Phó thác cho Thượng Đế, bạn có thể đạt đến trạng thái nở hoa của tâm thức. Vậy Thượng Đế là ai? Ngài ở đâu? Rất dễ để nói phó thác cho Chúa, nhưng Chúa là ai? Người ở đâu? Chưa ai từng thực sự thấy Chúa. Ai, cái gì đang cai quản thế giới này?
Bạn sẽ nhận ra chính tình yêu chi phối con người và vạn vật. Tình yêu là trung tâm cốt lõi của sự tồn tại. Nó chi phối cả vũ trụ này. Cũng giống như mặt trời là trung tâm chi phối toàn bộ các hành tinh trong hệ mặt trời, tình yêu là cốt lõi của sự sống trong bạn. Tình yêu không chỉ ở cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc đang thay đổi trong bạn. Nó chính là trung tâm, cốt lõi tồn tại của bạn. Nó tinh tế và nhạy cảm. Nó có thể được gọi là tình yêu hay bất cứ một cái tên nào khác. Tâm thức đó, cốt lõi của sự tồn tại đó chịu trách nhiệm cho toàn bộ các tạo vật trên cõi đời này. Quyền năng là ở đó. Một con chim mớm mồi cho con vì tình yêu. Một bông hoa nở vì tình yêu. Đàn vịt ấp trứng vì tình yêu. Bò chăm sóc con cũng vì tình yêu. Các chú mèo con được mẹ chăm sóc cũng do tình yêu của mẹ. Bạn có bao giờ thấy khỉ mẹ chăm sóc con như thế nào chưa? Tình yêu là thứ đã được định sẵn bởi tạo hóa. Đó là cách vũ trụ vận hành.
Đó là lý do tại sao Chúa Jesus đã nói: “Tình yêu là Chúa. Chúa là tình yêu”. Chúa và tình yêu có cùng ý nghĩa như nhau.
Patanjali đã phân tích điều này rất hay trong những câu kinh tiếp theo. Trạng thái tâm thức là gì? Thượng Đế là ai? Tâm thức đó được thoát khỏi mọi khổ đau, chịu đựng. Khổ đau là gì?
Klesha karma vipaaka aashaya aparamrishtah purusha vishesha eewarah.
Bản kinh này chỉ cho ta thấy cốt lõi của tâm thức khi thoát khỏi khổ đau. Có năm loại khổ đau:
Loại thứ nhất là vô minh, avidya. Khi tâm thức bị vô minh chiếm chỗ, thì bạn luôn thấy bồn chồn, lo lắng. Bạn cảm thấy đau khổ và thiếu vắng hạnh phúc. Cuộc sống đau khổ là bởi vô minh. Vô minh là quan trọng hóa một vấn đề mà thực chất nó không đáng được xem là quan trọng. Là cho rằng điều gì đó là bất biến trong khi nó đang thay đổi. Là tưởng tượng một điều gì đó mang lại niềm vui nhưng thực tế thì không phải vậy. Là cho rằng thứ gì đó là thuần khiết trong khi nó không thuần khiết chút nào. Có ai đó nói với bạn một điều không dễ chịu. Đó chỉ là những lời thoát ra cửa miệng họ rồi tan biến. Nhưng bạn cứ nghiền ngẫm mãi những lời họ nói. Đó chính là vô minh. Những lời phê bình của người nào đó về bạn chỉ là một làn sóng tư duy hay năng lượng thoáng qua. Nó đến rồi lại đi. Có thể sau này người đó không còn nghĩ thế nữa, nhưng bạn vẫn cứ giữ mãi ý kiến đó trong đầu như là một định kiến của họ về bạn. Đây là một ví dụ về vô minh. Do đó, tâm thức cần phải loại bỏ vô minh để thoát khỏi khổ đau.
