Một trong những kỹ năng có giá trị nhất và sẽ đi theo con cái chúng ta cả đời mà chúng ta có thể truyền dạy cho con chính là sự kiên cường và chấp nhận thất bại. Tinh thần “vươn lên bằng nỗ lực bản thân” này được đặc trưng bởi sự kiên trì, năng lực giải quyết vấn đề và khả năng tiếp tục phấn đấu để thành công bất chấp thất bại cản đường. Quá trình giải quyết vấn đề này sẽ chuyển hóa trí tuệ bẩm sinh và các kỹ năng đã học được thành phẩm chất cao quý của cá nhân đó.
Sự kiên cường của một cá nhân có phần xuất phát từ tính khí của bản thân họ. Tuy nhiên, nó cũng là một kỹ năng có thể được học và thực hành suốt thời thơ ấu để phát triển tốt ở tuổi trưởng thành. Sự kiên cường là khả năng thích ứng với những thách thức và trở ngại để tiếp tục cố gắng, trong khi bền chí bổ sung thêm sức mạnh và tính kiên nhẫn khi đối mặt với các vấn đề – tự tin để cố gắng vượt qua thay vì cảm thấy mình là nạn nhân của tình huống. Sự kiên cường và bền chí ảnh hưởng đến hành vi của một đứa trẻ theo nhiều cách tích cực.
Ở chương này, bạn sẽ tìm hiểu sự kiên cường và bền chí của con được nuôi dưỡng ra sao thông qua việc tin tưởng và khen ngợi con một cách hợp lý. Bạn sẽ thấy những lỗi lầm (như bỏ quên chìa khóa trong xe) cũng mang đến cho bạn một cơ hội tuyệt vời để nêu gương cho con. Sự kiên cường thậm chí còn có khả năng giúp con chống lại stress. Tuy nhiên, bước đầu tiên để đạt đến sự kiên cường, bền chí là cho phép con có cơ hội học hỏi từ thất bại.
HÃY ĐỂ CON ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM THẤT BẠI
Khi trẻ rèn luyện được tính kiên cường trong giai đoạn niên thiếu, chúng sẽ được trang bị tốt kỹ năng vượt qua những thăng trầm của cuộc đời.
Người lớn chúng ta đôi khi đối mặt với sự từ chối hoặc thất bại sẽ xem đó như là một thất bại tạm thời hoặc chỉ đơn giản là một trở ngại cần vượt qua. Nhưng có những trường hợp bị suy sụp đến mức trốn tránh bất kỳ rủi ro nào sau đó. Điều này tương tự như ở bọn trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ rèn luyện được tính kiên cường trong giai đoạn niên thiếu, chúng sẽ được trang bị tốt kỹ năng vượt qua những thăng trầm của cuộc đời như một người trưởng thành. Không chấp nhận rủi ro thì sẽ không bao giờ có cơ hội vượt qua thất bại và thành công với mục tiêu cháy bỏng nhất của bạn. Nếu không dám chịu thua thì sẽ không bao giờ chiến thắng trở lại.
Hãy nhớ những gì chúng ta đã biết từ đầu quyển sách này: Kỷ luật là một hình thức giáo dục và định hình hành vi cho con theo chiều hướng tích cực. Một đứa trẻ học hỏi được từ những sai lầm của mình sẽ có khả năng đối mặt với nghịch cảnh một cách thích hợp. Uyển chuyển thích nghi với hoàn cảnh cũng có nghĩa là trẻ có thể tự định hình lại hành vi của chính mình. Khả năng thích nghi là một phần quan trọng làm nên sự kiên cường và bền chí, bởi vì trẻ học được cách giải quyết các vấn đề trên tinh thần xây dựng và do đó, con đường dẫn đến thành công của chúng trở nên rộng mở.
