Nhiều gia đình vô cùng vất vả và khổ sở để quản lý bọn trẻ trong căn bếp. Đứa lớn đứa bé cãi vã nhau, đứa kén ăn thì càu nhàu về thức ăn, còn người lớn thì ngấu nghiến cho xong bữa để còn làm việc khác. Bạn có thể còn nhớ những bữa ăn bình dị, khi cả gia đình quây quần bên nhau, cư xử hòa nhã và tất cả cùng vui vẻ thưởng thức món ăn tươi ngon mới nấu. Đối với nhiều người, hình ảnh này đã trở nên hiếm hoi. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì sự nhốn nháo khiến giờ ăn tối không theo kế hoạch thường xảy ra – nếu đó là giờ nghỉ giữa hiệp của trận bóng truyền hình trực tiếp, khi có các tiết mục múa hát hấp dẫn đang phát trên tivi, khi con phàn nàn không chịu ăn rau và ba mẹ đều đi làm về muộn.
Thường xuyên chia sẻ thời gian cùng con là điều rất quan trọng.
Không tổ chức được bữa ăn tối lý tưởng cũng là điều có thể chấp nhận được. Chúng ta ủng hộ việc đặt ra những yêu cầu có tính thực tế và chọn cách thưởng thức bữa ăn yên bình với bất cứ thành viên nào trong gia đình có mặt ở nhà. Khoảng thời gian kết nối giữa các thành viên trong gia đình có thể được thực hiện trong bất kỳ bữa ăn nào, dù là quây quần tại bàn hay đứng quanh quầy bếp tranh thủ ăn vội để đi ngay. Thường xuyên chia sẻ thời gian cùng con là điều rất quan trọng, bởi nó tạo cơ hội để giao tiếp, qua đó góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn với con, đồng thời làm giảm các vấn đề phát sinh.
QUẢN LÝ HÀNH VI CỦA CON TRONG GIỜ ĂN
Giờ ăn yên bình bắt đầu bằng sự chuẩn bị tốt, và dĩ nhiên chúng ta không chỉ nói đến việc lên thực đơn hay cắt gọt rau củ. Khi nói đến bếp gia đình, chúng ta sẽ phải quay trở lại từ khâu quản lý một chuỗi các yếu tố góp phần gây ra những hành vi có vấn đề. Đây là nơi bạn sẽ tìm được chìa khóa để thoát khỏi căng thẳng. Mục đích là ngăn ngừa các vấn đề trước khi chúng khởi phát.
Chúng ta cứ làm phần việc của mình nhưng phải làm gương cho con về việc giữ tâm trí tốt trong giờ ăn để không gây thêm vấn đề gì. Điều này bắt đầu từ việc không mang theo những căng thẳng trong ngày vào bữa ăn. Tất cả chúng ta đều vội vàng và cố gắng cho kịp bữa tối sau giờ học, giờ làm; sự căng thẳng đó có thể khiến ta dễ mất kiên nhẫn và khó bao dung hơn với con cái.
KIỂM TRA MỨC ĐỘ CĂNG THẲNG CỦA BẠN VÀO GIỜ ĂN
Liệt kê các tình huống gây căng thẳng cho bạn trong bữa ăn:
Bữa sáng:__________________
Bữa trưa:__________________
Bữa tối:__________________
Thông thường, việc giảm tốc độ làm việc có thể giúp bạn giảm căng thẳng. Bạn có biết một số cách thư giãn để giúp tinh thần dịu hơn không? CÓ - KHÔNG
Bạn có thể làm gì để thư giãn và chuẩn bị tinh thần cho bữa ăn? (Chẳng hạn như, thức dậy sớm hơn 10 phút mỗi buổi sáng, chuẩn bị trước nguyên liệu cho bữa ăn hoặc ngồi ghế nghỉ ngơi khoảng 10 phút sau khi về nhà.)
_________________________
_________________________
_________________________
Bất kể bạn cần làm gì để bình tâm thì điều đó cũng đáng để đầu tư thời gian. Bởi vì bạn làm gương cho con, nên chúng sẽ nhìn vào hành vi của bạn mà cư xử. Do đó, nếu bạn thoải mái, thư thả thì chúng cũng sẽ thoải mái hơn.
Khi tập trung phân tích những cơn cáu giận (ở Chương 3), một trong những câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đề nghị bạn xem xét là liệu con có bị đói hay mệt mỏi không. Một đứa trẻ đang đói bụng dễ biểu hiện các hành vi bất ổn hơn một đứa trẻ không đói. Mặc dù bạn muốn con mình đói khi ngồi vào bàn ăn để ăn uống ngon miệng hơn, nhưng nếu con đã đói meo từ trước đó nửa giờ thì nhiều khả năng chúng sẽ gây rối. Một chút thức ăn nhẹ có thể giúp con cầm cự đến giờ ăn mà vẫn không làm giảm sự ngon miệng của con.
