Vào cuối ngày, ngay khi bạn muốn gục xuống hoặc bắt đầu thư giãn thì vấn đề về hành vi lại bùng phát, phải vậy không? Đôi khi, ngay tại thời điểm bạn cảm thấy sắp rảnh rỗi thì một vấn đề phát sinh khiến buổi tối trở nên tồi tệ hẳn đi. Thật không may, giờ ngủ là thời điểm chín muồi cho các hành vi quái lạ của trẻ.
Bất chợt nhớ ra các nhiệm vụ mà thầy cô đã giao cho ngày mai. Anh chị em phân bì, tị nạnh với nhau. Cơn cáu giận phát sinh. Chống đối, không vâng lời. Mức độ căng thẳng tăng vọt. Rồi đến những lời xin xỏ khi đèn vừa tắt và chăn vừa được kéo lên.
Đáng lẽ ra giờ ngủ phải là thời điểm thư giãn sau một ngày dài mệt mỏi. Sự yên bình giúp cho quá trình đi vào giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng trong ngôi nhà có trẻ em, tình hình không phải lúc nào cũng vậy.
May mắn thay, giờ ngủ cũng là thời điểm mà bạn có khả năng kiểm soát các vấn đề phát sinh. Bạn có thể quản lý hiệu quả các vấn đề này bằng cách áp dụng Chiến lược Toàn diện một cách nhất quán, bình tĩnh, và sáng tạo trong một số trường hợp. Sự sáng tạo xuất hiện bởi vì nề nếp sinh hoạt và truyền thống gia đình đóng vai trò lớn trong việc giảm căng thẳng và những vấn đề phát sinh vào giờ ngủ. Nó cũng tạo cơ hội để bạn củng cố mối liên kết với con khi xoa dịu cho chúng. Việc đặt dấu ấn riêng của bạn vào các chiến lược này đóng vai trò rất quan trọng và mang lại hiệu quả cao.
Hãy nghĩ về thời thơ ấu của bạn. Bạn nhớ gì về giờ ngủ – yên bình hay náo loạn? Bạn cảm thấy điều gì dễ chịu nhất? Có lẽ đó là khi ba mẹ của bạn hát hoặc đọc một quyển sách đặc biệt. Hoặc có thể nhờ một con thú nhồi bông hay một cái gối ôm mà bạn ngủ ngon giấc hơn. Mặc dù những phương pháp trấn an này đã được áp dụng từ khi con còn rất nhỏ, nhưng không bao giờ là quá muộn để bạn thêm vào một số thói quen mới hoặc giới thiệu với con những truyền thống quý giá của gia đình.
Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét tầm quan trọng của giấc ngủ và nguyên nhân gây ra các vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Sau đó, chúng ta sẽ bàn đến một số Chiến lược Toàn diện tốt nhất để giúp cho buổi tối của bạn trôi qua êm đềm hơn. Ngoài ra, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để trấn an con sau một cơn ác mộng. Cũng như với mọi vấn đề khác liên quan đến việc nuôi dạy con cái, đầu tiên bạn phải hiểu nguyên nhân của sự việc trước khi giải quyết chúng. Vì vậy, kiến thức luôn là liều thuốc giảm căng thẳng tốt nhất.
GIẤC NGỦ CỦA TRẺ RẤT QUAN TRỌNG
Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa chất lượng và số lượng giấc ngủ của trẻ em với nhận thức, học vấn, hành vi, tình cảm và sức khỏe của chúng. Một loạt các vấn đề phát sinh từ việc thiếu ngủ và ngủ không ngon giấc, bao gồm kết quả thấp khi kiểm tra IQ, khi làm bài kiểm tra ở lớp và có thứ hạng thấp trong trường.
Ngủ kém cũng liên quan đến các vấn đề về hành vi và rắc rối trong điều hòa cảm xúc, tâm trạng. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ không có giờ giấc ngủ nghỉ điều độ sẽ gặp nguy cơ về sức khỏe cao hơn những trẻ khác. Một số nghiên cứu bổ sung cho thấy trẻ em ở các gia đình có thói quen đi ngủ đúng giờ thường có xu hướng đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Giấc ngủ nuôi dưỡng trí não, cũng tương tự như thức ăn nuôi cơ thể vậy. Trong chúng ta, những người thỉnh thoảng hoặc thường xuyên không ngủ đủ giấc chắc chắn có những biểu hiện tiêu cực từ việc thiếu ngủ này.
