Chúng ta đã biết đến chín trở ngại trên con đường Yoga. Không có trở ngại thứ mười. Mọi trở ngại có thể đều thuộc vào trong chín loại này.
Patanjali là một nhà khoa học. Chỉ trong vài từ, ông đã nói hết những gì cần nói. Cùng với chín trở ngại này, ông cũng đề cập đến năm dấu hiệu cho thấy một tâm trí bị xáo động, lo âu, phiền não. Đó là dukha – sự phiền não, dourmanasya – sự cay đắng, oán giận, angamejayatva – sự bồn chồn không yên hay thiếu sự phối hợp trong cơ thể, bhrantidarshan – sự ảo tưởng và shwaasa prashwaasa – hơi thở không đều, sự mất cân bằng giữa hơi thở vào và hơi thở ra.
Khi bạn vui vẻ hay phấn khích, hơi thở vào sẽ dài hơn và bạn nhận thức rõ hơn về nó. Bạn dễ nhận biết nó hơn. Nếu quan sát hơi thở vào và hơi thở ra, bạn sẽ nhận thấy là có sự mất cân bằng giữa hai hơi thở. Khi không vui bạn hay thở dài, một hơi thở nặng nề và buồn bã. Khi vui, bạn chỉ nhận biết hơi thở vào của mình. Thậm chí bạn không biết là mình đang thở ra.
Trên đây là năm dấu hiệu, hay là năm phản ứng phụ, đi kèm theo chín chướng ngại mà chúng ta đã được biết đến. Vậy thì làm thế nào để thoát khỏi chín trở ngại đó?
Câu kinh tiếp theo là: eka tattva abhyasaha, tatpratishedhaartham eka tattva abhyasaha. Để thoát khỏi những trở ngại đó, chỉ cần làm một điều, một thứ gì đó liên tục! Khi cứ liên tục làm một việc, bạn bắt đầu cảm thấy chán và sốt ruột, bồn chồn không yên. Nhưng khi sự nôn nóng và nhàm chán đó lên đến đỉnh điểm, bạn sẽ thấy tâm trí mình sáng suốt hơn. Đây là lối thoát duy nhất. Tâm trí gặp rắc rối bởi vì nó vướng vào tính nhị nguyên. Càng có nhiều lựa chọn, tâm trí càng bị rối. Tâm trí luôn luôn tự hỏi nên làm điều này hay điều kia. Rồi nó bay nhảy khắp nơi và thế là càng bị phân chia. Một tâm trí bị phân chia gây ra nhiều phiền não. Và tâm trí chuyên chú mang lại niềm vui. Hạnh phúc là khi tâm trí trở về một mối; tâm trí trở nên rất bình an. Bạn được trải nghiệm niềm vui, hạnh phúc và bình an. Khi đó, bạn trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống.
Tính nhị nguyên, hay tâm trí bị phân chia, là nguyên nhân của sợ hãi và khổ đau. Do đó, nếu bạn cứ tiếp tục làm hai thứ hay nhiều thứ cùng lúc thì đó không phải làeka tattvaa bhyaasa. Đó không phải tu tập. Vậy thì eka tattva là gì? Đó là chỉ theo một nguyên tắc đạo đức duy nhất. Nguyên tắc này có thể là Thượng Đế, có thể là một vấn đề, có thể là một đạo sư hay có thể là bản thể của mình. Nó có thể là bất cứ điều gì nhưng bạn cần thực hành chỉ một trong những điều đó – eka tattva abhyasa. Rồi bạn sẽ vượt qua được tất cả những trở ngại khác. Tất cả chín trở ngại trên sẽ cùng được tháo gỡ. Chỉ khi bình tĩnh và tinh tế ở một mức độ nhất định, bạn mới có thể tuân theo một nguyên tắc. Nếu không, điều đó khó có thể xảy ra.
Trong tâm trí chuyên chú có một mức độ bình tĩnh nhất định. Bạn thấy được nguyên tắc độc nhất đó trong mọi người. Bạn cảm thấy mình có mặt khắp mọi nơi; bạn cũng thấy người Thầy của mình có mặt khắp mọi nơi. Không có ai ngoài người Thầy của mình. Người là tất cả đối với bạn hay Thượng Đế là tất cả đối với bạn. Thực ra, tất cả là chính bạn. Không có gì khác ngoài bạn. Nắm giữ một nguyên tắc và thấy nguyên tắc đó trong mọi thứ – đó chính là một kỹ năng sống. Cuộc đời chúng ta phải đối diện với vô số thứ khác nhau. Trên cõi đời này, bạn phải sống với nhiều người và mọi người thì không giống nhau. Nhưng làm thế nào bạn có thể thấy được một thứ chung trong mọi người? Có vẻ như là không có gì là chung cả. Không có hai người giống nhau hoàn toàn. Nhưng chúng ta cần phải thấy có một thứ chung trong mọi người. Hãy nhìn và tập trung vào một nguyên tắc duy nhất đó. Sao có thể nhận ra nguyên tắc ấy?