Asmita nghĩa là “Tôi”. Cái cảm giác “là tôi, Tôi” là nguyên nhân thứ hai dẫn đến đau khổ. Đó là lý do tại sao chúng ta có bài thực hành thiền Trống và Rỗng1, trong đó sẽ không còn cái “Tôi” nữa. Bạn tồn tại như thể bạn không có ở đó. Bạn tồn tại như một bông hoa, như một đám mây. Bạn tồn tại như không gian – tự do, trống và rỗng chứ không phải là một người nào đó. Asmita là cảm giác người ta nghĩ gì về bạn, bạn muốn gì từ họ, làm thế nào bạn có thể tận dụng được lợi thế của họ dù cho họ có nghĩ bạn tốt hay xấu. Điều này mang lại đau khổ. Còn lại, không thứ gì khác có thể khiến bạn đau khổ. Ý tưởng của bạn về “Tôi” không phải là một với bản thể, tôi có bản sắc riêng – tôi khác với mọi người, hoặc là có một cảm giác tự tôn hay mặc cảm tự ti nào đó sẽ làm cho bạn đau khổ. Thực tế, tất cả những người cho rằng họ thông minh tài giỏi và những người khác là ngu dốt thì sâu thẳm bên trong, họ đều biết rằng mình là người ngu dốt hơn cả. Để tránh nghĩ về sự ngu dốt của mình, họ cho rằng những người khác đều điên rồ và ngu muội. Asmita này làm cho bạn chết dần chết mòn, và nó chính là một trong những nguyên nhân làm cho bạn đau khổ.
1 Thiền Trống và Rỗng (Hollow and Empty Meditation) là một bài thiền được thực hành trong khóa học Thiền Im lặng (Art of Silence Program) của The Art of Living. (ND)
Raaga – nghĩa là thèm muốn, khao khát mãnh liệt một thứ gì đó. Còn Dwesha là căm ghét hay thù hằn. Abhinivesha là sợ hãi. Khao khát, căm ghét, sợ hãi, cái “Tôi” và vô minh chính là năm nguồn khổ đau. Đấng tối cao không có năm khổ đau này. Tâm thức nằm sâu bên trong bạn cũng không có chúng. Bạn có thể buồn khổ hay khao khát một điều gì đó. Nhưng nếu bạn thực sự đi sâu vào trong bản thể của mình thì bạn sẽ thoát khỏi nó. Bên ngoài, có thể bạn đang ghét một ai đó, nhưng trong bản thể của bạn không có sự ghét bỏ đó. Sự sợ hãi cũng giống như vô minh chỉ ở vùng ngoại biên sự tồn tại của bạn. Còn ở trung tâm, không có sợ hãi hoặc vô minh. Không có “bạn” ở đó.
Khi năm klesha (năm nguồn của khổ đau) được loại bỏ thậm chí chỉ ở vòng ngoài, thì mọi thứ bên trong trung tâm đều trở nên siêu việt. Quyền năng trong bạn được nở hoa và tánh giác trong bạn được hiển lộ. Chúa trời là purusha đó, là sự hiện hữu đó, hay Thượng Đế là người không có năm klesha này và Ngài cũng không có nghiệp.
Có bốn loại nghiệp. Nghiệp đầu tiên là kết quả của hành động có phẩm chất tốt. Loại nghiệp thứ hai là kết quả của hành động tiêu cực hay đen tối. Bạn có thể làm một điều tốt cho ai đó, họ cảm thấy có ích và có thể họ sẽ cảm ơn bạn. Họ biết ơn bạn từ trái tim, và điều đó mang đến cho bạn nghiệp tốt. Rồi bạn lại làm điều gì đó tồi tệ cho người khác khiến họ thấy tổn thương và khổ sở. Điều đó mang đến cho bạn nghiệp xấu. Có những nghiệp vừa xấu vừa tốt. Đó là loại nghiệp thứ ba. Có những nghiệp không xấu cũng không tốt. Đó là nghiệp thứ tư. Ví dụ bạn đang đi dạo vào buổi tối hoặc bạn đang hút bụi trong hội trường. Những hành động này không tốt cũng không xấu. Chúng chỉ là hành động. Nhưng nếu bạn làm điều đó cho ai, ví dụ như bạn đang giúp ai đó trong nhà bếp, thì hành động đó là tốt. Nếu bạn đang cắt rau củ và nấu ăn cho mọi người thì đó là hành động tốt.
Những hành động đạo hạnh có kết quả tốt lành thuận lợi mang đến cho bạn nghiệp tốt. Những hành động tiêu cực mang lại những hậu quả không tốt tạo cho bạn nghiệp xấu, hành động mang lại kết quả hỗn hợp của cả hai và hành động mang lại kết quả trung tính là bốn loại nghiệp. Ở ngay trung tâm sự tồn tại của bạn – bản thể không có nghiệp nào cả. Bất cứ hành động nào phát sinh từ Thượng Đế đều không gắn liền với nghiệp nào cả.
