Khi cuộc sống ném cho bạn những điều không mong đợi, có thể bạn sẽ cần sự hướng dẫn từ những người có chuyên môn để lèo lái gia đình mình vượt qua sóng gió. Những điều không mong muốn đó có thể là những thay đổi xấu trong hành vi của con từ sau biến cố lớn (như cha mẹ ly hôn, gia đình có người bị bệnh hoặc qua đời). Hoặc đó có thể là những thay đổi ít nghiêm trọng hơn, nhưng khác lạ hoặc bất thường (như sự thất vọng, bực bội của con bắt nguồn từ sự nghi ngờ bạn bè gian lận trong học tập, sự hung hăng hiếu chiến khi chơi với bạn hoặc thu mình trước bạn bè và người thân mà trước đây chưa từng thấy). Hãy nhớ rằng cảm xúc của con được bộc lộ qua hành vi của chúng. Bất kể gia đình bạn đang đối mặt với chuyện gì, thì có thể các vấn đề hành vi của con đã dồn bạn đến đường cùng và bạn không biết phải đi hướng nào. Bất kể tình trạng này diễn ra tạm thời hay kéo dài, khi bạn thấy mình phải giải quyết một tình huống quá khó khăn hay một vấn đề ngày càng nghiêm trọng, thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của người có chuyên môn.
Quyết định khi nào cần đến sự trợ giúp thường mang tính chủ quan; bởi mỗi người đều có một ngưỡng chịu đựng khác nhau. Chỉ có bạn mới biết được ngưỡng chịu đựng của mình đến đâu, và có thể ngưỡng của bạn và người bạn đời cũng khác xa nhau.
Trong tâm điểm của thảm họa xảy đến với gia đình, rõ ràng sẽ có những thay đổi lớn mà tất cả các thành viên phải thích nghi. Trong một số trường hợp, có thể chỉ là thái độ buông xuôi như cách gia đình bạn điều chỉnh trong biến cố đó mà không nhận ra. Trong những tình huống khác, khó khăn có thể ngày càng trở nên rõ rệt và nghiêm trọng khi trẻ lớn hơn. Trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, bạn có thể bị cạn kiệt ý tưởng hoặc cảm thấy như mình đã cùng đường. Vì vậy, bạn sẽ cần đến quan điểm của người ngoài cuộc, đó là khi mà mạng lưới hỗ trợ chúng tôi nêu trong Chương 10 có tác dụng. Bên cạnh đó, việc có những thành viên gia đình tin cậy và bạn bè thân thiết là điều rất quan trọng giúp bạn nhận định khi nào thì tình hình vượt quá giới hạn của bạn. Ghi nhận ý nghĩ của họ sẽ có ích cho việc quyết định xem bạn cần tư vấn chuyên nghiệp hay chưa, bất kể đó là ý kiến công nhận hoặc bác bỏ những cảm giác của bạn về tình hình của bản thân.
Ngoài ra, con của bạn có thể có những dấu hiệu bệnh lý liên quan đến sức khỏe tinh thần và cần sự giúp đỡ của phụ huynh. Điều quan trọng là bạn sẽ bỏ qua những dấu hiệu này nếu đang bị quá tải hoặc không thể xử lý được. Tiếp nhận sự trợ giúp không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hoặc thất bại. Đó chỉ đơn giản là bạn đang làm những gì tốt nhất cho con và gia đình mình.
Trong chương này, chúng tôi sẽ liệt kê một số nguồn hỗ trợ cho bạn và gia đình trong trường hợp bạn cần đến và chỉ ra lý do tại sao bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn. Chúng tôi cũng liệt kê những chiều hướng mà các vấn đề về hành vi đã được đề cập đến (cơn giận dỗi, bài tập về nhà, giờ ăn, giờ ngủ, thái độ xấu và những tình huống đặc biệt căng thẳng) có thể tăng đến mức cần được hỗ trợ. Cuối cùng, chúng ta sẽ thảo luận về sự an toàn khi nói đến các vấn đề về hành vi.
