Có những lúc trong cuộc đời, chúng ta rơi vào hoàn cảnh gây stress cho cả bản thân và gia đình. Những lúc như vậy, cơ chế đối phó của chúng ta, và cả kỹ năng làm cha mẹ, có thể được tăng cường hoặc chúng ta cần phải nghỉ ngơi. Đây chỉ là hiện tượng tự nhiên: tâm trí và cơ thể con người khi chịu đựng căng thẳng đến mức tối đa thì sẽ bắt đầu ngưng hoạt động hoặc sụp đổ.
Chúng ta hãy trở lại với phép ẩn dụ ở phần mở đầu quyển sách. Đó là một khu vườn, nơi bạn đã cày xới, gieo giống, bón phân và tưới nước thường xuyên. Nhưng ngay khi bạn nghĩ rằng khu vườn của mình đang thành hình thì đùng một cái, một cơn bão lớn gây thiệt hại hoặc, trong một số trường hợp, tàn phá nó tan hoang. Bạn nhìn quanh và thấy những luống cây được chăm bón cẩn thận bị quật ngã thành mớ hỗn độn; nhiều cây bị bật hết gốc rễ; những cây khác đã bị mưa gió nghiền nát.
Khi một tình huống nghiêm trọng xảy ra trong gia đình, các thành viên có thể cảm thấy tương tự như khi cơn bão thổi qua mảnh vườn sau nhà. Cha mẹ ly thân hoặc ly dị; cha mẹ đi xa và chỉ gửi tiền về chu cấp con; cha mẹ bệnh nặng hoặc tử vong; hay ngay cả một vấn đề về tài chính (như việc ngôi nhà bị tịch thu) có thể khiến gia đình và bản thân chúng ta cảm thấy như thể đã bị cuốn vào cơn lốc xoáy. Hệ quả là những căng thẳng trầm trọng có thể xảy ra. Đối với trẻ nhỏ, kể cả các sự kiện bình thường trong cuộc sống (như chuyển nhà hay có thêm em) cũng có thể khiến trẻ cảm thấy cả thế giới như thể bị đảo lộn. Việc cha mẹ ly dị có thể làm trẻ cảm thấy chới với như cây non bị bật hết gốc rễ. Người thân lâm trọng bệnh có thể ám ảnh tinh thần của con. Những cảm xúc như thế có thể xảy ra với bất cứ thành viên nào trong gia đình, bất kể tuổi tác, trong và sau một biến cố lớn.
Trong chương này, chúng tôi đưa bạn qua một số tình huống làm gia tăng stress trong gia đình bạn. Song song với đó là một số lời khuyên về cách thức để giảm bớt gánh nặng trên vai con trẻ, hay duy trì một vẻ bề ngoài bình thường cho phép con cảm thấy an toàn khi đối mặt với biến cố lớn đó. Để bắt đầu, bạn cần phải biết stress biểu hiện như thế nào và các hành vi cho thấy con đang gặp khó khăn trong việc xử lý stress.
NHẬN BIẾT CÁC DẤU HIỆU CỦA STRESS
Stress là một trạng thái của tâm lý ở trẻ em và người lớn, bắt nguồn từ quan điểm riêng của mỗi người. Hai người cùng trải qua một tình huống như nhau có thể có cách đối phó khác nhau; một người có thể cảm thấy căng thẳng về tâm lý hoặc tình cảm, trong khi người kia lại chỉ xem đó là một va vấp nhỏ trên đường đời.
Có một thực tế là tình huống không quen thuộc hoặc mới mẻ, ngay cả khi có chiều hướng tích cực, cũng có thể tạo ra sự lo lắng và căng thẳng cho trẻ. Đôi khi điều này xuất phát từ sự không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra. Bạn có thể thấy lý do khiến con lo lắng là không hợp lý, nhưng chỉ khi hiểu được những gì đang diễn ra trong đầu con thì bạn mới giúp con đối phó với tình huống khéo léo hơn.
Nếu bạn đã từng gặp trường hợp đứa con vốn thân thiện của mình đột nhiên không muốn tham gia một bữa tiệc sinh nhật nào đó thì bạn đã có thể tận mắt nhìn thấy điều này. Theo lẽ thường, con đã chạy thẳng đến xem các món quà, bánh nhưng lần này, nó lại cứ chôn chân ở cánh cửa, níu chặt chân bạn hệt như các em bé sợ mẹ biến mất. Vậy thì bạn cần xem xét xem có phải nhóm người tham dự tiệc có đông hơn bình thường hoặc địa điểm bữa tiệc không quen thuộc với con.
Bạn có thể trải qua một tình huống nghiêm trọng hơn nếu bạn làm thủ tục ly hôn. Có thể con gái bạn bắt đầu lo sợ cha sẽ đi mất vì đứa bạn thân nhất của con đã không còn gặp lại cha sau khi cha mẹ bạn ấy ly dị. Nghe có vẻ vô lý vì bạn đã lên lịch trình cho chồng đến thăm con, cùng nuôi dạy con và thậm chí bạn đã giải thích với con điều đó, nhưng cho đến khi con thật sự hiểu mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào ở gia đình mình, bằng không thì con vẫn sẽ căng thẳng.
Nhận biết các triệu chứng của stress và sau đó xác định được tác nhân gây stress là điều vô cùng quan trọng. Hãy nhớ rằng trẻ em thường thể hiện cảm xúc thông qua hành vi của chúng. Một sự thay đổi hành vi lạ thường là dấu hiệu chính của stress, và bạn phải kiểm tra những gì đang xảy ra khiến con có sự thay đổi này.