Chuẩn bị cho con những món ăn nhẹ lành mạnh nhằm tiếp năng lượng cho trẻ trong học tập và các hoạt động tại trường.
Việc quản lý hiệu quả giờ ăn tối cũng liên quan mật thiết đến quyết định của bạn về thức ăn vặt và đồ uống trong ngày của con. Chuẩn bị cho con những món ăn nhẹ lành mạnh nhằm tiếp năng lượng cho trẻ trong học tập và các hoạt động tại trường, hoạt động ngoại khóa hay trong giờ chơi sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất cả về mặt dinh dưỡng lẫn kỷ luật. Bên cạnh đó, hạn chế lượng calo rỗng của thức ăn vặt và caffein trong đồ uống có gas cũng sẽ có tác dụng tốt lên cách hành xử của trẻ. Với những trường có giờ nghỉ giải lao để học sinh có thể ăn chút gì đó, nhiều phụ huynh đã bắt đầu chuẩn bị thức ăn cho con thành năm bữa phụ thay vì ba bữa chính trong ngày. Cách làm này có thể mang lại hiệu quả với những bé thường xuyên đói bụng. Dù bạn lựa chọn chế độ dinh dưỡng của gia đình như thế nào thì cũng nên vận dụng Chiến lược Toàn diện -Làm mẫu cho hành vi tốt, Cho con hướng dẫn tốt, Bắt buộc tôn trọng các giới hạn và quy tắc để đảm bảo từng bữa ăn đều yên bình và tốt đẹp nhất có thể.
Cuối cùng, bạn cũng cần quản lý những tác nhân gây phân tâm trong bữa ăn của gia đình. Hãy tắt tivi, không trả lời điện thoại và áp dụng quy tắc Không xem gì cả. Quan trọng hơn hết, bạn phải đảm bảo chính mình luôn tuân thủ các quy tắc đã đề ra để làm gương cho con cái.
THIẾT LẬP NỀ NẾP ĂN UỐNG VÀ ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN HƯỚNG
Giống như bài tập về nhà, quản lý giờ ăn là một phần của việc thiết lập nề nếp và thói quen. Nhìn chung, sự nhất quán là một chiến lược tốt để quản lý hành vi. Nề nếp nhất quán ít có khả năng gây ra hành vi có vấn đề hơn nếp sinh hoạt tùy tiện. Trẻ em phát triển mạnh khi biết được điều gì sẽ đến tiếp theo, và những năm đầu đời của trẻ là thời gian để bạn xây dựng các thói quen sẽ đi theo con cả đời.
Một thói quen sẽ ăn sâu vào não của một đứa trẻ đến mức nó trở thành bản chất thứ hai của bé. Gia đình bạn có thể bận rộn khiến cho quy tắc Ăn tối vào lúc 6 giờ chiều ít khi được tuân thủ. Nhưng không phải vì thế mà bạn không thể tạo ra một nề nếp cho gia đình mình. Bạn chỉ cần tìm ra cách nào thích hợp nhất với thời gian biểu và tình hình riêng của gia đình bạn.
Có một cách để làm được việc này đó là lên lịch sinh hoạt của gia đình. Khung thời gian chung vào bữa tối, ví dụ từ 6 giờ 15 phút đến 6 giờ 45 phút, vẫn có thể trở thành một nề nếp được thiết lập. Nếu ba hoặc mẹ phải làm việc trễ vào một ngày cố định nào đó thì giờ giấc sẽ được điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi hằng tuần này. Sau vài lần như vậy, bản thân sự điều chỉnh đó sẽ trở thành một phần trong nề nếp sinh hoạt của gia đình. Một hành động nhỏ có thể đem lại ý nghĩa lớn là cập nhật lịch sinh hoạt của gia đình bạn mỗi khi con bước vào năm học mới, và sau đó điều chỉnh mỗi khi đợt ngoại khóa bắt đầu hay kết thúc. Việc cùng nhau rà soát lại kế hoạch hằng tuần giúp cho các thành viên trong nhà được chuẩn bị, cũng như cung cấp thông tin về những gì sắp phải thay đổi hay vận hành khác đi.