Vipaaka là hoa trái của hành động – là kết quả của hành động. Ở đây không có sự tận hưởng hay chịu đựng thành quả của một hành động. Điều này không chạm đến cốt lõi của bản thể và sự tồn tại của bạn, đó là Đấng sáng tạo; tâm thức đó không có sự tận hưởng hay chịu đựng.
Và Aashaya. Aashaya là những mong muốn hay ấn tượng, ý tưởng, hạt giống tiềm ẩn. Do đó, khi một tâm thức hay bản thể thoát khỏi klesha, khổ đau, nghiệp lực, vipaaka – kết quả của hành động, và aashaya, ấn tượng về hành động, thì bản thể hay tâm thức đó là Eshwara, hay là Thượng Đế. Thượng Đế không phải ở đâu đó trên trời mà ở trong trái tim bạn. Ngay trong trái tim của mỗi người. Tất cả hành động và sự việc xảy ra chung quanh không chạm đến trung tâm điểm của sự sống con người. Điều cốt lõi trung tâm đó luôn thuần khiết, trong sạch. Chúa Jesus sinh ra là một người thuần khiết. Điều này có nghĩa là Chúa Jesus, Đấng tối cao được sinh ra ở một nơi sâu thẳm trong mỗi con người, nơi mà không có một sự kiện nào xảy ra trong đời sống của bạn có thể chạm tới được.
Puusha vishesha – Sự hiện hữu đặc biệt đó là Thượng Đế. Bạn có được sự hiện hữu đó khi tâm trí bên ngoài đang thờ phụng tuyệt đối cái cốt lõi hiện hữu trong bạn. Năm loại khổ đau (klesha) cũng giống như hàng rào bao bọc bên ngoài trung tâm. Khi hàng rào bên ngoài được phá vỡ thì điều gì sẽ xảy ra bên trong đó? Khu vực vốn bị vòng rào cản đó bao bọc xung quanh được tự do, giải phóng, không còn giới hạn. Khi tâm trí nhỏ bé hay huyên thuyên, lải nhải của chúng ta cầu nguyện là nó đang gửi lời cầu nguyện đó đến bản thể vô biên đang tồn tại trong ta. Cầu nguyện là khi bạn kêu gọi sự giúp đỡ của Thượng Đế – Đấng quyền năng tối cao trong bạn.
Krishna đã diễn giải điều này khi Ngài nói rằng người ta có thể gửi lời cầu nguyện đến bất cứ Đấng nào mà họ muốn. Nhưng lời cầu nguyện đó chỉ đến với Đấng duy nhất vì Ngài là cốt lõi của sự tồn tại. Bạn có thể thờ cúng một Đấng thiêng liêng nào đó. Một người khác có thể thờ một đấng khác. Người thứ ba có thể chưa thờ ai. Về cơ bản, việc thờ cúng, cầu nguyện chỉ là một hoạt động của sự hòa tan – một con búp bê bằng đường hay viên kẹo ngọt tan vào trong nước. Viên kẹo tan đến chỗ nào trong nước không quan trọng. Chỉ cần biết là nó sẽ hòa tan và hợp nhất. Cũng giống như vậy, cầu nguyện làm hòa tan tâm trí của người cầu nguyện. Đó là hoạt động hòa nhập tâm trí vào bản thể của nó; bản thể được thoát khỏi klesha, karma, aashaya và vipaaka. Điều này diễn ra gần như tức thời. Do đó, không có sự khác biệt giữa Thượng Đế, guru (lãnh đạo tâm linh) và bản thể của bạn (Eshwaro gururatmeti murti bheda vidhagine).
Từ ngữ tuy khác nhau nhưng chỉ chung một đối tượng. Người thầy chính là cốt lõi trong sự tồn tại của bạn. Và Đấng tối cao, người điều khiển muôn loài trên thế giới này cũng thế.
Sa poorveshaam api guruh kaalenaanavacchedaat.