Ưu tiên dành năng lượng cho điều bạn muốn, cũng như chọn bỏ qua những gì không đáng bận tâm.
Không ngủ đủ giấc có thể là nguyên nhân của một số vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe mà thoạt trông dường như chẳng liên quan. Mặc dù không phổ biến, song kịch bản sau đây đã xảy ra: một đứa trẻ bị chứng ngưng thở khi ngủ nhưng không được phát hiện sẽ tỏ ra mệt mỏi và không thể tập trung vào học tập, đồng thời bị chẩn đoán mắc ADHD (hội chứng tăng động giảm chú ý). Khi được chẩn đoán bị nấm amiđan (VA) và được cắt amiđan thì chứng ngưng thở khi ngủ không còn và ADHD cũng biến mất. Các bác sĩ sau đó nhận ra các triệu chứng bất ổn của bé đều bắt nguồn từ chứng ngưng thở khi ngủ và có thể bé chưa bao giờ bị ADHD cả. Thông tin này có vẻ đáng sợ nhưng chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn để nhấn mạnh quan điểm rằng ngủ kém có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Một vấn đề mà cha mẹ thường băn khoăn là con mình cần ngủ bao nhiêu thì đủ. Theo The National Sleep Foundation đề nghị, mỗi đêm, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo cần ngủ từ 11 đến 13 tiếng, trẻ em bậc tiểu học cần ngủ từ 10 đến 11 tiếng, và thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi cần ngủ trung bình 9 tiếng 15 phút. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho biết đó chỉ là những con số ước lượng, còn mỗi cá nhân sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau. Nhu cầu này có thể được xác định bằng cách đánh giá cảm giác của mỗi người sau khi có những thời lượng ngủ khác nhau. Nhiều trẻ có xu hướng bỏ giấc ngủ trưa khi lên 5 hoặc 6 tuổi. Vì vậy, nếu con đang trong độ tuổi đến trường tỏ vẻ mệt mỏi đến độ muốn ngủ trưa, đấy có thể là dấu hiệu cho thấy bé không ngủ đủ giấc vào ban đêm.
Như chúng ta đã biết, trẻ thường khó diễn đạt cảm xúc bằng lời nói, và chuyển thành cơn cáu giận hoặc các hành vi có vấn đề khác. Trẻ không biết rằng chúng đang mệt mỏi và thừa nhận điều này thì càng không bao giờ. Vì vậy, bạn cần quan sát con và nhu cầu ngủ của con thật chặt chẽ. Thậm chí ngay trong một gia đình, có bé có thể sinh hoạt bình thường và vui vẻ dù chỉ ngủ 9 tiếng một đêm, nhưng cũng có những trẻ tỏ ra khó chịu, hư dù ngủ đủ 11 tiếng mỗi đêm.
Tập thể dục đều đặn có thể tác động tích cực đến giấc ngủ. Tham gia vào các hoạt động thể chất hằng ngày, dù là đi bộ với ba mẹ hoặc chơi khoảng một tiếng ở sân trường sau giờ học, đều là những hoạt động giúp cho giấc ngủ diễn ra nhanh chóng hơn. Đó là chưa kể đến việc sức khỏe được cải thiện đáng kể từ các hoạt động này thay vì cứ ngồi yên một chỗ.
Giờ đi ngủ có thể trở thành một trận đấu cân não giữa cha mẹ và con cái mà trong đó, bạn thường không biết phải xoay xở thế nào để con đi ngủ một cách tự nhiên. Cho con ngủ muộn để bé dễ ngủ hơn thực sự là một thất sách – gây cản trở giấc ngủ tự nhiên và làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhịp điệu sinh học thay đổi lên xuống và, cũng giống như người lớn, một số trẻ bị tỉnh ngủ do quá giấc và cạn năng lượng vào buổi tối. Lúc này, có thể bé trông không mệt mỏi gì nhưng thực tế là bé đã quá mệt.
