Câu hỏi: Thưa thầy, liệu có thể chú tâm đạt đến trạng thái buông bỏ dục vọng, hướng chú ý tới sự tách biệt giữa bản thể với suy nghĩ, cảm xúc cũng như các thông tin giác quan không? Liệu có thể nhận rõ hơn bản thân mình là ai không? Nhưng nếu hình thành thói quen tách mình ra khỏi mọi thứ một cách phi tự nhiên, con người sẽ đánh mất sự hòa hợp với tự nhiên và không thể sống trọn vẹn. Làm sao thầy có thể giữ được sự cân bằng này, và làm sao thầy có thể biết mình đang bị nghiêng quá xa về bên này hay bên kia? Kính cẩn cảm ơn thầy.
Thầy Shankar: Buông bỏ dục vọng không có nghĩa là phân tách con người chúng ta. Thực chất, nó là một sự kết nối. Nó kết nối bạn với giây phút hiện tại, nhất quán đến nỗi khi làm bất cứ điều gì bạn đều đặt 100% tâm trí vào đó. Khi bạn không buông bỏ được thì việc gì sẽ xảy ra? Bạn hay nuối tiếc về quá khứ hoặc kỳ vọng một điều gì đó trong tương lai. Bạn không thể sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại và bạn càng bị phân tách. Khi tâm trí bạn cứ lăn tăn ở quá khứ hay tương lai, không có mặt trọn vẹn ở hiện tại thì tức là nó đã bị phân tách rồi.
Khi bạn hoàn toàn chú tâm làm bất cứ việc gì trong cuộc sống thì có nghĩa là bạn đang sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Khi bạn đang ăn, bạn chú ý 100% vào việc ăn. Bạn tận hưởng thức ăn từng chút một. Bạn có thể cảm nhận được từng ngụm canh đang ăn. Mỗi miếng thức ăn đều rất tuyệt. Mỗi ánh nhìn, mỗi quang cảnh đều tươi mới. Vì vậy tình yêu của bạn dành cho ai đó cũng giống như lúc ban đầu trong mọi thời khắc. Khi bạn nhìn ai hay một vật nào đó, chúng đều thú vị và hấp dẫn giống như khi lần đầu bạn nhìn.
Việc buông bỏ dục vọng không lấy đi niềm vui của bạn. Trái lại, nó còn mang đến cho bạn niềm vui và hạnh phúc mà không một thứ gì khác có thể cho bạn được. Triết gia Shankaracharya từng có câu thơ: Kasya sukham na karoti viragaha – Có niềm vui nào mà sự buông bỏ không thể mang lại được? Buông bỏ cho bạn niềm vui trọn vẹn bởi vì bạn hoàn toàn được ở trong giây phút hiện tại. Buông bỏ giúp bạn sống trọn vẹn 100% trong từng khoảnh khắc. Mọi khoảnh khắc là một trải nghiệm đỉnh cao.
Trong đời thường, mọi người thường tâm niệm sự buông bỏ là cái gì đó dường như rất khô khan. Những người nghĩ rằng họ buông bỏ mọi thứ thì trông thật u uất. Họ buồn bã chán nản. Họ trốn chạy khỏi thế giới này và họ gọi đó là buông bỏ. Và rồi họ tuyên bố là đã từ bỏ thế giới này. Đây không phải là buông xả hay buông bỏ. Những người trốn chạy vì thất bại, buồn khổ hay chán nản tưởng là mình đã buông bỏ. Nhưng sự buông bỏ quý giá hơn, tinh tế hơn và có giá trị hơn thế rất nhiều. Nếu bạn có thể buông bỏ được, bạn luôn là chính mình – tràn đầy niềm vui, thỏa mãn và bình thản. Ai cũng muốn được như thế.
Có một câu chuyện về một người Hy Lạp tên là Diogenes. Lúc ông đang bị bán làm nô lệ, những người mang ông đi bán trông cũng giống như nô lệ. Diogenes tuyên bố ông ta là một nô lệ và lớn tiếng hỏi rằng có ai muốn mua ông không. Vì giọng nói của ông sang sảng như tiếng gầm của một con sư tử với thái độ bình thản tuyệt đối nên mọi người khó nhận ra ai là nô lệ và ai là chủ nô.
Cũng có một câu chuyện kể về Alexander Đại đế.
