Làm cha mẹ là công việc không bao giờ dễ dàng! Khuôn phép kỷ luật có vẻ như là thử thách không thể chinh phục. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đọc quyển sách này hòng tìm cách phản ứng hợp lý trước những hành vi xấu liên tục diễn ra ở con – điều vốn đẩy bạn và người bạn đời của mình đến giới hạn chịu đựng. Tuy nhiên, kể từ bây giờ, chúng tôi muốn bạn hãy loại bỏ ngay vướng mắc này ra khỏi tâm trí. Chúng ta đều biết chẳng dễ gì làm được như vậy, nhưng thực sự là bạn sắp có một khởi đầu mới toanh và một triển vọng tươi sáng.
Giờ thì bạn có thể nói ngay: “Được rồi, vậy chính xác chúng ta sẽ làm gì đây, Tiến sĩ Pete và Tiến sĩ Sara?”.
Đầu tiên, bạn phải hiểu được rằng việc nuôi dạy con cái không chỉ có trắng và đen, đúng và sai. Không có luật lệ nào quy định tất cả chúng ta phải làm mọi việc theo cùng một cách. Bạn có thể thấy mình phạm sai lầm (ai cũng có lúc vậy thôi) nhưng đừng để điều đó khiến bạn đờ người ra, cảm thấy tội lỗi hay không xứng đáng. Bởi lẽ, nuôi dạy con là một quá trình có lên xuống như đường cong đồ thị và cả bạn lẫn con đều sẽ hồi phục nhanh hơn là bạn nghĩ. Thứ hai, chúng tôi muốn bạn biết hai sự thật cốt lõi trong hành vi của trẻ, gồm:
1. Hầu hết những hành vi bạn thấy ở trẻ đều hoàn toàn là bình thường.
2. Có lúc bạn thấy như trẻ đang cố tình làm bạn cáu điên lên, nhưng thực sự thì con không hề cố ý làm như vậy.
Đôi khi, việc làm bạn tức điên lên như thế chỉ là sản phẩm phụ trong quá trình học hỏi của trẻ. Vì vậy, hãy hít một hơi thật sâu… và bỏ ra ngoài.
Tri thức luôn là nhân tố vô cùng hiệu quả giúp chúng ta tránh khỏi căng thẳng.
Tri thức luôn là nhân tố vô cùng hiệu quả giúp chúng ta tránh khỏi căng thẳng, nó ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta phản ứng và ra quyết định. Tuy nhiên, đó lại là thứ khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy hoang mang vì lo sợ mình thiếu hiểu biết. Điều này đặc biệt đúng trong việc nuôi dạy con trẻ. Vì vậy, chúng ta cần biết diễn tiến của vấn đề để có thể sửa chữa ngay khi nó phát sinh, cũng như để ngăn ngừa nó xảy ra.
Hiểu được cách thức hoạt động bình thường của tâm trí trẻ em sẽ giúp chúng ta nhận biết được khi có điều gì đó thực sự bất ổn, chứ không phải chỉ nhìn nhận chúng là những thách thức điển hình khi nuôi dạy con. Hành vi của trẻ bao gồm vô số lần thử và sai. Vậy nên, bạn chưa cần khủng hoảng nếu có điều gì đó mới chỉ xảy ra vài lần. Đó chỉ đơn giản là con đang kiểm tra các ranh giới của mình và đang trên hành trình cố gắng hành xử cho đúng trong một thế giới mà mọi thứ không phải lúc nào cũng có thể đoán trước.
Trong chương này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn lần lượt các hành vi được xem là bình thường vào thời thơ ấu của trẻ. Chúng tôi sẽ giúp bạn gia tăng nhận thức về các loại ảnh hưởng tác động lên trẻ, dẫn đến cả hành vi tốt và xấu ở trẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ giải thích cho bạn cách hiểu được động cơ của con và xem các hành vi của trẻ như là một phương thức giao tiếp. Bạn sẽ học được cách giải mã hành vi của trẻ để biết cách định hình hành vi đó.
HẦU HẾT CÁC HÀNH VI BỊ XEM LÀ “CÓ VẤN ĐỀ” Ở TRẺ THÌ ĐỀU LÀ BÌNH THƯỜNG
Hầu hết những hành vi mà chúng ta đánh giá là không phù hợp ở con trẻ chỉ đơn giản là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ.
Chính xác thì hành vi bình thường của trẻ là gì? Thật ra, bình thường là khái niệm rất rộng khi áp dụng vào việc nhận định hành vi ở trẻ. Bởi vì, xét theo đúng định nghĩa khoa học, thì hầu hết trẻ em đều bình thường và như vậy có nghĩa là hầu hết hành vi của trẻ cũng bình thường, hoặc ít nhất là có thể giải thích được (dù cha mẹ không ưa nổi chúng). Chúng ta đã công nhận kỷ luật chính là sự giáo dục con trẻ, vì vậy quyển sách này sẽ giúp bạn nhìn nhận những hành vi (không được mong chờ) của con là bình thường và bạn sẽ định hình lại chúng theo hướng mà mình muốn khuyến khích.
