Đừng bận tâm. Tâm trí bạn không bao giờ chạm đến được nơi bạn đang hiện hữu. Một ngọn sóng không thể đi vào lòng đại dương. Nếu sóng đi sâu được xuống đáy thì không còn là sóng nữa. Tâm trí và chúng ta cũng giống như thế. Nó không bao giờ có thể chạm đến bạn. Tâm trí không thể là bạn. Cho nên đừng bận tâm. Bạn cũng không bao giờ là tâm trí. Nó chỉ ở bề nổi. Khoảnh khắc tâm trí tiến gần đến bạn, nó không còn là tâm trí nữa. Thế nên mới nói: “Đừng bận tâm!” Nơi mà bạn được chấp nhận, thì không bao giờ có tâm trí. Tâm trí không bao giờ đi được đến đó.
Tâm trí luôn đặt câu hỏi “tại sao, tại sao, tại sao”. Chắc bạn cũng rất quen với chuyện này. Bạn biết điều đang làm phiền bạn chỉ là vấn đề của tâm trí. Khi biết được thế, bạn bắt đầu tỉnh thức, và nhận thức bắt đầu xuất hiện. Tâm trí bạn thấy nhẹ nhõm hơn. Càng cảm thấy các câu hỏi chỉ là “vấn đề của tâm trí”, bạn càng cảm thấy tỉnh thức hơn. Và rồi các câu hỏi ấy sẽ tan biến đi. Đây chính là abhyasa, là thực hành.
Trong câu kinh tiếp theo, Patanjali nói:
Sa tu dheerghakaala nairantharya sathkaara sevito dridha bhoomih.
Muốn nỗ lực để đạt được tĩnh lặng và ổn định thì phải thực hành. Vào lúc bạn nhận ra đó là khoảnh khắc ở hiện tại thì nó lập tức tan biến. Ngay khi bạn cảm thấy hiện tại đã đến thì bạn đã mất nó. Khi bạn nói “bây giờ” thì cái “bây giờ” đã không còn nữa. Nói rằng bạn mất nó thì có thể không đúng, nhưng trong một chừng mực nào đó, bạn cảm thấy rằng mình không còn ở trong khoảnh khắc “bây giờ” đó nữa. Chính vì thế nỗ lực ở trong “bây giờ” không đơn thuần tuyến tính. “Bây giờ” không phải là một trình tự trước sau. “Bây giờ” rất sâu và rộng. “Bây giờ”, khoảnh khắc hiện tại, không chỉ là một điểm, cũng không chỉ là một dấu chấm. Nó là vô tận. Nó là “bây giờ” trong tất cả các chiều không gian và từ mọi phía. Thực hành mang lại sự tịch tĩnh trong thời điểm đó. Đó là mục đích của thực hành. Vậy thì làm thế nào để sắp xếp và đạt được điều đó?
Sa tu dheergakaala – phải mất một thời gian dài. Nairantharya có nghĩa là không có gián đoạn. Sathkaara sevito có nghĩa là với sự tôn kính. Đón nhận và thực hành nỗ lực với thái độ tôn kính. Dhrida bhoomi – sau đó nỗ lực sẽ trở nên bền vững. Bất cứ điều gì có giá trị trong cuộc sống đều cần có một khoảng thời gian nào đó để trau dồi, tu dưỡng. Để nắm vững một nghệ thuật – nấu ăn, chơi đàn hoặc thổi sáo – đều cần có một khoảng thời gian nhất định. Bạn không thể học thổi sáo trong một ngày. Điều đó là không thể. Để học chơi một nhạc cụ phải tốn rất nhiều thời gian, và để tinh thông nó thì thậm chí còn lâu hơn nữa. Người ta cần một huấn luyện viên để dạy bóng đá. Nếu muốn trở thành một vận động viên thể thao, bạn cần phải có một huấn luyện viên và bạn cần phải luyện tập. Bạn cần một người hướng dẫn trong phòng tập thể dục. Bạn không thể tạo cơ bắp cho cơ thể trong một đêm. Phải mất khá nhiều thời gian. Cơ thể có những đòi hỏi riêng cho sự phát triển của nó. Tâm trí cũng thế, thậm chí nó cần thời gian lâu hơn để phát triển. Nó cần thời gian để ghi nhớ một điều gì đó. Tương tự, bất cứ sự luyện tập nào cũng cần phải có thời gian. Không cần phải quá dài nhưng đủ lâu và không bị gián đoạn. Chúng ta thường học thứ gì đó một thời gian rồi bỏ dở. Sau đó, chúng ta sẽ muốn bắt đầu lại. Thường chúng ta hành động tùy hứng, thích thì làm, không thích thì thôi, nhất là khi chúng ta cảm thấy hơi lười biếng. Rồi việc gì sẽ xảy ra? Sự liền mạch bị phá vỡ và chúng ta sẽ không đạt được những điều mình muốn. Do đó, luyện tập thường xuyên và không gián đoạn là điều cần thiết. Nếu bạn đi tập thể dục ở trung tâm vài ngày rồi bỏ, một thời gian sau mới đi tập lại thì bạn sẽ không đạt được điều gì cả. Nếu bạn tập piano hai ngày rồi nghỉ hai tháng mới tập lại thì chắc chắn bạn sẽ không đạt được điều gì cả. Bạn không thể học được bất cứ một môn nghệ thuật nào nếu thiếu kiên trì đều đặn.
