Không điều gì có thể khiến chúng ta nổi nóng bằng một cái liếc xéo và một câu trả lời hỗn hào “Sao cũng được!” thốt ra từ miệng con cái. Nó gây bực bội, tức giận, đau đớn, điên tiết,… Dù đáng ghét thế nào thì nó chỉ là hành vi hoàn toàn bình thường của con trẻ.
Tỏ thái độ là cách để trẻ bắt đầu thể hiện sự độc lập. Tuy chưa sẵn sàng để ra khỏi vòng tay cha mẹ nhưng ở tuổi này, bọn trẻ đang cố khẳng định khả năng kiểm soát đối với những thứ như giọng điệu, phản ứng trên khuôn mặt, và sự gần gũi về thể chất với cha mẹ.
Vì vậy, trẻ sẽ tuột tay bạn ra khi cùng bạn băng qua đường. Chúng sẽ càu nhàu, gằn giọng đáp lại khi được giao việc nhà, hoặc bị chỉnh sửa về hành vi, thậm chí có thể buột miệng tuôn ra một câu chửi mà trẻ đã nghe ở đâu đó. Chúng sẽ thấy xấu hổ nếu bạn ôm hôn chúng ở nơi công cộng và có thể yêu cầu bạn cho chúng được ngồi trong góc hoặc ngay cạnh cửa khi đi thăm viếng nhà ai. Những tiếng gọi thân thương như “Mẹ yêu”, “Ba yêu” sẽ chỉ còn là “Mẹ” và “Ba”. Bạn nhận ra rằng con muốn được ở bên bạn bè hơn là bên gia đình.
Đây có thể là bước chuyển biến mang đến buồn vui lẫn lộn cho cha mẹ: bé con của bạn đang lớn lên nhưng có vẻ như mọi việc đang diễn ra quá nhanh. Tận dụng mọi cơ hội để tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình tốt đẹp chính là nền tảng vững chắc cho con sau này. Đồng thời, chúng ta cần nhớ rằng sâu bên dưới lớp vỏ mới này là một đứa trẻ vẫn đang rất cần và rất muốn có sự hiện diện của cha mẹ trong cuộc sống của chúng. Chỉ có điều chúng ngại thừa nhận điều đó.
Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về những thái độ mà bạn có thể gặp phải ở con cái. Những thái độ ấy đến từ đâu, tại sao chúng gây bực tức đến vậy, và làm thế nào bạn có thể xử lý chúng tốt nhất? Bạn chỉ cần nhớ mô hình ABC khi đối mặt với một thái độ bất ổn của con.
ĐỐI PHÓ VỚI CÁC HÀNH VI KHIÊU KHÍCH VÀ RA PHÁN QUYẾT
Đầu tiên, cha mẹ hay người nuôi dưỡng trẻ phải xác định được đâu là các hành vi khiêu khích. Đó là những thái độ xấu khiến bạn “sôi máu” khi thấy con thể hiện chúng. Chúng tác động mạnh đến bạn và bạn cảm thấy cần phải có phản ứng ngay.
Thế nhưng, ngay khi bạn muốn phản ứng thì bạn cần suy nghĩ xem có nên làm như vậy không. Đối phó với những hành vi tỏ thái độ xấu nghĩa là bạn đã chọn “nghênh chiến”. Bạn chỉ có thời gian và năng lượng có hạn để phục vụ cho việc nuôi dạy con cái, do đó bạn cần xác định xem những hành vi khiêu khích này có đáng để bạn tốn sức không. Không có luật nào quy định bạn phải luôn can thiệp vào những hành vi như vậy thì mới là người cha người mẹ tốt.
Khi muốn phản ứng, bạn cần suy nghĩ xem có nên làm như vậy không.
Một hành vi có tính khiêu khích hay không sẽ tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Ngay cả vợ chồng bạn cũng có thể nghĩ rất khác nhau. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu nhất quán trong phản ứng của cha mẹ trước cùng một hành vi của con, khiến cho đứa trẻ dễ bị nhầm lẫn, ấm ức, đôi khi oán giận. Vì vậy, quan trọng là cả hai vợ chồng phải biết quan điểm của người kia để thảo luận, hay ít nhất cũng nắm được tín hiệu của nhau để có phản ứng thích hợp trước thái độ xấu của con.