Hầu hết những hành vi mà chúng ta đánh giá là không phù hợp ở con trẻ chỉ đơn giản là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ – ví dụ như những cơn tức giận, ăn vạ. Trẻ nhỏ đôi khi sẽ đau bụng nếu bị thất vọng; trẻ sẽ đánh, đá lung tung như một nỗ lực để đạt được ý muốn hay để nói ra những điều làm chúng tức giận và đau khổ. Đây là những hành vi phát triển thích hợp với lứa tuổi của trẻ và là một phần của sự trưởng thành. Trẻ chưa biết hết mọi quy tắc và các bé cũng chưa hiểu được hành vi của mình ảnh hưởng thế nào đến người khác. Do vậy, chúng sẽ kiểm tra các ranh giới (cũng như sự kiên nhẫn của cha mẹ) như một phần tự nhiên trong quá trình phát triển. Qua đó, trẻ sẽ biết được đâu là giới hạn và rất nhiều phản ứng mà chúng có thể kích hoạt; đồng thời, chúng cố gắng thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của bản thân và học cách thể hiện cảm xúc một cách hợp lý, chấp nhận được.
Bạn có thể tác động lên hành vi của trẻ nhờ vào việc kiểm soát các tiền đề và vận dụng các hệ quả theo nhiều cách khác nhau.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn cho phép con được đánh, đá hay phát ngôn bừa bãi, nhưng ngay cả khi một số các hành vi này cứ lặp đi lặp lại thì xin bạn cũng hãy yên tâm rằng chúng vẫn là những hành vi bình thường. Không hành vi nào trong số đó phản ánh bản tính bẩm sinh vốn tốt lành của con, cũng như khả năng làm cha mẹ của bạn. Nếu có thể giữ vững quan điểm này thì bạn không còn sợ bị căng thẳng nữa! (Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hành vi của trẻ, những hành vi mà bạn tin chắc là vượt quá mức bình thường và vượt quá khả năng hiểu hay xử lý của bạn thì trong Chương 11, chúng ta sẽ thảo luận về lý do khiến bạn phải quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn).
Để định hình được hành vi cho con, trước hết, bạn cần phải hiểu về hành vi nói chung. Khi các nhà tâm lý học phân tích hành vi, họ sẽ suy luận theo mô hình ABC trong quản lý hành vi: Tiền đề (Antecedent), Hành vi (Behavior), Hệ quả (Consequence). Mặc dù bạn có thể thấy phân tích như vậy là hơi máy móc, nhưng hãy hợp tác cùng chúng tôi, vì qua quyển sách này, bạn có thể tác động lên hành vi của trẻ nhờ vào việc kiểm soát các tiền đề và vận dụng các hệ quả theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải xem xét thông qua các thuật ngữ và từ vựng thông dụng sẽ được dùng trong sách.
Theo đó, tiền đề cho hành vi của trẻ là tập hợp các sự kiện, các yếu tố góp phần và đôi khi là yếu tố kích hoạt dẫn đến hành vi của trẻ. Hành vi là phản ứng mà đứa trẻ đáp trả với tiền đề. Hệ quả là những gì xảy ra sau khi hành vi được thực hiện và nó khiến cho hành vi có khả năng lặp lại ít hoặc nhiều hơn. Phản ứng của cha mẹ đối với con sau khi trẻ thực hiện hành vi có thể là một hệ quả nặng nề nhằm thể hiện uy quyền của cha mẹ, chẳng hạn như các hình phạt. Tuy nhiên, có rất nhiều hệ quả tiềm ẩn khác (trong hoặc ngoài dự tính của cha mẹ) có thể ảnh hưởng đến việc liệu trẻ có lặp lại hành vi đó hay không.
Tất cả các hành vi, dù tốt hay xấu, đều tuân theo trình tự ABC. Đặc trưng của mỗi bước trong trình tự này có thể thay đổi ít nhiều, tùy thuộc vào mỗi người và mỗi hoàn cảnh. Trẻ em phải liên tục học mới biết được những điều cơ bản nhất để có phản ứng thích hợp với thế giới xung quanh. Vì vậy, trẻ hầu như luôn phải học bằng cách quan sát phản ứng của bạn hoặc bằng cách thử và sai.
Đầu mối để nắm bắt động cơ thực hiện hành vi của trẻ, và quan trọng hơn cả là những hành động khôn ngoan mà bạn có thể áp dụng, đều nằm trong nội dung của mô hình này. Đây là chìa khóa để mở được cánh cửa cho kế hoạch thực hiện kỷ luật không nước mắt của gia đình bạn.
Theo cách đơn giản nhất, cha mẹ nên xem xét hành vi của con theo mô hình ABC bằng cách trả lời hai câu hỏi cho bối cảnh của một tình huống cụ thể:
1. Các sự kiện xảy ra trước khi con thực hiện hành vi có làm tăng hay giảm khả năng con sẽ cư xử theo cách mà bạn không mong muốn? (Tiền đề)
2. Điều xảy ra sau khi con thực hiện hành vi có làm tăng hay giảm khả năng con sẽ lặp lại hành vi đó trong tương lai không? (Hệ quả)
Đầu tiên, việc tự hỏi những câu hỏi này có thể khiến bạn thấy khác thường hoặc khó áp dụng trong lúc đang “bốc hỏa”. Tuy vậy, sau đó thì nhiều khả năng là bạn sẽ bắt đầu nhìn ra được các hình thái hành vi của con. Và do đó, bạn có thể giúp con định hình hành vi một cách hiệu quả hơn. Lâu ngày, việc tự hỏi này sẽ trở thành bản năng thứ phát của bạn, nhưng cũng có thể bạn sẽ ít phải gặp những khoảnh khắc gây căng thẳng như vậy hơn.
Dưới đây là ví dụ về mô hình ABC xét theo ba kịch bản đơn giản, với cùng một điểm khởi đầu giống nhau.
