Trái đất chỉ cần rung chuyển trong vài giây là sẽ có nhiều thảm họa xảy ra. Bạn tồn tại được trên hành tinh này là bởi vì nó ổn định và vững chắc. Thỉnh thoảng nó rung lên và sự rung chuyển này làm cho cư dân bị mất thăng bằng. Chỉ một vài giây hiện tượng này xảy ra cũng đủ làm cho cuộc sống bị đình trệ trong nhiều ngày.
Có nhiều dạng thiên tai – lũ lụt, mưa lớn, hạn hán. Những thiên tai này làm xáo trộn cuộc sống. Bạn chỉ có thể được bình yên khi nào thiên nhiên được bình ổn. Có lần cách đây vài năm, tuyết rơi ở sa mạc Sahara vào giữa mùa hè. Cũng cùng năm đó, trời nóng cực độ vào những tháng mùa đông. Trước đây, những chuyện như thế này chưa từng xảy ra.
Chỉ thỉnh thoảng thiên nhiên mới rung động. Nhưng các giác quan của bạn thì dao động hằng ngày. Khi giác quan bị xao động, ta không thể quan sát hay làm chủ nội tâm, ta không còn thấy bình yên. Cũng giống như thiên nhiên, bạn chỉ có thể bình an khi nhận thức của bạn được ổn định. Bạn đạt trạng thái thiền khi có sự hòa hợp giữa thiên nhiên và cơ thể. Tầm nhìn của bạn phải cố định. Nếu không, tâm trí bạn sẽ không thể nhập thiền. Nhớ quan sát điều này khi ngồi thiền. Đôi mắt bạn đã ổn định chưa? Hơi thở bạn đã đều chưa? Prana hỗn loạn hay nhu hòa? Khi các giác quan ổn định, tâm hồn sẽ được bình an. Bản thể và tinh thần trở nên ổn định. Các giác quan và cơ thể xao động khi chúng cảm thấy niềm vui đến từ các đối tượng bên ngoài. Các giác quan được ví như cầu nối giữa một bên là đối tượng tạo ra niềm vui, còn phía bên kia là bản chất tự nhiên. Khi các giác quan thu nhận quá nhiều niềm vui thì chúng bị rung động. Thậm chí chỉ xao động trong vài phút thôi, chúng cũng cảm thấy mệt. Và rồi chúng không còn khả năng tận hưởng, cảm thụ hay trải nghiệm được niềm vui đó.
Cách đây không lâu, tôi đã đến một trường khiếm thị ở Ấn Độ. Có 175 trẻ khiếm thị ở đó. Chúng đã hát bhajan trong nửa giờ. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến các em hát say sưa như thế nào. Các tín đồ của chúng tôi cảm thấy chưa bao giờ được dự một buổi hát bhajan nào tuyệt vời đến thế. Nó để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng họ. Đó là vì các em hát mà không bị con mắt làm xao lãng. Chúng không nhìn quanh trong khi hát bởi vì chúng không thấy gì. Dường như các em đã hát trong trạng thái thiền rất sâu. Các em hát bằng cả con tim, bằng từng tế bào trong cơ thể.
Đôi mắt dẫn đường và mang ánh sáng đến cho bạn, nhưng chúng cũng mang theo cả bóng tối. Đó là vì đôi mắt mang đến cho bạn tất cả các loại cám dỗ – nó khiến bạn tưởng tượng ra có cái gì đó đẹp hơn. Tâm trí sẽ bình yên hơn nhiều nếu không có đôi mắt. Đôi mắt là thứ gây xao lãng nhất đến sự tĩnh lặng trong bản thể. Điều xấu không cám dỗ bạn. Đôi mắt của bạn đủ khả năng để làm điều đó. Đã từng có người nói: “Ôi Thượng Đế, đừng cho tôi bất cứ sự cám dỗ nào. Tôi sẽ tự tìm thấy nó.” Đôi mắt tự tìm thấy sự cám dỗ của riêng nó.