Xác định được thái độ nào của con có thể chọc tức bạn cũng là một phần bổ sung của chiến lược ưu tiên cho những điều tuyệt đối cấm kỵ ở gia đình. Mặc dù những thái độ xấu này chưa nghiêm trọng đến mức phải đưa vào danh sách những điều cấm kỵ tuyệt đối (như cắn hay đánh người khác), nhưng các bước phản ứng của bạn trước nó cũng tương tự như khi con vi phạm điều cấm kỵ. Nếu bạn quyết định không cho phép một hành vi đặc biệt nào đó thì bạn phải có cùng một phản ứng giống nhau mỗi khi thấy nó.
Ra quyết định về thái độ của con là nguyên nhân góp phần gây căng thẳng cho cha mẹ. Khi xử lý các hành vi, việc phán xử như thế nào là quyết định đầy khó khăn. Trong nhiều tình huống, thật khó mà gọi đúng đó là gì. Tin tốt lành là không có gì tuyệt đối đúng, mặc dù sẽ có một số quyết định dễ dàng hơn. Ví dụ, khi trẻ đánh người khác thì thật dễ dàng biết như vậy là không ổn và ra mệnh lệnh phù hợp – không được đánh. Đối với hành vi tỏ thái độ xấu, giới hạn cần can thiệp có thể mờ nhạt vì không có mệnh lệnh hoàn toàn đúng hoặc sai. Khi đối mặt với các thái độ của trẻ, bạn có thể lựa chọn xem thái độ nào thì nên can thiệp, thái độ nào thì bỏ qua, thái độ nào cần bỏ công sức chỉnh sửa và thái độ nào thì không cần tiêu tốn năng lượng.
Các phán quyết của bạn về thái độ của con trẻ luôn mang tính chủ quan. Vì vậy, bạn cần xây dựng hệ thống giá trị của mình để xác định phản ứng thích hợp, đồng thời cũng phải xem xét đến quan điểm của vợ/chồng, ông bà, hay những người lớn khác bên cạnh con. Hãy xem xét tại sao bạn lại phản ứng như vậy và có thể bạn sẽ tìm thấy một số gợi ý giúp mình thay đổi cách phản ứng sao cho hợp lý nhất. Tất cả chúng ta đều chỉ có nguồn năng lượng hạn chế để đối phó với các hành vi xấu của trẻ. Chúng ta không thể can thiệp mọi tiểu tiết, nếu không, chúng ta sẽ kiệt sức và kết quả là gây ra sự bất nhất trong quá trình nuôi dạy con cái.
Bảng 7-1 gồm một số thái độ phổ biến ở trẻ từ 3 đến 11 tuổi. Đây không phải là một danh sách hoàn chỉnh vì trẻ luôn rất sáng tạo trong cách thể hiện thái độ trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, phần cuối bảng là nơi để bạn bổ sung thêm những hành vi khác mà bạn đã gặp. Hãy cùng vợ/chồng mình duyệt qua danh sách này và đánh giá các hành vi theo thang điểm. Cho 5 điểm đối với hành vi làm bạn nổi nóng nhất, và cho 1 điểm với thái độ nào ít làm bạn khó chịu nhất. Cột người thân để dành cho người lớn khác thường xuyên ở bên trẻ, có thể là ông bà hay người trông trẻ, cho đánh giá về các hành vi khiêu khích của trẻ.
Gia đình bạn có tiếng chửi rủa nào nặng nề đến mức báng bổ không? Sự dối trá có nghiêm trọng đến mức gây tội đối với vợ/chồng của bạn? Khi con hỗn với bạn, bạn có xem đó là sự chống đối và bất phục không? Bạn có nghĩ con liếc xéo vì thiếu tôn trọng cha mẹ không? Bây giờ là lúc người lớn trong nhà cần có một cuộc thảo luận cặn kẽ với nhau về lý do cho mỗi đánh giá của mình.
Với những hành vi mà cả hai (hoặc tất cả) đã cho 2 điểm hoặc ít hơn, hãy xem có thể cùng nhau bỏ qua nó không. Trong bảng trên, những hành vi ở thang điểm rất thấp theo quan điểm riêng của bạn có nghĩa là chúng không đáng để bạn tiêu tốn năng lượng hay sự tập trung.