Do đó, sa tu dheergakaala nairantharya – một thời gian dài không gián đoạn.
Sathkaara sevito – với thái độ tôn kính. Đây là một điểm quan trọng khác. Đôi khi chúng ta vừa làm việc vừa càu nhàu. Làm việc mà thiếu nhiệt tình thì không ích lợi gì. Đó không phải là abhyasa. Abhyasa là thực hành với lòng biết ơn, với thái độ thành kính và tôn trọng. Chúng ta đang thiếu thái độ này trong cuộc sống.
Bất cứ làm việc gì, thậm chí là một việc vô cùng chóng vánh, vặt vãnh, chúng ta cũng nên làm với thái độ thành kính và tôn trọng. Thái độ tôn kính khi làm việc có thể mai một nếu công việc đó kéo dài đằng đẵng. Nếu lần đầu tiên phải dàn dựng một sân khấu, chắc hẳn bạn sẽ rất tỉ mẩn, cẩn thận và trân trọng. Bạn sẽ bỏ nhiều công sức cùng với sự quan tâm, tình yêu thương và tất cả tâm trí vào đó. Nhưng nếu phải làm việc đó mỗi ngày trong vòng năm, sáu tháng, hẳn bạn sẽ không còn cái tinh thần của lần đầu tiên nữa. Dần dần, bạn không còn chú tâm và tôn kính những gì mình đang làm.
Vào ngày đầu tiên ngồi thiền, bạn cảm thấy rất tuyệt vời bởi vì bạn ngồi với tất cả sự thành kính. Nhưng sau vài lần bạn sẽ cảm thấy chán. Bạn chỉ ngồi đó và nhắm mắt. Nó không còn hiệu quả như ngày đầu nữa.
Nếu như có một ngày nào đó việc tập thiền hay bài tập Kriya1 của bạn không còn hiệu quả nữa thì đó là vì bạn đã đánh mất lòng tôn kính đối với nó. Không phải bạn xem thường nó, chỉ là bạn bớt quan tâm chú ý đến nó. Khi thỉnh thoảng bạn đi học một khóa thiền, việc thiền của bạn sẽ sâu hơn vì bạn nhập tâm. Bạn tôn kính kiến thức đó và bạn tôn kính bản thân mình.
1 Bài tập thở Sudarshan Kriya (Kriya) là bài tập thở với nhiều tác dụng tích cực được dạy trong các khóa học cơ bản của The Art of Living, như Khóa học Hạnh Phúc (Happiness Program), khóa YES+… đã được hàng triệu người trên khắp thế giới truyền dạy và luyện tập. (Chú thích của người dịch, từ giờ viết tắt là ND)
Thế nào là tôn kính? Có bao giờ bạn nghĩ về khái niệm này chưa? Tôn kính là toàn tâm toàn ý vào giây phút hiện tại, với lòng biết ơn. Nếu bạn tôn kính ngọn núi, nghĩa là bạn đang nhìn ngọn núi với cả trái tim và tâm trí mà không thầm thắc mắc hay tranh luận gì. Đơn thuần là bạn đang tỏ lòng tôn kính, đang thấy hạnh phúc và biết ơn sự có mặt của ngọn núi đó. Bạn tôn kính một số nhà khoa học đã đạt giải Nobel. Thế có nghĩa là gì? Nghĩa là khi họ xuất hiện trước mắt bạn, bạn có mặt hoàn toàn trong thời khắc đó bằng cả trái tim mình.