Cho con ngủ muộn để bé dễ ngủ hơn thực sự là một thất sách, không đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, trẻ thường rất giỏi trì hoãn việc đi ngủ bằng cách lặp đi lặp lại một câu hỏi hoặc đòi ăn uống vào phút chót. Điều này có thể khiến cha mẹ bực bội và đẩy tình huống lên thành vấn đề rắc rối. Trẻ có thể nói:
- “Con còn đói”, dù đã được ăn bữa tối no nê và cũng đã ăn thêm lần nữa.
- “Con vẫn còn khát”, ngay cả sau khi đã uống nước lần thứ ba.
- “Con không ngủ được”, trong khi mới nằm xuống được 2 phút.
- “Con sợ”, dù đã được đáp lại lời thỉnh cầu cuối cùng, bé vẫn nói thầm thì trong khi nắm chặt lấy tay bạn để bạn không rời khỏi phòng.
Tất cả những yêu cầu và mối bận tâm này của trẻ có thể đều chân thật và hợp lý. Trẻ có thể vẫn còn khát, còn muốn ăn thêm hay đối với nhiều bé, dù ở lứa tuổi nào cũng cảm thấy sợ khi không ngủ cùng cha mẹ. Thử thách dành cho bạn là làm sao thực thi được các luật lệ trong khi vẫn dàn xếp mọi chuyện yên ổn, tạo bầu không khí có lợi cho giấc ngủ. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng bằng cách áp dụng Chiến lược Toàn diện, bạn có thể làm cho giờ đi ngủ thuận lợi hơn và đem lại lợi ích cho cả gia đình.
ÁP DỤNG CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN CHO GIỜ NGỦ
Một trong những phần khó nhất của việc cho con đi ngủ đúng giờ là đến lúc đó, có thể bạn cũng đã mệt và chỉ muốn ngả lưng thư giãn chứ không muốn phải đối phó với những phiền phức vì con không chịu ngủ. Thế nhưng, chỉ cần đầu tư một chút thời gian để luyện cho con thói quen ngủ nghỉ điều độ thì về lâu dài bạn sẽ thu được quả ngọt là con có nết ngủ ngoan. Một khi đã làm được điều đó, bạn có thể được nghỉ ngơi nhiều hơn sau khi con đã ngủ.
Đầu tư một chút thời gian để luyện cho con thói quen ngủ nghỉ điều độ thì về lâu dài bạn sẽ thu được quả ngọt là con có nết ngủ ngoan.
Mục tiêu của việc áp dụng những chiến lược dưới đây là thiết lập một “nghi thức” (gồm vệ sinh cá nhân, thay quần áo ngủ, chỉnh đèn,…) nhằm thông báo giờ ngủ sắp bắt đầu. Nó giống như thiết lập một đèn báo để não của con biết rằng đã đến giờ ngủ. Tính nhất quán của nề nếp giúp thiết lập mối quan hệ giữa hệ thống tín hiệu và hành vi ngủ. Vì vậy, con sẽ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để ngủ khi thủ tục bắt đầu. Mặt khác, bản thân các thủ tục cũng tạo ra một bầu không khí yên bình giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta áp dụng một thủ tục hợp lý cho con ngay từ những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bắt đầu làm điều này khi con ở bất kỳ lứa tuổi nào. Chỉ cần một vài điều chỉnh giúp con ngủ thêm 15 phút mỗi đêm cũng có thể đem đến sự khác biệt thực sự. Do đó, thay đổi từng chút một sẽ là cách tiếp cận tốt nhất. Áp dụng Chiến lược Toàn diện cho giờ đi ngủ sẽ giúp con hưởng được đầy đủ lợi ích của việc ngủ đủ giấc.
Chỉ cần một vài điều chỉnh giúp con ngủ thêm 15 phút mỗi đêm cũng có thể đem đến sự khác biệt thực sự.