Câu kinh tiếp theo nói rằng:
Maitri karunaa mudito upekshanaam sukha dukha punya apunya vishayaanaam bhaavanaatah chitta prasaadanam.
Patanjali nói rằng trên thế giới này chỉ có bốn loại người – người hạnh phúc, người không hạnh phúc, người làm việc tốt đáng khen thưởng và người có hành động xấu xa, độc ác. Người hạnh phúc, người không hạnh phúc, người tốt và người xấu – bốn nhóm người đó. Chúng ta sẽ đối xử với họ như thế nào.
Patanjali nói cần phải có maitri – thái độ thân thiện với những người hạnh phúc. Nếu không có thái độ thân thiện bạn sẽ trở nên ganh tị. Bạn ganh tị với những người hạnh phúc hơn bạn. Nhưng nếu bạn cảm thấy họ thuộc về bạn và bạn thuộc về họ thì bạn sẽ không cảm thấy khó chịu khi thấy họ hạnh phúc. Bạn không bao giờ ganh tị về hạnh phúc của người gần gũi thân yêu với bạn. Sự ganh tị phát sinh khi người hạnh phúc đó không hoàn toàn kết nối với bạn. Do đó Patanjali nói rằng bạn nên thân thiện với họ.
Bạn có thể thấy bản thể mọi người có thể giống nhau nhưng cảm xúc, tình cảm mỗi người một khác. Nhất là đối với người mới bắt đầu hành trình tâm linh. Bạn không cảm thấy là một với mọi người, mặc dù về lý trí bạn có thể biết mình cũng tồn tại trong người khác; nhưng những cảm xúc thì vẫn có những ưu tiên của chúng bởi vì chúng không được hình thành và bồi dưỡng hoàn toàn trong bản thể. Vậy thì ưu tiên của bạn là gì? Hãy thân thiện với những người hạnh phúc. Nếu bạn đồng nhất với người không hạnh phúc, bạn cũng trở nên không hạnh phúc. Nên Patanjali nói rằng chúng ta không nên đồng hành cùng với người không hạnh phúc mà chúng ta chỉ nên bày tỏ sự cảm thông và quan tâm giúp đỡ họ.
Bhava thứ hai mà Patanjali đưa ra là karuna. Sự cảm thông và từ bi đối với những người chịu khổ đau. Nhưng đừng đồng nhất với họ bởi vì sự đồng nhất này sẽ làm tinh thần bạn đi xuống và cũng sẽ làm cho bạn không hạnh phúc. Nếu bạn không hạnh phúc và họ cũng không hạnh phúc thì bạn sẽ không thể nào giúp họ được. Có thể bạn nghĩ là bạn nên chia sẻ sự bất hạnh với họ. Nhưng rồi sau đó bạn sẽ không thể nào có hạnh phúc để gánh vác gì hơn. Đó là lý do bạn không nên đồng nhất với những người không hạnh phúc, nhưng bạn nên lấy sự cảm thông, lòng từ bi đối xử với họ. Hãy thương họ. Karuna là lòng từ bi. Chúng ta không biết cách đối xử với những người đang chịu khổ đau. Chúng ta làm cho họ càng tin rằng Thượng Đế thật bất công với họ, và rằng Tạo hóa thật tàn nhẫn với họ. Chúng ta đồng tình với cái mà họ cho là đau khổ. Điều này có nghĩa là chúng ta đã vô tình đẩy họ xuống vũng lầy, không lối thoát. Chúng ta thật tâm muốn kéo họ ra. Nhưng thay vào đó, ta lại làm điều ngược lại. Chúng ta cũng không nên thương hại những người đang chịu khổ đau. Rất khác nhau giữa sự thương hại và lòng từ bi, nhân ái. Khi thương hại, chúng ta không động viên họ vượt qua nỗi khổ mà càng làm cho họ thấy đau khổ hơn. Phần lớn mọi người đều làm như vậy. Lòng thương hại làm cho người đang đau khổ càng tin tưởng hơn rằng cuộc đời của họ thật bất công. Khi có ai đó nghĩ rằng cuộc đời này thật bất công, vì thế mà họ phải đau khổ và họ đang tự thương hại mình thì bạn sẽ chẳng giúp ích gì cho họ nếu bạn chỉ thương hại họ. Họ sẽ càng tin chắc rằng mình đang chịu đựng khổ đau. Đừng tìm cách giúp họ thức tỉnh trước sự thật. Chúng ta chỉ nên hiểu và cảm thông với những người đang đau khổ chứ không nên tỏ thái độ đồng tình, che chở cho họ.