Cố gắng thống nhất với nhau về khung giá trị để đánh giá hành vi, thái độ của con trên tinh thần xem xét từng hành vi, thái độ có khả năng khiêu khích. Mục tiêu của bạn là cố gắng cắt giảm và loại bỏ sự không thống nhất giữa những người cùng tham gia nuôi dạy trẻ. Mặt khác, chúng ta cũng nên xác định xem có hành vi nào ít nghiêm trọng, có thể bỏ qua mà không cần phản ứng hay quan tâm gì đến chúng hay không. Tuy nhiên, một khung luật lệ thống nhất không có nghĩa là mọi người trong nhà phải xử lý mọi việc theo cùng một cách như nhau. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng trong tâm điểm của sự kiện hay dựa trên hoàn cảnh cụ thể, bạn có thể điều chỉnh cách phản ứng vốn đã được thông qua, nhưng luôn theo đúng định hướng của khuôn khổ đã được thống nhất.
Các câu hỏi để hỏi trong việc xác định khuôn khổ của bạn có thể bao gồm:
- Hành vi nào xung đột với các giá trị của gia đình chúng ta?
- Thực tế chúng ta sẽ cần tốn bao nhiêu năng lượng để xử lý thái độ, hành vi đó?
- Chúng ta sẵn lòng tha thứ cho những gì?
- Làm thế nào để khuyến khích hành vi mà mình mong đợi con thực hiện?
- Chúng ta sẽ quản lý hành vi, thái độ xấu thế nào khi thấy chúng?
- Những hành vi này có diễn ra theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào người nào đang xử lý tình huống đó không?
Câu hỏi cuối cùng thực sự thú vị vì trẻ con thường có phản ứng khác nhau với cha và mẹ. Ví dụ, cha có thể nói với mẹ: “Nếu em làm theo cách của anh thì sẽ có hiệu quả!”, nhưng khi mẹ nói và hành động tương tự thì con vẫn có những phản ứng rất khác. Có nhiều lý do gây ra hiện tượng này, bao gồm giới tính, lịch sử tương tác, tính khí, giọng điệu,… Điểm mấu chốt của vấn đề là thực tế có sự khác biệt trong phản ứng của con. Dù bạn rơi vào phía nào, tốt hơn hay tệ hơn, thì bạn vẫn phải đối xử với con bằng con người thật của mình.
Cha mẹ có thể có hành động giống nhau nhưng lại gây ra những phản ứng rất khác nhau ở con trẻ.
HIỂU ĐƯỢC ẨN Ý PHÍA SAU HÀNH VI
Khi đối diện với thái độ xấu của con, bạn phải hiểu điều gì thực sự nằm ngoài sự kiểm soát của bạn và điều gì không. Bạn có thể dùng quyền lực để tác động lên một hành vi cụ thể, nhưng bạn không thể thay đổi được ý đồ đằng sau hành vi đó.
Nếu bạn đã từng cố ép con phải xin lỗi người khác vì đã buông lời xúc phạm, thì sau đó bạn cũng biết rằng dù có thể bắt con nói lời xin lỗi như một cách sửa sai nhưng con sẽ nói với giọng điệu gượng gạo. Bạn có thể buộc con phải lặp lại lời xin lỗi với giọng nói đàng hoàng, nghiêm chỉnh nhưng không thể làm cho con thành tâm. Điều này có thể nhanh chóng đẩy cả hai vào một cuộc đấu trí.
Ví dụ, Sammi và em trai Micah luôn cãi nhau và thường phải được phân xử. Sammi thực sự khiến cha phải nổi nóng vì luôn dài dòng lý sự mỗi khi nói lời xin lỗi với em trai của mình, chẳng hạn như: “Xin lỗiiiiiiiii đã đụng trúng tay em nhưng nếu em không vụng về lóng ngóng thì đâu có bị đổ nước ra như vậy”. Người cha đã ghi nhớ kiểu hành xử này của Sammi, do đó mỗi khi Sammi làm vậy, ông sẽ bắt bé phải xin lỗi nhiều lần hơn và buộc bé phải lặp lại lời xin lỗi mà không được nói thêm lý do lý trấu gì. Ông có thay đổi được ý định của Sammi không? Tuyệt đối không. Ông có thay đổi được hành vi của bé không? Chắc chắn là không rồi. Phải mất một thời gian, nhưng cuối cùng thì Sammi cũng học được rằng lý sự chày cối chỉ khiến bé gặp nhiều rắc rối hơn mà thôi. Micah bắt chước giọng điệu của chị một vài lần, nhưng bé cũng đã nhanh chóng học được cùng một bài học như chị.