Kịch bản thứ nhất: Mya đang chơi với bạn trong phòng. Hai cô bé đã chơi chung vui vẻ cả giờ liền cho đến khi Mya đột ngột giật lấy đồ chơi của bạn mình. Bạn của Mya hét lên phẫn nộ và mẹ Mya buộc phải can thiệp, bắt Mya trả lại đồ chơi cho bạn.
Tiền đề: Có hai bé gái chơi chung trong khoảng một giờ đồng hồ và có một món đồ chơi đặc biệt mà cả hai đều yêu thích.
Hành vi: Mya giật lấy đồ chơi.
Hệ quả: Mẹ can thiệp và Mya phải trả đồ chơi lại cho bạn. Mya biết rằng bé sẽ phải trả lại nếu cố tình giật lấy đồ chơi, điều này làm cho bé ít có khả năng lặp lại hành vi này.
Kịch bản thứ hai: Chúng ta hãy cùng xem lại tình huống với một chút thay đổi. Sau khi Mya lấy đồ chơi, nếu như đứa bé kia chỉ thút thít mà không phản ứng làm to chuyện, và người lớn không thấy các bé có xích mích thì sao?
Tiền đề: Vẫn như cũ.
Hành vi: Vẫn như vậy.
Hệ quả: Mya biết được rằng bằng cách giành giật thì bé sẽ có được những gì mình muốn. Điều này củng cố hành vi của bé và làm tăng khả năng bé sẽ lặp lại hành vi đó.
Kịch bản thứ ba: Một diễn biến khác là các bé đang chơi và mẹ của Mya nói: “Mya, cho bạn chơi chung đồ chơi là điều rất tốt đó con yêu. Mình đập tay cái nào!”.
Tiền đề: Vẫn như cũ.
Hành vi: Đồ chơi được chia sẻ để chơi chung! Bé không bao giờ giành giật đồ chơi vì mẹ đã xây dựng và củng cố ý tưởng biết chia sẻ là tốt trong tâm trí Mya.
Hệ quả: Mya học được rằng bé sẽ được mẹ khen ngợi khi bé biết chia sẻ. Điều này làm tăng khả năng bé sẽ biết chia sẻ đồ chơi với bạn khi chơi chung lần sau.
Như đã nói, trên đây chỉ là những kịch bản rất đơn giản và đương nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng chỉ khen ngợi con một lần thì chưa thể dạy con biết chia sẻ được. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra ba ví dụ này nhằm giúp bạn thấy rõ mô hình ABC. Từ đó, bạn có thể xác định các mốc trong chu trình hình thành hành vi của trẻ để biết mình nên bắt đầu định hình hành vi từ khâu nào. Có rất nhiều chiến lược định hình hành vi cho trẻ và chúng tôi sẽ giới thiệu chúng với bạn thông qua những tình huống gây stress phổ biến nhất trong các chương tiếp theo.
Bởi vì ở một mức độ nào đó, cha mẹ có thể kiểm soát các điều kiện tiền đề và hệ quả, vì vậy đó là phương pháp cơ bản để xử lý hành vi của trẻ. Có rất nhiều việc mà cha mẹ có thể làm để tác động B (Hành vi) thông qua việc kiểm soát tốt A (Tiền đề) và C (Hệ quả).
Hầu hết chúng ta đều hiểu rằng nếu cho con thấy hệ quả việc con làm thì chúng ta có thể quản lý hành vi của con. Và theo đó chúng ta xử phạt để ngăn chặn hành vi xấu của trẻ (Nhưng bạn biết đấy, việc dùng hình phạt không phải luôn đạt hiệu quả, và nếu có thì chúng cũng chỉ có hiệu quả ngắn hạn; vì vậy, sẽ còn nhiều chuyện cần bàn thêm về điều này trong phần Áp dụng Chiến lược Toàn diện ở Chương 2). Chúng ta đã nhiều lần dùng những lời lẽ tồi tệ để nói với trẻ như là một hệ quả khi trẻ phạm lỗi, những lời mà có lẽ khi bình tĩnh thì chính chúng ta còn thấy chướng tai:
“Liệu hồn đấy! Không thì con sẽ biết tay!”
“Nghe cho rõ đây! Không thì biết tay!”
Tuy nhiên, xét cho cùng thì hệ quả của một hành vi không đơn giản chỉ là các hình phạt. Khen ngợi cũng là một loại hệ quả. Trên thực tế, bất kỳ điều gì xảy ra sau khi hành vi được thực hiện mà có ảnh hưởng (tăng hay giảm) đến khả năng lặp lại hành vi đó cũng được xem là một hệ quả.
Dưới đây là một ví dụ:
Tiền đề: Jake và ba đi xem bóng chày cả ngày. Đây là việc ngoài dự kiến vì họ được một đồng nghiệp của ba Jake cho hai vé do không đi được. Thật ra, hai cha con Jake đã định đi xem từ đầu mùa giải nhưng mãi tới hôm nay mới có cơ hội để đi.
Hành vi: Sau khi đi xem bóng chày về, ba Jake làm vài việc lặt vặt trong nhà. Khi ông kéo thùng rác ra thì thấy Jake đến và Jake bắt đầu giúp ông phân loại rác tái chế, rồi đem rác đi bỏ theo đúng cách ông thường làm.
Hệ quả: Ba cảm ơn Jake vì đã giúp đỡ ba và rồi sau đó, ba lại vào bếp khoe với mẹ rằng Jake ngoan và có trách nhiệm như thế nào. Jake thích cảm giác mình là người có trách nhiệm và tự hào khi nghe ba nói với mẹ những điều tốt đẹp về mình. Điều này làm tăng khả năng Jake sẽ có thêm nhiều hành vi hữu ích trong tương lai. Cha mẹ Jake nhận ra rằng dành nhiều thời gian riêng tư bên con có khả năng thúc đẩy hành vi tích cực và rằng lời khen ngợi, cảm ơn chân thành sẽ khuyến khích con có thêm nhiều hành vi tốt đẹp tương tự.