Và chúng ta nên vui vẻ, gần gũi với những người đang làm việc tốt, những người đáng ngưỡng mộ, những người có phẩm chất tốt và những người hiền lành, may mắn. Chúng ta nên hòa đồng với họ; cảm thấy rằng mình đang làm điều tốt với họ. Lúc đó, cảm giác cạnh tranh sẽ lắng xuống và sự ganh tị sẽ biến mất. Bạn không còn khuynh hướng tìm ra lỗi của người làm việc tốt nữa. Người ta thường hay bới bèo ra bọ, soi mói những ai làm điều tốt, những ai may mắn và những ai đáng ngưỡng mộ. Ít ra họ đã làm được những điều họ cần làm. Thông thường những người hay phàn nàn là những người không làm được gì nhiều. Chỉ trích, phê phán thường đến từ những người không làm gì. Họ chỉ chê bai người khác. Chúng ta không nên bới lông tìm vết những người đang làm việc tốt. Chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc về những điều họ làm. Bạn hạnh phúc trước việc tốt của người khác khi bạn và người đó trở thành một. Nếu bàn tay phải làm điều tốt thì bàn tay trái sẽ tán thưởng. Nó sẽ không ngăn bàn tay phải làm điều đó mà cảm thấy rằng nó là một phần của bàn tay kia. Bàn tay này có thể giữ cái bàn và tờ giấy để bàn tay kia có thể cầm bút và viết thật tốt. Do đó chúng ta nên cảm thấy những người đang làm việc tốt là một phần của mình và chúng ta cũng đang làm điều tốt cùng với họ. Chúng ta nên cảm thấy vui và hạnh phúc về điều này.Mudita nghĩa là hạnh phúc khi người khác làm việc tốt. Hãy chia sẻ hạnh phúc và cảm nhận hạnh phúc.
Đừng để ý đến những người đang làm điều xấu. Upeksha – Đừng để tâm đến họ. Nếu có ai đó nói điều gì đó không đúng sự thật, cứ phớt lờ đi. Điều đó không đáng để nghĩ đến. Nhưng thường chúng ta hay làm ngược lại. Chúng ta không nghĩ đến những người làm việc tốt, đáng nể phục mà cứ nghĩ về những người làm điều sai trái, chúng ta không chịu gạt bỏ họ ra khỏi tâm trí mình. Báo chí hay đưa tin về tội phạm giết người hay một số tội ác tày trời khác. Câu chuyện và bức ảnh của các tội phạm sẽ xuất hiện trên trang đầu của các tờ báo.
May mắn là gần đây cũng có một số bài viết về những điều tốt đẹp và tích cực trong đời sống. Nhưng những bài này tương đối ít. Do đó, khi bạn nhìn thấy những người làm điều sai trái, bạn nên giáo dục họ rồi quên họ đi. Bạn giáo dục với tấm lòng nhân ái rồi cho qua đi, đừng bận tâm đến họ nữa. Nếu không, bạn sẽ nghĩ về hành động của họ và sẽ bị phiền nhiễu. Có thể bạn nghĩ một người nào đó không hoàn hảo. Nếu bạn cứ tiếp tục nghĩ về điều đó bạn sẽ trở nên không hoàn hảo. Rồi bạn sẽ là một người giống y như họ, thậm chí còn tệ hơn. Còn một điều nữa, bạn đang nghĩ một người nào đó sai còn bạn thì đúng. Nếu bạn nhìn lại chính mình một cách chân thật, bạn sẽ nhận ra rằng có thể mình đang phạm nhiều tội hơn. Nếu bạn chỉ một ngón tay buộc tội ai đó, thì có ba ngón tay luôn chỉ về phía bạn. Bạn phải chịu trách nhiệm gấp ba lần. Nhưng, nếu bạn ngừng phân biệt giữa mình và người khác thì bạn có thể hướng về nội tâm của mình.
Maitri karunaa mudio upekshaanaam sukha dukha punya vishayaanaam bhaavanaatah chitta prasaadanaam.