Sự hiện hữu này, tâm thức này là guru. Đó là người dẫn đường cho cả những người đã ở đây trước đó. Đó là bởi vì đối với tâm thức không có khoảng cách thời gian. Kinh Thánh cũng có nói đến điều tương tự như vậy. Chúa đã nói rằng trước kia Ngài đã là Abraham và đã dạy cho những người đã sống trước Ngài. Krishna cũng đả động đến chuyện đó khi ngài nói với Arjuna rằng ngài đã dạy cho Ikshavaku và Manu. Và Arjuna thắc mắc không biết Krishna đã dạy họ như thế nào. Họ đã sinh trước thời Krishna rất lâu cơ mà. Do đó, Arjuna đã thốt lên rằng ông thật sự không hiểu gì hết. Và rằng không thể nào có chuyện này được. Nói như thế là không đúng.
Và Krishna đã nói rằng Arjuna đã thật sự không biết gì về Ngài. Rằng Ngài đã đến với thế giới này rất nhiều lần và cả Arjuna cũng vậy. Arjuna đã quên tất cả nhưng Krishna thì nhớ và biết hết tất cả. Ngài đã từng dạy, vẫn đang dạy và sẽ tiếp tục dạy trong tương lai.
Bản chất của guru cũng như vậy vì thời gian không dừng lại. Nó cứ tiếp tục trôi. Chúa Jesus cũng đang tiếp tục có mặt ở khắp nơi. Ngài không dừng lại ở một nơi nào đó. Người ta nghĩ rằng Ngài sẽ đến trong tương lai. Poorveshamapi guruhu.Ngài đã, đang và sẽ là Người Thầy trong mọi thời đại bởi vì không có sự gián đoạn thời gian.
Tatra niratishayam sarvagyatvam beejam.
Câu kinh này nói rằng hạt giống của sự uyên bác nằm ở trạng thái tâm thức đó. Điều này rất quan trọng. Hạt giống uyên bác đó hiện hữu một cách rất tinh tế. Người ta không hiểu điều này. Họ tự hỏi nếu thần Krishna biết mọi thứ thì tại sao Ngài vẫn cố gắng thiết lập hòa bình và đã ba lần cố ngăn chặn chiến tranh. Ngài biết rằng có một cuộc chiến sẽ xảy ra. Nhưng Ngài không hề nói với Arjuna về điều này và cũng không nói rằng Arjuna sẽ chiến thắng. Thay vào đó, Ngài bảo rằng nếu Arjuna chiến thắng thì ông sẽ thống trị thế giới. Và nếu thua thì ông sẽ lên thiên đàng. Có vẻ như Krishna chẳng biết mọi thứ và chẳng biết kết quả của cuộc chiến. Ngài không đưa ra câu trả lời đúng, một kiến thức đúng hay là những lời chỉ dẫn đúng đắn. Ngài cũng không cho thấy những kết quả trong tương lai. Vậy thì nếu Krishna là một vị Thánh và biết được điều này thì tại sao Ngài không tiết lộ cho mọi người biết? Điều này dẫn đến câu hỏi thứ hai.
Tatra niratisharam sarvajna beejam.
Hạt giống của sự hiểu biết nằm ở hiện tại. Ví dụ như bạn có một quyển từ điển. Bạn có thể tra bất cứ từ nào bạn muốn. Nhưng bạn không cần phải nhớ hết từng từ trong đó. Bạn cũng không cần phải biết hết các từ trong quyển từ điển đó. Bạn cũng có thể tự khai mở bản thân để đạt đến hình thức cao nhất của tâm thức. Tại thời điểm đó, bạn có mọi kiến thức. Bạn có thể biết và cảm nhận được tất cả sự sống trên thế giới này. Bạn có thể biết có bao nhiêu thực thể sống và họ đang làm gì – một số đang thức dậy, một số đang đi ngủ, một số đang tắm. Một số đang ở trong xe, một số đang đánh nhau, một số đang ăn và một số thì đang làm những việc khác. Đó chỉ mới là nói về con người.
Nhưng nếu nghĩ đến toàn thể sinh vật sống trên Trái đất này, có nhiều vô số kể những hoạt động kết nối với nhau – rất nhiều con gà đang ấp trứng – trong khi nhiều con đang bị giết; nhiều con trâu đang thong dong quanh cánh đồng và nhiều con bò đang gặm cỏ; rất nhiều con khỉ đang chuyền từ cây này sang cây khác. Có vô số những con kiến, gián, ruồi, muỗi, amip và hàng tỷ tỷ các virus, vi khuẩn. Nhiều con đang được sinh ra và nhiều con đang nở từ trong trứng. Nhiều con đang lớn lên. Trên một phạm vi rộng lớn, bất cứ lúc nào cũng có một hoạt động đang diễn ra. Trong đó, nếu bạn chỉ muốn biết một người cụ thể đang làm gì thì cũng phải tốn nhiều công sức và cũng không đáng làm.