Qua quyển sách này, chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về khái niệm xử phạt hành vi xấu và khen ngợi hành vi tốt. Những hệ quả có thể tạo hiệu ứng tốt, và đó là điều mà hầu hết chúng ta đang sử dụng; chúng ta sẽ đi sâu vào khái niệm này một cách chi tiết hơn trong Chương 2. Thường thì những bậc làm cha mẹ như chúng ta sẽ lại vướng vào bẫy dùng các hệ quả tiêu cực khi gặp phải tình huống mới lạ hay trò ma lanh của con trẻ. Tuy vậy, điều đó không sao cả. Đôi khi đó lại là cách thích hợp nhất, vì nó nhanh chóng làm trẻ phải chú ý.
NHẬN DIỆN HÀNH VI THEO MÔ HÌNH ABC
Hãy nhớ lại hành vi có vấn đề gần đây nhất trong gia đình bạn. Bạn có thể xác định được tiền đề, hành vi và hệ quả trong đó không?
Tiền đề:_________________
Hành vi:_________________
Hệ quả:_________________
Bạn làm thế nào để khiến tình huống này tạo được ảnh hưởng tích cực đến hành vi của con? Bạn có thể tránh được một số tiền đề là các yếu tố góp phần hoặc trực tiếp kích hoạt hành vi không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chọn một hệ quả khác? Liệu nó có khiến tăng hay giảm khả năng hành vi được lặp lại không? Hãy thử áp dụng những thay đổi này khi tình trạng đó tái diễn.
Kết hợp thưởng phạt hợp lý tạo nên công cụ hữu hiệu, mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, việc áp dụng một hệ quả tiêu cực (hình phạt) chỉ là bước khởi đầu và đó không phải là công cụ duy nhất của bạn. Về lâu dài, nếu bạn vẫn cứ dùng nó thì nó có thể là nguyên nhân khiến bạn phải nhận lấy thất vọng trong việc nuôi dạy con. Việc tránh các tác nhân kích hoạt vấn đề, làm gián đoạn các yếu tố cấu thành hành vi và sử dụng những lời khen ngợi hợp lý có khả năng định hình hành vi của con hiệu quả như việc áp dụng một hệ quả tiêu cực. Do đó, nếu các yếu tố khích lệ (khen, thưởng) và hệ quả tiêu cực (xử phạt) được kết hợp với nhau một cách hợp lý, chúng sẽ là công cụ hữu hiệu cho cha mẹ.
Bạn cần biết điều này: Trong một tình huống nào đó, trẻ thực hiện hành vi xấu vì các bé chưa biết lựa chọn cách nào khác. Người lớn chúng ta biết suy nghĩ để lựa chọn hành động phù hợp nhưng trẻ em thì chưa đạt đến mức độ phát triển mà mỗi hành vi đều là một chọn lựa có ý thức. Thông thường, trẻ chỉ hành động một cách bốc đồng, và một số trẻ sẽ có biểu hiện mạnh hơn những trẻ khác.
Luôn đề phòng các điều kiện góp phần dẫn đến một hành vi không mong muốn đôi khi mang lại hiệu quả cao hơn (chứ không phải là tránh xung đột, thỉnh thoảng đi cùng với những hệ quả tiêu cực). Ví dụ, khi chú ý đến yếu tố kích hoạt trong những lần trẻ “bùng nổ”, bạn có thể nhận thấy một điểm chung là con không thể ngoan ngoãn vâng lời khi đang mệt mỏi và khó chịu.
Bạn thấy vấn đề dường như khá rõ ràng khi đọc đoạn này, phải không? Thông thường, nếu đang lúc nóng giận, chúng ta dễ dàng bỏ qua thực tế là tình trạng mệt mỏi và đói bụng có liên hệ với hành vi xấu. Chúng ta chỉ thấy một đứa trẻ không vâng lời. Nhưng khi một đứa trẻ mệt mỏi và khó chịu nhận được ít mệnh lệnh hơn hoặc mệnh lệnh đơn giản hơn thì tình hình sẽ khá hơn. Vì vậy, hãy để dành các mệnh lệnh khác cho đến khi trẻ tỉnh táo, thoải mái. Và trong trường hợp này, bạn nên áp dụng các công cụ Chuyển hướng và Huấn luyện mà chúng ta sẽ bàn đến trong Chương 2.
Nếu bạn nhận ra giai đoạn tiền đề liên quan đến hành vi như thế nào thì đây sẽ là một trong những khâu dễ dàng hơn cả để bạn can thiệp và giải quyết vấn đề trước khi nó xảy ra.
GIA TĂNG NHẬN THỨC VỀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG DẪN ĐẾN HÀNH VI XẤU (VÀ TỐT)
Khi bạn nghĩ đến những yếu tố dẫn đến hành vi của trẻ, hãy nhớ rằng có vô số điều kiện hoặc ảnh hưởng có thể góp phần tạo nên hành vi. Chúng bao gồm tính khí, chuẩn hành vi theo độ tuổi, trạng thái thể chất, trạng thái tình cảm của trẻ, cũng như cách con tự nhận thức về bản thân mình.