Patanjali biết tâm trí con người rất rõ. Và ông biết tất cả mọi ngóc ngách trong suy nghĩ của con người. Ông biết rằng không thể có chuyện lúc nào con người ta cũng có một cảm xúc duy nhất. Cảm xúc có thể được phát triển và luôn thay đổi. Do đó, ông nói rằng chúng ta nên có cảm giác thân thiện, lòng nhân ái, độ lượng, niềm vui, hạnh phúc v.v. và bỏ qua những điều tội lỗi. Nếu làm được điều này, tâm trí của chúng ta sẽ rất nhẹ nhàng, thoải mái. Chitta prasaadanaam – Tâm trí sẽ trở nên khoan dung độ lượng. Một tâm trí biết ơn và nhân hậu sẽ dễ đạt được sự chuyên chú hơn. Chúng ta nên thực tập chuyên chú vào một việc hay một lĩnh vực nào đó.
Sau đó, Patanjali nói rằng nếu tất cả điều này đều khó làm thì ông sẽ ban thêm một câu kinh nữa:
Prachchhardana vidhaaranaabhyaam vaa praanasya.
Prachchhardana vidaaranaabhyaam – Phá vỡ nhịp thở bình thường, giữ hơi và chuyển sang những nhịp thở khác nhau.
Patanjali không nói trực tiếp đến sudarshan kriya. Nhưng ông có hàm ý trong câu này. Bạn có thể nhận thấy trong câu kinh này có bài thực hành sudarshan kriya bởi vì thực chất chúng ta đang làm cùng một việc. Chúng ta không chỉ thở tùy ý theo cách của mình mà còn thở theo một nhịp điệu nhất định một cách có ý thức. Đó là prachchhardana – sự phân chia. Chúng ta chia hơi thở ra và giữ chúng theo các nhịp điệu khác nhau. Chúng ta biến điệu prana và hơi thở. Đây cũng là cách giúp cho tâm trí chúng ta tập trung.
Bây giờ sẽ là một câu kinh khác nữa:
Vishayavati vaa pravrittih utpannaa manasah shiti nibandhani.
Giả sử việc thực tập đó không có hiệu quả và bạn cảm thấy chưa thỏa mãn thìvishayavati sẽ giúp bạn. Câu kinh này có nghĩa là tâm trí có thể tĩnh lặng thông qua bất kỳ một đối tượng giác quan nào. Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhìn sâu vào mắt nhau? Bạn nhìn sâu vào mắt của ai đó bằng tất cả trái tim mình trong vài phút. Vào lúc đó tâm trí bạn sẽ không chạy loanh quanh nữa. Bạn ngồi nhắm mắt lại. Tâm trí bạn hoàn toàn ổn định. Bạn có thể ngồi thiền sau khi hát bhajan (thánh ca). Tâm trí bạn dần dần dừng suy nghĩ lan man.
Vishokaa vaa jyotishmati.
Nếu bạn đang ở cùng một người nào mà họ buồn và không hạnh phúc, thậm chí chỉ trong chốc lát, thì bạn cũng cảm thấy buồn chán. Và khi bạn ở cùng với người vui vẻ, lòng họ tràn ngập niềm vui và nhiệt tình, thì bạn cũng bắt đầu cảm thấy vui lây. Bạn đã tập cho tâm trí mình vui hoặc không vui. Nếu bạn có thói quen không vui, thì nó sẽ trở thành bản chất thứ hai của bạn. Bạn luôn có bộ mặt nặng nề và cảm thấy điều đó là tự nhiên. Bạn có thể thấy được tình trạng này trong nhà của những người cao tuổi. Những người già có thói quen phàn nàn. Họ luôn càm ràm ngay cả khi không có gì đáng để phàn nàn. Họ luôn giữ bộ mặt u ám và buồn bã. Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao những người có tuổi không thấy vui. Họ đã làm tất cả mọi việc họ cần làm và muốn làm và đạt được tất cả mọi thứ họ muốn. Nhưng họ tiếp tục buồn bã và chán nản. Rất nhiều người không vui vẻ bởi vì họ không thể làm việc được nữa. Đó là quy luật tự nhiên của cơ thể. Một người 80 tuổi mà thấy buồn lòng vì mình không còn chạy nhanh như hồi 30 tuổi nữa thì người đó thật ngốc nghếch và thiếu hiểu biết. Ngày nọ, có một ông cụ tới gặp tôi. Tôi hỏi thăm cụ và hỏi cụ có hạnh phúc không. Cụ trả lời rằng khi cụ còn trẻ, cụ từng có thể chạy rất nhiều km trong một ngày và làm được rất nhiều việc. Cụ đã từng làm việc 16 giờ một ngày. Nhưng hiện tại cụ không vui bởi vì cụ không thể làm việc nhiều. Cụ thấy mệt mỏi sau khi làm việc chỉ trong bốn giờ. Cụ bắt đầu mệt mỏi sau khi đi bộ chỉ 1km. Sau đó, cụ hỏi tôi rằng làm thế nào cụ có thể lấy lại được sức mạnh để đi bộ 4km một ngày. Tôi đã hỏi cụ là tại sao cụ lại cần đi bộ 4km một ngày!