XÁC ĐỊNH AI LÀ NGƯỜI CÓ THỂ TRỢ GIÚP
Bất kể mạng lưới hỗ trợ của bạn ra sao thì bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình thường là những người đứng đầu trong hàng phòng thủ của bạn. Vì bạn là vị luật sư tốt nhất của con nên bạn cần phải lên tiếng khi cảm thấy không chắc chắn hoặc khi thấy bận tâm đến một hành vi, một vấn đề hoặc một tình huống nào đó. Chúng tôi biết bạn không muốn cảm thấy như mình là người duy nhất không biết phải làm gì khi hành vi của con cứ leo thang theo hướng tồi tệ hơn, nhưng hãy tin tưởng chúng tôi, bác sĩ của bạn có thể đã nắm được vấn đề của bạn từ trước đó. Yêu cầu giúp đỡ không có nghĩa là bạn nuôi dạy con kém hay không có khả năng dạy con. Hãy nhớ rằng hành vi chính là cách để con truyền đạt cảm xúc hay cảm nhận của bản thân, nhưng đôi khi thông tin quan trọng lại bị mất khi dịch nghĩa cảm xúc từ hành vi. Khi đó, những người có chuyên môn sẽ đóng vai trò như một thông dịch viên và giúp bạn truy đến gốc rễ của các hành vi có vấn đề ở con.
Yêu cầu giúp đỡ không có nghĩa là bạn nuôi dạy con kém hay không có khả năng dạy con.
Bác sĩ nhi hoặc bác sĩ gia đình có thể phân loại tình huống và cùng bạn xử lý nó hoặc hướng dẫn bạn tìm đến một nguồn thông tin thích hợp. Điều này có thể bao gồm cả việc giới thiệu bạn đến một chuyên gia khác để đánh giá vấn đề và can thiệp nếu cần thiết.
1. Việc đánh giá vấn đề giúp xác định những gì đang xảy ra với con, cung cấp thông tin về vấn đề đó cũng như hướng can thiệp. Các mục tiêu can thiệp có thể được xác định và được ưu tiên trong phạm vi rộng hơn so với hoàn cảnh và nguồn lực cụ thể của đứa trẻ và gia đình.
2. Việc can thiệp để giải quyết vấn đề có thể liên quan đến bất cứ điều gì – từ dạy dỗ đến các liệu pháp chữa trị, thuốc men, dinh dưỡng (gặp chuyên gia dinh dưỡng). Trong giai đoạn này, một số vấn đề có thể được sửa chữa, nhưng các vấn đề lâu ngày sẽ cần được quản lý thông qua hành động bù đắp, xây dựng kỹ năng và sự thỏa hiệp lâu dài.
Tìm trước các thông tin về bằng cấp và giấy phép hành nghề của những chuyên gia mà bạn muốn đến để tìm kiếm sự trợ giúp.
Đánh giá và can thiệp là hai giai đoạn chăm sóc riêng biệt và có thể bạn cần gặp những người có chuyên môn khác nhau cho mỗi giai đoạn.
Khi chọn chuyên gia để tham vấn, bạn cần nhớ rằng hầu hết các ngành đều đòi hỏi người hành nghề phải có giấy phép hoặc chứng nhận phù hợp như một cách để đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ bản và thỏa mãn các yêu cầu khác nhau của nhà nước. Vì vậy, bạn cần tìm trước các thông tin về bằng cấp và giấy phép hành nghề của những chuyên gia mà bạn muốn đến để tìm kiếm sự trợ giúp. Sau đây là phần tham khảo nhanh cho những tiêu chuẩn thường được yêu cầu nhất ở các chuyên gia trong một số lĩnh vực:
- Chuyên gia tâm lý: Thường có bằng Tiến sĩ, Tiến sĩ Tâm lý hay Tiến sĩ Giáo dục. Họ sẽ nghiên cứu, đánh giá quá trình và hành vi; cũng như thực hiện các đánh giá về sức khỏe tâm thần và can thiệp tâm lý. Có rất nhiều chuyên ngành phụ trong tâm lý học, bao gồm tâm lý học trẻ em chuyên điều chỉnh tâm lý và rối loạn tâm thần cho trẻ; tâm thần kinh học chuyên về mối quan hệ giữa não và nhận thức/hành vi; tâm lý học sức khỏe chuyên về mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất ở trẻ em.
