Khi con vật vã, làm mình làm mẩy thì bé có thể đánh ngay vào điểm yếu của bạn. Thứ xuất hiện trong tâm trí bạn có thể là bối rối vì không hiểu nguyên nhân thực sự cho cơn cáu giận của con, là sự xấu hổ nếu con làm ồn ở nơi công cộng, hay là sự thất vọng vì không thể làm cho nó dừng lại.
Hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra các nguyên nhân khiến trẻ cáu giận. Một cơn làm mình làm mẩy thường xuất phát từ cảm giác thất vọng hoặc tức giận của trẻ. Có thể là trẻ muốn một điều gì đó nhưng không có được, hay thấy mà không lấy được. Đôi khi, nguyên nhân đơn giản chỉ là con thấy các bé khác làm điều gì đó nhưng bé không được làm hay không thể làm giống vậy vì chưa đủ lớn chẳng hạn.
Tức giận là một cảm xúc tự nhiên mà tất cả chúng ta đều đã từng trải qua.
Tức giận là một cảm xúc tự nhiên mà tất cả chúng ta đều đã từng trải qua. Sự tức giận có thể mang tính thích nghi, bởi vì nó cảnh báo chúng ta về khả năng điều gì đó là sai trái hoặc chúng ta đang gặp nguy hiểm. Thông thường, chúng ta biểu lộ sự tức giận thông qua hành vi, cử chỉ và ngôn ngữ. Một số phản ứng của chúng ta khi tức giận chỉ đơn giản thuộc về bản năng, chẳng hạn như những phản ứng sinh lý gồm: tăng nhịp tim, thở nhanh hơn, đỏ mặt,… Ở trẻ em, phản ứng tức giận có thể biểu hiện thành cơn thịnh nộ, vật vã.
Trong chương này, chúng ta sẽ suy xét nguồn cơn sinh ra cơn cáu giận ở trẻ, những gì diễn ra trong não trẻ ở đỉnh điểm của cơn cáu giận này. Chúng ta sẽ bàn về các tác nhân điển hình gây nên cơn cáu giận ở trẻ và cách quản lý chúng. Bên cạnh đó là những mẹo xử lý cơn giận, và tiếp theo là ví dụ về việc từng bước áp dụng các chiến lược Huấn luyện và Thực hành tại cửa hàng tạp hóa. Cuối chương, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn những việc cần làm nếu cơn cáu giận của con có chiều hướng chuyển sang bạo lực, đồng thời cung cấp một số ý tưởng để xây dựng lại mối quan hệ giữa bạn và con nếu bạn cảm thấy nó đã chuyển sang chiều hướng xấu.
NGUỒN CƠN SINH RA CƠN CÁU GIẬN Ở TRẺ
Giận dỗi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chúng ta thậm chí còn thấy một số người lớn nổi cơn tam bành. Tuy nhiên, thường thì khoảng thời gian xuất hiện các cơn giận dỗi ở trẻ gắn với giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 2”. Ở tuổi này, trẻ không có đủ ngôn từ cũng như cách dùng từ ngữ để diễn tả cảm xúc của mình. Vì vậy, việc có thể giúp con giải tỏa cảm xúc được hay không phần nhiều là do bạn. Khi lên 3 tuổi, tình hình vẫn có thể tương tự vì vốn từ của trẻ không thể theo kịp tốc độ khám phá thế giới xung quanh của chúng. Rất nhiều bậc cha mẹ nhận thấy rằng khủng hoảng tuổi lên 3 thậm chí còn tồi tệ hơn tuổi lên 2, vốn đã được coi là rất khủng khiếp.
Một số người như được lập trình để dễ dàng nổi nóng hơn những người khác.
Từ 4 đến khoảng 6 tuổi, cơn cáu giận biến thành màn kèo nhèo, vòi vĩnh vì ích kỷ, nhưng con của bạn vẫn đang học cách sử dụng từ ngữ và điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Những cơn làm mình làm mẩy của bé có thể mang hơi hướm có tính toán hơn. Như đã đề cập trong Chương 1, trẻ em ở lứa tuổi này đang cố gắng tìm hiểu xem chúng có thể tận dụng các mối quan hệ để chiếm lợi thế ra sao và thử các giới hạn để tìm cách khẳng định mình. Tuy vậy, chúng vẫn còn phải học nhiều để biết cách thể hiện cảm xúc của bản thân sao cho thích hợp.
Khoảng từ 7 đến 9 tuổi, cơn cáu giận của trẻ có thể bắt đầu theo hướng tấn công nổi loạn, và hẳn là có phần tức giận nhiều hơn thất vọng. Trẻ ở lứa tuổi này đã có vốn từ ngữ khá hơn, nhưng có thể chúng vẫn chưa biết dùng ngôn từ để chuyển tải cảm xúc của mình. Càng lớn lên thì con người ta càng phải chịu nhiều áp lực hơn. Do vậy, đôi khi một số trẻ có nhu cầu bùng nổ để giải tỏa áp lực đó và đây cũng là chuyện không hiếm ở những lứa tuổi khác. Một số người như thể được lập trình để dễ dàng nổi nóng hơn những người khác; do đó, hãy xem lại tính cách của con để xác định tại sao cơn cáu giận của trẻ vẫn tồn tại.