Một sự thay đổi hành vi lạ thường là dấu hiệu chính của stress.
Nếu bạn nhận thấy những thay đổi của con xuất hiện trong các dòng mô tả triệu chứng thông thường dưới đây, nghĩa là con của bạn có thể đang gặp căng thẳng. Mọi triệu chứng dưới đây đều có thể xảy ra trong bất kỳ tình trạng căng thẳng nào, không nhất thiết phải có nhịp độ hay lý do:
- Tái phát sự khó chịu về thể chất (như đau bụng mỗi buổi sáng đến trường hoặc đau người trước ngày có bài tập thực hành, kiểm tra mà không phải do nguyên nhân sức khỏe).
- Có hành vi trốn tránh (ví dụ, con nói rằng con không muốn tham gia vào một việc gì đó mà con vẫn thường làm từ trước đến giờ).
Có sự thay đổi về cảm xúc (chẳng hạn như, từ một đứa trẻ tính tình thân thiện bỗng trở nên rụt rè, đang bình thường vui vẻ lại tỏ ra buồn rầu, hoặc từ hòa nhã trở nên cáu kỉnh, nóng tính).
- Có sự thay đổi trong học tập (chẳng hạn như, điểm số sút giảm mạnh, hoặc gian lận trong học hành, thi cử).
- Gia tăng nỗi sợ hãi hoặc lo lắng.
- Có những thay đổi liên quan đến giấc ngủ, có thể là ngủ ít hoặc nhiều hơn bình thường.
Điều quan trọng là bạn phải luôn thận trọng với các dạng stress phát sinh và phát triển ở con mình. Nếu gia đình bạn vừa hoặc đang trải qua một biến cố khó khăn, thì những hành vi kể trên chính là dấu hiệu báo động cho bạn.
Bạn có thể thấy dường như trẻ đã vượt qua stress, nhưng đối với những tác nhân gây stress nghiêm trọng thì không có gì lạ nếu chúng vẫn để lại dư âm và stress lại xuất hiện khi có thể. Đối với một số trẻ, điều đó có thể xảy ra trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Đôi khi, nó có thể trở lại ở các giai đoạn phát triển khác sau này trong suốt cuộc đời của trẻ. Cha mẹ buộc phải luôn cởi mở với các câu hỏi và thực sự lắng nghe con cái khi chúng chia sẻ suy nghĩ. Các tình huống căng thẳng không phải là cuộc hội thoại chỉ diễn ra một lần. Đôi khi, có một tình tiết đơn giản nhưng gây stress cho con nhiều hơn bạn nghĩ và chỉ khi lắng nghe những mối bận tâm của con thì bạn mới nhận ra đó là gì.
Chăm sóc bản thân tốt sẽ giúp bạn có khả năng nuôi dạy con hiệu quả hơn.
Ngoài việc chăm sóc chu đáo cho con trong suốt giai đoạn khó khăn thì một điều cũng quan trọng không kém là bạn phải nhận thức được cảm xúc của chính bản thân mình. Bạn, và bất kỳ người lớn nào cùng nuôi dạy con, cần phải thường xuyên chăm sóc chính mình. Mặc dù nghe có vẻ ích kỷ nhưng điều này lại có thể giúp bạn có khả năng kháng cự tốt hơn với những tác động tiêu cực do stress kéo dài. Vì vậy, đó là một khoản đầu tư cho con, bởi lẽ chăm sóc bản thân tốt sẽ giúp bạn có khả năng nuôi dạy con hiệu quả hơn. Hành động này bao gồm bảo đảm việc ăn uống bình thường, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi nhiều, dành thời gian cho bản thân và có cách giải tỏa cảm xúc.
Nếu bạn cảm thấy quá tải về mặt cảm xúc, chúng tôi khuyên bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ. Hành động này là cực kỳ cần thiết nếu bạn đang rơi vào tình huống căng thẳng (như bệnh tật hoặc ly hôn). Những lúc như thế này, bạn bận rộn quay cuồng vì những căng thẳng của riêng mình nhưng vẫn phải đảm bảo một nhiệm vụ vĩ đại là khỏe mạnh để nuôi dạy con cái. Nếu không có bạn bè hay thành viên gia đình nào đáng tin cậy để gửi gắm tâm sự, hãy tìm gặp một người hay một nhóm hỗ trợ tâm lý đủ khả năng đón nhận cảm xúc của bạn. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn bằng cách đọc thêm về điều này trong Chương 11.
DUY TRÌ NẾP SINH HOẠT BÌNH THƯỜNG
Trong những lúc khó khăn, một nề nếp kỷ luật nhỏ cũng có thể mang lại sự thoải mái cho gia đình bạn. Duy trì nếp sinh hoạt bình thường có nghĩa là cố gắng giữ các nề nếp, quy tắc và giới hạn đã thiết lập như cũ càng nhiều càng tốt dù hoàn cảnh có thay đổi. Nếu gia đình bạn chuyển nhà hay con chuyển trường thì việc điều chỉnh nề nếp, thói quen để thích nghi với hoàn cảnh mới là điều cần thiết, và bám sát với lịch trình đã điều chỉnh là hành động đem lại lợi ích cho mọi thành viên. Trẻ con phát triển nhờ dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra vì nó cho chúng chỗ dựa tinh thần. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp gặp biến cố lớn khiến chúng như cá ra khỏi nước thì chỉ cần một số thói quen cũ cũng cho con cảm giác có một chỗ dựa quen thuộc để lèo lái hoàn cảnh mới này.