NUÔI DƯỠNG MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH TỐT ĐẸP
Nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình tốt đẹp luôn hữu ích cho mọi tình huống, đặc biệt là đối với giờ đi ngủ. Đứa trẻ cảm thấy an toàn và hài lòng khi ở nhà là đứa trẻ có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn khi đến giờ. Khi trẻ có thể thoải mái chia sẻ những lo lắng của mình, bé sẽ dễ bình tâm lại và đi vào giấc ngủ mà ít gặp vấn đề hơn. Ở đây, xin bạn đừng hiểu lầm ý chúng tôi rằng đứa trẻ có mối quan hệ tuyệt vời với cha mẹ thì không có gì phải sợ hãi hay gặp rắc rối với chuyện ngủ, bởi lẽ điều này vẫn có thể xảy ra. Nhưng đối với những bé không có mối quan hệ gia đình êm ấm thì các vấn đề rắc rối thường nhiều hơn.
Khái niệm “lý lịch sạch” là một phần khác của chiến lược xây dựng mối quan hệ gia đình tích cực và là điều cốt yếu để làm dịu các vấn đề. Một đứa trẻ dù đã gây rắc rối lớn trong ngày, nhưng biết rằng ngày mai bé sẽ lại được bắt đầu ngày mới trong sạch, vô tội, thì sẽ cảm thấy yên tâm hơn vào cuối ngày và tự làm mới mình bằng một giấc ngủ ngon.
Làm gương cho con
Khi gần đến giờ đi ngủ, cả gia đình cần kết thúc các hoạt động náo nhiệt và bắt đầu thư giãn. Một số trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ nếu nghĩ rằng anh chị em hay cha mẹ của mình vẫn còn thức và làm chuyện gì đó vui vẻ, hấp dẫn. Đặc biệt, đối với những bé vốn đã không chịu đi ngủ thì một bầu không khí gia đình yên tĩnh dần khi gần đến giờ ngủ là điều cực kỳ quan trọng. Nếu đứa con lớn của bạn chưa cần đi ngủ ngay lúc đó thì bé cũng phải giữ im lặng trong phòng riêng hoặc ở một chỗ khác trong nhà. Đứa bé cần đi ngủ không được xem hay nghe bất kỳ phương tiện truyền thông nào khi chuẩn bị đi ngủ.
Bắt buộc tôn trọng các giới hạn và quy tắc
Đây là mấu chốt của các giải pháp cho giờ đi ngủ. Bạn cần giải thích cặn kẽ mọi giới hạn và quy tắc cho con trước khi bước vào tình huống mà các giới hạn và quy tắc ấy được thực thi. Và sau đó, việc thực thi chúng phải luôn nhất quán.
Tính nhất quán khiến trẻ hiểu được các luật lệ này một cách nhanh chóng và nó cũng đặc biệt thiết yếu khi bạn phải đối phó với các vấn đề về giờ ngủ của con. Trong trường hợp này, tính nhất quán có nghĩa là lặp đi lặp lại đều đặn các hành động mỗi tối. Trẻ nhỏ luôn tìm mọi cách để trì hoãn lên giường ngủ. Vì vậy, bạn phải sẵn sàng để ứng phó với các hành vi này một cách nhất quán. Hãy bình tĩnh, giữ vững lập trường và rút lui khỏi bất kỳ tấn thảm kịch nào mà con đang cố khuấy động. Mỗi lần con thức dậy, hãy đưa bé trở lại giường. Mỗi lần con gọi thì chỉ cần trả lời: “Mẹ thương! Giờ con phải đi ngủ rồi!”.
Sau đây là một số mẹo cho việc thực thi các giới hạn và quy tắc:
- Giờ đi ngủ không phải là lúc thích hợp để ban hành một luật lệ mới. Nếu cần, bạn nên thảo luận với con về vấn đề này vào bữa sáng, và nhắc lại một lần nữa vào bữa tối để con có đủ thời gian xử lý thông tin về điều mới mẻ sắp được áp dụng. Bạn cũng nên xem xét triển khai các quy tắc, luật lệ mới vào ngày Chủ nhật để khi tuần mới bắt đầu, mọi việc đã vào guồng quay của nó. Nếu đó là một quy tắc quan trọng cần tuân thủ thì hãy chọn một ngày làm mốc để con có sự chuẩn bị tốt nhất. Ngoài ra, đối với những thay đổi lớn, như ngay trước khi bắt đầu năm học mới, thì đó sẽ là ngày để bắt đầu một nề nếp mới một cách hiển nhiên.