Đôi tai cũng vậy. Đôi khi người ta mở đài và cứ vài phút thì chuyển kênh. Họ liên tục rà các kênh khác nhau. Tôi biết có một người như vậy. Anh ta không để cho ai nghe một bài hát hay một chương trình trọn vẹn. Cứ nghe được vài giây, anh ta lại muốn biết ở kênh khác có chương trình gì hấp dẫn không. Và rồi sau một lúc, anh ta lại mở sang một kênh khác. Tâm trí chúng ta cũng chuyển kênh liên tục như thế. Chuyện này cũng liên quan đến các giác quan – thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và thính giác. Khi các giác quan ổn định, thì prana đang bị hỗn loạn bên trong cũng trở nên ổn định. Chắc hẳn bạn cũng nhận thấy rằng, nếu trước khi tập pranayama mà prana của bạn không ổn định, thì sau khi tập nó sẽ trở nên ổn định. Vào bất cứ thời điểm nào mà bạn cảm thấy khó ở, hoài nghi, không vui hoặc sợ hãi, hãy quan sát dòng prana trong cơ thể. Vấn đề có thể không nghiêm trọng nhưng prana sẽ trở nên hỗn loạn. Samadhi là sự ổn định trong prana. Tuy nhiên bạn không nên lo lắng và bối rối nếu thấy prana không ổn định. Lúc đó, hãy nhận biết, quan sát và hiện diện với nó ngay, một lúc sau prana sẽ ổn định lại. Đó là sự định tâm. Và nó đưa bạn đến một chốn mà bạn cảm thấy hoàn toàn trống và rỗng.
Ở trong bản kinh này, Patanjali nói rằng con người là một tinh thể giống pha lê. Một tinh thể tồn tại trong suốt, nó để mặc ánh sáng xuyên qua hoàn toàn. Mặc dù bạn đang tồn tại với một cơ thể nhưng trong trạng thái samadhi, bạn không có ở đó nữa. Nói cách khác, bạn có thể sống như thể bạn không hiện hữu. Đó làsamadhi. Khi bạn hiện hữu với bản thể của mình, bạn chỉ là bản thể – bình an, hạnh phúc và vui vẻ. Và khi bạn sử dụng các giác quan, bạn hoàn toàn có mặt với các giác quan đó. Khi bạn hiện diện với đối tượng của các giác quan, bạn trở thành đối tượng của các giác quan. Trong tinh thể pha lê cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Nếu bạn rọi ánh đèn màu vào một tinh thể pha lê, thì tinh thể pha lê sẽ mang màu sắc của ánh sáng đó. Nếu bạn nhìn ngọn núi và hòa nhập làm một với ngọn núi thì đó là samadhi.
Patanjali nói rằng có hai loại samadhi. Một là samadhi trong khi hoạt động, được gọi là sabeeja samadhi. Bạn thường có trạng thái này khi còn nhỏ. Bạn có để ý một đứa trẻ khi nó làm gì đó không? Đôi mắt nó không láo liên chỗ này chỗ kia. Đôi mắt nó luôn đứng yên một chỗ khi quan sát một vật gì đó. Đứa trẻ nhìn vào thứ gì thì nhìn thật sâu, thật tĩnh. Điều này phản ảnh sự bình yên và ổn định trong tâm hồn nó. Đôi mắt là cửa sổ để bạn nhìn thấy thế giới và để thế giới nhìn thấy tâm hồn bạn; để nhìn thấy sự bình yên trong đó. Nếu có ai đó giàu tham vọng và tham lam, đôi mắt sẽ nói lên điều đó. Đôi mắt cũng phản chiếu tấm lòng nhân ái và tốt bụng của một người. Đôi mắt biểu cảm cho gương mặt, các giác quan, hành vi và nhiều thứ khác nữa. Vẻ ngoài, cử chỉ, bước đi, lời nói và toàn bộ cuộc sống của bạn phản ánh chiều sâu bên trong bạn. Nhiệm vụ của các giác quan là cung cấp cho bạn kiến thức về thế giới. Khi bạn mài sắc các giác quan, luyện tập để bản thân trở nên “trống và rỗng”, bạn sẽ giống như là pha lê. Linh hồn bạn phản chiếu thiên tính, Thượng Đế trong bạn. Các giác quan phản chiếu linh hồn đó, Thượng Đế đó. Khi bạn nhìn một đóa hoa, bạn không chỉ nhìn vào nó. Bạn sờ vào đóa hoa, cảm nhận nó và lắng nghe nó. Tất cả các giác quan hoạt động một cách toàn diện. Từng đường gân thớ thịt trong bạn, các giác quan và các đối tượng của chúng, phản