Cũng với lý do trên, con cần biết rằng việc giữ vững tiến độ học tập vẫn có ý nghĩa quan trọng, những mong đợi của bạn về thái độ, hành vi của con vẫn như cũ và nếu con làm gì vượt quá giới hạn thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm và hệ quả tiêu cực như trước. Trong khi vẫn nhạy cảm với khó khăn của con và uyển chuyển trong phản ứng, thì bạn còn phải luôn duy trì những giới hạn lành mạnh và thích hợp để truyền đạt cho con thông điệp rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn bất chấp những thay đổi mà cả gia đình đang trải qua tại thời điểm này.
Trong thời kỳ gian khó này, điều đặc biệt khôn ngoan là bạn cần tránh nuông chiều con quá mức. Thực tế, có những người vì mặc cảm tội lỗi, hối tiếc hoặc xấu hổ mà bỏ đi tất cả các thói quen và yêu cầu đã đặt ra với con trước đây. Cha mẹ có thể cảm thấy như bị thôi thúc phải cư xử như vậy. Bởi lẽ, không ai trong chúng ta muốn thấy con cái mình đau khổ, và việc sẵn sàng làm vơi nhẹ bất cứ thứ gì có thể gây ra đau đớn hoặc khó khăn cho con dường như là việc làm đúng đắn theo quan điểm của họ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ truyền thông điệp rằng con rất mong manh, yếu đuối, thiếu năng lực hoặc bạn nghi ngờ về khả năng vượt qua tình huống khó khăn này của con. Mặc dù trẻ có thể biểu hiện niềm thích thú vì không còn phải tuân theo những giới hạn hay quy tắc nào nữa nhưng một cách vô thức, chúng sẽ tiếp nhận những thông điệp này của bạn.
Truyền cho con thông điệp về sự kiên cường vì bạn cần chuẩn bị cho tương lai lâu dài của con.
Bạn muốn nuôi dạy con với kỳ vọng rằng cả bạn và con đều sẽ thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại thì phải để con chung sức với bạn làm điều này. Bạn muốn truyền đạt thông điệp về sự kiên cường cho con, bởi vì bạn không chỉ dạy dỗ con trong tình huống này mà còn chuẩn bị cho con về lâu về dài.
Sau đây, chúng ta hãy xem xét kỹ lưỡng hơn một số tình huống gây căng thẳng cụ thể.
LY THÂN HOẶC LY HÔN
Ly thân hoặc ly hôn là tình huống khó khăn đối với cha mẹ. Còn đối với con cái, nó thậm chí còn gây ra nhiều khó khăn nghiêm trọng hơn. Sự đổ vỡ là cực kỳ căng thẳng đối với tất cả các bên liên quan và không ai lảng tránh được nó. Tuy nhiên, bạn có thể chuẩn bị cho những thay đổi về lâu dài của con trước sự cố này. Dưới đây là một số lời khuyên trong việc nói chuyện với con cái về quyết định ly thân hoặc ly dị của cha mẹ:
- Chọn không gian dành cho sinh hoạt chung trong nhà – không phải là trong phòng riêng của con, nơi mà chúng thường thấy an toàn nhất.
- Nói chuyện với con, đồng thời duy trì cảm giác gắn kết.
- Dành một khoảng thời gian để con chuẩn bị cho việc chia xa, nhưng không quá nhiều đến mức khiến chúng hoảng sợ hay nghĩ rằng nó sẽ không xảy ra.
- Cố gắng giữ cho cảm xúc của chính mình trong tầm kiểm soát, mặc dù làm được như vậy không dễ như là nói suông.
- Thẳng thắn và trung thực; đừng ậm ừ cho qua chuyện mà cố gắng tìm cách nói về nó sao cho thật nhẹ nhàng.
- Giải thích rằng đây không phải là lỗi của con. Nếu con vừa mới gây chuyện rắc rối thì bạn giúp con loại bỏ ý nghĩ này và đảm bảo là con không liên hệ hai sự kiện với nhau.
- Bạn cần hiểu rằng ngay cả với những đứa trẻ đã khá lớn thì chúng cũng có thể sợ hãi và tự đổ lỗi cho mình.
- Hãy trấn an con rằng cả cha và mẹ vẫn sẽ yêu thương con.
- Trả lời bất kỳ câu hỏi nào của con, kể cả những câu hỏi có vẻ như không quan trọng.
Cũng khó khăn như khi báo tin cho con, việc quản lý hành vi của trẻ trong và sau khi ly thân, ly dị có thể cực kỳ vất vả cho cha mẹ. Điều quan trọng nhất là thực thi các điều khoản cam kết với vợ/chồng cũ của bạn, bởi vì những mâu thuẫn tiếp diễn của cha mẹ sau khi ly hôn là một trong những yếu tố gây ra tác động tiêu cực mạnh nhất lên con cái. Vì vậy, đây là trường hợp điển hình bạn cần dùng đến Chiến lược Toàn diện - Nêu gương làm mẫu cho con.
Nhìn từ quan điểm của con, giờ là lúc con phải lèo lái giữa hai cuộc sống tách biệt của cha mẹ và đối phó với những hoàn cảnh lạ lẫm, khó chịu. Ví dụ, nếu con sống cùng và yêu quý mẹ, nhưng khi gặp cha vào cuối tuần, con cũng thấy yêu quý ba. Mặc dù vậy, cả cha và mẹ đều nói xấu và kể tội người kia rất nhiều khiến đứa trẻ bị rơi vào tình thế tuyệt vọng, không biết phải làm gì. Đứa trẻ đó có thể cảm thấy lạc lõng, dễ bị tổn thương và không ổn định trong cả hai ngôi nhà, và điều này sẽ ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc, cũng như tất cả mọi thứ trong cuộc sống của trẻ.