Điều quan trọng cần nhớ là cả hai loại tiền đề – tiền đề ngắn hạn (những điều xảy ra ngay trước khi xuất hiện hành vi) và tiền đề lâu dài (những điều xảy ra tại một thời điểm nào đó trong quá khứ chưa lâu) – đều có thể dẫn đến cùng một hành vi. Giống như người lớn, trẻ em có thể nuôi một mối “thù dai” hoặc hiềm khích khó quên từ quá khứ và điều đó có thể ảnh hưởng đến hành vi không tốt hôm nay. Một vài nguyên nhân khiến chúng ta thực hiện hành động hiện tại có thể đã hình thành từ nhiều năm trước, hoặc cũng có thể là sự bực tức mới chỉ vừa xuất hiện cách đây vài phút. Vậy nên chúng ta không thể biết được mọi nguyên nhân dẫn đến một hành vi.
Tuy nhiên, khi xem xét hành vi của con từ góc nhìn của cha mẹ, có nhiều cách để xác định được các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi không mong muốn của con. Là cha mẹ, bạn có thể làm điều này một cách vô thức nhờ hiểu con và vận dụng bản năng của mình.
Để thực sự ứng dụng được kỷ luật không nước mắt, chúng tôi đề nghị bạn nâng cao hơn nữa nhận thức về những ảnh hưởng này, cũng như cách chúng tác động đến việc nuôi dạy con. Những nhân tố này có thể vừa ảnh hưởng tích cực lại vừa tiêu cực về mặt thúc đẩy hành vi. Chúng được phân thành ba loại, với các ví dụ, để giúp bạn dễ dàng kết nối với những vấn đề cụ thể trong gia đình: ảnh hưởng từ tình huống, bản thân trẻ và ảnh hưởng từ cha mẹ. Tất cả đều là thành phần tạo nên “món lẩu” hành vi.
Ảnh hưởng từ tình huống
Ảnh hưởng từ tình huống là những hoàn cảnh, sự kiện thực sự diễn ra vào thời điểm xuất hiện hành vi. Loại nhân tố này luôn “đang diễn ra” và dưới tác động của nó, trẻ có thể có những hành động bốc đồng, hoặc nó có thể gây ức chế khiến trẻ phải làm điều gì đó.
Sự cám dỗ. Sự hiện diện của một thứ gì đó mà trẻ muốn nhưng lại bị ngăn cản. Chẳng hạn như, tình huống trẻ nhìn thấy một miếng bánh trên quầy hàng ngay trong tầm tay của mình sẽ khác với tình huống đĩa bánh để trên cao khiến trẻ không với tới.
Con người. Những người ở xung quanh có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, ví dụ như sự hiện diện của người có quyền uy mà trẻ nể sợ có thể ức chế hành vi xấu, hay khi bạn bè xung quanh cười đùa vô tình củng cố hành vi ngớ ngẩn hoặc gây rối của trẻ.
Các hoạt động. Có rất nhiều hoạt động có thể lôi kéo sự chú ý của trẻ hơn là lời nói của cha mẹ, và chúng có nguy cơ trở thành lý do khiến trẻ bỏ qua mệnh lệnh của phụ huynh.
Bản thân trẻ
Những ảnh hưởng nội tại là những cảm giác bắt nguồn từ suy nghĩ của con và tố chất bẩm sinh của bé. Chúng có thể bao gồm các nhân tố mà bạn không biết được. Nhiều loại trong số này khó kiểm soát hơn so với những loại ảnh hưởng khác (ví dụ, bạn không dễ thay đổi được tính khí của trẻ). Mặc dù vậy, bạn vẫn cần xem xét đến các yếu tố này trước khi đưa ra những quyết định liên quan đến việc nuôi dạy con.
Tính cách. Các tố chất bẩm sinh góp phần hình thành nhân cách của trẻ. Chẳng hạn như, cách một đứa trẻ có tính hơn thua tranh luận về điều gì đó sẽ khác xa so với một đứa trẻ nhạy cảm, nhút nhát, còn những trẻ ưa mạo hiểm thì có xu hướng đẩy giới hạn hành vi đến mức tối đa.
Sự phát triển. Sự trưởng thành về nhận thức, thể chất và tình cảm có thể ảnh hưởng đến hành vi. Chẳng hạn như, một đứa trẻ có lòng tự trọng cao thì có thể hiểu rõ hơn động cơ hoặc hệ quả hành động của mình, và từ đó trẻ sẽ hành xử phù hợp hơn.
Hiểu biết. Những gì trẻ biết về tình huống đang diễn ra. Chẳng hạn như, đứa trẻ thường gây rắc rối và không còn e sợ quở phạt, hoặc khi trẻ ở một môi trường xa lạ, trẻ sẽ không thể tôn trọng các quy tắc nếu không được hướng dẫn rõ ràng.
Ảnh hưởng từ cha mẹ
Đây là loại ảnh hưởng đến hành vi của con xuất phát từ chính bạn, những người làm cha làm mẹ. Bị stress, có một ngày làm việc tồi tệ, bị kẹt xe,… đều là những thứ có thể khiến bạn mất tập trung vào con và sẽ ảnh hưởng đến hành vi của con. Khi mệt mỏi, kiệt sức, bạn sẽ không còn khả năng chú ý đến các yếu tố dẫn đến cư xử tồi tệ với con.
Tính cách. Tính cách hoặc tính khí (như stress) sẽ quyết định cách bạn phản ứng với mọi thứ, qua đó ảnh hưởng đến hành vi của con.
Các hoạt động. Các loại hoạt động và số lượng hoạt động bạn thực hiện cũng có thể dẫn đến nhiều hành vi khác nhau của trẻ.