Ở tuổi lên 10 và 11, trẻ đang tiến dần đến tuổi dậy thì và thường muốn tách mình ra khỏi bố mẹ càng nhiều càng tốt. Bạn có thể thấy trẻ có thái độ lì lợm và thậm chí có thể chối bỏ sự bảo bọc, chỉ dạy của cha mẹ. Ở giai đoạn này, áp lực xã hội và áp lực học tập sẽ cao hơn. Vì vậy, trẻ sẽ hướng vào bạn bè và các đội nhóm xã hội để thu thập thông tin về thế giới xung quanh. Đối với một số em, tuổi dậy thì sắp hoặc đã bắt đầu sớm và sự thay đổi hormone có thể tàn phá cảm xúc của trẻ. Ở độ tuổi này, các bé đã có thể hiểu được mình đang cảm thấy thế nào nhưng có thể bị lúng túng về việc tại sao lại cảm thấy như vậy.
QUẢN LÝ CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH CƠN GIẬN Ở TRẺ
Nhiều cơn giận dỗi của trẻ có lý do rất đơn giản và bốc đồng. Chẳng hạn như, khi con có một mong muốn nhưng giới hạn đã được đặt ra, nên con sẽ thể hiện sự thất vọng và tức giận của bản thân bằng cách nổi cơn giận dỗi. Những trường hợp khác, nguyên nhân cũng không phức tạp hơn như vậy là bao. Vì thế, quản lý được mong muốn của trẻ là một chiến lược quản lý tiền đề của các hành vi.
Câu hỏi đầu tiên bạn cần tự hỏi khi thấy cơn cáu giận bắt đầu là: “Con tôi có đang đói hoặc mệt không?”. Những tác nhân kích hoạt dạng đơn lẻ này đã gây ra nhiều cơn vật vã, ăn vạ ở trẻ em thuộc mọi lứa tuổi. Vì vậy, chuẩn bị một ít thức ăn nhẹ là hành động có tính ngăn ngừa, hay ít nhất là làm hạ nhiệt cơn giận dỗi của trẻ.
Mặc dù vậy, bạn không thể giấu sẵn một giấc ngủ ngắn trong ví cho con được. Do đó, nếu con của bạn ngủ thiếp đi vì mệt mỏi sau cơn cáu giận thì cách chữa trị duy nhất cho sự mất sức này là ngủ. Bất cứ khi nào con bị mất giấc (thông thường là do lịch trình bận rộn trong ngày) thì hãy cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để con ngủ một giấc ngắn trong thời gian bạn lái xe. Ngoài ra, bạn cần cố gắng đảm bảo giờ giấc ngủ nghỉ thông thường của con ngay ngày hôm sau.
Bằng cách giảm thiểu các tiền đề, bạn có thể loại bỏ, hoặc ít nhất là giảm khả năng bùng phát cơn giận dỗi.
Như đã trình bày ở trên, chúng ta có được gì từ những món ăn nhẹ và giấc ngủ ngắn cho trẻ? Câu trả lời là chúng ta đang cố gắng quản lý các yếu tố góp phần gây ra cơn giận dỗi của trẻ – chúng là những thứ làm tăng khả năng dẫn đến hành vi xấu. Do vậy, bằng cách giảm thiểu chúng, bạn có thể loại bỏ, hoặc ít nhất là giảm khả năng bùng phát cơn giận dỗi. Tuy nhiên, đói và mệt mới chỉ là hai yếu tố phổ biến, vẫn còn rất nhiều yếu tố khác nữa có thể kích hoạt cơn giận ở trẻ.
Câu hỏi thứ hai bạn cần tự hỏi mình là: “Tôi có đưa con vào tình huống có thể kích hoạt cơn giận không?”. Nếu có, hãy xem có cách nào giúp con tránh được tình huống ấy không. Ví dụ, dời ngày sinh nhật vào thứ Ba sang cuối tuần, hoặc đến cửa hàng tạp hóa khi con không đi cùng. Chịu khó suy tính trước sẽ giúp bạn tránh được những cơn thịnh nộ tiềm ẩn hoặc chuẩn bị tốt cho sự xuất hiện của nó. Nếu bạn vẫn phải hiện diện trong một tình huống có tính khiêu khích, hãy áp dụng các Chiến lược Toàn diện - Chuyển hướng sự tập trung của con và Hành động như một huấn luyện viên đã được trình bày trong Chương 2.
Trẻ chớm bệnh cũng có thể là nguyên nhân của một hành vi có vấn đề mà bạn thấy có vẻ như vô căn cứ. Con lên cơn sốt hoặc đau họng vào ngày hôm sau có thể gợi ý cho bạn về những lý do đằng sau hành vi xấu của bé ngày hôm trước.
Chỉ cần một hành động đơn giản là công nhận cảm xúc của con cũng đủ để chặn đầu một cơn cáu giận.
Đôi khi, bạn sẽ thấy con buồn bã. Nếu bạn có thể nắm bắt tâm trạng của con trước khi cơn giận diễn ra và gọi tên được cảm giác đó của bé, đôi khi hành động đơn giản này cũng đủ để chặn đầu cơn thịnh nộ. Sự tức giận mà trẻ bộc lộ thường liên quan đến việc nhận thức rằng không ai hiểu được cảm giác của chúng. Nếu bạn thể hiện rằng mình hiểu quan điểm của con thì điều đó có thể giúp hạ nhiệt một cơn cáu giận dữ dội.