Do đó, dù không cần phải chính xác như nhau nhưng cả cha và mẹ đều phải giữ càng nhiều các giới hạn và quy tắc đã áp dụng cho con trước đây càng tốt, dù đã ở nhà mới. Trẻ có thể quen với các quy tắc khác nhau ở những nơi khác nhau miễn là có sự nhất quán. Áp dụng Chiến lược Toàn diện -Cho con hướng dẫn tốt và thực thi các giới hạn, quy tắc tại nhà mới của bạn và, nếu cần, áp dụng cách huấn luyện để giúp con điều chỉnh cho phù hợp với các quy tắc khi con ở với người kia.
Thêm vào đó, bạn cũng đừng làm gì hạ thấp người kia. Nếu người kia thực sự đang chơi xấu bạn mà bạn không còn muốn có liên hệ gì thì bạn chỉ cần tập trung vào sự ổn định và các nội quy gia đình mới của mình là đủ. Hãy kiềm chế thôi thúc muốn trả đũa hoặc phàn nàn với con về vợ/chồng cũ của bạn. Cách làm đó có thể nêu gương tốt cho con bất chấp vợ/chồng cũ của bạn đang làm gì.
Một điều không kém phần quan trọng là bạn không nên chia sẻ với con cái về những cảm giác đau buồn, chán nản hay thất vọng của bản thân về hoàn cảnh hiện tại. Thay vào đó, hãy tự giải quyết những cảm xúc này của mình bằng cách sử dụng hệ thống hỗ trợ của riêng bạn. Bởi vì bạn không thể trông chờ con xử lý gánh nặng này giúp mình. Đừng “nướng” con cái trên ngọn lửa bất hòa của bạn với vợ/chồng cũ.
Trẻ em luôn cần cả cha lẫn mẹ trong cuộc sống của mình.
Trẻ em luôn cần cả cha lẫn mẹ trong cuộc sống của mình. Vì vậy, điều quan trọng là con vẫn giữ được liên lạc thường xuyên với cả hai và mỗi người đều phải có mặt bên con theo đúng lịch đã đề ra. Ngoài ra, bạn hãy cho con sự riêng tư và không gian để tự do tương tác với người kia mà không cảm thấy bị giám sát.
Tất cả những lời khuyên này nhằm phục vụ cho việc báo tin ly thân hay ly hôn, giữ nguyên các điều khoản cam kết dân sự với người vợ/chồng cũ và duy trì nguyên vẹn các quy tắc, giới hạn áp dụng cho con. Chúng sẽ giúp bạn tránh được một số vấn đề về hành vi ở trẻ. Tuy nhiên, thật không may là thường thì chúng không thể giúp bạn thoát khỏi hoàn toàn những phản ứng tiêu cực của con đối với sự tan vỡ gia đình. Vì lý do này, bạn cần nỗ lực gấp đôi trong Chiến lược Toàn diện xây dựng mối quan hệ tích cực với con, điều này sẽ củng cố sự an toàn và nền tảng vững chắc cho con.
Mặc dù cha mẹ ly hôn là chuyện không dễ dàng gì với con cái, nhưng trẻ có thể vượt qua nó nhờ sự kiên cường, thậm chí trẻ còn có thể phát triển mạnh khi được ở trong ngôi nhà mà cha/mẹ hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn trong cuộc sống cá nhân của họ. Nếu cuộc sống gia đình bạn đã trở nên ngột ngạt thì vẫn chưa quá muộn để thay đổi. Dù sẽ mất thời gian, nhưng việc đó có thể thực hiện. Mối quan hệ bạn bè thân mật giữa vợ chồng đã ly hôn là kết cục tốt nhất cho tất cả những người liên quan. Tuy nhiên, nếu điều đó không thể xảy ra thì sự lịch thiệp và tránh xung đột giữa người lớn sẽ mang đến những kết quả tốt nhất cho trẻ.
CHA MẸ Ở PHƯƠNG XA
Ly hôn hoặc ly thân không phải là trường hợp duy nhất mà cha mẹ phải ở xa con cái. Các tình huống khác có thể bao gồm nhập ngũ, thường xuyên đi công tác ngắn ngày hay dài ngày... Bất kể hoàn cảnh nào, khi một bên cha hoặc mẹ xa nhà thời gian dài, đứa trẻ và cả gia đình có thể cảm thấy rất căng thẳng. Việc nuôi dạy con khi xa nhà không phải là nhiệm vụ dễ dàng và đòi hỏi sự tập trung, năng lượng và cam kết duy trì vai trò tích cực trong quá trình nuôi dạy con cái. Nói tóm lại, bạn phải hành động nhiều hơn để nuôi dưỡng một mối quan hệ gia đình tích cực với bọn trẻ. Đây là một số cách để làm điều đó:
- Duy trì liên lạc thường xuyên và đúng hẹn với con. Giữ lời hứa gọi điện và về thăm con để con thấy bạn là người đúng hẹn, đáng tin cậy.
- Theo dõi thông tin hàng ngày về cuộc sống của con (chẳng hạn như, các bài tập về nhà, điểm số và các hoạt động ngoại khóa của con, biết tên thầy cô và bạn bè của con).
