Bạn đã bao giờ xem những chương trình truyền hình thực tế mà trong đó một người trông trẻ đầy kinh nghiệm sẽ chỉ cho bạn làm sao để nuôi dạy con “đúng cách” chưa? Họ sẽ luôn đưa ra một bí quyết cực kỳ đơn giản với tên gọi thật đáng yêu nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc biến một đứa trẻ “có vấn đề” thành một thiên thần nhỏ chỉ sau nửa giờ áp dụng.
Rồi sau khi xem, bạn có từng áp dụng bí quyết siêu đơn giản đó với con và thấy rằng nó không hề có hiệu quả như họ nói không? Thật ra, đó là vì luôn có yếu tố cản trở chiến lược của bạn hoặc do con của bạn phản ứng khác với thiên thần trên tivi kia. Đối với nhiều bậc cha mẹ, có một kịch bản thường gặp là khi xem hay đọc được ở đâu một chiến lược kỷ luật mới, họ sẽ thử vận dụng nó ngay ở nhà mình, để rồi chỉ thu được thất bại và rồi lại tiếp tục vòng luẩn quẩn học cái mới, thử và sai đầy thất vọng. Nội dung những chương trình truyền hình đó, các bài viết trên tạp chí hay thậm chí các sách nuôi dạy con được mời chào đến bạn đều là phiên bản của một trong những chiến lược mà chúng ta sẽ bàn tới trong chương này.
Sự khác biệt của quyển sách này là chúng tôi sẽ không chỉ liệt kê ra cho bạn một trong những chiến lược đó như họ vẫn làm. Mà ngược lại, chúng tôi sẽ trình bày chúng rõ ràng để bạn hiểu được tại sao chúng có hiệu quả, chỉ dẫn bạn cách làm thế nào để vận dụng chúng hiệu quả ngay tại nhà bạn. Một khi đã hiểu được các nguyên tắc cơ bản, bạn sẽ lựa chọn chính xác những gì thực sự hiệu quả cho tình hình cụ thể của mình.
Những nguyên tắc cơ bản sẽ được gọi là Chiến lược Toàn diện. Chúng là những mẫu số chung cho chiến lược nuôi dạy con của chúng ta. Bởi vì, ở một mức độ nào đó, chúng sẽ có hiệu quả với hầu hết trẻ em. Tất nhiên, chúng không phát huy hiệu quả với mọi trẻ theo cùng một cách; một số sẽ phù hợp hơn với con của bạn, và đó là cá biệt. Mỗi đứa con sẽ tạo ra những thách thức riêng cho cha mẹ. Vì vậy, bạn sẽ phải nắm vững những kiến thức chúng tôi cung cấp, lựa chọn và vận dụng chúng linh hoạt cho từng đứa con của mình.
Một số chiến lược chúng tôi nêu ra có thể đã được bạn thử nghiệm và từ bỏ vì cho rằng chúng không có tác dụng với con mình. Nếu có rơi vào trường hợp đó, bạn hãy cứ giữ một tâm trí cởi mở và đọc cho hết vì có thể bạn sẽ muốn thử lại chúng sau này. Việc hiểu được lý do tại sao một chiến lược phát huy tác dụng sẽ giúp bạn thực hiện nó hiệu quả hơn. Đôi khi, một phương pháp mà bạn đã thử nghiệm và từ bỏ lại cho bạn thành công trong một tình huống khác. Do đó, hiểu biết kỹ càng tất cả các chiến lược sẽ cho bạn nhiều lựa chọn để đối phó với bất cứ điều gì xảy ra. Tất nhiên, không có phương pháp nào là hoàn hảo và cũng không đảm bảo tất cả các gợi ý của chúng tôi sẽ thúc đẩy con của bạn có hành vi tốt hơn.
Trong chương này, chúng tôi sẽ phác thảo một số Chiến lược Toàn diện phổ biến nhất và thích hợp với hầu hết trẻ em. Sau đó, trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ “mổ xẻ” chúng và thảo luận cách bạn có thể “may đo” cho phù hợp một vấn đề cụ thể.
NUÔI DƯỠNG MỐI QUAN HỆ TÍCH CỰC VỚI CON BẰNG THỜI GIAN Ở BÊN NHAU (TIME-IN)
Time-In (thời gian ở bên nhau) trái ngược với Time-Out (thời gian tách biệt/thời gian tạm lắng). Về cơ bản, Time-In có nghĩa là dành thời gian ở bên con để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với con. Có thể một số người sẽ cười khẩy rằng: “Ôi trời, ai chẳng biết là nên có mối quan hệ tốt với con”. Nhưng họ có biết ảnh hưởng cụ thể của nó đến hành vi của con không? Xây dựng được loại nền tảng này sẽ giúp bạn sở hữu tiềm lực cực kỳ mạnh mẽ không chỉ để tránh mà còn để xử lý những tình huống khó khăn.
Bạn phải cho con có Time-In tốt thì Time-Out mới đem lại hiệu quả.
Mối quan hệ tốt đẹp với con sẽ cho bạn lợi thế và giúp cho nhiều chiến lược mà chúng ta thảo luận trong quyển sách này phát huy hiệu quả cao hơn và bền vững hơn. Con sẽ phản ứng tích cực hơn với sự dẫn dắt và chỉnh đốn của bạn, sẽ thoải mái hơn khi chia sẻ cảm xúc, đồng thời sẽ thấy an toàn và chắc chắn hơn trong mối quan hệ với cha mẹ. Con phải được trải qua những khoảng thời gian yêu thích ở bên cha mẹ (Time-In) để khoảng thời gian tách biệt/thời gian tạm lắng (Time-Out) mang ý nghĩa là một hệ quả tiêu cực (hình phạt). Time-In cần mang ý nghĩa tròn vẹn để có tác dụng làm đòn bẩy cho việc xây dựng kỷ luật.
Bạn hãy sử dụng hiệu quả những giây phút ở bên con, ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian dành cho trẻ. Hãy tận dụng mọi thời khắc bên nhau để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con. Bạn sẽ ngạc nhiên về việc ngay cả những hoạt động bình thường nhất cũng có thể tạo ra cơ hội để bạn giao tiếp bình thường và không căng thẳng với con.
Chiến dịch BeThere sẽ cho bạn những ý tưởng về việc dành ra một thời điểm rảnh rang nào đó trong ngày của bạn và biến nó thành những giây phút tương tác tốt đẹp, hiệu quả với con. Bạn có thể tìm được một số video gợi ý cho điều này tại www.bethere.org.
Càng dành nhiều thời gian cho con, bạn càng có nhiều cơ hội để nghe con nói về cuộc sống và trải nghiệm của bé. Những thông tin đó có thể đem đến cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về những gì con trẻ suy nghĩ. Cũng như người lớn, trẻ em thường không thể hiện suy nghĩ của mình theo mệnh lệnh. Thay vào đó, suy nghĩ của trẻ sẽ bộc lộ ra vào những thời điểm khác nhau và chúng ta cần phải có mặt vào những khoảnh khắc thân mật đó để nghe được tiếng lòng của con.
Khi trẻ chia sẻ cảm xúc của mình, cha mẹ cần công nhận những cảm xúc đó và nỗ lực để hiểu được tình hình từ quan điểm của con. Trong khi bạn, một người lớn, có thể nắm được lý do đằng sau một quy định hoặc mục đích của một giới hạn thì có thể con của bạn chỉ cảm thấy đó là một điều bất công. Do đó, bạn cần thể hiện sự đồng cảm với thế giới cảm xúc của con. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là bạn cũng phải có cảm xúc như con. Bạn chỉ cần nói với bé rằng bạn hiểu con đang buồn thế nào và rằng con có quyền được có cảm giác đó nếu biết thể hiện nó đúng cách (bằng lời nói chứ không phải bằng cơn cáu giận).