- Bác sĩ tâm thần: Bác sĩ chuyên khoa về dự phòng, chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần. Họ có thể kê toa thuốc. Nhiều người trong số họ có những phân khoa hẹp chuyên về trẻ em và thanh thiếu niên.
- Nhân viên công tác xã hội: Giúp người khác đương đầu với nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Các nhân viên xã hội lâm sàng có thể chẩn đoán và điều trị các vấn đề về tinh thần, hành vi và tình cảm. Một số nhân viên xã hội cũng cung cấp quy trình quản lý sức khỏe để phù hợp với hoàn cảnh khó khăn.
- Chuyên viên tư vấn Hôn nhân và Gia đình: Tư vấn cho các cặp vợ chồng và gia đình đang gặp khó khăn trong các mối quan hệ.
- Tư vấn viên: Can thiệp và đôi khi tư vấn thông tin về các cá nhân, gia đình và các tổ chức có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và giáo dục, cũng như những thách thức về hành vi trong cả hai lĩnh vực này.
Các nguồn khác có thể hỗ trợ cho bạn và con là giáo viên của trường, y tá, tư vấn viên học đường và hiệu trưởng. Những người này có kinh nghiệm làm việc với trẻ em và thường xuyên gặp gỡ con của bạn. Vì vậy, quan điểm của họ có thể rất có giá trị. Các nguồn lực bổ sung khác như công ty bảo hiểm, đồng nghiệp và công đoàn nơi bạn làm việc hoặc các tổ chức địa phương, tổ chức của chính phủ,…
Việc đánh giá và điều trị các vấn đề của trẻ em không được mang màu sắc bí ẩn.
Dù tìm gặp bất kỳ ai thì điều quan trọng là bạn phải cảm thấy họ đáng tin cậy và bạn có thể tin tưởng vào ý kiến của họ. Nhiều chuyên gia, kể cả các chuyên gia trong cùng một ngành nghề, cũng có thể có những cách tiếp cận vấn đề khác nhau, và do đó bạn nên đặt câu hỏi để biết rằng mình đang tiếp cận đúng người có khả năng đánh giá hoặc điều trị trường hợp của mình. Việc đánh giá và điều trị các vấn đề của trẻ không được mang màu sắc bí ẩn – không có phép thuật nào có thể chẩn đoán và điều trị cho các vấn đề của trẻ nhỏ và gia đình các em.
Nếu đang tìm kiếm những hướng dẫn nuôi dạy con thì bạn nên có một số mức độ thỏa thuận với cách tiếp cận hành vi và quá trình nuôi dạy con cái mà các chuyên gia thường sử dụng. Nếu bạn đang tìm kiếm liệu pháp trị liệu cho con thì sự phối hợp giữa chuyên gia trị liệu và con là điều rất quan trọng để việc điều trị đạt kết quả. Có rất nhiều yếu tố có thể tạo nên sự khác biệt hoặc góp phần giúp bạn chọn được một chuyên gia làm việc hiệu quả với con, bao gồm:
- Trình độ, kinh nghiệm, chứng chỉ chuyên môn.
- Thuận tiện về vị trí địa lý.
- Các vấn đề cần cân nhắc về tài chính (chi phí, bảo hiểm).
- Giới tính.
- Tuổi tác.
- Định hướng tôn giáo (nếu điều này quan trọng với bạn).