Trước khi Alexander Đại đế đến Ấn Độ, thần dân của ông có nói với ông rằng nếu ông tìm thấy vị sa di (sanyasi) nào ở đó thì ông nhớ mang theo về nước. Họ nói rằng các vị sa di này rất kỳ diệu và chỉ ở Ấn Độ mới có. Do đó, khi đến Ấn Độ, ông ra lệnh cho một số sa di đến gặp ông. Nhưng không ai đến cả. Thế là ông phán rằng sẽ chặt đầu nếu họ không đến. Mặc cho lời đe dọa này lan truyền, họ vẫn không đến. Ông ta lại nói sẽ lấy hết sách của họ, gồm bốn bộ kinh Vệ Đà và một số kinh khác nữa. Các nhà thông thái đồng ý và hứa sẽ trao cho ông tất cả sách của họ vào ngày hôm sau. Cả đêm hôm đó, các nhà thông thái cho con của họ học thuộc toàn bộ các bản kinh. Và rồi họ đưa hết các bộ sách cho Alexander theo lời hứa. Họ nói với ông là họ không cần chúng nữa. Alexander nhận sách nhưng ông ta vẫn cần một sa di. Thế nhưng sa di cũng không đến. Cuối cùng, ông phải đích thân đến nơi ở của một vị sa di, buộc vị này phải đi với ông nếu không sẽ bị chặt đầu. Vị sa di này trả lời rằng ông cứ làm nếu ông muốn. Vị hoàng đế oai phong thậm chí không dám nhìn thẳng vào mắt vị sa di. Ông không thể chịu nổi sức mạnh của sự bình thản ở con người này. Lần đầu tiên ông chứng kiến một người không hề quan tâm đến uy danh đại đế lẫy lừng của ông.
Trong thời gian Alexander ở Ấn Độ, có một vài người dâng cho ông một đĩa bánh mì bằng vàng. Ông nói rằng ông đang đói và muốn ăn bánh mì thật. Họ đáp rằng ông là một vị hoàng đế thì làm sao ăn bánh mì bình thường được, do đó họ đã chuẩn bị bánh mì bằng vàng này cho ông. Alexander cho rằng họ đang chế giễu ông nên tức giận và nói rằng ông đang đói lắm, đừng chần chừ nữa. Hoảng sợ, người dân ở đây mang bánh mì thật đến. Họ hỏi ở nước ông có bánh mì giống như vậy không? Và ông chinh phục nhiều nơi đến như vậy để làm gì? Có phải là để lấy bánh mì không và ông có ăn cùng một loại bánh mì như ông đã được ăn ở Ấn Độ không? Điều này làm vị hoàng đế giật mình trong giây lát. Ông cảm thấy đây là sự thật. Mục đích của việc đi chinh phục hết nước này đến nước khác là gì? Tất cả những điều ông cần là được sống bình an và hạnh phúc. Khi ông không có hạnh phúc và bình an, không quan tâm chăm sóc người dân của mình, thì việc xua quân đàn áp, chiếm các ngôi làng và thị trấn chẳng có ý nghĩa gì cả.
Hình như Alexander đã nói rằng khi ông chết hãy để đôi bàn tay ông mở ra. Ông muốn mọi người biết rằng, mặc dù đã chinh phục được rất nhiều nước, nhưng Alexander Đại đế đã ra đi với hai bàn tay trắng. Và rằng ông không thể mang theo bất cứ thứ gì trên thế giới này.
Sự buông bỏ dục vọng là một sức mạnh ở bên trong bạn. Có một vị thầy đã nói rằng – nếu có một vị toàn năng ban tặng cho tôi kiến thức, tôi cũng từ chối. Ngay cả nếu có vị thần Của cải đến, tôi cũng không cần xin hay lấy bất cứ thứ gì từ Ngài. Đó là sức mạnh của sự buông bỏ dục vọng. Đó không phải là sự kiêu ngạo. Đó là bản chất tự nhiên của con người. Nếu bạn thật sự bình an và tỉnh giác thì bạn có thể hiểu rằng mọi người đến với thế giới này là để cho đi một thứ gì đó và không mang theo bất cứ thứ gì.
* * *
Câu kinh tiếp theo là:
Vitarka vichaara ananda asmita roopa anugamat sampragyaatah.