Hãy tôn kính từng khoảnh khắc trong cuộc đời bạn. Rồi thái độ đó sẽ trở thành một thói quen thường nhật. Bạn tôn kính và biết ơn cơ thể mình. Đó chính là hành, là asana. Asana là tôn kính cơ thể của bạn trong mọi khoảnh khắc một cách có ý thức. Tôn kính hơi thở và duy trì thái độ tôn kính ấy trong một khoảng thời gian là pranayam. Điều này cũng giống như kriya và các kỹ năng kriya. Vấn đề là bạn cần phải thực hành kriya đều đặn. Thực hành chỉ trở thành thực hành khi bạn thực hiện lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài – chuyên tâm và không gián đoạn. Thực hành chỉ trở thành thực hành khi bạn tôn kính nó từng ngày và từng khoảnh khắc. Rồi sau đó, cái điều bạn đang thực hành mới ăn sâu vào huyết quản, vào con người bạn. Nguyên tắc này rất quan trọng.
Nếu có một ngày nào đó, bạn cảm thấy hành thiền thật là buồn tẻ thì hãy xem mình có luyện tập liên tục không. Nếu có thì hãy xét lại xem mình có tôn kính câu kinh và thời gian cầu kinh không, hay bạn có tôn kính sự sống trong bạn không. Nếu như thiếu một trong những điều trên thì việc thiền của bạn sẽ không có hiệu quả. Vì vậy, hãy kiên định và tôn kính việc thực hành của mình. Hãy tôn kính giây phút hiện tại, hãy coi tất cả những điều khác là không quan trọng. Bất kể thời điểm hiện tại này có như thế nào thì nó cũng rất quý giá.
Hãy tôn kính lời dạy này, lời dạy mà người thầy trao cho bạn. Lời dạy của thầy vô cùng quý giá. Tôn kính thầy là tôn kính lời dạy của người. Bằng không, bạn sẽ không thể thiền được. Đó là vì lòng tôn kính đánh thức ý thức và nâng cao nhận thức trong bạn, giúp bạn hoàn toàn chú tâm vào giây phút hiện tại. Chú tâm vào hiện tại thì có ích cho bạn. Nếu bạn không tôn kính người thầy thì người thầy cũng chẳng thiệt gì. Chính tâm trí của bạn sẽ bị thiệt thòi vì nó không thể có mặt hoàn toàn ở hiện tại và quay về với bản thể.
Sathkaara sevito – tôn kính, tôn kính nguồn cội của kiến thức, tôn kính người thầy, tôn kính kiến thức, tôn kính người tiếp nhận.
Người nhạc sĩ giỏi sẽ tôn kính âm nhạc, tôn kính người thầy đã dạy anh cũng như người sáng tác. Anh ta tập trung hoàn toàn sự chú ý vào đó. Cũng giống như một vận động viên thể thao giỏi. Anh ta sẽ phải tôn kính vị huấn luyện viên của mình. Bằng không, anh ta sẽ không tiến bộ được.
Nhờ tôn sư trọng đạo, anh ta có thể tiến xa trong môn thể thao của mình. Ngược lại, nếu anh ta cứ phán xét người thầy và tùy tiện làm những điều mình muốn thì cần gì phải có một huấn luyện viên. Đây là abhyasa, là sự rèn luyện, thực hành.
Thế đã đủ chưa? Chỉ abhyasa, chỉ luyện tập thôi thì đã đủ chưa? Chưa, vẫn chưa đủ. Cần phải có hai con bò để kéo cỗ xe này. Một là abhyasa và cái còn lại là vairagya.
Vậy thì vairagya là gì?
Drishta anushravika vishaya vitrishnasya vashikaara sangya variagyam.