Và sau đây chúng ta sẽ bàn đến nề nếp, thói quen của gia đình trong bữa ăn. Trên phương diện kỷ luật, bữa ăn phải gánh nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo sự nhất quán, lại vừa dùng thức ăn để chuyển hướng sự chú ý của con. Bởi vì một đứa trẻ đói bụng chờ ăn là một quả bom với các rắc rối cần được làm dịu bằng các hoạt động bận rộn trước bữa ăn. Ngoài ra, việc tạo “công ăn việc làm” cho trẻ còn khiến chúng cảm thấy mình có trách nhiệm và có đóng góp công sức vào bữa ăn của gia đình.
Hãy bắt đầu bằng cách sai con những việc lặt vặt để chuẩn bị một bữa ăn. Bạn có thể từ từ thêm những việc vặt này đến khi cảm thấy khối lượng công việc đã hợp với sức của con. Bạn cần đảm bảo rằng bất cứ nhiệm vụ nào được giao cũng phải phù hợp với khả năng của con. Mong đợi một đứa trẻ tự tay làm một việc gì đó khó nhọc, hay không mấy hấp dẫn với trẻ, thường chỉ khiến bạn thu về thất bại. Do đó, bạn cần bỏ thời gian để dạy con cách làm mọi thứ, dù đó chỉ là việc vặt. Đây là lúc phương pháp huấn luyện và thực tập trở nên hữu ích với bạn. Dưới đây là một số việc vặt liên quan đến bữa ăn mà bạn có thể xem xét cho con làm tùy theo độ tuổi của bé:
- Từ 3 đến 6 tuổi, bé có thể lấy bộ đồ ăn (đồ khó vỡ), khăn ăn và đặt các loại gia vị (sốt cà chua, muối và tiêu) hoặc các đồ vật tương tự lên bàn ăn.
- Trẻ từ 7 đến 9 tuổi có thể bày bàn, bóc trứng, trộn các nguyên liệu và dọn chén đĩa.
- Trẻ từ 10 đến 11 tuổi có thể cắt rau củ (bạn phải luôn giám sát việc sử dụng dao của trẻ), sử dụng lò nướng bánh mì/lò vi sóng, rót đồ uống và làm các món ăn.
Chúng ta cần nhớ một điều là con luôn phải dọn bàn sau bữa tối. Vì vậy, hãy nhớ hướng dẫn, làm mẫu cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ và mới bắt đầu học làm việc. Bạn có thể dùng một động lực tự nhiên để con làm việc này, đó là quy tắc: sau khi dọn bàn ăn xong thì mới được lấy món tráng miệng ra. Một thói quen tốt trong gia đình có nhiều con là mỗi đứa một việc. Ví dụ, bé Diego 8 tuổi cho chén dĩa vào bồn rửa, bé Cristina 10 tuổi tráng sơ chúng và xếp vào máy rửa chén, còn Isabella đang học mẫu giáo thì dọn ly. Để đảm bảo tính nhất quán thì ai làm công việc nấy và phải chắc chắn rằng tất cả đều hiểu nếu không làm việc của mình thì sẽ ảnh hưởng đến mọi người – sẽ không được ăn món tráng miệng hay xem tivi cho đến khi dọn bàn ăn xong.
Phần cuối trong việc thiết lập nề nếp có thể rất quan trọng theo quan điểm của trẻ: sắp xếp chỗ ngồi. Mặc dù có thể gia đình bạn đã ngồi theo quy định, một cách chính thức hay không chính thức, thì vị trí ngồi với một đứa trẻ luôn rất quan trọng. Tốt nhất là cha mẹ hãy ngồi giữa các con để tách chúng ra. Mặt khác, việc chỗ ngồi của ai đó gần với món được yêu thích, hoặc ở vị trí kém thuận lợi hơn, có thể gây ra sự phân bì, tị nạnh. Tuy bạn có thể chỉ định chỗ ngồi cho con bất cứ lúc nào nhưng sự thay đổi trong cách sắp xếp chỗ ngồi cũng có thể dẫn đến hành vi có vấn đề. Vì vậy, hãy luôn để mắt đến điều này.
THIẾT LẬP CÁC QUY TẮC, ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP KHÍCH LỆ VÀ SỬA SAI
Song song với nề nếp ăn uống là các phép tắc gia đình, có thể bao gồm các quy tắc căn bản như: nói “Làm ơn...” và “Cảm ơn”, ngồi ở bàn cho đến khi được phép rời đi, và cách sử dụng đồ dùng trong bếp. Cố gắng giữ danh sách các quy tắc này càng ngắn càng tốt, bởi vì việc đặt ra quá nhiều yêu cầu với trẻ chỉ gây trở ngại chứ chẳng được lợi ích gì. Áp dụng phương pháp nhắc nhở như là một kỹ thuật huấn luyện con trẻ về các quy tắc mà chúng có thể khó nhớ hay tuân thủ trong lúc bạn chuẩn bị bữa ăn. Giữ giọng nói của bạn theo kiểu nhắc nhở, dễ nghe chứ không phải lên giọng khắt khe hay chỉnh sửa gì.
