãn nó. Rồi khát khao đó tan biến, nó không đủ sức bùng lên trong bạn. Những người có tính lăng nhăng không có kaamaagni. Bởi vì họ không để cho ngọn lửa có cơ hội đến và tạo nhiệt một chút. Khi vừa có ham muốn tình dục, họ liền tìm cách thỏa mãn nó. Sau đó thì kaamaagni không được đánh thức trong họ. Tình dục là một trong nhữngsamskara sau ăn uống. Trong suốt cuộc đời bạn, chắc chắn bạn có hai thứ để làm – ăn và làm tình. Chúng ta làm hai việc này không khác gì bò, khỉ, lừa hay ngựa. Khi đam mê này nảy sinh, hãy quan sát nó. Nó ở trong từng tế bào trên cơ thể bạn. Nó bao trùm lấy bạn. Ngọn lửa đam mê đó bùng cháy và lan rộng ra. Bạn sẽ hoàn toàn tỉnh táo và nhận thức. Nhưng nếu bạn không cho phép nó xuất hiện thì khi có một chút ham muốn thôi, nó sẽ bị hạ nhiệt ngay lập tức. Rồi thì sức mạnh trong bạn – shakti, tiềm năng trong bạn lắng xuống và ngủ yên ở đó. Bạn trở nên vô tình và ít quan tâm đến người khác hơn. Bạn không có khí lực, không can đảm, không vui vẻ hay hăng hái làm gì cả. Đó là lý do những người có quan hệ tình ái lăng nhăng không có sự nhiệt tâm. Họ không có đủ sức mạnh, ý chí hay sức khỏe để làm bất cứ điều gì.
Loại lửa thứ ba được gọi là jataraagni – ngọn lửa của cái đói và việc tiêu hóa trong dạ dày. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong y học cổ Ấn Độ Ayurveda. Nếu ngọn lửa tiêu hóa bị thiếu hay bị thừa, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự cân bằng trong cơ thể bạn. Khi bị sốt chúng ta thường chỉ điều trị triệu chứng mà không hiểu nguồn gốc cơ bản liên quan đến cơn sốt. Khi một vật thể lạ xâm nhập cơ thể, nó làm cơ thể tăng nhiệt và ta bị sốt. Sốt là cơ chế tự phòng vệ của cơ thể. Nó đốt cháy và tiêu hủy hết tất cả các vi khuẩn và vi trùng lạ đã xâm nhập. Ngay khi chúng bị tiêu hủy, cơn sốt hạ xuống. Đó là Jataraagni – ngọn lửa tiêu hóa, thanh lọc cơ thể bằng cách loại bỏ các vật thể lạ.
Nhưng bạn thậm chí không cho phép cơn đói đến. Bạn tiếp tục nhồi nhét nhiều thứ vào bụng mình ngay cả khi chưa đói. Việc làm này tạo ra nhiều độc tố ảnh hưởng đến cơ thể bạn. Nhiều người mắc bệnh hoặc chết vì ăn quá nhiều chứ không phải vì đói. Ngày nay, rất ít người chết vì đói nhưng càng ngày càng có nhiều người chết vì ăn quá mức. Bởi vì họ không để cho ngọn lửa jataraagnibùng lên. Chúng ta không bao giờ nhen lên ngọn lửa đó. Đây là nguyên tắc nhịn ăn. Khi bạn nhịn ăn, mọi tế bào của cơ thể bạn sẽ hoạt động tích cực hơn. Liệu pháp này rất tốt. Nó có thể thanh lọc lục phủ ngũ tạng trong cơ thể bạn. Ngọn lửajataraagni có thể tẩy sạch hết độc tố. Khi đầu óc bạn bị nhồi nhét đầy những lo lắng, căng thẳng và những suy nghĩ khó chịu, sợ hãi thì nhịn ăn hoàn toàn hay nhịn ăn một số thực phẩm là biện pháp giúp đỡ tuyệt vời.