Nói dối là một kiểu hành vi thể hiện thái độ xấu khác. Có sự phân biệt đối với các kiểu nói dối, dựa trên phân tích mô hình ABC của hành vi nói dối đó. Có hai loại nói dối: chối bỏ trách nhiệm (gần như là bản năng), và lời nói dối ngụy tạo (khi đứa trẻ có những ý định đằng sau lời nói).
Sau đây là một ví dụ với tình huống thường gặp là làm đổ nước ép trái cây:
Kịch bản thứ nhất: Mẹ thấy nước trái cây đổ trên sàn nhà và nửa ly còn trên bàn ở gần con trai. Mọi bằng chứng cho thấy chính bé đã làm đổ nước, nhưng mẹ vẫn hỏi có phải bé đã làm vậy không. Khi bị dồn vào góc như vậy, phản ứng tự nhiên sẽ là chối bỏ trách nhiệm, bởi vì trong tâm trí non nớt của mình, bé chỉ cố gắng tránh bị phạt. Sau đó, mẹ phạt bé hai lần – một là phạt cách ly (úp mặt vào tường – Thời gian Tạm lắng) vì chối tội, và sau đó là lau sạch nước đổ trên sàn. Bé rơi vào tâm trạng xấu sau khi bị phạt cách ly và thực sự bực bội khi phải dọn dẹp. Vì thái độ này mà mẹ cho bé thêm một lần tạm lắng nữa.
Tiền đề: Con làm đổ ly nước trái cây.
Hành vi: Con nhấn mạnh: “Không phải tại con! Con không biết tại sao nó đổ ra đó”.
Hệ quả: Con bị phạt, nhưng vì đã chối tội nên không học được cách tránh làm đổ nước, hay tránh những gì mình đã làm sai. Điều này không giúp giảm khả năng tái diễn của hành vi, khiến trẻ rơi vào vòng xoáy của hành vi tiêu cực và gây ra nhiều hệ quả không cần thiết.
Một cách đơn giản để cha mẹ xử lý hành vi chối tội của con là không đặt câu hỏi liệu con có làm đổ nước không. Thay vào đó, hành vi mà cha mẹ nên quan tâm là con mình phải cẩn thận hơn khi cầm ly nước. Điều này có nghĩa là đi thẳng vào việc xử lý sự cố đổ nước, với hệ quả là con sẽ lau sạch nước bị đổ. Đấy sẽ là một bài học tự nhiên cho trẻ: Khi làm đổ thứ gì đó thì phải lau sạch nó và cẩn thận hơn vào lần sau.
Kịch bản thứ hai: Mẹ thấy nước trái cây đổ trên sàn nhà và nửa ly còn trên bàn gần con trai. Khi mẹ nhìn bé, bé chỉ vào đứa em và nói dối rằng: “Em làm đổ nước của con”.
Tiền đề: Tương tự.
Hành vi: Bây giờ bé đang nói dối vì muốn em gái chịu tội thay mình.
Hệ quả: Kiểu nói dối này cần bị xử lý, cách thích hợp nhất là áp dụng một hình phạt và buộc phải xin lỗi: “Con không thể đổ lỗi cho em như vậy được; từ đầu bàn bên kia thì em thậm chí không thể với tới ly nước chứ đừng nói là làm đổ nước. Con lấy khăn giấy lau cho sạch đi, rồi sau đó phải xin lỗi mẹ và em vì đã nói dối. Nói dối và cố tìm cách đổ lỗi cho người khác thì không hay ho gì đâu”.
Rõ ràng, nếu nghi ngờ ai đã làm đổ nước trái cây thì mẹ sẽ phải xử lý việc này theo cách khác. Tuy nhiên, phân biệt rạch ròi giữa hai kiểu nói dối, nói dối đổ tội cho người khác và nói dối chối tội của mình, sẽ giúp người mẹ tránh những căng thẳng không cần thiết và tiết kiệm năng lượng.