- Duy trì việc thức dậy và đi ngủ đúng giờ, đều đặn hằng ngày, đặc biệt là nếu con bị khó ngủ hoặc khó thức dậy. Thật không may cho những bé thích thức khuya, hay ngủ nướng vào cuối tuần vì điều này sẽ phải được thực thi cả bảy ngày trong tuần (Khi con đã lớn hơn hoặc sau khi đã tuân thủ thời gian biểu trong một thời gian dài, bạn có thể linh động với con một chút vào cuối tuần chứ không phải lúc nào cũng tuân thủ một lịch trình cứng nhắc).
- Đừng để cho trẻ tranh thủ ngủ thêm vào ngày cuối tuần. Việc có giờ giấc thức - ngủ khác nhau trong tuần sẽ làm tăng khả năng trẻ bị mất ngủ, và kết quả là chúng khó ngủ hơn vào buổi tối của những ngày đi học, như thể chúng bị hiện tượng khó ngủ do thay đổi múi giờ.
- Các chuyên gia về giấc ngủ đều nhất trí rằng một “thủ tục đi ngủ” hợp lý có thể thúc đẩy quá trình an thần để đi vào giấc ngủ tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Ví dụ, các thủ tục như rửa ráy, đánh răng và có hoạt động gì đó yên tĩnh trong khoảng 30 đến 60 phút trước khi đi ngủ (như đọc hoặc nghe kể chuyện trước khi tắt đèn). Đây là lúc bạn có thể sáng tạo hay ôn lại những cách làm dịu thần kinh mà ngày bé ba mẹ bạn đã từng thực hiện.
- Các chuyên gia về giấc ngủ cũng không khuyến khích xem tivi, chơi game hay vận động mạnh khi sắp đến giờ ngủ. Bởi vì khi não bị kích thích, phải mất nhiều thời gian để chúng ta có thể an thần trở lại và ngủ được. Đây là lý do vì sao các chuyên gia đều khuyên không để các thiết bị nghe nhìn trong phòng ngủ. Khi con trưởng thành, chúng có thể tự điều chỉnh thời gian ngồi trước màn hình, nhưng ở thời điểm hiện tại các bé chưa thể làm được điều đó nên bạn phải có biện pháp áp đặt.
Một bữa ăn/uống nhẹ khoảng một, hai tiếng trước khi đi ngủ có thể giúp trẻ không bị đói nhưng phải đảm bảo là chúng không chứa caffeine. Uống một ly nước nhỏ trước khi đi ngủ sẽ giúp trẻ không bị khô miệng, mà cũng không làm đầy bàng quang của bé.
- Đối với những bé sợ phải ngủ riêng, bạn có thể cho bé ưu đãi “được phép ra khỏi giường”. Theo đó, mỗi tối con được phép ra khỏi giường một lần để uống nước, nói chuyện gì đó cần thiết với ba mẹ hoặc để làm bất cứ điều gì con cần. Quy chế này rèn cho trẻ ý thức tự kiểm soát và một chút năng lực trong việc quản lý nỗi sợ của mình, bởi vì trẻ biết rằng nếu quá sợ thì đã có cách tìm trợ giúp.
Chuyển hướng tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể nhẹ nhàng giúp con chuyển hướng đến việc đang diễn ra, ổn định tinh thần và chuẩn bị đi ngủ. Sử dụng mẫu câu “Khi nào…xong thì…” – “Khi nào con đánh răng, súc miệng xong và lên giường thì mẹ sẽ bắt đầu kể chuyện”. Hãy tỏ ra tinh nhạy khi chuyển hướng, vì nó liên quan đến việc con chia sẻ nỗi sợ với bạn, nên trước hết hãy cho con thấy là bạn đồng cảm với con – “Ba biết là con hơi sợ, nhưng ba mẹ và bạn… (tên vật nuôi, đồ chơi, hay bất cứ điều gì làm con an tâm) đang ở đây bảo vệ con từng phút luôn. À để xem... tối nay con muốn ngủ với bạn… (thú nhồi bông) nào?”.