Rõ ràng ông cụ không vui vì cơ thể không nghe theo ý muốn của ông. Tâm trí nghĩ rằng ông nên làm việc bởi vì trước đây ông từng làm như vậy. Nó thắc mắc rằng tại sao người này lại không thể làm việc được, rằng ông ấy đang già đi. Ý nghĩ là đang già đi làm cho người ta không vui. Không ai có thể giúp họ thoát khỏi tâm trạng đau khổ này bởi vì chính họ tự áp đặt cho mình. Và với sự buồn khổ đó, họ trở nên hốt hoảng, giận dữ và căng thẳng. Họ nhận lấy đầy những tiêu cực khác. Họ đắm chìm trong đó và rồi chết đi trong tình cảnh này.
Patanjali nói rằng: vishokaa. Vishokaa có nghĩa là thoát khỏi khổ đau. Cảm thấy buồn chỉ là thói quen của bạn. Nếu bạn quan sát tâm trí của bạn và nhận ra rằng nỗi buồn chỉ đơn giản là vô căn cứ và tự phát, nó sẽ biến mất và bạn sẽ thoát khỏi nó. Đây chỉ là một quan điểm giống như quan điểm cho rằng người ta không kính trọng bạn. Điều đó không có cơ sở. Bạn có thể cảm thấy rằng bạn không đủ thông minh, rằng không ai quan tâm đến bạn. Tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Rồi, một lần nữa bạn có thể cảm thấy rằng bạn ngốc nghếch. Bạn không như vậy. Ngốc nghếch chỉ là một từ ngữ để so sánh. Bạn có thể được xem là người khôn ngoan vì có ai đó ngốc nghếch hơn bạn. Chắc chắn sẽ có những người ngốc nghếch hơn bạn. Chắc chắn là nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình. Bất cứ khi nào không vui, hãy nhìn xuống, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn là người khôn ngoan. So sánh khiến bạn lo âu và buồn bã. Đừng so sánh bản thân bạn với bất kỳ ai cả. Bạn nên cảm thấy rằng bạn có thể hạnh phúc hơn. Vishokaa – làm cho tâm trí bạn thoát khỏi nỗi buồn đến từ chính quan điểm của bạn.
Jyothishmati pragya, Jyothishmati pragya.
Hãy xem tâm trí bạn như một ánh sáng, như một ngọn lửa. Ý thức của bạn là một ngọn lửa. Tâm trí của bạn là một ngọn lửa. Bạn có thể quên mất điều này. Toàn bộ cơ thể bạn hoạt động bởi vì có sự hiện diện của tâm trí giống như một ngọn lửa trong bạn. Nếu không thì bạn sẽ giống như một ngọn nến chưa được thắp lên. Ngọn lửa là gì? Ngọn lửa hoạt động như thế nào? Ngọn lửa cháy lên nhờ có khí oxy kết hợp với vật chất.
Sự sống là gì? Sự sống cũng tương tự như vậy. Nó cũng sử dụng khí oxy và một số vật chất. Giống như một ngọn lửa tồn tại nhờ sáp, bấc và khí oxy. Sự sống và tâm trí xem cơ thể và thức ăn trong cơ thể như là sáp nến. Không khí giống như khí oxy và các hoạt động trong cơ thể giống như ngọn lửa biểu lộ các đặc tính của nó. Ý thức thể hiện sự sống. Sự sống và ánh sáng rất giống nhau. Nếu bạn chụp một cái chai lên ngọn nến, nến chỉ cháy được trong một vài giây. Giống như vậy, nếu bạn đóng chặt các cửa phòng, và phòng không có cửa sổ, bạn chỉ có thể sống trong một vài giờ bởi vì bạn không có đủ khí oxy. Rất giống nhau. Nếu bạn làm tương tự với cơ thể mình, bạn sẽ thấy cùng phản ứng. Nếu bạn đổ thêm nhiều sáp vào ngọn nến, nó sẽ cháy lâu hơn. Giống như vậy, nếu bạn cung cấp thức ăn cho cơ thể, nó sẽ sống lâu hơn. Nếu như bấc của nến cháy hết, dù có đổ thêm sáp thì ngọn nến cũng không cháy thêm nữa. Bấc của nến có giới hạn riêng của nó. Giống như vậy, không có lượng thức ăn nào có thể duy trì sự sống cho cơ thể mãi theo năm tháng. Cơ thể hoạt động giống như cái bấc nến. Cơ thể cũng theo quy luật Jyothishmati pragya.