Nhưng ngay cả trong một gia đình yên ấm thì vấn đề kỷ luật cũng có thể làm cho những lúc bên nhau trở nên vô ích. Điều tiêu cực có thể dễ dàng lấn át điểm tích cực trong thời điểm tăm tối, và điều đó có thể trở thành một vòng luẩn quẩn – trừ khi bạn có nền tảng mối quan hệ tích cực để gầy dựng lại. Khi con tin tưởng bạn, cuối cùng bé sẽ đến với bạn để được giúp đỡ và để bạn bước vào thế giới riêng của bé. Nếu bạn thiết lập được mối quan hệ với con như vậy ngay từ giai đoạn này, thì tuổi teen của con sẽ trở nên dễ dàng với bạn hơn.
Điểm then chốt để xây dựng một mối quan hệ tốt là luôn cho phép con có một khởi đầu mới “trong sạch” vào mỗi buổi sáng để tránh việc tích góp lỗi lầm của con, dẫn đến việc làm “biến sắc” mối quan hệ của bạn và con. Cho dù ngày hôm qua con có bao nhiêu hành vi có vấn đề chăng nữa, thì khởi đầu ngày mới, con cũng sẽ được xóa tội. Con phải hiểu rằng chúng vẫn được yêu bất kể đã xảy ra chuyện gì và rằng chúng vẫn có lý do để cố gắng thành công ngày hôm nay.
LÀM MẪU CHO HÀNH VI TỐT
Chúng ta đang dạy dỗ trẻ mà chúng ta không hề hay biết.
Trẻ nhỏ học mọi thứ bằng cách quan sát. Đôi mắt tinh anh của chúng không bỏ lỡ thứ gì. Thế giới của chúng chỉ xoay quanh người lớn chúng ta, và do đó, rất thường xuyên, chúng ta đang dạy dỗ trẻ mà chúng ta không hề hay biết. Đó là đích đến của chiến lược này. Việc làm gương cho trẻ có hiệu quả mạnh mẽ hơn cả lời rao giảng. Đôi khi, cách tốt nhất để con trẻ làm việc gì đó là bạn hãy tự làm nó khi biết bé đang quan sát bạn. Làm gương những hành vi tốt sẽ giúp trẻ tránh những hành vi xấu, vì khi đó bạn đang gửi thông điệp đến trẻ về cách hành xử mà bạn muốn bé làm.
Nếu bạn dừng đèn đỏ thì con cũng sẽ học cách làm như thế. Nếu bạn dọn dẹp nhà cửa mà không ca cẩm, đó cũng là cách mà con sẽ làm. Nếu bạn cất điện thoại di động khi ăn tối, trẻ sẽ hiểu rằng đó là nề nếp sinh hoạt trong gia đình. Nếu bạn tôn trọng nhân viên bán hàng hay người phục vụ, nói “Làm ơn” và “Cảm ơn” khi yêu cầu họ, con sẽ biết đó là cách hành xử mà chúng phải theo.
Đôi khi, hành vi tốt của trẻ được thực hiện như là một hành động bắt chước ngay lập tức; ở những lần khác, phải mất một thời gian để nó thấm vào ý thức của trẻ. Những khoảnh khắc mang tính giáo dục có thể bắt nguồn từ một điều gì đó tốt đẹp, nhưng cũng có thể là một bài học tốt rút ra từ một tình huống tiêu cực. Chúng ta hãy thử xét một tình huống khó chịu đối với bạn và bạn giữ bình tĩnh bằng cách hít một hơi thật sâu, nhìn nhận cảm xúc của bản thân và thở ra, tự làm dịu mình lại và kiểm soát lời nói. Khi con trẻ nghe bạn nói chuyện trong trạng thái kiểm soát được cảm xúc của bản thân, bé sẽ nhập tâm bài học đó và áp dụng cho chính mình khi đối mặt với tình huống tương tự. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng phương pháp làm mẫu này vận hành theo cả hai hướng. Trẻ sẽ sao chép cả hành vi tốt lẫn hành vi xấu của bạn. Thật không may, những hành vi xấu thường được trẻ ghi nhớ dễ dàng hơn, do chúng có vẻ “gay cấn, kịch tính” hơn. Vì vậy, nếu bạn rủa xả và đập vào xe khi bị kẹt xe, trẻ sẽ tin đó là cách để giải tỏa bực bội khi lái xe. Nếu bạn nói xấu sau lưng hàng xóm, con sẽ nghĩ rằng đó là cách chúng nên cư xử với người khác. Nếu bạn cãi nhau với trọng tài trong trận bóng của trẻ, bé sẽ tin đó là cách để trở thành một huấn luyện viên giỏi.
Phương pháp làm gương cũng bao gồm cả việc ứng xử với sai lầm. Nếu bạn muốn con học hỏi từ sai lầm đã phạm phải, bạn cũng phải làm tương tự. Khi mắc lỗi, tất cả chúng ta đều có lúc như vậy, bạn đừng ngần ngại đối mặt. Hãy làm gương cho con thấy cách bạn xử sự khi phạm sai lầm: Thừa nhận mình sai, xin lỗi và không tái phạm sau đó.
NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ TUYỆT ĐỐI CỦA GIA ĐÌNH
Là cha mẹ, bạn sẽ phải đề ra “những điều cấm kỵ tuyệt đối”, đó là những quy tắc hành xử mà bạn mong đợi các thành viên trong gia đình phải tuyệt đối tôn trọng. Chúng phản ánh giá trị của gia đình bạn, và do đó chúng sẽ khác nhau ở mỗi gia đình. Không có đúng hay sai khi vợ chồng bạn lên danh sách những điều này.
Đây là ý nghĩa của điều cấm kỵ tuyệt đối: Bạn sẽ không dung thứ cho một hành vi nào đó và sẽ dừng lại mọi việc đang làm để giải quyết nó ngay lập tức, ra quyết định mà không cần giải thích. Đó là những ranh giới rõ ràng mà khi vượt qua thì sẽ kích hoạt một phản ứng cho thấy con đã đi quá xa. Những quy tắc này được thực thi hoàn toàn nhất quán. Mỗi lần hành vi này xảy ra, bạn đều sẽ hành động kiên quyết và đáp trả giống nhau. Phối hợp và báo trước phản ứng của bạn (nếu có xảy ra vi phạm) với bất kỳ ai đang cùng bạn nuôi dạy con.
Giữ cho danh sách những điều cấm kỵ tuyệt đối của gia đình bạn thật ngắn gọn. Đây là những thứ sẽ khiến bạn phải quở phạt con, nên nếu chọn quá nhiều, bạn sẽ trách mắng con quá thường xuyên. Bạn sẽ không thể làm cha mẹ hiệu quả với các luật lệ chi li và cứng nhắc như vậy. Ở nhiều gia đình, hành vi đánh người khác không bao giờ được dung túng. Nếu vợ chồng bạn xác định rằng đây sẽ là một trong những điều cấm kỵ tuyệt đối thì mỗi khi thấy con đánh ai đó, bạn luôn phải phản ứng lại bằng cách áp dụng cùng một hệ quả cho hành vi ấy. Nhiều gia đình áp dụng khoảng thời gian tách biệt/thời gian tạm lắng (Time-Out) như là một hình phạt trong trường hợp này.
Giữ cho danh sách những điều cấm kỵ tuyệt đối của gia đình bạn thật ngắn gọn.
CHO CON HƯỚNG DẪN TỐT
Trẻ nhỏ cần những chỉ dẫn đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và chi tiết hơn người lớn chúng ta. Hiểu sai nội dung được truyền đạt có thể là nguyên nhân khiến trẻ dính vào tình huống vi phạm kỷ luật.