ÁP DỤNG CÁC CHIẾN LƯỢC ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI TỎ THÁI ĐỘ XẤU
Việc điều chỉnh các Chiến lược Toàn diện của chúng ta để xử lý các hành vi tỏ thái độ xấu của con có liên quan đến một số sắc thái. Phải cẩn thận chú ý đến khái niệm củng cố các hành vi cho cả hai khía cạnh, khích lệ các hành vi tốt để tăng khả năng chúng được lặp lại và không khuyến khích các hành vi xấu để chúng ít có khả năng xảy ra lần nữa.
Làm gương cho con
Làm gương thông qua các ví dụ cụ thể sẽ giúp con biết được những hành vi bày tỏ thái độ mà bạn mong con thực hiện. Con sẽ hấp thu những bài học một cách âm thầm nhưng bạn sẽ thấy kết quả về lâu về dài. Trẻ con có thể không ý thức được mình thần tượng cha mẹ, nhưng chúng sẽ hành động theo cách của những người mà chúng có nhiều thời gian gần gũi với họ nhất. Nếu bạn không muốn con buông lời chửi rủa thì đừng bao giờ chửi rủa. Nếu bạn không muốn con liếc mắt thì đừng liếc mắt với con. Nếu bạn muốn được gia đình chú ý và cảm thông thì bạn phải chú ý và thông cảm với họ.
Có những lúc bạn sẽ thấy con bắt chước những hành vi, thái độ mà người lớn trong nhà thể hiện. Có thể khó mà phá vỡ một thói quen xấu của một ai đó, đôi khi chính cá nhân đó cũng không quan tâm đến việc thay đổi hành vi của bản thân. Nếu vợ chồng bạn hoặc người lớn nào đó trong nhà không thể dừng thói xấu của mình lại thì bạn phải lội ngược dòng nếu muốn dập tắt một hành vi xấu ở con. Bởi lẽ hành vi này xuất hiện là do con bắt chước hành vi xấu mà người lớn phô bày và vẫn được phép diễn ra ở hiện tại. Tóm lại, chọn trận đấu mà bạn muốn tham chiến chính là trọng tâm cho việc giảm mức độ căng thẳng của bạn.
Nếu bạn không muốn con liếc mắt thì đừng liếc mắt với con.
Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có một lưu ý dành cho những phụ huynh có hành vi mỉa mai, đó là: khi chúng ta phản ứng với một chuyện gì đó bằng giọng điệu mỉa mai thì hệ quả không mong đợi là hành vi này sẽ trở thành hình mẫu cho con; khi nó vô tình được khuyến khích, nó sẽ xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, hãy cố gắng tránh phản ứng mỉa mai, châm biếm một cách tự nhiên của bạn. Nếu bạn thấy mình lỡ thốt ra những câu nói với giọng điệu đó, thì hãy làm gương cho con bằng cách tự sửa: “Để mẹ thử nói lại”. Như vậy, khi con nói chuyện với thái độ không hay và bạn yêu cầu: “Con thử nói lại đi”, thì trẻ sẽ hiểu bạn muốn gì.
Bạn cần đảm bảo con hiểu rõ một hành vi cụ thể nào đó không được chấp nhận. Đừng cho rằng con biết hết những điều có thể khiến bạn nổi nóng. Hãy nói với con một cách cụ thể, rõ ràng về hành vi mà bạn không thích và sẽ không chấp nhận.
Áp dụng chiến lược Rút lui và Phớt lờ hành vi bộc lộ thái độ xấu
Chiến lược Rút lui và Phớt lờ một thái độ xấu của con trẻ sẽ giúp bạn vẫn xử sự như một bậc cha mẹ, bất kể thái độ không hay của trẻ. Tất cả tùy vào việc bạn có muốn khuyến khích hành vi tốt để con lặp lại hay không. Sau đây là những câu hỏi mà bạn cần trả lời để cân nhắc liệu có nên bỏ qua hay rút lui trước hành vi bộc lộ thái độ xấu của con hay không.
- Sự chú ý của tôi có khuyến khích hành vi này không?