Mức hỗ trợ. Đôi khi, sự hỗ trợ từ vợ/chồng hoặc anh em họ hàng bị xáo trộn so với thường lệ và điều này có thể ảnh hưởng đến cách bạn nuôi dạy con.
Sử dụng bảng này để bắt đầu thảo luận với vợ/chồng của bạn, và làm tương tự cho phản ứng của bạn trước thái độ của con khi thực hiện hành vi. Là vợ chồng với nhau, bạn nên khuyến khích những điểm mạnh và giảm thiểu những điểm yếu của nhau. Sự nhất quán và kiên trì là yếu tố cần thiết để cải thiện hành vi của con trẻ.
HIỂU ĐỘNG CƠ CỦA CON
Có thể bạn sẽ hỏi chúng tôi: “Làm thế nào quý vị có thể chắc chắn rằng con tôi không cố tình khiến tôi tức điên lên?”.
Tuy không biết chính xác con của bạn đặc biệt thế nào (vì chúng tôi không thể biết tất cả) nhưng những hiểu biết về con của mình và hàng ngàn đứa trẻ khác khiến chúng tôi khá chắc chắn rằng các bé chỉ đang cố gắng bày tỏ theo cách của chúng. Việc làm bạn tức điên lên có thể là một hệ quả phụ khiến chúng thấy hay hay chứ không phải là mục tiêu chính của chúng.
Nhưng như vậy thì mục tiêu chính của chúng là gì? Đó là trẻ chỉ muốn những gì chúng muốn vào lúc chúng muốn.
Sau đây là một số điểm chung ở các độ tuổi khác nhau và là những điểm thường gặp ở hầu hết trẻ trong độ tuổi đó.
Trẻ 3 - 4 tuổi
Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ đều xem mình là trung tâm. Chúng cảm thấy dường như cả thế giới chỉ xoay quanh mình. Không ai khác khiến chúng bận tâm, trừ việc họ là người giúp chúng có được những điều chúng muốn (chẳng hạn như đồ chơi, thức ăn hoặc đưa trẻ đến nơi chúng muốn), bởi vì trẻ luôn muốn lấy cái gì đó hoặc đến đâu đó. Đây là sự phát triển thích hợp ở độ tuổi của trẻ – và là điều tự nhiên.
Đây chính là lý do cốt lõi tại sao trẻ nhỏ không thích chia sẻ. Trẻ không biết là mình nên chia sẻ và chúng không thấy có lợi lộc gì khi làm như vậy cả. Trẻ chưa được học về quan điểm hay sự đồng cảm – rằng những người khác cũng có cảm xúc mà trẻ cần tôn trọng. Việc phát triển các kỹ năng này thuộc một phần của quá trình giáo dục (kỷ luật) cho trẻ và phải được cha mẹ hướng dẫn.
Khi bạn nghĩ đến động cơ của trẻ ở độ tuổi này, hãy nhớ giữ quan điểm và tập trung vào hành động của con. Ví dụ, ở sân chơi, con gái 3 tuổi của bạn giành xích đu với một đứa trẻ khác. Con kéo xích đu làm bé kia bị mất thăng bằng và ngã xuống. Thực ra, con không cố ý làm tổn thương đứa bé kia, mà con chỉ nhìn thấy cái con muốn và hành động để đạt được nó mà thôi.
Hãy chỉ tập trung vào hành động giành xích đu của con chứ không nhất thiết phải chăm chăm nhìn vào thực tế là con đã làm đau đứa bé kia. Hãy giải thích cho con hiểu hành động của con ảnh hưởng đến người khác như thế nào: “Con muốn gì thì con phải nói. Thay vì kéo xích đu thì con nói với bạn kia cho con chơi lượt sau và như vậy thì bạn sẽ không bị ngã đau. Giờ con hãy xin lỗi bạn đi nào”. Hiểu động cơ của con sẽ giúp bạn có phản ứng thích hợp.
Trẻ 5 - 7 tuổi
Trong độ tuổi từ 5 đến 7, mục tiêu của trẻ có chút thay đổi. Trẻ bước vào độ tuổi bắt đầu tiểu học và nhận ra rằng còn có nhiều người khác xung quanh mình. Trẻ cố gắng tìm cách tận dụng các mối quan hệ để được đối xử ưu tiên – kiểm tra các giới hạn xem có thể tự khẳng định bản thân như thế nào, thử xem mình có lợi thế ra sao trong một tình huống cụ thể.
Một lần nữa, đây là hành vi phát triển bình thường, và thẳng thắn mà nói thì đây là một đặc tính cần được đánh giá cao. Cân bằng lợi thế là một kỹ năng quan trọng và cần thiết cho người thành công sau này. Vì vậy, không có vấn đề gì khi bạn thấy trẻ ở lứa tuổi này khá ích kỷ, nhưng như vậy không có nghĩa là các bé không cần học cách quan tâm đến những người xung quanh.
Cũng ở giai đoạn này, trẻ sẽ học được giá trị của các mục tiêu phi vật chất, chẳng hạn như việc đạt thành tích nào đó. Trẻ sẽ tìm cách vượt qua một thử thách và, trong trường hợp trẻ có tính thích cạnh tranh, bé sẽ xoay xở sao cho đạt được điều gì đó nhanh hơn, cao hơn hoặc tốt hơn bạn khác. Sự phân bì, tị nạnh của trẻ có thể trở nên khá căng thẳng vào thời điểm này. Nếu có từ hai con trở lên, bạn cần biết rằng điều thường khiến trẻ muốn cạnh tranh nhất chính là được cha mẹ chú ý.