Học cách đưa ra các hướng dẫn hợp lý sẽ giúp bạn giảm ngộ nhận và thất vọng ở trẻ, cũng như tránh được một số tình huống rắc rối. Việc có thể thực hiện thành công theo chỉ dẫn sẽ giúp trẻ có cảm nhận tốt về năng lực bản thân, điều rất quan trọng cho sự phát triển lòng tự trọng ở trẻ.
Dưới đây là một số mẹo để bạn biết cách đưa ra các chỉ dẫn hiệu quả:
- Đảm bảo con đang tập trung chú ý đến bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải tắt tivi, hoặc chen vào giữa con và bất cứ thiết bị điện tử nào trước mặt con.
- Chỉ dẫn từng bước một: trước hết làm điều này; kế tiếp làm việc kia; sau đó thì sẽ như vậy; và cứ thế…
- Đưa ra một kết quả tích cực, sử dụng mẫu câu “Nếu/thì” và “Khi nào/thì” để liên kết hành vi của con với một kết quả nào đó. Ví dụ: “Khi nào con dẹp đồ chơi xong thì mình sẽ đi chơi công viên”.
- Cho con lặp lại hoặc diễn giải lại các hướng dẫn mà bạn đã nói để đảm bảo con hiểu đúng.
- Kết thúc với lời khen ngợi, ngay cả khi bạn phải giúp con hoàn thành nhiệm vụ.
BẮT BUỘC TÔN TRỌNG CÁC GIỚI HẠN VÀ QUY TẮC
Trẻ em phải nhận thức được ranh giới và kỳ vọng. Xung đột giữa những gì con muốn và giới hạn bạn đã đặt ra luôn là tâm điểm trong các tình huống về hành vi. Cuộc đấu tranh này là một biểu hiện tự nhiên của sự phát triển ở trẻ, và mâu thuẫn gia đình kiểu này là bình thường. Tôn trọng các giới hạn (mà bạn đã xác định là thích hợp với con) là một chiến lược quan trọng và có thể đó là điều mà bạn luôn cố gắng thực hiện.
Trước tiên, bạn cần đảm bảo mình đã giải thích cho con về các quy tắc được áp dụng. Bạn có thể dùng các mẹo ở phần Chiến lược Toàn diện để đưa ra các hướng dẫn tốt, đảm bảo con hiểu rõ. Thứ hai, hãy làm mẫu hành vi này, đặc biệt là khi con còn nhỏ và lần đầu tiên trẻ được học về nó. Thứ ba, đảm bảo cho con một kết quả tốt đẹp (khen thưởng) để khuyến khích trẻ (Ví dụ, sau khi ăn tối, theo quy tắc là con phải lau dọn bàn ăn. Sau khi bàn ăn được dọn sạch, con được ăn món tráng miệng). Hãy luôn nhất quán để con biết đây là một quy tắc bắt buộc phải tuân theo. Và, cuối cùng, khen ngợi trẻ khi trẻ làm tốt và tuân thủ các quy tắc.
Buộc tôn trọng các giới hạn là một phần mở rộng của việc triển khai các quy tắc. Sau đây là cách để xử trí khi trẻ vượt qua các giới hạn:
- Cương quyết nhưng lịch sự, nói với con rằng con đã chạm đến giới hạn của chúng.
- Nhắc nhở trẻ những gì cần làm vào thời điểm đó (tắt tivi, ra chơi ngoài trời, làm bài tập về nhà,...).
Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ làm theo chỉ dẫn của bạn. Đừng cho trẻ thời gian quá lâu, chỉ cần hợp lý vào thời điểm đó.
- Nếu con làm theo chỉ dẫn, hãy động viên/khen ngợi tích cực.
- Nếu trẻ không tuân theo chỉ dẫn, hãy bước đến và thực thi giới hạn (Một số phụ huynh đưa ra lời cảnh báo, và hành động này là hợp lý).
- Tùy tình hình và độ tuổi của con mà bạn lựa chọn hệ quả áp dụng. Thông thường, loại hệ quả tự nhiên và tiêu cực sẽ thích hợp: “Vì con không tự tắt tivi khi mẹ nhắc nên từ lần sau, mẹ sẽ giữ chiếc điều khiển từ xa và tắt tivi”.
Cho phép con mắc lỗi – chạm đến hay vượt quá giới hạn bạn đã đặt ra và phải chịu hệ quả – là một phần cần thiết trong việc nuôi dạy con cái. Dĩ nhiên điều này chẳng bao giờ vui vẻ, nhưng nó nhấn mạnh sự cần thiết của tính nhất quán. Con của bạn sẽ học nhanh hơn khi bạn có các quy tắc rõ ràng và thực thi những giới hạn một cách nhất quán.
Xin đừng hiểu lầm. Chúng tôi không nói rằng ngay từ lần đầu tiên bạn nêu ra mong đợi của bạn với con thì bé sẽ tuân thủ ngay. Tất cả những điều này đều cần có thời gian và lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi trẻ biết điều gì sẽ xảy ra và giới hạn ở đâu thì cuối cùng chúng sẽ hành động theo.
CHUYỂN HƯỚNG SỰ TẬP TRUNG CỦA CON
Chuyển hướng là một chiến thuật mà bạn có thể áp dụng để tháo kíp tình huống trước khi nó bùng nổ. Về cơ bản, khi nhận thấy một vấn đề sắp bắt đầu, bạn chuyển hướng con sang một hoạt động khác và do đó tránh được tình huống rắc rối.
Chiến thuật này là một bài học rất có giá trị với trẻ nhỏ. Bởi vì nếu trẻ biết cách chuyển hướng khi cần thì khi lớn lên, bé sẽ biết tự tránh khỏi nhiều vấn đề của tuổi vị thành niên, chẳng hạn như áp lực từ bạn bè, các băng nhóm ở trường hay thậm chí khi bị gây sự đánh nhau.
Bằng cách quan sát một đứa trẻ hoặc một nhóm trẻ, bạn có thể cảm nhận được khi nào cần thay đổi một hoạt động. Với trẻ nhỏ, tình huống thông thường là khi các bé chơi chung và có một món đồ chơi trở thành trọng tâm của cả nhóm. Lúc này, bạn sẽ phải chuyển hướng đứa trẻ đã chơi xong lượt của mình sang món đồ chơi khác, có như vậy thì các bé khác mới đến lượt chơi. Khi trẻ lớn hơn một chút, bạn có thể cảm nhận được trò bóng ném trong sân đang trở nên bất công vì đứa lớn nhất và nhanh nhất luôn thắng thế. Lúc đó, bạn hãy mời cả nhóm ăn nhẹ món gì đó hoặc đưa ra một trò chơi khác để chuyển hướng tập trung của chúng.
Một thách thức quan trọng là làm sao để món đồ chơi hay trò chơi mới đủ hấp dẫn để lôi kéo sự chú ý của trẻ. Các bậc cha mẹ khéo léo nhất sẽ thủ sẵn một thứ gì đó như đồ ăn nhẹ hay đồ chơi để khi vấn đề tiềm ẩn sắp khởi phát thì mang ra đúng lúc.
HÀNH ĐỘNG NHƯ MỘT HUẤN LUYỆN VIÊN
Trong nhiều trường hợp, hành động như một huấn luyện viên cũng có thể là một phương pháp thắng lợi như làm cha mẹ giỏi vậy. Bởi vì cả hai đều dạy trẻ các hành vi tích cực và vận hành chúng, tạo tiền đề hữu ích cho hành vi của trẻ. Các huấn luyện viên cổ vũ, đồng thời chỉ ra những kỹ năng cần thiết để vận động viên thực hiện được mục tiêu.