Drishta anushravika vishaya – tâm trí bị hút về thế giới ngũ quan. Nếu bạn chỉ im lặng, nhắm mắt hoặc mở mắt, hoặc làm bất kể điều gì, khi ấy tâm trí bạn sẽ đi đâu? Nó đi về phía thị giác. Tương tự thế đối với các giác quan khác như khứu giác, vị giác, thính giác và xúc giác. Khao khát trải nghiệm bất cứ một giác quan nào cũng có thể ngăn cản tâm trí bạn sống trọn vẹn giây phút hiện tại.
Vairagya là kéo các giác quan ra khỏi sự thèm muốn, khao khát để quay trở lại giây phút hiện tại trong chốc lát. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy rằng phong cảnh dù đẹp đến đâu, bạn cũng không hứng thú ngắm nó. Đồ ăn dù ngon đến mấy cũng không phải lúc để ăn và bạn cũng không tha thiết nếm thử. Âm nhạc khi đó dù có êm dịu đến thế nào thì bạn cũng không muốn nghe. Có thể là rất tuyệt nếu được chạm vào một thứ gì đó, nhưng hiện tại bạn lại không thích chạm vào hay cảm nhận nó. Vairagya là hiện hữu thậm chí trong chốc lát. Đây là một yêu cầu cơ bản khác của thiền. Mỗi khi muốn thiền – mà là thiền sâu – tâm trí bạn phải bắt đầu buông xả. Không buông xả thì không thiền được. Có thiền cũng chẳng ích lợi gì. Có thiền thì tâm trí bạn cũng chẳng thư giãn như bạn hằng mong.
Tâm trí bạn mệt mỏi và kiệt sức vì nó cứ chạy theo hết mong muốn này đến mong muốn khác. Cứ nhìn lại tất cả những khao khát mà bạn đã đạt được mà xem. Chúng có cho bạn được nghỉ ngơi không? Chắc hẳn là không. Chúng chỉ tạo thêm cho bạn nhiều khao khát nữa. Chúng đã khiến bạn thỏa mãn chưa? Chưa. Chúng chỉ khiến bạn ngày càng hy vọng rằng mình có thể đạt được nhiều hơn nữa, sẽ có nhiều hơn nữa. Và điều đó đưa bạn vào một hành trình vô nghĩa khác. Bạn đang ở trên một chiếc đu quay. Nó xoay vòng vòng và không bao giờ đến đích, cũng chẳng đi tới đâu cả. Nó chỉ đi vòng quanh một chỗ, nhưng lại tạo cho bạn ảo giác là bạn đã đi hàng bao nhiêu dặm. Cuộc sống cũng là một hành trình như vậy. Những khao khát làm cho bạn cứ rong ruổi, lao về phía trước nhưng chẳng đi đến đâu. Tâm trí luôn bị ham muốn ám ảnh thì sẽ không hành thiền được.
Con người có hai loại thái độ. Một số người cho rằng tâm trí không nên có bất cứ ham muốn nào và điều này trở thành một ham muốn khác. Triệt tiêu ham muốn. Một số người tìm cách triệt tiêu ham muốn. Nhưng họ chỉ triệt tiêu được dấu hiệu của ham muốn mà không thấy được nguồn gốc của nó. Cuối cùng họ không đạt được gì cả. Chúng ta cần phải hiểu kỹ căn nguyên của vấn đề.
Vitrushnasya vashikaara. Sự ham muốn bất cứ đối tượng cảm giác nào hoặc bất cứ thiên đường nào, khiến tâm trí phải hướng tới thì đều là một chướng ngại. Bất kỳ sự mong đợi nào trong khi hành thiền cũng đều là một chướng ngại. Có thể bạn nghe nói ai đó đã thấy được ánh sáng hoặc thấy người từ thiên đàng xuống và nắm tay họ. Thế là bạn ngồi nhắm mắt chờ đợi một thiên thần hoặc một tia sáng chiếu vào bạn rồi bung ra thành triệu vì sao. Tất cả những ý tưởng và suy nghĩ này đều là chướng ngại.
Buông bỏ dục vọng không có nghĩa là từ bỏ mọi niềm vui đang có. Thực ra, khao khát có được niềm vui hay hạnh phúc mới chính là nguyên do khiến bạn không vui. Nếu nhìn lại những lúc mình thấy khổ sở hoặc không vui, bạn sẽ thấy đau khổ là do mong cầu được hạnh phúc của bạn. Mong cầu hạnh phúc sẽ mang đến buồn khổ. Nếu bạn không mưu cầu hạnh phúc, bạn sẽ thấy hạnh phúc. Khi bạn không quan tâm đến hạnh phúc, bạn sẽ thấy tự do và khi bạn không quan tâm đến tự do, bạn sẽ có được tình yêu.