- Tìm một hoạt động mà bạn có thể chia sẻ cùng con để tạo sự liên kết, bất kể khoảng cách. Đó có thể là một chương trình tivi, môn thể thao mà con yêu thích, những sở thích hay đam mê của con.
- Sử dụng công nghệ truyền thông (như trò chuyện video trực tuyến và chơi game online với nhau, hoặc chỉ đơn giản là gửi tin nhắn hay email) để giúp con cảm thấy vững dạ, biết rằng có thể dễ dàng gặp được bạn khi cần.
Nếu con bắt đầu có các triệu chứng stress trong suốt thời gian bạn xa nhà, bạn cần sáng tạo ra các phiên bản trực tuyến của phương pháp huấn luyện và thực hành. Bạn có thể quay video trong ngày của mình để làm nhật ký cho con xem bạn làm gì khi không ở bên chúng. Hãy cho con biết bạn luôn nghĩ về con; thậm chí bạn có thể giơ bảng lên và yêu cầu con cho ý tưởng giúp bạn vượt qua được một ngày mà không có con ở bên cạnh.
Nếu bạn là người ở nhà chăm con, hãy chọn đánh giá lại những loại hành vi nào cần bỏ qua. Mặc dù bạn không thể bỏ qua mọi thứ, nhưng hãy xem xét cho bọn trẻ một chút thả lỏng với những hành vi có thể gây phiền nhiễu cho bạn, song không đáng ngại hay đáng quan tâm so với những thứ tự ưu tiên khác. Thường xuyên khen ngợi và khích lệ con hơn. Như đã nêu ở trên, bạn không được bỏ hẳn những hệ quả tiêu cực hoặc những hình phạt cho hành vi phạm tội, gây tổn thương; bạn vẫn phải luôn nhất quán thì con sẽ trở lại với hoạt động bình thường nhanh hơn.
BỆNH TẬT
Cho dù người bệnh là cha mẹ hay con cái thì kiểu tình huống này cũng làm gia đình trở nên cực kỳ căng thẳng và cần được xử lý khéo léo, tinh tế. Trong quyển sách này, chúng ta không thể đề cập được tất cả các vấn đề tiềm ẩn trong tình huống như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chia sẻ một số lời khuyên quan trọng để duy trì sự lành mạnh về cảm xúc và hành vi tốt của con trong thời gian này.
Đầu tiên là phải duy trì nề nếp sinh hoạt bình thường, như nội dung đã được trình bày ở phần đầu chương này. Điều này có ý nghĩa quyết định hoàn toàn khi chúng ta đối mặt với một căn bệnh nghiêm trọng. Tuy vậy, nó cũng là chuyện cực kỳ khó khăn. Hãy chọn một lĩnh vực mà bạn tin rằng có thể giữ mọi thứ như trước khi gia đình có người đau ốm. Nếu gia đình bạn luôn ăn tối cùng nhau lúc 6 giờ chiều thì hãy cố gắng hết sức để duy trì thói quen này, ngay cả khi bữa ăn diễn ra ở bệnh viện và có thể bị trì hoãn đến khi y tá, bác sĩ thăm khám xong. Các bệnh viện nhi thường hiểu được tầm quan trọng của những nề nếp sinh hoạt thế này và sẽ có những tiện nghi đặc biệt mà gia đình bạn có thể sử dụng. Nếu bạn đang điều trị ở bệnh viện dành cho người lớn thì hãy nói chuyện với y tá hoặc bác sĩ về nhu cầu của con để được tạo điều kiện giúp đỡ.
Ngoài ra, bạn cần cố gắng kiềm chế việc bảo bọc, nâng niu bọn trẻ thái quá. Bạn phải thấy có sự cân bằng tinh tế và phù hợp về độ tuổi giữa sự khắc nghiệt của tình huống đang diễn ra với những gì con có thể hoặc nên biết. Hành động bảo bọc quá mức sẽ truyền đi thông điệp rằng con không thể tự xử lý bất cứ điều gì mà con đang phải đối mặt. Mặt khác, trẻ có thể cảm nhận được chuyện gì đang diễn ra, và nếu chúng không nhận được câu trả lời từ bạn thì chúng sẽ tự điền vào chỗ trống những kiến thức có thể tồi tệ hơn thực tế. Vì vậy, trong khi bạn quan tâm sâu sắc đến khả năng vượt qua một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng – của con, hay anh chị em của con, hay của chính vợ chồng bạn – bạn cần phải trả lời tất cả các câu hỏi của con và truyền cho con thông điệp là bạn tin tưởng con có thể xử lý nó.
Hành động bảo bọc quá mức sẽ truyền đi thông điệp rằng con không thể tự xử lý bất cứ điều gì mà con đang phải đối mặt.
Khi một đứa trẻ đau ốm, đó có thể là điều cực kỳ khó hiểu và khó chấp nhận đối với anh chị em của bé. Ngay khi con dần hồi phục và xuất viện về nhà, tình trạng khẩn cấp đã không còn, bạn sẽ muốn sinh hoạt gia đình trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu vì sức khỏe của con mà bạn phải nới lỏng các yêu cầu, quy tắc cho đứa trẻ bị bệnh, thì không có gì bất thường khi anh chị em của bé phân bì tỵ nạnh và thậm chí ghen ghét, để đòi được giống nhau. Nếu tình hình cho phép, bạn nên bám sát cách thức mà trước đây đã dùng để triển khai các giới hạn và quy tắc. Giữ nguyên thời gian biểu của gia đình, và sửa đổi, bổ sung bất kỳ thay đổi nào nếu cần nhưng phải đảm bảo là bạn có những chỉ dẫn tốt cho con. Một đứa trẻ có thể gặp ít nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng công việc nhà thì vẫn nên được phân công cho tất cả, tùy theo khả năng của con: “Đúng rồi, Kendall được phân công việc khác, nhưng mọi người đều làm việc nhà và tất cả việc này đều rất quan trọng”. Hoặc, “Bây giờ Jamal có thể chưa ra ngoài chơi được nhưng điều đó không có nghĩa là tivi sẽ mở suốt ngày; chúng ta hãy chọn đọc vài quyển sách mới hôm nay đi nào”.