Dưới đây là một vài ví dụ về chiến lược huấn luyện liên quan đến các quy tắc cho bữa ăn:
1. “Tối qua mẹ thấy con nhai thức ăn nhưng không khép miệng lại. Làm vậy không lịch sự chút nào đâu, con nhé. Mẹ muốn con cố gắng hết sức để không làm vậy nữa. Mẹ sẽ nhắc con nếu hôm nay mẹ còn thấy con làm vậy nữa. Mẹ biết là con sẽ sớm tự nhớ được điều này thôi, phải không?”
2. “Ba thấy con làm đổ sữa lúc con đang cố chuyển đĩa salad qua chỗ mẹ. Ba muốn con để ly của mình ra xa hơn một chút. Còn nữa, khi ai đó yêu cầu con chuyển thứ gì đó cho họ, con nên đưa cho người ngồi bên cạnh con chuyền đi tiếp. Làm vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều và tránh lỡ tay va chạm làm đổ đồ.”
Cuối cùng thì con của bạn cũng sẽ bắt đầu nhớ được các quy tắc này. Chúng sẽ trở thành thói quen và bạn sẽ không cần phải nhắc nhở nữa.
Bên cạnh quy tắc đã đề ra là những hành vi mà có thể bạn phải lờ đi, ít nhất là trong thời gian này. Quyết định đó tất nhiên sẽ dựa vào độ tuổi của con, nhưng lại là phương pháp tốt để bàn ăn được ổn định. Chiến lược này nhằm tránh việc quá chú ý đến con, làm con có lý do để lặp lại hành vi xấu.
Ưu tiên dành năng lượng cho điều bạn muốn, cũng như chọn bỏ qua những gì không đáng bận tâm.
Bạn có thể chọn cách bỏ qua các hành vi nhỏ khi chúng gây phiền nhiễu nhưng không trái với các quy định đã đề ra. Bạn có quyền chọn và ưu tiên dành năng lượng cho điều bạn muốn, cũng như chọn bỏ qua những gì không đáng bận tâm. Một đứa trẻ nói hơi to tiếng, nghịch một chút với thức ăn của mình hoặc kén chọn không ăn một loại thực phẩm nào đó là những điều mà cha mẹ có thể lờ đi trong bữa ăn. Chủ động kết hợp giữa quyết định không bình luận gì về hành vi này với chiến lược khen ngợi và tích cực chú ý nếu con chịu nói chuyện bằng một giọng nói thích hợp, ăn hết phần ăn của mình mà không đùa nghịch với nó và cố gắng ăn thử một món ăn lạ.
Khen ngợi khi con làm đúng sẽ giúp con có động lực lặp lại điều đó. Hành động này cũng cho con thấy ý nghĩa của việc bạn lờ đi những việc con làm. Bạn nên tìm những hành vi tốt để khen ngợi con trong suốt bữa ăn. Hãy nói một cách cụ thể về những điều bạn thích nhìn thấy, nhờ đó mà lời khen của bạn sẽ củng cố điều mà bạn muốn con tiếp tục làm: nói chuyện dễ thương, chờ tới lượt của mình, cố gắng thử một món lạ, sử dụng khăn ăn đúng cách, biết nói “Cảm ơn”. Ngay cả khi giờ ăn là một vấn đề rắc rối ở gia đình bạn, thì nếu nhìn nhận kỹ càng, bạn vẫn sẽ tìm ra được những điểm đáng để khen ngợi.
Hãy khen ngợi rõ ràng, cụ thể để con biết điều mà bạn muốn con tiếp tục làm.
Tìm kiếm những cơ hội ngợi khen con có nghĩa là bạn phải chú ý nhiều hơn, điều này sẽ giúp bạn quản lý được các tác nhân kích hoạt hành vi có vấn đề và bắt đầu bằng việc chuyển hướng khi cần thiết (bản thân hành động khen ngợi cũng có tác dụng chuyển hướng nếu nó khiến bé quan tâm đến một vấn đề khác, thay vì những điều đã làm bé bực bội). Luôn giữ thái độ tích cực với con thông qua sự tập trung chú ý và khen ngợi, cũng giúp giảm cơ hội kích hoạt hành vi có vấn đề.