Đây là param vairagya. Nhưng đó là bước thứ hai. Bước đầu tiên là bạn không màng đến hạnh phúc. Rồi bạn sẽ thấy tự do, thoải mái.
Hạnh phúc chỉ là một ý niệm đơn thuần trong tâm trí. Bạn nghĩ nếu bạn có được một thứ gì đó, bạn sẽ hạnh phúc. Nhưng nếu bạn có tất cả những điều bạn muốn, bạn có hạnh phúc không? Lúc đó, bạn sẽ nghĩ cảm giác có được thứ mình muốn không như mình vẫn tưởng.
Vairagya là thôi khát khao hạnh phúc. Nhưng không có nghĩa là bạn phải buồn khổ. Không có nghĩa là bạn không nên hưởng thụ. Nhưng nếu có thể đưa tâm trí thoát ra khỏi những thèm khát có được niềm vui, thì bạn sẽ hành thiền được. Lúc đó, bạn có thể lắng được cả năm hoạt động tâm trí (vritti), và rồi Yoga sẽ diễn ra.
Bạn cần phá vỡ mọi ước mơ và ảo tưởng của mình. Hãy cho chúng một mồi lửa, thiêu rụi chúng đi. Bạn muốn mình hạnh phúc thế nào? Bạn duy trì hạnh phúc được bao lâu? Sớm muộn gì bạn cũng sẽ rời khỏi cõi đời này. Chắc chắn thế. Tất cả rồi sẽ kết thúc. Hãy giải thoát mình trước khi trở về với cát bụi. Hãy giải thoát bản thân khỏi những cảm giác thèm muốn, khao khát hạnh phúc. Bạn đang hạnh phúc như thế nào? Mọi vui sướng mà bạn đã trải qua rồi cũng sẽ trở thành một miếng xốp, một vật để đóng gói – hoàn toàn vô vị!
Bạn nên hiểu rõ mọi khao khát của mình và nhớ rằng bạn sẽ chết. Có thể bạn đang thèm ăn kẹo, đường, thức ăn, hãy giữ cơn thèm đó và kiểm tra xem có gì trong đó. Bạn sẽ thấy rằng không có gì cả. Có thể bạn rất muốn ngắm những phong cảnh đẹp. Hãy cứ nhìn chúng đi. Bạn có thể nhìn được bao lâu? Đôi mắt bạn sẽ trở nên mệt mỏi ngay cả với nơi đẹp nhất. Rồi bạn sẽ nhắm mắt lại. Bạn sẽ quên tất cả các cảnh đẹp đó. Còn khao khát nào khác có thể nảy sinh trong bạn? Tình dục. Khả năng tình dục của bạn là bao nhiêu? Hãy hưởng thụ nó đi. Và khi đã thôi làm tình, bạn sẽ thấy không có gì trong đó cả. Thời khắc giao hoan và cơ thể thật hấp dẫn kia cũng giống như miếng xốp gói đồ.
Tất cả những đối tượng kích thích các giác quan của bạn đều có giới hạn của nó. Nhưng tâm trí bạn thì không sẵn sàng chấp nhận những giới hạn đó. Nó muốn có những thú vui vô tận mà ngũ quan của bạn không thể đáp ứng được. Bạn dễ bị kiệt sức khi làm đi làm lại cùng một việc.
Vairagya là nhẹ nhàng quay về với bản thể bằng cách trân trọng mọi đối tượng của giác quan và không đổ lỗi cho chúng. Đấy là buông xả. Thường những người nghĩ rằng mình đã buông bỏ được dục vọng thì hay chê trách thiên hạ và các đối tượng của giác quan. Họ sợ những đối tượng của giác quan và cố trốn chạy chúng. Họ nghĩ rằng chúng là những cám dỗ lớn. Nỗi sợ cám dỗ còn tồi tệ hơn. Bạn bị cám dỗ như thế nào?
Xin hãy đọc tiếp:
Tatparam purushakhyateh guna vaitrishnyam.