Để cho con trải nghiệm thất bại hoặc sự thất vọng là bước đầu tiên để xây dựng một tinh thần kiên cường. Có một điều rất phổ biến là cha mẹ cứ muốn đảm bảo con cái mình luôn cảm thấy tốt về bản thân chứ không phải đảm bảo chúng có thể đối phó với những va chạm và tổn thương trong cuộc đời. Chúng ta khó mà xa rời bản năng bảo vệ con của mình và càng khó hơn khi cho phép con gặp những tình huống mà chúng không thể thành công hay ít có cơ may thành công. Hơn thế nữa, chúng ta còn muốn gánh vác và xoa dịu nỗi đau cho con.
TÌNH HUỐNG BẠN ĐÃ CAN THIỆP
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn lao vào cứu con khỏi một tình huống có khả năng gây khó khăn hoặc gánh giúp con một nhiệm vụ vất vả. Chuyện gì đã xảy ra vào lúc đó?
____________________
____________________
____________________
Bây giờ, hãy nghĩ xem con của bạn có thể học được gì từ tình huống đó nếu bạn không can dự?
____________________
____________________
____________________
Ghi nhận thông tin này, và trong lần tiếp theo, khi tình huống này hoặc tương tự như thế xảy ra, hãy nhớ rằng việc để con tự giải quyết vấn đề có thể làm tăng sự kiên cường của con. Hãy lùi lại một bước và xem con cố gắng tìm giải pháp như thế nào. Nếu con hỏi, bạn có thể đưa ra một lời khuyên, và sau đó hỏi lại: “Con nghĩ sao?”.
Nếu cứ bảo bọc con quá mức, chúng ta sẽ cướp đi của con tiềm năng phát triển mà đáng lẽ con sẽ có được khi tự đứng lên sau thất bại, rũ sạch lỗi lầm và nỗ lực gấp đôi để đạt mục tiêu. Các lợi ích này sau đó lại tác động lẫn nhau. Nỗ lực sẽ củng cố ý thức về sự tự tin và tự lực của con trẻ, rồi ý thức này sẽ làm tăng khả năng bật dậy nếu bé lại gặp thất bại.
Thời thơ ấu là lúc con trẻ có đầy rẫy cơ hội tự nhiên để học cách đối phó hiệu quả với thất bại.
Để con được thất bại không có nghĩa là bạn chủ động đưa con vào tình huống mà con chắc chắn sẽ thất bại. Cũng không có nghĩa là đẩy con chịu căng thẳng hoặc áp lực quá mức. Thời thơ ấu là lúc trẻ con có đầy rẫy cơ hội tự nhiên để học cách đối phó hiệu quả với áp lực, căng thẳng, sự từ chối hợp lý và thất bại. Được phép thất bại, không để thất bại làm bạn và con chùn bước hay sợ hãi sẽ tạo nên cơ hội học tập quan trọng cho con. Dưới đây là một vài lời khuyên cho bạn:
- Không để con luôn thắng trong các trò chơi. Khi con còn rất nhỏ và mới học chơi, bạn nên giúp chúng cảm thấy hứng thú vì thắng được bạn. Bạn không cần phải là một đấu thủ quyết liệt giành ưu thế độc quyền hay cố nhấn mạnh chuyện may rủi mà chỉ cần khi con hiểu được trò chơi, hãy chơi với con theo đúng luật và chân thành. Bạn có thể áp dụng cách huấn luyện để nói chuyện với con trước khi bắt đầu trò chơi – về việc chúng sẽ cảm thấy thế nào nếu không giành chiến thắng.
- Chống lại sự thôi thúc muốn làm bài giúp con. Theo đó, bạn cứ để bài tập viết của con nguệch ngoạc và bài tô màu lem nhem. Bởi vì khi trẻ con tự hoàn thành bài tập của mình, chúng sẽ tự tin hơn rất nhiều vào kỹ năng của bản thân so với đứa trẻ đạt điểm cao nhưng là nhờ phụ huynh làm bài giúp. Như đã nêu trong Chương 4, bạn cần truyền cảm hứng học tập cho con.