Nếu trẻ cãi cọ hoặc đánh nhau với anh chị em trong bữa ăn thì bạn cần có phản ứng mạnh hơn một nấc. Những hành vi này có thể vi phạm “Những điều cấm kỵ tuyệt đối” của gia đình, do đó bạn cần phải phản ứng ngay: “Không được đánh nhau trong gia đình. Jason, con bị cách ly, úp mặt vào tường đi. Ba sẽ đặt hẹn giờ 5 phút và khi con đã bình tĩnh thì mới được quay lại bàn ăn”.
Sau khi hết 5 phút Thời gian Tạm lắng và con trở lại bàn (giả sử bé đã bình tĩnh và sẵn sàng ăn cùng mọi người), bạn không cần phải càu nhàu thêm về cách cư xử có vấn đề của bé nữa. Chỉ cần con xin lỗi người mà con đã đánh, thì cứ tiếp tục bữa ăn như thường lệ. Bạn có thể tranh thủ Thời gian Tạm lắng để giải thích với cả nhà rằng tất cả không nên làm tình hình rắc rối thêm nữa.
Đối với trường hợp tất cả các con đều tham gia vào hành vi có vấn đề ở bàn ăn, bạn cần áp dụng một hệ quả tiêu cực sao cho tất cả đều cảm thấy khó chịu hoặc áp dụng nguyên tắc Xin lỗi và Bồi thường. Đó là cách hiệu quả nhất. Sau đây là hai ví dụ:
1. “Cả hai đứa đều nói những điều rất nặng nề với nhau, như vậy là không tốt chút nào. Mẹ biết các con đang đói, nhưng chúng ta sẽ phải hoãn bữa tối lại cho đến khi cả hai chịu phạt xong, hoặc cả hai phải xin lỗi nhau ngay bây giờ.”
2. “Rớt xuống đất rồi. Con lấy khăn giấy lau, còn ba sẽ lấy cây lau nhà. Món phô mai này chắc chắn sẽ thành một mớ hỗn độn trên sàn nhà, lần sau tất cả phải cố gắng cẩn thận hơn nhé.”
Mớ hỗn độn là điều không thể tránh khỏi trong các bữa ăn. Điều này sẽ xảy ra, và đôi khi thường xuyên xảy ra. Hành động sửa sai trong những trường hợp này có nghĩa là làm sạch, bất kể đó là một hành vi cố tình hay một tai nạn vô ý.
Sửa sai không phải là sự trừng phạt, nó chỉ đơn giản là một hệ quả tự nhiên của hành động. Mặc dù có thể gây bất tiện cho con và thúc đẩy tính cẩn thận của bé trong tương lai, nhưng bài học bạn đang dạy cho con chính là mọi người phải cùng nhau làm sạch mớ hỗn độn mà họ đã gây ra.
TẬP CHO CON ĂN CÁC LOẠI THỰC PHẨM MỚI
“Con không thích món đó!”
“Con muốn cái gì khác kia!”
“Có chết đói con cũng không ăn nó!”
Chúng tôi đoán bạn đã từng nghe những câu nói này, hoặc tương tự, trong các bữa ăn. Cho đến bây giờ, bạn đã phản ứng như thế nào? Sau đây, bạn nên xem xét bối cảnh của những tình huống loại này theo mô hình ABC. Chúng ta hãy xem một số kịch bản sau.
Kịch bản thứ nhất: Như nhiều bà mẹ khác, Ada cố gắng để cả nhà ăn nhiều rau củ quả hơn. Cô quyết định thử chế biến đậu que theo công thức đã học được từ bé và vô cùng yêu thích nó. Cả hai đứa con của Ada chỉ nhìn lướt qua món ăn trong đĩa thì lập tức lớn tiếng chê bai. Ada nổi giận vì bọn trẻ đang xúc phạm món ăn gia truyền của cô, trong khi chúng cần bổ sung dinh dưỡng nhưng lại không thèm nếm thử mà đã vội vàng ghét bỏ món ăn. Cô nói với con rằng rau củ quả rất tốt và chúng sẽ phải ăn.
Tiền đề: Mẹ muốn thử một món rau mới, nhưng bọn trẻ không thích rau.
Hành vi: Bọn trẻ bày tỏ sự chán ghét và đòi ăn món khác.
Hệ quả: Mẹ ép con ăn món mới.
Bọn trẻ sẽ nghĩ rằng mẹ không quan tâm đến cảm xúc của chúng, vậy nên chúng sẽ oán giận mẹ khi bị buộc phải ăn. Hệ quả này làm tăng ác cảm của chúng với các loại rau củ (có thể là với các loại thực phẩm mới nói chung), đồng thời biến bữa ăn thành tình huống mà trong đó con bị mẹ áp đặt phi lý. Trong tương lai, bọn trẻ có nhiều khả năng sẽ không thích ăn rau củ.