Ngay cả một giải pháp điều trị tốt cũng có thể gây khó chịu khi đang được giải quyết và tiến trình trị liệu còn dở dang. Do đó, bạn đừng vội bỏ cuộc khi con cảm thấy không thích điều mà vị chuyên gia đã nói hoặc đã làm. Đồng thời, mối quan hệ tương tác giữa hai bên cũng rất quan trọng. Vì vậy, nếu bạn hoặc con gặp khó khăn và không thoải mái khi kết nối với chuyên gia trị liệu thì bạn cần sớm thảo luận các vấn đề này với họ (Các chuyên gia thường không để bụng chuyện này đâu!). Trong một số trường hợp, có thể bạn phải đổi một chuyên gia khác.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH CẦU CỨU ĐẾN CHUYÊN GIA?
Có nhiều lý do tại sao bạn nên quyết định cầu cứu đến một chuyên gia cho con, cho bản thân hoặc cho cả gia đình. Như đã nêu trong phần đầu của chương này, ngưỡng chịu đựng của mỗi người rất khác nhau, và đôi khi thật khó để biết bạn đã vượt qua nó hay chưa. Việc đánh giá liệu các vấn đề bạn gặp phải có ảnh hưởng hoặc gây cản trở gì cho cuộc sống gia đình hay con cái không có thể diễn ra theo một chiều. Các gián đoạn trong cuộc sống bình thường của trẻ đã diễn ra ngày càng nhiều cho đến thời điểm này, những chất chứa dồn nén vì tình hình gia đình càng dâng cao hơn thì bạn càng nên cân nhắc tìm chỗ dựa từ sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
Đánh giá và chỉ định điều trị là công việc của chuyên gia chứ không phải của cha mẹ. Chúng tôi giải thích điều này không chỉ để làm sáng tỏ quá trình đánh giá sức khỏe tinh thần mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về việc liệu một tình huống trong gia đình bạn có vượt quá giới hạn – từ tự đối phó được đến cần được giúp đỡ để đối phó.
Trong quá trình hành nghề ngành khoa học thần kinh nhi của mình, bác sĩ Pete đã gặp nhiều bậc cha mẹ nói với ông rằng họ cứ trì hoãn việc tìm sự giúp đỡ. Cho dù họ trì hoãn vì e ngại định kiến con phải đi trị liệu tâm lý hoặc vì họ nghĩ rằng sớm muộn vấn đề sẽ tự khắc được giải quyết thì hầu hết đều nghĩ rằng ước gì mình tìm kiếm sự giúp đỡ từ sớm hơn.
Điểm mấu chốt là nếu bạn cảm thấy chất lượng cuộc sống của con đang bị ảnh hưởng tiêu cực, hãy sớm nói chuyện với chuyên gia và xem liệu bạn có thể tìm ra cách gì giúp con không. Bạn có thể gọi điện cho họ để yên tâm, để thêm tự tin với cách mình đã chọn và để giảm căng thẳng của bản thân, cũng như cho sức khỏe, hạnh phúc và an toàn của cả gia đình.
ĐÁNH GIÁ SỰ CĂNG THẲNG CỦA GIA ĐÌNH BẠN
Đôi khi thật khó để nhận ra tình huống căng thẳng như thế nào khi bạn đang ở trong hoàn cảnh đó. Vì vậy, hãy cố gắng tìm hiểu xem những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống hiện tại của bạn là gì và chúng đã ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của mỗi thành viên ra sao. Chúng có thể bao gồm các vấn đề về hành vi của trẻ vào thời điểm đó, cũng như bất cứ điều gì trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân làm giảm khả năng nuôi dạy con hiệu quả:
____________________
____________________
____________________
Bạn có buông xuôi các thói quen thường ngày vì căng thẳng không, ngay cả khi chúng khác xa cuộc sống bình thường của mình? CÓ - KHÔNG
Nếu có thì theo những cách nào?