Chiến lược huấn luyện được đề ra sau khi thảo luận với con ngay trước khi rơi vào một tình huống biết chắc là sẽ phiền hà. Bạn cần phải thật cụ thể về việc điểm mặt chỉ tên xu hướng hành động mà con đã từng thực hiện ở những tình huống tương tự trong quá khứ.
Ví dụ, nếu con có xu hướng làm đau người khác và hành động không kiểm soát được trong một nhóm đông người, bạn cần chủ động nói với con rằng: “Chúng ta sẽ đến dự tiệc sinh nhật của John, và khi ở trong một nhóm đông vui, có thể con sẽ chạy quanh và đánh các bạn khác. Nếu lần này con làm như vậy, chúng ta sẽ không thể ở lại dự tiệc nữa. Con hiểu không?”.
Bạn đang kêu gọi sự đồng ý của con, rằng bé sẽ biết quản lý các hành vi mà bạn đã điểm danh. Sẽ rất hữu ích nếu bạn nhắc nhở con ngay trước khi bước vào tình huống và thậm chí nếu cần thiết, có thể nhắc thêm một hai lần trong suốt thời gian diễn ra tình huống trên. Bạn giúp con nhận thức được điều gì sẽ bị xem là hành vi bốc đồng trước khi nó xảy ra, sau đó con luôn suy nghĩ về nó và nhiều khả năng bé sẽ tự quản lý được hành vi ấy.
Một cách làm tốt để công nhận cảm xúc của con khi huấn luyện là thể hiện sự đồng cảm của bạn: “Ba/mẹ hiểu con cảm thấy thế nào; khi ba/mẹ còn nhỏ thì cũng gặp chuyện như con vậy, và ba/mẹ không thích nó tí nào”.
Cho con biết bạn từng có cùng cảm xúc như con là một bài học có tác động mạnh mẽ. Đây là trọng tâm của ý đồ định hình hành vi của con theo hướng tích cực. Khi bày tỏ sự công nhận, bạn đang đồng cảm với những cảm xúc của con và sau đó bạn sẽ huấn luyện cho con cách giữ hành vi trong tầm kiểm soát bất kể những cảm xúc này.
Cho con biết bạn từng có cùng cảm xúc như con là một bài học có tác động mạnh mẽ.
Hãy ghi nhớ, hành vi càng khó thì càng cần nhiều kế hoạch và huấn luyện. Và cũng giống như huấn luyện một đội thể thao, con của bạn không nhất thiết phải nắm được tất cả các khái niệm ngay từ lần đầu. Vì vậy, bạn phải tiếp tục huấn luyện trẻ thông qua những tình huống khó xử này nhiều lần khác, tiếp tục khen thưởng động viên hợp lý, cũng như có một số cuộc họp kiểm điểm sau… cuộc đấu.
Các huấn luyện viên vĩ đại sẽ lại tiến lên sau trận thua, rút ra những bài học cần thiết và áp dụng nó trong trận tiếp theo.
TỔ CHỨC CÁC BUỔI THỰC HÀNH
Chiến lược này dành cho các tình huống gây rắc rối với bạn hoặc với con. Các buổi thực hành có thể được tổ chức mọi lúc mọi nơi: một chuyến đi đến cửa hàng tạp hóa, bữa ăn tại nhà hàng, hoặc thậm chí là cách làm dịu bản thân sau cơn cáu giận. Phương pháp này đi cùng với Chiến lược Toàn diện.
Để bắt đầu, bạn hãy giải thích với con rằng bạn nhận thấy gần đây con gặp rắc rối khi cố gắng thực hiện hoạt động nào đó. Vì vậy, bạn muốn cho con thấy nó cần được thực hiện như thế nào và cho con thời gian thực hành điều đó. Hãy chọn thời điểm mà bạn có thể hoàn toàn tập trung vào con, không có bất kỳ đứa trẻ nào xung quanh. Điểm qua toàn bộ tình hình và lấy các điểm chính để giải thích những điều quan trọng cần cân nhắc, nhưng nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hoặc con trẻ sa vào hành vi có vấn đề thì bạn phải sẵn sàng giải cứu.
Lợi ích của các buổi thực hành này là chúng xây dựng cho cả bạn và con cảm giác quen thuộc với tình huống. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng sẽ đem lại cho con trẻ một trải nghiệm tích cực và thành công mà sau đó, bạn có thể nhắc lại cho con nhớ trước khi có tình huống “thực tế” tiếp theo xảy ra. Những buổi như vậy cũng mang đến cho bạn cơ hội để tĩnh tâm và chỉ cho con thấy những gì sẽ diễn ra trong tình huống này. Chúng cũng cho bạn cơ hội để giải thích bạn muốn thấy con cư xử như thế nào, bất kể con có thể sẽ trải nghiệm cảm giác buồn bã trong suốt tình huống này. Một lợi ích khác của việc này là chúng cho phép bạn thực hành giữ các thứ tự ưu tiên theo quan điểm của bản thân khi phải đối mặt với một vấn đề hành vi tiềm ẩn. Bạn cũng sẽ học được nhiều như con từ các buổi thực hành này về cách quản lý các phản ứng của bản thân.
Khi áp dụng chiến lược này, thực hành là trọng tâm duy nhất. Nói cách khác, khi bữa tối bị muộn và bạn phải mua vài thứ tại cửa hàng thì đó không phải là lúc để thực hành tình huống đi đến cửa hàng với con được (Bạn có thể đọc phần hướng dẫn thực hành từng bước cho tình huống ở cửa hàng tạp hóa trong Chương 3). Các buổi thực hành có thể cần nhiều thời gian, nhưng đây cũng là một trong những chiến lược hữu ích nhất cho cha mẹ và con cái.
Các buổi thực hành là một trong những chiến lược hữu ích nhất cho cả cha mẹ và con cái.
PHỚT LỜ HÀNH VI CÓ VẤN ĐỀ
Vờ không quan tâm đến hành vi có vấn đề của trẻ là một hành động liên quan đến tâm lý đảo ngược. Nếu tiền đề và hệ quả của hành vi nào đó có khả năng làm tăng hay giảm hành vi được tái diễn, thì sự vắng mặt của một trong hai nhân tố này sẽ tạo ra tác dụng ngược lại.
Nói cách khác, đôi khi việc thu hút được sự chú ý của bạn theo bất kỳ cách nào – xấu hay tốt – đều có thể làm tăng hành vi của con, theo đó làm tăng khả năng lặp lại hành vi ấy trong tương lai. Vì vậy, khi con không nhận được bất kỳ sự chú ý nào của bạn, thông thường trẻ sẽ ngừng cư xử như thế. Ít nhất, việc bỏ qua này cũng là một yếu tố trung tính: nó tránh được sự leo thang và không củng cố bất cứ điều gì. Nó cũng cho phép bạn giữ được sự nhất quán trong phản ứng của mình.
Con có bao giờ nổi cơn thịnh nộ khi ở một mình trong phòng không? Không. Mục đích của cơn cáu giận ở trẻ là để lôi kéo sự chú ý của bạn và cuốn hút bạn vào một vở kịch đầy cảm xúc. Đây là lý do vì sao việc hiểu được mô hình ABC là điều rất quan trọng. Chiêu thức làm lơ được vận dụng tốt nhất khi sự chú ý, hoặc phản ứng của bạn sẽ củng cố cho hành vi xấu ở trẻ.