Mục đích của sadhana (giác ngộ) này là gì? Vitarka – khi tâm trí bạn có một lô-gic đặc biệt để theo đuổi và nhận ra chân lý. Tarka nghĩa là lý luận. Kutarka nghĩa là phi lý luận. Khi ý không ngay chính thì lý luận được đưa vào chỉ để đi tìm lỗi; khi thâm tâm bạn biết có điều gì đó không đúng, nhưng bạn vẫn chứng minh là nó đúng một cách hợp lý.
Vitarka là một dạng lô-gic đặc biệt. Có thể lúc này bạn đang nói về sự buông bỏ dục vọng và đang hiểu nó một cách lô-gic. Và việc hiểu biết hay cách nói này có ảnh hưởng nhất định đến ý thức của bạn. Nó nâng cao ý thức của bạn. Bạn đang ở một cảnh giới khác. Đây là samadhi.
Samadhi là sự định tâm, bình thản. Dhi là trí tuệ – là khả năng của ý thức.
Bây giờ chúng ta đang ở trạng thái samadhi vì chúng ta đang nói về bản thể với một lập luận rõ ràng, một lập luận không thể hiểu lệch lạc. Một lập luận đơn thuần có thể thay đổi. Bạn có thể lật đi lật lại vấn đề. Nhưng vitarka là một loại lập luận không thể bị đảo ngược, không thể bị bác bỏ. Ví dụ như có một người chết và bạn đang đứng đó, thấy rõ ràng là anh ta đã chết. Bạn biết rằng sự sống từng ở trong thân xác này không còn nữa. Đó là một điều hiển nhiên không thể thay đổi. Bạn đang hiểu nó bằng lô-gic chứ không bằng cảm xúc. Do đó, bạn cảm thấy đó là sự kết thúc. Cũng giống như khi xem xong một bộ phim, mọi người ra khỏi rạp với cảm giác là nó đã kết thúc. Họ nghe xong một buổi hòa nhạc, thính giả có cảm giác là nó đã kết thúc. Điều đó cũng giống như đối với một lễ hội hay một khóa học. Khi khóa học kết thúc, những người tham dự nói rằng nó đã hết và đi về. Vào các thời điểm đó, có một lập luận rõ ràng đi theo tâm trí bạn – một lập luận không thể bác bỏ được, một lập luận không thể thay đổi được đang tồn tại trong ý thức bạn. Đó là mọi chuyện đã kết thúc. Điều đó là hiển nhiên.
Cuộc sống cũng giống như vậy. Thật rõ ràng. Mọi thứ đang thay đổi. Nhất định phải thay đổi; phải tan đi hoặc biến mất. Vitarka này nâng cấp ý thức của con người. Người ta không phải ngồi nhắm mắt hay mở mắt. Tất cả cái đó là cảm giác của “Tôi”, là ý thức. Mọi thứ đều trống rỗng. Mọi thứ đều ở trong trạng thái xê dịch. Toàn thế giới chỉ là một trường cơ học lượng tử. Đây là vitarka. Toàn bộ khoa học đều dựa vào tarka, tarka không thể phủ nhận, gọi nó là vật lý lượng tử hay là gì cũng được. Đó là vitarka, vitarka anugama samadhi – là một dạng samadhi.
Rồi đến vichara. Vicharanugama. Trong vichara, có tất cả những trải nghiệm – mùi vị, cảnh quan hoặc âm thanh. Khi bạn thiền, những trải nghiệm này được gọi là vicharanugama samadhi; tất cả những trải nghiệm và suy nghĩ – quan sát những suy nghĩ đến rồi đi. Có hai kiểu suy nghĩ thường xuất hiện. Những suy nghĩ làm phiền bạn và những suy nghĩ không ảnh hưởng gì đến bạn cả, nhưng chúng cứ lởn vởn trong ý thức của bạn và bạn nhận thức được điều đó. Bạn đang ở trong trạng thái samadhi; bạn đang ở một trạng thái tĩnh của tâm trí. Cùng lúc đó cũng có những suy nghĩ khác trôi qua. Đó là một phần của thiền. Sự hiện hữu của các suy nghĩ và các trải nghiệm là dạng thứ hai của samadhi, hay là sự nhận thức.