____________________
____________________
____________________
Bạn có cảm thấy như mình đang bị dồn vào ngõ cụt khi đối phó với vấn đề này không? CÓ - KHÔNG
Nếu cuối cùng, bạn quyết định đến gặp chuyên gia thì hãy đem theo bảng đánh giá này vì nó sẽ cung cấp thêm thông tin cho việc đánh giá chuyên môn.
Dưới đây là một số ví dụ về các dịch vụ chuyên nghiệp có thể giúp ích cho trẻ em tùy theo loại khó khăn mà trẻ gặp phải:
- Kiểm tra và/hoặc can thiệp vào vấn đề về học tập, khả năng chú ý, cùng các mối quan tâm về sự phát triển của trẻ.
- Đánh giá và/hoặc can thiệp vào tình trạng sức khỏe tâm thần (như trầm cảm hoặc lo lắng).
- Đánh giá và/hoặc can thiệp vào sự rối loạn hành vi.
- Đánh giá và/hoặc can thiệp vào những khó khăn về mặt xã hội.
Danh sách các lý do tại sao bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp sẽ khá dài. Vì vậy, danh sách này chỉ bao gồm một số ít các nguyên nhân thông thường và chắc chắn không phải là tất cả.
Sau đây là một vài ví dụ thực tế mà mỗi ví dụ lại cần mức độ hỗ trợ khác nhau:
1. Michael và Tonya cảm thấy có chuyện gì đó đang diễn ra với đứa con trai bảy tuổi của họ, Elijah. Họ bất ngờ vì bé đã gây chuyện ở trường, hung hăng trong giờ nghỉ và không chịu làm bài tập về nhà. Họ lúng túng vì giáo viên của Elijah gửi nhận xét ít nhất một hoặc hai lần mỗi tuần, và sau đó là cả hiệu trưởng cũng bắt đầu gọi điện cho họ. Cả hai đều khá stress về tình hình này vì trước đó họ chưa bao giờ phải xử lý hành vi bất ổn nào của con dù lớn hay nhỏ.
Michael và Tonya có một cuộc họp phụ huynh với giáo viên của con, hiệu trưởng và tư vấn viên học đường của trường. Kiểm tra lại các tình huống con có vấn đề ở trường, họ nhận ra được một điểm đáng chú ý diễn ra vào giờ học đọc và giờ nghỉ của lớp ngay sau đó. Nắm được điểm quan trọng này, họ đã đưa Elijah đi kiểm tra khả năng đọc của con.
Sau khi nhận được kết quả đánh giá, Michael và Tonya đã có thể đưa ra một quyết định sáng suốt hơn và sử dụng các nguồn lực sẵn có để trợ giúp đúng trọng tâm cho con. Khi Elijah cảm thấy thoải mái hơn trong giờ học đọc, bé đã cư xử tốt hơn và giảm đáng kể thói hung hăng khi chơi trên sân trường. Khi được gia sư dạy kèm tại nhà, bé đã tự hoàn thành bài tập về nhà của mình mà không trốn tránh nữa.
2. Con gái của Rico và Maribel, Giulia, bỗng thấy mình không còn nhóm bạn thân nào nữa khi đột ngột bị đổi nhóm sinh hoạt vào giữa năm lớp 5. Cha mẹ cô bé ngày càng lo lắng vì dường như Giulia rất chán nản. Ở nhà, bé thu mình và không còn quan tâm đến những hoạt động vốn yêu thích của mình. Bé bắt đầu than thở về cơn nhức đầu mỗi sáng trước khi đến trường.
Rico và Maribel nói chuyện với tư vấn viên học đường của con và cũng nhận được những chia sẻ như vậy. Tư vấn viên khuyên họ đến chuyên gia tâm lý. Chuyên gia tâm lý mà họ gặp quan tâm đến chứng trầm cảm của bé, nhưng lại bảo chưa chắc chắn về điểm này vì Giulia dường như chỉ đang phản ứng với những thay đổi trong nhóm sinh hoạt xã hội của mình. Chuyên gia gợi ý cho Rico và Maribel một số hành động cụ thể để tạo thêm cơ hội giao tiếp xã hội cho con gái.