Ví dụ, bạn thấy con buồn bực khi chơi với bạn bè, rồi sau đó bé đến rên rỉ ỉ ôi với bạn. Bạn có thể lựa chọn can thiệp. Tuy nhiên, nếu bạn chọn làm ngơ trước sự mè nheo của con thì trẻ sẽ buộc phải tập trung vào cuộc chơi và bọn trẻ sẽ tự giải quyết được vấn đề của mình, rồi chơi tiếp. Trong trường hợp này, bạn đã từ chối tăng cường hành vi mè nheo của con và theo đó, trẻ sẽ củng cố khả năng tự giải quyết vấn đề của bản thân một cách tự nhiên nếu chúng lại có bất đồng với bạn bè lần sau. Mặc dù vậy, chúng ta cần lưu ý rằng áp dụng chiến lược Phớt lờ trước một hành vi không được hoan nghênh không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc trẻ. Trong trường hợp này, cha mẹ cần để mắt hoặc nghe ngóng xem sự bất đồng của các bé có leo thang không. Nếu chúng bắt đầu hét vào mặt nhau hoặc đánh nhau thì bạn cần can thiệp ngay.
Đây là một ví dụ khác. Nếu con sử dụng ngôn từ bất hảo, bất kỳ phản ứng nào của bạn cũng có thể củng cố hành vi này và làm tăng khả năng trẻ sẽ tái diễn sau đó. Bực tức và làm lớn chuyện vì một từ bậy bạ sẽ làm tình hình xấu thêm, bởi vì như vậy tức là trẻ đã thu hút được rất nhiều sự chú ý cho hành vi của mình. Việc làm ngơ mang tính trung lập vì nó không củng cố bất cứ điều gì. Khi không được chú ý, trẻ có thể sẽ ngừng nói những từ ngữ đó. Tất nhiên, tuổi của trẻ – yếu tố đóng vai trò rất lớn trong hành vi này – phải được tính đến.
Đôi khi thật khó mà lờ đi và không hành động gì, nhưng trong một số trường hợp, đây lại là cách tốt nhất.
RÚT LUI TRƯỚC HÀNH VI VƯỢT NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT CỦA CHA MẸ
Rút lui là nghệ thuật phản ứng phù hợp với hành vi ngoài tầm kiểm soát của bạn mà không làm leo thang vấn đề. Hành động này không phải là bỏ mặc trẻ mà là một phản ứng trung lập không tiếp sức cho việc làm trầm trọng hơn những cảm xúc và hành vi của trẻ trong tình huống xấu. Điểm đặc trưng ở những tình huống này là trẻ cố lôi bạn vào cuộc và khi đó, rút lui là một cách phản ứng không thêm dầu vào lửa. Cách này có hiệu quả vì bạn không vô tình thúc đẩy hành vi tiêu cực.
Rút lui là một cách phản ứng không thêm dầu vào lửa.
Trình tự thường thấy nhất là con tranh cãi và bạn cãi nhau với con. Nhưng mục đích của điều đó là gì? Thường thì khi tham gia vào cuộc tranh luận với con, nghĩa là bạn đã làm cho tình huống đó thêm cảm xúc. Điều này không có gì là tốt đẹp vì bạn đã thúc đẩy hành vi tranh cãi của con bằng chính sự chú ý của mình. Và như vậy, về cơ bản, chúng ta đang tự chuốc lấy nhiều hơn lời tranh cãi của con chứ không phải làm cho nó ít đi.
Hãy chọn những câu trả lời tự động để rút lui khỏi tình huống. “Ba/mẹ hiểu điều đó” là câu trả lời tuyệt vời mà bạn có thể dùng khi trẻ đang buồn bực vì một quy tắc hay chỉ đạo nào đó. Tuyên bố đó đẩy trách nhiệm lại cho trẻ trong việc phải quyết định cần hành động thế nào để sửa chữa những điều bất ổn và trẻ không được phép buộc bạn phải chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì khác ngoài việc thấu hiểu cảm xúc của trẻ.
Nếu con cố lôi kéo bạn vào một cuộc tranh cãi về điều mà trẻ không hài lòng, thay vì liên tục trả lời “Không”, bạn có thể lịch sự nhưng thẳng thắn nói “Ba/mẹ đã nói với con là…”. Mỗi lần con hỏi, bạn lại dùng câu trả lời ngắn gọn và điềm tĩnh như vậy. Ý đồ, nhìn từ quan điểm về hành vi, là bạn làm giảm nhiệt hành vi của trẻ bằng cách không tham gia và điều này sẽ không thúc đẩy trẻ tranh cãi thêm nữa.
Con: Con không muốn đi lên lầu đánh răng. Con muốn xem hết chương trình này!
Bạn: Ba hiểu điều đó.
Con: Đó là chương trình yêu thích của con mà.
Bạn: Ba hiểu điều đó. Đó là chương trình yêu thích của con. Nhưng đến giờ ngủ rồi.
Con: Vậy tại sao con không thể xem cho đến hết?
Bạn: Ba đã nói với con rồi, bây giờ là giờ đi ngủ.
Con: Nhưng chương trình này hay thật mà!
Bạn: Ba hiểu điều đó. Nhưng ba đã nói gì với con?
Bạn phải kiên định với chiến lược này, cũng như giữ thái độ điềm tĩnh của mình. Bạn không được giận dữ và bạn cũng không được từ chối con bằng câu trả lời tự động năm lần, nhưng sau đó lại đồng ý vào lần trả lời thứ sáu. Bởi vì làm như vậy sẽ tăng cường hành vi xấu hơn là chiều ý con ngay từ câu đầu tiên. Thêm vào đó, bạn đã dạy con hiểu rằng nếu cứ kiên trì đeo bám thì có thể khiến bạn đổi ý.
LUÔN HẠN CHẾ QUÁT THÁO
Nếu bạn rất hiếm khi quát tháo con thì khi bạn làm như vậy, con sẽ biết ngay rằng điều trẻ đang làm là nghiêm trọng và cần dừng lại ngay lập tức.
Từ “hiếm khi” là trọng tâm để phân biệt. Rất nhiều người trong số chúng ta lập tức quát nạt con khi thấy trẻ làm gì đó sai. Điều này sẽ làm giảm giá trị gây chú ý của tiếng quát. Do đó, cuối cùng thì trẻ thậm chí không thèm để ý đến tiếng quát tháo của cha mẹ nữa. Nếu bạn hay to tiếng với con, trẻ sẽ không thể nào phân biệt được giới hạn của việc quan trọng với chuyện không to tát. Khi có chuyện thực sự nghiêm trọng xảy ra, bạn không còn mức độ cảnh báo nào cao hơn để truyền đạt cho trẻ biết mức độ nghiêm trọng và cấp bách của sự việc.
Điều quan trọng là trong bộ công cụ nuôi dạy con của bạn phải có gì đó mang ý nghĩa báo động đỏ để con buộc phải chú ý và tuân lệnh. Quát nạt cũng có thể là một cách. Với trẻ nhỏ, bạn có thể hét con khi chúng chạy băng ra đường. Với trẻ lớn hơn, có thể là: “Đừng chạm vào bếp nóng đó!”. Bạn có thể tự rút ra cách báo động đỏ riêng khi cần và phải chắc chắn 100% là nó sẽ thu hút sự chú ý của con.
Bạn có thể tự rút ra cách báo động đỏ riêng để phòng khi cần dùng.
KHEN NGỢI HÀNH VI TỐT
Khen ngợi là một cách đơn giản. Nó đòi hỏi phải lựa chọn ngôn từ cẩn thận để tuyên dương hành vi cụ thể nhằm củng cố những điều bạn thấy con làm đúng. Lời khen được áp dụng chính xác sẽ tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ. Nó cũng có thể trở thành tiền đề tích cực, góp phần giúp cho những hành vi tốt đẹp tỏa sáng trong tương lai.