Người ta đã thực hiện nhiều khảo sát về việc nhịn ăn. Bạn nên nhịn ăn và để chojataraagni xuất hiện trong bạn. Nó có thể thanh lọc máu và thải độc tố ra khỏi cơ thể bạn. Nó có thể giúp bạn cảm thấy khỏe hơn. Nhịn ăn và cầu nguyện được thực hiện trong Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác trên thế giới. Vì nhịn ăn đã chạm vào samskara sâu nhất, hay chạm vào các ấn tượng nhiều đời tồn tại trong bạn – ấn tượng về việc ăn, ăn, và chỉ ăn. Nhưng có một số người cứ nhịn ăn mà không nhận biết các yếu tố liên quan; quá nhiều lửa cũng làm cho bạn kiệt sức. Phải biết nhịn ăn sao cho đúng cách. Nhiều người rất cực đoan. Họ hoặc là ăn quá nhiều hoặc là nhịn ăn quá nhiều. Cả hai đều không tốt. Nhịn ăn điều độ và theo hướng dẫn có thể thanh lọc cơ thể và mang đến cho bạn sự cân bằng.
Tiếp đến là ngọn lửa của kiến thức – Premaagni hay jnaanaagni.
Cuộc sống được hun đúc qua những ngọn lửa này sẽ trở nên quý như vàng. Nhưng không may là bạn đã không biết nguyên tắc này. Bạn thậm chí không để cho ngọn lửa có cơ hội bùng lên trong bạn. Khi bạn bị sốt, bạn dùng paracetamol để dập tắt nó. Bạn chỉ loại bỏ được triệu chứng của nó mà không để ý cái gốc phát sinh bệnh. Nói thế không có nghĩa là bạn không nên dùng thuốc nhưng nên dùng theo cách tự nhiên. Bạn nên tìm hiểu nguyên nhân chính của vấn đề và loại trừ vi khuẩn, chứ không nên chỉ loại bỏ triệu chứng hay ngọn lửa trong cơ thể.
Y học thuận tự nhiên và Ayurveda giải quyết bệnh theo nguyên tắc này – giữ cho bhootaagni hoạt động tích cực. Cơ thể bạn có hệ thống điều hòa riêng của nó. Nếu lúc nào bạn cũng mở máy điều hòa không khí bên ngoài, thì hệ thống tự điều chỉnh bên trong cơ thể sẽ bị phá hủy. Ở các nước vùng nhiệt đới, khí hậu nóng nên người ta mở máy lạnh cả ngày. Trong một môi trường như vậy thì làm gì có prana, hay không khí trong lành. Khi trời nóng, cơ thể đổ mồ hôi để tự làm mát nó, bạn sẽ cảm giác như có cơn gió thổi qua. Cơ thể có hệ thống điều hòa riêng của nó. Bạn cần làm quen với điều này càng sớm càng tốt. Nếu bạn đã quen sử dụng máy điều hòa không khí thì có thể bạn sẽ thấy khó thay đổi. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thử quay trở lại với máy điều hòa tự nhiên trong cơ thể. Tôi không phản đối chuyện dùng máy điều hòa không khí nhưng hãy đảm bảo có nguồn prana tươi mới đến và nhiệt độ cơ thể bạn phù hợp với môi trường. Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt. Rồi sau đó, bạn có thể ở một nơi lạnh lẽo mà không cần phải mặc nhiều quần áo ấm hoặc ở một nơi nóng và không cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.
Rồi, chúng ta có Badabaagni – ngọn lửa của phê bình, chỉ trích. Khi có ai đó chỉ trích bạn thì lập tức có một ngọn lửa bùng lên trong cơ thể bạn. Khi bạn nói trước đám đông, bạn cảm thấy hội hộp, lo lắng vì bạn sợ những lời phán xét, chỉ trích của công chúng. Badabaagni là ngọn lửa chỉ trích, phê bình của xã hội. Người ta nói rằng con người là một động vật quần thể và sống trong một cộng đồng có tổ chức. Anh ta phải tuân theo những quy tắc nhất định và không thể sống theo ý muốn của mình. Anh ta không thể cho rằng vì được tự do, anh ta có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn. Khi lái xe, bạn phải tuân thủ luật giao thông. Bạn phải đi theo đúng chiều quy định. Khi đi bộ, bạn cũng phải làm vậy. Bạn phải dừng ở nơi cần phải dừng. Bạn phải tuân theo những quy định và quy tắc. Điều này sẽ làm phát sinh những sợ hãi nhất định trong bạn – nỗi sợ bị phê bình, nỗi sợ bị phạt và phải đóng tiền phạt... Việc tuân thủ luật lệ dẫn tới nỗi lo lắng giữ sao cho không phạm luật. Nếu bạn quan tâm quá nhiều về những lời chỉ trích hay những ý kiến của người khác về bạn thì bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Có một điều chắc chắn là nỗi sợ này sẽ giữ bạn trong một số giới hạn của đạo đức. Điều này cũng tốt. Nhưng nếu để nó vượt quá tầm kiểm soát hay chi phối quá mức thì bạn sẽ mất đi tự do, tinh thần thẳng thắn và trạng thái cân bằng cảm xúc. Nếu ngọn lửa phê bình, chỉ trích đó quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng những chuyện không đâu. Bạn nên vượt qua nỗi sợ bị chỉ trích. Đừng quan tâm đến người ta nói gì. Ý kiến, quan điểm của họ sẽ thay đổi. Chỉ cần trong tâm thức bạn biết là mình không làm điều gì hại ai là được.