- Trong thể thao, đừng bỏ qua trận đấu với đội vô địch; hãy cho con ra sân để bé được chơi bằng cả trái tim mình. Sau khi thua cuộc, bạn không được phàn nàn rằng những đứa trẻ kia to con hơn bé nhà mình rất nhiều hoặc trọng tài đã thiên vị đội bạn. Thay vào đó, hãy áp dụng chiến lược Khen ngợi để tuyên dương niềm say mê của con, cách con kiên trì hoặc kêu gọi toàn đội tiếp tục cố gắng cho đến khi kết thúc trận đấu dù biết chắc sẽ thua cuộc. Sau đó, tranh thủ cơ hội để gia tăng sự thân mật với con bằng cách mời con một chầu kem để chia sẻ kết quả thua cuộc này.
BỀN CHÍ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ LẠNH LÙNG BẤT CHẤP
Để rèn luyện ý chí thì con cần phải có sức khỏe, sự dẻo dai và khả năng bình thản trước những lời chỉ trích, trở ngại và thất bại. Mặc dù vậy, không có nghĩa là bạn phải cố gắng biến con thành người lạnh lùng bất chấp. Từ “bền chí” hay ý chí sắt đá đôi khi gợi cho chúng ta hình ảnh như diễn viên Clint Eastwood trong những phim cao bồi miền Tây nước Mỹ: mũ cao bồi bụi bặm, mắt nheo nheo dưới ánh mặt trời chói chang, phì phèo xì gà ở khóe môi – một anh chàng rắn rỏi có thể xử lý bất cứ chuyện gì mà không cần ai trợ giúp cả.
Đó không phải là ý nghĩa của ý chí sắt đá. Trẻ em có thể trở thành người cứng rắn, nhưng đừng khiến chúng trở nên nhẫn tâm khi gặp thất bại hay trở ngại; thay vào đó, chúng ta muốn chúng học hỏi được từ những trải nghiệm không vui đó. Nhưng bạn cũng phải ý thức được rằng đó là những bài học khá đau lòng đối với con, đôi khi làm trái tim con tan vỡ. Tuy nhiên, để giúp con vượt qua nỗi đau này, không có nghĩa là bạn phải đối xử cứng rắn lạnh lùng với con, cũng không có nghĩa là bạn vuốt ve chiều chuộng và xin lỗi vì để con thất bại. Giúp con kiên cường hơn có nghĩa là bạn phải hành xử cân bằng giữa đồng cảm, quyết tâm, khích lệ con và làm mẫu để con biết cách tự giải quyết.
Trẻ em có thể trở thành người cứng rắn, nhưng đừng khiến chúng trở nên nhẫn tâm
Khi con vừa phải nhận một sự từ chối hay thất bại thì đó không phải lúc phê bình con quá nhiều. Hãy cố nhìn nhận tình hình qua lăng kính của con để có thể hiểu và đánh giá được cảm giác của con lúc này. Việc này dẫn đến hai điều: thứ nhất, nó cung cấp cho con ngôn từ để diễn tả cảm xúc; và sau đó, nó giúp con dễ tiếp thu hơn khi bạn thảo luận về cách giải quyết vấn đề cho các tình huống tương tự trong tương lai. Nếu con thất bại, bạn không được nói là mọi việc vẫn ổn, mà phải chia sẻ với con những cảm xúc con đang cảm thấy. Đừng mong con quên đi thất bại ngay lập tức, hãy chấp nhận việc con sẽ buồn bã và thậm chí tức giận, đồng thời bạn cũng nên gọi tên những cảm xúc đó cho con. Khi con vượt qua được những cảm xúc này, có thể là ngay ngày hôm sau hoặc lâu sau đó, bạn có thể trò chuyện với con về cách tận dụng thất bại ấy để làm bàn đạp cho việc tạo sự khác biệt trong lần tiếp theo.