- Có nên tiêu tốn năng lượng để can thiệp vào hành vi này không?
- Nếu tôi bỏ qua, nó có làm tổn thương điều gì hoặc người nào không?
Với việc bộc lộ thái độ xấu, các phản ứng thận trọng có thể đem lại hiệu quả. Bỏ qua, lờ đi là một chiến lược đảo ngược tâm lý: không chú ý đến một hành vi nào đó sẽ làm cho nó ít có khả năng lặp lại. Chí ít đấy cũng là hành động tránh sự leo thang cảm xúc, và khi liên quan đến thái độ, thì đó là một cách để tự kiểm soát. Đây là điều quan trọng. Bởi lẽ, mặc dù chúng ta khó có thể bỏ qua một thái độ nào đó, thế nhưng khi thực sự cần phải ra tay, thì bạn cân nhắc xem có cần thiết phải bỏ công sức ra can thiệp vào hành vi đó hay không.
Rút lui là cách đáp trả trung lập, hời hợt nhằm không thêm dầu vào lửa trong những tình huống giàu cảm xúc. Khi bạn rời đi, bạn sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chiến, cũng như bạn sẽ không vô tình khuyến khích hành vi xấu ấy. Bạn chỉ cần cho con một chỉ dẫn mang tính định hướng, và sau đó quay lưng bước đi. Theo cách đó, bất kỳ lời càu nhàu, ca cẩm hay kêu gào nào của con cũng không lọt vào đôi tai “điếc đặc” của bạn.
Quản lý tình huống con bộc lộ thái độ xấu
Chiến lược quản lý các tình huống góp phần dẫn đến thái độ xấu của con là phần việc rất quan trọng. Ngoài trường hợp con đã nhìn thấy và bắt chước thái độ xấu của cha mẹ, bạn bè hoặc anh chị em, bạn cần xem xét hoàn cảnh xung quanh để tìm ra nguyên nhân tại sao hành vi đó xuất hiện tại thời điểm đặc biệt đó. Vì nhiều lý do khác nhau mà khi ở gần bạn bè, bé có thể bộc lộ nhiều thái độ hơn so với lúc riêng tư (xem phần viết về ảnh hưởng của bạn bè ở Chương 8). Tuy vậy, cũng có rất nhiều yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến kiểu ăn nói hỗn hào hay các thái độ xấc láo khác.
Sự căng thẳng có thể là tiền đề quan trọng dẫn đến việc hình thành thái độ. Một đứa trẻ bị căng thẳng, dù do kỳ thi vào trường chuyên cấp ba hay vì một cuộc thi đấu thể thao, đều có thể bộc lộ nỗi sợ hãi của mình thông qua những thái độ bất ổn. Theo đó, trẻ có thể cố gắng thể hiện lòng can đảm bằng cách che giấu nỗi sợ của bản thân, hoặc đơn giản là khó chịu nếu bạn tỏ ý muốn giúp đỡ. Một số trẻ tự nhiên nhấm nhẳng với cha mẹ trong các buổi thi đấu khiêu vũ hay bóng đá, và chúng thậm chí không muốn cha mẹ đến xem. Mặc dù khá khó khăn nhưng chúng ta hãy cố gắng nhìn ra được cảm xúc ẩn giấu đằng sau các thái độ bất ổn của con.
Truyền thông điệp rằng bạn tin tưởng vào năng lực của con
Khi con thể hiện thái độ nào đó, có thể là bé đang cố gắng khẳng định sự độc lập của mình, và phản ứng của bạn được não của bé diễn dịch theo một trong hai nghĩa: hoặc là bạn nghĩ rằng bé có thể xử lý mọi thứ một cách độc lập, hoặc là bạn nghĩ rằng bé không thể. Bất kể bạn nghĩ theo hướng nào thì những điều con nghĩ chính là những điều bạn “nói” thông qua hành động của bạn.
Khi con thể hiện thái độ nào đó, có thể là bé đang cố gắng khẳng định sự độc lập của mình.