Và, chúng ta sẽ nói đến ngọn lửa của tình yêu – tình yêu tạo nên ngọn lửa trong bạn. Ngọn lửa tình yêu có thể làm cho nỗi sợ bị phê bình, chỉ trích biến mất. Ngọn lửa đó mạnh đến nỗi bạn không bận tâm dư luận bên ngoài. Nó hoàn toàn chiếm hữu bạn. Ngọn lửa kiến thức và ngọn lửa tình yêu giống nhau. Chúng có cùng ý nghĩa. Ngọn lửa tình yêu bắt đầu bằng sự khao khát – khao khát mãnh liệt. Nó mới lạ đến nỗi đôi lúc nó cũng có thể làm bạn cảm thấy khó chịu. Ngọn lửa này chỉ có thể được trải nghiệm trong đời sống con người. Ngọn lửa tình yêu hay ngọn lửa tri thức gây ra một cảm giác khao khát không dễ chịu. Nhưng sau đó nó chuyển sang cảm giác tràn đầy hạnh phúc.
Đó là năm ngọn lửa trong cuộc sống – panchaagni.
Patanjali đã nói rằng người nào đi qua năm ngọn lửa đó sẽ trở nên thuần khiết; sẽ vượt qua được bờ bên kia. Nhưng các thánh thư đã bị hiểu sai lệch. Người ta cho rằng người nào đi qua ngọn lửa thực thì sẽ được thanh lọc. Nên họ đốt lửa chung quanh, rồi đi qua đó và bắt đầu hành hạ cơ thể mình. Cái này được gọi làrakshasitapas.
Có ba loại tapas – sattvic, rajasic và tamasic.
Sattvic là loại tapas mà trong đó bạn không hề nhận biết điều mình đang làm. Bạn chỉ là một phần của hiện tượng tự nhiên. Thế giới ngày nay là một hiện tượng tự nhiên và bạn là một phần trong đó. Bạn tồn tại ở đâu? Có nhiều ngọn sóng trên biển hay gợn sóng trong hồ nhưng thật buồn cười nếu mỗi con sóng cho rằng nó tồn tại dưới dạng sóng. Khi một ngọn gió thổi qua, có rất nhiều sóng nổi lên và tất cả sẽ lắng dần sau đó. Tương tự như vậy, trong đại dương của ý thức, cũng có nhiều ngọn sóng phát sinh. Ngọn sóng này tự gọi nó là Jyothi, ngọn sóng kia tự gọi nó là Michel, và sẽ có nhiều tên khác nữa – David, Dev và Lillian. Những ngọn sóng giới hạn đó đã được đặt nhiều tên khác nhau. Và tất cả những ngọn sóng này sẽ lắng xuống và những ngọn sóng mới sẽ nổi lên. Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ đi qua được các ngọn lửa của cuộc sống. Đó là sattvic tapas.
Rajasic – Có những người tích cực làm việc với mong muốn đạt được một điều gì đó, ngay cả khi họ làm seva – phục vụ. Và điều này có hệ quả hỗn hợp. Đây là loại rajasic tapas – dạng tapas mà một người làm để khoe khoang. Người ta có thể nhịn ăn, thiền hay làm những công việc giúp đỡ mọi người rất tốt nhưng đồng thời cũng thể hiện cho mọi người biết những điều mình đã làm. Đó là tapas được thực hiện với sự phô trương, với cái Tôi của mình.