Thứ ba là anandaanugama – ananda nghĩa là trạng thái phúc lạc. Bạn có nhận thấy rằng sau khi tập kriya, bạn như đang ở một nơi nào khác? Khi bạn hát bhajans, bạn đang ở một cảnh giới khác của samadhi. Tâm trí vẫn đang được nâng cấp. Ý thức vẫn đang được nâng cao và bình thản nhưng nó ở trong trạng thái hân hoan, tràn đầy năng lượng. Samadhi là cực lạc; là anandaanugama samadhi. Đây cũng là một trạng thái thiền, trạng thái mà bạn cảm thấy lâng lâng, ngây ngất. Một trạng thái thiền trong đó bạn trải nghiệm nhiều thứ, bạn có nhiều suy nghĩ, những ý tưởng lởn vởn trong đầu hay những cảm giác thoáng qua. Vậy là chúng ta đã có ba trạng thái thiền.
Bây giờ đến trạng thái thứ tư là asmitaanugama samadhi. Đây mới thực sự là một trải nghiệm sâu của thiền, ở đó chúng ta không biết gì cả. Chỉ có một nhận thức là “bạn là”. Bạn chỉ biết “bạn là” nhưng bạn không biết bạn là ai, là gì và ở đâu. Không có gì khác ngoài trải nghiệm “tôi là” – asmita – “tôi hiện hữu”. Đây là trạng thái thứ tư của samadhi, hay còn gọi là trạng thái thiền sâu.
Tất cả bốn trạng thái này được gọi là samprajyata, có nghĩa là có ý thức trong tất cả. Có một dòng nhận thức xuyên suốt trong quá trình.
Làm thế nào chúng ta có thể đạt được trạng thái này?
Câu kinh tiếp theo rất đơn giản.
Viraama pratyaya abhyaasa poorva samskaara shesho anyah.
“Làm” mà không thể trải nghiệm thì không thể đạt được nhận thức này. Dù có vắt óc cũng không thể tự dưng mà thông minh và sắc bén. Bạn chỉ có thể đạt đượcsamadhi khi không phải gắng sức. Chỉ cần thư giãn và dựa vào bản thể của mình là đủ. Viraama pratyaya là nghỉ ngơi. Abhyaasa poorva nghĩa là thực hành nghỉ ngơi – thư giãn và nghỉ ngơi có ý thức.
Nghỉ ngơi không có ý thức là giấc ngủ theo bản năng tự nhiên. Cơ thể buộc bạn phải nghỉ. Khi thấy quá mệt mỏi, bạn cảm giác như thể bản năng đang kéo bạn xuống và buộc bạn phải nghỉ ngơi. Chỉ có trong thiền định, bạn mới thực sự nghỉ ngơi bởi vì bạn nghỉ ngơi có ý thức. Bạn cho phép sự nghỉ ngơi đến. Nếu không, sự nghỉ ngơi sẽ làm bạn mất cả nhận thức. Giấc ngủ là nghỉ ngơi bắt buộc và thiền là nghỉ ngơi ý thức. Đây là abhyasa. Đây là thực hành – thực hành nghỉ ngơi thư giãn sâu một cách ý thức. Viraama abhyaasa poorva.
Rồi đến samskara sheshonyaha. Một số người thực hành rất nhiều để được tĩnh lặng, để nâng cao nhận thức trong họ. Một số người tĩnh lặng được nhờ vào những tâm ấn (samskara) của nhiều đời trước. Một số người bắt đầu biểu lộ ngay lúc mới sinh ra hoặc họ đạt tĩnh lặng tại một thời điểm đặc biệt nào đó trong cuộc sống. Samskara sheshonyaha. Một số người bỗng dưng khai mở một số những trải nghiệm tâm linh sau khi họ 30 hay 40 tuổi. Rồi họ có nhiều nhận thức theo trực giác hơn. Nhưng rủi thay, đa số những người này đều bị lầm lạc. Họ có một ít trải nghiệm và rồi họ cứ tiếp tục với các loại tiên đoán về sự tận thế. Có thể họ đã đọc một số lời tiên tri ở đâu đó trong Kinh Thánh. Rồi một trải nghiệm nào đó trở nên thật đối với họ đến nỗi họ thấy nhiều viễn cảnh diễn ra trước mắt. Và họ bắt đầu đưa ra những lời tiên đoán. Đó là vì họ không có kiến thức về gốc rễ của Yoga. Có thể họ thấy một ánh sáng màu trắng đi xuống và họ thốt lên là có một điều gì đó sẽ xảy ra. Họ bị những nhận thức mang tính chất tôn giáo đánh lừa. Nhưng một người biết được căn nguyên sẽ nhận thức được tất cả về những trải nghiệm như vậy. Chúng ta nên biết rằng tất cả những điều này đều đến từ samskaras shesha – một số samskara có từ trong quá khứ. Đó là một dạng khác của samadhi.