Bạn thường nghe trẻ kêu ca điệp khúc đòi được đối xử công bằng. Theo một cách nào đó, ý nghĩ này xuất phát từ một biến thể của sự cạnh tranh (hay đấu tranh sinh tồn). Tất nhiên, cảm giác của trẻ về sự công bằng thường bị lệch theo hướng thiên vị chính bản thân trẻ. Vì vậy, một điều gì đó là “công bằng” theo quan điểm của phụ huynh hầu như luôn là bất công trong mắt trẻ.
Trẻ 8 - 11 tuổi
Ở lứa tuổi này, con sẽ bắt đầu trau dồi khả năng thuyết phục và động cơ của con có thể thiên theo hướng thuyết phục bạn rằng con nói đúng, hay con xứng đáng có những gì con muốn (Điều này vẫn tiếp diễn cho đến tuổi vị thành niên và đôi khi còn kéo dài đến tuổi trưởng thành). Một lần nữa, biểu hiện này của con trẻ là hoàn toàn tự nhiên và là sự phát triển từ chỗ chỉ biết xem mình là tâm điểm sang cấp độ biết trình bày và thảo luận quan điểm với người khác (dù trẻ vẫn đang trong giai đoạn rèn luyện kỹ năng).
Khi trẻ học cách tranh cãi để đạt được điều mình muốn thì đó là lúc, theo một cách nào đó, trẻ học cách thể hiện tình cảm, tương tự tình huống bé gái giật xích đu của bé khác ở sân chơi. Bằng cách tự khẳng định bản thân, trẻ thấy mình có ảnh hưởng đến thế giới, lần đầu tiên cảm thấy mình có quyền lực. Trẻ muốn mình là người quan trọng và cách để đạt được điều đó là lôi kéo hoặc thuyết phục người khác đồng quan điểm với mình.
HÀNH VI = GIAO TIẾP/TRUYỀN ĐẠT THÔNG TIN
Thay vì tìm ra một động cơ cụ thể để giải thích hành vi của con, bạn nên xem xét quan điểm sau: Trẻ từ lúc biết đi cho đến hết tiểu học thường dùng hành vi như một phương tiện giao tiếp/truyền đạt thông tin. Ví dụ, đối với một đứa trẻ đang thất vọng thì hành động của trẻ có thể không có động cơ nào khác ngoài việc thể hiện sự thất vọng của bản thân. Có thể trẻ không đủ từ ngữ để diễn tả cảm xúc một cách thỏa đáng, và do đó thay vì dùng lời nói, trẻ sẽ có hành vi bộc phát để giải tỏa cảm xúc. Điều này không khác gì việc người lớn chúng ta đôi lúc thốt ra những lời vô nghĩa, đập điện thoại, “đá thúng đụng nia”, hay lạng lách trên đường…
Thể hiện cảm xúc tiêu cực thông qua hành vi là chuyện thường gặp ở lứa tuổi này. Giậm chân hay đóng sầm cửa là cách để trẻ “nói” rằng mình đang “nổi điên”. Một số bé khác bật khóc, dụi mắt và gục đầu xuống, có nghĩa là bé đã mệt mỏi nhưng có thể bé không nhận ra hay không thừa nhận điều đó.
Việc thực hiện hành vi sẽ giúp trẻ giải tỏa ức chế tốt hơn là khi nói: “Mẹ ơi, con thấy có rất nhiều bánh quy ở trên quầy kia, mà mẹ nói con không được ăn cái nào làm con buồn quá”. Không phải lúc nào trẻ cũng có thể tuân theo “điệp khúc” của chúng ta: “Con muốn gì thì nói chuyện đàng hoàng” và chắc chắn làm như vậy không khiến trẻ cảm thấy khá hơn. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không đồng ý với ý kiến của bạn, chúng tôi đơn giản chỉ muốn nhắc nhở bạn rằng con của bạn cũng là con người, và con người thì ai cũng sẽ có lúc nào đó bùng nổ.
Trẻ em có thể dùng hành vi để biểu lộ sự cởi mở, hứng thú, nhưng cũng có khi trẻ sẽ biểu hiện những cảm xúc tích cực qua hành vi xấu. Một cô bé đang cực kỳ phấn khích với váy áo mới có thể quay vòng quanh nhà, dang thẳng tay ra và quên mất lời dặn của bố mẹ về chiếc bình đắt tiền trên tủ cho đến khi bé nghe tiếng nó rơi xuống sàn nhà. Trong trường hợp này, hành vi xấu ngoài ý muốn là do động cơ tích cực (hạnh phúc), và bé chỉ đang cố gắng truyền thông điệp về niềm hạnh phúc của mình thông qua hành động mà thôi.
Khi nghĩ về động cơ của con, bạn phải nhớ đừng phức tạp hóa mọi chuyện. Nếu đứa con bé bỏng của bạn đánh một bé khác khi bị bé đó va chạm thì có thể không có bất kỳ động cơ thực sự nào đằng sau hành động ấy của con. Hành vi có vẻ “có ý nghĩa” này thực ra không mang ý gì khác ngoài một phản ứng đáp trả. Tuy nhiên, nếu chuyện này xảy ra ở trường học thì dù con có ý định đánh bạn hay không, bé cũng sẽ gặp rắc rối. Nguyên nhân là vì ở những trẻ lớn, hành động đánh bạn thường có ý nghĩa thực sự ẩn sau đó. Vì vậy, bạn hãy cố gắng đừng suy diễn và gán ghép động cơ cho hành vi của con. Điều bạn cần làm là dạy trẻ kỷ luật để trẻ biết cách chuyển tải cảm xúc bằng phương pháp thích hợp, chẳng hạn như nói chuyện với người khác thay vì dùng hành vi bộc phát để giải tỏa cảm xúc khi gặp vấn đề.