Đôi khi có người hỏi tôi làm thế nào tôi biết được những bí mật sâu kín nhất của họ, những điều mà họ chưa từng kể cho ai nghe. Tôi nói rằng tôi không biết là bằng cách nào tôi biết được, nhưng tôi biết là tôi biết. Nhưng có đôi khi tôi lục lọi đi tìm bộ chìa khóa riêng mà tôi để lạc đâu đó. Họ lại càng khó hiểu hơn. Họ thắc mắc làm thế nào tôi biết được điều mà họ chưa từng kể với ai nhưng lại không biết chỗ tôi đã cất chìa khóa! Tôi nói với họ rằng điều này là có thể – cũng giống như họ không biết có bao nhiêu sợi tóc trên đầu họ nhưng họ biết là họ có tóc.
Như vậy là kiến thức và vô minh cùng tồn tại với nhau. Ngay cả khi bạn nhổ một sợi tóc, bạn cũng biết về điều đó. Do đó, Patanjali nói: Tatra niratishayam sarvajna beejam. Hạt giống uyên bác hiện hữu trong tâm thức của mọi người, trong Đấng quyền năng. Thật kỳ diệu là nó luôn có mặt ở đó.
Poorveshaamapi guruhu kaalenaavacchedaat – Tâm thức này là Vị Thầy của ngay cả những người đã sống trên thế giới này trước đây.
Tasya vaachakaha pranavaha – Bạn gọi tên tâm thức bằng cách nào? Patanjali nói rằng tâm thức được gọi bằng từ “OM”. Đó là âm thanh thể hiện sát nhất tâm thức vì khi nói “OM” thì đã bao trọn cả prana (sinh khí) và tâm thức. “OM” được hợp thành bởi ba âm “Aaa”, “Ooo” và “Mmm”. Khi bạn nói “Aaa” thì sinh khí – prana nằm ở phần dưới của cơ thể, với “Ooo” thì prana ở phần giữa cơ thể và với “Mmm” prana ở phần trên cao nhất của cơ thể. Khi bạn ngân “OM” thì năng lượng sinh ra khắp cơ thể một cách trọn vẹn, đầy đủ.
“OM” là một âm thanh rất đặc biệt. Âm “OM” được nói trại đi là Amen trong Kitô giáo và Ameen trong Hồi giáo. Hầu hết các tôn giáo đều có một từ rất quan trọng là “OM”, hoặc gần với “OM”. Bởi vì “OM” là một âm thanh tiệm cận với toàn bộ tâm thức. Tất cả những âm thanh khác chỉ là ở trên bề mặt hay ở ngoại biên.
Tajjapastadartha bhaavanam.
Đây là một câu kinh quan trọng khác. Nếu nói ra một từ nào đó, thì âm thanh của từ đó sẽ khơi gợi cảm xúc trong bạn. Ví dụ như khi bạn nói “xoài”, bản thân từ đó sẽ làm cho nước bọt trong miệng bạn tiết ra. Ngay lập tức bạn sẽ có phản xạ và cảm xúc. Khi nói “Giáng sinh” thì sẽ có một cảm xúc chúc mừng và trao nhận quà được phát sinh ngay lúc đó.
Vì vậy, tajjapastadartha bhaavanam – có nghĩa là khi bạn ngân “OM”, bạn nhớ đến toàn bộ sự hiện hữu của mình. Sự hiện hữu đó nằm ở ngay trong cốt lõi của sự tồn tại, là sự sống không phiền não và là tất cả tình yêu vô điều kiện. Âm “OM” đó nhắc bạn nhớ đến Đấng Sáng Tạo ra muôn loài.
Tatah pratyak chetna adhigamo apyantaraayaabhaavascha.