Có những tình huống ảnh hưởng đến trẻ và khiến trẻ nổi cơn cáu giận. Đó có thể là khi bé không vận động đủ, hay có chuyện gì đó không hay xảy ra ở trường. Đi du lịch hoặc ngồi quá lâu ở phòng chờ cũng có thể gây cho trẻ sự bức bối và cáu giận. Sẽ rất hữu ích nếu bạn chuẩn bị sẵn một số vật dụng cho trẻ giải trí, chẳng hạn như bút chì màu hoặc đồ chơi nhỏ. Tuy vậy, điều bạn thực sự cần là phải cảnh giác và thận trọng về cách tình huống này tác động đến con của bạn và xử lý nó. Chẳng hạn như, hướng dẫn con thường xuyên duỗi chân nếu phải ngồi chờ lâu sẽ giúp trẻ cảm thấy khá hơn. Hoặc trong tình huống đó, bạn cũng có thể cho con dùng/chơi các thiết bị di động trong khoảng thời gian giới hạn hàng tuần đã quy định để giúp trẻ đỡ chán. Nắm bắt được tác nhân kích hoạt cụ thể sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc ngăn ngừa cơn cáu giận của con.
Hãy xét xem bạn có thể hạ thấp các yêu cầu với con hay không. Cố gắng giữ cho môi trường của trẻ bình yên và không quá cạnh tranh. Nếu con trẻ căng thẳng, một chút quan tâm hơn từ cha mẹ có thể ngăn ngừa cơn làm mình làm mẩy bùng phát.
Hãy chuẩn bị trước cho con nếu có những thay đổi trong kế hoạch hoạt động (như giải thích rõ tại sao lịch vui chơi bị gián đoạn, hoặc tại sao một yêu cầu bị từ chối). Áp dụng chiến lược Huấn luyện sau khi đã giải thích và mô tả thật rõ về hành vi cáu giận của con mà bạn không muốn thấy: “Có mấy lần, khi phải rời khỏi sân chơi thì con la hét, khóc lóc và không chịu đi mặc dù trước đó con đã được chơi đùa vui vẻ rồi. Con có nghĩ hôm nay con có thể không như vậy không?”.
Nếu con đồng ý thì sau đó, bạn hãy đưa bé đến sân chơi và nhắc lại những lời cảnh báo khi gần đến giờ phải ra về. Nhắc con về lời cam kết, và hệ quả nếu không giữ lời hứa là sẽ không được đến sân chơi vào lần sau nữa. Còn nếu bé không chịu hứa, bạn chỉ đơn giản là cho con ở nhà.
Khi con lớn hơn một chút, bạn có thể sử dụng các yếu tố khích lệ nếu trẻ tránh được cơn cáu giận. Ví dụ, bạn có thể khen ngợi con sau khi bé trải qua một thời điểm có nguy cơ cao nhưng không hề làm nư làm nũng gì cả. Lời khen ngợi đặc biệt, chẳng hạn như: “Mẹ biết con thực sự cảm thấy thất vọng và tức giận lúc đó, nhưng con đã biết cách thể hiện bằng lời nói thay vì có hành động không hay. Mẹ rất tự hào về con!”, sẽ cho bé thấy bạn không xem nỗ lực của con trong việc điều hòa cảm xúc là chuyện hiển nhiên.
THEO DÕI CƠN GIẬN DỖI CỦA TRẺ
Nếu con của bạn cứ tái diễn những cơn giận dỗi, bạn nên ghi chép, phân tích chúng theo mô hình ABC, bao gồm:
Thời khóa biểu (giờ giấc ngủ nghỉ và các bữa ăn):
__________________________
Điều gì đã xảy ra trước khi cơn giận dỗi bắt đầu:
__________________________
Tình huống mà trẻ sắp phải có mặt, hay vừa buộc phải rời khỏi:
__________________________
Những người xung quanh:
__________________________
Điều gì xảy ra trong cơn giận dỗi:
__________________________
Điều gì đã xảy ra sau cơn giận dỗi:
__________________________
Bạn có thể làm khác đi như thế nào:
__________________________
Với phần ghi chép các đặc điểm của cơn giận dỗi như trên, bạn có thể tìm ra mẫu số chung theo mô hình ABC. Khi đã xác định sự tái diễn của một số tác nhân kích hoạt thì bạn có thể thực hiện các điều chỉnh hữu ích nhằm ngăn ngừa và quản lý hiệu quả các cơn làm nư của trẻ trong tương lai.
ĐỐI PHÓ VỚI CƠN GIẬN DỖI CỦA TRẺ
Nếu bạn không dự báo được cơn bão sắp xảy ra thì sao? Đôi khi, cơn giận dỗi có thể thực sự vô duyên vô cớ. Trẻ chưa biết dùng ngôn từ để mô tả cảm xúc của chúng khi gặp phải những tình huống bực bội hoặc điên tiết, vì vậy chúng hành động thay vì dùng lời nói. Hành động đó có thể dao động theo mức độ từ một cơn giông gió đến một trận cuồng phong, tùy theo hoàn cảnh và tính cách của trẻ.
Mục tiêu của bạn là phải làm trẻ hiểu hành vi làm mình làm mẩy sẽ hoàn toàn không đem lại lợi ích gì và chẳng dẫn đến đâu cả.