Bhava pratyayo videha prakritilayaanaam.
Câu này đi sâu hơn vào cõi huyền bí. Samadhi không chỉ thuộc về một cấp tồn tại đặc biệt nào. Nó còn vượt qua cả tầng đó nữa. Nó cũng đi vào các thế giới khác. Thiền định cũng tác động được đến những người không có cơ thể sống. Khi thiền, bạn không chỉ mang năng lượng hài hòa đến trong chính bản thân mình mà còn lan tỏa đến cho tạo vật và các cơ thể sống ở mọi cấp bậc tồn tại thậm chí là tinh tế nhất trong sự sáng tạo của tạo hóa. Do đó, việc thiền định của bạn còn ảnh hưởng đến ý thức và tâm trí của những người đã sống cách nay hàng trăm năm. Và cả của các thế hệ trong tương lai nữa. Mặc dù sinh mệnh là hữu hạn trong từng khoảnh khắc nhưng nó cũng là vô hạn. Sinh mệnh của bạn đã ở đây từ nhiều thế kỷ trước và sẽ tiếp tục ở đây cho đến nhiều thế kỷ sau nữa.
Có nhiều dạng Yogi (thầy Yoga) khác nhau. Một dạng được gọi là videha, có nghĩa là người không có cơ thể. Bạn vẫn có thể có cảm nhận như thể mình không có cơ thể, và tâm trí sẽ thăng hoa ở một tầm rất cao của trạng thái tĩnh lặng. Và những người không có cơ thể cũng nằm trong tầm ảnh hưởng và tác động của Yoga. Prakritilaya cũng tương tự vậy. Prakritylaya nghĩa là những người hoàn toàn đắm mình vào thiên nhiên. Họ cũng đạt được trạng thái tĩnh lặng giống như vậy. Họ tách khỏi sự tồn tại vật chất đến độ thậm chí họ không còn nhận thức về nó nữa. Videha là hoàn toàn không nhận thức gì về cơ thể và môi trường chung quanh. Đôi mắt bạn nhắm lại và tâm bạn hoàn toàn lắng xuống. Và rồi bạn đi vào trạng thái của samadhi, một trạng thái của thiền định. Khi bạn đang nhìn một ngọn núi hay đang ngắm mặt trời lặn, thì prakritilaya đang diễn ra trong bạn. Bạn đang đắm mình vào thiên nhiên tại thời điểm đó.
Bạn đang nhìn mặt trời lặn. Mặt trời đang lặn dần xuống. Bạn đang ở đó với mặt trời và quang cảnh trước mắt và rồi trong một thoáng chốc bạn không còn nhận thức về chính mình. Bạn chỉ biết có mặt trời. Khi bạn ngắm một ngọn núi, đôi khi bạn quên sự tồn tại của bản thân. Bạn không có nhận thức về những suy nghĩ, tâm trí hay cơ thể của mình. Không có một chút nhận thức nào cả. Đó là prakritilaya samadhi.
Tuy nhiên khi prakritilaya xảy ra, tâm trí bạn bỗng nảy ra một suy nghĩ: mình thật là ngu ngốc, mình nhìn chằm chằm vào nước làm gì. Bạn nghĩ mình nên dành thời gian đó để làm việc khác có ích hơn. Thế là bạn không còn hòa mình vào thiên nhiên nữa.