TIN TƯỞNG VÀ KHEN NGỢI CON
Chúng ta đã bàn về việc dạy con tự tin vào năng lực của bản thân trong Chương 8 và điều này chắc chắn cũng sẽ có hiệu quả khi bạn muốn phát triển sự kiên cường của con. Sự tự tin của con bắt nguồn từ sự quan tâm, chú ý và nuôi dạy con một cách năng động của cha mẹ. Chúng giúp con nhận được những yếu tố khích lệ tự nhiên và sự tin tưởng chắc chắn của cha mẹ vào khả năng tự xử lý vấn đề của con, đồng thời cũng đảm bảo luôn có sự cởi mở để con có thể yêu cầu trợ giúp khi cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải rõ ràng ở một điểm, đó là chúng ta không ủng hộ việc cha mẹ cứ lảng vảng, lượn lờ quanh con và can thiệp vào mọi khía cạnh cuộc sống của con như máy bay tuần tra. Đấy không phải là sự quan tâm đúng mực và nó sẽ làm tổn thương khả năng phát triển tính kiên cường của trẻ.
Đây là sự khác biệt giữa cha mẹ quan tâm đúng mực và quan tâm thái quá:
- Cha mẹ quan tâm thái quá: Con tham gia dự án khoa học và bạn giúp con bằng cách chuẩn bị mọi việc từ lên kế hoạch đến trình bày đề tài, giúp con trang trí từng bức tranh, tấm ảnh (vì vậy, chúng rất hoàn hảo) và bạn còn viết tiêu đề cho bài trình bày giúp con. Bất cứ lúc nào con không hiểu các hướng dẫn làm đề tài, bạn gửi email hoặc gọi điện ngay cho giáo viên thay vì để cho con tự tìm hiểu và làm sáng tỏ thắc mắc của mình trên lớp. Bạn săm soi cả cách con nhấn nhá phát âm khi lên thuyết trình và rồi đứng bên sân khấu nhắc bài cho con nếu cần thiết. Sau khi phần trình bày của con hoàn tất, bạn sẽ nói với con rằng “chúng ta” đã làm việc tuyệt vời như thế nào, để rồi đến cuối ngày thì bạn ngã gục vì kiệt sức.
- Cha mẹ quan tâm đúng mực: Bạn nói chuyện với con về đề tài khoa học của bé, khen ngợi con biết chọn chủ đề thú vị và hỗ trợ con các tài liệu, học cụ,… mà con cần. Khi con nhờ bạn giúp sắp xếp trình bày các bức ảnh một cách chính xác, bạn đưa thước, dụng cụ cho con và chỉ con cách làm. Bạn cũng giúp con tìm các mẫu tiêu đề trên Internet. Con tự làm rõ các nội dung trong phần hướng dẫn làm đề tài nhờ sự chỉ dẫn của cô giáo và bảo rằng không muốn tập dợt phần trình bày của mình trước mặt bạn bởi vì bé muốn làm bạn ngạc nhiên. Trong khán phòng, bạn tự hào quay video phần thuyết trình của con từ chỗ ngồi của mình và sau đó đưa con đi ăn kem để chúc mừng thành quả của con.
Khi bạn lượn lờ quanh con như máy bay tuần tra, bạn đang truyền tải thông điệp rằng mình không tin con có thể tự làm điều gì đó một mình. Có lẽ đây không phải là thông điệp bạn muốn con mình nghe hoặc cảm thấy. Để xây dựng phẩm chất kiên cường cho con, bạn cần tin vào thế mạnh của con, đảm bảo là con cũng biết điều đó, đồng thời bạn cũng phải buông bỏ bản năng làm cha mẹ quá mạnh của mình để khỏi làm thay phần việc của con.
Hãy ủng hộ để con dám thử nghiệm, gặt hái thành công hay hỗ trợ khi con thất bại và sau đó thử lại nếu con muốn.