Khi bạn chạm đến trung tâm của sự hiện hữu và khi cảm giác thăng hoa, tâm thức sẽ sáng dần trong bạn. Đó là một hình thức khác của tâm thức. Tâm trí bạn được chuyển hóa hoàn toàn. Suy nghĩ và cảm xúc của bạn rõ ràng hơn. Toàn bộ cơ thể được chuyển hóa. Bạn trở nên hoạt bát và tràn đầy năng lượng. Mọi chướng ngại trên đường đi của bạn đều được gỡ bỏ. Chỉ cần nhớ về Chúa hay Đấng tối cao là có thể loại bỏ được những trở ngại trên con đường bạn đi.
Có chín trở ngại thường gặp.
Vyaadi Styaana samshaya pramaada aalasya avirati bhrantidarshana aalabdha bhoomikatvaan avasthi tatvaani chitta vishepaaha aste antaraayaah.
Trở ngại đầu tiên là vyaadi. Nghĩa là bệnh tật cơ thể. Rồi đến styaana là bệnh tật trong tâm trí – chậm phát triển về mặt tinh thần, thiếu khả năng hiểu biết, lắng nghe, thấu hiểu, làm theo và thực hành.
Rất nhiều người cảm thấy khó chịu, khó ở khi thực hành khóa học. Khi bắt đầu thực hiện một bài tập nào đó hay hành thiền, bạn sẽ thấy đau ở nhiều nơi trên cơ thể. Đó là một sự cản trở hay chướng ngại trong con đường Yoga. Nếu bạn ngồi xem tivi thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu bạn ngồi thiền thì cơ thể bạn trở nên bồn chồn không yên và thấy đau hết chỗ này đến chỗ kia.
Trở ngại tiếp theo là samshay hay sự nghi ngờ. Tâm trí bạn bị trì trệ bởi nhiều ngờ vực. Có ba loại nghi ngờ. Một là nghi ngờ về bản thân. Bạn không biết là bản thân có đủ tốt không. Bạn cảm thấy mình không đủ khả năng để thực hiện một việc cần thiết nào đó. Có thể bạn thấy những người khác đang thiền và đang ở trong trạng thái an lạc hoặc là tâm trạng họ đang rất vui và hạnh phúc. Chỉ có bạn là đang chịu khổ và không có điều gì tốt đẹp cả. Bạn nghĩ rằng bạn không thể làm được điều gì cả. Tiếp theo là hoài nghi về các phương pháp thực hành. Bạn cảm thấy rằng chúng không có ích gì cho bạn cả và bạn muốn thử các phương pháp khác. Cuối cùng là đến các ngờ vực người thầy của mình.
Ba loại ngờ vực trên có thể cản trở sự tiến bộ của bạn. Nghi ngờ của bạn luôn luôn hướng về những điều tốt. Bạn không bao giờ nghi ngờ những điều tiêu cực mà luôn nghi ngờ những điều tích cực. Bạn không bao giờ nghi ngờ sự phiền muộn của mình. Bạn không bao giờ thắc mắc là bạn có thực sự chán nản không. Nhưng chắc chắn là bạn nghi ngờ hạnh phúc của mình. Bạn sẽ tự hỏi mình có thật sự hạnh phúc không; điều đang làm cho bạn hạnh phúc có thực sự là điều bạn muốn không. Nghi ngờ là trở ngại thứ ba.
Pramaada là trở ngại tiếp theo. Nó có nghĩa là sẵn lòng làm sai một việc vì một lý do nào đó. Có thể bạn biết có những việc không tốt cho bạn nhưng bạn vẫn cứ làm. Ngược lại, có những thứ bạn biết là cần phải làm nhưng lại không làm. Ví dụ như bạn biết rõ rằng mình phải đóng thuế nhưng bạn không đóng. Giả sử bạn đang bị bệnh và không nên ăn kem hoặc không nên ăn nhiều quá, tuy vậy bạn vẫn cứ ăn tùy thích. Bạn đang có vấn đề liên quan tới đường và không được ăn nhiều đường. Dù biết vậy, bạn vẫn tiếp tục ăn đồ ngọt hoặc sô-cô-la. Do đó, sự thiếu thận trọng, không tỉnh táo và cảnh giác cũng là một trở ngại.
Rồi đến aalasya hay là lười biếng. Có thể bạn là người rất năng động nhưng khi tập thể dục, tập các động tác yoga, asanas, hay pranayamas, bạn thấy lười không muốn làm. Sự lười biếng đó có thể lan sang tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Có thể bạn cố tình không làm điều gì đó, nhưng rồi sau đó bạn thấy có một cảm giác nặng nề, lười biếng bao trùm lấy bạn.