Huấn luyện các hành vi cụ thể
Huấn luyện là một chiến lược lớn đối với các vấn đề liên quan đến giờ ngủ vì nó cho phép bạn ở đó khi con cần nhưng cũng thể hiện sự tin tưởng rằng con có thể làm điều đó một cách độc lập. Nhớ là phải gọi tên một cách cụ thể các hành vi bạn muốn con thực hiện, đặc biệt là những gì thuộc về nề nếp sinh hoạt của gia đình. Hãy luôn nhắc nhở con trong suốt quá trình huấn luyện – “Tắm xong sảng khoái lắm phải không con? Giờ con tự lau mình, mặc quần áo rồi đánh răng nhé”.
Việc ghé vào phòng con mỗi ngày cũng có thể là một hình thức huấn luyện. Báo với con là bạn sẽ luôn ghé vào phòng con khi con đã lên giường. Khoảng thời gian bạn lưu lại phòng con ban đầu có thể kéo dài nhưng sẽ được rút ngắn dần, rồi bỏ hẳn khi con đã quen và tự giác thực hiện “thủ tục giờ ngủ”. Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng nếu bạn nói sẽ ghé qua phòng con thì bạn phải thực hiện điều này. Không có gì gây mất lòng tin và bất an cho trẻ bằng sự thất hứa của ba mẹ. Nếu việc ghé phòng kiểm tra con là hành động diễn ra đều đặn thì nó cũng góp phần ổn định tinh thần giúp trẻ ngủ nhanh hơn.
Nếu bạn nói sẽ ghé qua phòng con thì bạn phải thực hiện điều này.
Thực hành thủ tục giờ ngủ
Có vẻ như ý tưởng thực hành thủ tục giờ ngủ hơi viển vông đối với một số trẻ, đặc biệt là những trẻ lớn. Bạn hãy chọn một thời điểm mà con vui vẻ, nghe lời và chọn nơi sáng sủa để chứng sợ bóng tối của bé không trở thành vấn đề. Chỉ cho con biết bạn muốn con làm những việc đó thế nào (tuần tự qua tất cả các bước), và sau đó cả bạn và con đều có kinh nghiệm để sẵn sàng bước vào tình huống thực tế. Trong suốt quá trình huấn luyện và thực hành này, bạn hãy nhớ khen ngợi con bất cứ khi nào có thể.
Động viên và khen ngợi
Chúng ta cần động viên và khen ngợi con trẻ trong suốt quá trình áp dụng các chiến lược liên quan đến việc can thiệp vào hành vi của bé khi đến giờ ngủ. Hãy khen ngợi cụ thể, chân thành nếu muốn con gặt hái thành công – “Mẹ thích việc tối qua con nhanh chóng vào giường và nghe đọc truyện. Con làm tốt lắm! Mẹ thấy tối qua con đòi uống nước đến mấy lần lận, nên giờ mẹ cho con uống nước lần cuối rồi đi ngủ nhé”.
Bạn thậm chí có thể sử dụng lời khen như là một đòn đánh chặn ý định ra khỏi giường thêm lần nữa của con. Chờ một vài phút sau khi con lên giường thì quay vào phòng con và khen bé vì vẫn còn nằm ngoan trên giường. Sự chú ý tích cực này của bạn sẽ củng cố hành vi mà bạn muốn thấy ở con: không rời khỏi giường.
Sử dụng lời khen như là một đòn đánh chặn ý định ra khỏi giường thêm lần nữa của con.
Áp dụng chiến lược Rút lui và Phớt lờ hành vi của con
Bạn có thể dùng đến cách rút lui hay lờ đi hành vi của con vào những lúc bạn đang cần thiết lập một giới hạn, nhưng vì đó cũng là thời điểm trước giờ đi ngủ nên bạn cần duy trì một bầu không khí bình thường và thực sự không muốn phạt con. Rút lui có nghĩa là bạn phản ứng một cách chung chung, hời hợt để không tiếp lửa thêm cho những cảm xúc vốn đã bị đẩy lên cao trước giờ con đi ngủ. Hãy đáp trả lại những đòi hỏi bất tận của con (muốn được ôm, hay than thở về nỗi sợ) bằng cách lặp lại câu trả lời “như máy” với một giọng nói bình tĩnh, dịu dàng và vẫn tập trung vào vấn đề chính – “Mẹ biết, nhưng giờ là lúc đi ngủ rồi”.