Kỷ luật (giáo dục) giúp trẻ thay đổi cách biểu lộ các cảm xúc mạnh.
Với trẻ lớn hơn, động cơ của trẻ sẽ phức tạp dần theo từng giai đoạn. Vì vậy, trong khi bé 5 tuổi có thể không có động cơ tinh vi gì đằng sau hành động đánh người, thì bé 8 tuổi có thể có động cơ gì đó. Và với trẻ 10 tuổi thì chắc chắn có động cơ rõ ràng đằng sau hành động này.
Điều này liên quan đến ý nghĩa: hành vi có tính lựa chọn. Là người lớn, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Điều đó không có nghĩa là trẻ nhỏ không cần phải có trách nhiệm với hành vi của chúng. Trẻ nhỏ thường đưa ra những lựa chọn dựa trên ít thông tin hơn người lớn vì chúng không thể xem xét tất cả các yếu tố hoặc biết được mọi lựa chọn mà chúng có thể làm. Trẻ không có khả năng phán đoán phức tạp về tình huống thực hiện hành vi, vì vậy động cơ của chúng không thể bị đánh giá theo cách như chúng ta.
Việc giúp trẻ biết xem xét các yếu tố và hệ quả của hành vi là một phần quan trọng trong việc nuôi dạy con cái và thiết lập kỷ luật (giáo dục) cho trẻ. Thông thường, thật khó mà nhớ được trẻ em là đối tượng bốc đồng thế nào và động cơ của chúng khi làm điều gì đó có thể chỉ đơn giản là “tự nhiên nó vậy đó”.
Một điều cũng rất cần thiết đó là cha mẹ phải tôn trọng sự thật là con đang lớn lên và trở thành người như thế nào là quyền của con. Chúng không còn là những em bé non nớt dễ bị ta uốn nắn, nhào nặn nữa. Chúng ta cần tôn trọng thực tế là mỗi đứa trẻ đều là một cá nhân độc lập. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải cố hết sức để hiểu những gì ảnh hưởng lên con, động cơ và tính khí của con thì mới có thể giải mã được hành vi của con và giải quyết nó hiệu quả. Chúng ta bảo vệ con hết mức có thể nhưng cũng phải cho phép trẻ phạm sai lầm để con có thể học hỏi từ sai lầm đó. Chúng ta cũng khuyến khích con tôn trọng cha mẹ (thay vì chỉ đơn giản là nhà cung cấp thực phẩm hoặc là thùng rác! Đúng không, thưa các bậc phụ huynh?). Khi con bắt đầu làm được như vậy, chúng sẽ có sự đồng cảm với anh chị em, bạn bè và thầy cô. Cuối cùng, lúc con trưởng thành mạnh mẽ và khỏe khoắn thì khả năng đồng cảm trong con sẽ lan tỏa ra cho vợ chồng, con cái, hàng xóm và đồng nghiệp của chúng.
Giúp con hiểu được rằng hành vi của chúng có những hệ lụy cần được suy xét thấu đáo là một tiến trình dài hạn. Tuy vậy, bạn đã khởi đầu tiến trình đó bằng cách vận dụng quyển sách này vào việc định hình hành vi của con mình về lâu dài.
...
Đến đây, chúng ta đã có những hiểu biết cơ bản về tâm lý hành vi của trẻ nhỏ, cả tốt lẫn xấu. Bạn đã biết về mô hình ABC và biết rằng có vô số yếu tố góp phần ảnh hưởng lên con trong việc chọn một hành vi nào đó. Chúng ta đã thảo luận về các loại hệ quả và cách chúng tác động lên việc định hình hành vi (theo hướng tích cực và tiêu cực). Bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu được rằng các tiền đề cũng có hiệu quả tương đương trong việc định hình hành vi, nhưng không may là chúng lại thường bị các bậc cha mẹ bỏ qua.
Chúng ta cũng đã khám phá những loại ảnh hưởng tác động lên hành vi của trẻ, chẳng hạn như ảnh hưởng từ tình huống, từ bản thân trẻ và từ cha mẹ. Tất cả đều là những yếu tố quan trọng cần lưu ý khi bạn xem xét hành vi của trẻ. Ngoài ra, chúng ta cũng đã nói về động cơ của trẻ khi thực hiện hành vi.
Ngoài tất cả những điều kể trên, mỗi chúng ta cần phải nhớ rằng không phải tất cả các hành vi đều hợp lý hay dễ hiểu. Quyển sách này sẽ giúp bạn hiểu con mình, hiểu hoàn cảnh dẫn đến việc con có hành vi nào đó, cũng như nói về phản ứng của bạn đối với hành vi của con. Nói tóm lại, chúng tôi sẽ giải thích tất cả mọi thứ bạn cần biết về hành vi của con trẻ, cách tốt nhất để chuẩn bị và đáp ứng với nó. Nhưng tất cả thông tin bạn có về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con cũng có thể là không đủ để hiểu được tại sao bé lại có những hành động như vậy. Đôi khi không có lý do thực sự nào cho hành vi của trẻ cả. Vì vậy, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu bạn không thể điểm mặt tất cả chúng, và do đó bạn không nên để chúng khiến bạn từ bỏ các chiến lược đã định. Bạn chỉ việc “ghi sổ” chúng và cứ tiếp tục hành trình của mình, bởi đó luôn là cách tốt nhất.