Khi bắt đầu cơn giận, trẻ sẽ thu hút được sự chú ý của bạn. Vì vậy, cho dù mức độ nghiêm trọng của cơn giận dỗi đến đâu thì mục tiêu của bạn là phải làm trẻ hiểu hành vi làm mình làm mẩy sẽ hoàn toàn không đem lại lợi ích gì và chẳng dẫn đến đâu cả. Thay vì la hét hay có hành vi xấu, trẻ cần nói ra được cảm xúc của chúng. Việc của bạn là dạy trẻ cách làm được điều đó, đồng thời bạn phải nhận thức được rằng quá trình học kỹ năng này của trẻ cần có thời gian và sự lặp đi lặp lại liên tục.
Áp dụng Chiến lược Toàn diện - Làm mẫu cho hành vi tốt để đặt nền tảng cho việc đối phó với cơn giận dỗi của con. Trẻ sẽ học được cách quản lý cảm xúc thông qua việc quan sát cách xử lý của người lớn (đầu tiên là cha mẹ). Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu dạy con cách thể hiện cảm xúc bằng lời nói thay vì tức giận, hãy nhìn chăm chú vào gương và, nếu cần, hãy điều chỉnh bản thân bạn trước đã.
Các cơn giận dỗi là hành vi hoàn toàn bình thường đối với một đứa trẻ, nhưng tất nhiên là dù có như vậy, bạn cũng không dễ dàng hơn trong việc xử lý chúng. Bạn hãy cố gắng giải quyết mà không giận dữ hay bị khuất phục. Đây là những lời khuyên của chúng tôi:
- Giữ bình tĩnh. Sẽ hữu ích nếu bạn tự nhắc nhở mình rằng cơn giận dỗi của con là tự nhiên và đó không phải là phản ứng xấu. Áp dụng chiến lược Vờ không quan tâm (trong Chiến lược Toàn diện ở Chương 2) đối với tiếng ồn; tiếp tục làm việc của mình nếu bạn có thể và chờ đợi cơn bão lòng của con đi qua. Nếu bạn đang ở nơi công cộng, hãy đưa trẻ đến nơi vắng vẻ nhất có thể và chỉ cần ở lại với bé cho đến khi cơn ăn vạ lắng xuống.
- Không tỏ ra tức giận hay chán ghét. Con của bạn đang trải qua một chuyện khá là thách thức. Vì vậy, đừng làm cho tình hình tồi tệ hơn bởi vì bạn sẽ không thể bắt con dừng lại bằng cách làm bé xấu hổ.
- Đừng chiều chuộng. Đừng để con có được bất cứ điều gì mà con đang vòi vĩnh. Xoa dịu hay chiều ý con sẽ chỉ khuyến khích hành vi xấu này và làm tăng khả năng tái diễn mà thôi.
- Đừng cố nói lý trong lúc con đang bùng nổ. Lúc này, con đang là một đại dương sôi sục cảm xúc và không còn tâm trí nào để nghe bạn nói về logic hay lý lẽ.
- Không đe dọa trừng phạt. Nói với con những câu đại loại như: “Nếu con không thôi đi thì ba sẽ cho con khóc đã luôn”, cũng giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy.
- Gọi tên và thừa nhận cảm xúc của con. Khi con giận dỗi và mất kiểm soát, hãy nói với con rằng: “Mẹ hiểu con đang tức điên lên”. Một sự đồng cảm đơn giản như vậy cũng đủ để bé hiểu cảm giác tức giận không phải là điều xấu xa, con chỉ cần học cách thể hiện nó tốt hơn.
- Hãy để cơn thịnh nộ tự chuyển biến. Áp dụng chiến lược Rút lui và Phớt lờ sẽ phù hợp nhất cho bạn. Nếu bé còn quá nhỏ, bạn chỉ cần ngồi bên cạnh và tự giữ bình tĩnh là đủ. Với bé lớn hơn, bạn có thể nói với con: “Ba biết con đang tức giận nhưng con sẽ phải vào phòng để khóc”. Hoặc bạn chỉ cần nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Con vào phòng để bình tĩnh lại đi”.
- Giảm thiểu tương tác vật lý. Nếu cơn giận của trẻ đang chuyển sang hướng động tay động chân thì hãy đưa bé đến nơi an toàn, ít nguy cơ trẻ tự làm hại mình. Bạn cũng có thể dùng các rào cản vật lý để ngăn bé khỏi kích động tay chân. Đừng để con tấn công bạn hay bất cứ ai khác, hoặc tự làm tổn thương chính mình, hủy hoại tài sản của bé hay người khác.
- Nhớ rằng con của bạn không phải là kẻ thù. Hãy luôn nhớ rằng con trẻ cần bạn giúp học cách cư xử chín chắn. Bé cần biết khi chúng mất khả năng tự kiểm soát thì sẽ có cha mẹ ở cạnh bên để giúp chúng lấy lại bình tĩnh. Nếu bạn đáp trả sự bùng nổ của con bằng tiếng quát tháo hay đòn roi thì bạn đã vuột mất cơ hội trở thành hình mẫu cho con trong cách xử lý những cảm xúc khó chịu.
Khi con bình tĩnh trở lại và cơn giận đã qua đi, đó chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu hàn gắn và vỗ về, an ủi tinh thần con. Hãy lau mặt con, cho bé uống nước, để những gì đã qua thuộc về quá khứ và quay trở lại với mối quan hệ gia đình tốt đẹp của bạn.
