Ở trường, trẻ được hỗ trợ phát triển tính tự giác, ổn định cảm xúc và rèn luyện năng lực thích ứng để hình thành nhân cách. Còn trong sinh hoạt hằng ngày, yếu tố quan trọng nhất chính là ổn định cảm xúc.
Đối với trẻ, cần phải để chúng tự mình đối đầu với mọi khó khăn cũng như thất bại, những điều tệ hại nhất hay những thử thách về cảm giác… Nếm trải càng nhiều, trẻ sẽ càng có nhiều động lực và ý chí để vượt qua mọi khó khăn sau này.
Giữa chừng, nếu cha mẹ giúp đỡ và hỗ trợ trẻ, sẽ khiến trẻ mất ngay ý chí. Nếu khuyến khích cha mẹ giao phó, thì phần lớn cha mẹ đều nói là: “Ruồng bỏ trách nhiệm sao?”. Đó không phải là ruồng bỏ trách nhiệm. Nếu là ruồng bỏ, đấy chính là bỏ cho đứa trẻ tự do, không hề can thiệp hay nuôi dạy gì cả. Còn giao phó ở đây có nghĩa là vừa nhìn hành động của trẻ nhưng không nhắc nhở và giúp đỡ trẻ, đó cũng là một phương pháp gây không ít khó khăn cho các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con. Tuy nhiên, cách thức nuôi dạy này sẽ làm trẻ phát triển tốt tính tự giác, đồng thời cũng thúc đẩy ý chí nơi trẻ.
Ngoài ra, việc trải nghiệm nhiều thứ từ bản thân sẽ rất có ích trong việc nuôi dưỡng năng lực ứng dụng cho trẻ. Tham gia thực hiện công việc nhà cũng giúp ích rất nhiều cho trẻ. Và ở một số đứa trẻ, chúng vô cùng thích thú với công việc nhà.
Đối với khả năng thích ứng thì ở một khía cạnh quan trọng khác, trẻ sẽ biết kìm hãm những ham muốn về vật chất và tiền bạc. Khi trẻ còn là học sinh tiểu học, cha mẹ nên dạy con có tính tiết kiệm và không tiêu xài hoang phí, dạy con biết cách sử dụng số tiền nhất định trong khả năng có thể xài. Và nếu con có muốn xài hơn thế đi nữa thì cũng phải kiềm chế.
Nếu nhìn vào biểu hiện của những đứa trẻ thời nay, ta có thể thấy được chúng đang phát triển ngược lại với biểu đồ hình tam giác trang bên. Nói tóm lại, thường có những hiểu biết hoặc nhận thức sai lầm, rồi lầm tưởng rằng trẻ ngoan, nhưng tính tự giác của trẻ hình thành trễ, đồng thời về cảm xúc cũng không được ổn định. Đối với những đứa trẻ như thế, khi gặp phải những khó khăn gì thì rất dễ bị suy sụp, dẫn đến chán nản. Khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ sẽ bỏ học, không muốn đến trường, bạo lực gia đình, hoặc có những hành động với biểu hiện rối loạn thần kinh.
Những ông bố bà mẹ của những đứa trẻ đó, vì họ có mong muốn mãnh liệt là muốn con thông minh nên đã vô tình áp đặt trong sự phát triển và lớn lên của trẻ. Do khi còn nhỏ trẻ bị áp đặt như thế nên khi lớn lên, chúng bắt đầu cảm thấy áp lực và trở nên bùng nổ với mọi thứ. Có câu nói rằng “Những điều mà người lớn dạy trẻ từ lúc lên ba sẽ ăn sâu vào tâm trí và hình thành trong con người của trẻ, không thay đổi cho đến khi trẻ lớn lên và già đi”.
Cha mẹ hãy cố gắng cho trẻ cảm nhận được niềm vui giữa cha mẹ và con cái. Để tạo nên niềm vui đó, không có cách nào khác đó là bản thân các ông bố bà mẹ phải tự nỗ lực.
Bước đầu trong giai đoạn tạo ra niềm vui cho trẻ đó là cha mẹ phải có cơ hội cùng nhau nói chuyện. Bằng cách này, cả hai sẽ có thể cùng làm rõ quan điểm nuôi dạy con, để từ đó cùng nhau tạo nên một bầu không khí gia đình vui vẻ, ấm cúng. Điều này có sức ảnh hưởng và có quan hệ mật thiết với sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần con trẻ.
Về điểm này, ở thời buổi hiện nay, tôi nhận thấy các gia đình đang bị thiếu thốn về mặt tình cảm, cha mẹ hầu hết không có thời gian, cũng như cơ hội để cùng nhau nói chuyện một cách nghiêm túc. Và kết quả là việc nuôi dạy con giữa hai người là khác nhau, gánh nặng nuôi con luôn bị đặt nặng lên vai người mẹ, để rồi một khung cảnh gia đình vui vẻ, ấm cúng không thể có được, cảm xúc của con cái trở nên bất ổn. Rồi đa phần làm chúng chán nản học hành, dẫn đến trốn học hoặc bỏ học giữa chừng. Kèm theo đó là những vấn đề phát sinh vào thời thơ ấu. Cho nên để ngăn chặn những điều đó, tôi đang tập trung vào việc làm thế nào để cha mẹ có thể nuôi dạy con mình tốt nhất, đặc biệt là đối với trẻ từ cấp tiểu học cho đến trung học. Về phương pháp để hướng dẫn các cha mẹ một cách đúng đắn, tôi sẽ rất vui khi các bạn tìm đọc những cuốn sách mà tôi đã viết.
Nobuyoshi Hirai