Vishoka vaa jyothismati – thoát khỏi khổ đau và sống hạnh phúc. Đồng thời, hãy biết rằng tâm trí bạn được tạo nên bởi ánh sáng. Nó không phải là vật chất hữu hình. Tâm trí bạn là năng lượng, bạn là năng lượng, Jyothismati.
Câu kinh tiếp theo:
Veetaraaga vishayam vaa chittam.
Hãy để tâm trí bạn gần gũi với suy nghĩ của Đấng giác ngộ. Tâm trí của bạn giống như nước. Nó giống như nước bởi vì nước mang hình dạng của vật chứa nó. Tâm trí của bạn cũng trở thành những suy nghĩ mà bạn gắn vào nó. Bạn đặt cái gì vào nó thì nó phát triển thành cái đó. Cái bạn đặt vào chính là những suy nghĩ của bạn.
Vì vậy, trong câu kinh tiếp theo, Patanjali nói rằng Veetaraaga vishayam vaa chittam. Nếu bạn nghĩ về một người điềm tĩnh, thì tâm trí bạn cũng bắt đầu có những giá trị của người đó. Tâm trí bắt đầu cảm thấy sự bình yên và tĩnh lặng đó. Bởi vì tâm trí cũng giống như không khí. Nó là năng lượng và nó lan tỏa khắp nơi. Không khí không có một địa chỉ. Nó không cố định ở bất kỳ đâu. Veetaraaga Chitta – Tâm trí cũng lan tỏa khắp nơi. Nó đi vào cơ thể của bạn bởi vì nó cũng giống như không gian tỏa khắp vũ trụ.
Veetaraaga vishayam vaa chittam. Nhưng rồi bạn đưa raaga (yêu, gắn bó) và dwesha (ghét) vào đây. Đó là lý do người ta nói không nên xem một người thầy (guru) hay một người đã giác ngộ là một người bình thường với những yêu ghét bình thường. Thay vào đó, hãy xem họ là một dạng tâm thức thuần khiết.Veetaraaga vishayam vaa chittam, là bình yên, là niềm vui. Khi đó, vầng hào quang hiện ra. Nhưng ngay cả khi có bất kỳ ý nghĩ yêu ghét nào lẻn vào tâm trí, cũng đừng nên chống lại, hay phê phán bản thân vì đã có những suy nghĩ đó. Chúng ta chỉ nên thả lỏng và thư giãn. Khi bạn làm điều đó thì ngay lập tức bạn thu hút được năng lượng và đồng nhất với trạng thái đó. Bạn nên tự mình làm điều này, bạn nên tự mình trải nghiệm. Chỉ cần nghĩ về một người rất khó chịu và bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những cảm xúc khó chịu. Nếu bạn nghĩ về ai đó rất ghen tị với bạn, thì bạn sẽ cảm thấy những cảm xúc không thoải mái. Nếu bạn nghĩ về một người nghiện ngập ma túy và rượu bia và một người rất khổ sở, thì bạn sẽ có cảm giác là có những nút thắt bên trong cơ thể và trong các hệ cơ quan. Hãy nghĩ về một người mà bạn rất yêu quý, bạn sẽ thấy những cảm xúc và rung động dễ chịu.
Vì vậy, veetaraaga vishayam vaa chittam – Nếu bạn nghĩ về đấng giác ngộ, ý thức của bạn bắt đầu trở nên giác ngộ và tràn đầy ánh sáng. Đó là lý do tại sao Chúa Jesus đã nói rằng nếu ai đó phải đi gặp cha của Người, người ấy phải đi qua Người, và không có cách nào khác cả.
Bạn phải được giác ngộ thông qua người Thầy – Master, bởi vì Thầy đã được giải thoát. Để được giác ngộ, bạn phải vượt qua tâm trí của bạn, đi qua tâm trí của bạn. Và điều gì có thể hỗ trợ tâm trí của bạn? Chính là cánh cửa với những rung động và cảm giác trên. Và những rung động và cảm giác này biểu hiện trong cơ thể nơi chitta là veetaraaga – đang nở rộ mà không có bất kỳ trở ngại nào.Veetaraaga vishayam vaa chittam.
Sau đó là:
Swapna nidra gyana aalambanam vaa.