Tương tự như vậy, nếu con ra khỏi giường thì bạn phải đưa bé trở lại giường mười lần như một. Bạn cần giữ bình tĩnh và càng có ít phản ứng càng tốt. Một số trẻ sẽ cố tình leo thang trong việc này, đặc biệt là nếu đã từng thành công, bé có thể chuồn ra khỏi giường 10, 20, hoặc thậm chí 50 lần để thử phản ứng của bạn. Lặp lại cách ứng phó, thái độ bình thản và kiên định là những yếu tố giúp bạn chống lại hành vi này của con. Nếu chỉ gặp cùng một phản ứng của bạn mỗi lần trốn ra khỏi giường thì cuối cùng (đôi khi phải mất vài đêm), con sẽ thôi tìm cách làm điều đó nữa.
Mặc dù chúng ta khó mà bình thản như không khi con cứ có những hành vi chống đối như vậy, tuy nhiên, bất kỳ sự chú ý nào dù là nhỏ của bạn cũng sẽ củng cố cho hành vi không chịu ngủ của con, nhất là khi bạn bị khuất phục sau lần thứ 50 con chuồn ra khỏi giường. Đó là khi con biết con có thể hạ gục bạn, nên đêm tiếp theo có thể con sẽ ra khỏi giường cả 100 lần để đạt được mục đích. Vợ chồng bạn có thể thay phiên nhau đưa con trở lại giường của bé. Hãy nhớ, luôn giữ vững lập trường, bình tĩnh và không tham gia vào vở kịch của con.
Bất kỳ sự chú ý nào dù là nhỏ của bạn cũng sẽ củng cố cho hành vi không chịu ngủ của con, nhất là khi bạn bị khuất phục sau lần thứ 50 con chuồn ra khỏi giường.
ĐỐI PHÓ VỚI CƠN ÁC MỘNG CỦA TRẺ
Một trong những thủ phạm gây sợ hãi cho trẻ khi đi ngủ có thể là cơn ác mộng từ thời thơ ấu. Những giấc mơ xấu thường xảy ra nhất trong giấc ngủ REM (giai đoạn ngủ nông, hay ngủ động của trẻ). Những cơn ác mộng thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi, nhưng chúng cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những cơn ác mộng thỉnh thoảng mới xảy ra là điều bình thường, ngoại trừ việc bạn phải trấn an để con có thể ngủ lại.
Những cơn ác mộng lặp lại có thể gây rắc rối cho “thủ tục đi ngủ” vì chúng khiến trẻ sợ đi ngủ hoặc sợ ngủ một mình. Và tất nhiên là sự rối loạn về giờ giấc ngủ nghỉ này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hành vi của tất cả mọi người vào ngày hôm sau.
Thông thường, một đứa trẻ có thể kể lại các nội dung, tình tiết trong cơn ác mộng khiến bé sợ hãi hay cảm thấy bất an. Nếu con muốn nói về cơn ác mộng ngay lúc đó, hãy để bé nói nhưng đừng kéo dài cuộc trò chuyện với các câu hỏi hay thảo luận. Cho phép con bộc lộ cảm xúc của mình, và sau đó hãy dành cuộc trò chuyện cho ngày hôm sau.
Những trẻ thỉnh thoảng gặp ác mộng cần được cảm thấy thoải mái và an toàn. Tiến sĩ Pete tin rằng chúng ta cần ngồi lại bên con cho đến khi bé ngủ lại được, thay vì đưa con vào giường ngủ chung bởi nó có thể trở thành thói quen khó bỏ cho con; và bạn nên cân nhắc vì đó cũng có thể là một vấn đề rắc rối cho bạn.
Không có câu trả lời đúng hay sai ở đây, miễn là bạn ý thức rõ về sự lựa chọn của mình và đã suy nghĩ thấu đáo về nó. Ví dụ, Sara đã lựa chọn cho con ngủ chung và bắt đầu một thói quen dài hằng năm, nhưng cô ấy đã đặt ra các giới hạn cho con và chồng như sau: Mọi người đều phải bắt đầu đi ngủ tại giường riêng của mình, nhưng trong đêm, nếu con cần ba mẹ thì có thể vào ngủ chung. Cuối cùng, con cô cũng bỏ được thói quen đó.