Kịch bản thứ hai: Đây là một hệ quả được điều chỉnh khác với kịch bản đầu tiên. Ada chỉ quan tâm đến việc con chịu ăn món mình nấu nên đã đổi ý và làm món gì đó mà cô biết rằng con sẽ chịu ăn, dù món đó không có rau.
Tiền đề: Vẫn như cũ.
Hành vi: Như cũ.
Hệ quả: Các con của Ada biết rằng nếu phàn nàn và đòi hỏi, chúng sẽ có được điều mình muốn. Điều này càng củng cố hành vi của chúng, và nhiều khả năng chúng sẽ lại làm như vậy. Mục tiêu mở rộng thực đơn của con giờ đã khác xa so với 10 phút trước, và Ada tự biến mình thành một đầu bếp nấu ăn nhanh để chuẩn bị các món ăn khác cho con.
Kịch bản thứ ba: Đây là một bước thay đổi khác. Trong khi vẫn còn tức giận vì phản ứng của con với món đậu que, Ada cố gắng hít một hơi thật sâu, bỏ qua những lời chê bai và nhắc nhở con rằng, theo quy tắc, các con phải nếm thử tất cả các món ăn trong đĩa của mình.
Tiền đề: Vẫn như cũ.
Hành vi: Bọn trẻ nếm thử món đậu que. Dù không nói là món ăn ngon nhưng con gái của Ada nói với em trai rằng: “Không tệ lắm đâu”. Con gái của cô đã củng cố ý tưởng nếm thử thức ăn mới cho cả mình và em trai.
Hệ quả: Ada khen ngợi các con vì đã cố gắng ăn món đậu que và không quên dành lời khen đặc biệt đến con gái.
Các con của Ada học được rằng chúng sẽ được khen khi cố gắng thử món ăn mới, ít ra bọn trẻ đã chịu thử món đậu que và nhiều khả năng là các bé sẽ chịu ăn thử món khoai lang mà Ada đã lên kế hoạch cho bữa tối tuần sau.
Không may, những kịch bản đơn giản như trên không phải là công thức phép thuật để trẻ chịu ăn nhiều rau. Trên thực tế, không có loại “nước sốt” bí mật nào cho điều đó. Tuy nhiên, khi bạn áp dụng mô hình ABC vào chuyện ăn uống của con, cùng với những nỗ lực khích lệ, bạn sẽ tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến mục tiêu của mình.
Thực tế, trẻ em không thích những thứ lạ lẫm. Đó mới chính là cốt lõi của việc phản đối một món ăn mới. Các nhà dinh dưỡng học cho biết có thể cần từ 12 đến 20 lần giới thiệu một loại thực phẩm đặc biệt thì trẻ mới bắt đầu thấy thích nó. Họ cũng đề nghị bạn nên tiếp tục cố gắng để con làm quen với món ăn đó. Sau một vài lần mời ăn thử thì món ăn sẽ không còn mới đối với con nữa; và khi con quen dần với hương vị của nó, sự chống cự của con sẽ giảm. Với mong muốn con chỉ nếm thử một món ăn mới và sử dụng các yếu tố khích lệ, khen ngợi khi con chịu ăn, bạn đang tăng dần khả năng con sẽ thích món ăn ấy.
Bạn có thể cảm thấy bực bội và tốn thời gian khi phải chuẩn bị một món ăn mà bạn biết là bọn trẻ sẽ không chịu ăn. Lúc này, hãy nhớ lại chìa khóa để giữ cho bữa ăn không căng thẳng. Bạn cần lập kế hoạch để bọn trẻ chỉ cần ăn một vài miếng và chỉ chuẩn bị một lượng nhỏ món ăn mới cho người lớn trên bàn ăn. Bạn thậm chí có thể đưa ra quy tắc là con phải “thử” một món ít nhất 15 lần thì mới được nói là con không thích nó. Hãy làm gương cho con bằng cách ăn và thưởng thức những món ăn mới một cách thích thú. Bạn chỉ nên giới thiệu món mới mỗi tuần một lần hoặc mỗi tháng một lần nếu điều đó khiến bạn thấy dễ dàng hơn.