Hãy tìm cách tạo cơ hội để con làm tốt và sau đó khen ngợi chúng. Có thể đó là hành vi trẻ mới thực hiện lần đầu. Trong trường hợp này, bạn có thể bày tỏ niềm hạnh phúc và chúc mừng con đã học được kỹ năng mới. “Mẹ thấy con đã biết cách chia sẻ với em con hôm nay. Mẹ thích điều đó lắm!”.
Tuy nhiên, có thể hôm nay con cư xử tốt là bởi trẻ đã rút ra được bài học về hành vi xấu trong quá khứ, và điều này cũng làm con xứng đáng được khen ngợi, tuyên dương. Đây là cách bạn áp dụng lời khen ngợi để thừa nhận sự tiến bộ của con: “Mẹ thấy con đã chia sẻ đồ chơi với em rất ngoan. Mẹ biết con đã rất khó khăn khi để em chơi mấy món đồ chơi yêu thích của mình. Con cư xử tốt lắm đó, con yêu!”.
Khen ngợi có hiệu quả như là một tiền đề khi trẻ làm điều gì đó tốt, sau đó nó được trẻ hiểu và ghi nhớ để khi có tình huống tương tự thì nhiều khả năng trẻ sẽ lại hành xử tốt.
Lời khen ngợi có hiệu quả mạnh mẽ nhất là lời khenngay lập tức, cụ thể và chân thành. Ngay lập tức là khen ngợi trẻ ngay sau khi trẻ vừa có hành vi tốt. Cụ thể là vì trẻ muốn biết chính xác mình đã làm gì tốt, có nghĩa là cần khen ngợi điều mà trẻ đã làm được (sự nỗ lực, kiên trì, khả năng phục hồi,…) thay vì khen những điều mà bé không thể kiểm soát (trí thông minh, vẻ đẹp,…). Và chân thành là vì trẻ có thể nhanh chóng phát hiện sự giả tạo dù là nhỏ nhất.
Lời khen ngợi có hiệu quả mạnh mẽ nhất là lời khen ngay lập tức, cụ thể và chân thành.
Lời khen ngợi của bên thứ ba cũng có thể mang lại hiệu quả. Hãy khoe điều tuyệt vời con đã làm được với ai đó không trực tiếp chứng kiến. Đó có thể là vợ/chồng, ông bà hoặc bạn bè của bạn. Bạn có thể làm điều này trước mặt con hay khi bạn biết con sẽ nghe được điều đó, chẳng hạn như khi bạn nói chuyện qua điện thoại với bà của con: “Mẹ ơi, mẹ thử đoán xem hôm nay cháu của mẹ đã làm gì này? Cháu đang chơi ngoài sân với bạn thì thấy con xách mấy túi đồ tạp hóa về. Thế là cháu ngừng chơi và chạy đến giúp con mang túi vào nhà. Mẹ thấy cháu có phải là một cô bé chu đáo và đảm đang không?”.
Những lời ngợi khen bất ngờ hoặc không thường xuyên cũng có thể mang lại hiệu quả rất cao trong việc củng cố hành vi tốt ở trẻ. Hãy nói với con bằng thái độ vui vẻ, rằng bạn thích điều gì đó mà trẻ đã làm và khi đó, dù không bày tỏ sự khen ngợi thì bạn vẫn sẽ tạo ra kết quả tích cực và lâu dài. Các nhà tâm lý học gọi đây là sự củng cố không liên tục, liên quan đến việc củng cố diễn ra trong thời điểm không thể đoán trước được. Điều bất ngờ này sẽ kích hoạt não và khiến trẻ muốn đạt được kiểu khen ngợi, động viên như vậy thêm lần nữa.
Điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu xem kiểu khen ngợi nào tác động mạnh mẽ nhất đối với con mình. Một số trẻ thích kiểu khen ngợi nhẹ nhàng, thậm chí không lời (như vỗ nhẹ lên vai bé một cái). Những trẻ khác lại thích kiểu khen công khai và đầy phấn khích. Dù sở thích của bạn là gì thì bạn cũng cần phải điều chỉnh cách khen cho phù hợp với gu của con. Nếu không, hành động khen ngợi của bạn sẽ có nguy cơ phản tác dụng, khiến trẻ hạn chế lặp lại hành vi từng “bị” khen ấy trong tương lai. Một ví dụ dễ thấy là khi cha mẹ khen ngợi rùm beng một điều gì đó về đứa con vốn nhút nhát, thì khi đó bé sẽ ghi nhớ để không bao giờ thành công như vậy nữa nhằm tránh cảm giác không thoải mái khi được khen ngợi.
Các kiểu khen ngợi thích hợp có thể được sử dụng thoải mái, nhưng không nên khen nhiều đến mức làm mất đi ý nghĩa và tác dụng của nó. Tránh dùng những từ thể hiện sự tuyệt đối như “giỏi nhất” hay “hoàn hảo” vì chúng vô nghĩa và giả tạo đối với trẻ. Quá nhiều lời ngợi khen cũng có thể gây phản tác dụng. Bởi vì đứa trẻ không thể phân biệt được những lời khen ngợi thực sự có ý nghĩa giữa cả rừng lời khen mà cha mẹ luôn dành tặng cho bé về mọi thứ.
SỬ DỤNG PHẦN THƯỞNG VÀ CÁC YẾU TỐ KHÍCH LỆ
Việc sử dụng phần thưởng hay yếu tố khích lệ có thể là một trong những cách làm hiệu quả nhất trong bộ công cụ nuôi dạy con trẻ. Những phần thưởng hữu hình (như bánh kẹo, đồ chơi hay các sticker dễ thương) là một dạng yếu tố khích lệ, nhưng chính hành động thân mật cổ vũ (như ôm hôn hay vỗ vai con trẻ) sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn cả. Cả hai đều là “củ cà rốt” treo lơ lửng trước mặt những “chú thỏ” trẻ con, khiến trẻ thèm thuồng và cố gắng đạt được nó. Khi bạn nghiên cứu cách này, hãy nhớ rằng phần thưởng có thể là ngôn từ hay hiện vật hữu hình.
Có nhiều trẻ, một thời khóa biểu thông thường với các mục tiêu và phần thưởng tương ứng là yếu tố giúp chúng theo đúng lịch trình mà cha mẹ mong muốn. Bởi lẽ các em hiểu được mối liên hệ giữa một hành vi tích cực với một kết quả tích cực tương ứng. Một số trẻ thực sự phát triển thói quen rất máy móc về việc phải làm gì vào lúc nào và sẽ được thưởng ra sao cho những hành vi nhất định. Cụm từ chuyên môn cho hiện tượng này là “thưởng định kỳ đều đặn”.
Phần thưởng có thể là ngôn từ hay hiện vật hữu hình.
Bảng điểm thưởng là ví dụ minh họa thường dùng nhất trong trường hợp này. Để tạo được một bảng như vậy, bạn cần liệt kê các hành vi và hành động mà mình mong muốn con sẽ làm, sau đó đánh dấu mỗi khi con thực hiện xong. Phần thưởng sẽ được quy đổi để trao cho trẻ khi bé đạt mục tiêu là ghi được một số điểm nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Theo đó, giả sử bạn đưa ra một danh sách các việc nhỏ và hành vi tốt cho con thì mỗi khi trẻ làm xong một mục nào, bạn sẽ đánh dấu một ngôi sao vàng lên bảng. Mục tiêu của trẻ có thể là ghi được 10 sao vàng mỗi tuần để đổi lấy phần thưởng là được đi xem phim ở rạp vào cuối tuần. Ý tưởng về bảng điểm thưởng có thể được biến tấu theo nhiều cách để phù hợp với tình hình cụ thể của từng gia đình. Cần lưu ý rằng một số trẻ sẽ cố gắng “lách luật”, và nếu điều đó xảy ra, bạn có thể xem xét cách ghi nhận thành tích và thưởng quy đổi theo kiểu khác.