Tamasic là loại tapas kỳ quặc. Với loại tapas này người ta tự hành hạ mình, bởi vì họ không thể hành hạ người khác. Nếu bạn tự hành hạ mình, sẽ không có ai chất vấn bạn. Đây là những người chúng ta thấy họ gắn đinh khắp người và đi trên lửa.
Có ba bộ phận khác của tapas – tapas cơ thể, tapas lời nói và tapas tâm trí.
Tapas cơ thể là giữ vệ sinh thân thể, tránh thái độ thờ ơ, kiểm soát năm giác quan. Có thể bạn muốn xem tivi, nhưng bạn không xem. Mặc dù rất thèm ăn, nhưng bạn không ăn nếu không đói. Tapas cơ thể là giữ vệ sinh cá nhân và tiết dục để thân thể được khỏe mạnh, tồn tại trong bản thể mình và kiểm soát các giác quan, kiểm soát cơ thể.
Tiếp đến là tapas lời nói, là không nói những điều gây phiền não, đau đớn cho ai – nói thật lòng và nói những điều làm cho người khác thấy dễ chịu – anudwega karm vakyam charit satyam, priyam hitam. Hãy ghi lại những gì bạn nói với người khác. Bạn đã nói những gì? Bạn có làm cho họ thấy vui sướng, hào hứng không và họ có làm cho bạn thấy nhẹ nhõm, bình yên không hay khiến bạn giận dữ, ghen tỵ, tham lam, thất vọng, chán nản? Thường khi yên lặng, bạn là người tử tế hơn, tế nhị hơn và dễ mến hơn. Bạn có ích cho mọi người nhiều hơn. Tuy nhiên, có thể bạn không kiểm soát được và lời nói cứ thế vọt ra ngoài cửa miệng. Thậm chí bạn không nghĩ về hậu quả của chúng; chúng có thể trở thành lưỡi dao găm cắm vào tâm trí người khác. Lời nói của bạn có thể là một đóa hoa và cũng có thể là lưỡi dao.
Vangmaya tapas – là lời nói không làm xáo trộn sự điềm tĩnh và tâm trí bình yên của người khác.
Thông thường bạn hay nói những điều gây phiền toái cho người khác dù bạn không cố ý. Đó là vangmaya tapas. Những người nói lời khó nghe thường cảm thấy họ đang nói sự thật. Họ cảm thấy rằng không cần che giấu sự thật. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể dùng cách nói dịu dàng hơn mà không làm mất đi tính chân thật của nội dung nói. Trong Phạn ngữ thường có một ví dụ. Bạn gặp một người mù và bạn gọi anh ta “ê, anh mù kia đến đây”. Thực ra cách bạn gọi người mù kia không có gì sai. Nhưng gọi thế, bạn có thể làm cho anh ta rất buồn tủi. Thay vào đó, bạn có thể gọi anh ta là Prajnachakshu. Cách gọi này ngụ ý con mắt thứ ba, con mắt tâm thức, của anh ta. Trong Phạn ngữ, đây là ví dụ điển hình cho lời nói ngọt ngào. Gọi người mù là một người của tâm thức hay một người nhìn bằng con mắt thứ ba của tâm thức, một người có con mắt trực giác, đó chính là vangmaya tapas.
Vangmaya tapas rất quan trọng bởi vì khi bạn phát triển trên con đường Yoga này, lời nói của bạn ngày càng trở nên quyền lực hơn. Bạn gọi một người nào đó là kẻ ngu ngốc thì họ cũng sẽ trở nên ngu ngốc. Vangmaya tapas thanh lọc bạn. Nếu không, những việc bạn làm sẽ quay ngược trở lại bạn. Nếu bạn nói năng gay gắt, lời nói sẽ ảnh hưởng xấu đến bạn. Điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng tỏ ra mình là người đạo đức, đáng trọng. Làm thế là tự lừa dối mình. Bạn không nên là con người hai mặt – bên ngoài thì rất tốt và thân thiện nhưng bên trong thì ngược lại. Và bạn cũng không nên là một người nói lên sự thật làm đau lòng người khác. Vangmaya tapas là vậy.
Tiếp theo là manomaya – tapas tâm trí.
Manaha prasaadaha sowmyataam mounam aatma vinigraha.