Nó có nghĩa là hiểu về giấc ngủ và giấc mơ. Điều này rất thú vị. Bạn ngủ suốt trong đời nhưng chưa bao giờ bạn gặp giấc ngủ của mình. Điều này thật trớ trêu. Giống như một người đã sống cả cuộc đời với hàng triệu đô la nhưng lại không biết tiêu xài như thế nào và sống trong nghèo khổ. Giống như một người đang ngồi tại bàn ăn với bữa tối rất ngon lành nhưng lại không biết đó là một bữa ăn. Anh ta không biết làm thế nào để ăn và anh ta bị đói cho tới chết. Điều tương tự cũng đúng trong cuộc sống của chúng ta. Hàng ngày chúng ta đều ngủ nhưng lại không biết giấc ngủ là gì. Hàng ngày chúng ta đều mơ nhưng lại không biết giấc mơ là gì.
Điều gì xảy ra khi bạn ngủ? Bạn buông bỏ mọi thứ. Nếu bạn níu giữ thậm chí chỉ một thứ thôi, bạn không thể ngủ được. Trong giấc ngủ, mọi danh tính của bạn biến mất. Bạn không là một người đàn ông hay phụ nữ. Không có giấc ngủ của đàn ông hay giấc ngủ của phụ nữ. Không có giấc ngủ của người giàu hay giấc ngủ của người nghèo. Không có giấc ngủ của người thông minh hay giấc ngủ của người ngốc nghếch. Giấc ngủ chỉ là giấc ngủ. Khi ngủ bạn buông bỏ tất cả nhận diện cá nhân cũng như mọi điều bạn thích hay không thích. Bạn không thể mang theo ai đó vào giấc ngủ của bạn. Dù người đó có thân thiết với bạn như thế nào, bạn không thể mang họ vào giấc ngủ của bạn. Khi ngủ, bạn không có bất kỳ danh tính cá nhân, bất kỳ khao khát hay ghét bỏ nào. Bạn buông bỏ tất cả và chỉ nghỉ ngơi. Bạn không làm gì cả.
Điều này cũng giống như thiền – khi bạn không làm gì cả. Khi thiền, bạn không làm gì cho ai cả, thậm chí là cho Thượng Đế hay cho chính bạn. Bạn chỉ buông bỏ mọi thứ giống như khi bạn ngủ. Kiến thức về giấc ngủ dẫn bạn tới trạng thái samadhi.
Người thiếu hiểu biết xem giấc mơ là thực tại còn người được giác ngộ xem thực tại này giống như một giấc mơ. Cố gắng để giải nghĩa giấc mơ thì thật là ngốc nghếch. Giác ngộ là nhận ra rằng thực tại này chính là một giấc mơ. Nếu bạn nói với một người được giác ngộ về những giấc mơ của bạn, anh ta sẽ nói bạn nên quên chúng đi và tỉnh dậy. Tuy nhiên, người “giải mã giấc mơ” sẽ đưa ra cho bạn vài ý nghĩa khác nhau về chúng. Họ sẽ nhồi thêm nhiều ý nghĩ vào đầu bạn, cố để giải thích tất cả những giấc mơ đó. Điều đó là ngu ngốc.
Có năm loại giấc mơ. Loại giấc mơ đầu tiên là sự thỏa mãn tất cả những khát khao và mong muốn chưa được thực hiện của bạn. Bạn muốn ăn kem hay một cái bánh pizza nhưng bạn trì hoãn chúng. Rồi khi ngủ, bạn mơ thấy mình đang ăn một chiếc bánh pizza hay một que kem thật to. Bạn muốn đi dạo với ai đó nhưng bạn không thể thực hiện được. Và rồi bạn mơ rằng bạn đang đi dạo với họ. Những mong muốn tiềm ẩn của bạn xuất hiện trong các giấc mơ. Mong muốn và sợ hãi xuất hiện trong các giấc mơ.
Loại giấc mơ thứ hai là khi bạn mơ về một căng thẳng nào đó trong quá khứ.
Loại thứ ba là giấc mơ trực giác. Nó có thể là về một điều gì đó có thể xảy ra trong tương lai – một linh cảm.
Loại giấc mơ thứ tư là sự kết hợp của tất cả ba loại trên – khát khao, căng thẳng và trực giác.
Và loại giấc mơ thứ năm không có liên quan gì đến bạn hết. Đó là về nơi bạn đang ngủ. Bạn có thể đang ngủ trong một khách sạn ở Ý và bạn mơ về thứ tiếng Ý lạ lẫm, và về những âm thanh không quen thuộc mà bạn đã từng nghe ở đất nước đó.