Một cuộc trò chuyện ngắn để tái khẳng định với con rằng việc có cảm xúc tức giận không phải là chuyện sai trái hay xấu xa, nhưng con phải nói ra điều đó thay vì vật vã giận dỗi. Đừng kéo con trở lại với cảnh tượng đã kết thúc khi mà con vừa bình tâm lại. Sau đó, bạn có thể vận dụng phương pháp Huấn luyện và Thực hành để con thực tập lại tình huống đã khiến con nổi giận.
Với trẻ lớn hơn, bạn có thể thảo luận về nguyên nhân gây ra sự bùng nổ cảm xúc của con và cách giải quyết vấn đề đó. Nếu hợp tác cùng nhau, bạn và con có thể truy được đến gốc rễ của vấn đề và giúp con tìm được cách bộc lộ cảm xúc tức giận của mình hiệu quả hơn trong tương lai. Nhưng một lần nữa, đây cũng nên là cuộc trò chuyện rất ngắn chứ không nên dài dòng thuyết giáo.
Những mục tiêu chính bạn cần đạt được trong cơn cáu giận của con là tránh tăng cường hành vi xấu này, giúp con nói ra cảm xúc và hướng dẫn con một hành vi thay thế hợp lý hơn, còn việc lấy lại bình tĩnh là nhiệm vụ của con. Bạn can thiệp để giáo dục con và giúp con vượt qua cơn cáu giận, nhưng bạn không cần gánh lấy trách nhiệm giải quyết những cảm xúc của con mỗi lần bé phiền muộn. Trẻ cần phải trải nghiệm chu kỳ bình tĩnh - khó chịu - bình tĩnh để học cách tự quản lý bản thân và cảm xúc của mình. Hãy luôn hành xử nhất quán với con để bé biết mình có thể mong đợi gì từ bạn vào những lúc tinh thần bất ổn vì trẻ rất dễ hiểu sai và nhầm lẫn trong những tình huống đó.
Bạn cần lưu ý rằng Chiến lược Toàn diện - Sử dụng phần thưởng và các yếu tố khích lệ không thích hợp khi con đang giận dỗi. Bất kỳ phần thưởng nào, cho dù có thể ngăn được cơn cáu giận, thì cũng sẽ củng cố hành vi xấu kia và về lâu dài, bạn sẽ cần ngày càng nhiều phần thưởng hơn. Thay vào đó, hãy khen ngợi ngay khi thấy con bắt đầu dịu lại. Bạn thậm chí có thể làm điều này ngay khi bé ngừng khóc hoặc la hét để thở lấy hơi. Tranh thủ những khoảng lặng này để dịu dàng nói với con những câu như: “Ồ, tốt rồi, con bắt đầu bình tĩnh lại rồi đó”. Cách làm này có thể hạ nhiệt cơn giận của bé ngay lúc ấy. Sau đó, khen ngợi con vì cuối cùng con đã bình tâm trở lại. Sau tất cả, khi con bắt đầu lắng xuống thì đừng chấp nhất sự bực tức nào còn sót lại, bất kể bạn cảm thấy phiền lòng thế nào, có như vậy thì bạn mới không làm nó tái phát lần nữa.
Trẻ cần phải trải nghiệm chu kỳ bình tĩnh - khó chịu - bình tĩnh
ÁP DỤNG CHIẾN LƯỢC HUẤN LUYỆN VÀ THỰC HÀNH CHO TÌNH HUỐNG Ở CỬA HÀNG TẠP HÓA
Cửa hàng tạp hóa là nơi mà các phụ huynh thường lập tức nghĩ đến khi nói về tình huống con mình nổi cơn ăn vạ. Từng kệ hàng trưng bày đủ thứ hàng hóa mà một đứa trẻ có thể tưởng tượng ra và được sắp xếp rất hấp dẫn bởi những bậc thầy tiếp thị. Và sau đó là các loại kẹo trong tầm với của trẻ ở quầy tính tiền. Có quá nhiều thứ mà trẻ muốn ở các cửa hàng tạp hóa nhưng hết giới hạn này đến giới hạn khác được cha mẹ đề ra. Tất cả những điều này đều có thể kích động cơn vật vã, giận dỗi của trẻ.
Kết hợp chiến lược Huấn luyện và Thực hành dưới đây nếu con của bạn dễ bị kích động khi đến các cửa hàng tạp hóa. Bạn có thể điều chỉnh những điều sau đây để áp dụng trong những tình huống ở nơi công cộng khi con có nguy cơ bị kích động.
Sáu bước áp dụng chiến lược Huấn luyện và Thực hành:
1. Chọn thời điểm bạn muốn huấn luyện con, khi mà bạn không nhất thiết phải mua hàng hóa gì. Bạn không nên tập trung vào bất kỳ điều gì khác ngoài con để buổi huấn luyện đạt hiệu quả.
2. Huấn luyện con cách cư xử mà bạn mong muốn, nhắc cho trẻ nhớ các kiểu hành xử xấu mà trẻ đã phải vất vả vượt qua trong quá khứ. Bạn cũng cần cảnh báo trước về hệ quả sẽ xảy ra nếu trẻ gây rắc rối (như chạy trốn, giận dỗi vì đòi mua thêm gì đó khi chờ thanh toán,…).