Một khi bạn biết được bản chất sự tồn tại của mình – là hạnh phúc trọn vẹn và niềm vui trọn vẹn – thì ngay cả nỗi sợ về các guna, về sự đời cũng sẽ biến mất. Giống như những bệnh nhân tiểu đường sợ đồ ngọt vì họ bị cấm ăn, người có bản chất ngọt ngào, dễ thương thì không bận tâm hay lo sợ sự ngọt ngào hay dễ thương bên cạnh.
Đó là parama vairagya – buông xả tuyệt đối, ví dụ như không sợ hãi hay chạy trốn sự đời mà hoàn toàn hiện hữu và bình thản giữa cuộc đời.
Mỗi người có ý niệm riêng về giác ngộ. Mỗi văn hóa và mỗi tôn giáo có ý niệm riêng về giác ngộ. Theo đạo Kitô thì một người giàu có không thể nào giác ngộ. Muốn giác ngộ thì phải nghèo khổ. Nếu thế thì Rama không thể nào giác ngộ. Ngài là một vị vua. Làm sao một vị vua lại có thể giác ngộ? Dù một con lạc đà có thể đi xuyên qua lỗ kim, thì một người giàu cũng không thể nào giác ngộ.
Có lần, tôi đi từ Bangalore đến Delhi. Tôi đã gặp một linh mục tại sân bay. Ông ta nhìn tôi và mỉm cười. Tôi mỉm cười lại và ông ta tiến đến tôi để nói chuyện. Ông ta gọi tôi như người anh em thân thiết. Ông nói ông thích nói chuyện với tôi vì trông tôi có vẻ là người rất tốt nên có động lực để ông đến nói chuyện. Rồi ông ta hỏi tôi có niềm tin vào Chúa Jesus không. Tôi trả lời có. Ông ta hơi ngạc nhiên một chút. Khi tôi xác nhận lại là tôi có tin vào Chúa Jesus, ông ta hỏi lại tôi lần nữa là có thật tôi theo đạo Hindu. Tôi đáp lại có lẽ tôi là người Hindu. Lúc này, ông chỉ ra rằng đáng lẽ tôi phải tin vào thần Krishna1 chứ. Tôi đáp tôi cũng tin vào thần Krishna nữa. Ông ta hỏi tôi làm sao Krishna có thể là Chúa được. Người ấy từng là một kẻ trộm bơ. Người ấy đã kết hôn. Làm sao một người từng trộm bơ và đã kết hôn lại có thể trở thành Chúa? Vị linh mục tiếp tục nói với tôi rằng Krishna không thể nào cứu rỗi tôi, chỉ có Chúa Jesus mới có thể. Ông ta nói mình cũng từng là một người theo đạo Hindu nhưng sau này đã cải sang đạo Kitô. Ông ta nói kể từ khi theo đạo Kitô, mọi thứ dường như đã bắt đầu diễn ra với ông ta. Chúa Jesus đang phù hộ cho ông ta. Rồi vị linh mục khuyên tôi cũng nên cải sang đạo Kitô. Ông nói rất chân thành và cố gắng cảm hóa tôi.
1 Krishna là một vị thần quan trọng trong đạo Hindu, được coi là hiện thân thứ tám của Thần Vishnu – một trong ba vị thần hiện thân cho ba nguồn năng lượng chính trong vũ trụ. Trong bộ truyện Mahabharata lấy trung tâm là cuộc đại chiến tranh, Krishna tham gia với vai trò là người thầy giảng giải cho Arjuna, một hoàng tử của một bên tham chiến. Những lời giảng của Krishna cho Arjuna lúc đó chính là nội dung của Bhavagad Gita, một trong những cuốn kinh quan trọng nhất và nổi tiếng nhất về cuộc sống trong đạo Hindu. (ND)
Những người Kỳ Na giáo không tin rằng Krishna đã được giác ngộ bởi vì ngài đã gây ra cuộc chiến. Arjuna đã quyết định từ bỏ cõi trần và trở thành một tu sĩ. Nhưng Krishna đã thuyết giáo Arjuna và đưa ông vào cuộc chiến. Bởi vì Krishna chịu trách nhiệm cho cuộc chiến lớn như vậy thì làm sao mà ngài có thể giác ngộ? Và ngài ấy đã từng ăn trộm bơ và có rất nhiều người vợ. Người như vậy thì không thể giác ngộ được.