Chúng ta đều biết rằng một đứa trẻ không thể giỏi giang mọi thứ. Không một ai như vậy cả. Vì vậy, dù bạn muốn truyền sự tự tin cho con thì song song với đó và không kém phần quan trọng là bạn phải giúp con hiểu được điều này. Hãy ủng hộ để con dám thử nghiệm, gặt hái thành công hay hỗ trợ khi con thất bại và sau đó thử lại nếu con muốn. Cố gắng không can thiệp vào quá trình tự đứng dậy sau thất bại của con để chúng có cơ hội đương đầu một cách độc lập. Chúng ta sẽ nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của con và luôn yêu con mình vô điều kiện. Mặt khác, bạn cần đặt những mục tiêu có tính thực tế cho con để không đẩy con vào chiều hướng mà con không hứng thú. Đồng thời, bạn cần hướng dẫn con tự đặt ra các mục tiêu thực tế và có thể đạt được.
Giải đấu bóng chày Little League có thể là mô hình thu nhỏ để minh họa cho khái niệm này. Con trai bạn muốn chơi nên bạn đăng ký cho con, mua cho bé chiếc găng tay và bắt đầu luyện tập chơi bắt bóng với con ở sân sau nhà (Càng lúc, bạn càng bị cám dỗ bởi hình ảnh con mình trong bộ đồng phục của đội bóng yêu thích vào một ngày nào đó, và bạn thấy kỳ vọng của mình là hợp lý). Mùa giải bắt đầu nhưng huấn luyện viên không cho con vào đội hình thi đấu chính thức. Con trai của bạn sẽ buồn vì cảm thấy các bạn khác tài giỏi hơn mình, và do đó con nói với bạn là con muốn nghỉ chơi. Tuy nhiên, vì đã đóng tiền để con tham gia nên bạn yêu cầu con ít nhất là phải chơi hết mùa giải.
Bạn nói chuyện với con về việc tất cả những cầu thủ vĩ đại đều phải luyện tập mỗi ngày để đạt đẳng cấp vĩ đại đó, và giúp con cải thiện kỹ năng đánh bóng của mình bằng cách đưa con đến các lồng tập bóng. Con đồng ý, và bạn bắt đầu luyện tập ném bóng cho con bắt với tốc độ rất chậm và tăng dần đều để cuối cùng là bằng với tốc độ các trận đấu chính thức. Nhờ đó, con cải thiện kỹ năng chơi bóng và bạn chỉ ra mối liên hệ giữa sự luyện tập của con với thành quả đạt được: “Sự chăm chỉ luyện tập của con đã mang lại kết quả rồi đó; lúc con mới bắt đầu tập ở đây thì trong năm lần đập gậy, con chỉ đánh trúng bóng hai lần, nhưng bây giờ thì con đánh trúng tới ba, bốn lần luôn. Con làm tốt lắm!”.
Sau đó, liệu huấn luyện viên có đưa con vào đội hình thi đấu không? Có thể có hoặc không. Nhưng liệu bạn có cải thiện được sự kiên cường và thái độ của con không? Chắc chắn rồi. Con có thể cảm nhận được kỹ năng chơi bóng của mình đã được cải thiện và thực sự yêu thích môn thể thao này, đủ để lại tiếp tục chơi vào mùa giải sau hoặc quyết định thử một hoạt động thể thao khác. Dù theo cách nào, con cũng hiểu được rằng khi mọi việc chưa diễn ra theo cách mình muốn thì vẫn có cách khác để làm cho chúng tốt hơn. Nhờ đó, con bắt đầu phát triển tính cách kiên cường và đạo đức, vốn là những yếu tố giúp ích cho sự nỗ lực của con trong tương lai.
Cổ vũ cho những nỗ lực của con, chứ không chỉ là khả năng thiên bẩm của chúng.