3. Thực hiện chuyến đi thực tế. Giữ lộ trình trong cửa hàng như thường lệ nhưng luôn tập trung vào con. Tiếp tục nhắc nhở con và liên tục khen ngợi hành vi thích hợp của bé bằng cách đưa ra những lời khen ngợi cụ thể, như: “Mẹ thích con đi ngay bên cạnh giỏ hàng như thế này thay vì chạy lên chạy xuống giữa lối đi!”.
4. Hãy sẵn sàng đối mặt với một hệ quả tiêu cực như đã thảo luận trong Chương 2, nếu mọi thứ đi ngược với dự tính. Áp dụng thời gian tách biệt (Time-Out) với con trong cửa hàng, hoặc rời khỏi đó bất kể giỏ của bạn đầy hàng hay chưa. Đây là lý do tại sao chuyến đi mua sắm này chỉ đặt nặng mục đích luyện tập cho con chứ bạn không bị áp lực phải mua được gì về nhà.
5. Hãy lịch sự hết mức có thể với các nhân viên trong cửa hàng, bởi lẽ có nhiều khả năng là họ sẽ giúp đỡ bạn khi cần.
6. Sau cùng, tiến hành điều chỉnh cho buổi huấn luyện tiếp theo. Nếu thấy con chưa thực sự sẵn sàng, hãy quyết định không đưa bé đi cùng trong tương lai gần.
Cơn giận dỗi của con trẻ tại cửa hàng vẫn là chuyện gây lúng túng và xấu hổ cho nhiều phụ huynh trong tình huống này, bởi lẽ nó ảnh hưởng đến những người đang mua sắm ở đó, dù rất có thể họ đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự khi con họ còn nhỏ. Tiến sĩ Pete vẫn còn nhớ cảnh ông ngồi trên sàn nhà, ngay lối đi giữa các kệ hàng của siêu thị Tom Thumb, vận dụng các chiến lược vừa nêu trên để xử lý cơn làm nư của con trai, toát mồ hôi và vô cùng xấu hổ.
Tiến sĩ Pete chia sẻ: “Điều liên tục xuất hiện trong tâm trí tôi khi ấy là nếu tôi thực hiện thành công các chiến lược thì sẽ ít khi gặp lại cảnh này; còn ngược lại, nếu tôi không kiên định thì chuyện này sẽ xảy ra mọi lúc. Vì vậy, tôi quyết định vượt qua nỗi xấu hổ để thu được lợi ích lớn sau đó”.
Tiến sĩ Pete kiên trì với giải pháp của mình và các cơn giận dỗi của con ông giảm dần, rồi không còn nữa (Con trai ông hiện giờ đã là một sinh viên đại học có khả năng kiểm soát rất tốt cảm xúc của mình). Nếu cần, bạn hãy vận dụng chiến lược Phớt lờ, lờ đi mọi ánh mắt đàm tiếu của tất cả mọi người trong cửa hàng và tập trung vào việc giúp con vượt qua cơn cáu giận.
ÁP DỤNG CHIẾN LƯỢC RÚT LUI
Nếu con của bạn là đứa trẻ giàu cảm xúc, dễ nổi giận thì bạn nên thử có phản ứng đồng cảm bằng cách công nhận cảm giác của bé. Bạn chỉ cần nói: “Mẹ hiểu cảm giác của con lúc này” với một giọng nói dịu dàng và bình tĩnh. Nếu không, bạn hãy chuyển sang chiến lược Rút lui.
Đối với những đứa trẻ chỉ đang làm trò để kiểm tra xem phản ứng của bạn thế nào thì chiến lược Rút lui sẽ đặc biệt hữu ích. Nếu con mè nheo ở nhà thì rút lui sẽ là lựa chọn hợp lý dành cho bạn, vì khi đó bạn có thời gian tương đối dư dả. Vì sự nhất quán trong tất cả các chiến lược này là điều cần thiết, do đó phải đảm bảo bạn không có kế hoạch nào cần thực hiện trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ sau đó.
Bạn có thể thoát ly khỏi cơn giận dỗi của trẻ bằng cách vận dụng các cách sau:
- Đáp lại trẻ bằng những câu nói nhạt nhẽo, máy móc như: “Mẹ hiểu rồi”. Cách này sẽ cho phép bạn trả lời bất kỳ câu nói nào của trẻ trong cơn giận dỗi mà không làm tăng thêm hành vi xấu. Con có thể thử bạn một lúc nhưng nếu bạn cứ tỏ ra không bị lay chuyển thì hầu hết các bé sẽ bỏ cuộc.
- Đừng nghĩ rằng mình cần phải biện hộ với con về những giới hạn đang áp dụng hay phải giải thích lý do cho bất cứ điều gì khiến bé giận dỗi, bởi vì những kiểu trao đổi này có thể làm tăng cơn thịnh nộ của trẻ.
- Đặt ra các điều kiện mà theo đó bạn sẽ thảo luận với con rõ hơn về tình huống đang diễn ra chứ không chỉ đơn thuần là những câu trả lời vô vị. Ví dụ, “Khi nào con bình tĩnh lại thì chúng ta sẽ nói về lý do tại sao con không thích quy định này”.
- Nói càng ít càng tốt.