chiếu một thiên tính trong suốt như pha lê. Nó phản chiếu cái bản thể trong bạn. Đó là sabeeja samadhi. Bạn nhìn ngọn núi và nó nhắc bạn nhớ về bản thể và tâm thức của mình. Bạn nhìn một đóa hoa và đóa hoa đó nhắc bạn nhớ về tâm thức của mình. Bạn nhìn mặt trời, mặt trăng, nước, tất cả những điều đó cho bạn ý niệm về năng lượng vô hình, về bản thể, mà từ đó mọi thứ đã diễn ra. Và ngay tại thời khắc đó, bạn ở vào trạng thái samadhi. Có thể bạn đang ngắm mặt trời lặn và rồi bạn đi vào trạng thái samadhi bởi vì tâm trí và các giác quan của bạn lúc đó rất ổn định. Tính ổn định là một phẩm chất. Tính ổn định là sức mạnh. Nó là vô dục.
Bạn có thể thử nghiệm. Hãy giữ cơ thể và đôi mắt ổn định trong chốc lát, bạn sẽ thấy tâm trí cũng sẽ trở nên ổn định hầu như ngay lập tức. Nếu bạn đứng yên, tâm trí cũng sẽ yên và hơi thở trở nên đều đặn. Đây là lúc thời gian dừng lại, cái chết dừng lại và sự bất tử bắt đầu. Bạn thức tỉnh trước khi thời gian và quả đất nuốt chửng bạn. Sau đó thì bạn nuốt chửng thời gian. Đó là samadhi. Samadhi là trạng thái mà bạn cảm thấy bạn có thể ở như thế trong một triệu năm. Đó là trạng thái mà tâm trí bạn đóng băng. Nó cũng giống như cho đồ vào tủ lạnh để giữ độ tươi mới. Samadhi là cái tủ lạnh cho cuộc sống của bạn. Đó là bí mật của sự trẻ trung, bí mật của sự nhiệt tình sôi nổi, bí mật của cuộc sống đổi mới. Nó là sự ổn định tâm trí. Nhưng chúng ta thường hiểu sai về samadhi. Chúng ta cho rằngsamadhi có nghĩa là chui xuống đất và không hít thở. Những người ở trong trạng thái samadhi thì nhịn ăn và gầy trơ xương. Rồi họ bôi tro lên khắp người. Chúng ta đã có những ý niệm sai về samadhi.
Khi bạn ở trong trạng thái samadhi, mọi trải nghiệm của giác quan đều trở nên rất tươi sáng, đầy màu sắc và hoàn chỉnh. Khi vui, bạn cảm thấy cởi mở hơn. Bạn cảm giác lâng lâng. Có cái gì đó đang lan tỏa ra trong bạn. Bạn không nhận thức được cơ thể mình, nhưng bạn cảm nhận có một sự căng phồng đang diễn ra. Và điều gì xảy ra khi bạn cảm thấy buồn? Bạn cảm thấy căng thẳng và ủ rũ. Dường như có sự co thắt trong bạn. Khi bạn cảm thấy căng phồng và nhận thức của bạn đang mở rộng, bạn thường cảm thấy buồn ngủ. Và khi bạn muốn có một nhận thức sắc bén, bạn dường như thấy căng thẳng hơn và không thoải mái. Muốn xâu kim thì phải tỉnh táo. Một người buồn ngủ hay say rượu không thể làm được điều đó. Họ không thể nào xâu nổi một chuỗi ngọc rất nhỏ. Cần có một nhận thức nhạy bén để làm những việc đòi hỏi tính tỉ mỉ cao. Có nhiều người rất tài năng. Họ có thể chạm khắc trên một hạt gạo. Đầu óc của họ rất nhạy bén, nhanh nhẹn. Cùng lúc đó, khi nhận thức mở rộng ra, sẽ không có sự mong cầu mãnh liệt về nó nữa. Khi có sự mong cầu của ý thức, thì không có sự thư giãn, không có sự khai mở tâm trí. Sự kết hợp của những điều này là sabeeja samadhi – là khi bạn hoàn toàn thư giãn, vui vẻ và cởi mở, đồng thời, bạn có nhận thức, hiểu biết và lập luận sắc bén. Các giác quan của bạn trở nên trong sáng đến nỗi nó có thể cảm nhận tốt hơn, nhìn thấy tốt hơn, nghe tốt hơn và nghĩ tốt hơn. 95% dân số trên thế giới không nghe được đầy đủ. Nếu bạn nói với một người một điều gì đó và bảo họ lặp lại, bạn có thể tin chắc là họ sẽ không thể lặp lại một cách đầy đủ. Hoặc là nếu bạn nói chuyện với họ trong 15 phút và bảo họ lặp lại những điều bạn đã nói, họ sẽ khó có thể lặp lại được hơn một phút. Họ không để ý những gì bạn nói trong thời gian còn lại. Họ đã không lắng nghe đầy đủ.