Trong thời gian đó, tư vấn viên của trường đã yêu cầu Giulia đưa một bạn nữ mới chuyển trường đi dạo, tạo cơ hội cho bé kết bạn mới một cách tự nhiên. Rico và Maribel có thể tiếp cận gia đình của cô bé mới đến này và thúc đẩy sự phát triển của tình bạn đó. Các bé cùng nhau tham gia giải bóng chuyền và kết bạn với nhiều bạn khác. Cha mẹ của Giulia còn đăng ký cho bé vào lớp vẽ sơn dầu cuối tuần. Và đây là nơi mà bé nhận được phản hồi tích cực giúp thúc đẩy sự tự tin của bé. Rico và Maribel vẫn rất cảnh giác trước chứng căng thẳng xã hội và thậm chí là nguy cơ trầm cảm ở Giulia nhưng chuyên gia cho biết gia đình cứ yên tâm và được hoan nghênh trở lại nếu có điều gì đó khác lạ xuất hiện.
Nếu bạn đã đọc ở các chương trước về những vấn đề cụ thể trong hành vi của trẻ nhưng cảm thấy khó khăn của mình đã vượt quá những điều được nêu trong các chiến lược hoặc ví dụ đó, thì hãy tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn. Bởi vì cha mẹ có thể tự học về mọi khía cạnh trong sự phát triển của trẻ, áp dụng đúng và đủ mọi chiến lược nuôi dạy con nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.
Trong một số trường hợp, có lẽ bạn cần nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của người ngoài cuộc thì mới rõ ràng. Trong những trường hợp khác, trẻ cần được đánh giá và can thiệp chuyên môn. Sau đây là một số vấn đề mà chúng ta đã thảo luận và các dấu hiệu cho thấy phải có sự trợ giúp chuyên môn:
- Các cơn giận dỗi dữ dội và tiếp diễn với cùng một tần số mặc dù bạn đang vận dụng đúng Chiến lược Toàn diện, hoặc chúng thường có liên quan đến sự phá hoại và/hoặc hành vi bạo lực.
- Các vấn đề liên quan đến bài tập về nhà là cơ sở cho những trận “nội chiến” ở nhà bạn mỗi tối vì trẻ ghét trường học, không chịu làm bài tập về nhà, điểm số kém, ở lại lớp.
- Các vấn đề trong giờ ăn khi trẻ gây rối đến mức gia đình không thể ăn cho xong bữa.
- Các vấn đề về giấc ngủ khi trẻ không ngủ, làm ảnh hưởng đến việc học hành ở trường trong ngày và/hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ của các thành viên khác (Một dấu hiệu báo động thường thấy là phản ánh của giáo viên về các vấn đề liên quan đến sự tỉnh táo hay khả năng chú ý của trẻ).
- Các hành vi bộc lộ thái độ xấu đã biến thành một trận đấu trí cân não mà mỗi tương tác đều tiêu cực, ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
- Các vấn đề xã hội nếu trẻ bị bạn bè hờ hững, tẩy chay, bắt nạt, hoặc bé bị buộc tội bắt nạt bạn.
- Những căng thẳng do biến cố trong gia đình (như cha mẹ hoặc anh chị em đang ở thời kỳ cuối của bệnh tật hoặc vừa qua đời), cũng như khi trẻ có dấu hiệu stress do cha mẹ ly hôn hoặc do chuyển nhà, chuyển trường.
NHẬN BIẾT KHI NÀO MỘT HÀNH VI TRỞ THÀNH MỐI BẬN TÂM NGHIÊM TRỌNG
Sự an toàn của con và gia đình là ưu tiên hàng đầu của bạn. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy hành vi của trẻ gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác thì bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp.