Prakritilaya là một thực hành trọng đại. Có người ngồi ở một nơi vắng vẻ hằng nhiều năm cho đến khi tất cả những suy nghĩ biến mất. Và tất cả những gì họ còn lại là một sự trống rỗng. Khi lo lắng hay căng thẳng, hãy thử làm điều này. Chỉ cần ngồi bên cạnh một dòng sông hay một con suối đang chảy và cứ nhìn vào dòng nước. Trong một khoảng thời gian ngắn, bạn cảm thấy như là có một lực hút nam châm; như thể tâm trí bạn đang bị kéo về hướng của dòng nước. Rồi bạn lại ngồi ở bờ phía bên kia và làm giống như vậy. Bạn sẽ thấy tâm trí bạn bị kéo về hướng kia. Đó là lý do tại sao nhiều người có ý định nhảy xuống sông tự tử nhưng thất bại khi nhìn dòng nước đang chảy. Họ thấy tồn tại một sự thay đổi và họ bỏ ý định tự tử. Vì khi nhìn vào dòng nước, có một sự thay đổi trong những rung động tâm trí họ, chính là prana (sinh lực/sinh khí) trong cơ thể. Trong một khoảng thời gian ngắn, tất cả những nỗi thống khổ, ảo tưởng và bất cứ điều gì đó đang dằn vặt họ đều tan biến. Họ trở nên tươi mới hơn. Người ta yêu biển bởi ở biển có nhiều prana, nhiều tầng ozone. Và khi bạn tiếp tục nhìn vào từng đợt sóng, từng đợt sóng, từng đợt sóng, nó tẩy sạch và kéo cái gì đó ra khỏi bạn. Đó là thiền prakritilaya, nơi bạn đang đắm mình với thiên nhiên.
Và videha có nghĩa là biết tôi không phải là cơ thể đó; tôi có một cơ thể; đây là cơ thể của tôi. Nhưng tôi không phải là cơ thể đó. Đây là kinh videha. Câu kinh này đã bị hiểu sai qua nhiều thế kỷ. Người ta đã hiểu sai nó hết lần này đến lần khác.
Patanjali nói rằng những điều trên sẽ thích hợp với một số người vào từng thời điểm nhất định. Nó không giống như dạng thực hành mà mọi người làm mỗi ngày. Không phải ai cũng đi lên núi mỗi ngày mà chỉ có một số người đi vào một thời điểm nhất định nào đó.
Rồi đến:
Shraddha veerya smriti samadhi pragyaapoorvaka itareshaam.
Đây là câu kinh quan trọng nhất.
Shraddha nghĩa là đức tin. Đức tin tạo ra những phẩm chất tốt đẹp trong ý thức của bạn. Nó làm cho tâm trí bạn ổn định, vững vàng và mạnh mẽ. Nghi ngờ trong nhận thức làm cho bạn yếu đuối, dễ bị tổn thương, sợ hãi và chông chênh. Nhưng đức tin làm cho bạn mạnh mẽ. Đức tin mang đến cho bạn sự viên mãn. Nó kết nối những tầng chưa hoàn chỉnh trong ý thức bạn. Nó tích hợp toàn bộ tính cách của bạn. Nghi ngờ, phân tán và hủy hoại bạn. Nó phân tán bạn và năng lượng của bạn.
Phân tán năng lượng là nghi ngờ. Hợp nhất năng lượng là đức tin. Cảm giác khi có đức tin là một dạng hợp nhất, là sức mạnh. Đó là lý do tại sao Chúa Jesus cũng nói đức tin là sức mạnh. Hai thứ này đồng nghĩa với nhau. Khi bạn mạnh mẽ và quả quyết, bạn có đức tin. Khi bạn yếu đuối và nhu nhược, bạn có nỗi hoài nghi. Nghi ngờ và thiếu kiên quyết là các dấu hiệu của sự yếu đuối. Đức tin là sức mạnh. Khi có đức tin thì bạn cũng đạt đến trạng thái samadhi, đạt đến tĩnh lặng. Thiền từ đức tin mà ra.
Rồi đến veerya. Veerya là sức mạnh 100%, là nghị lực, lòng can đảm và sức sống. Đó là lòng can đảm và dũng cảm tột đỉnh. Nhờ sự dũng cảm này mà quốc gia yên ổn trong sự bảo vệ của quân đội. Lúc ấy, toàn bộ năng lượng trong đất nước cùng trỗi dậy. Chúng ta chiến đấu khi đất nước lâm nguy, khi tôn giáo gặp nguy hiểm. Can trường nảy sinh trong lòng dân là từ đây. Và không phải là không có phấn khích. Trong khoảnh khắc can trường và lòng yêu nước dâng cao ngút ngàn, người ta cảm nhận được cả một nỗi phấn khích tột độ. Đó là lý do tại sao thế giới này cứ chiến tranh liên miên. Nếu người ta lên án chiến tranh và nếu không ai quan tâm đến nó thì chiến tranh sẽ không xảy ra. Mặc dù hậu quả chiến tranh rất đau lòng nhưng quá trình nó diễn ra lại đầy kịch tính. Người ta thích những bộ phim đầy kịch tính với cùng lý do như vậy. Lòng nhiệt huyết, xúc động, hồi hộp là cảm giác của veerya, sự dũng cảm.