- Bắt đầu bận rộn với những công việc nhàm chán (như công việc nhà). Điều này giúp bạn tập trung trong khi chờ con bình tĩnh lại. Mọi điều bạn nói trong cơn làm mình làm mẩy của con nên được nói bằng giọng nhỏ nhẹ, bình tĩnh để làm gương cho con thấy những gì bạn muốn con cũng sẽ làm.
THẤU HIỂU NHỮNG CƠN CÁU GIẬN MANG HƠI HƯỚNG BẠO LỰC
Một số trẻ có xu hướng thể hiện bạo lực khi tức giận. Đôi khi, chúng sẽ đấm, đá làm cơn tức giận leo thang để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Điều này có thể xảy ra khi bạn cố tình lờ đi cơn giận dỗi của con. Hành vi này cũng khá là thường tình nhưng không có nghĩa là bạn cho phép nó thoải mái xảy ra. Nếu đánh người khác là một trong những điều cấm kỵ tuyệt đối ở gia đình bạn (chúng tôi khuyên bạn nên như vậy) thì trong bất kỳ trường hợp nào, bé cũng không được phép đánh bạn hoặc bất cứ ai khi cáu giận. Nếu bạn đủ sức khống chế con thì phải ngay lập tức áp dụng Thời gian Tạm lắng khi trẻ có hành động bạo lực. Nói với trẻ bằng giọng nghiêm nghị và dứt khoát: “Không được đánh, con úp mặt vào tường!”, và bắt đầu Thời gian Tạm lắng.
Khi trẻ lớn lên và khỏe mạnh hơn thì việc khống chế trẻ có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Ngay cả một số bé mới 4 tuổi nhưng cũng quá khỏe đến mức cha mẹ phải chật vật thì mới giữ an toàn được trong cơn thịnh nộ của con. Không may là tình huống này làm dấy lên một vấn đề hóc búa: bạn không cho phép con đánh, nhưng lại khó tìm được hình phạt nào để áp dụng với con trong cơn giận dỗi. Điều này khiến tình huống trở nên hỗn loạn.
Vì vậy, chiến lược bạn áp dụng cần có khả năng kiểm soát thiệt hại. Hãy đưa tất cả những đứa trẻ khác ra khỏi khu vực của con và làm mọi cách để không bị trúng đòn của con (như dùng ghế, gối, hoặc bất cứ thứ gì để ngăn chặn). Nếu cần, bạn cứ bỏ đi chỗ khác nhưng phải lặng lẽ làm điều đó để không thêm phần kịch tính cho tình huống, thậm chí bạn phải đi thật nhanh để con không đuổi kịp. Bởi lẽ chúng ta phải nhớ là trẻ có hùng hổ ăn vạ thì cũng chỉ để thu hút sự chú ý mà thôi. Vì vậy, bạn phải tách mình ra khỏi con bằng cách bỏ đi hoặc đưa con ra chỗ khác. Một khi tình huống đã leo thang đến mức bạo lực thì hầu như bạn không thể làm gì để ngăn nó lại được nữa. Do đó, bạn hãy cứ để cho nó tự diễn biến miễn là con không gây tổn thương cho bạn, cho chính mình hay bất cứ ai khác.
Trẻ có hùng hổ ăn vạ thì cũng chỉ để thu hút sự chú ý mà thôi.
Sau khi kết thúc, bạn nên áp dụng một hình phạt cho hành vi bạo lực, đánh người của con, đặc biệt là nếu con không còn quá nhỏ. Đừng mổ xẻ đào bới quá chi tiết cơn cáu giận vừa qua của con; bạn và vợ/chồng hoặc bất kỳ người lớn nào khác có can dự vào tình huống đều phải phân tích những gì vừa xảy ra theo mô hình ABC. Mục tiêu của bạn là kiểm soát được bất kỳ yếu tố nào góp phần gây nên cơn thịnh nộ của con trong tương lai nhằm giảm khả năng xảy ra các tình huống tương tự. Tuy vậy, đôi khi cơn cáu giận đầy bạo lực vẫn xảy ra bởi một tác nhân kích hoạt khác. Đây sẽ là một quá trình học hỏi cho vợ chồng bạn, và dần dần bạn sẽ thấy mức độ cáu giận này sẽ thuyên giảm. Nếu tình hình không được như vậy hoặc chỉ cần bạn thấy những cơn giận dỗi kiểu này quá sức chịu đựng, Chương 11 sẽ đưa ra một số dấu hiệu để bạn kiểm tra xem có cần đến sự trợ giúp chuyên môn không.
XÂY DỰNG LẠI MỐI QUAN HỆ VỚI CON
Quá nhiều vấn đề về kỷ luật và ngày càng nghiêm trọng, chẳng hạn như hành động bạo lực, có thể dẫn đến cảm giác rằng mối quan hệ giữa bạn và con đang tồi tệ đi. Nếu bạn cảm thấy như thế, chúng tôi đề nghị bạn hãy xây dựng lại mối quan hệ với con trước khi áp dụng bất kỳ cách can thiệp định hướng hành vi nào khác trong quyển sách này. Đây là những chiến lược bạn có thể làm tại nhà. Hãy xóa sạch mọi ác cảm định kiến, bắt đầu lại từ đầu hoặc ít nhất là giở sang trang mới.
Bạn có thể xây dựng lại mối quan hệ với con bằng các cách tiếp cận sau:
Lên danh sách các đức tính tốt đẹp của con – những đặc điểm mà bạn thích ở bé. Trên thực tế, hãy viết chúng ra và đề nghị vợ/chồng bạn cũng làm như vậy.