Nếu hành vi của trẻ gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác thì bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp.
Lưu ý rằng với trẻ em ở độ tuổi này thì hành vi là cách truyền cảm xúc của bé. Các bé có thể bị hạn chế về từ ngữ hoặc khả năng tự nhận thức nên không thể giải thích rằng mình đang có vấn đề. Thay vào đó, chúng có thể hành động bộc phát hoặc rút lui như một cách thể hiện cảm xúc của bản thân. Một sự thay đổi nổi trội về hành vi thường là dấu hiệu cho thấy bé đang bị stress. Mặc dù không phải lúc nào việc thay đổi cũng có nghĩa là có vấn đề, nhưng nó sẽ là một dấu hiệu báo động để bạn xem xét điều gì đang xảy ra xung quanh con của mình.
Một số ví dụ về hành vi nghiêm trọng đó là:
- Nói về việc làm hại bản thân hoặc người khác, hay cố làm như vậy.
- Hành vi hung hăng, bạo lực.
- Tâm trạng chán nản hoặc kích động.
- Xa lánh xã hội.
- Cảm giác vô dụng, vô vọng.
- Lo lắng, cực kỳ khiếp sợ hoặc tránh xa (một người hoặc một nơi nào đó).
- Bắt nạt hoặc bị trở thành mục tiêu của các tương tác tiêu cực từ bạn bè
Trẻ có thể thử làm điều mới mẻ bằng cách mập mờ hé lộ cảm xúc thật trên trang cá nhân của mình.
Khi xem xét những hành vi này, bạn cũng cần kiểm tra qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của con nếu đã cho con sử dụng chúng. Cho phép con dùng mạng xã hội là quyết định riêng của mỗi phụ huynh, nhưng chúng tôi không ủng hộ việc này nếu trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 11. Việc xem lại lịch sử hoạt động của con có thể cho phép bạn phát hiện điều gì đang diễn ra. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cảm thấy mình vô dụng, lo lắng, phẫn nộ hoặc thể hiện những cảm xúc khác, như chúng ta đã thảo luận, nhưng lại không có hành động cụ thể nào dựa trên những cảm xúc đó. Tuy nhiên, trẻ có thể thử làm điều mới mẻ bằng cách mập mờ hé lộ cảm xúc thật trên trang cá nhân của mình.
Điều quan trọng là nếu cha mẹ cho phép con truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội thì phải theo dõi hoạt động của con em mình. Vì sự an toàn của trẻ, bất cứ điều gì chúng đăng tải lên mạng cũng phải được nhìn nhận ở mức độ nghiêm trọng như thể chúng đã hét to lên. Nếu những nội dung đó vô hại thì bạn có thể dạy con cách đăng bài thế nào thì thích hợp với độ tuổi của con. Nếu ngược lại, có thể bạn đã nắm bắt được chuyện nghiêm trọng nào đó ngay từ giai đoạn đầu của nó và có thể tiến hành các bước giải quyết ngay lập tức.
Đừng trông chờ vào sự may rủi. Nếu hành vi của con dẫn đến việc bạn nghi ngờ có chuyện gì đó nghiêm trọng đang xảy ra đằng sau, hãy liên lạc với bác sĩ hoặc các chuyên gia và yêu cầu trợ giúp.
***
Quyết định tìm kiếm sự trợ giúp, hướng dẫn chuyên nghiệp cho con hoặc cho gia đình không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó có thể là điều tốt nhất mà bạn từng làm để giúp họ. Hãy xóa bỏ nỗi e ngại khi phải nhận sự trợ giúp chuyên môn bằng cách không quan tâm đến những định kiến và tự biết rằng bạn đang đầu tư cho sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài của con. Như vậy, dù bạn tìm kiếm sự trợ giúp từ một chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu, chuyên viên tư vấn hay chuyên gia nào khác thì con cái và cả gia đình bạn đều sẽ được hưởng lợi ích từ việc này.