Avirati nghĩa là bị ám ảnh trước sự hưởng thụ, khoái lạc và không buông bỏ chúng được. Ví dụ khi đói bụng thì bạn ăn. Nhưng sau khi bụng đã no thì không có lý do gì để bạn nghĩ đến thức ăn cả ngày. Cũng giống như vậy nếu bạn muốn đi xem một nơi có cảnh đẹp. Một khi bạn đã thấy rồi thì mong muốn của bạn sẽ giảm đi. Bạn không nên tiếp tục nghĩ mãi về một phong cảnh đẹp. Mọi hoạt động của giác quan cần phải được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Nó phải được kết thúc sau đó. Nhưng lúc nào cũng nghĩ và khao khát có được một cái gì đó thì là avirati hay còn gọi là sự ám ảnh. Bạn ăn và sau khi ăn bạn không nên nghĩ về nó nữa. Điều này cũng áp dụng cho tình dục. Bạn đã có quan hệ tình dục và nó đã kết thúc. Bạn không nên mang nó trong đầu mình suốt cả ngày. Người ta xem những loại phim khiêu dâm ngày đêm. Đầu họ nóng dần lên. Cơ thể họ không có khả năng hoạt động và tâm trí họ bị những suy nghĩ về tình dục ám ảnh mãi. Ngay cả những người già cũng gặp phải vấn đề này. Họ là những người đã 70, 80 thậm chí 90 tuổi, nhưng họ vẫn đang nghĩ về tình dục.
Và đó được gọi là avirati – tâm không buông xả được.
Có người kể rằng vào tiệc sinh nhật 75 tuổi của Mullah Naseruddin (triết gia Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 13), có người hỏi ông nghĩ gì về những người bạn gái. Mullah đáp rằng lẽ ra người đó không nên hỏi ông câu này vì ông đã ngừng nghĩ đến các cô gái cách đây ba ngày rồi.
Việc không chấm dứt bất kỳ những trải nghiệm tình dục nào làm phát sinh avirati,bám chấp với đối tượng cảm giác đó, không buông bỏ được sự khao khát với đối tượng đó. Avirati là một trở ngại lớn trong con đường yoga, vì nó không cho phép bạn đi sâu vào trong bản thể. Nó chỉ kéo bạn xuống và giữ không cho bạn tiến lên.
Bhrantidarshana là ảo giác. Bạn tưởng bạn là một người nào đó đặc biệt. Đột nhiên bạn nghĩ mình là một ngôi sao. Đây là vấn đề mà nhiều người gặp phải. Nhiều người khao khát một điều gì đó, thực hành một việc nào đó và rồi họ thấy được một số hình ảnh. Họ bị cuốn vào những hình ảnh đó bởi vì chúng không hoàn toàn giả cũng không hoàn toàn thật. Nó là sự pha trộn giữa thật và giả. Nên người ta cố nắm giữ nó. Nhiều giáo phái được hình thành bởi bhrantidarshana. Họ chưa thực sự hiểu được những chướng ngại có thể xảy ra trên con đường Yoga. Điều này được gọi là Yoga Maya. Yoga Maya là hình ảnh hàm chứa thông điệp, một thông điệp mang tính trực giác. Có thể bạn đang thiền và trực giác mách bảo bạn đi mở cửa vì có ai đó đang chờ bạn. Và khi bạn mở cửa thì thực sự có người đang chờ bạn bên ngoài. Bạn thấy rất phấn khích. Bạn sẽ nghĩ rằng Thượng Đế đã cho bạn biết điều đó. Và điều này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó là bởi vì bạn chưa hoàn toàn “trống và rỗng” (hollow and empty). Vẫn còn có những dư lượng hay những dấu vết của ham muốn, hận thù và sợ hãi trong bạn. Những ý tưởng này hiển hiện theo kiểu bạn thấy Thượng Đế, Đạo sư hay một người nào khác trong đó. Và nó sẽ tiêm nhiễm vào đầu bạn những ý tưởng giày vò bản thân bạn. Điều này đã xảy ra với một trong các tín đồ của chúng tôi. Cô ấy đã thấy nhiều hình ảnh khác nhau và hầu hết đều đã trở thành sự thật. Cô ấy đã thấy ai đó báo rằng cô không nên đưa chồng đi bác sĩ, rằng ông ấy sẽ được chữa lành mà không cần bác sĩ. Cô ấy vốn sợ chuyện đi gặp bác sĩ và không thích thuốc chống dị ứng. Và khi cô nghe thấy lời nói đó, cô quyết định không đưa chồng đi bác sĩ. Thế là, mức đường trong máu của chồng cô vụt lên rất cao và không còn điều trị được nữa. Kết quả là ông bị hỏng một mắt, không còn nhìn thấy được. Vị tín đồ này nổi giận, cô cảm thấy tiếng nói bên trong đã lừa dối cô. Kỳ thực điều này xảy ra là bởi sự thiếu hiểu biết đúng đắn của cô. Hầu hết các sự việc, hoàn cảnh đều tốt; không có gì bất ổn trong đó cả. Nhưng chính nỗi sợ riêng của bản thân và sự ham muốn đã ảnh hưởng đến những suy nghĩ trực giác và dẫn tới kết quả không vui. Đây là một sự cản trở. Do đó, chúng ta không nên chạy theo những ảo tưởng – bhranti darshana. Nhiều người bị mắc kẹt ở trong đó.