Vậy thì cả năm loại giấc mơ trên đều có thể đến. Và bạn có thể không phân loại được chúng. Thông thường, giấc mơ sẽ là loại thứ tư. Vì vậy, một người khôn ngoan sẽ gạt chúng qua một bên. Anh ta sẽ xem giấc mơ chỉ là một giấc mơ. Thậm chí thực tại khi bạn tỉnh dậy cũng là một giấc mơ. Bạn có thể ở nơi nào đó trong một ngày và ngày tới ở nơi khác và ngày sau đó ở nơi khác nữa. Sự hiện diện của bạn tại một nơi trong quá khứ sẽ giống như là một giấc mơ. Tương tự như vậy, kế hoạch tuần tới giống như là một giấc mơ ngay lúc này. Tâm trí của bạn như trong giấc mơ hơn là trong tỉnh thức.
Chỉ có hai trạng thái của ý thức. Một trong số đó là giấc ngủ sâu hay là giấc mơ – mơ tưởng hoặc mơ thật. Mơ tưởng giống như xây lâu đài trên không. Việc mơ tưởng cứ tiếp tục trong tâm trí, mọi lúc mọi nơi.
Nhưng ngay khi bạn nhận biết được là bạn đang mơ tưởng, sẽ có một năng lượng tuôn trào trong bạn. Bạn trở nên tỉnh táo. Sự tỉnh táo này đánh thức bạn, đưa bạn về thực tại. Bạn được thức tỉnh. Sự thức tỉnh này là pragya. Đó chính là samadhi. Chỉ giây phút đó bạn mới hoàn toàn đang sống. Chỉ khi đó bạn mới ý thức được về sự thật của thực tại. Phần thời gian còn lại trong cuộc sống của bạn là ngủ. Bạn thức tỉnh thậm chí cả khi bạn biết rằng bạn đang ở trạng thái ngủ sâu và đang mơ.
Chỉ cần trích ra câu kinh này là Patanjali đã làm nên một điều kỳ diệu cho chúng ta. Kiến thức về giấc ngủ đã đánh thức bạn. Đó là bởi vì khi một người đang ngủ, anh ta hoàn toàn không ý thức được điều đó. Giây phút anh ta biết rằng mình đang ngủ, anh ta đã thức rồi. Một người mơ mộng không biết điều đó và vào khoảnh khắc anh ta nhận biết mình đang mơ mộng viển vông, thì ngay lập tức anh ta thức tỉnh và quay về ngay với thực tại.
Khi tập kriya và pranayam (yoga điều hòa hơi thở) mà không thấy điều gì xảy ra với bạn, bạn bắt đầu mơ tưởng hoặc ngủ gật. Chỉ có thể có hai khả năng xảy ra. Nếu bạn đang mơ tưởng, tập pranayam không giúp gì cho bạn. Rất khó để các chính trị gia có thể đi sâu vào bất kỳ thực hành tâm trí nào bởi vì tâm trí của họ luôn ở trong trạng thái suy tưởng. Và bi kịch nằm ở chỗ họ không biết điều đó. Các giấc mơ của họ không đáng giá chút nào.
Swapna nidra jnana aalambanam vaa. Kiến thức về giấc mơ và giấc ngủ cũng có thể đánh thức bạn quay về với sự thật.
Tiếp theo Patanjali đã nói:
Yathaabhimmata dhyaanadhwaa.
Có rất nhiều phương pháp thiền khác nhau. Bạn có thể được đánh thức bởi bất kỳ phương pháp nào. Bạn có thể chọn một phương pháp phù hợp với bạn nhưng cần phải chuyên tâm vào nó. Bạn không nên thay đổi phương pháp đó. Nếu bạn chọn một con đường, bạn chỉ nên chuyên tâm đi trên con đường đó.
Và bạn không nên thay đổi người thầy của mình. Nếu không thì bạn sẽ thấy bối rối và lạc lối. Tất cả mọi phương pháp đều tốt. Hãy chọn một cách và chỉ cần đi sâu vào đó mà không chỉ trích, phê bình những phương pháp khác. Sau đó, bạn sẽ trở nên tiến bộ.
Dấu hiệu của sự tiến bộ là gì?
Patanjali nói rằng:
Paramaanu parama mahttva antosya vasheekaarah.
Dấu hiệu của sự tiến bộ là bạn có khả năng kiểm soát được từ những việc nhỏ nhất đến những việc lớn nhất trong các phạm vi hoạt động của bạn hay nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Vũ trụ sẽ yêu thương bạn và bắt đầu hỗ trợ bạn.