- Hãy nhớ lại những lần con đặc biệt hữu ích hoặc có biểu hiện tốt. Không nhất thiết phải là khi trẻ đối xử tốt với bạn, mà bao gồm cả cách bé đã đối xử với bạn bè, thầy cô và các thành viên khác trong gia đình, hay thậm chí là với các vật nuôi. Hãy đưa hết vào danh sách.
- Ghi lại những điểm ở con mà bạn thấy khó xử lý nhất, và sau đó tìm một hướng tích cực để nhìn nhận về chúng. Ví dụ, đối với một đứa trẻ bướng bỉnh, bạn có thể thấy bé rất tự tin với chính kiến của mình và khẳng định bản thân một cách mạnh mẽ. Vì vậy, nếu trẻ học được cách khai thác, kiểm soát đam mê và bản thân mình, điều đó sẽ rất hữu ích cho trẻ trong tương lai.
- Cam kết dành ra khoảng thời gian đặc biệt ở bên con. Chỉ cần 15 đến 20 phút đều đặn hàng ngày hoặc ít nhất vài lần trong tuần, bạn ở bên con, cho con tùy chọn hình thức vui chơi, hoạt động tại nhà với nhau. Đặc điểm của thời gian đặc biệt này là “một đối một”: ba/mẹ và con. Bạn cần ngưng phán quyết trong thời gian này và dành toàn quyền chỉ đạo các hoạt động cho con. Thời gian đặc biệt có thể dành cho việc chơi một trò chơi, đi xe đạp hoặc đơn giản là nằm xích lại gần nhau trước khi ngủ. Bạn không nên có bất kỳ ý kiến gì về các hoạt động con đã lựa chọn hay cách con hành động. Mục đích là tạo ra một khoảng thời gian mà con không cần lo lắng sẽ gặp rắc rối, chỉ việc thoải mái tương tác với bạn. Đừng phá vỡ lời hứa của bạn về cam kết thực hiện những khoảng thời gian đặc biệt này và cũng không được phép biến chúng thành thời điểm để tranh cãi. Nếu không, bạn sẽ tự đẩy mình ra xa con hơn.
- Chia sẻ với con những suy nghĩ mà bạn đã viết về con khi áp dụng chiến lược Khen ngợi hành vi tốt. Bạn không cần nói về tất cả các ưu điểm của con một lần, mà cứ rả rích trong các cuộc trò chuyện. Hãy khen ngợi những điểm tốt của con ngay cả khi chúng xuất hiện cách đây đã lâu. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm các lý do hợp lý khác để khen con thường xuyên nhất có thể.
Việc xây dựng lại mối quan hệ không diễn ra tự động, nhanh chóng mà sẽ cần thời gian. Mặc dù bạn có thể gặp thất bại nhưng hãy cứ tiếp tục thêm vào danh sách của mình những điểm đáng yêu của con một cách tích cực nhất có thể. Hãy đảm bảo cả bạn và vợ/chồng, hoặc người cùng bạn nuôi dưỡng con, đều thừa nhận rằng không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Chúng ta đều có lúc “nổi điên” lên, hay hết lần này đến lần khác không giữ được bình tĩnh. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian ở bên con ngay từ bây giờ bởi điều đó sẽ đem lại lợi ích về lâu dài cho cả gia đình bạn.
***
Tóm lại, các cơn giận dỗi của trẻ có thể biến thành “trận cuồng phong” đấm đá tay chân và la hét, khóc lóc. Tuy vậy, nếu nhìn xuyên suốt thì đó là lúc trẻ đang cố gắng bộc lộ cảm xúc theo cách duy nhất mà chúng biết. Và như vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cảnh tượng đang chứng kiến. Biết được lý do tại sao điều này xảy ra sẽ giúp bạn xử lý nó một cách không căng thẳng. Mặt khác, bản thân việc giận dỗi này cũng sẽ giúp con học được cách đối phó với những cảm xúc một cách tích cực hơn.
Các cơn cáu giận thường đứng đầu bảng các vấn đề về hành vi và chúng luôn rất kịch tính. Nhưng nếu bạn có thể tiếp cận chúng đúng cách thông qua việc áp dụng Chiến lược Toàn diện và các mẹo được đề cập trong chương này, chúng sẽ giảm dần và sớm kết thúc. Việc dạy con biết cách xử lý cảm xúc sẽ giúp bạn tránh được các hành vi có vấn đề khác của con trong những năm sau, đồng thời tận dụng được giai đoạn thuận lợi để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, vốn là cơ sở cho cả gia đình.
Có một lý do khiến tại sao từ “bài tập về nhà” lại thường được trẻ thốt ra kèm với tiếng rên rỉ thở dài. Trừ khi đó là một học sinh lớp mẫu giáo phấn khích vì đã “đủ lớn” để có bài tập về nhà; còn thông thường, trẻ sẽ xem đó như là việc nhà và không phải là thứ gì vui vẻ, hấp dẫn cho lắm. Hãy thử nghĩ khi đi làm về, điều chúng ta mong muốn là gì? Làm việc thêm nữa chăng? Trẻ cũng có cảm giác như chúng ta vậy. Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi bài tập về nhà trở thành nguồn cơn gây tranh cãi giữa bạn và con.