Duy trì tình trạng bình thường cũng có nghĩa là tiếp tục những điều thú vị: đi chơi càng nhiều càng tốt, cười đùa, ăn các món yêu thích, và thậm chí đi nghỉ như dự kiến nếu bạn có thể xoay xở được. Nếu bạn không yên tâm về sự an toàn hoặc sức khỏe của con khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong số những điều vừa nêu, hãy thảo luận với y bác sĩ và nhờ họ chỉnh sửa chúng cho thích hợp để gia đình bạn vẫn có thể triển khai mà không phải lo lắng gì.
Ngoài ra, một cách có thể khiến cho cả trẻ em lẫn người lớn cực kỳ dễ chịu là tham gia các hoạt động để mở mang hiểu biết về tình hình đang diễn ra. Nếu một người trong gia đình phải nằm viện do tai nạn xe, thì việc tìm hiểu về an toàn giao thông và tham gia giúp đỡ ngăn ngừa các bi kịch khác có thể là một liệu pháp điều trị tâm lý cho tất cả các thành viên trong gia đình. Tương tự, nếu thành viên trong gia đình đang phải đối mặt với một căn bệnh hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó, thì việc tham gia vào một cuộc đi bộ vận động hoặc gây quỹ từ thiện có thể cho bạn cảm giác đang thay mặt gia đình để tạo ra sự khác biệt. Đôi khi, chỉ cần có thể làm được điều gì đó cũng tác động tích cực đến tâm trí của bạn – nhờ gợi lên ý thức về mục đích và cảm giác có quyền hành của bản thân. Thường thì tham gia vào các sự kiện này cũng sẽ dẫn bạn đến với các gia đình có hoàn cảnh tương tự hay những nhóm hỗ trợ luôn sẵn lòng giúp đỡ.
Đặc biệt, trong trường hợp căn bệnh nghiêm trọng hoặc giai đoạn cuối của người thân, chúng tôi khuyên bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn. Bạn có thể đọc thêm về điều này trong chương tiếp theo, nhưng một chuyên gia có kinh nghiệm sẽ đưa ra hướng dẫn và tư vấn cụ thể để giúp mỗi thành viên trong gia đình bạn đối phó với hoàn cảnh khó khăn đang diễn ra.
CÁC RẮC RỐI VỀ TÀI CHÍNH
Gánh nặng tài chính hoặc sự bất ổn có thể gây ra rất nhiều căng thẳng trong gia đình. Con trẻ nhận tín hiệu từ cha mẹ; vì vậy, những cảm xúc mà bạn có (công khai hoặc không) cũng là những cảm xúc mà con có thể có. Đây có thể là tình huống mà trẻ không hiểu nổi, và biểu hiện stress rất phổ biến ở trẻ trong tình huống này là những thay đổi về hành vi (như các cơn đau bụng tái phát, rụt rè hoặc hung hăng hơn bình thường, thái độ tránh né hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ).
Bạn có thể phải nỗ lực gấp đôi để thực hiện các phương pháp hướng dẫn tốt, cũng như thực thi các giới hạn và quy tắc. Hãy kết hợp cả hai phương pháp này với những lời khen ngợi đặc biệt và khuyến khích bất kỳ hành vi tích cực nào mà bạn thấy. Hãy chắc chắn rằng bạn thường xuyên tìm kiếm cơ hội để khen ngợi và cổ vũ những điều tốt đẹp mà trẻ làm được.
Thêm vào đó, bạn cũng cần ghi nhớ phương pháp nêu gương làm mẫu cho con, cho con thấy cách để xử lý những căng thẳng trong cuộc sống. Điều quan trọng là bạn phải nói chuyện với một giọng điệu và thái độ điềm tĩnh, để con biết và hiểu những gì bạn đang trải qua. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn khi đối phó với những thay đổi trong cuộc sống do tình trạng khó khăn về tài chính gây ra:
- Hãy trấn an trẻ rằng bạn vẫn chăm sóc chúng và vẫn kiểm soát được tình hình.
- Giải thích bất cứ thay đổi nào về điều kiện sống, mức sinh hoạt của gia đình vì chúng liên quan đến cuộc sống của con.
- Giảm thiểu các cách tự diễn giải sai lệch của con khiến con có thể căng thẳng bằng cách trả lời các câu hỏi của con một cách trung thực và thích hợp với độ tuổi.
- Trong giai đoạn này, một số thay đổi (chẳng hạn như chuyển chỗ ở) có thể là điều không thể tránh khỏi, nhưng hãy cố gắng giữ cho những thay đổi lớn khác trong cuộc sống ở mức tối thiểu.
- Tổ chức một cuộc nói chuyện trong gia đình để giải quyết vấn đề về tài chính. Cho phép con chia sẻ ý tưởng về việc cắt giảm chi tiêu trong gia đình.