Những người Kỳ Na giáo cũng cho rằng những người giác ngộ (sadhu) không nên mặc quần áo. Họ tin rằng những người giác ngộ thì lúc nào cũng phải khỏa thân. Không khỏa thân thì không giác ngộ. Làm sao để biết được một người đã được giải phóng khỏi những nhục dục hay chưa? Bằng chứng là gì? Những sadhu của Kỳ Na giáo không mặc quần áo. Họ không xem những ai ăn một ngày hai bữa là giác ngộ. Nếu một vị thánh ăn sô-cô-la thì người đó không thể nào được xem là một vị thánh được.
Các Phật tử có phương pháp riêng để xác định ai đã giác ngộ, ai chưa. Những người hát hò, nhảy múa và hưởng thụ cuộc sống thì không phải là đã giác ngộ. Những người quyến luyến gia đình thì không phải là đã giác ngộ. Giác ngộ là phải rời bỏ gia đình. Tôi đã gặp nhiều người như thế, họ được gọi là các sanyasi. Họ sợ phải gặp gia đình mình. Họ sợ càng gặp thì họ càng bị bám chấp thêm lần nữa.
Tôi nhớ là tại một tu viện (ashram) có một vị xuất gia (sanyasi) không muốn gặp mẹ mình, một người phụ nữ đã gần 70 tuổi vẫn lặn lội đến thăm. Ông gặp bất cứ ai, ngoài mẹ. Người phụ nữ tội nghiệp này đã làm gì để khiến vị tu hành kia không muốn gặp mặt? Bà ấy đã phải khóc. Rất nhiều vị từ bỏ gia đình như nữ tu, sư huynh và đức cha đã đối xử rất tệ với gia đình của chính mình bởi vì ý niệm của họ về xuất gia. Tại sao có thể yêu thương người ngoài mà không thể yêu thương người thân trong gia đình? Tại sao không thể nhìn họ trìu mến như nhìn mọi người khác? Đó là một ý niệm về xuất gia. Có rất nhiều vị sanyasi đã khó khăn như vậy với người thân trong gia đình.
Trong số những khái niệm về giác ngộ, chúng ta đã quên đi điều cơ bản, đó chính là buông bỏ và bình thản. Bình thản với mọi việc xảy ra trên thế gian. Đó là nguyên tắc quan trọng thứ hai của Yoga, abhyasa và vairagya.
Có ba phẩm chất (guna) trong vòng đời của chúng ta – sattva, rajas và tamas. Khi sattva đến, nó cho bạn sự tỉnh táo, tri thức, sở thích, niềm vui và hạnh phúc. Khi rajas đến, có nhiều khát vọng, bồn chồn, nóng nảy và buồn phiền phát sinh trong bạn. Khi tamas đến, nó lại mang theo sự lừa dối, ràng buộc, thiếu hiểu biết, thờ ơ. Ba guna này đến với mọi cuộc đời. Nhưng với một người bình thản, họ sẽ theo dõi, quan sát và trải qua chúng một cách tự nhiên và dễ dàng mà không kháng cự gì.
Nếu kháng cự thì sao? Thì tức là bạn càng thúc đẩy nó. Bạn lưu lại những thứ mà bạn không thích. Bạn tiếp tục thèm khát những thứ bạn muốn. Bạn cho phép những khao khát này tiếp tục. Vì vậy, trải qua các guna mà không nảy sinh khao khát hay khó chịu là một kỹ năng thật sự. Và đó chính là Yoga. Yoga karmasu kaushalam – kỹ năng trong hành động là Yoga. Từ Yoga nghĩa là kỹ năng – kỹ năng sống, kỹ năng quản lý tâm trí, kỹ năng đối trị với những cảm xúc, sống cùng với mọi người, để được yêu thương và không để tình yêu đó trở thành đố kị. Trên đời này, ai cũng biết yêu thương nhưng tình yêu không tồn tại lâu dài. Nó sớm biến thành thù ghét; có nhiều trường hợp là ngay tức thì. Nhưng Yoga là kỹ năng, là sự gìn giữ, là duy trì yêu thương, để nó mãi mãi là tình yêu.