Khen ngợi sự đóng góp của con cho thành công cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, điều chúng ta muốn là cổ vũ cho những nỗ lực của con, chứ không chỉ là khả năng thiên bẩm của chúng. Vì vậy, hãy thật cẩn thận để đừng khen ngợi trẻ chỉ vì tài năng thiên bẩm mà chúng không cần nỗ lực cũng có được (trí tuệ bẩm sinh, năng khiếu thể thao hay âm nhạc,…). Những đứa trẻ được sinh ra với năng khiếu thiên bẩm chắc chắn là may mắn, nhưng chúng không làm bất cứ điều gì để nhận được năng khiếu đó. Làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn, sẵn lòng chấp nhận rủi ro và đối mặt với sai lầm mới chính là những phẩm chất mà con trẻ phải kiểm soát tốt. Do đó, thay vì nói: “Chà, con thông minh quá” với một đứa trẻ sáng sủa vừa có phần thi tập đọc tốt ở trường, bạn hãy xem xét khen ngợi theo kiểu khác, chẳng hạn như: “Ồ, con đã học hành rất chăm chỉ và ôn lại kiến thức mỗi ngày, và giờ thì con đã thấy kết quả thu được thế nào rồi đó. Con làm tốt lắm!”.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHƯ LÀ MỘT CÁCH NÊU GƯƠNG CHO CON
Cũng như với hầu hết các vấn đề về hành vi phát sinh ở con trẻ, nêu gương là cách giúp bạn định hình hành vi của trẻ một cách tích cực. Trong phạm trù về sự kiên cường và bền chí này, hành động nêu gương làm mẫu cho con kỹ năng giải quyết tốt các vấn đề sẽ đem lại những hiệu quả lớn bất ngờ.
Mời bạn xem xét những tình huống sau và suy nghĩ về các phản ứng của bạn với chúng:
- Khóa cửa xe nhưng để quên chùm chìa khóa trong xe.
- Quên một thứ gì đó quan trọng ở nhà.
- Để lẫn lộn đồ đạc hoặc quà sinh nhật.
- Phải chỉnh lại phần cài đặt của tivi vì nó đã bị ai đó làm rối tung lên.
- Nhầm lẫn ngày giờ và quên mất con phải đi tập luyện.
- Kiểm tra hành lý chuẩn bị cho một chuyến bay và phát hiện túi của mình có kích thước quá hạn mức cho phép.
Bạn có bật cười khi nghĩ về phản ứng của mình trong những tình huống này? Đây là những khoảnh khắc mà bạn đang tạo cho con ý thức về các kỹ năng giải quyết vấn đề. Cách học hiệu quả nhất của con là quan sát bạn, vì thế hãy chu đáo khi làm mẫu, nêu gương cho con, khéo léo, kiên trì, làm đúng chỉ dẫn và yêu cầu trợ giúp khi cần.
Nếu bạn phản ứng thái quá với những sai lầm và thất bại của mình, con của bạn sẽ rất sợ phạm lỗi và tránh né rủi ro. Điều này có thể khiến trẻ trở thành một người cầu toàn và mất bình tĩnh ngay cả khi đối mặt với những thất bại nhỏ.
TRAU DỒI TÍNH KIÊN CƯỜNG PHÒNG KHI GẶP THỬ THÁCH
Khi mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, bạn gửi vào đó một phần tiền lương mỗi tháng, tích lũy để sử dụng khi có chuyện cần. Tương tự như vậy, bạn rèn cho con ý chí kiên cường từ bây giờ để phòng khi gặp thất bại trên đường đời, con sẽ cần dùng đến nó.
Mỗi lần con gặp thất bại nhưng vẫn tiếp tục cố gắng, và cuối cùng bật dậy thành công thì đó là lúc con gửi thêm vào quỹ ý chí của mình một khoản “trúng số độc đắc”.