Khác với nhóm trên, có những trẻ sẽ phản ứng mạnh mẽ với “phần thưởng bất ngờ”. Đối với chúng, thời điểm được thưởng là yếu tố tạo nên hiệu lực của hành vi khen thưởng. Các nghiên cứu cho thấy những lợi lộc bất ngờ mà trẻ nhận được sẽ mang lại tác động mạnh nhất. Vì vậy, một phần thưởng xuất hiện bất thình lình sẽ có tác dụng củng cố bất cứ hành vi nào liên quan đến nó và khắc sâu trong tâm trí của trẻ.
Điều này có nghĩa là bạn phải thực sự cẩn trọng trong cách tặng thưởng. Một cách hay để làm việc này là chờ đến khi trẻ có hành vi tốt mà bạn muốn khuyến khích thì ngay lập tức công bố phần thưởng cho trẻ: “Cách tìm hiểu về khoa học của con hay quá! Mẹ muốn con phát triển cách học này hơn nữa. Mẹ nghĩ việc mua bộ kính hiển vi mà con thích ở cửa hàng hôm trước thực sự là một ý tưởng rất hay đấy. Vậy mẹ con mình cùng đến đó nào!”.
Một cách tiếp cận kém hiệu quả hơn là nói theo kiểu hứa hẹn: “Nếu con học tốt môn khoa học thì mẹ sẽ mua cho con bộ kính hiển vi mà con thích”. Những phần thưởng đi kèm theo sau một yêu cầu sẽ nhanh chóng trôi tuột khỏi tâm trí trẻ, bé sẽ sớm đưa ra yêu sách về giải thưởng trước khi làm bất cứ điều gì ngoài lĩnh vực quan tâm của chúng. Tuy nhiên, điều này không ám chỉ việc có thể có sự khác nhau về định nghĩa “làm tốt” trong suy nghĩ của trẻ và của bạn.
ÁP DỤNG HỆ QUẢ TIÊU CỰC DƯỚI HÌNH THỨC XỬ PHẠT
Cũng như trong quá trình phát triển bất kỳ kỹ năng nào, trẻ sẽ gặp phải những trở ngại và vấp ngã khi học cách hành xử tốt. Chúng ta không phạt ngay lập tức một đứa trẻ mắc sai lầm khi học đọc; thay vào đó, chúng ta sẽ sửa sai, dạy đi dạy lại, khen ngợi những nỗ lực và thành công của trẻ. Xin bạn hãy hiểu rằng hình phạt chỉ là một trong những cách để kiểm soát hành vi của con trẻ, chứ nó không phải là phương pháp duy nhất.
Trong mô hình ABC, việc xử phạt trẻ được xếp vào loại áp dụng các hệ quả tiêu cực, làm giảm khả năng trẻ lặp lại hành vi. Bạn muốn tạo ra một sự khó chịu đủ để con nhớ đến cảm giác này khi rơi vào tình huống tương tự, và như vậy trẻ sẽ biết phải hành động như thế nào cho tốt.
Bạn muốn con liên hệ được hành vi xấu với hệ quả tiêu cực. Nhưng làm thế nào bạn biết mình đã chọn đúng loại hệ quả tiêu cực? Ồ, bạn sẽ biết hệ quả tiêu cực đã dùng có đạt hiệu quả hay không nếu tác động của bạn gây ra cảm giác bất mãn cho trẻ. Hệ quả tiêu cực phát huy hiệu quả theo cách khác nhau đối với mỗi đứa trẻ.
Hình phạt chỉ là một trong những cách để kiểm soát hành vi của con trẻ, chứ nó không phải là phương pháp duy nhất.
Cũng giống như phải cẩn trọng lựa chọn hành động khen ngợi trẻ, hay biểu dương hành vi cụ thể để khích lệ con khi thấy bé làm đúng, những hệ quả tiêu cực cần được lựa chọn kỹ để đáp ứng các hành vi cụ thể nhằm ngăn ngừa việc tái phạm.
Hệ quả tiêu cực có tác động mạnh nhất khi nó ngay lập tức, cụ thể và trong bối cảnh xảy ra hành vi mà bạn đang cố gắng ngăn chặn. Và cũng như bạn có thể lạm dụng việc khen ngợi khiến nó mất đi giá trị, bạn cũng có thể lạm dụng các hình phạt. Nếu lạm dụng, cảm giác bất mãn khi bị phạt có thể bị lờn, và lúc đó thì hình phạt sẽ mất đi hiệu lực của nó. Nếu con luôn bị lấy mất đồ chơi yêu thích vì phạm lỗi, trẻ sẽ sớm chán món đồ chơi đó, và bạn có lấy nó đi thì cũng không tạo được ảnh hưởng gì đến con trẻ. Bạn cần tránh quá tín nhiệm công dụng của một loại hệ quả tiêu cực, nên thay đổi các kiểu hệ quả theo thời gian để chúng luôn hữu ích.
Bất kể mức độ áp dụng thường xuyên thế nào, loại hệ quả tiêu cực mà bạn áp dụng cần liên quan đến hành vi đang bị xử phạt của trẻ. Nếu con trai của bạn ném đồ chơi vào anh chị em của mình, bé sẽ mất món đồ chơi đó. Nếu con gái của bạn đạp xe đến nhà bạn bè mà không đội mũ bảo hiểm, bé sẽ mất quyền được đi xe và quyền đến nhà bạn bè vào cuối tuần.
Bằng cách ghép nối hệ quả tiêu cực với lời khen ngợi cho sự cải thiện tiếp sau đó, bạn sẽ định hình hành vi của con hai lần.
Một cách tuyệt vời để việc áp dụng các hệ quả tiêu cực là hãy âm thầm theo dõi và đánh giá con theo giờ, ngày hoặc tuần (tùy thuộc vào hoàn cảnh). Sau đó, hãy khen ngợi trẻ về việc bé đã cải thiện hành vi của mình sau khi chịu hệ quả tiêu cực ra sao. Chẳng hạn như, “Con yêu, ba mẹ rất vui khi thấy con tự giác đội mũ bảo hiểm mỗi lần đạp xe, ngay cả khi ba mẹ không nhắc nhở gì. Ba mẹ biết là cuối tuần trước con đã bị ngã rất đau, nhưng như vậy con cũng hiểu được rằng giữ an toàn cho mình quan trọng thế nào. Ba mẹ tự hào về con”. Bằng cách ghép nối hệ quả tiêu cực với lời khen ngợi cho sự cải thiện tiếp sau đó, bạn sẽ định hình hành vi của con hai lần, và hướng con đến hành vi bạn mong muốn. Việc ghép nối này cũng củng cố ý nghĩa của việc bắt đầu mỗi ngày là một ngày mới tinh khôi, không tội lỗi.
Tuy nhiên, việc xử phạt vượt quá mức sẽ gây bất mãn. Ví dụ, đánh đòn là một loại hệ quả tiêu cực nghiêm trọng gây đau đớn cho trẻ. Mặc dù nó dập tắt ngay một hành vi xấu vào lúc đó nhưng các nghiên cứu tâm lý không ủng hộ lợi ích của nó như là một chiến lược trong việc nuôi dạy con cái. Hình phạt này thực sự không hề làm tăng hành vi tốt và giảm hành vi xấu. Hơn thế nữa, việc đánh đòn còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy (như làm suy giảm lòng tự trọng, thành tích học tập của trẻ và ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ bạn bè, kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ,...).