Xét trường hợp một đứa trẻ muốn tự buộc dây giày và phản đối quyết liệt việc cha mẹ đòi giúp đỡ, mặc dù thực tế là bé chẳng thể nào làm được và sẽ bị muộn giờ. Thực ra, bé muốn làm điều đó để chứng tỏ năng lực bản thân. Vì vậy, khi can thiệp vào tình huống này, cha mẹ cũng đồng thời truyền đi thông điệp rằng họ thiếu tin tưởng vào năng lực của con, và như vậy đứa trẻ sẽ bộc lộ sự thất vọng, bực tức và có thể nâng lên thành cơn giận dỗi.
Cách bạn tương tác với con thể hiện mức độ tin tưởng của bạn ở con. Đôi khi, trẻ tỏ thái độ phản kháng chỉ để chứng minh chúng có thể làm điều đó. Điều này được thấy rõ ràng nhất qua các ví dụ về thái độ tách rời khỏi cha mẹ: không muốn nắm tay cha mẹ khi băng qua đường, hay đòi cha mẹ thả xuống trước cổng trường để tự đi vào lớp. Con của bạn đang cố gắng tìm kiếm sự độc lập và gửi thông điệp rằng chúng có thể tự xử lý một số công việc nào đó. Tất cả điều này có thể dẫn đến hành vi bộc lộ thái độ bất ổn của trẻ, thể hiện sự phản kháng đối với cách làm việc của bạn. Tất nhiên, bạn phải dựa trên sự an toàn của con để đưa ra quyết định đồng ý hay không. Tuy vậy, bạn cũng cần tôn trọng cảm xúc của con, tìm một cách nào đó để cho phép chúng độc lập hơn. Ví dụ, “Được rồi con yêu, mẹ biết con không muốn nắm tay mẹ khi băng qua đường nữa, nhưng mẹ thấy lo vì xe chạy trên đường rất nhanh. Vậy nên giờ mình thỏa thuận nhé. Ở đường lớn thì mẹ sẽ nắm khuỷu tay của con thay vì nắm bàn tay, còn khi mình đi đường nhỏ thì con có thể tự băng qua đường một mình, đồng ý không?”.
Cách bạn tương tác với con thể hiện mức độ tin tưởng của bạn ở con.
Chọn thời điểm để áp dụng các hệ quả tiêu cực (hình phạt)
Việc này có thể xảy ra khi tình huống leo thang và bạn nhận thấy các chiến lược đã áp dụng không đủ hiệu lực để ngăn chặn những hành vi xấu, đặc biệt là khi đối phó với các hành vi bị tái diễn và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để đánh giá tình hình, nếu thấy cần gia tăng trở lực thì bạn có thể chọn áp dụng một số hệ quả tiêu cực.
Chúng ta hãy xem xét một kịch bản liên quan đến hành vi nói tục của trẻ:
Kịch bản thứ nhất: Bé Rashid 8 tuổi nghe thấy anh họ chửi thề với bạn bè khi cha mẹ vắng mặt. Bé thực sự ấn tượng và muốn bắt chước, vì vậy không có gì phải ngạc nhiên khi bé bắt đầu sử dụng một số từ ngữ tương tự. Vào một ngày nọ, khi Rashid xúc phạm em gái mình bằng những từ ngữ đó thì cha mẹ của bé đã nói với bé rằng không được phép ăn nói như vậy trong gia đình. Cha mẹ đã không có phản ứng xốc nổi trước những từ ngữ xấu đó để tránh gây ra bất kỳ sự chú ý đặc biệt nào cho bé.
Tiền đề: Rashid muốn giống như người anh họ của mình và bắt đầu chửi thề.
Hành vi: Rashid dùng lời lẽ thô tục xúc phạm em gái.
Hệ quả: Cha mẹ của Rashid giáo dục cậu bé nhưng lại bỏ qua hành vi mà theo họ nghĩ đó là cách đúng đắn để tiếp cận vấn đề. Điều này đúng trong một số trường hợp, nhất là khi trẻ sử dụng ngôn ngữ để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Nếu đứa trẻ không nhận được bất kỳ sự chú ý nào thì nó sẽ không ăn nói kiểu đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người anh họ của Rashid bồi thêm rất nhiều sự khích lệ cho hành vi chửi thề của bé bằng cách làm cho bé cảm thấy thật thoải mái, thú vị khi chửi thề. Kết quả là có nhiều khả năng Rashid sẽ lặp lại hành vi này.