Ác mộng có thể xuất hiện hoặc gia tăng trong hay sau thời kỳ căng thẳng của con trẻ. Những thời điểm phổ biến là khi có những bước chuyển quan trọng (như tựu trường, trước một bài kiểm tra, hoặc sau cái chết của một thành viên trong gia đình). Nếu cơn ác mộng bắt nguồn từ sự căng thẳng hoặc lo lắng thì nguyên nhân của sự căng thẳng đó cần phải được xác định và các phương pháp để thay đổi, đối phó cần được đưa ra hợp lý.
Nếu thỉnh thoảng con gặp ác mộng thì bạn cũng có thể huấn luyện để giúp con vượt qua và quên đi vào những đêm sau. Sẽ hữu ích nếu bạn chia sẻ với con kinh nghiệm mà bạn đã từng có, để con thấy rằng mọi người đều gặp chuyện này và ác mộng không phải là sự thật.
Cần phân biệt cơn ác mộng với hội chứng giấc ngủ kinh hoàng ở trẻ (night terror/sleep terror). Giấc ngủ kinh hoàng không xảy ra trong giai đoạn ngủ REM và thường thì trẻ sẽ la hét, sợ hãi một vài phút trước khi ngủ lại. Lúc này, trẻ bị nhầm lẫn, không nhận ra ba mẹ hoặc người chăm sóc, và không tỉnh táo hay có ý thức. Không giống như khi gặp ác mộng, trẻ có giấc ngủ kinh hoàng không còn nhớ những gì đã diễn ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. Giấc ngủ kinh hoàng không phải là dấu hiệu của một vấn đề bất ổn.
Nếu trẻ có những cơn ác mộng tái diễn hoặc những cơn ác mộng gây mất ngủ cho cả gia đình thì chúng ta cần tìm kiếm sự trợ giúp về chuyên môn. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về vấn đề này. Đôi khi họ có thể giới thiệu con cho một chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán và tìm cách giải quyết những lo lắng, căng thẳng của bé. Trong Chương 11, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn các dấu hiệu cho thấy bạn có cần đến sự tư vấn chuyên môn hay không.
***
Khi áp dụng các chiến lược trong chương này, bạn nên dịu dàng với con trước giờ đi ngủ. Hãy làm cho thời điểm thực hiện thủ tục giờ ngủ trở thành khoảng thời gian đặc biệt của cả gia đình. Nếu việc nuôi dưỡng một mối quan hệ gia đình tốt đẹp có thể giúp giờ đi ngủ bắt đầu dễ dàng hơn thì một thủ tục tốt cũng có thể nuôi dưỡng mối quan hệ đó. Mặc dù con không thích các quy tắc bạn đặt ra, nhưng nó sẽ giúp con ổn định khi đêm về và con sẽ xem đó như là một phần của nề nếp sinh hoạt.
Khi đi du lịch hay nghỉ qua đêm ở nhà ông bà hoặc khách sạn, bạn cần xem xét cách duy trì thủ tục giờ ngủ. Đối với một số trẻ, có bồn tắm đầy bong bóng xà phòng thơm mùi yêu thích hay có chăn và gối, con thú nhồi bông thân thuộc của mình cũng là cách trấn an hữu ích khi phải thay đổi chỗ ngủ sang một nơi mới. Bạn không cần phải thực hiện chính xác toàn bộ thủ tục giờ ngủ như khi ở nhà, chỉ cần duy trì một hoặc hai phần quan trọng thôi cũng có thể gợi cho con không khí sinh hoạt quen thuộc của gia đình.
Khi giải quyết các hành vi có vấn đề trước khi đi ngủ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và dùng tông giọng nhẹ nhàng, điều này sẽ tăng cường sự ổn định cho các giải pháp của bạn. Trên tất cả, hãy nhớ rằng bạn là người có thể trấn an con tốt nhất vì bạn chính là người yêu thương, quan tâm đến con nhất trên thế giới này.