ÁP DỤNG THỜI GIAN TẠM LẮNG
Thời gian tạm lắng (Time-Out) là cách thường được áp dụng nhất, và trong một số trường hợp, cha mẹ cũng hay lạm dụng công cụ kỷ luật sẵn có này ngay cả khi có cách khác có thể hiệu quả hơn. Thời gian tạm lắng là một công cụ có giá trị nhưng có lẽ không vì những lý do như bạn nghĩ.
Thời gian tạm lắng là một hệ quả tiêu cực áp dụng cho một hành vi xấu nào đó: Trẻ mất quyền được hòa nhập với gia đình và bạn bè trong một khoảng thời gian. Nó làm gián đoạn bất cứ điều gì trẻ đang làm và mang đến cho trẻ một khoảng thời gian để bình tĩnh lại. Tuy nhiên, để Time-Out phát huy hiệu quả như một hình phạt và làm giảm khả năng trẻ tái phạm thì bé phải có những phút giây Time-In giá trị trước đó. Đòn bẩy ở đây là việc trẻ cảm nhận được sự mất mát trong mối quan hệ, cũng như sự quan tâm chú ý của cha mẹ mà bé đã quen được đón nhận. Chiến lược Time-Out đi đôi với Time-In nhằm nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực, tốt đẹp. “Có vẻ như con khó mà cẩn thận trong hồ bơi mặc dù ba đã cảnh báo. Vậy nên bây giờ, con phải vào trong và thực hiện thời gian tạm lắng. Khi nào con sẵn sàng tuân theo các quy tắc thì có thể trở lại bơi với mọi người. Ba sẽ cho con 5 phút để sẵn sàng”.
Bạn hãy nhớ rằng trẻ em luôn muốn thu hút sự chú ý. Do đó, nếu con được chú ý vì có hành vi xấu, và khi đó bạn dành nhiều thời gian với con thì trẻ sẽ tiếp tục hành xử tệ để có được sự chú ý của bạn. Ngược lại, nếu bạn dành nhiều thời gian cho con khi con cư xử tốt thì bé sẽ tiếp tục hành động tốt như vậy.
Nơi trẻ thực hiện Time-Out có thể là phòng của trẻ, một góc nhà, chân cầu thang hay bất cứ nơi đâu, miễn là không có đồ chơi trong tầm với của trẻ. Bạn có thể xem cách dùng Time-Out để hạ nhiệt cho một cơn khủng hoảng ăn vạ của trẻ ở Chương 3.
Ở trẻ nhỏ, Time-Out có một tác động thần kỳ. Các bé sẽ liên kết nó với sự trừng phạt và không thể ưa nổi nó; và do đó, một số bé sẽ đáp ứng với phương pháp này ngay cả khi bé không có những lúc Time-In tuyệt vời bên cha mẹ. Ngược lại, khi trẻ lớn hơn một chút, chất lượng Time-In sẽ quyết định hiệu lực của Time-Out. Đây là lý do tại sao việc sớm bắt đầu phát triển mối quan hệ gia đình hạnh phúc, tốt đẹp lại đóng vai trò rất quan trọng đối với mọi phương pháp kỷ luật.
NHẤN MẠNH VIỆC XIN LỖI VÀ SỬA SAI
Dù là vô tình hay cố ý, nếu hành vi của trẻ gây thiệt hại hay bất tiện cho người khác – đứa trẻ khác hay người lớn – thì bé cần phải thực hiện việc xin lỗi và sửa sai. Trẻ phải nói lời xin lỗi và sửa sai cho dù đó là việc phải trả tiền cho một đồ chơi bị hỏng, hay lau dọn “hiện trường”. Việc bồi thường hay sửa sai có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức và nên được trẻ thực hiện như một hệ quả tất yếu cho hành động do mình gây ra.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn là trẻ phải xem việc sửa sai không chỉ đơn thuần là hệ quả cho hành vi của mình (mặc dù việc phải dọn dẹp nhiều lần cho sự cố làm rơi đổ có thể khiến trẻ cẩn thận hơn về sau) mà đó là một hành động đúng đắn cần thực hiện sau khi phạm lỗi. Theo đó, bạn đang hướng cho con phát triển sự đồng cảm và quan tâm đến người khác hơn. Ví dụ, “Khi con phá hỏng đồ chơi của Dylan, con đâu có biết đó là món đồ mà ông nội của Dylan đã tặng nên con phải sửa sai. Đồ chơi đó giá 20 đô-la nên con sẽ phải làm số lượng việc nhà đủ để kiếm được từng đó tiền, rồi mua cái mới đền cho Dylan. Giờ ba sẽ dẫn con đến gặp Dylan để con xin lỗi và hứa sẽ đền cho Dylan một cái mới”.
Việc xin lỗi và sửa sai thường sẽ dần khơi gợi cho trẻ khái niệm về ý thức. Bạn đã bao giờ thấy con mình nói lời xin lỗi nhưng mắt thì nhìn đi chỗ khác và nói như thể cho có chứ không thực tâm chút nào chưa? Hẳn là cách cư xử này của con khiến bạn rất bực mình. Bạn muốn con thực tâm xin lỗi và sửa sai vì như vậy tức là trẻ đã biết đồng cảm và quan tâm như chúng ta mong muốn.
Có một câu nói mà các nhà tâm lý học thường chia sẻ với cha mẹ: “Hãy dạy con cách cư xử chứ không phải là ý thức”. Ý thức sẽ có sau, khi con trưởng thành. Bạn không thể ép buộc người khác cảm thấy điều gì đó, nhưng bạn có thể buộc họ nói câu gì đó. Đôi khi việc xin lỗi và sửa sai thực sự chỉ ép buộc được con về mặt hành động, nhưng dù sao điều đó cũng là cần thiết.
***
Khi giải quyết một tình huống về hành vi, tất cả các bên đều có những cảm xúc mạnh mẽ. Với hiểu biết về mô hình ABC và cách thức mà các Chiến lược Toàn diện này hoạt động, bạn sẽ tìm được cách xử lý tình huống thích hợp nhằm tập trung định hình hành vi cho con theo hướng tốt đẹp, tích cực.
Đôi khi, trẻ sẽ nói được những điều có ý nghĩa. Nhưng thường thì chúng chỉ đơn giản là truyền đạt sự muộn phiền, bất mãn của bản thân bằng cách duy nhất mà chúng biết. Vì vậy, khi con nói “Con ghét ba” hoặc “Con sẽ không mời mẹ đến tiệc sinh nhật của con”, thì những gì bạn nên nghe ra sẽ là “Ba làm con tức lắm” và “Con muốn mẹ biết là con đang giận thế nào”. Cố gắng đừng cảm thấy bị xúc phạm vì bất kỳ câu nói nào kiểu như thế này và hãy áp dụng chiến lược Rút lui (Bạn cũng cần hiểu những lời này có thể làm tổn thương sâu sắc đến anh chị em hay bạn bè của trẻ. Vì vậy, bạn sẽ phải làm rõ điều này nếu con nói như vậy với một đứa trẻ khác).
Tất cả các Chiến lược Toàn diện đều có thể thích ứng với tình huống cụ thể của bạn và có thể được phối hợp ăn khớp với nhau tạo ra vô số cách nuôi dạy con. Với một đứa trẻ, có một số phương pháp sẽ mang lại hiệu quả hơn những cách khác. Một số có tác dụng hơn với một vấn đề cụ thể, chẳng hạn như chuyện cáu giận, làm bài tập về nhà hoặc giờ đi ngủ. Trong Phần 2, chúng tôi sẽ đưa bạn đến với một số ví dụ cụ thể về cách triển khai chiến lược cho các vấn đề về kỷ luật phổ biến.