Quỹ dự trữ về mặt tinh thần này còn có chức năng bảo vệ, cách ly và giảm sốc hiệu quả cho con cái chúng ta. Chúng giúp con chịu đựng giỏi hơn, đối phó tốt hơn hoặc cố gắng thử lại nhiều lần mà không nản. Những lần bạn làm gương cho con về tính kiên trì là những lần bạn góp thêm vào quỹ dự trữ này, cũng tương tự như những lời khen ngợi bạn dành tặng cho con vì đã chăm chỉ học hành, làm việc. Mỗi lần con gặp thất bại nhưng vẫn tiếp tục cố gắng, và cuối cùng bật dậy thành công thì đó là lúc con gửi thêm vào quỹ ý chí của mình một khoản “trúng số độc đắc”, làm đầy thêm cho ngân quỹ của bản thân.
Những nhân tố khác góp vốn cho quỹ này của con có thể gồm một mạng lưới quan hệ xã hội vững mạnh từ bạn bè, gia đình và người thân bên cạnh. Ngoài ra, các hoạt động làm cho con cảm thấy thoải mái về bản thân, chẳng hạn như hoạt động tình nguyện hoặc cơ hội trở thành người lãnh đạo cũng làm giàu thêm cho tài khoản này. Khi căng thẳng xảy ra, con của bạn có nhiều khả năng xử lý chúng một cách dễ dàng và ít bị suy sụp hơn so với đứa trẻ không được trau dồi ý chí kiên cường.
Nhưng ngược lại cũng đúng. Bất kỳ tình huống nào tạo cho trẻ cảm giác không đủ năng lực, chẳng hạn như các vấn đề về xã hội hoặc học tập, có thể gây bất lợi cho việc rèn luyện ý chí kiên cường. Trong suốt quá trình lớn lên, có rất nhiều chuyện khiến trẻ cảm thấy mình tệ hại. Đó là lý do vì sao việc chúng ta xây dựng ý chí kiên cường cho con trong mọi lĩnh vực của cuộc sống là rất quan trọng. Nếu làm được như vậy, trong những lúc cảm thấy mất tự tin, con có thể đào sâu ký ức và nhớ ra mình đã thành công thế nào trong một số lĩnh vực khác của cuộc sống, để từ đó, ý chí của con được vực dậy.
***
Ý chí và sự kiên cường là sức mạnh đáng quý và có thể theo con suốt cuộc đời. Đó có lẽ là phẩm chất quan trọng nhất mà bạn có thể nuôi dưỡng cho con, bởi lẽ, chỉ đứng sau tình yêu thương và kỷ luật, ý chí tạo ra nền tảng cho hạnh phúc viên mãn của con.
Khi có thể, hãy để con được quyền thất bại. Tuy nhiên, bạn cũng phải chắc chắn là con có cơ hội để trở lại sau thất bại đó. Hãy chăm chỉ làm việc của mình để tránh nhòm ngó và bảo bọc con quá mức, nhưng đồng thời bạn phải chắc chắn là đã truyền cho con thông điệp rằng bạn tin tưởng vào khả năng của con. Đó là một hằng số cân bằng giữa việc tạo cho con mức độ thách thức hợp lý, cho con số cơ hội vừa phải để đối mặt với thất bại và một tình yêu vô hạn, vô điều kiện, cũng như sự chấp nhận mà bạn dành cho con.
Hãy là người biết giải quyết vấn đề, cho con thấy ý chí và sự kiên cường của bạn khi đối mặt với thách thức. Trau dồi, làm giàu thêm cho ngân quỹ tinh thần của con từ mọi cơ hội sẽ tạo cho con một lá chắn bảo vệ và chống stress hiệu quả. Bạn sẽ thấy con có những cải thiện về hành vi khi đã rèn luyện được tính kiên cường và như vậy, bạn cũng đã chuẩn bị được cho con cơ sở để xử lý những va vấp mà chắc chắn con sẽ gặp trên đường đời. Hơn tất cả, bạn chuẩn bị được cho con một tương lai thành công trên chính đôi chân con.