Hãy suy nghĩ về chế độ dinh dưỡng của con dựa trên lượng thực phẩm tiêu thụ hằng tuần thay vì hằng ngày. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng khi con chỉ ăn một chút đậu que vào ngày thứ Tư, bởi vì đến thứ Bảy, có thể con lại vui vẻ ăn sạch món bông cải xanh với sốt phô mai. Bạn thậm chí có thể thu hút sự quan tâm của con vào việc nếm thử các món mới. Để làm điều này, hãy tìm hiểu về tất cả các loại thực phẩm ở cửa hàng, yêu cầu người bán mô tả mùi vị và nguồn gốc của chúng. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu con dò hỏi bạn bè xem món rau yêu thích của chúng là gì, và sau đó bạn đưa các món này vào thực đơn của con. Nếu bạn định nấu món ăn mà con không thích, hãy cho phép con được chọn trước món thay thế dễ nấu để bạn không phải nấu nướng vội vàng như đã nói ở trên.
Khi nói đến việc hình thành thói quen ăn uống tốt ở trẻ em, có một vài điều nên tránh:
- Đừng ép trẻ ăn những thứ mà chúng không muốn ăn. Việc ép buộc này tuy tốt về mặt dinh dưỡng nhưng từ quan điểm hành vi, nó tạo ra sự ác cảm đối với thức ăn, và cuối cùng có thể khiến trẻ từ chối ăn nhiều hơn. Hoặc nguy hiểm hơn, nó làm tăng nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng, đó là rối loạn ăn uống. Ngược lại, tích cực củng cố các hành vi ăn uống tốt sẽ góp phần thúc đẩy việc lựa chọn thức ăn lành mạnh của con trẻ.
- Đừng xấu hổ hoặc chỉ trích sự lựa chọn thức ăn, cũng như cân nặng của con. Ngay cả ở lứa tuổi rất nhỏ, sự xấu hổ cũng khứa sâu vào lòng tự trọng của trẻ và có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn là việc không chọn đúng thực phẩm lành mạnh.
- Không cho phép trẻ “kén cá chọn canh” bằng cách không đáp ứng những yêu cầu thái quá hay sở thích bất chợt của trẻ. Nhiệm vụ của cha mẹ là đảm bảo mang đến nguồn thực phẩm đa dạng và tốt cho sức khỏe của con trẻ; còn nhiệm vụ của con là tự quyết định sẽ ăn gì trong những món mà cha mẹ đã nấu. Tiếp tục dọn cho đứa con kén ăn tất cả các món mà cả gia đình ăn được sẽ đưa đến kết quả cuối cùng là – có thể mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm – bé thoát khỏi sự kén ăn.
Nhiệm vụ của cha mẹ là đảm bảo mang đến nguồn thực phẩm đa dạng và tốt cho sức khỏe của con trẻ; còn nhiệm vụ của con là tự quyết định sẽ ăn gì trong những món mà cha mẹ đã nấu.
- Đừng lo con chết đói, nôn mửa hoặc gặp nguy hiểm nếu không được ăn món yêu thích của chúng thường xuyên. Trẻ sẽ ăn khi chúng đói. Tuy nhiên, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ nhi khoa nếu thực sự bận tâm, nhưng một khi đã yên tâm thì hãy làm lơ trước các màn kịch của con. Bởi lẽ, nếu tạo được sự chú ý khi phản đối một món ăn nào đó, trẻ sẽ thường xuyên làm vậy đối với các loại thực phẩm mà bé không thích. Nếu thấy bạn lo lắng, rồi đi nấu một món ăn khác khi con than thở rằng con sắp chết đói đến nơi, thì sau đó chúng sẽ khóc lóc và than đói thường xuyên hơn.
DẠY CON QUY TẮC ỨNG XỬ KHI ĐI ĂN TẠI HÀNG QUÁN
Đến đây, chúng ta đã giải quyết được một số vấn đề về bữa ăn trong gia đình và bạn biết cách áp dụng mô hình ABC để phân tích các hành vi liên quan đến chuyện ăn uống. Bây giờ, chúng ta chuyển sang một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các bậc cha mẹ: đưa con đi ăn ở hàng quán.
Đây không phải là nơi cộng dồn mọi khó khăn nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn căng thẳng. Nếu ngay cả ý nghĩ đưa con đi ăn ngoài hàng quán cũng làm bạn đau đầu thì hãy thử áp dụng chiến lược Huấn luyện và Thực hành để chuẩn bị trước cho con. Bạn có thể thử đưa từng đứa đi vào giờ thấp điểm của nhà hàng (khoảng 2 giờ chiều) hoặc chơi trò đi ăn nhà hàng ngay tại nhà – hãy cho con đóng vai người phục vụ, còn bạn thì đóng vai con.