Patanjali đã nói bốn điều: Manaha prasaadaha – duy trì sự hài lòng và dễ chịu trong tâm trí. Để tâm trí luôn được thanh thản, dễ chịu thì cần phải có tapas lớn. Bạn có thể vui vẻ phút này nhưng phút sau bạn đã âu sầu ngay lập tức.Sowmyataam. Sowmya có nghĩa là trầm tĩnh, biết kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể vui nhưng quá phấn khích. Đó không phải là sowmya. Một số người cảm thấy rất vui nhưng họ không giữ được bình tĩnh. Niềm vui có thể làm cho họ trở nên quá phấn khích, điên rồ. Do đó, cùng với niềm vui sướng thì điều quan trọng là ta phải giữ được sự điềm tĩnh – sowmyataam. Có những người khi vui vẻ hạnh phúc, họ gây phiền toái cho nhiều người khác. Đó là vì họ không nhận thức được rằng trong khi vui vẻ và phấn khích, lời nói và hành động của họ ảnh hưởng không tốt tới người khác. Nếu một người trầm tĩnh, họ nhận thức rõ hơn trong mọi tình huống. Bạn nhạy cảm với cảm xúc của người khác và với môi trường chung quanh. Do đó, tâm trí chúng ta cần vui vẻ nhưng cũng cần trầm tĩnh. Manaha prasaadaha sowmyataam.
Mounam – một tâm trí tĩnh lặng; không phải là một tâm trí huyên thuyên. Tĩnh lặng là một tapas của tâm trí. Mounam là sự tĩnh lặng có được bằng cách tập trung tâm trí bị phân tán lại và kết nối các phần tâm trí tản mát lại với nhau.
Aatma vinigraha – an trú trong bản thể mình. Quay trở lại với bản thể. Đây là tapas của tâm trí. Tâm trí thường xuyên bị lạc hướng. Nó cần được mang về với chính bản thể của mình.
Và nó cần nhìn thấy bản thể trong mọi người. Cảm nhận người này là bạn và người kia cũng là bạn. Thông thường, chúng ta nghĩ tâm trí mình nằm trong thể xác. Nhưng không phải vậy. Thể xác của ta nằm trong tâm trí.
Cái cơ thể của khí lực – prana lớn gấp mười lần cơ thể vật lý. Năng lượng của bạn, năng lượng sinh học lớn gấp mười lần cơ thể vật lý của bạn. Và lớn hơn gấp mười lần cơ thể khí lực là cơ thể tâm trí, cơ thể suy nghĩ của bạn. Và lớn hơn gấp mười lần cơ thể tâm trí là cơ thể trực giác của bạn. Và gấp mười lần cơ thể trực giác là cơ thể của niềm an lạc, hạnh phúc. Cơ thể an lạc của chúng ta là vô biên. Đó là lý do tại sao khi bạn thấy vui vẻ, hạnh phúc, bạn không cảm thấy có bất kỳ ranh giới nào. Bạn cảm thấy sự khoáng hoạt và phi biên giới. Và khi bạn buồn bã hay đau khổ, bạn thấy mình như vỡ vụn ra, bởi vì lúc đó prana trong bạn trở nên nhỏ hơn cơ thể thật sự của bạn. Đó là cơ chế của sự bất hạnh. Cứ như thể bạn đang cố nhét cơ thể mình vào một cái lỗ quá nhỏ. Đó là lý do trong đau khổ bạn càng thấy mình đau khổ hơn. Bất cứ khi nào rơi vào tình trạng ấy, hãy nhớ rằng bạn đang đặt tình yêu thương của mình vào trong một con kênh nhỏ. Tình yêu của bạn thật rộng, thật đầy. Nó cần được dẫn ra biển lớn. Nhưng bạn lại đang để cái cơ thể to lớn của con voi tình yêu bị mắc kẹt trong ống khói hay cửa thông gió nhỏ bé. Nó không thể đi ra cũng không thể vào trong được. Đây là một sự trở ngại vướng mắc. Đó là lý do tại sao tình yêu thường mang đến cho bạn nhiều vấn đề. Bạn không hiểu được độ lớn và tầm quan trọng của nó như thế nào.
Như vậy tapas tâm trí – manomaya tapas là quay về với chính mình, giữ lấy sự cân bằng tâm trí trong bạn.