- Dành thời gian cùng gia đình tham gia các hoạt động có chi phí thấp hoặc không tốn kém (như đi công viên, đạp xe, chơi cờ ở nhà,…). Duy trì hoạt động sẽ giúp bạn tránh được sự lo lắng và chán nản quá mức.
- Nói về “cái may trong cái rủi” và giúp gia đình nhìn thấy cơ hội thay đổi (chẳng hạn như có thể theo đuổi việc làm mới, hoặc sống ở một nơi khác của thành phố hay đất nước khác). Đồng thời, giữ vững quan điểm về vai trò của tiền bạc.
CHUYỂN NHÀ HOẶC CHUYỂN TRƯỜNG
Cho dù lý do gia đình bạn chuyển đến một ngôi nhà mới có thể là vui hay buồn thì những gì mà trẻ nhìn nhận thường giống nhau: trường học mới, hàng xóm mới và (dường như) không có bạn bè. Vì vậy, hành động quan trọng nhất mà bạn có thể làm là phải nhận ra rằng sự chuyển đổi này khó khăn nhưng đồng thời cũng mang lại cho con nhiều kỹ năng đối phó. Một số trẻ thích nghi mà không gặp vấn đề gì; nhưng nhiều trẻ khác mất vài tháng để thích ứng. Những yếu tố tác động lên việc này là tính khí, độ tuổi và hoàn cảnh cụ thể.
Dưới đây là những lời khuyên để bạn giúp con giải quyết vấn đề dời đổi này và để có thể tránh được nhiều hành vi có vấn đề tiềm ẩn:
- Chuẩn bị trước cho con càng sớm càng tốt.
- Xây dựng lòng tự trọng cho con bằng cách cho phép con đưa ra một số quyết định về việc di chuyển này: những đồ vật nào con sẽ mang theo và đồ gì con sẽ đem tặng, con sẽ sơn phòng mới của mình màu gì,…
- Tạo cơ hội giao tiếp cởi mở với con. Hãy hỏi những câu hỏi mở mà con không thể chỉ trả lời là “Có” hoặc “Không” (chẳng hạn như: “Con nghĩ sao về điều này?” và “Con thấy nó thế nào?”).
- Áp dụng cách nêu gương làm mẫu để chỉ cho con cách thích nghi với hoàn cảnh mới, đồng thời cho con biết là bạn cũng có một chút lo lắng về chuyện thay đổi này. Bởi vì sau cùng thì bạn cũng sẽ phải bắt đầu lại ở một nơi không quen thuộc và phải kết bạn mới.
- Giao cho con nhiệm vụ theo dõi GPS/xem bản đồ và yêu cầu con chỉ đường khi đi lại ở vùng mới. Cho phép con tìm nhà hàng trong chuỗi những địa chỉ yêu thích của con, hoặc đố con tìm được quán kem ngon nhất ở nơi mới này. Cách hành xử này giúp bạn biến một tình huống căng thẳng thành một điều thú vị và đầy phấn khích với bọn trẻ.
Trong số các chiến lược, có nhiều cách để áp dụng cho những thay đổi trong cuộc sống cũng có thể áp dụng được cho tình huống này, chẳng hạn như duy trì nề nếp sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trong tình huống chuyển đến một nơi hoàn toàn mới, bạn có thể xem xét đề ra một nề nếp sinh hoạt bình thường mới. Có thể sẽ có một số thói quen hoặc quy tắc cũ bị lỗi thời nhưng bạn vẫn bám dính lấy chúng chỉ bởi vì đã quen như vậy.
Trong tình huống chuyển đến một nơi hoàn toàn mới, nên xem xét đề ra một nề nếp sinh hoạt bình thường mới.
Đây có thể là thời điểm hoàn hảo để cập nhật, hoặc thậm chí là nâng cấp chúng lên vì con của bạn đã lớn hơn một chút. Nếu quyết định cập nhật chúng, bạn nên dùng phương pháp hướng dẫn cặn kẽ, phương pháp huấn luyện, thậm chí tổ chức những buổi thực hành các quy tắc mới để nề nếp sinh hoạt mới này được thành công tốt đẹp ngay khi bắt đầu áp dụng.
Đây cũng là cơ hội để thoát khỏi vỏ ốc bằng cách bắt đầu một truyền thống hoặc hoạt động mới. Cố gắng dành thêm thời gian và tiền bạc để bọn trẻ nhà bạn cảm nhận được sự sang trọng của điều gì đó đặc biệt, hoặc cho con thử tham gia vào nhiều sự kiện ngoài giờ học hơn (tất nhiên là không mất quá nhiều thời gian).
Một số trẻ, đặc biệt là những bé hướng nội hoặc cực kỳ chậm thay đổi, sẽ tiếp tục có một thời kỳ khó khăn để thích nghi với cuộc sống ở nơi mới. Vì vậy, bạn cần theo dõi các dấu hiệu xem liệu trẻ có bị căng thẳng không nếu các dấu hiệu không thuyên giảm. Các triệu chứng cụ thể gồm thu mình, kích động, hung hăng, nhạy cảm quá mức, thay đổi thói quen ăn uống, thay đổi năng lực học tập và các thay đổi khác về hành vi. Nếu con có những hành vi này và chúng vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi các thành viên còn lại của gia đình đã thích nghi với nề nếp sinh hoạt mới, thì có thể bạn cần nói chuyện với các chuyên gia.