Tương tự với thị giác. Người ta không thể nhìn thấy bản chất của sự vật. Chúng ta không hiểu rõ cảm xúc của người khác bởi vì chúng ta không nghe hoặc thấy một cách đầy đủ.
Samadhi cũng là việc cảm nhận được cảm xúc của người khác. Khi bạn trở nên dễ cảm thông, thế giới và thiên nhiên cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Thiên nhiên sẽ lắng nghe bạn. Chuyện này có thể diễn ra thế nào? Nó cần điều kiện gì?
Patanjali nói: ksheena vritti. Khi tất cả năm hoạt động tâm trí – vritti mà chúng ta đã nói ở chương hai – được lắng dịu.
Ksheena vrittih abhijaatasya evamaneh graheetu grahana graahyeshu tatstha tadanjanataa samapattih.
Khi ý thức cùng các đối tượng mà tâm trí nắm bắt và các giác quan giúp nó bám lấy các đối tượng đó đạt được sự hài hòa, thì samadhi diễn ra. Người quan sát, tâm trí, bản thể hòa hợp với nhau. Các giác quan có sự kết hợp hài hòa với nhau.
Đôi mắt là công cụ mà qua đó bạn có thể nắm bắt được bối cảnh chung quanh. Đôi tai là công cụ mà qua đó bạn có thể nghe được âm thanh. Đôi tai kết nối với âm thanh và nguồn phát ra âm thanh đó. Tất cả đều trở nên rõ ràng, tinh tế, trong suốt như pha lê. Khi nào điều này có thể xảy ra? Khi tâm trí không đi trên con đường đầy tiếc nuối, giận dữ, mong chờ, ngủ nghê, và năm vritti – tư duy bằng chứng, hiểu biết sai lầm, ảo tưởng, ngủ và ký ức. Khi bạn nhìn ngọn núi, bạn không nhìn bản chất thuần túy của nó mà thêm thắt vào cái gì đó. Bạn không nhìn sự vật đúng như thực chất của chúng mà bạn nhìn chúng thông qua ký ức của mình, thông qua sự so sánh. Đó không phải là samadhi.
Có một câu chuyện cổ ở Ấn Độ. Một vị vua nghe về một vườn hoa hướng dương ở sa mạc xứ Rajasthan. Mọi người nói rằng nó rất đẹp và ngài nên đến xem. Thế là ngài quyết định đi đến đó. Ở đó, ngài thấy chỉ có một bông hoa. Người làm vườn đã di dời những bông hoa khác. Vị vua rất đỗi ngạc nhiên. Sau đó, người làm vườn kia dâng đóa hoa đó cho nhà vua ngắm. Ông nói nếu có nhiều hoa thì nhà vua sẽ bắt đầu so sánh. Đầu óc tính toán của ngài sẽ bắt đầu tò mò muốn biết bông nào lớn nhất, bông nào đã nở và bông nào chưa... Nên người đó đã di chuyển hết tất cả những hoa khác để nhà vua thấy dễ dàng hơn. Bây giờ thì nhà vua không có sự lựa chọn nào khác hơn là chỉ có thể nhìn vào một bông hoa duy nhất.