Mọi tế bào trong cơ thể bạn trở nên hợp nhất và toàn bộ ý thức trở thành một. Ý thức phòng thủ được đánh thức trong bạn. Một lần nữa nó biến thành sức mạnh. Khi cơ chế phòng thủ lên đến đỉnh điểm, nó mang lại niềm phấn khích vì cũng có sự bình tĩnh ở đó. Có cảm giác của lòng biết ơn, lòng yêu nước và tinh thần cống hiến. Cảm giác yêu nước, sẵn sàng chiến đấu cũng đưa bạn đến trạng thái thiền.
Smriti nghĩa là ký ức. Một khi bạn có một tâm thái bình an, thoải mái thì ký ức về một trải nghiệm nào đó làm bạn sống lại những sự việc đã xảy ra. Ký ức của samadhi tái hiện ký ức về bản chất của một con người; ký ức về sự tự do, sự tận tâm, sự cống hiến, niềm vui, tình yêu thương mang bạn về với chính bản thể của mình. Thông thường chúng ta không nhớ về những điều tốt đẹp nhưng lại cứ khư khư giữ lấy những điều mang lại cảm giác tiêu cực. Chúng ta không nhớ những lời khen mà chỉ nhớ những lời chê hay xúc phạm đến mình. Yoga xoay ngược xu hướng ấy để bạn nhớ về những thời khắc tuyệt vời đã có. Hãy ngồi lại với nó. Nhờ thế, toàn bộ con người bạn sẽ quay trở lại trạng thái tuyệt vời đó.
Samadhi prajnapoorvaka. Thông qua samadhi (thiền sâu, tâm trí bình lặng), ta có được nhận thức và prajna là kết quả của samadhi. Tâm trí bình yên nâng nhận thức lên tầm mức cao hơn.
Đây là những con đường và phương thức giúp cuộc sống của bạn nở hoa.
Đây cũng là những con đường nhận thức về bản thể, và câu kinh tiếp theo là:
Teevra samvegaanaam aasannah.
Thường chúng ta hay đặt việc thực hành, tu tập của mình ở vị trí ưu tiên hàng thứ ba, bốn hay năm. Vị trí ưu tiên hàng đầu thường dành cho những thứ thuộc về vật chất – cho sự sống còn của chúng ta, và ưu tiên cuối cùng dành cho những thứ thuộc về tâm linh. Do đó đời sống tâm linh sẽ phát triển chậm.
Patanjali nói: “Teevra samvegaanaam aasannah”.
Khi bạn dành ưu tiên số một cho sự thực hành tâm linh thì việc đó sẽ dễ dàng hơn. Bạn nên đặt trọng tâm cuộc sống của mình ở việc phát triển tâm linh, chính là sự bình an trong tâm. Sau đó, mọi thứ khác sẽ tự khắc xuất hiện.
Cam kết đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc sống là ở cùng Chân tính và phát triển trong Chân tính. Rồi mới đến những thứ khác – bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội… Nếu bạn đặt ưu tiên theo thứ tự như vậy thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra bản thể. Teevra samvegaanaam asannaha.
Giác ngộ vô cùng dễ cho ai coi phát triển chân tính là ưu tiên số một, cho ai thực sự muốn thức tỉnh.
Mặc dù như vậy, cũng có ba mức độ cam kết:
Mridu madhyaadhi mantratva tatoh api visheshah.
Mridu có nghĩa là tốc độ. Có tốc độ chậm, tốc độ vừa, tốc độ nhanh.
Cũng có ba dạng người – dạng thứ nhất là những người tập trung tuyệt đối vào việc tu tập. Dạng thứ hai là những người hoàn toàn không quan tâm đến nó và dạng cuối cùng là những người thực hành vì họ bắt buộc phải làm.
Và câu kinh tiếp theo là:
Iswara pranidhaan dwa.
Nếu một lòng tôn kính Thượng Đế thì cũng có thể đạt được samadhi.