CÓ THÊM EM
Trẻ ở tuổi chập chững nổi tiếng với kiểu suy nghĩ rằng đứa em mới sinh là một kẻ xâm chiếm lãnh địa của chúng. Đáng ngại là kiểu suy nghĩ này không phải hiếm, vì ngay cả trẻ lớn hơn cũng có thể phản ứng theo cách này. Đối với chúng, em bé đã làm đảo lộn mọi chuyện, khiến cho hoàn cảnh sống và vị trí của chúng trong gia đình thay đổi. Mặc dù vợ chồng bạn có thể rất vui mừng khi gia đình có thêm thành viên mới, thì cũng phải cố gắng nhớ lại cảm giác lúc mình bị quẳng ra rìa bởi sự thay đổi nào đó, và sau đó hãy luôn nhớ đến trải nghiệm này khi xử tội đứa con bị buộc phải làm anh làm chị kia.
Ngoài việc duy trì nếp sinh hoạt bình thường càng nhiều càng tốt, bạn cần đặc biệt quan tâm đến đứa con lớn để đảm bảo nhu cầu tình cảm của con được đáp ứng đầy đủ. Áp dụng phương pháp nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với đứa con lớn bằng cách đảm bảo cân bằng thời gian dành riêng cho bản thân con và thời gian dành cho gia đình. Bảo đảm duy trì các hoạt động ngoại khóa mà con yêu thích, ngay cả khi bạn phải xoay xở khá khó khăn vì còn bận bịu với đứa con mới sinh. Bạn nên tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè thân tín. Khi con cảm thấy an toàn trong tình yêu thương của bạn, những phân bì tỵ nạnh và ghen tuông sâu xa với em có thể giảm bớt.
Cho phép con “xả” ra những thất vọng, bức bối của con và hãy chăm chú lắng nghe chúng.
Hãy nhận biết và công nhận những cảm xúc không rõ ràng mà đôi khi đứa con lớn cảm thấy. Đồng thời, sẵn sàng thảo luận với con về những thất vọng của bé. Những hành động này có thể giúp con cải thiện thái độ với em. Thay vì nói: “Con phải yêu thương em chứ. Làm sao con nói vậy được?” thì hãy cho phép con “xả” ra những thất vọng, bức bối của con và hãy chăm chú lắng nghe chúng. Đôi khi, chỉ cần một hành động đơn giản là lắng nghe như vậy cũng đem lại hiệu quả hàn gắn tâm hồn con: “Đúng rồi, em bé ồn ào và không thơm tho gì hết, mẹ cực lắm luôn đó!”.
Cách xử trí này cũng cho phép bạn biết được nguyên nhân gốc rễ sinh ra những cảm xúc của con, một phần trong đó có thể xuất phát từ việc con không được đáp ứng nhu cầu tình cảm. Khi đã hiểu cảm xúc của con, bạn sẽ biết các bước cụ thể để giúp con cảm thấy an tâm hơn. Đó có thể đơn giản là tiếp tục theo dõi và công nhận khả năng của con: “Con là một chị gái tuyệt vời, em bé cười với con nhiều hơn với bất cứ ai trong nhà mình”.
Bạn có thể khiến cho quá trình tập làm anh làm chị của con diễn ra êm đềm hơn bằng cách cho con tham gia vào việc chăm sóc em bé, với vai trò giữ em. Nhiệm vụ này sẽ cho con nhiều cơ hội được nhận những lời ngợi khen, khích lệ vì thực hiện tốt vai trò làm anh chị của mình. Tuy nhiên, bạn phải hướng dẫn thật kỹ càng và huấn luyện cho con trước khi bắt đầu. Đồng thời, hãy khen ngợi, khích lệ thật nhiều. Đây có thể là một trải nghiệm tuyệt vời về cảm giác “có quyền hành” của con.
Bạn cần cẩn thận khi giao trách nhiệm trông em cho con, ngay cả khi con đã đủ lớn để bế em hay thay tã. Bởi vì nếu con không cảm thấy thoải mái hoặc không quan tâm đến việc này mà bạn vẫn bắt con làm thì có thể bé sẽ cảm thấy ấm ức, thậm chí oán giận. Thay vào đó, hãy nói chuyện với con về việc những đứa trẻ ở tuổi con có thể làm được bao nhiêu điều mà một em bé còn lâu mới làm được, và sau đó gợi cho con nghĩ về tất cả những điều tuyệt vời mà con có thể dạy cho em trong vài năm tới.
***
Khi sự căng thẳng do thay đổi hoàn cảnh sống tác động lên gia đình bạn thì điều quan trọng là bạn phải giữ vai trò là nơi trú ẩn cho con trong cơn bão này. Bạn cần che chở con trong mưa gió, đánh giá thiệt hại sau cơn bão, và sau đó cung cấp cho con những công cụ để tái thiết bản thân, giúp con bước tiếp trên đường đời. Ngoài ra, bạn nên chỉ cho con cách nhìn thấy may mắn trong sự xui rủi.
Bạn cũng phải xác định các triệu chứng và nguyên nhân gây căng thẳng cho gia đình để làm gương cho con về cách xử lý chúng. Áp dụng và điều chỉnh tất cả Chiến lược Toàn diện để đem lại lợi ích cho con và cả gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn. Sự căng thẳng do một hoàn cảnh nào đó gây ra đều có thể được quản lý, và trong một số trường hợp có thể được cải thiện, theo đó đem đến tác động về lâu dài là con của bạn sẽ mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn. Khi được xử lý tốt, những kinh nghiệm đã trải qua trong thời kỳ khó khăn này sẽ dạy cho con rất nhiều, giúp ích cho con trong những tình huống căng thẳng chắc chắn sẽ xảy ra vào lúc nào đó trong cuộc sống của con sau này.