Graheeta grahana graahyeshu. Graheeta – Chủ thể thụ nhận – tâm trí, linh hồn; đối tượng thụ nhận – cảnh vật, âm thanh, hương vị, ký ức, và phương tiện thụ nhận – các giác quan và đối tượng của chúng. Tất cả ba cái đó đều hòa hợp –sampattihi.
Tatasha tadanjanataa – Tức là dù bạn tham gia các hoạt động của các giác quan, nhưng bạn không bồn chồn, vội vã.
Bạn đang ăn và nếm từng miếng thức ăn và nó di chuyển nhẹ nhàng xuống cổ họng. Khi bạn không ổn, bạn chỉ nhồi nhét thức ăn vào trong cơ thể. Nó sẽ giống như một mớ hỗn độn trong đó. Bạn càng lo lắng, hồi hộp hay bồn chồn, thì bạn càng ngốn thức ăn vào nhanh hơn. Bạn nên ăn một cách cẩn thận, từ tốn. 60% thức ăn được tiêu hóa bằng nước bọt trong miệng bạn.
Tatra shabda artha jnaana vikalpaha sankeerna savitarka samapattihi.
Bạn nên có sự ổn định dù ở trong bất cứ hoạt động cảm giác nào.
Và Patanjali tiếp tục giải thích về sự điều chỉnh rất tinh tế của các giác quan. Có thể bạn đang trải nghiệm một điều gì đó, như đang ăn một trái táo hoặc đang ngắm một bông hoa, tâm trí bạn bỗng nảy ra một số kiến thức về điều đó. Đây là một cuộc tranh luận tinh tế hay là một nhận thức về kiến thức ở quá khứ hay tương lai. Patanjali gọi đó là savitarka. Trong trạng thái này, có một chút tranh luận và vài suy nghĩ đến và đi. Nhưng những suy nghĩ này không làm xáo trộn sự hài hòa đã có. Có những suy nghĩ không làm mất đi sự hài hòa trong bạn và có những suy nghĩ làm bạn mất cân bằng. Cũng có những suy nghĩ giúp bạn đạt đến trạng thái bình ổn trong nhận thức. Patanjali nói rằng đó là savitarka samadhi – Là trạng thái samadhi khi có một số suy nghĩ và tranh luận.
Smriti parishuddhau swaroopa shoonyaiva artha maatra nirbhaasa nirvitarkaa.
Và có một loại samadhi khác nữa, là khi bạn không nhận thức bất cứ điều gì. Bạn chỉ biết là bạn đang tồn tại. Chỉ thế thôi. Dạng thiền này được thực hiện với đôi mắt nhắm. Khi bạn nhắm mắt, bạn chỉ biết rằng mình đang hiện hữu nhưng bạn không biết bạn đang ở đâu, bạn là gì hay bạn là ai – như thể là bạn không ở đó. Đó chính là aabhas, là cảm giác bạn không là gì cả chứ không phải là cảm giác “Tôi là”.
Patanjali gọi dạng này là nirvichara samadhi, nirvitarka samadhi. Các dạng khác của samadhi là những khía cạnh rất tinh tế của dạng này.
Nirvichaara vaishaaradye adhyaatma prasaadah.
Mỗi ngày có thêm nhiều trải nghiệm của trạng thái không suy nghĩ sẽ mang đếnadhyaatma prasaadha – ân huệ của Đấng thiêng liêng trong cuộc sống. Vẻ đẹp của tâm hồn được thể hiện trong bạn. Có sự thức tỉnh và phát triển tâm linh. Bạn càng trở nên “trống và rỗng”.
Nirvichaara vaishaaraadye – làm chủ được trạng thái trống và rỗng. Nirvichaara, nghĩa là trống và rỗng.
Adhyaatma prasaadaha – Tình yêu thương của bản thể, sâu tận bên trong đã xuất hiện và nở hoa.
Ritambharaa tatra pragyaa.