Nhớ nói với con về điều gì sẽ xảy ra: “Chúng ta sẽ ngồi vào bàn, và một người phục vụ sẽ đến hỏi muốn gọi món gì trước”, và cứ như vậy. Hãy chắc chắn rằng bạn đã nêu rõ tên hoặc đóng vai có những hành vi mà bạn muốn con lặp lại, chẳng hạn như nói “Cảm ơn” sau khi đặt món, không đá chân dưới gầm bàn hay đập tay vào quầy lễ tân,… Một ý tưởng tuyệt vời cho trò chơi đóng vai này là in ra giấy bản thực đơn lấy từ trang web của nhà hàng mà bạn định đưa con đến, và để con chọn món ăn nào bé muốn ăn trước khi đi ăn thật.
Ngoài ra, năm mẹo nhỏ sau đây có thể giúp gia đình bạn thưởng thức bữa ăn mà không bị căng thẳng:
1. Chọn nhà hàng một cách cẩn thận. Hỏi ý kiến bạn bè và những gia đình có con cùng độ tuổi với con của bạn về những nơi họ thấy thích hợp. Kiểm tra thực đơn trước khi đến và để ý phản ứng của nhân viên đối với con khi bạn đi vào. Đừng ngại đi ra nếu cảm thấy đó không phải là nơi thích hợp cho gia đình mình.
2. Mang theo các món đồ chơi nhỏ để con chơi nếu nhà hàng không có sẵn.
3. Đi dạo một vòng quanh nhà hàng. Đa phần trẻ bồn chồn, bắng nhắng là vì chúng tò mò về mọi thứ xung quanh, hoặc đơn giản là cảm thấy cuồng chân vì bị nhốt ngồi yên tại bàn quá lâu. Do đó, bạn cần theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sự bồn chồn của con và tìm cách chuyển hướng, chẳng hạn như dẫn con đi rửa tay trong nhà vệ sinh để con được đi ra khỏi chỗ. Ngoài ra, đi bộ vòng quanh khuôn viên nhà hàng cũng có thể thỏa mãn sự tò mò của bọn trẻ, cho chúng một đề tài gì đó để nói trong bữa ăn và đối xử với con theo cách khích lệ những hành vi tốt trong suốt bữa ăn. “Nếu con có thể tuân theo quy tắc ứng xử khi đi ăn nhà hàng thì chúng ta có thể đi tới chỗ xem bể cá một lần nữa trước khi ra về”.
4. Cho con một việc gì đó để làm, chẳng hạn như tự đọc thực đơn và chọn món của mình. Điều này giúp quản lý được các vấn đề trước khi chúng bắt đầu và cũng giúp trẻ thực hành các mẫu đối thoại “Làm ơn…”, “Cảm ơn”, và cả kỹ năng đọc hiểu.
5. Yêu cầu nhà hàng bưng thức ăn của con ra trước. Điều này sẽ làm giảm lượng bánh khai vị mà con ăn, tránh tình trạng no ngang bụng không ăn nổi món chính và cũng giảm thời gian chờ đợi của con. Khi người lớn ăn các món chính, các bé có thể ăn món tráng miệng.
Tất cả các bước này sẽ giúp bạn thiết lập quy tắc đi ăn nhà hàng cho con và một khi con đã quen thuộc với điều đó, việc ăn tối bên ngoài sẽ trở thành một trải nghiệm thú vị hơn cho cả gia đình. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn làm theo những lời khuyên này, thì một số bé vẫn có thể gây ra rắc rối khi đi nhà hàng. Nếu điều đó xảy ra, hãy làm theo các bước tương tự như chúng ta đã nêu ở Chương 3, thay thế “cửa hàng tạp hóa” bằng “nhà hàng”. Bạn cũng có thể nhờ ai đó trông con và đi ăn mà không đem bé theo, nhất là khi bạn biết con chắc chắn sẽ phá phách hay gây rối ở nơi đó. Chúng ta là cha mẹ, nhưng không có nghĩa là chúng ta có nghĩa vụ phải mang con theo khắp nơi.
***
Trên hết, mỗi bữa ăn phải là một khoảng thời gian trải nghiệm thú vị dù bạn ăn ở bất cứ đâu. Với những gợi ý trong chương này, bữa ăn trong gia đình bạn trở nên lành mạnh và vui vẻ hơn, đồng thời dạy cho con trẻ một số cách cư xử đúng đắn trong việc ăn uống. Tất cả những điều này sẽ giúp ích cho con khi chúng trưởng thành và bắt đầu có cơ hội đi ăn ở nhà bạn bè hay đi ra ngoài ăn với các gia đình hoặc đội nhóm khác.