Alabda bhoomigatva là không đạt được bất cứ trạng thái nào của samadhi, hay bất cứ một sự bình yên, tĩnh lặng nào.
Đôi khi, có nhiều người thực hành nhiều môn khác nhau trong nhiều năm nhưng họ vẫn cảm thấy như chẳng đi đến đâu. Họ cảm thấy họ chỉ ngồi và không có điều gì xảy ra cả. Chỉ có những suy nghĩ đến và họ không đạt được bất cứ trạng thái nào. Việc không đạt được trạng thái nào của samadhi, hay bất cứ sự bình yên tĩnh lặng nào là một một trở ngại khác – trở ngại thứ tám. Đây là điểm người ta cảm thấy hoàn toàn bế tắc và nghĩ rằng con đường họ đang đi không dẫn về đâu cả. Nhưng, bất chấp những suy nghĩ này, họ vẫn không bỏ cuộc. Tuy nhiên, họ cảm thấy bế tắc không có chút tiến bộ nào.
Rồi đến anavastitatva có nghĩa là thiếu ổn định. Có thể bạn có được một số trải nghiệm tốt nào đó. Bạn cảm thấy bình yên và tuyệt vời. Nhưng cảm giác đó không ở lại lâu với bạn. Nó nhanh chóng tan biến đi. Đây là một trở ngại khác nữa.
Những cản trở và chướng ngại này gây ra dukha, sự buồn bã. Dourmanasyanghĩa là thất vọng cay đắng. Dukha hay sự buồn bã nhường chỗ cho sự cay đắng, dourmanasya. Bạn không thấy vui vẻ mặn mà với ai cả. Bạn thấy cay đắng với người khác và ngay cả với chính bạn.
Tiếp đến là Angamejayatva, có nghĩa là cơ thể không vâng lời bạn, bạn giống như một người say rượu. Người say rượu muốn đi về phía trái nhưng cơ thể đưa anh ta về bên phải. Anh ta muốn đi thẳng, nhưng cơ thể anh ta không kiểm soát được. Anh ta muốn cầm cái ly nhưng bàn tay đặt lên bàn mãi mà không với đến được cái ly. Việc thiếu sự phối hợp giữa cơ thể và tâm trí là Angamejayatva.Cơ thể không lắng nghe bạn. Bạn muốn bước đi nhưng cơ thể không chịu di chuyển.
Dukha dourmanasyaagam ajayatva shwaasa prashwaasa vikskepa sahabhuvah.
Đây là năm dấu hiệu của các trở ngại: dukha – buồn bã, dourmanasya – cay đắng, bhrantidarshana – ảo tưởng, angamejayava – thiếu sự phối hợp của cơ thể; cơ thể không chịu lắng nghe bạn, shwaasa prashwaasa – hơi thở không đều, yếu ớt và không thoải mái. Đây là những dấu hiệu – vikshepa – đi cùng chín trở ngại nói trên.
Chương tiếp theo sẽ nói đến những cách thức, phương pháp để thoát khỏi các trở ngại và những dấu hiệu đi kèm theo chúng.