Nhận thức này đi kèm với một kiến thức đặc biệt. Ritambharaa – kiến thức trực giác – kiến thức hoàn mỹ, vững vàng, nhân ái và vượt thời gian. Ritambharaa – hoàn toàn có thật. Ritambharaa tatra prajnaa – trạng thái thực của tâm thức.
Và nó rất khác với:
Shruta anumana pragyaabhyaam anya vishayaa vishesha arthatvaat.
Kiến thức đến từ chiều sâu của bản thể khác với kiến thức mà bạn nhận được hay nghe được hoặc là phán đoán thông qua trí tuệ. Nó rất khác và rất đặc biệt.
Tajah samsakaaroh anya sanskaara pratibhandhi.
Ấn tượng của trạng thái tâm thức đó có thể xóa sạch tất cả những tâm ấn không hữu ích và không cần thiết cho cuộc sống.
Điều này xảy ra với mọi thứ ở một mức độ nào đó – có thể là 5, 10, 15, 20, 50 hay 80%. Có một điều gì đó được xóa đi ngay lần đầu tiên bạn thiền. Bạn cảm thấy mình là một con người mới khi bạn thiền sâu hơn và trở nên “trống rỗng” hơn. Bạn cảm thấy bạn là một con người khác. Nhiều người đã có trải nghiệm như vậy. Các samskara và các ấn tượng khác trong tâm trí bạn đã bị xóa đi. Bạn trở nên tươi mới, hết lần này đến lần khác. Nhiều khi nghĩ về những việc xảy ra trong quá khứ, bạn cảm thấy rằng mình không phải là cái người của thời điểm đó. Thậm chí bạn cảm thấy đó không phải là mình, như thể bạn không liên quan gì đến những sự việc đó cả. Đó là vì cái samskara này trong tâm thức bạn đang liên tục xóa đi những sự kiện trong quá khứ của bạn và đang làm mới con người bạn mỗi ngày. Đây là kiến thức thuần khiết. Nếu có ai đó nhắc bạn về những điều bạn đã làm trong quá khứ, bạn nên cười với họ. Bởi vì bạn bây giờ và ngày xưa không giống nhau nữa. Bạn nên xem như là một người nào khác đã làm điều đó.
Một lần Đức Phật đang giảng đạo thì có một người đến gặp Ngài. Ông ta rất tức giận. Ông ta nghĩ rằng Đức Phật đang làm một điều không đúng. Ông ấy đã làm cho mọi người bực mình. Khi bắt đầu ngồi thiền, mọi người ở đó trở nên tĩnh lặng hơn. Người đàn ông đó là một doanh nhân làm việc không ngừng nghỉ. Ông ta đã thấy các con ông đi theo và ngồi thiền với Đức Phật hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ông nghĩ rằng nếu các con ông làm kinh doanh thì chúng sẽ kiếm được nhiều tiền và sẽ trở nên giàu có hơn. Chỉ ngồi nhắm mắt với ai đó trong hai tiếng thì chúng sẽ nhận được gì? Vì vậy ông rất giận và muốn dạy cho Đức Phật một bài học.
Ông ta đi về phía Đức Phật. Ngay khi ông đến gần Ngài thì bỗng dưng tất cả những suy nghĩ của ông đều biến mất. Nhưng ông vẫn còn giận run và không thể nói nên lời. Thế là ông ta nhổ nước bọt vào mặt Đức Phật. Đức Phật chỉ mỉm cười. Tuy nhiên, tất cả các đệ tử ở đó đều rất tức giận nhưng họ không phản ứng vì có Đức Phật ở đó. Họ đã hết sức kiềm chế bản thân.
Người đàn ông không thể ở lâu hơn nữa vì ông biết rằng nếu ông ở thêm chút nữa thì cơn giận của ông sẽ bùng nổ. Ông bỏ đi và cả đêm hôm đó ông không thể ngủ được. Lần đầu tiên trong đời ông gặp một người chỉ mỉm cười khi bị ông nhổ nước bọt vào mặt. Ông bắt đầu thấy run lên. Thế giới của ông trở nên đảo lộn.