Kịch bản thứ hai: Hành vi tương tự xảy ra, nhưng cha mẹ của Rashid giờ đây đã nắm được mấu chốt vấn đề và có phản ứng kịp thời. Họ đã sẵn sàng áp dụng những gì mình cảm thấy là một hình phạt mạnh (hệ quả tiêu cực lớn) – điều mà Rashid không hề thích và sẽ cố gắng tránh xa trong tương lai. Họ đặt một cái hũ trong nhà bếp và thiết lập một quy tắc mới: bất cứ khi nào có ai trong nhà chửi thề, người đó phải bỏ một đô-la vào “Hũ tiền chửi thề”. Rashid đã phải tiết kiệm từng xu để mua trò chơi điện tử mới, vì vậy điều này đã đánh trúng tim đen của bé. Giờ đây, bé cố gắng hết sức để không chửi thề nữa.
Tiền đề: Tương tự.
Hành vi: Tương tự.
Hệ quả: Cha mẹ của Rashid đã áp dụng một hình phạt mạnh (hệ quả tiêu cực lớn), đó là tiền. Con trai họ rất quý những đồng tiền tiết kiệm của mình và không muốn tiêu phí chúng. Do đó, hành vi của bé bây giờ ít có khả năng tái diễn hơn.
Kịch bản thứ ba: Khoảng thời gian này, Rashid chưa tiết kiệm đủ tiền để mua trò chơi điện tử và bé chỉ làm những công việc lặt vặt trong nhà nên không được cho nhiều tiền. Cha mẹ bé biết rằng nếu áp dụng luật “Hũ tiền chửi thề”, họ sẽ phải cho bé vay tiền để trả cho những lần phạm tội. Điều này rõ ràng không đem lại hiệu quả gì. Thay vào đó, họ đánh giá lại tình hình, tìm một hệ quả tiêu cực khác làm hình phạt – đó là bắt Rashid viết thư xin lỗi em gái, đồng thời tước quyền đi xe đạp của bé vào cuối tuần.
Tiền đề: Tương tự.
Hành vi: Tương tự.
Hệ quả: “Hũ tiền chửi thề” không còn là một hình phạt hiệu quả trong trường hợp này. Vì vậy, cha mẹ của Rashid điều chỉnh chiến lược và đưa ra một giải pháp mới, hiệu quả hơn – đó là Rashid phải sửa sai bằng cách viết thư xin lỗi và chịu tổn thất là mất quyền được đạp xe vào cuối tuần. Nhờ đó, hành vi xấu của Rashid sẽ ít có khả năng lặp lại hơn.
Điểm mấu chốt để tìm ra một hình phạt (hệ quả tiêu cực) hiệu quả là tìm điều gì đó có ý nghĩa quan trọng với trẻ và sử dụng nó như một đòn bẩy.
***
Đối phó với hành vi bộc lộ thái độ xấu của con là một trong những khía cạnh của việc nuôi dạy con cái. Nó có thể trải rộng phạm vi từ sự khó chịu đến buồn vui lẫn lộn. Bạn phải thận trọng khi chọn “trận đấu” của mình bằng cách nhìn nhận chúng thông qua lăng kính hệ thống giá trị của gia đình mình.
Khi con có bước đột phá đầu tiên để tìm kiếm sự độc lập, đó cũng là thời điểm xuất hiện những hành vi thách thức khả năng giữ bình tĩnh của bạn. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng Chiến lược Toàn diện - Làm mẫu cho hành vi tốt, Rút lui và Phớt lờ hành vi xấu, bạn có thể sẽ lèo lái được những tảng băng này mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với con.
Việc quản lý các yếu tố góp phần tạo nên hành vi luôn có vai trò rất quan trọng, đồng thời cần sự nhất quán và truyền đi thông điệp tin tưởng vào khả năng của con trong việc xử lý một vấn đề nào đó. Trong bức tranh toàn cảnh về kỷ luật với ý nghĩa giáo dục, bạn hướng dẫn các con theo những cách thích hợp hơn để con thể hiện được sự độc lập, và nhờ đó thái độ xấu của bé sẽ tự tiêu tan. Điều này sẽ cho quả ngọt trong một vài năm tới khi bạn tìm kiếm ánh sáng ở cuối đường hầm mang tên “tuổi teen” của con.