Ngày hôm sau, ông đến quỳ dưới chân Đức Phật. Ông cầu xin Đức Phật tha thứ và nói rằng lúc đó ông đã rất thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, Đức Phật nói rằng Ngài không thể tha thứ cho ông được. Các đệ tử hết sức kinh ngạc vì Đức Phật là người rất từ bi và luôn tha thứ cho mọi người. Tại sao Ngài lại không tha thứ cho người này? Đức Phật giải thích rằng người đàn ông này đã không làm gì để cầu xin sự tha thứ. Người đàn ông tiếp tục giải thích rằng ông chính là người đã nhổ nước bọt vào mặt Ngài ngày hôm trước. Đức Phật nói rằng người đó không còn ở đây nữa và nếu Ngài có gặp lại ông ấy thì Ngài sẽ tha thứ.
Đó là lòng từ bi.
Từ bi là không nhìn người khác như kẻ phạm tội và rồi tha thứ cho họ. Tha thứ là không để cho người ta biết là họ được tha thứ. Thậm chí không nên để họ mang mặc cảm tội lỗi. Đó mới đúng nghĩa là tha thứ. Nếu bạn làm cho ai đó cảm thấy tội lỗi, thì có nghĩa là bạn đã không tha thứ cho họ. Bản thân tội lỗi đó là một sự trừng phạt. Điều đó cũng đủ giết dần kẻ làm sai. Tuệ giác đưa bạn ra khỏi cảm giác tội lỗi và đặt bạn vào một vị trí mà bạn hoàn toàn không nhìn thấy thế giới – cái thế giới của tâm trí nhỏ bé cùng với những mẩu chuyện linh tinh của nó.
Tasyapi nirodhe sarva nirodhaannirbeejah samadhih saadhnpaadah.
Đây là một dạng khác của samadhi. Ở trạng thái samadhi này, thậm chí bạn còn không cảm thấy sự tồn tại của một số ấn tượng. Có nhiều trạng thái ý thức khác nhau và nhiều loại samadhi đã được mô tả. Không thể nói hết được. Con đường thì rất dài. Mỗi chặng đường tự nó sẽ được hoàn thiện. Mục tiêu của bạn không nằm ở đích đến, mà nó hiện diện trong từng khoảnh khắc hiện tại. Mục tiêu luôn ở nơi mà bạn đang hiện hữu. Bạn không nên vội vã và muốn đạt đến samadhi ngay lập tức. Bạn cần có lòng nhiệt tình cùng với sự kiên nhẫn. Những người nhiệt tình thường không kiên nhẫn. Những người kiên nhẫn thì thường chậm chạp. Người ta chỉ có một trong hai điểm mạnh – cái này hoặc cái kia. Bạn có thể ngủ nhưng bạn không thể ngủ vội vã. Ngủ vội là không thể. Bạn không thể nghĩ là vì vội vã bạn nên ngủ nhanh một chút rồi đứng dậy đi. Cũng giống như vậy, bạn không thể nhớ ra cái việc mà bạn đã làm vội làm vàng. Sự vội vàng sẽ ngăn trở việc ghi nhớ của bạn. Càng vội vàng, càng lâu nhớ. Thiền cũng vậy. Nếu không có thời gian, bạn không thể vội vã hành thiền. Vì vậy, con đường này là con đường trung gian – con đường vàng mà trong đó bạn có đam mê và nhiệt tình nhưng đồng thời bạn cũng rất kiên nhẫn. Bạn kiên nhẫn nhưng đồng thời bạn không trì hoãn và chậm chạp. Thông thường, khi làm việc tốt, một việc gì đó để phát triển bản thân, người ta sẽ cảm thấy rằng nếu chuyện đó hợp với ý trời, ý Thượng Đế thì họ sẽ thực hiện việc đó. Họ phó thác cho Thượng Đế khi cần đến thực hành và phát triển. Nhưng khi họ phải làm một điều gì đó, chẳng hạn như xây một ngôi nhà hay tạo một mối quan hệ thì họ không để cho Thượng Đế quyết định. Họ nỗ lực 100%. Do đó, kiên nhẫn và chủ động là quy tắc vàng trong cuộc sống.